Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
PHẦN II - (3)

VII. VĂN XUÔI

Văn thơ Trung Quốc nhiều vô số kể - Lịch sử tiểu thuyết – Sử kí – Tư Mã Thiên – Các nhà viết tuỳ bút và tiểu luận – Hàn Dũ và Phật cốt

 

Đường thi chỉ là một phần của thơ Trung Hoa mà toàn thể thơ Trung Hoa chỉ là một phần nhỏ của văn học Trung Hoa. Chúng ta khó mà định được thời đại, đánh giá được sự quan trọng của văn học đó, khó mà có một ý niệm về sự phổ biến của nó trong dân chúng. Thời xưa người Trung Hoa không biết tới tác quyền, ai in lại cũng được, mà in lại dễ dàng, rẻ tiền, thành thử trước khi quan niệm của phương Tây xâm nhập Trung Quốc, giá sách rất rẻ, chỉ mười lăm quan Pháp là mua được một bộ hai chục cuốn Bách Khoa toàn thư mới, và trọn bộ tứ thư ngũ kinh chỉ bán ba chục quan. Nhận định cho đúng giá trị văn thơ Trung Quốc là một điều rất khó vì người Trung Hoa coi trọng hình thức hơn nội dung, mà chính cái hình thức đó lại không thể nào dịch ra được. Người Trung Hoa cho rằng văn học của họ nhất thế giới, chỉ kém có văn học Hi Lạp, mà họ nhường Hi Lạp như vậy chỉ là để tỏ rằng họ nhã nhặn thôi. Chúng ta hiểu được lòng tự phụ đó của họ.
 
Các nhà văn phương Tây chúng ta cho viết tiểu thuyết là cách chắc chắn nhất để nổi danh; còn người Trung Hoa thì lại cho tiểu thuyết không phải là văn chương. Trước khi người Mông Cổ đưa tiểu thuyết vào Trung Hoa thì người Trung Hoa cơ hồ như không có tiểu thuyết; mà ngay bây giờ nữa [trước thế chiến thứ nhì], các nhà Nho[1] vẫn coi những tiểu thuyết hay nhất của Trung Hoa là thứ để cho đại chúng tiêu khiến, không đáng ghi vô văn học sử. Đa số những người ít học không để ý tới sự phân biệt ấy, không do dự gì cả, đọc thơ Bạch Cư Dị, Lí Bạch, rồi đọc qua các tiểu thuyết khuyết danh tràng giang (viết bằng bạch thoại cũng như các vở tuồng) chép những biến cố bi thảm trong lịch sử của họ. Vì đa số tiểu thuyết nổi danh Trung Hoa là lịch sử tiểu thuyết, rất ít cuốn thuộc loại tả chân hoặc phân tích tâm lí, phân tích xã hội như bộ Anh em nhà Karamazov, Núi thần[2], Chiến tranh và Hoà bình, Những kẻ khốn khổ[3] của phương Tây. Một trong những tiểu thuyết cổ nhất là Thuỷ hử của một nhóm văn sĩ thế kỉ XIV; một trong những tiểu thuyết dài nhất là Hồng lâu mộng gồm hai mươi bốn quyển, viết vào khoảng 1650; một trong những bộ hay nhất là Liêu trai chí dị, văn vừa đẹp, nhã vừa gọn; nổi danh nhất là bộ Tam Quốc Chí gồm 1.200 trang trong đó tác giả, La Quán Trung, chép mà tô điểm thêm những chiến tranh, những mưu mô xảy ra sau khi nhà Hán sụp đổ. Những truyện tràng giang đó đại khái cũng như các truyện tả phong tục bọn bịp bợm ở thế kỉ XVIII phương Tây, theo lời người ta nói, thì nhiều khi có lối tả tính tình hài hước như trong Tom Jones với lối kể cruyện linh động, hấp dẫn trong Gil Blas[4]. Những người già nhàn rỗi nên đọc những truyện Tàu đó.
 

