Scan: Mars - Đánh máy LuomLat
Hồi 75
Hoạt Diêm La đục thuyền trộm ngự tửu
Hắc Toàn Phong xé chiếu mắng Huy Tông.

Đang nói chuyện thái úy Trần Tông Thiện lĩnh chiếu thư trở về phủ thu xếp lên đường. Nhiều người đến chúc mừng, nói:
- Thái úy đi chuyến này một là vì công việc triều đình, hai là để trừ hại cho quân dân, an ủi trăm họ. Những người ở Lương sơn bạc lấy trung nghĩa làm đầu, chỉ mong sớm được triều đình chiêu an. Thái úy nên lựa lời tốt đẹp vỗ về an ủi họ. Làm được vịêc ấy thanh danh thái úy lưu truyền đến muôn đời.
Thái úy đang tiếp khách thì có người của phủ thái sư đến thưa rằng:
- Thái sư sai tiểu nhân đến mời thái úy sang phủ nói chuyện.
Thái úy Trần Tông Thiện liền lên kiệu đến phủ thái sư ở đường lớn gần cửa Tân tống. Trần Tông Thiện xuống kiệu đi theo viên can biện vào phòng sách ở nhà Tiết đường. Trần Tông Thiện vái chào thái sư rồi ngồi xuống ghế bên cạnh. Trà nước xong, Sái thái sư hỏi:
- Được biết thiên tử sai túc hạ mang chiếu thư đi chiêu an Lương sơn bạc, hạ quan muốn gặp để báo cho túc hạ biết, túc hạ đến đó không được làm mất kỷ cương triều đình, làm rối pháp độ quốc gia. Chắc túc hạ từng biết trong sách Luận ngữ có câu: “Giữ mình liêm sỉ sai đi bốn phương không làm nhục mệnh vua, khá gọi là sứ giả”.
Trần thái úy đáp:
- Tông Thiện tôi hiểu rõ, xin kính vâng lời chỉ giáo của thái sư.
Sái Kinh lại nói:
- Ta sẽ sai viên can biện này đi cùng với túc hạ. Viên ấy am hiểu phép tắc triều đình, túc hạ có sơ suất gì thì viên ấy sẽ nhắc nhở.
Trần thái úy nói:
- Xin đa tạ hậu ý của ân tướng.
Nói xong Trần Tông Thiện cáo từ thái sư, cùng viên can biện lên kiệu về phủ thái úy.
Vừa nghỉ ngơi được một lúc thì người canh cửa vào báo: “Có Cao điện súy đến”. Trần thái úy vội ra đón mời Cao điện súy vào sảnh đường. Chuyện trò thăm hỏi xong, Cao thái úy nói:
- Sáng hôm nay triều đình bàn việc chiêu an bọn Tống Giang, nếu có mặt thì Cao Cầu tôi đã tất can ngăn việc ấy. Huống chi bọn giặc ấy đã nhiều lần làm nhục triều đình, tội ác ngút trời. Nay khoan dung xá tội, cho bọn chúng vào thành tất sẽ sinh hậu họa. Cao Cầu tôi biết chuyện định can ngăn thì thiên tử đã chót phán ra rồi. Cũng đành để xem sự thể ra sao. Nếu bọn giặc kia vẫn ôm lòng dạ ngu tối, khinh thường thánh chỉ thì thái úy cứ việc trở về cho sớm, Cao Cầu tôi sẽ tâu xin thiên tử sai Cao Cầu tôi đích thân đem đại binh đi đánh dẹp, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc! Ý nguyện của Cao Cầu tôi như thế. Thái úy đi chuyến này, hạ quan có viên ngu hầu là thuộc hạ thân tính nhanh nhẹn, giỏi đối đáp có thể giúp cho công việc của thái úy được.
Trần hái úy đáp tạ:
- Đội ơn điện súy có lòng lo lắng cho.
