ho tới tận giây phút đó, chúng ta thậm chí còn không chắc anh ấy vẫn còn sống. Anh nói tên anh ấy như thể đang cố tự thuyết phục bản thân rằng anh đang thực sự nhìn thấy anh ấy, sau ngần ấy năm. “Brandeis.” Anh ấy có vài vết sẹo mới và mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc, và anh ấy vẫn ưa dùng cái chân đã từng không cứng đến thế khi tôi gặp anh ấy lần đầu tại Engelthal. Nhưng nhìn chung anh ấy trông rất mệt mỏi. Những tên lính đánh thuê trẻ vẫn tiếp tục nhục mạ người bán hàng và khuôn mặt của Brandeis để lộ ra một ánh nhìn khinh bỉ xen lẫn chẳng chút ngạc nhiên trước cái cảnh ấy. Anh kéo tôi vào góc khuất sau một quầy hàng. Hầu hết những tên này đều là lính mới và không thể biết mặt anh, nhưng anh cũng không bao giờ có thể cảm thấy thực sự an toàn, không phải với những tên này. Anh đã rút ra một kết luận từ nhiều năm về trước rằng lý do duy nhất sự biến mất của anh không bị điều tra là vì tất cả mọi người, gồm cả Brandeis, đều nghĩ rằng những vết bỏng đã giết chết anh rồi. Khỏi nói anh khao khát nói chuyện với anh ấy đến thế nào. Anh không thể - và sẽ không để cho cơ hội này cứ thế mà qua được, nhưng vấn đề là làm thế nào tới được chỗ Brandeis mà không bị phát hiện. Khi mấy gã trai bắt đầu đấm đá người chủ hàng, anh đã nghĩ mình có thể lẻn vào giữa đám lộn xộn. Tôi tuyệt đối phản đối ý tưởng đó, dù tôi biết có nói thế cũng không cản nổi anh. Ngay khi anh bước tới trước một bước, một người đàn ông khác đã xen vào cảnh đó, và toàn bộ không khí đã thay đổi. Ngay lập tức bọn lính trẻ tránh khỏi người bán hàng, như thể chúng quá sợ làm gì mà không được phép vậy. Điều đầu tiên tôi nhận ra ở người đàn ông là nét tàn nhẫn xảo quyệt hiện rõ trong mắt hắn. Chúng dường như đang cháy bừng ngọn lửa thèm khát bạo lực, như thể hắn nghĩ hỗn loạn tồn tại chỉ để cho hắn cơ hội đạt mục đích. “Hắn là ai?” tôi hỏi. Anh trả lời với giọng lạnh như băng. “Kuonrat Háo Danh.” Cái cách bọn lính khúm núm trước hắn đã thể hiện rõ rằng giờ hắn là chỉ huy của đội lính. Chỉ vài từ và lưỡi gươm kề sát cổ người bán hàng, vấn đề đã được giải quyết. Bọn lính đánh thuê lấy tất cả những gì chúng muốn, và người chủ được phép giữ lại mạng sống. Kuonrat là kẻ anh không bao giờ dám xuất đầu lộ diện trước mặt, nhưng tôi không bị bó buộc bởi những điều đó. Trước khi anh kịp cản, tôi đã bước ra khỏi chỗ nấp và đi thẳng đến chỗ đám đông. Tôi biết anh sẽ không thể theo sau tôi được: việc anh lộ diện có thể còn đặt tôi vào tình thế nguy hiểm hơn là cứ để tôi tự ra tay. Tôi kéo cổ áo rộng ra và đi đến chỗ Brandeis. Đó là một sự liều lĩnh có tính toán. Kuonrat chưa bao giờ nhìn thấy tôi và Brandeis thì khó mà nhận ra tôi, bao nhiêu năm đã trôi qua và tôi không còn mặc quần áo nữ tu. Tôi cố hết sức đóng giả một gái bán hoa, cố cho tất cả mọi người thấy là tôi đang cố mồi chài Brandeis. Đó thực sự là một màn kịch khó đỡ nếu xét đến việc dù không để lộ ra nhưng rõ là tôi đang mang đứa con của anh trong bụng. Vài tên lính rú lên khi tôi ngả người về phía trước để thì thầm vào tai Brandeis - đang ra giá đây, chúng nghĩ. Tôi đã nói thầm hai điều: tên anh, và rằng tôi là nữ tu đã chăm sóc cho anh tại Engelthal. Brandeis giật lùi ra sau, mắt anh ấy nhíu lại nhìn mặt tôi trong khi đang cố lục lọi trí nhớ của mình về tu viện đó. Sau khi đã bình tĩnh lại, anh ấy thông báo với những người còn lại là mình sẽ gặp lại họ sau, và bóng gió nói về một buổi chiều vui vẻ đang chờ phía trước. Cả Kuonrat cũng gật đầu đồng ý và nói, “Có lẽ sau khi đã xong xuôi với anh ta, cô sẽ quay lại đây với chúng tôi.” Cái ý tưởng đó làm tôi phát buồn nôn nhưng tôi chỉ cất tiếng cười “có lẽ” và lôi Brandeis đi. Để anh đoàn tụ với anh ấy ở chốn đông người sẽ là một hành động quá mạo hiểm nên tôi đưa anh ấy về nhà chúng ta, nơi tôi biết anh đang đợi. Brandeis hầu như không thể tin vào mắt mình khi thấy anh vẫn còn sống. “Tôi đã nghĩ… tôi đã tin chắc là… tôi đã