Chương Mười Năm

417/2A Lê Văn Duyệt, Sài gòn là địa chỉ mới của tôi. Tôi đậu trên gác xép mái tôn lầu 2. Đây là nhà Dương Hải Trân. Thân phụ của nó, ông Dương Huy Môn, công chức. Bấy giờ, Trúc Sĩ Nguyễn Đình Thái đã rời khám Chí Hòa về đây tá túc. Trúc Sĩ, bạn thân của ông Dương Huy Môn. Tác giả Kẽm trống, vượt tuyến bằng đường Lào vào Nam. Ông ta đi diễn thuyết khắp nơi, viết bút ký Tôi vượt tuyến đăng trên nhật báo Cách mạng quốc gia. Rồi ông ta bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt về tội ông ta gây ra thời chế độ Bảo Đại. Nhờ bác sĩ Trần Kim Tuyến can thiệp, Trúc Sĩ không bị đưa ra tòa và được tha sau mấy tháng ăn cơm tù. Nằm ấp Chí Hòa, Trúc Sĩ thù hận Triều Đẩu vô cùng. Khi tôi tới 417/2A Lê Văn Duyệt, Trúc Sĩ đang chuẩn bị in tập thơ Sao rơi. Ông ta cũng đang viết trường thiên tiểu thuyết, Thét hận, mô tả cuộc kháng chiến của Trần Trung Lập, và cách mạng 19 tháng 8. Trúc Sĩ viết văn trên máy chữ, múa ngón tay rào rao. Tôi phục sát đất.
Vào thời kỳ này, văn nghệ Sài gòn ồn ào lắm. Văn Quang đang dẫn đầu về số độc giả ái mộ. Mai Thảo xuất bản thêm Tháng giêng cỏ non, Bầy thỏ ngày sinh nhật. Thanh Tâm Tuyền có thêm Dọc đường, Liên, Mặt trời tìm thấy. Doãn Quốc Sĩ thì Gìn vàng giữ ngọc, Dòng sông định mệnh, Trái cây đau khổ, Đoàn người hóa khỉ … Nguyễn Sĩ Tế thì Chờ sáng. Nguyễn Mạnh Côn thì Kỳ Hoa Tử, Truyện ba người lính nhẩy dù lâm nạn. Những khuôn mặt văn nghệ mới gây sôi nổi thị trường chữ nghĩa có Dương Nghiễm Mậu, Duy Lam, Viên Linh, Trần Thị Nhã Ca, Tuấn Huy, Lan Đình, Phạm Lê Phan, Tô Thùy Yên … “Đệ tử” Ninh Chữ của tôi cũng đã xuất bản một tập thơ. Thế Phong hung hăng phê bình văn nghệ. Lê Hà Vĩnh khai tử bút hiệu Hoài Nam, thi sĩ mà Hồ Đình Phương khen nức nở trên Văn nghệ tiền phong, khai sinh bút hiệu Trần Dạ Từ. Đặng Trí Hoàn thì khai tử bút hiệu Hoài Hương, khai sinh bút hiệu Hà Huyền Chị và đã thành thiếu úy nhẩy dù, mặc “com bi ne dông” đi bát Bonard với em gái Trưng Vương vung vít. Nó đã quên em Long phốp pháp. Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, thi sĩ miền Nam, được Nhất Linh khích lệ, sáng tác mạnh mẽ. Nguyễn Đình Toàn đã trình làng Chị em Hải. Vân vân. Văn nghệ di cư vẫn thao túng thị trường. Hai kiện tướng miền Nam, Bình Nguyên Lọc tung ra Đò dọc và Sơn Nam, Hương rừng Cà mau. Đã vắng Phú Đức đưa Quách si ma vào trận chiến. Trong lịch sử làm báo thế giới, duy nhất một nhà văn Phú Đức quyến rũ độc giả ròng rã mấy năm bằng Quách si ma, nhân vật kỳ bí của triền miên phơi ơ tông Châu về Hiệp phố. Nhật báo của ông là … Châu về hiệp phố. Độc giả tranh nhau mua báo của ông chỉ để theo bước chân đi của Quách si ma! Sức quyến rũ của ngòi bút Phú Đức thật đáng nể.
Ở với Trúc Sĩ có cái thú là được ông ta mời đi ăn phở, uống cà phê mỗi sáng và có cái khổ là bị nghe ông ta bình văn của ông ta. Trúc Sĩ dễ khóc, dễ cười, dễ nổi giận. Viết đến chỗ nào tả cảnh nhớ nhung là ông ta khóc rưng rức, khóc ngầu đỏ mắt, vì ông ta nhớ vợ cả, vợ bé, con cái ngoài Hà Nội. Trúc Sĩ có hai bài thơ không thấy in trong Sao rơi. Bài thứ nhất diễn tả cảnh đêm rời Hà nội với Ngọc Giao đến bờ sông vắng, Ngọc Giao quỳ lạy Trúc Sĩ tha lỗi, bởi Ngọc Giao phải trở lui, không đủ can đảm bỏ vợ con ra đi tìm tự do. Bài thứ hai ca ngợi sĩ khí của Nguyễn Gia Trí, tôi nhớ hai câu:
Anh Gia Trí, anh có quyền tự phụ
Bút nhà văn phải bọc lấy vàng son
Trúc Sĩ bị điếc nên ham nói lớn và không nghe rõ ai nói nhỏ phê bình mình. Bị nghe ông ta bình văn chán chê, tôi bắt ông ta nghe tôi bình thơ của tôi. Chả là, dạo nằm ở Mỹ Lương, nhớ các bà mẹ Trảng Lớn, tôi viết bài thơ:
BÀ MẸ TÂY NINH
Tôi về làng Trảng Lớn
thăm bà mẹ gặp ở Sài gòn
Dạo ấy hàng dừa bên bờ ao trái hãy còn non
và vú sữa chưa ngọt mùi vú sữa
Đến chẳng hẹn hò
Mẹ mừng vui hớn hở
Mi rưng rưng chơm chớp dạ xôn xang
Thoáng ngập ngừng nhìn mái lá tàn hoang
Chân dừng lại
mắt già gặp mắt trẻ
Quê miền Đông sao mà nghèo nàn thế
Rừng nối rừng đất liền đất xác xơ
Đám mạ xanh không biết có bao giờ
Bông lúa mẩy của Cà Mau, Đồng Tháp
Đường gập ghềnh
con ngựa gầy mệt nhọc
kéo lê xe thổ mộ vài người
Ở đây ít nói ít cười
Buồn như nắng hoàng hôn
chầm chậm nhỏ
xuống núi Bà
mờ mịt phía trời xa
Giàn mồng tới gió lay sụp đổ
Tiếng ru nức nở
Nhịp võng sầu tênh
Ù ơ …
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi”
Nghìn xưa trăm trứng phân ly
Nghìn sau Rồng với Tiên chia hai bờ
Ù ơ …
Mẹ muôn thuở đẹp thơ
Sừng sững Bà Đen
huy hoàng Thánh Địa
Biển có khi nào lên nguồn không nhỉ
Mà máu đào xuôi ngược lại về tim
Máu về tim
máu đoàn viên
Anh em hận thù
anh em phiêu bạt
Mẹ xòe đôi tay tưởng chừng mất mát
Vẫn còn nguyên năm ngón
Mẹ ơi
Đan a hai quyền lực đối kháng.
Tôi đã qua sông An Hậu, được nghe huyền thoại Đức Thầy sang sông sóng cả trên chiếc nón! Đứa nào lý luận, đứa ấy chết. Từ bến đò An Hậu, tôi đáp xe lôi đạp vô chợ Mỹ Lương. Trường trung học bán công Hòa Hảo gần chợ, cạnh con đường sang Tân Châu. Xe cộ vô chợ Mỹ Lương phải qua tư dinh Đức Ông. Tư dinh nhìn ra sông An Hậu. Sát bờ sông có cái đồn canh. Người ta kể rằng, khi đồn Bảo An của chính phủ Ngô Đình Diệm chưa đóng tại vựa lúa của Đức Ông và khi lá cờ vàng ba sọc đỏ chưa ngạo nghễ tung bay giữa thánh địa Hòa Hảo, mọi thứ xe ngang qua tư dinh Đức Ông Huỳnh Công Bộ đều phải “hạ mã”, khách bộ hành, bất kể xa gần, phải dở nón mũ, khom lưng bước qua cổng tư dinh. Kẻ nào quên dở nón, quên khom lưng, ông Tám, hỗn danh Tám bù loong, cầm cái đinh bù loong, rời đồn canh, nhắm gáy đứa “khi thượng” mà đập mạnh. Nó sẽ gục ngã. Nếu nó chết, ông Tám bù loong đẩy nó xuống sông. Nếu nó còn sống, ông Tám bù loong sẽ nhắc nhở nó phải dở mũ, khom lưng khi ngang qua tư dinh Đức Ông.
Tôi đến thánh địa, ông Tám bù loong đã về vị thế công dân Việt Nam của nước Việt Nam. Đồn canh trống tung. Nhưng xe lôi đạp qua tư dinh, người phu xe vẫn “hạ mã”, dở nón, dắt xe. Chỉ có hành khách thoát nạn nhẩy xuống xe, khom lưng, cắm mặt bước. Tôi tới trường quá sớm, học trò nhà quê còn tụ tập đầy sân. Chưa chào cờ. Thấy dán ở cổng trường nhiều bích chương, nội dung như sau:
TRUNG HỌC BÁN CÔNG HÒA HẢO
Niên khóa 1959-1960
Tăng cường giáo sư Sài gòn
Đoàn Trọng Thu, cử nhân Anh văn
Lê Đình Bảo, cử nhân Toán học
và các giáo sư Nguyễn Trung Trực, Kinh Dương
KHAI GIẢNG 1-9-1959
Tôi ngỡ ngàng. Mẹ ơi, tôi thủ vai Đoàn Trọng Thu, cử nhân Anh văn! “Sư phụ” họ Đoàn của tôi học hồi nào mà cử nhân lẹ vậy? Cử nhân Duy Dân chăng? Cuộc đời đi học của tôi, tiếng rằng đã học hết cuốn Anglais vivant beige, classe de troisième của Fialip Carpentier mà thực ra tôi chưa học hết cuốn Anglais vivant bleu, classe de sixième. Mới đến bài số 40. Nay thủ vai cử nhân Anh văn, coi bộ quá lố. Nếu mang tiếng bịp bợm, đàn anh Duy Dân gánh chịu đấy nhé! Tôi vào văn phòng giám thị. Ông giám thị hỏi tôi khi tôi chào ông:
- Trò ghi tên học lớp mấy?
Học trò Hòa Hảo, lớp đệ thất, nhiều đứa bằng tuổi tôi, to con hơn tôi nên ông giám thị nhầm lẫn.
- Thưa ông, tôi là Đoàn Trọng Thu.
Ông giám thị bắt tay:
- Xin lỗi giáo sư, mời giáo sư ngồi …
Tôi vừa ngồi xuống ghế thì thằng thầy đờn Phạm Vĩnh phưỡn ngực xuất hiện. Tôi nhìn nó. Nó nhìn tôi.
- Xuống hôm nào thế Bảo? Tôi hỏi.
- Hai hôm rồi, Thu ạ! Nó đáp.
- Hồi bỏ dạy Toán ở Mỹ Tho, cậu đi đâu?
- Mình về bắt nốt cái “mat dzê nê”. Còn cậu?
- Tôi vồ cái cử nhân Anh văn giáo khoa!
Phạm Vĩnh thủ vai Lê Đình Bảo, cử nhân Toán học. Trống trường ngày khai giảng rộn rã. Học trò xếp hàng ở sân chuẩn bị làm lễ chào cờ. Tôi chứng kiến cảnh học trò Hòa Hảo chào cờ không hát quốc ca. Chào cờ dứt, ông giám thị hô lớn: “Hướng về Đức Ông!”. Học trò xoay về phía tư dinh Đức Ông, cúi rạp hàng mấy phút. Sau đó, học trò vô lớp. Giám thị dắt hai vị giáo sư cử nhân vào các lớp giới thiệu. Học trò vỗ tay hoan hô thầy. Hề hết chỗ nói. Ngày khai giảng, chúng tôi không có giờ dạy.

