HỨ HAI 19-4-1954 Điện Biên Phủ: Mãi đến tờ mờ sáng, đại đội Chevalier mới vượt qua được dãy chiến hào Việt Minh chặn bước tiến của ông đến Huguette 1. Đến 10 giờ, toàn đại đội lọt được vào cứ điểm thay cho những binh lính còn sống sót của tiểu đoàn 1 bộ binh lê dương rút về khu Trung tâm. Giữa Huguette 1 và Huguette 2, Việt Minh đã xây dựng được một vị trí kiên cố. Đại úy Coutant dẫn quân tới thay và tăng cường cho lính lê dương của Clémençon tại các cứ điểm Huguette. Đơn vị của Coutant chỉ có tám sĩ quan và đơn vị Clémençon chỉ có bảy sĩ quan có thể tham gia chiến đấu. Đại đội 1 của bán lữ đoàn lê dương 13 đóng giữ Huguette 5. Việt Minh tiếp tục bắn pháo đều đặn hằng ngày. Trong khoảng từ 16 đến 17 giờ pháo bắn tập trung vào hầm chỉ huy của De Castries và khu vực lân cận. Một trăm ba mươi sáu tấn hàng đã thả xuống. Theo các đài quan sát, lần này chỉ có 15% rơi lạc sang phía Việt Minh. THỨ BA 20-4-1954 Điện Biên Phủ: Trong đêm, tất cả các đội tuần tra đều gặp Việt Minh. Cứ điểm Opéra ở phía Đông đường băng đã phát lệnh báo động chiến đấu cũng như Huguette 1, nhưng đến gần 4 giờ sáng vẫn không thấy địch tiến công. Chín mươi ba lính đã nhảy dù xuống phần lớn đều là những người tình nguyện, chưa tốt nghiệp nhảy dù. Một phần ba, tức là số quân trong hai chiếc máy bay Dakota đã nhay lạc xuống trận địa địch, ở giữa Claudine và Isabelle. Các cứ điểm Huguette tiếp tục thay quân luân phiên. Đại đội 1 lính dù người Việt đến đóng tại đường máng dẫn nước gần sân bay, tại một điểm phía Nam Opera. Các kho kiểm điểm: còn hai ngày lương thực dự trữ, bẩy cơ số đạn cho mười khẩu pháo 105, ba cơ số đạn cho hai khẩu pháo 155. THỨ TƯ 21-4-1954 Điện Biên Phủ: Đêm tương đối yên tĩnh. Tờ mờ sáng, Việt Minh tiến đánh Huguette 1 nhưng không mạnh, có thể là trận tiến công thăm dò. Bẩy mươi lính đã nhảy dù xuống. Vấn đề lớn nhất trong ngày là tiếp tế cho Huguette 1 đang bị vây chặt, các chiến hào ăn thông từ Huguette 1 sang Huguette 2 đều bị Việt Minh chặn cách cứ điểm một trăm mét. Suốt ngày một đại đội thuộc bán lữ đoàn lê dương 13, cùng với các trung đội dù và bộ binh lê dương, có hai xe tăng yểm trợ, cố giải vây cho Huguette 1 nhưng không kết quả. Việt Minh thay đổi chiến thuật, không đánh vỗ mặt như đã tiến công Huguette 6 mà là đào lấn, đào dũi. Các chiến hào vây quanh cứ điểm tỏa các nhánh ôm chặt lấy cứ điểm, từ từ xiết chặt, bóp nghẹt vị trí đóng quân. Có rất nhiều chiến hào địch từ hai chục hướng khác nhau đào xuyên qua lớp rào kẽm gai vào tận trung tâm điểm tựa. Từ hàng chục nhánh hào này, bộ đội Việt Minh có thể tràn ngập toàn bộ cứ điểm khi tấn công. THỨ NĂM 22-4-1954 Điện Biên Phủ: Đêm yên tĩnh, trừ những trận bắn pháo quen thuộc. Huguette 5 phát lệnh báo động nhưng