Dịch giả: Trọng Khiêm
Chương 1
Cuộc đấu giá

     ào mùa hè năm 1990, hai nước Đức chuẩn bị thống nhất sau bốn mươi năm chia cách và gây hấn khởi sự từ lúc trật tự hậu chiến do Đồng minh chiến thắng áp đặt vào năm 1945 và được duy trì do sự xung đột tiếp nối của các cường quốc. Công trình đời tôi, cống hiến cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đang sụp đổ trước mắt tôi. Đất nước của tôi, nước Đông Đức, đã thất bại không đáp ứng được với danh xưng Cộng hoà Dân chủ Đức, đang phải chấp nhận một cuộc hôn nhân cưỡng ép với anh khổng lồ kinh tế châu Âu, nước Tây Đức. Tiến trình hình thành một nước Đức độc lập đang trên đường hoàn tất, và dù tôi không rõ một nước Đức thống nhất có ý nghĩa gì đối với châu Âu, tôi biết chắc một điều: Tôi sẽ bị truy lùng.
Ngày thống nhất được ấn định vào ngày 3-10-1990. Đi đến đâu tôi cũng thấy đất nước của tôi và hệ thống đã gầy dựng nên nó đang trở thành vật phế thải. Những kẻ tìm kiếm kỷ vật nhộn nhịp mua bán huy chương và đồng phục, những gì đã từng tạo nên niềm hãnh diện cho những ai khoác mặc tại Đông Đức. Nhưng tâm hồn tôi lúc đó không hề vui hoặc có một nỗi buồn man mác nào cả.
Mặc dù chúng tôi đều là người Đức, có cùng một ngôn ngữ và một nền văn hoá sâu sắc hơn cả những chia cắt của hàng rào kẽm gai thời hậu chiến tại châu Âu, tinh thần của chúng tôi thuộc một loại tranh chấp đặc biệt. Đây không những là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, giữa người Đức với người Đức. Đây là một cuộc đối đầu giữa nước Đức tư bản với nước Đức cộng sản, nằm trong bối cảnh toàn diện nhằm thanh toán những di sản của Mác và Lê-nin và những bất công thực hiện nhân danh chủ nghĩa xã hội. Đất nước tôi là một minh chứng hùng hồn nhất về sự chia rẽ giữa hai bên ý thức hệ sau Chiến tranh thế giới II. Sự chia cắt này chấm dứt với một tốc độ mà không một ai ngờ trước được, cả Đông lẫn Tây.
Tôi vẫn luôn xác nhận công tác điều khiển cơ quan điệp báo mang một trách nhiệm đặc biệt trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Trong một bài hát tôi giúp soạn tháo từ khuôn mẫu Xô viết để huy động tinh thần các tân binh, tôi đặt công tác của họ nằm trong “Chiến tuyến vô hình”. Đây không phải là một lối nói cường điệu. Trong vòng 40 năm sau khi Chiến tranh thế giới II chấm dứt, chúng tôi luôn tự đặt mình vào vị thế chiến đấu chống lại các thế lực của tư bản chủ nghĩa đang bủa vây chúng tôi.
Trung tâm điểm của công tác chúng tôi là Berlin, nơi phân chia giữa hai hệ thống ý hệ nằm trong trạng thái đông đặc. Các chiến lược gia và các chính trị gia ở cả hai bên đều nghĩ nếu có xảy ra chiến tranh thứ ba, có lẽ Berlin là điểm phát xuất. Nhưng tiếp theo sự sụp đổ của Bức tường Berlin tháng 11 năm 1989 và cánh cửa Đông Đức mở toang ra thế giới, nước Cộng hoà Dân chủ Đức mau chóng tan biến và không còn là một quốc gia nữa. Thực sự, tôi không thể nào mường tượng được công trình của đời tôi lại có thể chôn vùi trong sự sụp đổ toàn diện của nước Đông Đức tôi đã từng phục vụ. Bốn năm trước khi Bức tường sụp đổ, vì cảm thấy ngột ngạt trong những cơ cấu hành chính xơ cứng quanh tôi, tôi về hưu và rút lui khỏi cơ quan để bắt đầu cầm viết; dưới sự lãnh đạo trì trệ của một Erich Honecker đau yếu, tôi không thấy một triển vọng thay đổi nào phát xuất từ bên trong. Nhưng chính tôi cũng bị hoàn toàn bất ngờ vì tốc độ suy sụp của quốc gia này. Đối với rất nhiều người, màn kết khi đến không vui chút nào cả; có người kể cho tôi nghe nỗi nhục nhã của họ.
Các nhân viên thuộc Cơ quan Công an Đông Đức, một trong những cột trụ chính của nước Cộng hoà Dân chủ Đức, đã bị kết tội bởi giới truyền thông, giới chính trị và toà án, họ trở thành Kẻ Thù Công Cộng Số Một. Đây là một diễn biến không thể tránh khỏi, ở vào chừng mực nào đó, đây là một diễn tiến đau đớn mà những người công dân của một chế độ sụp đổ phải gánh chịu và đương đầu với thực tế của quá khứ.
Ngày 15-1-1990, đám đông giận dữ tràn vào Tổng tham mưu của Bộ Công an quốc gia trên con đường Normannestrasse và tìm thấy một kho hồ sơ to lớn mà bộ đã lưu trữ dùng để rình rập các công dân mình. Tôi như đang sống trong một cái bẫy nghiệt ngã đang xiết chặt lại. Tâm thần tôi lúc đó chỉ nghĩ đến rút lui và từ chức. Tôi biết tất cả mọi hy vọng cải tổ nhà nước xã hội chủ nghĩa bây giờ đã tan tành (có một vài người nghĩ rằng những năm tôi về hưu là để trở thành một nhà cải cách tương lai theo kiểu Mikhail Gorbachev). Tôi cần một lối thoát tạm thời ra khỏi quốc gia nóng bỏng này.
Tôi hướng về Moscow, thành phố của thời niên thiếu của tôi, nơi đã cho gia đình tôi trú ẩn tránh nạn Hitler và nơi tôi luôn ghi đậm tâm tình. Trái ngược với suy luận bình thường, cuộc trốn chạy của tôi không có một kế hoạch rõ rệt nào cả. Tôi đang viết hồi ký về những biến cố năm 1989 và tôi cần thời gian và không gian để hoàn tất nó trong lặng lẽ. Nhưng tôi biết việc thống nhất có nghĩa là tôi sẽ bị giam cầm; đã có trát lệnh bắt tôi tại Tây Đức ngay trước ngày sụp đổ, tố cáo tôi về tội gián điệp và phản bội. Những con cá mập đang bủa vây.
Cô em gái dị bào Lena Simonova cho tôi trú ngụ tại căn hộ nằm trong căn phố nổi tiếng Nhà trên Bờ Đổ Bộ, nhà của các thành phần uư đãi thuộc giới ưu tú của Moscow kể từ những thập niên 1930. Mỗi lần tôi bước qua ngưỡng cửa đầy trang trí của căn phố này, tôi không thể nào quên được hùng khí bừng lên trong lòng của thanh niên Cộng sản tại Moscow, nơi chúng tôi nương thân với cha mẹ chúng tôi để trốn chạy Đệ Tam Đức Quốc (của Hitler). Bây giờ, nhìn xuống con sông Moscow đông đặc vào tháng Hai, tôi cảm thấy an toàn trở lại. Gió mùa đông giá buốt kích thích đầu óc suy nghĩ. Tôi rảo bước thật lâu quanh đường phố chật hẹp của khu Arbat cũ, suy gẫm về cuộc đời mình và những thăng trầm đã đưa đẩy tôi, một người sinh ra ở miền nam nước Đức, đến Moscow vào tuổi thiếu niên, đến nước Đức chia cắt vào tuổi trung niên, và bây giờ trở lại Moscow lúc tuổi hưu dưỡng.
Mục đích khác của chuyến đi sang Moscow này của tôi nhằm xem những đồng minh cũ trong KGB và điện Kreml có thể giúp đỡ tôi và các đồng nghiệp của tôi trong cộng đồng điệp báo đến chừng mực nào, nay quốc gia của chúng tôi đã thực sự tan vỡ. Chẳng có đồng chí anh em Moscow nào vồn vã hỗ trợ chúng tôi trong suốt mấy tháng căng thẳng vừa qua. Giống như chúng tôi, họ cũng hoàn toàn bị bất ngờ khi biến cố xảy đến. Tình anh em muôn thuở vẫn thường được tán tụng năm này sang năm nọ nay trở thành một mớ giẻ rách. Nơi trước đây các đường giây điện thoại ưu tiên vẫn suốt ngày reo giữa Moscow và Đông Berlin theo những cấp độ khác nhau giữa hai đồng minh, nay chẳng còn trao đổi gì nữa. Thư từ không ai đáp lại. Im lặng phủ kín.
