- 2 -


- 8 -
CHUYẾN XE LỬA TỐC HÀNH 4 GIỜ 15’

THE FOUR-FIFTEEN EXPRESS

Tác giả : AMELIA B.EDWARDS

    
âu chuyện mà tôi sắp kể đây xảy ra khoảng chín, mười năm trước, lúc đó Sebastopol đã đầu hàng vào đầu mùa xuân, hòa bình của Paris đã được lập lại từ tháng ba và quan hệ thương mại của chúng tôi với đế quốc Nga cũng vừa mới lập lại. Trở về quê nhà sau chuyến đi miền bắc đầu tiên từ khi chiến tranh, tôi rất hài lòng với viễn ảnh được qua tháng 12 dưới mái nhà hiếu khách của người bạn cao quý của tôi là Jonathan Jeff ở Dumbleton, làng Clayborough miền đông tỉnh Anglia, dùng phương tiện chuyên chở của một hãng nổi tiếng mà trong đó tôi cũng có chút phần hùn.
Tôi đã được mời đi thăm thủ đô Nga và Ba Lan và nhận thấy cũng cần thiết phải qua một thời gian quan sát các hải cảng thương mại dọc vùng biển Baltic. Vì vậy hơn một năm trôi qua trước khi tôi lại đặt chân về đất Anh và thay vì được săn bắn chim trĩ cùng bạn mình vào tháng 10 như tôi đã dự định tôi trở thành khách của anh vào mùa Giáng Sinh.
Về đến Anh quốc, sau vài ngày bận lo công chuyện ở Liverpool và London, tôi vội vã về Clayborough lòng rộn rã như một cậu học sinh sắp được nghỉ lễ. Tôi đi bằng đường hỏa xa Đông Anglia đến ga Clayborough, tại đó tôi sẽ sang xe ngựa đi Dumbleton 9 dặm đường còn lại.
Hôm đó là một buổi chiều đầy sương mù và khá ấm áp so với một ngày đầu tháng 12 (4 tây tháng 12). Tôi đã thu xếp để rời London bằng chuyến tốc hành 4 giờ 15. Trời mùa đông tối sớm và đèn trong các toa xe đã được thắp lên. Sương mù ẩm ướt làm mờ các cửa kính, bám vào các tay nắm cửa và tràn ngập trong không gian. Bên gian hàng sách kế cận ngọn đèn gas tỏa ánh sáng chói chan khiến càng nổi bật vẽ mù mờ của nhà ga. Tôi đến sớm trước giờ khởi hành bảy phút và qua sự giúp đở của người soát vé tôi chọn được một toa trống cho riêng mình. Tôi thắp đèn mang theo của mình lên rồi ngồi xuống thoải mái thưởng thức một điếu xi-gà và một quyển sách. Vì vậy tôi rất đổi thất vọng khi vào phút cuối một người đàn ông vẽ vội vã liếc nhìn vào toa tôi ngồi rồi dùng chìa khóa riêng mở cửa bước vào.
Ngay cái nhìn đầu tiên tôi nghĩ rằng mình đã gặp ông rồi. Đó là một người cao, môi mỏng, mắt màu nhạt, mảnh khảnh với đôi vai hơi lệch, mái tóc muối tiêu để dài chấm cổ. Ông mang trên tay một áo khoác nhẹ, một cây dù và một hộp lớn màu nâu của Nhật để đựng chứng thư mà ông đặt xuống bên dưới chổ ngồi. Xong, ông dò dẩm túi áo ngực kỹ lưỡng như thể xem chắc bóp tiền và sổ tay còn đủ không, rồi ông đặt cây dù lên giá để hành lý trên đầu, trải áo khoác lên hai đầu gối, thay cái nón đang đội bằng nón đi đường hàng Tô Cách Lan. Vừa lúc đó xe lửa rời ga trong ánh hoàng hôn xám nhạt lạnh lẽo.
Bây giờ thì tôi đã nhận ra người bạn đồng hành của mình. Tôi nhận ra ông ngay khi ông dỡ nón để lộ cặp chân mày nhỏ, rậm với những nếp nhăn. Tôi nhớ rõ dã gặp ông cách đây ba năm tại ngôi nhà tôi sắp đến mà có lẽ ông cũng thế. Tên ông là Dwerrihouse, là một luật sư và nếu tôi không lầm thì ông là anh họ của vợ bạn tôi. Tôi cũng biết rằng ông là người khá giả, có tài. Gia đình Jeff tiếp đón ông theo đúng phép lịch sự dành cho những thân nhân giàu có. Đám trẽ rất thích ông và người quản gia già gọi ông là “đại tướng” với lòng kính trọng. Quan sát ông dưới ánh đèn và ánh hoàng hôn hòa lẩn, tôi nghĩ sao ông anh họ bà Jeff chỉ mới qua ba năm mà trông đã già cỗi, khô khan thế. Trông ông tái nhợt và ánh mắt thất thần khác xa khi xưa. Những nếp nhăn quanh miệng sâu hẳn đi, hai gò má và thái dương lõm vào cho thấy vẽ bệnh hoạn và buồn sầu. Lúc mới bước vào ông đã liếc nhìn tôi nhưng không có vẽ gì nhận ra tôi. Bây giờ thì ông lại liếc nhìn vẽ hơi bợ ngợ. Khi ông liếc nhìn lần thứ ba hay tư gì đó, tôi đánh bạo lên tiếng:
-Thưa, ông là John Dwerrihouse?
-Vâng, đó là tên tôi. Ông đáp.
-Tôi đã hân hạnh được gặp ông ba năm về trước tại Dumbleton.
-Tôi thấy anh hơi quen nhưng rất tiếc tôi không nhớ tên.
-Tôi là William Langford. Tôi dã quen biết Jonathan Jeff từ khi chúng tôi còn nhỏ. Tôi thường đến Dumbleton chơi ít tuần vào mùa săn bắn. Chắc ông cũng trên đường đến đó?
-Không, tôi đi lo công việc. Chuyện có hơi rắc rối. Còn anh hẳn là đến đó để vui chơi.
-Vâng, tôi xem chuyến viếng thăm này là ba tuần tươi sáng nhất của tôi trong suốt năm.
-Gia đình đó rất thú vị. Ông nói.
-Vâng, gia đình thú vị nhất mà tôi được biết.
-Jeff rất hiếu khách.
-Vâng, một người tử tế nhất.
Sau một lúc yên lặng, ông nói tiếp:
-Họ đã mời tôi đến chơi vào tuần lễ Giáng Sinh.
-Và ông có định đến không?
-Không biết được, còn tùy vào công việc của tôi. Chắc anh có nghe nói công ty chúng tôi sắp thiết lập một đường hỏa xa từ Blackwater đến Stockbridge?
Tôi giải thích rằng mình đã vắng mặt một thời gian ở nước ngoài nên không biết điều đó.
Ông cười tự mãn.
-Đó sẽ là một cải tiến lớn lao. Stockbridge là một tỉnh đang vươn lên cần có một đường rầy trực tiếp nối liền với thành phố lớn để trở nên một trung tâm thương  mại quan trọng. Đường rầy này là ý kiến của tôi. Tôi đã trình bày trước hội đồng và tự mình trông coi việc xây dựng.
-Tôi đoán ông là một giám đốc trong công ty Đông Anglian?
-Tôi có mức lời gấp ba trong công ty. Tôi là một giám đốc và là người có cổ phần đáng kể. Tôi cũng là chủ hãng Dwerrihouse & Craik và là luật sư chính của công ty.
Đầy tự mãn về dự tính của mình, ông nói huyên thuyên hầu như không còn biết nói gì khác hơn là việc đó. Ông nói đến sự chống đối ông đã gặp phải, đến những khó khăn ông đã khắc phục được trong việc mở đường hỏa xa đi Stockbridge. Nhờ vậy tôi được biết đến những chi tiết và các rắc rối địa phương. Sự tham lam của địa chủ này và kém thực tế của địa chủ kia. Sự tức giận của vị mục sư có đất bị đe dọa, sự dửng dưng đáng trách của dân tỉnh Stockbridge, không chịu hiểu rằng quyền lợi thiết yếu của họ dựa vào việc thiết lập đường hỏa xa của hãng Đông Anglian. Ông nói đến sự thù hằn của báo chí địa phương. Tất cả những điều đó làm cho ông bạn đồng hành của tôi vô cùng phấn khích nhưng chẳng đem lại chút thích thú nào cho tôi cả. Khổ thay ông lại cứ tiếp tục nói đến những vấn đề phức tạp hơn nữa, đến phí tổn ước lượng từng dặm đường, đến những ước lượng do các nhà thầu khác nhau gửi đến, và cứ thế nói mãi cho tới khi đầu tôi nhức nhối và mắt tôi cứ khép lại mặc dầu tôi đã rất cố gắng giữ cho khỏi ngủ gục. Cuối cùng tôi sực tỉnh khi nghe ông nói:
-75.000 bảng Anh tiền mặt.
