Chương 4
Phòng đợi của tử thần

     eng Ho vùng dậy trong bóng tối.
Vạn vật dường như đang sửa soạn một biến cố trọng đại trong rừng sâu. Mọi âm thanh quen thuộc và xa lạ của sơn lâm bỗng rủ nhau nín lặng.
Rồi ào ào, ào ào …
Khu rừng tre dầy đặc và kiên cố rung chuyển ào ào, ào ào như thể hàng vạn, hàng triệu quỷ binh ôm thân tre lay động dữ dội rồi nhổ gốc cùng một loạt.
Một lằn chớp xẹt ngang. Seng Ho thấy rõ cây đa cổ thụ trước mặt. Cây đa này cao đến nỗi cái ngọn khuất trong mây mù, tưởng như trèo lên cành lá là có thể lên được thượng giới. Gần mặt đất, thân cây có một cái hố rộng hoác bằng hai cái thạp đựng gạo. Seng bị nhốt trong cũi tre, đối diện với hốc cây mà không để ý. Giờ đây, dưới làn chớp sáng quắc, Seng mới nhìn thấy. Tay chân hắn run lẩy bẩy. Hắn muốn kêu lên song lưỡi hắn đã ríu lại. Vì cái hốc cây trong đêm tối vừa đánh thức trong lòng hắn một kỷ niệm rùng rợn. Kỷ niệm này là Paul, anh ruột của Vêra.
Hai  mươi năm trước, Paul và Seng đều là sĩ quan trẻ trong bộ tham mưu của đoàn quân ma Chindits. Trong một trận giao phong ác liệt với quân đội Nhật, Seng thoát chết còn Paul bị biệt tích. Có lẽ là chết. Nội vụ xảy ra gần một cây đa lớn, cây đa lớn nhất, xưa nhất Nambum-Ga. Thân đa chỉ có một cái hốc, đường kính gần một mét, bên trong đen ngòm như đường xuống địa ngục.
Seng còn nhớ rõ mồn một. Đêm ấy, trời đang yên lặng bỗng nổi gió dữ dội. Paul và Seng phục vụ trong tiểu đoàn thám báo. Cả hai đều trẻ, cường tráng, hăng say. Cả hai nhìn đời bằng cặp mắt màu hồng. Và cả hai đều là bạn thân của nhau.
Hành doanh của tiểu đoàn thám báo đóng tại làng Nambum-Ga, trong nhà xã trưởng. Hồi ấy, Nambum chỉ là một buôn sóc thưa thớt, nằm lọt giữa rừng rậm, gồm mấy chục căn nhà sàn xiêu vẹo chứ chưa trở thành vị trí bản lề của dân giang hồ buôn súng lậu, hoặc bộ đội du kích như hiện nay.
Xã trưởng Nambum là Tin Aung. Tin quen thuộc vùng Bắc Diến như cái mù soa trong túi áo. Quân đội Thiên Hoàng đến địa phương. Tin là người đi đón đầu tiên. Tin cũng là người hợp tác chặt chẽ với quân đội Anh đánh đuổi Nhật. Tóm lại, Tin chỉ theo phe thắng. Hồi ấy, Seng Ho đã trách Tin Aung:
-Ông đã điểm chỉ cho Nhật bắt giết một số nhân viên người Anh. Thái độ thiếu trung thành của ông đã làm đồng minh tức giận. May mà khi chúng tôi đến, ông đã tổ chức tiếp rước, nếu không tướng Wingate đã tặng ông một viên đạn vào gáy. Bây giờ ông tính sao? Ông chịu hợp tác mật thiết với đồng minh hay vẫn theo chủ trương hàng hai?
Thì Tin mỉm cười:
-Trung thành hay phản bội chỉ là vấn đề quan điểm giữa chủ và tớ. Các ông muốn tôi trung thành như kẻ gia nhân mà quên rằng tôi là người Diến, từ bao năm khao khát độc lập cũng như những người Diến yêu nước khác. Tôi có bổn phận tranh đấu dành lại chủ quyền nên tôi đã bắt tay với người Nhật.
-Tại sao người Nhật thua, ông không theo họ vào rừng?
