Scan: Mars - Đánh máy Canary
Hồi 91
Tống Công Minh đưa quân vượt Hoàng Hà
Lư Tuấn Nghĩa lấy thành trong đêm tối

Đ ang nói chuyện Đái Tôn, Thạch Tú thấy người khách ăn mặc như công sai, bộ dạng hấp tấp vội vàng, Đái Tôn hỏi: "có việc gì gấp thế?" Người công sai đặt đũa, giơ tay quyệt mép đáp:
- Ngươi không biết Điền Hổ làm loạn ở Hà Bắc à?
Đái Tôn đáp:
- Chúng tôi cũng có biết.
Người công sai nói:
- Bọn Điền Hổ nổi dậy chiếm châu huyện, quan quân không chống đỡ nổi. Mới đây bọn chúng lấy được Cái Châu, sớm muộn thế nào cũng đánh sang Vệ Châu. Dân chúng trong thành ngày đêm lo sợ, kẻ ở ngoài thành cũng nháo nhác tìm đường lánh nạn, vì thế quan phủ sai tiểu nhân đưa công văn về cáo cấp với triều đình.
Nói xong liền đứng dậy cầm ô, khóac tay nải, trả vội tiền rượu đi ngay, ra đến cửa còn thở dài than vản:
- Làm cái chức công sai rõ thật là bó buộc, hiện giờ cả nhà tôi đều ở trong thành! lạy trời cho quân cứu viện đến kịp.
Nói đoạn lê bước đi về phía kinh đô.
Đái Tôn, Thạch Tú nghe được tin ấy cũng trả tiền rượu rồi rời khỏi quán, về doanh trại báo tin cho Tống Giang, Tống Giang cùng bàn với Ngô Dụng.
- Anh em các tướng chúng ta nhàn rỗi ở đây cũng không tiện lắm, chi bằng tâu lên thiên tử xin cho anh em ta được đưa quân đi đánh dẹp.
Ngô Dụng nói:
- Việc này phải nhờ Túc thái uý tâu giúp thì mới được.
Liền đó Tống Giang cho mời các tướng đến bàn bạc, ai nấy đều vui mừng. Ngày hôm sau Tống Giang mặc quan phục dẫn theo hơn chục quân kỵ đi vào thành, đến cửa phủ Túc thái uý thì xuống ngựa. Gặp lúc Túc thái uý có mặc ở phủ, Tống Giang sai người vào báo tin. Túc thái uý nghe nói vội sai mời vào.
Tống Giang lên thềm lạy chào, Túc thái uý hỏi:
- Tướng quân đến chắc có việc gì?
Tống Giang đáp:
- Xin thưa ân tướng thái uý, Tống Giang tôi nghe tin bọn Điền Hổ ở Hà Bắc làm phản, chiếm cứ các châu huyện, thay đổi niên hiệu, hiện đã xâm phạm đến Cái Châu, sớm muộn cũng đến đánh Vệ Châu. Bọn Tống Giang chúng tôi quân mã bấy lâu ở rỗi, nay xin tình nguyện đưa quân đi tiễu trừ để được dịp dốc tận lòng trung báo đền ơn nước. Cúi mong ân tướng thái iuý bảo tâu giúp cho!
Túc thái uý nghe thế cả mừng, nói:
- Chư vị tướng quân thật có lòng trung nghĩa, lần này lại tự nguyện ra sức giúp nước, Nguyên Cảnh tôi xin hết sức tâu bầy lên thiên tử.
Tống Giang cảm tạ nói:
- Anh em Tống Giang tôi đội ơn thái uý đã nhiều, tuy rằng khắc cốt ghi tâm nhưng thật chưa biết lấy gì báo đáp!
Túc thái uý sai dọn rượu tiếp đãi. Chiều tối Tống Giang mới trở về doanh trại thuật lại cho các đầu lĩnh cùng biết.
Lại nói sáng sớm hôm sau Túc thái uý vào triều kiến thiên tử ở điện Phi Hương, gặp lúc quan sảnh viện đang tâu về việc Điền Hổ ở Hà Bắc làm phản, đã chiếm được năm mươi sáu huyện trong năm phủ, thay đổi niên hiệu, tiếm xưng vương, hiện giờ bọn chúng đang đánh đến Lăng Xuyên, tri phủ Hoài Châu là Chấn Lân đệ trình biểu văn về cáo cấp. Thiên tử nghe tâu cả kinh, bèn hỏi quan văn võ:
- Các khanh ai có thể giúp quả nhân cầm quân tiễu trừ bọn giặc ấy?
Túc thái uý đứng trong hàng quan bồi tụng cầm thẻ giơ trước ngực, quỳ xuống tâu:
- Thần nghe nói bọn Điền Hổ giơ gậy làm cờ, tụ tập dân chúng, bây giờ thế lực lớn mạnh như đốm lửa cháy đồng, nếu không có binh hùng tướng mạnh thì khó lòng đánh đựơc. Tống tiên phong đánh thắng giặc Liêu trở về hiện đang đóng quân ở ngoài thành, xin bệ hạ xuống chiếu sai đội quân người ngựa hùng mạnh ấy đi đánh dẹp, ắt sẽ thành công.