Hộp thư tôi tràn ngập thư từ của các cựu sĩ quan trong cơ quan, cơ quan HVA (Hauptverwaltung Aufklärung, “Tổng Cục tình báo Trung ương” - Cơ quan điệp báo hải ngoại), họ than phiền bị bỏ rơi và đơn độc gánh chịu cơn thịnh nộ của đồng hương, nay tất cả những thái quá của Bộ Công an quốc gia đã được phơi bày. Quần chúng phẫn nộ khi họ khám phá tầm kiểm soát rộng lớn của hệ thống công an trên khắp lãnh thổ. Mặc dù công tác của tôi trong cơ quan HVA không bao giờ nhắm vào 17 triệu dân tại Đông Đức mà mục tiêu chỉ nhắm tìm hiểu ý đồ của các quốc gia khác đối với khối Đông Âu, tôi biết chẳng có mấy ai có chút tinh tế để phân biệt các ngành trong cơ quan Stasi (tên tắt quần chúng thường đặc biệt dùng cho Ministerium für Staatssicherheit, mà cơ sở chúng tôi cũng trực thuộc; một danh từ không một nhân viên nào trong ngành sử dụng và chính tôi cũng tránh dùng)

*

Tôi muốn biết bây giờ chúng tôi còn trông nhờ được gì với tư cách nhân viên của một cơ quan trước đây đã từng là cơ quan điệp báo giỏi nhất khối Xô viết.
Khi tôi đến, tôi được tiếp đón như thường lệ ở ngoại ô phía Tây Nam Moscow tại toà nhà lớn ở Yasenovo, trụ sở của Đại Tổng Cục KGB, trung tâm điều nghiên công tác điệp báo quốc tế. Giám đốc điệp báo hải ngoại Leonid Shebarshin và ban điều hành chào đón tôi thật là niềm nở. Chúng tôi biết nhau từ chục năm nay. Họ đem vodka và ân cần thăm hỏi về điều kiện sinh sống của tôi tại Moscow. Nhưng rồi sau đó cơ quan KGB xem ra không còn khả năng giúp đỡ chúng tôi được nữa, vì họ ở thế kẹt trong cuộc tranh giành quyền lực, bùng nổ vào giai đoạn cuối bấp bênh khi Gorbachev cầm quyền.
Vì trường hợp của tôi và số phận các sĩ quan, nhân viên và điệp viên trong ngành điệp báo của Đông Đức quá sức tế nhị về mặt chính trị nên Tổng thống Gorbachev đích thân giám định. Tôi biết những mối liên hệ của tôi với điện Kreml đều qua trung gian của Valentin Falin, một Uỷ viên Trung ương có uy tín và cố vấn ngoại giao cho Gorbachev, một người tôi hiểu rõ qua những nỗ lực quan trọng trong việc thắt chặt liên hệ Liên Xô và Đức. Việc can thiệp của Falin, một người được Tây Đức biết tiếng và kính trọng, báo cho tôi biết tôi là một mối phiền toái chính trị tiềm tàng. Ông được giao nhiệm vụ không mấy gì là đẹp giúp đỡ tôi nhưng không được quá lộ liễu để làm phiền phía Tây.
Đây không phải lần đầu trong cuộc đời của tôi, tôi nằm trong vị thế phải trông nhờ Bà Mẹ Nga cứu vớt tôi. Nhưng trái với những lời đồn đại, tôi chẳng có liên hệ chính thức nào với thượng tầng lãnh đạo Moscow khi tôi rời cơ quan điệp báo hải ngoại năm 1986. Giám đốc KGB tại Berlin, trước đó là Wassily T. Shumilov và sau đó là Gennadi W. Titov, cả hai đều liên lạc mật thiêt với Erich Mielke, Bộ trưởng Bộ Công an quốc gia, và tránh tiếp xúc với tôi. Có một vài người đồn đại tôi cùng với ông Cộng sản cải cách Hans Modrow đang chuẩn bị đảo chánh Honecker. Nhưng mặc dù tôi đã cảnh báo Falin và các đồng nghiệp khác tại Moscow chế độ Đông Berlin đang trên đà tan vỡ, tôi không hề yêu cầu hoặc nhận trợ giúp để áp lực lên cơ cấu lãnh đạo sau khi Honecker bị hạ bệ nhằm thúc đẩy một cuộc đảo chánh lật đổ ông ta ngay trong nội bộ Bộ Chính trị.
Thực tế mà nói, tôi có thể đoan quyết lý do khiến cấp lãnh đạo Nga tránh liên lạc với tôi sau khi tôi về hưu nằm ngoài lý do trung tín và phép xã giao. Trong thời gian ở Moscow, Falin và Sherbashin bàn luận rất cởi mở về những ưu tư của tôi đối với Đông Đức, nhưng họ bị lôi cuốn vào các vấn đề của Perestroika. Sau khi Bức tường sụp, các biến cố dồn dập với một tốc độ hầu như không một ai bắt kịp. Có lẽ đã quá trễ khi tôi viết một lá thư cho Gorbachev vào ngày 22 tháng 10 năm 1990 và trình bày như sau:
Chúng tôi là bạn của quý vị. Chúng tôi đeo trên ngực rất nhiều huy chương của quý quốc. Chúng tôi được tiếng đã đóng góp rất lớn cho an ninh của quý vị. Bây giờ, tôi thiết nghĩ quý vị sẽ không từ chối giúp đỡ chúng tôi.
Bức thư tiếp tục yêu cầu lãnh tụ Xô viết có thể nào xin ân xá cho tất cả những điệp viên Đông Đức và lồng điều kiện này vào thoả hiệp thống nhất nước Đức. Một bức thư hồi âm của Vladimir Kryuchkov, giám đốc KGB, nói rằng Gorbachev đã phái Đại sứ đến Bonn để bàn thảo lời yêu cầu của tôi với Thủ tướng Helmut Kohl. Thực ra ông Đại sứ được ông Horst Teltschick, Đổng lý Văn phòng của ông Kohl, tiếp chuyện. Họ bàn thảo về việc ân xá trong suốt mùa hè năm 1990 trước ngày Đồng minh bàn đến việc thống nhất nhưng họ không đạt đến một thoả thuận nào cả. Kryuchkov nghĩ rằng Gorbachev sẽ khơi động vấn đề này lại nhân cuộc họp thượng đỉnh tại Arys, miền Kavkaz, để hoàn tất những chi tiết trong việc thống nhất. Lời hồi đáp không cỏ vẻ gì khả quan. Lần đầu tiên, tôi bắt đầu nghi ngờ về lòng thành của Gorbachev. Có thể nào ông giao chúng tôi một cách vô điều kiện cho chính quyền Tây Đức, kẻ thù trước đây của chúng tôi?
Nhưng khi thoả thuận việc thống nhất với Thủ tướng Kohl tại Kavkaz từ ngày 14 đến 16 tháng 7 năm 1990, Gorbachev hoàn toàn bỏ rơi chúng tôi. Vào những ngày cuối của cuộc đàm phán, ông từ chối đưa ra bàn thảo lời yêu cầu miễn tố của chúng tôi. Lúc bấy giờ mối quan tâm bức thiết của ông là trưng bày một hình ảnh đẹp đẽ đối với Tây Âu và gọn ghẽ quên đi trước đây ông cũng là một người Cộng sản. Chính quyền Tây Đức sẵn sàng bàn thảo vấn đề miễn tố cho những ai đã phục vụ cho Đông Đức, nhưng khi vấn đề được đề cập nhanh chóng tại cuộc hội thảo, Gorbachev khoác tay và nói với Kohl là người Đức nên tìm cách khôn khéo giải quyết vấn đề với nhau. Đây là lần phản bội tột cùng của Xô viết đối với những người bạn Đông Đức, những người đã từng làm việc hơn 40 năm nay để cung cố sức mạnh của Liên Xô tại châu Âu.
Trong khi các nhà đầu tư mua bán mặc cả các cơ sở kỹ nghệ và cơ quan của Đông Đức, một cuộc đấu giá tuyệt mật khác khởi sự. Đó là cuộc đấu giá trên cá nhân tôi hoặc chính xác hơn trên những hiểu biết tình báo và hoạt động của tôi. Và giá treo đắt hơn hết mọi thứ: tự do của tôi.
Cuộc đấu giá bắt đầu từ một phía hoàn toàn bất ngờ, các địch thủ trước đây tại Tây Đức, cơ quan BfV (Bundesamt für Verfassungsschutz) Văn phòng Liên bang Bảo vệ Hiến pháp, một tổ chức tôi đã cài đặt các điệp viên và gián điệp nhị trùng xâm nhập vào ngõ ngách thâm sâu của nó từ hàng chục năm nay.
Tháng 3 năm 1990, cuộc bầu cử đầu tiên sau năm 1945 diễn ra tại Đông Đức đưa Đảng Dân chủ Thiên Chúa lên cầm quyền, được hỗ trợ mạnh mẽ bởi liên minh lãnh đạo của Thủ tướng Kohl tại Bonn. Đây là một chính phủ biết chăm lo; công tác chính là nâng cao Đông Đức theo kịp đà thống nhất và đồng thời giảm thiểu những nội loạn. Ông Bộ trưởng Nội vụ là một người ăn mặc gọn ghẽ, một anh chàng có vẻ năng động tên Peter-Michael Diestel, xuất hiện từ một trong những đảng bảo thủ thành lập tại Đông Đức vào những ngày đầu Đông Đức sụp đổ.
Lúc này, Erich Mielke, từng là Bộ trưởng Bộ Công an của nước Cộng hoà Dân chủ Đức và là cấp trên trực tiếp của tôi trước khi tôi về hưu, đã bị bắt và áp lực trên các nhân viên và sĩ quan cũ trong cơ quan của chúng tôi buộc họ phải tiết lộ những bí mật mỗi ngày một gia tăng. Phản bội lan tràn và có những cuộc mặc cả giữa các nhân viên kỳ cựu và chính quyền Tây Đức. Cuộc thương lượng thường xoay quanh vấn đề miễn truy tố đổi lấy những bí mật của Đông Đức. Các sĩ quan tình báo lo sợ họ phải nằm tù vào những ngày đầu của nước Đức thống nhất. Mỗi ngày tôi nhận điện thoại của các nhân viên tuyệt vọng yêu cầu tôi can thiệp. Tôi được biết hai nhân viên cao cấp trong Bộ đã tự vẫn. Bern, thằng con rể của tôi, chỉ huy một ban trong cơ quan HVA đặc trách về điệp báo nhắm vào cơ quan phản gián của Tây Đức, gần đây cũng được đề nghị miến tố và hưởng nửa triệu DM đổi lấy những hiểu biết về hoạt động điệp báo và những mục tiêu trước đây của đương sự.
Đương sự bác bỏ lời đề nghị nhưng, vì tuyệt vọng bởi sự nghiệp đổ vỡ thình lình và sụp đổ của một hệ thống mà đương sự đã từng tin tưởng với hết tâm can, rơi vào khủng hoảng tinh thần và đã định tự sát. Giống như trường hợp của hàng chục người khác cuộc đời dù đúng hay sai đã dính liền với hệ thống đổ nát này, đương sự cảm thấy hết thời và vô dụng. Họ không được một trợ giúp tâm lý nào cả; tinh thần tự trọng và lòng tin vào chủ nghĩa của họ qua một đêm sụp đổ cùng với Bức tường Berlin.
Vào lúc này, Diestel gọi cho tôi tại nhà nghỉ ở Prenden, gần Berlin, và mời tôi đến gặp tại tư gia ông ta. Ngay từ lúc gặp gỡ đầu tiên tôi rõ biết ông ta làm việc theo lệnh của Bộ trưởng Nội vụ Tây Đức, ông Wolfgang Schäuble. Nhưng khác với các chính trị gia mới, ông ta không lấy gì làm vui thú nhìn sự bất hạnh của tôi. Trái lại, anh ta mong muốn tạo nên một bầu không khí thân thiện giữa hai chúng tôi. Mặc dù có những khác biệt rất lớn trong chính trường Đông Đức (và tôi chắc chắn bất đồng với lập trường cực kỳ Bảo Thủ của ông Diestel) cùng chung một quá khứ giúp chúng tôi có được một chút tâm cảm.
“Chúng ta cùng nhau dùng một bữa ăn tối và bàn thảo về những tiến triển tới, nhé?” ông ta hỏi một cách nhẹ nhàng. Ông nói người phụ tá sẽ thu xếp mọi việc.
Một vài ngày sau, một chiếc xe BMW xanh lơ đến rước tôi, loại phương tiện di chuyển mới của những kẻ có thế lực, thay thế cho những chiếc Citroën và Volvos trước đây vẫn được các lãnh tụ Cộng sản ưa chuộng. Tôi có ý định vặn hỏi ai trong cấp lãnh đạo trước đây được tài xế đưa rước cách đây vài tháng, nhưng tôi tế nhị không nói.
Tôi cảm thấy thú vị khi nhận ra những người hầu bữa ăn tối đều làm việc cho Bộ Công an trước đây. Diestel nói: “Những gì tôi đề nghị với ông bây giờ là tuyệt mật”. Ông giải thích chính quyền Tây Đức rất khổ sở trong cố gắng mổ xẻ tìm hiểu những hoạt động tình báo rộng lớn và tinh vi của Đông Đức, điều nghiên những tài liệu do hệ thống cộng sản để rơi lại trong lúc sụp đổ không kèn không trống. Người kế vị tôi khi tôi rời bỏ nhiệm sở năm 1986 ông Werner Grossmann và một sĩ quan cao cấp khác, ông Bernd Fisher, đã được lệnh hướng dẫn các viên chức Tây Đức trong sồ lượng khổng lồ tài liệu nhưng họ không theo dõi kịp danh sách những nhân viên điệp báo và điệp viên, và không có một bảng tổng kết tương đối rõ rệt về những hiểu biết của họ. Ông Bộ trưởng Nội vụ Schäuble rất nôn nóng, đoan chắc các nhân viên điều tra của ông đã thất bại trong việc tìm hiểu toàn bộ công trình của chúng tôi.
“Ai là người có thể giải thích rõ cho họ ngoài tác giả đã xây dựng tất cả nền móng này và điều khiển cho nó chạy như một cây kim đồng hồ?” Diestel thúc giục tôi đồng thời châm nước vào ly của tôi. Ông không chỉ đơn thuần xin tôi một ơn huệ. Lẽ cố nhiên là sẽ có phần thưởng: được miễn truy tố về tội phản bội nhà nước Tây Đức. “Lên xe của tôi”, ông nói, “và đến văn phòng của Boeden với tôi [Gerhard Boeden lúc đó là giám đốc cơ quan phản gián của Tây Đức, cơ quan BfV]. Nói cho chúng tôi biết khoảng 10 hay 12 tên điệp viên cao cấp tại Tây Đức và giúp đỡ chúng tôi nhận diện những tai hại mà phía các ông đã làm, và chúng tôi sẽ dàn xếp để ông không bị truy tố”.
Boeden, ông ta nói tiếp, sẵn sàng bảo đảm cho tôi được tự do không có chuyện bẳt bớ nếu tôi chấp nhận khai báo cho đương sự. Cuộc thảo luận đã được cẩn thận dàn xếp từ trước, Boeden sẽ nhẫn nại chờ đón tôi cách đó vài dặm để xác minh cho lời mời của Diestel. Chúng tôi cũng đề cập đến việc tôi cộng tác với cơ quan truy lùng khủng bố của Tây Đức với những hiểu biết sâu rộng của tôi.
Bây giờ đến lượt tôi thương thuyết. Tôi nói tôi chân thành cảm tạ đề nghị miễn tố nhưng tôi cũng có trách nhiệm với những thượng cấp và nhân viên của tôi trước đây.
Một đỗi sau Diestel cảm thấy chán ngán với cuộc giằng co này. “Ông Wolf” ông nói, “Tôi thiết nghĩ ông biết rõ tất cả chúng ta sẽ vào tù không vì lý do này cũng vì lý do khác. Vấn đề duy nhất là miếng ăn và điều kiện sẽ ra sao khi chúng ta vào trong đó”.