o O o

Tôi đỗ bằng Sơ học bổ túc năm 1947 ở Trình Phố, Kiến Xương phủ, Thái Bình tỉnh, bằng do ông Tăng Xuân An ký đàng hoàng. Tôi lên trung học từ niên khóa 1947-1948, học dưới giáo sư cử nhân Đinh Tiến Lãng, Nguyễn Đăng Đại có một lớp. Nếu tôi học hành chăm chỉ thì tôi đã có cao học, thèm chi cử nhân. Ông Tả Ao chơi xỏ tổ tiên tôi, hóa cho nên tôi giang hồ lêu lổng và bị đóng vai cử nhân rởm. Giáo sư Đoàn Trọng Thu cũng cử nhân rởm, kể luôn giáo sư Lê Đình Bảo. Nhà trường thu xếp cho chúng tôi một căn phòng trên lầu của căn nhà gạch lớn. Căn nhà, dưới là văn phòng của bệnh xá, trước kia là “quân y viện” Hòa Hảo, trên là bàn thờ Đức Thầy, do ông quận trưởng Hòa Hảo hồi hưu lo việc thờ phụng. Sau căn nhà là sân rộng và hai dẫy nhà mái ngói thấp dành cho bệnh nhân, trước kia là thương binh Hòa Hảo. Sau hết là hồ nuôi cá tra lớn của Đức Ông, có mấy cái cầu tiêu công cộng. Vì Đức Thầy dạy: “Ta không nên ăn thịt những con vật giúp ích cho ta” nên chuồng bồ câu của Đức Ông không còn chỗ chứa chim và tín đồ Hòa Hảo không ăn thịt trâu, thịt bò, thịt chó, thịt mèo, thịt dê … Gà mái đẻ trứng, gà trống gáy báo thức nông dân có ích thì hạ sát nó mà ăn, Đức Thầy không cấm. Bồ câu vô tích sự, đã không biết gáy lại còn phá hại mái nhà thì không được phép ăn. Còn cá tra ăn phân người, giải quyết vệ sinh công cộng rất hữu ích, đỡ cảnh đồ thùng, cảnh nghẹt cầu, lại vớt lên đem bán để bị nấu canh chua, kho tộ. Nhưng đó thuộc về giáo điều, chống đối sẽ phiền phức.
Ngoài chốn ở, nhà trường con lo giúp chúng tôi nơi ăn. Đây là quán hủ tiếu, cà phê de luxe của “thủ đô” Hòa Hảo. Ông bà chủ quán có cô con gái học lớp đệ ngũ. Tên cô là Diệu. Ông bà nể lắm mới nấu cơm tháng cho “giáo sư”, giá đắt, vì ăn sang. Ông bà từng sinh sống tại Nam Vang, phải sang chứ. Ổn định nơi ăn, chốn ở xong, Phạm Vĩnh và tôi bèn mở cuộc đàm thoại:
- Cơn lốc nào cuốn cậu tới đây, thầy đờn vi ô lông?
- Cơn lốc túng tiền. Còn cậu?
- Lốc đọi. Cậu có Duy Dân không?
- Thằng anh vợ tương lai của tớ Duy Dân nặng. Nó giới thiệu tớ.
- Cậu biết trước cậu là cử nhân Lê Đình Bảo?
- Xuống đây mới biết mình có cử nhân.
- Như tớ thôi. Chương trình dài hạn của cậu ra sao?
- Toán, lý, hóa lớp đệ tứ giống lớp đệ nhị. Tớ vừa dạy vừa ôn vừa học lại chương trình đệ nhị để thi tú tài. Vừa có tiền vung vít vừa phải học, nhất cử lưỡng tiện.
- Tớ thì mong dứt khoát sixième bleu để sang cinquième bleu.
- Đừng quên tớ là Bảo, cậu là Thu nhé!
- Yên chí. Vì cách mạng Duy Dân và vì niêu cơm của chúng ta.
- Trái đất nó xoay lạ nhỉ?
- Lạ lắm. Thầy đờn Mỹ Tho tái ngộ tại Hòa Hảo.
- Trang đời ta có thêm những trang bịp!
- Tớ nghĩ vô số giáo sư cử nhân, tiến sĩ trên cái cõi đời này bịp hết. Tại sao xó xỉnh này cũng cần đến cử nhân nhỉ?
- Để các đàn anh Duy Dân bịp Hòa Hảo rằng, chúng tôi vì Hòa Hảo mà về đây, chứ cử nhân Anh văn, cử nhân Toán học sống huy hoàng ở Sài gòn. Cách mạng chúng tôi trong nghĩa, khinh tiền.
Rồi chúng tôi hành nghề. Tôi cần kể sơ sơ về thành phần “người ngợm” của trường trung học bán công Hòa Hảo.
Hiệu trưởng: ông Dật Sĩ, nguyên Tổng trưởng giáo dục nước Hòa Hảo trước 1954, người ký tên trên văn bằng Sơ học bổ túc thi riêng tại Hòa Hảo, chuyên dạy giáo lý Phật giáo Hòa Hảo và giảng thơ, sấm của Đức Thầy.
Giám thị kiêm thư ký: ông Ngải già, có vựa nước mắm, dạy Hán văn đệ tứ.
Nguyễn văn Hầu°: danh sĩ Hòa Hảo, viết sách, viết báo, dạy Việt văn thất, lục, ngũ.
Nguyễn Hữu Thêm: giáo sư vạn vật, sử địa, công dân, người miền Bắc bám chốt Hòa Hảo đã lâu, không biết do đảng nào cử xuống.
Nguyễn Văn Lân: Duy Dân, giáo sư trung học Kinh Dương, Chợ Mới; Thoại Ngọc Hầu, thị xã Long Xuyên, dạy Việt văn, Pháp văn, Anh văn đệ tứ.
Lê Đình Bảo: Cử nhân toán học, dạy toán lý hóa bốn lớp thất, lục, ngũ, tứ.
Đoàn Trọng Thu: Cử nhân Anh văn, dạy Anh văn thất, lục, ngũ.
Tôi dạy 6 giờ mỗi lớp. Chương trình mới chỉ dạy một sinh ngữ. Hòa Hảo chọn Anh ngữ. Ba lớp, tôi có 18 giờ 1 tuần, nhân với 4 thành 72 giờ, mỗi giờ 40 đồng. Lương tôi 2880 đồng. Tôi coi 4 giờ Việt văn bên Nguyễn Trung Trực và mấy giờ dạy nhạc phòng hờ bên Kinh Dương là “cúng dường” đảng. Lớp đệ thất thì ngon ơ rồi. Lớp đệ lục hơi căng. Buổi học đầu tiên, tôi hỏi học trò xem chúng nó đã học đến bài số mấy cuốn Anglais vivant bleu, classe de sixième.
- Thưa thầy năm ngoái học tầm phào, giáo sư Hướng nghỉ hoài rồi nghỉ luôn, chúng em mới học đến bài số 10.
- Ta bắt đầu từ bài số 11 nhé?
- Xin thầy dạy lại từ bài số 1 ạ! Văn phạm chúng em mù tịt.
- Được.
Tôi mừng húm. Qua lớp đệ ngũ, tôi hỏi:
- Các em học hết cuốn lớp sáu chưa?
- Thưa thầy chưa ạ!
- Đến bài số mấy rồi?
- Số 20 ạ!
- Chậm vậy?
- Năm ngoái cả nửa niên học thay môn Anh văn bằng giáo lý.
- Thế thì chưa biết passive voice là gì đâu nhỉ?
- Dạ.
Tôi nhớ thầy Đinh Văn Triển, Mr Passive Voice của tôi. Và tôi phì cười.
- Các em muốn ôn lại từ đầu không?
- Dạ muốn.
Cả ba lớp cùng Anglais vivant bleu, classe de sixi è me, giáo sư cử nhân Anh văn Đoàn Trọng Thu có thể dạy hết niên học mà không cần soạn bài, không cần các cuốn dịch nguyên con, làm ráo bài tập của Dziên Hồng để “nghiên cứu”. Tôi có vẻ nhàn hơn giáo sư cử nhân Toán học Lê Đình Bảo. Tuy nhiên, tôi âm thầm sợ hãi. Và tôi thường khấn vái trước bàn thờ Đức Thầy xin ngài đánh lạc hướng bất cứ thằng nhà báo Mỹ, thằng giang hồ Mỹ nào muốn vào thánh địa Hòa Hảo. Chúng nó vô đây, người ta lôi cổ tôi ra làm thông ngôn thì tôi chỉ có nước độn thổ! Cũng may, thời kỳ này, vấn đề Hòa Hảo chưa hấp dẫn báo chí Mỹ. Tôi dạy học lè phè. Tuần lễ sang Tây An hai lần. Giờ dạy đầu tiên của lớp đệ thất trường trung học tư Nguyễn Trung Trực, vì chưa ghi thời khóa biểu, tôi hỏi học trò:
- Hôm nay học gì?
- Thưa thầy Tác dăng ạ!
- Tác dzăng?
- Dạ. Tác dăng.
- Thiệt hả?
- Dạ, thiệt ạ!
Tôi bèn thao thao kể chuyện Tarzan và con khỉ Chita. Học trò nhà quê của tôi chăm chú nghe và lấy làm khoan khoái vô cùng. Xong một phim Tarzan, tôi hỏi:
- Bây giờ học gì?
- Tác dăng ạ!
- Lại Tác dzăng?
- Dạ.
- Lên bảng viết xem nào!
Thằng học trò lên viết Tác văn to tướng trên bảng. Bỏ mẹ. Tác văn là Luận văn là Tập làm văn. Tôi tưởng Tác văn là Tác dzăng! Nhưng rồi, trước mỗi giờ Tác văn, học trò của tôi đều yêu cầu kể chuyện Tác dzăng. Dạy học ở nhà quê có nhiều cái lạ. Chỉ tội buồn. Ba mươi và mồng một, mười tư và mười rằm mỗi tháng, phải ăn chay. Chợ búa không bán thịt cá. Hàng quán chỉ có cà phê đen, dầu cháo quẩy. Đài phát thanh Hòa Hảo phát thanh các bài giảng của Đức Thầy và đọc thơ Đức Thầy trên cái chòi cao những ngày ăn chay, nghe ảo não và sầu thảm. Đài chạy máy phát điện riêng. Tôi không quen ăn chay nên một tháng có bốn ngày đói. Tháng đầu, trả tiền điểm tâm và cơm tháng mất 1500 đồng. Thấy buốt ruột, Phạm Vĩnh bàn với tôi ăn cơm chung với Nguyễn Hữu Thêm, nhờ dì Tư nấu. Chúng tôi chỉ tốn mỗi đứa mỗi tháng 600 đồng và bốn ngày chay được ăn thịt gà. Nhà trường khó chịu vụ giết gà ngày ăn chay. Chúng tôi giải thích ăn chay chúng tôi không đủ sức “bán cháo phổi”. Nhà trường bỏ qua vì học trò khoái chúng tôi.
Giữa tháng 10-1959, chúng tôi phải vào yết kiến Đức Ông và Đức Bà.

