Đang nói chuyện Vương Khánh và Đoàn Tam nương xông vào đánh Liêu Lập, hai bên giao chiến hơn chục hiệp, Vương Khánh đâm dứ một đường để Liêu Lập đánh vào rồi vọt tới đâm ngã. Đoàn Tam nương đuổi tới bồi tiếp một đao, kết liễu tính mạng hắn. Liêu Lập nửa đời làm nghề cường đạo, đến đây kết thúc giấc mộng xuân! Vương Khánh xách mã tấu quát lớn: - Kẻ nào không thuận theo ta thì cứ xem gương Liêu Lập đó! Bọn lâu lau thấy Liêu Lập bị giết vội nâng giáo lạy hàng, không dám chống cự. Vương Khánh lên núi vào trong trại. Bấy giờ chân trời đã ửng rạng đằng đông. Ngọn núi này xung quanh có nhiều vòm đá tự nhiên giống như những căn phòng nên gọi là Phòng Sơn, thuộc địa hạt Phòng Châu. Bấy giờ, Vương Khánh sắp xếp nơi ăn chốn ở cho từng nhà, xong cho điểm số lâu la, xem xét lương thảo, vàng bạc, vải vóc và ngựa chiến trong doanh trại. Một mặt cho giết bò mổ ngựa bầy tiệc rượu chúc mừng khao thưởng lâu la. Mọi người đều suy tôn Vương Khánh làm trại chủ. Một mặt cho rèn binh khí, huấn luyện lâu la chuẩn bị giao chiến với quân triều đình, việc không cần nói đến. Lại nói đội quân Phòng Châu theo viên đô đầu tìm bắt Vương Khánh, bị bọn Vương Khánh chém giết, đánh đuổi chạy tan, có kẻ thoát được trở về báo với châu doãn Trương Cố Hành: "Bọn Vương Khánh biết trước sự việc, đã tìm cách chống cự với quan quân. Đô đầu và người tố giác là Hoàng Đạt đều bị giết. Sau đó cả bọn chạy về phía tây". Ngay ngày hôm ấy Trương Cố Hành liền bàn với võ quan trấn thủ bản châu để phái quân tuần tiễu cùng với quân ở bản doanh đi truy bắt. Nhưng vì giặc cướp hung tợn, quan quân lại thiệt mạng một số người nữa. Số lâu la theo lên sơn trại ngày càng đông, bọn Vương Khánh thường đem quân xuống núi đi các nơi cướp phá. Trương Cố Hành thấy thế giặc ngày càng hung hãn, một mặt gửi văn thư báo cho các huyện canh phòng để giữ yên trong cõi, điều thêm quân về châu để hợp sức dẹp cướp. Một mặt lại bàn với chỉ huy binh mã bản châu là đô giám Hồ Hữu Vi tìm kế sách tiễu trừ. Đô giám Hồ Hữu Vi liền điểm quân lính của bản doanh chọn ngày cất quân tiến đánh. Bất ngờ quân lính cả hai doanh hò reo khua trống ầm ầm, hỏi ra thì nguyên nhân là vì đã hai tháng nay không được cấp phát tiền gạo, bụng đói meo sao mà đi đánh giặc được? Trương Cố Hành nghe tin quân sĩ làm biến liền cho đem tiền gạo đến phát trước một tháng, nhưng vẫn lo làm như thế càng khiến quân sĩ tức giận thì sau không biết làm thế nào? Sự việc xảy ra là do ngày thường không biết vỗ về răn dạy quân sĩ, đến khi quân sĩ đánh trống làm reo mới đem tiền bạc đến phát, thế là đã làm cho quân sĩ sinh kiêu. Lại còn chuyện nực cười nữa: việc đã xảy ra như thế nhưng các tệ khấu đầu trừ đuôi, bớt xén tiền lương của quân sĩ vẫn không giảm. Quân lính thường ngày đã bị bớt xén quá nhiều, nay bỗng được dịp bùng lên. Quân sĩ ào ào tức giận, nổi dậy giết chết đô giám Hồ Hữu Vi. Châu doãn Trương