ĐỨC THU TÂM VỚI NHÂN CÁCH Bàn vấn đề rèn nhân cách mà chẳng đề cập đến thu tâm thì chắc chắn chúng tôi không khỏi bị bạn khiển trách ít nhiều. Bạn có lý. Trong xã hội, khi nào người ta nói ông kia, bà nọ, nhân cách khả ái thì người ta hiểu ngầm rằng các kẻ ấy khéo léo thu tâm. Chúng ta không thể hiểu được thứ người gọi là “có nhân cách” mà ở đời ai cũng ghét hay chỉ thích sống một mình một cõi như Robinson Crusoé của Daniel de Foe. Là một phần tử xã hội, người có nhân cách phải có nghệ thuật làm cho kẻ khác quý mến mình, để nhờ đó mà mình ảnh hưởng lại họ, nhờ họ giúp mình xây dựng hạnh phúc, thành công. Chúng tôi đồng ý với bạn một điều là: ở đời không làm sao có tình cảm với hết mọi người được. Quan sát xã hội, bạn thấy có nhiều người tự nhiên có tính tình tốt đẹp, nhiều người tự luyện có nghệ thuật “đắc nhân tâm”. Cả hai dạng người này cố gắng gieo thiện cảm. Nhưng rồi cũng chỉ có một số người nào đó mình thích họ một cách thành thật thôi. Nhờ nội quang, bạn hãy kiểm điểm đời tư của bạn lại đi, bạn cũng thấy nhiều lúc cố gắng làm đẹp lòng kẻ xung quanh lắm, song rút cuộc vẫn có một số người nghi kỵ bạn, có ác cảm với bạn. Điều đó tưởng như dễ hiểu. Nhưng có nhiều hoàn cảnh mà đối với nhiều người, ta nhất định không gây thiện cảm với họ bằng cách theo ý kiến họ. Là một nghị sĩ quốc hội, tuy luôn sử dụng lối ngoại giao, nhưng nhiều khi bạn phải cứng rắn bài xích một đôi ý kiến đi nghịch vận mệnh quốc gia và tổn hại quyền lợi quốc dân chứ. Bạn đâu nên vì muốn gây thiện cảm mà tán thành những điều sái quấy lạc lầm. Vậy chúng tôi đồng ý với bạn rằng trong cuộc giao tế xã hội, ta không làm sao mua được thiện cảm ở hết mọi kẻ. Có người nói: Cho đặng có thiện cảm với bất cứ ai thì phải tư tưởng hành động như hết mọi người. Đó là một quan niệm xử thế chí ngu và hoàn toàn đem lại tai hại. La Bruyère nói: “Hành động như ai nấy, đó là một châm ngôn ngu xuẩn thường có nghĩa là làm tệ”. Ở mọi thời gian, không gian có người xấu, chuyên làm những điều sái quấy. Nhẹ dạ mà coi ai cũng là thăng mực để mua thiện cảm là vô tình tạo cho mình ác cảm liên miên. Tuy không tránh khỏi một số người có ác cảm với ta, song nhờ sự cố gắng tự giao luyện về tính tình và áp dụng những bí quyết đặc biệt của “thuật thu tâm”, bạn có thể gây thiện cảm ở nhiều người chung quanh. Mỗi tính khí của chúng ta đều mang chất “duy kỷ” chật hẹp. Ai trong chúng ta cũng đều muốn thiên hạ tìm đến mình, vui vẻ giao tiếp với mình, kính trọng mình, cho mình quan hệ và ngợi khen tài đức của mình. Song chính chúng ta, chúng ta hay thu bản ngã mình vào cái vỏ cứng cá nhân ích kỷ. Chúng ta thấy khó chịu làm sao khi mở lòng mình ra để giao thiệp với kẻ khác. Thường chúng ta hay quạu quọ, buồn rầu, ăn nói cộc cằn. Nhiều lúc bị thất bại, nhờ anh em bạn khuyên nên đắc nhân tâm, chúng ta có ý phục thiện. Nhưng sau một thời gian, chúng ta cũng lục tục trở về cái “tháp ngà” bản ngã ích kỷ của chúng ta. Và chúng ta gieo ác cảm nữa, thất bại nữa... Vậy, bây giờ muốn có thiện cảm với người, chúng ta phải gia tâm thực hành nghệ thuật thu tâm. Nhờ nó, chúng ta biết lúc nào phải xử đối làm sao để chinh phục lòng thiên hạ. Vấn đề quan hệ là biết: Bạn còn nhớ chuyện này trong Liệt Tử không? Tử Hạ ngày kia hỏi Khổng Tử về hạnh kiểm của Nhan Hồi, Tử Cống, Tử Lộ, Tử Trương, Khổng Tử nói: “Nhan Hồi nhân hơn ta, Tử Cống mau mắn hơn ta, Tử Lộ anh dũng hơn ta, Tử Trương nghiêm hơn ta”. Tử Hạ nghe Khổng Tử nói, ngạc nhiên hỏi tiếp: “Thế thì sao các bậc ấy đều là học trò của thầy?”. Khổng Tử từ từ đáp: “Nhan Hồi nhân mà không biết bất nhân, Tử Công mau mắn mà không biết chậm chạm, Tử Lộ anh dũng mà không biết nhu nhược, Tử Trương nghiêm mà không biết bất nghiêm. Tất cả tài năng của các kẻ ấy đổi cái ta có thể không đổi. Vì thế ta là thầy họ”. Cái biết nên làm, không nên làm, Khổng Tử nói mấy chục thế kỷ trước, ngày nay trong đạo xử thế vẫn cần như cá cần nước. Người có nhân cách phải biết khi nào phải dùng bí quyết gì để thu phục tâm hồn đứa tiểu nhân, khi nào phải dùng mánh lới nào để dẫn dụ người quân tử. Thu tâm cũng có năm bảy đường, chớ không phải gặp ai trong lúc nào cũng sử dụng một miếng mà thành công. Tiếc thay, cái thuật “biết” và “không biết” để thu tâm, chúng ta có ít cơ hội để học quá! Vấn đề xử thế, như hơn một lần chúng tôi đã có nói, vô cùng quan trọng cho con người, mà cơ hồ gia đình và học đường không mấy để ý giáo luyện cho chúng ta. Những bậc có phận sự giáo dục chúng ta chắc dư biết rằng ngày nào trên hoàn vũ này không còn ai thì thôi, chứ còn chỉ hai người thì ngày ấy vẫn cần có sự giáo dục về phép xử thế. Chúng tôi tin chắc họ biết vậy. Nhưng trong gia đình, cha mẹ, anh chị chúng ta không đủ thì giờ, không đủ cơ hội, phương thế để dạy cho chúng ta. Ở học đường thì có lẽ tại chương trình bắt buộc quá nặng. Kịp khi bước chân ra đời, chúng ta phải vật lộn với cuộc sinh nhai. Việc thu tâm cần quá. Chúng ta phải mua nó với một giá rất đắt: trả bằng thất bại. Thiệt tội nghiệp chúng ta! Và nếu trên đời, chúng ta không biết lo tự luyện thì sao? Thiếu gì kẻ chung quanh chúng ta đang ở trong hoàn cảnh đáng tiếc ấy. Họ giàu sang, có chức quyền cao, học rộng, đầy duyên sắc nhưng ăn ở cách đáng ghét. Giữa xã hội, họ là một mũi gai nhọn khiến ai cũng phải bực mình. Thiên hạ coi rẻ như bèo vì nhân cách của họ là một con số rỗng. Có hạng người khác cũng bị khinh như họ là hạng đắc nhân tâm giả dối. Hạng này coi việc thu phục tâm hồn kẻ khác như một cạm bẫy để lợi dụng những người dễ bị ảnh hưởng, bị dẫn dụ, bị chỉ huy. Trong tâm hồn họ, nhiều khi đầy ghen ghét, oán thù, mỉa mai, nhưng bên ngoài họ tỏ ra ngọt dịu, thân thiết, thành thật. Sau cùng họ bị “lột mặt nạ” và bị kẻ khác coi như thứ thù địch không đội trời chung. Lối thu tâm của kẻ ấy là lối thu tâm phản nhân cách. Nó hạ phẩm giá con người, làm cho con người coi rẻ lương tâm, coi rẻ kẻ khác, làm cho thiên hạ mất tín nhiệm nhau, nghi kỵ nhau, không còn mến phục nhau. Đức thu tâm mà chúng tôi muốn bạn tự lập cho mình ở đây phải căn cứ trên đức bác ái chính hiệu. Nhân đức này một khi chín muồi trong tâm hồn ta rồi, được chảy tràn ra bằng những lời nói cử chỉ, thái độ, hành vi, tự nhiên đắc nhân tâm mà không cần mánh lới, không cần điệu bộ máy móc, bịp bợm đáng