ùng buổi chiều Thanh Thương Hoàng vào cachot, Hồ Văn Đông, Trịnh Viết Thành, Như Phong, Doãn Quốc Sĩ cũng túi bị vào cachot. Chủ nhiệm nhật báo Quyết tiến trụ trì cachot số 6. Chủ bút nhật báo Quật Cường trụ trì cachot số 3. Tác giả Sầu mây chiếm cachot số 11. Tác giả Khói Sóng 1, cuốn tự điển Việt Nam Quốc Dân Đảng, cắm dùi ở cachot số C-2. Những cachots còn lại của C-1 dành cho quý vị đại đức Ấn Quang. Thượng tọa Thích Quảng Độ trụ trì cachot số 7. Được đúng tuần lễ, kể từ hôm Thanh Thương Hoàng giã từ 6C-1, ba chúng tôi, Hồng Dương, Nguyễn Hải Chí, Duyên Anh, nhận lệnh rời phòng. Người công an chấp pháp nói: “Các anh cần đổi nước”. Chúng tôi đã tưởng đi xa. Cuối cùng thì Nguyễn Hải Chí sang khu A; Hồng Dương và tôi vào 1C-1, cái phòng bẩn cả nội dung lần hình thức. Thời gian này, cửa nhà giam đã trổ rộng một nửa gần chấn song và ống nước đã vô phòng. 1C-1 hưởng dưỡng khí và ánh sáng 24/24 đầu tiên. Trưởng phòng 1C-1 tên là Nguyễn Hữu Trí. Hắn vốn làm tài xế tắc xi sau khi giải ngũ. Ở quân đội, hắn đeo lon thượng sĩ. Hồng Dương miệt thị hắn là Trá xế. Trí cấu kết với Viên và Quang. Về sau ba đứa tách rời. Cả ba cùng vượt biên đường bộ, bị bắt ngay tại bến xe đò Pleiku. Phó phòng tên Đảm, quen biết chúng tôi bên Sở Công An. Đa số tù nhân bên 1C-1 là những người tuổi trẻ, đủ thành phần, vượt biên đường bộ, từ Pleiku, Bạn Mê Thuột chuyển về. Chế độ nhà tù ở Pleiku, Ban Mê Thuộc hết sức tồi tệ. Tù nhân bị tịch thu hết, chỉ còn bộ quần áo dính thân thể. Họ không được tắm gội cả tháng nên ghẻ lỡ kềnh càng, chấy rận lổn ngổn. Ở mấy nhà tù cao nguyên, nhóm tù nhân này đã hục hặc nhau, chia bè kết đảng. Và bộ ba Trí-Viên-Quang bị bọn trẻ thù ghét. Trở về đề lao Gia Định, Nguyễn Hữu Trí vẫn làm trưởng phòng. Giữa hắn và phó phòng Đảm không ưa nhau. Thêm thư ký Miên coi thường hắn nên hắn bám chặt cai ngục. Hắn chỉ sợ mất chức trưởng phòng. 1C-1 ngoài Nguyễn Hữu Trí nham hiểm, còn có “nghệ sĩ” Ngô Văn Sự. Tên này bị gù, có tài về trang trí. Sử nói phét thánh trời. Hắn tự nhận hắn là Chóe, quen thân với Nhã Ca, Duyên Anh, Doãn Quốc Sĩ… Bất ngờ chúng tôi vào 1C-1, Ngô Văn Sử bị anh em lột mặt nạ. Đó là sự bất hạnh của hai chúng tôi. Sử được ra ngoài sơn cửa các phòng tù. Hắn cấu kết với Trí. Hồng Dương và tôi là hai đối tượng báo cáo của hai đứa. “Chuyện buồn nhỏ nhặt liệu mà quên”. Tôi không quan tâm hai thằng vô lại này mà rất quan tâm chấy rận vượt biên xâm lăng tôi. Tôi bắt đầu ghẻ nhiều ở 1C-1. Chúng tôi vẫn chưa được gặp vợ con. Đúng lúc ghẻ hành hạ tôi, vợ tôi viết thư báo tin buồn: “Ông ngoại đã chết. Em mặt áo tang đến xin gặp bố, người ta từ chối”. Thật sự, tôi muốn quên chuyện gia đình. Nhưng muốn quên thật khó. Mà nhớ thì lòng dạ như bị xát muối. Nhìn khuôn mặt hốc hác của Trịnh