-Vì người Nhật cũng như người Anh đều là người ngoại quốc. Nếu họ đại thắng, Diến Điện sẽ trở thành thuộc địa…
-Lý luận của ông không đứng vững. Tôi sẽ trình lên tướng Wingate về trường hợp của ông. Tôi sẽ yêu cầu đồng minh xóa bỏ dĩ vãng, tuy nhiên việc này chỉ có thể thành tựu nếu ông …
-Tôi hiểu rồi. Trong đời, tôi đã nghe nhiều lần như vậy. Vâng, tôi sẵn sàng giúp các ông thiết lập hệ thống tình báo ở miền Bắc. Nhưng xin các ông hiểu rõ rằng tôi nhận lại không phải vì sợ chết. Vì tôi biết các ông không thể giết tôi. Trước kia, người Nhật muốn băm vằm tôi ra nhưng rốt cuộc phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Vì thưa ông, ngoài Tin Aung, không còn ai am tường tình hình và địa thế miền Bắc. Nếu Tin Aung bị giết, các bộ lạc sẽ rút vào rừng, lên núi dùng tên độc chống lại…
-Ông làm tôi ghê tởm.
-Chẳng sao. Tôi quen một đại tá Anh, giữ gìn vệ sinh một cách kinh khủng. Đi hành quân trong  rừng, ông ta bắt lính đun nước sôi, và khi sôi phải báo cáo để ông ta nhìn tận mắt mới được pha vào ấm. Đồ hộp cũng được ông ta nấu kỹ. Ông ta nói với tôi là ghê tởm thức ăn sống sít, và nếu trong tương lai lại bị ăn như vậy, ông ta chết mất. Đơn vị của ông đại tá bị đánh tan, một mình với khẩu súng lục hết đạn, ông ta chỉ uống nước khe và ăn thịt rùa sống. Thoạt đầu ông ta ghê tởm, đến sau thấy ngon lành. Ông cũng vậy, bây giờ ông ghê tởm tôi, mai kia ông sẽ quen.
-Nói cách khác, mai kia nếu đồng minh thất trận, có thể ông sẽ bắt tôi nộp cho chủ mới.
-Hà, hà, đó là chuyện tương lai, mà tương lai là những điều rất khó tiên đoán… Từ nhiều trăm năm nay, miền Bắc vẫn sống xa vời chính phủ trung ương. Trong tương lai, miền Bắc không thể theo con đường nào khác nữa.
-Yêu cầu ông trả lời câu hỏi của tôi. Mai kia nếu…
Tin Aung lại ngắt:
-Sau đại chiến, tình hình rồi sẽ thay đổi nhiều. Khi ấy, tôi sẽ trả lời. Bây giờ tôi hợp tác với các ông…
Tin Aung nói đúng.
Tình hình đã thay đổi hoàn toàn sau đại chiến. Diến Điện thu hồi chủ quyền, song các tỉnh miền Bắc vẫn sống xa rời chính phủ trung ương. Trung Hoa trở thành cộng sản với tham vọng tiến về phía Nam.
Nambum-Ga cũng thay đổi. Trong xã đã có một máy phát điện lớn. Tin Aung ở trong tòa nhà xây bằng gạch và đá ong kiên cố trên sườn đồi thoai thoải. Tin có tủ lạnh để trữ thức ăn tươi, có hầm rượu ngon nhập cảng từ Anh Pháp. Trước đây, Tin di chuyển bằng voi hoặc ngựa, bây giờ thì dùng xe díp gắn vô tuyến điện. Gần Nambum là một bãi đáp máy bay quang đãng, phi cơ trung bình có thể hạ cánh an toàn.
Thời thế thay đổi, cuộc sống thay đổi song Tin vẫn cường tráng như hồi 30. Cách đây 20 năm, Seng Ho giật mình khi gặp lại Tin. Trên vầng trán hói, người ta không thấy một sợi tóc bạc nào. Cánh tay dài như vượn vẫn còn dư sức bẻ gãy xương sống của một thanh niên lực lưỡng.
Điều làm Seng Ho sửng sốt nhiều nhất là sự sung mãn và bền bỉ phi thường của Tin Aung về đường tình ái. 20 năm trước Tin có 5 cô vợ trẻ măng, giờ đây con số tăng lên gấp đôi trong khi số tuổi trung bình lại giảm xuống rõ rệt. Người già nhất chưa quá 22, còn người trẻ nhất là 14 tuổi. Đó là chưa kể một “hậu cung” đông đảo gồm hàng chục thiếu nữ nhan sắc mặn, sẵn sàng thay Tin chiêu đãi khách quý.
Seng vụt hiểu tại sao Tin xoay như chong chóng mà không hề bị hề hấn. Vì mỗi lần chính trường rối loạn, Tin lại mang một số mỹ nhân đi triều cống. Miền Bắc Diến Điện không phải là thành phố Ba Lê để có thể tìm kiếm thú vui và người đẹp để dành, gái Diến cũng không phải là tiên nga cho nên thủ đoạn của Tin đã làm những trái tim sắt thép nhất phải đổ mồ hôi. Phương chi kho tàng tình ái của Tin lại cất giữ nhiều của ngon vật lạ, phần lớn từ Assam và Hoa Nam đưa tới.
