Dịch giả: Lê Xuân Quỳnh
Chương 15

Truyện này đã từng đề cập đến một trong rất nhiều huyền thoại về nguồn gốc con người được sáng tạo ra từ đất sét, hơn nữa việc này cũng đã ở trong tầm hiểu biết của bất cứ ai từng đọc những cuốn lịch-tôi-biết-cả và những bách khoa toàn thư gần-như-đủ-tuốt. Nói chung, các tín đồ tôn giáo khác nhau, không nhất thiết đều phải biết nguồn gốc con người qua việc đọc sách báo, mà còn tiếp nhận những thông tin đại loại như thế này thông qua hệ thống tổ chức của nhà thờ. Tuy nhiên, cũng có một trường hợp, chí ít thì cũng có một trường hợp, trong đó kể lại rằng đất sét phải được đưa vào lò nung thi tác phẩm cuối cùng mới được coi là hoàn thành. Hơn nữa việc này lại phải trải qua vài lần làm thử mới xong. Đấng sáng tạo độc đáo này, mà chúng tôi quên mất tên, thì có lẽ cũng đã không biết, hoặc đã chẳng có đủ niềm tin vào phép thần thông thổi một luồng hơi vào mũi sản phẩm lại có thể đem đến hiệu quả mong muốn như đấng sáng tạo khác đã làm trước đây hoặc sau này,như thời hiện nay Cipriano Algor đã làm, mặc dù chỉ với ý định hết sức khiêm nhường là thổi bụi tro trên mặt cô y tá mà thôi. Quay lại với trường hợp đấng sáng tạo thấy cần phải đưa con người vào lò nung mà ta đang nói đây, đã mấy lần làm thử đều thất bại chỉ vì không biết đầy đủ về tác dụng của nhiệt độ nung. Đầu tiên đấng sáng tạo này lấy đất sét nặn thành một hình người, đàn ông hay đàn bà thì chẳng quan trọng gì mấy, rồi đưa vào trong lò và đốt lửa cho đủ. Sau một khoảng thời gian mà ông cho là hợp lý, ông rút hình người ra khỏi lòl, và trời ơi, tâm hồn ông rụng ngay xuống đất. Hình người trở nên đen kịt, chẳng giống tí nào hình hài con người theo ý tưởng ban đầu của chính ông, tuy nhiên, có lẽ đây chỉ mới là khởi đầu công việc, ông đã không đủ can đảm phá bỏ sản phẩm mang đầy lỗi do thiếu kinh nghiệm của mình. Ông đã cho nó sự sống, mà người ta cho là bằng cách cốc một cái vào đầu nó, rồi thả ra cho nó tự sinh sống đâu đó. Ông lại nặn một hình người khác, cho nó vào lò, nhưng lần này ông chăm chú đến ngọn lửa hơn. Ông đã đạt được mục đích, đúng vậy, nhưng hơi non quá, bởi vì hình người trắng bong như vật thể trắng nhất trong những thứ trắng trên trần gian. Vẫn chưa đúng như điều ông mong muốn. Dù bị thất bại một lần nữa, nhưng ông vẫn không mất đi lòng kiên nhẫn, có lẽ ông đã rộng lòng nghĩ nên tha cho nó, Thật tội nghiệp, con đâu có lỗi gì,m nên cuối cùng ông vẫn cho nó sự sống và thả cho nó đi. Như vậy trên thế giới đã có một người da đen và một người da trắng, nhưng đấng sáng tạo vô duyên này vẫn chưa làm ra được con người mà mình mơ ước. Ông lại bắt tay vào công việc một lần nữa, một hình người mới lại được đưa vào lò, vấn đề là thời đó chưa có hoả kế để điều hoà công việc cho dễ dàng hơn, bí quyết là không được cho lò nung quá nóng, cũng không để thiếu lửa, không nhiều cũng chẳng ít, và, theo quy tắc là ở mức thứ ba, thì sẽ tốt. Thế mà cũng không xong. Đúng là hình người này không đen, cũng không trắng, nhưng, trời ơi, nó lại có màu vàng. Nếu là ai khác thì chắc đã bỏ cuộc rồi, đã vội vã gây ra một cuộc đại hồng thuỷ để tiêu diệt người da