Cao Cầu đứng dậy ra về. Trần thái úy đưa tiễn đến tận cửa, đến lúc Cao Cầu lên ngựa thái úy mới quay vào. Ngày hôm sau Trương can biện ở phủ thái sư, Lý ngu hầu ở phủ Cao điện súy đều có mặt ở phủ thái úy. Trần thái úy sai đóng yên cương, chỉnh điểm người ngựa, sai mười người quảy mười bình ngự tửu đặt trong giỏ đan hình rồng phượng, trên giỏ ngự tửu đi đầu cắm lá cờ vàng. Trần thái úy lên ngựa, tùy tùng năm sáu người cùng Trương can biện và Lý ngu hầu đều lên ngựa. Trần thái úy vai đeo chiếu thư dẫn đoàn người lên đường. Ra khỏi cửa Tân tống, các thuộc hạ đi tiễn đều quay về. Chẳng bao lâu sứ bộ đến Tế châu. Tri phủ Trương Thúc Dạ biết tin trước đã ra ngoài thành nghênh tiếp, mời Trần thái úy và đoàn sứ bộ vào phủ đường. Trương tri phủ mở tiệc khoản đãi, hỏi thăm Trần thái úy về việc chiêu an. Trần thái úy kể cho Trương Thúc Dạ nghe qua một lượt. Trương Thúc Dạ nói:
- Theo ngu ý của hạ quan thì triều đình tính việc chiêu an là thượng sách. Có điều thái úy đến đó gắng giữ hòa khí, dùng lời lẽ ôn tồn tốt đẹp vỗ về bọn họ thì mới xong việc. Cứng rắn hay mềm mỏng cốt nhất là thu xếp cho xong việc lớn, được như thế thì thanh danh thái úy tất truyền đến muôn đời. Trong số các đầu lĩnh của bọn họ có mấy người tính nóng như lửa, nếu nói năng không khéo làm họ nổi giận thì hỏng việc lớn.
Bọn Trương can biện và Lý ngu hầu nói:
- Đã có hai chúng tôi đi theo thái úy thì tất không xảy ra điều gì lầm lỡ. Quý quan chỉ nên chú ý giữ gìn hòa khí, chớ phá kỷ cương của triều đình. Đối với bọn tiểu nhân thì trấn áp được chỗ này, chỗ khác lại bắt chước ngóc đầu dậy.
Trương Thúc Dạ hỏi Trần thái úy:
- Thưa tướng công, hai người kia là ai vậy?
Trần thái úy đáp:
- Vị này là can biện ở phủ thái sư, còn vị kia là ngu hầu ở phủ Cao thái úy.
Trương Thúc Dạ nói riêng với thái úy:
- Theo ý hạ quan, không nên để họ đi theo.
Trần thái úy nói:
- Bọn họ là người tâm phúc của phủ thái sư và Cao điện súy, không đem bọn họ đi tất thái sư và điện súy sẽ nghi ngờ.
Trương Thúc Dạ nói:
- Hạ quan thưa chuyện với tướng công như vậy vì muốn cho công việc tốt đẹp, chỉ sợ tướng công vất vả mà không được công lao gì.
Trương can biện nói:
- Cứ mặc hai người chúng tôi nhất định không xảy ra chuyện gì.
Trương Thúc Dạ biết ý không dám nói đến nữa. Một mặt sai thu dọn bàn tiệc, rồi mời thái úy ra nhà khách nghỉ ngơi. Có thơ làm chứng như sau:
Nhất thanh đan chiếu hạ thanh vân,
Đặc địa ciêu an Thủy hử quân.
Khả tiễn minh cơ Trương Thúc Dạ,
Dự tri nan dĩ sách hoa huân.
Một tờ đan chiếu nét son tươi
Bến nước Lương sơn lại thấy trời.
Sáng suốt khen cho Trương Thúc Dạ,
Khéo khuyên Tông Thiện lập công đời.
Ngày hôm sau tri phủ Tế châu sai người đi trước lên Lương sơn bạc báo tin.
Lại nói Tống Giang hôm ấy đang tụ họp các đầu lĩnh ở trung nghĩa đường bàn tín việc quân. Bỗng quân do thám về báo có người của tri phủ Tế châu sai đến. Chưa biết hư thực ra sao nhưng Tống Giang trong bụng vẫn lấy làm mừng. Quân do thám dẫn người của tri phủ Tế châu đến trung nghĩa đường. Người ấy nói:
- Triều đình sai thái úy Trần Tông Thiện mang mười bình ngự tửu và chiếu thư xá tội chiêu an đến thành Tế châu. Xin báo để các hảo hán sử soạn nghênh tiếp chiếu son của thiên tử.