Thiên tử nghe tâu cả mừng, liền sai quan sảnh viện phụng chỉ đến doanh trại truyền gọi Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa vào điện Phi Hương triều kiến. Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa vào cung lạy chào đã xong, thiên tử nói:
- Trẫm biết các khanh là kẻ anh hùng trung nghĩa, nay trẫm ban sắc chỉ sai các khanh đi dẹp loạn ở Hà Bắc, các khanh chớ nề hà lao khổ, mau thắng trận trở về, trẫm sẽ vui lòng thăng thưởng cho các khanh.
Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa rập đầu tâu:
- Bọn hạ thần đội ơn thánh thượng giao phó, dám đâu không hết sức dốc lòng, thà chết không tiếc thân!
Thiên tử rất hài long, ban sắc chỉ phong cho Tống Giang chức "Bình bắc chánh tiên phong", Lư Tuấn Nghĩa chức "Phó tiên phong". Hai người được ban ngự tửu, mỗi người đựợc ban một áo cẩm bầo, một đai vàng, một giáp vàng, một tấm vóc, các đầu lĩnh tả hữu đều được ban mỗi người một tấm lụa, một nén bạc, đợi khi dẹp yên giặc trở về sẽ luận công thăng thưởng, gia phong quan tước. Các quan nội phủ vâng mệnh trích xuất công khố cho các đầu lĩnh ba quân. Ngày tháng đưa quân lên đường cũng đã định sẵn. Tống Giang và Lư Tuấn Nghĩa tạ thụ ân, vâng lĩnh thánh chỉ, cáo từ lui ra rồi lên ngựa trở về doanh trại. Tống Giang về đến trướng quân liền cho họp các tướng truyền lệnh sửa soạn giáp mã, chuẩn bị lên đường đi đánh Điền Hổ.
Ngày hôm sau đem số lụa và bạc nhận ở nội phủ theo thứ tự phân phát cho các đầu lĩnh ba quân. Tống Giang cùng Ngô Dụng bàn định, rồi hạ lệnh cho các đầu lĩnh thủy quân chỉnh đốn chíến thuyền đi trước, theo đường sông Biện Hà vào sông Hoàng Hà, đến địa giới huyện Nguyên Vũ thì dừng lại, chờ đại quân đến chở người ngựa qua sông. Các đầu lĩnh quân kỵ cũng nhận lệnh chỉnh đốn quân mã để thuỷ lục hai đường cũng tiến sẵn sàng đưa quân dời kinh.
Lại nói Điền Hổ sinh sống bằng nghề săn bắn ở huyện Tẩm Nguyên châu Uy Thắng, vốn là kẻ sức vóc hơn người, giỏi võ nghệ, chuyên kết giao với hạng du thủ du thực quanh vùng. Vùng này vốn là nơi núi non trùng điệp, tụ họp dễ dàng, lại gặp lúc hạn hán, liên tiếp mất mùa, dân tình đói khổ, lòng người sinh chuyện phản loạn. Điền Hổ nhân dịp ấy tụ tập những kẻ lang thang, phao tin đồn nhảm làm mê hoặc dân chúng. Mới đầu bọn chúng kéo nhau đi cướp bóc của cải, sau đánh chiếm cả châu huyện, quan quân yếu thế không dám chống cự. Điền Hổ chỉ là kẻ đi săn, do đâu mà hoành hành ngang ngược như vậy? Vì lẽ rằng: lúc bấy giờ bọn văn quan thì tham tiền hám của, bọn võ tướng thì hèn nhát lo thân, các châu huyện tuy có quân lính đóng giữ, nhưng kỳ thực nội tình suy yếu; hoặc là có một tên thì khai thành hai ba để lấy binh lương, hoặc có kẻ muốn cho người nhà được nhàn thân không bị trưng binh thì đem nộp hơn chục lạng bạc mua một suất lính, rồi cứ hàng tháng nhận lương về dùng. Khi quan trên về điểm danh thao luyện thì thuê người đứng vào cho đủ số, trên dưới một giuộc che giấu cho nhau, không ai biết đâu mà bắt bẻ. Nhà nước cứ thế tiêu phí lương tiền mà không được thực dụng. Bọn lính ấy khi lâm trận không biết cầm giáo đánh nhau, hễ thấy phía trứớc bụi tung pháo nổ thì cắm đầu bỏ chạy, oán giận cha mẹ chỉ sinh cho mình có hai chân! bấy giờ cũng từng có mấy viên quan đưa binh mã đến đánh dẹp Điền Hổ, nhưng chẳng dám tiến trước, chỉ lẽo đẽo theo sau quân sĩ, chạy bên đông vòng bên tây để hư trương thanh thế, thậm chí còn giết cả dân làng để mạo xưng công. Dân chúng vì thế càng thêm oán ghét, theo về với giặc để tránh họa quan quân. Chính bởi lẽ ấy mà năm châu quận, tất cả là năm mươi sáu huyện bị mất về tay Điền Hổ. Năm châu ấy là: châu Uy Thắng, nay là Tẩm Châu; châu Phần Dương, nay là Phần Châu; châu Chiêu Đức, nay là châu Lộ An; châu Tấn Ninh, nay là châu Bình Dương; Cái Châu, nay là Trạch Châu. Tất cả năm mươi sáu huyện đều thuộc địa hạt cai quản của năm châu ấy. Điền Hổ lập cung điện ở châu Phần Dương, cũng đặt các chức quan văn trong triều tướng võ ngoài quân, chiếm cứ một phương trời tự xưng là Tấn Vương, sai phái tinh binh mãnh tướng đem quân đóng giữ những nơi núi sông hiểm trở. Nay quân Điền Hổ chia làm hai ngả, sắp kéo đến xâm phạm Vệ Châu.