không thấy Việt Minh tiến đánh. Chiến đấu suốt ngày để cố mở đường tiếp tế cho Huguette 1 là nơi quân của Chevalier đang thiếu nước, thiếu đạn. Chỉ còn một trăm mét nhưng vẫn không vượt qua được. Đã thả xuống 148 tấn hàng. Chỉ có 10% rơi lạc vào khu vực Việt Minh. ĐÊM 22 RẠNG SÁNG 23-4-1954 Điện Biên Phủ: Đoàn vận tải tiếp tế cho Huguette 1 bát đầu xuất phát lúc xẩm tối. Tiểu đoàn dù lê dương chỉ còn hai đại đội gần tám mươi binh lính đi đầu để tạo một cửa mở xuyên qua những chiến hào Việt Minh. Tiếp theo là một đoàn dài phu khuân vác, lưng oằn xuống vì cõng các hòm lựu đạn hoặc các thùng nước uống, còn bụng thì phập phồng lo sợ. Cách Huguette 1 khoảng một trăm mét, tức là nghe rõ tiếng nói trong cứ điểm đoàn tiếp tế phải vọt qua các công sự Việt Minh. Lính lê dương đã bám chân được vào những mẩu đầu của chiến hào địch. Nhưng vẫn phải quét từng tấc đất bởi vì Việt Minh tiếp tục quay trở lại không ngừng như nước lũ. Hai giờ mười phút sáng, Chevalier trong cứ điểm nói qua máy bộ đàm: “Không thấy Việt Minh tiến đánh nhưng cảm thấy bộ đội Việt Minh có mặt ở khắp mọi nơi. Hiện chúng tôi vẫn đang ngăn được mọi cuộc thâm nhập. Các anh đến nhanh lên!”. Ba mươi nhánh hào Việt Minh đã lượn như những con rắn, xuyên qua những lớp hàng rào dây kẽm gai, từ từ lấn sâu vào trung tâm điểm tựa, như những ngón tay gầy đang bóp cổ. Huguette 1 tắt thở dần dần. Hai giờ 30 phút sáng. Không nghe thấy Chevalier trả lời nữa. Đoàn tiếp tế vẫn bị chặn lại, một sự im lặng hoàn toàn bao phủ Huguette 1. Lính lê dương ở bên ngoài phán đoán tình hình. Chợt một người đầu tiên từ bên trong cứ điểm chạy thoát ra ngoài. Đó là một lính lê dương người phủ đầy đất và máu, thở hổn hển. Anh ta cho biết, Việt Minh đã kiên nhẫn đào những đường hầm từ bên ngoài xuyên vào tận bên trong cứ điểm rồi từ đó vọt lên tiến công khắp mọi nơi. Đại úy Chevalier bị bắn chết giữa lúc đang chỉ huy chiến đấu. Lúc 4 giờ, Việt Minh chiếm được Huguette 1, đưa một tiểu đoàn tiến ra mặt phía Nam cứ điểm vây đánh đoàn tiếp tế đang rút chạy. Sài Gòn: 11 giờ. Tướng La Chénelierre, Tư lệnh lực lượng không quân vận tải chào từ biệt trước khi lên đường trở về Pháp. Tướng Navarre gửi tướng Ely: “Phải nói thẳng là, nếu không giải vây được và cũng không ném bom ồ ạt phá hủy tuyến đường vận chuyển tiếp tế của Việt Minh thì không thể nào giữ được Điện Biên Phủ. Có tin Việt Minh đang tổ chức để có thể tiếp tục bao vây đến tận cuối tháng 6 và chắc chắn là quá cả thời hạn đó nếu Hội nghị Geneve kéo dài”. THỨ SÁU 23-4-1954 Điện Biên Phủ: Sau khi được tin chính xác Huguette 1 đã bị mất, tướng De Castries quyết định phản kích chiếm lại. Không có Huguette 1, bãi thả dù sẽ quá hẹp và hơn 50% số dù hàng sẽ rơi ra ngoài. Bigeard dự tính