Viết Thành dán chặt vào ô cửa gió cachot số 3, Hồng Dương bảo tôi: - Sắp đến lượt mình. Tôi không sợ cachot. Tôi thèm nằm cachot. Rất giản dị, ở cachot, tôi chẳng cần đề phòng ai. Cachot đề lao Gia Định lý tưởng lắm, nếu không bị còng tay chéo chân để ngủ ngồi. Nhờ ghẻ nặng, tôi loay hoay với ghẻ cả ngày. Khởi sự là ghẻ nước. Ghẻ mọc từng cụm trên mu bàn chân. Vừa khều nặn xong vài mụn, vài mụn khác đã mọc quanh. Chuyện khó tin mà có thật. Cả 1C-1 ghẻ. Ngót 50 tù nhân ngồi nặn ghẻ mủ, ghẻ nước. Tất cả bị nấm tấn công “hạ bộ”. Đàn Ta-Lư gẩy liên miên. Cơ thể tôi thiếu sinh tố.. Da khô và mỏng. Chất nhờn trên mặt da không bài tiết nữa. Ở 6C-1, tôi nặn hết nước, nặn ra máu, thấm khô rồi bôi thuốc xanh, mụn ghẻ chịu ngay. Ở 1C-1, nặn hết nước, bôi thuốc, nước cứ đùn ra. Nước đùn rạ, ghẻ mọc thêm. Ghẻ mọc cả trên mụn ghẻ mới khỏi. Ghẻ tấn công ngược. Bắt đầu ở chân, rồi lên đùi, háng, mông. Ghẻ nước lỡ toét bị nhiễm trùng thành ghẻ mủ. 1C-1 có mấy “dũng sĩ” ghẻ. Hai cẳng ghẻ cơ hồ cơm cháy đắp lên. Nước vàng ri rỉ cả ngày. Bục xi-măng nhớp nhúa. Manh chiếu khô cứng máu mủ, nước vàng. Mùi vị tanh tưởi nồng nặc. Tôi đã ăn, ngủ, hít thở cùng mùi vị tanh tưởi mủ ghẻ ấy. Khi ghẻ mủ mọc khắp cẳng, đùi và đầy mông, tôi mất ngủ. Nằm nghiêng hằng đêm, tôi thao thức. Các bạn trẻ của tôi nhờ dễ ngủ mà bớt ngứa, bớt đau. Nhức ghẻ mủ, ngứa nấm ăn “hạ bộ”, hai cái thái cực quái đản nầy tưởng xa mà gần, tưởng mơ hồ mà hiện thực. Tôi vốn khổ từ niên thiếu. Những nỗi khổ tôi đem vào đời, những nỗi khổ tôi làm cuộc đời tôi, tôi ngỡ đã ghê gớm lắm. Vất đi tại đề lao Gia Định. Vất hết đi. Tôi nằm nghiêng trên hai gang chiếu của phòng 1C-1, ngửi mùi tanh mủ ghẻ, nuốt đắng cay, nghiến răng chịu nhức nhối. Để nhập môn thống khổ. Sau khi đi học tập viết tự khai và sau khi viết tự khai tại phòng, người ta tách Hồng Dương khỏi tôi. Hồng Dương từ giã tôi. Từ đó tới nay, tôi chưa gặp lại. Tôi không tin tên Nguyễn Hữu Trí báo cáo Hồng Dương. Thời gian chuẩn bị thẩm vấn, người ta cách ly chúng tôi. Để tránh trao đổi ý kiến. Hồng Dương đi, 1C-1 có thay đổi. Anh em vượt biên được gia đình tiếp tế. Xà phòng tắm gội. Quần áo cũ loại bỏ. Phòng bớt tanh và chấy rận bớt dần. Viên đi. Quang đi. Đảm đi. Nguyễn Hữu Trí hòa hoãn với thư ký Nguyễn Hữu Miên và mọi người. Vợ hắn không nuôi hắn. Hắn chợt hiểu cai ngục không cho hắn mì vụn và uống cà phê. Hắn bám anh em. Ngô Văn Sự chuyển trại. Mọi việc bình thường. Tôi bình yên nằm nghiêng nghe mủ mưng trên cơ thể. Lãng mạn một chút, tôi bảo thống khổ mưng giữa nỗi đời cơ cực của tôi. Tháng 7, 1976, đề lao Gia Định tiếp nhận hàng ngàn tù nhân phản động bình dân. Gọi là phản động bình dân để phân loại. Ngày 30-4-75, các nhà tù thành phố được giải phóng hết. Nhưng 1-5, nhà tù mở