Seng gặp lại Tin Aung bên mâm đèn thuốc phiện. Thấy bạn, Tin ngẩng đầu lên, mắt hấp háy:
-Chào ông bạn cố tri. Nhận điện tín của ông, tôi đã sửa soạn đầy đủ. Ông định lưu lại bao lâu?
Seng đáp:
-Độ hai, ba tuần. Nhưng cũng có thể nhiều hơn nữa. Khi nào xong việc, tôi mới có thể về được. Tôi lên đây vì việc riêng.
-Tổ chức lại guồng máy tình báo của MI-6?
-Không. Tôi bỏ MI-6 đã lâu.
-Ồ, vậy thì CIA?
-Cũng không đúng. Như tôi đã nói, tôi lên đây vì việc riêng.
-Ừ, thì tạm nhận là ông bạn không còn liên hệ với tình báo Anh Mỹ nữa đi …Vậy việc riêng của ông là gì?
-Tìm lại Paul.
-Paul, trong bộ tham mưu cũ Chindits ấy à?
-Phải. Hồi ấy, ông đã biệt đãi Paul và tôi. Chính ông đã cho chúng tôi mượn một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp và ngoan ngoãn.
-Tôi nhớ rồi. Sau khi Paul mất tích, ông đã tỏ ra buồn bã, và tôi phải tìm cách khuyên giải ông.
-Theo ông, Paul bị thiệt mạng ở đâu ?
-Tôi không biết, rừng rậm ở đây rộng cả ngàn cây số vuông. Lạc bước là mất xác. À, ông nhắc đến Paul để làm gì ?
-Để tìm lại.
-Sau 20 năm, Paul đã biến thành đất.
-Tôi sẽ mang một nắm đất về… Ông là bạn cố tri nên việc đầu tiên sau khi tôi đến Nambum-Ga là tạt qua thăm ông, và nhờ ông giúp cho một tay. Tôi muốn tìm ra mộ phần của Paul.
Lão Tin Aung rít một tẩu thuốc phiện rồi nằm ngửa trên chiếu, tay chân duỗi ra, hai mắt lim dim trong cơn khoan khoái cực độ. Giây lâu, hắn mới mở mắt, nhìn Seng Ho, giọng nhỏ nhẹ :
-Chỗ thân tình tôi xin giúp ông. Ông đừng nghĩ đến ân huệ gì cả. Đêm nay, mời ông nghỉ lại với tôi. Lát nữa, tôi sẽ gọi bọn con gái ra chào ông, ông tha hồ lựa chọn.
-Xin ông tha lỗi. Tôi đã có gia đình…
-Dĩ nhiên, trên tứ tuần mà ông còn độc thân sao được. Ông cưới vợ bao giờ ?
-Mới.
-Ồ, chắc ông đang còn trung thành. Tôi cũng không dám ép ông. Phong tục của chúng tôi là đãi khách thật thà, cung hiến cho khách không những thức ăn, mà còn cả ái tình tiêu khiển nữa. Ban đêm ở đây lạnh buốt đến xương, ông nằm một mình một giường không nổi đâu.
-Bao giờ ông có thể…
-Đưa ông vào rừng tìm mộ phần Paul ấy à ?
-Phải.
-Ngày rộng tháng dài, mai hoặc mốt vẫn chưa muộn. Ông chờ được hai chục năm thì có chờ thêm hai chục ngày nữa cũng chẳng sao. Vả lại tôi còn phải chờ đợi bọn gia nhân.
Tin Aung ngừng nói một phút, vẻ mặt suy tư rồi hắn vỗ đùi đánh đét :
-Thôi được… thôi được… May ra tôi có thể tìm thấy Paul mất tích sau trận đánh gần cây đa đại thụ. Cây đa này ai cũng biết vì đó là cây đa xưa nhất và lớn nhất trong vùng.
Lời nói của xã trưởng Tin Aung giục Seng nhớ lại quá khứ. Đêm ấy, trời mưa như đại họa hồng thủy sắp tới. Mưa không rơi từng giọt, hoặc từng dây mà là cột nước một, những cột nước khổng lồ làm thành cành cây gỗ tếch rắn chắc gẫy răng rắc, và nền đất bị soi như lúc bị ăn bom.
Paul và Seng được lệnh phục kích một tiểu đoàn Nhật. Chính xã trưởng Tin đã cung cấp tin tức cho bộ tham mưu về việc tiểu đoàn này kéo qua rừng Nambum để đánh bọc hậu đạo quân Chindits. Không ngờ toán phục kích lại bị phục kích. Hai đại đội thiện chiến bị đánh tan hoang, tàn quân chạy bán sống bán chết về đến cây đa thì lọt vào ổ phục kích thứ hai. Rốt cuộc chỉ còn lại nửa tiểu đội và trung úy Paul.