khinh. II BÍ QUYẾT LUYỆN ĐỨC THU TÂM 1. Đừng giả dối. Abraham Lincoln nói: “Bạn có thể lường gạt mọi người trong một thời gian và lường gạt vài người luôn mãi, song bạn không thể lường gạt luôn mãi hết mọi người”. Trong đạo xử thế, cách riêng trong việc “thu tâm”, xin bạn hãy coi câu này như một câu thánh kinh. Giao tiếp với người, muốn chiếm đoạt lòng người, xin bạn cương quyết đừng khi nào giả dối. Dù bạn có cả một nghệ thuật bịp bợm đi nữa, sau cùng, bạn cũng bị thiên hạ “lột mặt nạ” và những thiện cảm xây dựng từ trước sẽ biến thành mây khói để nhường chỗ cho ác cảm chua cay. 2. Đừng có chỉ trích. Người gây ác cảm thường nhất là người có óc chỉ trích. Xin bạn hãy để ý óc chỉ trích chớ không phải óc phê bình. Người có óc phê bình, trong khi tôi cần bình phẩm theo tinh thần khoa học, nhìn nhận hay dở và chỉ cách thêm hay chữa dở. Còn kẻ có óc chỉ trích thì chỉ bới lông tìm vết, chỉ quan sát phán đoán những gì xấu tệ của người, vật hay việc mà họ muốn xét đoán thôi. Họ có thái độ lạnh nhạt, chua chát. Gương mặt họ đầy vẻ mỉa mai, khinh đời. Trong mắt của họ có cả sự ác độc, hẹp hòi, eo sách, nhỏ mọn. Tiếng nói hay lời văn của họ nhuộm màu sắc bi quan, phá hoại nghi kỵ, hiềm thù. Họ có đầu óc phê bình vụn vặt, nên gặp ai gặp vật gì, chuyện gì cũng lên mặt thầy đời, chê cái này tệ, cái kia dở. Họ bực tức rùn vai, chắt lưỡi, thở ra, tỏ thái độ than tiếc sự ngu dốt của người. Trong cuộc xử thế, bạn có phải là người hay chỉ trích không? Nếu phải, xin bạn mau cải hoán tật xấu của mình để khỏi sống cô độc. Thiệt là người đời ai cũng có óc “vạch lá tìm sâu”. Tại sao vậy? Tại vì con người tự nhiên cho mình đầy đủ, mù quáng về mình và tự nhiên quan tâm đến kẻ khác, tìm khuyết điểm của kẻ khác để có cái sung sướng đê mạt vì tưởng rằng mình toàn thiện. Con người cũng tự nhiên ích kỷ, coi trọng mình là hệ trọng, là có ý hơn cả, vì đó, trong khi phán đoán hay phán quyết cách chủ quan. Xin bạn nhớ tiêu trừ những tật xấu trong bạn. Chúng là “mẹ đẻ” của óc chỉ trích đấy. Vì chúng mà bạn không đặt mình ở hoàn cảnh kẻ khác, không tìm hiểu người, không chịu khó nghiên cứu điều mình chỉ trích cách hoàn thiện. Là một người có tinh thần khoa học và có óc quân tử, bạn luôn phán đoán một cách khách quan, dè dặt với đủ chứng cớ. Trong những khi cần thiết thôi. Bạn dễ dàng tha thứ sự yếu đuối tự nhiên của con người, và bạn biết là người ai khỏi khuyết điểm. Nếu ta muốn kiếm một con người hoàn thiện trên đời là ta xây ảo mộng. Sự hoàn thiện không có ở dương gian. Chúng ta, dù muốn dù không, phải sống với những con người có ít nhiều khuyết điểm. Vấn đề là phải hái hoa hồng chớ không phải lo nhìn gai góc xung quanh hoa hồng. Vả lại, trên đời, nếu ta chỉ trích quá không ai dám giao du cộng tác khi ở gần ta. Vậy trông gì chúng ta có bạn thân để tìm nguồn an ủi cho đời sống để đắc lực. Còn nỗi khổ này nữa là cái gì và ai ta cũng chỉ trích hết. Mà thử hỏi những gì ta làm và cá nhân của ta có hoàn thiện không? Hoàn thiện thì chắc chắn không rồi, mà bất hoàn thiện thì tại sao chúng ta gay gắt với kẻ khác chi? Trong đạo xử thế, điều hay nhất là làm, là sống đàng hoàng chớ không phải chỉ trích, nói hay mà không làm. Vậy nhất định trong cuộc giao thiệp hàng ngày, bạn phải gớm óc chỉ trích như gớm một uế vật. 3. Đừng có tật tỏ ra mình thông thái rỏm. Trong khi giao tiếp với kẻ khác, có người hay muốn thiên hạ nhìn nhận vốn học, tài ba, kinh nghiệm của mình nên hay hỏi những câu không hợp người, hợp thời, hợp nơi, có ý cho kẻ bị hỏi phải “bí” và do đó, mình có dịp lên mặt thông thái. Thiệt là lối xử thế đê mạt, vụng về. Gặp một nhà sư chúng ta hỏi sao chổi Harley tìm đặng năm mấy. Gặp chị bán hàng rong, chúng ta đi hỏi làm sao pha màu để vẽ đẹp. Chi vậy? Chúng ta thông thiên văn học hay hội họa. Phải rồi. Mà chúng ta đang thu tâm mà. Làm cho kẻ khác ngượng nghịu, hổ thẹn vì cảm thấy mình ngu dốt, để tỏ ra mình thông thái mà sái mùa là gieo ác cảm cách đáng khinh. Quái tật này có nhiều người mắc phải mà vô ý thức. Giao tiếp với người, nhưng họ không hiểu biết tâm lý người, chừng muốn hỏi thì họ bắt lên hỏi. Họ không để ý coi câu hỏi mình sẽ được trả lời không, người mình hỏi có thích điều mình hỏi chăng? Đáng tởm nữa là những lúc kẻ bị hỏi mắc cỡ, trả lời không thông, họ lại cười ngạo nghễ. Thưa bạn, nếu bạn muốn thu tâm, xin bạn vui lòng xa tránh những thái độ này của hạng người nghèo tâm lý xã giao, thích tỏ ra mình thông thái cách đê mạt và có manh tâm và chạm lòng tự ái của kẻ khác. 4. Đừng cẩu thả bên ngoài. Khô lân chả phụng ngon thiệt, nhưng nếu bạn dọn một chiếc muỗng dùa thì chúng tôi có cảm tưởng xấu về món ăn của bạn dọn ngay. Chúng ta có giá trị vì chúng ta có nhiều đức tính. Nhưng giá trị chúng ta sẽ bị coi rẻ đi ít nhiều nếu bên ngoài của chúng ta có vẻ lôi thôi quá. Bạn cũng như chúng tôi, chúng ta không làm sao kính phục được con người quá nô lệ cho việc trang sức bề ngoài. Bởi có tâm lý trưởng giả có đầu óc làm tôi tớ dư luận, họ quá săn sóc thân thể của mình, săn sóc đến đỗi người ta có cảm giác tưởng rằng trong đời họ chỉ có việc “làm tốt” là lý tưởng. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta không trách sự cẩu thả hình thức của kẻ xấu số, nghèo nàn vì hoàn cảnh bắt buộc họ phải như thế. Họ là những người đáng thương hại chớ không phải đáng chê trách. Hạng người cẩu thả mà chúng tôi nói đây là hạng người có đủ phương tiện để có một bề ngoài khả kính song vì lười biếng, vì lầm tưởng nên biến thành đối tượng cho thiên hạ chê cười. Cổ mặt của họ đóng hờm. Mắt ghèn cháo không. Nước mũi dính đầy môi mép. Miệng lâu lắm mới súc một lần. Tóc hớt sái kiểu hay chừng vài ba tháng mới hớt. Tóc bới hay uốn không hợp thời trang. Khi nói chuyện miệng mồm chàm ngoàm nước miếng hoặc cổ trầu. Móng tay chân nếu không cắt thì cắn hay làm sao không biết mà giống như răng cưa. Thân hình xông ra một mùi hôi bắt ai đứng gần đều phải buồn nôn. Còn họ ăn mặc ra sao? Cũng không kém cẩu thả. Khăn nón lủng rách, đầy cát bụi, không hợp thời trang. Quần áo xốc xếch, nhăn nhúm như vải chùi bàn ghế. Cà vạt thì thắt rối nùi. Khăn mùi soa mỗi lần lấy ra xài khiến kẻ xung quanh có cảm tưởng mình thấy một tấm giẻ chùi tay của anh thợ máy. Giày thì không biết mấy năm mới đánh xi-ra một lần. Vớ thì