Mười Hai

     hư bây giờ tôi nói, Chi ạ, anh thèm buồn một chút trong sự yên tịnh. Anh muốn bây giờ là buổi chiều.
Buổi chiều Chi và tôi ngồi ở những bậc cửa của một ngôi nhà nguyện nhỏ, trước mặt chúng tôi là cánh đồng cỏ xanh và xa xa là làng mạc lẫn trong các lùm cây. Chiều còn một chút nắng trải mỏng, nhẹ nhàng như những cơn gió hiền chỉ khẽ đùa sau gáy tôi và ve vãn mái tóc Chi. Chiều, khi có con sáo nâu từ miền nào bay về và đậu trên ngọn tháp chuông. Nó nhảy, nó hót líu lo bằng giọng ca riêng của nó. Chiều, con sáo nâu đứng ngu ngơ nhìn trời rồi bay đi.
Chi ơi, dù Chi ở bên tôi, tôi cũng cứ thích gọi Chi như vậy, để tôi nghe Chi “gì cơ ạ” trong đôi mắt thủy tinh của cô bé long lanh.
- Anh muốn xây một lâu đài, Chi ạ.
- Một lâu đài hở anh?
- Ừ, một lâu đài thật cao.
- Thế anh sẽ xây bằng gì cơ?
- Bằng những viên sỏi thật trắng.
- Bé biết những viên sỏi thật trắng ấy rồi. Có phải là những mảnh sao ở trên trời không anh?
- Ừ, những mảnh vỡ của các vì sao trên trời. Anh sẽ xây lâu đài bằng những mảnh sao ấy. Lâu đài sáng và đẹp tuyệt vời.
Chi chu môi:
- Có Chi nè, phải không anh?
- Chi làm công chúa.
- Công chúa hả anh?
- Ừ, công chúa... ngậm kẹo.
Chi khúc khích cười:
- Còn anh?
- Anh làm... lính gác cửa.
- Lính gác cửa cũng ngậm kẹo luôn?
Nụ cười của Chi ngả trên vai tôi ròn rã. Chợt Chi nhổm dậy hỏi tôi:
- Lâu đài anh à, Chi sợ nhỡ nó đổ mất.
- Đổ làm sao được. Bởi vì lâu đài xây toàn bằng ước mơ mà.
- Ước mơ thật ngoan anh nhỉ.
Mái tóc Chi lòa xòa trên vai tôi. Tôi dẫn Chi đi, bước chân chúng tôi nhẹ như lún trên cát mềm. Chúng tôi lượm được những viên sỏi thật trắng trên một bãi biển rộng. Trên bãi biển ấy chúng tôi đã xây một lâu đài thật cao. Lâu đài, tôi mơ thấy Chi bận áo trắng chùng tới gót, trông Chi giống một thiên thần hơn là một công chúa. Vì thế nên Chi hay dạy tôi cầu nguyện. Tại tôi cứ bị phủ mờ bởi tấm hình ngày Chi rước lễ lần đầu vào năm 10 tuổi. Đầu Chi trùm một vuông voan trắng tới ngang vai, với một vòng hoa trắng. Chiếc áo dài cũng phủ cả gót chân. Một tay Chi cầm cây nến sáp đang cháy và một tay Chi ấp cuốn sách kinh trước ngực. Trông Chi ngoan và đẹp như hình vẽ thiên thần trong một tấm ảnh chúc mừng Noel nào.
Chi ngửa mặt lên trời:
- Anh Huy à, anh hãy ngước lên với Chi đi.
- Anh thấy một con đường.
- Hẹp lắm phải không anh?
- Ừ, hẹp đến nỗi mà chỉ một người đi mới vừa.
- Thế thì anh đi trước anh ạ.
- Anh sợ lạc mất Chi.
- Không đâu anh, Chi sẽ đi sau anh.
- Như thế cũng không được, - Tôi ngẫm nghĩ - Chi phải đi trước anh. Áo Chi trắng, trong bóng đêm anh dễ nhìn thấy Chi hơn.
- Thật anh nhá, anh sẽ đi sau Chi, anh nhá. Thế nào chúng ta cũng nhìn thấy những bông hoa hồng rắc trên lối đi. Lối đi bé nhỏ đơn sơ ấy, trước Chi Thánh Thérèse đã đi anh ạ.
- Chi nói đi...
- Vâng, Chúa luôn thương yêu chúng ta, những tâm hồn nhỏ. Mọi điều đều tốt lành, vì Chúa bao giờ cũng chọn điều hơn cho con cái Người.
- Anh muốn khóc quá, Chi ạ.