°

 
Loại văn học được trọng nhất ở Trung Hoa mà cũng được dân chúng thích nhất là văn chép sử. Không một dân tộc nào có nhiều sử gia và chép những bộ sử nhiều chi tiết như vậy như dân tộc ấy. Ngay từ thời Thượng cổ, mỗi triều đình cũng đã có những viên thái sử chép lại sự nghiệp vĩ đại của nhà vua, cùng những điều dị thường tai nghe mắt thấy; nghề chép sử đó tới cuối đời Thanh vẫn còn, do đó Trung Hoa có một kho tài liệu lịch sử vĩ đại vô song trên thế giới; tài liệu nào cũng rất dài và thường đọc rất chán. Bộ Nhị thập tứ sử của các quan thư cục xuất bản năm 1747 gồm 219 cuốn dày, lớn. Từ cuốn Thư kinh Khổng tử đã san định kĩ lưỡng, bộ Tả truyện [Tả Khâu Minh] viết khoảng một trăm năm sau để chú giải và làm cho tác phẩm của Phu tử linh động hơn[5], và bộ Trúc thư [sử khắc lên thẻ tre], tìm thấy trong mộ vua Nguỵ [Tương vương] [gồm trên mười ngàn chữ], môn chép sử của Trung Hoa luôn luôn tiến bộ, và tới thế kỉ II trước T.L, xuất hiện một công trình bất hủ, kiên nhẫn của Tư Mã Thiên, tức bộ Sử kí.
 
Được nối chức thái sử của cha vừa chép sử vừa coi thiên văn, Tư Mã Thiên mới đầu sửa lại lịch rồi để hết thì giờ làm tiếp một công trình là chép sử Trung Hoa từ đời Hoàng Đế đến thời của ông [đến năm -104 niên hiệu Thái Sơ đời Hán Vũ Đế]. Ông không nhắm việc tô chuốc lời văn mà chỉ muốn chép càng đủ càng tốt. Bộ sử của ông chia là năm phần: 1. Bản kỉ, chép việc các đế vương; 2. Biểu, chép việc lớn việc nhỏ trong từng năm; 3. Thư, ghi lại lễ, nhạc, luật, lịch thiên văn, tế lễ, sông ngòi, và thương mại (kinh tế); 4. Thế gia, chép truyện các vương hầu, tướng quốc, tướng soái; 5. Liệt truyện, chép tiểu sử các danh nhân.
 
Ông chép sử một khoảng thời gian gần ba ngàn năm, từ đầu tới cuối gồm 526.000 chữ viết bằng một cây nhọn lên thẻ tre. Khi hoàn thành công việc suốt đời ông đó, ông trình lên nhà vua và với hậu thế như sau:
 
Kẻ hạ thần sức đã kiệt, mắt đã mờ, và chỉ còn vài cái răng. Kí tính suy tới nỗi bây giờ biến cố nào xảy ra là quên ngay; bao nhiêu sinh lực đã dùng hết vào bộ này rồi. Vì vậy mà xin bệ hạ nghĩ tới thành tâm của hạ thần, tha thứ cho những chỗ sơ sót, và dám mong Bệ hạ khi nào rảnh ghé mắt coi công trình đó, Bệ hạ có thể hiểu được lẽ thịnh suy của các triều đại cũ, lẽ thành bại của thời này. Bộ sử này mà giúp ích cho quốc gia được chút nào thì mục đích và nguyện vọng của suốt đời hạ thần đã đạt.
 
Văn Sử kí của Tư Mã Thiên không rực rỡ như văn của Taine, không có những giai thoại lí thú[6] như của Hérodote, không có những suy tư ngăn ngắn về triết lí các biến cố như của Thucydide, mà cũng không du dương như văn của Gibbon[7]; môn chép sử ở Trung Hoa ít khi vượt lên cao mà đạt tới nghệ thuật. Từ Tư Mã Thiên tới người cùng họ với ông là Tư Mã Quang – ông này cũng soạn một bộ thông sử về Trung Hoa – các sử gia Trung Hoa đã cặm cụi, có khi nguy tới tài sản, tính mạng nữa, chép lại những biến cố trong một triều vua hoặc một triều đại; họ dùng hết cả sinh lực và không chú trọng tới lời văn đẹp. Có thể rằng quan niệm của họ đúng, có thể rằng chép sử phải là một khoa học chứ không phải là một nghệ thuật; có thể rằng Gibbon khi tô chuốt câu văn, hoặc Carlyle[8] khi thuyết giáo, đã làm sai các sự kiện của dĩ vãng. Nhưng chính người phương Tây chúng ta cũng có những sử gia đọc rất chán, không thua một dân tộc nào khác về cách viết từng pho sách mục đích để cho dĩ vãng khỏi bị phủ một lớp bụi thời gian, mà rốt cuộc, chính những pho sách ấy lại bị lớp bụi của các thế hệ sau bao phủ.
 

