ismillahi ar rahman ar rahim. Đó là câu cửa miệng người dân ở đây nói trước khi bắt đầu nói một cuộc du hành. Vậy thì chúng ta cũng sắp làm một cuộc hành trình... hành trình vào quá khứ vào những ngóc ngách bí ẩn của tâm hồn con người. Đến lúc này, tôi vẫn chưa cảm thấy cái mà người ta hay gọi là "vẻ đẹp quyến rũ của phương đông". Điều mà tôi thấy ở khắp nơi, là chỗ nào cũng bẩn. Nhưng những lời của Poirot làm hiện lên trong óc tôi những hình ảnh, gợi lên những tên thành phố như Samarcande và Ispahan... những ông chủ hiệu râu dài... những con lạc đà quỳ gối... những phu vẹo người dưới những bọc hàng to tướng... những người đàn bà giặt giũ bên bờ sông Tigre. Tôi nghe thấy lời ca rền rĩ của họ hòa lẫn tiếng cót két xa xôi của guồng nước... Tôi đã nghe và thấy tất cả những thứ ấy mà không để ý. Giờ đây, chúng như có một vẻ gì khác giống như một tấm vải cũ giơ lên ánh sáng mặt trời bỗng lung linh hiện lên hoa văn thêu màu rực rỡ. Rồi tôi liếc nhìn một vòng quanh phòng mọi người đang ngồi, có cảm giác kỳ cục là ông Poirot đã nói đúng: chúng tôi đang lên đường đi một chuyến du hành. Tất cả hợp nhau tại đây, nhưng rồi mỗi người sẽ rẽ một ngã. Tôi lần lượt quan sát các bạn đồng hành từng người một như tuồng mới nhìn thấy họ lần đầu... và cũng là lần cuối... Nghe có vẻ buồn cười, nhưng cảm nghĩ của tôi đúng là như vậy. Ông Mercado bồn chồn vặn vẹo ngón tay, đôi mắt mở to nhìn Poirot. Bà Mercado đăm đăm nhìn chồng như con báo cái sẵn sàng chồm lên. Giáo sư Leidner ngồi thu mình, có vẻ càng ủ rũ. Dường như ông không đang ở trong phòng, mà trí óc ông đang lơ lửng ở một vùng nào xa thẳm. Ông Coleman há hốc miệng nhìn Poirot, mặt nghệt, mắt mở to. Tôi không nhìn rõ mặt ông Emmott, vì ông cắm đầu nhìn xuống mũi giầy. Ông Reiter nhăn mặt, giẩu môi, trông càng giống chú lợn trơn tru. Cô Reilly vẫn đứng quay lưng trước cửa sổ, nên khó đoán biết cô nghĩ gì. Tôi nhìn ông Carey: bộ dạng trông thật đáng thương, và tôi quay mặt đi. Chúng tôi đang có mặt tại đây, song tôi không khỏi nghĩ rằng khi Poirot kết thúc bản thuyết trình, chúng tôi sẽ tan tác chia tay... Poirot cất tiếng đều đều, như dòng sông trôi giữa đôi bờ... ra tới biển: - Ngay từ đầu, tôi đã cảm thấy, muốn hiểu vụ này, không nên coi trọng những dấu hiệu bên ngoài, mà phải chú ý những mặt khác, làm nổi rõ mâu thuẫn giữa các con người ở đây và những bí ẩn trong trái tim của họ. Dù rằng bây giờ tôi đã đi tới cái mà tôi cho là lời lý giải đích thực của bí ẩn, tôi vẫn không có được bằng chứng cụ thể. Tôi biết nó thế vì nó phải như thế, vì nếu theo cách lý giải khác thì từng chi tiết sẽ không có chỗ đứng thích hợp dành cho nó. Theo tôi, đó là cách lý giải duy nhất hợp lẽ. Ngừng một lát, ông nói tiếp: - Tôi bắt đầu cuộc hành trình từ lúc mà tôi nhận trách nhiệm điều tra... lúc mà tôi đứng trước một sự việc đã rồi. Theo tôi, mỗi vụ án hình sự đều mang một vẻ, một dạng riêng biệt. Vụ này xoay quanh cá tính của bà Leidner. Chừng nào tôi chưa rõ bà Leidner là người thế nào, tôi không thể tìm ra thủ phạm và động cơ giết người của hắn. Vậy điểm xuất phát của tôi là đi sâu nghiên cứu tính cách bà Leidner. Một sự kiện tâm lý khác khiến tôi chú ý: bầu không khí căng thẳng bao trùm lên đoàn khảo cổ. Nhiều người - trong đó có vài người bên ngoài đoàn - đều nhận xét tình trạng đó, và tôi đã ghi nhận để khỏi xa rời trong khi điều tra. Theo nhận xét chung, bầu không khí ấy là do ảnh hưởng của bà Leidner, nhưng vì những lý do sẽ trình bày sau, tôi chưa thỏa mãn hoàn toàn với giả thuyết ấy. Trước tiên, tôi cố phân tích tính cách của bà Leidner, các cách để đi tới mục đích ấy không thiếu. Tôi nghiên cứu những phản ứng do bà gây ra ở mọi người trong nhà này, mà nhà này thì mỗi người một tâm tính khác nhau rõ rệt. Kết hợp với những quan sát của riêng tôi, tất nhiên, nhưng hạn hẹp thôi. Tuy nhiên, một số việc khiến tôi không thể bỏ qua. Bà Leidner có những sở thích đơn giản, có phần khắc khổ nữa, và không ưa xa hoa. Phần lớn thời gian, bà ngồi thêu những mẫu đẹp và tinh tế, chứng tỏ bà có tâm hồn nghệ sĩ, khát khao cái đẹp: Các sách trên giá của bà cho tôi biết bà là người học thức, và tôi đoán là người theo chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối. Người ta làm cho tôi nghĩ rằng bà thích được đàn ông khen nịnh, và