Chương 10

    
ừa đến cổng trạm thú y, chú Mặt Rỗ vội vàng dựng chiếc xe đạp vào tường rào, có vẻ rất tức giận vì tôi thấy mặt chú đỏ rần lên. Chú đi quanh con Song Tích một vòng, giọng đanh lại:
- Hay quá nhỉ, ông Đỗ! Bảo ông dắt trâu đến đây để trị bệnh, cuối cùng ông đã làm tốt gớm nhỉ, dắt đến đây để cho nó chết!
- Đội trưởng! - Giọng ông Đỗ như muốn khóc - Kể từ khi con trâu này bị thiến, tôi và La Hán đã mất không biết bao nhiêu là đày ải, bây giờ nó chết đi, chúng tôi cũng chẳng có cách nào hơn!
- Bốn ngày bốn đêm chúng tôi không hề chợp mắt! - Tôi chêm vào.
- Mày câm mồm lại cho tao! - Chú Mặt Rỗ quát lớn - Mày mà còn dám léo nhéo nữa, tao cho mấy bạt tai bây giờ! - Rồi chú quay sang hỏi ông Đỗ - Người ở trạm thú y có khám cho nó không?
- Cho đến bây giờ vẫn chưa hề thấy bóng dáng bất cứ người nào của trạm thú y - ông Đỗ nói.
- Các người có phải người chết đâu, các người phải có miệng, phải gọi họ chứ!
- Chúng tôi đấm vào cổng sắt đến nỗi nó suýt đổ nhào, chúng tôi gào đến khản cả cố họng nhưng nào có ai nghe! Không tin ông cứ hỏi La Hán.
Tôi cắn chặt răng, mím chặt môi vì sợ tiếng nói của mình sẽ bật ra bất kỳ lúc nào.
Chú Mặt Rỗ quấn một điếu thuốc, thè lưỡi liếm ướt giấy quấn thuốc rồi cắn đứt đuôi nhọn của điếu thuốc, vừa nhay nhay chút giấy vừa chửi:
- Đồ chó má!
- Đội trưởng! Ông muốn giết muốn xẻo tôi thì tùy, nhưng không được chửi tôi - ông Đỗ tức tối nói - Chỉ cần nhắm mắt rồi mở mắt là tôi đủ bảy mươi rồi đấy!
- Tôi chửi ông à? - Chú Mặt Rỗ nói - Đúng rồi, tôi đang chửi trâu!
- Ông chửi trâu thì được, đừng bao giờ chửi tôi!
Chú Mặt Rỗ đưa mắt nhìn ông Đỗ, nhìn điếu thuốc đã quấn xong trong tay mình rồi vung tay, quăng điếu thuốc về phía ông Đỗ. Ông Đỗ vội vàng chụp lấy rồi móc bật lửa châm hút. Ông ta từ từ ngồi xuống, yên lặng hút thuốc, thân thể thu nhỏ lại như một con nhím bị người ta làm cho sợ hãi.
Lúc này, chương trình phát thanh đã tắt, sương cũng đã tan, mặt trời cũng đã lên cao. Mặt trời vừa ló ra, mọi vật đã sáng sủa, rõ ràng hơn, những tòa nhà của ủy ban công xã nguy nga đồ sộ bày ra trước mắt tôi. Đối diện với trạm thú y, cách một con đường lát đá là khuôn viên của ủy ban cách mạng công xã. Trên hai chiếc trụ cổng to đùng có hai hàng chữ chạy dọc màu đỏ, một bên ghi là Ủy ban nhân dân cách mạng công xã một bên ghi là Đảng ủy công xã. Bên trong cổng là một bức tường hình chữ nhật, trên tường có vẽ một mặt trời màu đỏ, một con sóng xanh và còn có cả một chiếc thuyền màu trắng, mũi thuyền vươn lên rất cao. Bên cạnh mặt trời đỏ có một hàng chữ đại tự màu đỏ xiêu xiêu vẹo vẹo "Vượt thuyền giữa biển cần người cầm lái". Bên trái trụ sở Ủy ban công xã là cửa hàng hợp tác xã cung tiêu, bên phải là cửa hàng ăn uống. Bên phải cửa hàng ăn uống là trạm quản lý lương thực; bên trái hợp tác xã cung tiêu là bưu điện. Sau lưng chúng tôi là trạm thú y, bên phải trạm thú ý là lò giết mổ, bên trái là doanh trại lực lượng vũ trang công xã. Toàn bộ những cơ quan dân chính đảng, hợp tác xã công thương nghiệp... đều tập trung quanh chúng tôi, có thể nói con Song Tích của chúng tôi đã nằm ngay trung tâm công xã. Tôi cảm thấy những cánh cổng của các cơ quan này có một vẻ gì đó vô cùng hung dữ, lại có vẻ tham ăn tục uống, sẵn sàng há miệng ra nuốt lấy chúng tôi. Cảm giác này vô cùng mãnh liệt và có sức thúc giục, nhưng chú Mặt Rỗ đã bắt tôi làm người câm, tôi đành phải nhét những cảm giác đáng sợ ấy xuống tận đáy lòng.