Tống Giang cả mừng sai dọn rượu khoản đãi rồi lấy hai tấm vóc và mười lạng bạc hoa biếu sai nhân của tri phủ Tế châu. Sai nhân cảm tạ ra về. Tống Giang nói với các đầu lĩnh:
- Từ lâu anh em ta vẫn muốn thu xếp nhận chiêu an để được làm thần tử của trìều đình. Bao công sức khó khăn không đến nổi uổng phí, đến nay việc chiêu an đã sắp thành.
Ngô Dụng nói:
- Ngô Dụng tôi xét đoán lần này việc chiêu an chắc không thành. Dù bọn họ thực bụng thì sau khi chiêu an cũng coi an hem bọn ta khác nào cỏ dại. Cứ để đợi đại quân triều đình đến đây trổ hết ngón độc, anh em ta se cho bọn chúng một phen kinhhồn bạt vía. Phải thế rồi có chịu chiêu an mới có thế mạnh.
Tống Giang nói:
- Làm như vậy tất sẽ hỏng mất hai chữ trung nghĩa!
Lâm Xung nói:
- Triều đình sai sứ đến đây xem chừng không thật long, bên trong tất có điều mờ ám.
Quan Thắng cũng nói:
- Chiếu thư thế nào cũng có những lời lẽ đe dọa anh em ta!
Từ Ninh nói:
- Bọn sứ bộ hẳn là người ở phủ Cao thái úy.
Tống Giang nói:
- Các an hem chớ nên nghi ngờ, chỉ nên thu xếp để đón chiếu thư.
Nói đoạn Tống Giang lệnh cho Tống Thanh, Tào Chính sử soạn yến tiệc, giao cho Sài Tiến đốc suất sắp xếp mọi việc cho thật chu đáo. Tống Giang cho dựng trướng để thái úy và sứ bộ nghỉ ngơi, xung quanh căn vóc lụa các màu, bài trí thật trang nghiêm đẹp đẽ. Tiếp đó sai bọn Bùi Tuyên, Tiêu Nhượng, Lã Phương, Quách Thịnh xuống núi ra ngoài hai mươi dặm nghênh đón sứ bộ. Lại sai đầu lĩnh thủy quân Lý Tuấn sửa soạn thuyền lớn chở sứ bộ qua bến Kim sa. Ngô Dụng truyền lệnh cho mọi người ai lo việc nấy không được sơ suất, chậm trễ.
Lại nói bọn Tiêu Nhượng dẫn theo năm sáu người tùy tùng không đem theo vũ khí, chỉ mang rượu và hoa quả ra ngoài sơn trại chờ đón sứ bộ.
Hôm ấy sứ bộ của Trần thái úy trên đường đến Lương sơn bạc, Trương can biện và Lý ngu hầu xuống ngựa dắt bộ cùng đi với đoàn bộ hành, hai ba trăm quân phủ Tế châu trong đó có hơn chục người cỡi ngựa. Mấy người cỡi ngựa đi đầu dẫn đường, tiếp theo là đoàn phu quảy ngự tửu đựng trong sọt đang hình rồng phượng, rồi đến hai người cưỡi ngựa đeo hộp chiếu thư. Lại có đến năm sáu chục tên vô côg rồi nghề cũng đi theo mong kiếm chác được chút gì trên Lương sơn bạc.
Bọn Tiêu Nhượng, Bùi Tuyên, Lã Phương, Quách Thịnh chờ đón sứ bộ, ai nấy đều phủ phục sẳn bên đường. Sứ bộ đến nơi, Trương can biện hỏi:
- Tống Giang của các ngươi đã to bằng ai mà không đích thân đến đây nghênh đón chiếu thư của thiên tử? Khinh mạn đến thế là cùng! Các ngươi thật đáng tội chết, không xứng được triều đình chiêu an. Vậy thưa thái úy tướng công xin mời tướng công trở về thôi.
Bọn Tiêu Nhượng rập đầu tạ tội nói:
- Từ trước đến nay, sơn trại chúng tôi chưa nhận được chiếu thư của triều đình nên chưa biết thực hư thế nào. Hiện Tống Giang và các đầu lĩnh lớn nhỏ đã xuống chờ sẳn ở bến Kim sa để nghênh đón sứ bộ. Muôn trông thái úy tướng công bớt giận tha thứ để cho việc lớn của quốc gia được vẹn toàn.