Lại nói Tống Giang đúng ngày đã định đưa quân lên đường, trước khi đi vào thành cáo từ các quan ở sảnh viện. Túc thái uý thân hành đi tiễn, Triệu khu mật vâng mệnh chỉ đến tận doanh trại khao thưởng ba quân. Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa cảm tạ từ biệt Túc thái uý và Triệu khu mật, chia quân theo ba đội lên đường, năm viên hổ tướng và tám viên phiêu kỵ tướng quân dẫn quân mã đi đầu.
Năm viên hổ tướng ấy là: Đại đao Quan Thắng, Báo tử đầu Lâm Xung, Tích lịch hoả Tần Minh, Song tiên Hô Diên Chước, Song thương tướng Đổng Bình.
Tám viên tướng phiên kỵ ấy là: Tiểu lý Quảng Hoa Vinh, Kim thương thủ Từ Ninh, Thanh diện thú Dương Chí, Cấp tiên phong Sách Siêu, Một vũ tiễn Trương Thanh, Mỹ nhiêm công Chu Đồng, Cửu văn long Sử Tiến, Một già lan Mục Hoằng.
Sai mười sáu viên bưu tướng đi hậu đội. Mười sáu viên bưu tướng ấy là: Trấn tam sơn Hoàng Tín, Bệnh uý trì Tôn Lập, Xú quận mã Tuyên Tán, Tỉnh mộc hãn Hách Tư Văn, Bách thắng tướng Hàn Thao, Thiên mục tướng Bành Kỷ, Thánh thủy tướng quân Đàn Đình Khuê, Thần hoả tướng quân Nguỵ Định Quốc, Ma vân kim si Âu Bằng, Hoả nhãn toan nghê Đặng Phi, Cẩm mao hổ Yến Thuận, Thiết địch tiên Mã Lân, Khiêu giản hổ Trần Đạt, Bạch hoa xà Dương Xuân, Cẩm báo tử Dương Lâm, Tiểu bá vương Chu Thông.
Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng và các đầu lĩnh khác thống suất đội trung quân. Ngày hôm ấy ba tiếng pháo hiệu nổ vang, kèn trống tư bừng, đoàn quân rời trạm Trần Kiều nhằm phía đông bắc tiến phát.
Tống Giang truyền lệnh rất nghiêm minh, quân ngũ chỉnh tề, những nơi đi qua không mảy may xâm phạm đến tài sản của dân, việc không phải nói.
Quân mã kéo đến địa giới huyện Vũ Nguyên, quan huyện ra tận ngoài thành nghênh tiếp. Đội tiền quân báo tin các đầu lĩnh thuỷ quân đã đưa chiến thuyền đến bên bờ chờ chở đại quân vượt sông Hoàng Hà. Tống Giang truyền lệnh cho Lý Tuấn và một số đầu lĩnh dẫn sáu trăm thuỷ binh, chia hai đội chèo thuyền đi hộ tống hai bên; lại trưng dụng thêm một số thuyền ở địa phương để vận chuyển. Đại quân Tống Giang theo thứ tự lần lượt sang bờ phía bắc. Tống Giang truyền lệnh cho Lý Tuấn thống lĩnh đoàn chiến thuyền đến sông Vệ Hà ở Vệ Châu đợi lệnh.
Đội tiền quân của Tống Giang đã đến Vệ Châu đóng trại. Tri phủ Vệ Châu sắp sẵn tiệc rượu, chờ nghênh tiếp Tống tiên phong. Tri phủ Vệ Châu nói:
- Bọn giặc Điền Hổ thanh thế rất lớn, chớ nên xem thường. Trạch Châu hiện giờ thuộc quyền trấn thủ của tên ngụy quân của Điền Hổ, tên là Nữu Văn Trung, giữ chức khu mật sứ. Nữu Văn Trung sai bộ hạ là bọn Trương Tường, Vương Cát đem một vạn quân đến đánh huyện Huy thuộc bản châu; lại sai bọn Thẩm An, Tần Thăng đưa một vạn quân đến đánh huyện Vũ Thiệp thuộc phủ Hoài Châu. Mong nhờ quân tiên phong cấp tốc đến cứu nguy!