số quân có thể tiến hành phản kích: chỉ có tiểu đoàn dù lê dương số 2 vừa mới tới là đơn vị duy nhất có sức tiến công. Có thể cho đơn vị này hai xe tăng yểm trợ. Liesenfield được cử làm chỉ huy cuộc hành quân. Cuộc phản kích tiến hành theo hai hướng: Hai đại đội do hai trung úy Boulinguez và De Bire chỉ huy xuất phát từ Huguette 2 tiến theo trục thông thường vẫn hành quân. Hai đại đội do Lecour Grandmaison và Pétré chỉ huy xuất phát từ Opéra sẽ tiến cắt ngang sân bay. 18 giờ 25 Bigeard phản công xong. Các trung úy đại đội trưởng chạy nhanh đi tập hợp đơn vị. 12 giờ. Sau hai mươi phút pháo bắn chuẩn bị và máy bay trợ lực, cuộc tiến quân bắt đầu. Pétré bị thương khi đi ngang qua sân bay. Đại đội phó là Guérin lên thay sau đó ít lâu bị bắn chết. Lính phản kích đã tới chỗ có xác chiếc máy bay vận tải cỡ lớn bị bắn cháy từ hôm 13 tháng 3, gần đó là những hố bom. Việt Minh đã táo bạo đặt luôn một ổ trọng liên vào mũi chiếc máy bay bị phá hủy và bắn chúc xuống các hố bom, không cho dùng làm hố ẩn nấp. Cả hai mũi phản kích đều bị Việt Minh có quân đông, hỏa lực mạnh, công sự tốt chặn đánh, máy bay của hải quân liều mạng sà xuống thấp bắn phá để cứu nguy cho đại đội 7 bị uy hiếp mạnh. Một chiếc Hellcatt đang bổ nhào thì bị trúng đạn, động cơ bốc cháy. Đại úy hải quân Klotz là người lái chiếc máy bay này vẫn cố điều khiển máy bay, trút hết số bom mang theo rồi mới nhảy dù, rơi cách Eliane 2 khoảng 1.200 mét về phía Nam. Cả Việt Minh lẫn lính lê dương đều cố tìm cách tranh giành người phi công. Đến 13 giờ thì tiểu đội Lescia đưa được Klotz về cứ điểm. 15 giờ Castries gọi điện hỏi Bigeard: - Có cái gì trục trặc trong cuộc phản kích thế? Bigeard chạy vội đến Huguette 2 là vị trí chỉ huy của Liesenfield. Từ bốn giờ sáng cuộc phản kích đã bị chặn đứng nhưng không ai biết làm thế nào để gỡ bí. Tiểu đoàn dù lê dương có tới hơn một trăm binh sĩ bị chết hoặc bị thương. Bigeard hạ lệnh rút lui. Hai đại đội đã vượt được ngang qua sân bay, nay số quân gộp lại chỉ tương đương một đại đội. Cuộc rút quân trở về lại càng bi thảm. Một trăm mười sáu tấn hàng đã thả xuống. Dù bị mất 20 phần trăm rơi lạc vào trận địa Việt Minh, số còn lại vẫn đủ dự trữ cho hai ngày. Sài Gòn:. 8 giờ sáng, lễ tưởng niệm được tổ chức tại Nhà thờ Đức Bà để truy điệu thiếu úy Gambiez là con trai của tham mưu trưởng Gambiez và đồng đội của anh bị chết tại Điện Biên Phủ. 16 giờ, tướng Bourgund báo cáo với Tổng hành dinh: Tình hình miền Trung Đông Dương đang nguy kịch. Tướng Navarre điện cho tướng Ely: “Tôi cho rằng chỉ có ném bom ồ ạt theo kế hoạch Vautour hoặc thực hiện được một cuộc ngùng bắn thì mới có thể cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Kế hoạch Vautour đã chuẩn bị xong. Có thể