Như những giọt nước thánh trong nhà thờ rót trên đầu kẻ ngoại đạo. Hôm nay, ngày chịu phép thánh tẩy của tôi. Thiên thần Anh Chi đến bên tôi và đặt tay lên vai tôi, lời nguyện đẹp, ngọt ngào, của môi trẻ thơ. Và tôi cất tiếng hát.
Buổi chiều yên tịnh, tiếng chuông ngân nga đổ chậm và vang khắp cánh đồng cỏ, lan tới những thôn làng gần đấy. Con sáo nâu chắc là đã ngủ.
Anh thương bé nhiều Chi ạ. Giờ thì đã xa lắm rồi.
Còn những ước mơ ở lại với tôi. Những buổi sáng, buổi chiều nơi đây yên tịnh lắm, những yên tịnh quý hóa mà những năm sống ở thành phố tôi không bao giờ cảm thấy được, họa chăng là ở ngoài ban-công, những đêm thật khuya trên căn gác của tôi.
Trong khi còn chờ niên học mới, mẹ và chị Hà đều bằng lòng để tôi đi xa nghỉ ngơi ít tuần. Cũng là một dịp tình cờ, tôi chọn ngọn đồi đan viện Châu Sơn, một ngọn đồi xa hẳn với những ngọn đồi khác ở Đan Dương. Tôi thích lắm, cảnh yên tịnh nơi đây, chung quanh là núi, là rừng và trên lối đi là những vườn rau cải, su hào xanh mát mắt. Buổi sáng dậy sớm, co người trong chiếc áo lạnh, tôi thích ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ xem sương mờ đục như một màn mưa mỏng ôm lấy núi đồi, cây cối.
Rồi bình minh ăn sáng bằng những hạt sương ấy. Nắng lên như hơi thở nồng áp trên cả hai má, tôi xuống vườn và đi loanh quanh một vòng. Vườn ở đây rộng, trồng nhiều hoa hồng đến nỗi đi đến đâu tôi cũng thấy phảng phất một mùi hương thơm đó. Và làm sao khỏi được tôi không nhớ tới Chi. Tất cả, hoàn toàn mới lạ trong tôi, cả những quyến luyến lẫn với những xót xa ấy. Nếu tôi là một kẻ giàu có thì tôi vừa đánh mất hết cả gia tài sản nghiệp của mình một cách hoang phí, vô tình. Tôi mơ hồ thấy tuổi trẻ tôi cựa mình lớn dậy không còn gì ngăn cản được nó nữa. Tuổi trẻ ấy đang đưa tôi ra ngoài cánh đồng gió, đang đẩy tôi ra ngoài vùng biển động. Tôi phải nắm chắc tay, mím chặt môi và phải được định nghĩa cho đầy đủ tất cả con người của mình.
Ở đây, tôi có một người bạn thân, đó là thầy Colomban. Tôi đã nói chuyện với ông hàng ngày và kể cho ông nghe nhiều chuyện, cởi mở. Nhưng tôi lại không một lần nhắc tới Chi. Vì thật là, tôi không biết phải bắt đầu như thế nào. Ông khuyên tôi mỗi năm vào dịp nghỉ hè nên tìm ra đây ít ngày để nghỉ ngơi. Tôi nghĩ thế rất hay. Đời sống mình phải có những ngày thật yên tịnh và xa hẳn mọi ràng buộc ồn ào thường ngày. Vì chỉ có trong yên tịnh người ta mới thật sự sống với mình có ý nghĩa mà thôi. Tôi hứa rằng khi về thành phố tôi ở, tôi sẽ viết thư cho ông đều đặn.
Hết cả một buổi sáng tôi thường ngồi với ông hoặc ngồi với những cuốn sách của ông cho mượn. Buổi chiều, tôi ra vườn ngắt một bông hoa hồng về và cấu nát những cánh ra rồi ngồi nhấm một mình như thỏ. Hoa hồng thơm thơm ngòn ngọt trong miệng một cách dị kỳ. Nếu mà các tiên chỉ ăn những cánh hoa hồng và uống sương mai trên các ngọn cỏ như trong truyện cổ tích Chi kể cho tôi nghe thì may ra, tôi có thể là... tiên được. Tiên chỉ ăn cánh hoa hồng và ngồi ước mơ không thôi.
Anh chỉ hay ước mơ không thôi, Chi ạ.
Cha mẹ hứa cho chúng tôi một vùng đất đẹp, để chúng tôi lập nghiệp. Buổi sáng trời trong, có lẽ là một buổi sáng chủ nhật, tôi đánh xe ngựa đến cửa nhà Chi sớm. Tôi gọi to:
- Chi ơi!
