ay Chiến tranh Lạnh đã đi vào lịch sử, người ta dễ dàng kết luận Liên Xô là một sinh vật ghẻ lở, thiếu phối hợp, thua kém trong nhiều lãnh vực so với địch thủ muôn đời Hoa Kỳ và chắc chắn thất bại ngay từ lúc phôi thai. Nhưng trong thời gian 40 năm, xung đột giữa các cường quốc đã chi phối sinh hoạt thế giới, tình thế không đơn giản như vậy. Trái lại, phương Tây lo ngại Moscow sẽ thực hiện được lời hứa của Nikita Khrushchev là bắt kịp và vượt trội các quốc gia tư bản. Chính mối lo ngại này là động cơ thúc đẩy sinh hoạt điệp báo và tuyên truyền ở một mức độ chưa từng thấy trong lịch sử. Hơn thế nữa, suy diễn chính trị của phương Tây bị những thành tích hào nhoáng của điệp báo Xô viết ảnh hưởng sâu đậm. Điệp báo và phản gián của khối Đông Âu hoạt động do động cơ lo sợ chính sách đè bẹp của phương Tây và mối đe doạ chiến tranh tinh tú của Reagan. Mỗi bên đều lo sợ phía bên kia chiếm thế thượng phong về mặt chiến lược.Với tư cách của một cựu giám đốc của một cơ quan được công nhận là hữu hiệu và năng lực nhất trong tình báo Cộng sản, tôi ở vị trí then chốt để đánh giá những thành quả và những thất bại của ngành điệp báo chúng tôi.Trong giới tình báo Đông và Tây, tôi mang tiếng là người của Moscow trong khối Đông Âu. Điều này vừa đúng vừa sai. Nếu người ta nghĩ rằng mỗi sáng thứ hai tôi gọi cho Điện Kreml hoặc cho KGB để thảo luận về những công tác trong tuần, người ta lầm to. Nhưng nếu họ có ngụ ý cho rằng tôi có được một mối liên hệ tín nhiệm và tương kính hỗ tương với một vài khuôn mặt ảnh hưởng nhất của Liên Xô từ những ngày hậu Stalin cho đến sự sụp đổ của khối Đông Âu, họ có lý. Nhờ tôi thông thạo tiếng Nga và những cội rễ tôi có tại đây trước đó và trong thời Thế chiến II, tôi ở một vị trí độc đáo để nhìn với cặp mắt của người bên trong và bên ngoài những tư duy của Liên Xô và những hoạt động của các cơ quan tình báo của họ trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh.Cơ quan tình báo Xô viết đã đạt được những thành tích vẻ vang nhất tại Châu Mỹ và châu Âu trước và sau Chiến tranh thế giới II, trong thời gian họ trông cậy vào Đảng cộng sản và giới trí thức của nhiều quốc gia, đặc biệt tại Đức và Anh, và cả Hoa Kỳ. Liên Xô là đỉnh cao thu hút những người mến mộ vào sinh hoạt tình báo vì lòng thâm tín. Những điệp viện được kết nạp vào lúc đó là những thành phần giỏi nhất, cung cấp cho Liên Xô cơ hội để bắt kịp cuộc chạy đua về vũ khí hạt nhân, và nhiều người vẫn không bị phát giác, ngay cả sau thời kỳ McCarthy và việc đào thoát của Igor Gousenko sang Canada năm 1945.Ngay từ lúc bắt đầu, chúng tôi ở Đông Đức xem nghề tình báo là một nghề đáng kính trọng. Chúng tôi có khả năng gầy dựng trên kinh nghiêm và những huyền thoại do các điệp viên nổi tiếng đã làm việc chống Quốc Xã - Richard Sorge và các trợ tá Ruth Werner, bí danh Sonya, đã từng làm việc tại Trung Hoa, Danzig, Thuỵ Sĩ và Anh cho Xô viết trong thời kỳ chiến tranh, và Max Christansen - Klausen, chuyên viên phát tuyến của Sorge; Ilse Stöbe, làm điệp báo ngay trong lòng của Bộ Ngoại giao Hitler; và Haro Schulze-Boysen, một sĩ quan trong ngành không quân của Goering và là chỉ huy trưởng của đội Rote Kapelle (Dàn hoà tấu Đỏ), trông đó có Arvid và Mildred Harnack, Adam và Margarethe Kuckhoff. Chính cơ quan của chúng tôi cũng có nhiều đoàn viên kỳ cựu của phòng trào Cộng sản thời Third Reich, chẳng hạn như các cấp lãnh đạo đầu tiên của tôi Wilhelm Zaisser, Richar Stahlmann, Robert Korb và Ernst Wollweber. Cá nhân tôi say mê những chuyện về họ và thấy cần phải giới thiệu họ cho các thí sinh mới vào, xem họ là gương mẫu trong vai trò của một nghệ sĩ điệp viên dưới chế độ vững chắc của xã hội chủ nghĩa. Chúng tôi có một danh từ khá kiêu hãnh cho tất cả việc này: Traditionspflege, hay là bảo tồn truyền