Dịch giả:: Lưu văn Hy
Cô hầu cận
Agatha Christie

     ô Helier nói:
- Này bác sĩ Lloyd. Thế bác sĩ có biết một câu chuyện kinh dị nào không nhỉ?
Cô mỉm cười với vị bác sĩ - nụ cười hàng đêm vẫn làm mê hoặc biết bao khán giả ở nhà hát. Jane Helier đôi khi được gọi là người phụ nữ xinh đẹp nhất nước Anh, những kẻ ganh tị với nghề nghiệp của cô vẫn thường kháo nhau rằng:
- Dĩ nhiên Jane đâu có phải là một nghệ sĩ. Ả mà diễn xuất cái nỗi gì - bà hiểu ý tôi chứ. Ả chỉ nhờ cặp mắt của mình mà thôi!
“cặp mắt” này đang đắm đuối nhìn vị bác sĩ đứng tuổi tóc hoa râm vẫn còn độc thân, suốt năm năm qua, vẫn lo chữa trị cho những người bệnh trong ngôi làng Mary Mead này.
Bất giác, vị bác sĩ kéo chiếc áo gilê xuống (có vẻ như chật chội khó chịu) và cố moi móc thật nhanh trong trí óc mình, để đừng làm thất vọng con người đáng yêu kia đang đặt hết tin tưởng vào mình.
Và Jane mơ màng.
- Tôi cảm thấy sẽ được thích thú đắm mình vào câu chuyện tội ác tối nay đây.
Đại tá Bantry, chủ nhà nói:
- Tuyệt, tuyệt, tuyệt quá đi chứ. - Rồi ông cất giọng cười ồn ào, bộc tuệch của cánh nhà binh.
- Dolly nhỉ?
Vợ ông, nghĩ ngay đến những tình trạng cấp bách của cuộc sống xã hội (kế hoạch du lịch vùng biên giới mùa xuân của mình) nhiệt tình đồng ý.
Bà nói với giọng hăm hở nhưng hơi lơ đãng.
- Dĩ nhiên là tuyệt rồi, em cũng nghĩ thế đây.
Cô Marple nói:
- Thế sao? - Và cặp mắt bà thoáng vẻ long lanh.
Bác sĩ Lloyd nói:
- Như cô biết đấy, cô Helier ạ, chúng ta thật không biết gì nhiều về những câu chuyện kinh dị - và lại càng ít biết gì hơn về những câu chuyện tội ác ở làng Mary Mead này.
- Ông làm tôi bất ngờ thật đấy. - Ông Henry Clithering nói vào. Người cựu nhân viên đặc vụ của Scotland Yard này quay qua cô Marple.
- Bạn bè tôi luôn cho biết là cái làng Mary Mead này chính là cái hang ổ tội phạm và tệ đoan dữ dội lắm đấy.
Cô Marple phản đối:
- Ồ, ông Henry à! - Má bà bỗng ửng hồng.
- Tôi bảo đảm là chưa hề bao giờ nói đến bất kỳ điều gì đại loại như vậy cả. Điều duy nhất mà tôi đã từng nói là tâm địa con người trong một ngôi làng nhỏ cũng giống y như ở bất kỳ nơi nào khác, duy có điều là người ta sẽ có nhiều cơ hội và sự rảnh rỗi để thấy được nó ở những khu phố san sát nhau thôi.
Jane Helier nói, vẫn đang nhắm vào ông bác sĩ.
- Nhưng có phải lúc nào bác sĩ cũng ở đây dâu, bác sĩ vẫn luôn ngao du những chốn xa lạ khắp cả ta và thế giới - những nơi mà có những sự cố xảy ra!
Bác sĩ Lloyd trả lời trong khi vẫn đang cố nghĩ ra một chuyện gì đó một cách vô vọng.
- Dĩ nhiên là vậy rồi. Đúng, đương nhiên... Đúng là... A! Tôi nghĩ ra rồi!
Ông lấy lại bình tĩnh sau một cái thở phào nhẹ nhõm.
- Cách nay vài năm - thế mà tôi hầu như quên khuấy đi mất. Tuy nhiên thực ra sự việc đã xảy ra lạ lắm - dĩ nhiên là rất lạ. Và cuộc gặp gỡ cuối cùng đã khiến tôi nắm giữ được đầu mối của sự việc cũng thật kỳ quặc.
Cô Helier kéo chiếc ghế của mình xích lại gần phía ông bác sĩ, tô thêm chút son môi rồi ngóng cổ chờ đợi. Những người khác cũng hướng về phía ông bác sĩ với vẻ mặt quan tâm.
Ông bác sĩ mở đầu câu chuyện:
- Tôi không biết có vị nào ở đây biết đến những hòn đảo chim Hoàng Yến hay không.
Jane Helier lên tiếng:
- Hẳn là mấy hòn đảo này phải tuyệt vời lắm. Chúng ở vùng Nam hải chứ gì? Hay là ở Địa Trung Hải?
Ông đại tá nói:
- Tôi đã ghé vào đó trên đường đến Nam Phi, đảo Tenerife là một cảnh tuyệt đẹp với cảnh mặt trời lặn ở đó.
- Sự việc mà tôi đang kể đây đã xảy ra trên đảo Đại Yến, chứ không phải trên Tenerife. Chuyện xảy ra cách nay cũng lâu lắm rồi. Dạo ấy tôi bị suy nhược sức khỏe và bắt buộc phải ngưng làm việc ở Anh để ra nước ngoài. Tôi đã hành nghề ở Las Palmas, là thị trấn của đảo Đại Yến. Trong nhiều năm trời, tôi đã rất thích thú được hưởng cuộc sống thanh thoát ở đó. Thời tiết thật mát mẻ lại có cả nắng ấm, thật tuyệt vời khi được lướt sóng (tôi lại rất say mê môn này) và cuộc sống trên biển cả của cảng đã lôi cuốn tôi. Những con tàu từ khắp nơi trên thế giới đều ghé lại Las Palmas. Mỗi sáng tôi vẫn thường thả bộ dọc theo con đê chắn sóng mải mê còn hơn bất kỳ một thành viên của phái đẹp nào bị cuốn hút trong khu phố tràn ngập những cửa hàng nón.
- Như tôi đã kể, các con tàu từ khắp nơi trên thế giới đều ghé vào Las Palmas. Đôi khi chúng lưu lại vài ba giờ, có lúc một hai ngày. Tại khách sạn lớn nhất ở đây là Metropole, quý vị có thể thấy thiên hạ thuộc đủ mọi sắc dân và quốc tịch - những con người lênh đênh hồ hải. Ngay cả những người đi đến Tenerife cũng thường ghé lại đây và lưu lại vài ba ngày trước khi đến đó.
- Câu chuyện của tôi bắt đầu ở đó, trong cái khách sạn Metropole này, vào một tối thứ năm của một ngày tháng Giêng. Tối đó, có một buổi khiêu vũ và tôi cùng với một anh bạn đang ngồi tại một cái bàn nhỏ để ngắm cảnh thiên hạ đang dập dìu nhảy múa. Chỉ lác đác vài ba người Anh và những người thuộc các quốc tịch khác, còn đa số khách nhảy đều là người Tây Ban Nha; và khi ban nhạc chơi một bản tangô, chỉ còn khoảng năm hay sáu cặp khách nhảy người Tây Ban Nha còn lại trên sàn nhảy. Họ đều nhảy rất đẹp và chúng tôi vừa xem vừa trầm trồ tán thướng. Có một phụ nữ đã khiến chúng tôi phải hết lòng tán thưởng. Với dáng người cao, đẹp và những đường cong mỹ miều, cô ta đi lại uyển chuyển như một con beo cái đã được thuần hóa. Có một điều gì nguy hiểm ở cô ta. Tôi đã nói thật nhiều về điều này với anh bạn và anh ta cũng đồng ý như vậy.