phát động ngay với ít nhất là một phần trong tổng số pháo đài bay B29 dự định huy động với thời gian ném bom ồ ạt là bẩy mươi hai tiếng đồng hồ”. THỨ BẢY 24-4-1954 Điện Biên Phủ: Bẩy mươi hai lính tình nguyện đã tiếp đất trước khi trời sáng. Thất bại trong cuộc phản kích vào Huguette 1 buộc ban chỉ huy phải tổ chức lại hệ thống phòng ngự. Cụm cứ điểm Opéra đối ứng với Huguette 1 tại phía Đông đường băng, nhô quá xa trung tâm, đêm mai sẽ phải rút bỏ và cho công binh phá hủy. “Máng” dẫn nước, một vị trí không có tên riêng, cũng ở quá xa. Trên bờ máng thoát nước của sân bay, Bizard đã cho tiểu đoàn 5 lính dù người Việt đào hầm hố và xây dựng cả lô cốt chiến đấu. Những trận mưa giông đã biến máng nước thành thác lũ bùn lầy cuốn trôi mọi thứ. Một trăm ba mươi chín tấn hàng thả xuống giúp tập đoàn cứ điểm hai ngày lương thực dự trữ và năm cơ số đạn. Bộ phận còn lại của tiểu đoàn dù lê dương số 2 sát nhập với bộ phận còn lại của tiểu đoàn dù lê dương số 1 thành một tiểu đoàn mới, có bốn đại đội, với số quân từ tám mươi đến một trăm người do Guiraud chỉ huy. Buổi tối, Bigeard được cử làm chỉ huy những cuộc hành quân ứng cứu, kiểm kê các phương tiện. Tại Epervier, đại úy Tourret chỉ huy bộ phận còn lại của tiểu đoàn dù thuộc địa số 8 còn bốn trăm quân, đại đội lính dù người Việt tám mươi lính, và hai trung đội lính Thái với năm mươi quân, tổng cộng tất cả là năm trăm ba mươi binh lính còn sức chiến đấu. Các cứ điểm mang tên Huguette do thiếu tá Guiraud chỉ huy có một tiểu đoàn xung kích thành lập từ những bộ phận còn lại của tiểu đoàn dù lê dương số 2 gồm năm trăm quân, một đại đội lính Marốc với một trăm bốn mươi binh lính do đại úy Nieod chỉ huy, tổng cộng tất cả là sáu trăm bốn mươi binh sĩ. Tại Lily, thiếu tá Nicolas có hai trăm năm mươi quân còn lại của tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn bộ binh Marốc số 4. Cụm Claudine do thiếu tá Clémençon chỉ huy, có chưa đầy bốn trăm quân thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn bộ binh lê dương số 2. Tại Junon, đại úy Duluat chỉ huy số lính Thái không rõ đích xác bao nhiêu quân, cộng với ba chục phi công bị bắn rơi do đại úy Charnod phụ trách. Các cụm cứ điểm Eliane 1, 2, 3, 4 do trung tá Bréchignac chỉ huy. Ông có khoảng bốn trăm lính dù thuộc địa, hai đại đội lính dù người Việt do Bottella chỉ huy gồm mỗi đại đội từ tám mươi đến một trăm lính, một tiểu đoàn thuộc bán lữ đoàn lê dương 13 do đại úy Coutant chỉ huy (đang giữ Eliane 2) và hai đại đội lính dù thuộc địa gồm hai trăm quân (dùng làm lực lượng dự bị). Tổng cộng tất cả là một nghìn một trăm năm mươi binh sĩ. Dominique 3 và Eliane 1 thường được gọi là “cụm Eliane dưới thấp” do thiếu tá Chenel chỉ huy gồm ba trăm năm mươi lính