o O o

Người ta kể cho tôi nghe nhiều chuyện về ông Huỳnh Phú Sổ. Dĩ nhiên, rặt những chuyện không tốt và, chắc chắn, do những người không ưa ông bịa đặt. Vậy tôi chẳng nên ghi ra. Huyền thoại bao vây quanh ông Huỳnh Phú Sổ đông đầy. Tôi cho rằng, chính những huyền thoại này đã làm nhạt nhòa tâm hồn yêu nước của người thanh niên làng Mỹ Lương, quận Tân Châu tên là Huỳnh Phú Sổ. Khởi sự, người thanh niên này là một chiến sĩ giải phóng dân tộc. Ông có tài ăn nói và sức quyến rũ quần chúng. Người ta ngưỡng mộ ông vì ông can đảm chống thực dân Pháp. Ông Huỳnh Phú Sổ học rất ít. Ông không đủ khả năng viết một chủ nghĩa, một học thuyết. Do đó, Hòa Hảo không phải là một học thuyết. Nó phải dùng Phật giáo làm bình phong án ngữ: Phật giáo Hòa Hảo. Phật giáo Hòa Hảo, tự cái danh xưng đã tách ra hai phần. Kinh của nhà Phật và những bài giảng và thơ của ông Huỳnh Phú Sổ. Tôi không hiểu nguyên do nào nhà ái quốc Huỳnh Phú Sổ biến thành giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, biến thành Đức Thầy. Những bài giảng của ông, những bài thơ của ông chưa thể gọi là văn chương châu ngọc, nó bình thường thôi, song nó chứa đựng đạo nghĩa làm người. Vậy mà những kẻ lợi dụng ông đã đem lời phách lối của Lã Bất Vi mà bảo ông ví thơ văn mình như Lã thị xuân thu, ai sửa nỗi một chữ tặng một lạng vàng. Lại còn diễn giảng thơ văn của ông như sấm ký và thêu dệt huyền thoại huyễn hoặc quần chúng ngu dốt coi ông như đấng cứu thế, quyền phép vạn năng, trong khi, ông chỉ là người bình thường nhưng hành động phi thường. Không muốn dân tộc bị nô lệ, ông Huỳnh Phú Sổ đánh thức tinh thần quật khởi của quần chúng vùng lên giải phóng độc lập. Chiến sĩ Huỳnh Phú Sổ là một hình ảnh đẹp của cả dân tộc. Đức Thầy chỉ là hình ảnh linh thiêng của vài trăm ngàn tín đồ.
Sự vô duyên đối với lịch sử của ông Huỳnh Phú Sổ là đa số quần chúng chỉ đánh giá Hòa Hảo và tín đồ Hòa Hảo qua các ông tướng Năm Lửa, Hai Hoán, Ba Cụt, Giác Ngộ mà hành động của họ không hay ho gì. Thật ra, tín đồ Hòa Hảo là những dân quê đạo đức, hiền lành, cần cù. Họ cũng từng là nạn nhân của quân binh và tướng lãnh thảo khấu. Tôi rất kính trọng và yêu mến tín đồ Hòa Hảo miền quê. Họ ngưỡng mộ ông Huỳnh Phú Sổ hồn nhiên và chân thành, răm rắp thực hiện lời Đức Thầy của họ dạy, không hề biết mưu đồ chính trị. Có một tín đồ nhất định không tin Đức Thầy của họ bị Việt Minh sát hại. Ông này nuôi con heo từ năm 1946 với mơ ước khi Đức Thầy hồi hương sẽ giết heo khao mừng. Con heo già nua, mùa lòa, rớt xuống hố chết thảm. Da nó dầy đến gần 1 phân, Đức Thầy vẫn hạc nội mây ngàn.
Dẫu sao, không ai có thể phủ nhận tài năng và lòng yêu nước của ông Huỳnh Phú Sổ, nếu yêu nước không thuộc độc quyền của phe đảng nào, giáo phái nào. Mấy trăm ngàn tín đồ Hòa Hảo đã chứng minh tài năng và đạo đức của ông Huỳnh Phú Sổ. Tài năng và đạo đức ấy không bao giờ làm nên bằng huyền thoại rẻ tiền “Đức Thầy qua sông sóng cả trên chiếc nón. Đức Thầy uống cả tô át xít không chết”…, hay bằng cách cấm người “ngoại đạo” không được gọi Đức Thầy là ông Huỳnh Phú Sổ!
Từ khi ông Huỳnh Phú Sổ bị giết, Hòa Hảo tan nát, bốn ông tướng chia rẽ, ông theo Tây, ông chống Tây. Rốt cuộc, vì chia rẽ, quân binh của Hòa Hảo bị quân đội chính phủ quét sạch. Ông Huỳnh Công Bộ, thân phụ của ông Huỳnh Phú Sổ được phong làm Đức Ông để dùng uy tín của Đức Thầy trừng phạt bốn ông tướng Hòa Hảo. Người ta kể rằng, bốn ông tướng chọc trời khuấy nước đã về làng Mỹ Lương, quỳ mọp giữa sân tư dinh Đức Ông và nằm sấp chịu ba toong của Đức Ông vụt. Đức Ông quyền thế vô cùng. Ông ta, thỉnh thoảng, vi hành phố chợ. Tín đồ quỳ mọp lễ vái. Hễ thấy radio hát tân nhạc, Đức Ông đập nát radio. Hễ thấy thanh niên chơi đàn tân nhạc, Đức Ông đập nát đàn. Đức Ông có xe hơi Peugeot 403, thường đi Sài gòn, Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ qua ngả bắc Cái Dầu. Đức Ông đã hết quan liêu, phong kiến từ ngày đồn Bảo An đóng trên vựa lúa của ông ta.
Chúng tôi “yết kiến” Đức Ông. Đức Ông ngồi bắc chân bằng tròn trên mép bộ ngựa ván gỗ láng coóng, hút thuốc rê, khạc nhổ vung vít. Đây là một ông già miền Nam hiền lành như mọi ông già khác. Ông ta mặc bộ bà ba trắng xuềnh xoàng. Đức Bà đứng cạnh, giản dị và khả kính. Thế mà bọn cận thần ngu xuẩn đã “đạo diễn” ông già chất phát thành một Đức Ông độc tài, phong kiến. Ông già không nói năng gì cả, thản nhiên hút thuốc và thản nhiên khạc nhổ. Chúng tôi được mời uống trà, ăn bánh men kiến đục rỗng và ăn luôn kiến. Ngồi như phỗng đá gần nửa tiếng đồng hồ, cận thần mới dục:
- Thỉnh Đức Ông ban huấn thị cho hai giáo sư mới.
Ông già thổi tung cái đuôi điếu thuốc rê, chậm rãi:
- Các thầy gẫm suy đạo lý Hòa Hảo nghe!
Chúng tôi đồng thanh:
- Dạ.
Ông già vẫy tay:
- Thôi, dzìa …
Chúng tôi đứng dậy, cúi đầu chào từ biệt Đức Ông, Đức Bà.