Anh ta nói: “Những phụ nữ loại này nhất định là phải có một cuộc đời truân chuyên thôi. Họ khó mà có được một cuộc sống êm ả”.
- Tôi hùa theo: “Sắc đẹp có lẽ là một tài sản nguy hiểm thật đấy”.
Anh bạn đề quyết. “Không chỉ sắc đẹp mà thôi đâu. Còn có một cái gì khác nữa đấy. Hãy thử nhìn lại cô ta đi. Nhất định phải có chuyện xảy ra với người phụ nữ đó, hoặc có chuyện do chính cô ta gây ra cho mà xem. Tôi đã bảo mà, cuộc đời sẽ không suôn sẻ với cô ta đâu. Cậu chỉ cần nhìn cô ta là biết ngay”.
- Anh ta ngừng nói rồi điểm xuyết bằng một nụ cười: “Chỉ nhìn hai người phụ nữ ở đằng kia, thì cậu khắc biết rằng tuyệt nhiên sẽ không thể có gì xảy ra được cho bất kỳ người nào trong số hai người ấy! Họ được sinh ra để tồn tại một cách an toàn và êm ả”.
- Tôi dõi theo ánh mắt anh ta. Hai phụ nữ mà anh ta đang nói đến là hai du khách vừa mới đến - một con tàu Hòa Lan mới ghé cảng tối hôm đó, và hành khách vừa lục tục kéo đến khách sạn.
- Vừa mới nhìn họ tôi đã thấy ngay những gì anh bạn muốn nói. Họ là hai phụ nữ người Anh - đích thị là những lữ khách người Anh trăm phần trăm mà bạn nhận ra ngay khi ở nước ngoài. Họ vào khoảng, bốn mươi. Một người trông xinh xắn và hơi - chỉ hơi - mũm mĩm; còn người kia có nước da đen và hơi - cũng chỉ hơi - khẳng khiu một chút. Trông họ e dè, ít nói và kín đáo trong những bộ đồ bằng vải tuýt được may thật khéo, và tuyệt không hề trang điểm một chút nào cả. Họ mang cái vẻ trầm lặng đặc trưng của những phụ nữ Anh con nhà nề nếp. Cả hai đều không có một nét gì nổi bật. Họ cũng giống như hàng ngàn những phụ nữ đồng hương của mình. Hẳn là họ sẽ xem những gì mà họ muốn xem với sự trợ giúp của tập sách hướng dẫn du lịch Baedeker, ngoài ra chẳng cần biết mọi thứ khác là gì cả. Họ sẽ sử dụng thư viện Anh và đi nhà thờ Anh giáo ở bất kỳ nơi nào mà họ gặp, rất có thể là một hay cả hai người đã phác họa một chút cảnh vật gì đó cũng nên. Đúng như lời anh bạn đã nói, chả có chút gì hào hứng hay đáng nói đã xảy ra cho hai người, mặc dù có thể là họ đã du hành cả nửa vòng trái đất. Nhìn họ xong, tôi quay lại nhìn người phụ nữ Tây Ban Nha có vóc dáng yêu kiều với cặp mắt nung nấu bao ước vọng đang khép hờ hững và tôi bỗng mỉm cười.
- Của đáng tội - Jane Helier buông một tiếng thở dài - Tuy nhiên tôi không cho là những người không biết tận dụng những những thứ đó là ngốc nghêch đâu. Người phụ nữ ở phố thời trang Bond Street của Luân Đôn - Valentine - mới thực là tuyệt diệu. Audrey Denman đã chạy đến với cô ta; và không biết quý vị có từng xem cô ta trong vở “Bậc thang đi xuống” không? Trong vai cô nữ sinh ở màn đầu cô ta quả là tuyệt vời. Và tuy là cô ta cũng đến năm mươi rồi. Nhưng thật ra tôi bỗng phát hiện là tuổi cô ta đã gần sáu mươi rồi đấy.
Bà Bantry thúc giục bác sĩ Lloyd:
- Ông kể tiếp đi. Tôi đang khoái câu chuyện của mấy ả khiêu vũ người Tây Ban Nha với vóc dáng mỹ miều rồi. Nó khiến tôi quên khuấy chuyện già nua và béo phị của mình đi đấy.
Bác sĩ Lloyd phải xin lỗi.
- Rất tiếc. Bà thấy đó, thực ra đây đâu phải là chuyện về mấy phụ nữ Tây Ban Nha đâu.
- Vậy sao?
- Đúng vậy. Khi mọi chuyện xảy ra, tôi và anh bạn mới biết là mình đã lầm. Chả có chút gì gọi là sôi nổi xảy ra với người đẹp Tây Ban Nha này cả. Cô đã lấy một anh thư ký làm ở một văn phòng vận tải, và đến lúc tôi rời đảo, cô ta đã có đến năm mặt con và thân hình thì cứ phì nộn ra.
Cô Marple bình luận:
- Thì cũng y như cô gái trong vở Israel Peters. Cái cô gái khi lên sân khấu có bộ giò thật đẹp đến độ cô đã được cho sắm vai chàng anh hùng trong thể loại kịch câm. Mọi người cứ cho rằng rồi ra cô nàng sẽ chẳng gặp được điều gì tốt lành cả đâu, thế mà cô nàng lại lấy được một tay nhà buôn viễn dương và có được cuộc sống thật tuyệt vời.
Ông Henry thì thào:
- Thì cũng như ngôi làng này chứ gì.
Ông bác sĩ tiếp tục:
- Không phải đâu, câu chuyện của tôi nói về hai phụ nữ người Anh cơ.
Cô Helier bật hỏi:
- Thế họ bị chuyện gì vậy?
- Đã có chuyện xảy ra với họ - vào ngay ngày hôm sau.
Bà Bantry đưa đẩy.
- Vậy sao?
- Chỉ vì tò mò, khi ra khỏi khách sạn tối hôm đó, tôi đã liếc vội vào sổ đăng ký của khách sạn. Thế là đủ để biết được tên của họ một cách dễ dàng. Mary Barton và Amy Durrant ở Little Paddocks, Caughton Weird, Bucks. Tôi thật không có chút mảy may nào về cái ý nghĩ rằng rồi đây mình sẽ sớm gặp lại chủ nhân của những cái tên này - trong những tình huống thật bi thảm.
- Ngày hôm sau, tôi sắp xếp để tham dự một buổi đi chơi ngoài trời với vài người bạn. Vừa dùng cơm trưa, chúng tôi vừa chạy xe băng qua đảo để đến một nơi gọi là (do đã quá lâu rồi, nên nếu tôi nhớ không lầm) Las Nieves, là một vịnh thật kín đáo mà chúng tôi có thể tắm được nếu cảm thấy hứng khởi. Chúng tôi đã thực hiện chương trình này thật chính xác, chỉ ngoại trừ bị trễ chút xíu vào lúc khởi hành, sao cho cả bọn có thể ngừng lại trên đường và tổ chức cắm trại, để rồi sau đó sẽ đi tới Las Nievas để tắm trước khi dùng trà.