bà là người sục sôi dục vọng. Tôi không tin. Trong phòng bà, trên giá sách, tôi thấy những sách sau: Người Hy lạp là ai?, Sơ khảo về thuyết tương đối, Cuộc đời phu nhân Hester Stanhope, Trở về Mathusalem, Linda Condom, Chuyến tàu Creve. Bà quan tâm đến văn hóa, khoa học hiện đại... chứng tỏ một trình độ trí tuệ cao. Về tiểu thuyết, thì Linda Comdom và Chuyến tàu Crewe cho biết ở mức độ nào đó, bà ưa những phụ nữ có tính độc lập thoát khỏi vòng cương tỏa của đàn ông... Tôi bắt đầu hiểu ra tâm lý của người đã khuất. Tiếp đó tôi phân tích dư luận những người chung quanh đối với bà, và hình ảnh bà Leidner càng hiện ra cụ thể trong óc tôi. Căn cứ lời của bác sĩ Reilly và những người khác, tôi kết luận đây là một phụ nữ được trời phú không chỉ sắc đẹp tuyệt trần, mà cả một sức mạnh tai hại. Những người như thế đi đến đâu gây ra thảm kịch, tại họa đến đấy... phần lớn người khác chịu họa, những đôi khi bản thân họ lại trở thành nạn nhân. Thế là tôi chắc chắn bà Leidner quá coi trọng bản thân mình, và đặc biệt, lấy sự chế ngự người khác làm vui thú. Ở bất kỳ đâu, bà cũng muốn là trung tâm của vũ trụ. Quanh bà, người nào - đàn ông hay đàn bà - đều phải chấp nhận quyền lực của bà. Một số người không hề cưỡng lại. Cô Leatheran chẳng hạn, vốn bản chất độ lượng, hoàn toàn bị bà chinh phục, và rất ngưỡng mộ bà. Nhưng bà Leidner áp đặt ảnh hưởng của mình bằng cách khác: sự sợ hãi. Khi bà chiến thắng quá dễ, bà thả lỏng những bản năng tàn bạo của mình. Xin nhớ đây không phải là sự tàn bạo có ý thức, mà hoàn toàn bản năng, y như con mèo vờn chuột. Còn trong những hành động có suy nghĩ, ngược lại bà tỏ ra rất tốt, hết lòng giúp đỡ mọi người. Vấn đề các thư nặc danh cũng rất quan trọng. Ai viết, viết nhằm mục đích gì? Bà Leidner có viết thư gửi cho chính mình? Để giải đáp câu hỏi này, ta phải đi ngược thời gian rất xa... tới cuộc hôn nhân thứ nhất. Đây mới thực sự bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta... hành trình vào cuộc đời bà Leidner. Trước hết, ta chớ quên nàng Louise Leidner trong quá khứ vẫn là con người như hiện nay. Hồi đó, nàng còn trẻ, sắc đẹp tuyệt vời, cái sắc đẹp làm chao đảo trí óc và trái tim đàn ông, sắc đẹp đó mang tính ích kỷ. Những phụ nữ như thế không thích nói đến hôn nhân. Họ có thể bị đàn ông hấp dẫn, nhưng không muốn thuộc riêng người nào. Tuy nhiên, bà Leidner lấy chồng... Chúng ta sẽ không sai nếu khẳng định chồng bà phải là người có tính cách mạnh mẽ. Khi bà biết chồng hoạt động gián điệp cho nước ngoài, bà tố cáo với Chính phủ, theo như lời bà đã kể với cô Leatheran. Tôi công nhận là quyết định này có một lý do tâm lý. Bà đã tâm sự với cô Leatheran rằng hồi đó bà làm vậy chỉ vì lòng nhiệt thành yêu nước. Nhưng thường thì người ta hay tìm cách bào chữa hành động của mình, và mặc nhiên gán cho nó những động cơ cao quí nhất. Bà Leidner cũng có thể tưởng mình chỉ nghe theo tình cảm yêu nước, trong khi thực ra, theo tôi, bà ta bị sai khiến bởi ý muốn gạt bỏ ông chồng! Bà căm ghét sự chế ngự của đàn ông, không chịu được tình cảnh chỉ thuộc vào một người, mình bị lui vào vị trí thứ yếu. Bà mượn cớ yêu nước để lấy lại tự do cho mình. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, bà vẫn có chút hối hận, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời về sau. Giờ ta đến chuyện các lá thư. Bà Leidner làm nhiều anh đàn ông say đắm, và nhiều lần, bà cũng siêu lòng với họ... nhưng lần nào cũng có một thư đe dọa gửi tới, làm tiêu tan hy vọng. Ai viết nhưng thư đó? Frederick Bosner, hay cậu em trai William, hay chính bà Leidner? Giả thuyết nào cũng có thể đứng vững. Bà Leidner có vẻ thuộc loại phụ nữ có khả năng làm cho đàn ông mê say đến mức điên rồ. Tôi tin là có một Frederick Bosner coi Louise, vợ mình, là quan trọng nhất trên đời! Bà đã một lần tố cáo anh, anh không dám hiện diện trước mặt bà, nhưng anh đã thề là bà chỉ thuộc về mình, không của ai khác. Anh ta thà giết bà chứ không để bà đi với ai. Mặt khác, bà Leidner không muốn ràng buộc mình vào sợi dây hôn nhân, thì lại có thể dùng hôn nhân để làm nản lòng những kẻ ngấp nghé. Vị nữ thần săn bắn này, khi đã đạt được con mồi, lại đẩy nó ra xa không thèm ngó ngàng. Bà ta làm sống lại ông chồng cũ, phản đối cuộc hôn phối mới, bao trùm lên mình một tấm màn