Lý ngu hầu nói:
- Việc lớn của quốc gia vẹn toàn hay không thì bọn giặc các ngươi cũng có chạy đằng trời!
Bọn Lã Phương, Quách Thịnh nói:
- Vị này ăn nói thế mà nghe được? Hóa ra các người khinh anh em ta quá lắm.
Tiêu Nhượng, Bùi Tuyên thấy vậy bèn dịu lời khuyên mời. Tiêu Nhượng sai tùy tùng bưng rượu và hoa quả ra mời, bọn họ không them đụng đến, nhưng miễn cưỡng theo bọn Tiêu Nhượng đi vào bến Kim sa. Tại đây đã có ba chiến thuyền đợi sẳn. Một chiếc chở ngựa, một chiếc chở bọn Bùi Tuyên. Thuyền thứ ba do Hoạt diêm la Nguyễn Tiểu Thất đốc suất các thủy thủ chèo thuyền, đầu mũi thuyền xếp các bình ngự tửu và hộp đựng chiếu thư, tiếp đó là những người trong sứ bộ của Trần thái úy. Nguyễn Tiểu Thất ngồi ở đầu thuyền điều khiển hơn hai chục tay chèo, người nào cũng giắt đoản đao trong áo. Trần thái úy hiên ngang bước xuống ngồi giữa khoang thuyền, coi xung quanh như chỗ không người. Nguyễn Tiểu Thất khoát tay cho các thủy thủ chống thuyền rời bến. Các thủy thủ đứng chèo hai bên mạn thuyền cùng cất tiếng hát vang bài ca sông nước. Lý ngu hầu lớn tiếng quát mắng:
- Có quan đại thần ở đây mà bọn đầu lừa chúng bây không biết e sợ hay sao?
Thủy thủ lờ đi như không nghe tiếng, vẫn tiếp tục hát vang. Lý ngu hầu vung roi mây vụt đánh nhưng thủy thủ chẳng ai tỏ ý sợ hãi. Mấy người đứng gần đối đáp với hắn:
- Bọn thủy thủ chúng tôi ca hát thì có can hệ gì đến người?
Lý ngu hầu chửi:
- Quân phản tặc chết chém dám cãi ta!
Vừa chửi hắn vừa vung roi đánh, thủy thủ hai bên mạn thuyền đều nhảy hết xuống nước. Nguyễn Tiểu Thất ngồi ở đầu mũi thuyền nói vọng tới:
- Các vị đánh đập làm cho thủy thủ nhảy chốn hết rồi, biết lấy ai chèo thuyền nữa?
Vừa lúc ấy từ phía trước có hai chiếc thuyền nhẹ lướt tới. Nguyễn Tiểu Thất đẫ chứa đầy nước trong hai khoang thuyền, thấy hai thuyền con đến gần bèn tháo nắp rồi kêu to:
- Thuyền thủng rồi!
Nước chứa sẳn trong hai khoang chảy tràn sang các khoang khác, người trên thuyền vừa kịp kêu cứu thì nước đã ngập sâu đến non một thước rồi. Hai chiếc thuyền nhẹ áp sát vào, bọn tùy tùng trong sứ bộ vội dìu thái úy lên thuyền con chèo đi. Ai nấy hốt hoảng không còn long dạ nào nhớ đến ngự tửu, chiếu thư nữa.
Nguyễn Tiểu Thất gọi cácthủy thủ đang bơi dưới nước lên cả trên thuyền, sai múc nước trong thuyền đổ ra ngoài rồi hạ thấp buồm che khuất khoang thuyền. Xong việc Nguyễn Tiểu Thất gọi thủy thủ:
- Đem một bình ngự tửu lại đây ta nếm thử xem sao!
Một thủy thủ mở sọt lấy một bình ngự tửu, cởi giấy niêm phong, bưng đến chỗ Nguyễn Tiểu Thất. Ngửi mùi rượu thơm phức Nguyễn Tiểu Thất nói:
- Chỉ lo rượu có thuốc độc nhưng ta cứ liều nếm trước.