quay lại Engelthal một lần, nhưng chẳng ai nói gì với tôi cả…” Tôi mang chỗ bia ngon nhất trong nhà ra và bắt tay vào nấu nướng. Tôi muốn tạo ấn tượng tốt, tôi muốn Brandeis thấy tôi đã chăm sóc cho anh tốt đến mức nào. Anh kể với anh ấy tất cả mọi thứ đã xảy ra trong từng ấy năm, và anh ấy rất bất ngờ trước việc anh có thể gây dựng một cuộc sống như thế. Khi đến lượt mình, Brandeis kể với anh những chuyện xảy đến với đội quân condotta. Rằng nó đã trở nên tồi tệ đến thế nào. Herwald đã bị thương nặng trên chiến trường và Kuonrat là kẻ chém nhát kiếm cuối cùng lên cổ người đàn ông tội nghiệp. Chẳng phải một hành động nhân đạo gì; Kuonrat chỉ đang cố thị uy. Khi hắn thách xem có ai dám phản đối việc hắn làm trưởng đội không, không ai bước ra cả. Kuonrat chỉ thu nhận những kẻ khát máu nhất. Bản năng chiến đấu của chúng rất ác liệt, nhưng những tên lính mới rất ngu ngốc và không có chút tự trọng nào. Quả thực chúng giết được nhiều hơn, nhưng chúng cũng bị giết nhiều hơn. Chúng đánh nhau với sự hăng máu, chứ không phải với trí thông minh, và Kuonrat thì chăn chúng như một gã chủ chăn bầy chó hoang của mình vậy. Chúng chết thì sao, cả nước này không thiếu bọn choai choai thích tỏ vẻ người lớn. Bảo vệ một nguồn lực có thể tự tái tạo là một việc phí thời gian đối với Kuonrat. Và thêm vào đó, hắn cũng hiểu từ kinh nghiệm bản thân rằng cứ ở trong đội đủ lâu thì thỉnh thoảng sẽ lại có vài kẻ thèm khát quyền lực. Bất chấp những cách thức dã man, kết quả Kuonrat thu lại không có gì để bàn cãi. Đội quân trở nên khét tiếng tàn bạo kinh dị và khả năng đánh bại cả những lực lượng lớn hơn chỉ bằng vũ khí là sự hung bạo. Thành công làm hắn bạo gan thêm và bắt đầu suy xét lại tính thực tiễn của việc làm lính đánh thuê. Tại sao, hắn tự hỏi, bọn quý tộc lại được sở hữu đất đai trong khi người bảo vệ chúng lại là đội lính condotta? Tiền đối với hắn giờ không đủ. Kuonrat muốn có nhiều quyền lực hơn. Hắn đang chuẩn bị thôn tính lãnh thổ cho riêng mình. Những năm tháng dưới quyền Kuonrat đã làm khao khát rời khỏi đội lính của Brandeis ngày càng thêm mãnh liệt, nhưng trốn chạy giờ đã gần như là không thể. Vẫn còn đó đạo luật, một khi gia nhập đội, anh sẽ phải ở trong đội đến hết đời, nhưng giờ còn có thêm vài trở ngại nữa. Kuonrat không bao giờ có thể quên được chuyện Brandeis đã đứng lên chống lại hắn như thế nào khi anh bị thương trên chiến trường; hắn luôn tìm cớ để trả đũa. Nếu Brandeis dám cả gan bỏ trốn, Kuonrat sẽ cho những tên truy kích tài ba nhất, những kẻ vừa gan lì vừa độc ác, đi lùng. Dù đê tiện, Kuonrat cũng không phải thằng ngu. Hắn biết mình không thể tự dưng mà tấn công Brandeis được, vì đội vẫn còn một số người lính từ thời trước, những người vẫn coi trọng Brandeis với tư cách là một cung thủ lẫn một con người. Và vì thế, nói chung, Brandeis luôn được để yên. Nhưng hiểm họa thì vẫn treo lơ lửng trên đầu. Thật lạ khi thấy anh ở cùng với một người bạn cũ, người đã cùng anh đối mặt với sống chết trên chiến trường không biết bao nhiêu lần. Brandeis đã chia sẻ một phần đời của anh mà tôi không thể nào hiểu được. Có một sự thân thiết kỳ lạ trong cái cách cả hai người đều cố tỏ ra cứng rắn nhưng cũng không thể giấu hết được sự dịu dàng trong lời nói dành cho nhau. Tôi có thể thấy anh nhớ tới những năm tháng xưa cũ - không phải những trận chiến mà là tình bạn bè. Có những ký ức thật ngộ biết bao; sau đêm hôm đó, có một hình ảnh vẫn được lưu giữ mãi trong ký ức của tôi. Trong bữa ăn, Brandeis giơ tay ra với một cử chỉ hầu như không thể hiểu nổi, nhưng anh vẫn biết là cần đưa nước cho anh ấy. Đó hẳn là một hành động các anh đã lặp đi lặp lại hàng nghìn lần trong những bữa ăn bên đống lửa trại và nó đã không bị lãng quên trong ngần ấy năm xa cách. Chẳng ai trong hai anh có vẻ nhận ra điều ấy cả. Cuối bữa ăn, một sự im lặng nặng nề bao trùm lên hai người. Anh và anh ấy cứ ngồi nhìn nhau chằm chằm, có lẽ đến cả phút, cho