Dịch giả: Phan Tất Đắc
Hội Giả Trang
(Ô-lếch gửi Số Không)

    
hào Số Không! Cậu muốn nghe chuyện quán cà-phê “Úm ba la” nhưng tình hình lại xoay chuyển đi, cho nên bọn mình chưa đến quán đó. Phải chăng quán “Úm ba la” bị phù phép? Không phải thế đâu. Bọn mình đã đi gần đến nơi nhưng bỗng gặp một đám rước giả trang chặn ngang đường.
Đi đầu đám rước là những con số.
Những chữ số công kênh các chú bé Số Không trên vai, hệt như nước mình trong các cuộc diễu hành ngày mồng Một tháng Năm.
Theo sau đoàn chữ số là những chữ cái La-tinh và chữ cái Hi Lạp. Tiếp đó là đoàn các dấu đẳng thức bước đều tăm tắp. Rồi đến các phép tính.

Các dấu chấm muôn màu nhảy nhót tựa như những quả bóng nhựa. Một số dấu chấm bập bềnh trên không trung như những khí cầu.
Kia là những nhà thể thao mềm dẻo, vừa đi vừa nhào lộn, họ là các dấu cộng và trừ. Đi cà kheo ngất ngưởng là các dấu căn. Phía trên, các chỉ số của căn bay giập giờn như đàn bướm.
Rồi đến các dấu ngoặc. Thôi thì đủ kiểu ngoặc tròn, ngoặc vuông, ngoặc nhọn…
Tiếp đó là dàn nhạc các dấu chấm than diễu hành. Nhiều người trong đám đông hô vang:
- Hoan hô các dấu giai thừa vinh quang!
Bọn mình đang định hỏi xem người ta nói như thế là thế nào thì đúng lúc các dấu giai thừa nổi nhạc quân hành. Tiếng chũm chọe, tiếng kèn đồng nhất tề nổi lên nhộn nhịp. Tiếng sáo vi vu như đàn sơn ca đang hót líu lo. Mọi người xung quanh cũng cất cao tiếng hát hòa theo.
Thế là chẳng ai rỗi hơi cắt nghĩa cho bọn mình giai thừa là gì, cũng như nói chung mọi chuyện đang diễn ra như thế nào.
Ta-nhi-a bèn đoán:
- Có lẽ đây là ngày hội thánh Ki-rin và Mê-phô-đi chăng [1]
Chẳng là bà mẹ cô ta vừa sang Bun-ga-ri trở về. Ở bên ấy, người ta có tục lệ hàng năm mở hội mừng những người sáng lập ra chữ viết Sla-vơ. Trong ngày hội ấy người ta thắng bộ thật đẹp vào rồi ra phố để xem duyệt binh các chữ cái. Đội duyệt binh gồm toàn học sinh. Mỗi cậu sắm vai một chữ.
Xê-va “phì” mạnh một cái:
- Sao lại thánh Ki-rin với Mê-phô-đi ở đây được? An-giép là một quốc gia toán học cơ mà. Nhưng tại sao các chữ cái lại lọt vào đây nhỉ? Chắc là nhầm lẫn gì đây?
Cậu ta vốn quen thói nói bô bô, thành ra mọi người đều nghe thấy cả.
Thế là các chữ cái xúm đông xúm đỏ xung quanh bọn mình, tỏ vẻ công phẫn.
- Sao? Anh bạn bảo bọn tôi nhầm lẫn à? Nhầm là thế nào? Nói vậy là nhục mạ chúng tôi! Là muốn tiêu diệt chúng tôi!
Một chữ T La-tinh sôi lên sùng sục:
- Các người không biết rằng nếu không có chúng tôi thì ngay cả nước An-giép cũng chẳng có nốt!
- Không thể có, nhất định không thể có nước An-giép được! - Các chữ cái khác đồng thanh họa theo.