bi kịch mà bà rất thú. Tình hình ấy tồn tại trong nhiều năm. Mỗi lần có ai muốn kết hôn, lại có thư đe đoạ. Bây giờ ta tới một giai đoạn lạ lùng. Giáo sư Leidner xuất hiện... và lần này không có thư nào chống lại việc Louise trở thành bà Leidner. Bà có nhận một thư, nhưng là sau khi kết hôn. Lập tức, ta phải đặt câu hỏi: "Tại sao?" Ta lần lượt nghiên cứu ba giả thuyết. Nếu chính bà Leidner viết thư, thì vấn đề tự nó đã giải quyết: bà Leidner muốn lấy ông Leidner, và đã lấy. Thế thì tại sao sau đó bà lại viết thư? Bà thích ly kỳ hóa đến thế ư? Và tại sao chỉ có hai bức? Rồi trong một năm rưỡi sau, lại không nhận được gì. Sang giả thuyết khác: nếu tác giả là Frederick Bosner (hoặc em trai hắn), tại sao lá thư đe dọa chỉ tới sau cuộc hôn nhân? Rõ ràng Frederick Bosner không tán thành Louise lấy ông Leidner, vậy tại sao hắn không ngăn trở bằng biện pháp có hiệu quả đã dùng khi trước? Tại sao đợi đến sau cuộc hôn nhân, hắn mới lại tiếp tục đe dọa? Có thể Frederick Bosner, vì lý do nào đó, không thể phản đối sớm hơn, hoặc là hắn đang ở tù, hay đang ở nước ngoài? Cách giải trình ấy không thỏa đáng. Lại xét đến âm mưu gây chết ngạt bằng khí đốt. Khó có thể quy tội cho người nào ở bên ngoài. Tôi cho việc này là do ông hoặc bà Leidner dàn cảnh. Nhưng ông Leidner chẳng có lý do gì để làm vậy, cho nên tôi đi đến kết luận vợ ông đã dựng nên màn kịch ấy. Tại sao? Vẫn là vì thích ly kỳ hóa. Sau đó, hai ông bà đi du lịch nước ngoài, và trong mười tám tháng họ sống hạnh phúc, không bị lời đe dọa nào quấy nhiễu. Họ mừng là đã đánh lạc hướng kẻ thù. Song giả thiết như thế là vô lý nhất là trong trường hợp vợ chồng Leidner. Làm sao một trưởng đoàn khảo cổ có thể xóa dấu tích của mình được? Frederick Bosner chỉ cần liên hệ tới bất cứ bảo tàng nào ở Mỹ là biết địa chí chính xác của nhà bác học. Nếu hắn không đủ khả năng tài chính để trực tiếp đến quấy nhiễu hai vợ chồng, hắn vẫn có thể tiếp tục gửi thư nặc danh. Một người đam mê đến mức điên cuồng như thế không dễ bỏ cuộc nửa chừng. Trái lại, phải hai năm sau ta mới lại nghe nói đến hắn; bà Leidner lại nhận được thư đe dọa. Và tại sao những thư này lại bắt đầu tới? Thật khó lý giải... Nếu bảo bà Leiđner lại tự viết cho mình nữa để gây sự chú ý về mình, thì quá đơn giản. Cái trò ấy kéo dài quá lâu, một người tinh tế như bà Leidner không bao giờ lặp lại. Sau khi suy nghĩ, tôi thấy có ba cách lý giải: 1) Thư do bà Leidner viết; 2) Do Frederick Bosner (hay thằng em William Bosner); 3) Mới đầu, do bà Leidner hoặc Frederick, nhưng những thư sau cùng là thư giả, nghĩa là do một người thứ ba viết, người này biết là trước đó đã có những thư như thế. Điều này dẫn ta đến việc phải xem xét những người ở quanh bà Leidner. Người nào trong đoàn khảo cổ có khả năng thực tế để gây án? Trước hết, không ai có khả năng ấy, trừ ba người. Ông Leidner không thê gây án, vì theo những nhân chứng tin cậy, ông ở trên sân thượng suốt thời gian ấy. Ông Carey ở ngoài công trường. Ông Coleman đi Hassanich. Song những bằng chứng ngoại phạm ấy không hẳn thuyết phục như ta nghĩ. Trừ trường hợp ông Leidner. Rõ ràng ông ở trên sân thượng, chỉ đi xuống, khoảng hơn một giờ sau khi vợ đã chết. Nhưng ông Carey có thể rời công trường lắm chứ? Và ông Coleman nữa, lúc vụ án xảy ra, ông có đang ở Hassanich thật không? Bill Coleman đỏ mặt định mở miệng song lại thôi, ngơ ngác nhìn xung quanh. Ông Carey thì điềm nhiên, không thay đổi nét mặt. Poirot bình thản nói tiếp: - Tôi còn thấy một người nữa có thể gây án, tôi chắc như vậy, nếu người đó có một lý do đủ mạnh. Cô Reilly là người thông minh, táo bạo, cũng có một tính cách mạnh mẽ. Khi nói về vụ án, tôi có hỏi đùa cô rằng cô có bằng chứng ngoại phạm nào không... Lúc đó cô Reilly sực nhận ra là trong thâm tâm, cô cũng có ý muốn giết. Tuy nhiên, cô đã nói dối không cần thiết. Cô bảo chiều hôm đó cô chơi quần vợt ở câu lạc bộ. Nhưng hôm sau, khi nói chuyện với cô Johnson, tôi biết là lúc xảy ra vụ án, cô Reilly đang đi chơi ở loanh quanh khu nhà. Cho nên tôi nghĩ, nếu lương tâm cô Reilly trong sáng, không có gì phải giấu giếm, cô có thể cung cấp cho tôi nhiều tình tiết bổ ích. Ngưng một lát, ông hỏi: - Cô Reilly, cô có thể nói cô thấy những gì chiều hôm đó? Cô Reilly không trả lời ngay. Cô vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ, không quay đầu lại, nói giọng rành rọt, có cân nhắc: - Sau bữa trưa, tôi đến khu khai quật lúc hai giờ kém mười lăm. - Cô có gặp ai trong đoàn? - Không. Chẳng có ai, ngoài tay đốc công Ả rập. - Cả ông Carey cũng không? - Không. - Lạ nhỉ - Poirot nói - ông Verier khi cưỡi ngựa ra công trường chiều hôm ấy cũng không gặp ông ta. Poirot đưa mắt nhìn Carey như yêu cầu ông giải thích, song ông này ngồi yên, không động đậy. - Ông Carey, ông nói sao về chuyện này? - Thấy phu đào lên không có gì mới, tôi đi dạo một vòng. - Đi phía nào? - Về phía bờ sông. - Chứ không phải đi về nhà? - Không. - Hay ông đợi ai, mà người đó không tới? - cô Reilly hỏi. Carey nhìn cô, không đáp. Poirot không gặng nữa, tiếp tục hỏi cô gái: - Cô còn trông thấy gì nữa? - Có. Gần khu nhà, tôi thấy chiếc xe tải con của đoàn đậu trong lán. Tôi thấy lạ, thì trông thấy ông Coleman, vừa đi vừa cúi đầu như tìm vật gì dưới đất. Coleman vụt kêu: - Để tôi nói! Tôi... Poirot giơ tay ngăn lại: - Hãy khoan. Cô Reilly, cô có gọi hoặc hỏi gì ông ấy không? - Không. - Tại sao? Cô gái thong thả đáp: - Vì thỉnh thoảng ông ấy lại liếc nhìn quanh một cách khó chịu. Tôi liền quay ngựa, bỏ đi. Có lẽ ông ấy không trông thấy tôi. Tôi không đến gần, còn ông ấy chăm chú tìm kiếm. Coleman chồm lên thanh minh: - Xin nghe tôi nói. Tôi xin giải thích rõ, không có gì mờ ám cả. Hôm trước, tôi bỏ một cái ấn rất đẹp vào túi rồi quên không mang đến phòng cổ vật. Về sau mới thấy là nó đâu mất... có lẽ tôi đánh rơi chỗ nào. Để tránh rắc rối, tôi chưa nói với ai, để tìm đã. Tôi đi Hassanich, làm xong việc về thật sớm, đậu xe ở một chỗ ít ai nhìn thấy, rồi đi theo đường ra công trường tìm hơn tiếng đồng hồ. Vô ích! Tôi đành lên xe về nhà. Mọi người tưởng tôi ở Hassanich về. - Và ông không nói lại với họ? - Poirot hỏi. - Trong tình hình ấy, tôi thấy không nên nói gì. - Lẽ ra ông nói thẳng ra có hơn không. - Thôi, thôi, chuyện ấy thì có gì phải làm ra to. Tôi không hề bước vào sân. Đố ông tìm thấy nhân chứng nào nói rằng tôi vào sân. - Vấn đề này cũng gây một số khó khăn đấy - Poirot nói - Theo bọn gia nhân, không ai vào sân. Nhưng suy nghĩ kỹ, lời khai ấy chưa đầy đủ. Họ cam đoan là không có người lạ nào vào. Người ta không hỏi rõ họ xem có thấy một nhân viên trong đoàn vào không. - Thì bây giờ ông hỏi nữa đi - Coleman nói - Tôi cuộc với ông rằng chẳng đứa nào nhìn thấy tôi hoặc Carey. - À điều này khó đấy. Thật vậy, nếu có người lạ tất họ sẽ để ý ngay, nhưng nếu là người trong đoàn, liệu họ có chú ý không? Vì nhân viên đi đi lại lại suốt ngày, ai quan tâm nữa. Vậy rất có thể ông Carey hoặc ông Coleman đi vào sân mà bọn gia nhân không buồn nhớ. - Vớ vẩn! Poirot vẫn điềm nhiên: - Và trong hai người, ông Carey dễ vào sân mà không ai để ý nhất. Ông Coleman đi Hassanich bằng ôtô, khi về tất cũng phải bằng ôtô. Nếu ông đi chân, hẳn sẽ bị để ý. - Đúng thế. Richard Carey ngẩng đầu, giương đôi mắt xanh nhìn xoáy vào Poirot: - Ông Poirot, ông quy kết tôi là người đã giết? Bề ngoài Carey vẫn tỏ vẻ bình tĩnh, nhưng giọng nói có ý thách thức. Poirot nghiêng mình: - Lúc này, tôi đang mời mọi người dự một cuộc hành trình... hành trình tới sự thật. Đầu tiên, tôi muốn chứng minh một điều: tất cả các nhân viên trong đoàn, kể cả cô y tá Leatheran, đều có khả năng là thủ phạm. Tôi chưa tính đến chuyện xem ai là người bất khả nghi ngờ, vấn đề ấy để lại sau. Tôi đã xét xem từng người có phương tiện và cơ hội ra tay hay không. Rồi đến động cơ. Kết luận, là ai cũng có đủ động cơ! Tôi lập tức phản đối: - Ô! Không. Tôi không, ông Poirot, tôi vừa mới đến nhận việc. - Hừm! Đó không phải là điều bà Leidner e ngại sao? Một người lạ từ bên ngoài tới! - Nhưng... tôi... Bác sĩ Reilly biết rõ tôi. Chính ông ấy giới thiệu tôi. - Thực ra thì bác sĩ biết gì về cô? Cô nói thế nào ông ấy biết thế. Không phải không có trường hợp những tên lừa đảo giả danh y tá. - Ông cứ viết thư hỏi bệnh viện Saint Christophe! - Lúc này, tốt nhất là cô đừng nói gì. Tôi không thể tiếp tục thuyết trình nếu các vị ngắt lời tôi như thế. Tôi không nói là nghi ngờ cô, nhưng có gì chứng minh cô không phải là người khác. Khối đàn ông rất giỏi ngụy trang thành đàn bà. Biết đâu William Bosner không phải là kẻ như vậy! Tôi định đốp chát lại ông một