tới khi Brandeis nói thành lời. “Tôi không thể tiếp tục sống cuộc sống hiện tại nữa.” “Tôi sẽ giúp anh bằng mọi cách,” anh nói. Nhưng không thể trốn ngay đêm đó được. Nếu Brandeis biến mất, những tên lính đánh thuê sẽ biết phải truy lùng “cô gái bán hoa” đã gặp anh ấy lần cuối. Mọi người quyết định rằng anh ấy sẽ trở về đội condotta và vờ như đã có một khoảng thời gian vui vẻ với tôi rồi. Đội lính sẽ ở lại thành phố thêm vài ngày nữa rồi đi làm nhiệm vụ tiếp theo ở nơi khác. Sau một tháng khi những ngày ở Mainz chỉ còn là một ký ức xa xôi, anh ấy mới có thể đào thoát được. Nếu tất cả mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái, thì đây là một kế hoạch khôn ngoan nhất. Brandeis chẳng có thân thích gì ở Mainz, chẳng có quan hệ ràng buộc với thành phố này theo bất cứ kiểu nào. Ai lại nhớ được buổi chiều anh ấy quan hệ với một ả nào đó cả tháng trước chứ? Thế là kế hoạch được vạch ra. Tại ngưỡng cửa, hai người bọn anh đã đứng ưỡn ngực đúng như hai người đàn ông. Anh ấy vỗ vai anh còn anh đấm vai anh ấy. Tôi ôm ghì lấy anh ấy và hứa sẽ cầu nguyện cho anh ấy được an toàn. Brandeis nói rằng đó quả là một ý hay, và chúc mừng tôi thêm lần nữa về việc tôi có thai. Khi anh ấy nắm tay tôi, tôi có thể cảm nhận được vết sẹo dài trên tay anh ấy, và chỉ khi đó tôi mới nhớ ra anh ấy đã bị bỏng khi cố rút mũi tên ra khỏi ngực anh. Khi anh ấy đi về phía màn đêm, tôi thực sự nhận ra rằng chúng ta đã nợ anh ấy nhiều đến thế nào. Tháng tiếp theo cứ thế trôi đi. Chúng ta có nói về Brandeis nhưng chẳng bao giờ nhiều hơn vài từ một lần, gần giống như hồi chúng ta tránh nói về khát khao có con, như thể chúng ta sợ dại mồm dại miệng vậy. Năm tuần. “Anh có nghĩ…?” tôi hỏi. “Rồi sẽ có lúc anh ấy về,” anh trả lời. Sáu tuần, Brandeis không xuất hiện. Tôi không khỏi lo lắng, và tôi nôn suốt các buổi sáng vì ốm nghén. “Rồi sẽ có lúc anh ấy về,” anh liên tục nói thế. Tôi đã vượt qua được nỗi lo lắng cho sự an nguy của anh ấy - và của cả chúng ta nữa, khi cuối cùng anh ấy trở về thật. Anh liên tục trấn an tôi rằng mọi thứ sẽ ổn thôi, và tôi đã cố hết sức để tin như vậy. Bảy tuần. Tôi đang ở nhà soạn một bản thảo, ngồi bên cạnh cửa sổ, thì một bóng người trùm khăn kín mít đi qua những dãy phố về phía ngôi nhà. Tôi nhận ra cái chân cứng đơ và ngay lập tức biết đó là Brandeis dù anh ấy đã che kín mặt. Chiếc áo chùng của anh ấy phủ đầy những lớp tuyết rơi từ sáng sớm, và đó là một ngày hoàn toàn thích hợp để ăn mặc ấm áp mà không bị nghi ngờ. Không ai có thể băn khoăn nghi ngại gì trước việc một người đàn ông chỉ đang cố giữ ấm thân thể. Tôi để anh ấy vào khi đã chắc chắn không có ai lai vãng trên đường. Anh ấy xì xụp húp xúp và giải thích rằng mình đã đi suốt tám ngày, đi ngược lại rồi đi vòng, tránh các thành phố lớn. Thay vì mua thức ăn, anh ấy giết các động vật nhỏ để không một thương gia nào có thể nhận ra. Anh ấy chắc chắn mình vẫn chưa bị bám theo. Tuy nhiên, tôi và anh ấy không nhắn tin đến chỗ làm cho anh mà đợi anh về nhà như thường lệ. Phải để mọi thứ diễn ra càng bình thường càng tốt. Những ngày đầu tiên sẽ là lúc nguy hiểm nhất. Kuonrat sẽ có thể phái nhóm truy kích giỏi nhất của hắn ngay khi chúng phát hiện ra Brandeis đã biến mất. Hai người các anh luôn cảnh giác canh chừng cửa sổ, cây cung không lúc nào rời khỏi tầm tay. Brandeis đã mang hai cây cung theo mình, một là của anh ấy và một anh ấy trộm cho anh. Các anh thay nhau thức canh, và Brandeis thậm chí còn không dám dỡ hành lý ra. Tất cả những chuyện này đều quá đáng sợ, hơn cả những gì tôi có thể tưởng tượng. Nếu xảy ra chuyện gì xấu - dù tôi vẫn luôn mong là không, dĩ nhiên - tôi sẽ phải chịu trách nhiệm không chỉ với bản thân mình mà còn cả đứa con trong bụng nữa. Tôi nói rằng tôi không hiểu vì sao Brandeis lại có thể bị lần ra trong một đất nước rộng lớn như thế. Khi tôi nêu ý kiến này lên, hai người các anh nhìn nhau không nói câu gì. Ánh mắt đã nói lên tất cả. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Hàng tuần đã trôi qua mà chẳng có kẻ nào đến lùng sục. Các anh bắt đầu ngủ trong đêm, dĩ nhiên là sau khi đã mắc chuông vào góc cửa ra vào. Cuối cùng anh cũng quyết định là đã đến lúc để Brandeis mạo hiểm đi ra khỏi nhà. Dĩ nhiên là vẫn phải kéo mũ trùm đầu lên. Không một bóng dáng khả nghi nào ẩn hiện trong bóng tối, vì thế một tuần sau Brandeis đã bắt đầu theo anh đến các công trình xây dựng. Sự giới thiệu của anh đủ để kiếm cho anh ấy việc lao động chân tay. Anh ấy làm việc chăm chỉ và ăn trưa cùng anh nhưng luôn tránh xa những người khác. Không ai hỏi nhiều; với những đồng nghiệp của anh thì anh ấy cũng chỉ là một người thợ không lành nghề khác mà thôi. Chẳng bao lâu sau, chúng ta đã quyết định sẽ tìm cho anh ấy một căn nhà riêng vì tôi bắt đầu giật mình thức dậy trong đêm với những cơn co thắt. Một chút riêng tư sẽ tốt cho tất cả mọi người. Chúng ta có rất nhiều bạn nên việc tìm nhà chỉ là vấn đề cỏn con, ngôi nhà nằm cách vài con phố bên ngoài khu Do Thái. Tôi cương quyết đòi trả tiền đặt cọc bằng tiền kiếm được từ việc kinh doanh của tôi, và khi tất cả mọi việc đã xong xuôi, chúng ta đã quyết định tự cho phép mình tổ chức một buổi ăn mừng đúng nghĩa. Không phải vì hai người các anh hoàn toàn tin đây là một cuộc đào thoát thành công, mà vì các anh rất mong muốn được coi đây có vẻ như một cuộc đào thoát thành công. Đó là một bữa tiệc hoành tráng, và anh đã rất hạnh phúc vì cuối cùng cũng có thể nghĩ rằng mình đã trả nợ được cho anh ấy. Sức khỏe của tôi khá tốt và quần áo tôi bắt đầu chật hết cả, việc thai nghén có vẻ diễn ra rất thuận lợi. Có một lần đứa bé đạp bụng tôi trong bữa ăn và anh đã bắt Brandeis phải đặt tay anh ấy lên bụng tôi. Anh ấy hơi do dự nhưng khi tôi trấn an rằng tôi sẽ rất vui nếu anh ấy làm thế, anh ấy đã dè dặt đặt bàn tay lên đó. Khi anh ấy nhận thấy sự chuyển động bên dưới, anh ấy giật ngay tay lại và trợn tròn mắt nhìn tôi đầy ngạc nhiên. “Tất cả những điều này là nhờ anh,” anh nói với Brandeis. “Sinh mạng này có được là vì anh đã cứu tôi.” Nói xong, tất cả chúng ta cùng nâng cốc chúc mừng việc mọi người đều đã thoát khỏi cuộc sống cũ để bước vào một cuộc đời mới tốt đẹp hơn. Nhưng người ta không bao giờ được phép đếm cua trong lỗ. Ngay ngày hôm sau, trong khi Brandeis đang thu dọn nốt đồ đạc còn lại ở chỗ chúng ta, một người Beguine đã hộc tốc chạy đến. Tôi hiểu đây không phải dấu hiệu tốt lành gì, vì trước đó tôi chưa bao giờ thấy ai trong số họ chạy hết. Cô ấy đặt tay lên đầu gối và thở hổn hển một lúc trước khi đủ sức thốt ra rằng có một toán người - “bọn mọi rợ, nhìn đã biết” - đang tra hỏi quanh chợ để tìm một người đàn ông có nhân dạng giống Brandeis. Rõ ràng Mainz không rộng lớn như tôi tưởng. Dù chúng ta đã hết sức cẩn thận để giấu tung tích vị khách, ngay cả những người Beguine cũng biết rằng anh ấy đang ở cùng chúng ta. Họ cũng đủ hiểu rằng đưa thông tin này cho những kẻ lạ mặt không phải một việc khôn ngoan gì, nhưng chẳng chóng thì chày ai đó sẽ nói mà không nghĩ đến hậu quả cho coi. Brandeis hỏi vài câu về “bọn mọi rợ”, và những câu trả lời của người Beguine đã khẳng định mọi nghi ngờ. Những gã này rõ ràng là toán truy kích được đội quân condotta phái đến. Cho tới tận hôm nay, tôi vẫn không thể biết tại sao bọn chúng có thể tìm được anh ấy, nhưng bằng cách nào cũng chẳng quan trọng. Điều quan trọng duy nhất là Mainz giờ không còn là nơi an toàn nữa rồi. Brandeis đề nghị sẽ trốn chạy một mình, để lại dấu vết đủ rõ để bọn truy kích bỏ qua chúng tôi. “Chúng chỉ đi tìm tôi thôi. Anh có một cuộc sống tốt đẹp ở đây, vì thế đừng…” Anh đã không để anh ấy nói hết câu. Danh dự của anh không cho phép việc đó. Anh nói rằng bọn truy kích kiểu gì cũng tìm được chỗ chúng ta dù chúng ta có làm gì đi nữa, và khi - khi chứ không phải nếu nữa, khi - chúng tìm ra, rất có khả năng một trong số chúng sẽ nhận ra anh. Chúng sẽ sung sướng đến phát điên, nếu cử một đội truy lùng đi tìm một kẻ đào tẩu để rồi cuối cùng bắt về được hai. Điều đó sẽ làm Kuonrat cực kỳ thỏa mãn, và thông điệp sẽ trở nên thật rõ ràng: dù một người lính đã thành công trong việc đào tẩu hàng bao năm và đã bị coi là chết rồi đi nữa thì cuối cùng cũng vẫn sẽ bị lần ra. Cả anh lẫn Brandeis đều cương quyết không cho tôi theo - vì tôi đã có mang gần đến tháng cuối rồi, vì tôi sẽ cản trở các anh, vì đi lại sẽ làm ảnh hưởng đến đứa trẻ. Tôi bác lại rằng ở lại Mainz còn nguy hiểm hơn, nơi bọn truy đuổi sẽ lùng ra tôi và làm mọi cách để moi cho được thông tin. Tóm lại, tôi nói, tranh luận thế nào đi nữa cũng không quan trọng. Tôi sẽ không ở lại đâu, và nếu các anh không chịu cho tôi đi cùng, tôi cũng vẫn sẽ đi theo thôi. Phải, tôi đang có mang, nhưng tôi vẫn có thể tự đi được và tôi cũng nợ Brandeis nhiều như anh nợ anh ấy thôi. Kết luận, nếu tôi và anh lạc nhau lúc này, chúng ta có thể gặp lại nhau ở đâu được chứ? Việc chúng ta sống ở Mainz đã bị bại lộ và chúng ta không thể trở lại sống như cũ được nữa. Tôi nói rằng chính vì tôi đang mang thai nên tôi càng phải ở với anh, còn hơn là chịu cảnh ly biệt mãi mãi. Tôi bác tất cả ý kiến của các anh đi và thắng thế vì chẳng còn thời gian đâu mà tranh luận. Vì thế chúng ta nhanh chóng sắp dọn đồ đạc, chỉ những thứ đáng giá nhất, và chuẩn bị rời đi càng sớm càng tốt. Tôi gói cuốn Địa ngục cùng cuốn kinh cầu nguyện của Paolo, và khi anh không chú ý tôi đã luồn vội bức tượng Morgengabe vào túi của tôi. Anh chắc chắn sẽ không cho phép mang một vật nặng như thế, nhưng tôi quá trân trọng nó đến nỗi không nỡ bỏ nó lại. Tôi cũng xếp cả bộ quần áo nữ tu của mình vào nữa, vì tôi đã nhận ra rằng nó có thể dùng làm đồ cải trang rất tốt. Chúng ta cầm theo tất cả số tiền dành dụm cho một ngôi nhà chúng ta đã không bao giờ mua, và anh cùng Brandeis đi mua ba con ngựa tốt. Tôi bán tất cả chỗ gia vị và sách cho bất cứ ai muốn mua, dù do quá gấp gáp nên tôi gần như không thu được gì. Chỉ vài giờ sau khi người Beguine tới nhà, chúng ta đã lên đường rời khỏi Mainz. Tôi đeo cái túi, trong khi hai người các anh chỉ mang theo cung tên và quần áo. Cuộc sống chúng ta bỏ hàng bao năm gây dựng đã kết thúc, chỉ đơn giản như thế. Ngay cả khi khỏe mạnh tôi cũng không phải người cưỡi ngựa giỏi và việc thai nghén làm tôi càng khó xoay xở. Cả khi chúng ta đã ra khỏi thành phố, anh vẫn không ngừng khuyên tôi nên đi theo lối khác. Ba dấu chân ngựa đi theo cùng một hướng sẽ dễ bị phát hiện hơn những dấu chân đi theo hướng ngược nhau, anh lý luận thế. Tôi chẳng chịu nghe và vặc lại rằng điều tốt nhất chúng ta có thể làm bây giờ là chạy càng xa càng tốt. Chúng ta đã chạy liên tục cho tới khi những con ngựa kiệt sức không thể đi tiếp được nữa. Lưng tôi đau nhói, những cơn đau chạy dọc suốt sống lưng tôi theo mỗi tiếng vó ngựa, rồi lan khắp bụng dưới. Nhưng tôi kiên quyết không phàn nàn, vì tôi được ở bên anh. Chúng ta tìm được một nhà trọ nhỏ và tôi được cử đi thương thuyết với người chủ trọ, vì các anh càng ít bị nhìn thấy bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Trước khi chúng ta đi ngủ trong cái đêm trốn chạy đầu tiên ấy, tôi có hỏi rằng chúng ta sẽ đi về đâu. Brandeis trả lời, “Không có đích đến thì tốt hơn. Nếu chúng ta biết mình định đi về đâu, những kẻ truy kích cũng sẽ biết.” Tôi không hiểu tại sao chuyện đó có thể là thật được, nhưng tôi đã quá mệt mỏi để tiếp tục tranh luận rồi. Trong những ngày tiếp theo chúng ta sẽ cưỡi ngựa đi càng xa càng tốt miễn là tôi vẫn chịu được và rồi sẽ kiếm một phòng trọ, không ai trong số chúng ta dám mạo hiểm ra ngoài trừ lúc tôi đi tìm thức ăn. Chẳng mấy chốc chuyến đi đã khiến tôi kiệt quệ. Ngực tôi đau nhói và chứng chuột rút ở chân ngày càng nặng thêm, cơ nơi lồng ngực của tôi căng ra làm tôi đau như xé. Tôi biết tôi đang làm chúng ta chậm lại, tất cả chúng ta đều thấy