Cố Hành thấy tình thế bất lợi vội ôm giấy tờ ấn tín tìm đường tẩu thoát. Trong thành vô chủ, lại thêm bọn vô lại phụ họa với bọn quân kéo đi đốt phá, cướp bóc các nhà dân. Vương Khánh thấy trong thành có biến, thừa thế đem quân lâu la xuống núi đánh vào thành Phòng Châu. Bao nhiêu quân sĩ làm phản cùng bọn gian đồ ô hợp ra mặt quy thuận. Vương Khánh hả hê đắc chí, bèn chiếm thành Phòng Châu làm sào huyệt. Châu doãn Trương Cố Hành trốn tránh không thoát cũng bị bắt giết. Vương Khánh cướp đoạt lương tiền trong các kho công ở Phòng Châu, sai Lý Trợ, Đoàn Nhị, Đoàn Ngũ chia nhau đến Phòng Sơn và các nơi khác dựng cờ hiệu, chiêu binh mãi mã, tích chứa lương thảo. Khắp các trấn gần, thôn xa đều bị cướp đoạt kinh động. Bọn vô lại du thủ du thực cùng bọn tù phạm gian ác phản nghịch đều nhao nhao kéo đến quy thuận Vương Khánh. Bọn Cung Đoan, Cung Chính trước đó bị Hoàng Đạt phát đơn kiện làm cho mất sạch gia sản, nay nghe tin Vương Khánh chiêu mộ binh sĩ cũng tìm đến xin nhập bọn. Các châu huyện lân cận chỉ lo giữ thành trì, còn ai dám đem quân cứu ứng? Trong vòng hơn hai tháng, dưới tay Vương Khánh đã tụ tập được hơn hai vạn tên, Khánh bèn tung quân đi đánh phá thành trì các huyện lân cận như Thượng Tân, Trúc Sơn, Viên Hương. Các quan châu huyện dâng biểu tâu lên. Triều đình xuống lệnh cho trấn quan địa phương ấy đem quân đi đánh dẹp. Đám quân triều đình nhà Tống phần nhiều vì lương bổng không đủ, nên ít được thao diễn luyện tập, quân không sợ tướng, tướng chẳng biết quân. Kịp khi nghe tin có biến, quan quân thường thổi phồng thế lực quân giặc mười phần hung dữ, khiến cho sĩ tốt chợt nghe đã nản lòng, trăm họ kinh hoàng tán đảm. Đến khi ra trận đối đầu với địch, tướng quân thì khiếp nhược, quân sĩ thì đói mệt, làm sao mà đánh lại được quân của Vương Khánh? Gần toàn những dân vong mạng, quân Vương Khánh khi đã liều chết đánh tới thì quan quân đều phải tan chạy như gió xô cỏ lướt. Vì vậy, thế lực của Vương Khánh ngày càng mạnh, vượt sang đánh phá cả ở phủ Nam Phong. Về sau, triều đình sai quân đi đánh thì các tướng tá được giao chức cầm quân nếu không hối lộ Sái Kinh, Đồng Quán thì cũng đút lót Dương Tiễn, Cao Cầu. Bọn họ nhận tiền bạc đút lót rồi thì dù là kẻ tầm thường hèn nhát cũng cho cân nhắc bổ dụng. Bọn ấy đã mất tiền của đút lót, một khi nắm được quyền binh trong tay liền thả sức bớt xén quân lương, bức hại dân lành để mạo nhận công lao, rông quân cho đi vơ vét đốt phá gây rối động khắp vùng, dân chúng vì bị bức bách mà phải theo. Từ đó thế giặc ngày càng lớn mạnh, Vương Khánh đã tung quân đánh xuống miền Nam. Lý Trợ vốn là người Kinh Nam liền hiến kế xin Vương Khánh cho đóng vai thầy bói đi trước vào thành, ngầm kết giao với bọn gian manh côn đồ, rồi trong ngoài ứng hợp đánh lấy thành Kinh Nam. Vương Khánh bèn cho Lý Trợ làm quân sư, tự xưng là "Sở Vương". Các bọn giặc sông cướp