Tống Giang nghe xong, trở về doanh trại cùng Ngô Dụng bàn bạc đem quân đi cứu ứng. Ngô Dụng nói:
- Lăng Xuyên là nơi hiểm yếu của phủ Cái Châu, chi bằng ta đưa quân đánh Lãng Xuyên, tự khắc sẽ giải vây được cả hai huyện.
Lư Tuấn Nghĩa nói:
- Đệ dẫu bất tài cũng xin đưa quân đi đánh Lăng Xuyên.
Tống Giang cả mừng, liền giao cho Lư Tuấn Nghĩa một vạn quân kỵ và năm trăm quân bộ đi đánh Lăng Xuyên. Chỉ huy quân kỵ là các đầu lĩnh Hoa Vinh, Tần Minh, Đổng Bình, Sách Siêu, Hoàng Tín, Tôn Lập, Dương Chí, Sử Tiến, Chu Đồng, Mục Hoằng. Các đầu lĩnh quân bộ là Lý Quỳ, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Lưu Đường, Dương Hùng, Thạch Tú.
Ngay ngày hôm sau Lư Tuấn Nghĩa cho quân lên đường. Tống Giang cùng Ngô Dụng ngồi trong trướng tiếp tục trù tính kế xuất quân. Ngô Dụng nói:
- Quân giặc kiêu thắng đã lâu, Lư tiên phong đi chuyến này ắt thành công lớn. Còn một việc nữa: miền Tam Tấn núi non hiểm trở, cần cử hai đầu lĩnh đi do htám trước để biết rõ địa thế núi sông, rồi mới có thể tiến quân được.
Chưa dứt lời đã thấy Yến Thanh bước vào trong trướng thưa:
- Quân sư khỏi phải lưu tâm: hình thế núi sông vùng Tam Tấn hiện đã ở đây cả!
Yến Thanh nói xong mở cuộn giấy trải rộng lên mặt bàn, Tống Giang và Ngô Dụng xem kỹ, hóa ra là một tấm họa đồ vẽ đủ núi sông thành quách, quan ải thành trì của vùng Tam Tấn. Phàm những nơi nào có thể đóng quân, mai phục, dàn trận giao chiến, đều có ghi tỉ mỉ. Ngô Dụng lấy làm lạ nói:
- Hiền đệ kiếm đâu được tấm hoạ đồ này?
Yến Thanh đáp:
- Lúc đi đánh giặc Liêu trở về, qua trấn Song Lâm, tiểu đệ gặp lại người bạn cũ là Hứa Quán Trung. Quán Trung mời tiểu đệ chơi nhà, khi ra về Quán Trung đưa tặng cho tiểu đệ bức hoạ này, nói rằng đấy chỉ là bức họa vụng về. Sau đó nhân lúc nhàn rỗi, tiểu đệ mở xem mới biết đó là tấm họa địa hình miền Tam Tấn.
Tống Giang nói:
- Dạo ấy hiền đệ trở về gặp lúc sửa soạn vào triều kiến, vì bận rộn ta chưa kịp hỏi rõ. Ta xem người ấy cũng là bậc hảo hán ở đời, hiền đệ đã từng nói với ta những đức tính tốt của người ấy, chẳng hay Quán Trung trước nay làm gì?
Yến Thanh đáp:
- Quán Trung học rộng, tài nhiều, võ nghệ cao cường can đảm, các nghề mọn khác như cầm kỳ thi họa đều có biết qua.
Rồi Yến Thanh thụât lại chuyện Quán Trung không thích làm quan, sô'ng ẩn dật ở nơi rừng núi, cũng kể cả những tâm sự của Quán Trung. Ngô Dụng nói:
- Thiên hạ cũng còn nhiều người có lương tâm.
Tống Giang và Ngô Dụng không ngớt lời thán phục.
Lại nói Lư Túân Nghĩa dẫn binh mã đi, trước hết sai Hoàng Tín, Tôn Lập đưa ra ba nghìn quân bộ đến mai phục ở phía đông các thành huyện Lăng Xuyên ngoài năm dặm; Sử Tiến, Dương Chí cũng dẫn ba nghìn quân mai phục ở phía tây cách huyện thành năm dặm. Lư Tuấn Nghĩa căn dặn các tướng:
- Đêm nay nghe năm tiếng trống lệnh thì đưa quân lên đường, người ngậm tăm, ngựa tháo đạc mà đi. Ngày mai quân ta đến, nếu giặc không phòng bị, ta lấy ngay được thành thì các người cứ trông cờ hiệu ở cửa nam, thư thả đưa quân vào thành. Nếu quân giặc phòng bị trước, ta sẽ cho bắn súng báo hiệu, cả hai phía cùng đánh vào tiếp ứng.
Bốn tướng lĩnh kế nhau ra đi. Sáng sớm hôm sau, từ canh năm Lư Túân Nghĩa đã cho quân sĩ dậy thổi cơm, rạng sáng thì lên đường, tiến gấp đến sát chân thành Lăng Xuyên. Quân chia ba đội, dàn hàng ngang, gióng trống khua cờ khiêu chiến.
