KHÁI NIỆM: Khi bàn về quan niệm con người, tôi đã nói với bạn trong những xu hướng của con người là xu hướng về đoàn thể mà nhà tâm lý học gọi là “thị dục hướng xã”. Vì mang trong mình thị dục này, con người tự nhiên muốn kết đoàn, muốn sống gần mọi người để hợp tác hay chia sớt vui buồn. Cũng do “thị dục hướng xã”, con người không sống đơn độc mà sống tập đoàn thành xã hội từ gia đình đến quốc gia, quốc tế. Mà đã có cuộc sống tập hợp nên có vấn đề đối xử với nhau sao cho cuộc sống chung được êm đẹp, hữu ích. Cư xử của con người trong tập thể đó gọi là “xã giao”. Tuy con người tự nhiên “hướng xã” nhưng không phải ai tự nhiên cũng đều cư xử bặt thiệp làm cho kẻ khác vừa mến vừa phục, nghĩa là không phải tự nhiên “hướng xã” thì tự nhiên “hợp xã”. Hai tiếng “xã giao” chỉ chung việc xử đối với nhau của các phần tử trong một xã hội. Còn xã giao một cách hợp xã gọi là lịch sự. Từ “lịch sự” đồng nghĩa với mấy tiếng Politesse hay Urbanité của Pháp. “Politesse” theo nghĩa đen chỉ tình trạng của vật gì nhờ chạm cọ nhiều mà hết góc cạnh, hết nhám nhúa trở thành trơn tru. Theo nghĩa bóng, một người không có politesse, nghĩa là impoli, là người mà cách cư xử làm chạm lòng kẻ khác. Urbanité do tiếng “Urbs” nghĩa là thành thị, chỉ tình trạng văn minh của người ở nơi mà văn hóa cao: Nó nghịch với rusticité bởi tiếng “Rus” là ruộng rẫy, chỉ tình trạng quê mùa của người ở nơi mà văn hóa thấp. Theo nghĩa thông dụng ngày nay: Lịch sự là có những cách cư xử làm kẻ khác chẳng những không mếch lòng mà còn quý mến. Có hai yếu tố căn phân biệt trong khái niệm “lịch sự”. a) Yếu tố ước lệ: Là yếu tố làm cho lịch sự thành lối cư xử đúng luật lệ đòi hỏi con người sống giữa một xã hội. Gặp một người bạn không ưa, trong buổi họp mặt nào đó, lịch sự ước lệ buộc bạn phải tay bắt mặt mừng với họ. Lịch sự ước lệ dựa vào những công thức xã giao nhiều khi có tính cách biểu diễn mà vô hồn. Một người bên ngoài lịch sự theo ước lệ có thể rất vô lễ trong tâm hồn. b) Yếu tố tự nhiên: Là yếu tố bác ái làm nền tảng cho lịch sự. Bạn lịch sự với ai là tại bạn mến kẻ ấy hay ít ra bạn kính trọng kẻ ấy là một nhân vị và bạn muốn cách cư xử của bạn làm cho họ vui lòng. Vì đó, có người gọi lịch sự là một trong những hình thức tế nhị của đức bác ái. Chỉ những hữu thể gồm xác và hồn, tức những nhân vị là biết lịch sự dưới bóng mặt trời này nên danh từ “lịch sự” còn dùng chỉ tính cách thanh tao của kẻ sống đúng nhân phẩm. Joubert rất chí lý trong câu này: “Lịch sự là bông hoa của nhân loại. Ai không lịch sự đủ, không là người “đủ”. Bông hoa của nhân loại nghĩa là bông hoa của văn minh chân chính. Nói văn minh chân chính bạn lưu ý nghĩa các yếu tố vật chất, tinh thần và tâm đức. Người văn minh theo nghĩa đó cư xử với nhau bằng những cách làm cho cuộc sống chung êm dịu, cao nhã, xứng đáng hơn. Người ta có thể đánh giá trình độ giáo dục của một người bằng cách coi họ lịch sự đến mức nào. Người ta cũng có thể đánh giá trình độ văn minh của một dân tộc bằng cách coi dân chúng trong các tầng lớp lịch sự nhiều hay ít. Lịch sự không dành riêng cho một thiểu số người học cao giàu có: Một người văn minh thật không phải là hình người đầu bằng vàng còn thân bằng đất sét, ở nước nào có tuổi cao về văn hóa, đều phân biệt giáo dục và học vấn. Kế bên học vấn là phương tiện khai trí có giáo dục và phương tiện khai tâm. Học vấn làm cho trí khôn con người phát triển khả quan. Con đẻ mà nó hãnh diện nhất là khoa học. Song tiếc thay một số khoa học được sử dụng vào nghệ thuật giết người nhiều hơn là để phục vụ hạnh phúc con người. II XÃ GIAO VÀ TƯ CÁCH. Nói đến xã giao, người ta hay nghĩ đến cách xử đối, không căn cứ vào kiểu cách bịp người mà xây dựng trên lý tưởng luân lý, tức là người ta nghĩ đến tư cách. Nhà luân lý định nghĩa “tư cách” là cách cư xử hợp với lý tưởng luân lý. Ai ăn ở phản lý tưởng người ta nói họ thiếu tư