Dịch giả: Liêu Quốc Nhĩ
Chương 25

Trong cái đêm chúng tôi bị Khuyển Dưỡng Quang Hùng bắt giữ, Anh Tử có hứa nếu có dịp sẽ mời chúng tôi đến nhà nàng chơi. Và quả nhiên mấy hôm sau bọn tôi nhận được thiếp mời gửi đến. Bốn cô bạn gái cùng lớp đều được mời cả, còn phía con trai thì Anh Tử chỉ mời Ngô Hán Thanh, Lưu Đại Khôi, Dương Sơn, Cao Triết Huê và tôi. Đến để dự sinh nhật nàng.
Trong thâm tâm, chẳng ai muốn đặt chân đến cái ngôi nhà của kẻ thù lần nữa. Cái chết của thầy Dương và Ngô Nhân Kiệt còn sờ sờ trước mặt kia? Nhưng vì nể tình Anh Tử, nên cuối cùng bọn tôi cũng đến dự.
Hôm ấy thầy Hiệu trưởng cũng được mời. Thầy biết chuyện Anh Tử ó mời chúng tôi nên đã khuyên nên vì nhà trường mà đến, đừng để Khuyển Dưỡng Quang Hùng nghi ngờ gì cả. Ông cũng khuyên chúng tôi nên ăn mặc đẹp và đến đúng giờ.
Hôm ấy chúng tôi ai cũng cố làm đẹp. Chủ yếu là để kẻ thù thấy chúng tôi không “đói” như họ đợi. Vẫn sống và vẫn thấy kiêu hãnh không sợ kẻ thù. Anh tử thì biết chúng tôi còn thành kiến với Nhật, nên bỏ hết những chiếc Kimono, nàng cũng mặc áo dài Thượng Hải màu đỏ. Đồ đạc trang trí trong phòng ăn cũng theo kiểu Hoa với những chậu hoa mẫu đơn khoe sắc.
Trên chiếc bàn dài có một chiếc bánh sinh nhật to tướng.
Và quả thật sự thay đổi trang phục và cách bài trí trong phòng của Anh Tử đã nhận được cảm tình của chúng tôi. Tô Huệ Văn vừa nhìn thấy Anh Tử đã khen.
- Chị đẹp lắm! Nếu chỉ nhìn phía sau bọn này sẽ không nhận ra chị là người Nhật.
Anh Tử khiêm tốn.
- Hôm nay tôi thấy ai cũng đẹp cả. Mọi người đều có vẻ người lớn hơn mọi khi!
Vương Ngọc Anh nghe vậy cười.
- Nếu tôi là con trai có lẽ tôi sẽ trồng cây si ở nhà chị.
Anh Tử thẹn thùng.
- Chị nói quá lời! Nhưng người đẹp và thùy mị nhất ở đây là chị Mục Ly! Xem nào, nãy giờ chị ấy có nói tiếng nào đâu?
Dương Sơn nãy giờ yên lặng chợt quay qua Hán Thanh nói.
- Hán Thanh! Bạn hãy đại diện cho bọn này tặng hoa Anh Tử đi. Để chúc mừng ngà vui của Anh Tử.
Ngô Hán Thanh đỡ lấy bó hoa mà chúng tôi đã hái trong vườn trường, nhưng không đưa cho Anh Tử mà chỉ đặt lên bàn, Vương Ngọc Anh trêu.
- Xem kìa! Anh Thanh hôm nay nào phải cầu hôn đâu mà anh có vẻ lúng túng thế.
Anh Tử thì làm ra vẻ như không nghe thấy, lí nhí nói lời cảm ơn mọi người rồi nói.
- Thưa các bạn, tôi rất sung sướng khi được các bạn cùng đến đây vui đùa với tôi. Để cho cuộc vui mình được trọn vẹn, thân phụ tôi và thầy Nguyên cùng những người lớn khác đều tránh mặt. Vậy các bạn cứ vui đùa tự nhiên nhé.
Những ngày qua đã khiến đầu chúng tôi căng thẳng, nên đây là dịp để chúng tôi quên hết ưu phiền, thế là Dương Sơn đề nghị.
- Vậy hãy mở nhạc lên đi!
Anh Tử mở máy hát, các bạn gái nói.
- Đã rất lâu mình không còn được khiêu vũ.
- Trước khi chiến cuộc xảy ra. Gần như ngày nào mình cũng được vui đùa.
- Chuyện đó nào có bao lâu mà xem chừng như cả thế kỷ.
Tôn Thắng Nam õng ẹo.
- Bửa nay tôi không nhảy với Cao Triết Huê đâu. Anh ta nhảy dở lắm, cứ đạp chân người khác.
Cao Triết Huê đỏ mặt.
- Nói lạ không, trước kia thì khác, chớ bây giờ tôi nhảy giỏi lắm rồi.
Lưu Đại Khôi không ưa chuyện khiêu vũ nên nhận nhiệm vụ trông chừng máy hát. Hắn kéo tôi đến trước mặt Mục Ly nói.
- Mi thay ta làm bạn nhảy cho Mục Ly.
