- 9 -


- 5 -

    
ọ Ngô Tả Thanh Oai nổi trội những danh sĩ. Khởi nguồn là Ngô Thì Sĩ. Sĩ người chăm chỉ, khoan hậu, hiếu học thông minh. Tập văn ở đâu đều được các thầy khen nức nở. Khi tập văn lên trường tỉnh thì bài nào cũng sáng giá. Các học quan đầu tỉnh yêu Sĩ, đồng lòng viết lời chuyển đạt xin cho Sĩ tập văn ở Quốc Tử Giám. Các vị danh thần đều cho văn của Thì Sĩ là hay, song khoáng dật, tung tẩy, không biết kìm hãm lúc cần kìm hãm. Để lộ phong tư tột bậc chính là điều người ta e ngại. Có người lại cho Sĩ ỷ tài, mục hạ vô nhân, dám khoe chữ trước mặt thầy, bạn, do đó ngấm ngầm ghét Sĩ. Đầu đời Cảnh Hưng, Thì Sĩ thi hương đỗ cử nhân, năm sau vào thi hội. Khảo quan lúc đó rất ghét Sĩ, bởi nghe lời gièm, khoá này Sĩ nói mình sẽ chiếm hội nguyên, nên bảo nhau, khi chấm nếu thấy giọng văn của Thì Sĩ, thì soi móc, tìm từng lỗi nhỏ vin thành lỗi lớn để đánh hỏng.
Có người yêu Thì Sĩ, dâng sớ lên Nghị Tổ Trịnh Doanh, Chúa liền bắt đem quyển văn của Sĩ cho mình xem, rồi gọi bọn khảo hạch đến bảo:
- Văn chương của người học trò này uyên bác, hồn nhiên, trung hậu, cớ sao bọn ngươi lại đánh hỏng.
Chủ khảo thưa:
- Người này có tài, chú ý đến đại cục mà quên tỉ mỉ, cẩn thận. Một bài văn mà phạm tới ba lỗi của trường thi, thì nên đánh hỏng, vả lại, khoa sau, nếu tài lực đích đáng thì bảng vàng vẫn có tên của hắn mà thôi.
Chúa Trịnh thở dài mà nói:
- Hiền tài không thể ba năm mới cho gặp mặt thiên tử. Sự đã rồi, ta không muốn vượt qua luật lệ có sẵn của trường thi, nhưng các ông thử xem mình có thật trọng tài Thì Sĩ hay là ghen tài với hắn.
Nói rồi tức giận đứng dậy đi vào... Các học quan bị quở càng tức tối. Khoa Bính Tuất (1766) Ngô Thì Sĩ lại đi thi. Giữa trường thi, ông nhiễm lạnh, đau bụng, luôn phải ôm bụng mà làm văn, cả một kỳ thi bốn trường, lai rai không khỏi. Kỳ đệ tứ, cơn đau quặn ruột, trán đẫm mồ hôi, mấy lần phải gác bút chườm bụng, đến gần tối mói nộp quyển, so với văn phong lần trước, kém sút hơn nhiều. Sĩ cho rằng kỳ này, mình không thể đỗ, hậm hực về chuyện không may, có lúc lại buồn nghĩ rằng số phận an bài.
Nào ngờ đến hôm yết bảng, lại thấy mình đứng đầu bảng, trên cả Nguyễn Bá Đương... Sĩ không hiểu ra sao. Vào dự yến Chúa đãi, Sĩ còn được Chúa mời lên cùng Bá Đương hỏi chuyện văn thơ, ưu ái lắm... Hỏi ra mới biết, chính Sĩ đau bụng, văn lực kém hơn bản lĩnh hằng có mà che mắt được các quan trường. Trong khi đó, Bá Đương, tức khí vì cho văn mình không phóng khoáng, bữa ấy lại viết bay bướm hơn thường ngày, nên các quan chấm trường không biết văn của ai vào ai cả... Vì thế, Ngô Thì Sĩ mới trúng, đỗ đầu khoa Tiến Sĩ năm ấy...
Thì Sĩ được Chúa Trịnh Doanh rất yêu, bổ nhiệm vào các chức quan văn ở triều đình, sau này cho ra trấn thủ trấn Lạng Sơn, một nơi biên ải cực kỳ quan trọng. Đường hoạn lộ của Ngô Thì Sĩ cũng vô cùng chật vật. Ông đang làm việc ở Quốc Sử quán chủ trương viết sử tục biên cho Đại Việt Sử ký toàn thư, thường được Nghị Tổ Trịnh Doanh mời đến hỏi công việc, và Chúa thường khen tài học của Ngô Thì Sĩ trước mặt bá quan. Lúc ấy Việp Quận Công cũng dự trong hàng bề tôi tin cẩn được bàn bạc cùng Chúa những việc lớn, vốn là người chỉ được đề cao về việc quân mà Hoàng Ngũ Phúc cho mình là dòng dõi gia thế xuất thân. Sau khi đỗ hội nguyên, Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm lên ngôi Chúa cũng yêu Thì Sĩ lắm, lúc nào làm được thơ hay, gọi Sĩ vào hoa viên thưởng trăng, bình phẩm. Chúa lại còn ban thơ cho Sĩ nữa. Khi Hoàng Ngũ Phúc ra trấn thủ Phương Nam, đối mặt với Chúa Nguyễn, quyền uy lệch triều đình, Thì Sĩ làm tham chính xứ Nghệ An. Ngũ Phúc dựa nhân tài vật lực ở xứ này rất nhiều. Cuộc phân tranh làm cho dân chúng ở địa đầu đất họ Trịnh ngày càng lao đao, khốn đốn. Thì Sĩ vốn nhân hậu, có ý muốn khoan dân, những đề đạt của ông trái hẳn với chủ trương của quan trấn thủ. Hoàng Ngũ Phúc vốn ghét sẵn Thì Sĩ, cho nên tâu với Chúa nhiều điều không đúng sự thực. Một lần Sĩ nói trong một bữa tiệc rằng:
- Cung quan lộc trong số tử vi của Thì Sĩ, có Hoá Lộc, Văn Khúc, Tả Phù, song lại có Phục Binh, nên làm Tham chính Nghệ An đã là may lắm.
Hoàng Ngũ Phúc cho rằng Thì Sĩ nói xỏ mình.
Quận Việp thu thập nhiều chuyện vu hãm Ngô Thì Sĩ trong mười năm không ngóc cổ lên được. Song Thì Sĩ là một người thông minh, thực học, giỏi xét đoán, Trịnh Sâm cũng là người không câu nệ, nên Chúa tôi lại hoà hợp được cùng nhau. Chúa gọi Thì Sĩ về triều, không để kìm nách Hoàng Ngũ Phúc nữa, sau đó chuyển lên trấn Lạng Sơn cho làm đốc trấn. Quả nhiên Thì Sĩ lo hoà hiếu được với tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông, đặt mốc, làm cõi đất rất phân minh. Ải Nam Quan được tu sửa, những thắng cảnh được tôn tạo, Thì Sĩ vỗ về dân chúng rất chân thành đôn hậu, được lòng cả người nghèo lẫn người giàu, gặp Sĩ ai cũng mời lên nhà sàn hoặc vào lều cỏ uống rượu, dân chúng từ Mẫu Sơn đến Thất Khê, từ Chi Lăng đến Tràng Định, thảy đều hết lòng ca ngợi. Chúa rất yêu quý Thì Sĩ, coi như một bậc trọng thần, xin gì cũng cho, từ quân quyền, lương thảo, người giúp việc, cho đến những vật phẩm đặc biệt để giao thiệp với những quan chức bản địa, hoặc bên kia biên giới.
Thì Sĩ rất liêm khiết, trung hậu. Khi về triều chỉ biếu Chúa vài lạng cao hổ cốt, một vài tấm thổ cẩm, cũng là thứ người ta biếu Sĩ, Sĩ thấy quý, dành lại dâng lên Chúa... Chúa rất thích sự chân thành, nói ngay trước mặt bá quan:
- Thì Sĩ làm quan ở biên giới, vất vả trăm bề, thân nho sinh mà ngày phải cheo leo vượt dốc núi đến tận nơi hiểm yếu, không bị kẻ xấu hãm hại, thì cũng chạm phải rắn rết độc và thú dữ. Người ta cho của ngon, vật lạ, lòng thành lại nhớ đến ta... Làm bề tôi như thế, quả thật hết lòng, ta thật hài lòng về ông.
