Chương 8

    
hải rất lâu sau mới thấy hình hài cô gái hiện lên. Thoát khỏi đau đớn trần tục, cô trở lại dáng vẻ mảnh mai. Trẻ quá, tôi đồ rằng cô chỉ bằng em gái tôi. Như không tin sự thoát xác của mình, cô lùi vào góc hang, mắt canh chừng chúng tôi. Hẳn trong cô còn nguyên vẹn sự hãi hùng. Ông già chín năm tiến lại bên cô. Chưa kịp vỗ về an ủi thì cô gái đã tọt vào một ngách hang. Cô hét lên, giọng nhọn sắc như kim châm:
- Không… không!
Ông già trở về phiến đá của mình. Thấy tay ông ôm đầu. Lát sau ông vẫy tôi:
- Vào với em con đi. Nó đang cần được che chở. Mà thôi, lát nữa.
Quay sang thằng nguỵ, ông bảo:
- Còn mày. Đi đâu đó một lát. Bộ dù vằn của mày không làm nó chết lần nữa đâu, mà sẽ ngược lại. Đi đi.
Thằng ngụy lại lồi mắt. Sao nhiều thứ nó không hiểu thế. Tội nghiệp, hạng lính như nó chết thật không oan uổng. Song nó vẫn đi ra ngoài. Bộ điệu thiểu não. Nó bị cuốn vào một cợ sốc cực mạnh. Chả gì, nó cũng đã năm thứ hai y khoa. Chắc hẳn ở trường học, không một thầy giáo nào lại dạy nó cách giết người man rợ đến thế. Ít nhất cũng không một vị thầy tài giỏi nào lại có thể tiên lượng cho học trò của mình. Một bác sĩ tương lai sẽ được tiếp thu một phương pháp hành hạ con người tối ưu đến vậy. Dẫu mới chỉ ít ngày ở giảng đường để học cách cứu rỗi phần xác con người, hẳn thằng lính kia cũng đã đủ sức gom góp ý thức nghề nghiệp, để thấy rằng đó là tội ác. Bất chấp lũ người kia là đồng minh của nó. Hiển nhiên, sự tự thú là chính đáng. Chiến thắng không bao giờ thuộc về những kẻ tàn bạo.
Thằng lính bệt ở cửa hang. Có lẽ nó không đủ sức đi tiếp nữa. Nhác thấy tôi, nó nhắc lại:
- Các ông sẽ chiến thắng!
Điều ấy không có gì lạ. Tôi không còn tâm trí đâu để cò kéo với nó nữa. Dù sao, tự nó cũng tìm được chân lí. Nó tiếp tục lải nhải:
- Khủng khiếp quá. Chưa bao giờ tôi hình dung ra cảnh này. Tại sao cứ phải có chiến tranh? Nói ông đừng giận. Chúng ta chỉ khác nhau có vài ba chục năm lịch sử, còn thì cùng một gốc hết. Cũng bốn nghìn năm ấy. Đất nước mình nhỏ nhoi vậy, sao cứ chiến tranh hoài?
Không cần biết tôi có nghe hay không, nó đều đều tuôn ra những ý nghĩ vơ vẩn, rời rạc. Chắc nó đang ngẫm ngợi thân phận nó với cuộc chiến mà nó từng tham dự.
- Nó thật với ông, bây giờ tôi yên tâm với cái chết của mình. Ông nói đúng. Đằng nào cũng thế. Cái chết dành cho tôi chỉ là một. – Nó gào lên. – Nhưng ông không biết được rằng, với tôi cái sống và cái chết cũng chỉ là một, bây giờ!
May, nếu nó còn ở kiếp trần với mớ bòng bong loạn tưởng kia, chắc chắn nó sẽ phát điên lên mất. Từ hôm ấy nó nín bặt. Họa hoằn mới lên tiếng. Mặc xác nó.
Tôi quay vào hang. Cô gái vẫn co ro trong ngách. Ông già chín năm chưa tọa được như cũ ở phiến đá ngất ngư. Ông gục gặc đầu, rũ trong bờ vai của mình. Chợt, tôi thấy tóc ông bạc trắng. Mặt vẫn trẻ thế không còn một sợi tóc đen nào. Tóc của chàng trai hai nhăm tuổi trắng tuyết như tóc người già cổ tích. Tôi không nỡ nói cho ông biết. Nghịch lí này chắc sẽ làm ông buồn. Ông vốn tin vào kiếp sống vong hồn.
