Phần II

    
 au gần một tuần, H. và tôi lại đối mặt nhau nhâm nhi nước uống ngọt cho tôi và H. thì chỉ cà phê, thuốc lá. Vẫn là quán hôm trước, chỉ thay đổi vị trí chổ ngồi, lần này H. chọn bàn gần chiếc quạt quay đều trên nóc quán.
Xế chiều Sài-gòn với cơn nóng bức hầm hập, mây đen vần vũ, rồi lại đổ ập xuống cơn mưa nhiệt đới. Mưa lần này không làm cho không gian mát lạnh như hôm trước, mà chỉ mang đến sự ẩm ướt khó chịu. Tôi khổ sở chầm chậm chiếc khăn tay lên trán và cổ ót, thấy mình ngu ghê, phải chi cột cao tóc lên, hẵn sẽ đỡ nóng nực hơn nhiều.
H. thấy vậy điềm đạm:
- M. qua chổ H. ngồi ngay cánh quạt cho đỡ nóng nè!
- Không sao đâu H., phải tập cho quen với khí hậu chứ. Nói nghe oai chứ tôi biết mình đang nóng nực, nếu ngồi ngay dưới làn gió của quạt máy thì tối nay thể nào cũng đổ bịnh.
H. kể tôi nghe thêm ít nhiều chuyện ngày xưa và chuyện đang xảy ra. Thỉnh thoảng tôi chỉ chen vào đôi câu hỏi….
Đang thao thao thì H. chêm một câu:
- M. nghĩ sao về người đó? Có thấy người ta dễ thương không?
Trời đất, tôi đâu biết họ bên ngoài thế nào (và thật ra tôi cũng không muốn biết, vì đâu phải bạn bè của tôi). Hơn nữa đó là ‘ bồ’ của H., nói bậy bạ lại hiểu lầm nhau thì đổ nợ sao chứ!
Tuy nghĩ trong đầu như trên, nhưng tôi vẫn thành thật nói lên nhận định rất bàng quang của chính mình, dựa theo lời tâm sự của H. cộng với sự quan sát chung chung. Tuy rất đa nghi và rất cẩn trọng nhưng tôi đã có lúc bị hố khi nói lên nhận xét trung thực của mình đối với H., để rồi H. phán cho tôi những câu lạnh ngắt: « M. không biết gì hết!» hay «M. cứ khiêm nhượng thái quá thì người ta nghĩ là M. thuộc loại là tự kiêu tột bực!». Lúc đó tôi giận điên lên và đòi nghỉ chơi với người bạn lớn cà chua, chỉ giỏi tài đàn áp em út thôi, chứ riêng với bồ của ổng thì ngọt còn hơn đường phèn, mật ong nhiều.
Nhờ H. mà tôi phát hiện được những điều rất bất ngờ ở những người tôi quen biết trên diễn đàn. Tôi không nghĩ xấu về họ nhưng tôi lãng xa để tránh những phiền toái vô cớ. Con người ta bình thường thì không ai xấu cả, nhưng chỉ vì những hiểu lầm, ghen tuông, ganh ghét mà đâm ra lời cau, tiếng xé mà thôi.
Tiếng mưa tí tách trên mấy nhánh lá đong đưa bên thềm quán, tôi tai thì nghe mà mắt vẫn thường chạy lang thang trên những mặt lá ướt đẫm nước mưa, xanh lục đậm đà, nhìn rất mát mắt dễ chịu. Cây cỏ xứ nhiệt đới có khác, quanh năm với nhiệt độ hàn thử biểu không xê dịch quá nhiều, mặt trời thường chói chan nên khác xa với xứ bốn mùa.
Lâu lâu phía xa xa có tiếng sấm sét rì rầm cuối chân trời. Không biết bao giờ mưa sẽ tạnh, riêng tôi vẫn ngồi ngoan ngoãn như một đứa em ngắm mưa, nghe H. kể chuyện…
- Còn M., gia đình thế nào?
Đang lơ mơ nghịch nghịch gói thuốc lá của H., nghe hỏi tới chuyện của mình, tôi bật cười:
- Ừ thì một nửa của M. thế này, thế nọ. Gia đình của M. rất bình thường, giản dị.