Thái, một đại đội lính Angiêri gồm hai trăm quân, một đại đội lính dù thuộc địa làm lực lượng dự trữ và khoang một trăm lính dù thuộc các đơn vị khác nhau tập trung lại Tổng cộng tất cả là sáu trăm năm mươi binh sĩ. Tại Isabelle, trung tá Lalande (vừa được thăng đại tá) cho biết ông còn trong tay bốn trăm lính bộ binh lê dương, bốn trăm chín mươi lính Angiêri, hai trăm lính Thái và một trăm bốn mươi lính Angiêri chạy thoát từ Gabrielle. Tổng cộng tất cả là một nghìn hai trăm năm mươi binh sĩ. Tại vị trí chỉ huy của mình, Bigeard có tất cả ba nghìn sáu trăm hai mươi lính bộ binh mà cả lính pháo lẫn lính xe tăng gộp lại. Trước mặt là khoảng ba mươi tiểu đoàn Việt Minh gồm 35.000 bộ đội chưa kể lực lượng pháo binh. Sau vài ngày chiến đấu trong đợt tiến công giai đoạn ba, tỉ số đôi bên là một chọi mười. Paris: Ngoại trưởng Mỹ Dulles cùng với đô đốc Radford, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ tới thăm làm việc. Hội đàm giữa Ngoại trưởng Bidault và Ngoại trưởng Dulles. Chủ đề chính là Hội nghị Geneve. Khi xuống cầu thang Bộ Ngoại giao, Dulles vừa đi vừa suy nghĩ cách nào giúp Pháp hiệu quả nhất. Không quay đầu lại phía sau để nhìn Ngoại trưởng Pháp Bidault đi theo tiễn chân, Ngoại trưởng Mỹ Dulles nói: - Nếu chúng tôi giúp các ông một quả…? - Xin lỗi? Tôi chưa nghe rõ. - Đúng đấy, nếu chúng tôi giúp các ông một quả bom nguyên tử. Bidault phải hỏi lại Chéuvel đi bên cạnh để tin chắc rằng không nghe nhầm. Mọi người lại leo lên cầu thang, bước vào phòng làm việc của Bidault để nghe Dulles giải thích. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles ra về, ngoại trưởng Pháp George Bidault lập tức triệu tập các cố vấn quân sự tới hỏi ý kiến. Vào thời điểm lúc đó, phải thừa nhận rằng chưa có một sĩ quan nào của Pháp biết chính xác về hiệu quả của bom nguyên tử. Họ hoài nghi kết quả và khuyên Bidault khước từ. Hơn nữa, Bidault cũng lo ngại váp phải những hậu quả chính trị nếu sử dụng bom nguyên từ. Buổi chiều hôm đó, Bidault gửi thư cho Dulles đề nghị nên tiến hành kế hoạch Vautour, ồ ạt ném bom thông thường. Ông nhấn mạnh, các chuyên viên quân sự Pháp đánh giá, một cuộc can thiệp ào ạt bằng không quân Mỹ vẫn có thể cứu được Điện Biên Phủ. Thư này được chuyển ngay tới Đại sứ quán Pháp tại Washington để thông báo với Chính phủ Mỹ. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Bedell Smith trả lời, cho biết Tổng thống Mỹ cho rằng một quyết định nhanh chóng về vấn đề này có thể đạt được nếu bản đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội Mỹ về việc cho phép các lực lượng Mỹ can thiệp vào Việt Nam có kèm bản tuyên bố tương tự của ba cường quốc phương Tây là Anh, Pháp, Mỹ. Như vậy là chỉ còn phải vận động Chính phủ Anh. Ngay