Nghệ thuật tuồng ở Bình Định nói chung và ở Quy Nhơn nói riêng từ nhiều thế kỷ qua đã tồn tại và phát triển rất mạnh, trở thành món ăn tinh thần đặc biệt và quen thuộc của nhân dân vùng đất này. Mặc dù có những biến động lịch sử, trải qua chiến tranh, những người dân Bình Định vẫn giữ môn nghệ thuật đặc sắc của mình và kiên quyết chống lại những cuộc xâm lăng văn hóa từ nước ngoài để Quy Nhơn vẫn là điểm hội tụ tài năng hát bội, rồi từ Quy Nhơn tỏa đi khắp các địa phương khác.Sự kiến đáng ghi nhớ trong lịch sử sân khấu tuồng là cuộc họp mặt các diễn viên, nghệ sĩ tuồng toàn quốc đầu tiên tại TP. Quy Nhơn giữa năm 1976. Từ đó Quy Nhơn trở thành điểm hội tụ thường xuyên của nghệ sĩ tuồng cách mạng kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.Quy Nhơn hiện có nhà hát tuồng mang tên Đào Tấn - nhà hát đang gìn giữ và phát huy di sản tuồng đồ sộ của vị hậu tổ tuồng, danh nhân Đào Tấn. Nơi đây đã từng làm ra những công trình nghệ thuật tuồng mẫu mực về hát, múa, về biểu diễn tuồng truyền thống nói chung và đã giành được tiếng vang lớn như "Quang Trung đại phá quân Thanh", "Sao Khuê trời Việt", "Sáng mãi niềm tin", "Bùi Thị Xuân"... Đặc biệt, những vở tuồng cổ điển mẫu mực về văn học và nghệ thuật biểu diễn của Nguyễn Văn Diêu và Đào Tấn đã và đang được phục hồi ở Quy Nhơn để làm tài sản chung cho ngành tuồng cả nước nghiên cứu, học tập.Ngoài nhà hát tuồng Đào Tấn, ở Quy Nhơn còn rất nhiều câu lạc bộ tuồng truyền thống hoạt động thường xuyên. Ở Quy Nhơn, xem tuồng là một tập tục hay một sự đam mê hiếm thấy.Cho đến hôm nay, Quy Nhơn (Bình Định) vẫn được coi là trung tâm của nghệ thuật hát bội (tuồng). Nói tới tuồng là người ta nghĩ đến Bình Định, và muốn được xem những vở tuồng đích thực của Đào Tấn, Nguyễn Văn Diêu... thì phải đến Quy Nhơn.