Không biết bắt đầu với cô gái như thế nào, tôi lúng túng mãi ngoài cửa ngách. Có lẽ điệu bộ rụt rè ấy, cộng thêm với bộ quân phục tôi mặc trên người, dần làm cô gái bình tâm lại. Cô nhìn tôi không chớp mắt. Giống em gái tôi thật. Có già dặn hơn chút ít. Hồi tôi, đi, em gái tôi đang học lớp 8. Người đã lớn vổng. Hai đuôi tóc sam dài, nhún nhảnh. Nó dẫn một lô, mộc lốc bạn gái tiễn tôi đi ở sân nhà hát lớn. Không động viên, không dặn dò, chỉ bảo:
- Anh Phương. Anh chấm đi. Thích đứa nào cứ chấm. Em ở nhà giữ giùm cho. Hết chiến tranh chỉ việc cưới, không phải lọ mọ tìm.
Đám kia cười hết lượt. Lại bảo:
- Bọn em bàn rồi. Hai năm nữa học xong, nếu chưa hoà bình, bọn em sẽ tình nguyện đi vào trong đó.
Chưa kịp nói gì đã th cắt phim đi. Bịa!
Chuyện của con bé Thu chả biết thật, giả thế nào. Nó kể hết ngày này, ngày khác không biết chán. Vô tư lắm. Nó diễn mãi trò tắm tiên kia, lâu thành quen, không còn khó chịu. Phải công nhận, người nó đẹp. Ngâm dưới suối nhìn như người của cõi tiên giáng thế. Chả trách đàn ông bâu vào còn hơn kiến gặp mồi cửa tổ. Trong ba chị em, cái Thu mạnh mẽ, băm bổ nhưng duyên may nhất. Người yêu nó là lính xe ở đoàn vận tải Miền. Chả tháng nào, không dong xe về thăm vài lượt. Cu cậu mết nó còn hơn điếu đổ. Chuyện tình của nó, mang đọ khắp chiến trường, chắc chả ai hơn. Cũng là do nó kể. Hôm ấy Thu về từ tuyến một. Dọc đường, xe đơn vị hỏng chữa mãi không được, lái xe bàn:
- Để tôi vẫy xe, Thu về trước.
Việc vẫy xe dễ như trở bàn tay. Chính là xe của anh chàng kia. Thọat đầu, Thu thấy ớn tỉ hắn. Người đâu to vật vã. Râu bò xanh rì nửa mặt. Cái mắt mới khiếp chứ. Nhìn chằm chặp như muốn nuốt chửng người ta. Lúc chuyển gói bọc sang xe, hắn hỏi:
- Hàng gì đấy?
- Di vật liệt sĩ.
Vừa bồng, vừa ba lô có chừng chục cái. Hắn xoa cằm, buông một câu lạnh phát tởm:
- Nể người đẹp đấy nhá. Bằng không, xe này còn lâu mới chở thứ đồ âm ấy. Xui lắm!
Giận đến sôi máu, Thu đã ngần ngại không muốn đi. Tay lái xe đơn vị phải động viên:
- Kệ hắn. Dân xế bỗ bã, báo hại miệng ấy mà. Không có gì đâu. Tay này tôi biết, lì một cây. Không bị họa mồm miệng, chắc đã anh hùng từ năm trước.
Tạm nén để yên tâm đi, dọc đường Thu không thôi ác cảm với hắn. Mặt cứ lạnh băng như sông gặp sương muối, nửa câu cũng không buồn thốt. Hắn có vẻ chẳng mấy để ý đến thái độ Thu. Bâng quơ dăm ba câu không ăn nhập gì, đến lượt hắn phớt ăng lê. Chuyển sang huýt sáo môi. Sôi nổi lắm, toàn bài hành khúc. Huýt mãi, hơi không thấy hụt. Đã thế mặt cứ ngâng ngâng, cằm phướn ra nom rất tức cười. Mấy lần kìm được. May đấy, phì cười thì chẳng ra làm sao. Dần dần cái bực cũng lắng đi. Nhưng vẫn chưa có một thiện cảm với hắn.
Đột nhiên trời đổ mưa. Mưa rất to. Nước trắng xoá, chịu không nhìn thấy đường. Hắn táp xe vào dưới một gốc cây. Bảo:
- Lên thùng kiểm tra lại đồ. Kẻo ướt tội nghiệp.