Ông có ý ám chỉ những ai như chúng tôi đã từng phục vụ cho Đông Đức bây giờ chẳng còn chỗ đứng nào trong nước Đức mới. Trường hợp của tôi nhất định không thể nào thoát tội phản quốc và chui bò vài năm trong xà-lim.
Tôi sẽ là kẻ nói láo nếu tôi không nhìn nhận lời mời có sức quyến rũ mãnh liệt. Tôi muốn được tự do. Nhưng tôi cũng hiểu rõ tự do của tôi sẽ nguy hại đến tự do của các nhân viên nam nữ đã cống hiến cuộc đời của họ cho cơ quan của tôi và, đối với các nhân viên làm việc bí mật tại Tây Đức, nguy cơ ngồi tù nhiều năm. Họ sẽ đánh giá tôi như thế nào, người mà họ vẫn gọi là Ông Xếp, nếu tôi bán đứng họ lúc này? Tôi cám ơn Diestel về bữa cơm tối thân mật nhưng tôi từ chối lời đề nghị.
“Tôi để cho kẻ khác phản bội” tôi nói.
“Sẽ không thiếu người ghi danh”, ông nói và đồng thời quay lưng ra đi. “Nếu ông thay đổi ý kiến, sẽ luôn có xe sẵn chờ đưa ông cùng với tôi đến văn phòng của Boeden”.

*

Quả không thiếu những người muốn mua chuộc tôi. Một lời mời khác phát xuất từ một nơi mà tôi không thể ngờ dù là trong những ước vọng điên cuồng nhất của tôi, giúp tôi thẳng tiến trên đường tìm tự do.
Ngày 28 tháng 5 năm 1990, hai người Mỹ đến trước cổng nhà tôi ở dưới quê. Họ tự giới thiệu với một vẻ bình thản lạ lùng, họ đại diện cho cơ quan tình báo CIA và đưa một bó hoa to và một hộp chô-cô-la cho vợ tôi. Không hiểu bó hoa đó để khen tặng hay để đưa đám.
Người đàn ông cao niên, bộ mặt ốm và tóc hoa râm, mặc một bộ đồ đen xậm, áo sơ-mi trắng toát ủi ngay ngắn và đeo cà-vạt sọc. Ông ta tự giới thiệu là Hathaway và người uỷ nhiệm của ông William Webster, lúc đó là Giám đốc của Cơ quan Trung ương Tình báo của Hoa Kỳ và thừa lệnh ông ta đến đây. Ông nói tiếng Đức chính xác và gãy gọn.
“Một tên thư lại văn phòng” bà vợ Andrea tôi nói vậy, thì thầm nơi tai tôi khi chúng tôi lui vào bếp để vợ đi kiếm bình bông, tôi đi kiếm thuốc lá và gạt tàn. Hathaway là một trong những anh chàng cực đoan chống hút thuốc và yêu cầu tôi đừng mồi thuốc. Tôi hỏi đùa đây có phải là một chiến dịch mới của CIA không và ông cười một cách xã giao không có vẻ gì thực thà cho lắm.
Người tháp tùng, trẻ và béo mập hơn, vui vẻ tự giới thiệu là Charles và xưng là Trưởng Ban của cơ quan tại Berlin, nhưng theo nhận xét của tôi đương sự có vóc dáng của một tên cận vệ. Hắn nói và phản ứng rất ít trong lúc trò chuyện, dù là mãi sau tôi mới biết y cũng am hiểu tiếng Đức. Andrea nghĩ đến những anh chàng Mỹ được thấy trên phim truyền hình về chiến tranh Việt Nam.
Họ đã cẩn thận không dùng điện thoại để liên lạc với tôi, hiển nhiên họ cảnh giác việc KGB và chính phủ Tây Đức đặt đường giây nghe lén. Họ năm lấy cơ hội một người sưu tầm quân phục tại Hoa Kỳ để liên lạc với tôi, và hỏi tôi có sẵn quân phục Đông Đức để bán không. Qua đường dây tiếp cận mới này giữa Đông và Tây, họ quyết định liên lạc với tôi.
Từ khi Bức tường sụp đổ, tôi cũng có cơ hội bằng phương tiện fax nhận thơ thăm hỏi của một người trước đây hoạt động cho CIA tại châu Âu; đương sự hầu như chẳng bao giờ moi móc tôi một điều gì; lời lẽ của đương sự biểu hiện thái độ thán phục phong cách của một địch thủ uy tín. Nhưng nay tôi tự hỏi đương sự có thể nằm trong kế hoạch tiếp cận tôi.
Dù thế nào đi nữa, có người trong Tổng tham mưu CIA đã tìm ra được tên và địa chỉ của Eberhard Meier người phụ tá thân tín của tôi, và đã liên lạc với đương sự để dọ hỏi xem tôi có muốn tiếp hai đối tác Mỹ không. Họ tỏ ra rất là chuyên nghiệp, không bao giờ dùng điện thoại hoặc thơ từ để có thể bị tiếp thu, và luôn tìm những phương tiện khác để gửi thông điệp đến tôi qua người phụ tá, không bao giờ trực tiếp. Tôi nói với anh phụ tá mời họ đến biệt thự của tôi, một nơi gặp gỡ kín đáo hơn là căn phòng của tôi tại Berlin. Tuy nhiên tôi vẫn ngẫm nghĩ không biết họ muốn gì. Đã 4 năm tôi rời cơ quan, tôi đâu còn gì để bắt cóc tôi, họ đeo đuổi việc gì đây?
Tôi không còn những phương tiện điệp báo như xưa nên tôi trở về với những nguyên tắc thuở ban đầu và khôn khéo thu thanh cuộc họp mặt trong một máy ghi âm giấu ở cạnh bàn. Bất cứ ai dù biết sơ sài kỹ thuật điệp báo cũng không bao giờ liên lạc với một thế lực thù địch mà không ghi âm toàn bộ buổi họp để tự bảo vệ tránh sau này bị nạn xăng-ta.
Hathaway bỏ ra cả nửa ngày trình bày nỗi thông cảm với những khó khăn của tôi trong giờ phút thống nhất nước Đức và việc tất yếu tôi sẽ bị bắt giữ. Ông tâng bốc tôi cao độ và tôi danh tiếng trở thành một trong những cấp lãnh đạo tình báo đứng đầu thế giới.
Tôi cảm nhận ông ấy biết rất nhiều về tôi và ông đang cố gắng lựa lọc những định kiến của ông về tôi và chọn lựa những điều phù hợp với tình thế hiện tại. Thật ra, trong phong cách của một nhân viên tình báo có bản lãnh, ông tiết lộ rất ít về cá nhân ông để có được một tiết lộ quan trọng của người đối thoại. Ông nói ông đã từng hoạt động tại Berlin vào những thập niên 1950 và theo dõi rất sát những năm đầu của tôi trong nghề. Tôi ước đoán trong lúc đối thoại ông cũng đã từng lãnh đạo trụ sở CIA tại Moscow.
“Ông là một người làm việc cần mẫn và thông minh”, Hathaway nói.
Đầu tiên là củ cà-rốt, tôi tự nhủ, sau đó là cây gậy. Chúng tôi uống hình như là một biển cà-phê. Tôi hút thuốc và người khách của tôi bất bình ra mặt. Cuối cùng tôi không chịu đựng được.
“Thưa hai ông”, tôi nói, “tôi thiết nghĩ hai ông từ đường xa đến đây không phải để ca ngợi cặp mắt tôi đẹp. Tôi đoan chắc hai ông cần tôi làm một chuyện gì đây”.
Cả hai đều phá lên cười, cảm thấy nhẹ nhõm, chiếc bánh rồi ra cũng được cắt đôi. Giọng của Hathaway trầm xuống.
“Ông là một người Cộng sản kiên định, chúng tôi biết điều này. Nhưng nếu ông cố vấn và giúp chúng tôi, ông có thể làm việc chung với tôi. Không ai biết chuyện này cả. Chúng tôi có thể dàn xếp, ông biết rõ. Chúng tôi có thể thực hiện được công việc này”.
Đầu óc của tôi bắt ngay những tín hiệu của ngôn ngữ mật mã và chuyển sang một tốc độ cao hơn. Đây là phái viên của chính phủ Hoa Kỳ, kẻ thù chính trong cuộc Chiến tranh Lạnh, đang chuẩn bị cung cấp cho tôi nơi tá túc để tránh sự phục thù của một đồng minh trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), nước Đức thống nhất.
