ào mùa xuân năm Bính Thân, 1416, Chúa công có nhận xét, sau những tháng ngày nhóm Lam Sơn âm thầm hoạt động trong bóng tối, nay thời cơ đã đến, đã đến lúc phải phất cờ hồng khởi nghĩa kêu gọi muôn dân cùng đứng lên đánh đuổi giặc Minh, giành độc lập cho nước nhà. Ta và những người bạn thân tín cùng chí hướng, sau khi trao đổi bàn bạc kỹ, xin ý kiến Chúa công, được ngài đồng ý, tất cả đã đi đến quyết đinh làm lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, quyết tâm đánh đuổi giặc Minh. Ngày hôm ấy là một buổi sáng mùa xuân, trời trong xanh, mây trắng lửng lơ trên đầu, gió nhẹ và mát. Ở một địa điểm kín đáo tại làng Lũng Nhai thuộc hương Lam Sơn, ẩn sâu trong núi thẳm, nằm phía hữu ngạn sông Am và tả ngạn sông Chu, chúng ta đã lập hương án cùng nhau thề nguyện. Trước đó mấy ngày, ta đã cùng vài người thân tín đến nơi này dọn dẹp sạch sẽ, ngắm địa thế, chọn thời khắc tốt. Và đúng ngày, giờ tốt Chúa công và chúng ta đều có mặt. Chúa công của ta hôm đó mặc một bộ quần áo vải màu nâu gụ, có thêu chỉ sắc tía ven cổ, tay áo bó chẽn đen. Cắm ba đỏ rực vào án hương trước mặt, Chúa công cầm mảnh gấm do ta viết sẵn và đọc sang sảng: "Chúng tôi có 19 người, do Phụ đạo lộ Khả lam nước An Nam là Lê Lợi cùng Lê Lai, Nguyễn Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến. Kính đem lễ vật, sinh huyết tấu cáo cùng Hạo Thiên Thượng Đế, Hậu thổ Hoàng địa và các tôn linh thần bậc thượng, trung, hạ coi sông núi các xứ ta. Cúi xin chứng giám cho..." Ba tiếng cồng ngân vang. Một cơn gió từ đâu bất thần xuất hiện bay đến xoay vần xung quanh những nén hương đỏ, làm cho những cây hương đột nhiên bốc lửa cháy rừng rực. Tiếng lửa reo tí tách, gió cuốn cả mảnh giấy tế cáo được đốt trước đó bốc lên trời cao. vẳng nghe trong thăm thẳm của rừng sâu là tiếng vọng ngàn năm của tổ tiên, thần thánh nước Nam về chứng nhận và ủng hộ cho con cháu mình. Tất cả đều ồ lên kinh ngạc. Nâng chén rượu hắt lên trên trời, Chúa công reo lên vui mừng: "Anh em thấy không, Hoàng thiên đã về chứng kiến và nhát định sẽ phù hộ cho chúng ta." Buổi lễ đơn giản nhưng long trọng và xúc động. Cả đời ta không bao giờ quên. Sau buổi lễ đó, Chúa công chính thức xưng vương - Bình Định Đại vương Lê Lợi. Trong lòng ta dạt dào những xúc cảm khó tả nổi, từ đây cuộc khởi nghĩa của chúng ta đã chính danh, "Danh không chính, tắc ngôn bất thuận." Chính danh, bởi vì chúng ta có một chí hướng và mục tiêu cao cả đó là đánh đuổi giặc Minh cứu cho muôn dân nước thoát khỏi ách ngoại xâm. Chính danh, bởi chúng ta đã có một vị Bình Định Đại vương dẫn đường chỉ lối. Như thế từ nay chúng ta không còn sợ những lời rêu rao của kẻ thù rằng chúng ta chỉ là một lũ giặc cỏ ở chốn rừng sâu đang làm loạn chống triều đình. Mọi người cùng Đại vương đi vào một căn nhà lá được xây sẵn phía sau ven núi. Thỉnh Đại vương ngồi an vị trên ghế, tất cả chúng ta lần lượt đến chắp tay xin được làm lễ quân thần. Dường như điều này làm cho Đại vương không vui lòng, Chúa công khoát tay từ chối và nói thân mật: - Anh em đừng làm như vậy. Ta với mọi người đều là anh em cả, lễ nghi khách sáo để làm gì. Nguyễn Thận, người em kết nghĩa của Chúa công, bước ra vòng tay: - Thưa Đại vương, dù sao nay người cũng là vua của một nước rồi. Việc chúng thần làm lễ ra mắt là hợp lẽ thôi. - Không - Đại vương lắc đầu - Thuận lòng trời và chiều lòng người, nay Lê Lợi này xưng vương. Việc xưng vương không phải là để được mang danh vua