Cả hai hì hụi kê kê, đậy đậy. Ổn thoả công việc thì ướt như chuột lụt. Thu hài lòng, thầm cảm ơn hắn có chút nghĩa với đồng đội đã khuất. Thầm thế thôi, chứ cũng chẳng nói gì. Trời tạnh. Hắn cười, đánh hẳn mặt sang cạnh:
- Tiếc nhỉ. Mưa đến sáng mai phải tốt hơn không. Rõ, ông trời vô duyên.
Mặt hắn bỗng đuỗn ra, không quay lại được. Mắt hắn đậu ở ngực Thu. Hoảng hồn, Thu liếc xuống. Trời ạ, mưa ướt, quân phục dán sát vào người. Đồ vi ni lon gặp nước mỏng tang. Bộ ngực trời đánh không giấu vào đâu được, trồi ra, thây lẩy dưới lần áo. Hắn không huýt sáo được nữa. Mắt đánh sang liên tục. Thấy hắn thở dài sườn sượt, Thu ran hết cả mặt. Nghĩ vẩn vơ. Trăm tội đều ở bộ ngực mà ra cả. Một lần, hồi mới vào chiến trường, lúc trại còn đông khách ra vào, Thu đợi sẩm tối mới dám tắm. Vẫn cẩn thận lội ra giữa dòng, khuất vào mấy kè đá. Thế mà vẫn bị mai phục. May, xuôi chiều gió nên phát hiện được. Nghe giọng, biết là đám lính mới toe, chân ướt, chân ráo vừa vào. Phiễu phão rất tục:
- Trời, đã quá, như tiên giáng.
- Ngon quá ta.
- Mày bảo, nàng ngon nhất cái gì?
- Nước da. Tối thế kia vẫn trắng ngời ngợi. Ngon thật.
- Ngu. Chưa ai khen da người ngon cả. Trắng, mài ra ăn được chắc.
- Thế cái gì ngon?
- Mù à. Ngực kia, úp mặt vào đấy, đánh một giấc đã đời, chết cũng đáng.
- Con xin bố. Bố chỉ nói phét. Cho úp lại chả chạy són đái. Chết, có mà chết lỗ mồm.
- Đồ ngu. Mày nói to thế. Lộ bem bây giờ. Chả mấy khi vớ được dịp bẫm…
Vừa ngượng, vừa tức, lại vừa sợ nữa, không biết tính sao Thu bèn đứng phắt dậy:
- Quân trộm cắp. Thích chết, ra đây được chết.
Liều, định nói quấy quá, không ngờ hiệu quả. Đám kia cười rinh rích bỏ chạy thục mạng. Nhìn trộm, xưa nay ở đâu cũng bị coi là một thứ tội.
Xe chuệnh choạng. Hắn đánh mắt mau hơn. Thằng cha này có vẻ liều, phải xem chừng. Nghĩ thế, Thu chặn trước:
- Nhìn gì mà khiếp thế?
Hắn không trả lời. Thấy mắt hắn dại hẳn đi. Xe từ từ táp vào lề. Thu hoảng hốt:
- Làm trò gì thế, điên à?
Hắn vẫn không nói. Nhoài hẳn người, đổ sang ghế phụ. Thu luýnh quýnh quờ tay tìm khẩu súng. Khoang xe chật chội không quay được người. Nguy mất. Vùng vẫy thế nào, mặt hắn gục gọn vào giữa ngực Thu. Thoáng rất nhanh một cảm giác nóng sực, ran hết lồng ngực. Thu nghẹn hơi, giáng cái tát rõ mạnh vào mặt hắn. Thấy hầm hập, hình như hắn lên cơn sốt thật. Chỉ có thế, xe lại bon đi. Thu khóc thút thít. Khóc mãi vẫn không hiểu mình khóc vì lẽ gì. Tuyệt nhiên không thấy giận hắn. Lạ thế.
Xe về đến trại thì trời tối. Hắn quày quả đi ngay. Lanh và Sương giữ thế nào cũng không được. Sáng ra mới phát hiện xe hắn đỗ ngay rìa trại. Hắn nghỉ đêm ngay dưới tán dẻ gai. Không thể hiểu nổi. Từ lúc “kia” hắn không nói một tiếng. Đến cả lời xin lỗi cũng không.
