Khi mở mắt ra một lần nữa, Veronika phát hiện ra nàng không còn nằm ở góc phòng quây bình phong nữa, mà trong một căn phòng rộng nào đó – rõ ràng đây là một buồng bệnh. Vẫn còn một mũi kim truyền dịch cắm vào đường ven, nhưng tất cả những máy móc đặc biệt cần thiết cho việc hồi sức đã biến mất. Đứng bên giường là một bác sĩ, đáng người cao, khoác áo blouse truyền thống trắng tinh, rất tương phản với hàng ria được chuốt màu đen nhánh, và mái tóc đen rõ ràng là cũng được nhuộm. Một bác sĩ thực tập – phụ tá với cuốn sổ ghi chép mở sẵn trên tay đang ngó qua vai ông bác sĩ. Tôi ở đây đã lâu chưa? – nàng hỏi, từng từ, thậm chí là từng âm bật ra một cách chậm chạp, khó nhọc. Cô đã nằm ở phòng này được hai tuần, sau năm ngày ở phòng hồi sức – người đàn ông già hơn trả lời – Và cô hãy nói lời cảm ơn chúng tôi mới phải vì cô vẫn còn được ở đây đấy. Đến câu cuối, trên khuôn mặt người trẻ tuổi thoáng hiện một vẻ nghi ngại kỳ lạ - Không ra băn khoăn, cũng không ra bối rối - và Veronika chợt cảnh giác đề phòng ngay: còn gì nữa đây? Còn phải chịu đựng những đớn đau nào nữa đây? Lập tức, nàng không rời mắt theo dõi từng cử chỉ, từng sự thay đổi trong giọng nói của hai người này, bởi vì nàng biết rằng, có hỏi cũng bằng thừa – chỉ hãn hữu lắm bác sĩ mới nói cho bệnh nhân biết toàn bộ sự thật – và thế có nghĩa là chỉ còn cách tự mình cố gắng tìm hiểu xem thực tình chuyện gì đang diễn ra với nàng. Xin cô cho biết họ tên, ngày tháng năm sinh, tình trạng hôn nhân, địa chỉ, nghề nghiệp – người có tuổi nói. Với ngày tháng năm sinh, tình trạng hôn nhân và nghề nghiệp, hơn nữa là họ tên của mình thì không hề có chút gút mắc nào, tuy nhiên Veronika sợ hãi khi nhận thấy trong trí nhớ xuất hiện một khoảng trống – nàng không tài nào nhớ được địa chỉ chính xác. Ông bác sĩ rọi đèn thẳng vào mắt nàng, và cùng với người phụ tá, cả hai cùng xem xét chăm chú cái gì đó một lúc lâu. Sau đó họ ngầm liếc mắt trao đổi với nhau. Có phải chị đã nói với cô y tá trực đêm là dường như chúng tôi dầu sao cũng không thấy được điều gì trong tâm hồn chị, đúng không? – người phụ tá hỏi. Veronika không thể nhớ nổi một điều gì trong chuyện này. Nói chung là nàng khó khăn lắm mới hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với mình và tại sao nàng lại ở đây. Có lẽ chị vẫn còn chịu tác động của thuốc an thần – nó là cách thức bắt buộc trong đợt hồi sức – và điều này có thể ở mức độ nào đó có ảnh hưởng đến trí nhớ của chị. Nhưng tôi mong chị hãy cố gắng trả lời chính xác tất cả những gì chúng tôi sẽ hỏi trong chừng mực có thể. Rồi cả hai người lần lượt hỏi nàng những câu hỏi hết sức ngớ ngẩn như tên của những tờ báo lớn nhất của Ljubljana là gì, ở quảng trường trung tâm có tượng đài nhà thơ nào (mà điều này thì nàng không bao giờ quên được: trong tâm hồn bất kỳ một người Slovenia nào cũng in đậm hình ảnh của Preshern), tóc của mẹ nàng có màu gì, tên của những người làm cùng với nàng, bạn đọc thường mượn những cuốn sách nào ở thư viện của nàng hơn cả. Mới đầu Veronika hoàn toàn không muốn trả lời bởi vì thật sự là đầu óc vẫn còn mụ mị. Nhưng từ câu hỏi này đến câu hỏi khác, trí nhớ trở nên sáng rõ và các câu trả lời cũng mỗi lúc một thêm mạch lạc hơn. Có lúc nàng còn có ý nghĩ dường như rất tỉnh táo rằng, nếu nàng đang nằm trong bệnh viện tâm thần – mà có vẻ đúng