cách. Vào bàn tiệc, thấy một người ăn uống thô tục, bạn nói người ấy thiếu tư cách. Gián tiếp bạn nói người ấy không giữ đúng tiết độ khi ăn uống. Thấy một người đàn ông đi ngang một đoàn nữ sinh mà miệng nói tay múa ra tuồng suồng sã, bạn nói họ thiếu tư cách. Gián tiếp bạn nói họ không giữ đúng mức nết na. Động cơ của tư cách là tự chủ. Con người ta dễ bị tình dục xấu hay hoàn cảnh không trong sạch cám dỗ, ăn nói, hành động tỏ ra thấp hèn. Chính tự chủ giúp con người giữ mình đứng đắn. Tư cách có thể gọi là “tập quán”, nhờ đó ta kiểm soát luôn luôn các cử chỉ ngôn từ và hành động của ta để chúng không phản nhân cách. Thiếu đức tự chủ là tự buông mình rơi vào nếp sống phóng túng bê tha. Càng đào sâu ý nghĩa của tư cách, bạn thấy người có tư cách là người có ý thức đậm đà về phẩm cách con người của mình và của mọi người. Một người lãnh nhiệm vụ nơi công cộng cư xử đứng đắn vì sợ trăm nghìn con mắt kẻ dưới người trên khinh bỉ mình, cũng như một người trong đời sống riêng dù không bị ai dòm ngó vẫn sống đúng luật luân lý: Hai hạng người đó đều đáng kính vì biết quý trọng nhân phẩm của mình. Chính điều đáng kính đó làm linh hồn cho tư cách của họ. Người ta chia tư cách ra hai loại: Tư cách ngoại thân và tư cách tinh thần. a) Tư cách ngoại thân là tư cách bên ngoài gồm những cử chỉ, thái độ, lời nói, hành vi xứng hợp riêng với tuổi tác, chức vị xã hội của mình. Tư cách cấm con người đi đứng mà thân thể không kiềm chế, tỏ ra xuôi xị, đứng chống nạnh ra vẻ phách lối, ngồi mà trông như nằm hoặc ăn uống hỗn độn. Tư cách cũng không chấp nhận giọng lưỡi già hàm, nói lời thô tục. Khi hành động, tư cách cũng cấm ta có những hành vi thân mật đến mức suồng sã đối với người trên cũng như người dưới. Giữ tư cách như vậy tùy theo tuổi tác và chức vị xã hội. Một trẻ em mặc áo thun màu đỏ rực đi dạo phố, bạn không cho là chướng mắt. Một anh thợ máy khi nói chuyện với bạn, cổ áo mở nhiều nút phanh ra bạn không quan tâm gì. Song một linh mục hay một nhà sư mà tiếp khách mặc cổ áo mở bành ra một cách cẩu thả, bạn sẽ bớt kính trọng. Định luật tổng quát của tư cách là người ta càng lớn tuổi, càng có địa vị xã hội cao, càng phải cư xử xứng hợp nhân phẩm. b) Tư cách tinh thần là cách sống tập thể cũng như sống riêng vẫn luôn trung tín với bổn phận và lý tưởng. Người có tư cách tinh thần không nô lệ những kiểu cách xã giao giả hình, cố ý lừa bịp xã hội để trục lợi, hay che đậy cái tồi tệ của cá nhân mình. Họ xử đối tử tế trước hết vì họ tự trọng, coi mình là nhân vị và đã được giáo dục đồng thời kính trọng mọi người. Giả bên ngoài có làm một hai việc gì phật lòng người xung quanh, kẻ có tư cách tinh thần cũng không đến đỗi bị trách phạt vì thâm ý của họ tốt. Họ hành động theo lý tưởng bác ái nên nhiều khi họ ít lời lẽ dịu ngọt mà họ tốt bụng thật sự. Tư cách tinh thần còn bắt con người kềm hãm các nỗi khổ buồn, tức giận, oán ghét để thành thực tỏ ra vui tươi làm đẹp lòng người. Thấy một người đi bị trượt chân té, ta không cười, cũng không ngó họ nữa. Nghe một người khách nói chuyện dùng một tiếng ngoại quốc sai, ta không tỏ ra khó chịu. Ta thấy, ta nghe mà không ngạc nhiên. Người La Mã xưa nói: “Không nên ngạc nhiên gì hết” - Nil miran. Phải điềm đạm vì lòng bác ái như vậy mới thực là có tư cách tinh thần. Đôi khi dựa vào tư cách tinh thần và yếu tố gia đình đứng đắn người ta nói kẻ này con nhà nề nếp, kẻ kia con dòng cháu giống. Đó là người ta muốn ý người ấy thoát thai bởi gia đình mà cha mẹ được giáo dục chu đáo, mà ông bà không từng làm cái gì bôi lọ dòng họ. Người ta tin rằng hễ đất lành sinh cây tốt, cây lành sinh trái tốt. Tuy nhiên phải đề phòng trường hợp sầu riêng giống ngon trồng có trái ngon trái sượng. Dòng họ, gia đình nào cũng có một hai con, cháu làm ông bà nằm không yên nơi chín suối bằng những việc làm sai trái. III GIÁO DỤC VÀ XÃ GIAO. Ngày nay ở nhiều nước, trong