đen và người da trắng rồi vặn cổ người da vàng, điều mà ta có thể coi là kết luận hợp lý cho tư tưởng đang luẩn quẩn trong đầu ông dưới hình thức câu hỏi sau, Nếu bản thân ta còn không biết làm ra một con người đúng nghĩa thì sau này làm sao ta có thể bắt lỗi chúng được đây. Trong suốt mấy ngày liền, người thợ gốm ngẫu hứng này không còn có đủ can đảm bước vào xưởng gốm nữa, nhưng sau đó, như người ta thường nói, ý muốn sáng tạo lại sống dậy và sau mấy tiếng đồng hồ hình người thứ tư đã được nặn xong và sẵn sàng vào lò nung. Có lẽ trên đấng sáng tạo này còn một đấng khác cao hơn, vì vậy, có thể đấng sáng tạo thấp hơn đã khẩn cầu, đã cầu nguyện, đã xin đại loại như vậy đấng bề trên, Cầu xin ngài đừng để con làm hỏng một lần nữa. Cuối cùng thì với đôi bàn tay đầy ham muốn ông cũng đã đưa hình người mới vào lò, sau khi lựa chọn tỉ mỉ và cân đủ số củi mà ông cho là hợp lý nhất, bỏ những cành củi tươi và những cành quả khô, rút những thanh củi cháy không tốt và không đủ độ duyên dáng ra khỏi lò, cho những thanh củi tạo ra được ngọn lửa vui vẻ, tính toán gần đúng nhất có thể thời gian cần nung và cường độ của nhiệt lượng, và, nhắc lại lời nguyện cầu, Cầu xin ngài đừng để con làm hỏng một lần nữa, đưa một que lửa vào đống nhiên liệu. Chúng ta, con người hiện nay vốn đã trải qua biết bao nỗi khát khao mong ước, như muốn vượt qua một cuộc thi khắc nghiệt, tìm được một người yêu đúng lúc, có một đứa con đúng nguyện vọng, tìm được một công việc mà trước đó người ta đã từ chối ta, chúng ta hiểu có thể hình dung được nỗi khắc khoải mà đấng sáng tạo kia phải chịu đựng trong suốt thời gian chờ đợi kết quả của lần thứ tư, những giọt mồ hôi ma có lẽ vì ở gần lò nung nên không trở nên lạnh giá, những móng tay mòn vẹt, mỗi phút trôi qua đã mang theo mất mười năm sinh tồn của chính ông, lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc khai sáng thế giới vũ trụ, một đấng sáng ta,o đã tự biết được những nỗi đau đớn quằn quại sẽ chờ đợi chúng ta trong cuộc sống vĩnh hằng, vì tính vĩnh hằng chứ không vì cuộc sống. Nhưng đó là một việc cần thiết. Khi mở cửa lò nung và nhìn thấy sản phẩm ở bên trong, đấng sáng tạo của chúng ta đã quỳ mọp xuống sững sờ. Con người này không đen, không trắng cũng chẳng vàng mà đỏ, vâng, đúng là đỏ, đỏ như màu đỏ của buổi bình minh và buổi chiều tà, đỏ như dòng nham thạch của những ngọn núi lửa, đỏ như ngọn lửa làm cho nó có màu đỏ đó, đỏ như chính dòng máu đang chảy trong huyết quản, bởi vì hình người này đúng như điều mong ước, nên đấng sáng tạo không cần cốc vào đầu nó, mà chỉ cần nói với nó, Đến đây nào,là tự nó đi trên đôi chân của mình ra khỏi lò nung. Người không biết được những gì sẽ xảy ra trong những thời đại tiếp theo thì sẽ nói rằng nhờ tích luỹ được kinh nghiệm qua bao sai sót và khát vọng, hoặc nhờ được huấn luyện và giáo dục qua thực nghiệm, mà nhờ thế, lịch sử đã có một kết thúc có hậu. Cũng như mọi chuyện xảy ra ở trên thế giới này, và chắc chắn cũng như vậy ở các thế giới khác, lời đánh giá phụ thuộc vào quan điểm của người quan sát. Những con người mà đấng sáng tạo từ chối, những người mà, dù vẫn phải