a chào đời năm Canh Thân, 1380, tại kinh thành Thăng Long, trong tư dinh của ông ngoại ta là quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, như người đời vẫn thường kính trọng gọi là Băng Hồ tiên sinh. Ông ngoại ta thuộc nhánh chính thất của dòng họ Hoàng tộc nhà Trần, bắt nguồn từ Thái Tổ Trần Thừa sang đến các vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông... cho đến Thượng tướng quốc Trần Quang Khải, sau đó là Văn Túc Vương Trần Đạo Tái, rồi Uy Túc Vương Trần Văn Bích, cuối cùng là Đại tư đồ Trần Nguyên Đán.
Ta là kết quả của mối tình tuyệt đẹp giữa cha ta là Nguyễn Ứng Long với mẹ ta là Trần Thị Thái, tức công nương Ngọc Điền, người con gái thứ ba của quan Đại tư đồ. Cha ta vốn là một Nho sinh đang làm tập sự Kiểm chính ở quê nhà, nhưng nổi tiếng là người văn hay, chữ tốt và là con của một võ quan cao cấp ở cung điện Thiên Trường, võ quan Nguyễn Minh Du.
Nghe tiếng của cha từ lâu, nên ông ngoại đã đón cha về để dạy chữ cho mẹ ta.
Tình xuân thắm trẻ, trai tài, gái sắc, sự đời gần nhau và mến nhau là điều thường tình. Là một con người uyên bác, làm gì ông ngoại ta lại không biết điều đó, và dường như ông tán thành mối tình ấy. Bởi ông biết rằng, một người tài giỏi như cha, thì trước sau gì công danh sự nghiệp cũng đến tay. Không phải ngẫu nhiên ông chọn cha về làm thầy dạy chữ cho mẹ, mà đây là có ý ngầm kén chọn từ trước. Chỉ có điều ông không lường được, tình cảm của họ đến quá nhanh. Thầy Kiểm Ứng Long đã không kềm được lòng mình trước vị công nương dịu dàng, diễm lệ và hay đa sầu đa cảm của phủ quan Đại tư đồ. Thế rồi một ngày kia, yến oanh ngậm cỏ làm duyên, thiên thai động mở, then không cài... đôi trẻ ấy đã đi quá đà lễ giáo cho phép. Thương mẹ, nhưng sợ bị bắt tội, cha bỏ trốn về quê, khi trong mẹ đang mang hình hài một người anh của ta. Chuyện vỡ lở trước sự giận dữ của các vị trong Hoàng tộc dòng họ Trần, họ đã tâu lên vua đòi cho lính bắt cha về và đem ra để xét xử tội tày đình này. Đã xảy ra những cãi vã căng thẳng trong Hoàng tộc. Ông ngoại không đồng ý với những đề xuất ấy, và tự mình quyết đinh lấy.
Ông cho người đi tìm cha về.
Nhìn hai con trẻ đang quỳ gối chịu tội, ông ngoại thở dài hỏi cha:
- Là người có học hành, sao anh không nhớ đến lời dạy của Đức Thánh Khổng về tư cách của người quân tử cần phải có bốn cái đủ: tri thức, đạo đức, thể phách và tài nghệ?
- Thưa... - Cha ấp úng không thốt nên lời.
Ông ngoại vỗ bàn.
- Thánh Khổng đã dạy người quân tử phải hiểu lúc đương tuổi thơ, khí huyết chưa định mà ham nữ sắc thì sẽ hỏng mất đức tánh của mình
"thiếu chi thì, huyết khí định vị, giới chi tại sắc". Ta tin anh nhưng không ngờ anh lại phụ lòng ta.
- Thưa Đại nhân - Cha sụp lạy - Lỗi này tại con, không liên quan gì đến Ngọc Điền. Con xin chịu hình phạt theo luật lệ của triều đình, chỉ xin đừng trách phạt nàng.