Seng vừa kịp đặt súng xuống để thở hồng hộc thì tiếng trung liên nổ vang, át cả tiếng mưa tuôn xối xả. Tàn quân Chindits chống trả mãnh liệt bằng mọi thứ vũ khí. Nửa giờ sau, khẩu đại liên của đồng minh bị hóc đạn. Hộp đạn cuối cùng cũng hết nhẵn. Trong khi ấy, súng lớn của đối phương vẫn bắn như mưa bấc.
Đến gần nửa đêm, mưa bắt đầu ngớt hột thì đạn dược của đồng minh cũng khô cạn. Hai bên chỉ còn cách phòng tuyến của nhau bằng tầm đạn súng lục. Binh sĩ Nhật ào lên xung phong, lưỡi lê lóe sáng trong đêm tối rùng rợn.
Seng đã bị thương, Paul cũng bị thương. Trong cơn hỗn loạn, mỗi người chạy mỗi ngã. Seng thoát chết vì lê lết được tới gốc đa lớn, rồi bò vào trong hốc cây. Seng nằm thiếp đến khi mặt trời lên tới đỉnh đầu mới tỉnh dậy. Tứ phía trở lại hoàn toàn vắng lặng. Tàn quân đồng minh đã chết hết, xác nằm ngổn ngang.
Seng tìm kiếm khắp vùng nhưng không thấy xác Paul. Seng quay lại Nambum-Ga, rồi được hồi hương.
20 năm qua.
Đêm nay, trời lại mưa lớn. Seng Ho bị giam trong cái cũi kiên cố gần hốc cây đa mà hắn núp trong dĩ vãng.
Một lằn chớp lại xẹt qua.
Hốc cây sáng vụt rồi tối sầm. Dường như hắn vừa nhìn thấy một bóng người. Một bóng người quen thuộc… Seng Ho trợn mắt, cố chọc thủng màn đêm dày đặc. Tuy bị bỏ đói, bỏ khát trong cũi tre, hắn vẫn còn minh mẫn. Hắn không thể nào trông gà hóa cáo được.
Qua bóng tối, Seng thoáng thấy một người mặc đồ sáng. Người ấy đứng cạnh gốc đa, đối diện cũi tre. Seng đã nhận ra người ấy. Thời gian tàn nhẫn vẫn không thay đổi được những nét quen thuộc trong hình dáng.
Hoảng hốt, Seng đưa tay lên giật đầu tóc. Hắn cảm thấy đau đớn.
Như vậy nghĩa là hắn đang còn cảm giác, nghĩa là hắn đang ở trên dương gian, chưa bị lôi xuống âm phủ. Nghĩa là hắn đang còn sống với đầy đủ xương thịt.
Vậy bóng trắng trước mặt không phải là mộng mà là sự thật. Sự thật vô cùng quái đản…
Như sợ sự thật có chất phóng xạ giết người, Seng Ho vội vàng lấy tay bưng kín mặt. Vẫn chưa đủ, hắn còn co tròn lại trong cũi, rồi quay mặt ra hướng khác.
Nhưng bóng trắng kỳ quặc vẫn lởn vởn trước mặt, mỗi lúc một đậm nét hơn. Seng Ho nhắm mắt lại rên rỉ:
-Chết tôi mất!

*

Khi ấy, Thần Chết cũng đang hăm dọa tại Ngưỡng Quang. Sophie xô cửa vào phòng với khẩu súng trong tay. Văn Bình trân trân ngó nàng. Dưới ánh đèn, mặt nàng trắng bệch. Sự thất thần này tương phản rõ rệt với làn tóc mới được chải bới tươm tất đúng thời trang. Nhận ra Văn Bình, nàng thẫn thờ trong một phút rồi thở dài não ruột:
-Tưởng ai, té ra anh.
-Ai nói với cô ?
-Đại tá Karati. Hắn gọi điện thoại lại mỹ viện báo tin cho em. Hắn nói là lựu đạn nổ. Cả Abê lẫn anh đều chết.
-Tội nghiệp Abê… Chẳng qua vì nghiện cà phê. Địch phải là người biết rõ lối sống Abê khi nào về nhà cũng uống cà phê và tự tay đun nước trên bếp.
-Abê chết, thế nào em cũng chết. Dầu sao em cũng biết một vài bí mật. Họ sẽ không tha em.
-Ai đưa cô về ?