cảm ơn ông, thì cũng đã xuất phát từ ông mà đi, dù đó là những người với đôi bàn chân da đen, da trắng và da vàng thì đều sinh con đẻ cái, phát triển về số lượng rất nhanh theo cấp số nhân, chiếm giữ, có thể nói như vậy, gần như tất cả trái đất này trong khi những người da đỏ vốn được đấng sáng tạo tốn bao công sức, trải qua cả một biển lo lắng và đau khổ mới làm ra được, thì, hiện nay, chỉ là một bằng chứng rõ ràng rằng một thắng lợi có thể,qua dòng chảy của thời gian, biến thành bước đầu cho một thất bại. Lần thử nghiệm thứ tư và cuối cùng của đấng sáng tạo đầu tiên đưa hình người vào lò nung, tưởng như là một thắng lợi vĩnh viễn, thì cuối cùng lại là một thảm bại vĩnh viễn. Cipriano Algor, vốn là một người đọc cần mẫn của các cuốn lịch tôi-biết-cả và các quyển bách khoa toàn thư gần-như-đủ-tuốt, cũng đã từng đọc câu chuyện này từ hồi bé và cũng đã quên nó như bao chuyện khác trong đời, rồi các bạn sẽ biết vì sao. Đó là một huyền thoại của người thổ dân Châu Mỹ, nói chính xác hơn là của những người được gọi là da đỏ, mà thời xa xưa những người sáng tác ra chỉ muốn chứng tỏ tính siêu đẳng của nòi giống mình so với các giống người khác, thậm chí cả những giống người mà thời đó họ còn chưa biết có tồn tại trên đời hay không. Về điểm cuối cùng này, có thể có những lập luận khác bắt bẻ lại, thì cũng vô ích như luận điểm sau đây, vì họ không biết sự tồn tại của các giống người khác nên cũng không thể hình dung ra người da trắng, da đen hay da vàng hoặc óng ánh nhiều màu. Chỉ là lời nói dối không hơn không kém. Kẻ theo luận điểm như vậy chỉ chứng tỏ không biết gì về một dân tộc thạo làm gốm, và cũng thông thạo nghề săn bắn, đối với những người này,công việc nặng nhọc biến đất sét thành bình gốm hoặc thành hình hài một vị thần đã dạy cho họ biết rằng trong một chiếc lò nung có thể xảy ra đủ mọi chuyện, từ thảm hoạ đến vinh quang, từ hoàn mỹ đến nhỏ mọn, từ tuyệt đỉnh đến thô thiển. Biết bao nhiêu và bao nhiêu thế hệ, rồi biết bao nhiêu thế hệ nữa đã phải đưa ra khỏi lò nung những sản phẩm cong vặn, nứt nẻ, cháy thành than, non lửa hoặc chưa chín hẳn, tất cả đều trở thành đồ bỏ đi. Trên thực tế những gì xảy ra trong lò nung gốm và trong lò bánh mì chẳng có gì khác nhau lắm. Bột làm bánh mì chỉ là một loại đất sét khác, làm bằng bột mì, bột nở và nước, cũng giống như sản phẩm kia, khi ra khỏi lò cũng có thể là đủ chín, còn sống, hoặc cháy xém. Bên trong có lẽ là không có gì khác nhau. Cipriano Algor vui vẻ tự nhủ, nhưng, ở ngoài này, lúc ta bảo đảm làm hết mình để trở thành như người thợ bánh mì.
Ngày và đêm cứ thế tuần tự trôi qua, sáng và chiều cũng thế. Trong sách vở cũng như ngoài đời đều ghi nhận rằng công việc của con người bao giờ cũng kéo dài và vất vả hơn công việc của các vị thần thánh, cứ nhìn trường hợp đấng sáng tạo ra người da đỏ thì rõ, dù sao ông cũng chỉ làm có bốn hình người, và nhờ công việc ít ỏi này, dù không được quần chúng quan tâm gì nhiều, ông vẫn đi vào lịch sử của các cuốn lịch, trong khi đó Cipriano Algor, vốn chẳng hy vọng gì được ghi chép lại bằng con chữ in tiểu sử và lý lịch, đã phải đào sâu đất sét, dù đó