Không sẳn bát, gáo, Nguyễn Tiểu Thất bưng cả bình ngự tửu giơ lên nốc thẳng một hơi. Tiểu Thất uống hết bảy lần nốc thì hết nhẵn bình rượu tỏ ý khen ngợi:
- Rượu thơm, uống được nhưng một bình thì chưa thấm vào đâu. Đem lại đây cho ta một bình nữa.
Thủy thủ bưng rượu đến, Tiểu Thất uống hết một bình nữa. Cứ như thế, một mình Tiểu Thất uống hết bốn bình ngự tửu rồi nói:
- Bây giờ không biết làm thế nào đây?
Các thủy thủ nói:
- Ở đầu mũi thuyền sẳn có một thùng rượu trắng.
Tiểu Thất nói:
- Lấy gáo tát nước lại đây ta chia rượu cho các ngươi cùng uống.
Nói đoạn Tiểu Thất chia ngự tửu trong sáu bình còn lại cho các thủy thủ uống hết, rồi lấy rượu nhạt trong thùng rót vào các bình, buộc giấy niêm phong bỏ vào sọt rồng phượng như cũ. Các thủy thủ lại chèo thuyền lướt đi như bay.
Đến bến Kim sa mọi người đều lên bờ. Tống Giang và các đầu lĩnh ra nghênh đón, đặt bày hương hoa, đèn nến trên bờ, quân sĩ khua chiên going trống theo các nhịp hát của miền thôn trại. Các bình ngự tửu được chuyển lên bày trên hương án, hộp chiếu thư đạt riêng một bàn, mỗi bàn bốn người khiêng. Trần thái úy vừa bước lên bờ, anh em Tống Giang đều sụp đầu lạy chào. Tống Giang nói:
- Tiểu lại Tống Giang phạm tội tày trời, làm cho quý quan phải vất vả quá bộ đến đây. Tống Giang tôi chưa kịp ra xa nghênh đón, cúi mong đại nhân tha thứ cho.
Lý ngu hầu nói:
- Thái úy là bậc đại thần ở triều đình, vâng mệnh thiên tử đến đây chiêu an không phải là chuyện thường. Sao các ngươi dám sai bọn giặc quê mùa dốt nát đem thuyền thủng đi đón, chỉ chút nữa làm nguy đến tính mệnh của thái úy đại nhân?
Tống Giang nói:
- Sơn trại có nhiều thuyền tốt, đâu dám đem thuyền thủng đi đón đại nhân?
Trương can biện nói:
- Quần áo của thái úy còn ướt sũng kia, ngươi còn chối cãi gì?
Năm viên hổ tướng đứng sát lưng Tống Giang nửa bước không rời. Lại có tám phiêu kỵ tướng cưỡi ngựa đứng ở phía sau. An hem các tướng thấy bọn Lý ngu hầu, Trương can biện giơ tay múa chân trước mặt Tống Giang, ai cũng tức giận muốn xông tới đâm chết, chỉ vì Tống Giang không cho phép nên không dám rat ay.