-75.000 bảng Anh tiền mặt à? Thật là một số tiền lớn! Tôi lặp lại bằng một giọng sống động.
-Vâng, một số tiền lớn. Ông đáp vừa chỉ vào túi áo ngực.
- Nhưng chỉ là một số tiền nhỏ so với con số tối hậu mà chúng tôi phải trả.
-Ông mang theo 75.000 tiền mặt trong người à? Ông không nói giỡn chứ?
-Anh bạn, tôi đã nói với anh như thế cả nửa giờ đồng hồ rồi. Số tiền này tôi sẽ phải trả vào lúc 8g30 tối nay tại văn phòng luật sư của ngài Thomas để hoàn tất giấy tờ mua bán.
-Nhưng làm sao ông có thể đi đêm từ Blackwater đến Stockbridge được với số tiền 75.000 bảng trong túi?
-Đến Stockbridge à? Vậy là từ nãy giờ anh không hiểu gì cả. Tôi đã giải thích là số tiền này chỉ trả được đoạn đường đến Mallingford, đây là giai đoạn đầu vì đoạn đường của chúng tôi từ Blackwater đến Mallingford nằm hoàn toàn trên đất của ngài Thomas.
Tôi lắp bắp.
-Xin lổi ông, có lẽ tôi bận suy nghĩ. Vậy là tối nay ông chỉ đến Mallingford thôi à?
-Đúng vậy. Tôi sẽ đi xe của đội bảo vệ Blackwater, còn anh đi bằng gì?
-À, Jeff sẽ cho xe ngựa đến đón tôi ở Clayborough. Ông có muốn nhắn gì với vợ  chồng Jeff không?
-Anh nói dùm là tôi rất muốn đi cùng với anh, nhưng nếu có thể tôi sẽ đến thăm trước Giáng Sinh.
-Ông không nhắn thêm gì sao?
Ông Dwerrihouse mỉm cười.
-Anh nói với cô em họ của tôi là cô ấy không cần phải đốt cháy cả dãy hành lang để chào đón tôi lần tới. Anh nói thêm là tôi sẽ rất cám ơn nếu cô ấy cho quét sạch ống khói lò sưởi của căn phòng xanh trước khi tôi đến.
-Ông nói nghe buồn cười quá, chắc trong chuyến viếng thăm lần trước ông đã gặp phải hỏa hoạn chứ gì?
-Cũng gần như thế. Số là lò sưởi trong phòng ngủ của tôi đã ngưng đốt từ hồi mùa xuân nên ống dẫn hơi nóng bị bẩn và bồ hóng đóng đầy trong đó, vì vậy khi tôi lên phòng để thay đồ dự bữa ăn tối thì thấy phòng đầy khói và ống khói thì phựt lửa. Chúng ta đã đến Blackwater rồi sao?
Trong lúc ông nói chuyện thì xe lửa dần dần chậm lại, ló đầu ra cửa sổ tôi có thể thấy được nhà ga ở cách vài chục mét. Có một xe lửa nằm phía trước làm cản đường chúng tôi và người soát vé lợi dụng dịp đình trệ này để kiểm tra vé đi Blackwater. Tôi chưa kịp ngồi ngay lại thì bộ mặt đỏ gay của người soát vé đã xuất hiện ở cửa toa. Anh ta nói:
-Ông cho xem vé.
-Tôi đi Clayborough. Tôi đáp vừa đưa ra cái thẻ màu hồng nhỏ nhắn của mình.
Anh ta cầm lấy, liếc nhìn dưới ánh đèn lồng nhỏ cầm nơi tay rồi trao trả lại. Xong anh ta quay nhìn hướng người bạn đồng hành của tôi rồi đi ra. Tôi nói với vẽ ngạc nhiên.
-Anh ta không hỏi vé của ông.
-Họ không bao giờ hỏi, mọi người đều biết tôi và tất nhiên là tôi đi không tốn tiền.
“Blackwater đây, Blackwater đây”, người phu khuân vác vừa la vừa chạy theo bên hông xe lửa khi xe vào ga.
Ông Dwerrihouse kéo hộp đựng chứng thư ra, bỏ nón đi đường vào túi áo, đội lại nón, lấy cây dù xuống và chuẩn bị xuống xe. Ông nói với vẽ lịch sự cổ điển.
-Cám ơn nhiều lắm ông Langford. Chúc ông một buổi tối vui vẻ.
-Chào ông. Tôi đáp và chìa tay ra, nhưng hoặc là ông không thấy hoặc không muốn thấy, ông chỉ khẻ nhấc nón và bước xuống xe. Ông đi chậm rãi hòa lẫn giữa đám đông đang rời ga.
Chồm ra cửa sổ để nhìn ông đang rời xa tôi đạp nhằm một vật và nhận ra đó là một hộp đựng xi-gà. Có lẽ nó đã rơi ra từ túi áo khoác của ông Dwerrihouse, nó được làm bằng da màu sẩm, bên hông có những chữ cái bằng bạc. Tôi nhảy vội ra khỏi toa vừa lúc người soát vé đến nơi chặn tôi lại. Tôi nóng nảy hỏi:
-Anh cho tôi một phút được không? Người đi cùng toa với tôi làm rớt hộp xi-gà này. Ông ta chưa ra khỏi ga đâu.
-Thưa ông, chỉ còn một phút rưởi nữa thôi, ông phải nhanh lên mới được.
Tôi chạy thật nhanh trên sân ga. Đây là một sân ga rất rộng và vào lúc này ông Dwerrihouse đã đi được hơn nửa sân ga.
Tuy nhiên tôi thấy rõ ràng ông đang đi chậm rãi giữa giòng người. Khi đến gần tôi thấy ông đã gặp một người bạn. Hai người vừa đi vừa nói chuyện, sau cùng họ tách khỏi đám đông đứng sang một bên bàn chuyện rất hăng hái. Tôi đi thẳng về phía họ. Nơi họ đứng có một ngọn đèn gas ngay phía trên đầu tỏa ánh sáng soi rõ mặt cả hai. Tôi thấy họ thật rõ, mặt của ông Dwerrihouse và mặt người bạn của ông. Tôi chạy nhanh nín thở bá vào hành khách và phu khuân vác lòng lo lắng sợ trễ tàu, tuy vậy tôi vẫn nhận thấy người bạn của ông còn trẻ và thấp hơn ông, tóc màu vàng nhạt, có râu mép, nét mặt nhỏ nhắn và mặc một bộ đồ cắt sát bằng hàng nỉ Tô Cách Lan. Chỉ còn cách họ một vài mét  tôi đụng phải một ông mập bự và xém bị một xe đẩy hành lý tông phải, rồi vấp phải một túi đựng thảm và đến nơi vừa lúc tiếng còi báo hiệu xe  lửa sắp rời ga.
Họ không còn đó nữa, tôi quá đổi ngạc nhiên vì chỉ cách hai giây trước đó tôi còn trông thấy họ, vậy mà họ đã đi rồi. Tôi đứng yên nhìn sang phải sang trái, không thấy bóng dáng họ ở phía nào cả. Như thể sân ga đã nứt ra và nuốt chửng họ. Tôi hỏi một phu khuân vác đứng bên cạnh.
-Có hai ông vừa mới đứng đây, anh có thấy họ đi hướng nào không?
-Thưa ông, tôi không thấy ai cả. Anh ta đáp.
Còi tàu lại rít lên, người soát vé ở mãi đằng xa giơ cao tay lên và thét gọi tôi trở lại tàu. Người phu khuân vác nói.
-Nếu ông còn đi tiếp bằng chuyến tàu này thì ông phải chạy nhanh lên.
Và tôi đã chạy thục mạng, nhảy lên toa vừa lúc xe lửa chuyển động. Người soát vé đẩy tôi vào và tôi thấy mình ngồi thở dốc, bàng hoàng, hộp xi-gà của ông Dwerrihouse vẫn còn nằm trong tay.