mới chỉ là giai đoạn một đến gấp một trăm năm mươi lần, tức là, sáu trăm con búp bê gốc, với tính cách và hoàn cảnh xã hội rất khác nhau, trong đó, anh hề, anh hề xiếc, và cô y tá đều có hoạt động dễ nhận biết nhất, khác hẳn với ông quan người Trung Quốc, và người xứ Lưỡng hà có râu quai nón, dù có khá nhiều thông tin trong cuốn bách khoa toàn thư, nhưng cũng rất khó xác minh được trong đời thật của họ. Về người Eskimo thì người ta cho rằng họ vẫn còn tiếp tục công việc săn bắn và dánh cá. Đúng ra thì Cipriano Algor coi mọi thứ đó như nhau cả thôi. Khi các hình người bắt đầu ra khỏi khuôn, giống hệt nhau về kích cỡ, tương tự như nhau về màu sắc, chỉ khác nhau về kiểu trang phục, ông đã phải hết sức chú ý để nhận ra và không để lẫn lộn chúng với nhau. Quá chăm chú vào công việc, đôi lần ông quên mất rằng khuôn thạch cao chỉ có giới hạn sử dụng nhất định, khoảng bốn mươi lần mà thôi,từ sau giới hạn đó, các chi tiết bên ngoài của khuôn mẫu sẽ kém sắc nét dần đi, cứ như hình người mệt mỏi dần dần không muốn tồn tại nữa, cứ như chúng đang bị lột trần vất bỏ không chỉ cái lốt người mà còn như sắp trơ ra nguyên gốc đất sét trước khi được nắn vuốt theo một ý tưởng cụ thể. Để khỏi mất thời gian, ông bắt đầu xếp các hình người bị hỏng không dùng được nữa vào một góc, nhưng sau đó, có lẽ vì lòng trắc ẩn vừa thương hại vừa cảm thấy mình có lỗi, ông đã tìm lại chúng, mà phần nhiều đã bị méo mó vì rơi vãi và va đập, và cẩn thận sắp xếp lại chúng trên một chiếc giá trong xưởng gốm. Ông đã có thể nắn và vuốt lại để cho chúng cuộc đời thứ hai, cũng có thể đập bẹp chúng ra một cách không thương xót như đã đối xử với hình người đàn ông và đàn bà mà ông làm thử đầu tiên, biến chúng thành một cục đất sét thô, nứt nẻ ở kia, tuy nhiên ông lại gom tất cả những đứa con bị dị dạng lại, bảo vệ chúng, che chở chúng cứ như thích những sản phẩm khiếm khuyết trong tránh được hơn là những chính phẩm vậy. Ông không đưa chúng vào lò để khỏi tốn củi, nhưng sẽ để chúng ở đó cho đến khi đất sét rạn ra, khô hết nước, biến thành từng mảnh rơi xuống, và, nếu thời gian còn đủ, thì những hạt bụi của chúng có thể lại biến thành đất sét tái sinh một lần nữa. Marta có thể sẽ hỏi, Những vật phẩm hư kia còn ở đó làm gì nhỉ, ông có thể sẽ trả lời, Bố thích mấy thằng đó, ông sẽ không nói, Bố thích mấy con đó, nếu nói như vậy thì ông sẽ có thể vĩnh viễn đuổi chúng ra khỏi cái thế giới mà chúng đã được sinh ra, sẽ không còn thừa nhận chúng như tác phẩm của chính mình để chúng mãi mãi là những trẻ mồ côi. Tác phẩm của ông, tác phẩm tốn công tốn sức của ông, cũng là hàng chục con búp bê hoàn thiện hàng ngày được đưa ra để trên các chiếc bàn hong gió cho khô dưới bóng mat của cây dâu, nhưng những hình người này, vì nhiều và khó phân biệt được giữa chúng với nhau, nên không yêu cầu gì hơn là sự chú ý chăm sóc cần thiết để khỏi hư hỏng vào giờ chót. Không có cách nào khác hơn là phải buộc con Achado lại để nó khỏi trèo lên bàn gây ra một sự đổ vỡ chưa từng có trong lịch sử lộn xộn của nghề gốm, như mọi người đều biết, vốn đầy những cú cốc vào đầu và những sự kết hợp không mong đợi. Chúng