- Cha ơi - Mẹ nức nở - Không phải tại chàng mà tại con, con gái cha hư thân mất nết. Đã không giữ được công, dung, ngôn, hạnh của mình để hại đến uy tín, danh tiếng của cha, của dòng họ. Chính con đã lôi kéo chàng chứ chàng không hề có ý gì cả. Xin cha hãy thương lấy chàng...
Nhìn đôi trẻ tranh nhau nhận lỗi về phần mình để khỏi trách phạt người kia, ông ngoại thở dài. Trong cện này ông đã và đang bị chịu áp lực lớn từ phía triều đình, bởi đây là chuyện của Hoàng tộc nhà Trần. Từ thời Thái sư Trần Thủ Độ đã có một quy ước ngầm trong dòng họ Trần về việc chỉ có những anh em thân thuộc trong nội bộ Hoàng tộc mới được kết thân với nhau. Nay có kẻ đang định phá vỡ quy ước này. Hàng trăm con mắt đang xỉa xói nhìn vào ông chê trách, dị nghị. Cách đây mây bữa, sau buổi chầu, đột nhiên nhà vua cho vời ông lại và nhẹ nhàng hỏi chuyện, tuy thái độ Hoàng thượng rất ân cần, nhưng ông cũng hiểu rằng đã có kẻ nào đó thọc mạch chuyên này lên vua. Và nếu ông không có một cách xử lý ổn thỏa thì không những danh tiếng của dòng họ bị ảnh hưởng mà danh dự của một vị quan Đại tư đồ cũng sẽ bị tổn thương, điều này làm cho ông rất đau đầu, lúng túng. Ông cũng hiểu rằng không thiếu gì những kẻ ghen ghét sẽ nhân dịp này bới móc nói xấu ông trước vua. Liệu triều đình có để yên chuyện này không?
Nhưng xử sao đây? Nếu xử nghiêm khắc theo luật lệ của triều đình thì Ứng Long chắc chắn không thoát khỏi tội chết, nếu không cũng là tội đồ. Bởi dù sao Ứng Long cũng chỉ là một Nho sinh nghèo, con nhà thứ dân. Thế là hết sự nghiệp tươi sáng của chàng trai tài hoa, thông minh. Con gái ông sẽ trở nên góa bụa, cháu ông sẽ mồ côi cha. Còn nếu chấp nhận bỏ qua lễ giáo, thì...
Quan Đại tư đồ vuốt râu tư lự rất lâu...
Cuối cùng, ông hít một hơi thật dài, thật sâu, và rồi thở ra thật mạnh. Đưa tay, ông bóp chặt lấy vai cha, và hỏi.
- Anh có nhớ câu ca
"Chim phượng ơi, chim phượng ơi! Về làng cũ thôi. Ngao du bốn bể tìm chim phượng hoàng, trong nhà này có một nàng nhan sắc tuyệt trần; người thì xa mà chỗ ở thì gần, làm ta khô héo cả ruột gan. Làm thế nào để gặp được nhau, mà kết thành đôi uyên ương..." Cha ngơ ngẩn một lát rồi ngập ngừng:
- Thưa Đại nhân đây là khúc ca Phượng cầu hoàng, tương truyền do Tư Mã Tương Như nhà Hán soạn.
- Nó nói diều gì? - Ông ngoại nheo mắt hỏi.
- Dạ, nội dung nói về chuyện chim phượng trống tìm chim hoàng mái. Do Tư Mã Tương Như hát tại nhà Trác Văn Tôn ở đất Lâm Cùng cho nàng Trác Văn Quân nghe.
- Đúng vậy - Ông gật đầu - chuyện Tư Mã Tương Như với nàng Trác Văn Quân cũng chẳng khác chuyện của anh và con gái của ta bây giờ bao nhiêu.
- Dạ, con... - Cha ấp úng.
- Chuyện này và chuyện kia, không hẳn giống nhau. Tuy nhiên nó cũng vậy. Thôi ta không trách phạt anh nữa. Tại sao ta phải nói chuyện này với anh, vì ta muốn anh phải hứa với ta một điều...