Mình phải vất vả lắm mới thanh minh được rằng Xê-va không định xúc phạm họ đâu. Chẳng qua là bọn mình vừa chân ướt chân ráo đến đây, cái gì cũng bỡ ngỡ. Các chữ cái liền đổi giận làm lành, rồi lại còn tranh nhau giảng hòa với bọn mình nữa. Nhưng họ nói nhao nhao và hấp tấp quá cho nên bọn mình chẳng tài nào hiểu đầu đuôi ra sao cả.
Mình phải nói:
- Thưa các công dân chữ cái, xin các bạn nói lần lượt từng người thì chúng ta mới hiểu được nhau.
Một chữ D bèn trịnh trọng bước ra khỏi đám đông. Anh ta lên tiếng:
- Đề nghị các bạn, mỗi người tự nghĩ lấy một số nào đấy. Nghĩ xong rồi chứ? Được. Bây giờ các bạn nhân số ấy với ba. Rồi cộng thêm bốn. Xong chưa? Bây giờ từng bạn cho tôi biết kết quả tính được nào.
- Mười! - Ta-nhi-a tuyên bố.
- Không phải, mười chín chứ! - Xê-va phản đối.
- Tôi lại tính ra sáu mươi tư cơ, - mình nói.
- Các bạn hãy xem đây. Ba bạn, mỗi người cho một đáp số khác nhau. Nhưng có thể có hàng ngàn, hàng triệu người cùng chơi trò đố này. Mỗi người có thể nghĩ một số tùy ý, thành ra chúng ta có đến một núi đáp số chứ chẳng chơi. Dù cho chỉ đọc hết các đáp số - chứ đừng nói đến ghi chép nữa - Cũng phải mất vô khối thời gian! Ấy thế mà tôi có thể viết tất cả các đáp số vào mẩu giấy này cho các bạn xem.
Và chữ cái D cho bọn mình xem mẩu giấy có ghi đáp số: 3a + 4
Xê-va nhớn nhác hỏi:
- Thế mười chín của tôi đâu?
- Có ngay đây. Nếu tôi đoán không nhầm thì bạn đã nghĩ nhẩm số năm phải không? Ba lần năm là mười lăm. Cộng bốn nữa là mười chín.
- Nhưng số năm đâu mới được chứ?
- Chính nó đây: là chữ a.
- Vậy a là năm à?
Chữ D mỉm cười:
- Là năm đối với bạn. Nhưng đối với một người khác a có thể là ba. Lúc đó đáp số sẽ là mười ba. Với người khác nữa a là một trăm. Bấy giờ đáp số sẽ là ba trăm linh tư: chữ a có thể thay cho bất kì số nào cũng được.
- Nhưng tôi không hiểu sao chữ a lại đặc biệt như thế? - Xê-va hỏi một cách lễ phép.
- Nó chẳng có gì đặc biệt cả. Có thể không dùng chữ a mà dùng chữ khác cũng được. Đáp số vẫn thế thôi.

3c + 4
Ta-nhi-a bèn đề nghị:
- Anh ra cho bọn tôi một bài toán nữa đi để bọn tôi thử viết đầu bài bằng chữ xem sao.
- Được thôi! Các bạn hãy nghĩ nhẩm hai số. Nhân số thứ nhất với hai, nhân số thứ hai với năm, rồi cộng hai tích số ấy lại.
- Đơn giản quá: 2a + 5a, - Xê-va nói luôn.
Chữ D sửng sốt rướn cặp lông mày:
- Bạn lại nghĩ nhẩm hai số giống nhau ư?
- Không, hai số khác nhau đấy chứ.
- Như thế tại sao bạn lại kí hiệu chúng bằng cùng một chữ? Nhờ trời chúng tôi cũng có đủ chữ để dùng. Nếu bạn nghĩ những số khác nhau thì bạn phải kí hiệu chúng bằng những chữ khác nhau chứ:

2a + 5b
Ta-nhi-a còn thắc mắc:
- Tại sao thế nhỉ? Anh bảo nhân hai với a, nhân năm với b, nhưng tại sao không viết dấu nhân? Hay có lẽ anh muốn tiết kiệm chữ thập chăng? Như thế cũng phải đặt dấu chấm chứ.
- Đúng là chúng tôi muốn tiết kiệm, nhưng không phải để tiết kiệm chữ thập mà để tiết kiệm thời gian. Chẳng những thế chúng tôi còn muốn tiết kiệm chỗ nữa. Lẽ nào 2a không phải là a nhân với hai, tức là hai lần a? Thế thì tội gì phải viết dấu nhân cho tốn chỗ. Nhưng chúng ta đứng đây làm gì nhỉ? - chữ D sực nhớ ra - Ngoài sân vận động có lẽ bây giờ đã bắt đầu cuộc diễu hành thể dục rồi. Các bạn sẽ được xem biểu diễn những phép tính mà chúng tôi gọi là phép tính đại số.
Thế là bọn mình vội vàng đến sân vận động. Lúc này đang là giờ nghỉ giữa buổi, như giờ nghỉ giải lao ở rạp hát
ấy mà.

Ô-lếch
Tái bút. À, cậu bảo chú bé Số Không bữa trước không cho mẹ vào nhà rằng, phải khắc lên mũi mà nhớ cho kĩ là chỉ các số mới có dấu âm và dấu dương, còn các chữ số thì làm gì có dấu. Ở nước Tí Hon các cậu, tất cả các bà mẹ đều là các chữ số cả. Cho nên lúc ở nhà các bà không có dấu gì để phân biệt cả. Chỉ khi các bà đi làm, tức là trở thành các số thì các bà mới mang dấu dương hay dấu âm. Thế đấy!
 
Chú thích:
[1] Ki-rin và Mê-phô-đi là những người sáng tạo ra bảng chữ cái Sla-vơ – ND.