Rồi cởi áo lót ban cho Sĩ... Thì Sĩ ứa nước mắt mà nhận. Triều đình ai cũng cảm kích... Người được Chúa yêu như bạn là Nguyễn Khản, phút ấy, cũng phải cúi đầu ngẫm nghĩ, thấy mình thờ Chúa chưa bằng họ Ngô ở Thanh Oai.
Gia đình Sĩ chuộng học. Bố của quan nghè hội nguyên là Đan Nhạc (Ngô Trân) rất hay chữ. Sĩ học chữ ở cha. Cha con tâm đắc lắm. Thời ấy, Sĩ chưa đỗ đạt, nhà còn nghèo túng, Đan Nhạc ngồi dạy học trò trong vùng, dạy cả con lẫn cháu.
Đàn con của Thì Sĩ học cũng rất thông minh, nhất là Ngô Thì Nhậm. Nhậm sắc sảo, ưa biện luận, thích thắng người. Khi ngồi học cùng với các anh, em và bè bạn, bao giờ cũng muốn văn của mình hay hơn người. Nhậm học rất nhanh, thông tuệ, sắc sảo. Ông nội là Đan Nhạc thường nói với Sĩ:
- Thằng Nhậm tài năng xuất chúng nhưng kiêu căng, khinh suất, dễ nhiều sơ hở. Người dùng được nó chỉ có những bậc phóng khoáng, lão thực, chứ loại tầm thường thì không thể nào “tin cậy” được. Ta già rồi, sau này con hãy kèm cặp nó!
Sĩ hiểu ý cha, khi Đan Nhạc mất, liền trực tiếp dậy con. Thì Nhậm rất phục bố, nhưng những lúc nhấp rượu lên môi, vui với bạn bè, bị kích động, thường nói:
- Thầy cho kiến thức. Cha cho hình hài, chứ đâu có cho sự nghiệp. Sự nghiệp là ở bàn tay và khối óc của mình...
Có người bạn nghe cười và hỏi đểu:
- Thì Nhậm có định làm Gia Cát Lượng thời nay không?
Nhậm trả lời ngay:
- Kẻ sĩ nhập cuộc, nên hay không, thành hay bại, không nói trước được. Song Nhậm này hẳn là không để cho ai sai khiến được mình, nếu như trong lòng chưa phục. Gia Cát Lượng giỏi việc ở Trung Hoa chứ chắc gì giỏi việc ở nước Đại Việt này.
Nói đoạn cười ầm lên. Sĩ không hợp tính con, rèn giũa đã nhiều, nhưng hiệu quả với Nhậm chưa được bao nhiêu. Sĩ thấy Nhậm lắm lúc ngụy biện, thích gì thì biện bác bằng được thứ mình thích.
Lúc thì sùng Nho, lúc lại sùng Phật. Lúc thì tôn Vương An Thạch như bậc thầy, lúc lại say sưa với pháp trị của Hàn Phi Tử. Sĩ tự hào về Nhậm mà cũng không ngớt lo toan về đứa con khác hẳn những đứa con khác trong nhà.
Tuy không hài lòng về tính nết của con, song về trí thông minh và học hành, Ngô Thì Sĩ vẫn quý Nhậm hơn trong đàn con cũng thông minh và hiếu học. Trước mặt bạn bè hay chữ, để luyện rèn con, Sĩ thường xin phép cho Nhậm ngồi dự thính nghe bình thơ hoặc tranh luận về những nghĩa lý uyên thâm của Kinh Dịch, cái hay cái dở của thuyết kiêm ái, thuyết pháp trị... Sĩ rất chuộng nho. Nhậm ngồi dự, có lúc nhịn không được về lối bàn kề rề, bài bản của các bậc cha chú, hoặc những lối nghĩ không dám vượt ra khỏi qui củ của người xưa. Nhậm xin phép cha và mọi người đứng lên biện bác, rất hùng hồn và đâu ra đấy, tuy đôi ba chỗ có phần ngụy tác. Thì Sĩ rất sung sướng, nghe con đàm luận từng mảng, từng câu rất chăm chú. Nhưng bao giờ kết thúc, Sĩ cũng ngoảnh mặt về bè bạn, xá dài một vái nói:
- Nhậm con tôi còn trẻ, mạnh mà cứng, mong các vị huynh trưởng bỏ qua cho những lời lỗ mãng.
Được cha rèn cặp. Nhậm tiến bộ rất nhanh và cũng hiểu được cái hay, cái dở của lớp người lớn tuổi, nên càng tin ở chí tiến thủ của mình. Nhậm ra sức học hỏi, mười sáu tuổi đã tập viết sách... Cũng là do Thì Sĩ vốn làm ở Quốc Sử quán hướng dẫn cho con, Nhậm viết cuốn “Nhị thập tứ sử toát yếu”. Bạn bè của Sĩ ai cũng cho là thần đồng. Kịp đến năm hai mươi tuổi, Nhậm viết cuốn “Tứ Gia thuyết phủ”, thì họ không còn dám khinh thường Nhậm là tuổi trẻ háo danh nữa...
Thì Sĩ cũng thấy tính nết và sức học của con trai vượt khỏi vòng tay của mình.... Ông chỉ cố gắng đến phút cuối cùng hướng con thiên về chuyên môn, khảo cứu. Lòng ao ước của ông là mong sao Nhậm được làm ở Quốc Sử quán hoặc là chức tu nghiệp ở Quốc Tử Giám, có thể góp phần làm sáng danh của các đại gia của các học thuyết và làm rạng rỡ họ Ngô nhà mình. Sĩ thường lo sợ nó với những người thân:
- Thằng Nhậm rồi sẽ là một người xuất chúng. Nhưng ham muốn của nó lớn quá, không biết dòng họ có được nhờ nó hay lại đắm đuối vì nó...
Cũng vì Nhậm phá cách như thế, nên đám anh em ruột của Nhậm như Thời Chí, Thời Thiến lại nhất nhất tôn sùng kính trọng cha tự nguyện làm theo gương của cha. Và họ cho rằng được như thế đã là toại nguyện. Bởi là con trai một danh gia, nên được các bậc khoa bảng bạn bè rất chú ý. Có lần được hỏi về đường hoạn lộ sau này, Ngô Thì Chí khiêm nhường nói:
- Tôi chỉ mong bằng một nửa của cha tôi cũng đủ vinh hạnh lắm rồi.
Còn Ngô Thì Nhậm nói:
- Trí lực là một chuyện, thời thế mới là quan trọng. Ai mà nói trước được với thới thế. Nhưng tôi là người lấy trí lực để thuận theo thời thế. Còn lên voi xuống chó là chuyện thường vẫn xảy ra ở chốn công danh.
Năm mười chín tuổi, Ngô Thì Nhậm đi thi hương đỗ đầu. Bốn năm sau, nhà nước thiếu người trong các chức nghiệp, mở khoa sĩ vọng, Nhậm đi thi trúng cách, và mấy tháng sau được bổ làm hiến sát sứ ở Hải Dương.
Là một viên quan trẻ, có thế cha, Ngô Thì Nhậm không hề nghĩ mình có ưu thế hơn người khác. Nhậm lấy sức học mà đoán định công việc, làm tròn chức trách, được quan đầu tỉnh rất tín nhiệm. Thì Sĩ vẫn lo con kiêu căng, tự phụ, hợm mình, tự tay viết thư cho người sai khiến con mình, lời lẽ khiêm cung, trao gửi con cho ông ta. Lại cho gia nhân đem rượu hồi, mật gấu, cao hổ..., đem tặng, cử chỉ rất thân tình, nên Nhậm được che chở, hướng dẫn ngầm ở bên trong. Nhậm không hề biết chuyện ấy, vẫn tin tự tài mình mà có. Thư viết cho cha, dù lời rất nhu thuận, song cũng hé lộ những điều tự tin, tự mãn. Thì Sĩ đọc rất kỹ thư Nhậm, nói với Thì Chí, đứa con trai ông rất tin cẩn rằng:
- Dòng họ của mình từ tay trắng mà lên, đáng lẽ phải thầm lặng mà trau dồi bản lĩnh, đặt cái giỏi của mình giữa sự tài giỏi của muôn người, coi sự khéo kéo của mình là sự vụng về của người khác. Con không thông minh sắc sảo bằng thằng Nhậm, nhưng con lại có điều ấy. Còn thằng Nhậm thì...