nhất định không giặt. Guốc hai chiếc mà hai thứ quai và chiếc mỏng có thể cạo râu, chiếc bể còn hơn phân nửa. Đến cách ăn ở thì chỉ đáng than tiếc thôi. Họ đi cà bê, xập xệ như người bị liệt gân cốt. Lúc ngồi đứng, họ không biết tự chủ là gì nên để thân thể tỏ ra rất nhu nhược làm sao! Họ hay cắn móng tay, dùng tay út móc lỗ mũi, móc lỗ tai, cạy răng rồi búng tứ phía. Thưa bạn, thứ người như vậy dù có bao nhiêu tính tốt đi, liệu thiên hạ có mến phục không? Vẫn hiểu rằng bên ngoài có lịch sự thế nào bên trong là sào huyệt của tội ác, nếu xấu thì vẫn đáng khinh rẻ. Song nếu ta cẩu thả hình thức quá, những đức tính của ta khó bề chiếu dọi ra xung quanh. Bề ngoài giúp ta cho nhân cách ta tăng gieo ở kẻ khác rất nhiều thiện cảm. Bề ngoài đây hiểu là sạch sẽ, là cách ăn mặc hợp vệ sinh, vừa phải, đúng thời trang và ăn ở đường hoàng. Có nhiều người viện lý là đơn sơ rồi bất kể gì sự săn sóc bên ngoài. Nhưng đơn sơ đâu có nghĩa là xập xệ, lôi thôi tồi tệ. Đơn sơ là một nhân đức còn tất cả những cái này là tật xấu. Xin bạn hãy để ý kỹ điều đó. Trong cuộc sống, bạn nên ghét óc trưởng giả, tinh thần nô lệ cho việc làm tốt, nhưng đừng vì lẽ đó mà ở dơ, mà ăn mặc đáng gớm, mà đi, đứng, ngồi, v.v... Cách nhu nhược đáng khinh. Người Pháp nói: “noblesse oblige”. Bạn nên nói: “Nhân vì bắt buộc”.5. Đừng cãi vặt. Lúc thiếu thời, Franklin rất hay cãi vặt. Ai nói nghịch ý ông là ông chồm tới cãi cho đến chừng đối phương bại mới thôi. Nhưng sau nhiều lần cãi vặt, ông thấy mình thất bại, mất thiện cảm, thua bè bạn. Ông quyết tâm sửa tật xấu ấy, sau cùng trở thành một chính khách mềm dẻo, bặt thiệp trong chính giới Hoa Kỳ. Trong cuộc sống xã hội, chắc bạn biết có nhiều người hay cãi vặt như Franklin hồi nhỏ. Có tâm lý chung của loài người là thích tỏ ra mình quan trọng, tài giỏi, giàu kinh nghiệm nên họ không muốn cho ai hơn mình. Kẻ nào nói điều gì nghịch tâm tưởng của họ là họ lý luận, biện chứng, cãi như xỉ vả vào mặt người ta, cố ý cho người ta phải im lặng. Họ không chịu bỏ qua một cơ hội nào khi họ cảm thấy có thể đem thằng tôi đáng ghét của mình ra. Trong khi cãi, họ có cảm tưởng rằng các người nghe thầm khen họ, cho họ là bặt thiệp, lanh trí, lợi khẩu, học rộng, sâu sắc. Họ cũng tưởng rằng đối phương của họ nhìn nhận họ có lý, thắng và “xếp vi kỳ” chịu thua. Chúng tôi có một người bạn hay cãi vặt có hạng. Bữa kia, chúng tôi mời vài bạn thân trong làng văn dùng một bữa tiệc vui chơi. Tình cờ có một ông khách quen với một văn hữu của chúng tôi đến thăm chúng tôi. Chúng tôi cũng mời đi dự tiệc chung cho vui. Trong khi dùng bữa, ông khách bàn về văn chương khen hai câu: “Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” là tuyệt và cho là đại chúng sáng tác. Anh bạn “hiếu chiến” của chúng tôi nghe mấy tiếng “của đại chúng sáng tác”, nhíu mắt lại, buông muỗng nĩa xuống, hỏi: “Ông nói của ai?”. Ông khách đáp: “Chắc chắn của đại chúng. Ông còn ngờ à?”. Bạn tôi xển xảng quát: “Ông lầm! Ông lầm to... Hai câu ấy của Bàng Bá Lân mà ông không dè”. Thế rồi anh lý luận, anh dẫn chứng, anh hỏi chúng tôi có phải hay không. Anh làm ông khách hình như tái mặt, có vẻ buồn rầu và bầu không khí buổi tiệc chua như chanh. Lúc về đến nhà chúng tôi, ông khách nói nhỏ với chúng tôi: “Ông ấy lầm. Đó là những câu ca dao của đại chúng chứ của Bàng Bá Lân nào...”. Bạn thấy chưa, ông bạn của chúng tôi bỏ muỗng nĩa xuống nghĩa là gì bạn biết không... Và tốn không biết bao nhiêu hơi phổi để tranh biện, đã cho ông khách lầm và sau cùng vẫn bị cho là cãi bậy, là vô lý. Ông bạn của chúng tôi có lý thật. Hai câu ấy của Bàng Bá Lân. Ong quả rành văn học sử nước nhà thật. Nhưng ông không biết thu tâm chút nào. Ông đã tỏ ra mình thông thái, cãi như xỉ vào mặt ông khách, lý luận như muốn bửa óc ông khách mà dạy khôn. Ông tưởng ông thắng cuộc tranh biện đó. Kỳ thiệt có ngờ đâu. Ông khách của chúng tôi cũng như bao nhiêu người khác trên đời, không thích người ta chạm tự ái của mình. Trong khi chúng ta cãi bất tuyệt, đem nhiều lý lẽ ra để đánh bại đối phương, chúng ta khoái trong người thiệt, nhưng đối phương chúng ta có tâm lý như chúng ta đâu. Chúng ta đã làm cho họ mất mặt, đã đem cái khôn của mình chứng cho họ thấy cái ngu của họ, nghĩa là đã làm tổn thương lòng tự ái của họ, sự kiêu căng của họ. Bấy giờ họ đâu để ý gì đến lý luận của ta mà chỉ lo tự vệ, lo làm cho mình khỏi mất mặt. Họ khẩu chiến với ta. Kết quả là sao? Là ta mất thiện cảm ở họ chớ sao. Họ coi ta như thù địch, nghi kỵ ta, coi ta là tiểu nhân nữa. Bạn nói: “Trên đời làm gì cũng có kẻ biết nghĩ, nhận điều phải chớ”. Bạn có lý nhưng không hoàn toàn. Trong xã hội, được bao nhiêu người tự chủ, biết êm dịu nghe bạn dạy khôn, nghe bạn vạch lá tìm sâu, lý luận chiến thắng họ. Hình như hạng người ấy ít lắm. Và những kẻ ấy vẫn có kẻ nhịn bạn bề ngoài mặt nhưng trong một thời gian rồi cũng tìm cơ hội mà “hạ” bạn. Hạng người này bạn đừng trông lý phục họ dễ dàng. Họ sẽ đấu khẩu bạn để sau này khư khư giữ lập trường của mình và cho bạn là người cãi bậy. Cái bí quyết linh diệu nhất là tránh đi những cuộc cãi vặt. Bạn đừng bận tâm để ý cãi chi những điều lặt vặt kẻ khác nói nghịch mình. Phải biết bỏ qua, ừ ừ, hử hử rồi đề cập những vấn đề khác. Khi kẻ khác bắt bẻ bạn mà thấy không cần tranh biện thì bạn cũng hãy chịu thua đi. Bạn đừng bắt chước những kẻ tỏ ra mình khôn vặt. Kết quả là gieo ác cảm chớ không có lợi lộc gì. 5. Bạn đừng chỉ nhớ có mình. Bạn có biết cả ngày chúng ta nói tiếng nào nhiều nhất không? Tiếng “Tôi”. Dale Carnegieeeee nói, theo một cuộc điều tra của công ty điện thoại ở Nữu ước thì trong 500 câu chuyện, người ta dùng có đến 3.900 lần tiếng “Tôi”. Tôi. Tôi. Tôi. Tôi như thế này. Tôi như thế kia. Tôi không... Tôi phải... Thiệt là Tôi và Tôi... Pascal nói: “Cái tôi là cái đáng ghét”. Thế mà chúng ta lại không mấy khi chịu coi câu ấy như châm ngôn để xử thế. Chúng ta quên phứt chân lý này: Là bất cứ ai trên đời kể cả những người ngu nhất, đều coi mình là tâm điểm của vũ trụ, đều tự nhiên ưa thích những ai quan tâm đến mình, kính trọng mình. Tâm lý này khiến con người chỉ nghĩ, tưởng tới cá nhân hay những gì có liên quan tới cá nhân mình và đồng thời không kể gì đến kẻ khác. Bởi vậy, khi giao tiếp với ai mà chúng ta chỉ đề cập đến mình, đến những quyền lợi của mình thì tự nhiên kẻ ấy nghe câu chuyện vô vị, chán nản và có ác cảm với ta. Song nếu ta quên mình đi, đừng nói đến cái tôi của ta nữa mà cho tha nhân là quan trọng, đề cập đến sức khỏe, hạnh phúc, tài năng, thành công, hy sinh của họ, thì họ mến thích ngay. Xin bạn nhớ kỹ, không một ai trên đời không cảm thấy sung sướng khi được kẻ khác quan tâm đến. Publius Syrus nói: “Chúng ta chỉ quan tâm đến ai quan tâm đến chúng ta”. Chúng ta vậy mà bạn đừng quên người khác cũng vậy. Con người tự nhiên thèm được lưu tâm. Bạn muốn thu tâm sao bạn không cho kẻ bạn giao tiếp miếng mồi đó. Từ đây, xin bạn hãy chú trọng tới bất cứ ai bạn có cơ hội gặp gỡ. Tỏ thái độ niềm nở với họ, chăm chỉ nghe họ nói chuyện, mở nụ cười tỏ ra tán thành những điều họ nói. Khi bạn bè của bạn đau ốm, xin bạn chen chút thời giờ đến thăm hay viết thư cầu chúc mạnh khỏe. Người xung quanh bạn có khí sắc buồn thảm, bạn nên hỏi thăm coi tại sao và cố gắng giúp họ bớt ưu buồn. Xin bạn đóng khuôn câu này trên vách để làm kinh nhật tụng: “Tôi càng trọng đến tôi, thiên hạ càng xa tránh tôi, song tôi càng chú trọng đến kẻ khác, tôi càng được kẻ khác quý mến, quan tâm”. 6. Đừng nhỏ mọn. Nếu bạn chủ trương rằng trên đời bạn chỉ giao du, gây thiện cảm với những người có đức tính hoàn thiện thì chúng tôi xin thưa thẳng với bạn rằng bạn có lẽ phải thất vọng. Dưới bóng mặt trời này, theo kinh nghiệm từ cổ chí kim, không có một ai hoàn toàn. Bọn dung phàm chúng ta ai cũng có một mớ tật xấu. Muốn thu tâm kẻ khác, bạn chịu khó tránh thói nhỏ mọn, hay chấp nhất, hay bươi móc lỗi lầm người ta. Cái câu: “Bạn hãy biết bạn” của Socrate, trên đời mấy ai lấy làm thăng mực cho đời sống. Phần đông chúng ta có tật tọc mạch, tìm kiếm lỗi lầm của thiên hạ để chỉ trích, để nói hành, để mỉa mai. Cách nay mấy thế kỷ, chúa Giêsu nói bọn Pharisiêu quá mù quáng về mình, trong mắt mình có cây đà mà không thấy, lại đi tìm thấy mảnh rác ở kẻ khác. Con người nay không khác bọn Pharisiêu bao nhiêu. Nếu bạn muốn có nhiều người mến thích, hãy cấp tốc thanh trừ tật xấu ấy. Trước hết, bạn nên tự kiểm, tìm những tật xấu của mình để tuyệt căn. Tự nghìn xưa, Khổng Tử khuyên bạn: “Mỗi người tự quét tuyết trước cửa. Đừng quan tâm đến giọt sương trên nhà kẻ khác (Các nhân tự tảo môn tiền tuyết, mạc quản tha nhân ốc thượng sương). Nhờ sự tự tu, bạn biến thành kẻ khả ái đối với thiên hạ. Và nhất là bạn không nhỏ mọn, thiên hạ thấy dễ “chơi” với bạn, thấy dễ dàng tha thứ cho bạn khi bạn lỗi lầm. Điều này cơ hồ trở nên một định luật trong đạo xử thế. Những kẻ dễ tính, không thắc mắc, tự nhiên đến đâu cũng hòa mình trong đám đông, làm bạn được với nhiều người. Khi nói điều gì, kẻ khác chăm chú nghe. Người ta ít quan tâm đến sự chỉ trích họ. Khi cần đính chính điều gì trong những điều kẻ ấy nói, người ta thi hành cách bất đắc dĩ, quân tử và có thái độ kính trọng, dịu hiền. Trái lại, những con người hay làm “thầy đời” thích chỉ dạy kẻ khác, hay phản đối thường bị đa số tránh xa, nghi kỵ và “chực chờ” trả đũa. Đau đớn thay là kẻ miệng thì nói thánh thiện nhưng vì bản tính nhiều khi yếu đuối nên vẫn lỗi lầm như kẻ khác. Căn cứ vào những lỗi lầm ấy, nhưng thật khen ngợi những đức tính của người. Bí quyết ấy sẽ làm cho bạn được quý mến và đắc nhân tâm. 7. Đừng “xốp” quá. Ở trên, có chỗ chúng tôi muốn bạn thành thật chú trọng đến kẻ khác. Chúng tôi mới nói định luật chung thôi. Ở đây, chúng tôi muốn bạn chịu khó chú trọng cách riêng một ít điều mà bất cứ ai cũng quý trọng. Con người tự nhiên quý trọng những gì? Khỏi cần đọc quyển sách này cho mệt, bạn cũng biết con người tự nhiên nghe sung sướng khi ai nói đến sức khỏe của mình, đến tài ba, tên tuổi, tác phẩm, kinh nghiệm, người yêu, con cái, lý tưởng của mình. Bạn vậy. Chúng tôi vậy. Kẻ khác cũng vậy. Người ta có cái sung sướng khi nghe ai thành thật bàn đến những thứ ấy của mình. Tại sao bạn không làm người ta thỏa mãn? Bạn nói: “Chuyện riêng tư của họ nào mắc mớ gì tôi”. Chủ trương như vậy là quyền của bạn. Nhưng thiết nghĩ bạn có ý thu tâm mà. Bạn nói vậy hiểu là bạn chỉ có nghĩ bạn. Kẻ khác cũng như bạn chỉ nghĩ về họ. Làm nghịch lại là gây ác cảm, là chuốc thất bại cho bạn. Bạn có ác cảm không, khi chúng tôi viết thư cho bạn mà bất kể tên họ của bạn, hay viết tên bạn mà viết sai bét? Bạn bực mình không khi bàn chuyện với bạn, chúng tôi chỉ nói rằng chúng tôi độ này mệt, người yêu của chúng tôi có duyên, con cái của chúng tôi thông thái, lý tưởng của chúng tôi tuyệt vời tốt đẹp. Khi bạn viết thư hay bàn chuyện với chúng tôi mà viết và nói như vậy, chúng tôi cũng sôi máu giận. Và ai khác cũng vậy, thế mà trong cuộc giao tiếp hàng ngày, chúng ta bằng cách hay đề cập đến những thứ của nói trên, thứ của mà tự nhiên chúng ta coi quý hơn ngọc ngà. Người ta nói Napôlêông nhớ tên hết những người lính của ông. Bạn đừng tưởng vĩ nhân này nhớ để mà chơi đâu. Họ quả thạo tâm lý người đời hơn bọn chúng ta nhiều, nên chịu khó nhớ tên để khen ngợi, để bàn chuyện cách thân mật hơn, để viết thư mừng sinh nhật, chúc Tết kẻ họ giao tiếp. Họ đắc nhân tâm đấy, bạn nên bắt chước họ để gây thiện cảm ở những người bạn giao du. Từ đây, những lần bàn chuyện với ai, xin bạn đừng quá “xốp” mà quên mất đi những điều kẻ khác đang thèm bạn đề cập đến. Bạn chịu khó viết thư mừng tuổi, chúc Tết, chia vui cùng những thứ “bảo vật” khác, chúng tôi kể cho bạn ở trên. Bạn nói: “Mất thì giờ lắm”. Thiệt chung tôi chịu mất thì giờ. Nhưng theo Emerson “Lễ phép là hy sinh” mà bạn. Công hy sinh của bạn không dã tràng đâu. Đành rằng ở đời không phải chỉ lo trục lợi, không nên xảo trá “thả con tép bắt con tôm” nhưng nếu bạn thành thật, biết quan tâm tới người, bạn hy sinh với người bằng cách thả những con tép nhỏ thì chắc chắn lòng tốt của tha nhân sẽ cho bạn thu đoạt những con tôm thành công không nhỏ. 8. Đừng xử bỉ người ta. Trên đường giao tiếp, bạn nhất định đừng xử bỉ ai hết, dù người ấy bạn coi là hạng cỏ rác thế nào. Cái tâm lý tưởng mình là kẻ cả, là ta đây trong bất cứ lúc nào và nơi nào xin bạn coi như dịch tả. Nó chỉ gây ác cảm, thiệt hại cho ta thôi. Bất cứ ai khi thi hành một phận sự nào đều muốn thiên hạ nhìn nhận chức vụ của mình, đầu phục mình. Từ một anh lính gác cổng đến một vị Tổng