Chi ở trong nhà chạy ra tung tăng như chim sẻ:
- Anh chờ Chi một tí. Mẹ ơi, con đi.
- Con ăn sáng đã chứ?
- Con khỏi ăn sáng. Anh Huy đang chờ con.
Mẹ Chi xách những cái giỏ lớn của Chi ra trước cổng. Bà vẫy tay bảo tôi:
- Ăn sáng đã chứ em Huy.
- Thưa bác, hết buổi sáng mất ạ. Hôm nay trời, đẹp phải không bác?
Mẹ Chi cười dịu dàng, bà đỡ Chi lên xe ngồi cạnh tôi, dặn dò:
- Phải khéo, không thôi em Chi hay cảm lắm đấy.
- Vâng ạ, - Tôi cười - công chúa mà.
Chi khúc khích cười theo. Chi vẫn bé nhỏ như bao giờ:
- Mẹ ơi!
- Con gái mẹ nói gì?
- Mẹ lại gần đây cơ, sát đây nè mẹ... Vâng...
Chi bá lấy cổ mẹ và hôn mẹ:
- Mẹ nhé.
- Có đầy kẹo trong giỏ của con. Nếu ở lâu, thế nào mẹ cũng tới thăm.
- Con sẽ viết thư cho mẹ ngay.
Mẹ Chi hôn con gái. Tôi vẫy tay chào bà. Mắt bà vừa vương một đám bụi khi tôi giựt cương cho xe chạy. Hai con ngựa hồng ngoan ngoãn soải bước đều đặn.
- Mong là tới nơi trước chiều.
- Vâng.
Chiếc xe lắc lư lắc lư và gió hất mái tóc của Chi bay cả vào mặt tôi.
- Trời hôm nay đẹp quá bé nhỉ.
- Vâng, đẹp quá.
Và tôi làm được môt bài thơ nhỏ, bài thơ viết trên những ngọn tóc của Chi, viết trên môi cười, viết trên khóe răng khểnh và viết cả trong mắt con nai sao ấy. Tôi đọc cho Chi nghe:
chẳng hạn như nếu bé là công chúa
thì anh sẽ là hoàng tử xứ láng giềng
để khi nghe người ta ca tụng nhan sắc bé
về đòi vua cha sang... làm quen với nước bên
Cái môi Chi trề ra, nhưng có vẻ giống như một nụ cười hơn:
- Vậy mà anh Huy cũng học đòi làm thơ!
- Anh là thi sĩ mà.
- Hứ... thi sĩ!
- Chứ không à. Bây giờ đó, bé là công chúa đi, còn anh í à, anh tạm là hoàng tử.
- Nếu thế thì bây giờ hoàng tử đưa công chúa đi đâu?
- Vua cha anh giàu có lắm. Bé nhìn xem kìa, cánh đồng bằng rộng tít tắp cuối chân trời phía tây kia là của vua cha anh.
- Vâng, rộng quá. Cha anh quả là một người giàu có, thật giàu có.
- Thực sự cha anh rất nghèo, nghèo cả một đời, một đời xạm nắng, chai tay, nẻ gót. Song cha anh là vua cả một quê mơ mộng.
- Thế gia tài của cha để lại cho anh gồm có những gì?
- Cả một quê hương mơ mộng đó. Một trời đó. Anh sẽ đưa bé đi lập nghiệp nơi quê hương cha mẹ hứa. Tương lai của chúng ta sẽ không nghèo khổ.
- Vâng, chúng ta sẽ được hạnh phúc, vì chúng ta đầy tràn mơ mộng.
Chiếc xe lắc lư làm nhịp cho bài hát trên môi Chi:
ban tối đọc chuyện ngày xưa
cho giấc ngủ thấy mình làm con vua
để sáng ra mình chả là gì cả
vẫn là học trò phải đi học, buồn chưa!
Chiếc xe lắc lư lắc lư. Hết một buổi sáng và một buổi chiều. Tôi reo lên:
- Chi thấy gì không?
- Con sông, anh nhỉ.
Ở đằng trước chúng tôi đã nhìn thấy một cánh đồng đầy hoa và một giòng sông xanh lững lờ trong buổi chiều êm ả.
- Đẹp quá anh ạ.
Cả hai tay Chi níu lấy cánh tay tôi. Ở đây chim muông nhiều quá. Từng đàn, từng đàn chim trắng từ đâu đâu đổ về đón chúng tôi, chúng sà xuống đầu Chi và đậu cả trên xe. Đất lành, tôi dừng xe lại và thả các giỏ lớn ở trên xe xuống.