Đây là một vụ biến mất kỳ lạ nhất, giống như trò biến hình trong một vở kịch câm. Trong một giây họ hiện diện tại đó bằng xương bằng thịt, nói chuyện với ánh đèn tỏa sáng trên mặt, giây sau họ đã biến mất. Không có cửa nào ở gần đó cả, không cửa sổ cũng không bậc thang. Đó là một khoảnh đất trống trải chung quanh có những bảng quảng cáo lớn. Còn chuyện nào bí ẩn hơn không?!?
Chuyện không đáng phải suy nghĩ, vậy mà suốt đời tôi tôi không thể nào không suy nghĩ, không thắc mắc, đắn đo được, cứ moi óc để tìm một giải đáp cho điều bí ẩn đó. Suốt trên đường từ Blackwater đến Clayborough tôi cứ nghĩ đến điều đó. Ngay cả khi ngồi trên cổ xe do một con ngựa đen kéo trên đường lộ nhẳn bóng với người đánh xe ít nói và giỏi nhất của Đông Anglian tôi cũng không sao ngừng thắc mắc.
Chúng tôi vượt chín dặm đường không đầy một tiếng đồng hồ và dừng lại trước cổng ra vào khi đồng hồ ở nhà thờ gõ 7g30. Chỉ ít phút sau thì ánh sáng ấm áp từ hành lang thắp sáng đã rọi trên lối đi trải sỏi, một bàn tay thân ái nắm lấy tay tôi và một giọng nói vui vẻ, rõ ràng cất lên.
-Chào mừng anh đến Dumbleton.
Sau khi chào hỏi, bạn tôi nói tiếp.
-Bạn thân, bây giờ anh không có thì giờ để rình rang đâu nhé. Chúng ta sẽ ăn lúc 8g và có vài người đến để gặp anh, vì vậy anh phải thay đồ nhanh lên mới được. Tiện đây tôi nói anh biết là anh sẽ gặp vài người quen. Ông bà Biddulph sắp đến và ông bà Prendergast ở Skirmishers đang lưu lại nhà tôi. Bà nhà tôi đang chờ anh ở phòng khách.
Tôi được dẫn đến phòng của mình, không phải căn phòng xanh ông Dwerrihouse đã nhắc đến mà là một căn phòng nhỏ xinh xắn dành cho người độc thân, có màn treo bằng vải hoa thanh nhã và trông vui tươi nhờ ánh lửa bập bùng từ lò sưởi hắt ra. Tôi mở khóa vali và cố làm cho nhanh chóng nhưng trí óc tôi cứ bị ám ảnh về sự kiện xảy ra trên sân ga. Tôi không thể nào quên được. Nó cản trở tôi, làm tôi lo lắng, làm tôi rối loạn và khiến tôi cài lộn nút măng-sết, thắt sai cà vạt và làm sút nút găng tay. Tệ hơn hết nó làm tôi trễ nải đến nỗi mọi người đã có mặt đông đủ trước khi tôi đến được phòng khách. Tôi chỉ vừa kịp chào hỏi bà Jeff thì buổi tiệc đã bắt đầu và chúng tôi từng  cặp, 8 hoặc 10 cặp đi vào phòng ăn.
Tôi sẽ không tả ra đây về quan khách và buổi tiệc vì các buổi tiệc tùng ở tỉnh đều giống nhau. Cũng với sự hiện diện của ông bà Nam tước và các ông bà mục sư, lại cũng món gà tây và thịt nai. “Vanitas vanitatum-chẳng có gì mới lạ dưới ánh mặt trời cả! ”
Tôi được xếp ngồi ở khoảng giữa bàn. Lúc vào dự tiệc tôi đã đi cặp với bà vợ của một mục sư và bây giờ ngồi bên trái tôi là một bà nữa. Cả hai bà nói chuyện với nhau ngang qua tôi và câu chuyện của họ chỉ xoay quanh về các em bé. Thật là nhàm chán! Sau cùng là một khoảng yên lặng, các món khai vị được dọn đi và món gà tây quay được mang ra. Các câu chuyện trong  phòng tiệc đã tẻ nhạt ngay từ đầu, lúc này lại như ngưng đọng. Jeff đang cắt thịt gà tây còn bà Jeff thì như cố tìm một điều gì để nói. Những người khác đều yên lặng. Bỗng nhiên tôi cao hứng muốn kể lại sự kiện đã xảy ra. Tôi cất tiếng.
-Jeff, anh biết không, trên đường tới đây tôi đã đi chung một phần đường với một người bạn của anh đấy.
-Vậy à. Ai thế? Jeff hỏi vừa cho dao lướt nhẹ vào ức gà.
-Ông ấy nhờ tôi nhắn với anh là nếu có thể ông ấy sẽ đến thăm anh trước Giáng Sinh.
-Tôi không nghĩ ra là ai cả. Bạn tôi mỉm cười đáp.
-Chắc là thiếu tá Thorp chứ gì? Bà Jeff đoán. Tôi lắc đầu.
-Không phải thiếu tá Thorp mà là một người bà con của chị đấy.
-Vậy là tôi càng không nghĩ ra nữa, ai thế Mike? Bà Jeff hỏi.
-Còn ai khác hơn là anh họ của chị, ông Dwerrihouse.
Jeff đặt dao và nĩa xuống. Bà Jeff nhìn tôi vẽ kinh ngạc một cách kỳ lạ nhưng không nói một lời nào.
-Và ông ấy nhờ tôi nhắn với chị là chị không phải đốt cả dãy hành lang để chào đón ông ấy nữa, mà chỉ cần cho người quét sạch ống khói lò sưởi của căn phòng xanh trước khi ông ấy tới.
Trước khi dứt câu tôi nhận thấy có gì không ổn trên nét mặt của các vị khách. Tôi cảm thấy như mình đã nói một điều mà đáng lẽ không nên nói ra và nhận thấy bởi một lý do nào đó lời nói cùa tôi đã gây nên một sự kinh ngạc chung trong phòng. Tôi ngồi bối rối không dám nói thêm gì nữa. Cả phòng hoàn toàn im lặng trong ít nhất là hai phút rồi đại úy Prendergast phá tan sự nặng nề.
-Anh Langford, nghe nói anh đã ở nước ngoài mấy tháng. Anh đã sang Nga phải không? Chắc anh có thể kể cho chúng tôi nghe vài điều về quốc gia đó sau chiến tranh chứ?
Tôi rất cảm kích việc ông bạn này đã giúp tôi ra khỏi thế kẹt. Tôi trả lời không được tự nhiên lắm nhưng ông vẫn tiếp tục cuộc đối thoại và chẳng mấy chốc một vài người khác cũng tham dự vào, nhờ vậy không khí bớt căng thẳng nhưng vẫn chưa tự nhiên, vẫn còn một chút gì gượng ép, khó chịu. Lúc nãy khách khứa đã có vẽ uể oải nhưng bây giờ thì rõ ràng là họ mất tự  nhiên và bối rối.
Món tráng miệng chưa dọn khỏi bàn thì các bà đã đứng lên rời phòng tiệc. Tôi nhân dịp này chọn một ghế trống cạnh đại úy Prendergast. Tôi thì thầm.
-Trời đất, chuyện gì thế? Tôi đã nói gì đến nổi?
-Anh đã nhắc đến tên John Dwerrihouse.
-Thế thì đã sao? Tôi gặp ông ấy cách đây không đầy hai giờ đồng hồ mà.
-Nếu anh đã gặp ông ta thì đó là một sự trùng hợp kỳ lạ nhất. Anh có chắc đúng là ông ta không? Đại úy Prendergast hỏi.
-Chắc lắm. Chúng tôi nói chuyện với nhau suốt trên đường từ London đến Blackwater mà. Nhưng sao điều này lại làm ông ngạc nhiên thế?
Bằng một giọng thật thấp, đại úy Prendergast đáp:
-Bời vì John Dwerrihouse đã tẩu thoát với 75.000 bảng Anh tiền của công ty cách nay ba tháng và từ đó đến nay không ai nghe hay thấy ông ta đâu cả.
John Dwerrihouse đã tẩu thoát ba tháng trước đây, vậy mà tôi đã gặp ông cách đây chỉ vài giờ. Ông đã thụt két 75.000 bảng Anh tiền của công ty và đã nói với tôi là mang số tiền đó trong người. Sao các sự kiện lại khác biệt kỳ cục như thế? Sao ông lại dám lộ diện dọc đường hỏa xa chứ? Hơn nữa ông đã làm gì suốt ba tháng đó?