Quân giữ thành vội phi báo cho chánh tướng trấn thủ là Đổng Trừng và hai phó tướng là Thẩm Ký và Cảnh Cung biết. Đổng Trừng là tướng tiên phong bộ hạ của Nữu Văn Trung, thân dài chín thước, sức lực hơn người, thừơng quen sử dụng cây bát phong đao nặng ba mươi cân. Lúc ấy, nghe báo triều đình nhà Tống điều quân Lương Sơn Bạc, hiện đã kéo đến tận nơi đóng trại sắp đánh vào thành, Đổng Trừng vội ra trước trướng, điểm ngay quân mã ra ngoài thành chặn đánh. Cảnh Cung can:
- Cảnh Cung tôi nghe nói Tống Giang là bọn anh hùng, ta không nên khinh thường. Nay hãy giữ thành cho vững, sai người về Cái Châu xin quân cứu viện, trong đánh ra, ngoài đánh vào mới mong thắng được.
Đổng Trừng cả giận nói:
- Bọn giặc ấy cả gan đến đánh thành này, thật coi thường chúng ta quá lắm! quân chúng từ xa đến đây tất mỏi mệt, đợi ta đem quân ra đánh cho mảnh giáp chẳng còn!
Cảnh Cung cố sức can ngăn nhưng Đổng Trừng vẫn không nghe. Đổng Trừng nói:
- Đã thế thì cho ngươi một nghìn quân mã ở lại giữ thành. Ngươi cứ lên ngồi cổng thành xem ta đánh tan bọn chúng!
Nói đọan đeo giáp, xách đao cùng Thẩm Ký ra ngoài thành nghênh chiến.
Cổng thành mở toang, cầu treo hạ xuống, hai ba nghìn quân kỵ rầm rập lao qua cầu. Đội quân cung nỏ bên trận quân Tống bắn tên như mưa chặn đường. Bỗng nghe trống nổi vang trời, một viên tướng trong thành Lăng Xuyên phóng ngựa ra trận.
Đổng Trừng dừng ngựa cầm ngang thanh đao quát to:
- Giặc cỏ Lương Sơn Bạc hãy ra đây chịu chết!
Chu Đồng phóng ngựa ra quát đáp:
- Thiên binh đã đến đây, bọn bay mau xuống ngựa chịu trói để khỏi bẩn đao của ta!
Quân hai bên hò hét xáp vào giao chiến. Chu Đồng và Đổng Trừng quần ngựa đánh nhau giữa trận. Hai tướng đấu chưa đầy mười mấy hiệp, Chu Đồng quay ngựa chạy về phía đông, Đổng Trừng liền bám đuổi theo. Từ đội quân phía đông, Hoa Vinh xách thương phóng ngựa ra tiếp ứng. Đánh nhau hơn ba mươi hiệp vẫn không phân thắng bại. Thẩm Ký đứng bên cầu treo thấy Đổng Trừng thế không thắng nổi liền vác thương thúc ngựa ra chợ chiến. Hoa Vinh thấy bị ép giữa hai tướng, liền quay ngựa chạy về phía đông. Đổng Trừng, Thẩm Ký đuổi theo rất gấp, Hoa Vinh lại quya ngựa đánh tiếp.
Cảnh Cung ở trên cổng thành thấy Đổng Trừng, Thẩm Ký đuổi theo, sợ bị mắc mưu địch, muốn đánh chiêng thu quân, chợt thấy bên trận quân Tống có một đội binh đang xông tới. Đó là bọn Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm, Bao Húc, Hạng Sung, tất cả mười mấy đầu lĩnh dẫn quân chạy như bay đến chiếm cầu treo. Quân Điền Hổ không thể nào chặn đựợc đội hùng binh mãnh tướng ấy. Cảnh Cung vội ra lệnh đóng cổng thành nhưng không kịp, Lỗ Trí Thâm và Lý Quỳ đã lọt được vào thành. Quân canh cổng vừa tới, Lỗ Trí Thâm hét to một tiếng, vung cây thiền trượng đánh chết ngay hai đứa, Lý Quỳ cũng khua búa bổ gục năm sáu tên. Bao Húc đưa quân ở ngoài ào ào chiếm cổng thành, quân canh bỏ chạy tán loạn. Cảnh Cung thấy tình thế nguy cấp vội xuống thành, cắm đầu chạy về phía bắc liền bị quân bộ đuổi theo bắt sống.
Đổng Trừng, Thẩm Ký đang đánh Hoa Vinh, nghe tiếng hò reo ở phía cầu treo vội quay ngựa lại, Hoa Vinh không đuổi theo, liền móc thương vào dây đeo, lấy cung lắp tên, nhằm đúng giữa gáy Đổng Trừng mà bắn. Đổng Trừng hai chân đạp trời, lăn nhào xuống ngựa. Lư Túân Nghĩa hô quân xông lên đánh giết. Thẩm Ký bị Đổng Bình đâm chết. Quân Lăng Xuyên người ngựa thiệt hại đến quá nửa, bọn còn lại tán loạn tìm đường chạy trốn. Các tướng cùng đưa quân vào thành. Hắc toàn phong Lý Quỳ bừng bừng sát khí, chém giết không ngừng tay. Lư Tuấn Nghĩa phải gọi to: "Lý hiền đệ, không được sát hại dân chúng!", bấy giờ Lý Quỳ mới dừng tay.