o O o

Tháng 10-1959, tôi mắc hai khuyết điểm. Thứ nhất, quấn xà rông sang văn phòng giám thị lãnh lương. Thứ nhì, can thiệp vào việc làm của giám thị. Nhà trường báo cáo đàn anh Duy Dân. Đàn anh phê bình tôi. Khuyết điểm thứ hai tôi cãi đàn anh. Như vầy:
Giờ dạy của tôi ở lớp thất, trò Cam, con ông hiệu trưởng khai mất cuốn Anglais vivant. Nó bảo, trước lúc chào cờ, cuốn sách còn. Chào cờ xong vô lớp, cuốn sách bị ăn cắp. Nó xin phép tôi lên văn phòng giám thị. Tôi nhìn học trò:
- Em nào rỡn chơi thì trả sách cho Cam.
Tôi bắt gặp đôi mắt sợ hãi của thằng Bần. Nó lớn con và lớn tuổi nhất lớp. Bần không phải dân Mỹ Lương. Anh em nó ở Tân Huề, bên kia sông. Bên ấy, thuộc quận Hồng Ngự, tỉnh Kiến Phong, dân chúng không theo Hòa Hảo. Ngay đầu bến đò ngang, có một cái nhà thờ, giáo dân lưa thưa. Hồi Hòa Hảo thịnh trị, vị linh mục, cha sở xứ đạo Tân Huề, phải sang Mỹ Lương dự lễ khai sáng đạo Hòa Hảo. Tân Huề nghèo nàn, dân chúng sống bằng nghề trồng trầu, lưới cá. Hai anh em nó cùng học lớp đệ thất. Thằng em tên Khái.
Ông giám thị đã đến cửa lớp. Ông ta xin phép tôi cho khám từng hộc bàn của học trò. Tôi nhìn thằng Bần. Nó nhìn tôi cầu cứu.
- Thưa ông giám thị đang giờ dạy. Vả nữa, tôi không muốn tất cả học trò của tôi bị nghi oan là ăn cắp. Không, xin ông đừng xúc phạm vào danh dự của học trò cả lớp.
Tôi cầm cuốn sách của tôi đưa cho thằng Cam:
- Thầy đền sách em.
Ông giám thị trở ra. Ông bực tức lắm.
Tôi hỏi đàn anh:
- Như thế là khuyết điểm ư?
Đàn anh đáp:
- Như thế là bao dung. Tốt. Nhưng chú để mặc họ làm việc. Đại sự không vì một người.
Tôi nói:
- Một người chưa cứu nổi, cứu sao nhiều người.
Đàn anh nhất định cấm tôi không được tái diễn trò này. Tôi bắt đầu phẫn nộ. Tháng 11-1959 tôi mắc vô số khuyết điểm: đá cầu với học trò; đi tắm sông với học trò; sai học trò đi bắt cua về nấu bún riêu cho học trò ăn và dạy học trò nấu canh bún, bún riêu; dẫn học trò đi đấu bóng tròn bá vai bá cổ học trò. Khuyết điểm nặng nề nhất của tôi là đưa học trò sang Tân Huề, mua thịt bò, làm bíp tếch cho học trò thưởng thức. Những thằng học trò ngô nghê, lần đầu được ăn thịt bò khen ngọt lịm và về khoe ầm ỹ. Tôi phạm vào điều “giới răn” của Đức Thầy. Thằng Phạm Vĩnh cũng rủ học trò sang Tân Huề ăn thịt chó, hòa đàn vi ô lông với ông linh mục, uống rượu trong nhà thờ, tại sao đàn anh của tôi không phê bình nó? Phê bình thì phê bình, tôi bất kể. Thế mà đàn anh chưa đuổi sở. Lại còn cho dạy thêm 4 giờ Việt văn lớp đệ tứ. Đàn anh Lân sang một ngày thôi. Sáng đàn anh dạy 2 giờ Anh văn cho 10 học trò, 15 đứa kia chọn Hán văn làm sinh ngữ phụ. Giá Việt văn dạy một lèo 4 giờ được, đàn anh đã “bán cái” Anh văn cho tôi. Anh văn học trò đệ tứ Hòa Hảo cũng nên học lại từ bài số 5 Anglais vivant lớp 6. Đàn anh Lân phải thế tôi dạy 4 giờ Việt văn đệ thất trường Nguyễn Trung Trực. Tôi ngại sang một tuần hai lần.
Buồn tình, tôi rủ riêng Phạm Vĩnh qua Tân Huề nhậu nhẹt hàng đêm, vào nhà thờ nghe ông cố đạo ca ngợi Việt Minh. Ông cố này thù ghét Hòa Hảo lắm, thù ghét luôn ông Ngô Đình Diệm. Rồi tôi đến đồn Bảo An đấu láo với thiếu úy Mai, ăn uống ở đây thường xuyên. Thiếu úy Mai khoái tôi. Anh ta cho tôi biết nhiệm vụ của anh ta là khám phá vũ khí chôn dấu của lực lượng võ trang Hòa Hảo.
- Bằng cách nào? Tôi hỏi.
- Đi kích đêm, Mai đáp.
- Kích ra sao?
- Tôi và lính của tôi mặc bà ba đen, bôi mặt đen thui, đêm đêm lén chui dưới gầm nhà sàn. Bọn ở núi về nói chuyện với nhau, chúng tôi nghe hết.
- Vồ nó à?
- Không được phép vồ. Hễ nó nói chỗ dấu vũ khí, chúng tôi đến đào.
- Trúng chứ?
- Lai rai.
- Tình báo của cậu dở thế?
- Mẹ, chộp đầu các chức sắc Hòa Hảo khai thác ra gom ráo trọi. Khổ nỗi, lệnh trên nghiêm cấm. Không cấm, chộp lão Dật Sĩ là vài hầm xéng.
- Đi kích vui không?
- Vui lắm. Tôi mà viết báo, tôi sẽ viết phóng sự “Đi kích”. Cậu thích đi, tôi dẫn cậu đi.
- Hồi hộp chứ?
- Hồi hộp và ly kỳ.
- Cho tôi đi với.
Tôi đi kích nhiều đêm. Thiếu úy Mai chọn những nhà vợ chồng son hoặc vợ có chồng vô núi hoặc cha mẹ già không con cái mà kích. Đà số nhà ở cù lao Mỹ Lương là nhà sàn. Chúng tôi nằm từ nửa đêm tới bốn giờ sáng. Một đêm kích dưới gầm sàn cặp vợ chồng son, nghe anh chị gù nhau tôi suýt phì cười. Rồi anh chị làm tình rung rinh sàn nhà nghe bấn xúc xích. Một đêm kích dưới gầm sàn đôi uyên ương tuần trăng mật. Chàng gạ gẫm. Nàng ngúng nguẩy. Chàng gò tiểu thuyết Sài gòn mới. Nàng gáy phóng sự Tiếng Chuông. Chàng chơi trò thô bạo “hiếp” nàng. Nàng ú ớ la mắng. Rồi nàng rên âm ỷ. Sàn nhà cót két, cọt kẹt. Rồi im. Rồi nàng thách chàng “hiếp” nữa. Tôi muốn điên lên. Đi kích chỉ gặp cảnh này đâm ra mệt mỏi tưởng tượng. Tôi chê. Kể cho Phạm Vĩnh nghe, nó xin thiếu úy Mai đi kích. Nó hở miệng nói với đàn anh của tôi là tôi đầu têu. Tôi bị phê bình nghiêm khắc.
Nhưng màn phê bình nghiêm khắc nhất là tôi dám chê danh sĩ Hòa Hảo Nguyễn Văn Hầu, tác giả cuốn Nghệ thuật làm văn. Ông ta viết một bài gửi tạp chí Bách Khoa. Bài báo của ông ta bàn về nghệ thuật dùng điệp ngữ. Ông ta viện dẫn văn của Khái Hưng “Làm sao tôi có thể quên? Nếu tôi quên được những đêm trăng rõi bên đầu hè, quên tình nghĩa của đôi ta, quên chú thì đâu đến nỗi”, thơ của Lưu Trọng Lư “Mưa mãi, mưa hoài”. Sở dĩ danh sĩ Nguyễn Văn Hầu đưa tôi coi, trước khi gửi đăng báo, vì ông được học trò báo cáo với ông là tôi sính thơ văn lắm. Tôi noi gương giáo sư Nguyễn Uyển Diễm, dạy lạc đề, vác thơ mới ra bình giảng. Đưa tôi đầu tuần, cuối tuần ông đòi lại bản thảo, hỏi tôi:
- Ý kiến ông thế nào?
Tôi thật thà đáp:
- Tôi đã đọc một bài của Nguyễn Hiến Lê, văn viện giống hệt ông. Tại sao ông cam đành xoay quanh hành tinh Nguyễn Hiến Lê?
Danh sĩ Hòa Hảo tái mặt:
- Văn viện thế là nhất rồi. Ông Nguyễn Hiến Lê đọc nhiều, hiểu rộng, ai bì kịp ông ấy.
Tôi cười:
- Bể học mênh mông. Cao Bá Quát nói trong thiên hạ có ba bồ chữ, mình ông ta chiếm hai bồ, có người chê ông ta ít chữ quá. Vì học hải, tỉ tỉ bồ vẫn là chút xíu.
Danh sĩ Hòa Hảo khó chịu:
- Chắc ông nhiều chữ?
Tôi nhún vai:
- Tôi có một dúm, nhưng thuộc hai bài thơ của Nguyễn Bính chơi điệp ngữ đẹp lắm. Ông muốn nghe không?
Danh sĩ Hòa Hảo sẵng giọng:
- Ông đọc đi!
Tôi nói:
- Tôi đọc hai đoạn thôi. Đoạn thứ nhất, Nguyễn Bính chơi chữ trắng. Đoạn thứ nhì, thi sĩ chơi chữ chín.
Và tôi đọc:
Sáng nay vô số lá vàng rơi
Người gái trinh kia đã chết rồi
Có một chiếc xe màu trắng đục
Hai con ngựa trắng bước hàng đôi
Đem theo một chiếc quan tài trắng
Và những bông hoa trắng lạnh người
Theo gót những người khăn áo trắng
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.
Tôi hất đầu:
- Hay chứ?
Danh sĩ Hòa Hảo gật gù:
- Hay.
Tôi đọc tiếp:
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Lang thang tôi dạm bán thuyền
Có người trả chín quan tiền lại thôi.
Và lại hất đầu:
- Hay chứ?
Danh sĩ Hòa Hảo lại gật gù:
- Hay.
Tôi bốc máu:
- Phải nói là tuyệt diệu, là bậc thầy của điệp ngữ. Bàn về nghệ thuật dùng điệp ngữ mà chưa đọc Nguyễn Bính kể như không nên bàn.
Danh sĩ Hòa Hảo lặng lẽ cầm bản thảo ra về. Thay vì cám ơn tôi, ông ta báo cáo với đàn anh của tôi, kết tội tôi xúc phạm tài năng của ông ta. Đàn anh tôi dũa lại tôi thê thảm. Tôi cãi quyết liệt.
- Lần này chú động chạm đến tự ái của ông Nguyễn Văn Hầu.
- Em chỉ thật thà có ý kiến.
- Tại sao phải thật thà?
- Tại sao không thật thà?
- Chú khen ông ta là đẹp mọi bề.
- Nó viết ấm ớ, sao chép cả đến văn viện của Nguyễn Hiến Lê, khen sao nổi. Hay mới khen, dở thì phải chê. Chê nó là giúp nó tiến bộ.
- Chú sẽ về Sài gòn, chúng tôi sẽ lo việc khác cho chú.
- Anh khỏi cần lo. Em thích độc lập tư tưởng. Em không chấp nhận để bị khống chế tự do tư tưởng. Em thù ghét mọi gian dối, bịp bợm.
- Chú đừng nóng nẩy.
- Em không nóng nẩy. Tự xét mình không thể làm cách mạng, làm chính trị, từ nay Duy Dân hoàn toàn xa lạ đối với em. Nhưng anh yên tâm, em vẫn là Đoàn Trọng Thu, cử nhân Anh văn.