biển, cường đạo ở chốn sơn lâm đều tìm đến quy hàng. Trong khoảng ba bốn năm bọn Vương Khánh đã chiếm giữ sáu châu thành của nhà Tống. Vương Khánh đem bộ hạ vaò đóng trong thành Nam Phong, cho xây dựng cung điện, lâu đài, tiếm ngụy thay đổi niên hiệu, cũng bắt chước triều nhà Tống đặt ngụy quan tướng văn tướng võ và hàng quan liêu ở các đài, sảnh, viện. Phong Lý Trợ làm quân sư đô thừa tướng, Phương Hàn làm khu mật, Đoàn Nhị làm hộ quốc thống quân đại tướng, Đoàn Ngũ làm phụ quốc thống quân đô đốc, Phạm Toàn làm Điện súy, Cung Đoàn làm tuyên phủ sứ, Cung Chính làm chuyển vận sứ chuyên cai quản việc chi tiêu xuất nhập, kiểm tra tính toán lương tiền, Khâu Tưởng làm ngự doanh sứ, lập Đoàn Tam nương làm chánh phi, Vương Khánh xưng vương được năm nwm kể từ năm Tuyên Hòa thứ nhất đến mùa xuân năm Tuyên Hòa thứ năm. Bấy giờ bọn anh em Tống Giang đang đi đánh Điền Hồ ở Hà Bắc, đến khi đánh quân Điền Hổ ở ải quân Vân An và Uyển Châu, tổng cộng là tám châu thành. Đó là các châu: Nam Phong, Kinh Nam, Sơn Nam, Vân An, An Đức, Đông Xuyên, Uyển Châu, Tân Kinh. Số châu huyện thuộc các quận ấy tất cả là tám mươi sáu. Vương Khánh sai dựng hành cung ở huyện Vân An, sai Thi Tuấn đóng giữ, làm trấn thủ quận Vân An. Lúc đầu Vương Khánh sai bọn Lưu Mẫn đánh lấy Uyển Châu. Châu này ở gần Đông Kinh, bọn Sái Kinh không che giấu được, phải tâu lên Đạo quân hoàng đế. Thiên tử xuống sắc sai Sái Du, Đồng Quán đem quân đi đánh dẹp Vương Khánh, cứu Uyển Châu. Quân lính của Sái Du, Đồng Quán là hạng quân lính tàn bạo, không có phép tắc kẻ cương, trên dưới lìa lòng, vì thế bị bọn Lưu Mẫn đánh bại. Quân Vương Khánh phá được thành Uyển Châu, khắp kinh đô dân chúng chấn động lo sợ. Bọn Sái Du, Đồng Quán sợ tội, cố tìm cách không cho thiên tử biết chuyện. Tướng giặc là bọn Lưu Mẫn, Lỗ Thành sau khi lấy được Uyển Châu liền đem quân bao vây Lỗ Châu, Dương Châu. Anh em Tống Giang dẹp yên Điền Hổ ở Hà Bắc, chưa đem quân về đến Đông Kinh đã tiếp chiếu sắc sai đi đánh Vương Khánh ở Hoài Tây. Đúng là người ngồi chưa ấm chỗ, ngựa chưa kịp nghỉ chân, anh em Tống Giang lại phải thống lĩnh đại binh hơn hai mươi vạn người ngựa tiến xuống phía nam. Vừa qua sông Hoàng Hà lại tiếp được văn thư của sảnh viện thúc giục Trần an phủ và Tống Giang cho binh mã ngày đêm ruổi gấp đến cứu ứng cho Lỗ Châu, Dương Châu. Tống Giang bon ngựa đẫm mồ hôi, hành quân giữa mùa nóng nực, theo đường từ huyện Túc và sông Dĩ Thủy tiến xuống, những nơi đi qua không mảy may xâm phạm của dân. Nghe tin đại binh của Tống Giang tiến đến địa giới châu Dương Định, quân Vương Khánh phải lui về. Hai thành Lỗ Châu và Dương Châu được giải vây. Lại nói chuyện Trương Thanh, Quỳnh Anh, Diệp Thanh được tận mắt chứng kiến việc hành hình Điền Hổ, được thiên tử ban tước rồi vâng mệnh trở lại quân doanh theo Tống Giang đem quân đi đánh Vương Khánh. Bọn Trương Thanh rời