nhiều cơ quan giáo dục người ta hiểu giáo dục là học vấn. Song nếu phân tích kỹ đối tượng của hai công việc ấy, ta thấy chúng có nhiều điểm khác biệt quan trọng. Trước hết xin bạn lưu ý ở đây tôi dùng tiếng “giáo dục” cố ý đối chiếu với “học vấn”. Chứ đáng lẽ phải dùng một danh từ khác như “tâm dục” chẳng hạn chứ tiếng “giáo dục” có nghĩa rộng quá: Nó bao hàm bất cứ việc nào phát triển con người từ thể xác tinh thần, tâm đức đến xã hội. Theo cách phân biệt thông dụng của nhiều nhà giáo dục trong đó có Dupanloup, Saint Francois để Sales, Powen Don Bosco thì giáo dục nhắm: Đào luyện tâm tính, tình cảm con người, tạo cho nó những tập quán tốt, tập quán hành động theo luật phản ứng có điều kiện. Chính giáo dục làm cho tinh thần chế ngự các tình dục xấu, ý chí sử dụng tự do mà không bị các thị dục bất thiện ảnh hưởng, nhất là làm cho trí tuệ dễ tìm được đối tượng của nó là Chân lý. Người mà càng được giáo dục càng tiến đến lý tưởng làm người. Xét như vậy người ta thấy giáo dục nặng nề đào luyện tâm hồn, đưa con người đến lý tưởng luân lý. Vì đó trên kia tôi đề nghị dùng tiếng “tâm dục” để đối chiếu với tiếng “học vấn”. Học vấn thường được quan niệm là chỉ đào luyện trí tuệ, cung cấp cho óc con người những kiến thức khoa học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội). Lý tưởng của nó là thi cử đỗ đạt. Dĩ nhiên trong khi áp dụng học vấn, người ta cũng có bàn đến tâm dục song đó là chuyện phụ. Cũng dĩ nhiên học vấn giúp không ít cho con người tiến về mặt tâm đức vì trí tuệ là một trong những trí năng của con người, nó góp phần vào việc làm con người thâu hiểu vạn vật. Song đối tượng chính của học vấn là làm cho con người thông minh. Vả lại, trong thực tế, ở nhiều quốc gia có chịu ảnh hưởng của thời đại, của chính trị, của chế độ. Thí dụ ở Việt Nam người ta thấy trong thời Nho học thịnh hành, quan niệm về mảnh bằng khác thời Tây học Pháp thuộc. Học vấn thường có giá trị giai đoạn hay thay đổi theo trào lưu chính trị trong khi giáo dục tuy thường bị lãng quên mà bất di bất dịch vì tự bản chất nó nhằm đào luyện bản tính con người là cái độc lập với thời gian và không gian. Con người mê ăn, giáo dục luyện cho nó tiết độ: Điều đó cần cho thời Trung cổ theo chế độ quân chủ cũng cần cho thời hỏa tiễn theo chế độ dân chủ, cần cho Âu Mỹ cũng cần cho Á Phi. Xét bản chất của xã giao, tách riêng lịch sự, ta thấy chúng là đối tượng đào luyện của giáo dục. Tuy phép xã giao ở mỗi thời, mỗi nơi có nhiều điểm khác nhau vì phong tục, tôn giáo hay trình độ văn minh. Nhưng khác là khác hình thức, tinh thần của nó vẫn giống ở chỗ làm cho kẻ khác đẹp lòng. Bây giờ ta gọi lịch sự là cư xử không mếch lòng người chung quanh thì hỏi thời La Bruyère người không lịch sự là người mắc cái tật lười biếng, ham hư vinh, khờ dại, nhất là khinh rẻ kẻ khác. Mà hồi thời Périclès, yếu tố “làm hài lòng” của lịch sự vẫn được nhấn mạnh: Người ta được đọc trong các đền thờ ở thành Nhã Điền câu kinh này: “Xin cho chúng con chỉ nói điều thích nghe và đừng làm điều gì phật lòng”. Người chỉ có học vấn, thiếu tâm dục thường rơi vào hai cái nguy này: a) Là con người mà nội tâm không được uốn nắn. Bản tính của họ còn tàn tích man dã mạnh mẽ nhất là xu hướng ích kỷ. Xu hướng này vì thiếu tâm dục, lớn lên trong họ như con thú rừng bất trị. Vì đó bạn không lấy làm lạ sao một kỹ sư mà mê ăn, một bác sĩ khi sống chung với nhiều người cư xử như khi chỉ có một mình mình trong tư phòng. Muốn lịch sự phải vừa bác ái vừa tự chủ. Người chỉ có học vấn mà không được soi rọi cho thấy lý tưởng bác ái, cũng không được luyện về ý chí nên tính xấu xô đẩy, họ không tự chủ nên ăn nói, hành động theo đà dễ dãi. Muốn ngáp thì ngáp. Trên bàn ăn muốn ợ thì ợ. Nói chuyện cao hứng thì múa máy. Có nhiều người đỗ bằng cấp cao mà văng tục nhiều. Nói năng láo xược, kiêu căng bội bạc... Là một việc, còn đỗ tiến sĩ khoa học, cử