o O o

Tôi xách hành lý sang Tân Huề ở nhà thằng Bần nghỉ ngơi vài bữa. Bắt đầu từ hôm nay tôi phải tích cực phấn đấu với đời sống, không thể rong chơi chờ đợi những bất ngờ xẩy đến cho cuộc mưu sinh. Học trò Tân Huề thương tôi, không sang Hòa Hảo học nữa. Học trò Hòa Hảo kéo qua sông thăm hỏi tôi. Phạm Vĩnh viết thư dặn tôi phải đề phòng vì nhà trường thù hận tôi, các đàn anh Duy Dân thù hận tôi. Vĩnh khuyên tôi nên rông về Sài gòn lẹ. Nhà trường thù hận tôi vì tôi cấy mầm phản động vào tâm hồn học trò. Tôi đã dạy học trò của tôi ngẩng mặt lên, can đảm, không sợ hãi Tám bù loong, Chín cứng và quyền uy vô hình. Tôi đã dạy học trò của tôi chỉ thực hiện lẽ phải của Đức Thầy và chống đối mọi dọa nạt của thảo khấu. Kính trọng khác với khúm núm, tôi đã dạy học trò tôi thế. Và chúng nó hết cúi rạp lưng hướng về tư dinh Đức Ông. Đàn anh Duy Dân thù hận tôi vì không điều kiện hóa nổi con người tôi và vì sợ tôi tiết lộ sự lừa bịp Hòa Hảo của họ.
Tôi định ở Tân Huề ba ngày thôi, cho học trò của tôi đi học. Nhưng học trò Tân Huề cầm chân tôi lại. Tôi dặn riêng thằng Bần:
- Ban ngày thầy nghỉ nhà em. Ban đêm thầy ngủ nhà thằng Lễ. Em đừng cho đứa nào biết nhé!
- Thầy đã dặn thằng Lễ chưa?
- Rồi.
- Em neo ghe sẵn, hễ động, em chở thầy đi trốn.
- Thầy có linh tính.
- Sao, thầy?
- Chúng nó sẽ hại thầy.
Ngay chập tối hôm tôi vừa dặn dò thằng Bần, nó hớt hải chạy sang nhà thằng Lễ, hối tôi:
- Đi, thầy!
- Động à?
- Thằng Khái biểu nó gặp cảnh sát quận về, đang nhậu ở trụ sở Hội đồng xã.
Bần xách hành lý của tôi, dắt tôi ra bờ sông, chỗ nó dấu ghe. Nó vất hành lý của tôi vào ghe, giữ ghe khỏi chòng chành cho tôi bước xuống rồi chèo qua bên kia sông. Nó men theo bờ sông, chèo xuôi về phía Tân Châu. Bần im lặng. Nửa đêm, chúng tôi đã quá xa Mỹ Lương và Tân Huề. Coi như thoát nạn. Bần hỏi tôi:
- Tại sao quận về bắt thầy?
- Đã chắc chưa?
- Chắc mà.
- Thế thì Hòa Hảo thuê cảnh sát Hồng Ngự về bắt thầy đó.
Tôi không muốn nói đàn anh tôi bầy vẽ kế hoạch.
- Tại sao nó không bắt ngay, còn nhậu nhẹt?
- Thầy trong rọ, nó nhúm lúc nào chẳng được. Nó đợi bắt ban đêm. Nó không ngờ còn có em cứu thầy.
- Thầy ạ!
- Gì?
- Ba em hoạt động cho cách mạng. Ổng ở tuốt trong Đồng Tháp Mười lận.
- Đâu có chi lạ. Mỗi người một lý tưởng mà.
- Thầy đi rồi, em sẽ vô trỏng.
Bần ép ghe sát bờ.
- Thầy trò mình đợi đây, sớm mai xe Tân Châu qua, thầy rông. Bây giờ thầy ngủ, em thức canh chừng.
Tôi nói:
- Khỏi, thầy thức với em.
Nhưng tôi cũng ngả lưng, chợp mắt lúc nào. Khi tôi thức giấc, ghe thuyền đã tấp nập xuôi ngược giữa sông. Tiếng cười nói vang vang.
- Thầy ạ?
- Gì?
- Tại sao thầy đã cứu em thoát nhục?
- Vì thầy biết bản chất em tốt. Vì thầy đã sống với những đứa trẻ nghèo nàn, dốt nát, bơ vơ làm nghề ăn cắp. Vì đã có lần thầy ăn cắp, hồi ấy thầy còn nhỏ lắm.
- Em cám ơn thầy. Em sẽ nhớ thầy trọn đời.
- Bần.
- Dạ.
- Thầy mới là người mang ơn em.
Xe đò Mỹ Lương – Tân Châu đã bóp còi phía xa. Tôi nhẩy lên bờ. Bần xách hành lý theo tôi đứng đón xe bên lề đường. Tôi bước lên xe đò. Bần vẫy tay. Trong sớm mai mờ sương, tôi nhìn rõ những giọt nước mắt của thằng học trò nhà quê. Và nước mắt tôi cũng ứa ra.

o O o

Không thèm trở về Sài gòn, tôi đáp xe đi Tân Châu – Châu Đốc, rồi Châu Đốc – Long Xuyên. Tôi còn tiền sống dè sẻn vài tháng. Kiếm khách sạn rẻ tiền nhất, tôi thuê phòng, tắm gội, thay quần áo rồi xuống phố ăn uống. Tôi dạo chơi Long Xuyên và tôi biết Long Xuyên có hai trung học tư thục. Sáng hôm sau, tôi đến trường Quang Trung, đường Lê Lợi, xin dạy học. Tôi tự tin cho nên can đảm vô cùng. Tự ái tuổi trẻ làm cho tôi tự tin. Tôi không xấu hổ rụt rè gì hết. Tôi cần chứng minh cho đàn anh Duy Dân biết rằng, họ không thể điều kiện hóa nổi con người tôi, họ không thể hại nổi tôi. Tôi không cần họ. Tôi ly dị họ vĩnh viễn. Tôi sẽ hay gấp ngàn lần họ, sẽ hữu ích gấp ngàn lần họ. Một mình tôi sẽ ngoạn mục hơn chủ nghĩa Duy Dân, đảng Duy Dân. Tôi sẽ vĩ đại hơn Lý Đông A, sẽ làm thơ tuyệt diệu hơn Lý Đông A. Người ta sẽ biết tôi mà không biết Lý Đông A. Chưa phải bây giờ. Mà là ba mươi năm hay sáu mươi năm sau. Tôi đã nói là tôi làm. Tôi làm là phải được. Cảm hứng vươn lên của tôi đó. Hễ bị dìm xuống thì phấn đấu vươn lên. Đừng bao giờ để bị dìm chết sặc sụa. Đừng bao giờ hèn mạt, vô liêm sỉ đầu hàng và chịu để bị điều kiện hóa con người để được kéo lên. Khi đó không còn phẩm cách làm người.