thống. Một phần trong sự khác biệt giữa quan điểm Đông và Tây để điều khiển một cơ quan tình báo thể hiện rõ, theo tôi nghĩ, trong ngôn ngữ chúng tôi dùng để tự mô tả. Cơ quan Tình báo Trung ương CIA và cơ quan tương xứng Tây Đức BND, ấn định cấp bậc trên sinh hoạt dân sự, trong khi đó chúng tôi theo truyền thống của Xô viết đặt phẩm trật dựa theo quân đội; Bộ trưởng Bộ An ninh có cấp bậc Tướng bốn sao và từ đó đi xuống. Chúng tôi có cả bài hát chiến trận và đoàn ca của bộ xướng lên lời thề trung thành với lý tưởng. Tôi dịch một trong những bài hát từ tiếng Nga tặng cho những điệp viên làm việc trên lãnh thổ ngoại quốc. Nó khởi sự bằng những câu:Cơ quan của chúng ta là ánh sángTên phải giữ bí mậtThành quả của chúng ta kín đáo,Luôn luôn trong tầm ngắm của địch.Có một bài hợp xướng nâng cao khí thế các chiến sĩ trong mặt trận vô hình, một câu gây xúc động trích từ lời của các Chekist, nhân viên mật vụ đầu tiên của Lênin. Chúng tôi không bao giờ tự gắn cho chúng tôi cái tên gián điệp nhưng là Kundschafter, một người tốt, một danh từ của người Đức theo Luther có nghĩa là người cung cấp tin tức. Chúng tôi không bao giờ dùng danh từ “gián điệp” cho phía chúng tôi nhưng dành nó để chỉ định kẻ thù của chúng tôi. Tất cả đây là tấm lý ngôn ngữ cơ bản, nhưng đã thành công trong việc tạo bầu không khí trong đó các sĩ quan một cách tự nhiên xem mình là người đáng kính và kẻ địch là người xảo trá.Tôi phải lưu ý khiá cạnh quân đội chỉ là thứ yếu so với khiá cạnh ý thức hệ, nhưng Tây Âu không đi sâu vào việc xây dựng những huyền thoại. Theo như tôi biết những cơ quan tình báo như CIA, MI6 của Anh và phần lớn các cơ quan khác của Tây Âu đều có chung một nhãn quan ảm đạm về nghề nghiệp và cá nhân mình. Tôi không muốn nói là họ không chuyên nghiệp - còn lâu tôi mới có ý như vậy - nhưng họ được khuyến khích để họ không tự hào là hấp dẫn hoặc có gì đăc biệt mà họ chỉ là những con ong thợ, thu thập tin tức để cho những đầu óc cao kiến khác quyết định. Có lẽ chúng tôi đã đi quá xa trong chiều hướng đối nghịch bằng cách đưa cơ cấu quân đội và mức độ nghiêm chỉnh cao về tác phong cá nhân và tình thần đạo đức vào tổ chức. Nhưng nó tạo một nên tinh thần gắn bó mãnh liệt, căn bản hỗ trợ cho lòng trung thành; nếu không có lòng trung thành không có một cơ quan tình báo nào có thể vận hành được.Tôi tin chắc ít ai trở thành một kẻ phản bội chỉ vì tiền mà thôi. Cơ quan CIA luôn có khuynh hướng dùng tiền để kết nạp đối tượng, và KGB cũng không ngần gại làm việc tương tự. Đặc biệt tại Hoa Kỳ, KGB không thể nào kết nạp đủ điệp viên có lòng thâm tín và họ phải dùng đến tiền. Trong những năm cuối, những thành quả lớn nhất của họ, cao điểm là vụ Aldrich Ames, là những người gia nhập vì tiền, không phải là những điệp viên kết nạp qua một kế hoạch xâm nhập một định chế, một phương thức cơ quan chúng tôi thường dùng lúc đầu trong thời đối tượng điệp viên tiềm năng còn là sinh viên.Đối với những điệp viên như Klaus Kuron trong cơ quan phản gián Tây Đức, lẽ cố nhiên chúng tôi chi tiền đầy đủ, nhưng đây là điều ngoại lệ chứ không phải là nguyên tắc thông thường. Các cán bộ kết nạp Xô viết khôn ngoan hơn nhận biết trong lúc tìm những điệp viên tiềm năng ở phương Tây, họ phải ghi nhớ là luôn có những yếu tố khác đan chen vào. Một trong những yếu tố này là điều mà tôi gọi là sự hấp dẫn tình dục của Đông Âu. Ở đây tôi không ám chỉ các cô gái mãi dâm và các phim video mát mẻ đôi khi được cung cấp để giúp các vị khách giải trí qua giờ, nhưng là lòng hăm hở của các vị khách cảm thấy được đón tiếp và ăn mừng ở phía bên kia Bức Màn Sắt. Lâu lâu chúng tôi tổ chức những cuộc thăm viếng vô tích sự nước Đông Đức hoặc ngay cả Liên Xô cho những người chúng tôi chọn kết nạp, bởi vì những cảnh tượng không quen thuộc (lẽ cố