Những câu hỏi trên nảy sinh ngay trong đầu mọi người liên hệ nhưng chẳng đem lại được một kết luận nào. Tôi cũng chẳng tìm được lời giải nào cho các câu hỏi  đó cả. Dại úy Prendergast cũng không đưa ra được đề nghị nào. Còn Jeff thì ngay khi có dịp đã kéo tôi sang một bên bảo tôi kể lại hết tất cả và anh còn kinh ngạc hơn cả chúng tôi nữa.
Đêm hôm đó khi quan khách đã ra về hết, anh đến phòng tôi và chúng tôi đã bàn cãi việc đó đủ mọi phương diện, nhưng thú thật, chúng tôi chẳng đưa ra được một kết luận nào hết. Jeff nói:
-Tôi không hỏi xem anh có nhìn lầm không vì điều đó chắc không thể.
-Cũng giống như  tôi không thể nhìn lầm một người lạ ra anh được.
-Đây không phải là vấn đề gương mặt hay giọng nói mà là những sự kiện rõ ràng.Việc anh ấy đê cập đến vụ cháy ở căn phòng xanh đã chứng tỏ anh ấy chính là John Dwerrihouse. Anh thấy anh ấy thế nào? Jeff  hỏi.
-Tôi thấy ông ấy già hơn, xanh xao hơn, vẽ lo lắng nhiều hơn.
Bạn tôi nói vẽ buồn bã:
-Hẳn là anh ấy phải lo lắng rồi dầu có tội hay vô tội.
-Tôi tin là ông ấy vô tội vì ông ấy không hề tỏ ra bối rối khi tôi chào hỏi và chẳng có vẽ gì lo sợ khi người soát vé vào toa. Ông ấy nói chuyện có hơi quá lố, kể ra hết những công việc làm ăn một cách tự nhiên.
-Điều đó kể cũng lạ vì anh ấy rất kín đáo trong những vấn đề như thế. Anh ấy nói rõ với anh là có đem theo 75.000 bảng trong túi à?
-Phải.
-Hừ, vợ tôi có ý kiến về chuyện đó. Không chừng cô ấy nói đúng….
-Ý kiến gì thế?
-À, anh cũng biết đàn bà thì hay khôn khéo trong việc đặt mình vào chuyện của người khác. Cô ấy nghĩ rằng anh ấy đã thực sự lấy số tiền đó và đã trốn suốt ba tháng ở một vùng hoang dã nào đó của miền quê, cố gắng chống chọi với lương tâm của mình, không dám tẩu thoát với số tiền đánh cắp mà cũng không dám trở về với số tiền đó.
-Nhưng bây giờ ông ấy đã trở về thì sao?
-Đó mới là vấn đề. Vợ tôi nghĩ rằng có lẽ anh ấy đã trở về xin công ty tha thứ và đã hoàn trả lại số tiền, và sau khi được tha thứ đã được cho phép tiếp tục công việc như không có chuyện gì xảy ra.
Tôi nói: -Đó là trường hợp không thể xảy ra được. Đúng là chị Jeff suy nghĩ như một phụ nữ đại lượng chứ hội đồng giám đốc một công ty hỏa xa lớn không suy nghĩ như vậy đâu. Họ sẽ không tha thứ một chuyện như vậy.
-Đúng thế. Dẫu sao đó là lập luận duy nhất có thể nghĩ ra. Tuy nhiên ngày mai chúng ta sẽ đi Clayborough xem có biết được thêm gì không. Prendergast nói là anh có lượm được hộp xi-gà của anh ấy?
-Vâng, đây này.
Jeff cầm hộp xi-gà xem xét dưới ánh đèn và nói ngay rằng đó chính là của Dwerrihouse không nghi ngờ gì cả. Jeff nhớ đã trông thấy ông ấy dùng nó. Anh nói thêm:
-Đây này, những chữ tên của anh ấy bên hông hộp, một chữ J lớn quyện với chữ D. Anh ấy cũng in những chữ này trên giấy viết thư của mình.
-Vậy đây là bằng chứng tôi không nằm mơ.
-Phải, nhưng bây giờ đã đến giờ anh đi ngủ và nằm mơ rồi. Tôi xin lổi đã giữ anh thức khuya thế này. Chúc ngủ ngon.
-Chúc anh cũng thế và nhớ tôi rất sẵn sàng đi với anh tới Clayborough hoặc Blackwater, hoặc London hay bất cứ nơi nào nếu tôi có thể giúp được anh.
-Cám ơn nhiều. Tôi biết là anh sẽ giúp tôi. Một lần nữa chúc ngủ ngon nhé.
8g30 sáng hôm sau chúng tôi gặp lại tại buổi điểm tâm. Một buổi ăn vội vã trong im lặng. Chúng tôi không ai ngủ ngon cả vì mãi bận nghĩ đến chuyện đó. Hiển nhiên là bà Jeff đã khóc suốt đêm, còn Jeff thì nôn nóng muốn đi ngay. Đại úy Prendergast và tôi cảm thấy mình là kẻ ngoài cuộc bị lôi cuốn ngoài ý muốn vào một vụ rắc rối gia đình. Chỉ trong vòng 20 phút sau khi dùng điểm tâm, xe ngựa được mang đến và tôi cùng Jeff  lên đường đến Clayborough.
Trong khi xe chạy nhanh trên đường lạnh lẽo, Jeff bảo tôi:
-Langford này, tôi không muốn mang tên Dwerrihouse ra hỏi ở Clayborough. Các viên chức ở đó đều biết anh ấy là anh họ của vợ tôi và chuyện anh ấy làm là một việc xấu hổ, nếu anh không phiền, tôi muốn mình đi chuyến 11g10 đến Blackwater được không? Đó là một nhà ga quan trọng và chúng ta sẽ dễ hỏi tin tức hơn ở Clayborough.
Thế là chúng tôi đi chuyến 11g10, cũng là chuyến tốc hành. Đến Blackwater khoảng 12g kém 15, chúng tôi tiến hành ngay việc dọ hỏi của mình.
Chúng tôi xin gặp ông xếp ga, một người to con, cục mịch. Ông ta nói ngay rằng rất biết rõ John Dwerrihouse, rằng chưa có một giám đốc nào trong công ty mà ông ta lại thường xuyên gặp gỡ và nói chuyện như với Dwerrihouse. Ông ta nói:
-Cách nay ba tháng ông ta thường hay xuống đây một tuần hai, ba lần lúc đường hỏa xa mới bắt đầu xúc tiến, nhưng từ đó đến nay thì chắc các ông cũng biết…. Ông ta dừng nói một cách đầy ý nghĩa.
Jeff đỏ tía mặt vội vã nói:
-Vâng, chúng tôi biết chuyện đó. Vấn đề bây giờ là chúng tôi muốn biết xem gần đây có ai gặp hoặc nghe nói đến ông ấy không?
-Điều này tôi không được biết. Ông xếp ga đáp.
-Thí dụ ông có nghe nói là ông ấy đi xe lửa xuống đây hôm qua không?
Ông xếp ga lắc đầu.
-Thưa ông, đường hỏa xa Đông Anglian là nơi  ông ta không bao giờ dám chường mặt vì không có một xếp ga nào, một người soát vé nào, một phu khuân vác nào mà không biết rõ mặt ông ta như chính ông ta thấy rõ mặt mình trong gương vậy. Không ai mà không gọi điện cho cảnh sát ngay khi gặp ông ta ở bất cứ đoạn đường nào. Ông không biết là từ ngày 25 tháng 9 vừa qua đã có công văn truy nã ông ta rồi  sao?
Bạn tôi vẫn cố nói:
-Ấy vậy mà một ông đi từ London đến Clayborough hôm qua bằng chuyến tốc hành buổi chiều khai rằng đã gặp ông Dwerrihouse trên xe và nói rằng ông ấy xuống ga Blackwater.
-Thưa ông, không thể có chuyện đó được. Ông xếp ga đáp ngay.
-Tại sao lại không thể được?
-Bởi vì ở ga này ai cũng biết ông ta và ông ta sẽ gặp rắc rối to, cũng như đút đầu vào mõm sư tử vậy. Có điên ông ta mới đến ga Blackwater, mà nếu có đến thì ông ta cũng đã bị bắt ngay khi xuống ga.