Một tuần sau, hắn xộc xe vào giữa sân. Cười toe toét đến ghét. Lại có quà cho tất cả. Thu làm mặt giận, lánh không tiếp. Đến bữa, hắn cứ thơn thớn ngồi ăn, coi như không có chuyện gì. Qua lại vài ba lần, thân thiết như người nhà. Tên tuổi, quê quán tường cả rồi, hắn mới giở chuyện cũ thưa lại. Cáo đến thế thì thôi.
Lúc Thu nhận lời ngỏ, hắn mới thú thật. Hắn xoa xuýt, vần vò, lại rúc rúc cái cằm đầy râu vào đấy, rên rỉ:
- Anh đến chết vì hai quả thủ pháo này thôi. ối giời ôi! – Mặt hắn đẫn đờ như người ngây. – Chết thật đấy. Có chết cũng không quên được.
- Dễ không có nó thì không thèm người ta chắc?
Đang cơn say, hắn đáp phứa.
- Chứ không. Hôm ấy mệt bữ bã, không có hai ông thiên lôi này, sức mấy người ta để ý.
Người đâu thật chán mớ đời. Tức ít thôi nhưng Thu vằng mạnh, hắt đầu hắn ra. Cố tình thế để doạ. Xem tinh tướng đến đâu. Thấy mặt hắn ngơ ngơ, miệng cứ lắp bắp “ơ… ơ”. Thì ra gan cũng chỉ bằng thỏ nhốt. Lại thương, kéo đầu hắn vào. Hắn bảo:
- Anh không đợi hết chiến tranh được đâu. Để báo đơn vị tổ chức.
Kể đến đoạn này cả Lanh và Sương đều thốt:
- Ừ, gật phắt cho xong. Nghe thế đủ biết thằng này cáo. Nó mết cặp vú của mày, chứng tỏ nó đã sờ nẫu thiên hạ. Lính xế mà. Phải cẩn thận!
Cái Thu cười khanh khách:
- Sợ gì. Bảo bối của em đủ giam giữ hắn cả đời. Có mà chạy đằng trời.
Tội nghiệp thế, sau này hai người Lanh và Sương đã phải quay mặt, không đủ sức chứng kiến nỗi đau đớn của người lính lái xe. Anh vật vã ấp mặt mình vào nấm mộ phủ đầy sỏi của người yêu. Thu ơi, thi thể của em không còn nguyên vẹn, khuyết mất nửa bầu ngực trinh nữ. Mãi mãi, ước vọng giam giữ cuộc đời người em yêu, không thành được nữa. Nhưng nó còn vẹn nguyên nơi đây. Người lính kia đã giành lấy ước vọng đấy. Anh mang theo đến trận cuối cùng. Người lính hi sinh cuối tháng tư năm bẩy nhăm, khi lái xe cảm tử nghi binh thu hút hoả lực địch, để đại quân vượt sông Vàm Cỏ đánh vào Sài Gòn. Bằng nửa bầu ngực trinh nữ còn lại, Người lính đã ra đi thanh thản.
°
°
Ảo giác lửa thiêu là nguyên căn của cơn sốt ác tính. Chắc chắn gã đã đi tong, nếu không may mắn bị quật ngã ngay giữa vạt rau muống của ba cô gái. Thu là người phát hiện. Bữa tắm của Thu hôm ấy kéo dài bởi cô gặp một hoàng hôn rất lạ. Mặt trời dùng dằng mãi không chịu khuất dạng. Cứ ôi ối đỏ phát rợn người. Linh tính như mách bảo một điều gì đó. Thường những lúc thế này, Thu tắm táp rất kĩ. Cô chăm chút tỉ mỉ thân thể mình. Thu có thể ngâm hàng giờ dưới suối. Nhưng hôm ấy khác lắm. Chân tay cứ líu ríu như có người kéo. Chả thiết gì, đến cả nhìn ngắm cũng không. Cứ đứng chết trân một chỗ. Dùng dằng mãi chưa dứt khỏi mặt nước trong buốt. Lạ thật. Đến lúc cả khúc suối nhuộm hồng rực thì Thu hết chịu nổi. Quái, lão mặt trời đánh chén ở đâu về say sưa hay sao mà khề khà đến vậy. Không biến đi cho người ta nhờ. Đã thế cóc thèm tắm nữa. Chưa kịp mặc quần áo, đã phát hiện thấy thằng người khòng khoeo giữa vạt rau. Hoảng quá, Thu không kịp một tẹo phản ứng, đứng chết ngay đơ. Đến phút sau mới hoàn hồn. May, đó chỉ là một xác chết. Vớ vội đống áo xống, Thu phi một mạch về lán khiến Lanh và Sương ngạc nhiên trợn cả mắt.