°

 
Loại tuỳ bút, tiểu luận[9] là một loại sinh động hơn; ở đây người viết được quyền tha hồ tô chuốt câu văn, trổ tài hùng biện. Nhà văn nổi tiếng trong khu vực này là Hàn Dũ mà sách được trọng tới nỗi tục lệ buộc rằng người đọc trước khi cầm tới phải rửa tay bằng nước hoa hồng đã. Sinh trong giới bình dân (nghèo) ông đạt được những chức vị cao nhất ở triều đình, và bị nhà vua (Hiến Tôn)[10] ghét chỉ vì đã bộc trực can vua đừng ưu đãi đạo Phật nữa. Theo ông, tôn giáo mới đó chỉ là một dị đoan của Ấn Độ; là môn đồ nhiệt tín của đạo Khổng, ông bất bình vì thấy nhà vua khuyến khích sự đầu độc dân chúng của thứ tôn giáo viễn vông đến bực mình ấy. Vì vậy năm 803, ông dâng vua một bài biểu mà chúng tôi trích dẫn dưới đây vài đoạn để độc giả có vài ý niệm về văn xuôi (cổ văn) Trung Hoa; miễn độc giả đừng quên rằng một bản dịch đúng tới mấy cũng làm sai ý nghĩa nguyên văn đi.
 
Nay thần nghe rằng Bệ hạ sai nhiều nhà sư lại Phượng Tường rước Phật cốt, và Bệ hạ sẽ ngự lên lầu cao coi đưa Phật cốt vô cung, lại ban lệnh cho các chùa thay phiên nghênh tiếp cho đúng lễ. Thần tuy chí ngu, nhưng cũng biết rằng Bệ hạ không mê hoặc vì đạo Phật, sùng bái như vậy không phải để cầu phúc; mà chỉ là nhân năm nay được mùa, dân chúng vui vẻ, nên chiều dân chúng kinh đô mà bày ra cảnh lạ lùng, trò vui đùa này, chứ bậc thánh minh như Bệ hạ đâu lại tin những việc đó. Nhưng bách tính ngu muội, dễ bị mê hoặc mà khó giác ngộ, thấy Bệ hạ như vậy sẽ nghĩ là Bệ hạ thực tâm thờ Phật, bảo nhau: “Thiên tử là bậc thánh mà còn một lòng kính tín, thì bọn bách tính [chúng mình] ai mà dám yêu tiếc thân thể, tính mệnh”. Họ sẽ đốt đỉnh đầu, thiêu ngón tay tụ họp nhau lại, lột áo, vãi tiền ra, từ sáng đến tối, ganh đua nhau chỉ sợ thua kém người. Thế là già trẻ bôn ba, bỏ bê công việc, nếu Bệ hạ không ngăn cấm, họ sẽ ùa lại các chùa, cắt cánh tay xẻ da thịt để cúng dường, thực là thương phong bại tục, làm trò cười cho bốn phương[11]
 
Vậy mà quần thần không ai nói gì, quan ngự sử không vạch chỗ trái ra, hạ thần thực lấy làm xấu hổ cho họ, xin Bệ hạ giao cốt Phật đó cho quan hữu ti, quẳng xuống sông, liệng vào lửa, để tuyệt gốc rễ đi, diệt mối nghi hoặc cho thiên hạ và đời sau, khiến người trong thiên hạ biết rằng hành vi của bậc đại thánh [tức Bệ hạ] vượt xa bọn tầm thường [tức một số vua thời trước như thời Lục Triều mê tín đạo Phật] cả vạn lần, như vậy chẳng là một việc rất tốt, rất vui ư?
 
Phật mà linh thiêng, giáng hoạ được thì tai ương gì cứ trút cả lên thân hạ thần này, có Trời soi xét, thần không oán hận gì hết[12].
 
Khi có sự xung đột giữa mê tín và triết lí thì ta có thể chắc chắn rằng mê tín sẽ thắng, vì loài người thích hạnh phúc hơn sự minh triết. Hàn Dũ bị biếm làm thứ sử Triều Châu[13] hồi đó dân còn hoàn toàn dã man. Ông không phàn nàn gì cả, theo đúng đạo Khổng, siêng năng khai hoá họ, làm gương cho họ, và ông thành công tới nỗi trên các bức chân dung của ông thường để mấy chữ này: “Tới đâu ông cũng làm cho miền đó hoá thuần khiết”[14]. Sau cùng ông được gọi về triều, lại tận tuỵ với Quốc gia, khi chết rất được trọng vọng. Một bài vị của ông được bày trong Khổng miếu – chỉ thất thập nhị hiền và những vị có công lao truyền bá đạo Khổng mới được vinh dự ấy – vì ông đã hăng hái nhiệt liệt bênh vực đạo ấy như chúng ta thấy trong bài biểu dẫn ở trên, để khỏi bị một tôn giáo khác lấn áp, tôn giáo này mới đầu cao quí, nhưng tới thời ông đã sa đoạ rồi.
 

