Chương 3

     hung thong thả đẩy cánh cổng, một con chó sồng sộc ở trong nhà chạy ra có vẻ dữ tợn, nhưng thấy người quen thì đứng lại ngay, ve vẩy đuôi mừng rỡ. Con chó ấy chính tay Nhung mua về, hơn mười năm trước. Nàng không ngờ nó sống được đến tận bây giờ. Nhìn con chó mình đã nuôi nấng, chăm chút từ hồi còn bé, nay già yếu hai con mắt nó lờ đờ, mỏi mệt, Nhung thương hại cất tiếng gọi:
- Bông lại đây.
Vú già đương hái rau trong vườn nghe tiếng Nhung ngửng đầu lên khỏi dậu dâm bụt:
- Cô về chơi, may quá!
Nhung lo lắng hỏi:
- Sao lại may?
Nàng đoán là trong nhà mới xảy ra chuyện gì không hay. Vú già mừng rằng có nàng về mọi việc sẽ yên ổn. Chỉ có nàng là cả nhà ai cũng nghe, cũng nể, Nhung cũng biết vậy, nên cứ một, hai ngày nàng lại về thăm nhà để bàn tính mọi công việc như khi hãy còn là con gái ở nhà.
Nhung vào buồng chào mẹ. Bà Nghè không đáp, cũng không quay mặt ra hỏi chuyện nàng vồn vã như mọi lần. Nàng đoán là mẹ nàng giận Phương, vì đã hơn một năm nay, Phương cứ nhất định không chịu lấy con cụ Tuần người cùng làng. Nhung yên lặng ngồi xuống phản, những lúc mẹ nàng giận dữ, nàng không hỏi bao giờ, cứ việc ngồi đợi bà cụ nói trước.
Một lúc lâu, bà Nghè mới cất tiếng hỏi:
- Con sang chơi.
Nhưng bà vẫn không quay mặt. Bà lấy khăn tay lau mắt, rồi vừa thổn thức vừa nói một mình:
- Tôi chịu cô ấy thôi.
Biết là chuyện gả chồng cho Phương, nên cũng như mọi lần, Nhung nói như an ủi mẹ bằng câu:
- Mẹ hãy thong thả, rồi liệu dần dần.
Bà Nghè quay mặt ra bảo Nhung ngồi sát gần mình rồi nói tiếp:
- Cô chưa biết chuyện. Còn tôi, tôi có ngờ đâu ra nông nỗi này...
Bà kể chuyện cho Nhung biết rằng Phương không thuận lấy con ông Tuần, vì đã một năm nay Phương phải lòng Lũy. Nhung sửng sốt hỏi:
- Lũy, con nuôi...
Bà Nghè tiếp luôn:
- Ừ, Lũy con nuôi Phó Bạt.. Đê điếu chưa, con!
Nhung lặng người đi, bà Nghè nói:
- Tao có ngờ đâu... đến bây giờ thằng Minh nó mới cho tao hay. Mà nó lại còn bênh con Phương chầm chập. Nó bảo chúng nó đã yêu nhau thì cho chúng nó lấy nhau... Dễ dàng chưa.
Nhung vừa nghe mẹ nói vừa ngẫm nghĩ. Nàng cũng cho em nàng nói là phải, hai người yêu nhau thì cho hai người lấy nhau, dễ dàng lắm. Song tuy nghĩ vậy mà nàng vẫn thấy có cái gì bảo nàng thế lá trái, không thể được, Bà Nghè bảo Nhung:
- Cô liệu lấy lời hơn lẽ thiệt mà khuyên con Phương để khỏi xấu đến gia phong nhà mình. Tôi, tôi chỉ tin ở cô... Nếu con Phương nó cũng biết nghĩ đến danh giá, đến liêm sỉ như cô, thì đâu nên nỗi...