chập nữa. Hừm, tôi mà là đàn ông cải trang? Nhưng ông Poirot đã cao giọng tiếp tục bản thuyết trình, nên tôi đành im. - Bây giờ tôi xin nói rất thẳng thắn... có phần sỗ sàng nữa! Tôi cần phải phơi ra ánh sáng tất cả mặt trái của nhà này! Tôi đã nghiên cứu tâm hồn từng người. Bắt đầu từ ông Leidner. Tôi nhận ngay ra rằng tình yêu vợ là lẽ sống duy nhất của đời ông. Một người bị dằn vặt và đau khổ. Còn cô Leatheran, như tôi vừa nói, nếu cô giả vai người khác thì quả là tài tình, song tất cả mọi thứ làm tôi tin rằng cô không là ai khác ngoài chính mình... một nữ y tá có khả năng. - Cảm ơn ông có lời khen! - tôi nói. - Rồi tôi chú ý đến ông và bà Mercado, vì cả hai có những dấu hiệu bồn chồn không yên. Trước hết tôi đặt câu hỏi: bà Mercado có thể gây án không và vì lý do gì? Thoạt nhìn, bà Mercado có vẻ không đủ sức lực cần thiết để giáng cái thớt đá lên bà Leidner. Tuy nhiên nếu lúc đó bà Leidner đang ở tư thế quỳ thì về mặt thể chất là có thể. Bà Mercado có thể, bằng mưu mẹo nào đó, buộc một phụ nữ khác quỳ xuống. Ồ! Không phải bằng cách dùng tình cảm, mà ví dụ bằng cách nhờ người đó đính một cái ghim vào gấu váy của mình, và thế là người kia không nghi ngờ gì, quỳ xuống ngay. Nhưng còn động cơ? Cô Leatheran đã nói bà Mercado nhìn bà Leidner bằng con mắt hận thù. Hiển nhiên là ông Mercado cũng hơi mê bà nữ chủ nhân xinh đẹp. Tuy nhiên tôi không tin có thể giải nghĩa việc này bằng lòng ghen tuông. Tôi cho là bà Leidner không để ý gì đặc biệt ông Mercado... và bà Mercado cũng biết vậy. Có thể bà căm ghét nhất thời, phải có một sự khiêu khích nghiêm trọng hơn nữa mới đẩy bà đến chỗ giết người. Bà Mercado yêu chồng bằng cả một tình yêu mẫu tử. Cứ xem cách bà ấy trìu mến nhìn chồng đủ thấy bà không chỉ yêu, mà còn quyết giữ lấy, bảo vệ chồng mình như báo mẹ bảo vệ báo con. Luôn luôn cảnh giác, bà lo lắng không phải cho mình, mà cho chồng. Quan sát kỹ ông Mercado, tôi đoán được điểm yếu của ông. Bằng một mẹo nhỏ, tôi chứng minh được dự đoán của mình. Ông Mercado dùng ma túy... ở mức độ khá nặng. Khỏi phải nhắc rằng người sử dụng ma túy lâu, dần dần không có đủ sự tỉnh tảo tinh thần. Do ảnh hưởng ma túy, một người có thể có những hành động mà trước kia anh ta không bao giờ nghĩ tới. Có thể đi tới giết người, và rất khó nói là người đó có chịu trách nhiệm hay không. Về điểm này, luật pháp mỗi nước một khác. Trong quá khứ của ông Mercado, liệu có một vụ tai tiếng nào thậm chí vụ án nào, mà vợ ông đã cố ý giấu khỏi tai mắt thiện hạ? Nếu để vỡ lỡ, sự nghiệp của ông sẽ đi đời! Vợ ông luôn cảnh giác giữ gìn, trông chừng bà Leidner. Bà này thông minh, ưa ra oai với mọi người, rất có thể chiếm được lòng tin của ông. Nếu bà Leidner nắm được bí mật đó, loan truyền với mọi người thì thích thú biết bao! Vậy là ông và bà Mercado đều có một động cơ khả dĩ gây án. Để bảo vệ chồng mình, bà Mercado sẽ không chùn tay! Trong khoảng thời gian mười phút trong sân không có ai, họ có đủ điều kiện để hành động. Bà Mercado kêu lên: - Không đúng! Ông Mercado vẫn nhìn Poirot như không có chuyện gì. - Tôi nghiên cứu tiếp trường hợp cô Johnson. Cô ấy có phải là người có khả năng gây án? Tôi trả lời: có. Như tất cả những ai có nghị lực làm chủ được mình, cô dồn nén được tình cảm, nhưng một ngày nào đó con đê sẽ vỡ! Nếu cô Johnson giết, thì lý do chỉ có thể liên quan đến ông Leidner. Nếu cô ấy cho là bà Leidner đã làm hỏng cuộc đời ông chồng, thì sự ghen tuông âm ỉ bấy lâu sẽ bùng lên và cô ấy cho là có lý do chính đáng để hành động. Vâng, cô Johnson là một tội phạm tiềm tàng. Ta sang ba chàng trai khác. Trước tiên, Carl Reiter. Nếu William Bosner tình cờ trà trộn được vào đoàn khảo cổ, thì không ai khác là Reiter. Nếu vậy, hắn đóng kịch cực kỳ giỏi! Nhưng nếu anh ta chỉ là Carl Reiter, thì có lý do gì để anh ta thủ tiêu vợ thủ trưởng? Dưới mắt bà Leidner, Carl Reiter là con mồi chinh phục quá dễ. Anh ta sẵn sàng quỳ gối trước bà. Sự ngưỡng mộ mù quáng và thái độ quy lụy của một người đàn ông bao giờ cũng đánh thức trong phụ nữ những bản năng hèn hạ nhất. Bà đã đối xử với chàng trai này một cách độc ác đã làm cho anh ta phải sống như trong địa ngục. Poirot đột ngột ngừng lại, và nói với Reiter bằng giọng phủ dụ, tâm tình: - Anh bạn trẻ, hãy nên lấy đó làm bài học. Anh là đàn ông: hãy xử sự như đàn ông! Đàn ông không nên quá hạ mình. Đàn ông và thiên nhiên có những phản ứng gần giống nhau. Nên nhớ, thà ném cái đĩa vào đầu phụ nữ, hơn là uốn éo lấy lòng một khi họ chỉ mới liếc mắt đưa tình với anh. Bỏ giọng thân mật, ông trở lại bài diễn giảng: - Carl Reiter có đau khổ đến mức muốn trả thù? Điều này, khó ai biết được, vì nỗi đau có khi ảnh hưởng đến đàn ông một cách lạ kỳ. Bây giờ đến lượt Bill Coleman. Thái độ của anh ta, theo lời cô Reilly, cũng có chỗ đáng ngờ. Nếu anh ta là hung thủ, thì hóa ra bộ mặt vui nhộn của anh ta nhằm che giấu bộ mặt William Bosner. Tôi không tin Bill Coleman, với tư cách là Bill Coleman, có bộ dạng một tên giết người. Anh ta có thể có những khuyết điểm khác. Mà về vấn đề này, cô Leatheran có thể cho chúng ta biết một vài điều chăng? Ông ta cứ như đọc được trong óc tôi! Mặc dù lúc đó chắc chắn vẻ mặt tôi không để lộ tình cảm gì. Tôi ngập ngừng nói: - Ồ! Cũng chẳng có gì quan trọng. Tuy nhiên, nếu cần nói cho hết sự thật, một hôm ông Coleman khoe với tôi rằng ông có tài bắt chước chữ viết giỏi như một kẻ giả mạo chuyên nghiệp. - Tốt - Poirot nói - Tóm lại, nếu nhìn thấy một lá thư nặc danh, anh ta có thể bắt chước chữ viết. - Này, này, này! - Coleman kêu - Ông Poirot, ông đã đi quá giới hạn rồi đấy! Nhà thám tử vẫn tiếp tục: - Thật khó kiểm tra xem anh ta có phải là William Bosner hay không. Coleman đã nói đến một giám hộ... không phải là cha... không có gì ngăn ta coi Coleman là William Bosner. - Nói láo! Sao ta lại phải ngồi nghe cái lão ăn nói huyên thuyên này. - Trong ba chàng trai, còn lại ông Emmott. Anh ấy cũng có thể là William Bosner. Nếu anh có lý do để thủ tiêu bà Leidner, tôi hiểu ngay từ đầu là anh sẽ không nói gì. Anh giữ thái độ bình tĩnh điềm nhiên, và không để hở cơ hội nào cho tôi có thể buộc anh lộ tông tích. Trong tất cả các nhân viên của đoàn, David Emmott là người đánh giá khách quan nhất về bà Leidner. Song tôi không ước lượng được ảnh hưởng của bà Leidner đối với anh thế nào. Tôi cho rằng vì thái độ lạnh lùng của anh, bà Leidner không ưa anh lắm. Trong số mọi người ở đây, xét về tính khí và khả năng, ông Emmott có vẻ là người có thể thực hiện một vụ án mạng bằng bàn tay bậc thầy. Lần đầu tiên, ông Emmott rời mắt khỏi mũi giày. - Xin cảm ơn - anh ta nói, ý vui đùa, thích thú. - Hai người cuối cùng của danh sách là Richard Carey và cha Lavigny. Theo lời kể của cô Leatheran và những người khác, ông Carey và bà Leidner không ưa nhau, chỉ quan hệ với nhau một cách xa xôi, lịch sự. Một người khác, cô Reilly, lại nói khác. Và về sau tôi thấy cô Reilly đúng hơn. Tôi liền tìm cách hỏi thẳng ông Carey. Và ông thú thật là rất căm ghét bà Leidner. Phải, ông căm ghét! Nhưng tại sao? Lúc nãy, tôi đã nói đến những phụ nữ có sức quyến rũ tai hại. Nhưng đàn ông cũng có người có quyền năng ấy, chẳng cần cố gắng gì cũng có sức hấp dẫn đàn bà. Richard Carey là đàn ông như thế. Vốn rất tận tụy với ông Leidner, người vừa là thủ trưởng vừa là bạn, Carey tỏ ra dửng dưng với sức quyến rũ của bà Leidner, làm bà tự ái, tức tối, càng ra sức chinh phục trái tim chàng trai. Và đến đây xẩy ra sự việc bất ngờ: chính bà Leidner, lần đầu tiên trong đời, mắc vào bẫy của chính mình, và mê Carey thật sự. Carey... không thể cưỡng. Và vì thế ta giải thích tại sao anh rất đau khổ và luôn căng thẳng. Con người đó bị giằng xé bởi hai luồng tình cảm trái ngược: vừa mê, vừa ghét Louise Leidner. Ghét vì bà ta đã làm anh phản bội bạn. Sự căm ghét của người đàn ông, mà số phận run rủi yêu một người đàn bà trái với ý mình mà không cưỡng lại được, là rất ghê gớm. Lý do đó đã đủ chưa? Có lúc tôi đã tin là đủ. Richard Carey có lẽ đã rất muốn ra tay hạ thủ Louise Leidner. Tôi luôn tin rằng vụ ám sát Louise Leidner là một vụ án tình. Và Carey là người lý tưởng nhất làm thủ phạm. Còn lại người cuối cùng: cha Lavigny. Ông thầy tu tốt bụng này khiến tôi chú ý ngay, vì ông ta mô tả người nhòm qua cửa sổ khác hẳn với lời chứng của cô Leatheran. Thường thì các lời khai của các nhân chứng bao giờ cũng khác nhau chút ít, nhưng ở đây lại trái ngược hẳn. Cha Lavigny đặc biệt nhấn mạnh một khuyết tật rất dễ nhận của người đó, là mắt lé. Nhưng nếu cô Leathetan nói đúng, thì cha Lavigny sai. Có vẻ như ông ta cố tình đánh lạc hướng