thống, từ một người quét rác ở chợ đến một Giáo hoàng đều bất mãn, khi có ai vi phạm đến thẩm quyền của mình mà bất kể đến mình, xử bỉ với mình, làm cho mình mất mặt. Khôn ngoan nhất là chúng ta kính trọng quyền chức, phận sự của từng người. Thái độ nhún nhường, lịch sự, êm dịu của ta chắc chắn làm kẻ khác đem lòng quảng đại, khoan dung đối với ta, cố gắng làm cho ta thỏa mãn. Có lẽ bạn không đồng ý hẳn với chúng tôi, vì thường chúng tôi gặp nhiều người có một bộ mặt quạu quá. Phải chịu có một ít người không thể dẫn dụ bằng sự êm dịu được. Nhưng đó là một thiểu số thôi. Phần đông con người dầu có bộ mặt quạu thế nào vẫn có thể bị thuyết dụ bằng lẽ phải, bằng sự êm dịu. Bạn hãy tin điều ấy như tín đồ công giáo tin kính “Tôi tin kính” đi. Trước khi đề cập đến những gì có liên hệ đến bạn, bạn hãy bàn những chuyện có ăn thua đến họ trước. Hãy nói về quyền chức của họ, về khả năng đặc biệt mà họ có mới giữ được quyền chức, về công lao của họ từ lâu, về sự quan trọng của họ trong khi hành quyền, về lòng quảng đại của họ đối với bao nhiêu người xử bỉ với họ, v.v... Khi bạn đề cập các vấn đề này thì tự nhiên họ nói rất nhiều. Bạn phải lo nghe. Đừng cưỡng lời họ. Chăm chỉ nghe họ đó là dẫn dụ họ cách hùng biện. Nếu họ hút thuốc, bạn lấy thuốc mời họ cách lịch sự. Họ rủi làm rớt vật chi, bạn chịu khó lượm giùm liền. Khi bàn tâm sự với bạn một lúc rồi, bạn đem điều mình muốn yêu cầu ra ắt họ nhận ngay. Tóm lại, đừng khi nào ỷ mình mà xử bỉ với kẻ khác. Kính trọng người ta đi, thiên hạ sẽ kính trọng lại mình. 9. Đừng đổi tính như chóng chóng đổi chiều. Người hay làm mất thiện cảm là người thường hay đổi tính. Sớm mai gặp tin mừng, nghe trong người thư thái, họ sẽ vui vẻ tiếp đón ai cũng với nụ cười. Họ làm việc hăng hái cùng những người cộng tác, dễ dàng nhịn lỗi lầm của người dưới. Chiều, đám mây bi quan xâm chiếm tâm hồn họ, họ xử đối với bất luận ai như một bà chủ cay độc xử với đầy tớ trong nhà. Họ gằm gằm mặt xuống, liếc dọc người ta, trả lời cộc lốc, hay than thở, câu mâu, chấp nhất khi có làm cho họ phật ý. Tính tình của họ thay đổi bất ngờ. Nó khi vui như mùa hoa nở, khi buồn tựa nghĩa địa về thu. Vì thế, những kẻ xung quanh khó lòng giao tiếp bền chặt với họ. Giao tiếp bền chặt sao được khi mà tính tình của họ không có gì đảm bảo cho kẻ khác sự dễ chịu, sự vui vẻ, sự dễ dàng. Ngày trước người ta thấy họ đáng phục vì là lạc quan, lịch sự, hiền dịu, nên mưu tính công ăn việc làm, ngày sau gặp họ lại là người bực dọc vì họ cự nự, hự hẹ, ăn nói như dùi đục chấm nước mắm!... Tính tình họ thay đổi làm cho người ta không vui thích khi sống chung với họ đã đành, mà còn làm hại cho quyền lợi của người ta nữa. Họ không suy nghĩ kỹ trước khi giao hứa một điều gì. Khi cam kết cũng không làm với ý chí gang thép. Vì thế, họ cam kết rất vụt chạc và hay thay đổi lời hứa làm cho kẻ khác mất tín nhiệm ở họ lòng tốt của họ những công việc hệ trọng. Họ hứa lo chu toàn. Lúc hứa, dĩ nhiên là lúc họ vui tính. Đến lúc phải thi hành, họ đổi tính, bi quan, lười biếng nên cũng đổi ý định luôn. Thiên hạ vì sự thất hứa của họ phải bị thiệt hại. Chúng tôi có một người bạn giật quán quân về sự đổi tính và cũng giật quán quân về việc mà người ta hay gọi là “đẩy cây”. Có tính khí đa cảm và lúc lạc quan gặp ai anh cũng niềm nở, chào hỏi tỏ ra kính trọng. Ai cậy anh việc gì anh lăng xăng giúp đỡ. Con người tự nhiên thích kẻ chiều chuộng mình và cũng lười suy nghĩ, không dò xét trước khi kết bạn. Vì vậy có nhiều người chạy theo giao du với anh bạn của chúng tôi. Lẽ dĩ nhiên là bước đầu anh đối đãi với những kẻ ấy “ngọt lắm”. Người ta có thể trong một sớm một chiều coi anh là tri âm ngay. Nhưng rồi theo thời gian, anh thay đổi tính tình dễ dàng như người ta trở bàn tay nên các kẻ giao tiếp với anh làm cái việc mà chúng ta thường nói là “rút lui có trật tự”. Hồi trước anh dễ dàng mở cửa lòng ra đón tiếp kẻ khác bao nhiêu thì lúc sau cùng cũng dễ dàng đóng cửa lòng, đá đạp kẻ khác bấy nhiêu. Thưa bạn, trên bước đường đời có biết mấy kẻ xử thế như ông bạn đáng thương hại của chúng tôi và tiếc nhất là những kẻ ấy không được ai cảnh tỉnh nên nghiễm nhiên đi con đường bất lợi của mình để luôn tạo cho mình những thất bại. Muốn được nhiều bạn thân, nhất định bạn phải có tính tình điềm đạm. Phải xử đối với bất cứ ai bằng sự chừng mực, chừng mực theo lý trí và ý chí soi sáng chỉ huy. Đừng bồi quá để rồi lở quá. Chậm chậm xây dựng thân tình mà keo sơn còn hơn là hấp tấp thân thiết rồi cách biệt thiên thu. 10 Đừng có giọng kẻ cả. Chúng tôi đã nói con người tự nhiên có tính tự ái có óc tự tôn, thích hành động tự do và chỉ huy hơn là vâng lời. Ai trong chúng ta lại không thích mến cái tôi của mình, không quý trọng những tài năng, đức tính của mình, không muốn tự mình hành động với những sáng kiến của mình và đồng thời chuyển đạt sáng kiến của mình cho kẻ khác. Ngay từ những lúc ấu trĩ, chúng ta đã có những đặc tính này rồi. Đòi bú, mẹ không cho, đánh ta, ta trả đũa bằng sự khóc. Khóc là khí giới đe dọa che đỡ lòng tự ái bị tổn thương. Trong lúc chơi với bè bạn, chúng ta thích lấn lướt, giành giật. Còn vụng dại lắm, song chúng ta hay cãi cha mẹ để làm việc nọ một mình. Những tính có tự trong bản chất chúng ta. Phát triển theo sự nảy nở của thể xác và tinh thần và là những yếu tố quan trọng cấu thành trong chúng ta, cái mà những nhà tâm lý học gọi là “cá tính”. Biết cá tính con người có những yếu tố ấy thì khi muốn thu đắc nhân tâm, ta đừng có giọng độc tài. Đối với kẻ lớn cũng như người nhỏ, nếu ta muốn họ làm gì hay cấm cái gì mà nói: “Phải làm thế này. Phải làm thế kia. Cấm không cho làm. Đừng làm...” thường gây trong đầu não họ những ý nghĩa này. Họ tự nói: “ủa, ta cũng như ai chứ. Ta có lý tưởng của ta. Ta biết việc ta làm, ta biết điều phải điều quấy. Chuyện gì ra lệnh như thế. Ta có quyền làm điều đó mà. Tại sao cấm”. Đó là những phản trắc tự nhiên của bất cứ ai khi nghe một giọng kẻ cả. Chúng tôi nói tự nhiên vì những phản trắc ấy nằm đâu trong tận tâm hồn con người, nhất là ở trong tâm hồn của kẻ bị chỉ huy. Và đối với kẻ ta chỉ huy hay kẻ ta lãnh đạo, ta nên nhớ rằng cái giọng kẻ cả, thái độ hách dịch bao giờ cũng có kết quả không hay bằng sự êm dịu. Những tiếng ra lệnh làm cho bản ngã kẻ bị vi