VIII. TUỒNG

Tuồng không được trọng ở Trung Hoa – Nguồn gốc – Vở tuồng – Khán giả - Đào kép – Âm nhạc

 

Khó mà định địa vị cho tuồng Trung Hoa[15] vì môn đó không được người Trung Hoa coi là nghệ thuật hay văn học. Như nhiều yếu tố khác trong đời sống loài người, cái gì được dân thích thì lại không được trọng. Rất ít khi chúng ta biết được tên tác giả vở tuồng; còn các đào kép thì mặc dầu tận tuỵ với nghề nghiệp, rất có lương tâm, đôi khi rất nổi danh, nhưng vẫn bị coi là hạ tiện. Có lẽ hầu hết các nền văn minh đều hơi khinh bọn đào kép nhất là thời Trung cổ, khi mà kịch phương Tây bắt đầu thoát li kịch tôn giáo đã phát sinh ra nó.
 
Tuồng Trung Hoa cũng có một nguồn gốc tương tự. Dưới đời Chu, trong các cuộc tế lễ, có vài vũ khúc múa bằng que hay roi. Tương truyền các vũ khúc đó sau bị cấm vì có tính cách thô tục, có lẽ từ đó mới phát sinh ra thứ tuồng thế tục, không có tính cách tôn giáo nữa. Đường Minh Hoàng, ông vua đã che chở nhiều môn nghệ thuật, luyện tập một nhóm đào kép trẻ gọi là “Lê viên đệ tử (bọn trẻ vườn lê), nhờ vậy tuồng thoát li được tôn giáo mà phát triển; nhưng phải tới đời Hốt Tất Liệt [tức Nguyên Thái Tổ: 1280-1294], tuồng mới thành một môn nghệ thuật của quốc gia. Năm 1031, một hậu duệ của Khổng tử, tên là Tao-fu [?][16] được phái làm sứ thần ở Mông Cổ; trong một buổi tiếp rước, người Mông Cổ diễn một tuồng cho ông coi, mà trong tuồng đó vai Khổng tử lại do một vai hề đóng. Tao-fu nổi giận, bỏ về, không coi, nhưng về tới Trung Hoa, cũng như nhiều người khác đã qua Mông Cổ, ông khen Mông Cổ có một lối diễn tuồng hay hơn Trung Hoa. Khi Mông Cổ chiếm Trung Hoa rồi, họ truyền bá tiểu thuyết và tuồng của họ, và những vở tuồng cổ điển hiện nay còn được diễn đều được viết dưới thời cai trị của Mông Cổ.
 
Nhưng nghệ thuật ấy tiến bộ rất chậm, vì Quốc gia và Giáo hội[17] không khuyến khích nó. Thường thường là những gánh hát dạo, nay đây mai đó, tới một chỗ đất hoang trống nào đó dựng rạp rồi diễn ở giữa trời cho dân làng coi. Đôi khi các ông quan gọi một gánh hát tới trong một bữa tiệc thân mật, và thỉnh thoảng, những gánh hát ấy cũng sáng tác được một vở. Qua thế kỉ XIX, số các rạp hát tăng lên, nhưng cuối thế kỉ ấy, tại Nam Kinh chỉ còn có hai rạp. Tuồng diễn một cố sự trong lịch sử, có thơ và có nhạc, truyện tuồng thường rút từ một đoạn trong một lịch sử tiểu thuyết ra; cũng có khi trong một buổi người ta diễn nhiều “màn” rút từ nhiều vở kịch khác nhau. Tuồng dài, ngắn không nhất định, có khi diễn nhiều ngày mới hết, thường thường phải diễn sáu bảy giờ như ở châu Mĩ ngày nay. Có nhiều đoạn phách lối hoặc dạy đời, tàn bạo, có nhiều màn đổ máu nhưng kết bao giờ cũng có hậu, cho đạo đức được thắng. Thành thử tuồng là một thứ đức dục, dạy cho dân chúng biết chút ít lịch sử, biết theo đạo Khổng – nhất là đạo hiếu – tuồng nào như tuồng ấy, thật đáng nản.
 