Đông Kinh đến thành Dĩnh Xương chờ hơn nửa tháng, nghe tin quân của Tống tiên phong đã tới, cả ba người đều đến trước quân doanh chào đón. Trương Thanh kể lại việc ba người ở kinh được thiên tử ban phong phẩm tước, Tống Giang và các anh em đầu lĩnh hết lòng khen ngợi. Tống Giang cho bọn Trương Thanh ở lại trong quân doanh để chờ sai phái. Tống Giang mời Trần an phủ, Hầu tham mưu và La vũ dụ vào đóng quân trong thành Dương Định, còn anh em Tống Giang phải chỉ huy đại quân, không tiện đem quân vào thành. Tống Giang truyền lệnh cho các tướng đóng quân trong khi rừng cây cối rậm rạp ở núi Phương Thành. Nhận thấy quân sĩ vượt đường xa ngàn dặm giữa mùa hè nóng bức, trong quân nhiều người ốm đau, Tống Giang giao cho An Đạo Toàn lo liệu thuốc men chữa bệnh. Lại sai quân sĩ dựng lều lán cho ngựa nghỉ ngơi, giao cho Hoàng Phủ Đoan sai quân tắm rửa, chải lông cho ngựa và khám chữa những con bị ốm. Ngô Dụng nói với Tống Giang: - Đại quân ta đóng trong rừng, chỉ lo quân giặc dùng kế hỏa công. Tống Giang nói: - Chính ta đang muốn dùng hỏa công đốt trại giặc. Tống Giang bèn sai quân sĩ tìm chỗ râm mát trên gò cao núi Phương Thành, dùng tre nứa, cỏ trang dựng một dẫy lán nhỏ. Bấy giờ hàn tướng Hà Bắc là Kiều Đạo Thanh đến thưa với Tống Giang: - Đạo Thanh tôi được nhờ ơn sâu của tiên phong, nay xin góp chút sức mọn. Tống Giang cả mừng, bí mật bàn định mưu kế với Kiều Đạo Thanh, rồi giao cho Kiều Đạo Thanh vào trông nom công việc trong lán. Tống Giang xuống lệnh tuyển chọn ba vạn quân khoẻ mạnh. Lệnh cho Trương Thanh, Quỳnh Anh chỉ huy một vạn quân mã đến mai phục ở chân núi phía đông. Lệnh cho Tôn An, Biện Tường chỉ huy một vạn binh mã mai phục ở chân núi phía tây. Hễ nghe tiếng pháo oanh thiên nổ vang ở trung quân thì các quân mai phục nhất tề xông ra đánh. Toàn bộ lương thảo đều chất cả ở chân núi phía nam, giao cho Lý Ứng, Sài Tiến chỉ huy năm nghìn quân canh giữ. Cắt cử mọi việc đâu đó đã xong, bỗng Công Tông Thắng bước vào nói: - Huynh trưởng trù hoạch kế sách thần diệu, nhưng hiện nay đang mùa nóng bức, quân sĩ đi lại mệt mỏi. Nếu giặc cho quân tinh nhuệ đến đánh thì quân ta tuy đông gấp mười lần cũng không giành được phần thắng. Bần đạo xin thi thố chút phát thuật để giải trừ buồn phiền nóng nực, khiến cho tướng sĩ mát mẻ sảng khoái, tự nhiên sẽ cảm thấy trong người khoẻ mạnh. Nói xong bèn chống kiếm làm phép, tay trái làm dấu Thiên lôi, tay phải vung kiếm bắt quyết, định thần suy nghĩ hướng về phía đông bắc thổi một luồng khí rồi niệm chú. Trong nháy mắt gió lạnh nổi lên, mây đen cuồn cuộn từ trong thung lũng đùn ra, nhanh chóng phủ kín núi Phương Thành. Hơn hai vạn người ngựa được cơn gió lạnh thổi mát. Trong khi đó những vùng xung quanh vẫn nóng như thiêu, ve kêu nhức óc, chim chóc phải tìm nơi trống nắng. Quân sĩ Tống Giang ai nấy đều vui, khen ngợi đạo pháp thần diệu của Công Tôn