- Khi đến gần bãi biển, chúng tôi thấy ngay một cảnh tượng cực kỳ nhốn nháo. Toàn bộ dân cư trong ngôi làng nhỏ dường như đều tụ tập cả trên bãi biến. Ngay khi trông thấy tôi, họ đổ xô lại phía xe hơi rồi bắt đầu kể lể một cách thật sôi nổi. Vì không rành tiếng Tây Ban Nha lắm, tôi đã phải mất mấy phút mới nghe ra, tuy nhiên cuối cùng tôi cũng nắm được câu chuyện mà họ kể.
- Hai phụ nữ Anh điên rồ đi tắm biển, một người bơi ra quá xa và bị nạn. Người kia bơi theo phía sau và cô đem người bị nạn vào bờ, nhưng đến lượt người sau này cũng bị đuối sức và cũng bị chìm nếu không được một người đàn ông chèo ghe ra vớt người cứu nạn lẫn kẻ bị nạn lên - nhưng đã không thể cứu được người bị nạn.
- Ngay khi hiểu rõ tình hình, tôi đã phải vẹt đám đông để vội vã đi xuống phía bờ biển. Thoạt đầu tôi đã không nhận ra được hai người phụ nữ này. Người phụ nữ mầm mập bận bộ đồ tắm bằng vải thun đen với chiếc nón bơi bằng cao su màu lục chả có một nét gì giúp tôi nhận diện được khi cô ta ngước nhìn lên một cách lo lắng. Cô ta đang quỳ bên thi thể của bạn mình, cố gắng làm hô hấp nhân tạo với các thao tác không chuyên. Khi tôi cho cô ta biết tôi là một bác sĩ, thì cô ta thở phào nhẹ nhõm, và tôi đã bảo cô ta phải vào ngay một cái chòi để xoa bóp người và phơi khô quần áo. Một trong những phụ nữ trong nhóm của tôi đã cùng đi với cô ta. Tôi đã phải hì hục làm việc để cứu sống cho cái thi thể của người phụ nữ bị chết đuối kia một cách hoài công. Sự sống rõ ràng đã tắt lịm, và cuối cùng tôi đành phải chào thua.
- Tôi đã quay vào cái chòi của một người dân chài và đành phải báo cái tin buồn thảm này. Người phụ nữ kia hiện giờ đã mặc bộ quần áo thường ngày của mình, và tôi bỗng nhận ngay ra cô ta là một trong hai người du khách đã đến đây tối hôm trước. Cô ta tiếp nhận tin buồn này một cách khá trầm lặng, và rõ ràng là nỗi khủng khiếp của toàn bộ sự việc này đã lấn át bất kỳ cảm xúc cá nhân mạnh mẽ nào của cô ta.
Cô ta nói: “Amy tội nghiệp, thật tội, tội cho Amy quá. Chị ấy cứ mong phải tắm ở đây cho bằng được. Và chị ấy bơi lội giỏi lắm đấy chứ. Tôi cũng không hiểu sao nữa. Thế bác sĩ có nghĩ ra có điều gì xảy ra không nhỉ?”
“Có thể là vọp bẻ. Cô có thể cho tôi biết chính xác những gì đã xảy ra không?”
“Cả hai chúng tôi đã bơi được một lúc - khoảng hai mươi phút thì phải. Sau đó tôi định bụng là bơi trở vào, nhưng Amy lại bảo là chị ấy muốn bơi ra một lần nữa. Và chị ấy bơi ra thật, rồi bỗng nhiên tôi nghe tiếng kêu của chị ấy và phát hiện là chị ấy đang kêu cứu. Tôi đã bơi ra thật nhanh hết sức mình. Khi ra đến nơi thì chị ấy vẫn còn đang nổi, có điều chị ấy lại cuống cuồng vồ chặt lấy tôi thế là cả hai cùng bị chìm xuống. Nếu không có người đàn ông kia chèo ghe ra vớt có lẽ tôi cũng bị chết chìm luôn rồi”.
Tôi nói: “Đó là chuyện vẫn thường hay xảy ra thôi. Cứu người chết đuối đâu phải chuyện chơi”.
Cô Barton nói tiếp: “Khủng khiếp quá đi mất, chúng tôi chỉ mới đến đây hôm qua, và đang tận hưởng ánh nắng mặt trời và một chút thời gian nghỉ lễ của mình. Thế mà giờ đây - cái bi kịch khủng khiếp này lại ập đến”.
- Sau đó tôi đã hỏi cô ta những điều cụ thể về người phụ nữ đã chết, với lý do là tôi sẽ làm mọi chuyện để giúp cô ta, tuy nhiên nhà cầm quyền Tây Ban Nha cũng sẽ yêu cầu phải cung cấp đầy đủ thông tin nữa. Chính điều này đã khiến cô ta sẵn sàng cung cấp đầy đủ thông tin cho tôi.
- Người phụ nữ xấu số, cô Amy Durrant, là người được thuê làm người hầu cận cho cô và đã đến làm cho cô khoảng năm tháng trước đó. Họ rất hợp ý với nhau, tuy nhiên cô Durrant đã cho biết rất ít về những người thân của mình. Cô đã bị mồ côi từ khi còn rất nhỏ và đã được một ông chú nuôi nấng, rồi sau đó đã tự tìm kế sinh nhai từ khi được hai mốt tuổi.
Ông bác sĩ hỏi tiếp:
- Và tất cả chỉ có thế thôi.
Ông ngừng một chút rồi lại nói tiếp, nhưng giọng nói lúc này biểu lộ sự dứt điểm.
- Và tất cả chỉ có thế thôi.
Jane Helier nói:
- Em chả hiểu gì cả. Chỉ có thế thôi à? Ý em muốn nói là, câu chuyện sao mà thảm quá, tuy nhiên nó lại không - phải rồi, nó chả có gì gọi là rùng rợn ly kỳ cả.
Ông Henry tiếp lời:
- Tôi cho là sau đó sẽ còn nhiều chuyện nữa đấy.
Bác sĩ Lloyd tiếp lời:
- Đúng vậy, sẽ còn nhiều chuyện tiếp theo đấy. Rồi quý vị thấy, ngay lúc đó có một chuyện rất kỳ quặc. Dĩ nhiên tôi đã hỏi những người đánh cá, v.v... nhiều câu hỏi về những gì họ đã thấy. Họ chính là những nhân chứng đã chứng kiến tận mắt sự việc. Và một chị phụ nữ đã kể lại sự việc khá nực cười. Lúc bấy giờ tôi không chút quan tâm gì đến chuyện này, nhưng sau đó tôi mới chợt nhớ đến nó. Quý vị biết không, chị ta cứ đề quyết là cô Durrant chẳng hề gặp chuyện nguy hiểm gì cả khi cô ta đang la lên. Còn cô kia đã bơi ra chỗ cô ta và theo lời chị phụ nữ này thì, đã cố tình nhấn đầu cô Durrant xuống nước. Như đã nói từ trước, tôi đã chẳng quan tâm gì đến chuyện này. Nó thật quái dị và có vẻ khác hẳn với những gì xảy ra trên bờ biển. Cô Barton có lẽ đã cố gắng làm cho cô bạn của mình ngất đi, vì nhận thức rằng chuyện vồ chụp trong cơn hoảng loạn của người bị nạn sẽ khiến cả hai cùng bị nhấn chìm. Quý vị thấy đó, theo lời kể của chị phụ nữ Tây Ban Nha, có vẻ như - đúng là, như thể cô Barton đã cố tình trấn nước cô bạn của mình vậy.
- Như tôi đã nói, vào lúc đó tôi hầu như không mảy may quan tâm đến chuyện này. Sau đó tôi mới sực nhớ lại. Cái khó khăn to lớn của chúng tôi là phải khám phá ra bất kỳ điều gì về người phụ nữ xấu số này, Amy Durrant. Dường như cô ta không có bất kỳ người thân nào cả. Cô Barton và tôi cùng nhau lục lọi tất cả đồ đạc của cô ta. Chúng tôi tìm thấy một địa chỉ và đã viết thư đến đó, tuy nhiên việc này chỉ cho biết đó là một căn phòng mà cô ta đã thuê để cất giữ đồ đạc mà thôi. Bà chủ nhà cũng chả biết gì, chỉ duy nhất gặp cô ta khi nhận phòng mà thôi. Vào lúc đó cô Durrant đã lưu ý là lúc nào cũng thích có một nơi chốn riêng biệt của mình để có thể trở về bất cứ lúc nào. Có một hai món đồ cổ nào đó và một số hình ảnh thời còn đi học, và một rương sách mua với giá son, nhưng không thấy món đồ cá nhân nào cả. Cô ta đã cho bà chủ nhà biết là cha mẹ mình đã chết ở Ấn Độ khi cô còn bé và đã được một ông chú hay cậu là mục sư nuôi nâng, tuy nhiên lại không cho biết rõ ông ta là chú hay cậu, do đó cũng không có hướng để tìm biết tên họ ông ta.
- Chính xác thì không phải là chuyện bí ẩn, mà chỉ là chuyện chưa được thỏa lòng mà thôi. Hiện nay có nhiều phụ nữ sống cô độc, kiêu hãnh và dè dặt, trong tình cảnh đó. Có hai tấm hình trong số đồ đạc của cô ta ở Las Palmas - đã khá cũ và phai mờ bị cắt xén cho vừa với khung hình, nên cũng không còn thấy tên của nhà nhiếp ảnh đã chụp tấm hình, và còn có một tấm hình chụp theo kiểu ghép có thể là hình của mẹ, hay có lẽ là hình của bà ngoại cô ta thì đúng hơn.
- Cô Barton còn có tên của hai người có liên hệ với cô Durrant. Một tên cô đã quên mất rồi, còn tên kia phải cố gắng lắm cô mới nhớ ra. Đây là tên của một nữ chủ nhân hiện nay đã ở nước ngoài, mãi tận Úc châu. Người ta cũng đã gửi thư cho bà này. Dĩ nhiên, thư trả lời của bà ta phải mất một thời gian rất lâu mới tới được. Và tôi có thể nói rằng khi thư đến thì nó chẳng còn chút ích lợi gì cả. Bà ta cho biết cô Durrant đã làm việc cho bà như một người hầu cận và rất được việc và cũng là một phụ nữ rất duyên dáng, tuy nhiên bà ta không hề biết chút gì về những chuyện riêng tư hay bà con thân thích của cô ta.
- Vì thế, thật ra - chẳng có gì là bất thường cả, như tôi đã nói. Đó chính là hai điều cùng khiến tôi phải bức xúc khó chịu. Cái cô Amy Durrant này mà chẳng ai biết bất kỳ điều gì về nhân thân, và câu chuyện kỳ quặc của chị phụ nữ Tây Ban Nha. đúng vậy, và tôi sẽ còn bổ sung thêm một chuyện thứ ba nữa. Khi tôi mới cúi người xuống trên thi thể nạn nhân và cô Barton đang đi về phía những cái chòi, cô ta đã ngoái nhìn lại. Cô đã ngoái nhìn với một vẻ mặt mà tôi chỉ có thể mô tả là một sự bức xúc, xốn xang - một loại tâm trạng thống khổ mông lung đã hằn sâu trong tâm trí tôi.
- Lúc bấy giờ nó đã không hề gây cho tôi ấn tượng về bất kỳ một điều gì bất thường cả. Tôi chỉ cho đó là nỗi thống khổ khủng khiếp về người hầu cận của cô ta mà thôi. Tuy nhiên, bạn thấy đấy, sau này tôi mới nhận thấy rằng chúng chẳng ăn nhập gì đến những tâm trạng ấy cả. Chả có mối thâm tình chí cốt nào giữa hai người, thì làm gì có chuyện thống khổ khủng khiếp đến thế cơ chứ. Cô Barton chỉ ưa thích Amy Durrant và bị sốc vì cái chết của cô này - thế thôi.
- Tuy nhiên, sau đó tại sao lại có cái tâm trạng bức xúc, xốn xang đến mức khủng khiếp như vậy? Đó chính là câu hỏi cứ đeo đẳng theo tôi. Tôi thật không thể lầm về cái dáng vẻ đó được. Và hầu như nghịch lại với ý chí của mình, một câu trả lời bắt đầu hình thành trong tâm trí tôi. Cứ giả như câu chuyện của chị phụ nữ Tây Ban Nha là thực; cứ giả như Mary Barton cố ý và đang tâm quyết nhấn chìm Amy Durrant dưới nước. Thì quả là cô ta đã thành công trong việc trấn nước nạn nhân trong khi giả vờ như đang cứu nạn. Cô ta lại được một chiếc ghe đến cứu. Những chuyện này lại xảy ra trên một bãi biển quạnh quẽ xa hẳn với các nơi khác. Và sau đó tôi lại xuất hiện - điều bất ngờ mà cô ta không hề dự kiến. Một vị bác sĩ! Mà lại là một ông bác sĩ người Anh nữa! Cô ta biết quá rõ là những người bị chìm dưới nước trong thời gian còn lâu hơn cả Amy Durrant thì vẫn có thể được cứu sống bằng phương pháp hô hấp nhân tạo. Tuy nhiên cô ta vẫn đành phải diễn xuất cho trọn vai trò của mình - phải bỏ đi để mặc cho tôi một mình với nạn nhân của cô ta. Và khi ngoái lại nhìn lần sau cùng, một vẻ bức xúc, xốn xang hết sức đã lộ hẳn trên mặt cô ta. Liệu Amy Durrant có sống lại rồi kể lại những gì cô ta biết hay không?
Jane Helier nói:
- Ôi chà! Em rợn cả người lên rồi đây.
- Nếu xét theo hướng này thì toàn bộ câu chuyện có vẻ như đã sặc mùi tử khí hơn rồi đấy, và con người của Amy Durrant lại càng trở nên bí ẩn hơn. Amy Durrant là ai? Tại sao cô ta chỉ là một người được thuê làm hầu cận lại bị chủ nhân của mình sát hại? Cô ta chỉ mới vào làm cho Mary Barton mới vài tháng trước đó thôi. Mary Barton đã dẫn cô ta ra nước ngoài, và chỉ một ngày sau khi lên đảo thì tấn thảm kịch đã xảy đến. Và cả hai đều là những phụ nữ Anh xinh xắn, khuôn phép và có học thức! Tôi cứ tự nhủ toàn bộ sự việc sao lại kỳ quặc như vậy. Tôi cũng đành thúc thủ cùng với trí tưởng tượng của mình.