Bỗng bà Nghè ngừng lại, đăm đăm nhìn vào mặt Nhung và tỏ vẻ ngạc nhiên: Nhung biết là mẹ để ý đến mặt phấn của mình. Nàng ngượng quay đi, cúi với chiếc quạt để ở đầu phản rồi vừa quạt thật mạnh vào mặt vừa nói:
- Gớm mấy hôm nay, trời nóng quá... con bị rôm mọc đầy mặt, cả cháu Giao cũng vậy, con phải lấy phấn xoa cho cháu mới thấy đỡ.
Nhưng nàng vẫn không bỏ được cái cảm tưởng rằng giá trị của mình đối với mẹ đã bị giảm bớt. Nàng hỏi mẹ:
- Thầy con đã biết chưa?
- Có, biết rồi. Ấy, thầy vừa gắt thằng Minh ầm nhà lên đấy.
Bà than thở:
- Mẹ già nua tuổi tác, cũng mong cho con lấy được chồng tử tế ở cùng làng để hôm sớm mẹ con có nhau.
Bà rươm rướm nước mắt, dịu giọng nói với Nhung:
- Mẹ thương con góa bụa, nhưng nghĩ rằng bấy lâu con đã biết đường ăn ở, trong họ, ngoài làng, ai ai đều kính nể, nên mẹ cũng được chút thơm lây và vui vẻ lúc tuổi già. Bây giờ em con như thế, mẹ thật lấy làm buồn lắm...
Nhung nghiệm ra rằng bà Nghè nói đến việc Phương muốn lấy Lũy như là nói đến một việc đã quá lỡ rồi: bà chỉ than thở, chứ không tỏ ý quả quyết ngăn ngừa. Nhung cũng cho rằng việc đó không sao tránh được, vì nàng biết tính em nàng rất ương ngạnh.
Nàng vừa phe phẩy quạt cho mẹ, vừa nói an ủi:
- Xin mẹ cũng đừng lấy thế làm phiền.
Nhung định nói tiếp thêm rằng nàng sẽ mãi mãi ở cạnh mẹ để cho mẹ vui tuổi già, nhưng nàng thấy ngượng mồm nên lại thôi. Bà Nghè hỏi:
- Sao con không cho thằng Giao theo sang?
- Thưa mẹ, con sợ mưa.
Nhung mừng rằng bà Nghè đã nói sang chuyện khác. Nàng lấy cớ trời sắp mưa, đứng dậy xin phép về. Khi qua ngang nhà thấy Minh đang đi đi lại lại, nét mặt cau có, Nhung tạt vào, Minh hỏi:
- Chị có gặp Phương bên ấy không?
- Không.
Hai chị em nhìn nhau hồi lâu, rồi Nhung nói:
- Tôi vừa biết chuyện. Mẹ giận chú lắm đây.
Minh đáp:
- Để thầy mẹ giận một lần còn hơn là giận mãi... chị thì chị nghĩ thế nào?
Nhung chưa kịp nghĩ ra sao, nên nói vẩn vơ:
- Tôi cho rằng điều cốt nhứt là đừng làm phiền lòng thầy mẹ vô ích. Chú cứ hay thẳng tính quá.
Minh tắc lưỡi:
- Tôi nghĩ sao nói vậy, còn hơn là giả dối.
Nhung hai con mắt mơ màng thong thả nói:
- Nhiều cái khổ mình phải chịu lấy một mình. Ai chẳng biết sung sướng lấy thân, nhưng nhiều khi cũng phải nghĩ đến nhà mình, đến danh giá...
Nhung thấy em chăm chú nhìn mình như dò ý tưởng, nên không nói hết câu. Nàng nhận thấy câu nàng nói có vẻ giả dối, giả dối như đời nàng sống bấy lâu: nàng nghĩ một cách mà sống một cách khác.
Nhung vừa đi ra vừa nói:
- Chắc Phương sang chơi bên tôi.
Minh dặn với:
- Chị có gặp Phương xin chị đừng đả động gì tới việc ấy.