Thắng. Trong khoảng sáu bảy ngày đó cũng đủ cho An Đạo Toàn chăm quân, Hoàng Phủ Đoan chữa ngựa. Đại quân người ngựa dần dần được sung túc, việc không cần nói đến. Lại nói tướng của Vương Khánh là Lưu Mẫn đóng giữ Uyển Châu vốn là kẻ khá mưu lược, được tôn là "Lưu Trí Bá". Bấy giờ Lưu Mẫn cho quân đi thám thính, biết binh mã của Tống Giang đang đóng trại nghỉ ngơi tránh nắng trong rừng. Lưu Mẫn nói: - Bọn Tống Giang rốt cuộc chỉ là giặc cỏ miền sông nước, không hiểu binh pháp cho nên chẳng làm được việc lớn. Ta chỉ cần thi thố một kế nhỏ đủ khiến cho hai mươi vạn người ngựa của chúng, ít nhất cũng một nửa bị thiêu cháy thành tro. Nói đoạn truyền lệnh chọn năm nghìn tên quân nhanh nhẹn ai nấy sửa soạn đầy đủ tên lửa, hỏa pháo và đuốc nhựa. Lại sửa soạn hai nghìn cỗ xe trận chở đầy lau sậy, củi khô cùng các thứ thuốc dẫn lửa như lưu quỳnh, diêm tiêu. Mỗi xe có bốn tên quân sĩ kéo đẩy. Bấy giờ là trung tuần tháng bảy, tiết đầu thu, Lưu Mẫn dẫn bốn viên phó tướng: Lỗ Thành, Trịnh Tiệp, Khấu Mãnh, Cố Sầm đem một vạn quân thiết kỵ, người mặc giáp mỏng, ngựa bỏ lục lạc đi sau tiếp ứng. Lưu Mẫn để hai phó tướng là Hàn Triết và Ban Trạch ở lại giữ thành. Chiều muộn, bọn Lưu Mẫn ra khỏi thành, gặp lúc giố nam thổi mạnh, Lưu Mẫn cả mừng nói: - Phen này bọn Tống Giang tất phải thua to! Đến đầu canh ba quân Lưu Mẫn mới đến cách núi Phương Thành hai dặm về phía nam, bỗn thấy mù đen bao trùm thung lũng. Lưu Mẫn nói: - Trời giúp ta lập công. Nói đoạn sai quân đi sau đánh trống hò reo trợ chiến, Lưu Mẫn tự mình dẫn năm nghìn quân tiến vào rừng đánh quân Tống Giang. Quân Lưu Mẫn được lệnh ồ ạt bắn hỏa tiễn, hỏa pháo, đuốc lửa để đốt cháy trại quân Tống Giang. Lại sai bọn Khấu Mãnh, Tất Thắng đốc thúc quân sĩ đẩy xe châm mồi lửa rồi đẩy xuóng chân núi để đốt cháy lương thảo của quân Tống. Quân Lưu Mẫn đang hăng hái tiến đánh bỗng cùng lúc kêu thét lên. Lúc ấy gió nam đang thổi mạnh, bất ngờ chuyền ngược lại thành gió bắc! Lại nghe trên núi có tiếng nổ vang. Đó là Kiều Đạo Thanh đã dùng phép quạt gió trở lửa, làm cho bao nhiêu tên lửa, đuốc lửa đều biến thành rồng lửa rắn lửa cháy bùng bay ngược lại thiêu đốt quân Lưu Mẫn, khiến chúng không kịp tìm nơi ẩn nấp. Đương thời trong quân Tống lưu truyền bốn câu thơ chê cười bọn Lưu Mẫn: Quân cơ cố nam trắc Tặc nhân võng tý hoạch Phóng hỏa tự thiêu quân Hảo cá "Lưu Trí Bá". Việc quân khó khôn dại Đánh giặc giặc không bại Phóng hỏa thiêu quân mình "Lưu Trí Bá" giỏi đấy! Bấy giờ Tống tiên phong truyền lệnh cho pháo thủ Lăng Chấn bắn hỏa pháo. Đạn pháo bay vọt lên không rồi nổ tung. Phía đông các tướng Trương Thanh, Quỳnh Anh; phía tây các tướng Tôn An, Biện Tường đều dẫn quân đánh ập tới. Quân Vương Khánh một phen thua to. Lỗ Thành bị Tôn An vung kiếm sả làm hai đoạn. Trịnh Tiệp bị Quỳnh Anh ném đá lăn xuống ngựa, Trương Thanh đưa thêm một mũi thương kết liễu tính