Cô Helier thắc mắc:
- Thế sau đó anh không làm bất kỳ điều gì nữa à?
- Thưa cô nương yêu quý, thế tôi có thể làm được gì nào? Chả có chứng cớ nào cả. Đa số các nhân chứng tận mắt chứng kiến đều kể lại sự việc giống như cô Barton thế thôi. Tôi đã xây dựng những điều ngờ vực của mình dựa trên một sự biểu lộ thoáng qua có thể do tôi đã tưởng tượng ra cũng nên. Điều duy nhất mà tôi có thể làm thì tôi đã làm là xem xét việc điều tra mở rộng nhất về những người thân của Amy Durrant. Thậm chí trong lần trở về Luân Đôn sau đó tôi đã đến gặp bà chủ nhà cho cô ta mướn phòng, và chỉ thu lượm được những kết quả như tôi đã kể cho quý vị nghe rồi đấy.
Cô Marple tiếp lời:
- Nhưng ông đã cảm thấy có một điều gì không ổn rồi chứ.
Bác sĩ Lloyd gật đầu đồng ý.
- Đến giữa chừng tôi cảm thấy tự hổ thẹn về ý nghĩ này. Tôi là ai mà lại nỡ đi nghi ngờ một phụ nữ Anh xinh đẹp, hòa nhã như vậy về một tội ác gớm ghiếc và tàn nhẫn ấy được chứ? Tôi đã cố gắng đối xử hết sức thân ái với cô ta trong suốt thời gian cô ta lưu lại trên đảo. Tôi đã giúp đỡ cô ta trong việc tiếp xúc với nhà chức trách địa phương. Với cương vị một người dân Anh tôi đã cố gắng hết mình để làm mọi chuyện giúp đỡ cho một người đồng hương ở một đất nước xa lạ; tuy nhiên tôi đã tin là cô ta đã biết rằng tôi đang nghi ngờ và không ưa gì cô ta.
Cô Marple thắc mắc:
- Thế cô ta đã ở lại đó bao lâu?
- Tôi cho là khoảng hai tuần. Cô Durrant đã được chôn ở đó, và phải đến mười ngày sau cô ta mới đáp tàu trở về Anh. Cú sốc này đã khiến cô ta bối rối đến độ không thể nào ở lại đó đến hết mùa đông như dự tính. Đó là những gì mà cô ta đã cho biết.
Cô Marple lại hỏi tiếp:
- Xem chừng điều đó đã làm cho cô ta bấn loạn phải không?
Vị bác sĩ do dự.
Sau đó ông ta thận trọng đáp lại:
- À, tôi không rõ là nó ảnh hưởng đến diện mạo của cô ta.
Cô Marple lại hỏi:
- Chẳng hạn, cô ta đã chẳng phát phì lên đó sao?
- Bà biết không - điều bà nói gây cho tôi tò mò đấy. Bây giờ tôi mới chợt nhớ ra, quả là bà đã nói đúng. Cô ta - đúng vậy, dường như là cô ta đang lên ký thật.
Jane Helier vừa nói vừa rùng mình.
- Ghê quá. Cứ như thể - như thể con người ấy cứ phát phì lên bằng máu của nạn nhân của mình vậy.
Bác sĩ Lloyd kể tiếp:
- Nhưng tuy vậy, một mặt, vào lúc đó tôi có thể đang đối xử bất công với cô ta. Hẳn là cô ta đã nói một điều gì đó trước khi ra đi, nhằm vào một hướng hoàn toàn khác biệt. Theo tôi, có lẽ là vấn đề lương tâm đang tác động rất ư chậm chạp - một lúc nào đó đã thức tỉnh trước sự tàn ác, dã man của hành động đã phạm.
- Chính vào buổi tối trước khi rời khỏi những hòn đảo Hoàng Yến này. Cô ta đã mời tôi đến gặp cô ta, và đã nồng nhiệt cám ơn tôi về tất cả những gì đã làm để giúp đỡ cô ta. Và dĩ nhiên là tôi đã khiêm tốn cho rằng mình chỉ làm những gì đương nhiên phải làm trong tình huống như vậy, và vân vân. Sau đó, cả hai cùng im lặng một lúc, rồi bỗng nhiên cô ta hỏi tôi một câu.
Cô ta hỏi: “Ông có nghĩ rằng một người có bao giờ được xem là đúng khi khuynh đảo luật pháp trong tay mình hay không?”
- Tôi đã trả lời rằng đây là một câu hỏi khá hóc búa, tuy nhiên nói chung, tôi cho là không được. Luật là luật, chúng ta phải tuân thủ luật pháp.
- Ngay cả khi nó bất lực nữa?
- Tôi thật không rõ ý cô muốn nói gì.
- Thật khó giải thích thật đấy; tuy nhiên một người có thể làm một điều gì đó bị xem là rõ ràng sai trái - nghĩa là bị xem là một tội ác, ngay cả vì một lý do thật tốt lành và được việc đi nữa.
- Tôi trả lời ngắn gọn là có thể một vài tên tội phạm đã nghĩ thế khi gặp cơ hội ra tay, và cô ta bỗng co rúm người lại.
Cô ta thì thào: “Thế thì thật khủng khiếp, khủng khiếp quá”.
- Và sau đó cô ta đổi giọng, nhờ tôi cho cô ta một chút thuốc men gì đó để cô ta có thể ngủ được. Cô ta đã không thể ngon giấc được từ lúc - cô bỗng ngập ngừng - từ lúc bị cơn sốc đầy kinh hoàng đó.
“Cô có chắc là vì chuyện đó không? Có gì mà cô phải lo lắng chứ? Đầu óc cô có bị vướng mắc gì không?”
“Đầu óc tôi à? Có gì vướng mắc trong đầu óc tôi ấy à?”
Giọng cô ta bỗng xẵng ra và đầy nghi hoặc.
Tôi đáp thật nhẹ nhàng: “Lo lắng đôi khi cũng là lý do gây mất ngủ”.
Cô ta có vẻ như đang ngẫm nghĩ trong giây lát.
“Có phải bác sĩ muốn nói là lo lắng về tương lai, hay lo lắng về quá khứ, điều nào không thể thay đổi được chứ gì?”
“Cả hai”.
“Chỉ có điều là lo lắng về quá khứ thì chả có gì là tốt lành. Không thể xoay chuyển được đâu - Ồ! Chả tích sự gì đâu! Đừng suy nghĩ làm gì cho mệt. Cứ bỏ quách nó đi, đừng suy nghĩ nữa”.
- Tôi cho cô ta uống một liều thuốc ngủ nhẹ rồi chào từ biệt. Khi ra về, tôi đã cứ thắc mắc rất nhiều về những lời mà cô ta đã nói ra. “Không thể xoay chuyển được đâu” Mà là cái gì? Hay là ai? mới được chứ.