trong buổi tối, Ngoại trưởng Pháp Bidault gửi thư cho Ngoại trưởng Anh Eden, đề nghị về việc này. CHỦ NHẬT 25-4-1954 Điện Biên Phủ: Trời mưa, nhiều gió trong đêm. Những cơn giông liên tiếp cản trở việc thả dù. Nước mưa tràn cả vào chiến hào và hầm hố. Đến mười giờ sáng mới hửng nắng. Việt Minh tổ chức một cuộc tiến công thàm dò giữa Opéra và Dominique. Sau khi đã hoàn thành đào hào vây chặt Huguette 6 và Huguette 1, Việt Minh tiếp tục đào hào vây Huguette 5 và Huguette 4. Một tiểu đoàn thuộc bán lữ đoàn lê dương tới Eliane 2 thay cho tiểu đoàn bộ binh lê dương số 2 rút về Eliane 4 đóng chung quanh vị trí chỉ huy eủa Bréchignac. Pháo vẫn bắn theo nhịp độ mấy hôm trước. Chỉ thả dù được 77 tấn hàng. Lào: Trung tá Godard từ căn cứ Nậm Bạc, dẫn tiểu đoàn dù lính Lào số 1 đi về hướng Mường Khoa và Điện Biên Phủ. London: Buổi sáng, Chính phủ Anh họp để nghiên cứu về thư của Pháp đề nghị Anh ra tuyên bố chung cùng với Pháp và Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Paris: Cuối buổi chiều, ngoại trưởng Pháp Bidault ra sân bay chào Thủ tướng Anh tạm dừng lại Orly trên đường đi dự Hội nghị Geneve. Thủ tướng Anh tuyên bố rất rõ: “Trước hội Hội nghị Geneve họp, Chính phủ Anh không sẵn sàng có một chút cam kết nào về hoạt động quân sự tại Đông Dương”. THỨ HAI 26-4-1954 Điện Biên Phủ: Trời đẹp. Pháo tiếp tục bắn ăn nhịp với những đợt thả dù. Giữa đêm máy bay Dakota tắt hết đèn, lượn trên thung lũng lòng chảo ở độ cao 200 mét. Sau khi quan sát kỹ và chỉnh hướng bay đúng với trục thả dù, máy bay sà xuống thấp ba trăm mét. Đến điểm thẳng đứng với đầu chữ T sáng nhấp nháy báo hiệu đã tới bãi thả, phi công bật đèn màu xanh trong khoang, hướng dẫn viên nói bằng tiếng Anh: - Nhảy! Một loạt mười lính dù lập tức lao ra ngoài. Cùng lúc đó tất cả các loạt súng cao xạ Việt Minh cũng nhả đạn. Riêng pháo 105 chờ sau mười giây mới bắn, đúng vào lúc lính dù rơi xuống đất đang chạy đi tìm nơi ẩn nấp. Trước cứ điểm Isabelle, tiền đồn của Wieme chỉ huy lính Thái vẫn giữ vững. Nhưng Lalande vẫn rút bỏ để tăng cường cho đại đội lính Thái do đại úy Désiré chỉ huy. Désiré đang bị thương nặng, đại đội phó bị chết. Đại đội 7 lính dù lê dương được lệnh đóng tại Huguette 2. Một máy bay Hellcatt của hải quân bị bắn rơi. Phi công nhảy dù lạc vào trận địa Việt Minh. Hai máy bay ném bom B26 cũng bị trúng đạn bốc cháy rơi xuống đất. 64 trận chiến đấu phần lớn nhằm vào các vị trí cao xạ của Việt Minh. Trong số 106 tấn hàng thả dù 25 tấn bị rơi lạc. Sài Gòn: Tướng Navarre gửi điện cho Ely: “Tướng Cogny cho biết, nếu trong vòng hai hoặc ba tuần nữa, Việt Minh không tổng tiến công thì Điện Biên Phủ có thể giữ vũng với điều kiện được tăng viện đều. Để động viên binh lính, tôi đã thông báo, cuộc