Dương Sơn, Vương Ngọc Anh, Cao Triết Huê, Tô Huệ Văn đều hăng hái kéo ra khoảng sân rộng. Anh Tử nhìn Ngô Hán Thanh chờ đợi. Hán Thanh đỏ mặt nói.
- Tôi không biết nhảy.
Anh Tử kéo tay Thanh.
- Tôi dạy cho một chút sẽ nhảy được ngay.
Đèn được tắt bớt cho không khí dịu hẳn. Tôi dìu Mục Ly trong tiếng nhạc. Mục Ly chợt hỏi.
- Sao anh không có bạn gái?
Tôi cười.
Vì tôi không có điều kiện như Lưu Đại Khôi cũng như Đinh Như Ngọc.
Mục Ly lườm tôi.
- Anh cũng như Dương Sơn, tôi nói chuyện đàng hoàng mà.
Tôi đùa.
- Tôi cũng nói chuyện đàng hoàng ấy, học thì tôi không bằng Lưu Đại Khôi, còn thanh thế thì tôi chẳng bằng Đinh Ngọc Như.
Mục Ly cười nhạt.
- Người ta cho giữa tôi và Đinh Ngọc Như đã có gì rồi ư? Thế nhận xét của anh thế nào?
Tôi nói thẳng.
- Hai người chẳng xứng đôi tí nào cả.
Mục Ly thở dài:
- Tại anh không hiểu. Tình cảm con người rất là phức tạp, đôi khi ta không thèm nó đến. Khi ta muốn thì nó lại xa ta. Mọi thứ không thể nói trước được.
- Ý cô muốn nói con tim nó có lý lẽ riêng của nó? Và lý trí không thể áp đặt được.
- Chuyện đó cũng không thể khẳng định được. Lúc có lúc không!
- Nghĩa là nhiều lúc nó đến thì đến, chớ không thể rập khuôn hay sắp xếp.
Mục Ly nghe vậy nói:
- Vâng. Tôi lấy ví dụ như trường hợp của Điền Mục Thanh. Điền Mục Thanh yêu Anh Tử tha thiết đến độ sãn sàng hy sinh, trong khi Anh Tử lại thích mẫu người hoạt động như Ngô Hán Thanh.
Tôi ngạc nhiên.
- Cô cũng nhận ra điều ấy ư?
- Sao không? Gần như mọi người đều biết nhưng không nói ra. Cả Tôn Thắng Nam cũng biết.
- Như vậy với cô đó là thế nào? Đau khổ hay hạnh phúc?
Mục Ly dẫn tôi đến một góc vắng nói.
- Tôi thấy tội nghiệp cho Tôn Thắng Nam! Vì Tôn Thắng Nam chỉ có cái bề ngoài xấu xí chớ trong lòng rất đẹp. Con trai các anh là những người thích mã ngoài thôi, nên rất tầm thường.
- Chưa hẳn vậy đâu cô ạ. Bởi vì cô cũng thấy đó, Anh Tử đẹp cả nết lẫn người.
Mục Ly cười nhẹ.
- Chính vì vậy mà cả Uông Đông Nguyên cũng mê? Mê đến độ quên cả danh dự con người.
- Cô cũng thấy Uông Đông Nguyên yêu Anh Tử nữa à?
- Vâng, Giữa Ngô Hán Thanh, Anh Tử và Uông Đông Nguyên  có một mối tình tam giác. Anh có cho rằng họ sẽ hạnh phúc không?
- Theo cô sự việc này rồi sẽ đưa đến kết cục thế nào?
- Thật là khó xử, chỉ trừ trường hợp Hán Thanh chịu theo giặc hoặc Anh Tử phản bội cha.
- Đúng, cả hai đều khó có thể xảy ra. Nhưng nếu kéo dài mãi thế này là đau khổ.
Mục Ly làm dấu thánh giá rồi nói.
- Đau khổ đã có bắt đầu từ vườn địa đàng. Thế anh thấy thái độ của Hán Thanh ra sao?
Tôi suy nghĩ rồi nói.
- Hắn có vẻ rất buồn. Nửa yêu mà nửa không dám yêu.
- Anh Tử lại khác. Sẵn sàng yêu mà chẳng được đáp lại.
Tôi thật bất ngờ vì cái nhìn khá tinh tế của Mục Ly. Vì trước đây có lần cả lớp cũng có tổ chức buổi hội thảo với đề tài “Tình yêu là gì?”, nhưng suốt buổi nào có thấy Mục Ly ý kiến gì đâu? Tôi nói.
- Cô có cái nhìn rất chính xác. Nhưng đó là chuyện nội bộ họ, ta chẳng có thể giúp ích được gì.
- Vâng. Sự việc phải do chính họ giải quyết. Riêng tôi thì thấy nên chọn một tình yêu vĩnh cửu hay hơn.
Tình yêu vĩnh cửu là gì? Tôi vừa định hỏi thì đã thấy Anh Tử và Ngô Hán Thanh dìu nhau đến gần bọn tôi. Mục Ly vội đổi đề tài.
- Sắp tốt nghiệp rồi, anh có dự tính gì cho tương lai không?
- Trong hoàn cảnh này, tôi thấy chuyện chọn lựa không còn là của mình nữa. Tương lai vô cùng mù mịt.