mệnh. Cố Sầm bị Biện Tường đâm chết. Khấu Mãnh chết trong đám loạn quân. Hơn hai vạn ba nghìn quân Lưu Mẫn bị cháy, bị giết đến quá nửa, số còn lại tán loạn chạy trốn khắp nơi, hai nghìn cỗ xe cháy trụi không còng một chiếc. Lưu Mẫn cùng ba bốn trăm tên tàn quân thoát chết tìm đường chạy về Uyển Châu. Quân Tống không phải đốt một cọng rơm sợi cỏ, không thiệt mạng một tên quân nào mà thu đoạt được ngựa chiến, áo giáp, chiêng trống nhiều không đếm xuể. Bọn Trương Thanh, Tôn An thắng trận trở về sơn trại báo công. Tôn An dâng thủ cấp Lỗ Thành; Trương Thanh, Quỳnh Anh nộp đầu Trịnh Tiệp; Biện Tường hiến thủ cấp Cố Sầm. Tống Giang xuống lệnh khao thưởng ba quân tướng sĩ, nêu công đầu cho Kiều Đạo Thanh, thứ đến là bọn Trương Thanh, Quỳnh Anh, Tôn An, Biện Tường. Quân sư Ngô Dụng nói: - Huynh trưởng mưu tính kỳ diệu khiến quân giặc một phen mất trận kinh hồn. Tuy nhiên địa thế Uyển Châu sông núi quanh co, gò bãi bùn lầy, dân ở đây thường vẫn gọi là "Biển cạn", nếu giặc điều thêm quân tướng, cho đại binh đóng giữ thì bên ta rất khó đánh chiếm. Nay đã sang thu tiết trời mát mẻ, người ngựa đều sung sức, thừa lúc uy thế quân ta đang mạnh, quân giặc trong thành thế cô lực yếu, ta nên thúc quân đóng giữ ở hai phía nam bắc đề phòng quân giặc cho viện binh tiếp ứng. Tống Giang khen phải, theo đúng kế sách truyền lệnh thi hành: giao cho Quan Thắng, Tần Minh, Dương Chí, Hoàn Tín, Tôn Lập, Tuyên Hán, Hách Tư Văn, Trần Đạt, Dương Xuân, Chu Thông thống lĩnh ba vạn quân mã đến đóng giữ phía đông Uyển Châu đề phòng viện binh giặc từ phía nam tiến đến. Giao cho Lâm Xung, Hô Diên Chước, Đổng Bình, Sách Siêu, Hàn Thao, Bành Kỷ, Đan Đình Khuê, Ngụy Định Quốc, Âu Bằng, Đặng Phi đem ba vạn quân bộ đến đống ở phía tây Uyển Châu để chặn quân giặc từ phía bắc kéo đến. Các tướng tuân lệnh điểm quân cho người ngựa lên đường. Bấy giờ các hàng tướng Hà Bắc là bọn Tôn An mười bảy người cùng nhau đến thưa với Tống tiên phong rằng: - Bọn anh em chúng tôi được tiên phong thu dụng, cho hưởng nhiều đặc ân. Nay chúng tôi nguyện xin đem quân đi tiên phong trong trận đánh thành mong báo đáp ơn sâu của tiên phong. Tống Giang cả mừng bèn lệnh cho Trương Thanh, Quỳnh Anh thống lĩnh bọn Tôn An mười bảy viên chánh phó tướng và năm vạn quân mã đi tiền bộ. Mười bảy viên chánh phó tướng ấy là: Trương Thanh tuân lênh thống lĩnh quân mã lên đường tiến về Uyển Châu. Tống Giang cùng Lư Tuấn Nghĩa, Ngô Dụng và các tướng còn lại thống lĩnh đại quân nhổ trại rời núi Phương Thành tiến xuống phía nam, đến cách thành Uyển Châu mười dặm thì dừng lại đóng trại, Tống Giang hạ lệnh cho Lý Vân, Thanh Long, Đào Tôn Vượng trông coi việc tu sửa các dụng cụ đánh thành, tu sửa xong thì chở đến quân doanh cho bọn Trương Thanh sử dụng. Trương Thanh và các tướng đem binh mã đến vây thành Uyển Châu. Liền trong sáu bảy ngày quân giặc giữ thành rất vững