ôi không muốn gặp mặt vợ con một tí nào cả. Bởi vì, sau một lần gặp gỡ, tôi mềm yếu và đau khổ vô cùng. Tôi đã ao ước vợ con tôi vượt biên. Cứ vượt biên, sống chết ra sao không cần biết, miễn là đừng bị bắt vào tù. Tôi đã ao ước thô bạo hơn, vợ con tôi cùng chết một lúc và chết ngon lành. Và rồi, tôi ao ước tôi chết cho vợ con tôi khỏi bận bịu, tìm đường ra đi. Tôi cũng sợ hãi đọc thư nhà. Những bức thư ngô nghê của thằng con trai út thường làm tôi khóc. Mỗi khi thư loan tin bác này về vùng kinh tế mới, bác kia hồi hương, 1 tôi muốn điên lên. Bằng hữu tôi lần lượt ra đi, bỏ rơi vợ con tôi. “Bố ơi, chẳng ai thèm lại nhà mình, thấy mình họ ngoảnh mặt”. Tai họa còn là cái sàng đãi lọc tình nghĩa. “Bố ráng học tập cải tạo tốt để được Nhà Nước khoan hồng sớm về sum họp gia đình dạy dỗ chúng con”. Câu cuối của từng bức thư tù đó. Khuôn mẫu của chế độ giải phóng con người. Tôi ghét bị kiểm duyệt tình cảm, nên thư về của tôi chỉ là cái danh sách xin gửi những món cần thiết. Vợ tôi không hiểu, đã trách móc tôi. Và tôi im lặng. Tôi đã viết nhiều về nỗi cô đơn. Rất hời hợt. Một đêm ở 1C-1, hồi tôi bị ghẻ mủ nặng, nằm nghiêng trên hai gang chiếu. Tôi ngủ lúc nào không rõ. Và tôi có giấc chiêm bao. Vợ chồng tôi cãi nhau quyết liệt. Hai chúng tôi giận nhau, mỗi đứa nằm một mép giường, xoay lưng đấu nhau. Tôi thấy mình vô lý quá. Tại sao không nhường nhịn vợ? Tại sao không xin lỗi vợ? Bèn lăn một vòng ôm chặt vợ. Bị cái thúc cùi chõ vào bụng. Tỉnh giấc mới hay mình ôm bạn tù ghẻ. Phòng giam sáng trưng đèn nê-ông, Tất cả đều ngủ. 1C-1 nhỏ bé, bốn bức tường kín mít. Mà tôi mơ hồ tưởng bờ bãi mênh mông. Và nỗi cô đơn dàn trải vô tận. Tôi đã thiếu khả năng viết bài thơ diễn tả nỗi cô đơn của tôi. Và thế đấy, tôi không muốn gặp mặt vợ con một tí nào cả. Nhưng mà tôi lại gặp mặt vợ con lần thứ hai. Quản giáo Bàng dẫn tôi ra phòng tiếp khách gần cổng trại. Hắn bỏ ra ngoài để chúng tôi trò chuyện tự do. Con trai lớn của tôi, Vũ Nguyễn Thiên Chương, tức Chương còm, tức cu Tý, mất trường Taberd sang trường Marie Curie học. Bị Cờ Đỏ của trường nhốt một đêm, đánh đập tàn nhẫn. Bị ra phiên tòa của giáo viên thành phố, bị kết tội con của nhà văn phản động, bị đuổi học. Không thầy giáo… ngụy nào bênh vực nửa lời, dù phiên tòa có nhiều thầy giáo bạn của tôi. Con gái tôi, Vũ Nguyễn Thiên Hương, tức con Ki, vẫn học Régina Mundi (đổi tên Lê Thị Hồng Gấm), giỏi môn văn, được đề nghị ra Hà Nội thi văn, đậu cao sẽ sang Moscou, thương bố bị tù, thương anh bị đuổi học đã xin nghỉ học luôn. Con trai út tôi, Vũ Nguyễn Thiên Sơn, tức thằng Đốm, bị cấm đến trường. Vợ tôi bệnh hoạn dài dài, bị lừa gạt vượt biên, bị hăm dọa thủ tiêu nếu không rời căn nhà đường Công Lý. Thư hăm dọa trình công an. Công an lờ tít. Vợ con tôi bỏ nhà… lưu vong. Con chim đại bàng đã không đến ăn khế vườn nhà tôi. Và cổ tích của thằng Đốm là thất học. Tôi vác bị quà về phòng giam, lòng rã rời, tan nát. Xưa, viết truyện, tôi đã chỉ xin làm cây leo lên hạnh phúc của con tôi. Giờ, nằm tù, tôi không được leo lên cả bất hạnh của con tôi. Và cả niềm bất hạnh của tôi, của gia đình tôi, cho đến hôm nay, vẫn còn bị đâm thêm những ngọn dáo phi nhân, vẫn còn bị phì thêm nọc rắn ác độc. Nhưng mặt trời chiếu cho mọi người. Và Chúa Jesus đã dạy: “Phúc cho kẻ chịu bắt bớ bởi sự công nghĩa. Vì nước Trời là của kẻ ấy. Phúc cho kẻ bị lăng nhục và vu cho mọi điều ác. Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng trên Trời là lớn”. Cho nên, tôi vẫn đi, tôi mãi đi không mỏi, nhân danh niềm bất hạnh của tôi. Phần thưởng trên Trời tôi chưa thấy. Phần thưởng dưới thế tôi đã thấy: Tôi đã viết thêm 20 cuốn sách từ khi ra khỏi nhà tù. Tôi còn trẻ măng, còn dồi dào phong độ, còn tràn trề sinh lực và năng lực. Nếu nước Trời là Sáng Tạo, nước ấy của tôi. Cứ phì nọc độc vào tôi đi rồi lùi lại, nhỏ bé. Cứ chấp nọc độc, tôi phóng xa về phía trước, cao lớn, sừng sững. Đó là tín hiệu của bất cứ ai sáng tạo. Tháng 7-1977, Doãn Quốc Sĩ từ 6C-1 qua 3C-1.Tác giả Dòng sông định mệnh tỏ vẻ mừng rỡ gặp tôi. Anh Sĩ vẫn khoẻ mạnh. Doãn Quốc Sĩ chuẩn bị áo len, bí-tất găng tay. Anh tiên đoán một chuyến đi xa về phương Bắc. Thường xuyên lạc quan, đó là thái độ ở tù của anh. Chúng tôi hàn huyên… chấp pháp. - Thằng rỗ huê mặc áo sơ-mi trứng sáo chửi tôi khiếp lắm. Nó đòi chặt tôi làm ba khúc xem thân thể tôi có là kim cương. Doãn Quốc Sĩ nói. - Anh trả lời sao? Tôi hỏi. - Im lặng. - Anh thiền à? Doãn Quốc Sĩ cười. - Thằng Vũ Hạnh báo cáo hết về anh em mình. Nó viết tôi thường xuyên lăng nhục Bác của chúng nó. - Tôi biết. - Duyên Anh cũng làm việc với thằng rỗ huê? - Và bị nó chửi tưng bừng hoa lá. Nó chơi xỏ, tống tôi vào cachot buổi sáng, buổi tối đuổi về. Mình đang ghẻ thèm ở riêng, nó chỉ cho “bán trú”. Chúng tôi cùng cười. - Khi cụ Tú Mỡ chết, anh đang nằm cachot. - Nhà báo tin. - Cáo phó đăng báo Nhân Dân. - Nhà đã gửi vào. Doãn Quốc Sĩ là con rể Tú Mỡ, tác giả Dòng nước ngược, thủ quỹ Hội Nhà Văn Việt Nam. Nghịch cảnh của tác giả Khu rừng lau là anh có người em ruột, Doãn Nho, nhạc sĩ, con cưng của Đảng, được sang Moscou học sáng tác nhạc hòa tấu cổ điển. Doãn Nho cũng là con cưng của Công An vì anh sáng tác vài ca khúc ngợi ca công an. Thế mà mấy lần Doãn Nho xin gặp Doãn Quốc Sĩ đều bị từ chối, bắt tội thân mẫu Doãn Quốc Sĩ từ Hà Nội vào đợi thăm con hoài. Hoàng Mạnh Hùng đã hỏi lý do nào Doãn Quốc Sĩ chống Cộng mãnh liệt thế. Họ Doãn đáp gọn: - Tuổi trẻ tôi bị lừa gạt. Anh Sĩ hơn tôi một con giáp, cùng tuổi Hợi. Năm nay anh 65. Thế hệ anh, người ta khao khát độc lập, khao khát cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đã là kỳ vọng của trí thức trẻ hồi ấy. Anh Sĩ không ngại ngần nói rằng anh đã chỉ sợ Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc. Rốt cuộc, Hồ Chí Minh vẫn là Nguyễn Ái Quốc nhưng không phải Nguyễn Ái Quốc lý tưởng của Doãn Quốc Sĩ. Anh đã, nói theo Nguyễn Mạnh Côn, lạc đường vào lịch sử. Những vụ thủ tiêu Lan Khai, Khái Hưng và, lần lượt, các đảng phái quốc gia cùng với những cuộc đấu tố mở màn ở trung du khiến anh thức tỉnh. Anh coi như mình bị lừa gạt. Khi niềm tin của tuổi trẻ bị lừa gạt thì phản ứng của nó dữ dội lắm. Phản ứng ấy dàn trải cùng khắp tác phẩm của anh. ‘‘Mỗi dòng chữ của Doãn Quốc Sĩ là một viên đạn bắn cộng sản”. Nguyễn Đình Toàn đã viết thế. Anh Sĩ chống Cộng cả bằng cổ tích, bằng thiền. Doãn Quốc Sĩ chống Cộng tự nguyện, khác hẳn loại bồi bút chống Cộng, loại đánh đĩ văn chương giá rẻ cho Juspao, Usis. Ngọn đuốc Doãn Quốc Sĩ lúc nào cũng sáng, lúc nào cũng soi tỏ cho tuổi trẻ bị lừa gạt niềm tin. Chỉ tiếc tuổi trẻ hôm nay thiếu chất phẫn nộ của tuổi trẻ Doãn Quốc Sĩ. Và người ta lặng thinh sau những lần bị bịp, bị làm guốc cho lãnh tụ giẻ rách. Người ta hờ hững để mặc bạo lực của quyền uy ảo tưởng diễn hành. Ngọn đuốc Doãn Quốc Sĩ vẫn rực rỡ ở quốc nội. Buồn thay, ở quốc ngoại, có kẻ gục mặt nhận mình là ngọn hải đăng mù. Mà nó mù thật sự. Nó mù vì sự phản phúc, vì sự ích kỷ, vì sự tự mãn với cái chẳng ra gì của nó. Hơn cả mù, nó đã chết. Tôi có một kỷ niệm nhỏ với anh Sĩ ở 3C-1. Một hôm, Đặng Hải Sơn “vô thất”, anh Sĩ hỏi. - Cậu bắt chước Bá Di, Thúc Tề à? Sơn đáp: - Không, em muốn bao tử nghỉ mệt. Anh Sĩ nói: - Bá Di, Thúc Tề ở Đông Chu. Tôi nói: - Ở Phong Thần, thề không ăn thóc nhà Chu. Có thế thôi mà thằng Đoan báo cáo. Anh Sĩ và tôi bị cúp thăm nuôi. Hai Phận gọi tôi ra “giáo dục” - Cấm vợ anh tiếp tế cho anh xem anh có chê cơm cách mạng không? Doãn Quốc Sĩ cũng bị gọi ra nghe Hai Phận vĩ đại sỉ vả. Chúng tôi “phèo” chất tươi nửa tháng. Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Mạnh Hùng và tôi bị Hai Phận “đánh dấu”. Giờ học báo Đảng, anh Sĩ ngồi thiền. Anh dễ ăn và dễ ngủ. Tôi phong anh biệt danh Dị Miên Sư Tổ. Khi 3C-1 thêm Lý Thành Cầu, anh Sĩ có tri kỷ chữ Nho. Lý Thành Cầu người Trung Hoa, nói tiếng Việt rất giỏi. Ông ta thuộc Kiều và thơ Đường vanh vách, vốn là đại tá tình báo của Lư Hán, ông theo Tiêu Văn sang Việt Nam tước khí giới Nhật. Ông ta kể chính ông ta dẫn Hồ Chí Minh vào yết kiến Tiêu Văn. Ông Cầu ở lại Việt Nam, lấy vợ Việt Nam bỏ vợ Tầu. Năm 1954, ông di cư và làm quản lý cho hãng tầu vị yểu Hai Con Bướm ở Gò vấp. Chỉ vì ngứa miệng khoe mình quen Hồ Chí Minh mà ông bị vào tù, may là cộng sản chưa thủ tiêu ông. Lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh không thể quen biết anh Tầu già bán xì dầu. Ông Cầu nằm cachot mà Doãn Quốc Sĩ đã nằm. Ra cachot, ông vào 3C-1. Thấy cái bị viết tên Doãn Quốc Sĩ, ông ngạc nhiên hỏi tôi: - Doãn Quốc Sĩ còn sống à? - Còn. Tôi giới thiệu ông ta với anh Sĩ. Ông ta ôm chặt anh Sĩ, nước mắt ròng ròng: - Tôi đọc tên ông khắc ở tường cachot, tưởng ông chết, xì xụp lạy ông phù hộ tôi. Ai ngờ gặp ông. Doãn Quốc Sĩ cảm động lắm. Ông Lý Thành Cầu đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Hải Thần, khen thơ Nguyễn Hải Thần hay hơn thơ Hồ Chí Minh, ông ta nói oang oang. Bị chấp pháp gọi ra bắt câm miệng, ông ta phê bình Nguyễn Hải Thần mê thơ quên việc nước. - Tưởng Giới Thạch rất bận, tiếp khách có mười phút. Mỗi lần xin yết kiến Tưởng khó vô cùng. Vậy mà gặp Tưởng, cụ Nguyễn đem thơ ra khoe và bình mất hết thì giờ, chẳng nói chuyện nước non chi cả. Ông Lý Thành Cầu trên 70, tóc bạc phơ. Ông ta bình Đường thi, Doãn Quốc Sĩ mê mẩn. Ở với chúng tôi hai tuần, ông bị chuyển trại. Chúng tôi đón Nguyễn Ngọc Tân, người biết hơn cả người biết quá nhiều. Doãn Quốc Sĩ có tri kỷ mới. Nguyễn Ngọc Tân cận nặng, một chân nhỏ tót, đi khập khiễng. Anh ta bắt chước Tôn Tẩn, ăn mặc như thằng điên. Mỗi ngày anh bị gọi ra một lần… tra tự điển Đại Việt. Kiến thức của Nguyễn Ngọc Tân mênh mông. Chuyện gì anh biết cũng đến nơi đến chốn. Anh kể cho chúng tôi nghe chiến khu Nam Ngãi, những ngày lưu vong bên Nam Vang. Chuyện của anh hấp dẫn vô tả. Thời huy hoàng của anh là thời Đại Việt nắm quyền bính. Ngày Nguyễn Hữu Trí làm thủ hiến Bắc Việt, anh ra Hà Nội với tư cách Xứ ủy miền Nam. Tính tình cởi mở, anh giúp đỡ mọi người bằng khoa chữa bệnh điểm huyệt. Ngày thăm nuôi, anh đem quà cho hết đám “con bà phước”. Ít ai hào sảng trong tù như Bẩy Bốp, Phạm Thái, Nguyễn Ngọc Tân. Ngoài đời, tôi tưởng anh cũng thường như Nguyễn Ngọc Huy thôi. Gặp anh mới thấy anh là nguời đáng kính trọng. Cụ Đỗ Văn Lựu ra làm việc luôn luôn ăn mặc bảnh bao. Và cụ chê anh Tân “mất mặt quốc gia” vì anh dùng giây thắt lưng. Cụ đâu hiểu anh Tân giả khùng. Doãn Quốc Sĩ ở với chúng tôi hai tháng. Đầu tháng 9-1977, anh bị tập trung với các tù nhân khắp nơi tại hai phòng C-1 và C-2. Anh ngủ một đêm rồi đi lao động cải tạo ở Pleiku. Chuyến đi này có Trịnh Viết Thành, Tô Ngọc, Trần Dạ Từ, Nguyễn Hải Chí, Hồ Văn Đồng, Thái Thủy, Mặc Thu, Thanh Thương Hoàng, Mộc Linh, Thế Viên, Nguyễn Sĩ Tế, Nguyễn Viết Khánh. Doãn Quốc Sĩ bị canh chừng một thời gian, mỗi tuần phải “mạn đàm” với chức sắc Sở Công An một lần, phải kể đã gặp gỡ những ai, nói chuyện gì… Ra tù, tôi đi chơi với Doãn Quốc Sĩ nhiều lần, rủ anh vượt biên, anh không dám. Có lẽ, anh tin cộng sản sẽ cho anh đi chính thức. Nếu vậy, anh đã sai lầm. Sự sai lầm của anh đã bị trả giá thêm ở nhà tù. Cộng sản không bao giờ cho “biệt kích văn nghệ” đi chính thức cả. Nguyễn Đức Đạt, Bùi Xuân Bật khu A sang “làm mới” 3C-1. Trưởng phòng Nguyễn Đức Đạt, dân làng Nghi Tàm, từ Hà Nội vào Saigon giữ chức Đồn trưởng công an Cầu Kho. Thành ủy Hà Nội cử người vô Saigon mua xe hơi, tủ lạnh, tivi… Đồ đạc nhiều món gửi tạm ở Đồn công an Cầu Kho vì người mua đồ là đồng chí, là