Sân khấu ít bày biện, cảnh trí cũng ít, mà lại không có cửa ra. Tất cả các đào kép và những người đóng thế, đều ngồi trên sân khấu suốt buổi hát, khi nào tới phiên đóng trò thì mới đứng dậy, thỉnh thoảng bọn đầy tớ đem trà cho họ uống. Lại có nhân viên của gánh hát đi đi lại lại bán cho khán giả trà, thuốc hút, đồ giải khát, cả những khăn nhúng nước âm ấm để lau mồ hôi đêm hè; khán giả ăn uống, chuyện trò với nhau khi nào có một màn ồn ào hơn hoặc đẹp đẽ hơn thì mới ngưng lại để nghe hát. Đào kép thường phải la lớn, khán giả mới nghe được; họ đeo mặt nạ [Durant muốn nói họ vẽ mặt?] để khán giả hiểu ngay họ đóng vai nào [trung hay nịnh, vua hay quan…]. Vua Càn Long nhà Thanh cấm phụ nữ lên sân khấu, nên kép hát phải đóng giả vai đàn bà, riết rồi, ngày nay, đàn bà được đóng tuồng thì họ phải bắt chước những kép hát đóng giả vai đó, mới mong được khán giả hoan nghênh. Kép hát phải nhào lộn giỏi, khiêu vũ giỏi vì có nhiều vai tuồng buộc họ phải cử động thật mềm mại, theo một qui tắc hợp với tiếng nhạc. Cử động của họ đều tượng trưng, đúng với những qui ước rất cổ, rất tỉ mỉ; những đào kép có tài như Mai Lan Phương[18] biết cử động tay chân, thân thể một cách rất có nghệ thuật, và nội những cử động đó cũng làm tuồng hát nên thơ được một phần lớn rồi. Tuồng Trung Hoa không hoàn toàn là kịch, không hoàn toàn là ca kịch, cũng không hoàn toàn là vũ; nó gồm cả ba, gần như có tính cách Trung cổ về nghệ thuật; nhưng trong loại của nó thì phải nhận là nó đạt được mức hoàn hảo cũng như nhạc của Palestina[19] hoặc như những cửa sổ gắn kính vẽ trong các giáo đường.
 

°

 
Về phương diện nghệ thuật, âm nhạc Trung Hoa ít khi được độc lập, thường phải lệ thuộc tôn giáo hoặc tuồng. Theo truyền thuyết, ông thuỷ tổ của nó, cũng như nhiều môn khác, là vua Phục Hi. Sách Lễ kí có trước Khổng tử đã chép hoặc kể tên nhiều chương về nhạc; và sách Tả truyện, một thế kỉ sau Khổng tử, đã ca tụng các điệu nhạc để hoà với các bài hát nước Nguỵ. Ngay thời Khổng tử, nhạc đã là một kĩ thuật thành thục từ lâu, có qui tắc nhất định rồi và những người ưa yên tĩnh đã lo ngại về một số canh tân trong âm nhạc; còn các triết nhân thì phàn nàn rằng các điệu dâm ô lấn át những điệu thanh nhã thời trước! Sau này do ảnh hưởng của Hi Lạp – Tây Vực và Mông Cổ, âm giai Trung Hoa vốn đơn sơ hoá phức tạp hơn. Người Trung Hoa biết chia bát độ âm giai (octave) thành mười hai bán âm, nhưng họ vẫn thích ghi nhạc bằng ngũ âm tương ứng với các âm fa, sol, la, si, do, re, mi của phương Tây. Họ đặt tên cho những âm đó là Cung (như vua), Thương (như quan), Dốc (như dân), Chuỷ (như việc), (như vật)[20]. Họ biết phép hoà thanh (harmonie) nhưng ít khi dùng tới lắm trừ phi để lên dây đàn, hoà hợp các nhạc khí với nhau. Nhạc khí gồm các thứ để thổi: sáo, tiêu, kèn, còi; các thứ có dây như: đàn thất huyền, đàn tì bà; và các thứ để gõ: trống lớn trống nhỏ, chuông chiêng, chũm, choẹ, phách và các miếng ngọc thạch, đá mã não. Người phương Tây nghe nhạc Trung Hoa thấy kì cục, có lẽ cũng như người Trung Hoa khi nghe bản Sonate appassionata của Beethoven; nhưng Khổng tử nghe thì mê, và hiện nay vô số người Trung Hoa nghe nó vẫn có thể quên đời, không suy nghĩ, không ước ao gì nữa. Hàn Dũ bảo: “Các bậc thánh nhân đã dạy cho chúng ta nhạc để giải nỗi phiền muộn trong lòng”. Các vị ấy cũng nghĩ như Nietzsche rằng “đời sống mà không có nhạc là phỉnh gạt thôi!”.[21]