ta hãy nhớ lại hồi mới có sáu con búp bê đầu tiên, những con mẫu, được đưa r abày ở đây để hong cho khô, và Achado đã muốn kiểm tra, bằng tiếp xúc trực tiếp, chuyện gì đã xảy ra lúc đó, tiếng thét và cý tát ngay tức thì của Cipriano Algor cũng đủ làm cho bản năng săn mồi của loài chó được những đồ vật đứng bất động một cách láo xược kích thích thêm, co ngay lại mà chưa kịp gâyra tác hại gì, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng lúc này không thể vô lý mà chờ đợi một con vật như con chó kia chịu đứng im trước sự khiêu khích của một bầy người nào là những anh hề xiếc và các ông quan Trung Quốc, nào là những anh hề và các cô y tá, nào là những người Eskimo và các cư dân vùng Lưỡng hà râu ria rậm rạp, tất cả bọn họ lại đang đội lốt người da đỏ một cách vụng về. Hình phạt tước quyền tự do kéo dài trong suốt một giờ liền. Xúc động trước biểu hiện buồn thảm, thậm chí hơi chút ẻo lả mà con Achado đang phải chịu hình phạt, Marta nói với bố là dù sao cũng nên vận dụng các biện pháp giáo dục, kể cả đối với loài chó, Vấn đề là làm cho nó thích nghi với các biện pháp này, cô tuyên bố, Thế làm bằng cách nào đây, Đầu tiên phải thả nó ra đã, Rồi sau đó sẽ làm gì, Nếu nó định trèo lên bàn, thì cột nó lại một lần nữa, Rồi sau đó thì sao, Lại thả nó ra và buộc nó lại bao nhiêu lần tuỳ theo nhu cầu cần phải làm, cho đến khi nó học được bài học này, Mới xem qua thì thấy biện pháp này có vẻ đem lại kết quả đấy, nhưng dù sao đi nữa thì con cũng chớ để bị nó lừa nếu con tuổi nrg nó đã hiểu được bài học, tất nhiên là khi con còn ở đây thì nó chẳng dám trèo lên bàn đâu, nhưng khi nó còn lại một mình, không bị ai canh chừng thì bố sợ rằng những biện pháp giáo dục của con chưa đủ mạnh để khống chế được bản năng mà đầu óc Achado tiếp thu được từ ông nộichó săn của nó đâu, Ông nội chó săn của Achado chắc chẳng thèm mất công đánh hơi những con búpbê này đâu, nó sẽ lảng ra xa và tiếp tục con đường tìm kiếm thứ gì đó ăn được, Thôi, bố chỉ yêu cầu con nghĩ về chuyện gì sẽ xảy ra nếu con chó trèo lên bàn, về khối lượng công việc mà chúng ta sẽ bị mất, Sẽ rất nhiều đấy, hay sẽ chỉ ít thôi, chúng ta sẽ xem xét sau,nhưng, nếu chuyện đó xảy ra,con sẽ làm lại những hình người bị bóp cổ, có lẽ đó cũng là cách để thuyết phục bố cho con được giúp đỡ bố đấy, Về cnđó ta không nói vào lúc này nữa, thôi con đi mà thực hiện cái kinh nghiệm sư phạm của mình nhé. Marta ra khỏi xưởng gốm và, không nói thêm một lời nào nữa, cô tháo xích buộc ở cổ con chó ra. Sau đó đi mấy bước về nhà, rồi như vô tình dừng lại. Con chó nhìn cô rồi nằm xuống. Marta đi thêm mấy bước nữa rồi dừng lại một lần nữa, và sau đó, kiên quyết đi vào trong bếp, để cửa mở. Con chó không động đậy. Marta đóng cửa lại. Con chó chờ một lát, sau đó đứng dậy và từ từ đi gần đến những chiếc bàn. Marta không mở cửa. Con chó nhìn về phía nhà, lưỡng lự, rồi lại nhìn, sau đó đặt hai chân lên mép bàn nơi để những búpbê cư dân vùng Lưỡng hà râu quai nón hong cho khô. Marta mở cửa đi ra. Con chó thu nhanh hai chân trước về và đứng ngay tại chỗ, chờ đợi. Chẳng có lý do gì để trốn chạy cả, không ai trách