Ngô Thì Chí nói:
- Thì Nhậm thì sao hở cha?
Thì Sĩ đăm đăm nhìn vào vách núi mà nói:
- Con thử xem, trong một vườn hoa, bông nào đẹp nhất, thì chẳng bị hái đầu tiên đó sao...
Chí vốn đôn hậu, thưa:
- Thế là tốt chứ, chưa cha. Hoa đẹp, lộng lẫy, thì được tôn trọng và ưu ái, đó là điều hợp với lẽ thường.
- Con ơi, con nông nổi lắm!
Thì Sĩ giảng để Chí nghe:
- Hoa đẹp nhà này có, nhà kia không có, từ đó mà sinh lòng ghen ghét đố kỵ lẫn nhau. Năm nọ, chỉ vì các nhà quyền quý thích chơi thuỷ tiên, nhà nào cũng khoe là mình thanh lịch. Một vị trấn thủ, thuộc loại quan võ, giò thuỷ tiên nhà ông ta gầy mà xấu. Khi ông ta đi thăm các nhà, họ đều cứ đem thuỷ tiên của nhà mình ra mà khoe. Quan trấn thủ, bực lắm, nén giận, không nói gì. Đến năm sau, cấm các nhà buôn ở chợ lớn trong tĩnh không được bán thuỷ tiên... Năm ấy, chỉ nhà quan trấn thủ có thuỷ tiên. Các quan đến, quan trấn thủ đem thuỷ tiên ra khoe. Các hiệu thuộc dưới trướng của ông ta đều im thin thít đưa mắt nhìn nhau. Con xem đấy. Chuyện hoa đẹp ấy là có thật, cha không hề thấy trong sách... Vậy mà thằng Nhậm...
Thì Chí biết cha là người cẩn trọng, tinh tế, lặng yên không nói.
Trịnh Sâm rất yêu Thì Sĩ, cho là người trung hâu cũng muốn dựa vào họ Ngô để gây thêm uy thế cho mình ở đám sĩ phu Bắc Hà. Lại đọc quyển văn của Thì Nhậm ở khoa Sĩ vọng, nên rất lưu ý.
Năm Ất Mùi (1775), Thì Nhậm thi Hội đậu tam giáp tiến sĩ, đứng hàng thứ năm. Lúc này Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc đã thôi không thao túng được triều đình. Thì Sĩ đã được phục chức làm đốc trấn Lạng Sơn. Thì Nhậm đang làm giám sát ngự sử đạo Sơn Nam, được gọi về triều, ban chức Đốc đồng trấn Kinh Bắc, kiêm Đốc Đồng Thái Nguyên. Cha con họ Ngô bỗng trở nên một nhà vọng tộc lừng tiếng ở kinh thành. Khi tiễn cha đi trấn thủ Lạng Sơn, Ngô Thì Nhậm trong tiệc rượu, vẩy bút viết xong bài thơ, đọc ngay trong tiệc rượu. Đó là bài “Hạ tôn thiền, phó hùng trấn”, lời lẽ như sau:
Ngũ sắc tường vân giáp đạo kỳ
Sủng quanh thứ nhật bách thuyền kỳ
Nhất gia binh trượng liên tam trấn
Vạn lý trong cương khống nhị thuỳ.
Xuất cách thù ân chân ngộ Chúa,
Bồi hoan thắng họ toại vi nhi,
Vũ ban nguyện hiến Nam Sơn thọ,
Chú Cẩm đường tiền khánh thái mi.
 
(Mừng cha đi trấn thủ nơi quan yếu
Mây lành năm sắc, rợp cờ bay,
Ngày trọng, cao sang lắm vẻ hay.
Một nhà binh tướng quyền ba tỉnh,
Trăm dặn biên thuỳ đã mấy tay?
Ơn lớn ngửa nhờ thời gặp Chúa,
Vui lây vốn hiếm thoả lòng trai,
Múa say một khúc chúc cao thọ,
Nhà gấm mừng cha, dạ tỏ tày.)
Thì Sĩ biết lòng con, rất vui, cũng đọc thơ cho mọi người cùng nghe. Khi đến nhận chén mừng của Ngô Thì Nhậm, ông chân thành nói với con:
- Cha mong con hơn cha, làm rạng danh tiên tổ và dòng họ. Con ở ngay kề bên kinh đô, lo việc hình sự ở hai tỉnh lớn, cha chỉ khuyên con một điều đọc được ở trong sách: “Cẩn trọng nên việc lớn. Khiêm cung được phúc bền”. Có điều gì khúc mắc, chưa tường tận, con cứ thực lòng hỏi các bậc cha chú, bè bạn. Họ đều là những bạn bè thân thiết của cha con mình.
Thì Chí cũng siết chặt tay Thì Nhậm, cáo biệt lên đường đi Lạng Sơn.

*

* *
Quận Huy vẫn nằm im ở nhà, nghe ngóng. Từ khi Thế Tử Trịnh Tông từ chối không dùng, Huy bực bội, tức tối lắm, định bụng thế nào cũng làm cho Tông mất ngôi Chúa. Lại nghĩ, bọn cận thần của Chúa, vốn trước được giao cho phò Tông, khi Chúa chưa có Cán, đều tưởng ngôi thứ của mình bền chặt. Bây giờ, Chúa lại có Thị Huệ bên mình, sinh thêm được Vương Tử Cán. Họ biết Chúa rất yêu Huệ, yêu Cán, song số phận của họ đã gắn bó với Tông hàng chục năm nay thiên hạ đều biết, họ trở cờ làm sao được. Vì thế đám Nguyễn Khản, Nguyễn Dĩnh, Nguyễn Khắc Tuân đành đâm lao theo lao. Họ chỉ con lo dựa vào Thái phi, là người trước và sau vẫn cứ muốn ngôi Chúa thuộc về cháu đích...
Năm ấy Chúa mệt nặng. Quan thái y được điều vào phủ, ngày đêm túc trực để chữa trị. Chúa vắng chầu hàng tháng. Mọi việc đều giao cho hai phủ Tham Tụng và Bồi Tụng, thay Chúa điều hành.
Trịnh Tông có một lũ tay chân, xuất thân từ nghề thư lại, vốn nhanh nhẹn, được việc, Chúa dần dần tin cẩn, việc lớn, việc nhỏ đều bàn với chúng. Từ khi Đặng Thị Huệ sinh Cán thì Tông luôn vung tay cho chúng tiền, để móc nối với bên cung Tuyên Phi, hầu moi lấy những tin tức về việc lập Thế Tử để liệu bề định đoạt.
Một bận, Thế Thọ đến cạnh Tông nói nhỏ vào tai:
- Chúa ốm nặng lắm, Thế Tử đã biết chưa?
- Hôm qua cha ta còn duyệt quân ở Giảng Võ đường thôi.
- Thế tử không chú ý đấy. Mọi ngày Chúa ra coi việc quân, thường cưỡi voi, đi tán tía mà đến. Hôm qua, Chúa phải đi kiệu đến đấy!
Đám quân ngự lâm tập luyện lâu quá, Chúa ngồi giữa nắng, về đến thềm thì trúng gió, ngã quật xuống thềm, bất tỉnh nhân sự. Thọ báo cho Tông tin ấy. Tông mừng lắm, bèn nói:
- Đêm qua ta nằm mơ mặc áo chầu chàm, đội mũ chữ đinh, đứng ở phủ đường ngơ ngẩn không biết đi đâu, không biết là điềm gì!