“California”, ông tiếp tục nói bằng tiếng Đức trôi chảy, “là một địa điểm rất thoải mái. Khí hậu tốt quanh năm”.
“Sibir cũng thoải mái lắm”, tôi nói đùa nhưng lại đau xót thấy cách nói chuyện trong ngành tình báo thực tế đôi lúc cũng giống văn phong của tiểu thuyết gián điệp.
Chúng tôi đều phá cười, nhờ vậy tôi được một khoảnh khắc suy nghĩ.
“Vấn đề là tôi không biết rõ Hoa Kỳ. Tôi không mường tượng được cuộc sống của tôi tại đó”.
Hathaway nói Webster muốn mời tôi đến tổng hành dinh của CIA tại Langley, Virginia, để bàn thảo. Ông tiếp tục: “Chúng tôi có thể cải trang hoặc sửa mặt cho ông để ông có thể cảm thấy an toàn hơn”.
Tôi phải cố gắng hết sức để không phi cười khi tôi nghĩ đến những năm đầu tập tễnh học nghề gián điệp.
“Tôi mãn nguyện với hình thù nguyên vẹn của tôi”, tôi trả lời.
Một lần nữa, người đối thoại với tôi cười gằn. Đương sự nói tiếp là một số tiền rất lớn sẽ được trao cho tôi. Chúng tôi không đề cập đến những chi tiết, nhưng tôi biết một sĩ quan của tôi phụ trách về điệp báo nhắm vào Hoa Kỳ, Jürgen Rogalla, đã được một trưởng ban CIA tại Berlin hứa trao một triệu dollars để đương sự khai hết những gì đương sự biết, nhưng anh ta đã từ chối. Chúng tôi xã giao bàn về những hậu quả của sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và danh tiếng tốt của cơ quan do tôi chỉ huy.
“Lẽ cố nhiên”, ông nói “ông phải làm một việc gì đó cho chúng tôi”.
Lo ngại phải nhắc lại lời mời của chính quyền Đức trong việc khai tên các nhân viên của tôi để bù lấy tự do, tôi trả lời tôi không sẵn sàng trao danh tánh của bất cứ nhân viên nào của tôi.
“Chắc chắn sẽ có đền bù cho ông trong vấn đề này, lẽ cố nhiên là vậy” Hathaway nói.
Câu này gây cho tôi một cảm giác khó chịu, có lẽ vì nó gợi lại phong cách của chính tôi khi tôi dùng lối tâng bốc và kẻ cả để nói chuyện với nhân viên của tôi vào thời vàng son của tôi. Cái đám người này là cái thá gì mà dám nói với tôi như vậy.
“Thưa quý ông”, tôi trả lời, “Tôi có rất nhiều kinh nghiệm trong việc các ông đang cố gắng làm hôm nay. Tôi biết rất rõ các ông nghĩ gì. Các ông đòi hỏi đối tác của các ông rất nhiều nhưng đối tác của các ông không lấy gì làm vồn vã. Các ông phải biết kiên nhẫn. Các ông phải bàn thảo rất nhiều chuyện và mổ xẻ kỹ lưỡng vấn đề trước khi đi đến một quyết định chính thức”.
Đây là lối diễn tả khéo nhất những gì tôi suy nghĩ. Nhưng trong thâm tâm tôi chỉ muốn nói toẹt với Hathaway là đương sự lầm to, đương sự nói chuyện với tôi như thể nói chuyện với một nhân viên quèn mà đương sự có thể mua và bán dễ dàng. Tôi muốn nói thẳng với đương sự làm việc như vậy không được, chúng ta phải nói chuyện một cách nghiêm chỉnh trên cấp độ của hai người biết chuyện quá thành thạo.
“Nhưng ông phải giúp chúng tôi”, Hathaway nói.
“Có lẽ điều này đúng nếu tôi cầu cứu đến các ông” tôi nói, lần này không cần giấu diếm sự bực tức của tôi, “Các ông có thể vặn hỏi tôi đóng góp được gì cho các ông. Nhưng đàng này tôi không nộp mình cho các ông. Chính các ông đến đây mời gọi tôi”.
“Vâng, vâng”, Hathaway vội vã nói “đúng là chúng tôi đặc biệt đến Berlin để nói chuyện với ông”.
“Luôn luôn có giới hạn trong những cuộc bàn thảo như vậy”, tôi nói “Giới hạn của tôi là tôi không bao giờ phản bội bất cứ ai làm việc cho tôi. Không tên tuổi gì hết. Nếu các ông còn muốn nói chuyện với tôi, hãy mời tôi sang Hoa Kỳ một cách chính thức và chúng ta sẽ nói chuyện nghiêm chỉnh, như người lớn. Tôi cần được biết đất nước của quý ông để tôi có thể quyết định”.
“Nhưng an ninh của ông ở đây không khả quan chút nào”, Hathaway phản bác, nhắc nhở cho tôi biết nếu tôi ở lại Đức, chỉ còn một vài tuần nữa tôi sẽ bị bắt và điều này tôi biết quá rõ.
“Nước Nga luôn chờ đón tôi”, tôi đáp lại.
Khi nghe câu này, người đối thoại với tôi thình lình trỗi dậy, cảm nhận đương sự đang đấu giá với một đối thủ uy thế khác.
“Chớ đi Moscow”, đương sự nói “Đời sống nơi đó cực lắm. Hãy nghĩ đến Andrea. Hãy đến một nước mà mọi sự sẽ thoải mái cho ông, nơi đây ông có thể làm việc và viết sách một cách yên tĩnh. Theo ý kiến cá nhân của tôi, điều này chỉ có thể thực hiện được tại Hoa Kỳ mà thôi”.
Viễn tượng về hưu sung túc và nằm phơi nắng tại California hoặc Florida hơn là nếm mùi vị của nhà tù Đức đối với tôi thật là quyến rũ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy bất an khi nhìn thấy viễn tượng nộp mạng làm con tin cho CIA. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ quyết định siết chặt gọng kềm lên tôi? Đoán chừng họ cũng ghi âm buổi nói chuyện, và họ có thể hô hoán là tôi đã nguỵ tạo cuộc họp nếu cuộc đàm phán bất thành. Tôi muốn có được bảo đảm là họ thật tâm muốn tiến xa hơn nữa để tôi có thể tiếp tục nói chuyện ; vì vậy tôi yêu cầu họ viết thư mời tôi sang Hoa Kỳ, qua trung gian của một cơ quan ngoại vi của CIA.
Các vị khách của tôi không hài lòng với lời đề nghị của tôi, họ giải thích rằng họ làm việc trong một khuôn khổ giới hạn số khách ngoại quốc được mời, khó vượt qua. Lẽ cố nhiên họ lo ngại Tây Đức sẽ khám phá việc trao đổi này. Dù sao đi nữa, việc âm mưu thu nhận một cán bộ cao cấp đã từng làm việc lâu năm cho kẻ thù như tôi được coi như một phản bội lớn đối với các đồng minh tại châu Âu và đặc biệt đối với Đức. Tôi đề nghị họ tìm một nhà xuất bản hoặc một hãng phim gà nhà qua đó họ mời tôi với tư cách là tác giả - một phương pháp hiệu nghiệm để nguỵ trang một công tác. Đây chắc chắn là phương pháp để dàn xếp một cuộc trao đổi tại khối Đông Âu, và tôi thiết nghĩ CIA có thừa phương tiện để kiếm ra một tổ chức viết thư mời rồi sau đó biến thành thường trú tại Hoa Kỳ nếu cuộc trao đổi thành công.
Bầu không khí chìm trong im lặng một lúc lâu, sau đó Hathaway lắc đầu. Nhưng rồi họ bỏ lửng, tiếp tục nhấn mạnh tôi có thể có những đóng góp giá tri cho cơ quan CIA mà không phản bội các nhân viên của tôi. Lần hồi tôi mới hiểu rõ họ không như chính phủ Tây Đức, họ không ưu tiên chú ý đến những việc làm của tôi với tình báo Đông Đức, nhưng chú ý đến những hiểu biết của tôi về KGB và cơ cấu của cơ quan tình báo Xô viết.