- ại nhân, nếu người không chê Ứng Long này nghèo hèn, người thương con, thì dù cho có chết con cũng sẵn lòng.
- Đừng nói vậy. - Quan Đại tư đồ xua tay - Ta chẳng bảo anh vào hang hùm hay biển lửa gì cả. Chuyện anh và Ngọc Điền dù sao cũng đã lỡ rồi. Ta đồng ý tác hợp cho hai con. Thế nhưng ta buộc anh phải như Tư Mã Tương Như, anh có hiểu không?
- Dạ con hiểu. - Mặt cha bừng sáng hạnh phúc. Quan Đại tư đồ đã không trách phạt, mà đồng ý gả con gái mình. Tuy nhiên, như ông đã giao hẹn, phải đỗ đạt, đem bảng vàng về để cưới vợ. Cũng phải thôi, dù sao đây cũng là một vị công nương con nhà quyền quỹ thế gia. Con gái cưng của một vị quan Đại tư đồ, Tể tướng đương triều.
- Xin đa tạ Đại nhân.
Nhìn cha, ông ngoại đột nhiên bật cười sảng khoái.
- Sao, đến giờ anh vẫn gọi ta là Đại nhân ư?
- Thưa... thưa... nhạc phụ...
Sau này cha tâm sự với ta, trong đời cha, ngoài ông nội, thì ông ngoại tức quan Đại tư đồ Trần Nguyễn Đán là người mà cha kính trọng nhất. Ông là một vị quan lớn, quyền uy tột đỉnh một bậc cố mạng lương thần trải qua nhiều triều nhà Trần và được các danh sĩ đương thời rất kính trọng, họ kính trọng ông không hẳn vì quyền lực của ông mà còn vì tư cách, đạo đức của một chính nhân quân tử. Tài cao học rộng, đối nhân xử thế đúng mực. Trong vụ việc lỡ làng của con gái mình, quan Đại tư đồ đã không những không trách phạt mà còn đồng ý gả con gái của mình cho một Nho sinh nghèo chưa có một chút danh vọng trong tay. Trong khi đó không thiếu gì vương công đại thần trong dòng họ đánh tiếng gần xa muốn cầu thân, đều không được. Ông rất phóng khoáng và cởi mở.
Cả triều thần nhà Trần đã lồng lộn lên vì tức giận và cảm thấy bị xúc phạm. Họ thưa báo lên Hoàng thượng, họ tấu biểu khắp nơi, tuy nhiên vì danh tiếng, uy tín của ông ngoại lớn quá, Hoàng thượng rất nể trọng, cho nên cuối cùng vụ việc cũng chìm đi. Nhưng dường như tóc ông ngoại sau chuyện ấy có bạc đi ít nhiều.
Sau này cha còn nghe kể lại, có lần, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã cho gọi quan Đại tư đồ vào cung và chuyển cho ông một bản tấu biểu của các vị vương gia đã lớn tiếng chỉ trích việc này và đòi phải được đưa ra xét xử rõ ràng. Thượng hoàng không bình luận gì, nhưng điều đó càng làm cho lòng quan Đại tư đồ thấy nặng trĩu.
Quan Đại tư đồ xem lướt qua bản biểu, và chú ý vào những vết khuyên son đỏ dầu ngự phê của Thượng hoàng ghi bên lề chi chít. Cuối cùng, quan Đại tư đồ từ từ bỏ mũ kim sa trên đầu mình ra và quỳ xuống.
- Thưa Bệ hạ, lỗi này là do thần dạy con không nghiêm. Thần xin chịu trách phạt.
Th;ng hoàng Trần Nghệ Tông lấy lại bản tấu chương, tiện tay vứt nó vào góc nhà, nhìn quan Đại tư đồ đang quỳ trước mặt mình, cười nhẹ lắc lư đầu.
- Thôi, khanh hãy đứng lên đi. Chuyện này trẫm rõ hơn khanh nhiều. Chẳng qua bọn họ tự ái mà thôi. Kệ họ. Dòng họ Trần chúng ta chuyện này đâu phải là lần đầu?