Nho sinh Đàm Xuân Thu vỗ tay reo lên nói:
- Tôi có đọc sách đoán mộng, thì việc đó chính là điềm nhà Chúa có tang.
Thế Thọ khuyên Trịnh Tông:
- Chúa ốm, là một dịp may hiếm có cho ta. Bây giờ, ta phải lo thực lực, nhỡ Chúa có mệnh hệ nào thì việc lớn mới xong được.
Thế tử hỏi:
- Vậy ta phải làm gì?
- Thế tử hãy xuất tất cả những vàng bạc châu báu, cho người đi sắm vũ khí, chiêu mộ binh sĩ, ếm sẵn trong thành. Nếu thấy Chúa mất, Thế tử ở bên màn trướng truyền tin ra, chúng tôi sẽ liệu định.
Trịnh Tông nói:
- Việc lớn không thể khinh suất. Lỡ việc không thành thì không những ngôi Chúa không giành được mà ta và các ngươi đều mất mạng. Ta lại nghe Quận Huy không được ta dùng, quay về bám gấu váy Đặng Thị Huệ. Huệ đã tâu với Chúa, tha tội chết cho hắn, giờ lại cho coi một đạo quân cấm vệ ở Cửa Đông. Việc đó không thể khinh xuất được.
Đàm Xuân Thu hiến kế:
- Quận Huy mới liên kết được với Thị Huệ, vả lại Chúa tuy yêu Cán, nhưng Cán ốm yếu lắm. Chúa cũng rất nể Thái phi, chưa định đoạt ngôi Chúa được. Thể lệ nhà Chúa phải mười hai tuổi mới được ra lập phủ riêng... mười tám tuổi mới phong Thế Tử. Chúa muốn truyền ngôi cho Cán, cũng phải lựa ý đại thần, xem xét điển lệ, chứ không thể làm vội được... Nay Chúa đang ốm nặng, tôi xin sang bên trấn Sơn Tây bàn với Hồng Lĩnh hầu, Thế Thọ lo liệu việc quân cho Thế tử, còn Sơn Thọ thì lập tức sang trấn Kinh Bắc bàn với Tuân Sinh hầu. Hai trấn này gần ngay Thăng Long, nếu họ hết lòng, khi Chúa viên tịch, đem quân về thì thế nào việc lớn cũng xong.
Trịnh Tông mừng lắm! Liền xuất châu báu, vàng bạc giao cho chúng để ngầm gây thế lực.
Bữa ấy, Tuân Sinh hầu vừa ở phủ đường trấn Kinh Bắc về tư thất thì Sơn Thọ đã chờ ở trong nhà. Thấy người của Thế tử, Tuân Sinh hầu vội vào tiếp ngay. Sơn Thọ vái lạy rồi tháo đường khâu ở gấu áo đoạn ra, đưa thư của Trịnh Tông cho Tuân Sinh hầu. Hầu bèn giở ra đọc. Thư vắn tắt có mấy dòng:
Trịnh Tông kính cẩn gửi thầy học là Tuân Sinh hầu,
Hầu là chỗ thân tín của Tông này, nhân có mộng lành và Kinh thành thời tiết có chiều thay đổi. Mùa xuân sắp đến, có chậu hoa không nở hưởng một mình, đưa Thẩm Thọ đến biếu Ngài mong được cho lời giải mộng, ơn dạy bảo vẫn hằng ghi tạc dạ, mong được đền đáp sau này. Mọi việc Sơn Thọ sẽ nói để Hầu rõ.
Trịnh Tông bái bút.
Sơn Thọ ở nhà khách chờ Tuân Sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân trả lời. Tuân là người cẩn trọng kín đáo, một mặt cho người tiếp đãi Sơn Thọ rất chu đáo, hỏi cặn kẽ mọi việc về Chúa, về Thế tử, về Quận Huy. Tuân là quan văn, tuy làm trấn thủ, nhưng quân quyền lại do quan phó trấn nắm. Dưới quyền có đốc đồng Ngô Thì Nhậm, vốn cũng là trợ giảng của Thế tử, nên Tuân Sinh hầu tin là Nhậm cũng ngả theo mình. Hầu muốn rằng nếu người thân cận của Thế Tử có đủ dũng lược, Nguyễn Khản trước sau phò Trịnh Tông, cắt quân từ Sơn Tây về, thì Nguyễn Khắc Tuân cũng sẽ kéo quân sang phối hợp. Còn nếu như một trong hai đạo quân kia thất bại, hầu sẽ án binh bất động và phe cánh Quận Huy và Đặng Thị Huệ trước sau đều phải thâu nạp Hầu, đó chẳng là kế “lấy biến ứng biến, lấy loạn trị loạn” ư...
Tuân Sinh hầu nghĩ được ra đối sách, rất hài lòng. Một mặt ra sức chiều chuộng Sơn Thọ, hứa hẹn rất đằm thắm, nhưng chỉ là lời lẽ đầu môi.
Thọ vốn cũng là một kẻ tinh đời, ở đấy một tuần, xem ra đoán được ý Tuân Sinh hầu. Thọ nằm đặt tay lên trán nghĩ:
- Phàm làm việc lớn phải dựa vào đám người trẻ, hăng hái, chứ mấy cái đám hầu tước, quận công lõi đời trong đường hoạn lộ, thấy cái hắc ẩn mới nhúng tay vào; thấy lợi trong tầm mới thò tay thủ túi. Họ giống như con cá no mồi, khó mà lôi kéo vào những chuyện tày đình được.
Sơn Thọ cũng mong Thế tử nên công nghiệp, thì cái thứ cao không cao, thấp không thấp như mình mới đắc dụng được.
Sơn Thọ nghĩ đến Ngô Thì Nhậm. Thọ từng thu học ở Nhậm, năm Nhậm cáo quan về nhà cư tang, Nhậm dạy học thường chú ý đến những học trò giỏi, nên cũng chẳng biết Sơn Thọ là thằng nào? Thọ học Nhậm thấy giảng những triết lý cao siêu về Hàn Phi Tử, về Lý Tư, về Vương An Thạch, có lúc lại bàn đến các tông chỉ của Thích Ca Mâu Ni, Đường Huyền Trang, Trúc Lâm Tam Tổ, nghe thì thấy rất hay mà nắm bắt thật khó, Sơn Thọ liền bỏ học đi làm thư lại ở phủ Thế tử. Sau Thế tử thấy khôi ngô nhanh nhẹn, liền tuyển chọn vào làm tay chân gần gũi.
Thấy Tuân Sinh hầu chưa quyết, Sơn Thọ liền tìm cách ra mắt Ngô Thì Nhậm.
Thầy trò gần mặt không nhận ra nhau. Nhậm hỏi:
- Ông là ai? Ông mới ở Kinh thành sang ư?
Sơn Thọ cung kính thưa:
- Thưa quan nhân, tôi chính là học trò của quan nhân, xin phép cho được xưng hô thầy, trò cho tiện.
- Cám ơn anh, xin cứ tự nhiên.
Sơn Thọ nói:
- Thưa thầy, tôi là người của Thế tử.
Nhậm hơi chột dạ, song vẫn giữ thái độ rất điềm tĩnh, nhẹ nhàng đáp:
- Vậy ư? Có chuyện gì vậy?
Sơn Thọ nói:
- Thế nước đang biến động, ở miền biên ải phía Thuận - Quảng đang cần được mở rộng. Quan văn đang được tin dùng. Chúa là người từng trải và giỏi giang, nhưng từ ngày có Đặng Thị Huệ ở bên, thì lại mắc vào vết cũ của thời xưa như nhà Chu mất vì Bao Tự, Phù Sai đắm đuối Tây Thi, Đường Minh Hoàng lao đao về Quý Phi họ Dương... Vết xe đổ làm sao không lấn sâu vào được... Tôi thấy thầy nên nghĩ kỹ, nếu thầy giúp cho Thế tử thì sau này, ắt hẳn công danh phú quý không thể nào lường nổi?