-Ông có thể cho biết ai đã soát vé đi Blackwater trong chuyến đó không?
-Đó là Benjamin Somers.
-Chúng tôi có thể tìm anh ta ở đâu?
-Muốn gặp ông có thể chờ ở đây đến 1g. Ông ta sẽ lên theo chuyến tốc hành từ Crampton, chuyến này sẽ ghé ga Blackwater 10 phút.
Chúng tôi ở lại chờ và để qua thì giờ, chúng tôi thả bộ dọc đường phố Blackwater ra đến vòng đai tỉnh, từ đó nhìn lại nhà ga ở cách xa gần vài dặm. Đúng 1g chúng tôi lại có mặt ở sân ga để chờ chuyến xe lửa. Xe đến rất đúng giờ và tôi nhận ngay ra người soát vé có bộ mặt đỏ gay đã đi trên chuyến tàu với tôi chiều tối hôm qua.
Để thay lời giới thiệu ông xếp ga nói:
-Somers, hai ông đây muốn hỏi anh một vài điều về ông Dwerrihouse.
Somers liếc nhìn từ tôi đến Jeff rồi trở lại tôi. Anh ta hỏi:
-Ông John Dwerrihouse, cựu giám đốc?
Bạn tôi đáp: -Vâng. Nếu gặp ông ấy anh có nhận ra không?
-Thưa ông, tôi sẽ nhận ra dầu bất cứ ở đâu.
-Anh có biết là ông ấy đã đi chuyến 4g15 chiều hôm qua không?
-Không có đâu, thưa ông.
-Làm sao anh biết chắc chắn được?
-Bởi vì tôi nhìn vào từng toa và thấy từng bộ mặt trên chuyến đó và tôi thề là không thấy ông Dwerrihouse, còn ông đây thì tôi có thấy, mặc dầu tôi chưa gặp bao giờ nhưng tôi nhớ mặt ông rất rõ.
Anh ta quay nhìn tôi.
-Hôm qua ông xém trể tàu tại ga này và ông xuống ga Clayborough.
-Đúng vậy. Tôi đáp. –Nhưng anh không nhớ mặt cái ông ngồi chung toa với tôi tới đây sao?
Somers nói vẽ vô cùng kinh ngạc:
-Tôi nhớ là ông đi chỉ có một mình mà?
-Ồ không, tôi có một bạn đồng hành cùng đi đến Blackwater, và chính vì muốn đưa lại cho ông ấy hộp xi-gà ông ấy đánh rơi trong toa mà tôi đã xém trể tàu đấy.
-Tôi nhớ có nghe ông nói gì đó về một hộp xi-gà, nhưng….
-Anh đã đòi xem vé tôi trước khi tàu vào ga đó.
-Phải rồi, thưa ông.
-Vậy thì anh phải thấy ông ấy chứ. Ông ấy ngồi ở góc gần ngay cửa vào mà.
-Quả thật tôi không thấy ai hết.
Tôi nhìn Jeff và bắt đầu nghĩ rằng người soát vé này chắc là về phe với ông cựu giám đốc và đã được trả tiền để giữ im lặng. Somers nói thêm:
-Nếu tôi thấy một hành khách khác thì tôi đã hỏi vé rồi. Ông có thấy tôi hỏi vé ai khác ngoài ông không?
-Đúng là anh không hỏi nhưng ông ấy giải thích rằng….
Tôi lưỡng lự sợ rằng mình đã nói lộ nhiều quá chăng, vì vậy tôi ngưng ngang.
Người soát vé và ông xếp ga nhìn nhau trao đổi và người soát vé nhìn đồng hồ tay vẽ bồn chồn. Anh ta nói:
-Chỉ còn 4 phút nữa là tôi phải đi, thưa ông.
Jeff cố hỏi thêm:
-Một câu cuối nữa thôi. Nếu người bạn đồng hành của ông đây đúng là ông Dwerrihouse và đã ngồi ngay góc gần cửa nơi anh soát vé thì có thể nào anh không thấy và không nhận ra không?
-Dạ, không khi nào có  chuyện đó.
-Anh chắc là không nhìn thấy ông ấy chứ?
-Như tôi đã nói hồi nảy, tôi thề là không thấy ông ta và tôi cũng không muốn nói ngược với ông khách đây làm gì nhưng tôi thề rằng ông đây đã đi một mình trong toa suốt từ London đến Clayborough. Hơn nữa,  
Anh ta nói thêm, hạ nhỏ giọng để ông xếp ga vừa được gọi sang nói chuyện với một người gần đó không nghe thấy được.
-chính ông đã nhờ tôi tìm một toa riêng cho ông và tôi đã làm đúng như thế. Chính tôi đã khóa cửa lại và ông đã tử tế hậu tạ cho tôi đấy.
-Phải, nhưng ông Dwerrihouse có một chìa khóa riêng.
-Thưa ông, tôi không hề thấy ông ta. Ngoài ông ra tôi chẳng thấy ai khác trong toa cả. Xin lổi các ông đã đến giờ tôi phải đi.
Nói xong anh ta đưa tay chào rồi quay đi. Một phút sau tiếng thở nặng nề của đầu máy nổi lên và xe lửa lướt chậm ra khỏi sân ga.
Chúng tôi nhìn nhau im lặng trong vài giây rồi tôi cất tiếng:
-Anh Somers này biết nhiều hơn là anh ta muốn nói ra.
-Anh nghĩ thế à?
-Hẳn là như vậy, vì anh ta không làm sao đứng ngay cửa toa mà không thấy ông Dwerrihouse được. Không thể nào.
-Anh bạn ạ, có một chuyện có thể được đấy.
-Chuyện gì thế?
-Là anh đã ngủ quên và mơ thấy tất cả câu chuyện.
-Có thể nào tôi mơ thấy việc thiết lập một đường hỏa xa ngánh mà tôi chưa từng nghe nói đến không? Có thể nào tôi mơ thấy hàng trăm chi tiết nhỏ nhặt về kinh doanh mà tôi không hề quan tâm đến không? Có thể nào tôi mơ thấy chính xác 75.000 bảng Anh không?
-Có lẽ anh đã thấy trên báo hoặc nghe nói đến việc đó lúc còn ở nước ngoài. Có thể lúc đó anh không để ý nhưng tên của các nhà ga dọc đường hỏa xa đã gợi cho anh nhớ lại những chi tiết đó trong giấc mơ.
-Thế còn vụ cháy trong ống khói lò sưởi của căn phòng xanh thì sao? Chẳng lẽ tôi cũng nghe nói đến vụ đó lúc ở nước ngoài à?
-À không, việc này thì tôi phải công nhận là khó giải thích.
-Và còn hộp xi-gà thì sao?
-A, trời đất, lại còn hộp xi-gà nữa chứ. Đó là một việc khó chối cãi. Chuyện này thật bí ẩn, nó cần một thám tử tài ba hơn tôi nhiều để tìm ra sự thật. Thôi, có lẽ chúng ta nên trở về thì hơn.
Không đầy một tuần sau tôi nhận được một thư của ông bí thư Công ty hỏa xa Đông Anglian mời đến dự một buổi họp hội đồng đặc biệt trong vài ngày tới. Thư không nêu lý do và cũng không cáo lỗi về việc làm mất thì giờ của tôi, nhưng tôi chắc là họ đã nghe nói tới vụ dò hỏi của chúng tôi về ông giám đốc mất tích nên muốn chính thức tra gạn tôi về việc đó. Vì vẫn còn là khách của biệt thự Dumbleton nên tôi đồng ý lên London dự buổi họp và Jeff cùng đi với tôi. Tôi nhận thấy ban giám đốc Công ty Đông Anglian gồm 12 hoặc 14 vị ngồi nghiêm nghị quanh một bàn to màu xanh lá cây trong một căn phòng tối.
Được ông chủ tịch đón tiếp niềm nở (ông này nói ngay là việc dọ hỏi của tôi về ông Dwerrihouse đã đến tai ban giám đốc, vì thế họ ước muốn được tham khảo với tôi về vấn đề đó), chúng tôi được mời ngồi vào bàn và theo đúng thể thức cuộc chất vấn diễn tiến.