cửa đón khách mới. Lâm Văn Thế là khách khai trương. Từ tháng 6-1975 đến tháng 5-1976, đề lao tiếp nhận tù nhân phản động trí thức. Thời điểm rực rỡ này là thời điểm của sinh viên, học sinh, luật sư, giáo sư chống phá cách mạng. Bây giờ là thời điểm của nông dân, công nhân, phu nhà đòn, lơ xe đò, du đãng… Những nhà nghiên cứu Mác xít sẽ nhức đầu về hiện tượng phản động bình dân. Ngoài tù nhân phản động bình dân, tháng 7-1976, đề lao cũng tiếp nhận hàng ngàn tù nhân vượt biên bị bắt. Người ta sắp xây thêm các khu D, E… 1C-1 phải chứa 60 tù nhân! Tôi đã phiêu bạt khá nhiều phòng giam của đề lao Gia Định. Và tôi có một nhận xét: Tỷ lệ đại đức thượng tọa vượt biên 1%, linh mục 99%; tỷ lệ đại đức thượng tọa phản động 99%, linh mục 1%. Những người vượt biên thuộc đủ mọi thành phần xã hội. Vượt biên đường biển thì bị chặn bắt ngay tại Phú Lâm. Vượt biên đường bộ thì bị chặn bắt ngay khi vừa bước xuống các bến xe đò Pleiku, Ban Mê Thuột. Hài hước của vượt biên đường bộ có ông giáo sư họ Mai là biểu tượng. Ông này mang theo ba đôi giày deluxe, hai bộ complet, chục cái cà-vạt, chuẩn bị họp báo ở Vọng Các. Bi thảm thì có cậu cháu anh thợ hàn xì lạc rừng mây ba ngày, đói quá, bẻ trộm bắp, bị mọi cộng bắt trói đem giao nộp Việt cộng. Đúng lúc 1C-1 đông nghẹt, tôi được gọi ra làm việc. Người ta dẫn tôi sang phòng chấp pháp khu B. Tôi cặm cụi đi, không nhìn ngang nhìn dọc. Công an chấp pháp ngồi đối diện tôi. Hắn ta cao lớn, mặt rỗ hoa mè, mặc áo sơ-mi mầu trứng sáo. Chỉ cái ghế trước bàn giấy, hắn bảo tôi ngồi. - Tôi xin anh một ân huệ? - Gì? - Tôi bị ghẻ mủ đầy mông, anh cho tôi ngồi nghiêng. - Không. Anh phải ngồi ngay ngắn. Vì anh làm việc với đại diện của Đảng (Hắn dân Bắc kỳ, giọng nói miền biển Tiền Hải) - Hiểu chưa? - Tôi hiểu. Tôi đã đụng độ ba thằng việt cộng đằng đằng thù hận. Thằng thứ nhất bên Sở Công An, phòng lý lịch. Nó quát tháo khi thấy tôi ngồi gác chân. Nó bắt tôi ngồi nghiêm túc và mang tội thiếu… văn hóa. Thằng thứ hai ở đề lao. Nó đến cửa 6C-1 ghi lý lịch tôi. Nó mắng tôi nói láo vì tôi khai tôi là nhà văn chế độ cũ. Nó muốn tôi khai tôi là tay sai chế độ cũ. Thằng thứ ba đang đứng trước mặt tôi. Hắn nhìn tôi, hất hàm: - Khi các anh bắt cộng sản, các anh đối xử thế nào? Tôi chưa ngồi, tôi vẫn đứng. - Chúng tôi không bắt ai. Chúng tôi không có quyền bắt ai. Chúng tôi không thích bắt ai. Tôi nói thêm: - Nhà văn không phải là nhà cầm quyền. Phản ứng của tên chấp pháp Bác Kỳ là nụ cười nửa miệng. - Anh không phải là ngụy quyền? Tôi đáp: - Phải. Hắn dập điếu thuốc lá: - Nhưng anh là tay sai của ngụy quyền, các anh là tay sai của ngụy quyền, bọn nhà văn Sàigòn là tay sai của ngụy quyền. Tôi nói: - Đó là ý nghĩ của anh. Hắn gằn giọng; - Của nhân dân. Các anh nhận tiền của Mỹ, của