Mục Ly yên lặng như nghĩ ngợi điều gì, đợi đến lúc Anh Tử và Hán Thanh đã kéo đi xa, mới hỏi.
- Anh có ý định về hậu phương không?
Tôi định thăm dò tình cảm giữa Mục Ly với Đại Khôi xem đã tiến triển đến đâu, nên nói.
- Có lẽ Đại Khôi cũng giống như chúng tôi, cùng về đấy. Thế còn cô?
Mục Ly lắc đầu.
- Tôi không đi đâu cả.
Cô sợ nguy hiểm học đường? Hay đến đấy cuộc sống sẽ khó khăn?
Mục Ly có điều suy nghĩ rồi nói.
- Tất cả đều không phải. Có điều… Tôi có chuyện này định nhờ anh.
- Cô cứ nói!
- Nhưng anh phải giữ kín không được thổ lộ cho ai biết cả?
- Tôi hứa.
- Bao giờ các bạn về hậu phương rồi, xin hãy nói lại với Đại Khôi là… Anh ấy hãy tìm một đối tượng khác đi. Tôi không có duyên với anh ấy.
Tôi ngạc nhiên.
- Tại sao vậy? Chẳng lẽ cô đã yêu Đinh Ngọc Như thật sao?
Mắt Ly ươn ướt.
- Tôi không thể trả lời anh điều anh vừa hỏi. Tôi yếu đuối hơn Anh Tử và Ngô Hán Thanh, nhưng tôi cũng có cách giải quyết của tôi.
- Cách gì vậy? Có thể cho tôi biết được không?
Mục Ly cười nhẹ.
- Tôi muốn đi tu.
- Đi tu à? – Tôi giật mình vì quyết định của Mục Ly, tôi hỏi lại – Cô định đi tu? Thật ư? Mà tại sao cô lại nghĩ đến chuyện đó?
Mục Ly nói khẽ.
- Làm gì lớn tiếng vậy? Nói khẽ thôi. Chuyện này tôi, suy nghĩ lâu lắm rồi. Tôi thấy hiến dâng thân xác mình cho Đức Mẹ là một việc làm thanh khiết cao cả. Hơn là trao cho bất cứ một người đàn ông nào.
- Chẳng lẽ cô chẳng yêu Lưu Đại Khôi?
Mục Ly thừa nhận.
- Yêu chứ! Nhưng tình yêu cũng có nhiều thứ. Đức Chúa trời vì thương yêu loài người nên mới hiến dâng Jesus lên thập tự giá. Đó là thứ tình yêu cao cả.
- Nhưng Thượng đế cũng nào có phản đối tình yêu của hai người khác phái đâu?
- Đồng ý. Nhưng sự hiến dâng của tôi có một ý nghĩa khác. Tôi có cảm giác Đức Mẹ đang gọi tôi về với người.
- Tôi không tin. Tôi nghĩ chuyện Mục Ly đi tu là còn một nguyên nhân khác!
Mục Ly thở dài không trả lời thẳng câu hỏi mà lại đọc một đoạn thơ “Quyết biệt thư” của Lâm Giác Văn.
- “Thối tha đầy rẫy, lang sói khắp nơi, hỏi ai tìm được ý vui trên đời…”
Với bản tính thầm lặng, sống nhiều bằng nội tâm, chuyện Mục Ly thích đi tu là chuyện không có gì ngạc nhiên. Nhưng ngẫm lại tôi thấy tiếc. Một cô gái đang ở tuổi xuân phơi phới lại phải giam mình trong giáo đường lạnh lẽo. Thì quá uổng một kiếp người. Vì vậy tôi cố ra sức thuyết phục. Nhưng lúc đó đèn đã bật sáng, nên tôi nói Mục Ly.
- Một chút chúng ta nhảy tiếp nữa nhé? Tôi có điều muốn nói với Mục Ly.
Nhưng Mục Ly vẫn lắc đầu.
- Cám ơn anh, chỉ xin anh đừng tiết lộ một chút gì với mọi người khác về chuyện ban nãy.
Tôi đưa Mục Ly về chỗ ngồi. Cao Triết Huê vừa thấy Mục Ly đã sà vào.
- Bản nhạc kế là đến phiên tôi đấy nhé.
Mục Ly cười chỉ vào Anh Tử.
- Đàn ông phải biết galant một chút. Tại sao anh không mời chủ nhân.
Nhưng Anh Tử đã từ chối khéo.
- Tôi chưa dạy anh Thanh nhảy thuần thục, đợi một lát đi!
Dương Sơn ra hiệu cho tôi rồi chỉ Vương Ngọc Anh…
- Này, nhảy với người đẹp này đi, nhưng coi chừng “mèo” cắn đây!
Vương Ngọc Anh cười.
- Tôi chỉ cắn lũ chuột nhắt chứ không cắn người.
Mọi người cười ồ khi nhớ đến biệt danh của Đinh Ngọc Như là chuột nhắt.
Tiếng nhạc lại trỗi lên. Vương Ngọc Anh nói với tôi.