Nhậm cười nói:
- Công danh, phú quý ư? Người khác cho cũng thật quý. Song nó ở đây này!
Nhậm lấy tay chỉ vào đầu mình... Sơn Thọ biết Nhậm rất kiêu căng, lặng im không nói gì nữa. Nhậm lại hỏi:
- Chúa thượng bệnh tình ra sao?
Thọ nói lấp lửng:
- Bệnh của Chúa là bệnh thời khí và ham muốn. Việc nước bề bộn, một mình phải phán quyết, thế mà đêm lại hết dạ hội này sang dạ hội khác triền miên bên Thị Huệ, thì sức gấu, sức hổ cũng không cứ nổi, huống chi sức người.
Nhậm lại hỏi:
- Ta nghe Quận Huy vừa được Thị Huệ tin dùng đã lấn lướt tất cả các cựu thần, việc đó có đúng không?
Sơn Thọ nói:
- Quận Huy cho người lo lót vàng lụa, một trăm lạng vàng cho Thế tử, nhưng Ngài không nhận, đem trả. Huy quay sang nương tựa cấu kết với Đặng Thị Huệ, phù Trịnh Cán, vì thế được mời dự vào Chính Phủ, cho mở phủ Trung Nhuệ. Từ lúc đó, các đám lau nhau ở triều chính lại ngả sang Huy và Huệ, thế lực rất lớn...
Nhậm kiêu hãnh nói:
- Thằng ấy khéo mồm nhưng tham lam và quỷ quyệt. Việc hoàn toàn tuỳ thuộc Chúa thân ai dùng ai thôi. Chúa mà còn thì tài trị nước hiện nay không ai bằng Chúa đâu...
Sơn Thọ biết Ngô Thì Nhậm cũng chưa muốn ngả sang một phe nào, Tông hay Cán, mà chỉ muốn trước sau thờ Chúa thôi.
Sơn Thọ cáo từ thầy học về phủ Tuân Sinh hầu. Hầu vẫn lơ lửng không mặn mà lắm. Thọ biết ý, liền cáo từ xin về Kinh đô.
Thế Thọ được Trịnh Tông phái sang ngầm báo với Khê Trung hầu, vốn là người tin cẩn của Chính phi và hết lòng với Trịnh Tông. Thế tử lại cho tay chân phao tin là sắp được cất quân vào Thuận Quảng đánh Chúa Nguyễn, nhân đấy mà cho Đàm Xuân Thu đem hàng ngàn lạng bạc cấp tốc sắm sửa vũ khí... Công việc rất gấp gáp nhưng hơi lộ liễu.
Trong cung có Đốc đồng Thái Nguyên là Nguyễn Huy Bá vốn cũng là kẻ hãnh tiến. Bá người làng Phú Thị, thạo việc, dáng nhanh, môi thâm, da màu rỉ sắt, mắt luôn luôn chớp và nhìn trộm, lại thích la cà quán rượu để nhặt nhạnh các tin đồn bậy bạ rồi từ đó, thấy có chuyện dính líu đến danh giá nhà đại gia nào thì đến tìm cách nói xa gần mà hứa giúp đỡ, hoặc vòi vĩnh. Làng xóm ai cũng ghét. Ít lâu sau, Bá lên Thăng Long kiếm ăn, buôn bán nhì nhằng, lại quen thói cũ khinh bạc, kết liên với đám nha lại, quân hầu của các tước hầu, tước bá.
Đánh hơi thấy việc Quận Thụy (Trịnh Lệ), muốn giành ngôi Chúa với Tĩnh Đô Vương (Trịnh Sâm), Huy Bá liền đem tố giác với Chúa, Quận Thụy bị bắt về triều hỏi tội, do đó mà Huy Bá được tiến vào triều. Bá là em họ Nguyễn Huy Cơ, vốn làm Tham nghị cho Quận Thụy. Nhờ bán anh và chủ cũ, Huy Bá được trao chức của anh họ, rồi về triều ít bữa được bổ làm Đốc đồng ở Thái Nguyên, vừa đi lĩnh chức. Biết Tuyên Phi đang được Chúa sủng ái, Bá cho con dâu cả vào hầu hạ, Đặng Thị Huệ rất tin cẩn vì ả khéo nịnh. Được con dâu tiết lộ cho một vài việc có dính líu đến hai tước hầu hiện đang trấn thủ ở Sơn Tây và Kinh Bắc, để dò la tung tích. Khi ấy, nhân từ Thái Nguyên về triều Huy Bá liền ghé Kinh Bắc thăm Đốc đồng Ngô Thì Nhậm, mượn cớ trao đổi việc có liên quan có hai trấn. Bá đang uống rượu liền bảo Nhậm đuổi tả hữu ra ngoài để nói việc quan trọng. Nhậm bèn đuổi hết tuỳ tùng thân thuộc ra. Bá nghiêm mặt hỏi:
- Ông có dính líu đến việc Tuân Sinh hầu, nhân lúc Chúa ốm định làm bạo thiên nghịch địa không?
Ngô Thì Nhậm ngạc nhiên, nghiêm mặt hỏi:
- Sao ông lại gắp lửa bỏ tay người vậy. Cha con tôi hai đời nay được Chúa hết lòng trọng dụng, đâu dám ra lòng kia khác, ông ngồi ở nhà tôi, không thể nói bậy được đâu.
Huy Bá thấy Ngô Thì Nhậm nổi nóng, biết là mưu xảo của mình có thể thành liền thủng thẳng nói khích:
- Quan Đốc đồng tiến sĩ xuất thân ơi, so với ông, tôi chỉ là một thằng biện lại mà được chức to, nhưng mà ông ngây thơ lắm. Thì ai có bảo ông phản Chúa Trịnh đâu. Có điều ông định thờ Trịnh Tông hay thờ Trịnh Cán sau này đấy?
Ngô Thì Nhậm biết Huy Bá không phải tay vừa liền nói cứng:
- Tôi là quan văn, chỉ biết việc làm tròn phận sự ở nơi mình nhậm chức, chuyện gì khác quả thực là tôi không biết.
Huy Bá nói:
- Chính vì tôi quý họ Ngô nhà ông, nên mới mượn cớ vào thăm ông. Ông là Tham tướng cho Tuân Sinh hầu, chắc việc gì ông cũng đều biết cả.
Ngô Thì Nhậm nhìn thẳng vào mặt Huy Bá, nói:
- Những việc trong trấn thì tất nhiên các quan đầu trấn phải lo, sao ông lại hỏi tôi những việc vòng vo thế nhỉ!
Huy Bá làm ra vẻ thân mật, vỗ vai Nhậm nói:
- Ông Nhậm ơi, ông thông minh mà vẫn chưa lường hết việc đâu. Ông là một người có tài, lại trẻ, Tuân Sinh hầu là một bậc lõi đời trong hoạn trường, rất được tin cẩn, vai vế ngang hàng với bậc thân phụ của ông. Bởi ông làm phó cho ông ấy mà ông ta phải bàn những việc phải bàn với ông. Cũng có việc ông ấy không bàn với ông đâu!
- Việc không bàn là việc gì vậy?
Huy Bá nheo mắt cười rất nham hiểm nói:
- Việc nhân Chúa ốm, mưu với Thế tử, đem quân về kinh thành, nếu như Chúa mệnh hệ nào, sẽ phò Trịnh Tông, phế Trịnh Cán vậy! Ông không biết ư?
Nhậm sợ toát mồ hôi, thú nhận:
- Quả thật việc này tôi chưa hề biết!
- Thế thì may cho ông đấy... ông có thấy người của Thế tử sang ở bên này hàng mấy ngày không. Nghe đâu y cũng sang thăm cả ông kia mà!
Nhậm thẳng thắn nói:
- Y là học trò sang thăm xã giao thôi.
Huy Bá chỉ cần nắm được chừng ấy tin tức, liền không về Thái Nguyên mà về thẳng Kinh đô vào ra mắt Quận Huy. Huy nghe hết mọi sự của Bá, chắc mẩm lần này sẽ triệt được vây cánh chính của Trịnh Tông, liền bảo Bá:
- Người cứ đem tất cả những chuyện nghe được, nắm được ở trấn Sơn Tây, trấn Kinh Bắc làm tờ mật tâu, ta sẽ đem vào trình Chúa cho.