vậy, và chuyện này càng đổ thêm dầu vào những cuộc tranh luận càng lúc càng thường xuyên hơn giữa chúng ta. Anh chỉ ra rằng việc tôi cứ chốc chốc lại đi vệ sinh không những làm chúng ta chậm lại, mà còn giúp bọn chúng dễ lần theo. Anh thậm chí còn dọa sẽ bỏ tôi lại nhưng, dĩ nhiên, anh nào dám làm thế. Chúng ta đi tắt qua những thung lũng sau lưng các thành phố và trong cơn bấn loạn chúng ta bắt ngựa chạy băng qua những dòng suối băng giá và những vùng đất đá lởm chởm lồi lõm. Những con ngựa cuối cùng đã không thể tiếp tục giữ tốc độ chúng tôi cần, chúng đã hoạt động quá sức mà không được nghỉ ngơi đầy đủ. Khi chúng kiệt sức, chúng ta bán chúng lấy những con ngựa mới. Những kẻ truy kích cũng sẽ buộc phải làm như thế hoặc bị bỏ lại đằng sau thôi. Dù luôn ngoái lại đằng sau, tôi không bao giờ thấy bọn truy kích. Tôi muốn tin rằng chúng ta đã bỏ xa bọn chúng. Nói thật, tôi nghĩ bọn chúng chẳng thể tiếp tục lần theo dấu của chúng ta, với tất cả những mánh lới chúng ta đã sử dụng trên đường. Nhưng nghĩ lại, chúng đã tìm ra Brandeis ở Mainz. Tôi thực sự không hiểu được khả năng của chúng nhưng hai người các anh đã từng sống với loại người này, vì thế tôi buộc phải tin nỗi sợ của các anh là thật. Các anh cứ không ngừng thúc bản thân và tôi tiến về phía trước với một tốc độ khủng khiếp. Mỗi ngày trôi qua lại làm tăng thêm nỗi sợ của tôi rằng chuyến đi sẽ ảnh hưởng xấu đến con chúng ta - liệu nó có làm em bé ra đời sớm quá không? Tôi luôn phải tự thuyết phục bản thân, hết giờ này đến giờ khác, rằng việc thoát khỏi bọn truy lùng xứng đáng với bất cứ sự mạo hiểm nào. Trong những giây phút hiếm hoi tôi không lo lắng quá về đứa trẻ, tôi củng cố niềm tin của mình bằng việc nhớ lại cách anh mua cho chúng ta một chỗ ngồi trên chiếc xe chở lợn khi chúng ta mới vừa rời khỏi Engelthal. Tôi cố gắng thuyết phục bản thân rằng tình trạng hiện tại của chúng ta chỉ là một thử thách nữa chúng ta phải vượt qua để được sống một cách trọn vẹn, và ít ra thì cũng không có mùi hôi của lợn. Nhưng sau một tuần, tôi đã không thể đi thêm được nữa. Anh và Brandeis vẫn chịu đựng được, nhưng tôi cầu xin được nghỉ. Chúng ta đã đi nhiều dặm đến nỗi chắc chắn là nghỉ một ngày cũng không sao. Anh đồng ý. Không phải vì đã an toàn, mà vì đã đến lúc phải lập một kế hoạch. Tôi không quan tâm là tại sao. Tôi sẽ nghỉ với bất cứ lý do gì. Chúng ta đã đi đường vòng để làm rối bọn bám đuôi nhưng kết quả không như mong đợi, chúng ta chưa đi được bao xa khỏi nơi khởi hành. Chúng ta thấy rằng mình đã gần đến Nürnberg, đó là một điều khá thuận lợi bởi thành phố đó đủ lớn để chúng ta có thể trốn thêm vài giờ nữa. Chúng ta tìm một quán trọ và hai người các anh lại ngồi xuống để bàn bạc bước tiếp theo. Có lẽ chúng ta sẽ đi lên phía Bắc, tới Hamburg, hoặc có lẽ đi ra phía Đông sẽ an toàn hơn, đến Bohemia hoặc Carinthia. Thậm chí còn bàn cả về việc sẽ đến Ý nữa. Các anh biết vài câu tiếng Ý căn bản, và tôi có thể làm phiên dịch cho hai người. Bọn truy đuổi chúng ta sẽ khó mà đoán ra nơi đó và thậm chí nếu có đoán ra được, Kuonrat cũng sẽ phải bỏ một nguồn nhân lực và vật lực lâu dài nếu muốn tiếp tục săn đuổi chúng ta tới tận một nước khác. Chúng ta chỉ định ở lại Nürnberg một ngày thôi, nhưng sức khỏe của tôi không cho phép. Trong ba ngày liền, tôi quá đau đớn nên không thể tiếp tục cuộc hành trình. Tim tôi đập thình thịch liên hồi và tôi luôn bị hụt hơi. Tôi thèm ăn đến không thể kiềm chế nổi. Tôi thèm ngủ, nhưng trí óc tôi đã mê man trước cả khi kịp mắt nhắm. Tôi bị động thai và cuối cùng, một cách miễn cưỡng, tôi phải thừa nhận rằng anh đã đúng: tôi quá yếu để có thể tiếp tục. Quyết định được đưa ra; tôi sẽ được đặt vào bàn tay chăm sóc của nhà thờ gần đấy. Anh đưa cho tôi một nắm tiền, đủ để trả cho việc chăm sóc tôi cho đến lúc sinh nở, và khi anh tin rằng mình đã đào thoát thành công, anh sẽ quay lại đón tôi. Kế hoạch đã được lập; anh cho tôi ngủ thêm một đêm nữa trước khi bắt tay vào hành động. Tôi hỏi anh sẽ đi đâu sau khi để tôi ở lại, nhưng thậm chí cả điều này anh cũng không nói với tôi. “Không biết đích đến thì tốt hơn…” Tôi khóc suốt cho tới khi ngủ thiếp đi vào tối hôm đó, với anh ở bên vuốt tóc tôi và an ủi tôi rằng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp cả thôi. Định mệnh, tuy nhiên, lại có một kế hoạch khác. Đến nửa đêm thì có hàng loạt tiếng đập thình thịch vào cánh cửa nhà trọ của chúng ta, làm đống đồ đạc anh dùng để chặn cửa rung lên bần bật, và ngay lập tức mọi thứ trở nên rõ ràng, chúng ta đã bị phát hiện. Đường thoát duy nhất là qua cửa sổ, dù chúng ta đang ở trên tầng hai, cách mặt đất khoảng năm mét. Tôi cố gắng nâng mình ra khỏi giường nhưng không thể, và anh phải dùng cả hai tay để xốc tôi dậy. Khi tôi đã thở lại bình thường, Brandeis thu dọn chỗ túi xách; anh nghển cổ ngó ra ngoài khung cửa sổ để xem có kẻ nào bên dưới không, và hất tay cảnh báo mọi người lùi lại. “Cung,” anh ra lệnh. Brandeis chộp lấy cây cung và lắp tên sẵn vào cho anh. Ngay khi sợi dây đã được kéo căng, anh ấy đặt nó vào tay anh và anh bắn thẳng mũi tên qua cánh cửa sổ. Tiếng tên xé gió bay vụt đi và rít lên khi nó đâm vào một vật cứng. Anh lại đưa tay ra hiệu rằng đường đã thông và nhảy khỏi cửa sổ trước. Không phải do anh thiếu lịch thiệp, mà vì phải có người đỡ tôi xuống. Phía sau chúng ta, tiếng cánh cửa vỡ ra dưới những nhát rìu. Dù nguy hiểm đã cận kề ngay trước mặt, tôi vẫn đông cứng lại trước cái cửa sổ. Cú rơi là quá sức của tôi, quá nguy hiểm cho đứa bé. Brandeis đứng giữa tôi và cánh cửa ra vào, thét gọi tôi nhảy xuống. Nhưng tôi cứ đứng yên bất động, nhìn xuống cánh tay dang rộng ở phía dưới của anh, cho tới khi tôi nghe thấy giọng Brandeis vang lên từ phía sau - “Marianne, tôi xin lỗi” - khi anh ấy đẩy tôi qua khung cửa sổ mở toang. Tôi ôm bụng rơi xuống và anh hứng toàn bộ sức nặng từ cú rơi của tôi bằng cách lăn xuống tuyết khi anh bắt được tôi. Tôi nghe thấy tiếng quát tháo phía trên; vài giây sau, Brandeis bắn ra khỏi cửa sổ. Cách anh ấy rơi có gì đó rất lạ, nhưng hầu hết tất cả sự chú ý của tôi đều tập trung vào tên lính nằm chết ngắc trên đường. Mặt hắn bị vùi trong một vũng tuyết bẩn, cổ thì ngoẹo thành một góc quái dị vì bị mũi tên cắm xuyên qua. Rồi tôi nhận ra rằng tuyết không hề bẩn, mà đỏ quạch vì dòng máu nóng vẫn còn đang ọc ra từ cổ hắn. Anh đẩy tôi về phía lũ ngựa và điều tôi biết tiếp theo, chúng ta đang phóng ngựa vụt qua những con phố của Nürnberg. Anh và Brandeis ở bên cạnh tôi, điều khiển ngựa của tôi và quyết định đường đi của tôi. Kiệt sức và sốc trước vụ tấn công, tôi gần như vô dụng. Tôi nhìn con ngựa của mình vừa thở phì phò vừa hùng hục chạy, suốt dọc đường cứ nghĩ mãi về người đàn ông nằm trên đường không bao giờ có thể hít thở được nữa. Cái cách hắn chết làm tôi cảm thấy bối rối, cái cách anh giết hắn không cần suy nghĩ, không cần ngần ngại. Tôi đã nhìn vào khuôn mặt anh khi anh bắn mũi tên đó, và tôi đã không mảy may nghĩ rằng mục tiêu lại là một con người. Môi anh mím chặt, mắt anh nhíu lại, và những ngón tay của anh không chút do dự. Anh hít nhanh một hơi trước khi kéo dây cung nhưng không phải để vững tinh thần, chỉ để vững tay anh thôi. Tất cả chỉ xảy ra trong... bao lâu nhỉ? Một giây? Ít hơn? Đây thực sự có phải là thời gian vừa đủ để giết một người không? Chúng ta vừa đến ranh giới thành phố thì tôi để ý đến phía sau lưng con ngựa của Brandeis. Con ngựa thực ra không có vẻ gì là đang hất anh ấy xuống cả; đúng hơn, Brandeis chỉ đang ngồi lệch về phía sau mà thôi. Con vật phì ra một tiếng rên rỉ và cứ xoay đi xoay lại, như thể nó bị mất phương hướng vì người cưỡi không còn ở đó nữa. Máu ở khắp mọi nơi, trên tuyết, ở hai bên sườn con ngựa, dọc suốt chân của Brandeis. Quần anh ấy bị rách toạc một mảnh và có một vết thương ngoác miệng ở phía đùi trên nơi da toác ra như nụ cười của một