Trời bắt đầu lấm tấm mưa. Nhung chạy vội về nhà, một tay để lên trán che những giọt nước mưa khỏi rơi vào mặt. Đi hết rặng chuối, Nhung quặt sang con đường nhỏ hẹp để về ngõ nhà. Bỗng nàng bước chậm lại vì thấy Nghĩa đứng ở cổng. Nàng đoán là Nghĩa ra đây cốt đợi mình về để được nhìn mặt.
Lúc nàng đi qua, Nghĩa nép mình vào cánh cửa nhường lối. Một cơn gió thổi mạnh rồi bỗng mưa xuống như trút nước. Nhung vừa thở vừa đứng dừng lại dưới mái cổng. Trong lúc bối rối, nàng nói không nghĩ ngợi.
- May quá, vừa đến đây thì mưa to.
Nói xong, nàng mới biết là mình lỡ lời. Nghĩa nói:
- Để tôi gọi người nhà lấy nón, bà vào cho đỡ ướt.
- Thôi ông ạ.
Nhung sợ người nhà ra thấy hai người cùng đứng dưới mái cổng e không tiện. Nàng cúi nhìn những hạt mưa ở mái rơi ở mái rơi xuống làm nổi bong bóng trên những rảnh nước đục ngầu. Một cơn gió hắt mưa vào chỗ Nhung đứng và thổi lật tà áo, nàng thấy hơi lành lạnh. Nghĩa nói:
- Bà đứng dịch quá vào trong này kẻo mưa ướt.
Nhung vẫn đứng yên chỗ cũ. Sau một phút yên lặng khó chịu, Nghĩa nói:
- Ít khi mưa ngâu mà to thế này.
Hai người cùng nghĩ đến Ngưu Lang và Chức Nữ. Nhung đoán Nghĩa đang nhìn mình: nàng rút khăn chấm những giọt mưa đọng trên tóc, trên má rồi thong thả quay lại. Hai người lặng lẽ nhìn nhau. Nhung không hiểu sao lúc đó mình bạo dạn đến có thể nhìn vào mặt Nghĩa lâu được như vậy. Song đến khi nàng bắt đầu chớp mắt thì nàng cũng bắt đầu thấy thẹn, thẹn một cách lạ thường. Hai má nàng bừng bừng nóng và quả tim nàng như ngừng đập. Nàng quay mặt đi, rồi cắm đau bước xuống vườn mê man quên cả mưa, đi vội vã như người đi trốn.
Vào đến hiên nhà khi đứng lại thở, Nhung mới hối hận rằng đã bỏ chạy một cách vô lý: làm như thế tức là đã ngỏ cho Nghĩa biết rõ lòng mình, đã thú với Nghĩa rằng mình yêu Nghĩa. Nghĩ vậy, nàng lại thấy cái thẹn tăng hơn lên.
Nhung rú mưa, đi vào buồng khách. Phương đương ngồi nói chuyện với Hòa, nhìn ra hỏi:
- Chị đi đâu về mà ướt tầm tã thế kia?
- Tôi vừa về thăm nhà.
Phương nhìn chị chăm chú để xem chị đã biết chuyện thì ý chị ra sao. Nàng rất cần Nhung bênh nàng, rất cần những lời an ủi và biểu đồng tình của Nhung trong khi nàng đau khổ, bứt rứt. Nhung đoán được ý nghĩ của em, nên vội dịu nét mặt nhìn em một cách âu yếm như có ý bảo:
- Chị đã biết chuyện rồi, đã hiểu nỗi lòng của em. Chị sẽ tìm cách giúp.
Phương vui vẻ nhìn mưa, nói:
- Mưa thế này thì rồi về ra làm sao?
Nhung biết là em nói câu ấy để cho người ta giữ lại, nên vội mời:
- Cần gì về. Dì ở đây ăn cơm rồi ngủ luôn đây nói chuyện cho vui.
Hòa nói tiếp:
- Phải đây, chiều hôm nay mát trời, tôi đã bảo nó làm cháo ám. Con cá quả to béo lắm.