May mắn thứ nhất đến với tôi. Tôi đã gõ đúng cửa. Hai vị giáo sư của trường Quang Trung vừa bị bắt vì lý do chính trị. Trường đang thiếu một người dạy Anh văn, nhận tôi ngay, chẳng thèm đòi hỏi bằng cấp. Hồi này, Anh ngữ ở dưới các tỉnh miền Tây còn bị coi như sinh ngữ không cần thiết. Nó bị dè bỉu, hắt hủi. Nhà trường dạy cho có dạy và học trò học gọi là học. Rất lơ là. Bởi thế, tôi mới có đất dụng võ. Rõ là múa gậy vườn hoang. Người ta trả tôi mỗi giờ 80 đồng, giá gấp đôi Hòa Hảo. Khỏi phải bịp bợm cử nhân Anh văn, khỏi phải đội lốt tên người khác, tôi bắt đầu bằng tên đích thực của tôi, Vũ Mộng Long, không cử nhân Anh Văn, không tú tài, không trung học, hơn cử nhân Duy Dân 40 đồng một giờ!
Tôi không muốn định cư cuộc đời tôi ở nghề dạy học. Có hai lý do. Một, tôi không nên tiếp tục dạy học không có bằng cấp. Không thể chấp nhận những kẻ thiếu bằng cấp dạy học trò đi thi lấy bằng cấp. Dạy học là thiên chức mà tôi dạy học chỉ để mưu sinh tầm thường. Hai, làm nghề dạy học tôi sẽ khó lòng thực hiện nổi những điều tôi đã hạ quyết tâm, dù tôi có hì hục học thi lấy mảnh bằng. Giấc mộng văn chương vụt dậy, sôi nổi, mãnh liệt. Tôi đem ba cái truyện ngắn của tôi ra đọc lại, đọc kỹ. Tôi sửa chữa thêm nhiều đoạn. Rồi chép lại sạch sẽ. Có thể nói, truyện ngắn Hoa thiên lý, tôi đã sửa, đã chép kỹ lưỡng với lòng say mê. Cung cách làm việc ấy không còn nữa khi tôi trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Và tôi không còn viết nổi một cái truyện ngắn nào ra hồn. Tôi nghĩ rằng, thuở đầu đời viết văn là thuở tình yêu văn chương dào dạt trong tâm hồn ta, thuở ta làm nên những truyện ngắn đặc sắc, những truyện ngắn đẩy ta vào vũ trụ văn nghệ, đưa ta lên một chỗ ngồi, mở cánh cửa lớn cho ta nhìn trời đất, nhìn đời, nhìn người và nhìn ta. Khi ta viết tiểu thuyết đăng nhật báo, lại viết hai ba cái một ngày, ta thực sự đoạn tuyệt với truyện ngắn. Tôi có một nhận xét: Chẳng thấy ông nhà văn nào khởi sự nghề viết văn của mình bằng phơi ơ tông nhật báo viết được truyện ngắn cả. Tôi muốn nói tới một truyện ngắn trung bình thôi.
Người ta có thể đếm trên đầu ngón tay vài bậc thầy viết truyện ngắn ở Việt Nam. Người ta cũng có thể đếm được những truyện ngắn hay nhất của Việt Nam, của cả nước Việt Nam. Vậy thì, nếu thi ca là tinh huyết của văn chương, truyện ngắn chính là châu ngọc của văn chương đấy. Phải lên rừng săn voi mới có ngà, phải xuống biển lặn mò trai mới có ngọc. Muốn truyện ngắn hay, người viết văn phải làm công việc của kẻ lên rừng săn voi, kẻ xuống biển mò trai. Một đời nhà văn chỉ có một thời viết truyện ngắn và xuyên suốt cái thời ấy, nhà văn tự chọn lựa truyện ngắn của mình, dẫu yêu hết con cái tinh thần của mình, y cũng đành phải thú nhận có hai ba cái xuất sắc thôi, còn lại là bình thường hiện thân và tầm thường. Hiếm họa mới có nhà văn nhiều truyện ngắn xuất sắc. Thạch Lam chẳng hạn. Nhưng Thạch Lam ít viết truyện dài. Hình như Thạch Lam chỉ có mỗi truyện dài Nắng trong vườn, không mấy rực rỡ. Vấn đề đặt ra cho những người tuổi nhỏ yêu văn chương và thích làm văn chương là họ sẽ vào văn chương bằng cửa rộng hay cửa hẹp, họ chọn lối khó hay họ lựa lối dễ. Cửa rông và đường rộng, theo nghĩa Thánh Kinh, dẫn đến sự hư hỏng, theo nghĩa văn chương, dẫn đến sự buông thả, tầm thường. Cửa hẹp và lối hẹp, theo nghĩa Thánh Kinh, dẫn đến sự sống, theo nghĩa văn chương, dẫn đến tác phẩm. Theo nghĩa Cổ học tinh hoa, những kẻ bỏ cái khó, tìm cái dễ là những kẻ vẽ ma quỷ. Còn những kẻ chối bỏ cả cửa rộng lẫn cửa hẹp, chê cả cái dễ lẫn cái khó là những kẻ từ lúc cầm bút đến lúc nhắm mắt, chỉ biết ghi chép “Sổ tay văn nghệ” xỏ xiên và xúi con nít viết bài công kích các bậc cha chú. Những kẻ đó không để lại cho đời sống cái gì cả, nhưng buồn nôn biết mấy, họ cứ thích chơi trò giả hình, khoe khoang “nhìn vách ăn năn”.
Sửa chữa xong Hoa thiên lý, Em, Bóng mây kỷ niệm, tôi khởi sự viết Khúc rẽ cuộc đời. Viết dở dang thì hết niên học. Tôi trở lại Sài gòn.
 