- Tôi nghĩ rằng lần gạn hỏi cuối cùng này đã chuẩn bị lèo lái tôi theo một đường hướng về những gì sẽ xảy ra sau này. Dĩ nhiên là tôi không hề biết trước, nhưng khi nó xảy ra, tôi đã không bị bất ngờ. Vì, như quý vị thấy đó, cô Mary Barton luôn luôn gây cho tôi ấn tượng cô ta là một phụ nữ có ý thức - không phải là một tội phạm đê hèn, mà là một phụ nữ có những lý lẽ vững chắc, biết hành động theo những lý lẽ này, và sẽ không hề nhân nhượng một khi đã tin tưởng vào chúng. Tôi nghĩ rằng trong lần trò chuyện sau cùng này cô ta bắt đầu nghi ngờ các lý lẽ của chính mình. Tôi biết những lời lẽ của cô ta đã gợi cho tôi thấy rằng cô ta đang cảm thấy những khởi đầu yếu ớt của tâm trạng bức xúc - sự cắn rứt của lương tâm.
- Sự việc xảy ra ở Cornwall, tại một vùng sông nước không rộng lớn lắm, khá vắng vẻ vào mùa mà sự việc xảy ra trong năm đó. Ắt hẳn là vào - để xem nào - cuối tháng ba. Tôi biết được sự việc trên báo chí. Một phụ nữ đang trọ tại một khách sạn nhỏ tại đó - một cô có tên là Barton. Cô ta có tính cách rất kỳ quặc. Tất cả mọi người đều nhận thấy thế. Ban đêm cô ta cứ vừa đi đi lại lại trong phòng, vừa lẩm bẩm một mình, khiến những người ở phòng đối diện không thể ngủ được. Một ngày kia cô ta đã đến gặp cha xứ và cho biết là muốn cho ông ta biết một vấn đề hết sức hệ trọng. Cô cho biết cô đã phạm một tội ác. Sau đó, thay vì tiếp tục câu chuyện, cô ta bỗng đứng phắt dậy và nói là sẽ đến gặp vị linh mục vào một ngày khác. Ông cha xứ cho rằng cô ta thuộc loại người mắc bệnh tâm thần nhẹ, nên không cho việc tự thú của cô ta là điều nghiêm chỉnh.
- Vào ngay buổi sáng hôm đó người ta khám phá ra là cô ta đã biến mất khỏi phòng trọ, để lại tờ giấy cho nhân viên điều tra về những cái chết bất thường như sau:
“Hôm qua tôi đã cố gắng nói chuyện với cha xứ, để xưng ra tất cả mọi chuyện, nhưng lại không được phép. Chị ấy đã không cho tôi được làm như vậy. Tôi chỉ còn một cách duy nhất để sửa đối mà thôi - là mạng đổi mạng; và mạng sống của tôi cũng phải giống y như mạng sống của chị ấy. Tôi cùng phải bị trầm mình dưới biển sâu. Tôi tin là mình đã làm đúng. Giờ đây tôi mới thấy là không phải vậy. Nếu muốn được Amy tha thứ, hẳn tôi phải đến với chị ấy. Sẽ không ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của tôi - Mary Barton”.
- Người ta tìm thấy quần áo của cô ta trên bờ của một cái vịnh nhỏ khuất nẻo gần đó, và dường như đã rõ là cô ta đã cởi bỏ quần áo ở đó và quyết bơi ra vùng biển nơi có dòng hải lưu nguy hiểm, có thể cuốn trôi người ta xuống vùng biển sâu.
- Người ta vẫn chưa tìm được xác cô ta, thế là sau một thời gian, người mất tích được xem như đã chết. Cô ta là một phụ nữ giàu có, tài sản của cô ta lên đến hàng trăm ngàn bảng Anh. Vì chết trong khi không để lại di chúc nên tất cả tài sản sẽ thuộc về những người thân có quan hệ gần nhất của cô ta - một gia đình của người bà con ở Úc. Báo chí đã ám chỉ đến thảm kịch ở những hòn đảo Hoàng Yến, đưa ra giả thuyết là cái chết của cô Durrant đã khiến cô ta rối trí. Dựa vào cuộc điều tra về cái chết bất thường này, theo lệ thường nó được tuyên bằng một án văn gọi là Tự tử trong cơn điên loạn nhất thời.
- Và thế là tấn thảm kịch Amy Durrant và Mary Barton đã hạ màn.
Câu chuyện đã ngưng một hồi lâu thế mà sau đó cô Jane Helier vẫn còn há hốc miệng chờ đợi.
- À, nhưng bác sĩ không được ngưng lại ở đây đâu nhé - đây chỉ mới là phần hứng thú nhất của câu chuyện thôi. Kể tiếp đi chứ.
- Thế cô không thấy, đây đâu phải là câu chuyện dài nhiều tập, cô Helier à. Đây chính là cuộc đời thực đấy chứ; mà chuyện đời thực kết thúc lúc nào thì tùy nó chứ.
Cô Jane đáp lại:
- Nhưng tôi lại muốn nó tiếp tục nữa kìa. Tôi muốn biết nó ra sao nữa cơ.
Ông Henry lên tiếng giải thích:
- Đây là lúc ta phải vận dụng trí tưởng tượng của mình đấy, cô Helier à. Tại sao cô Mary Barton lại giết người bầu bạn với mình? Đó là vấn đề mà bác sĩ Lloyd đặt ra cho chúng ta đấy chứ.
Cô Helier đáp lại:
- Ô, vâng, cô ta có thể giết nạn nhân vì nhiều lý do. Tôi muốn nói là - ơ... mà tôi cũng không biết sao nữa. Cô ta có thể bị loạn thần kinh, hoặc giả cô ta nổi ghen chẳng hạn, mặc dù bác sĩ Lloyd không đề cập gì đến người đàn ông nào, nhưng biết đâu được, đây là chuyện thuyền bè sông nước mà - đúng rồi, quý vị có nghe người ta hay nói những gì gì đó về chuyện tàu bè và những chuyến du hành bốn bể không?
Cô Helier ngừng lại để thở, và đám thính giả của cô bỗng có cảm tưởng rằng cái dáng vẻ bên ngoài của cái đầu đầy duyên dáng của Jane quả là vượt trội hắn so với những gì chứa đựng bên trong.
Bà Bantry nói:
- Tôi có nhiều dự đoán lắm chứ, nhưng giả như chỉ được chọn một mà thôi. Thế thì, tôi sẽ cho rằng cha của cô Barton đã làm ra toàn bộ tiền bạc của mình bằng việc làm cho cha của cô Durrant phải phá sản, vì vậy cô Amy mới quyết tâm báo thù. Ô, không, thế thì không đúng rồi. Thật là ngao ngán! Tại sao một bà chủ giàu sụ lại đi thanh toán một cô hầu cận tầm thường như thế chứ? Thế thì tôi biết rồi. Cô Barton có một cậu em trai đang phải lòng cô Amy Durrant. Và cô Barton chờ dịp ra tay. Cô Amy bắt đầu bước vào cuộc sống xã hội. Cô Barton nhận cô ta làm người nữ hầu cận cho mình rồi đưa cô ta tới nhóm đảo Hoàng Yến và thực hiện việc báo thù. Như thế thì sao, có được không?
Ông Henry lên tiếng:
- Tuyệt lắm. Chỉ có điều là ta không biết rằng cô Barton có một cậu em trai hay không.
Bà Bantry đáp:
- Ta phải suy diễn rằng nếu không có em trai thì cô ta sẽ chẳng có động cơ nào để hành động cả. Vì vậy ắt hẳn cô ta phải có một cậu em trai chứ. Ông có thấy thế không, Watson [1]?