Bấy giờ Tống Giang mời Trần thái úy lên kiệu về sơn trại tuyên đọc chiếu thư. Các đầu lĩnh năm lần bảy lượt nài mời, thái úy mới chịu lên kiệu. Tống Giang lại sai đưa ngựa đến cho Trương can biện và Lý ngu hầu. Hai tên này không biết thân phận mình cao thấp ra sao cũng khinh khỉnh không chịu lên ngựa. Tống Giang phải mời mãi bọn chúng mới chịu đi. Kèn trống vang lừng, Tống Giang cùng các đầu lĩnh và quân sĩ nghênh đón sứ bộ vào cổng tam quan rồi đi thẳng đến trung nghĩa đường. Mọi người xuống ngựa, mời Trần thái úy lên sảnh đường. Chính giữa sảnh đường kê hương án, bày ngự tửu và hộp chiếu thư. Trần thái úy, Trương can biện và Lý ngu hầu đứng về phía bên trái; Tiêu Nhượng, Bùi Tuyên đứng phía bên phải. Tống Giang cho điểm diện các đầu lĩnh, đông đủ một trăm linh bảy người, chỉ thiếu một mình Lý Quỳ. Bấy giờ vào giữa tháng tư, các đầu lĩnh đều mặc áo bào lụa, xếp hàng quỳ duới sân, khoanh tay trước ngực nghe đọc chiếu thư. Trần thái úy mở hộp lấy chiếu thư trao cho Tiêu Nhượng. Bùi Tuyên hô lễ, các tướng nhất loạt sụp đầu lạy đón. Tiêu Nhượng mở chiếu thư cao giọng tuyên đọc:
“Truyền rằng: Văn đẻ yên dân, võ để giữ nước. Ngũ Đế dung lễ nhạc gìn giữ bờ cõi, Tam Hoàng lấy chinh phạt dẹp yên thiên hạ. Sự việc có thuận nghịch, làm người có kẻ hiền, kẻ ngu. Trẫm kính nối nghiệp lớn của tổ tiên, mở đường sáng chói tựa hai vầng nhật nguyệt, khắp trong cõi đất gầm trời chẳng đâu là không thần phục. Gần đây bọn Tống Giang tụ tập ở chốn núi rừng, cướp bóc các châu quận. Trẫm vốn định đem binh chinh phạt để làm rạng oai trời, nhưng còn lo sinh dân chịu khổ. Nay trẫm sai thái úy Trần Tông Thiện đến chiêu an. Ngày nào chiếu thư đến nơi, bọn Tống Giang phải lập tức đem hết gạo tiền, khí giới, ngựa xe, thuyền bè nộp quan, phá hủy sào huyệt, dẫn thuộc hạ về kinh, trẫm sẽ tha cho tội cũ. Nếu lương tâm còn mờ tối, không tuân chiếu thư thì trẫm sẽ cho thiên binh đến đánh dẹp, lớn bé đều không trừ. Vậy xuống chiếu cho biết, các ngươi nên hiểu rõ.
Niên hiệu Tuyên hòa năm thứ ba (1121)
Tháng tư, ngày … Nay chiếu”
Tiêu Nhượng đọc xong, các đầu lĩnh từ Tống Giang trở xuống đều bừng bừng tức giận. Vừa lúc ấy bỗng thấy Hắc toàn phong Lý Quỳ từ trên xà nhà nhảy xuống giật chiếu thư trong tay Tiêu Nhượng, xé tan rồi quay lại túm ngực Trần thái úy vung tay toan đánh. Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa vội chạy đến ôm chặn kéo Lý Quỳ ra. Lý ngu hầu quát hỏi:
- Tên này là kẻ nào mà dám to gan?
Lý Quỳ đang hăng máu muốn đánh, bèm túm lấy Lý ngu hầu mà đánh rồi lớn tiếng quát:
- Kẻ nào viết chiếu thư mà lời lẽ xấc xược như thế?
Trương can biện đáp:
- Đó là thánh chỉ của hoàng đế.
Lý Quỳ nói:
- Hoàng đế của các ngươi không biết anh em ta là các hảo hán hay sao? Đến chiêu an mà lại còn lên mặt như thế! Hoàng đế các ngươi họ Tống, huynh trưởng ta đay cũng họ Tống. Người đó được làm hoàng đế thì cớ gì huynh trưởng của ta không làm được hoàng đế? Từ giờ ngươi đừng bén mãng đến đây trêu tức bố đen này! Bất kể thế nào ta cũng giết bằng hết những bọn nào đã viết tờ chiếu láo xược này.
Mọi người đều xúm lại khuyên giải, kéo Hắc toàn phong xuống dưới sân. Tống Giang nói:
- Xin thái úy hãy bình tâm. Có điều gì lầm lỗi xin thái úy hãy bỏ qua cho. Bây giờ xin thái úy ban ngự tửu cho mọi người cùng hưởng.
Nói đoạn Tống Giang cho lấy bộ chén lớn khảm vàng, sai Bùi Tuyên mở một bình ngự tửu đổ vào âu rượu bằng bạc. Bấy giờ mới biết đấy là rượu thường ở thôn quê. Mở tiếp chin bình kia cũng thấy một loại rượu nhạt như thế. Mọi người thấy vậy đều thất vọng chán ngán, lảng dần xuống dưới sân. Lỗ Trí Thâm giơ thiền trượng, cao giọng mắng:
- Bọn khốn kiếp, khinh người quá lắm. Dám cả gan dổ nước lã vào rượu làm ngự tửu cho anh em ta uống?