hành quân Condor vì nhiều lý do, chỉ có thể tiến hành vào ngày 10 tháng 5. Không nên tiến hành quá sớm vì sẽ ít hiệu quả. Nếu giải pháp ngừng bắn được chấp nhận thì sẽ thực hiện ngay vì yếu tố tinh thần sẽ mạnh thêm nếu Điện Biên Phủ được giữ vững”. Paris: 20 giờ, Bộ trưởng Quốc phòng Pleven tiếp tướng Mỹ Norstadt và đưa ra đề nghị ba điểm: 1 - Mỹ đã thỏa thuận giao cho Pháp số máy bay ném bom B26 nhưng chưa giao vội vì không quân Pháp chưa có đủ số người điều khiển. 2 - Pháp có thể tiếp nhận ngay hai mươi máy bay Privateer bổ sung cho lực lượng không quân của hải quân. 3 - Đề nghị Mỹ cho vay hai mươi máy bay vận tải C119. Genève: Ngoại trưởng Pháp Bidault tới sớm vài giờ trước khi họp hội nghị. THỨ BA 27-4-1954 Điện Biên Phủ: Năm mươi hai lính tình nguyện đã nhảy xuống trong đêm thành từng đợt do bị pháo cao xạ và pháo mặt đất bắn. Một khẩu 155 của Pháp bị phá hủy vì đạn nổ trong nòng. Các tổ quan sát bảo cảo địch đang đóng ở cánh đồng. Một đèn chiếu của pháo cao xạ có vẻ như bố trí ở giữa khu Trung tâm và Isabelle đã quét vòm trời, khi có máy bay. Những tổ báo động ở Bắc đường bay ghi nhận có tiếng động cơ của nhiều xe tải. Một đội trinh sát của địch tìm cách thâm nhập vào giữa Claudine 5 và Lily. Buổi sáng thời tiết xấu. Sau những cơn giông, bầu trời vẫn còn nhiều mây. Những đợt thả dù ban ngày đặc biệt rơi vào thảm họa. Có tới 70 phần trăm số dù rơi chệch mục tiêu. Mặc dù cao xạ lại hoạt động rất dữ, 88 tấn hàng đã được thả xuống, 25 tấn rơi vào trận địa địch. Bắc Lào: Binh đoàn Godard xuất phát từ Mường Sài đã tới Mường Khoa. Genève: Ngoại trưởng Pháp Bidault gặp Ngoại trưởng Liên Xô Molotov. Liên Xô đồng ý để đại diện ba nước liên kết với Pháp tham dự hội nghị. Bù lại, Pháp chấp nhận để Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đại diện Việt Minh tới dự hội nghị. London: Thủ tướng Anh Churchill tiếp đại sứ Pháp Massigli. Ông Churchill tuyên bố thẳng, không thể làm gì được để cứu Pháp ở Điện Biên Phủ. Ông cũng không tin vào hiệu quả một cuộc can thiệp bằng không quân vào Điện Biên Phủ và cho rằng hành động này sẽ phá huỷ những may mắn có thể hi vọng đạt được tại Hội nghị Geneve. Buổi chiều nhà lãnh đạo cao tuổi của phe Bảo thủ (Churchill) tuyên bố trước Nghị viện Anh: “Chính phủ Vượng quốc Anh không chấp nhận tham gia một cam kết nào vào việc hành động chung của các cường quốc phương Tây tại Đông Dương trước khi biết những kết quả của Hội nghị Genève”. THỨ TƯ 28-4-1954 Điện Biên Phủ: Đêm yên tĩnh. Không quân cố thả dù tăng viện quân cho Isabelle. Một tiểu đội lính dù đã nhảy xuống trước 2 giờ sáng nhưng sau đó thời tiết xấu nên phải đình chỉ việc nhảy dù. Buổi sáng trời mưa. 8 giờ, pháo lại bắn. Những khẩu pháo 75 không giật của Việt Minh