Ông chồng đáp lại:
- Hay lắm đó, Dolly. Chỉ có điều, nó chỉ là một sự suy đoán mà thôi.
Bà Bantry nói:
- Đương nhiên là thế rồi. Tất cả những gì chúng ta có thể làm được là - suy đoán thế thôi. Chúng ta đâu đã có chút manh mối nào đâu. Nào, mình cũng thử đưa ra dự đoán của mình xem nào.
- Tôi thì có biết gì đâu mà nói. Tuy nhiên tôi cho là cũng có chút gì đó trong sự gợi ý của cô Helier về chuyện hai người đã bị chia rẽ vì một người đàn ông. Xem này, Dolly, đó có thể là một ông cha xứ cao ráo nào đó. Cả hai đã thêu áo choàng hay một món gì đó cho ông ta, và ông ta đã mặc chiếc áo thêu của Durrant trước. Theo đó, thì sự việc cứ đại loại diễn ra như vậy. Thử xem nào, cuối cùng cô ta đã bỏ đi để đến với một vị cha xứ. Hai người phụ nữ này đã điên lên vì một ông tu sĩ bảnh bao. Hẳn là quý vị đã chẳng nghe biết bao nhiêu chuyện như vậy rồi còn gì.
Ông Henry nói:
- Tôi cho là tôi phải giải thích cặn kẽ hơn chút nữa, cho dù phải công nhận đó chỉ là một giả thuyết mà thôi. Tôi cho là cô Barton vẫn luôn bị những cơn rối loạn tâm thần. Nhiều lần hơn là ta tưởng. Chứng tâm cuồng của cô ta ngày càng nặng hơn và cô ta bắt đầu tin rằng mình có bổn phận phải trừ khử một vài người ra khỏi cõi đời này - có thể gọi là những phụ nữ bất hạnh. Người ta không biết gì nhiều về quá khứ của cô Durrant. Vì vậy rất có thể là cô ta đã có một quá khứ - một quá khứ “bất hạnh”. Cô Barton biết được điều này và quyết định phải trừ khử nó. Sau dó, cái chính nghĩa của hành động của cô ta đã bắt đầu làm cô ta phải điên đầu và cô ta đã bị lương tâm cắn rứt. Kết cục của cô ta đã chứng tỏ là cô ta hoàn toàn mất cân bằng. Giờ đây, cô có đồng ý với tôi không nào, cô Marple.
Cô Marple vừa đáp lại vừa mỉm cười tỏ ý tỏ ý cáo lỗi:
- Chắc là không rồi, ngài Henry ạ! Tôi cho là cái kết thúc của cô ta lại chứng tỏ cô ta là một phụ nữ rất khôn khéo và mưu mẹo.
Cô Jane Helier khẽ hét lên ngắt ngang lời cô Marple.
- Ô! Em thật ngốc quá. Để em đoán tiếp nữa nhé? Dĩ nhiên phải như vậy. Hăm dọa! Cô hầu cận này đã hăm dọa cô ta. Có điều em không biết tại sao cô Marple lại bảo là cô ta rất khôn khéo trong việc tự sát cơ chứ. Em thật chẳng hiểu ra sao cả.
Ông Henry chợt nói:
- A! Quý vị thấy chưa, cô Marple đã biết một vụ giống y như vậy ở Mary Mead đây mà.
Cô Marple đáp lại bằng giọng trách móc:
- Ông lúc nào cũng chỉ ngạo tôi thôi, ngài Henry ạ, tôi phải thú thực là nó đã nhắc tôi, chỉ một chút thôi, nhớ đến bà cụ Trout. Quý vị biết không, bà ta đã rút tiền dưỡng lão của ba bà cụ đã qua đời, ở những xã khác nhau.
Ông Henry nói:
- Xem ra đây là một tội phạm tinh vi và quỷ quyệt nhất đấy. Nhưng dường như tôi thấy là nó chả soi sáng gì thêm cho vấn đề hiện thời của chúng ta cả.
- Dĩ nhiên là không rồi. Với ông - thì nó chả nghĩa lý gì. Nhưng đối với một số gia đình bần cùng, thì món tiền cấp dưỡng tuổi già này lại là một nguồn lợi to tát cho lũ trẻ. Tôi biết những người ngoại cuộc thật khó mà hiểu thấu được chuyện này. Tuy nhiên thực tình những gì tôi muốn nói là toàn bộ sự việc xoay quanh một bà cụ cũng giống như bất kỳ bà cụ nào khác.
Ngài Henry, vừa bị xỏ một câu, chỉ biết - Ừ hứ?
- Tôi lúc nào cũng diễn giải mọi chuyện một cách tệ hại. Những gì mà tôi muốn nói là khi bác sĩ Lloyd mới mô tả hai phụ nữ lần đầu, ông ta đã không biết rõ người nào ra người nào, còn tôi lại không cho là bất kỳ người nào khác trong khách sạn đã thực hiện chuyện đó. Dĩ nhiên, sau một hay vài ngày, nhưng lại chính vào cái ngày kế đó, một trong hai người đã bị chết đuối, và nếu như người còn sống lại nói rằng mình chính là cô Barton, thì tôi sẽ không bao giờ ngỡ là sự việc đã xảy ra cho nạn nhân mà cô ta có thể mạo nhận.
Ông Henry chậm rãi nói:
- Cô nghĩ là - Ồ! Tôi rõ rồi.
- Đó là điều đương nhiên duy nhất mà ta phải nghĩ đến. Chả là bà Bantry thân mến vừa bắt đầu nghĩ đến mới đây đó sao. Tại sao cô chủ nhân giàu có lại đi sát hại cô hầu cận tầm thường của mình? Rất nhiều khả năng ngược lại như vậy mới đúng. Tôi muốn nói - đó chính là hướng diễn biến của những gì đã xảy ra.
Ông Henry tỏ ý ngạc nhiên.
- Thế sao? Cô làm tôi bất ngờ quá.
Cô Marple nói tiếp:
- Nhưng đương nhiên cô ta phải mặc quần áo của cô Barton chứ, và có lẽ là hơi chật đối với cô ta, khiến cho vóc dáng của cô ta trông cứ như hơi phát phì một chút. Đó chính là lý do đã khiến tôi nêu ra câu hỏi ấy. Quý ông thì cứ chắc mẻm là người phụ nữ đó đã phát phì, chứ không nghĩ là do cô ta mặc quần áo có cỡ nhỏ hơn - mặc dù đúng ra chả cần phải mặc như thế làm gì.
Bà Bantry hỏi:
- Nhưng giả như cô Amy Durrant đã giết cô Barton, thì cô ta đã được gì nào? Cô ta đâu có mãi mãi giữ kín được chuyện lừa dối này.