Thượng hoàng không nói gì thêm và quay lưng bỏ đi vào bên trong.
Dòng họ Trần chúng ta chuyện này chẳng phải là lần đầu? Là một vị quan đại thần đã từng trải qua mấy đời vua, làm gì ông không hiểu ý Thượng hoàng. Họ Trần, từ ngày nắm quyền bính trong thiên hạ, chuyện lộn xộn em trai lấy chị dâu, cháu lấy cô, chú lấy cháu... để lại biết bao nhiêu lời đàm tiếu cho các danh sĩ hàng trăm năm nay, ai còn lạ gì. Có lẽ cũng vì vậy mà nhà vua không trách phạt gì chăng? Nhưng dù sao, quan Đại tư đồ cũng biết ơn Thượng hoàng.
Không làm gì được ông ngoại, nhưng những vương thất họ Trần kia càng cay cú và thề phải trả món nợ nhục này. Và họ đã làm được điều đó với cha.
Dòng họ Nguyễn của ta tổ tiên đời trước ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc, sau dời về làng Hạ, xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, đạo Sơn Nam. Các đời đều có những võ tướng có chiến công kiệt xuất. Đến đời ông nội ta là võ quan Nguyễn Minh Du ở phủ Thiên Trường. Ông nội có ba người con trai đó là Nguyễn Sùng, Nguyễn Thư và Nguyễn Ứng Long. Hai người bác của ta đều là những võ tướng thời vua Trần Phế Đế, sau này được nhà Hồ trọng dụng chọn vào làm việc ở Khu mật viện và khi giặc Minh kéo quân sang xâm lược nước ta, hai người bác đã theo vua Trùng Quang khởi nghĩa chống giặc, bị thất bại, sau này tiếp tục theo nghĩa quân Lam Sơn, lập nhiều chiến công hiển hách. Thế nhưng cuộc đời cha ta và ta lại khác hẳn, sinh ra trong một dòng họ làm võ tướng nhiều đời, nhưng lại thích bút nghiên theo văn thư thi phú. Và cha cũng như ta sau này đều lấy văn bút làm nghiệp đời mình. Cha và ta đều có quan niệm, công hiến cho đời, cây bút hạy lưỡi gươm đều tốt cả, miễn là ta có làm được điều gì cho đời hay không.
Biết ơn và muốn trả ơn ông ngoại, cha ta đã ngày đêm miệt mài dùi mài kinh sử. Năm 1374, cha ứng thi và đỗ Bảng nhãn tại cung Trùng Quang ở Sơn Nam hạ. Đáng lẽ đỗ đại khoa thì cha sẽ được triều đình trọng dụng bổ nhiệm như biết bao nhiêu đại khoa các đời trước. Thế nhưng cha đã không có được điều may mắn đó. Các tôn thất nhà Trần đã ép Thượng hoàng Trần Nghệ Tông không cho phép cha ra làm quan, lý do, vì cha là con nhà thường dân mà dám lấy con gái tôn thất nhà Trần, đây là phạm tội khi quân, không xử chém là may rồi. Là một người trẻ tuổi trong lòng mang đầy nhiệt huyết muốn đem hiểu biết của mình giúp đời, giúp nước, thật bẽ bàng cho cha. Sau đó cha ta đã ngã bệnh vì quá thất vọng.
Ôi nhà Trần giữa lúc này đang gặp cảnh rối ren. Triều đình thối nát, chia năm, chia bảy bè phái để đánh đấm lẫn nhau. Quyền lực tất cả đang dần dần bị thâu tóm trong tay Nguyên Nhung, Hải tây đô Thống chế Lê Quý Ly. Vừa giải quyết xong loạn vua phường tuồng Dương Nhật Lễ
1, cả hai cha con ông ta mới bị giết chết ở cửa sông Tô Lịch. Còn ai nói được ai nữa, trong khi đó ngôi sao sáng Tư Nghiệp Quốc tử giám Chu An cũng đã mất rồi.