Người đi lại trên con đường lát đá bắt đầu đông dần lên, ống khói trong các nhà ăn tập thể của các cơ quan đã bắt đầu nhả những luồng khói trắng, đủ loại các mùi thơm lan tỏa trong không gian. Trong rất nhiều mùi thơm ấy, mùi mà tôi có cảm tình nhất là mùi bánh quẩy. Trước mắt tôi là hình ảnh những chiếc bánh quẩy vàng ruộm đang lăn qua lăn lại và bốc mùi thơm lừng trong các chảo dầu. A! Tôi bỗng nhớ ra rồi, không phải là con rể cả của ông Đỗ đang là quản lý nhà ăn ở công xã đó sao? Nếu ông Đỗ đi vào trong đó tìm anh ta, chắc chắn ông Đỗ sẽ được ăn một bữa sáng ra trò đấy. Nhưng hình như vì chuyện con Song Tích chết nên ông Đỗ đã quên khuấy mất chuyện trọng đại này. Ông ta vẫn còn thằng rể thứ tư đang là nhân viên trong lò giết mổ chuyên làm công việc mổ lợn, nếu ông ta tiến vào đó cũng có thể được một bữa căng bụng, nhưng ông ta cũng quên khuấy thằng rể này. Điều quan trọng hơn là, nếu ông ta vào một trong hai thằng rể, chắc chắn họ cũng sẽ mời tôi và chú Mặt Rỗ cùng vào và cùng với bố vợ họ ăn một bữa sáng tròn bụng. Tôi nhìn ông Đỗ dò xét và có ý dùng mắt ra hiệu cho ông ta hãy nhìn về phía nhà ăn. Nhưng đôi mắt ông Đỗ đang nhắm nghiền, hình như ông ta không thấy không nhớ gì cả. Lời nói luôn luôn túc trực ở bên trong miệng tôi, chúng có thể phá vỡ bức tường răng rất cứng, xé toạc bức tường môi mềm oặt để tuôn ra ngoài bất cứ lúc nào. Lúc này, chú Mặt Rỗ đã thay tôi nói hộ điều đó:
- Ông Đỗ! Ông không vào thăm hai thằng rể quý của ông à?
- Thăm nom cái gì? Bọn chúng đều là người nhà nước, tôi vào đó sẽ làm ảnh hưởng đến công tác của chúng - ông Đỗ nói.
- Hoàng đế cũng còn phải có người thân nội ngoại, huống hồ là người thường chúng ta. Mau vào thăm chúng đi, đang đúng giờ ăn sáng đấy!
- Đói chết cũng không bước chân vào trong đó! - ông Đỗ dứt khoát.
- Ông Đỗ, tôi biết thừa tấm lòng nhỏ mọn của ông đang nghĩ gì - Chú Mặt Rỗ cười, gằn giọng - Không phải là ông đang sợ tôi cùng La Hán theo ông vào trong ấy hưởng chút ân huệ nhờ sự quen biết đấy chứ? Chúng tôi không đi đâu, chúng tôi không có quyền theo ông vào trong ấy đâu!
Ông Đỗ méo xệch mồm, hình như ông ta sắp khóc đến nơi, lâu lắm ông ta mới mở miệng nói:
- Đội trưởng! Ông khinh người quá lắm!
- Tôi chỉ đùa tí cho vui thôi, ông đừng nghĩ là tôi nói thật nhé! - Chú Mặt Rỗ cười gượng gạo, đột nhiên giọng chú trở nên nghiêm túc thật sự - Lão đồng chí Đổng đến rồi!
Lão Đổng đang cưỡi chiếc xe đạp chạy tưng tưng trên con đường lát đá không bằng phẳng lắm. Lão phóng rất nhanh, hình như lão đã trông thấy chúng tôi thì phải. Đến trước con trâu, lão vọt xuống xe, kêu to:
- Lão Quản! Thì ra là ông! - Rồi nhìn tôi và ông Đỗ, nói
- Là hai người à? - Sau đó thì lão nhìn con trâu, nói: - Làm ăn cái quái quỷ gì thế này? - Vừa nói, lão vừa vén quần ngồi xuống, vạch mắt Song Tích ra xem thật kỹ rồi vẫn với tư thế ngồi, lão đi mấy bước ra phía sau đuôi chăm chú nhìn vào bìu dái Song Tích và hình như nhìn không được rõ lắm, lão lấy gọng kính chùi chùi vào vạt áo đeo lên và tiếp tục quan sát, chóp mũi lão gần như đụng vào mông trâu. Sau cùng lão đưa một ngón tay ra ấn mạnh vào bìu dái Song Tích, thở dài rồi đứng dậy, lại lấy gọng kính xuống khỏi sống mũi lau lau vào vạt áo, nét mặt tỏ ra vô cùng đau xót.
- Các người... Các người sao không dắt nó đến sớm một tí?
- Chúng tôi đã dắt nó đến đây từ đêm qua, đập và lay đến độ cổng trạm muốn đổ nhưng... - Chú Mặt Rỗ bỏ lửng câu nói.
- Lão Quản, nếu có ai đó hỏi gì, hy vọng các người nói là tôi đã cố gắng suốt cả đêm nhưng bệnh nó quá nặng mà chết - Lão Đổng hạ giọng thầm thì với chú Mặt Rỗ nhưng cũng đủ cho chúng tôi nghe.
- Ông bảo chúng tôi phái nói dối tất cả mọi người, nói dối lãnh đạo à? - Chú Mặt Rỗ nói.
- Giúp nhau trong cơn hoạn nạn đi! - Lão Đổng có vẻ nhẫn nhục.
Chú Mặt Rỗ quay sang phía tôi và ông Đỗ nói:
- Hai người đã nghe rõ cả chưa. Cứ theo yêu cầu của đồng chí Đổng mà nói nhé!
- Đa tạ, đa tạ! Tôi sẽ viết chứng nhận trâu bị bệnh chết cho mọi người! - Lão Đổng hồ hởi nói.