Chú thích:
° Được giải thưởng biên khảo Giải văn học Nguyễn Văn Thiệu.

Đường đường cũng từng là “giáo sư” Việt văn lớp đệ tứ tít tắp cù lao Mỹ Lương, nay cắp sách đi học cái nhà anh Lữ Hồ thì tủi quá. Tôi bèn chê … tú tài. Và bèn ổn định đời sống bằng cách nộp đơn xin làm cán bộ cải huấn của Tổng nha cải huấn ở đường Đinh Tiên Hoàng, cạnh Tổng nha thanh niên thể dục và thể thao. Tôi sẽ là cai tù. Làm cai tù mà viết truyện nhà tù thì tuyệt cú mèo.
Văn thư của Tổng nha cải huấn mời tôi tới trình diện nhận việc làm cùng hôm ông ông Nguyễn Bích Liên dục tôi đi trình diện. Ông Tổng giám đốc Cao Xuân Vĩ đã chấp thuận. Tổng nha công vụ không dám từ chối. Thế là, nhờ ba cái truyện ngắn, tôi trở thành Biên tập viên Thanh niên, miễn tú tài, cử nhân, miễn thi tuyển.
- Ông tạm ngồi ở văn phòng ông Tổng giám đốc ít lâu, rồi ra làm báo. Tuyển dụng ông là để ông làm báo.
Ông Nguyễn Bích Liên nói thế. Ông đang giữ chức Giám đốc Trung tâm huấn luyện thanh niên. Chủ sự của tôi là Nguyễn Văn Quảng, phó đốc sự, tốt nghiệp Quốc gia hành chánh, từng du học bên Pháp vài năm. Ngay hôm đầu đời biên tập viên nhà nước, ông Chánh văn phòng Vũ Văn Diên đã ra chỉ thị cho tôi viết bài huấn thị của Ngô tổng thống ban cho thanh niên, nhân dịp Người sắp đi kinh lý đâu đó. Ông ta đưa cho tôi một lô huấn từ, huấn thị cũ bắt tôi nghiên cứu. Tôi vừa nghiên cứu vừa viết xong trong vòng nửa buổi. Chủ sự Quảng bảo tôi:
- Anh cất kỹ dưới đáy ngăn kéo.
- Không nộp ngay à?
- Nộp ngay, anh sẽ bị sai viết cái khác. Tuần lễ sau hãy nộp.
- Tôi có thắc mắc.
- Anh cứ hỏi.
- Cái này viết thật hay viết thử tài?
- Thật. Thanh niên lo các diễn văn, huấn thị, huấn từ rồi gửi vô Phủ tổng thống. Ở đó, người ta duyệt, sửa.
- Có khi nào không duyệt, sửa?
- Nếu viết hay.
Lúc này, phong trào Thanh niên cộng hòa đang lên cùng với Ấp chiến lược. Ô tô ma tích cơ măng, tôi là đoàn viên Thanh niên cộng hòa và đoàn viên của Liên đoàn công chức cách mạng quốc gia. Ông Ngô Đình Nhu là thủ lãnh Thanh niên cộng hòa. Bà Ngô Đình Nhu là thủ lãnh phụ nữ bán quân sự. Tôi phải sắm bộ quần áo xanh, mũ nồi xanh, thắt lưng xanh khóa trắng có ngọn lửa bập bùng bí bung. Ngọn lửa bí bung bập bùng! Hay thật là bập bùng bí bung của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ba. Tôi ở Tổng nha nửa tháng thì ông Nguyễn Bích Liên lấy ra ngoài làm báo. Kỷ niệm và bài học của tôi những ngày ngắn ngủi ở Tổng nha thanh niên là tôi gặp nhà văn Lê Văn Trương. Tác giả Trường đời, Tôi là mẹ, Anh em thằng Việt … đến Tổng nha thanh niên đòi gặp ông Tổng giám đốc Cao Xuân Vĩ. Người ta sợ quá, tiếp nhà văn Lê Văn Trương tại văn phòng ông giám đốc Nha tâm lý chiến. Tôi được gọi qua dự kiến. Thần tượng Lê Văn Trương của tôi ngồi trên ghế. Nắng chiều hắt qua cửa sổ chiếu thẳng khuôn mặt xanh xao của cha đẻ Thằng còm phục thù. Ông cầm theo bản thảo tác phẩm Anna Hồi chưa xuất bản. Không một ly nước mời danh sĩ. Ông giám đốc Tâm lý chiến vào chuyện:
- Thưa nhà văn, ông đến thăm có việc gì?
- Các ông đã nghe Vũ Đình Liên nhắn nhủ thanh niên miền Nam trên Đài phát thanh Hà nội chưa? Nhà văn hỏi lại.
- Thưa chưa ạ! Vũ Đình Liên là ai ạ? Ông giám đốc hỏi.
- Chết chửa, Vũ Đình Liên không biết là chết đấy. Ông không đọc thơ của nó à? Bài Ông đồ cũng chưa đọc à?
- Tôi học trường Pháp.
- Thế thì tôi cho ông biết, tôi đã viết bài chửi thằng Vũ Đình Liên, nhân danh thanh niên miền Nam. Tôi yêu cầu các ông cho phát thanh trên Đài Sài gòn. Tôi muốn đọc cho ông Cao Xuân Vĩ nghe, yêu cầu ông ta bắt Đài phải để chính tôi đọc trả lời thằng Vũ Đình Liên.
- Xin nhà văn đọc cho tôi nghe là được ạ!
Nhà văn Lê Văn Trương rút trong túi ra xấp giấy gấp tư. Ông gỡ ra, vuốt phẳng phiu, trịnh trọng cầm đọc. Thần tượng của tôi say mê chửi Vũ Đình Liên. Giọng ông sang sảng đầy lửa. Rồi nguội dần khi mồ hôi trán ông râm ran. Ông giám đốc của tôi vừa nghe vừa mỉm cười. Bỗng ông rút tấm giấy 100, bước gần nhà văn Lê Văn Trương, đưa tận tay nhà Văn. Thần tượng của tôi không từ chối.
- Thưa nhà văn, tôi sẽ trình lên ông Tổng
- Tôi để lại bài của tôi cho các ông.
- Xin nhà văn tạm cầm về.
- Còn tác phẩm Anna Hồi của tôi, các ông có xuất bản không?
- Nhà văn cứ cầm về đã.
Thần tượng của tôi buồn bã rời Tổng nha thanh niên thể dục và thể thao. Tôi biết thần tượng sẽ đến nơi nào để đốt trăm bạc của nhà nước. Chế độ Ngô Đình Diệm và những kẻ thừa sai đã đối xử với kẻ sĩ như thế đó. Qua hình ảnh nhà văn Lê Văn Trương, tôi ghê tởm thuốc phiện. Ngọn đèn dầu leo lét có thể đốt cháy cái kiêu sang của người hùng Lê Văn Trương. Tôi học được một điều: Nghệ sĩ cần phải về vào lúc đúng ngọ, không nên về trong hoàng hôn. Nhà văn thì phải hiểu lúc nào mình tự quên mình để khỏi bị cuộc đời quên mình và chỉ còn đánh giá mình bằng bê tha, bệ rạc chữ nghĩa kiếm rượu, kiếm cơm. Tôi thương nhà văn Lê Văn Trương đến ứa gan, sôi máu thù hận những con sán xơ mít cho thuê tiểu thuyết làm giầu. Bọn cho thuê tiểu thuyết, đám ký sinh trùng sống trên lưng nhà văn mà con cái nó ăn học bằng tiền bất lương, có đứa hôm nay cầm bút “nhìn vách ăn năn” bằng cách xỏ xiên nhà văn trong những mục “Sổ tay văn nghệ”. Chẳng biết tôi có thiền nổi để khỏi vạch mặt chỉ tên nó?