con quỷ, miệng ngập ngụa máu. Mặt anh ấy tái xanh lại, môi run lên. “Một tên trong bọn chúng ném rìu. Nó trúng vào chân tôi khi tôi đang nhảy ra khỏi cửa. Tôi xin lỗi.” Tôi đặt tay mình lên trán anh ấy, nó lạnh quá, ướt quá. Tôi không thể hiểu nổi vì sao anh ấy có thể ngồi lâu trên lưng ngựa được đến như thế. Anh rửa vết thương bằng một nắm tuyết, và một vũng nước hồng hồng dần bám xung quanh miệng vết thương đang sủi bọt. Anh bảo lấy ít vải, vì thế tôi lấy ra cái đầu tiên tôi tìm được trong chiếc túi xách của mình. Bộ quần áo nữ tu của tôi. Lẽ ra tôi phải tìm một thứ gì đó khác nhưng tôi đang quá sốc, tôi nghĩ thế, mà nó thì ở trên cùng. Anh xé nó thành một dải vải đủ để băng bó và buộc vết thương. Anh đuổi con ngựa của Brandeis về hướng ngược lại bằng cánh đánh cho nó một phát, hy vọng rằng nó có thể làm mồi nhử, và nhấc Brandeis ra khỏi đống tuyết. Anh nhắc tôi nhớ rằng bọn truy kích vẫn còn ở phía sau, nhưng giờ chắc chúng đang tức giận lắm, rồi anh kéo Brandeis đặt lên ngựa của anh và để anh ấy tựa vào lưng anh. Anh quàng tay anh ấy vào người mình và buộc hai bàn tay anh ấy quanh eo mình. “Engelthal không còn xa nữa. Cả lính đánh thuê cũng phải kính trọng ngôi nhà của Chúa.” Bụng tôi quặn lại vì tôi không hề muốn trở về Engelthal. Nhưng tôi cũng hiểu tình hình nguy ngập đến thế nào và tôi cố nuốt hết mọi câu phản đối có thể tuôn ra khỏi miệng. Brandeis cần phải được chữa trị ngay lập tức, vì thế chúng tôi vội vã chạy về hướng tu viện. Anh ấy vắt vẻo sau lưng anh như một con bù nhìn bị nhồi quá tay rồi ném ra cánh đồng đuổi quạ. Ngựa của anh khổ sở vì phải chở nặng nên chúng ta không thể đi nhanh được, nhưng anh cố hết sức thúc nó đi càng nhanh càng tốt. Chúng ta bỏ đường vòng và chọn đường chính dẫn thẳng đến tu viện, vì chẳng còn thời gian mà lén lút nữa. Chúng ta không thể dừng lại kiểm tra vết thương của Brandeis và tôi vẫn phải chống chọi với quả tim đang đập thình thịch trong ngực mình. Trong khi cưỡi ngựa, tôi hỏi anh câu hỏi mà tôi không thể đừng được nữa. “Làm sao anh bắn trúng được người đó vậy? Xuyên thẳng qua cuống họng?” “Anh đã ngắm vào ngực hắn ta.” Cách anh nói mới bàng quan làm sao, và giọng anh khiến tôi hiểu rõ rằng cuộc nói chuyện đến đây là kết thúc. Khi bắt đầu nhận ra đường cũ, tôi chỉ cho anh con đường dễ đi nhất. Đến cổng Engelthal, tôi khó nhọc xuống ngựa và gọi cửa. Thành khẩn xin vào có vẻ tốt hơn cho chúng ta, hơn nữa, để tháo Brandeis ra khỏi người anh cũng mất rất nhiều thời gian. Xơ Constantia là người ra mở cửa, và ánh mắt bối rối lập tức hiện lên trên khuôn mặt cô. “Xơ Marianne?” Tôi giải thích tình thế của chúng ta cho cô ấy và tôi có thể thấy cô cứ chốc lại liếc anh, nhận ra rằng anh chính là người lính bị bỏng cô đã chăm sóc nhiều năm về trước. Khi cuối cùng cũng cất tiếng được, xơ Constantia nói, “Bình thường thì… bình thường thì, tôi sẽ để mọi người vào… chuyện này chẳng bình thường chút nào.” Ánh mắt cô chúi xuống, gần như là xấu hổ, nhìn vào cái bụng căng phồng của tôi. Tôi không thể hiểu nổi sự do dự đó là vì sao. Dù người ta có đồn đại gì đi nữa về sự biến mất của tôi, chúng ta cũng phải cần được che chở nếu không Brandeis sẽ chết mất. Tôi ra hiệu về phía anh ấy để thêm phần thuyết phục. Tôi thấy xơ Constantia đã nhận ra đống vải đầy máu buộc xung quanh chân anh ấy là những phần còn lại của bộ áo nữ tu của tôi. “Nếu chị không thể để chúng tôi vào,” tôi nài nỉ, “hãy gọi mẹ Christina. Bà sẽ không để người đàn ông này phải chết đâu.” “Tu viện trưởng đang ở Nürnberg và sẽ không quay trở lại chóng vậy đâu. Xơ Agletrudis đang làm quyền tu viện trưởng thay bà. Tôi sẽ gọi xơ ấy.” Trước khi quay vào trong tu viện, xơ Constantia nói thêm một điều nữa. “Nhưng xơ ấy vẫn chưa tha thứ cho việc cô phá hoại phòng viết đâu.” Tôi chẳng hiểu xơ Constantia nói thế là có ý gì, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng mình sẽ biết điều đó khi Agletrudis đến.