Quận Huy lại cho người theo sát người của Đàm Xuân Thu đang đi sắm sửa vũ khí cất giấu ở những nhà thuộc hạ tín cẩn của Chúa.
Trịnh Sâm nhờ các quan thái y hết sức chữa chạy, bệnh tình đã đỡ, đi lại được. Mấy lần Quận Huy định tâu với Chúa, nhưng lại vướng người lạ, chưa thể nói được.
Chỉ một bữa, Đặng Thị Huệ đích thân nấu cháo cho Chúa, Huy muốn nói, thì Chúa đã đích thân đến bên cạnh Huệ bảo:
- Việc này để các thị tỳ làm, việc gì Tuyên Phi phải mó tay vào. Ta muốn đi dạo hoa viên, nhân lúc trời ấm!
Huệ nói:
- Ơn trời đất được thấy Chúa công khoẻ, thiếp mừng lắm. Mấy hôm trước, Chúa thường se mình, thiếp sợ quá.
Chúa cười vui:
- Ta biết Phi hết lòng với ta trong lúc ốm đau. Tự tay nếm thuốc, nếm thức ăn... Có lúc lại đích thân nấu những thứ ta thích cho ta ăn... Còn ta thì mơ mơ màng màng, lúc nào cũng phải nắm tay phi mới khỏi sa vào mộng mị...
Huệ nói:
- Tạ ơn Chúa thượng. Hôm nay người khoẻ hơn mấy hôm trước nhiều. Đó là hồng phúc lớn của thiên hạ.
Chúa ôm lấy người Huệ dẫn đi, lòng đầy ưu ái. Huệ nói:
- Trong lúc Chúa ốm, Quận Huy một mình cáng đáng những việc vượt quá cả sức, cả chức của mình.
Câu gợi ý khá sắc sảo, khiến Chúa không thể bỏ qua. Trịnh Sâm hỏi:
- Việc gì vậy?
- Chúa không được khoẻ, thần thiếp không dám nói.
Chúa cau mày, bảo:
- Việc hệ trọng thì phải nói thì mới lo liệu được chứ.
Huệ chỉ chờ có thế, liền tâu luôn:
- Mọi việc Quận Huy đã nắm kỹ. Thiếp là đàn bà, bởi hết lòng yêu và thờ Chúa, nên chỉ mách lẻo thế thôi...
Chúa đi chơi với Tuyên Phi về cho gọi Quận Huy đến ngay.
Nghe Chúa gọi, Quận Huy vội thủ trong tay áo tờ khiếu tố của Huy Bá. Chúa đang bực vì mình mới ốm có dăm bữa, nửa tháng mà triều đình đã lập tức bè nọ, cánh kia. Chưa biết bè nào, cánh nào dám dính vào tội tày trời này. Chúa sốt ruột mong Quận Huy tới. Thấy Huy, liền hỏi:
- Tuyên Phi nói ông biết điều gì đó rất hệ trọng, có đúng không?
Quận Huy vội thưa:
- Thần thì, Chúa công bệnh tình rất nặng, nay mới đỡ, nên không dám kinh động, vả lại, với đám quân Trung Nhuệ trong tay, thần tin là còn có thể lo liệu được, nếu như đám loạn thần dám giở trò điều kia khác...
Thấy Quận Huy hết lòng với mình, Chúa dịu giọng:
- Việc quan trọng thế cơ à?
Quận Huy liền đưa tờ sớ tố cáo Thế tử, Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản, Tuân Sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân và một số người khác nữa...
Chúa xem, mặt dần dần đỏ, cơn tức giận không kìm lại được, nói to lên rằng:
- Thằng Tông là con ta mà dám láo thế à? Tuân Sinh hầu là thầy ta. Nguyễn Khản là bầy tôi yêu cũng là bạn học thời bé của ta, nay lại đổ đốn hết như thế này hử!
Quận Huy im lặng không nói gì. Thấy Chúa to tiếng, Tuyên Phi đứng bên ngoài rèm, vẫn đang chú ý theo dõi, liền vội chạy vào, đỡ lấy Chúa đến ngồi ở giường đệm. Giọng của Huệ rất mềm mại:
- Đấy, Chúa Công lại tức giận rồi, Chúa ốm thập tử nhất sinh, nay mới được thế này là mừng lắm rồi... Xin Chúa cứ để việc triều chính cho các quan đại thần.
Trịnh Sâm nói:
- Bỏ mặc làm sao được. Những ngươi ta tín cẩn nhất đều phò tá thằng Tông, không ai nghĩ đến ta cả. Đến cả cái lão Khê Trung hầu, theo hầu ta từ lúc ta còn ở phủ Thế tử, cũng lại ngả về Thái hậu và thằng Tông. Mầm mống bạo loạn đều ở thằng con ngỗ ngược này. Ta phải trị nó mới được.
Quận Huy vội can:
- Thế tử đâu có lỗi, song nếu như Hồng Lĩnh hầu và Tuân Sinh hầu, hai viên trấn thủ ở sát nách kinh thành không chủ trương hoặc xúi bảy, thì cái đám nha lại, tay chân của Thế tử như Thế Thọ, Sơn Thọ, Đàm Xuân Thu, vía cũng không dám thóc thách. Binh quyền của Nguyễn Khản và Nguyễn Khắc Tuân vẫn còn nguyên. Chúa công giận trị tội Thế tử, tức là trị ngọn mà không trị gốc. Chi bằng cứ nghiễm nhiên như không. Hôm nào Chúa công khoẻ, nên ra coi chầu, vỗ về mọi người, nhắc nhở qua loa công việc. Thế tử thấy thế ắt cũng phải lo tẩu tán đám người và binh sĩ định làm loạn. Bấy giờ Chúa sẽ cho đòi Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân về thành, giam trong phủ, trừng trị cả một bọn, có thể mói dẹp yên được hậu hoạn.
Trịnh Sâm cho thế là phải, càng tin cẩn Quận Huy, có biết đâu Huy mượn gió bẻ măng, trị hai người trước đây từng điều mình về triều đình hại, nhằm triệt bớt uy thế của dòng họ Hoàng vốn là công thần mấy đời của nhà Trịnh.
Bữa ấy, về nhà, Quận Huy đắc ý lắm, liền gọi Công chúa họ Trịnh đến, hai vợ chồng ăn cơm riêng hàn huyên đến tận khuya.
Quận Huy nói:
- Công chúa bây giờ đã hết lo chưa?
Vốn là người đôn hậu, Trịnh Công chúa nói:
- Vợ lo cho chồng, chồng lo cho vợ, biết đến bao giờ cho hết. Em lo cho phu tướng là công việc hàng ngày. Chỉ khi nào phu tướng về đến nhà, thấy nét mặt tươi tỉnh như hôm nay, em mói cười lên được.
Quận Huy ôm lấy vợ và nói:
- Công chúa vẫn lo thế kia à?
- Làm sao không lo được. Khi phu tướng đặt chân về kinh thành, quân hầu đày tớ xớn xác, lúc nào mắt cũng hướng về cổng trước và cổng sau, nơm nớp sợ triều đình đem quan quân đến nhà làm điều quá quắt. Lại khi sang nhờ cậy Thế tử, bòn hết của nả, bán cả đồ tư trang mới được trăm lạng vàng và ít đồ quý, vậy mà đồ biếu bị trả về. Thế lực của Thế tử cũng nghiêng triều. Họ Trịnh nhà em, cứ ngành trưởng, ngành thứ, con lớn, con bé lúc nào cũng ngòm ngòm nhìn vào ngôi Chúa... Những lúc ấy, bên ngoài vẫn tươi cười, vẫn lụa là, nhưng thân là Công chúa, mệnh phụ của Quận công, nhưng trong lòng thì sợ hãi hơn cả đứa cùng đinh hết gạo, người ốm kinh gió mạnh.