Ngụy chống phá cách mạng, tạo ra chiến tranh tâm lý. Anh muốn tôi kể tên những thằng chống cộng ăn lương Mỹ Ngụy không? - Anh đừng kể. - Anh xấu hổ à? - Tôi đã biết. Chính chúng tôi đã công kích chúng nó công khai. Chúng nó. Chỉ có vài thằng thôi! Đứa lấy tiền của Juspao, của Usis qua trung gian Lý Trung Dũng. Đứa lấy tiền của Ngô Đỉnh Diệm qua trung gian Bùi Kiến Tín. Đứa lấy tiền của Sở Nghiên Cứu Chính Trị. Đứa lấy tiền của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Đứa lấy tiền của Asian Foundation… Toàn những khuôn mặt khoa bảng và văn nghệ hàng đầu cả. Hai ba đứa làm tôi mọi cho đài phát thanh chiến lược Mỹ. Những thằng nhà văn “for rent” này đã chuồn hết. Chúng tôi ở lại chịu nhục. Chịu nhục với công sản chưa đủ, còn bị chúng nó bêu nhục trên đất Mỹ. Tôi đã cố dằn phẫn nộ để im lặng về thái độ bần tiện của chúng nó khi chúng nó toa rập nhận chìm tôi xuống bùn nhơ. Rõ rệt, chúng nó đã “bắt nạt tôi những ngày đầu lưu vong của tôi". - Anh công kích? - Người khác. - Ai? - Anh có đọc một bài báo của Nguyên Sa không? Hắn bảo tôi: - Anh ngồi xuống. Tôi hỏi: - Ngồi nghiêng? Hắn lắc đầu: - Ngồi ngay ngắn, ngồi nghiêm túc. Tôi ngồi ngay ngắn. Nỗi đau khác đã làm bớt nỗi đau ghẻ mủ. Tôi biết sức nặng của phần trên thân thể đã bắt những mụn ghẻ mủ ở mông tôi vỡ ra. Tên công an chấp pháp biết rõ hơn. Hắn thích vậy. Hắn muốn nhìn tôi đau đớn. Bao thuốc chìa ra, hắn mời: - Anh hút thuốc. Tôi rút một điều thuốc Vàm Cỏ. Hắn quẹt diêm cho tôi mồi thuốc. - Tôi gọi anh ra để mạn đàm. Hắn nhả khói thuốc. - Mạn đàm cũng là làm việc đấy. Cuộc mạn đàm bắt đầu. - Anh xa nhà mấy tháng rồi, anh Duyên Anh, thần tượng của tuổi trẻ? Giọng mỉa mai, hắn bĩu môi nói hai tiếng “thần tượng”. Mạn đàm với hắn là vấn nạn, đối với tôi, với chúng tôi, những nhà văn, nhà thơ bị bỏ tù. - Tôi không là thần tượng của ai cả. Tôi đã viết điều này. Làm thần tượng có hai điều khổ. Một, trở thành nô lệ của những kẻ phong tước vị cho mình. Hai, sẽ bị đạp đổ. - Anh đã được coi là thần tượng? - Tôi thành thật khước từ. - Tại sao? - Tôi thích tự do làm theo ý của tôi. Thần tượng, tôi phải làm theo ý của người khác. Khác ý họ, tôi bị đạp đổ nhục nhã. Nhưng thần tượng là cái gì? Theo tôi, thần tượng là đất nung, gỗ đẻo. - Anh ám chỉ ai? - Tôi nói tôi. - Mà anh mà là thần tượng à? - Anh vừa bảo tôi là thần tượng. - Anh tin tôi thành thật ư? - Cách mạng không bao giờ gian dối. Hắn nhìn thẳng mặt tôi, đôi mắt hắn long xồng xộc: - Lũ các anh là thần tượng móc méo, xỏ xiên. Tôi hỏi anh xa nhà mấy tháng rồi? Hắn chuyển đoạn cau có. Tôi chậm rãi đáp: - Tôi vào tù từ 8-4. - Ai bảo anh vào tù? - Cán bộ Ba Trung bên Sở. - Anh đi học tập cải tạo tư tưởng. - Tôi xa nhà. - Anh xa nhà đi hoc. - Vâng, tôi xa nhà đi học được bốn tháng