Có tiếng người đi ngoài vườn Nhung lắng tai nghe thấy tiếng Nghĩa nói chuyện với ông hậu Đôn, người anh họ chồng nàng.
Lịch ở buồng bên thấy Đôn đến liền chạy ra nói đùa:
- Trời mưa ngâu mà ông anh tôi sang chơi đây. Hay là ghé thăm bà nào rồi nhân tiện tạt qua.
- Bà nào hôm nay cũng đi vắng cả.
Nói xong, Đôn cười để lộ cả hai hàm răng, cái cười ngây ngô của một người chưa bao giờ phải lo nghĩ, cả đời chỉ bận bịu tìm những cái vui thú tầm thường. Mới ngoài ba mươi tuổi mà Đôn đã có ba vợ. Giàu có không biết làm gì, nên Đôn thấy người nào vừa ý là cưới lấy vợ, tậu cho ít ruộng nương, làm cho cái nhà để lấy chỗ đi lại. Cứ mỗi lần cưới một cô vợ mới thì Đôn lại có công việc trong ít lâu. Ai có con thì Đôn chính thức nhận làm vợ bé. Chàng lấy vợ cũng như người khác chơi cây cảnh cái đó là một cái thú tự nhiên và lịch sự.
Đôn nói:
- Ở nhà cứ ăn cơm đi thôi, thím không về đâu. Thím ăn cơm rồi ngủ ở nhà tôi với bác, để nửa đêm gọi dì. Có bà dì hay lắm.
Hòa nói:
- Ồ thế chị Tú phải sang mới được. Sang để gọi anh ấy lên.
Đôn nói đùa:
- Nhất là một đêm mưa ngâu gọi thế nào chú ấy cũng lên.

*

Nhung giật mình nói:
- Mải chuyện quên cả lấy nước cúng.
Theo lệ thường, nàng ra cái chum để ở đầu nhà múc nước. Thấy trong bát nước có cặn, nàng đổ đi và cầm cái gáo khoáng nước thật kỹ, để mặc cho những giọt mưa trên mái nhà rỏ xuống tóc, xuống cổ. Bỗng nàng ngừng tay nhìn lại. Nghĩa từ lúc vào vẫn đứng tựa ở cửa, chàng để tai nghe những người ở trong nhà nói chuyện, thỉnh thoảng lại nói chêm một câu, nhưng mắt chàng thì nhìn ra chỗ Nhung đứng. Tuy trong bát nước mưa hãy còn cặn, Nhung cũng đặt gáo xuống, quay vào. Nàng đi rón rén, hai con mắt chăm chú nhìn vào bát nước khỏi sóng ra ngoài. Nàng tìm bóng nàng trong đáy bát để xem mình thẹn ra sao, nhưng nàng chỉ thấy lóng lánh những vòng tròn ánh sáng. Vào đến trong buồng có nhiều người, Nhung mới đỡ ngượng. Nàng nói:
- Trời mưa, nước chum có nhiều cặn quá. Không được trong.
Nhung gượng nhẹ đặt bát nước lên bàn thờ và rút hương châm đốt. Mắt nàng lúc nào cũng cúi xuống, vì nàng không muốn thấy ảnh chồng trong lúc nàng biết Nghĩa đương nhìn theo ngắm nghía mình.
Nghĩa vào ngồi gần Lịch nói:
- Gió lạnh và ngửi mùi hương thơm, có vẻ tết lạ.
Lịch tiếp theo:
- Nói đến tết lại nhớ đến tam cúc. Đến đêm rang ngô ăn, rồi đánh tam cúc chơi.
Hòa vui mừng nói:
- Thế thì tuyệt.
Lịch nói:
- Ăn ngô rang lại nhớ những cảnh vợ chồng mới cưới.
Rồi chàng quay lại nói với Đôn:
- Chỉ có bác Hậu là lúng túng. Chẳng có lẽ lại ăn ngô rang với cả ba bà.