Trước hết tôi được hỏi xem có biết ông Dwerrihouse không và tôi đã quen biết ông ấy bao lâu? Trường hợp gặp mặt tôi có nhận diện được không? Rồi tôi được hỏi đã gặp ông ấy lần cuối cùng lúc nào?  Tôi đáp:
-Vào ngày 4 tây tháng 12, 1856.
Tôi lại được hỏi đã gặp ông ấy vào ngày đó tại đâu. Tôi đáp:
-Trên toa hạng nhất chuyến tốc hành 4g15.
Rằng ông ấy lên toa lúc tàu vừa rời London và đã xuống ở ga Blackwater. Ông chủ tịch muốn biết xem tôi có chuyện trò với người đồng hành ấy không nên tôi đã thuật lại mọi điều ông Dwerrihouse nói theo như trí nhớ.
Cả hội đồng chăm chú lắng nghe trong khi ông bí thư ghi chú. Tôi đưa ra hộp xi-gà và nó được chuyền từ tay người này sang tay người kia, tất cả đều nhận ra nó. Không ai hiện diện mà lại không nhớ hộp xi-gà đơn giản với những mẫu tự bằng bạc. Sau khi tôi đã kể hết mọi chuyện, ông chủ tịch thì thầm với ông bí thư, ông này nhấn vào một nút chuông bằng bạc và Somers được đưa vào phòng. Anh ta được chất vấn thật kỹ giống như tôi. Anh ta nói biết ông Dwerrihouse rất rõ không bao giờ lầm lẫn được, rằng anh ta có đi theo chuyến tốc hành 4g15 vào buổi chiều hôm đó, rằng anh ta có nhớ tôi vì đặc biệt chiều hôm đó có một, hai toa hạng nhất trống nên anh ta đã theo lời yêu cầu của tôi chọn cho tôi một toa riêng. Anh ta chắc chắn rằng tôi đã ở một mình trong toa suốt cuộc hành trình từ London đến Clayborough. Anh ta sẵn sàng tuyên thệ rằng ông Dwerrihouse không có mặt trong toa với tôi hay bất cứ toa nào khác. Anh ta nhớ rõ đã xem xét vé của tôi ở Blackwater và nhớ chắc rằng không có ai khác trong toa của tôi lúc đó, rằng nếu có người thứ hai thì không thể nào anh ta không trông thấy được, và nếu người thứ hai đó lại là ông Dwerrihouse thì anh ta đã lẳng lặng khóa cửa và chạy báo ngay cho ông xếp ga rồi. Đó là những lời khai của Somers, thật rõ ràng, chắc chắn khiến hội đồng có vẽ bối rối. Ông chủ tịch nói:
-Ông Langford, ông đã nghe rõ lời khai của nhân chứng này, nó trái ngược lại với các lời khai của ông. Vậy ông nghĩ thế nào?
-Tôi chỉ có thể lặp lại những điều tôi đã nói khi nãy là tôi hoàn toàn chắc chắn sự thật những điều tôi thấy cũng như  Somers chắc chắn những điều anh ta nói.
-Ông nói rằng ông Dwerrihouse xuống ga Blackwater, rằng ông ta có chìa khóa riêng. Ông có chắc là ông ta không dùng chìa khóa riêng để mở cửa toa xuống ga trước khi anh Somers tới soát vé không?
-Tôi chắc chắn là ông ấy không hề rời khỏi toa cho tới khi xe lửa đã vào hẳn sân ga và các hành khách khác cùng xuống ga. Tôi còn thấy ông ấy được một người bạn đến đón.
-Thật sao? Ông có thấy rõ người đó không?
-Thấy rõ lắm.
-Ông có thể tả lại hình dáng không?
-Được chứ. Người đó thấp, tóc hơi vàng, râu mép và râu cằm rậm ri, mặc một bộ đồ bằng hàng nỉ màu xám. Tôi đoán tuổi ông ta khoảng 38, 40 gì đó.
-Ông có thấy ông Dwerrihouse rời nhà ga với ông đó không?
-Tôi không biết được. Tôi chỉ thấy hai người đi trên sân ga và đến đứng nói chuyện dưới một ngọn đèn gas. Sau đó thì tôi mất dấu họ một cách đột ngột và rồi tôi phải lên tàu đi tiếp cuộc hành trình.
Ông chủ tịch và ông bí thư bàn bạc nho nhỏ với nhau. Các giám đốc cũng thì thầm với nhau. Một vài người nhìn anh soát vé vẽ nghi ngại. Tôi nhận thấy rằng những chứng cứ của tôi không thể cãi chối được và cũng như tôi họ nghi ngờ người soát vé là đồng lõa với ông Dwerrihouse. Ông chủ tịch hỏi:
-Somers, anh đã theo chuyến 4g15 hôm đó tới đâu?
-Dạ, tôi đi suốt chuyến từ London đến Crampton.
-Sao lại không có ai thay cho anh ở Clayborough? Tôi nhớ là luôn luôn có người thay ở ga Clayborough mà?
-Dạ,trước kia thì như vậy nhưng sau có điều lệ mới hiệu lực từ giữa  hè năm ngoái là nhũng nhân viên soát vé trên các chuyến tốc hành đều phải đi suốt chuyến.
Ông chủ tịch quay sang ông bí thư nói:
-Tôi nghĩ là ta nên kiểm tra lại việc này trong quyển lịch trình. Ông bí thư lại nhấn cái nút bạc nhờ tùy phái cho mời ông Raikes. Nhờ một, hai câu  nghe lõm được tôi đoán ông Raikes là một trong các ông phó bí thư.
Ông ta đến, một người nhỏ nhắn, tóc vàng, mắt lanh lẹ, cử chỉ nôn nóng, râu mép và râu cằm rậm ri. Ông ta chỉ ló mặt ở cửa vào phòng họp và được nhờ mang đến một quyển lịch trình nào đó trên một kệ trong một phòng nào đó, rồi ông ta cúi chào và quay đi.
Ông ta chỉ hiện diện trong một chốc nhưng sự ngạc nhiên nhìn thấy ông ta quá lớn lao và đột ngột đến nổi chỉ sau khi cửa đã đóng lại sau lưng ông ta tôi mới bật ra tiếng được. Tôi bật nhỏm dậy và nói to:
-Đó là người đã đến gặp ông Dwerrihouse ở ga Blackwater.
Cả phòng kinh ngạc. Ông chủ tịch nghiêm nghị và nóng nảy nói:
-Ông Langford, hãy cẩn thận những điều ông nói.
-Tôi chắc chắn về diện mạo của ông ta như chính của tôi vậy.
-Ông có xét lại hậu quả lời nói của ông không? Ông có nhận thấy đã đem một lời tố cáo nặng nề nhất đến cho một nhân viên của công ty chúng tôi không?
-Nếu cần tôi sẵn sàng tuyên thệ. Người đàn ông đến trước cửa cách đây một phút là người mà tôi thấy đứng nói chuyện với ông Dwerrihouse trên sân ga Blackwater. Dầu ông ta có là một nhân vật quan trọng nhất trong công ty, tôi cũng không thể nói khác hơn được.
Ông chủ tịch quay sang người soát vé.
-Anh có thấy ông Raikes trên xe lửa hoặc trên sân ga không?
Somers lắc đầu.
-Tôi quả quyết là ông Raikes không có trên xe lửa và tôi cũng chẳng thấy ông ấy trên sân ga.
Ông chủ tịch quay sang ông bí thư.
-Ông Hunter, ông Raikes làm trong văn phòng của ông. Ông nhớ xem ông ấy có vắng mặt vào ngày 4 tây không?
Ông bí thư đáp:
-Tôi không nghĩ là ông ấy vắng mặt nhưng tôi không chắc lắm. Gần đây tôi thường phải đi công việc vào buổi chiều, ông ấy có thể vắng mặt nếu ông ấy được phép.
Ngay lúc ấy ông phó bí thư đến mang theo quyển lịch trình. Ông chủ tịch nói:
-Ông Raikes, ông coi dùm vào ngày 4 tây tháng này trách vụ của Benjamin Somers là gì.
Ông Raikes mở lịch trình ra, bằng một ngón tay và cặp mắt nhà nghề ông ta dò theo ba hoặc bốn cột chữ nối tiếp nhau và dừng lại ở cuối trang, rồi ông ta đọc to lên là vào ngày đó Benjamin Somers đã theo chuyến tốc hành 4g15 đi suốt từ London đến Crampton.
Ông chủ tịch chồm ra khỏi ghế nhìn thẳng vào mặt ông phó bí thư hỏi đột ngột:
-Còn ông, ông Raikes, chiều hôm đó ông ở đâu?