- Đẹp quá anh ạ.
Chi cứ luôn miệng thế. Đầu tiên là tôi nắm tay Chi, chúng tôi chạy tung tăng trên cánh đồng ngập hoa và gió rào rào trên các ngọn cỏ như hát. Khi chiều đã hết nắng, tôi với Chi đi kiếm củi khô và đốt một đống lửa giữa trời. Bữa cơm đầu xa nhà xong thì trời vừa đơm kín sao. Bầu trời đen sẫm để các mắt sao cứ chớp hoài. Gió từ bờ sông đưa hơi nước đêm về lành lạnh. Tôi quấn chiếc khăn quanh cổ Chi. Chiếc khăn dài, phần còn lại tôi để phủ qua vai tôi. Chúng tôi quỳ cầu nguyện dưới trời đầy sao. Lời nguyện của chúng tôi nhỏ dại, chân thành. Trời yên lặng, như là Trời đã nhận lời. Tôi dìu Chi ngồi xuống bên đống lửa giờ còn những đốm than hồng khẽ nổ lách tách vỡ các thớ gỗ khô sót lại. Chi ngả đầu trên vai tôi, ấm áp vô cùng.
- Bé ơi!
Tôi xòe rộng bàn tay ra và để nắm trọn lấy hai bàn tay nhỏ bé của Chi.
- Ngày mai chúng ta bắt đầu dựng ở đây một ngôi nhà.
- Ở gần bờ sông anh nhé.
- Ừ. Anh sẽ đi vào rừng đốn gỗ. Còn bé sẽ đi cắt cỏ gianh.
- Có hai khung cửa sổ nhỏ nữa nhé anh.
- Một để mỗi buổi sáng hai đứa ngồi ăn điểm tâm và đợi nắng lên.
- Một để mỗi đêm hai đứa gục bên nhau đếm sao trời.
- Đẹp lắm bé ạ.
Chi nép sát người tôi:
- Anh à, phải dựng cho bé một cái chuồng chim bồ câu sáu cửa tròn nữa cơ. Để mỗi sáng bé vãi thóc gọi chúng đậu xuống sân, chúng nhặt thóc, cái mỏ của chúng dễ thương ghê lắm anh ạ.
- Anh sẽ nhớ.
- Cả trồng hoa nữa nha anh.
- Ừ, hoa sẽ nở đầy vườn, đầy cổng. Hoa sẽ bò trên các bức tường, mái nhà và hoa leo kín trên những khung cửa sổ của chúng ta.
- Một ngôi nhà hoa anh nhỉ.
Một ngôi nhà hoa. Mắt Chi ngập sao trời và môi Chi cũng đang nở đầy hoa trên vai tôi. Anh sẽ đưa bé tới quê hương yêu thương cha mẹ hẹn lập nghiệp cho chúng ta, bé ạ. Anh sẽ dựng một căn nhà nhỏ, anh sẽ nuôi cho bé một đàn bồ câu ngoan. Anh sẽ... anh sẽ... Và Chi ngủ ngoan ngoãn trên vai tôi, dưới bầu trời sao ngà ngọc.
Giấc ngủ xa nhà của Chi, đêm Chi giật mình mấy lần.
Chi khóc và Chi bảo Chi nhớ mẹ lắm. Tôi chả dỗ dành được Chi. Nước mắt Chi làm ngập cả căn nhà lợp bằng cỏ gianh, vây bằng vỏ gỗ. Căn nhà chìm mất.
Bé còn nhỏ dại lắm, Chi ạ. Sáng hôm sau tôi phải đưa Chi về sớm. Thật sớm như còn nguyên vẹn trong giấc mơ.
Có lần tôi mơ thấy Chi đi học về một mình, dưới những hàng me buổi chiều chập tối, con đường trước cửa nhà Chi. Trời mưa ướt át trên những tàu lá me ủ rũ, trên những cành cây đen đủi gục đầu ôm lấy nhau và trên mặt đường nhựa loang ánh đèn. Tôi gọi Chi, song hình như Chi không nghe thấy, Chi vẫn đi nép vào bên đường. Cô bé mặc chiếc áo mưa màu trắng và thỉnh thoảng ngửa mặt lên trời run rẩy, vội vã. Còn tôi thì ướt sũng nước mưa từ đầu tới chân. Giấc mơ ấy làm tôi buồn, tôi nhớ tới bức vẽ tôi vẽ dở dang hôm nào ở vườn nhà Chi và bỏ về khi trời đang mưa tầm tã. Tôi nhớ tới cơn sốt của tôi ở khung cửa sổ nhà Chi làm Chi ướt mắt. Và còn xót xa mãi trong tâm hồn tôi, trên những bậc thang của Viện Dục Anh, những mảnh thủy tinh vỡ nát trong bàn tay tôi đẫm máu.