- Anh còn nhớ cái hôm đó không? Chuột nhắt thì ngồi núp sau cái ghế bành kia. Còn chúng ta là những tên tội phạm thì đứng giữa sân này. Cuộc đời chẳng khác gì một màn kịch “xưa là tội phạm, nay là khách mời”.
Tôi nghĩ đến những điều Mục Ly nói ban nãy, nói:
- Kịch ư? Biết đâu chuyện Mục Ly và Đinh Ngọc Như yêu nhau là thật thì sao?
Vương Ngọc Anh lắc đầu vừa nói vừa chỉ về phía cặp Anh Tử - Ngô Hán Thanh.
- Anh thật kém nhận xét. Mục Ly và Đinh Ngọc Như chỉ đóng kịch thôi. Còn cặp kia kìa. Họ mới là thật đấy.
Tôi quay qua nhìn. Bước chân Ngô Hán Thanh đã thuần thục nên Anh Tử ko cần chỉ vẽ nữa. Nàng tựa đầu lên vai Thanh. Họ đang thầm thì điều gì mà có vẻ đắc ý. Vương Ngọc Anh thúc nhẹ lấy tôi.
- Mình đến gần để nghe xem họ đang nói gì?
Chúng tôi cố ý đánh một cái vòng lớn để rồi tiến gần sát bên Anh Tử. Chỉ nghe Anh Tử nói như đang kể chuyện.
- … Chúng ta sẽ đến một hòn đảo xa lắc, ở đó thế giới còn hoang sơ nhưng hạnh phúc hơn cái thế giới văn minh này nhiều. Nơi đó con người không có tên tuổi, nên chẳng ai muốn có công danh địa vị, người người như nhau. Đói thì ăn, khát thì uống. Nói với nhau bằng những bài hát. Không có cái gì gọi là vấn đề mà nếu có thì giải quyết bằng tình cảm, nên chẳng cần pháp luật. Vì vậy mà chẳng có thù hận, đố kỵ, ganh tị… Đó là hòn đảo hạnh phúc…
Vương Ngọc Anh kề sát tai tôi nói.
- Đấy anh nghe chưa? Anh Tử đang bàn đến “Hòn đảo hạnh phúc” đấy.
Tôi nhìn qua. Anh Tử đã nhìn lên hỏi.
- Anh thấy câu chuyện em thế nào?
Ngô Hán Thanh nhìn sang nơi khác như né tránh.
- Tốt lắm! Lý tưởng lắm! Nhưng đó chỉ là hòn đảo không tưởng. Một sự mơ mộng hão huyền của thi nhân.
Anh Tử vẫn tấn công.
- Giả sử như có một hòn đảo như thế, anh có đồng ý cùng em đến đấy không?
Ngô Hán Thanh chỉ nói.
- Bao giờ kháng chiến thành công, đất nước thanh bình còn bây giờ tôi chẳng có bụng dạ nào cả.
Anh Tử có vẻ hờn.
- Anh nói vậy… chẳng qua vì anh không hề nghĩ đến em.
Ngô Hán Thanh nói.
- Làm sao tôi dám mơ tưởng đến những chuyện đó khi mà đồng bào tôi còn phải chịu thống khổ. Hạnh phúc vị kỷ nào có phải là hạnh phúc dài lâu. Lương tâm không cho phép. Vì vậy tôi chẳng dám nghĩ đến “hòn đảo hạnh phúc”.
Anh Tử nói.
- Bất cứ lúc nào em cũng chỉ nghe đến chuyện cứu nước. Được gần gũi bên nhau nào có dễ dàng. Tại sao anh không khép lại một ít phút.
Vương Ngọc Anh cười khúc khích, nói khẽ.
- Anh có nghe họ đang tình tự không?
Tôi không đồng ý.
- Có gì để gọi là tình với tự, nghe kìa. Anh Tử bảo Ngô Hán Thanh thật đáng ghét.
- Con trai các anh thật khờ. – Vương Ngọc Anh bực dọc nói – Vậy mà tối ngày cứ ôm mộng sẽ trở thành nhà văn. Tâm lý phụ nữ anh chẳng biết gì cả. Con gái noi ghét là yêu, nói không thích là thích. Nếu không cô ta mời Hán Thanh đến dự sinh nhật mình làm gì?
Tôi cười.
- Hèn gì tôi thấy tối ngày cứ cãi nhau với Dương Sơn.
Vương Ngọc Anh bực tức lườm tôi.
Đến bản nhạc thứ ba, Tô Huệ Văn đến nhảy với tôi. Cao Triết Huê với Vương Ngọc Anh. Dương Sơn với Mục Ly. Còn Anh Tử vẫn giữ chặt Ngô Hán Thanh.
Tô Huệ Văn chẳng hổ danh là “gà mái dầu”. Cô nàng nhảy cạnh tôi mà mồm cứ luôn “cục tác”. Nàng dài dòng kể lể chuyện tình giữa cô nàng với Cao Triết Huê cho tôi nghe. Những chuyện đó tôi đã nghe nói nhiều lần đến nhàm tai, mà cô nàng cứ kể mãi.
Chúng tôi dìu nhau đến cạnh đôi Anh Tử và Ngô Hán Thanh. Tôi chỉ yên lặng, cố nghe lén chuyện Anh Tử.