nên không thể hạ được. Phía bắc Uyển Châu tiếp giáp vơi Nhữ Châu. Tướng giặc là Trương Thọ dẫn hai vạn quân tiến đến bị quân Lâm Xung chặn đánh, chủ tướng Trương Thọ bị giết, các tướng tá còn lại và quân lính thua chạy tán loạn. Cùng ngày hôm ấy viện binh của giặc từ huyện An Xương, Nghiã Dương ở phía nam Uyển Châu kéo đến bị quân Quan Thắng đánh bại. Tướng giặc là bọn Bá Nhân, Trương Di bị bắt sống đem đến hành quyết trước quân doanh của Tống tiên phong. Quân tướng giặc ở cả hai cánh viện binh bị chém giết và bắt sống nhiều không kể xiết. Bấy giờ bọn Lý Vân đã sửa chữa và làm xong các dụng cụ đánh thành. Bọn Tôn An, Mã Linh đốc xuất quân sĩ xúc đất cho vào bao, chất thành nhiều đống cao bằng mặt thành. Lại chọn các quân sĩ dũng cảm nhanh nhẹn dùng cầu bay vượt qua các lớp rào nhọn, hào rãnh rồi nhất loạt chèo lên chiếm thành. Thành Uyển Châu liền bị hạ. Lưu Mẫn bị bắt sống, các tướng tá dưới quyền bị giết hơn hai mươi tên. Quân sĩ chết tại trận hơn năm nghìn, số đầu hàng đến hơn một vạn. Tống Giang và các tướng đem quân vào thành Uyển Châu, truyền lệnh đem tướng giặc Lưu Mẫn ra chém bêu đầu. Cho yết bảng vỗ yên dân chúng. Tống tiên phong xuống lệnh ghi công đầu cho Quan Thắng, Lâm Xung, Trương Thanh, thứ đến là bọn Tôn An. Một mặt sai người đến thành Dương Định báo tin thắng trận và mời Trần an phủ dời bản doanh đến đóng ở Uyển Châu. Trân an phủ nghe tin cả mừng liền cùng với tham mưu Hầu Mông và Vũ học dụ La Tiễn lên đường đi Uyển Châu. Tống Giang và các tướng ra ngoài thành nghênh đón, mời Trần an phủ vào thành. Trần an phủ không hết lời khen ngợi công lao của anh em tống Giang, việc ấy bất tất phải nói đến. Tống Giang đóng quân ở thành Uyển Châu lo liệu mọi việc đến hơn mười ngày. Bấy giờ đã là thượng tuần tháng tám, thời tiết mát dần. Tống Giang mời quân sư Ngô Dụng đến hỏi: - Nay ta nên đánh thành nào? Ngô Dụng đáp: - Từ đây tiến xuống phía nam là quận Sơn nam, tận cùng là vùng Động Đình, sông Tương; quận đó phía bắc khống chế Quan Trung, Lạc Dương, là đất yết hầu của cả hai miền Sở, Thục. Vì thế ta nên đánh chiệm thành Sơn Nam để phân chia thế giặc. Tống Giang nói: - Quân sư nói rất phải. Nói đoạn truyền lệnh cho Hoa Vinh, Lâm Xung, Tuyên Tán Hách Tư Văn, Lã Phương, Quách Thịnh quản lĩnh năm vạn quân mã giúp Trần an phủ ở lại đóng giữ Uyển Châu. Trần an phủ sai Thánh thủ thư sinh Tiêu Nhượng đi truyền lệnh cho các thủy quân đầu lĩnh là bọn Lý Tuấn tám người thống lĩnh chiến thuyền xuất phát từ sông Tất, tiếng xuống sông Hán ở phía bắc thành Sơn Nam, để hộ với đại quân. Tống giang chia quân bộ làm ba đội, cáo từ Trần an phủ, rồi thống lĩnh các tướng tá và mười lăm vạn quân mã rời thành Uyển Châu lên đường tiến đánh quân Sơn Nam. Đúng là: Muôn ngựa đua bon trời đất sợ, Nghìn quân nhảy nhót quỷ thầnh kinh. Chưa biết quân Tống tiếng đánh thành Sơn Nam như thế nào hồi sau sẽ rõ.