phạm, lòng tự ái bị tổn thương, tính tự trọng bị khinh rẻ, óc tự do bị cầm tù. Chúng khuyến khích kẻ nghe phản ứng hoặc ngấm ngầm, hoặc công khai và khi phải vâng phục chỉ vâng phục cách bất đắc dĩ. Vậy từ đây xin bạn để ý lúc giao tiếp cùng kẻ lớn hơn mình, cùng đồng bạn hay kẻ mình điều khiển, tránh hẳn giọng độc đoán, độc tài. Muốn ai làm việc gì bạn nên nói: “Ta nên làm việc ấy... Ta có nên làm việc ấy không? Ta có thể làm. Nếu có thể được, ta nên làm. Ta cố gắng làm. Ta chịu khó làm...” Những lối nói êm dịu, lối hỏi ấy bên trong chứa đựng sự sai khiến đấy, nhưng bên ngoài có vẻ bình dân, thân mật, tỏ ra người nói trọng kẻ nghe chỉ dạy, cộng tác, tỏ vẻ lo lắng cho kẻ nghe, hợp tác với kẻ nghe để đi đến thành công. Chúng giống những viên ký ninh bọc đường. Bạn bắt kẻ khác “uống” để ý muốn bạn hoàn thành. Họ bị đắng lắm, nghĩa là phải vâng lời bạn. Nhưng vẫn cười vì lời nói của bạn ngọt. Xin bạn nhớ hồi nhỏ muôn bắt ruồi chơi, chúng ta phải dùng mật chớ đừng dùng giấm. Bảo rằng con người không hơn gì ruồi thì hơi quá đáng, nhưng nói con người có thể bị dụ dẫn bằng sự dịu ngọt thì hẳn không ưa ra lệnh như búa dập trên đe, bằng muốn đắc lực thì nên ngọt dịu yêu cầu, hỏi, khuyến khích. 11 Đừng kích thích tính tự ái của người ta. Giả sử bạn và chúng tôi bất thuận. Chúng tôi muốn giao hòa với bạn mà nói như vầy: “Bạn quấy không? Bạn thấy cần giao hòa với chúng tôi phải không? Bạn hành động như hôm trước là ngu phải không? Chúng tôi không đến bạn để giao hòa thì bạn tự đắc, bất thuận luôn phải không?” Những câu nói lỗ mãng, xấc xược, nói như xỉ vả vào mặt bạn ấy khiến bạn trả lời với chúng tôi thế nào? Chắc chắn bạn trả lời: “Không. Không và Không”. Thế là việc giao hòa của chúng tôi phải thất bại. Tại ai? Chúng tôi đã ăn nói cụt ngủn, đã kích thích tự ái bạn quá. Dù trong thâm tâm bạn thấy cần giao hòa với chúng tôi, thấy chúng tôi có lý đến đâu, trong khi nghe những câu búa rìu trên cũng phải trả lời: “không” để khỏi mất mặt. Ở trường hợp của bạn chúng tôi cũng xử sự như vậy. Bao nhiêu kẻ khác cũng hành động như bạn và chúng tôi. Và một khi đã trả lời “Không” cho kẻ thách đố mình rồi, thường thấy khó bề thay đổi ý định. Họ tự phụ bảo tồn câu trả lời của mình. Nhất là khi họ trả lời cho kẻ nhỏ. Bạn trách họ kiêu căng. Phải. Nhưng đã làm cho họ kiêu căng thì chúng ta phải hướng cái hiệu quả của nó là bất đồng ý kiến với ta, chúng ta không mong gì dẫn dụ được họ. Muốn họ nghe theo ý với ta phải thân mật dẫn lý cách nào cho họ đồng ý với ta lúc ban đầu. Chúng tôi và bạn bất thuận. Bạn lại nói với chúng tôi như vầy: “Hôm trước chúng không được vui với nhau hả bạn? Tôi hơi nóng một chút làm bạn buồn nhiều lắm chắc? Sau mấy ngày suy nghĩ, điều tôi quả quyết với bạn có nhiều điều vô lý quá! Chắc bữa nay bạn vui lòng tha thứ cho tôi chăng”. Hỏi chúng tôi mấy câu ấy, nghĩa là bạn bảo chúng tôi trả lời một loạt: Phải. Mà bạn không thua chúng tôi. Bạn đang nhử chúng tôi vào rọ lý luận của bạn đấy. Sau khi bạn mua được thiện cảm của chúng tôi rồi, sau khi bạn tự thú lỗi rồi, bạn sẽ từ từ chỉ lỗi của chúng tôi và yêu cầu chúng tôi sửa. Có khi bạn chỉ cho chúng tôi thấy chúng tôi quấy nhiều hơn bạn. Song chúng tôi chẳng buồn bạn gì hết. Cứ đáp: “Vâng” cách thành thật. Đáp “vâng” không biết có theo lẽ phải không, nhưng chắc chắn là vì quý mến bạn. Dẫn dụ như vậy quả rằng bạn rất sành khoa tâm lý. Bạn biết con người trong đó có chúng tôi, không bao giờ chịu kẻ khác quăng vô mặt mình những tiếng chua chát, không bao giờ chịu mình lầm cách trơ trẽn khi lỡ nói không, rồi thường chẳng đủ can đảm rút lời. Cách nay mấy chục thế kỷ, Socrate cũng không dẫn dụ người khác hơn bạn. Nếu trên đường đời bạn nắm vững bí quyết thuyết phục ấy thì chắc chắn bạn thành công. 12 Đừng vụng xài ba tấc lưỡi Nếu bạn và chúng tôi muốn thiên hạ mau gớm mình thì chúng ta cứ vung xài ba tấc lưỡi của mình. Gặp ai, chúng ta cũng câm như hến. Đi ngoài đường xớn xác đạp đế giày da trên một người nọ rớm máu, ta làm thinh, lủi thủi đi. Ai làm ơn cho ta điều gì ta cắn răng lại, lấy mắt ngó. Lúc ta bệnh đau, bè bạn, bà con đến thăm ta, hỏi bệnh trạng ta thế nào, Ta lườm lườm họ mà không hở môi. Trong khi cộng tác cùng kẻ khác, khi sống với người chung quanh, ta xử đối với thái độ sầu thảm. Khi cần thiết cũng không chịu nửa lời. Lúc kẻ khác cần biết đến ý kiến của ta, cần sự biểu lộ của lòng chân thật của ta, ta giả bộ ít nói rồi nín luôn. Trong trường hợp kẻ dưới hay người lạ cậy nhờ lòng tốt của ta giúp đỡ, ta không buồn nói hay thốt ra vài lời cụt ngủn. Có một lối làm cho thiên hạ ghét không thua lối câm khẩu kiểu ấy là: Đa ngôn. Gặp người quen, kẻ lạ gì chúng ta đã giao tiếp dễ dàng, coi họ là bạn hữu ngay lúc mới gặp, đem hết tâm sự ra thuyết với họ thao thao bất tuyệt. Đối xử với bạn bè, chúng ta hay chọc ghẹo, đặt tên riêng, nói hài hước, mỉa mai, sửa lưng nói hành, vu khống, làm chứng dối, gieo tiếng xấu. Bao nhiêu chuyện bí mật tự nhiên ta biết hay kẻ khác phó thác cho ta, thề hứa với ta, ta đem nói sạch sành sanh cho bất cứ người nào. Trong khi nói chuyện, ta đừng cho kẻ khác nói. Hãy cưỡng lời họ hay chận câu chuyện họ lại để nói cho đã thèm. Chúng ta thích cãi vặt. Ai nói gì nghịch ý thì nhất định phê bình, đả đảo, hạ đối phương cho được mới thôi. Đến bàn chuyện với ai thì cứ lo nói chuyện con gà con kê, chớ không kể gì kẻ ấy ưa chuyện ta hay có giờ rảnh cũng không. Những đề tài của câu chuyện chỉ liên hệ đến cái “Tôi” của chúng ta và nhất định không bao giờ chịu đề cập đến những câu chuyện có ăn thua đến kẻ khác. Nói thì luôn luôn quả quyết, quả quyết cách tuyệt đối chủ quan. Coi sự dè dặt, suy nghĩ như cỏ rác. Những lời nói thì đầy sự hóm hỉnh, cay độc, cộc cằn, xảo trá, kiêu căng. Phụ họa với những lời bất đáng là mắt trợn dọc, mũi hỉnh bất thường, môi trề gần rớt, rồi rùn vai, chông nạnh, nắm tay đánh xuống bàn tay hay quơ như võ sĩ đánh bốc. Láo nữa. Chuyện có nói không, chuyện không nói có. Nhiều lúc sợ mất lòng kẻ nghe, muốn đẹp lòng kẻ đến yêu cầu mình điều gì chúng ta bịa đặt nhiều chuyện ảo huyền, chúng ta “ừ bướng” để rồi sau “đẩy cây”. Trong cuộc sống hằng ngày, không lúc nào chúng ta thinh lặng để sống với bản ngã của mình, để tập trung tinh thần thêm dũng chí. Chúng ta “ra” khỏi cái