nhân toán là một việc khác. Ngày nay ở các đô thị không thiếu lối xã giao của hạng trí thức hay bán trí thức mà bịp đời, trục lợi. Họ cư xử lễ độ chỉ ngoài mặt thôi để tỏ ra mình hợp thời, thạo đời. Họ giữ đúng các luật “biết sống”. Nhiều người đi đến chỗ khách sáo và mất tự nhiên. Ai có con mắt tinh đời nhìn vô thấy tính cách lưu manh của họ khi họ tỏ ra “lịch sự”. Họ lịch sự có nghĩa là họ chưng ra cái vỏ có học, giàu sang, quyền chức. Còn họ hại người, mưu mô để trục lợi, cầu danh là việc khác nữa. b) Nơi một số người chỉ có học vấn và nghèo tâm dục làm gì có lối xã giao chân thành. Họ chỉ làm mặt ngoài cho người đời đừng trách họ thôi. Theo kiểu nói ngày nay là xã giao để thành công, thành công hiểu theo nghĩa “làm tiền” đắc lực. Đáng tiếc một số học đường ngày nay vẫn còn một số ít giáo viên chỉ có học vấn mà kém về tâm dục. Thiểu số này vào lớp không làm gì hơn là “bán chữ”, coi nghề dạy học là một “cần câu cơm”. Tai hại là khi dạy dỗ họ có những kiểu nói, cử điệu, thái độ không mô phạm, phản giáo dục. Một số học sinh khi vô đại học cũng còn cho các nhà giáo ấy của mình là “khuôn vàng thước ngọc”. Ra đời, họ đem các điều họ học ở các “bậc mô phạm” mà áp dụng. Kết quả là họ gặp đủ thứ thất bại chua cay. Biết bao tình bạn của họ bị mất, nghĩa là mất những bàn tay giúp họ thành công. Họ tưởng hễ trí thức thì tự nhiên lịch sự mà có dè đâu trí thức cư xử có thể gây nhiều chuyện não lòng như trường hợp của Matherbe và Delportes, ông Delportes đứng lên rước Matherbe vào bàn tiệc và vừa đi vừa nói: “Tôi sẽ tìm cho anh các bài thơ mới vừa xuất bản nhất của tôi”. Manherbe đáp: “Điều đó không cần. Tôi thích cháo canh của anh hơn”. Delportes bị chạm lòng tự ái, suốt buổi tiệc tỏ ra lạnh lùng và từ đó ông tuyệt giao với Matherbe luôn. Trong cuộc xã giao, biết bao lần người bạn trẻ có thể làm nạn nhân trong các trường hợp đáng tiếc như vậy. Sau ngày ra trường, ta gặp đủ thứ hoàn cảnh mà nếu thiếu lịch sự chân thành ta sẽ thất bại. Nhiều khi phải thi hành thứ lịch sự chịu đựng tức là nhẫn nhịn các lối xử thế không biết điều của các hạng người. Đau đớn nhất là nhiều khi bạn trẻ học cao hiểu rộng thất bại liên miên vì kém lịch sự mà họ không biết. Họ cứ tin bằng cấp là lá bùa vạn năng. Nhiều khi nhìn tướng diện của họ xấc xược, lối ăn mặc phách lối, cử chỉ đê hèn, lời nói suồng sã; người ta không muốn gần họ, không cộng tác với họ mà họ cứ tưởng đời không hiểu họ rồi coi mình như con công lạc giữa bầy gà, than thân trách phận. Để tránh các thất bại như vậy, bí quyết hay nhất là bổ túc vốn học vấn của họ bằng tâm dục. Vốn hành lý trí của họ là vàng còn lịch sự là cách đeo vàng để làm kẻ khác đẹp lòng và người ta chỉ giúp họ thành công khi họ “đắc nhân tâm” thôi. IV IV. BỐN YÊU TỐ CĂN BẢN CỦA XÃ GIAO. Thưa bạn! Đã biết cách xã giao là cách sống làm đẹp lòng người trong xã hội nên có thể nói xã giao là biết sống. Mà biết sống là biết giao thiệp bằng lời nói, thư từ đắc nhân tâm nên biết sống tức là Biết Nói, và Biết Viết. Và làm sao có tư tưởng sâu sắc, tình cảm thanh cao để điều mình nói hay viết chinh phục được lòng người nếu không biết làm việc có phương pháp về đường tinh thần. Vậy bốn yếu tố căn bản của xã giao là: biết sống, biết nói, biết viết và biết làm việc. A. BIẾT SỐNG: Nói “biết sống” là nói những thể cách mà người lịch sự dùng để làm đẹp kẻ khác lúc xã giao. Duyên dáng làm cho gương mặt hấp dẫn thế nào thì “biết sống” cũng làm cho người lịch sự khả ái thế ấy. 1. Toàn thân phải giữ sạch sẽ. Người dù xấu trai, xấu gái đến đâu mà sạch sẽ, người ta cũng dễ cảm tình để tiếp chuyện, cẩn thận giữ vệ sinh mỗi lần ngủ dậy. Móng tay chân đừng cái dài cái ngắn, đóng đất hay cắn có răng cưa. Sạch sẽ thể xác nói lên sạch sẽ tâm hồn. Bà Beecher Stowe nói: “Tôi không biết điều kiện nào bất lợi cho sự thanh khiết của tâm hồn bằng sự dơ bẩn của thân thể”. 