điều tra để bảo vệ người kia. Trường hợp ấy, ắt ông ta phải biết hắn. Ta đã trông thấy ông ta nói chuyện với hắn, nhưng nói gì thì ta chỉ biết qua lời ông nói lại. Người Irắc ấy định làm gì khi bị cô Leatheran và bà Leidner bắt gặp? Hắn định nhòm qua cửa sổ. Hai bà phụ nữ tưởng là cửa sổ bà Leidner, nhưng khi tôi đứng ở chỗ họ để nhìn lại, thì có thể là cửa sổ phòng cổ vật. Đêm hôm sau, có báo động. Có người nào đó ở trong phòng cổ vật. Nhưng xem ra không mất thứ gì. Khi giáo sư Leidner chạy tới, ông thấy cha Lavigny đã có mặt, ông này đã nhìn thấy ánh đèn, nhưng lần này nữa, cũng chỉ là lời ông nói. Cha Lavigny bắt đầu làm tôi thấy lạ. Hôm trước khi tôi thử đưa ra giả thuyết cha Lavigny có thể là Frederick Bosner, thì giáo sư Leidner lớn tiếng phản đối. Giáo sư nói cha Lavigny là một nhà khoa học có tiếng. Song Frederick Bosner có cả hai mươi năm trước mặt để gây dựng lại sự nghiệp dưới tên khác, rất có thể là nhà khoa học ấy chứ? Tuy nhiên, khó có thể tin rằng suốt thời gian đó Bosner lại giam mình trong một tu viện. Một lời giải đơn giản hơn xuất hiện trong óc tôi. Có người nào trong đoàn biết mặt cha Lavigny trước khi ông ta đến nhận việc ở đây? Không, phải không nào? Vậy thì, biết đâu ông ta chẳng là một người khác, mượn danh cha? Tôi phát hiện là có một bức điện gửi đi Carthage; giáo sư Byrd lẽ ra sẽ tham gia công tác với đoàn, song đột nhiên ốm nặng. Nhận chặn một bức điện, không khó. Còn về công việc, cha Lavigny là người nghiên cứu chữ cổ duy nhất của đoàn. Với chút hiểu biết đại khái, một người láu lỉnh có thể đánh lừa mọi người. Sự thực là đến nay, số thư tịch cổ đào được rất ít, và hình như những bản giải mã của ông thầy tu không lấy gì làm xuất sắc. Do đó, chẳng bao lâu tôi tin rằng cha Lavigny là một kẻ giả danh. Nhưng ông ta có phải là Frederick Bosner? Điều này tôi còn nghi ngờ. Phải tìm sự thật ở hướng khác. Tôi đã nói chuyện lâu với cha Lavigny. Vốn là người công giáo hành đạo, tôi quen biết khá nhiều linh mục và nhân vật của các giáo đoàn. Cha Lavigny có vẻ không thông thạo lắm với tư cách linh mục. Nhưng tính cách ông lại quen thuộc với tôi vì những lý do khác. Tôi thường giao tiếp với những người thuộc kiểu ông ta, mà những người loại này không hề dính dáng tới Nhà thờ... Hoàn toàn khác hẳn! Tôi phải đi đánh điện này đến điện khác khắp nơi. Và cô Leatheran đã cung cấp cho tôi một thông tin quý giá mà chính cô không biết. Chúng tôi đang ngắm những đồ trang sức bằng vàng trong phòng cổ vật, thì cô nhận thấy một vết sáp trên một cái bình. Tôi nói: Sáp à? và cha Lavigny nhắc lại: "Sáp à?". Nghe giọng nói, tôi hiểu ngay. Trong nháy mắt, tôi biết ông ta đến đây nhằm mục đích gì. Poirot ngừng lại, rồi nói với ông Leidner: - Tôi rất tiếc phải báo ông biết, chiếc bình vàng, con dao găm vàng, và tất cả những vật quý khác để trong phòng cổ vật không phải là những mẫu chính thực mà các ông đào được, mà chỉ là những bản sao khéo bằng phương pháp điện phân. Bức điện tôi vừa nhận đây cho biết cha Lavigny chính là Raoul Menier, một tên lừa đảo có hạng bị cảnh sát Pháp truy lùng. Hắn chuyên lấy cắp cổ vật và cấu kết với Ali Yassouf, một tên Thổ lai, thợ kim hoàn rất giỏi. Chúng tôi đã biết Menier trong vụ khám phá đồ giả ở bảo tàng Louvre. Mỗi lần chúng đánh tráo đồ giả vào, người ta nhớ ra là hôm trước có những người xưng là nhà khảo cổ có tiếng xin được vào nghiên cứu những vật ấy. Sau hỏi ra thì chẳng có nhà khảo cổ nào có tên nói trên đến thăm bảo tàng Louvre cả. Tôi được biết Menier chuẩn bị một vụ ăn cắp ở tu viện Tunis thì có điện ở đây gửi tới. Cha Lavigny yếu mệt, không thể nhận lời mời đến cộng tác với ông, nhưng Menier biết có bức điện đó, đã tìm cách thay thế bằng điện nhận lời. Hắn dám mạo hiểm, vì cho là có ít nguy cơ bị phát giác. Giả thử tu viện có đọc báo đưa tin cha Lavigny tới Irắc (thực ra chưa chắc báo đưa tin), họ sẽ cho là báo đăng sai, điều thường xảy ra. Menier và một đồng bọn tới. Tên sau này, ta bắt gặp lần đầu bên ngoài phòng cổ vật. Nhiệm vụ của cha Lavigny là lấy dấu khuôn bằng sáp, theo đó Ali sẽ làm những bản sao y hệt. Những người sưu tập đồ cổ sẵn lòng trả giá cao, mua các đồ cổ đích thực, không cần hỏi han rắc rối. Cha Lavigny đem đồ giả vào tráo lấy đồ thật, thường làm về đêm. Đó là việc hắn ta đang làm