H. nghe tôi trình làng về chuyện gia đình xong phán cho một câu xanh rờn:
- Ờ, như vậy mới hợp tình hơn, chồng lớn tuổi hơn vợ nhiều rất tốt. Lại thêm một chiêm tinh gia nữa sao đây?! Tôi theo đạo Công Giáo nên không mấy khi để ý tới phong thủy, bói toán, nhưng lại thường gặp những người bạn rất tin tưởng vào những thứ ấy mới lạ chứ!
Không biết tôi đã uống tới ly nước ngọt thứ mấy, chỉ biết bên ngoài trời sẫm tối, chắc vì mưa nên chiều buông rất vội. Nhìn qua gói thuốc lá của H. tôi chưng hững, gần hết một gói nữa rồi, người bạn lớn đang bán rẻ lá phổi và coi thường con bịnh hiểm nghèo của chính bản thân quá ta. Dường như biết tôi đang có ý nghĩ ‘lên lớp’ nên H. chận ngang:
- Nàng ấy cứ cằn nhằn H. hoài vì cái tật hút thuốc quá nhiều.
Tôi tra thêm gia vị:
- Tại người ta thương nên mới lo, chứ bằng không ai chết sống mặc kệ họ mà H.
Lúc H. đưa tôi về thì đường phố đã lên đèn, vẫn còn ướt đẫm sau cơn mưa, đến con hẽm thì tôi phải xuống để di bộ vào nhà vì người ta đang có cuộc họp dân cư ngụ trong khu vực. Họp hành gì mà ở ngay giữa đường giữa xá vậy.
Tôi ngao ngán cái kiểu họp mặt này từ thời đổi đời của Sài-gòn. Chỉ toàn công bố tội trạng, hay lên bài giáo huấn về Bác Đảng, lúc ai về nhà nấy người ta vẫn tiếp tục sống theo thói quen chứ có mấy ai sửa đổi gì đâu, ngoại trừ bị tố cáo có giòng máu phản động, bị bỏ tù không được quyền kêu ca, biện luận bởi luật sư. Hơn ba mươi năm về lại quê hương và thấy những cảnh đó là tội dị ứng kinh hồn luôn. Ưa hổng nỗi!!!
Lúc xuống xe, H. hỏi tôi chừng nào về lại bên này, và nói không chắc gì còn dịp đi uống cà phê lần nữa. Nghe mà rầu.
- Chỉ còn vài ngày nữa thôi H. à, và M. còn phải đi chơi xa với đại gia đình nữa. Thôi, H. ở lại vui vẻ nha và nhớ là phải ‘ ngoan’ với nàng ấy chút đi!
Nếu H. quen nếp sống tập tục của Tây phương thì tôi đã không ngần ngại chen lời từ biệt với ba cái hôn lên đôi má như bạn bè thân quen bên này. Nhưng H. là người sống ở Việt nam, sẽ thấy kỳ và tôi lại thường quen thói ‘ nhập gia tùy tục, xuất gia tùy tùng’ nên chỉ khẽ bắt tay H. mà thôi.
Một ngày trước khi lên đường về lại quê hương thứ ba. Vì thứ hai là nơi gia đình sống khi vừa rời Việt nam. Tôi nhận được tin nhắn của H.:
“ H. vừa về lại Sài gòn, không biết M. có chút giờ đi uống cà phê không, nếu không H. chúc M. lên đường bình an, không biết bao nhiêu năm nữa mới gặp lại!....”
Ngày cuối cùng với lắm chuyện để lo toan, áo dài phải đi lấy ngoài tiệm, đi mua vặt vảnh với nhỏ em họ,… chuyến bay vào buổi chiều tối, nên tôi chỉ còn có khoảng ngắn thời gian vào buổi sáng, vậy là hẹn đi ăn sáng.
H. lại đến đón, tôi tưởng H. chở ra quán cà phê cũ, đâu ngờ thấy xe chạy về hướng lạ hoắc, tội chồm tới hỏi:
- H. chở M. đi đâu vậy?
- Chở M. đi ăn bánh cuốn Tây Hồ.
H. lái xe đúng điệu dân Sài-gòn, nhanh và luồng lách muốn chóng mặt luôn. Tôi ngồi phía sau đưa mắt ngó quang cảnh vùn vụt chạy bay dưới mắt. Vì là buổi sáng nên tiết trời khá mát dịu, chưa có nắng gắt.