rồi. - Thấy thế nào? - Nhớ vợ, thương con. - Có vậy thôi? - Phải, có vậy. - Không thấm thía à? - Không. - Thế là chưa tiến bộ, chưa có chuyển biến tư tưởng. Anh cần học tập lâu hơn. - Tùy anh. - Tùy ở chính bản thân anh đấy. Thằng rỗ mặt hoa nầy coi bộ đã nhận chỉ thị áp đảo tinh thần tôi. Tất cả những nhà văn, nhà thơ làm việc, bị mạn đàm đều bị làm khán giả xem kịch sĩ công an thủ các vai Ác và Thiên. Hễ hôm nào bị Ác át giong, ngày mai sẽ được Thiện vuốt ve. Ác bít lối, Thiện mở đường. Thiện thỏa mãn yêu sách chưa được thực hiện, Ác đã xoá bỏ ngay tức thì. Thằng mặt rỗ hoa mè mặc áo sơ mi mầu trứng sáo, tháng 6 năm 1977, gặp Doãn Quốc Sĩ ở 3C-1, kể lại cuộc mạn đàm, anh Sĩ nhận ra “cố nhân” liền. Anh Sĩ nói: “Nó đã dọa chặt tôi ra làm ba khúc xem thân thể tôi có là kim cương. Chính nó tống tôi vào cachot.” - Anh Duyên Anh. - Tôi nghe. - Đồng chí Ba Trung bảo anh vào tù là đúng. - Tôi không xa nhà đi học? - Anh nằm tù. - Anh vừa nói … - Bây giờ là chân ly, anh nằm tù. Anh nằm tù suy nghĩ tội ác. Các anh nằm tù suy nghĩ tội ác. Bổng hắn hất hàm: - Thằng Doãn Quốc Sĩ thế nào? Tôi thừa hiểu, khi chúng nó nói chuyện với nhau, khi chúng nó nói với anh em của tôi, chúng nó cũng gọi tôi là thằng Duyên Anh, như lãnh tụ của chúng nó mở miệng là thằng Diệm, thằng Nhu… - Đó là thằng được nhiều người kính trọng. - Thằng Doãn Quốc Sĩ được nhiều người kính trọng? Nó ví Hồ Chủ Tịch là chồn tinh chín đuôi. Vũ Hạnh báo cáo thằng Sĩ thường nhục mạ Bác. Sàigòn có ba thằng đáng tội chém. Thằng Doãn Quốc Sĩ viết cổ tích lăng mạ lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thằng Chóe vẽ cờ tổ quốc cắm lên cán chổi. Còn anh, anh ví cờ tổ quốc với xì-líp đàn bà có kinh. May cho các anh, Biệt đôi bận việc khác, chứ không, các anh đã ăn đạn như thằng Chu Tử. Chu Tử viết Ao thả vịt của nhật báo Sống, chê “Hồ chủ tịt làm thơ như cục kít”. Tôi xin phép được nói rõ về trường hợp Chu Tử và sau đó, một vài trường hợp ngộ nhận quốc gia sát hai quốc gia. Thuở báo Sống chống đối sự thừa thắng xông lên của các ông sư chính trị, nhóm Phật giáo quá khích đã đốt tòa soạn Sống, đốt luôn chiếc xe Vespa mới toanh của nhân viên trị sự tên là Vũ Hải Vân. Chu Tử nổi giận. Nhật báo Sống đánh sư chính trị, sư thành phố thả giàn. Chu Tử bị mưu sát. Chúng tôi quả quyết thủ phạm là thượng tọa Thích Thiên Minh. Báo chí Sàigòn tỏ thái độ với Phật tử ồn ào xuống đường và lãnh tụ của họ. Tự nhiên, nhà cầm quyền hưởng lợi. Chẳng cần thuê mà báo chí xúm nhau “mần thit” những kẻ chống đối mình. Rồi thượng tọa Thích Thiên Minh bị mưu sát. Phật giáo Ấn Quang đổ riết tội cho nhà nước. Nhà nước, nhà chùa, nhà báo chơi nhau lung tung beng. Nhà báo bảo nhà chùa … dàn cảnh. Đến khi chết giữa biển và chết trên quê hương, Chu Tử