bắn thẳng vào mọi vật di động trong khu Trung tâm, từ sở chỉ huy đến các vị trí pháo. Một xe tăng bắn pháo phá hủy được một số lô cốt địch trước mặt vị trí Pháp trên bờ mương thoát nước ở sân bay. Tám tấn hàng được thả xuống, 35 phần trăm bị thất lạc. Thời tiết xấu không cho phép máy bay bắn phá. Kiểm kê kho tàng: còn hai ngày lương thực, năm cơ số đạn 105 cho 18 trong tổng số 24 khẩu còn lại, ba cơ số đạn cho một khẩu 155 còn lại, bốn cơ số đạn cho cối 120. Trong các chiến hào, bùn ngập tới 1 mét. Bắc Lào: Một đội trinh sát của binh đoàn Godard tới cách Mường Khoa 35 kilômét phía Đông Bắc. Paris: Tướng Ely gửi điện cho tướng Navarre: “Không hi vọng kế hoạch Vautour có thể thực hiện”. THỨ NĂM 29-4-1954 Điện Biên Phủ: Ban đêm thời tiết tốt, gần sáng lại xấu. Mưa như trút nước. Tiếng sấm hòa trong tiếng đạn pháo 105 của Việt Minh bắn vào tất cả các vị trí còn lại ở Điện Biên Phủ. Một lính lê dương dùng thuốc nổ phá sập một đoạn đường hầm của Việt Minh chỉ cách vị trí của bán lữ đoàn lê dương số 13 vài mét. Những đội tuần tra vừa ra khỏi mặt Nam và Tây Nam khoảng một kilômét đã gặp Việt Minh đang đào hào. Một lực lượng của tiểu đoàn dù thuộc địa số 8 lấp được vài mét hào cách Claudine bốn trăm mét. Hai mươi hai tấn hàng thả xuống Claudine. Không có một phi vụ bắn phá nào vì trời mưa. Sài Gòn: Tướng Navarre nghiên cứu kế hoạch rút số quân còn lại từ Điện Biên Phủ sang Lào. THỨ SÁU 30-4-1954 Điện Biên Phủ: Đêm yên tĩnh. Tám mươi ba lính tình nguyện nhảy xuống Isabelle, hai mươi người bị mất tích. Ba mươi tấn lương thực và sáu tấn đạn dược thả xuống. Từ 6 giờ đến 6 giờ 30 Việt Minh tiến công thăm dò mặt Tây Bắc Dominique 3. Trần mây rất thấp. Máy bay tìm cách thả hàng xuyên qua những đám mây bằng dù tự động nổ chậm. 25 phần trăm đã bị “xoắn”. Pháo tiếp tục bắn. Một xe tăng bị đạn pháo 105 phá hủy. Việt Minh tới sát Isabelle tới mức có thể xung phong tiến công được. Buổi chiều, thời tiết tốt. Không quân thực hiện được chín mươi ba phi vụ. Hai trăm hai mươi tấn hàng được thả xuống trong vòng hai mươi bốn giờ. Kiểm kê kho: còn năm ngày lương thực, ba nghìn đạn 105, bốn nghìn đạn cối 81, một nghìn bốn trăm đạn cối 60, tám nghìn lựu đạn. Hình như chỉ thu nhặt được hai phần năm các kiện hàng thả dù. Tướng Cogny đề nghị tướng Castrìes tiết kiệm đạn. Tướng Castries trả lời: “Không được” và đòi thả số đạn ngang với số lương thực. Tướng Navarre điện gửi tướng Ely: “Trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ còn hy vọng hoặc là có ngừng bắn, hoặc là rút chạy được sang Lào Tôi đã nghiên cửu kế hoạch rút nhưng thấy có rất nhiều khó khăn và chỉ thoát được một bộ phận. Việc bỏ lại thương binh là điều không tránh khỏi. Kế hoạch rút sang Lào mang tên Albatros”.