Anh xin đưa bé vào nôi ấu thơ, để anh đong đưa ca hát ru bé ngủ ngoan, Chi ạ. Anh muốn làm đứa trẻ khờ dại đi qua nhà bé, đứng ở ngoài cổng nhìn ngu ngơ vào vườn thấy bé đang nô đùa, rồi anh về xếp diều thả bay lên trời. Thôi, anh xin làm một con chim nhỏ, về đậu bên khung cửa sổ nhà bé, hót lên mỗi sáng bé vừa thức dậy. Để bao giờ bé cũng còn là Anh Chi. Anh Chi hồn nhiên muôn đời của anh.
Trở về thành phố tôi ở, mười lăm ngày không đủ để ký ức mình xóa bỏ được những ám ảnh cũ. Tuy thế tôi tưởng như mọi điều đều lạ lùng, thay đổi, dù quanh quẩn vẫn những con đường, những hàng cây, những dãy phố, đã vây bọc tôi bấy lâu. Chỉ còn nguyên những ồn ào, những bụi bậm. Tôi tìm về, chờ cho đêm xuống và ra ngồi một mình ngoài ban-công. Vuông ban-công thật nhỏ, nhưng lại đủ để tôi cảm thấy là cả một khu công viên mát rượi của tôi từ thuở mới lớn, mới cảm thấy tất cả những giao động của tuổi trẻ cựa mình thật chậm. Tôi đốt tiếp những điếu thuốc lá. Tôi nghĩ tới bạn bè, những Khoa, những Viễn, những Nghiệp... Mày là thằng con trai khờ khạo hết sức, Huy ạ.
Đến sáng hôm sau chị Hà mới nhắc tôi, Huy có một mớ sách ở trong ngăn kéo cuối cùng đó. Đó là mớ sách của mẹ Chi gửi cho tôi. Không có giấy vở và nét mực tím của học trò tiểu học nào cả. Mẹ Chi viết cho tôi trên tấm thiếp nhỏ của bà, nét chữ rắn rỏi:
Mừng em Huy thi đỗ.
Tôi đã gửi em Chi vào học ở Domaine de Marie Đà Lạt từ đầu tuần. Em sẽ nội trú ở đây và đợi niên học mới. Chắc là khí hậu nơi này sẽ thích hợp với em. Chúc em Huy may mắn bên thềm đại học.
Mọi chuyện như thế là hơn. Tôi bình tĩnh lắm. Khi xếp những cuốn sách mới của mẹ Chi bên cạnh những cuốn sách cũ, tôi để ý một cuốn truyện với cái tựa “cánh đồng không bao giờ tìm lại”. Có lẽ cánh đồng ấy là cánh đồng thơ ấu, kỷ niệm hay cánh đồng hò hẹn, yêu đương. Cánh đồng nào đó chắc rồi cỏ sẽ cháy rụi với nắng trời, sương đêm cũng chẳng nuôi nấng cho nó xanh mãi được đâu.
Tôi thầm cám ơn mẹ Chi. Tôi thầm cám ơn những hàng me con đường trước nhà bé. Còn những lời nguyện bên Chi đã chứng giám cho tôi.
Cánh đồng của bé và anh vẫn còn xanh nguyên vẹn, bé ạ. Dù anh đã dại dột. Song có lẽ chẳng bao giờ anh thôi được mơ mộng. Và anh với bé vẫn còn được lập nghiệp muôn đời nơi quê hương mát rượi đó. Anh cầu mong khi lớn lên, anh đừng dại dột một lần nữa, đó là lần anh cảm thấy quá cần thiết bé trong cuộc đời anh. Hẳn là từ đó, đôi cánh mơ mộng của anh sẽ rụng mất, cho đam mê gặm mòn, cho thương đau rã rời.
Bỏ bẵng một thời gian, lâu lắm tôi không đi qua con đường quen thuộc trước nhà Chi. Một buổi sáng chủ nhật tình cờ tôi đi ngang qua đây, sân nhà Chi giờ chim bồ câu đã về đậu cả đàn, đầm ấm. Tôi nhớ tới người đàn bà có đôi mắt đục buôn, có lẽ bà không còn thích hoài một màu nâu nữa.
Cây ngọc lan ở lối đi chắc đã cao thêm và đầy hoa, ngát hương.
Xin xem tiếp Anh Chi yêu dấu
HẾT

Xem Tiếp: ----