vẫn tưởng Thích Thiên Minh bắn mình và Thích Thiện Minh vẫn tường nhà nước hại nhà chùa. Tôi, nhờ nhà tù, tai nghe rõ cộng sản xác nhận họ bắn Chu Tử. Họ gây xáo trộn tình hình Sàigòn. Từ đó, tôi nhận diện thủ phạm ám sát Nguyễn Văn Bông và Trần Văn Văn. Tôi vốn không ưa ông Kỳ và không hưởng bổng lộc gì của ông Loan, nhưng tôi muốn đóng góp một chút sự thật vào sự thật của lịch sử. Trong cuốn Một người tên là Trần Văn Bá, tôi viết ông Nguyễn Cao Kỳ và ông Nguyễn Ngọc Loan không hề ám hại nhà chính khách đối lập Trần Văn Văn. Thủ phạm vẫn chỉ là việt cộng, tác giả các vụ Chu Tử, Thích Thiện Minh, Nguyễn Văn Bông, Trần Văn Văn,… Phản ứng của bà Trần Văn Văn là, căn cứ vào một tờ báo lưu vong xuất bản tại Úc Đại Lợi, ký tên một tác giả không ai biết, vẫn khẳng định Kỳ, Loan giết chồng bà. Những ngộ nhận tại hai điển hình vừa kể, cần phải chấm dứt. Còn ngộ nhận là còn chơi trò chơi tạo mâu thuẫn của cộng sản. - Tại sao anh dám ví cờ tổ quốc với xì-líp đàn bà có kinh? - Tôi không biết trả lời. Trả lời thế nào? Trả lời hôm nay, khi ngồi viết hồi ký ở Ivry Sur Seine rằng, tôi ví cờ tổ quốc của anh với xì-líp đàn bà có kinh vì tôi ghê tởm cờ tổ quốc anh. Tôi không ham nói phét, dẫu nói phét không bị đánh thuế và dẫu có thể được coi như ngục sĩ anh hùng. Cuộc đời đã thừa thãi những anh Rambo, chẳng nên thêm tôi. Ở cuốn Đàn bà, người đàn ông bị vợ từ chối không cho làm tình, gã hỏi “Hôm nay em kéo cờ cộng sản hả?”. Tôi dám ví cờ đỏ sao vàng với xì-líp đàn bà có kinh? Cộng sản chụp mũ tôi. Họ ví chứ tôi không ví. - Anh chỉ biết viết? - Tôi không biết trả lời. - Anh không trả lời? - Anh hiểu tôi khó trả lời mà. - Anh cần suy nghĩ. - Phải. Hắn tống tôi vào cachot khu B, khóa chặt cửa gió, không cho tôi về 1C-1 thu dọn hành lý, không phát chiếu, không còng tay. Cuộc mạn đàm kết thúc như vậy. Tôi có dịp biết cachot. Và tôi bằng lòng ở cachot. Cachot là phòng lý tưởng của khách sạn quốc doanh đề lao. Đang nằm nghiêng trên hai gang chiếu ở cái phòng tập thể nhung nhúc tù nhân, nồng nặc mùi mồ hôi, hôi nách, ghẻ mủ, được nằm thoải mái một bục xi-măng láng coóng, yên tĩnh, cầu tiêu, vòi nước riêng, tôi cảm giác mình được cách mạng đãi ngộ. Đối diện dãy cachot nhốt tôi là các phòng tập thể khu B dành riêng cho nữ tù nhân. Tôi không nhìn thấy ai cả. Thú thật, lúc ấy tôi quên sợ hãi. Càng ở tù lâu, hai chữ cũng đành càng lớn và cảm giác sợ hãi nhỏ dần. Ngồi mạn đàm với đại diện của đảng cộng sản quang vinh, những mụn ghẻ mủ ở mông tôi vỡ ra, ướt nhẫy đít quần. Bây giờ, quần bám chặt vào mụn ghẻ tạo thành mảng mài lớn, khô cứng. Tôi không dám gỡ ra, sỡ máu sẽ chảy và lại thành mảng mài lớn. Với riêng nỗi khổ ghẻ mủ, tôi đã muốn ngồi lên mặt những đứa bịa đặt chuyện bêu nhục tôi ở tù bằng cái đũng quần