2. Trong đời sống tư cũng như khi sống tập thể, phải trật tự. Trật tự nói lên đầu óc ngay thẳng, dứt khoát, rõ rệt. Nó giúp cho ta đỡ mất thời giờ, hao tiền, tốn công và làm cho kẻ khác dễ chịu. Người viết tiểu sử của Cuvier nói về ông: “Mỗi giờ có việc rõ ràng, mỗi việc có phòng riêng, trong đó có đủ đồ nghề cần thiết cho việc đó”. Cuvier là tấm gương sáng cho ta về trật tự khi sống cũng như khi làm việc với kẻ khác. Người ta nghĩ sao về ta khi vào tư thất hay văn phòng của ta thấy ta để đồ đạc như hồi thiên địa còn sơ khai. Franklin khuyên ta: “Trong nhà mỗi vật có chỗ xứng hợp và làm các việc đúng thì, đúng lúc”. 3. Người ta cũng có thể trông cách nằm ngồi đi đứng của ta mà phân biệt được phần nào đời sống luân lý của ta. Tối kỵ những thái độ trắc nết. Tỏ ra cương quyết mà đừng thô bạo. Hiền dịu mà không nhu nhược. Dè dặt thái quá làm mất tự nhiên, trở thành kỳ dị. 4. Đầu đừng lắc lư như lên đồng. Mặt là gương của tâm hồn: Nhân đức hay tật xấu đều hiện bằng nét riêng biệt trên đó. Francois để Sales khuyên: “Gương nhân hậu, vui mà không xao xuyến, bình tĩnh mà không quá phóng túng”. 5. Tóc râu hớt cao cẩn thận. Tóc hớt hợp thời và đứng đắn. Đừng để râu kỳ lạ. Nếu không cần thì đừng dùng nước hoa như phụ nữ, cần dùng thì đừng lựa mùi dầu thơm kiểu quái lạ. Montaigne khuyên: “Cho đặng bay mùi thơm thì đừng bay mùi gì cả”.6. Trán thường biểu lộ dục tính tốt hay xấu. Người tội lỗi trán nhăn một cách tăm tối. Người buồn trán xếp lại vẻ đăm chiêu. Người trong sạch tâm hồn nhăn trán khi nghe lời nói ô uế hay thấy cử chỉ tục tằn. Con mắt là cửa sổ của tâm hồn. Nhìn mắt ai láo liên người ta có thể nghĩ kẻ ấy quỷ quyệt. Mắt bình yên là dấu hiệu người tĩnh tâm và nhân hậu. Người lịch sự kỵ các lối nháy mắt, chớp mắt, trợn dọc, liếc ngang. Cũng không nhìn trộm, nhìn chòng chọc, đến nổi người ta ngượng. Nghe chuyện đừng ngó chỗ khác. 7. Mũi đừng hỉnh hay hít vào nghe tiếng kêu. Cần hỉ mũi thì vén khéo, kín đáo, lẹ làng. Dĩ nhiên, là bằng khăn sạch. Hỉ xong đừng coi những gì trong khăn. Đừng xếp khăn cẩn thận đến đối mỗi lần cần mở phải phanh phui cả ra. Tối kỵ cầm khăn vừa hỉ vừa nói. Không khạc nhổ bậy bạ. Phải khạc nhổ trong khăn tay. Ho hay nhảy mũi luôn có khăn tay trước miệng. Người ta nói Matherbe sổ mũi, khạc nhổ đến nổi Marim nói về ông: “Tôi chưa hề gặp một người quá ướt át, cũng không gặp một thi sĩ quá khô khan như vậy”. Nếu “ướt át” như Matherbe, ta phải sẵn khăn tay trong túi quần luôn. Phải xin lỗi khi nhảy mũi tạo mưa bấc xung quanh hay trước mặt người đối thoại. Tuyệt đối không móc mũi bằng móng tay, thở kêu hồng hộc hay hỉ mũi rồi quẹt ở cột ở vách. 8. Hút thuốc vừa phải. Đừng xông ngột người gần ta, nhất là khi người ấy là phụ nữ, bằng khói thuốc. Tránh gạt tàn thuốc bừa bãi. Trước khi hút thuốc, lấy thuốc, rút hai ba điếu thuốc lá đầu ra khỏi bao mời khách. Đừng mò mò trong túi riêng từng điếu đốt hút một mình. Mời hút thuốc thì mời thật chớ không phải vừa đưa vừa mời qua loa, người ta từ chối rồi mình lẹ lẹ hút một mình. Lối mời ấy tố cáo bụng dạ ích kỷ và giả dối. Còn trẻ tuổi quá, hút thuốc coi kỳ. Trong rạp hát, trẻ già gì cũng không nên hút. Trên xe, trên máy bay, hút phải cẩn thận. Có trường hợp cần xin lỗi trước khi hút. Vào nhà ai đừng vào mà tay cầm điếu thuốc hay xì gà. Không nên ngậm ống bíp đi ngoài đường. Học sinh, sinh viên nên tuyệt đối không hút thuốc. Mấy năm trước ở Canada có luật cấm người dưới 18 tuổi đi đường bỏ thuốc trong túi. Còn ở Chicago, người ta cấm bán thuốc trong trường học. Ngày nay ở Việt Nam, trong nhiều trường không ít học sinh dám dành tiền ăn sáng để mua thuốc hút. 9. Miệng đừng mím chặt mà cũng đừng mở rộng. Nghe ai nói chuyện, há mồm tỏ ra quê mùa. Môi trề làm gương mặt có vẻ kiêu hãnh, cắn môi liếm môi thường quá tạo cho mặt thái độ mất điềm tĩnh. Gìn giữ răng sạch sẽ, trắng bóng. Răng hư thì trám, trồng. Đừng khoe vàng trong