Mọi người đều cười ồ. Nhung cũng cười theo, nhưng hai con mắt nhìn ra ngoài mưa, nàng nghĩ vớ vẩn. Tuy vẫn biết Đôn có ba vợ mà mãi đến bây giờ, khi nghe Lịch nói đùa, Nhung mới để ý đến. Trước kia nàng thấy việc đó tự nhiên quá, tự nhiên đên nỗi nàng coi như là không có nữa. Nhung ngẫm nghĩ:
- Sao họ lấy vợ chồng dễ dãi đến thế.

*

Hòa gọi người nhà bảo dọn một mâm cơm cả nhà ăn chung, nàng nhìn Nghĩa, nói:
- Như thế cho vui.
Nhung vui vẻ lại gần bàn ăn sửa soạn. Nàng nói:
- Giá có bình hoa thì hay quá.
Lịch cười tiếp theo:
- Chị làm như là một bữa tiệc cưới vậy. Nhưng cưới ai?
Nghĩa đáp:
- Cưới Ngưu Lang và Chức Nữ, cả năm mới được gặp nhau một lần.
Nhung nói:
- Tiệc cưới thì phải có rượu chứ. Để tôi đi lấy chai rượu vang đỏ.
Nhung sang buồng bên mở tủ lấy chai rượu và mấy cái cốc, nàng vội vội vàng vàng, trong phòng phấp phỏng lo, chỉ sợ mẹ chồng về, không được ngồi ăn cơm với Nghĩa, mất cả cái thú vui đánh tam cúc, ăn ngô rang nó đương đợi nàng và làm nàng hồi hộp như đứa trẻ gặp ngày hội.
Ngoài nhà đã lên đèn. Nhung gượng nhẹ xếp đặt mấy cái cốc chung quanh ria bàn. Trên tay nàng, ánh đèn xanh chiếu xuống vành cốc thủy tinh trong làm lấp lánh những tia sáng. Nhung tránh sang một bên đứng lẫn trong bóng cái bình hoa đặt cạnh đèn để được tự do nhìn Nghĩa.
Thấy Nghĩa đương mãi nói chuyện với Lịch, Nhung cất tiếng khen mấy bông hoa cắm trong bình: cốt ý của nàng là để cho Nghĩa nhìn đến mình.
Bỗng Nhung lắng tai, lo lắng. Nàng thấy ở ngoài nhà mưa như muốn ngớt. Nhưng chỉ một lúc sau, tiếng rào rào nghe lại to dần. Nàng thầm mong mưa như thế mãi suốt đêm, trái hẳn lại mỗi khi hễ cứ thấy mưa to, gió lớn là nàng rất sợ, nôn nao khó chịu trong người.
Hòa mời mọi người ngồi vào bàn ăn. Đến lúc ngồi xuống ghế rồi, Nghĩa nhận thấy Nhung ngồi khuất sau cái bình hoa.
Người nhà bưng mâm lên, tìm chỗ đặt các đĩa đồ ăn. Nhung bảo:
- Thôi, anh cất hộ cái lọ hoa ra nơi khác cho rộng chỗ.
Bình hoa vừa cất khỏi, Nghĩa thấy gian phòng bỗng rực rỡ lạ thường và trên nền bức tường mờ tối, khuôn mặt của Nhung hiện ra, diễm lệ, tươi sáng và hai con mắt đem lóng lánh nhìn chàng.
Nghĩa nhấc cốc rượu, đặt sát môi như mời thầm Nhung, rồi uống một hớp nhỏ, khẽ nói:
- Uống đến đâu thấy trong người ấm áp đến đấy.
Nhung cúi mặt định nâng côc rượu uống bỗng ngạc nhiên nói:
- Sao tôi lại những hai cốc? Không lẽ chưa uống đã trông một hóa hai rồi.
Đôn lấy ngón tay đếm cốc, nói:
- Thím lấy thừa một cốc.
Hòa nhìn Nhung mỉm cười nói:
- Trông chị cả tôi như người mất hồn... Chị có thấy nóng ruột không?