“Thưa quý ông”, tôi nói, với hy vọng đưa cuộc thảo luận đi mau chóng vì tôi bắt đầu ưu tư, “tôi không biết rõ quý vị thuộc ngành nào trong cơ quan, nhưng tôi có thể đoán chừng. Có phải quý ông muốn tôi cung cấp một sự kiện rất đặc biệt cho quý ông, có phải thế không?”
Cuối cùng Hathaway nói toạc vấn đề.
“Ông Wolf”, ông nói nhỏ nhẹ, “chúng tôi đến đây vì chúng tôi biết ông có những thông tin trong đường dây hoạt động có thể có ích cho chúng tôi trong một trường hợp đặc biệt trầm trọng. Chúng tôi đang tìm một tên nằm vùng ngay trong cơ quan chúng tôi. Y đã gây thiệt hại rất lớn cho chúng tôi. Đã xảy ra nhiều chuyện không tốt cho chúng tôi khoảng năm 1985. Không những tại Bonn mà còn tại những nơi khác nữa, những nơi mà ông rất quen thuộc. Chúng tôi đã thiệt mạng vài người - có thể từ 30 đến 35, và từ 5 đến 6 thuộc thành phần cao cấp”.
Ông có vẻ thông thạo Tình báo Xô viết và biết rõ ai chỉ huy ngành điệp vụ hải ngoại và những công tác của ngành này. Điều này xác định nhận xét trước đây của tôi trong lúc nói chuyện, ông là một nhân vật cao cấp trong tình báo Mỹ. Chúng tôi nói chuyện dè dặt về những tên phản bội nổi tiếng của Xô viết - Penkovsky, Gordievsky, Popov - những người đã thay lòng đổi dạ giúp cho Hoa Kỳ theo kịp tình báo Xô viết. Ông cảm phục tướng Kireyev, một người bạn đồng nghiệp của tôi, đứng đầu phản gián hải ngoại tại Moscow và tôi đã từng phối hợp với ông trong nhiều cộng tác chống lại CIA. Ông cũng biết đôi chút về những cơ sở này và muốn quay cuộc thảo luận sang ông Felix Bloch, một nhân viên ngoại giao Mỹ mà CIA tình nghi đã bị Moscow móc nối, nhưng họ không đưa ra toà xét xử vì thiếu tang chứng. Tôi đoán chừng trung tâm Langley đã rất khổ sở tìm kiếm những mối giây liên lạc của tôi với KGB và họ hy vọng trong vấn đề này họ có thể biết được danh tính của tên nằm vùng mà họ tìm kiếm.
Tôi không rõ việc này. Loại tin tức này được mấy ông Xô viết bảo vệ rất chặt chẽ. Tôi cũng không hề báo cho Xô viết biết danh tính của những điệp viên nằm vùng cao cấp cũng như nhân viên của tôi, mặc dù ngoài mặt chúng có cùng chung chí hướng anh em. Cùng lắm chúng tôi nói nhẹ nhàng với nhau chúng tôi có “người ngồi” trong lòng của địch thủ, và không thêm một chi tiết nào khác.
Qua lối tiếp cận khẩn khoản và những cố gắng dai dẳng của Hathaway để dẫn dụ tôi ngả theo phía Hoa Kỳ, rõ ràng là CIA đang ở trong trạng thái hoảng hốt vì bị xâm nhập. Họ phải ngậm đắng nuốt cay để trình bày vấn đề của họ cho tôi. Hơn nữa, họ có thể gây hiềm khích với đối tác Tây Đức khi họ tiếp xúc với tôi. Trong những trường hợp vô vọng như vậy, ngay cả những gắn bó ý thức hệ cao độ nhất cũng vỡ tan.
Ngày 29 tháng 5 họ trở lại lần nữa, nhưng chúng tôi không đạt đến một thoả hiệp nào để chính thức mời tôi sang Hoa Kỳ. Hathaway nói ông sẽ báo cáo cho Webster và nếu tôi muốn xúc tiến vấn đề này, tôi có thể liên lạc với ông. Họ thật sự hy vọng, với áp lực mỗi ngày một kề cận tội bị bắt giam, tôi sẽ chấp thuận khép mình dưới lọng che của họ, theo những điều kiện họ muốn. Đến đây Charles nhập vào chuyện và nói với Andrea, mô tả những vui thú tại Hoa Kỳ. Trước khi lên đường, họ trao cho tôi một số điện thoại miễn phí của trung tâm Langley, và chúng tôi trao đổi mật tự để liên lạc mai sau. Tôi không cung cấp và cũng không hứa bất cứ điều gì với họ. Tôi biết họ đang chơi trò chờ đợi và tình trạng của tôi mỗi ngày bi thảm hơn.
Vào trung tuần tháng 8 lời mời của chính quyền Đức do Peter-Michael Diestel đứng ra làm trung gian mất đi hoàn toàn hiệu lực. Tôi nhận thấy những lựa chọn của tôi không còn bao nhiêu. Cơ quan CIA lẽ cố nhiên cũng tiên đoán như vậy, vì họ liên lạc với tôi lần nữa cũng theo con đường cũ. Chúng tôi thu xếp một cuộc gặp gỡ khác tại nhà nghỉ của tôi và Hathaway một lần nữa nhắc nhở điều ông gọi một cách tế nhị “tình thế khó khăn” của tôi. Webster, ông nói tiếp, vẫn tiếp tục từ chối gửi lời mời đích danh cá nhân tôi, nhưng họ vẫn sẵn sàng mở cửa đón nhận tôi tại Hoa Kỳ với điều kiện tôi giúp họ săn lùng tên điệp viên nằm vùng. Lần này Charles có vẻ hoạt bát hơn. Y giải thích nếu tôi quyết định kêu gọi sự giúp đỡ của họ, tôi có thể phái Andrea đến trạm xe hoả Bahnhof Zoo nằm phía Tây của Berlin và gọi một số điện thoại miễn phí. Andrea tự giới thiệu là Gertrud và nói “Tôi muốn nói chuyện với Gustav”. Cuộc đào thoát của tôi như vậy đã được tính toán tại Berlin và một người tên Charles sẽ đảm nhiệm trường hợp của tôi.
Tôi đoán chừng từ đó mật hiệu Gertrud sẽ tự động chuyển sang Trung tâm Langley và đồng thời cho cả đầu giây CIA tại Berlin. Bốc tôi ra khỏi nước Đức không phải là một chuyện khó, có lẽ bằng máy bay, tương tự như Xô viết đã làm khi họ đưa vị lãnh tụ thất sủng Erich Honecker ra khỏi Đông Đức trên một chiếc máy bay quân sự để đến Moscow. Hồi tưởng năm 1945 ngồi trên một trong những chuyến bay đầu tiên trở về nước Đức Cộng sản từ Moscow sau khi Hitler sụp đổ, tôi suy ngẫm tình huống trớ trêu của tôi chấm dứt sự nghiệp 45 năm sau lại trốn bỏ Berlin dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ.
Chúng tôi có thêm một lần họp nữa, lần này tại căn phòng trong thành phố của tôi, và cuối tháng 9, nhưng không có một tiến triển nào trong lời mời của Hoa Kỳ.
Tới đây, Toà Biện Lý Tây Đức trịnh trọng tuyên bố các sĩ quan cảnh sát đã bày binh bố trận trước cửa nhà tôi vào đêm ngày 2 tháng 10 để bắt tôi. Tờ báo lá cải Bild-Zeitung đã gửi một đại diện đến đề nghị trả chi phí toà án bào chữa cho tôi bù lại họ được độc quyền đăng tải về việc bắt giam tôi. Tôi nói với họ tôi sẽ nghĩ đến việc này. Đây là cả một trò hề dàn cảnh mà tôi không muốn tham dự vào. Tôi nói với tờ Bild-Zeitung tôi không có ý định rời bỏ nước Đức. Điều này hầu như là đúng, vì chắc chắn tôi có ý định rời bỏ nước Đức một thời gian, nhưng tôi không biết phải đi nơi nào. Vì khi tôi từ chối trở thành một tên phản bội theo mệnh lệnh của Bonn, tôi đã từ bỏ mọi lựa chọn để ở lại Đức để tránh không phải ra toà và cố nhiên vào tù.