miệng thái quá. Bất đắc dĩ mới ngáp mà phải kín đáo. Người ta nói ở Nhật Bản năm 1902 có một dân biểu bị phạt 15 ngày tù và một số tiền vì khi quốc hội đang họp mà ngáp một cách sỗ sàng. 10. Thú vật không biết cười. Con người phải dùng cái cười tỏ ra khôn ngoan. Đừng đụng cái gì cũng cười, cười sái mùa, cười nổi đình nổi đám. Thánh kinh nói: “Người khờ cười tiếng lớn còn người khôn cười âm thầm”. Đối với bạn thân đến đâu, ta cũng phải cười tế nhị, không nên cười suồng sã. Chesterfield khuyên con của ông: “Cha ước mong người ta thấy con luôn mỉm cười mà người ta đừng nghe con cười”. Lời khuyên ấy là vàng ngọc. Cười vui tươi, chân thành chớ đừng cười hóm mỉnh, mỉa mai. Khi gặp những gì gây cười, đừng nhạy cười quá, không nên nghiêm nghị sái mùa mà cũng đừng dễ dàng bị chọc cười. Vui vẻ đừng thành xuề xòa, lăng loàn đến trắc nết. Trước mặt thiên hạ, coi chừng những tật của ta như nháy mắt, nghiến răng ken két, búng tay, đằng hắng, rung đùi, cắn móng tay. 11. Có người hay nhúc nhích hai vành tai: Nếu không gây chướng mắt thì cũng đừng làm trò cười. Tai phải móc kỹ, rửa sạch, đừng để bay mùi. Không nên ngoáy lỗ tai bằng ngón tay trước khi trả lời: người nói sẽ ngượng và coi ta như trẻ con. 12. Tay chân rửa sạch. Móng tay phụ nữ để khéo thì dễ coi, còn đàn ông dù để khéo tới đâu trông cũng chướng mắt. Salva nói: “Một bàn tay săn sóc kỹ luôn làm cho tôi nghĩ đến sự tế nhị trong tâm hồn và giáo dục”. Phải. Bạn làm sao có cảm tưởng tốt về một người tay cục mịch, móng dơ bẩn. Đừng thọc tay vào túi khi nói. Cũng đừng chắp tay sau mình nhất là trước người lớn. Trao đồ cho cấp trên phải dùng hai tay. Tránh tật ngồi với ai lấy tay nhịp bản đờn. Đừng có lối chơi xô đẩy, vỗ vào đầu vào vai hay vào đùi kẻ khác. Chân dùng vớ phải thường rửa bằng xà bông. Giày đừng có kiểu kỳ dị, không lạc hậu, không rộng quá cũng không chật quá. Xem tướng đi, người ta biết tâm tính ta ít hay nhiều. Đi cà lết là lối đi của người nhu nhược. Đi nghe “bực bực” là dấu hiệu không trầm tĩnh, tính thô bạo. Đi mặt hất lên trời là đặc điểm của người kiêu căng. Đi thân thẳng lên mà đừng ra vẻ cứng cỏi. Bước từng bước cẩn thận. Đừng kéo lết gót giày. Cũng đừng nện giày to tiếng trên nền gạch. Không nên đánh đòng xa rộng quá. Đi “chữ bát” ráng sửa lại dần dần. Không bước rí rí mà cũng đừng bước dài như đo đất. 13. Đi ngủ và thức dậy có chừng mực. Nên ngủ sớm và dậy sớm. Con trẻ đừng ngủ dưới 9 giờ, người lớn ngủ mỗi đêm từ 7 đến 8 giờ. Không nên thức khuya vô ích. Mà cũng đừng ham ngủ quá. Sénèque nói: “Không có cái gì khiếp nhược và nhục nhã bằng ngủ khi mặt trời mọc mới dậy”. Những người làm việc lấy đêm làm ngày, cần ngủ ngay mà phải ngủ vừa đủ và chừng mực. Tập dậy đúng giờ. Không nằm “nướng” và dậy tùy hứng. Người khôn, trước khi ngủ hướng thượng và kiểm tâm. Các nhà đạo đức như Sénèque, Pythngore, Socrate đều khuyên ta xét các việc ta đã làm trong ngày, quyết định hành thiện trước khi ngủ. Francois Coppée nói: “Người mỗi ngày can đảm tự chất vẫn và tự phê phán gắt gao, người ấy sẽ trở thành tốt đẹp mau chóng”. Ngủ nằm ngửa hay nghiêng tay phải để khỏi làm tim khó hoạt động. 14. Áo quần hợp thời, tiết kiệm và sạch sẽ. Đừng dùng màu sặc sỡ đến thành “bia” cho thiên hạ nhìn. Giữ quần áo sạch sẽ mà đừng tỏ kỹ lưỡng quá trước mặt người ta. Cũng phải tùy địa vị xã hội mà ăn mặc. Đơn sơ là đức lý tưởng cho việc trang sức. 15. Đối với người lớn, ta tỏ lòng tôn kính chân thành. Tôn kính cha mẹ, ông bà, cô bác... Người có chức quyền, thầy dạy, người già nua, tật nguyền. Thông thái như Newton mà không lần nào nói đến tên Thượng đế ông không cất mũ. Người học phải coi thầy dạy như cha. Nhà Nho nói: “Nhất nhật chi sư chung thân vì phụ”. Théodore Le Grand khi nhờ Thánh Arsène giáo dục con mình nói: “Từ đây tiên sinh sẽ là cha của nó hơn là chính tôi”. Chính thầy dạy là người ảnh hưởng ta nhiều nhất sau cha mẹ, tất nhiên là những ân nhân khả kính của ta. Alexandre Le Grand nói: “Tôi mắc nợ thầy tôi là Pristote hơn cha tôi là Philippe, người sau này cho tôi một đế quốc và người dạy tôi cách cai trị đế quốc ấy tốt đẹp”. 