Chương XXX
Ngả đường quyết liệt

    
ừ hôm bị bắt hụt ở Võng La, từ hôm nghe tin các anh em nhà binh bị Đội Dương “một chài vết hết”, anh Học, anh Chính, anh Song Khê đều trở nên buồn rầu, lo nghĩ. Cái công trình tuyên truyền, tổ chức bấy lâu, già nửa đã phải cho dòng nước chảy!
“Muôn nghìn người gắng sức chưa xong,
Một vài kẻ đổi lòng đủ vỡ …”
Cái công cuộc cách mệnh là công cuộc như thế! Nhưng: “Nào ai có liệu được đâu cơ Trời!”
Ngoảnh lại trong vòng mấy tháng Đảng đã từng gặp những điều bất lợi luôn luôn!
Tháng mười, tự nhiên vỡ việc bom Mỹ Điền!
Tháng một, việc bom Phao Tân!
Tháng chạp, việc bom Nội Viên và Thái Hà ấp
Tháng giêng, việc bom Kiến An và lại Nội Viên lần nữa!
Rồi thì: nào hịch in ở Lục Nam bị khám phá; nào các làng quanh Võng La bị trỉệt hạ; nào dao, nào kiếm ở Vĩnh Yên bị lủng bắt; nào những kho chứa gươm, chứa giáo, chứa lựu đạn, chứa quần áo ở Hải Phòng, ở Kiến An bị chúng tịch thu… Thế nhưng thực chưa lần nào đau đớn bằng lần này…
Chúng ta cách mệnh bằng sắt máu, bao giờ cũng phải lấy quân đội làm phần chủ lực. Chủ lực tan rữa rồi, lấy ít bom xoàng, dao nhụt, với những đội tiện y ô hợp, liệu có cầm cự nổi được với những quân tổ chức sẵn, huấn luyện sẵn, khi giới sẵn hay không? Người ta bảo: “Cần phải đứng trước ở chỗ không thua”. Thế nhưng mình thì “đứng trước ở chỗ thua” mất rồi!
Thế nhưng liệu không đánh, liệu lại tổ chức lại rồi sẽ đánh có được không? Không thể được! Cuộc đời là một canh bạc! Những canh bạc đen, người ta có thể thua hết vốn!
Gặp thời thế không chìu mình, đảng có thể tiêu mòn hết lực lượng, khi lòng sợ sệt đã chen vào trong óc quần chúng, khiến họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mệnh có thể nguội như tro! Rồi của sẽ không tiếp! Rồi người sẽ bị bắt dần? Dữ kỳ đày anh em vào cái chết lạnh lùng, mòn mỏi từ các nơi buồng ngục nhà giam, thà rằng xô anh em vào cái chết oanh liệt, nồng nàn ở nơi chiến địa! Chết đi! Để thế giới biết đến cái tinh thần dân tộc này còn sống. Chết đi! Để lại cái gương hy sinh, phấn đấu cho người nơi bước!
“Không thành công, thôi thì thành nhân!”
Đó là cái ý nghĩ chua cay nhưng quả quyết của các nhà lãnh đạo hồi bấy giờ. Nhặt nhạnh các tàn lực để làm nên cuộc khởi nghĩa năm 1930, tin ở quá khứ, tin ở tương lai, tin ở anh em sống sót sẽ nối được chí, noi được việc của mình, các anh với cặp mắt đỏ lửa, với trái tim bốc lửa, với cái hoàn cảnh lửa đốt đầu, đã quyết đem tính mệnh mà đền ơn Đảng, đền ơn Nước, đền ơn tri ngộ của Quốc dân. Nói rút lại, các anh đã chọn lấy cái chết của một con Người. Ấy, tinh thần trách nhiệm ở phương Đông là thế!
Thế rồi các anh chia nhau công việc. Anh Chính coi việc đánh mạn Yên Bái. Anh Song Khê: Sơn Tây, Phú Thọ, Hưng Hoá. Anh Học: Bắc Ninh, Hải Dương.
Anh Giản: Hải Phòng, Kiến An. Riêng Hà Nội là thủ đô thật buồn thay, không còn một lực lượng gì? Đáng lẽ cho ít anh em trong Ám sát đoàn ném mấy chục quả bom, để thức tình đồng bào trong giây lát!
Các anh định đồng thời cử sự. Ngày ấy định là ngày 10 tháng Hai 1930. Sau đó muốn cho đạo quân của anh Nghiệp tổ chức ở Vân Nam, Lào Cai về kịp, anh Học có đưa thư định hoãn, đến ngày rằm. Nhưng anh Song Khê thì cho việc hoãn lại như thể có thể xảy ra những trở ngại không ngờ, nên nhất quyết cứ theo cũ (1). Thành thử ra việc đánh ở mạn ngược và miền xuôi không đi đôi với nhau. Đó là một điều đáng tiếc. Đáng tiếc hơn nữa là anh Quản Cầm, đáng lẽ chỉ huy việc đánh Yên Bái, thì gần đến kỳ, bỗng mắc chứng đau tim, phải về điều trị tại Hà Nội. Khi nghe tin việc Yên Bái thất bại, anh đã hộc máu ra mà chết ở nhà thương La nét xăng (Lanessan).
Chú thích:
 (1) Chiều ngày 8 tháng 2, anh Chính ở nhà anh Quản Trang làng Nam An, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây, tiếp được lệnh anh Học bảo hoãn đến rằm. Anh sai anh Lý Sự làng La Hào sang Sơn Dương báo với anh Song Khê. Anh Song Khê không chịu hoãn, đồng thời cô Giang đưa phái viên của anh Nghiệp về, xin đưa lên chi bộ Lào Cai bốn chục trái bom nhưng không kịp.