-Tôi à, thưa ông?
-Chính ông. Chiều và tối ngày 4 tây tháng này ông ở đâu?
-Dạ ở tại đây trong văn phòng ông Hunter. Tôi còn ở đâu khác nữa chứ.
Trong giọng nói của ông phó bí thư có chút run sợ nhưng vẽ ngạc nhiên của ông ta thì rất tự nhiên.
-Ông Raikes, chúng tôi có lý do để tin rằng ông đã vắng mặt chiều hôm đó không có phép,  có đúng vậy không?
-Thưa, chắc chắn là không đúng. Kể từ tháng 9 đến bây giờ tôi chưa hề có một ngày nghỉ nào cả. Ông Hunter sẽ làm chứng cho tôi về việc này.
Ông Hunter lặp lại những điều ông đã nói khi nãy nhưng nói thêm rằng các thư ký trong văn phòng bên cạnh chắc chắn sẽ biết. Vì vậy người thư ký trưởng, một người trung niên, vẽ nghiêm trang, đeo cặp kiếng xanh đậm được mời đến chất vấn.
Lời khai của ông này gỡ rối cho ông phó bí thư ngay. Ông này nói rằng theo ông biết thì ông Raikes không hề vắng mặt trong giờ làm việc bao giờ kể từ khi ông ta trở về sau chuyến nghỉ phép thường niên hồi tháng 9.
Tôi lấy làm bối rối. Ông chủ tịch quay sang tôi mỉm cười, vẽ hơi khó chịu.
-Ông Langford, chắc ông đã nghe rõ?
-Vâng, nhưng lời tố cáo của tôi không thay đổi.
-Ông Langford, tôi e rằng các cáo buộc của ông là vô căn cứ. Tôi nghĩ rằng ông đã nằm mơ và lẫn lộn sự kiện thật với giấc mơ. Đó là một thói quen tâm trí nguy hiểm, có thể đưa đến các hậu quả tai hại. Nếu ông Raikes đây không có lý do cách diện rõ ràng thì đã rơi vào một tình huống không may rồi.
Tôi định trả lời nhưng ông không dành cho tôi chút thì giờ nào mà quay sang nói tiếp với hội đồng.
-Thưa quý vị, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phí thì giờ nếu tiếp tục cuộc tra vấn này. Chứng cứ của ông Langford chỉ có giá trị tương đối. Lời khai của Benjamin Somers đã làm mất giá trị phần đầu của lời khai ông Langford và lời khai của nhân chứng vừa rồi lại làm mất giá trị phần thứ hai của lời khai ông Langford. Tôi nghĩ chúng ta có thể kết luận rằng ông Langford đã ngủ quên trên xe lửa trong chuyến đi Clayborough và đã mơ một giấc mơ bất thường và rõ ràng mà chúng ta đã được nghe khá đầy đủ.
Có vài điều còn khó chịu hơn là lời khai chắc chắn của mình bị người ta nghi ngờ. Tôi không thể không bực mình vì sự việc đã xảy ra trái ngược như vậy. Tôi không đủ chứng cớ để đối lại với sự mỉa mai trong cung cách của ông chủ tịch. Khó chịu hơn cả là cái cười mỉm lặng lẽ ở khóe môi Benjamin Somers và ánh mắt nửa như đắc thắng nửa như thù ghét của ông phó bí thư. Rõ ràng là ông ta có vẽ bối rối và hơi sợ hãi. Cái nhìn của ông ta như lén lút tra vấn tôi. Hắn là ai? Hắn muốn gì? Tại sao hắn lại đến đây để gieo sự nghi ngờ giữa các ông chủ với mình? Có gì liên quan đến hắn là mình đã vắng mặt không phép hay không?
Đọc ra những thắc mắc này từ ánh mắt của ông phó bí thư và có lẽ vì bực mình, tôi đã xin hội đồng nhín cho thêm chút thì giờ. Jeff bồn chồn kéo tay áo tôi thì thầm:
-Thôi bỏ qua đi. Ông chủ tịch nói phải, anh đã mơ, bây giờ đừng nói gì thêm là tôt hơn cả.
Tuy nhiên tôi không thể nín lặng như thế được. Tôi vẫn còn một điều để nói và tôi phải nói ra. Đó là: những giấc mơ không thể tạo ra các kết quả có thể sờ mó được và tôi đòi ông chủ tịch giải thích xem tại sao giấc mơ của tôi lại có thể tạo ra một ảo giác quá thật và tốt đẹp như hộp xi-gà mà tôi đã được vinh dự đặt ra trước mặt ông khi buổi tra vấn bắt đầu? Ông chủ tịch đáp:
-Ông Langford, tôi công nhận hộp xi-gà là điểm mạnh nhất trong chứng cớ của ông. Tuy nhiên nó là điểm mạnh duy nhất của ông mà  thôi, và có thể là chúng tôi đã lầm lẫn vì sự quá giống của nó. Ông cho phép tôi xem lại cái hộp nhé.
Tôi trao cho ông vừa nói:
-Không thể có một sự giống nhau từng chi tiết những chữ cái tới các điểm nhỏ nhặt khác.
Ông chủ tịch xem xét trong im lặng một lát rồi đưa qua ông Hunter. Ông Hunter quay hộp qua lại rồi lắc đầu.
-Đây không phải là một sự giống nhau. Chắc chắn đây là hộp xi-gà của ông Dwerrihouse. Tôi nhớ nó rất rõ, tôi thấy nó cả trăm lần rồi.
Ông chủ tịch nói thêm:
-Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng như thế thì làm sao giải thích được tại sao nó lại vào tay ông Langford?
Tôi đáp:
-Tôi chỉ có thể lặp lại là tôi đã thấy nó trên sàn toa sau khi ông Dwerrihouse xuống ga. Lúc chồm ra cửa sổ để nhìn theo ông ấy tôi đã đạp phải nó và chính lúc chạy theo để trao trả nó lại cho ông ấy, tôi đã trông thấy ông Raikes đứng nói chuyện với ông ấy.
Tôi lại nghe Jeff kéo tay áo tôi thì thào.
-Nhìn ông Raikes kìa! Nhìn ông Raikes kìa!
Tôi quay nhìn về phía ông phó bí thư đã đứng khi nãy và trông thấy ông ta, mặt trắng bệch, môi run rẩy đang lùi dần về phía cửa.
Từ mối nghi ngờ nổi lên đột ngột, kỳ lạ và rõ ràng đến lúc tôi nhảy bổ về phía ông ta, chụp hai vai ông ta như chụp một đứa con nít, quay gương mặt sợ hãi của ông ta về phía hội đồng, chỉ mất một tích tắc đồng hồ. Tôi hô lên:
-Hãy nhìn ông ta! Hãy nhìn mặt ông ta! Tôi không đòi hỏi một nhân chứng nào hơn để nói lên sự thật các lời nói của tôi trước hội đồng.
Đôi lông mày ông chủ tịch nhíu lại. Ông nói một cách nghiêm khắc.
-Ông Raikes, nếu ông có biết điều gì thì tốt hơn ông nên nói ra.
Cố gắng vô hiệu quả để vuột khỏi tay tôi, ông phó bí thư lắp bắp một lời phủ nhận không rõ rệt.
-Buông tôi ra….Tôi không biết gì cả…Ông không có quyền giữ tôi lại đây…Buông tôi ra.
-Ông có đến gặp ông Dwerrihouse ở ga Blackwater không? Lời tố cáo ông hoặc là thật hoặc là giả. Nếu thật thì ông sẽ có lợi hơn nếu cung khai hết những điều ông biết ra đây để xin lượng khoan hồng của hội đồng.
Ông phó bí thư vặn vẹo hai bàn tay trong một nổi sợ hãi đau đớn. Ông ta kêu lên:
-Tôi ở xa. Lúc đó tôi ở xa cả 200 dặm kia mà. Tôi không biết gì về việc đó cả. Tôi không có gì phải cung khai cả. Tôi vô tội! Tôi xin Chúa hãy chứng giám sự vô tội của tôi.
Ông chủ tịch hỏi:
-Cách xa 200 dặm. Ông nói gì thế?
-Tôi ở Devonshire. Tôi được nghỉ phép ba tuần. Tôi đã xin với ông Hunter. Ông Hunter biết là tôi được nghỉ phép ba tuần mà. Suốt thời gian đó tôi ở Devonshire. Tôi có thể chứng minh là tôi dã ở Devonshire.