16. Khi cho ai đừng chỉ nghĩ đến của cho mà quên cách cho: Cách cho đầy thâm ý bác ái tăng giá trị của cho. Một thi sĩ đã nói: “Cách cho có giá trị hơn đồ người ta cho”. Giúp ai với lòng từ bi lúc họ khốn khó, là nâng đỡ, tìm trong cuộc đời chút ít ý nghĩa. Anderé Chénier nói: “Nhờ những nỗi lo lắng của tôi, tôi nhận trên mặt một người dấu vết sung sướng hay lãng quên khổ phiền”. 17. Trên bàn ăn, người lịch sự là người tiết độ. Chỉ ăn uống vừa đủ khi đói khát thôi. La Rochefoucauld gọi tiết độ là “Tình yêu sức khỏe”. Trong các tu viện khổ tu của công giáo là những nơi ăn uống vô cùng cực khổ, quanh năm không mấy ai bệnh hoạn: Người ta chết vì già hơn vì bệnh bất ngờ. Loài chim khi ăn no xong, không ăn nữa. Mà trong loài người, có kẻ ăn uống quá dư. Khi được mời dự tiệc, ăn mặc chỉnh tề. Đến phòng khách trước giờ tiệc lố mười phút. Đợi chủ chỉ chỗ ngồi và ngồi sau khi chủ đã ngồi. Khăn bàn đừng treo trên nút áo trên cổ, mà trải trên đùi nhưng không trải bành ra hết. Ăn uống điềm tĩnh, êm ái. Đừng mau quá. Không thổi cho đồ ăn nguội. Bánh mì hay thịt cắt vừa đủ dùng, nhất là thịt cắt từng miếng chứ đừng cắt chồng đống. Sau mỗi lần uống, nhớ chùi miệng. Uống rượu coi chừng quá chén. Đừng vừa ăn vừa nói. 18. Cà phê còn nóng quá thì đợi đừng thổi, cũng đừng đổ vào dĩa rồi húp. 19. Cách chào thay đổi tùy nơi, tùy thời và tùy phái nam hay nữ. Đừng đưa tay trước bắt tay đàn bà. Một phụ nữ đưa tay bắt tay, bạn đừng rụt rè. Là linh mục, nhà sư hay bậc tu sĩ nào, bạn khỏi chào phái yếu bằng cách bắt tay. Khi bắt tay đứng hai chân khít lại, thân mình hơi nghiêng về phía trước, tay phải đưa ra bắt tay khách, không gục gặc lâu cũng không đưa xuôi xị ra vẻ lãnh đạm. Tuyệt đối kỵ bắt tay bằng tay trái. 20. Ăn mặc cẩn thận khi thăm viếng. Tế nhị, coi người mình thăm có bận việc lắm không. Coi chừng họ thỉnh thoảng coi đồng hồ là cố ý mời khéo ta về. La Bruyère nói: “Người thạo đời biết mình được thích hay chán”. Tiếp bạn thân đừng có khách sáo quá cũng đừng thân mật đến thành lã lơi. B. BIẾT NÓI: Nói vừa đủ, nghe khéo là một cách nói hay. Francois de Sales khuyên: “Khi nói cần nói rõ từng chữ, từng vần”. Không nói ri rí trong miệng mà cũng không um sùm như tuyên bố. Dùng tiếng chính xác. Lưu ý đến ngữ pháp mà đừng lo làm câu, trở thành gàn. Dùng tiếng thanh cao với giọng tỏ ra nhân cách già giặn. Nói chuyện cần thông cảm nên đừng nói nghịch, bắt nhặt bắt thưa, ra tuồng lỗi phải. Nói chơi coi chừng lỡ lời. Đừng chế giễu tật xấu hay khuyết điểm trên thân thể của nhau. Không nên nói dối. Bacon nói lời nói dối là “Tố cáo một tâm hồn bạc nhược”. Fénelon quả quyết mạnh hơn: “Ai nói láo không đáng được tính vào sổ con người”. Người nghe, trong thâm tâm, không kính phục ta khi ta nói hành, vu khống kẻ khác đó chính là ngọn lưỡi rắn độc gieo bất hòa trong xã hội. Duclos nói: “Nói hành mà vô ý là khờ, nói hành mà suy nghĩ là nham hiểm. Kẻ nói hành: Họ hoặc là người dại hoặc là người hung ác”. Theo Malesherbes, vu khống là “hiểu ngầm một tâm hồn hư đốn và một quả tim khiếp nhược”. Hoàng đế Théodese phạt án tử hình cho ai đã vu khống kẻ khác quá ba lần. Nịnh bợ là khí giới của kẻ tiểu nhân trục lợi. La Rochefoucauld gọi đó là “bạc giả, chỉ có lòng háo danh của ta xài tiền ấy thôi”. Người ham được nịnh là người mù quáng và khờ dại. Kẻ nịnh “xông hương” để kiếm ăn. Merceir nói: “Hương bay làm tượng bụt đen bằng khói xông ca ngợi nó”. Người tế nhị ít ưa nịnh. Người ta nói vua Henri IV ngày nọ được một quan tòa ca ngợi “rất vĩ đại, rất quyền thế, rất nhân hậu, rất khoan dung, rất rộng rãi”. Vua bảo ông ấy thêm “rất mệt” và ông ấy ngượng. Lời khen cần thiết mà phải tiết kiệm nó, Joseph. Chénier nói: “Khen hay chê tôi đều ngại ngùng... Cái gì cũng khen là khờ, cái gì cũng chê là ngợm”. Nếu cần thuật chuyện, đừng dài dòng, phải duyên dáng. Khi bàn luận đừng cãi lộn. Lebrun nói: “Có lý quá là đã có lỗi rồi”. Muốn nắm nghệ thuật nói chuyện, hãy giữ 9 lói khuyên dưới đây của F.G.M trong cuốn “Manuel de Politesse a lusage de la Jeunesse”: 1. Nói ít nghe nhiều: Trời cho ta một miệng mà hai lỗ tai. 2. Nói giọng ôn hòa, duyên dáng, tự nhiên, không nói lắp giọng. 