Đến trước quán nhỏ nằm ở góc phố tôi không nhớ tên, chờ H. dựng xe, đậu lên lề xong, tôi lót tót theo H. vào quán. Chuyện mà tôi không bao giờ quen được khi về Việt nam là những đôi mắt hay dòm ngó, đôi khi thái quá của những người đi đường, trong quán, hay ngồi lê la bên cà phê quán cóc. Không biết mình có gì lạ hơn họ mà cứ bị nhìn là tôi thấy khó chịu, nhưng phải tình như rụi và phớt lờ Ăng-lê chứ làm sao đây?!
Để H. tự do lo thực đơn, tôi chỉ thích thưởng thức. Bánh cuốn khá ngon, nhưng tôi cứ vụng về không quen gắp tới gắp lui, chắc vì vậy mà H. động lòng từ ẩn, giúp tôi không ít trong việc chan thêm hay gấp bỏ ra dĩa thức ăn. Bên VN lạ ghê, lúc dọn dẹp bàn sau buổi ăn, có những thứ mình không đụng đến thì họ không tính tiền, vấn đề này tôi thấy vui vui, giống như kiểu dã chiến vậy.
Phần điểm tâm xong thì H.đề nghị:
- Mình đi uống cà phê chổ khác nha.
Tôi thì sao cũng được, miễn là đừng làm mất thời giờ của H.
Xe chạy trên con đường có đầy bóng cây cao, che bóng mát, con đường đẹp với những ngôi nhà xây từ thời Pháp, chen với những tu sửa về sau này để trở thành khu phố với hàng quán nổi danh. Con đường đã đi vào huyền thoại của Sài-gòn trước năm 1975, mà cho đến nay không một người tha hương nào đã biết nó lại có thể quên được nó.
Đến trước một quán với cách trang trí khá đẹp, H. dừng xe và bọn tôi tìm chổ ngồi. Những chiếc ghế bành rộng và êm. Chung quanh có những hàng cây kiểng che bớt tiếng ồn của xe cộ và cùng thể làm dịu đi sự khô khan cửa những bức tường gạch bọc quanh. H. kể tôi ghe sơ sơ về lịch sử của quán trong lúc những tách cà phê cappuccino được bày lên bàn thấp.
Mới đó mà đã là ngày cuối, những giờ phút cuối cùng tôi hít thở khí trời của Sài-gòn yêu thương. Nhâm nhi tách cà phê rất đúng điệu yêu thích, nhìn chiếc hộp quẹt và những điếu thuốc cứ tà tà thả khói của H., len lỏi qua đó những chiếc lá xanh đong đưa trong gió…
Trên đường về, H. lại biện minh cho cái tính gàn và ngang tàng của mình. Tôi chỉ biết cười trừ, nếu người bạn lớn mà biết những gì tôi nghĩ trong đầu lúc đó, chắc ổng dám liệng tôi ra giữa phố để tự đón xe xích lô về quá. Ngu gì nói!
Vừa bước vào cổng nhà, mấy nhỏ em họ ùa ra hỏi han:
- Đi ăn sáng vui không chị?
- Đương nhiên rồi cưng, bây giờ chị em mình đi lấy áo dài phải không?
Vừa đội nón bảo hiểm, một nhỏ em tiếp tục tra khảo:
- Ông bạn lớn chở chị đi ăn sáng ở đâu?
- Ở tiệm bánh cuốn Tây hồ gì đó.
- Chị ăn thấy sao?
- Không biết, thấy khá ngon.
- Trời, coi bả kìa, bộ chê bánh cuốn tụi em mua không ngon hay sao mà ra tới đó xa lắc, xa lơ để ăn!
- Mi nhiều chuyện quá! Thôi đi lẹ lẹ để tui còn lo hành lý nữa mấy bà chị nhỏ à!
Ở mỗi chúng ta có những giây phút trong cuộc đời trôi rất chậm, và có khi nó lại bay rất nhanh, quan trọng là hãy thưởng thức và sống thật hết mình với những giây phút ấy là đủ!
Chuyến về thăm Sài gòn năm 2011.
Ngày 17-07-2013
Nguyễn Mỹ Hậnh

Xem Tiếp: ----