Cô Marple vạch rõ:
- Cô ta chỉ cần giữ kín chuyện này trong khoảng một tháng sau đó. Và trong khoảng thời gian này, tôi đoán chừng là cô ta đã đi du lịch, tránh hẳn bất kỳ người nào có thể biết cô ta. Đó chính là những gì tôi muốn nói khi cho rằng một phụ nữ ở lứa tuổi nào đó thì trông cũng từa tựa như một phụ nữ khác thế thôi. Tôi không cho là người ta lại lưu ý đến một tấm ảnh khác trên sổ thông hành của cô ta bao giờ cả - hẳn là quý vị đã rõ chuyện sổ thông hành ra sao rồi chứ gì. Sau đó đến tháng Ba, cô ta đã đi đến cái nơi thuộc xứ Cornwall đó rồi bắt đầu những hành động kỳ quặc để mọi người chú ý đến bản thân cô ta, sao cho khi thiên hạ phát hiện được quần áo của cô ta trên bãi biển và dọc được những dòng chữ cuối cùng của cô ta thì họ sẽ không hề nghĩ đến một kết luận rất ư bình thường.
Ngài Henry thắc mắc:
- Kết luận nào?
Cô Marple quả quyết.
- Không ai hết. Đó chính là cái điều cứ sờ sờ trước mặt quý vị, nếu như không có cả một lô hỏa mù đánh lạc hướng - kể cả chuyện gợi ý đến trò gian lận và nỗi ray rứt lương tâm. Không có ai hết. Đó chính là sự kiện có ý nghĩa đích thực.
Bà Bantry lên tiếng:
- Cô muốn nói - có phải cô muốn nói là không hề có chuyện cắn rứt lương tâm nào sao? Nghĩa là - là cô ta đã không trầm mình sao?
Cô Marple khẳng định.
- Không, cô ta đã không hề làm thế! Đây cũng là cái chiêu như của bà Trout mà thôi. Bà Trout rất giỏi về cái mánh hỏa mù này, nhưng tôi đã nắm chóp được ba cái trò này của bà ta. Và tôi có thể nhìn thấu tâm can của cái cô Barton đang bị lương tâm day dứt đấy nhé. Trầm mình ư? Nếu tôi đoán không lầm thì, đã bay biến qua Úc cũng nên.
Bác sĩ Lloyd lên tiếng:
- Đúng quá, cô Marple ạ. Chắc chắn là cô giỏi đoán thật đấy. Đến bây giờ, chuyện đó vẫn còn khiến tôi phải ngạc nhiên. Tại sao thế nhỉ, ngày hôm đó ở Melbourne, chỉ cần phẩy nhẹ tôi một cái là cô đã có thể nốc ao được tôi ngay.
- Cái điều mà ông gọi là buổi gặp gỡ cuối cùng chứ gì?
Bác sĩ Lloyd gật đầu.
- Đúng vậy, vận may đã đến với cô Barton khá là truân chuyên - hay là cô Amy Durrant cũng được, tùy ý quý vị. Đã có thời gian tôi làm y sĩ cho một con tàu, và đã cập bến ở Melbourne, người đầu tiên mà tôi gặp khi thả bộ xuống phố lại chính là người phụ nữ mà tôi nghĩ là đã bị chết đuối ở Cornwall rồi. Thấy rằng màn kịch đã hạ màn từ lâu nên tôi không còn bận tâm gì nữa, thế là cô ta đã đánh một quả liều - thổ lộ câu chuyện bí ẩn của mình. Tôi cứ ngỡ đây là một phụ nữ thật kỳ quặc, hoàn toàn không có lương tri. Cô ta là chị cả của một gia đình gồm chín người, toàn bộ gia đình đều đói rách đến xơ xác. Họ đã từng viết thư kêu nài sự cứu giúp của người bà con giàu có ở Luân Đôn là cô Barton và đã bị quyết liệt từ chối, vì cô này đã có chuyện xích mích với cha của họ. Tiền bạc cần kíp đến độ mòn mỏi, vì ba đứa em út sức khỏe thật yếu và cần chạy chữa thuốc men rất tốn kém. Sau đó và ngay tại nơi đó Amy Barton đã rắp tâm thực hiện kế hoạch giết người không gớm tay của mình. Cô ta đã đến Anh quốc, độ nhật bằng nghề nuôi trẻ. Cô ta đã kiếm được chân hầu cận cho cô Barton, với tên tự xưng là Amy Durrant. Cô ta đã mướn một căn phòng và đặt một số đồ đạc vào đó cho có vẻ một nơi riêng tư của mình. Kế hoạch trấn nước là một ý đồ ngẫu hứng. Cô ta đã chờ dịp để thực hiện kế hoạch này. Sau đó cô ta đã dàn dựng màn cuối của vở kịch rồi trở về Úc, và đúng lúc cô và các em được thừa kế tiền bạc của cô Barton với tư cách những người thân gần nhất.
Ngài Henry nói:
- Một tội ác thật táo bạo và hoàn chỉnh. Tội ác hầu như hoàn chỉnh thật đấy. Nếu cô Barton bị chết trên nhóm đảo Hoàng Yến, thì sự nghi ngờ có thể nhắm vào Amy Durrant và mối quan hệ với gia đình Barton có thể đã bị khám phá; tuy nhiên việc thay đổi nhân thân và tội ác song trùng, nếu như quý vị muốn gọi thế, đã có tác dụng loại bỏ được chuyện này. Đứng là, gần như một tội ác tuyệt hảo.
Bà Bantry thắc mắc.
- Thế cô ta có bị gì không? Còn ông đã xử lý chuyện này như thế nào, hả bác sĩ Lloyd?
- Tôi đã lâm vào một tình thế thật trớ trêu, bà Bantry ạ. Lúc bấy giờ tôi có rất ít chứng cớ về mặt pháp lý. Vả lại, theo con mắt chuyên môn của một y sĩ, thì có một số dấu hiệu cho thấy người phụ nữ này sẽ chẳng sống được bao lâu trên cõi đời này nữa, cho dù bề ngoài của cô ta có vẻ mạnh khỏe, tràn trề sinh lực. Tôi đã cùng về nhà với cô ta để được gặp những thành viên còn lại của gia đình cô ta - một gia đình đáng thèm muốn, hết lòng với người chị cả của mình và không mảy may có một ý nghĩ gì về việc cô ta đã nhúng tay vào một tội ác. Tại sao lại nỡ đem sự sầu khổ đến cho họ trong khi tôi lại chẳng có một chút gì để làm chứng cớ. Không có bất kỳ ai nghe được chuyện bí mật của người phụ nữ này đã được tiết lộ cho tôi. Tôi cứ phó mặc cho con tạo xoay vần. Cô Amy Barton này đã chết sáu tháng sau khi gặp lại tôi. Tôi vẫn thường tự hỏi là liệu cô có được vui vẻ và vẫn không tỏ ra ăn năn hối lỗi cho đến lúc lìa đời hay không.
Bà Bantry bật nói:
- Chắc chắn là không rồi.
Cô Marple nói:
- Tôi đoán chừng bà Trout cũng vậy.
Cô Jane Helier khẽ rùng mình.
Cô nói:
- Ái chà. Rùng rợn quá đi mất. Đến giờ mà em vẫn chưa hiểu là ai bị chết đuối nữa. Còn bà Trout này thì ăn nhập với câu chuyện như thế nào?
Cô Marple giải thích:
- Chả ăn nhập gì đâu. Bà ta chỉ là một người - không phải là người đẹp đẽ gì - ở trong làng ấy mà.
Cô Jane kêu lên:
- Ồ!
Rồi cô thở dài.
- Ở trong làng à. Trong làng thì chả bao giờ có chuyện quái gì xảy ra đâu nhỉ? Nếu sống trong làng, thì chắc chắn là em chả có gì phải bận tâm, lo lắng cả.