tôi mình luôn. Chúng ta hay tìm đến kẻ này người nọ để tìm tin lạ, để giãi bày cõi lòng, để nhờ lời an ủi. Những câu chuyện của chúng ta đem bàn phần nhiều, nếu không xàm láp, lạt như bã mía thì cũng đầu Ngô mình Sở, xà ngầu như tương. Thử xét mình lại, có thường phạm những lỗi lầm trên này không? Nếu có xin bạn hãy cương quyết từ đây là chu lưỡi mình cách khôn khéo. Tự ngàn xưa Esope đã coi nó như một vật tốt đẹp nhất mà cũng xấu xa nhất. Tốt đẹp là khi ta biết sử dụng nó. Ta đừng thinh lặng đến thành con người vô lễ, thành người bí mật làm kẻ khác nghi ngờ. Tự chủ, ít nói: Hay lắm. Nhưng phải nói khi cần thiết để làm đẹp lòng người xung quanh và do đó, ta thu tâm. Chúng ta nên tin rằng chỉ người ít nói, khéo nói mới là dũng vì thinh lặng. Chớ không nói tiếng nào, có thái độ huyền bí sái mùa thì người ta không gọi là dũng đâu mà là lù khù, vô lễ, lừ đừ, nếu không là người để dành dựa cột mà nghe thôi... Xấu là thái cực đối nghịch với tật “câm” vì họ ra khỏi mình đi, hoang phí khí lực mình nhiều quá trong những câu chuyện 2 xu. Họ nói nhiều làm cho người ta mệt đã đành mà còn làm cho người ta thù oán vì lời nói của họ thường chạm tự ái, bán rẻ thanh danh trêu ghẹo, chỉ trích, khi người, láo... Trong cuộc bàn luận với bất kỳ ai, xin bạn tránh hai thái cực trên. Nói năng vừa đủ. Nói những câu mà mỗi tiếng là một đồng vàng. Nói êm dịu, lịch sự, thanh cao, nói sao cho người ta nhận thấy ở một con người “văn minh” thật. Như vậy, đời bạn sẽ được nhiều người mến thích và khi muốn thi hành công việc chi, chắc chắn bạn sẽ có nhiều cộng tác viên thành tâm. 13 Đừng quạu. Không biết bạn thì sao? Chúng tôi thì thích lại gần mơn trớn những con chó “vui” quấn quít bên mình, chơi giỡn với mình, nhịn khi mình lỡ đánh nó mạnh... Trái lại, chúng tôi rất ghét những con chó đi ngang mình mà gằm mặt xuống đất, lườm lườm và ai lại gần thì gừ... Không dám sánh loài chó với loài người, nhưng có sự thật này chúng tôi muốn bạn để ý là phần đông nếu không phải là tất cả con người đều không thích kẻ quạu quọ? Bạn có tin chúng tôi không? Bạn hãy hình dung một con người quạu quọ trước mặt bạn đi. Gặp bạn họ không chào hỏi gì hết. Mặt họ tối sầm đi, nhăn như bị và đầy vẻ tang chế trông muốn khóc ngay. Mắt họ liếc bạn cách lạnh lạt. Bạn tới nhà họ, nhưng họ coi bạn như người đi qua đường. Thấy bạn, họ bỏ đi làm công việc của họ như thường. Bạn có chào hỏi, họ hự hự gì đó rồi làm thinh luôn. Có khi họ vừa nói cho bạn vài tiếng vừa ngó ra ngoài đường, hay chăm chỉ vào việc đang bận. Nếu cần nói với bạn nhiều lời thì nói như nện nền nhà và cay độc. Bạn đừng trông họ cười nhé. Nếu họ cười có lẽ trời sẽ sập. Bạn lỡ đụng họ hay nói lời gì làm mích lòng thì họ với thái độ hầm hừ, trả đũa ngay. Chừng ấy, bạn sẽ thấy cái dũng dã man của họ chưng bày ra cách đáng khiếp. Lúc gặp nạn, may lắm họ thí cho bạn vài lời thôi, rồi dù bạn với họ mấy tiếng đồng hồ, họ vẫn câm và câm. Đến lúc bạn từ giã, họ liếc cho bạn một cái. Bạn đừng trông được bắt tay trước, được nói từ giả cách thân mật. Thất vọng đa! Đó, con người như vậy, bạn có mến thích được không? Không biết trong thiên hạ có nhiều người như vậy chăng chớ riêng bạn và tôi, chắc có nhiều ngày chúng ta không đặng vui vẻ đủ. Chúng ta tưởng đâu có thái độ quạu quọ như vậy kẻ khác “ngán” mình. Con người chỉ ngượng nghịu, tiêu cực, mất tự nhiên, vui vẻ, xăng xớm, hy sinh, thật tình khi nào được kẻ khác quan tâm, tỏ vẻ chiều chuộng. Còn ta làm “nghiêm” đến đâu, mặc kệ ta, nếu người ta không bĩu môi cười khinh rẻ thì sẽ đối phó cách quạu quọ lại với ta. Không mấy kẻ vì thấy ta quạu mà cho ta trầm tư mặc tưởng, là hạng tai to mặt lớn, khả phục, khả ái gì đâu. Xin bạn đánh dấu điều đó. Có nhiều lúc mình quạu vì cơn buồn, bị thất bại, vì mệt nhọc, mất bình yên trong tâm hồn. Dù lý do gì, sự quạu cũng làm thất nhân tâm, khiến ta đáng ghét. Phải thanh trừ nó mới mong được lòng người. 14 Đừng ích kỷ. Không ai ưa cho được ích kỷ. Con người tự nhiên thích được kẻ khác săn sóc, giúp đỡ, quan tâm. Từ ngày loài người mới có cho đến bây giờ, tâm lý ấy vẫn là một. Chúng ta phải biết nó để quên mình, phục vụ kẻ khác mới mong người ta mến yêu. Chúng ta không thể nói kẻ khác cần chừa tính ích kỷ. Ai lo cho mấy chuyện gì bắt chúng ta phục vụ kẻ khác cách bất công. Nếu bạn muốn sửa đổi bản chất con người thì tùy ý chí tự do của bạn. Nhưng nếu bạn muốn thu tâm thì thưa thiệt với bạn, xin bạn hãy lo phục vụ tính khí của kẻ khác. Làm nghịch lại bạn sẽ bị thiên hạ coi như nghịch thù. Đời bạn cô độc, thất bại. Đây bạn chịu được những cử chỉ này của chúng tôi không? Sống chung với bạn, không vì lý do nào chính đáng, chúng tôi sống Robinson Crusoé ở giữa cù lao hoang vắng. Chúng tôi coi bạn như không có... Khi bạn “Tối lửa tắt đèn” cậy nhờ chúng tôi điều gì, chúng tôi từ khước. Bạn bệnh đau, chúng tôi không ngó ngàng gì. Khi bạn buồn thảm chúng tôi vui cười, chọc ghẹo. Tai nạn đến cho bạn chúng tôi lạc quan nghe khoái trong mình cách đê mạt vì bạn khốn nạn mà chúng tôi bình yên. Công việc của bạn nhiều quá, nhất là công việc vì lợi ích chung làm bạn mệt muốn đứt hơi, chúng tôi ngồi không ăn trầu, hút thuốc, uống trà, nói dóc. Trong đời bè bạn, chúng tôi hay nói rằng chúng tôi thương mến bạn, hy sinh với bạn, song về mặt thực hành cứ lạm dụng bạn đủ điều. Cái gì chúng tôi cũng nói tốt với bạn hết, nhưng khi bạn đề cập đến cái túi của chúng tôi thì chúng tôi “đánh trống lảng”. Khi xài của chung, chúng tôi bất kể bạn và kẻ xung quanh. Cái câu “Sau tôi là lục cả”, chúng tôi thi hành triệt để. Chúng tôi lạm dụng cách nào cho thỏa mãn tính ích kỷ của mình, chớ không nhớ đến sự cần thiết của ai. Nhưng khi bạn có tiệc tùng thì chúng tôi tìm đến bạn, làm bộ giúp đỡ chút ít. Khi bạn hữu sự thì không trông thấy bóng chúng tôi. Thưa bạn, con người ích kỷ cách đê mạt như chúng tôi đó, bạn có ưa thích được không? Chắc chắn không. Và bạn ích kỷ đối với chúng tôi như vậy, chúng tôi cũng oán ghét bạn. Bao nhiêu người trên đời cũng có tâm lý không khác chúng ta. Vậy, cho đặng thu tâm, chúng ta đừng ích kỷ. Cái thị dục cho mình là tâm điểm của vũ trụ, chúng ta phải cố gắng kiềm chế lần lần. Đừng có rúc mình trong mai rùa cá nhân để phụng sự cho một bản thân mình mà quên bao nhiêu kẻ khác. Ta