Ba người xách súng đi xuống. Chả biết ta hay địch, người hay ma. Lanh nâng đầu anh ta lên:
- Vẫn sống. Người sốt hầm hập. Nào các em giúp chị một tay.
Gã được khênh lên trên lán. Nhìn gã bây giờ hãi lắm. Chỉ còn da bọc xương. Mắt hoắm tụt tận đáy hốc. Lưỡng quyền nhô nhọn hoắt. Thay quần áo cho gã còn kinh hơn nữa. Xương sườn đếm được, không thiếu một dẻ. Gã nằm nom như đứa trẻ con lên mười. Nên nhớ gã từng là đô vật đấy nhé. Cái Sương hiến bộ quần áo cũ. Người nó nhỏ hin hin, khoác vào gã kia vẫn còn rộng. Loay hoay một lúc, người pha sữa, người cậy răng, người bón, gã cũng liếm láp được chừng nửa cốc. Gã sốt đùng đùng. Ngấm sữa thì chân tay bắt đầu đụng cựa. Cái Sương hỏi:
- Làm sao đây chị?
- Còn sao nữa – Thu hấp tấp – phải phục cho hắn gượng lại sức. Có người, ta gửi hắn đi quân y.
Thật may phúc, ấm ớ thế, mà gã thoát chết. Ngẫm ra mệnh hệ con người ta thật chẳng biết nói thế nào. Ví thử, cái Thu không có bệnh tắm chắc gã xong rồi. Ví thử, mặt trời hôm ấy không giở chứng? Nhiều cái ví thử lắm. Tóm lại, một lần nữa gã tuột khỏi tay tử thần.
Được ba ngày thì gã tỉnh. Sốt cũng đã giảm. Lại thêm một điều may cho gã. Ba chị em thay nhau đi tít cuối rừng để đón xe chở gã đi nhưng chả thấy ma nào lai vãng. Thành thử, ba chị em lại phải tiếp tục nuôi báo cô gã. Cũng tạm yên tâm, khi mang máng đoán, gã không phải người của phía bên kia. Cung cách người cộng với manh vải rách đeo trên thân kia, chắc đến bẩy chục phần trăm người đàng mình. Cùng lắm là dân tụt tạt. Thôi, cho gã ở ké đây mươi hôm cũng không sao. Lanh đùa:
- Cho có tí hơi hướng đàn ông Thu nhỉ?
Cái Thu tỉnh bơ.
- Phải đấy. Em quản thằng hộ pháp là đủ rồi. Cái Sương cũng có nơi có chốn. Xem ra chỉ mình chị chơ vơ. Ráng phục cho hắn sống. Chị đeo vào, biết đâu lại chả tươm nhất hội.
Lanh giãy nảy:
- Con nỡm.
Không ai nói gì thêm. Chẳng ngờ câu nói của Thu sau này ứng nghiệm. Âu cũng là cái duyên tiền kiếp. Câu đùa có phần nghiệt của Thu xét ra đúng cả. Tay lái xe kia chẳng nói làm gì. Dính vào cô nàng Thu, còn hơn sam biển chơi trò chồng vợ. Cái Sương cũng vậy. Vừa chân ướt chân ráo về trại, loạng quạng thế nào, lại vớ ngay được cậu bạn cùng phố, học với nhau từ hồi phổ thông. Cậu kia trước đã có tình ý. Song, cũng chỉ dám trèo đến mức hí hoáy ghi ghi, chép chép nhật kí. Lại làm thơ nữa, để tặng người trong mộng. Chẳng phải nhát mà phong trào lúc ấy thế. Đất nước ùng ùng bom đạn, ba tuổi ranh xí xớn yêu đương, ai người ta chấp nhận. Cậu kia đi trước. Vào đây, nhận ra nhau cứ mừng mừng, tủi tủi. Mọi người hỏi cũng chỉ bảo: “Người cùng phố”. Mà thế thật. Dùng dằng mãi, cậu kia đưa ra quyển sổ, nói hụt cả hơi, mặt lựng còn hơn gấc nẫu trên giàn:
- Sương đọc ngay nhé. Sớm mai mình đi, cho xin lại.