Mãi sau này tôi khám phá ra tên tuổi của tay nằm vùng đã làm đau đầu CIA. Tên của y là Aldrich Ames, tên phản bội tai hại nhất trong lịch sử gián điệp Hoa Kỳ. Ames đã lợi dụng vị thế của mình trong trách vụ truy lùng những công tác phản gián của Xô viết trên khắp thế giới để bán cho Xô viết tên tuổi các điệp viên của Hoa Kỳ, và đã hữu hiệu phá vỡ mạng lưới tình báo của Hoa Kỳ tại Liên Xô từ bên trong. Hắn phục vụ cho Moscow trong vòng 9 năm, cả dưới chế độ cộng sản và thời của Boris Yeltsin, trong chức vụ này và sau này trong ngành bài trừ ma tuý. Qua cuộc buôn bán, hắn đã nhận 2,7 triệu dollars ; sự kiện này biến hắn trở thành tên nằm vùng đắt giá nhất trong lịch sử điệp báo. Ông Gardner A. Hathaway, người khách từ Langley đến gặp tôi không chỉ là một đặc phái viên của William Webster, nhưng, sau này tôi được biết, ông là Giám đốc ngành phản gián Hoa Kỳ, về hưu vài tháng trước khi đến thăm tôi.
Gus Hathaway, một sĩ quan kỳ cựu của Nha Giám đốc Điều hành Công tác của CIA, nhận trách vụ được hơn một năm, ghi nhận một số tín hiệu càng ngày càng nhiều có một tên phản bội ở cấp cao trong cơ quan. Ông là một trong những người hiếm hoi biết rõ những tổn thất nặng nề của điệp báo Hoa Kỳ trong lòng Liên Xô - mười vụ hành quyết và một chục bị kết án tù nặng - và ông am hiểu rất rõ sự hiện diện của tên phản bội trong hàng ngũ đang làm xuất huyết tình báo Hoa Kỳ.
Tôi cũng tìm hiểu về Hathaway và có điều gì đó nơi ông làm cho tôi kính phục. Khi tôi được biết ông ta vừa về hưu, tôi có phần tâm cảm với ông trong tư cách của một sĩ quan tình báo về hưu. Giống như trường hợp của tôi, ông không có khả năng chấm dứt cuộc đời sự nghiệp của ông và đơn sơ hưởng những năm còn lại để làm vườn, nghỉ mát, và tận hưởng tất cả những thú vui gia đình mà chúng tôi mơ ước khi về hưu. Ông bị lôi cuốn vào mớ bòng bong chết người mà ông đã bỏ những năm cuối làm việc để tìm cách gỡ rối: Ai là kẻ phản bội liên tục ngay trong cơ quan của ông? Tôi liên tưởng đến ánh mắt của ông khi chúng tôi đối diện nhau ông thú nhận sự thất bại của CIA trong những lời ngắn ngủi và đứt đoạn. Có lẽ ông đã hy sinh tự ái rất nhiều để đi sang Berlin cầu cứu với kẻ thù trước đây. Nhưng vì lương tâm nghề nghiệp và vì cá tính, ông bị ám ảnh trong việc truy tìm tên Ames. Đơn vị truy lùng cũng được giữ bí mật ngay trong nội bộ CIA. Đội truy lùng phần đông gồm những sĩ quan về hưu để bảo vệ bí mật và được gọi là Toán Công Tác Đặc Biệt. Toán này có một nữ sĩ quan cao cấp trong ngành điều nghiên - một sự kiện hiếm có trong CIA hoặc trong các cơ quan tình báo khác. Bà này đã tìm hiểu trường hợp của một tên nằm vùng gốc Trung Hoa làm việc cho CIA trong vòng 30 năm mà không hề bị phát giác và trường hợp của một đồng nghiệp đáng kính trong cơ quan tình báo Xô viết. Tôi khâm phục khả năng điều hành của Hathaway. Trong vị thế của ông tôi sẽ hành sử đúng như ông đã hành sử và giữ số người trong đội càng ít càng tốt. Dùng những sĩ quan đã về hưu là một phương thức hành sử càng khôn ngoan hơn nữa, vì dùng những nhân viên làm việc trong Ban Điều Nghiên Xô-viêt của CIA sẽ có nguy cơ báo động và ngay cả tuyển chọn tên nằm vùng. Phương sách hoạt động trong những trường hợp này phải là: bủa lưới một cách nhẹ nhàng.
Cuối cùng cơ quan FBI, đối thủ của CIA, phát giác hành tung của Ames. Tôi ngờ những khó khăn Hathaway vấp phải là do thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu hiểu biết. Hơn thế nữa, ông không phải là một người có nhiều sáng kiến và, theo lời của một vài đồng nghiệp của ông, ông là người của bàn giấy. Nhưng tôi không trách lỗi ông đã thất bại trong việc nhận dạng tên phản bội đã đánh phá tình báo Hoa Kỳ như con vi khuẩn độc hại nằm trong ruột. Công việc bội bạc và mệt nhọc để truy lùng tên phản phé lúc nào cũng có vẻ giản dị khi nhìn lại hơn là lúc đang lâm cuộc. Những điểm then chốt lúc nào cũng có vẻ hiển nhiên - nhưng chỉ sau khi lùng bắt được con mồi.
Tìm những điểm lạ trong phong cách của một tên nằm vùng là phương pháp đúng đắn. Nhưng rất nhiều người trong bất cứ ngành nghề nào - chưa kể đến nghề điệp báo đầy bức xúc - cũng có vấn đề rượu chè, tư cách hoặc vấn đề gia đình, họ cảm thấy không được cấp trên đánh giá đúng mức hoặc cần tiền nhiều hơn mức thu nhập lương thiện của họ. Các nhân viên trong ngành điệp báo do môi trường bưng kín họ sống hoặc làm việc được khuyến khích cảm nhận những nguyên tắc áp dụng cho những người khác nhưng lại không áp dụng cho họ. Các nhân viên CIA nỗ lực làm việc trong ngành phản gián Xô viết phải biết rõ tâm não của kẻ địch để rồi càng ngày càng dễ rơi vào lối suy nghĩ của địch thủ và rồi, như trong trường hợp của Ames, những mối ràng buộc với quốc gia và cơ quan của mình tự nhiên tan biến do những mặc cảm thua kém và ấm ức dồn nén.
Khi Xô viết móc nối Ames vào năm 1985, đương sự được điều khiển bởi Stanislav Androsov, một nhân viên KGB thường trú (sĩ quan KGB được chính thức bổ nhiệm) tại Đại sứ quán Liên Xô tại Washington. Một năm sau Ivan Semyonovich Gromakov thay thế Androsov. Tôi quen biết Gromakov từ năm 1960 khi ông làm giám đốc đơn vị KGB tại Đức (Cục 4 của Đệ Nhất Tổng Cục). Tôi biết Gromakov nói được tiếng Đức, tôi không rõ về khả năng tiếng Anh của ông, vì vậy tôi hơi ngạc nhiên nghe tin bổ nhiệm ông tại Washington. Người ông dáng dấp thấp béo và vui tính, mắt đeo gương. Ông có thói quen khó chịu gầm thét làm người khác nhảy nhổm mỗi khi ông nâng ly chúc mừng sự thành công của KGB. Tôi không hề được nghe ông nói về việc bắt con mồi lớn này, như tôi có thể mường tượng nỗi vui sướng của ông, khi ông làm việc ngay trong lòng địch và Ames rơi vào trong rọ của ông.
Khi câu chuyện phản bội của Ames được tiết lộ, tôi thật sửng sốt không ngờ hắn làm việc không bị phát giác một thời gian khá lâu và phản gián Hoa Kỳ tỏ ra quá bất tài và quá tuyệt vọng để buộc phải cầu cứu cấp lãnh đạo điệp báo của kẻ thù để tìm hắn.