lấy lường nào đong cho kẻ khác, thì họ mới lường ấy đong lại cho ta. Xin bạn chép câu ấy chừng 50 lần để nó thâm nhiễm tận tiềm thức của bạn hầu bạn sẽ thành con người hoàn toàn bác ái. 15 Đừng lãnh đạm. Bạn có tinh thần siêu thoát, không bận rộn vì những cuộc tranh đua vật chất. Hay lắm. Nhưng bạn đừng lãnh đạm với người xung quanh. Télérence nói: “Không có điều gì ăn thua đến con người mà xa lạ với tôi”. Xin bạn hãy khắc tận đáy não nhớ của bạn cho chúng tôi những lời vàng ngọc ấy. Qua mọi thời gian, mọi không gian, con người tự nhiên cho mình là quan trọng, muốn làm cho mình vang hiển và khi được ai quan tâm đến thì có cảm tình với người đó ngay. Bởi kẻ xung quanh ta có thứ tâm lý cố hữu ấy nên khi ta lãnh đạm, rúc vào bản ngã của mình, không kể gì cuộc sinh hoạt của kẻ khác thì chúng ta bị ác cảm. Điều này bạn hãy tin như tín đồ Hồi giáo tin Coran đi. Sống chung với chúng tôi, có dịp gần gũi với chúng tôi, bạn làm nhiều việc vẻ vang, bạn hoạt động đắc lực, mà chúng tôi mỗi lần gặp bạn coi như không có, nói chuyện với bạn với thái độ lơ là thì bạn có tâm tình nào đối với chúng tôi. Chắc chắn là oán ghét. Théodore Roosevelt ngoài những giờ bận về phận sự hay hỏi thăm, nói chuyện cùng người làm bếp của ông. Người làm bếp của ông quý mến ông như cha ruột. Thiệt những vĩ nhân thường thấu đáo tâm lý người đời hơn ai. Chỉ có bọn thường nhân như chúng ta vì không chế ngự tính ích kỷ, nên chỉ biết nghĩ đến mình, không quan tâm đến ai khác. Cuộc đời của chúng ta vì đó gặp nhiều giây phút cô độc, sầu buồn và thiên hạ không tận tâm giúp đỡ ta. Dale Carnegieeeee trong cuốn “How to win Eriends and influence people” nói con người tự nhiên muốn sức khỏe, sống lâu, ăn uống, tiền của, lưu danh hậu thế, thỏa nhục dục, con cái hạnh phúc, kẻ khác coi mình quan trọng. Từ đây, gặp kẻ khác, xin bạn đừng lãnh đạm nữa. Hãy bắt thiệp hỏi thăm họ về những điều con người tự nhiên ham muốn. Thực hành bí quyết này, chắc chắn trăm phần trăm bạn sẽ được nhiều bè bạn, nhiều cộng sự viên. Bởi lẽ dễ hiểu là thiên hạ tự nhiên thèm khát sự quan tâm của kẻ khác. Ai quan tâm đến mình nhiều thì mình thường giao du, rồi có cảm tình, có cảm tình thì muốn giúp đỡ để tỏ tình thương. 16 Đừng vô lễ. Bạn có muốn một bí quyết thần hiệu để gây ác cảm không? Đây: Vô lễ. Jérôme Coignard nói: “Con người là một con khỉ, và sự tiến phát của văn minh là nhốt nó vào chuồng”. Bạn không nhốt con khỉ của bạn vào chuồng. Bạn coi cái người văn minh gọi là lịch sự như cỏ rác. Bạn sống như những người của thời loài người còn ăn lông ở lỗ. Trong xã hội, có lối chào hỏi riêng, có cách ăn mặc, nói chuyện, ngồi bàn, đãi tiệc, tiếp tân riêng. Bạn bất chấp tất cả những thông lệ ấy. Gặp ai, chưa kịp kẻ ấy chào hỏi, bạn vỗ vai, nói tía lia. Quần áo của bạn, bạn không may theo thời trang mà may với kiểu quái lạ. Rồi khi dùng không kể gì sạch sẽ. Thấy đồ phục sức của bạn, người ta có cảm tưởng thấy đồ chùi mâm, lau ghế ở những hiệu ăn khách trú. Khi nói chuyện thì nếu không ngậm câm để tỏ ra lù khù thì bạn cướp lời kẻ khác và nói như thác đổ. Lúc ngồi bàn với kẻ khác, bạn không nhường nhịn, ăn kêu chách chách, phun xương tứ phía, húp canh súp nghe rột rẹt và ợ liên miên. Tiếp đãi những khách lịch sự mà bạn coi họ như kẻ thất giáo, bạc đãi họ, lãnh đạm với họ và dọn các thực phẩm không theo một thứ tự nào hợp lý cả. Trong khi cần rước khách, bạn cũng vụng về. Khách vô nhà hai ba tiếng đồng hồ mà bạn không chỉ nhà tắm, nhà tiêu, không mời thay đổi quần áo, giầy, không “thí” một ly nước... Đứng trong xã hội nếu bạn ăn ở như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều kẻ thù. Mà trên đời, nên kiếm bạn chớ ai lo gây thù hả bạn. Vậy đối với ai mà bạn muốn thu tâm xin bạn đừng vô lễ. Hãy nghe Montaigne khuyên bạn: “Lễ phép không tốn tiền mua mà mua tất cả”. Chịu khó tự chủ, quên đi cái tôi của mình để đối xử lịch sự với kẻ khác, lịch sự từ lời nói, cử chỉ đến thư từ, hành động. Sự thành công sẽ trả lại cân xứng, gấp đôi cho sự chịu khó của bạn. 17 Đừng phách lối. Theo John Dewey, mọi người đều muốn mình được vinh hiển. Thị dục ấy mạnh mẽ trong người cũng như nhục dục hay thị dục ăn uống. Vì nó mà người ta khi bố thí không thích làm âm thầm, thích nói nhiều để biểu lộ sự thông thái, hay làm thầy đời thiên hạ. Cũng vì nó mà nhiều thiên tài lập nhiều công tác lưu danh muôn đời. Con người có thứ tâm lý ấy nên rất thích những kẻ hạ mình xuống, ưa ai khen ngợi mình, ca tụng tài ba, đức tính, kinh nghiệm của mình. Nhìn một tấm hình chụp chung mà thấy hình mình đẹp thì trái tim như nở ra, hồn lâng lâng như muốn thoát tục. Đọc một quyển sách phê bình văn học mà tên tuổi mình được ca tụng thì thấy khoẻ như uống không biết bao nhiêu cao ly sâm và máu bò. Nhưng khi thấy kẻ nào biểu diễn tài ba đức tính “ăn qua” mình thì oán ghét. Bởi vậy, những kẻ phách lối thường không được mấy người ưa. Người phách lối làm tối thị dục, háo danh, muốn đem cái tôi của mình ra quảng cáo trình bày cho ai nấy phục. Họ cũng tưởng làm vậy thiên hạ phải nhìn nhận giá trị của mình. Không ngờ những kẻ khác khi thấy ai phách lối thì cảm thấy cá nhân mình bị che khuất, thấy lòng tự ái của mình bị tổn thương và tự nhiên có ác cảm. Con người lại tự nhiên ưa sự thật mà kẻ phách lối thường giả dối, hay bịp đời bằng những tài đức của mình không hay có phù phiếm, có không bao nhiêu. Người ngó kẻ phách lối như một hình nộm treo nhát chim dơi vào những mùa có trái chín. Khỏi cần nói con người không thích đa ngôn mà kẻ phách lối lại già hàm, nói những chuyện láo và nói thao thao bất tuyệt nên bị coi như rác rơm. Vậy trong khi xử thế, để mua lòng người, bạn chịu khó đừng phách lối. Nhớ rằng người đời ai cũng coi mình “trượng” hết. Phách lối như đám mây che họ tối sầm. Vả lại điều gì ta không muốn làm cho mình thì đừng làm cho kẻ khác. Tự nhiên ta cũng có thị dục huyền ngã nhưng không muốn thiên hạ phách lối, lấn át ta thì đừng phách lối với thiên hạ. Nên khiêm nhường lễ phép, dè dặt, hiền từ. Đó là bí quyết cực kỳ thần diệu. Bạn nên chép câu này của Khổng Tử trong sổ kiểm tâm của bạn để mỗi chiều đọc như một thứ kinh: “Thông minh duệ trí, thủ chi sĩ ngu, công bị thiên hạ thù chi dĩ nhượng, dõng lực chấn thế, thủ chi dĩ khiếp, phú hữu tứ hải, thủ chi dĩ khiêm”.