- “… Anh biết không. Lúc đó cha em cứ uống rượu hoài. Còn em bị bỏ rơi, nên chỉ chơi với con hàng xóm…
Anh Tử đang kể về thời thơ ấu của mình cho Ngô Hán Thanh nghe.
- “… Em giống như một đưa bé mồ côi, không ai chăm sóc, sau đó cha em cho mời một thầy giáo về dạy kèm cho em, đó là thầy Uông Đông Nguyên…”.
Nghe nói đến Uông Đông Nguyên. Tôi cố tình dìu Tô Huệ Văn đến gần lưng Anh Tử hơn.
- “… Mẹ thầy Uông là người Nga, cha người Trung Quốc, thầy Uông học Đại học ở Nhật. Ông là là người có tài nên sau mấy tháng dạy kèm, thầy Uông được cha cất nhắc lên làm thư ký. Mọi thứ công văn đều qua tay thầy xử lý và để tăng thêm thu nhập cho thầy, quân đội còn trả thêm khoản tiền thông dịch. Khi chiến tranh Trung Nhật bùng nổ, quân đội định đưa thầy đến Mãn Châu để giữ những chức vụ cao hơn. Nhưng thầy Uông lại không chịu. Thầy vẫn ở lại nhà em. Cha đi đâu thầy đi đó, như một người bạn trung thành.
Ngô Hán Thanh gật gù.
- Chính vì vậy ông ta thân thích với Anh Tử.
Anh Tử lắc đầu.
- Anh đừng nghĩ sai. Em đã nhiều lần nói với anh. Khi chưa biết anh, ông ấy là người bạn duy nhất, hiểu em, cưng chiều em. Anh nghĩ xem người biết nghĩ đến mình, hiểu mình, không phải là người bạn tốt ư?
Ngô Hán Thanh có vẻ hờn dỗi.
- Nếu vậy cô cứ thân với ông ấy, đâu ai cấm cản?
Anh Tử cười.
- Xem kìa! Chưa gì anh đã giận rồi. Anh nhớ nhé, dù anh chỉ lớn hơn em một tuổi, em cũng gọi là anh, anh phải biết chiều em trong ngày sinh nhật chứ?
Ngô Hán Thanh nói to hơn.
- Tôi muốn có hứa là từ đây về sau phải giữ khoảng cách với Uông Đông Nguyên!
Lời của Ngô Hán Thanh khá to khiến Anh Tử giật mình nhìn quanh. May mà lúc đó Cao Triết Huê và Vương Ngọc Anh nói lớn nên không ai nghe thấy.
Ngô Hán Thanh thấy vậy vội hạ thấp giọng.
- Xin lỗi Anh Tử nhé! Nhưng nhắc đến ông ấy là tôi không dằn được bực dọc!
Anh Tử đưa tay lên sờ nhẹ vết roi trên mặt Thanh.
- Em biết! Bữa đó anh thù ông ta lắm, nhưng sau đó thầy Uông đến gặp em nói trước mặt cha em, ông ta không thể làm khác hơn được!
Ngô Hán Thanh lắc đầu.
- Cái chuyện hôm đó đối với anh không quan trọng. Anh chỉ giận ông ta một điều là đã quên gốc gác của mình, lại còn tiếp tay cho kẻ thù.
Anh Tử cười bình tĩnh.
- Về chuyện này, anh cũng đừng nên nghĩ oan cho người ta. Anh có biết là thầy Uông trong thời gian qua đã cứu bao nhiêu người Trung Quốc thoát chết rồi không? Chính em thấy nhiều lần quân đội định xử bắn những đội viên du kích, chính thầy Uông đã xin tha cho họ.
Thế tại sao hôm bọn anh bị bao vây ông ấy không báo trước? Hôm sau còn đi theo cha em đi bắt du kích?
- Em nghĩ có khi cả ông ấy cũng không biết, vì cha em và chú Suzuki làm chuyện này một cách bí mật.
- Sao em biết chắc như vậy?
- Vì mọi lần trước khi đi hành quân cha em đều có dặn dò trước với em. Vì nếu ông ấy có chết thì em phải làm gì chứ? Thế mà lần đó cha chẳng nói năng gì cả.
Ngô Hán Thanh lắc đầu.
- Anh không tin là Uông Đông Nguyên lại tốt như thế. Nếu thật sự ông ta là người ái quốc sao chẳng cứu Ngô Nhân Kiệt?
Anh Tử nói.
- Thầy Nguyên nói khi Ngô Nhân Kiệt bị bắt, ông ta đã là một phế nhân nặng, vì vậy để ông ấy chết tốt hơn là sống.
Ngô Hán Thanh có vẻ bất bình.
- Lúc nào em cũng bênh vực cho ông Nguyên.
Và Ngô Hán Thanh không kìm chế được nữa, tiếp.
- Nếu ông ta tốt như vậy thì em hãy làm vợ ông ta đi, còn nghĩ đến tôi mà làm gì?
- Kìa anh! – Anh Tử kêu lên rồi dìu Hán Thanh đi nơi khác nói – Em xin lỗi, anh nhé!
Bản nhạc dứt, lại một bản kế tiếp. Tôi vừa buông Tô Huệ Văn ra thì Anh Tử nói.