Thấy thái độ của ông ta sợ hãi. Nói năng không rõ ràng và vẽ lo lắng thái quá, các giám đốc bắt đầu xì xầm với nhau và một người lặng lẽ đứng dậy bảo anh tùy phái đứng canh cửa. Ông chủ tịch lại hỏi:
-Việc ông đã ở Devonshire thì có liên quan gì đến vấn đề này? Ông đã ở Devonshire khi nào?
Ông bí thư đáp:
-Ông Raikes nghỉ phép hồi tháng 9, khoảng vào lúc ông Dwerrihouse bỏ đi mất.
-Tôi chẳng hề biết là ông ấy đã đi mất mãi cho tới khi tôi nghỉ phép về.
Ông chủ tịch nói:
-Điều đó để sẽ xét lại. Tôi sẽ giao việc này lại cho cảnh sát ngay. Còn bây giờ thì, ông Raikes, là một chưởng lý và đã từng xử những vụ như thế này, tôi khuyên ông không nên chống cự mà hãy thú tội lúc còn kịp thời. Còn về người đồng lõa với ông…
Con người sợ hãi kia quỵ xuống hai đầu gối và kêu lên:
-Tôi không có đồng lõa nào cả, nhưng xin hãy khoan hồng cho tôi. Hãy tha mạng sống tôi, tôi sẽ khai hết tất cả. Tôi không có ý định hại ông ấy. Tôi không có ý làm đau một sợi tóc trên đầu ông ấy. Chỉ xin hãy khoan hồng cho tôi và tha cho tôi.
Ông chủ tịch đứng dậy, tái mặt và đầy khích động. Ông thảng thốt nói:
-Trời đất! Điều bí ẩn khủng khiếp gì đây? Ông muốn nói gì chứ?
Jeff nói:
-Còn gì phải hỏi nữa, chắc chắn như Chúa trên trời là án mạng đã xảy ra.
-Không. Không. Không. Raikes thét lên, vẫn quỳ và co rút người như một con chó săn bị đánh đập.
-Không phải sát nhân. Không một bồi thẩm đoàn nào có thể nói đây là một vụ cố sát được. Tôi tưởng chỉ làm ông ấy bất tỉnh thôi. Tôi không hề có ý làm hơn như thế. Ngộ sát. Ngộ sát. Không phải cố sát.
Kinh hoàng vì sự tiết lộ không ngờ này, ông chủ tịch đưa tay bụm mặt và yên lặng trong ít giây. Cuối cùng ông nói:
-Con người khốn khổ kia. Ông đã tự tố cáo mình ra rồi.
-Ông bảo tôi hãy cung khai. Ông khuyên tôi hãy nhờ lượng khoan hồng  của hội đồng.
Ông chủ tịch đáp:
-Ông đã thú ra một tội mà không hề một ai nghi ngờ cho ông cả. Một tội mà hội đồng nầy không có quyền xử phạt hay tha thứ. Tôi chỉ có thể khuyên ông nên nộp mình cho luật pháp, nên nhận tội và đừng giấu giếm gì cả. Ông đã làm việc đó hồi nào?
Con người phạm tội đứng lên, nặng nề dựa vào bàn. Câu trả lời của ông ta thốt ra một cách do dự, giống như lời nói của một người đang mơ ngủ.
-Vào ngày 22 tây tháng 9.
Vào ngày 22 tây tháng 9! Tôi nhìn Jeff và Jeff nhìn tôi. Tôi nghe mặt mình tái đi trong một cảm giác ghê sợ và ngạc nhiên. Tôi thấy mặt Jeff  bổng tái nhợt và cặp môi cũng thế. Anh thì thào:
-Chúa ơi! Vậy thì anh đã thấy gì trên xe lửa?
Câu hỏi này không được giải đáp cho đến nay. Tôi đã không thể trả lời được. Tôi chỉ biết rằng người tôi gặp giống hệt như người bị giết, cái người mà thân xác đã nằm khoảng mười tuần lễ dưới một đống cành cây khô và lá mục, dưới đáy một cái hố rác vắng vẻ ở giữa đường từ Blackwater đến Mallingford. Tôi biết rằng người đó đã nói, đã đi đứng và đã nhìn giống y như cái xác kia đã nói, đã đi đứng và đã nhìn khi còn sống. Tôi biết rằng tôi đã được nghe kể những điều, những công chuyện làm ăn mà tôi không thể nghe biết được bằng cách nào khác. Tôi cũng biết rằng tôi đã được hướng dẫn cho thấy hình ảnh trên sân ga để dẫn dắt tôi đến việc xác nhận lý lịch của kẻ sát nhân, rằng tôi là một dụng cụ thụ động được dùng để mang lại công lý sau cùng. Những điều này tôi không thể nào giải thích được.
Về hộp xi-gà thì theo cuộc điều tra tôi được biết, toa xe mà tôi đã đi chiều hôm đó đến Clayborough đã không được dùng đến trong nhiều tuần lễ mà cũng là toa xe mà ông Dwerrihouse đáng thương đã đi lần cuối cùng. Hẳn là ông ấy đã đánh rơi và nó đã nằm đó không ai thấy mãi đến khi tôi lượm được.
Về chi tiết vụ án mạng tôi không cần phải dài dòng. Những ai muốn biết rõ từng chi tiết có thể lục xem bảng thú tội của Augustus Raikes trong hồ sơ lưu của báo Times năm 1856. Chỉ cần tóm tắt như sau:  Ông phó bí thư biết đến dự án thiết lập đường hỏa xa mới, đã theo dõi từng bước cuộc thương lượng và quyết định đón đường ông Dwerrihouse để cướp số tiền 75.000 bảng Anh rồi trốn sang Mỹ.
Để thực hiện ý định, ông ta đã xin nghỉ phép vài ngày trước thời gian ấn định cho vụ trả tiền, và đã ghi tên giữ chổ trên một tàu hành khách xuyên Đại Tây Dương sẽ khởi hành ngày 23 tây. Mang theo một bình dưỡng khí cá nhân ông ta đến Blackwater để chờ đợi nạn nhân của mình. Ông ta đã gặp nạn nhân trên sân ga với một bức điện giả của hội đồng như thế nào. Đã đề nghị hướng dẫn nạn nhân theo một đường tắt ngang qua các cánh đồng để đến Mallingford như  thế nào. Khi đến một nơi vắng vẻ đã đập nạn nhân bằng bình dưỡng khí và giết chết ông ta như thế nào. Khi nhận ra việc mình đã làm, liền kéo xác nạn nhân đến một hố rác khuất nẻo như thế nào và đã ném xác xuống đó rồi chất cành cây và rác rưởi lên trên. Lạ thay, tên sát nhân sau khi thi hành xong thủ đoạn lại không dám rời nước. Hắn nói rằng không có ý định giết người mà chỉ định đập bất tỉnh để cướp của, nhưng khi thấy nạn nhân đã chết hắn không dám tẩu thoát vì sợ kéo mọi nghi ngờ về phía mình. Hắn biết nếu chỉ là một tên cướp của hắn sẽ trốn an toàn ở Mỹ, nhưng là một tên sát nhân thì không thể nào tránh khỏi bị săn đuổi và đem ra công lý. Vì vậy hắn đã xin gạch tên trên chuyến tàu và trở về văn phòng như bình thường sau khi mãn phép, cất dấu số tiền cướp để chờ một dịp thuận tiện hơn. Trong khi đó hắn vô cùng khoan khoái thấy ông Dwerrihouse bị mọi người cho rằng đã tẩu thoát với số tiền, nhưng không ai biết bằng cách nào.
Dầu có cố sát hay không, Augustus Raikes cũng đã đền tội ác của mình và bị treo cổ ở nhà giam Bailey vào giữa tháng giêng 1857. Ai muốn được nhìn rõ ông ta (làm bằng sáp) có thể đến xem “Căn phòng khủng khiếp” bất cứ lúc nào tại phòng trưng bày của bà Tussaud ở đường Baker. Tại đó sẽ thấy ông ta đứng giữa đám các ông các bà phạm tội ác, mặc bộ đồ nỉ cắt sát mà ông ta đã mặc ngày gây án và cầm trên tay cái tang vật đã dùng để giết người.
Xong ngày 24 tháng 2, 1983
Hoàng_Yến