Quận Huy vỗ vỗ vào lưng vợ cười nói:
- Ta có người vợ hiền lại là cành vàng lá ngọc thế này thì lo việc lớn không thành. Nhưng đại hạn qua rồi, Công chúa không phải lo nữa...
Liền đem hết chuyện nói cho Công chúa nghe, rồi cười đắc ý hỏi:
- Xoay chuyển được tình thế này, ta cũng nhờ vào tay Công chúa đấy.
Công chúa nói:
- Em chỉ là người lo xin ở cửa sau thôi, nếu tướng công không có tài, thì đâu được như thế này.
Quận Huy hết sức chiều chuộng vợ, song Công chúa hết lo khuynh gia bại sản về chồng nắm quyền binh uy lực lớn khiến nhiều kẻ muốn triệt hạ, nay lại lo chồng liền kề bên người đẹp Tuyên Phi. Mà Quận Huy cũng vốn là một người hiếu sắc.
Quận Huy thấy vợ không được vui, liền hỏi:
- Công chúa có điều gì chưa đắc ý?
- Ồ không, tướng công, lo toan của đàn bà thì biết bao giờ cho hết...
Huy ranh mãnh nhìn Công chúa mỉm cười:
- Tao khang chi thê bất khả hạ đường(1), huống chi Công chúa còn là ân nhân của ta...

*

* *
Ngô Thì Nhậm biết chuyện của Sơn Thọ thì sửng sốt vội chạy sang dinh của Nguyễn Khắc Tuân.
Nhậm hỏi:
- Tôi nghe nói, có việc của phủ Thế Tử quan trọng lắm, có phải không, đại quan?
Tuân Sinh hầu làm như không biết:
- Chuyện gì vậy hở quan Đốc đồng?
Ngô Thì Nhậm thấy Tuân Sinh hầu cố giấu mình nên nó toẹt luôn ra:
- Sơn Thọ sang chỗ tôi, có nói phủ Thế tử nhân khi Chúa ốm, sợ Quận Huy liên kết với Tuyên Phi, nên bàn sắm sửa vũ khí định cùng hai trấn kéo về Thăng Long khi Chúa băng hà... Thọ nói đã trình với quan lớn rồi.
Tuân Sinh hầu biết là Thọ có nói chuyện kín với Ngô Thì Nhậm, liền hỏi:
- Ý ông thế nào?
Nhậm nói:
- Thế Tử quá sợ ngôi Chúa về tay Trịnh Cán, nên mới cố tình làm thế. Hơn nữa Quận Huy hiệu quân ở bốn trấn, thì Sơn Nam, hắn đã từng quen thân, Hải Đông thì quân biển mạnh, quân kỵ yếu, lại là chỗ tôi đã từng ngồi lo việc hiến sát, bạn bè tôi bên ấy cũng đông, hắn cũng không lo tuy cũng ngại. Chỉ còn trấn Sơn Tây là Hồng Lĩnh hầu và trấn Kinh Bắc ta, là chỗ đáng gờm của Quận Huy. Thế tử nôn nóng, việc mà lộ ra thì có khác gì chui đầu vào rọ.
Tuân Sinh hầu không thích Nhậm, cho là Nhậm hậu học lại thích bàn chuyện lớn, liền im lặng không nói gì. Nhậm ra sức thuyết phục, phân trần:
- Thế tử dù không được Chúa yêu, nhưng được Thái hậu và các đại thần nhiệt thành bảo trợ. Ngôi Chúa trước sau cũng về ông ta. Vả lại, cần đừng làm cho Chúa phật ý trong lúc này. Quan lớn và Hồng Lĩnh hầu được Chúa thượng giao cho bù trì cho Thế tử, giả như, Chúa có mệnh hệ nào thì vẫn lo toan đem nước thuộc về cho Ngài. Vậy mà Thế tử lại nghe mấy đứa hầu, xúi bảy, nôn nóng... Chúa thượng là người sáng suốt, dù đang bệnh, được tin này, cũng đủ nóng giận, lúc ấy Quận Huy và Đặng Thị Huệ hầu bên màn trướng lựa gió, bẻ măng thì làm sao giữ nổi thân, xin quan lớn hãy minh xét.
Tuân Sinh hầu nói:
- Ông là tuỳ giảng cho Thế tử, Sơn Thọ hẳn cũng nhắn gửi điều gì đó...
Ngô Thì Nhậm nói:
- Hắn định trao tiền cho tôi, bảo tôi cử người lên Lạng Sơn mua ngựa cho Thế tử, Đặng Mậu Lân vào việc binh biến. Tôi làm sao giúp được việc ấy...
Tuân Sinh hầu thấy Nhậm có vẻ vẫn còn rất trọng Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, ý tứ khác hẳn mình, liền nói:
- Trấn thủ một trấn, tôi và ông chỉ biết làm tròn phận sự trong trấn của mình. Có lẽ thế là hơn cả!
Nói đoạn đứng dậy gọi lính đem ngựa để đi xuống các phủ huyện.
Mấy ngày sau, có lệnh từ phủ Chúa đòi Nguyễn Khắc Tuân và Ngô Thì Nhậm phải về phủ Chúa ngay.
Tuân Sinh hầu chột dạ, nhưng cũng vội lên kiệu về kinh thành.
Tới phủ Chúa, đến nhà Tả Xuyên, Nguyễn Khắc Tuân thấy thầy học của Thế tử là Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản, quan A bảo cho Thế Tử là Hân Quận Công Nguyễn Dĩnh cũng ngồi cả đấy. Nguyễn Khắc Tuân thấy phải được ra mắt Chúa để giãi bầy gan ruột của mình. Cái đám cận thần của Thế tử nhìn nhau, lặng im như thóc. Tuân biết sự việc lành ít dữ nhiều, liền đi thẳng vào điếm Quyển Bồng, nơi Chúa ngồi xét các việc của các đại thần tâu xin. Tuân khẩn khoản xin được gặp Chúa. Bọn người hầu nể Tuân bẩm vào. Một lúc sau, từ nơi Chúa ngồi, Quyết Trung Hầu ra, nói to cho mọi người nghe rằng:
- Chúa truyền cho Tuân Sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân rằng: Ông ta và Thế tử muốn chống lại Chúa thì cứ sắp sẵn binh mã, Chúa sẽ cho người ra đối địch.
Tự nhiên đầu gối của Tuân Sinh hầu run bắn lên. Hầu lảo đảo bước ra, gặp Ngô Thì Nhậm ở Tiểu Bút điếm. Nhậm cũng đang được các quan trong Nội Mật Viện mời vào hỏi chuyện. Thấy nét mặt của Nhậm bình thản, biết là Nhậm đã nói những diễn biến gần đây ở Kinh Bắc cho họ. Tuân Sinh hầu nói:
- Ông liệu có bị liên lụy gì với tôi chăng?
- Thì tôi đã chẳng khuyên ông đừng dại mà manh động cùng Thế tử ư?