- Một lát nữa mình đổi bạn nhảy cho nhau nhé.
Thế là bản nhạc kế, tôi và Anh Tử một đôi. Anh Tử tựa đầu lên vai tôi.
Vai tôi hơi ướt có lẽ vì Anh Tử khóc. Tôi hỏi.
- Anh Tử có cảm thấy mệt không?
Anh Tử lắc đầu.
- Không. Tôi vui lắm!
Tôi biết Anh Tử và Ngô Hán Thanh vừa cãi nhau nên cố làm loãng bớt không khí, tôi nói:
- Tốt nghiệp xong, Anh Tử có định về nước để lên đại học không?
- Không, tôi sẽ ở lại đây với cha tôi.
- Có nghĩa là cô bỏ học? Chứ cha cô là quân nhân dịch chuyển luôn làm sao co học?
Anh Tử nói.
- Tôi đã nghĩ đến điều đó, nhưng tôi không đành lòng để cha tôi sống một mình.
- Tôi không tin, ông ấy hung tợn như vậy mà làm sao lại cô đơn được?
Anh Tử lấu giọng tiếp.
- Tại sao không biết. Anh chỉ nhìn thấy cái bề ngoài chớ chẳng biết được nội tâm.
Mọi người đều nói lòng dạ của Khuyển Dưỡng Quang Hùng thật độc ác…
Đang nói đến đó, tôi chợt nhớ ra hôm nay là sinh nhật của Anh Tử, không nên phê phán cha cô ấy. Nên tôi đổi giọng nói.
- Đó là dự luận bên ngoài, thật ra nhìn thấy mặt ông ấy ai mà chẳng sợ.
Anh Tử có vẻ ngạc nhiên.
- Tại sao anh nói là ai cũng ghét cha tôi?
Anh Tử nói rồi thở ra.
- Tính ông ấy thay đổi như vậy là vì… Cái gì cũng có lý do của nó.
- Tôi thì cho rằng đó là hậu quả của một nền giáo dục kỷ luật quân đội. Khi một nước muốn xâm lược nước khác họ thường giáo dục công dân học như thế.
Anh Tử lắc đầu.
- Anh đã nghĩ sai về cha tôi…
Và Anh Tử đã kéo tôi đến gần tủ rượu chỉ vào bức ảnh người đàn bà đặt trên đấy nói.
- Đây là ảnh của em tôi. Cái chết của mẹ tôi là nguyên nhân khiến cha tôi trở nên dữ dằn.
Tôi chăm chú nhìn bức ảnh. Người đàn bà rất giống Anh Tử, nhưng không sắc sảo bằng. Nhìn người đàn bà đột nhiên tôi nhớ đến thầy Dương và những gì Lưu Đại Khôi đã kể. Đang lúc nghĩ ngợi, chợt tôi nghe Anh Tử nói.
- Anh có nghe người ta đồn về sự liên hệ giữa mẹ tôi và thầy Dương không?
Tôi gật đầu. Không muốn Anh Tử buồn, nên nói.
- Tôi thấy những lời đồn đại đó là vô căn cứ.
Rồi nàng rót một ly rượu nho đưa cho tôi, rồi rót một ly khác cho nàng. Lưu Đại Khôi tiếp tục cho các đĩa nhạc vào máy. Tôi vẫn tiếp tục nhảy với Anh Tử. Chúng tôi dìu nhau đến gần cửa sổ. Bên ngoài ánh trăng đang tỏa sáng cả một khoảng vườn. Anh Tử đứng lại, mắt hướng ra ngoài có chiều suy nghĩ.
- Ta nghỉ một lát nhé!
Anh Tử nói, mắt long lanh rồi bỗng thở dài.
- Chuyện họ đồn là có thật đấy, anh ạ. Thầy Dương tên thật là Lý Quang Trung, mười mấy năm về trước, ông là bạn học cùng lớp với ba mẹ tôi. Và một mối tình tay ba nổi lên. Nhưng tình cảm mẹ dành cho thầy Dương có chiều nặng hơn.
Tôi làm bộ không biết, hỏi.
- Thế sao họ lại không lấy nhau?
- Vì hoàn cảnh không cho phép. Sau khi thầy Dương về nước mẹ tôi trong một hoàn cảnh khó xử đã lấy cha tôi. Nhưng trái tim người lại vẫn hướng về thầy Dương. Điều đó khiến cha tôi đau khổ, người bắt đầu uống rượu giải sầu. Tính ông bắt đầu nóng nảy. Ông nguyền rủa cả nhân loại.
- Tình tay ba nào lại chẳng phức tạp?
Tôi nói. Anh Tử gật đầu.
- Chuyện tình của họ quả chứa đầy yêu thương giận hờn. Vì vậy nếu tôi mà là nhà văn, tôi sẽ dựng nên một pho tiểu thuyết lớn được.
- Ai kể mà cô biết vậy?
- Chuyện này tôi chỉ mới nghe đây thôi. – Anh Tử nói – Sau khi nghe tin thầy Dương tự tử chết. Tôi mới trách cha sao để chú Suzuki vào trường bức thầy để thầy tự tử. Vì nếu thật sự thầy là người chống đối Thiên Hoàng, thì cứ cho ông ấy nghỉ dạy cũng giải quyết được việc.