Vì vậy, cha ta đành nuốt hận bỏ về quê ở làng Nhị Khê để dạy học.
Tiễn hiền tế về quê, ông ngoại an ủi:
- Ta biết trong lòng con có rất nhiều ấm ức về những việc vừa qua, và thấy bất mãn. Hãy nhớ bậc quân tử tuy cảnh ngộ có lúc thuận nghịch, nhưng không vì vậy mà có hơn, kém trong lòng, phải tin rằng rồi sẽ gặp lúc thời thế và tài đức của mình sẽ được phát triển. Đây là ý của thầy Trang Tử đã dạy chúng ta.
Cha cúi đầu:
- Thưa cha, con hiểu cuộc sông vốn biến đổi không ngừng. Nên con không thắc mắc điều gì cả.
Ông ngoại gật đầu, im lặng. Nhìn hiền tế đi một quãng rồi, đột nhiên ông gọi giật giọng.
- Này con, hôm trước xem sách thánh hiền, ta có đọc và suy nghĩ mãi về lời từ của quẻ Càn
"Hào một dương, rồng còn tiềm ẩn chớ dùng. Hào dương hai, thấy rồng ở ruộng, lợi gặp Đại nhân. Hào dương ba, quân tử suốt ngày hăng hái tự cường, chiều tối hãy còn cẩn thận như lo sợ, nguy hiểm nhưng không tội lỗi. Hào dương bốn, có khi bay nhảy, có khi nằm trong vực, không lầm lỗi. Hào dương năm, rồng bay lên trời, lợi gặp Đại nhân. Hào dương trên cùng, rồng lên cao quá, có hối hận". Điều này có nghĩa là gì? Là... - Ông ngoại đắn đo một lúc rồi nói thật - Vượng khí nhà Trần sắp hết rồi - Nhìn vẻ mặt thảng thốt của cha, ông thở dài - Sự nối tiếp của đời này sang đời khác, dòng họ này sang dòng họ khác là quy luật thường tình của trời đất. Trong Dịch được hiểu đó chính là sự biến dịch mãi mãi, không ở bất kỳ một điểm dừng nơi nào cả
."Hệ từ thượng truyện" có viết
"Cái sinh rồi lại sinh gọi là dịch." Cuộc sống là vậy, Dịch cũng là vậy. Cái này còn gọi là
"Lũ Thiên" tức tình hình sắp tới sẽ biến thiên một cách dồn dập mau lẹ như sóng biển.
Ông tư lự rồi hỏi:
- Anh có nhớ phép xử sự trong Nho gia chúng ta nói về việc có
kinh, có
quyền hay không?
- Dạ, Nho gia có câu
"Xử thường chấp kinh, ngộ biến tùng quyền" có nghĩa ở cảnh thường thì giữ đạo thường, gặp cảnh biến thì phải đối phó, không nên bo bo câu nệ.
- Tốt lắm. - Ông gật gù - Tình hình những ngày sắp tới có lẽ là vậy. Ta mong anh hãy nhớ điểm này mà ứng xử.
Là một nhà Dịch học uyên sâu, lời nói của ông như đang dự báo trước những chuyển biến bão táp của thời đại mình đang sống mà cha không ngờ được. Bởi chữ Dịch vốn là sự biến hóa của vũ trụ, quan hệ đến con người. Nguyên nhân của mọi sự biến hóa là do sự giao cảm của âm dương, nước, lửa, đất, trời. Tất cả sự sinh - hóa của vạn vật trong vũ trụ dều nằm trong chữ Dịch mà ra. Phải chăng số mệnh của cha con ta cũng nằm trong ý này chăng? Sau này, chiêm nghiệm lại những lời dạy của ông, cha thấy rất thấm th.
*
Do điều kiện sinh hoạt nơi làng Nhị Khê không phù hợp với sức khỏe của mẹ, cho nên cha đành gởi mẹ ở lại tư dinh của ông ngoại bên ngoài thành Thăng Long.