-Karati cho xe tới mỹ viện song em không chịu. Em lái xe riêng về. Đoán  là địch cho nhân viên núp trong phòng nên em rút súng trước.
-Cô lên lầu bằng cửa trước ?
-Không. Cửa sau. Bin đinh có nhiều lối ra vào. Vì điều kiện an ninh em thay đổi luôn. Hồi nãy em vào bằng cửa hông.
-Tôi đề nghị cô rời khỏi căn nhà này ngay.
-Anh muốn em đi đâu?
-Một nơi trú ẩn an toàn. Trong khi đó, tôi sẽ lo liệu giấy tờ và thủ tục cho cô giã từ Diến Điện.
-Còn anh?
-Có lẽ mai sớm tôi lên miền Bắc.
-Tìm Seng Ho?
-Như cô đã biết, đó là nhiệm vụ của tôi. Với sự đồng ý của Karati.
-Chẳng qua họ muốn lợi dụng mà thôi. Karati không bồ bịch gì với tình báo Tây phương. Hắn làm ngơ cho Seng lên miền Bắc, móc nối các cơ sở gián điệp chống cộng với điều kiện Seng phải hạ sát kỳ được thượng tá U Ban của F-22. Vì vậy, Karati không thể công khai giúp đỡ. Abê đã nói với em như vậy.
-Như vậy là thế nào?
-Là trên phương diện chính thức, nhà cầm quyền Diến không biết gì đến hoạt động của Seng Ho. Nếu Seng hớ hênh, họ sẽ phản đối hoặc có thể bắt giữ. Việc giết U Ban cũng phải được tiến hành trong bí mật tuyệt đối.
-Seng làm cách nào để giết được U Ban ?
-U Ban đang có mặt tại Nambum. Seng hy vọng thành công với sự trợ lực kín đáo và đắc lực của xã trưởng Tin Aung, một tù trưởng xoay chiều như chong chóng.
-Seng lên miền Bắc bằng phi cơ của ai ?
-Phi cơ riêng của công ty du lịch do Abê điều khiển. Công ty có hai phi cơ Đakota dùng để chuyên chở du khách về miền Nam và miền Bắc. Một chiếc bị hỏng đang được sửa chữa. Chiếc thứ hai đậu lại phi trường Pegu. Ở đó, việc kiểm soát chỉ có tính cách tượng trưng.
-Abê nói là đã nắm được đầu mối quan trọng. Cô có biết rõ không ?
-Em đã giải thích một lần rồi. Abê là người kín miệng. Về công việc, chỉ cho em biết một số chi tiết hạn chế. Hồi chiều, Abê cũng nói với em như thế. Dường như Abê nghi ngờ.
-Nghi ngờ ? Abê nghi ngờ ai ?
Sophie chau mày nghĩ ngợi. Văn Bình nhìn qua cửa sổ xuống đường. Chiếc xe đen sì vẫn nằm ở chỗ cũ… Bàn tay run run cầm điếu thuốc Caraven A vừa đốt, Sophie nói :
-Nếu biết thí anh và em đã không ngồi đây và Abê đã không thiệt mạng. Tuy nhiên, em có thể tin là Abê có một cái két sắt nhỏ, cất giấu tài liệu.
Nói đoạn Sophie mở tủ áo lấy ra cái va li tròn. Văn Bình ngạc nhiên :
-Cô đã sửa soạn từ trước rồi sao ?
Nàng gật đầu :
-Vâng. Abê dặn em luôn luôn phải sẵn sàng. Em chế diễu Abê lẩm cẩm thì Abê cười đáp « gián điêp giỏi đều là những người lẩm cẩm ». Bây giờ em mới hiểu là Abê chẳng lẩm cẩm chút nào…
Văn Bình tranh xách giùm nàng. Nàng khóa cửa phòng lại rồi dẫn chàng về phía cầu thang nhỏ sau hành lang. Chỉ những bậc thang xoắn ốc, nàng cắt nghĩa :
-Đây là lối sau dành riêng cho nhân viên. Để em xuống trước vì có những khúc quẹo tối.
Tuy trời tối, Văn Bình vẫn thấy rõ như ban ngày cặp đùi thon dài của nàng. Nhờ đôi chân « trường túc », nàng bước xuống thoăn thoắt, hơi thở luôn đều đặn và nồng nàn. Hết cầu thang, nàng rẽ vào một hành lang nhỏ. Nàng đẩy một cánh cửa gỗ kêu kèn kẹt rồi ra đường.