Lư Tuấn Nghĩa một mặt sai quân sĩ đến cắm ngay cờ hiệu ở cổng thành phía nam báo tin cho hai đội phục binh, một mặt cắt cử quân sĩ đi canh gác ở các cửa thành. Chẳng bao lâu Hoàng Tín, Tôn Lập, Sử Tiến, Dương Chí đem hai đội phục binh vào thành. Hoa Vinh đem nộp thủ cấp Đổng Trừng; Đổng Bình nộp thủ cấp Thẩm Ký, Bao Húc và mấy đầu mục bộ hạ bắt sống Cảnh Cung áp giải đến dưới trướng. Lư tiên phong ra lệnh cởi trói, thân xuống dưới thềm dìu Cảnh Cung lên trướng chia ngôi chủ khách mời ngồi. Cảnh Cung sụp lạy tạ ơn:
- Tiểu nhân làm tướng, lâm trận bị bắt, chẳng ngờ được đội ơn tiên phong tiếp đãi trọng hậu.
Lư Tuấn Nghĩa đỡ dậy nói:
- Tướng quân không đem quân ra đón đánh ngoài thành, hẳn đã có ý suy xét sâu xa. Tống tiên phong chúng tôi quý trọng người hiền, tin dùng kẻ sĩ, nếu tướng quân có lòng quy thuận, Tống tiên phong sẽ xin tâu lên để triều đình trọng dụng.
Cảnh Cung cúi đầu cảm tạ, nói:
- Nhờ ơn tướng quân tha cho khỏi chết, Cảnh Cung tôi xin nguyện làm tên tiểu tốt đứng dưới cờ.
Lư Tuấn Nghĩa cả mừng, lại lựa lời khuyên giải để các đầu mục bắt sống Cảnh Cung được vui lòng. Rồi một mặt sai treo bảng vỗ yên dân chúng, một mặt cho sửa soạn rượu thịt khao thưởng quân sĩ và bày tiệc khoản đãi Cảnh Cung cùng các tướng bộ hạ.
Lư Tuấn Nghĩa hỏi Cảnh Cung tình hình quân tướng ở thành Cái Châu. Cảnh Cung đáp:
- Cái Châu do viên khu mật Nữu Văn Trung cầm trọng binh đóng giữ; hai huyện Dương Thành, Thẩm Thuỷ đều ở phía tây phủ Cái Châu. Chỉ có huyện Cao Bình cách đây sáu mươi dặm huyện thành ở sát núi Hàn Vương Sơn, do hai tướng là Trương Lễ và Triệu Năng cầm quân đóng giữ, bộ hạ có hai vạn quân mã.
Lư tiên phong nghe xong, nâng chén rượu về phía Cảnh Cung, nói:
- Mời tướng quân cạn chén, chỉ đêm nay Lư tôi sẽ nhờ tướng quân đi lập công, mong tướng công vui lòng giúp cho.
Cảnh Cung nói:
- Tiên phong rộng lượng hậu đãi, Cảnh Cung tôi đâu dám không dốc lòng báo đáp!
Lư Tuấn Nghĩa cả mừng, nói:
- Tướng quân đã ưng thuận, Lư tôi sẽ cử theo mấy anh em đầu lĩnh để hợp sức cùng các đầu mục bộ hạ của tướng quân theo kế của Lư tôi cứ như thế.. như thế.. dám phiền tướng quân sửa soạn ngay cho.
Nói đoạn sai gọi sáu bảy đầu mục vừa quy hàng đến, thưởng rượu thịt và cho mỗi người một nén bạc, hứa sau khi lập công sẽ có trọng thửơng.
Sau đó tan tiệc ngay. Lư Tuấn Nghĩa truyền lệnh cho anh em Lý Quỳ, Bao Húc cả thảy bẩy đầu lĩnh bộ binh cùng một trăm tên quân bộ mặc chiến phục và trương cờ hiệu giả làm quân trong thành Lăng Xuyên. Lại sai Sử Tiến, Dương Chí lĩnh năm trăm quân kỵ, ngựa tháo đạc, người ngậm tăm, đi đằng sau đội quân của Cảnh Cung. Sai Hoa Vinh và một số tướng khác ở lại giữ thành, còn tự mình dẫn ba nghìn quân đi sau tiếp ứng.
Cắt cử mọi việc xong xuôi, bọn Cảnh Cung lĩnh kế ra khỏi thành, lúc ấy đã quá chiều. Khi đoàn người ngựa đến ngoài cửa nam thành huyện Cao Bình thì trời đã xẩm tối. Dưới ánh sao lờ mờ, nhìn lên thành thấy cờ cắm trên mặt thành san sát, nghe trong thành trống điểm canh hai rất đều. Cảnh Cung đến cửa thành, gọi to:
- Ta là Cảnh Cung, phó tướng trấn thủ Lăng Xuyên. Chỉ vì hai tướng Đổng Trừng và Thẩm Ký không nghe lời bàn, khinh địch, mở cổng để đến nỗi bị mất thành. Ta vội dẫn hơn trăm quân mở cửa bắc theo đường tắt chạy thóat đến đây, anh em mau mở cửa!