- Thế cha cô đã nói sao?
- Cha tôi không trả lời. Chỉ uống cạn ly rượu này đến ly rượu khác. Tôi giận quá dẹp hết mấy chai rượu đi. Cha tôi mới kể hết tâm sự cho tôi nghe.
- Nhờ vậy mà cô mới biết hết sự việc?
- Vâng. Sau đó tôi lục trong chiếc rương cũ của cha được quyển nhật ký của mẹ. Nhờ vậy mới xác minh sự việc về mối tình giữa mẹ và thầy Dương là có thật. Và cũng nhờ đó mà biết được mối tình tay ba giữa ba mẹ và thầy Dương. Sau đó tôi đi gặp lại cha tôi lúc người đã tỉnh rượu. Cha mới nói cho biết là người không hề có ý giết thầy Dương. Người chỉ muốn thầy Dương thú nhận là trước đây đã lường gạt tình cảm của mẹ tôi. Nếu thầy Dương nhận, thì cha tôi sẽ xử sự một cách quân tử, đấy là tha thầy. Nhưng sự việc không ngờ lại diễn biến như thế.
Tôi hiểu cái chết của thầy Dương không đơn thuần là vì tinh yêu cũ, nó còn dính dáng đến những sự việc khác. Nhưng không buồn đính chính. Có điều tôi vẫn thấy buồn buồn về mối tình tay ba của họ. Tôi chỉ nói.
- Mẹ cô đã biết rõ là mối tình với thầy Dương khó lòng tiến đến hôn nhân. Sao vẫn một lòng một dạ yêu?.
Anh Tử khẳng khái
- Đàn bà là vậy đó anh ạ. Đã thật lòng yêu rồi thì tình yêu là trên hết. Không màng đến chuyện khác.
Đó chỉ là tự làm khổ cho mình, nói khác đi làm khổ cả ba. Đã biết là bi kịch mà vẫn dấn thân vào.
Anh Tử lắc đầu.
- Chuyện tình yêu nó thuộc về tỉnh cảm rồi, đừng có đem lý trí mà xét đoán, nó sẽ sai lệch cả ý nghĩa.
Tôi gật gù nhưng vẫn nói.
- Đúng vậy. Có điều còn trẻ thì phải kiểm soát tình cảm.  Biết dừng lại từ đầu thì có thể  tránh được hệ lụy về sau.
Anh Tử nói:
- Người con gái khi bước vào tình yêu thường bừng bừng như lửa. Khi đã yêu rồi khó mà rút lui.
- Sao lạ vậy.
- Vì họ có trái tim rực chạy. Họ có thể xả thân vì yêu chứ nào giống như con trai các anh. Yên mà còn chọn lựa.
Tôi biết rằng nàng ám chị Ngô Hán Thanh, nhưng không nói. Chúng tôi yên lặng một lúc. Anh Tử hỏi.
- Anh có biết gia cảnh thầy Dương thế nào không?
- Thầy Dương không có gia đình ở đây, cũng chưa có vợ nên chẳng ai biết. Thầy nói thích sống vậy đến mãn đời.
- Theo phong tục Trung Quốc thì một người không có gia đình khi chết đi không được ai cúng bái sẽ trở thành một hồn ma vất vưởng. Đúng không?
- Đúng, tổ tiên họ cũng không chấp nhận vì làm thế là dòng giống có thể bị tuyệt tự.
- Nhưng nếu người đó có người yêu mà chưa cưới, thì có được coi là đã có vợ chưa?
Tôi chưa hề nghiên cứu sâu vấn đề này nên không biết phải trả lời Anh Tử sao. Với quan niệm văn minh hiện đại thì cái quan điểm cổ đó hẳn không còn. Với tôi hôn nhân cũng vậy đó, phải là sự kết hợp giữa hai tâm hồn hiểu biết nhau nên gật đầu bừa.
Anh Tử lại hỏi.
- Nếu hai người đã ăn ở với nhau, rồi sau đó mỗi người một nơi nên lúc chết chẳng có mặt bên nhau thì sao?
Tôi chợt nhớ đến một cổ tục ở quê tôi lúc cưới vợ mà không có chàng rể thì dùng con gà trống đại diện cho ông chồng, nên nói.
- Chuyện đó rất dễ, ta sẽ chọn một vật gì đó của người còn sống chôn theo chung với người chết là được.
Anh Tử nghe vậy lộ vẻ mừng rỡ.
- Vậy thì anh có thể giúp tôi một việc được không?
Tôi chợt thấy buồn cười. Hôm nay có nhiều người nhờ tôi thế. Hết Mục Ly nhờ chuyển lời tạ từ với Lưu Đại Khôi, đến Anh Tử. Tôi không hiểu Anh Tử định nhờ tôi điều gì, nhưng sau một phút nghĩ ngợi. Anh Tử nói.
- Thôi để lát nữa khi về, tôi sẽ giao vật đó cho anh.