chúa mà chẳng qua ta muốn tụ cờ khởi nghĩa, kêu gọi anh hùng trăm họ trong thiên hạ cùng về đây đánh giặc. Do vậy, Lợi này và anh em ở đây vẫn là những bạn bè cùng chí hướng, đừng đặt ra lễ nghĩa làm gì mà thành ra xa cách nhau. Nguyễn Thuận toan kèo nài thêm nhưng chợt imặt khi thấy Chúa công nghiêm sắc mặt hỏi: - Các anh em có biết vì sao cuộc khởi nghĩa của vua tôi hậu Trần bị thất bại không? Mọi người nhìn nhau và lắc đầu. Bình Định Đại vương thong thả nói: - Nguyên nhân thì có rất nhiều. Tuy nhiên ta đã rút ra được hai nguyên nhân chính, đó là nội bộ mất đoàn kết, vua tôi nghi ngờ lẫn nhau và chính điều này làm cho lực lượng yếu đi. Điều thứ hai - Đại vương dằn giọng nói - Chính là trong khi họa giặc ngoại xâm đang còn sờ sờ trước mắt thì họ đã chia chác quan tước và thậm chí là đánh nhau vì việc danh lợi. Như vậy thử hỏi làm sao không thất bại cho được. Mọi người im lặng nhìn nhau lúng túng. Trịnh Khả đứng gần ta, khều nhẹ và thì thầm: "Nguyễn Trãi, tiên sinh là người được Đại vương tín nhiệm, xin tiên sinh hãy nói một lời đi. Việc này không phải anh em muốn chức vị gì mà chẳng qua là muốn có danh xưng chính thức để đánh giặc mà thôi." Chiều lòng mọi người, ta bất đắc dĩ phải bước ra. Đại vương nhìn ta nheo mắt, hơi cười và hỏi: - Sao, Nguyễn tiên sinh, ông có cao kiến gì? - Thưa Đại vương - Ta nghiêng mình - Tôi vẫn nhớ Đức Thánh Khổng có nói "Đừng lo mình không có chức vị, chỉ lo không đủ tài để nhận chức vị mà thôi. Hôm nay, tại đây, trời đất và người người đều nhân thấy nay nước Nam ta đã có minh chúa mới, đó là Bình Định Đại vương Lê Lợi. Việc Đại vương lên ngôi xưng vương rõ ràng hợp với lòng người và cơ trời. Tôi trộm nghĩ mọi người ở đây chẳng qua là muốn được có danh xưng chính thức với Đại vương và điều này cũng là hợp lý thôi. Tôi không cho rằng là vì mọi người ham chức tước, bởi tôi biết chắc không thiếu gì người ở đây đã từng từ chối lời mời của Minh triều ra làm quan cho chúng, tước cao bổng lộc hậu hĩ. Do vậy xin Đại vương hiểu cho ước muốn của mọi người. Bình Đinh Đại vương vuốt râu trầm ngâm khầ lâu. Cuối cùng ông nhìn thẳng vào mọi người, nói: - Nếu thật lòng anh em muốn vậy, thôi được, ta chiều ý mọi người vậy. Tuy nhiên ta có điều kiện, việc ban chức tước cứ tùy theo sức lực và khả năng của những người đến trước, sau, để mà sắp xếp. Tuy ta xưng vương, nhưng cuộc kháng Minh chắc còn lâu dài cho nên không nhất thiết lúc nào cũng phải lễ quân thần vua tôi, anh em và ta trước sau vẫn như một. Gọi ta là đại vương là được rồi, ta cho phép bỏ qua các lễ nghi. Lê Lợi này sẽ chỉ lên ngôi đăng quang làm vua chính thức khi nào đất nước hết họa ngoại xâm, và lúc đó muốn gì thì làm. Lời của Đại vương rất thiết tha và thành thật. Nhìn Đại vương ta hiểu rằng ông rất thật lòng, điều đó làm ta sung sướng và nhủ thầm với lòng rằng mình đã không chọn lầm người. Về phần võ tướng, Bình Định Đại vương cho phép mọi người được tự luận sức mình sau đó thỏa tuận với nhau và xin Đại vương ban cho chức tước. Riêng với ta, Đại vương quyết định ta sẽ là Thừa chỉ học sĩ, mưu thần đệ nhất được phép kề cận Đại vương hàng ngày. Ngày hôm đó rất đẹp và trong lòng ta lâng lâng khó tả. Chỉ một điều duy nhất làm ta cảm thấy niềm vui chưa được trọn vẹn là hiền đệ Trần Nguyên Hãn về quê thu xếp việc nhà lên không kịp, và huynh Phan Văn Xảo ở kinh đô có nhắn tin là sẽ có mặt nhưng đến giờ họ vẫn chưa có mặt. Ta thấy tiếc cho cả hai người!