bạn của Nguyễn Đức Đạt. Thành ủy Saigon “chơi” thành ủy Hà Nội. Sở công an khám xét hàng hóa và đòi chứng minh biên lai. Không có. Bị kết tội mua đồ ăn cắp và tiếp quản trái phép. Những kẻ chứa đồ bị truy tố. Nguyễn Đức Đạt bị lột quân hàm trung úy công an, bị tịch thu hết đồng phục, bị mất luôn chiếc Honda tiền túi, tiền của bao nhiêu năm dành dụm. Và vào tù, bị khai trừ khỏi Đảng. Thư ký Bùi Xuân Bật, con trai út của cụ Bùi Xuân Học, chủ nhiệm nhật báo Loa Hà Nội trước 1940. Gia đình Bùi Xuân Bật có vai vế tiền chiến và hậu chiến. Anh trai Bật học ở Pháp, theo Hồ Chí Minh về nước làm thông dịch. Người anh này lấy cô vợ Quảng Ngãi. Cụ Học, nhân dịp xuân về cảm tác bài thơ trách móc chế độ. Bị cô con dâu tố cáo. Cụ Học nằm tù ở Lào Kay chết ở đó. Bùi Xuân Bật lên rừng bốc xương cha về Hà Nội. Từ đó, Bật lách mà sống, mà học. Tốt nghiệp kỹ sư luyện kim, Bật cộng tác tại Thái Nguyên. Bật có người chị di cư năm 1954, lấy chồng Tầu, rất giầu. Năm 1976, Bật công tác ở Saigon, được chị cho căn nhà và chiếc xe Mustang. Đẹp trai, trắng trẻo, mũi cao và tóc bồng bênh như Tây lai lại vốn con nhà giòng dõi, Bật thích ứng ngay nếp sống Saigon, ăn diện như công tử. Thế là bị chụp mũ liên hệ với phản động, Bùi Xuân Bật vào đề lao Gia Định. “Triều đại” Nguyễn Đức Đạt, 3 C-1 trầm lặng. Cụ già đông hơn thanh niên, cụ già ho, cụ già hen, cụ già khạc nhổ đầy nắp cống. Cực hình đề lao, đối với tôi, là những ngày trực bị mở nắp cống xối nước chà sạch những bãi đờm như những con thạch thùng chết. Với Nguyễn Đức Đạt, mục học báo Đảng dẹp bỏ và ngủ tự do. Chính anh ta cần ngủ quên đời. Hễ nhắm mắt, bất kể ngày đêm, anh ta mớ. Chuyện dặn con khoá kỹ xe đạp, dặn vợ đừng chặt bụi tre. Và trách móc Đảng tước đoạt công lao của anh ta. Đạt bị phong thấp, có thể tê bại. Đang là con Đảng biến ra “con bà phước”. Anh ta xin chúng tôi vitamine A. Chúng tôi cho. Tù phản động giúp tù cộng sản bị khu trừ. Tôi nghĩ anh ta đã hiểu quốc gia và tình nghĩa của người quốc gia. Bùi Xuân Bật chửi Đảng ra mặt. Anh ta chưa được kết nạp vào Đảng, vì là con tư sản. Câu nói bất hủ của Bùi Xuân Bật: “Lãnh tụ vĩ đại của tôi là củ cà rốt của tôi. Bởi chỉ củ cà rốt của tôi mới làm tôi sướng và làm vợ tôi sướng”. Thời gian này, cachot C-1 “đói” khách sộp. Còn mỗi Đinh Xuân Cầu tóc bạc phơ, râu bạc phơ, ria bạc phơ, lông mày bạc phơ, chân đeo xích, tay mang còng bước từng bước ngắn đi làm việc. Tôi nhìn ông ta liên tưởng tới nền tù ngục quê hương tôi ngót nửa thế kỷ. Người chiến sĩ Đại Việt này chế độ nào cũng nằm tù. Những tài năng của đất nước tôi cứ bị lưu đầy, cứ bị giam nhốt, cứ bị hủy diệt. Và tổ quốc tôi gầy mòn với bộ lòng lổn nhổn sán sơ mít. Như thế vẫn chưa đủ, sự thù hận trải dài vô tận. Thù hận trong hạnh phúc và thù hận cả trong thống khổ. Người ta hay nói đến cảm thông đến khoan dung, đến đại lượng. Nhưng ba món hàng xa xỉ này không bầy bán. Định nghĩa và cách xử dụng phải tra tự điển. Rốt cuộc, con người Việt Nam đành phải ước mơ cổ tích. “Bà tiên hoá phép, đứa nào hay nói những danh từ cảm thông, khoan dung, đại lượng thì hễ dứt lời là phọt ra cóc, nhái, rắn, rết”… Hình như, người quốc gia của chúng ta đã lạm dụng hai khẩu hiệu ngắn: Đại nghĩa thắng tà đạo, thương yêu xoá căm thù. Đôi khi, tôi thấy, một số người quốc gia tà đạo hơn cả cái tà đạo họ muốn thắng, căm thù hơn cả cái căm thù họ muốn xoá. Một điều lúc nào cũng có thể thấy là người quốc gia căm thù bạn đối lập hơn cả căm thù kẻ thù đối nghịch. Như vậy có hò hét nghìn năm, chẳng bao giờ chúng ta có dân chủ, tự do và hạnh phúc thực sự. Vương đạo của Vệ Ương mãi mãi ế ẩm, dẫu đã rao bán mấy ngàn năm. Trong mọi lãnh vực, bá đạo cứ thích ứng, thích ứng luôn cho trò chơi văn nghệ. Điều sai lầm căn bản của người quốc gia lưu vong hôm nay là chúng ta không chịu nhìn nhận cái đã có của chúng