cứng khô máu mủ. Nhưng mà tôi đã ngồi lên mặt chủ nghĩa cộng sản. Như thế hách hơn. Người ta không cho tôi ăn cơm trưa, không cho cả nước sôi. Tôi ghé miệng vào vòi nước, vặn rô-bi-nê uống nước phông tên. Rồi tôi nằm duỗi chân, dang chân thoải mái mà ngủ. Cơn mưa lớn đã ru tôi ngủ ngon. Khi tôi thức giấc, mưa đã tạnh và ngọn đèn vàng trong cachot đã bật. Mụ cai ngục lùn, mắt lé mở khóa. Tên công an chấp pháp mặt rỗ huê đợi tôi bước ra. Hắn hỏi tôi: - Anh suy nghĩ chưa? Tôi nói: - Đói quá, tôi không suy nghĩ được. Hắn nín thinh dẫn tôi về khu C-1, giao tôi cho cai ngục. Tôi trở lại 1C-1 ồn ào và tiếc rẻ cachot khu B. Sáng sớm hôm sau, trước cả giờ báo thức, cai ngục gọi tôi ra làm việc. Tên công an rỗ hoa dẫn tôi ra khu A, tống tôi vào cachot. Nhờ ví cờ cộng sản với xì-líp đàn bà có kinh, tôi biết thêm cachot khu A, khu sát khít trường Hồ Ngọc Cẩn. Hôm nay tôi bị còng tay chéo sau lưng. Vẫn bị cúp bữa cơm trưa, cúp nước sôi. Chập tối, tên công an rỗ hoa lại dẫn tôi về khu C-1. Một tuần liền, sáng sớm tinh mơ tôi vào cachot, chập tối tôi ra cachot với vài kiểu còng tay, còng chân. Bố tôi, tháng 9-1975, đi lẻn vào Sàigòn, dạy tôi kinh nghiệm ngục tù: “Ăn ít, dù gia đình tiếp tế đầy đủ. Tập thắt dạ dày, vì, sẽ bị nhịn vài ngày”. Nhờ kinh nghiệm của bố, được … học tập ăn một bữa suốt tuần, tôi đã tồn tại. Trò chơi của tên công an chấp pháp rỗ hoa đến đó là chấm dứt. Hắn không cho tôi ngủ đêm ở cachot. Hắn cũng quên hỏi tôi “Suy nghĩ chưa”. Tôi bị bỏ rơi ba ngày liền. Lúc này, Doãn Quốc Sĩ đã từ cachot 12 chuyển về cachot số 1 đối diện phòng tập thể của tôi. Trịnh Viết Thành, Hồ Văn Đông bị sang Sở Công An. Chuyến đi này có thêm Nguyễn Mạnh Côn. Bên cachot C-2, Như Phong vẫn khước từ viết tự khai. Bệnh ghẻ mủ của tôi không thuyên giảm. Có mòi tăng triển. Ghẻ báo động … đỏ. Mỗi tuần, vào buổi trưa nắng, đề lao cho tù nhân ra phơi nắng 10 phút. Phòng này vào, phòng kia ra. Tù nhân ngồi nguyên chỗ của mình. Các cửa gió của cachot đóng kín, đề phòng liên lạc bằng dấu hiệu. Mười phút nắng chỉ làm ghẻ buồn cười. Hôm tắm nắng, đồ đạc treo lên hết. Trực sinh rửa phòng và y tế xịt thuốc trừ chấy rận. Tôi khám phá ra sự thiếu máu. Ở ngoài nắng bước vô, mắt tôi mờ đi mấy phút. Tôi ôm mặt đứng. Cứ ngỡ mình đã bị lòa. Tôi thèm nói chuyện mắt với Doãn Quốc Sĩ. Anh ta không hề dán mặt vào ô gió cachot như những tù nhân khác. Sáng sớm, Sĩ chạy tại chỗ. Rồi thiền và ngủ. Vợ tôi vẫn tiếp tế đều đặn. Qua ba ngày không thấy tên công an chấp pháp rỗ hoa gọi ra, tôi ngỡ đã yên thân. Tôi nhầm. Cai ngục lại réo tên cúng cơm của tôi. - Vũ Mộng Long. - Có. - Mặc quần áo ra làm việc. Chú thích: Viết tiểu thuyết, Như Phong ký Lý Thắng. Trường thiên tiểu thuyết Khói Sóng đăng dang dở trên nhật báo Tự Do trước 1963.