Nhung không hiểu, Hòa tiếp theo:
- Chắc là ở bên bác, bà dì đương gọi anh Tú lên, vì thế nên xui khiến chị lấy thừa một cốc. Cốc này là để phần anh ấy đấy.
Nhung cau mày, tức giận về câu nói của Hòa, nhưng vì biết rằng tỏ cái giận ra với em là một sự rất vô lý, nàng phải vội vàng uống một hớp rượu để nói lảng:
- Không uống bao giờ, nhắm mắt uống liều xem sao.
Uống được một ít rượu, Nhung trở nên bạo dạn cười nói luôn miệng. Hơi men bốc lên làm nàng choáng váng, nóng bừng mặt, trên trán như có cái gì nặng đè lên khiến nàng phải luôn luôn cau đôi lông mày lại - nhưng nàng thấy trong người bàng hoàng một cách dễ chịu, mê man không nghĩ ngợi gì. Hòa nói:
- Uống rượu vào quên cả buồn. Chẳng trách nào đàn ông họ hay mượn rượu để giải khuây.
Nhung cầm cốc uống một hơi dài rồi mỉm cười, nói tiếp:
- Nhưng đàn bà thì hình như không được phép quên buồn. Đàn bà chẳng có cách gì để giải khuây. Khi nào buồn phải ngồi yên khóc cho đến khi hết buồn thì thôi.
Lịch nói:
- Bà chị tôi diễn thuyết hùng hồn quá. Rượu vào lời ra có khác.
Hòa nói:
- Ở đây chỉ có chị Tú là đỏ mặt nhất... thứ nhì đến bác Giáo.
Câu nói vô tình của Hòa khiến hai người cùng mỉm cười. Nhờ hơi mem, Nhung nhìn Nghĩa không thấy thẹn nữa. Nàng nhấc cốc rượu lên môi, nhưng không uống ngay, trong lòng phơi phới đợi đến khi Nghĩa cùng nhấc cốc lên. Hai người đắm đuối nhìn nhau và cùng uống một lượt. Nhung nhắm mắt lại, đôi môi nàng ngậm lấy thành cốc như mềm hẳn đi và nàng thấy rung động cả mình mẩy.
Phương nhìn cốc rượu của chị, kinh ngạc:
- Chị đã uống cạn cốc rồi à? Chị uống ít chứ, chốc lại còn đánh tam cúc cơ mà!
Nghe lời em, Nhung không uống nữa, nhưng nàng cũng đã say lắm rồi. Khi đánh tam cúc, nàng thường cho Phương chơi một cửa, ngồi ngoài xem. Lúc đó, nàng mới nhận ra rằng trời không còn mưa nữa. Bỗng có tiếng gọi cửa, Nhung hốt hoảng:
- Ấy chết! Mẹ về.
Hòa nói:
- Mẹ về thì mẹ về, làm gì mà chị sợ hãi thế.
Nhung ngượng quá, vì câu nói ấy đã tỏ cho người khác biết rằng nàng coi những cuộc vui đêm nay, những cuộc vui vụng trộm, mà cái sợ hãi của người giả đạo đức. Nhung đứng lên toan đi lảng ra chỗ khác. Nhưng không phải bà Án về, chỉ là con sen, bà Án sai về lấy ít hương vòng. Nhung lảo đảo ra bàn thờ lấy hương đưa cho con sen, rồi vừa mệt vừa say, nàng về buồng mình nằm gục xuống giường ngủ thiếp đi. Lúc nàng tỉnh dậy thì ngoài nhà đã tắt đèn.
Phương ngồi bên nàng khẽ nói:
- Chị ngủ nói mê nhiều quá.
Nhung lo sợ vội hỏi:
- Chị nói những gì thế?