Tư dinh nằm phía nam kinh thành, ven hồ Bích Câu mà sau này đổi tên là hồ Tú Uyên, cách Văn Miếu - Quốc tử giám một chặng đường. Đến bây giờ ta vẫn nhớ rõ tư dinh của ông ngoại, đó là một khu vườn rộng, cây cối xanh um tùm. Nơi đây ngày xưa là một vùng trũng, nhiều ao lạch, sông ngòi, và con sông bao quanh là sông Tô Lịch thông ra sông Cái với hai nhánh là sông Kim Ngưu và sông Thiên Phù. Tất cả nằm phía bắc kinh thành Thăng Long, được xây dựng từ đời vua Lý Thái Tổ sau khi dời kinh đô từ Hoa Lư về đây. Đón vua là rồng vàng bay lên, nên vua đã chọn và cho xây cung điện ngay chính giữa rốn rồng.
Một lần vô tình đi kiệu ngang qua vùng đất này, lắng nghe tiếng chim hót ríu rít, không hiểu sao thấy lòng xúc động nên Uy Túc Công, Nhập nội phụ quốc Thái bảo Trần Văn Bích đã xin với vua Trần Minh Tông cho phép được phát quang vùng đất này để xây dựng tư dinh. Đến đời quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán thì đây đã là một tòa nhà nguy nga, nhìn xa chìm khuất trong vườn cây là những mái ngói rêu xanh uốn cong lấp ló. Tiếng chim kêu, vượn hót vang lừng suốt ngày.
Ta chào đời vào một đêm mưa rất to, giông bão sấm sét đầy trời. Ngay từ buổi chiều hôm ấy trời rất oi bức khó chịu, mây váng gà quẩn khắp trời. Mấy ngày liền mẹ kêu mệt, không ăn uống được gì cả, chỉ uống nước. Từ sau khi một người anh của ta chào đời, chết non, sức khỏe của mẹ ngày càng yếu làm cho ông ngoại và cha rất lo lắng. Cho nên mỗi khi mẹ mang thai là cha vừa mừng lại vừa lo. Riêng ta, thai đến tháng thứ mười, máy liên tục nhưng lại không sinh, điều này càng làm cho cha và ông thêm lo sợ. Thầy thuốc khắp nơi được mời về để bắt mạch cho mẹ, ai cũng nói thai chướng, khó sinh và khó sống, nếu sinh ra, e rằng cũng là kẻ èo uột, khó nuôi.
Từ mấy ngày trước đó, cha đã nghỉ dạy học để về chăm sóc mẹ.
Lúc này trong tư dinh của ông ngoại thật xôn xao, ai cũng lo cho mẹ.
Đêm đó. Những tiếng rên rỉ bất tận của mẹ. Chợt ngoài trời một tia chớp sáng rực chạy loằng ngoằng kèm theo sau đó là những tiếng nổ inh trời làm cho nhiều người khiếp đảm. Tiếng ngói rơi lộp độp vỡ lẫn trong tiếng gào thét của cơn mưa to bắt đầu sầm sập đổ xuống.
Ta đã ra đời.
Bà mụ bế đứa bé trai đỏ hỏn đặt vào đôi tay lóng ngóng của cha. Ta ọ ẹ những tiếng khóc chào đời đầu tiên.
Ông ngoại sau khi thắp những nén hương lên bàn thờ, cảm ơn tổ tông đã phù hộ, sau đó đã đến ngắm nhìn. Nhìn ta khá lâu, nét mặt ông đượm những buồn vui lẫn lộn. Đột nhiên ông cầm lấy bàn tay nhỏ của ta đang nắm chặt và gỡ nó ra. Mọi người ồ lên kỉnh ngạc, khi bàn tay ta xòe ra thấy hiện rõ một hoa đào năm cánh, đỏ rực như máu.
Ông săm soi nhìn kỹ và tự nhiên cười ba tiếng, khóc ba tiếng
Thái độ kì dị của ông làm cho mọi người kinh sợ vì không hiểu lý do. Trao ta cho bà mụ, cha run rẩy hỏi:
- Thưa Nhạc phụ Đại nhân, đứa bé này nó...