Xĩch phát quỷ Lưu Đường cũng vung mã tấu xông đến. Hành giả Võ Tòng rút giới đao lăm lăm cầm tay. Một già lan Mục Hoằng, Cửu văn long Sử Tiến hầm hầm nổi giận. Sáu đầu lĩnh thủy quân bỏ ra phía cửa tam quan, vừa đi vừa không ngớt lời chửi mắng.
Tống Giang thấy tình thế thật khó xử, vội đến đứng chặn trước mặt Trần thái úy rồi truyền lệnh đem kiệu, ngựa đưa Trần thái úy xuống núi, lại căn dặn các đầu lĩnh không được mảy may động chạm đến sứ bộ. Bấy giờ, các anh em đầu lĩnh đứng khắp xung quanh đều ầm ầm phẩn nộ. Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa phải đích than lên ngựa hộ tống Trần thái úy và những người trong sứ bộ ra ngoài cửa tam quan. Tống Giang lạy tạ lỗi Trần thái úy hai lạy.
- Mong thái úy hiểu cho, không phải anh em Tống Giang tôi không có long quy thuận, quả thật là viên quan thảo chiếu không them biết đến nổi oan khuất của anh em Lương sơn bạc chúng tôi. Nếu chiếu thư lựa lời ôn tồn phủ dụ thì bọn anh em chúng tôi nguyện dốc hết long trung báo nước, dẫu phải xã thân chịu chết cũng không oán trách. Khi về triều xin thái úy tâu bày việc đó.
Nói rồi nhanh chóng đưa tiễn sứ bộ qua bến Kim sa. Sứ bộ của Trần thái úy bị một phen khiếp vía vội đi nhanh về phủ Tế châu. Có thơ làm chứng như sau:
Thái úy thừa tuyên xuất đế hương,
Vị chiêu trung nghĩa dục quy hang.
Ti thân nhạc quốc nan thành sự,
Phản bị ô đoan mạ nhất trường.
Thái úy vâng truyền khuất đế đô,
Chiêu hang đâu dễ chuyện bày trò.
Khom lưng nhục nước ai nghe lọt,
Chuốc lấy cười chê thật nhuốc nhơ.
Tống Giang trở về trung nghĩa đường, cho mời các đầu lĩnh đến uống rượu. Tống Giang nói:
- Tuy chiếu thư của triều đình không thỏa đáng, nhưng anh em các ngươi nóng nảy như thế là quá đáng.
Ngô Dụng nói:
- Huynh trưởng đừng quá tin, chuyện chiêu an tất sẽ có ngày thành, huynh trưởng đừng trách cứ anh em. Đó chỉ là vì triều đình coi thường bọn ta quá lắm. Từ nay xin huynh trưởng cho dẹp hết những chuyện bàn tán vu vơ, truyền lệnh cho quân mã đóng sẵn yên cương, quân bộ sửa sang khí giới, quân thủy chỉnh đốn thuyền bè. Sớm muộn quân triều đình cũng đến đánh dẹp, anh em ta quyết một hai trận đánh cho bọn chúng tan tành, không còn mãnh giáp mà về, nằm mê cũng phải giật mình kinh sợ. Đến lúc ấy có muốn bàn chuyện gì hãy tính cũng không muộn.
Các đầu lĩnh đều thưa:
- Quân sư nói rất phải!
Hôm ấy tan tiệc, các đầu lĩnh ai nấy về trại nghĩ ngơi.
Lại nói Trần thái úy trở về Tế châu thuật chuyện đọc chiếu thư ở Lương sơn bạc cho Trương Thúc Dạ nghe. Thúc Dạ nói:
- Đã như thế thì uổng phí tâm lực mà chỉ thêm hỏng việc. Thái úy nên gấp lai kinh tâu thien tử biết, không nên chậm trễ.