Ngồi nhớ lại những cảnh hỗn độn trong giấc mơ, Nhung thấy mình tự thẹn với mình. Nàng giơ tay vặn đèn lên để ánh sáng làm tan những hình ảnh trong giấc mơ như còn phản phất trước mắt nàng. Nhung bảo em:
- Chị khô cả cổ, khát nước quá. Em ra lấy hộ chị bát nước cúng trên bàn thờ.
Nhung đỡ lấy bát nước uống một hơi cạn.
- Mát ruột quá. Trong người chị hình như có lửa đốt.
- Tại chị uống nhiều rượu quá.
Nhung đặt bát nước xuống đất, uể oải ngồi dậy quấn tại tóc. Hai chị em ngồi yên lặng một lúc lâu. Đoán là em muốn hỏi nàng về câu chuyện ban chiều, Nhung cất tiếng hỏi, gợi chuyện:
- Em chưa đi ngủ à?
Phương thở dài:
- Em cố nhắm mắt mà không sao ngủ được.
Đến bây giờ Nhung mới cảm thấy nỗi khổ của Phương không được nhà cho phép lấy người yêu của mình. Trong lúc bắt đầu thấy yêu, nàng muốn nghe một người khác hiện đương yêu kể chuyện cho nghe để xem ra làm sao và để so sánh. Nàng nói:
- Ban chiều, khi chị sang bên nhà, mẹ có nói chuyện cho chị biết.
- Thế chị nói ra làm sao?
Nhung trả lời mập mờ:
- Chị chẳng nói ra sao cả.
Phương nghẹn ngào than thở:
- Em khổ lắm, chị ạ... Chỉ có chị là có thể giúp em được, vì chị hiểu em và thầy mẹ nể có chị thôi. Em vừa định nói chuyện với chị thì Minh đã cho thầy mẹ biết ngay.
Nhung hỏi tò mò:
- Em biết Lũy từ bao giờ?
- Đã hơn một năm nay.
Nàng ngồi yên lặng nghe em nói chuyện lại và ngẫm nghĩ đến tình cảm riêng của mình. Nàng thấy một cách rõ rệt, sau khi cha mẹ nàng bằng lòng cho Phương lấy Lũy thì nàng không bao giờ có thể lấy Nghĩa được. Nàng nghĩ cả đến cách cuối cùng bỏ nhà trốn đi với Nghĩa, nhưng mới nghĩ đến nàng đã sợ hãi, cho là một việc táo bạo không bao giờ dám làm. Nàng nhắm mắt yêu Nghĩa, đắm mình trong cái thú ngây ngất của tình yêu, không khác gì một người lạc vào rừng đã biết không có lối ra, mà vẫn cứ mê man với những cảnh đẹp quanh mình.
- Chị sẽ tìm hết cách giúp em.
Nhung thấy mình nói bằng một giọng thờ ơ như không tin ở công hiệu việc mình làm, nhưng Phương khi nghe câu ấy sung sướng lộ ra nét mặt.
- Chị nói thì thế nào mẹ cũng nghe.
Nàng nhìn chị, ngập ngừng nói tiếp:
- Chị thương em, chị cố giúp, nhưng em chắc chị buồn về em lắm, phải không chị?
Nàng nhắc lại:
- Em chắc chị buồn về em lắm, em vẫn muốn theo chị mà không thể theo được. Vả lại ở đời, một trăm người mới có một người như chị.
- Nhưng chị có nết gì đâu?
Nhung nói câu ấy nghĩ ngay đến cách ăn ở của mình trong ba năm mới đây. Nàng nghiệm ra rằng nàng chỉ có một cái nết là không biết gì đến tình yêu. Nàng mỉm cười vì cái nết của nàng chỉ là cái nết của một người sư nữ. Nàng hỏi Phương:
- Nhưng em có tội gì? Yêu nhau sao em lại cho là một nết xấu.
Tuy nói vậy, nhưng nàng vẫn tin chắc rằng nếu Phương biết được nàng mấy tháng nay, nàng đã ngấm ngầm yêu trộm Nghĩa thì thế nào Phương cũng khinh rẻ nàng như tất cả những người khác.