- Người xưa có câu
"muôn việc có số phận đã định, kiếp phù sinh bôn chôn vô ích." Nghe ông đọc, cha se sẽ gật đầu. Ông ngoại nhìn ta, thong thả:
- Họ Nguyễn của anh nhờ có nó mà mang danh muôn thuở, và cũng vì nó mà bị tận diệt. Đấy là số kiếp trời đã định.
Nhìn vẻ mặt buồn vui lẫn lộn của cha, ông an ủi.
- Con đừng buồn. Con người sinh ra đều có số mệnh, thế nhưng số mệnh cũng phải bắt nguồn từ đạo làm người. Con người chúng ta đứng trong trời đất thì ắt phải biết kính sợ thiên mệnh. Phải hiểu biết lễ nghĩa, sống có lễ nghĩa, sống có lòng nhân đức, nếu biết thuận theo điều lễ nghĩa thì trời xanh có đức hiếu sinh sẽ đền đáp. Đấy cũng chính là đạo của người quân tử khi đã hiểu được thiên mệnh, Thánh Khổng đã dạy chúng ta như vậy. Sau này con hãy dạy cho con của con như thế. Bàn tay của đứa bé này dài, mềm và mỏng, khác những đứa anh của nó. Như vậy cha đoán rằng sau này nó sẽ theo nghiệp bút nghiên như chúng ta.
Thế đấy, ngay từ khi mới ra đời ta đã được ông ngoại cho biết trước số phận truân chuyên của mình. Một số phận long đong, vất vả, vinh và nhục dường như đeo đuổi suốt cuộc đời ta. Và để cuối cùng trong đêm nay, ta ngồi sau chấn song này ngắm trăng và đếm những vì sao li ti ưên bầu trời. Lắng nghe tiếng giọt rồng của thời gian đang đưa tử thần đến gần với mình. Lúc này đây ta tự hỏi lòng mình nên buồn hay nên vui?
Ta không buồn, vì ta hiểu con người ta. Ta chỉ tiếc rằng còn quá nhiều ước nguyện, nhiều hoài bão cần phải làm cho dân Nam, cho nước Việt này nhưng đành phải bỏ dang dở nửa chừng. Thôi thì đành để cho hậu thế phán xét ta, để cho hậu thế làm thay vậy. Ta chỉ thấy nuối tiếc.
Dòng chảy cuộc đời vốn là vậy. Đấy cũng chính là biến thiên của Dịch như ông đã từng nói. Chuyển động, chuyển động mãi không ngừng.
Ba ngày sau, khi những cánh hoa đào trong tay ta mờ nhạt dần và biến mất hẳn cũng là lúc cha và mẹ bế ta đến gặp ông ngoại để xin ông cho ta một cái tên.
Ngồi bên án thư, ngẫm nghĩ một lúc, ông đọc một đoạn thơ.
Thái sơn vút cao Như hốt thẳng thắn Sừng Trãi nêu cao Như hốt chắắn... Và ông giảng giải:
- Nhạc phụ của ta, tức cụ cố ngoại của đứa bé này nguyên là quan Nhập nội hành khiểm kiêm Giám nghị Đại phu Trần Thì Kiến. Ngày nhậm chức và được đeo hốt, đức vua Trần Anh Tông có tặng mây câu thơ trên. Ý căn dặn người phải ngay thẳng, chắc chắn như chiếc hốt ngà đeo ngực, đánh kẻ gian bênh người ngay như con tê giác một sừng mà dân gian thường gọi là con thú trãi. Vậy nay ta nghĩ nên cho nó cái tên là Trãi, Nguyễn Trãi, để mong sao sau này nó cũng diệt kẻ gian bảo vệ người ngay như cụ cố của nó vậy.
Ta, Nguyễn Trãi, hiệu ức Trai.
--------------------------------
1 Duơng Nhật Lễ (Hôn Đức Công), kế vị vua Trần Dụ Tông, bị Trần Phủ truất ngôi. |