Hôm sau, Sương mang quyển sổ trả. Cậu kia vồ ngay lấy. Thấp thỏm cả đêm, nào có ngủ được, mắt quầng như đeo kính. Giở sổ, thấy trang viết dở, điền thêm chữ của Sương. Trần sì có hai chữ to tướng, tô đậm: Đồ ngốc! Dưới còn nguệch ngoạc hình vẽ đôi chim bồ câu và chữ kí rất mềm của Sương. Cậu kia thở hộc lên, bỏ võng đấy đuổi theo Sương. Cả hai, mặt đều tái, tay đan vào tay, xoắn chặt, mồm cấm thốt được tiếng nào. Cứ đứng như thế, đến lúc đơn vị rục rịch đi, cậu kia mới lắp bắp được:
- Sương chờ mình nhé!
Câu nói vừa dứt, tự nhiên hai người đổ vào nhau, môi tìm môi, mặt áp mặt. Thanh thiên bạch nhật, lại giữa chốn ba quân nhốn nháo, hai người đứng cứ như không. Cái hôn kéo dài dằng dặc. Họ, như thể đã thuộc về nhau từ lâu lắm, chứ không phải mới bắt đầu. Đám lính tráng, mọi khi táo tợn và dạn mồm, giờ lặng lẽ quay mặt hết lượt. Về sau cái Thu tô toa:
- Tiên nhân con đượi, nó hôn mới khiếp chứ. Chục phút chứ không ít. Mình thử theo nó, ngạt sặc cả cơm lên mũi. Suýt chết. Gớm, cảnh ấy mà đưa được lên phim cứ gọi là hết ý. Cả đoàn quân phăng phắc, đánh mặt. Anh nào, anh nấy mặt mũi chùng cả xuống.
Mối tình của Sương ngoài những bức thư chỉ duy nhất có một chiếc hôn ấy. Cậu kia đi biền biệt. Đến đầu bẩy nhăm thì bẵng thư. Sau nhận được tin, cậu mất lúc đơn vị tràn vào giải phóng Phước Long.
Còn Lanh? Lúc nghe cái Thu tếu táo, giãy nảy thế nhưng Lanh buồn vô hạn. Buồn chứ. Công bằng, về sắc, Lanh kém xa hai đứa. Cái Thu trội hơn Sương chút ít nhưng bù lại cái Sương duyên mặn mòi hơn. Đám khách nào đến trại, cũng chỉ bâu vào hai đứa. Mặc nhiên, Lanh phải khoác vai trò bà già chủ nhà. Chả có ma nào hỏi han đến. Thậm chí có đứa, tuổi hơn đứt Lanh, vẫn chị chị, em em ngọt xớt. Lanh biết, mình chỉ là cái cớ để họ xáp đến hai đứa em của mình. Thường, những cuộc vậy, Lanh lẳng lặng rút.