như thế thật – thì những người điên tuyệt đối không nhất thiết phải suy nghĩ một cách mạch lạc. Tuy nhiên, để có lợi cho chính mình, để thuyết phục được họ tin rằng, họi dang tiếp xúc với một người không hề điên chút nào – và còn đang rất muốn moi được từ họ nhiều hơn về tình trạng của mình – cho nên Veronika đã cố trả lời hết sức tận tâm, gắng hết sức nhớ lại các sự kiện, thông tin, tên tuổi. Và quãng đời trước đây của nàng xuyên qua bức màn quên lãng hiện về, và cùng lúc nhân cách, cá tính, sở thích, khẩu vị, các đánh giá, thế giới quan của nàng, cách nhin nhận cuộc sống của nàng được phục hồi – và ý nghĩ về chuyện tự tử hoàn toàn mới đây thôi dường như đã mãi mãi bị chôn vùi dưới mấy lượt thuốc an thần giờ lại trỗi dậy. Thôi, hôm nay thế là đủ rồi – cuối cùng, người nhiều tuổi hơn nói. Tôi còn phải nằm ở đây bao lâu nữa? Còn người trẻ tuổi hơn nhìn lảng đi chỗ khác, và nàng cảm nhận được, đúng nghĩa là bằng da rằng, mọi chuyện vẫn lơ lửng treo đấy, dường như với câu trả lời cho câu hỏi này, toàn bộ cuộc đời sẽ lật sang một trang mới và sẽ được viết lại từ đầu, hoặc là chẳng có chuyện lật giở gì nữa. Cậu nói đi, đừng ngại- Người có tuổi nói - Ở đây đã lan truyền đủ mọi thứ chuyện đơm đặt rồi, thành thử ra chúng làm gì chẳng đến tai cô ấy. Trong cái bệnh viện này, chẳng giấu nổi chuyện gì đâu. Có thể nói như thế nào nhỉ? Chị đã tự quyết định số phận của mình – Người trẻ tuổi thở dài rồi nói, cẩn thận cân nhắc từng từ - bây giờ là lúc xác định xem việc chị đã làm sẽ để lại những hậu quả như thế nào. Một liều thuốc ngủ cực mạnh như thế dẫn tới trạng thái hôn mê, và tình trạng hôn mê kéo dài, hơn nữa lại còn ở mức độ sâu như thế sẽ có nguy cơ trực tiếp đến hoạt động của tim, thậm chí có thể khiến nó ngừng đập. Chị đã bị hoại tử…hoại tử dạ dày… Cậu đừng vòng vo nữa – Người có tuổi nói – Cứ nói thẳng ra. Tóm lại, tim chị đã bị tổn thương khá nặng, mà điều này có nghĩa là.. không lâu nữa nó sẽ ngừng đập. Con tim sẽ ngừng nghỉ. Và thế có nghĩa là gì? – nàng sợ hãi hỏi lại. Chỉ có một hậu quả duy nhất thôi. Đó là chết về mặt thể xác. Tôi không biết chị theo tôn giáo nào, nhưng…. Tôi còn sống được bao lâu nữa? – Veronika cắt ngang. Khoảng năm ngày, cùng lắm là một tuần. Sau toàn bộ cái lối vòng vo né tránh, sau toàn bộ cái vẻ đồng cả giả tạo theo nghề nghiệp của anh ta vẫn lòi ra cái sự vui thích không giấu nổi mà anh chàng này có được từ những câu từ của mình, như thể anh ta đang đọc một bản án, một sự trừng phạt làm gương và hoàn toàn đích đáng đáng để từ rày trở đi, kẻ khác trông đó mà chừa bỏ. Trong đời mình, Veronika đã không ít lần được chứng kiến nhiều người nói về những nỗi bất hạnh của người khác như thể hết lòng hết sức mong muốn giúp đỡ, trong khi đó thực ra lại âm ỉ một niềm vui sướng độc địa – bởi vì chẳng phải trước cảnh tượng đau khổ của những người khác họ mới cảm thấy mình là người phúc phận dày hơn, may mắn hơn sao. Veronika khinh bỉ những kẻ như thế, bởi vì vậy nàng lập tức không có ý định cho gã này một cơ hội thể hiện sự thương cảm và tự quyết thay cho nàng. Veronika nhìn chăm chăm vào mặt anh ta. Nhẹ cười. Tức là dù sao đi nữa tôi cũng vẫn đạt được mục đích của mình. Phải – vang lên câu đáp lại. Nhưng không hề còn thấy dấu tích gì từ cái vẻ cao ngạo, tự đắc với vai trò là người đem đến tin buồn nữa.