Quý vị có thể lấy làm lạ vì tôi sẵn sàng nói chuyện với CIA. Dù sao đi nữa, tôi không có ý định rời nước Đức và tôi đã chính thức tuyên bố tôi không có ý định di cư. Tôi phản đối Tây Đức với tư cách kẻ chiến thắng Chiến tranh Lạnh đòi áp đặt hình thức pháp luật của họ lên tôi và các đồng nghiệp của tôi; đối với tôi đòi hỏi này mang sắc thái một đòn trả thù. Lời mời của CIA lôi cuốn tôi chỉ vì nó cho phép tôi tạm thời rời đất nước tôi trong những ngày đầu thống nhất hai nước. Tôi biết trong những tuần lễ và tháng đầu lòng hăm hở trả thù lên cao. Nếu có thể, tôi muốn tránh giải pháp lánh nạn sang Moscow, vì sự biệt tích của tôi tại Moscow là một tín hiệu không tốt cho mối liên lạc của tôi với nước Đức mới, tạo nên lý cớ khuyến khích những người trong nước kết án tôi. Tôi sẽ bị tố cáo là trốn sang Moscow để đưa tên tuổi những điệp viên, lời đồn này đã được tung ra khi tôi chạy sang Moscow ở hai tháng vào đầu năm 1990. Thực tế không phải như vậy. Tôi quá nhiều lo lắng trong việc tìm cách tránh đỡ cho cá nhân tôi cũng như cho các nhân viên cũ của tôi, các điệp viên và các người nằm vùng không bị truy tố để tôi có thời giờ chơi trò nước đôi với Xô viết.
Giả như CIA chuẩn bị đón nhận tôi sang Hoa Kỳ, có lẽ tôi sẽ đắn đo suy tính chấp nhận lời mời này như một giải pháp tạm thời hữu lý. Nhưng tôi nghi ngại một khi thoả thuận xong xuôi và tôi bay sang Hoa Kỳ không có lời mời chính thức, CIA có thể phao tin tôi xin đầu thú và ép tôi hợp tác với họ theo điều kiện của họ. Với phong cách hống hách của một cơ quan tình báo lớn, CIA chắc mẩm tôi mong ước làm việc với họ nên tôi sẵn sàng tự đặt vào một vị thế yếu kém, một trường hợp mà mọi người đào thoát khôn ngoan đều muốn tránh - bị ép buộc phải thương lượng trên lãnh thổ của kẻ địch. Mặc dù Hathaway đích thân sang Berlin ngày 26 tháng 9 và chúng tôi đã chuẩn bị hành lý, cuộc thảo luận cuối cùng của chúng tôi cũng chỉ mệt nhọc quay luẩn quẩn không đi đến đâu cả.

*

Điều mà không một ai có thể ngờ kể cả Hoa Kỳ, Nga vả Tây Đức, có một tay bí mật khác nhảy vào đấu giá. Đó là Do-thái. Tôi là người Do thái, một điều không bình thường trong giới lãnh đạo tình báo cao cấp của khối Xô viết. Chính xác hơn, tôi có nửa phần Do thái vì mẹ tôi là Gentile (người không theo đạo Do Thái). Nhưng cũng đủ thành người Do thái để bị phân loại và bị bách hại theo luật pháp phân biệt chủng tộc Nuremberg được ban bố năm 1936, nếu gia đình của tôi bị Đức Quốc Xã bắt kịp khi chúng tôi trốn chạy sang Pháp rồi sau đó sang Nga. Chủ thuyết tôi theo đuổi một khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt có thể biến tôi thành kẻ kình địch của Israel. Nhưng tôi luôn quan tâm theo dõi tình hình Do thái, và gia đình tôi đã cho phép tôi thừa hưởng truyền thống Do thái, chưa kể đến đức tin Do thái.
Mối liên lạc của tôi với Tel Aviv (thủ đô Do thái) đến rất trễ nếu không muốn nói là bất ngờ, do sự xuất hiện của tôi nhân một buổi họp ngày 4 tháng 11 năm 1989 tôi kêu gọi cải cách trong chế độ Đông Đức. Tại đây tôi gặp một phụ nữ tên Irene Runge, người điều khiển trung tâm Văn hoá Do thái, thành lập tại Đông Berlin vào những thập niên 1980 sau hàng chục năm truyền thống Do thái bị đàn áp tại Đông Âu, do sự cấu kết giữa Cộng hoà Dân chủ Đức với khối Ả-rập. Tôi trả lời cuộc phỏng vấn của Irene để đăng trên một nhật báo Do thái, và tôi tham dự một cuộc họp của hội bà ta với tư cách là khách, sau đó tôi không màng đến nữa.
Vào mùa hè năm 1990, thình lình bà ấy gọi tôi để báo tin ông Rabbi Tsvi Weinman, một vị lãnh đạo cao cấp của Chính thống giáo tại Jerusalem, muốn làm quen với tôi. Đúng hôm đó rơi vào ngày thứ sáu, có nghĩa là Ngày Sabbath Do thái sẽ khởi sự lúc mặt trời lặn và vị này không thể nào gặp gỡ tôi tối nay được. Tôi điện thoại cho ông và chúng tôi vui vẻ đùa cợt với nhau và đồng ý gặp nhau lần tới khi ông ghé Berlin. Không bao lâu sau ông xuất hiện trở lại nói rằng lý do chính ông đến đây là để thăm trung tâm Văn hoá Do-thái. Tôi mời ông đến căn phòng của tôi. Ông đến rất đúng giờ hẹn. Ông trạc 50 tuổi, đội nón vành tròn đen và không có một dấu hiệu nào khác chứng tỏ ông là Do thái Chính thống giáo. Ông ân cần hỏi thăm tình trạng của tôi, ở vị trí của một người có bản sắc Do thái và kinh nghiệm bách hại, trước tình thế sắp đương đầu với toà án chính trị của nước Đức. Ông khôn khéo tránh đề cập đến công việc trước đây của tôi, nhưng hỏi tôi có muốn thăm viếng Israel không. Tôi liền suy nghĩ mục đích của ông Weinman không lẽ chỉ vì vấn đề văn hoá. Liền sau đó tôi nhận được thư của một nhật báo Do-thái tờ Yediot Abranoth mời tôi sang thăm viếng Israel.
Tìm hiểu về Weinmann tôi được biết có lời đồn ông làm việc cho Mossad (tình báo Do thái) hồi còn thanh niên. Ông đích thân phản bác chuyện này và nói ông đã phục vụ trong quân đội nhưng không hề làm việc cho ngành tình báo. Chúng tôi thường xuyên điện thoại cho nhau và trông chờ chuyến đi của tôi, và tôi hình dung bộ mặt thiểu não của Bonn, Moscow và Washington khi họ thấy những hàng tựa lớn đăng tin sự xuất hiện thình lình của tôi tại Israel. Tôi đoán chừng Mossad cũng muốn dò xét những hiểu biết của tôi về những nhóm Palestine và hoạt động của họ, một điều mà tôi biết rất ít, nhưng tôi quyết định bước qua cầu khi tôi đặt chân xuống Đất Thánh. Dù gì đi nữa, cuộc viếng thăm này cho tôi một cơ hội mới để thoát ra khỏi nước Đức. Tôi không thể nào để cho miếng mồi này vuột khỏi tay tôi.
Hai tuần trước ngày thống nhất nước Đức, tôi nhận cú điện thoại bất ngờ của Weinmann. Ông có vẻ thất thần và hơi ngượng ngùng. Cuộc viếng thăm bị bãi bỏ. Tờ báo không còn chú ý đến tôi, ông nói, vì sự xuất hiện của một quyển sách chỉ trích Mossad và phương pháp làm việc của cơ quan này đã gây phẫn nộ trong quần chúng. Bây giờ không đúng thời điểm để mời tôi sang. Tôi hiểu ngay là Do thái lạnh cẳng vào giờ phút chót, chắc chắn họ e sợ tất cả những dịch vụ tôi cung cấp cho họ không bù lại những tai hại mà tôi có thể gây nên cho mối giao hảo của họ với Tây Đức vì sự hiện diện của tôi tại Israel. Cánh cửa hy vọng vừa hé mở đã bị đóng xầm lại. Nhưng Tel Aviv không cắt đứt hoàn toan mối dây liên lạc với tôi. Sau cuộc điện đàm với Weinmann, tôi nhận được một cú điện thoại khác từ toà báo, hứa cấp cho tôi chiếu khán và vé máy bay vào một ngày khác. Tôi dàn xếp để họ cất giữ cho tôi tại Vienna. Nhưng khi tôi kiểm soát lại một vài tuần sau, tôi không nhận được gì cả. Nếu quả vé đó nằm tại đây thì nay nó không còn đó nữa.
Đến đây áp lực rất mãnh liệt, và tôi biết chính quyền Đức nông nón nhìn thấy tôi đứng trước vành móng ngựa. Tôi trốn nơi nào đây? Và giá phải trả là bao nhiêu? Tôi không còn lựa chọn nào đáng trông đợi nữa, và tôi không còn đủ thời giờ nữa.