Quân giữ thành đốt đuốc soi xuống nhìn, rồi đi báo ngay cho Trương Lễ và Triệu Năng biết. Trương Lễ, Triệu Năng đích thân lên cổng thành, quân lính đốt mấy bó đuốc to, đằng trước đằng sau sáng rực, Trương Lễ cúi xuống nói với Cảnh Cung:
- Tuy là quân nhà, nhưng cũng phải nhìn cho rõ đã!
Trương Lễ nhìn kỹ, quả đúng là Cảnh Cung ở Lăng Xuyên đem theo hơn trăm tên lính. Quân sĩ đứng trên thành phần nhiều nhận mặt được các đầu mục bộ hạ của Cảnh Cung, kẻ này bảo: "kia là Tôn Như Hổ", kẻ khác nói: "đó là Lý Cầm Long"... Trương Lễ cười nói:
- Mở cửa cho họ vào!
Quân canh liền mở cửa, hạ cầu treo, ba bốn chục tên quân theo ra chặn giữ cầu, sau đó mới cho Cảnh Cung vào. Quân đi sau cũng tràn tới, vừa chạy vừa kêu "nhanh lên! nhanh lên! có quân đuổi theo sau!". Chẳng ai nể gì Cảnh tướng quân nữa, chen nhau ùa vào, quân canh cổng thét to:
- Thế này là thế nào? các ngươi làm loạn chắc?
Quân trong thành, ngoài thành đang cãi nhau, bỗng thấy ở rìa núi Hàn Vương Sơn lửa bốc sáng rực, một đội quân phi ngựa lao tới. Hai tướng đi đầu quát to: "bọn giặc kia chớ chạy". Trong đám Cảnh Cung đã có bảy đầu lĩnh là Lý Quỳ, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn, Lưu Đường, Dương Hùng, Thạch Tú trà trộn vào. Mọi người lập tức vung binh khí, nhất loạt hò la xông vào đánh thành. Quân trong thành trở tay không kịp, nói gì đến chuyện đóng chặn cửa thành. Các tướng Lư Tuấn Nghĩa mỗi người chém chết đến mấy chục tên quân canh, chiếm lấy cổng thành. Trương Lễ không ngớt mồm kêu khổ, vội x'ach thương chạy xuống thành tìm Cảnh Cung, không ngờ gặp phải Thạch Tú. Hai bên đánh bốn năm hiệp, Trương Lễ không còn hồn vía nào mà đánh nữa, bèn bỏ chạy, Lý Quỳ đuổi theo phang một búa bổ đôi làm hai mảnh.
Lại nói đội quân bên rìa núi Hàn Vương Sơn phóng đến nơi liền theo cầu treo vào thành. Đó là đội quân của Sử Tiến và Dương Chí chia quân đi đuổi đánh quân Điền Hổ. Triệu Năng chết trong đám loạn quân. Quân lính trong thành Cao Bình bị giết quá nửa; cả nhà Trương Lễ già trẻ lớn bé đều bị chém chết. Dân chúng trong thành đang ngủ say, hoảng hốt tỉnh dậy kêu khóc vang trời. Một lúc sau, Lư tiên phong cũng vừa đem quân tới, liền ra lệnh cho các đầu mục canh giữ cổng thành, sai ngay người đi truyền lệnh không được giết hại dân thường. Tảng sáng cho yết bảng vỗ yên dân chúng, khao thưởng quân sĩ, một mặt sai lính hoả tốc báo tin cho Tống tiên phong.
Do đâu mà Lư Tuấn Nghĩa lấy được hai thành dễ dàng nhanh chóng như vậy? vì rằng bộ hạ của Điền Hổ tung hoành bấy lâu, không ai dám đương đầu đối địch nên coi thường quan quân triều đình. Lư Tuấn Nghĩa nắm được thóp ấy, nhân lúc xuất kỳ bất ý đánh lấy luôn hai thành. Bởi thế Ngô Dụng đã đoán trước: "Lư tiên phong đi chuyến này ắt thành công to".
Lại nói quân mã Tống Giang đóng trại ngoài thành Vệ Châu, Tống tiên phong đang ngồi bàn việc quân trong trướng bỗng có người của Lư tiên phong về báo tin thắng trận và xin kế hoạch tiến quân. Tống tiên phong cả mừng, nói với Ngô Dụng:
- Lư tiên phong một ngày đánh được hai thành, quân giặc phải một phen kinh hồn bạt vía!
Đang nói chuyện lại có quân thám mã hai đường về báo: "quân Điền Hổ đang bao vây huyện Huy và huyện Vũ Thiệp, nghe tin Lăng Xuyên thất thủ đã rút hết!". Tống Giang nói với Ngô Dụng:
- Mưu kế của quân sư thật thần diệu, xưa nay chưa dễ ai sánh kịp.