cái đêm bà Leidner nghe tiếng động, và la lên. Hắn liền biến báo, nói thác là đã vào vì thấy trong phòng cổ vật có ánh sáng. Nghe có vẻ xuôi. Nhưng bà Leidner không mắc lừa. Bà nhớ là đã nhìn vết sáp, từ đó đoán ra. Vậy bà sẽ làm gì? Phải chăng tính cách của bà là chỉ nói xa xôi để xem cha Lavigny đối phó thế nào? Bà sẽ nói bóng gió cho ông ta hiểu là mình nghi ngờ... nhưng không nói thẳng là mình đã biết. Đó là một trò chơi nguy hiểm, nhưng bà thích thế. Song có thể bà đã đi hơi quá xa. Cha Lavigny đoán biết nên đã ra tay giết bà. Cha Lavigny giả mạo là Raoul Menier... một tên ăn cắp. Hắn có phải là kẻ giết người? Poirot đi đi lại lại trong phòng, ông rút mùi xoa trong túi lau trán trước khi tiếp tục: - Tới sáng nay, đó là những gì tôi đã tìm ra. Tôi tính tới những người có khả năng là thủ phạm, nhưng ai là người chính xác? Nhưng giết người trở thành thói quen. Ai đã giết một lần, sẽ giết lần thứ hai. Và vụ giết thứ hai đã làm kẻ sát nhân lộ mặt. Tôi luôn nghĩ rằng có một ai đó trong các vị ở đây giấu tôi... không cho tôi biết về thủ phạm. Người đó chịu mạo hiểm lớn. Tôi rất chú ý bảo vệ cô Leatheran. Cô có trí óc sắc sảo quan sát tốt, chỉ sợ cô biết quá một chút là sẽ nguy hại đến bản thân. Như mọi người đã thấy, một vụ thứ hai xảy ra. Nạn nhân không phải cô Leatheran, mà là cô Johnson. Tôi vẫn thích tự mình suy luận mà tìm ra lời giải, song phải nói rằng chính vụ án thứ hai đã giúp tôi giải quyết vấn đề nhanh hơn. Trước hết, một người khả nghi được xóa khỏi danh sách: đó là bản thân cô Johnson... vì tôi không hề tin đây là một vụ tự vẫn. Bây giờ ra xem xét các sự việc liên quan đến cái chết bi thảm của cô Johnson. Thứ nhất: tối chủ nhật, cô Leatheran thấy cô Johnson khóc lóc, rồi đêm hôm đó lại đốt mẩu thư mà cô y tá cho là cùng một chữ viết với những thư nặc danh. Thứ hai: buổi tối trước hôm cô chết cô Leatheran bắt gặp cô Johnson đứng trên sân thượng trong một trạng thái mà cô Leatheran mô tả là "kinh hoàng khôn xiết". Cô Leatheran hỏi, thì cô trả lời: "Tôi đã biết người ta đi từ bên ngoài vào thế nào mà không ai biết". Cô chỉ nói vậy. Lúc đó cha Lavigny đang đi qua sân, ông Reiter đứng trước cửa phòng ảnh. Thứ ba: trước khi thở hơi cuối cùng, cô Johnson chỉ nói được ba từ: cửa sổ... cái cửa sổ... Sự việc là như vậy, và ta phải giải đáp những câu hỏi sau: - Ai đã viết các thư? - Cô Johnson đã trông thấy gì từ trên sân thượng? - Cô muốn nói gì khi thốt lên "Cái cửa sổ... cái cửa sổ”? E hèm! Hãy xét câu hỏi thứ hai, vì nó đơn giản nhất. Tôi đã cùng cô Leatheran trèo lên sân thượng, đứng ở đúng chỗ cô Johnson đứng. Từ đó, cô nhìn thấy sân, cổng vòm, mặt bắc của khu nhà và hai người làm việc trong đoàn. Những lời của cô ám chỉ ông Reiter hoặc cha Lavigny đây chăng? Lập tức, một cách giải thích hợp lý nảy ra trong óc tôi. Nếu một người lạ từ ngoài vào được đây tất phải cải trang thành người quen. Và chỉ có một người mà trang phục dễ bắt chước nhất: cha Lavigny! Đội mũ thuộc địa, đeo kính đen che mặt, bộ râu đen và chiếc áo trùng thâm, một người lạ có thể qua cổng đi vào sân mà không gây sự chú ý của bọn gia nhân. Có phải cô Johnson muốn nói điều đó? Hay là, đi xa hơn, cô còn đoán được rằng cha Lavigny chỉ là một kẻ giả danh đội lốt thầy tu? Với tất cả những gì đã biết về cha Lavigny, tôi đã cho Raoul Menier là hung thủ. Hắn giết bà Leidner để bà không lộ chuyện. Tiếp đó, một người nữa có vẻ như đã biết bí mật của hắn, người đó phải bị thủ tiêu. Thế là mọi việc ăn khớp! Vụ giết thứ hai, cha Lavigny bỏ trốn không mang theo áo thầy tu (hắn và tên đồng phạm có hộ chiếu hợp pháp, ghi là thương nhân đi sang Syria), và tìm thấy cái thớt cối xay vấy máu dưới giường cô Johnson. Như đã nói, tôi gần như thỏa mãn... song đã giải đáp thì phải giải đáp tất cả... mà tôi thấy vẫn chưa có giải đáp được hết. Ví dụ, chưa giải thích được lời cô Johnson: Cái cửa sổ, cái cửa sổ. Cũng như việc cô khóc lóc, và thái độ lạ lùng của cô trên sân thượng, không chịu nói cho cô Leatheran những gì cô biết hoặc nghi ngờ. Cách giải đáp nói trên chỉ phù hợp với những hiện tượng bề ngoài, mà gạt sang một bên vấn đề tâm lý. Và trong khi đứng trên sân thượng, tôi nghiền ngẫm ba điểm: thư, sân thượng, cửa sổ, và đã thấy như cô Johnson đã thấy! Và lần này mọi việc hoàn toàn sáng rõ.