Chiếc MK-IV nép mình ngoan ngoãn bên lề. Văn Bình có ấn tượng Sophie cũng nép mình ngoan ngoãn vào ngực chàng. Nàng thấp đến miệng chàng, nếu muốn ôm hôn, chàng phải cúi xuống, giang rộng cánh tay quơ nàng lại xiết lấy cái eo vừa vặn và bộ ngực căng cứng.
Nàng nhường vô lăng cho Văn Bình nhưng chỉ một phút sau khi xe hơi ra khỏi lề, nàng vội nhắc nhở :
-Anh quên rồi.
Văn Bình nhún vai :
-Tôi đã quen đường phố Ngưỡng Quang.
-Hừ, quen mà lái bên phải !
Văn Bình giật mình. Luật lệ giao thông ở Diến rập theo Anh quốc mà chàng quên khuấy. Vì vậy suýt nữa chàng đâm vào chiếc cam nhông ngược chiều phóng nhanh như đang dự đua trên vòng chảo.
Gió thổi phơ phất. Sophie hỏi :
-Anh đưa em về đâu ?
-Lữ quán Strand.
Chàng tiên liệu nàng sẽ nhăn mặt, trề môi nói “không, em không thích tới Strand vì…” Nàng không ưa lữ quán Strand vì chàng có phòng ở đó, chàng có thể lợi dụng tình trạng tâm lý xúc động để chinh phục nàng. Nhưng Văn Bình đã trật lất. Nàng đã áp dụng một lối nói bóng bẩy và khôn khéo:
-Strand ít khi có phòng trống, anh ạ.
Câu nói của Sophie có ý nghĩa thầm kín như sau “em không thể về Strand vỉ không lẽ về ở chung phòng với anh”. Văn Bình đáp ngay “Cô đừng lo. Tôi có hai phòng ở sát vách nhau. Nội ngày mai cô có thể lên phi cơ. Đề nghị cô đi Vọng Các. Bạn tôi sẽ đón cô tại phi trường”.
Sophie có vẻ như không quan tâm tới lời giải thích săn đón của chàng. Nàng bắt sang đề tài khác:
-Anh nói được tiếng Diến không?
Vô tình chàng trả lời ngay:
-Không. Tôi chỉ biết dăm ba câu xã giao nhì nhằng. Chẳng hạn chào ông, chào bà, cái này bao nhiêu tiền, đi tới khách sạn Strand bằng đường nào, không dám, cám ơn…
-Tại miền Bắc, dân chúng còn dùng thổ ngữ. Tiếng Diến đã khó, thổ ngữ còn khó hơn nhiều.
-Chắc cô thành thạo lắm.
-Nếu không thì làm sở du lịch sao được. Em sinh trưởng ở đây, lại học chương trình sơ đẳng tại đây. Mẹ em lại là người thuộc bộ lạc Kachin ở miền Bắc.
-Hoài của! Giá tính mạng cô không bị đe dọa, tôi sẽ…
-Chẳng sao cả. Ông bạn Môhan không yêu cầu, con bé Sophie này cũng sẵn sàng.
Mặt Văn Bình rực sáng:
-Cô nhận lời làm hướng đạo cho tôi nhé!
Sophie gật đầu:
-Em xin ký cả hai tay. Vả lại, nếu em từ chối thì không ai đưa anh tới Pegu để lấy máy bay. Tuy nhiên, em chỉ giúp anh với một điều kiện.
-Cô bắt tôi làm mọi, tôi cũng không dám phản đối.
-Em đâu dám. Em chỉ yêu cầu anh… hiểu em một chút. Em vốn ghét đàn ông nịnh đầm, và tán gái sát sàn sạt như đánh giặc.
-Phải rồi. Cô thuộc lọai mỹ nhân du kích.
-Em không khó khăn như ông tưởng đâu. Nhưng em…
Sophie chưa dứt lời Văn Bình đã nhanh như cắt xô nàng cgã chúi đầu xuống táp lô, đồng thời Văn Bình cũng rạp xuống vô lăng và lái tràn sang bên phải. Một chiếc xe đen phóng hết tốc độ vừa lao tới chạy kèm bên xe MK-IV. Và một tràng đạn tiểu liên réo vang. Tacata, tacata…
Bắn xong chiếc xe bí mật biến mất vào bóng đêm đầy sương mù. Văn Bình đảo vô lăng, giữ cho bánh xe khỏi loạng choạng rồi từ từ thắng lại. Ngồi bên, Sophie dương cặp mắt đen láy nhìn chàng. Chàng hỏi giọng thân mật :
-Cô có hề gì không ?
Nàng đáp giọng hơi run :
-Không. Còn anh?
-Cũng không bị sứt mẻ gì.