ta chưa ra ngô ra khoai gì cả. Do đó, khi mất nó, chúng ta mê mải đấu tranh tìm lại nó. Cuộc đấu tranh cho hư ảo là cuộc đấu tranh phục hồi quá khứ. Chúng ta không dám bắt đầu cho tương lai. Chúng ta sợ hãi tương lai. Vì hiện tại chúng ta rách bươm. Và, vì bắt đầu, chúng ta không có vốn, không thể tạo nổi vốn ngoạn mục. Vốn liếng cũ, những lãnh tụ đảng phái gỗ mục, những tướng tá tham nhũng chạy dài, những ngọn giả sơn văn học cạn trương mục rồi. Giá trị của nó không đủ mua gói khô mực. Bất hạnh thay cho dân tộc, gỗ mục và giả sơn ngổn ngang chất đống dọc đường phóng lên phía trước của tuổi trẻ. Và tuổi trẻ vẫn ngại ngần, vẫn chần chừ. Người ta trông đợi tuổi trẻ hào sảng đầu tư nhiệt tình và lòng tự phụ cho tương lai trong cuộc chiến đấu mới, thái độ mới, tư tưởng mới. Chỉ tuổi trẻ mới đủ khả năng thiêu hủy phép tích của bà tiên và sau mỗi cảm thông, mỗi khoan dung, mỗi đại lượng là hoa nhân ái nở, trái hạnh phúc kết. Và, khi ấy, không còn tù ngục xích chân còng tay con người. Khi ấy, không còn thù hận trên quê hương khốn khó Việt Nam, không còn thù hận giữa người Việt Nam với người Việt Nam, không còn những thằng điên cưỡng bức đồng bào mình tung hô mình muôn năm vĩ đại, không còn những thằng ễnh ương ham làm bò lãnh tụ, không còn những thằng thảo khấu chính trị lạc quyên xổ số, không còn những thằng hề cách mạng rẻ tiền, không còn những thằng ngu đòi thống lĩnh đỉnh núi văn học. Khi ấy, cả dân tộc lương thiện được lãnh đạo bởi những tài năng lương thiện. Khi ấy, mọi việc công khai ngoài ánh sáng, chấm dứt phục kích đánh lén. Khi ấy là nghệ thuật, cáo chung thủ thuật. Khi ấy là chung thủy, loại trừ phản phúc. Khi ấy, “mọi người là anh em”. Và khi ấy, là thời lên tiếng sau thời im lặng. Khi ấy mới quyết định cái gì còn để lại. Đinh Xuân Cầu là tù nhân duy nhất của đề lao Gia Định bị xích chân, còng tay dẫn đi làm việc. Phong sương của tù ngục không làm trán ông thấp xuống và mắt ông mờ đi. Có ba vị tiên phong đạo cốt của đề lao Gia Định. Một: Thượng tọa Thích Quảng Độ. Quản giáo Sáu lé đặc trách dẫn thượng tọa đi làm. Gã cai ngục này tuân hành Nội quy triệt để. Nó gọi thượng toạ bằng anh, đọc tên khai sinh của ngài. - Sao lâu dữ, khẩn trương lên! Nó dục sau khi mở khóa. - Anh mở cửa ra. Thượng tọa nói. - Mở rồi, anh ra đi! - Mở rộng ra. Sáu lé mở tung cánh cửa thượng tọa mới chịu bước ra. Ngài mặc quần áo nhà chùa chỉnh tề. Ngài ngẩng mặt, bước thong dong. Ở nhà tù cộng sản, các thượng tọa, đại đức Ấn Quang phản động là tù nhân de luxe. Các ngài đòi ăn chay và gọt đầu nhẵn. Và được chấp thuận. Những vị sư khác bị để tóc và ngả mặn. Làm việc xong, Sáu lé dẫn thượng tọa Quảng Độ về cachot. - Vô đi chứ? - Anh mở cửa rộng ra. Cửa mở rộng tù nhân Thích Quảng Độ mới chịu ra vào. Hai: Nhà phản động già Phan Vô Kỵ quắc thước, bình thản, coi nhà tù như công viên. Ba: Đinh Xuân Cầu. Những người này nằm cachot không lên tiếng, không thèm yêu sách một ân huệ nào. Doãn Quốc Sĩ cũng vậy. Đời sống ở cachot C-1 thú vị ra phết. Tù nhân già biến thành con nít. Người ta có thể trao đổi quà cáp và tin tức cho nhau từ cachot đầu dẫy đến cachot cuối dẫy. - Số 2 nghe rõ không? - Rõ. - Nhắn số 11. Mặt trời đã lặn. Số 1 thông tin. - Rõ. - Số 3 nghe rõ không? - Rõ. - Số 1 nhắn số 11. Mặt trời đã lặn. - Rõ. - Số 4 nghe rõ không? Đó là thông tin. Còn gửi quà cho nhau thì tù nhân cachot rút giây ni-lông ở túi phân bón (gia đình dùng túi này đựng quà gửi vào), se thành sợi giây dài buộc chặt món quà muốn gửi. Rồi luồn tay qua cửa gió tung sang cachot bên cạnh. Cachot bên cạnh cũng luồn tay qua cửa gió đợi chụp sau khi được thông báo. Thường phải chụp mấy lần mới trúng. Cứ vậy, quà chuyền đi… Màn phòng tập thể tặng thuốc lá cachot vất vả nhất. Nếu điếu thuốc mồi lửa rồi thẩy sát cửa cachot, tù nhân thò tay qua chân cửa là được