 


[1] Lettré: tức các nhà trí thức cổ Trung Hoa. (ND).
[2] Không rõ của ai. (ND).
[Núi thần: tiếng Anh là The Magic Mountain. Theo Wikipedia, tác giả là nhà văn Đức Thomas Mann (1875-1955), nhan đề nguyên tác là Der Zauberberg. (Goldfish)].
[3] Của Victor Hugo – Chúng ta đã có bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. (ND).
[4] Tom Jones của Fielding, tiểu thuyết gia Anh (1707-1754), Gil Blas của Lesage, tiểu thuyết gia Pháp (1688-1754). (ND).
[5] Chỗ này bản tiếng Pháp tối nghĩa hoặc sai. Người đọc có thể hiểu lầm rằng Tả truyện chú giải kinh Thư, sự thực là chú giải kinh Xuân Thu. (ND).
[Nguyên văn tiếng Anh: From the  Shu-Ching, or "Book of History", so edifyingly bowdlerized by Confucius, and the Tso-chuan, a commentary written a century later to illustrate and vivify the book of the Master. (Goldfish].
[6] Tôi ngờ rằng những nhận xét này sai. Coi bộ Sử kí của Tư Mã Thiên – Lá Bối tái bản – 1972. (ND).
[7] Taine (1828-1893), sử gia Pháp; Hérodote (khoảng -484 -425), sử gia Hi Lạp; Thucydide (-460 -395), sử gia Hi Lạp; Gibbon (1737-1794), sử gia Anh. (Goldfish).
[8] Carlyle (1795- 1881): sử gia Scotland. (Goldfish).
[9] Tức như những bài cổ văn, phú trong bộ Cổ văn của Trung Hoa. Coi cuốn Cổ văn Trung Quốc – Tao Đàn 1966. (ND).
[10] Tức Đường Hiến Tôn (sách in sai là Hiếu Tôn). (Goldfish).
[11] Durant bỏ một đoạn đại ý chê đạo Phật là của ngoại nhân và nhắc lời của Khổng tử “quỉ thần nên kính mà xa ra. (ND).
[12] Nhan đề bài này là Phật cốt biểu. Nguyên văn có trong bộ Cổ văn bình chú. (ND).
[13] Trong bản tiếng Pháp là: một làng ở Quảng Đông. (ND).
[14] Tôi đoán rằng chữ Hán là “cư chi tắc hoá” - ở đâu thì cải hoá phong tục miền đó – lời của Khổng tử trong Luận ngữ - thiên Tử Hãn. (ND).
[15] Chữ Hán gọi là Hí khúc hoặc vắn tắt là khúc. (ND).
[16] Có lẽ là Khổng Đạo Phụ 孔道辅 (985-1039) hậu duệ đời thứ 45 của Khổng tử. (Goldfish).
[17] Chắc Durant muốn nói Khổng giáo. (ND).
[18] Kép Mai Lan Phương (1894-1961), nổi tiếng với các vai nữ như Mộc Quế Anh, Dương Quý Phi, Ngu Cơ. (Goldfish).
[19] Nhạc sĩ Ý thời Trung cổ (1524-1594). (ND)
[20] Bản tiếng Pháp là Vũ Trụ, Từ Hải: vũ giả, vũ dã, vật giả. (ND).
[Nguyên văn tiếng Anh cả câu: The Chinese knew of the division of the octave into twelve semi-tones,
but they preferred to write their music in a pentatonic scale, corresponding roughly to our F, G, A, C, and D; to these whole tones they gave the names "Emperor", "Prime Minister", "Subject People", "State Affairs", and "Picture of the Universe". (Goldfish)].
[21] Chúng ta thấy nhan đề chương “Thời đại các thi sĩ” không đúng vì tác giả giới thiệu qua loa cả văn xuôi, tuồng và nhạc trong suốt lịch sử Trung Hoa. (ND).