Trần thái úy cùng bọn Trương can biện, Lý ngu hầu cùng đoàn tùy tùng ngay đêm đi gấp về kinh. Trần thái úy đến yết kiến thái sư kể lại việc giặc Lương sơn bạc xé chiếu thư và nói năng khinh mạn. Sái Kinh nghe xong cả giận nói:
- Bọn giặc cỏ này sao dám vô lễ đến thế? Dưới gầm trời rộng lớn của triều đình nhà Tống ai cho phép bọn chúng ngang nhiên hoành hành?
Trần thái úy khóc nói:
- Nếu không được nhờ ấm phúc của thái sư tướng công thì hạ quan phen này đã nát thịt tan xương ở Lương sơn bạc. may sao thoát chết về đây, hôm nay lại được trông thấy ân tướng!
Sái thái sư cho người đi mời ĐỒng khu mật, Cao thái úy và Dương thái úy đến phủ thái sư để bàn việc quân hệ trọng. Một lúc sau, cả ba đại thần đã đến Bạch hổ đường trong phủ thái sư. Cả bốn người yên tọa. Sái thái sư cho gọi Trương can biện và Lý ngu hầu vào, bảo hai người kể lại việc giặc Lương sơn bạc xé hủy chiếu thư. Thái úy Dương Tiến nói:
- Đối với bọn giặc này thì chủ trương chiêu an sao được? Buổi chầu hôm ấy không biết viên nào đã tâu việc này?
Cao thái úy nói:
- Hôm ấy nếu có mặt trong buổi chầu, Cao Cầu tôi tất đã can ngăn thánh thượng, đâu đến nổi xảy ra chuyện này?
Khu mật Đồng Quán hỏi:
- Bọn dê chuột không bõ nói đến! Đồng Quán tôi dầu bất tài sẽ đích thân đem quân mã định ngày tiến đánh, quét sạch bọn chúng khỏi miền song nước mới chịu trở về.
Bọn Sái Kinh nói:
- Buổi chầu sáng mai sẽ tâu lên thiên tử.
Bàn bạc xong ba người cáo từ Sái thái sư.
Sáng hôm sau, các quan đại thần đợi chầu ở thềm ngự. Bỗng nghe ba hồi roi lệnh vun vút, các quan văn võ hai hàngquỳ lạy tung hô vạn tuế. Bắt đầu buổi chầu, Sái thái sư bước ra khỏi hang đem việc quân Lương sơn bạc xé chiếu chiêu an tâu lên thiên tử. Đạo quân hoàng đế cả giận nói:
- Trước đây ai đã xin trẫm xuống chiếu chiêu an?
Viên cấp sự đứng hầu tâu rằng:
- Lời tâu hôm ấy là của ngự sử đại phu Thôi Tĩnh.
Đạo quân hoàng đế bèn sai bắt Thôi Tĩnh giao cho đại lý tự hỏi tội. Thiên tử lại hỏi Sái Kinh:
- Bọn giặc ấy quấy nhiễu đã lâu, ai là người trẫm có thể sai quân đi đánh dẹp?
Sái thái sư tâu:
- Không cất đại quân đi đánh thì không thu phục được. Cứ như ngu ý của hạ thần tất phri do quan khu mật viện đích than đem đại quân đi đánh thì mới dẹp tan quân giặc, cầm chắc phần thắng trở về.
Thiên tử liền sai gọi khu mật sứ Đồng Quán đến hỏi rằng:
- Khanh đem quân đi đánh giặc cỏ Lương sơn bạc được không?
Đồng quán quỳ tâu:
- Người xưa từng nói: “Hiếu thì dốc sức, trung thì quên mình”. Thần xin đem than trâu ngựa để trừ diệt mối lo của bệ hạ.
Cao Cầu, Dương Tiến đều nói vung vào. Đạo quân hoàng đế bèn giáng chỉ phong khu mật sứ Đồng Quán làm đại nguyên súy, được ban ấn vàng và binh phù cho phép tùy ý điều động quân mã các nơi, chọn ngày xuất quân đi đánh Lương sơn bạc. Chỉ biết rằng:
Trăm nghìn thiết kỵ đi kín non xanh
Muôn vạn chiến thuyền dàn đầy nước biếc.
Đúng là:
Chỉ vì phi hổ ba nghìn ngựa,
Dấy động hùm beo trăm vạn quân.
Chưa biết Đồng Quán dẫn đại quân lên đường đi đánh Lương Sơn bạc như thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.