ngay. Nếu điếu thuốc xa bàn tay thò qua chân cửa, tù nhân cachot bèn cởi quần áo, nối lại, luồn qua ô cửa gió tung xuống khều điếu thuốc. Nhìn tù nhân cachot hút thuốc, nhả khói, bạn sẽ thấy rõ chân dung của hạnh phúc, hạnh phúc chỉ khám phá ra trong niềm bất hạnh. Tôi có thú vui đứng sát cửa phòng, giả vờ hít thở quan sát sinh hoạt cachot. Nhờ Dương Đức Dũng, Đoàn Kế Tường, Hoàng Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Tân, Doãn Quốc Sĩ, Hoàng Sơn Trường tả đầy đủ chi tiết các cachots các khu của đề lao mà họ đã nằm, tôi biết hết cachots đề lao Gia Định. Hoàng Mạnh Hùng còn kể cho tôi nghe các phòng giam ở quận 3, quận 1 sau 1975. Ở đó mới là địa ngục. Và chế độ vua phòng vẫn tồn tại. Thú tiêu khiển giết thì giờ của tôi ở 3C-1 là tham dự cuộc chơi đô-mi-nô uống nước lạnh từ sáng đến tối. Chúng tôi say sưa chơi. Chơi quên nhớ nhà, quên gãi ghẻ. Chúng tôi uống nước căng rốn. Ai rồi cũng thua và thua mỗi bàn uống hai ca nước. Bốc bài xong, vội bỏ vào túi, đi tiểu ào ào cái đã. Đô-mi-nô uống nước là môn thuốc xổ và lọc nước tiểu diệu kỳ. Bất ngờ, 3C-1 đón tiếp Trần Anh Linh. Cả phòng sôi nổi. Trần Anh Linh, giáo viên tiểu học Phương Lâm. Hè 1977, anh ta đưa vợ và đứa con nhỏ xuống Rạch Giá thăm bà dì. Anh ta mua vé máy bay Saigon-Rạch Giá. Chuvến máy bay này bị không tặc trấn áp sau hai mươi phút bay. Không tặc có bốn người. - Họ dưới 30 tuổi, đẹp trai và hào hoa lắm. Trần Anh Linh kể lớn. - Trên máy bay có hai công an an ninh. To con và gồ ghề. Một tên định động thủ, một không tặc phóng lưỡi dao trúng tim tên công an. Hắn gục ngay. Không tặc mỉm cười. Người thứ hai rút khẩu rouleau, quay nhanh và đẹp như cao bồi. Tên công an còn sống ngồi bất động. Hắn bị tước khí giới. Hai không tặc khác lên phòng của phi hành đoàn. Hấp dẫn hơn phim gián điệp. - Rồi sao? Tù nhân nóng ruột hỏi. - Phi cơ chao lộn vài giây. Người không tặc hạ tên công an trấn an hành khách “Đồng bào bình tĩnh, nếu chết, chúng tôi cũng chết, nhưng không chết đâu. Chúng tôi không phải là không tặc, chúng tôi ra đi có sứ mạng”. Trong khi ấy, người không tặc thứ hai vẫn quay súng và cười rất tươi. Linh kể tiếp: Phi cơ đáp xuống căn cứ Utapao. An ninh Thái Lan xua đuổi, phi cơ dọa lao vào phá hủy căn cứ. Thái Lan bằng lòng đổ đầy xăng, sạc no bình điện và tiếp tế mỗi hành khách một hộp bánh xăng-uých, nước uống. “Họ nói tiếng Anh quá hay”, Linh bình luận. Rồi máy bay đáp xuống phi trường Tân Gia Ba. Không tặc chào tạm biệt đồng bào, bảo ai muốn chọn tự do tùy ý. - Một nửa chọn tự do. Một nửa xin về. Tân Gia Ba sửa sang máy bay, tặng xác chết một quan tài. Thời gian đi hay về chỉ có 3 ngày. - Cậu xin về à? - Báo chí, phát thanh, truyền hình phỏng vấn tôi. Tôi ở khách sạn sang lắm. Tôi chần chừ chọn nước định cư. Chưa kịp chọn, vì mình không chủ ý tìm tự do, thì quá hạn. Tân Gia Ba bắt ném lên máy bay đuổi về. - Vào tù? - Phải, tất cả hành khách và phi hành đoàn bị bắt ở Tân Sơn Nhất. Một tù nhân tuổi trẻ phán: - Bạn xứng đáng ăn một thùng cứt. Cơ hội ngàn năm một thuở lại bồng bế vợ con vào tù. Thiên đường chê, ham địa ngục! Trần Anh linh tặc lưỡi. - Tôi xứng đáng ăn một trăm thùng cứt 2. Trần Anh Linh ca ngợi bốn không tặc hết ngôn ngữ. Anh ta bị tống vào cachot để khỏi “tuyên truyền xuyên tạc”. Nhưng mà vụ cướp máy bay này đã trở thành huyền thoại ở đề lao. Hoàng Mạnh Hùng cũng có một “đệ tử” tên Nhân. Cậu sinh viên làm giấy tờ công dân Phi Luật Tân giả, leo máy bay tới Vọng Các lại nhớ mẹ đòi về… vào tù. Thế là 3C-1 có hai tù nhân tình nguyện vào tù, hai tù nhân chê bai ân sủng của Thượng Đế. Trần Anh Linh rời 3C-1 để lại một đề tài cho tù nhân trẻ già bàn luận, suy diễn, vai trò và sứ mạng của bốn không tặc. Trong không khí bàn luận sôi nổi vụ không tặc, tôi bị gọi ra làm việc. Chấp pháp số 12 ăn mặc bảnh bao. Hắn dân Hà Nội chính