-Em lại mang ơn anh lần nữa. nếu anh không có mặt trong phòng, em đã bị địch bắt đem giết. Nếu em lái xe đêm nay, chắc chắn tai nạn đã xảy ra, không trúng đạn thì cũng đâm xe vào gốc cây. Không biết làm cách nào trả ơn được.
Văn Bình nín thinh.
Lữ quán Strand hiện ra trước mặt. Đến nơi chàng xuống xe trước, quan sát tứ phía thấy an toàn mới mở cửa cho Sophie. Nàng ngoan ngoãn theo chàng vào khách sạn. Hành lang rộng rãi đã bắt đầu vắng vẻ. Nhân viên tiếp tân vồn vã khi thấy Văn Bình rút tờ năm đô la màu xanh đút dưới cái đĩa đựng tàn thuốc:
-Chào ông, ông cần điều gì không?
Văn Bình mỉm cười:
-Tôi muốn lấy thêm một phòng nữa.
Gã nhân viên liếc bằng đuôi mắt:
-Thưa, cho cô Sophie?
-Phải.
-Thưa, không còn phòng nào nữa.
Văn Bình chuồi thêm 10 đô la. Chiến thuật ngoại giao bằng đô la này tỏ ra hữu hiệu trong mọi lữ quán trên thế giới. Không cần nhìn xuống, gã nhân viên đã biết bao nhiêu tiền. Gã giả bộ nhăn nhó :
-Vâng, còn một phòng ở gần phòng ông. Nhưng đối với ông…
Văn Bình chìa bàn tay ra để nhận chìa khóa. Sophie theo chàng lên lầu, không nói nửa lời. Chàng đưa nàng vào phòng, xem xét nước điện và ổ khóa chu tất rồi mới cáo từ. Song Sophie đã nắm vai chàng lại, giọng trách móc :
-Anh nói dối.
Văn Bình đáp :
-Cô đừng tưởng lầm. Tôi mời cô về lữ quán không phải vì có ý định đen tối đâu. Chẳng qua tôi muốn bảo vệ an ninh cho cô.
-Em không phải là con nít.
-Vậy tùy cô. Cô sợ tôi ăn thịt thì cứ ra về tự nhiên. Cô không phải là con nít nên đã biết đường xuống cầu thang và ra khỏi khách sạn.
Đang ngồi trên giường, Sophie vùng đứng dậy, mắt đỏ hoe. Văn Bình đang lúng túng thì nàng tát luôn một cái. Tội nghiệp cho điệp viên hào hoa Z.28 ! Chàng nổi tiếng nhanh nhẹn, đỡ đòn của những võ sư thượng thặng một cách dễ dàng nhưn trò đùa, vậy mà cái tát của giai nhân lại làm chàng chưng hửng. Xưa nay phụ nữ chỉ tát đàn ông hảo ngọt, Văn Bình cố giữ vẻ đứng đắn mà lại bị tát.
Chàng lấy tay xoa má :
-Tại sao cô tát tôi ?
Sophie òa lên khóc. Văn Bình chắt lưỡi mở cửa phòng. Nàng gọi giật lại :
-Anh.
Chàng ưỡn ngực :
-Có mặt.
-Em không đùa đâu.
-Đúng thế. Nếu đùa, tại sao cô lại tát tôi đau điếng.
-Em đánh anh, tại sao anh không đánh lại ?
-Trời ơi, tôi không quen đánh đàn bà. Nhất là đàn bà khả ái như cô.
-Nhưng em đã hỗn với anh. Anh đánh em đi.
-Không.
-Vậy anh phải nói cái gì chứ !
-Nói hả ? Tôi xin chào cô, và thân ái chúc cô ngủ ngon đến sáng mai.
-Em không buồn ngủ.
-Tôi sẽ dặn bồi mang thuốc lên cho cô.
Chàng đóng cửa đánh sầm. Tiếng cửa kêu không át được tiếng khóc thút thít của Sophie. Mỉm cười, Văn Bình rảo bước về phòng. Gã nhân viên tiếp tân đã đứng sẵn bên ngoài chờ chàng. Gã gãi tai trịnh trọng :
-Thưa, có ông Roy hỏi ông.
Roy, tùy viên thương mãi sứ quán Anh quốc, đại diện MI-6, điệp viên thích hót như khướu.
Chỉ thoáng nhìn Văn Bình đã có thể kết luận là tình báo Tây phương chọn lầm nhân viên trung cấp hải ngoại. Nhưng cũng cố tình chọn lầm. Hoặc Roy cố tình đóng kịch. Vì từ cách phục sức đến cử chỉ và ngôn ngữ, Roy là hiện thân của nếp sống trác táng và bừa bãi, không phù hợp với hoạt động gián điệp.