o O o

Tòa soạn bán tuần báo Chiến Đấu, tiếng nói của Thanh niên cộng hòa, đặt tại nhà in Chính Lâm của ông Kiều Văn Lân, quản lý nhật báo Tự Do, đối diện bệnh viện Bảo An, đằng sau rạp chiếu bóng Khải Hoàn. Không ngờ có
!!!13270_14.htm!!!ngày tôi gặp nhà báo cự phách Tam Lang ở đây và được làm chung với tác giả Tôi kéo xe ở một tờ báo. Bố tôi hẳn sẽ vui lòng thấy con mình gần gũi thần tượng của ông. Và tôi thì khỏi nói. Tôi cảm động đến nghẹn lời khi Tam Lang bắt tay tôi. Tôi ấp úng:
- Thưa cụ … Cháu rất hân hạnh …
Tam Lang cười, đôn hậu:
- Tôi cũng vậy, ông Duyên Anh. Tôi đã đọc truyện ngắn của ông.
- Thưa cụ, bố cháu đọc cụ từ Loa của cụ Bùi Xuân Học đến Giang Sơn của ông Hoàng Cơ Bình. Rất tiếc bố cháu không được đọc cụ ở Tự Do.
- Ông cụ đâu?
- Bố cháu không vào Sài gòn. Nhưng cháu đã đọc cụ giùm bố cháu.
- Cám ơn ông.
- Thưa cụ, cháu ngưỡng mộ lối viết phóng sự và phiếm luận của cụ.
- Ông thích bài phiếm luận nào trên Tự Do?
- Thưa cụ, bài cụ luân về Tam Lang đá báo và Tam Lang đá banh, Tam Lam chọc thủng lưới và Tam Lang chọc thiên hạ …
- Ông có khiếu đấy.
- Cháu mong sẽ được cụ dạy dỗ.
- Viết truyện như ông là tốt, viết phiếm luận chỉ tổ mua thù, chuốc oán.
- Cháu lại thích.
- Tại sao?
- Vì cuộc đời đầy rẫy bất công cay đắng, gian dối, bịp bợm.
- Tôi làm cái báo này, kể như hết thời rồi. Ông muốn tiến thân thì phải tìm báo khác mà viết. Báo này là báo nhà nước, báo của gian dối, bịp bợm. Ông còn trẻ, hãy tạm ẩn thân ở đây rồi tính sau.
- Vâng ạ!
- Tôi không viết phiếm luận nữa.
- Cụ viết gì ạ?
- Tôi nghiên cứu chèo cổ. Ở báo này, tôi đóng vai đầu bếp. Nếu ông thích viết phiếm luận, cứ đưa tôi đọc rồi tôi chỉ dẫn cho.
- Cám ơn cụ.
Tam Lang còn viết chèo mà tôi quên khuấy. Trước 1954, ông đã viết vở Ông đồ Nhị Khê và đã cho trình diễn ở Nhà hát lớn Hà nội, rất thành công. Sau cuộc “đảo chính” ở nhật báo Tự Do, Mặc Đỗ đi làm Quan Điểm, Mặc Thu làm Người Việt tự do, Đinh Hùng làm Đài phát thanh, Như Phong ở lại với Phạm Việt Tuyền, Tam Lang không làm báo nữa. Bây giờ, ông được mời làm Biên tập viên Tổng nha thanh niên và được yêu cầu trông coi bán tuần báo Chiến Đấu. Chủ bút của tờ báo này là ông Nguyễn Bích Liên. Chủ bút … ngầm. Ông không nêu tên trên “măng sét”. Tham vọng của ông Nguyễn Bích Liên thật nhiều, nhưng ông bị nhiều kỳ đà cản mũi. Do đó, nội dung của Chiến Đấu, rốt cuộc, rặt tin tức, sinh hoạt của thanh niên cộng hòa và những bài tường thuật về các cuộc kinh lý của Ngô tổng thống, Ngô cố vấn và Ngô cố vấn phu nhân. Ông Nguyễn Bích Liên bắt tôi viết loạt bài nghiên cứu về các tổ chức thanh niên công sô môn, thanh niên phát xít, thanh niên Do Thái, thanh niên cứu quốc, thanh niên tiền phong. Tôi phải chạy long tóc gáy đi tìm tài liệu. May mắn, tôi vớ được bộ Trung Bắc chủ nhật của chủ nhiệm Nguyễn Doãn Vượng nghiên cứu sẵn cho tôi các tổ chức thanh niên cộng sản, thanh niên phát xít. Tôi chỉ việc đọc và chép lại cho gọn gàng. Tôi nhờ người sưu tầm tài liệu tổ chức thanh niên Do Thái. Còn các tổ chức thanh niên cứu quốc, thanh niên tiền phong miền Bắc, tôi biết rõ. Nhờ ông Nguyễn Bích Liên, kiến thức thanh niên của tôi được vỡ ra.
Chuẩn bị hai tuần, Chiến Đấu không bầy bán ra mắt số 1 đúng dịp hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử oanh kích Dinh Độc Lập. Trang nhất của Chiến Đấu đầy tin và bài kiến nghị bầy tỏ lòng trung thành của toàn dân đối với Ngô tổng thống và lên án mọi âm mưu đảo chính phá hoại sự nghiệp cứu nước của Ngô tổng thống. Trang tư kín mít lời kêu gọi tái thiết Dinh Độc Lập của các đoàn thể, phong trào nhà nước! Hai trang trong thì lấp bằng phóng sự xây dựng Ấp chiến lược của Việt tấn xã và sinh hoạt thanh niên cộng hòa, thanh niên chiến đấu, phụ nữ bán quân sự. Phần giải trí có truyện dài Lời thề trên đất giặc của Phạm Cao Củng, kiếm hiệp tiểu thuyết Thất kiếm thập tam hiệp của Tầu, đã in thành sách, do tôi viết lại … có nhuận bút! Báo phát hành luôn luôn trễ, vì ông Nguyễn Bích Liên sửa tin, sửa bài be bét, xếp chữ rồi, vỗ “mo rát” rồi, ông vẫn sửa chữa, thêm bớt lung tung khiến thợ xếp chữ điên đầu, cằn nhằn quá xá. Ông Liên ký tên trên bản vỗ, mới được đúc và ấn loát.
Làm báo với ông Nguyễn Bích Liên thật vất vả. Ông ta ngờ vực cả tin và bài của Việt tấn xã. Ông mời Chu Tử viết phiếm luận, Chu Tử viết hai bài, bị sửa chữa, Chu Tử không thèm viết nữa. Hiếu Chân cũng chê luôn. Chiến Đấu xuất bản được 10 số, Bộ Chiêu hồi ra đời. Tổng nha Thanh niên và Tổng nha Thông tin trực thuộc bộ này. Ông Nguyễn Bích Liên sang làm Phó Tổng giám đốc Thông tin. Thêm ông Phó nữa là Đặng Đức Khôi. Tổng giám đốc vẫn là ông Phan Văn Tạo. Báo Chiến Đấu do quản lý Lê Thành Cường, kỹ sư canh nông Pháp, chịu trách nhiệm. Tài trợ cho Chiến Đấu là công ty kinh tài của ông Cao Xuân Dương ở góc Hàm Nghi – Công Lý. Quản lý Lê Thành Cường tin tưởng Tam Lang, không thèm nhòm ngó bài vở, nhắm mắt ký đại.
Xẩy ra vụ thiếu tiền nhà in Chính Lâm mấy số báo, nhà in không in nữa. Chiến Đấu rời tòa soạn về đường Ngô Đức Kế, chung tòa soạn nhật báo Cách mạng quốc gia và cơ sở ấn loát của ông Đỗ La Lam.
Tam Lang đã nhận xét đúng. “Báo này là báo nhà nước, báo của gian dối, bịp bợm”.

° Bài thơ này đăng trên tạp chí Chỉ Đạo 1959, sửa lại vài đoạn 1969.
°° Tòa soạn Chỉ Đạo tự ý đặt tựa đề là Đứa em tôi. Cũng như Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, họ đổi lại thành Thế hệ tiên phuông. Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã để tựa cũ, khi ông cho xuất bản thành sách, vì ông chủ trương văn nghệ phi chính trị. Cái tựa Thế hệ tiên phuông, ông cho rằng có vẻ chính trị.
Chú thích:
°°° Chủ nhiệm nhật báo Sài gòn Mai sau này.
°°°° Hiện đang chủ trương báo Gió Nam ở San Jose, CA.