Chúng tôi đang dìu nhau trong tiếng nhạc êm dịu, thì đột nhiên đèn bật sáng. Rồi Khuyển Dưỡng Quang Hùng, Suzuki, Đinh Tân Trai, Đinh Lục cùng các phú hào địa phương từ ngoài bước vào, vừa đi vừa cười nói rôm rả. Mặt người nào cũng đỏ gay.
Khuyển Dưỡng Quang Hùng lên tiếng.
- Anh Tử! Con gái cưng của ta! Nãy giờ con chơi với các bạn có vui không?
Anh Tử đứng giậm chana.
- Xem kìa! Tui con đang vui vẻ, cha lại đưa họ vào phá đám vậy?
Quang Hùng cười, ngoắc ngoắc Anh Tử.
- Lạ không! Mấy chú đến đây chỉ để chúc mừng con thôi nào, lại đây cắt bánh mời đi con!
- Anh Tử có vẻ không hài lòng, trong khi bọn tôi nhìn thấy mặt bọn Hán gian là đã bực mình. Ngô Hán Thanh định bỏ về, nhưng Lưu Đại Khôi đã ngăn lại. Chúng tôi kéo nhau đến một góc phòng cố không để họ trông thấy.
Cuối cùng Anh Tử cũng phải bước tới thổi nến. Đám Hán gian có thầy Nguyên dẫn đầu hát bài “Sinh nhật vui vẻ” rồi hô to.
- Chúc mừng!
Bánh được xẻ ra! Những tay Hán gian khom người nhận bánh một cách đê tiện. Suzuki vừa ăn bánh vừa nói.
 
 
 
 
- Hay lắm! Năm nay cô Anh Tử mời bọn này ăn sinh nhật nhưng sang năm nhớ mời bọn này ăn cưới nhé!
Đinh Tân Trai pha trò thêm một câu.
- Năm tới nữa, chắc chúng mình sẽ được ăn đầy tháng em bé.
- Đúng đấy!… - Suzuki rót đầy cốc rượu hướng sang Uông Đông Nguyên đưa lên mời. – Kính mời anh Uông Đông Nguyên.
Mấy tay Hán gian vội quay sang hướng thầy Nguyên. Thầy vội bưng ly lên uống cạn nói.
- Cảm ơn các bạn! Cảm ơn Anh Tử!
Lúc đó Anh Tử có vẻ bất bình quay sang Khuyển Dưỡng Quang Hùng.
- Cha! Cha bảo họ đừng đùa quá lố, ở đây có mặt các bạn con cơ mà!
Quang Hùng lúc đó mới vừa cười, vừa đưa tay vẫy về phía chúng tôi.
- Nào! Nào! Các bạn của Anh Tử đâu! Cùng đến đây ăn bánh với chúng tôi chứ?
Chúng tôi không làm sao khác hơn là bước tới chúc mừng Anh Tử rồi lấy bánh ăn. Lưu Đại Khôi nói.
- Anh Tử! Giờ này cũng khá khuya rồi, chúng tôi phải đưa các bạn gái về sớm!
Anh Tử cố nài nỉ.
- Các bạn hãy ở lại thêm chút nữa đi! Tôi đã xin với cha là để chúng mình được vui đùa suốt đêm cơ mà.
Vương Ngọc Anh liền nói.
- Cảm ơn Anh Tử, nhưng nếu tôi về trễ một chút nữa sẽ bị nhốt ngoài cửa đấy.
Ngay lúc đó chợt thầy Uông lên tiếng.
- Thôi để họ về đi, sáng mai còn phải đi học chứ!
Khuyển Dưỡng Quang Hùng nhìn vào đồng hồ rồi ra lệnh cho Đinh Lục.
- Cậu hãy dẫn theo mấy người nữa hộ tống bạn của Anh Tử về. Lúc này tình hình an ninh không được tốt, về trễ e cha mẹ họ trông đợi.
Anh Tử thấy chúng tôi không chọn ở lại chơi, vả lại trong cái không khí xô bồ thế này nàng biết chúng tôi khó mà ở lại được, nên nói.
- Thôi được, vậy các bạn hãy nán lại một chút, tôi có quà kỷ niệm muốn gửi cho mỗi người.
Nói xong, Anh Tử chạy nhanh vào phòng, khệ nệ ôm một đống quà ra. Quà Anh Tử đã chuẩn bị sẵn, nên trên mỗi gói chúng tôi đều thấy ghi tên họ. Dựa trên đó mà Anh Tử trao cho mỗi người. Các bạn gái được hầu hết là son phấn hay một khúc lụa. Còn bọn con trai là văn phòng phẩm. Riêng Ngô Hán Thanh được một chiếc hộp nhung, có lẽ là một chiếc đồng hồ.
Tôi nhận được một chiếc hộp lớn hơn, gói rất kỹ có cột dây cẩn thận. Khi mang về phòng mở ra xem thì đấy là một quyển nhật ký cũ. Nơi trang nhất có kẹp một mảnh giấy, trên đó có một hàng chữ viết rất tháo.
- … “Xin anh giữ bí mật vì đây là di vật của mẹ tôi. Nhờ anh hãy mang nó đến chôn bên cạnh mộ thầy Dương. Để sớm hôm làm bạn với linh hồn thầy…”.