Roy mặc áo vét tông trắng tinh, ve áo bằng sa tanh bóng loáng. Trên sơ mi trắng cổ cồn cứng ngắc nổi bật chiếc nơ xanh nhạt chấm tròn trắng. Bên dưới là chiếc quần màu xám phủ trên đôi giày da cá sấu đen xám, mũi nhọn hoắt tưởng như có thể dùng làm dùi được. Thân hình hắn không lấy gì làm cao đối với người Tây phương song cũng vì tầm thước nên hắn thích hợp với phụ nữ Viễn Đông. Hắn có mớ tóc quăn dợn sóng, chải bi ăn tin bóng nhẫy, cặp mắt sáng và đĩ, cái miệng nhỏ luôn luôn cười khêu gợi.
Hắn chìa tay bắt :
-Hân hạnh được gặp anh. Tôi là Roy. Hồi nãy, tôi đã gọi điện thoại cho anh. Trời Diến Điện…
Văn Bình gạt ngang :
-Mời anh ngồi.
Rồi quay ra gã nhân viên khách sạn :
-Cám ơn anh.
Chờ gã nhân viên đi khuất, Văn Bình mới trở vào. Roy đang lúi húi bên chai cỏ nhát mới khui. Hắn ngẩng đầu lên, nheo một bên mắt :
-Loại cỏ nhát này ngon kinh khủng. Tôi gởi mua tận bên Pháp. Anh dùng thử sẽ thấy.
Văn Bình xua tay :
-Tôi không uống.
-Anh ghét rượu?
-Ghét.
-Thật đáng tiếc.
-Tại sao bà Seng Ho không đến?
-Vêra ấy à? Nàng bị mệt nên không đến khách sạn gặp anh được. Nàng nhờ tôi mời anh lại nhà.
-Còn đại tá Karati ?
-Sẽ tiếp xúc sau với anh.
-Mình có thể lờ hắn được không ?
-Không. Chỉ thị của trung ương rất minh bạch: trong thời gian hoạt động phải hợp tác chặt chẽ với Phản gián, đúng hơn, với đại tá Karati.
-Tại sao hắn lại đặt máy nghe trộm trong phòng khách sạn?
-Trên nguyên tắc, ngoại kiều bị theo dõi ngày cũng như đêm. Nhân viên của Karati có mặt trong hầu hết các đại lữ quán. Theo tôi chuyện này không quan trọng. Một khi mình đã chung lưng đấu cật với Karati thí chẳng có gì giấu diếm cả.
-Nghĩa là mọi việc anh đều bàn với Karati?
-Vâng.
-Việc Seng Ho?
-Trước ngày lên miền Bắc, Seng đã họp riêng với Karati và tôi.
-Anh có biết tại sao Seng dám cam kết với Karatilà sẽ hạ sát được thượng tá U Ban của F-22 không?
-Vì U Ban dự định tiếp xúc với xã trưởng Tin Aung tại Nambum-Ga. Seng là bạn cũ của Tin Aung. Gặp cơ hội, Seng có thể giết U Ban dễ như trở bàn tay.
-Nhưng địch đã làm kế hoạch của Seng thất bại.
-Điều đó khiến tôi rất đỗi ngạc nhiên.
-Anh có ngạc nhiên khi nghe tin Abê bị lựu đạn chết không?
-À, vụ này lại không làm tôi ngạc nhiên. Tôi chỉ ngậm ngùi mà thôi. Abê và tôi là bạn. Bạn du hí thân thiết ở một thành phố buồn như chấu cắn không phải tìm đâu cũng có. Phương chi chúng tôi là bạn hoạt động nữa.
-Vì lẽ gì anh không ngạc nhiên ?
-Lý do rất giản dị. Tính mạng chúng tôi bị địch hăm dọa nặng nề. Riêng một tuần nay, tôi bị ám sát hụt hai lần.
-Lựu đạn?
-Không. Lần thứ nhất tôi suýt bị quân xa cán, xế cổng tòa đại sứ. Lần thứ hai vô lăng bị gẫy, bánh trước văng khỏi xe trong khi tôi đang phóng nhanh.
-Anh muốn về hay ở lại?
-Sự thật là tôi không muốn ở lại. Trung ương ra lệnh cho tôi chờ anh. May sao anh đến kịp, nếu không …
-Khi nào anh rời Ngưỡng Quang?
-Càng sớm càng tốt. Dầu sao anh cũng là đại diện có thẩm quyền. Nếu anh không phản đối, tôi chỉ xin ở lại một tuần lễ nữa là lâu nhất để thu xếp công việc.
-Công hay tư?
-Cả hai.