cống nói giọng y hệt giọng Bùi Xuân Bật. - Anh khoẻ chứ, anh Duyên Anh? - Cám ơn anh, tôi vẫn bình thường. - Hết ghẻ chưa? - Còn lai rai. Hắn mời tôi uống trà, hút thuốc. - Anh đã suy nghĩ kỹ? - Thưa anh, suy nghĩ gì? - Cái gốc vô sản của anh. - Tôi chỉ biết tôi là con nhà nghèo. - Cái gốc vô sản của anh sẽ cứu anh đấy. Tại sao tôi phải vô sản? Ồng nội tôi là thầy đồ nho. Ông nội tôi chết, gia sản của bà tôi có một mẫu ruộng (một mẫu 3600 mét vuông). Bố tôi lưu lạc buôn bán khắp nơi. Năm 1956, bà nội tôi bị quy vào thành phần trung nộng, thoát cảnh đấu tố nhưng bị truy thuế nhiều năm. Bà tôi không có thóc, không có tiền nộp thuế. Bố tôi nằm tù hai năm thay thế mẹ già. Bố tôi phải chăn bò bên bờ sông Trà Lý, ở đợ cho Đảng và Nhà Nước thế tiền thuế. Tại sao tôi phải vô sản? Những kẻ khoe khoang mình vô hay tư sản, bần cố nông hay địa chủ đều là những kẻ đần độn. Là người tôi khước từ mọi giai cấp chụp lên đầu tôi. - Tôi không vô sản đâu anh ạ. - Đó là sự bất lợi cho anh. Anh muốn làm kẻ phiêu lưu vô định trong đời sống mãi ư? Phải có nơi chốn trở về chứ? Nghiên cứu anh, chúng tôi chung một nhận định: Anh chỉ là người bất mãn nhằng, chống đối tiêu khiển, chính trị giải phiền. Anh không có gì nguy hiểm cả. Đừng tưởng anh nguy hiểm. Giam giữ anh chẳng phải vì anh nguy hiểm mà nhằm mục đích soi sáng lối về cho anh. Anh ngây thơ lắm. Anh biết chúng tôi thả Trương Phiên rồi chứ? Bọn miền Nam đã bịp anh từ cuối năm 1954. Tôi im lặng nghe chấp pháp số 12 “mắng mỏ” - Với chúng tôi, Nguyễn Văn Sao quan trọng hơn anh nhiều. Trí thức, văn nghệ sĩ các anh sợ khó, sợ khổ, ham vui, chóng chán. Cỡ anh, nếu các anh có mật khu, anh sống hai tuần là bỏ cuộc. Thằng này khinh thường tôi quá. Nhưng đã “đi khách” cả chục bận, “vành ngoài, vành trong” tôi hiểu hết. Tôi kệ hắn nói cho sướng miệng. Mình nằm trong tay nó, tranh luận vô ích. - Anh biết tình hình bên ngoài không? - Không. - Lung tung lắm. Bạn bè anh công kích chế độ gửi lén bài ra ngoại quốc. Hắn cười nhạt. - Không có Nhân Văn giai phẩm ở Saigon đâu. Anh Hoàng Hải Thủy chẳng biết điều tí nào. Đã tha không bắt, lại viết phóng sự Đen như mõm chó riễu cợt chế độ. Hắn rút ngăn kéo lôi ra tập bản thảo của Hoàng Hải Thủy đặt giữa bàn. Tôi nhận liền thủ bút của Gã Thâm, tác giả những phóng sự sôi nổi trước 1963. Hoàng Hải Thủy là nhà văn ăn diện nhất trong số các nhà văn Việt Nam. Có nhiều nhà văn, nhà thơ mà diện kiến họ, bạn sẽ thất vọng. Hoàng Hải Thủy thì không. Đẹp trai, bảnh bao, lịch sự. Một vài kẻ không thích công nhận Hoàng Hải Thủy như một nhà văn. Chẳng hạn kẻ Trần Phong Giao, kẻ Nguyễn Quốc Trụ. Điều này không quan trọng. Quan trọng là Trần Phong Giao, Nguyễn Quốc Trụ cũng chưa được công nhận như những nhà văn. Vậy mà đã mất công Nguyễn Mạnh Côn viết tựa tiểu thuyết của Thủy bênh vực Thủy. Nhà văn là cái gì nhỉ? Hễ ai viết chữ, người đó là nhà văn. Há những người viết đơn thuê trước cửa Toà Án, viết thư mướn trước cửa Bưu Điện chẳng được gọi là nhà văn công cộng đó sao? Những tên viết văn chuyên nghiệp, những tên đổi chữ nghĩa lấy cơm áo sống trọn đời mình như chúng tôi, không lấy làm thích thú cái tước vị nhà văn. Hoàng Anh Tuấn đã chế… chữ nôm đặt tên nghề nghiệp vô cùng hữu lý. Viết văn mưu sinh là thợ viết. Vẽ mưu sinh là thợ vẽ. Hát mưu sinh là thợ hát. Đánh đàn mưu sinh là thợ đàn. Lái phi cơ là tài xế tầu bay. Vân vân… Chúng ta nên dành các tước vị nhà văn, nhà thơ cho quý vị viết văn tài tử, sống bằng nghề khác, không sống bằng ngòi bút. Nhưng còn một hạng quý vị lạy lục xin xỏ quỹ trợ cấp ngoại quốc, viết sách xuất bản bán vung vít, chúng ta gọi quý vị ấy là nhà gì? Nhà thầu, nhà buôn, nhà mồ, nhà đòn hay… nhà thổ? Tôi thấy có những thi sĩ hì hục làm thơ suốt đời, ấn loát cả chục pho mà gom lại vẫn không hay bằng một bài thơ hạng bét của thợ thơ Hoàng Anh Tuấn. Cá nhân tôi, tôi, nói thật, học dốt và yếu sức, không thể làm ông thông, ông phán, ông phu xích lô, tôi viết văn nuôi vợ con. Tôi là thợ viết. Tôi không ham đi vào văn học sử hôm nay, vì hôm nav không anh nào đáng viết văn học sử. Tôi không đợi đi vào văn học mai sau, vì mai sau tôi chết rồi. Vậy thì xin cho phép chúng tôi làm thợ viết như thợ đóng giầy, thợ hồ, thợ mộc, thợ dệt, thợ may… Hãy là người thợ chăm chỉ làm việc, nỗ lực sáng tạo, có lương tâm nghề nghiệp, có chính kiến rõ rệt hơn là nhà văn lười biếng, gặm sứ mạng như chuột nhắt gặm sắt, rúc đầu xuống cát như đà điểu hèn mọn. Người ta không muốn bạn tôi là nhà văn thì bạn tôi là thợ viết. Thợ viết Hoàng Hải Thủy là tấm gương lớn cho những người tự học. Tiếng Pháp tự học. Tiếng Anh tự học. Tiếng Tầu tự học. Rồi dịch và phóng tác truyện Pháp, truyện Anh, truyện Tầu. Thủy đọc nhiều, nhớ kỹ. Thông minh và sâu sắc. Chỉ mắc một tội, lụy vợ. (Các bà sẽ hài lòng lắm). Vợ mà giận bỏ đi, Thủy buông xuôi mọi việc. Vợ mà trở về, Thủy viết lách hăng say. Cô đào xi-nê-ma Dạ Yến mê Thủy đến bỏ chồng Mỹ. Ân ái gần đêm thì bò về với vợ. Thủy đã đi lính trước 1954, đeo lon trung sĩ, từng coi tù ở Phú Quốc. Anh đã viết một truyện ngắn về tháng ngày coi tù, kể một kỷ niệm viết thư giùm anh tù binh cộng sản gửi vào đất liền cho vợ anh ta. Anh tù binh, hơn hai mươi năm sau, ở cục R về giải phóng Saigon và làm chủ nhiệm nhật báo Giải Phóng 3. Anh tù binh mang ơn trung sĩ Hoàng Hải Thủy. Nhờ vậy, Thủy thoát chiến dịch 2-4-1976. Anh tù binh bảo Hoàng Hải Thủy chôn chết tên Hoàng Hải Thủv đi rồi viết cho cách mạng. - Bút hiệu của tôi gắn liền với đời sống của tôi. Hoặc tôi viết ký Hoàng Hải Thủv hoặc tôi không bao giờ viết nữa. Đó là câu trả lời quyết liệt của Thủy trong bữa rượu tái ngộ cố nhân. Sau 30-4-1975, Hoàng Hải Thủy đến nhà tôi một lần, chờ tôi cả tiếng đồng hồ để báo tin con trai Vũ Trọng Phụng, bậc thầy phóng sự Việt Nam, đã gặp Thủy và muốn gặp tôi. Năm 1977, Thủy bị bắt về tội gửi bài ra nước ngoài. Anh nằm đề lao Gia Định, về Tổng nha cảnh sát cũ rồi được tha, ngót hai năm tù ngục. Tôi ra tù, Thủy đến thăm ngay. Chúng tôi có nhiều ngày đi chơi với nhau. Buổi chiều, trước đêm vượt biên, tôi mời Hoàng Hải Thủy “phê” một bữa với ông Ký già tại toà soạn Văn. - Mày nói rằng, đứa nào vượt biên dấu mày, đều bị bắt. Vậỵ tao cho mày hay, đêm nay tao phú lĩnh. - Thoát không? - Chưa biết. - Làm sao tao có tin mày? - Tao đánh điện cho cô Tuấn. Chúng tôi chia tay nhau ở bùng binh cửa rạp Khải Hoàn. Tôi đã thoát. Thoát chưa phải là đến. Ở trại tiếp cư Achères, tôi gửi cho Thủv tấm bưu thư. Thủy viết thư nhờ một ni cô chuvển cho tôi. Thủy nói, tôi đi rồi thì Thủy bị khủng hoảng, muốn “noi gương” tôi. Anh cảm giác bị đe dọa thường xuyên. Cảm giác ấy đă hiện thực. Hoàng Hải Thủy bị bắt lại vào tháng 4 năm 1984. - Các anh vẫn tiếp tục chống phá cách mạng. Hắn bỏ tập bản thảo của Hoàng Hải Thủy vào ngăn kéo. - Anh nghĩ thế nào? - Tôi nằm đây biết gì chuyện bên ngoài. - Bên ngoài ảnh hưởng bên trong. Các anh sẽ khó về đấy. Cuộc mạn đàm ngắn ngủi. Như thể người ta không quên tôi. Tôi về phòng. Tuần lễ sau, Hoàng Mạnh Hùng và tôi chuyển phòng. Chúng tôi cùng sang 4C-2. Chú thích: Ngôn ngữ tránh kiểm duyệt, có nghĩa là vượt biên. Vụ này, các đài ngoại quốc có thuật. Sau 1975, một số phi công của Hàng Không dân sự được xử dụng cho Hàng Không dân dụng nhưng xăng chỉ cấp đủ lộ trình đến. Từ nơi đến đổ xăng đủ về. Người phi công chuyến bay này là bố của Vinh nhí, bạn Chương còm. Theo Linh kể, máy bay chỉ chở về một quan tài Việt Cộng loan tin không tặc sát hại phi công. Tôi cho rằng Việt Cộng đã thủ tiêu phi công. Phi công của Hàng Không dân sự cũ bị sa thải hết, sau vụ này, và sự bán vé được kiểm soát chặt chẽ. Khác với nhật báo của thành ủy là Sàigòn Giải Phóng.