3. Tránh chuyện tầm phào, thô tục, xàm láp, tất có những gì làm chạm người có tai tế nhị. 4. Không kiểu cách mà lưu ý cách dùng lời cho vừa chính xác vừa thanh cao. 5. Nói cho họ nghe điều họ biết và thích nhất. 6. Ít nói về mình, về gia đình, về công việc tư riêng của mình. 7. Biết giữ những bí mật cần thiết và đừng tỏ ra tọc mạch. 8. Tỏ ra quan tâm mà không xu nịnh, thành thực mà không thô kệch và luôn luôn dễ mến. 9. Nghe nhiều hơn nói. C. BIẾT VIẾT: Nếu muốn cho người ta biết tư tưởng tâm tình của bạn mà nói không tiện thì bạn viết. Lacordaire nói: “Cho những dân tộc đang sống, sau tôn giáo, văn là kho tàng công cộng đệ nhất, là mùi hương của tuổi xanh và là thanh gươm của người lớn”. Muốn viết hay phải dồi dào kiến thức, có đầu óc sâu sắc, nguồn nhiệt huyết dồi dào, nghệ thuật diễn tả cao và nhất là phải quen viết. Điều căn bản của văn thể là thuần khiết, chính xác, tự nhiên, xứng hợp, cân đối và rõ ràng. Viết phải đẽo gọt cho đến chỗ tự nhiên trong sáng. Boileau dạy: “Thỉnh thoảng bạn hãy thêm và thường thường bạn hãy bôi xóa”. Cần tư tưởng hay mà các tác phẩm viết kém nghệ thuật sẽ không bất hủ. Dupanloup nói: “Một cuốn sách viết tệ là cuốn sách chắc chắn chết”. Trong xã giao, nói viết là nói thư từ. Thư từ là nói chuyện bằng ngòi bút, nói chuyện với người ở xa, nói khi cần biểu lộ tư tưởng, tâm tình. Trong một cánh thư, người ta nhận ra hình ảnh một tâm hồn, hoặc vui hay buồn, dè dặt hay nông nổi, háo thắng hay trầm tưởng, hung dữ hay hiền lành. Văn thể thư từ uyển chuyển tùy loại thư mà ta viết. Vì thể thư là nói chuyện nên nó phải là cuộc nói chuyện hấp dẫn. Grégoire de Nazianze nói: “Thư hay nhất, theo ý tôi, là thư viết đơn sơ, cao nhã tự nhiên”. Những đức tính này người ta gặp trong các bức thư của Ranéine gởi cho con trai ông, của bà Sévigné gởi ái nữ của bà ta hay một Voltaire, một Louis Veuillót. Hễ cầm bút viết thư thì nhất định bạn không quên ba điều cột trụ này: 1. Minh bạch: Minh bạch kỵ dài dòng và bí hiểm. Boileau nói: “Tất cả những gì người ta nói dư thừa đều lạt lẽo”. Bạn có thể nói: “Tất cả những gì người ta nói tắt quá đều tối tăm”. 2. Tự nhiên: Không ai chịu nổi người có thái độ kiểu cách. Văn viết mà kiểu cách dễ bị ghét hơn. Người viết văn không tự nhiên, Voltaire gọi là những người trịnh trọng, “trịnh trọng cân trứng ruồi trong những giá cân bằng lưới nhện”. 3. Cao nhã: Thư là lời nói, phải biểu lộ nhân cách. Grégoire de Naziaze nói: “Một bức thư không duyên dáng là một bức thư khô khan, nghèo nàn, nhàm chán”. D. BIẾT LÀM VIỆC: Muốn nói và viết sâu sắc phải làm việc có phương pháp bền bỉ. Người bạn trẻ sau khi ra trường, phải bắt đầu xây dựng tiếp “tòa nhà văn hóa” của mình. Delaportes nói: “Khốn khổ thay cho những người ngủ từ 20 tuổi... Ai ngủ là chết, hành động là sống”. Càng làm việc, càng thấy con người khoáng đạt và tìm được nguồn vui thâm thúy. Để củng cố nghệ thuật xã giao, không có cách nào hay bằng cách đọc. Đọc để kiến thức sâu rộng, để ngòi bút sắc bén và ngôn ngữ duyên dáng. Louis Veuillót nói: Nhờ lời nói và ngòi bút mà người ta gây ảnh hưởng và người ta hùng dũng khi tranh đấu cho cái thiện”. Đọc: Đọc nhiều, kỹ, suy nghĩ, nhớ và áp dụng điều mình đọc. Vì sự nghiệp của bạn có phần phải xây đắp nhờ sự hiệp tác của kẻ khác và đơn giản nhất vì là con người xã hội, nên bạn phải lưu ý vấn đề “xã giao” mà đặc điểm là khéo léo và chân thành.