Tuân cúi đầu không nói gì, buồn bã đi về nhà... Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân chờ Chúa gọi, đến bốn năm ngày vẫn chưa thấy động tĩnh. Thấy Nhậm là người được để ra ngoài vụ án, Nguyễn Khản nói chuyện Khắc Tuân mới rõ. Lại nghe nói Ngô Thì Nhậm được Phủ Bồi tụng bảo phải làm rõ việc Thế tử cùng với Hồng Lĩnh hầu và Tuân Sinh hầu mưu loạn, liền sang gặp Thì Nhậm, có ý bảo Nhậm viết sao cho khéo để họ nhẹ tội hơn. Nể lòng vì là những bậc làm quan đồng triều với cha mình, Nhậm nói, trong tờ khải lên Chúa, Nhậm sẽ đổ cho bọn tôi tớ liên kết với đám hầu cận của Chúa là Thẩm Thọ, Sơn Thọ và Đàm Xuân Thu. Hai tước hầu mừng rỡ ra về... Nhưng sau khi tờ khai của Nhậm dâng lên, Chúa lập tức giận dữ... Rồi Chúa lại đích danh sai Ngô Thì Nhậm cùng một số người khác phải đích thân tra xét vụ này... Do đó, Kinh thành đồn ầm lên rằng Ngô Thì Nhậm lừa thầy phản bạn. Ngô Thì Sĩ đang ốm nặng ở trấn Lạng Sơn, được người nhà lên mách, lòng rất buồn bực. Ông nửa tin nửa ngờ. Ông rất biết cái nết thích hơn người, ham hố chức quyền của con... Một đời ông lấy tài ra thờ Chúa, giúp nước; được hai đời Chúa yêu từ lúc còn là học trò mới đỗ đạt, lên voi xuống chó cũng nhiều, cuối cùng cũng tìm được cách sông. Đó là, cứ tài mà làm, cứ việc trên bảo mà làm cho tốt. Đừng mộng đại thần, tể tướng, sai khiến trăm quan mà làm gì... Nhậm hình như cách tiến thân lại khác hẳn cha. Nhậm cho rằng, tài lớn phải được thi thố, phải tìm cho được người dùng mình. Có lẽ Nhậm muốn Chúa chú ý đến mình mà dấn sâu vào vụ mưu loạn của Thế Tử thế này để mang tiếng cho cả dòng họ Ngô ở Tả Thanh Oai..., Sĩ còn mặt nào mà trông thấy bạn bè nữa...
Nhậm vẫn chưa lên hầu cha được. Sĩ bệnh nặng lại thêm bị bệnh uất đến bất thần, mặt đỏ nhừ, thổ huyết ra mà chết.
Nhậm được các anh em ruột bàn, dâng sớ về cư tang cha, không dính vào xét xử vụ án nữa. Do đó, Nghĩa Phái Hầu Lê Quý Đôn mới bắt tay vào tra xét. Mấy tháng sau, án mới định, và dâng lên Chúa xem...
Nghĩa Phái Hầu Lê Quý Đôn trình Chúa tất cả sự tình của vụ án, nêu rõ tội trạng từng người. Chúa cho gọi Quận Huy, Quận Hoàng, Quận Khanh, Quận Châu, Quận Điểm, Tứ Xuyên hầu và Thuỳ Trung hầu đến dự, đọc cho hết tội trạng của Trịnh Tông mưu biến, rồi ứa nước mắt nói với họ rằng:
- Làm cha không ai nỡ chém con, làm Chúa không ai nỡ bỏ cận thần tin cẩn. Nay thằng con cả của ta hám ngôi Chúa, các đại thần tin cẩn lúc nào cũng ở bên ta bàn bạc việc lớn, việc nhỏ, ơn lộc dồi dào lại quay ra phản ta. Vậy thằng Tông, Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc Tuân, Nguyễn Dĩnh và một lũ hèn mọn ấy, tội trạng ra sao, các ông hãy nghị tội chúng nó. Ta chờ ý kiến các ông.
Nói rồi, quay về phủ Chúa. Đến chiều, Nghĩa Phái Hầu Lê Quý Đôn, đến dâng bản nghị tội của các đại thần. Lời lẽ khá sắc bén:
“Trịnh Tông là con đích, Chúa thượng ra sức yêu thương, bù trì gây dựng cho từ khi trứng nước, lòng tham, chí đoản, mê muội làm càn. Rắp binh khí, liên kết với thầy học để mưu chuyện đại nghịch, tội ác bạo thiên nghịch địa, không thể tha thứ, nên xử trảm để nêu lời răn cho kẻ bất hiếu.
Tuân Sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân, Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản, nối đời ăn lộc Chúa, người được Chúa quý trọng khác thường, tước lộc đứng đầu trăm quan, nay lại đem lòng phản phúc, liên kết với đứa con ác, quên nghĩa lớn thờ Chúa xưa... Việc ấy ở người thức giả không thể cho là tội nhẹ được, cũng dự vào tội chết chém.
Hân quận công, làm đến chức A bảo cho Chúa thượng, lại được giao tiếp dạy dỗ thái tử, đáng lý biết việc xấu phải can, can không được phải tố cáo. Nay cứ im lìm không nói, tảng lờ như không biết. Vậy thì lòng trung ở đâu? Tội chết rành rành, nhưng là thầy học cũ, nên cho tam ban điển lệ...”
Chúa xét tội trạng, cầm bút, mắm miệng ghìm cả cơn bực, cơn đau, phê rằng:
“Ta đọc kỹ lời bàn của các đại thần, xem nghĩa sách từ Kinh Xuân Thu, thì đứa con ác Trịnh Tông, phải trị thật nặng. Nhưng tình cha con ruột thịt, lòng ta đau như cắt, mở lượng hải hà, truất ngôi trưởng xuống làm con thứ. Tên Tông phải biết tội, suốt đời lo tròn đạo làm tôi.
Nguyễn Khắc Tuân, Nguyễn Khản, vốn là những người biết chữ Thánh hiền, tam cương, ngũ thường không nhớ, giúp ác hành ác, trở giáo định làm loạn triều đình, tội ấy tha làm sao được. Nhưng nghĩ Tuân là người hầu hạ từ nhỏ, Khản là bạn học cũ từ xưa, hai đời đã thờ họ Trịnh, ta cho tự liệu định lấy.
Khê Trung hầu hầu bên màn trướng, ân sủng đặc biệt không riêng gì cho hắn, mà cho cả gia tộc ở làng. Tước có, đất phong có, sau lại nối giáo cho giặc. Tội cũng tự liệu.
Riêng a bảo Hân Quận Công Nguyễn Dĩnh, trải thờ hai triều, từng là thầy học của ta, biết mưu đại nghịch, nhưng không tham dự vào. Xét tính thật thà, nhút nhát, châm chước tội hình, tha tội chết, lột tuột chức tước, đuổi về quê quán làm dân thường...”.
Lệnh ban xuống, Khê Trung Hầu, Tuân Sinh Hầu biết có sống cũng chẳng ra người liền uống thuốc độc tự tử. Hân quận Công bị tịch biên gia sản, quân hầu, đầy tớ tản mát hết, mặc áo vải thô, đi chân đất, rũ rượi bước ra khỏi dinh thự nguy nga ở ngay kề phủ Chúa...
Hồng Lĩnh hầu trốn biệt đi đâu không rõ. Bọn Sơn Thọ, Thẩm Thọ, Đàm Xuân Thu... đều bị chém và bêu đầu ngay trước cổng thành...
Có viên thư lại của Nguyễn Khắc Tuân, khảo tra rất đau, vẫn gan góc không chịu nhận, biết rõ lòng dạ và oan ức của Tuân... nhưng Nghĩa Phái hầu Lê Quý Đôn cũng cứ ghép vào tội tử hình. Khi lôi ra y uống rượu rồi đập vò nói lớn:
- Ta can dự gì vào việc này mà bị đến tội chết. Trời không có mắt. Đất này không có quan rồi. Mù hết. Câm hết. Điếc hết rồi.
Rồi viết một bài thơ:
“Không tội cớ sao mà chết chém.
Trời không có mắt, đất không quan.
Một thằng gian nịnh, một con đĩ,
Lật ngửa bàn cờ, nhạo thế gian”.
Và giơ ngọn bút trước mặt lũ đao phủ:
- Ta chết oan, ta giắt ngọn bút này, dương thế không có Bao Công thì ta đi kiện Diêm Vương vậy.
Ai nghe thấy cũng phải nuốt nước mắt vào trong.
Huy Quận Công thấy Tuân Sinh Hầu, Khê Trung Hầu đã chết, Hân quận Công đã mất sạch chức tước, Hồng Lĩnh hầu trốn lủi như chó cụp đuôi, trong lòng rất đắc ý.
Gặp Tuyên Phi Đặng Thị Huệ, y nói:
- Bây giờ Chính phi đã có thể ăn ngon ngủ yên rồi. Phe cánh Trịnh Tông thực sự đã bị vặt gần trụi…
Tuyên Phi vỗ về:
- Công lao của ông sẽ được bù đắp đích đáng, chỉ sợ ông không hết lòng với mẹ con ta thôi!
 
Chú thích:
(1) Người vợ trong lúc hàn vi, thì không thể bỏ được.