cứ được nó vì đã làm điều gì xấu. Marta túm lấy vòng xích ở cổ nó và, không nói một lời nào, một lần nữa buộc nó lại. Sau đó cô vào bếp và đóng cửa lại. ý định của cô là làm cho con chó suy nghĩ về chuyện vừa xảy ra, suy nghĩ, hoặc nhớ lại những việc nó thường làm trong hoàn cảnh như thế này. Hai phút sau, cô lại thả nó ra, thời gian vừa đủ để nó khỏi quên, mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quảf được gh ivào trong bộ nhớ của nó. Con chó mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đặt hai chân lên mép bàn, nhưng cuối cùng thì nó cũng đã quyết định, người ta có thể nói lần này không dứt khoát bằng lần trước. Ngay lập tức nó bị buộc lại. Từ lân thứ tư trở đi nó bắt đầu tỏ ra hiểu điều mà người chủ muốn nó phải làm, nhưng vẫn tiếp tục đưa hai chân lên mép bàn, như để tin chắc rằng mình không nên làm như vậy. Trong suốt quá trình buộc rồi thả ấy, Marta không muốn nói một lời nào, chỉ ra và vào bếp, đóng và mở cửa, tuỳ theo hành động của con chó, chu trình này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi một trong hai kẻ này thay đổi thái độ. Lần thứ tám, ngay sau khi Marta đóng cửa bếp, Achado lại tiến về phía những chiếcbàn, nhưng khi đến nơi, nó không nhấc hai chân trước lên giả vờ muốn đụng đến những người cư dân vùng Lưỡng hà râu quai nón nữa, mà nhìn về phía nhà, đứng im, chờ đợi, như muốn thách thức cô chủ xem có dám tiếp tục cuộc đấu nữa không, như muốn hỏi cô chủ, Bây giờ bà sẽ đáp lại nước cờ thiên tài của tôi ra sao nào, bà chấp nhận tôi thắng hay để tôi đánh bại bà đây. Marta hài lòng nói thì thầm với bản thân, Ta đã thắng rồi, ta vốn tin là mình sẽ thắng mà. Cô đi đến chỗ con chó, vuốt ve đầu nó, nhã nhặn nói, Achado đẹp lắm, Achado dễ thương lắm, người cha ló đầu ra khỏi cửa xưởng gốm để chứng kiến cái kết thúc có hậu đó, Tốt lắm, chỉ còn chờ xem đó có phải là kết quả cuối cùng hay không, Con sẵn sàng cho tay vào lửa để cược rằng nó sẽ không bao giờ trèo lên bàn đâu, Marta nói. Có rất ít từ ngữ của con người mà loài chó có thể đưa vào số vốn từ ngữ riêng của chún giải quyết gầm gừ và sủa, và vì không hiểu được những câu nói trên nên con chó Achado không phản đối lại sự hài lòng vô trách nhiệm của những người chủ kia, bởi vì bất cứ ai hiểu biết về vấn đề này và có thể đánh giá một cách khách quan những gì vừa xảy ra cũng có thể nói ngay rằng người thắng trong cuộc đấu vừa qua không phải là Marta, cô chủ, dù cô rất tin như vậy, mà là con chó, mặc dù chúng ta cũng cần công nhận rằng cũng sẽ có những người nói ngược lại vì họ chỉ quen nhận xét vẻ bề ngoài. Mỗi người đánh giá thắng lợi theo cách suy đoán của mình, thậm chí các cư dân vùng Lưỡng hà râu quai nón và các đồng nghiệp của họ, lúc này đã tự thấy hạnh phúc vì1 thoát khỏi nguy cơ bị xâm lược. Về phần Achado, chúng ta không nỡ để nó mang tiếng là kẻ thất bại. Chứng cứ thuyết phục về thắng lợi của nó chính là việc từ hôm đó nó đã trở thành kẻ bảo vệ cẩn mật nhất cho những hình người bằng gốm. Phải được nghe tiếng sủa gấp gáp của nó gọi chủ khi cơn gió mạnh bất thường làm đổ nửa tá các cô y tá mới thấy được nhiệt tình làm việc của nó.