Nhưng không phải buồn vì thế. Lanh lén lấy gương ra rìa suối soi. Mới hai ba tuổi. “Xem ra chỉ mình chị chơ vơ.”. Có lẽ đời mình thế thật. Biết là cái Thu vô tình nhưng nỗi buồn cứ man mác lan toả. Từ kẽ nhỏ tâm hồn, từ li ti mạch máu, nỗi buồn thấm đượm. Gần năm năm trời ở chiến trường, chẳng tâm trí đâu để bận tâm đến chuyện “ấy”, nhưng không tránh khỏi những lúc vẩn vơ. Hồi mới vào, tuổi con gái mới lớn tuy chẳng bằng ai nhưng cũng có da, có thịt. Dạo ấy chiến trường ác liệt quá, chẳng ai lại nghĩ đến chuyện riêng tư, trong khi phải lo ti tỉ thứ bà rằn. Cũng không phải không có dịp bắt gặp. Quên thì thôi, chứ cứ nghĩ đến đoạn này, Lanh càng buồn. Dạo hiệp định vừa kí, có một người đến tìm hiểu Lanh, đặt vấn đề nghiêm chỉnh. Anh ta phải mỗi tội, tuổi khí cứng, hơn Lanh tròn một giáp. Đâu như đi bộ đội đợt nghĩa vụ đầu hoà bình. Tuổi cứng cũng chẳng sao. Mọi người ủng hộ lắm, ai cũng vun vào. Lúc đến với Lanh, anh đã là cán bộ tiểu đoàn. Gốc gác con nhà nghèo thuộc thành phần cơ bản nên chọn lựa rất kĩ. Soi lí lịch Lanh còn hơn dò tìm địch tình. Cũng không sao, xin cứ việc “bới lông, tìm vết”, thành phần Lanh còn cơ bản hơn cả anh ta. Nghèo thì đã đành, còn mồ côi cha mẹ nữa. Chế độ mới không còn cụm từ “đi ở” nên chả thể gọi đoạn đời thuở nhỏ của Lanh bằng gì. Tiếng là ở với họ hàng nhưng làm quần quật, cực còn hơn cả con ở thời trước. Cực quá, lớn lên bà con dân làng phải gồng gánh cưu mang mới dựng nổi cho nếp nhà gianh nho nhỏ. Mọi việc rồi đâu cũng vào đấy, ổn thoả cả. Tưởng đã yên thân, có một tấm chồng cho xong, nào ngờ kết cục lại chẳng ra gì. Anh kia, sau khi gật mọi tiêu chuẩn bèn gặp Lanh lần cuối để quyết định công việc. Buổi gặp có cả thủ trưởng đơn vị Lanh. Cứ nghĩ gặp để bàn chuyện tổ chức, ai dè anh ta còn xoáy một câu rất phũ:
- Chả nói cô cũng biết, chuyện vợ chồng là hệ trọng. Với tôi, hình thức thế nào cũng được. Nhưng những chuyện khác cần phải kĩ. Chiến trường xa xôi, không tìm hiểu được, trước thủ trưởng đơn vị đây, cô thông cảm cho biết động cơ vào chiến trường. Sau đó ta sẽ bàn tiếp.
Suýt nữa thì Lanh bật khóc. ừ thì mẽ Lanh có kém người một chút, đã sao. Chuyện chồng vợ mà như khẩu cung trước toà. Đầu tiên đã thế này, sau ăn ở còn đến đâu. Vừa tủi, vừa ức Lanh vùng chạy. Coi như bỏ cuộc, chồng chả có thì đừng. Mọi dàn xếp đều thành vô ích. Sau đó, cũng có một vài đám nhắn nhe, Lanh mặc cảm chuyện cũ, lại tủi phận mình nên cũng chả đến đâu. Bây giờ, trải mấy năm sốt rừng, người rạc hẳn, móc cả quân trang chưa đầy bốn chục kí, người thế còn ai thiết, chơ vơ là phải.
Mải nghĩ, Lanh đến bên người lạ mặt tự lúc nào không hay. Anh ta đang ngủ. Mới mấy hôm nhưng nom người đã chuyển lắm rồi. Da thịt đã bắt đầu hồi. Cũng may cơn sốt giảm rất nhanh. Người ăn được nên cũng chóng lại sức. Ngữ này, chắc chỉ mươi hôm nữa là bình phục. Không hiểu gã thuộc đơn vị nào. Lúc mê, cả lúc tỉnh gã cứ lảm nhảm những điều chẳng ai hiểu nổi. Chỉ mang máng biết, gã từng chiến đấu ở vùng này. Kệ xác gã, tỉnh hẳn hẵng hay. Lanh se sẽ kéo lại tấm dù hoa đắp trên người gã bị tụt, chợt gã mở mắt, rên khe khẽ:
- Nước, nước…
Lanh bón cho gã. Cứ thun thút như chim con hớp mồi. Được một lát, mắt gã mở rộng hẳn. Vẫn dài dại. Lanh đã định bỏ đi chợt thấy bàn tay gã nguều ra, run run. Môi gã mấp máy không thành tiếng. Bàn tay vẫn run run. Lanh cầm lấy tay gã. Bàn tay ấm nóng vì sốt. Lanh rùng mình, chợt nhớ đến lời của Thu: “Chị đeo vào biết đâu lại chả tươm nhất hội.”. Không cầm được, Lanh thấy mắt mình rưng rưng. Kìa, gã nhoẻn cười. Nụ cười ngô nghê, méo mó. Tủi quá, Lanh oà lên, chạy ra khỏi lán.