Nói đoạn định ra lệnh nhổ trại tiến về phía tây hội quân với Lư Tuấn Nghĩa để bàn kế tiến binh, Ngô Dụng nói;
- Phủ Vệ Châu này bên trái là cửa Mạnh Môn, bên phải là núi Thái Hàng, phía nam là sông lớn, phía tây sát đất giặc, địa thế rất xung yếu. Nếu giặc biết đại quân ta đi về phía tây đem quân từ phủ Chiêu Đức đánh xuống, bên ta đông tây hai phía không tiếp ứng được cho nhau thì làm thế nào?
Tống Giang nói:
- Quân sư nói đúng lắm!
Rồi truyền lệnh cho Quan Thắng, Hô Diên Chước, Công Tôn Thắng lĩnh năm nghìn quân mã ở lại đóng giữ Vệ Châu; lại lệnh cho các đầu lĩnh thuỷ quân là Lý Tuấn; anh em Trương Hoành, Trương Thuận; ba anh em Nguyễn Tiểu Nhị, Nguyễn Tiểu Ngũ, Nguyễn Tiểu Thất, anh em Đồng Uy, Đồng Mãnh thống lĩnh đội chiến thuyền đóng ở bờ sông Vệ Hà, để cùng với quân trong thành làm thế ỷ dốc. Cắt cử mọi việc xong xuôi, các tướng nhận lệnh chuẩn bị lên đường.
Tống Giang và các tướng thống lĩnh đại quân nhổ trại lên đường ngay hôm ấy. Chuyện quân đi đường không có gì phải nói. Đại quân đến huyện Cao Bình, anh em Lư Tuấn Nghĩa ra tận ngoài thành đón tiếp. Tống Giang nói:
- Các hiền đệ một ngày đánh lấy hai thành, công lao thật không nhỏ, ta sẽ cho ghi đầy đủ vào sổ lập công.
Lư Tuấn Nghĩa dẫn hàng tướng Cảnh Cung tới yết kiến Tống tiên phong. Tống Giang nói:
- Tướng quân bỏ tà theo chính, cùng anh em Tống Giang tôi ra sức giúp nước, chắc hẳn sẽ được triều đình trọng dụng.
Cảnh Cung lạy tạ đứng dậy. Tống Giang thấy quân lính đông, đưa vào trong thành không tiện, bèn hạ lệnh cho đóng trại ở ngoài thành. Trong ngày hôm ấy, Tống Giang cùng Ngô Dụng và Lư Tuấn Nghĩa bàn tính nên đánh tiếp phủ huyện nào. Ngô Dụng nói:
- Cái Châu núi cao khe thẳm, đường đi hiểm trở, nay ta đã lấy được hai huyện, phủ Cái Châu tất cả ở vào thế cô. Ta nên đánh Cái Châu trước để chia sức địch, sau đó sẽ chia quân hai ngả mà đánh ép vào thình phủ Uy Thắng sẽ phá được.
Tống Giang nói:
- Quân sư nói rất hợp ý ta!
Bèn truyền lệnh cho Sài Tiến cùng Lý Ứng đến trấn thủ huyện thành Lăng Xuyên thay cho bọn Hoa Vinh, sáu tướng về Cao Bình chờ lệnh; sai Sử Tiến cùng Mục Hoằng ở lại đóng giữ Cao Bình. Bọn Sài Tiến bốn người vâng lệnh ra đi. Liền đó thấy Một vũ tiễn Trương Thanh vào thưa:
- Tiểu tướng bị cảm lạnh đã hai ngày nay, muốn nghỉ lại Cao Bình cho khỏi rồi sẽ xin đến chờ lệnh.
Tống Giang liền cho thần y An Đạo Toàn cùng vào huyện Cao Bình lo việc chữa bệnh cho Trương Thanh.
Ngày hôm sau, bọn Hoa Vinh đã kéo về đông đủ. Tống Giang sai Hoa Vinh, Tần Minh, Sách Siêu, Tôn Lập lĩnh năm nghìn quân đi tiên phong; Đổng Bình, Dương Chí, Chu Đồng, Sử Tiến, Mục Hoằng, Hàn Thao, Bành Kỷ lĩnh một vạn người đi cánh trái; Hoàng Tín, Lâm Xung, Tuyên Tán, Hách Tư Văn, Âu Bằng, Đặng Phi lĩnh một vạn quân đi cánh phải; Từ Ninh, Yến Thuận, Mã Lân, Trần Đạt, Dương Xuân, Dương Lâm, Chu Thông, Lý Trung chỉ huy đội hậu quân. Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa và các tướng còn lại thống lĩnh đại quân đi giữa.
Năm đội hùng binh tiến gấp về Cái Châu, khác nào rồng rời biển cả, hổ thóat rừng sâu. Thật là:
Người người những muốn phong quan tước
Ai nấy đều mong lập chiến công.
Chưa biết binh mã Tống Giang đến đánh Cái Châu ra sao xem hồi sau sẽ rõ.