nhiện chúng tôi đã chọn lựa kỹ), có khuynh hướng làm mủi lòng những người Tây Âu dễ ám thị.Tôi có lần dùng đến phương pháp này để kết nạp một đảng viên cao cấp của Đảng Dân chủ Xã hội Tây Đức có mã danh là Julius. Đương sự là chủ nhiệm của một tờ báo địa phương và là một người có địa vị tương đối cao, có nhiều mối liên lạc, trong số đó có Willy Brandt và những khuôn mặt lãnh đạo khác của đảng ông. Đương lúc tôi nghỉ hè trên một chiếc tàu đi câu cá trên sông Volga, đồng thời lúc đó đương sự được mời đi một vòng thăm viếng trạm máy phát điện Xô viết và tham quan Stalingrad, nằm trên sông Volga. Biết được tính đương sự thích phiêu lưu, tôi mời Julius lên một chiếc thuyền đi sông, và chúng tôi xuống thuyền và thăm viếng một ngôi nhà nhỏ của công nhân và ăn cháo cá. Bầu không khí lúc đó chan hoà trong tình hữu nghĩ và lòng hiếu khách. Tôi làm thông dịch viên trong khi đó Julius hỏi về đời sống, gia đình và trận chiến Stalingrad - người này là một trong những người chiến đấu bảo vệ Stalingrad - và nói về tình hình chính trị và kinh tế. Anh công nhân chỉ trích chính quyền Moscow và chúng tôi thảo luận về những thất bại của chế độ xã hội chủ nghĩa. Tính cách thẳng thắn này gây ấn tượng nơi Julius. Ngày hôm sau, chúng tôi đi thăm một biệt thư đang được chuẩn bị để đón tiếp Tổng thống Eisenhower, nhưng ông không bao giờ đến. Tôi ký tên trong sổ lưu niệm với toàn bộ danh vị của tôi Trung tướng Markus Wolf, điều này khiến cho Julius cảm thấy bất an vì tên của ông ta nằm cạnh tên tôi.Nhưng một chuyến nghỉ hè nhỏ sâu trong lòng đất địch đã giúp đương sự vứt bỏ mối lo sợ vì đã giúp Liên Xô gìn giữ hoà bình thế giới, như chúng tôi kêu gọi. Nó cũng gây cho đương sự những cảm giác khoái trá vượt qua cấm kị. Đương sự trở thành nguồn tin chính trị trong đảng của y, và do đó chúng tôi tài trợ để giúp văn phòng riêng của ông, một loại quỹ đen không lạ gì với các nền dân chủ phương Tây.Tôi thường nói với các đồng nghiệp Nga: “Các anh không dùng vũ khí tối hảo của các anh. Các anh cho họ xem nhà máy phát điện, nhưng không cho xem người. Những người này có thể sinh sống trong những căn nhà nghèo nàn, nhưng nó đánh động người ngoại quốc hơn bất cứ điều gì khác”.Chúng tôi rập theo kiểu mẫu tình báo Xô viết và trong những ngày đầu họ là thầy dạy chúng tôi về tình báo hải ngoại. Khởi sự vào thập niên 1950 chúng tôi qua Moscow để gặp các giám đốc tình báo hải ngoại trong Tổng Cục 1 và để được giám đốc KGB chỉ dẫn chi tiết. Khi trở về nước chúng tôi không còn hoài nghi gì về những vị chủ nhân, họ xem chúng tôi như những con chốt nằm ngoài biên cương của một đế quốc hãnh tiến.Việc học tập của chúng tôi diễn ra trong căn phòng khách tại Kolpachny Pereulok, trước đây thuộc về Viktor Abakumov, kẻ hung ác đứng đầu hệ thống khủng bố SMERSH tác giả những vụ thủ tiêu các kẻ thù giả và thật của Stalin thời Chiến tranh thế giới II. Abakumov bị bắn sau khi Lavrenti Beria chết năm 1953.Được xây cất theo kiểu hùng vĩ tiền Cách mạng, toà nhà ba tầng có nhiều phòng, một cầu thang máy, lò sưởi ấm, và một phòng tắm lớn lót gạch cẩm thạch và một bồn tắm cũ lớn. Tủ đựng bát đĩa trong phòng ăn chứa đầy bộ xứ và ly pha lê, và có một bàn ăn hình trái xoan trên đó có đèn treo thấp; chúng tôi ngồi ở đó để bàn về chính sự thế giới với các chủ nhân. Cửa sổ có treo những tấm màn dày. Nhà này có một tủ sách quý giá gồm những tác phẩm cổ điển Nga (ít khi dùng đến), một phòng bi-da, một phòng chiếu phim; toà nhà được xem như một vật kỳ diệu ngay cả đối với các viên chức cao cấp của KGB vì họ yêu thích sự pha trộn sở thích trưởng giả cổ với xa xỉ tầm thường của kẻ mới giàu. Người ta được biết Abakumov đã đích thân tra tấn các tù nhân và bắt chước thói của Beria bắt cóc những cô gái xinh đẹp ở ngoài đường phố, đem họ về nhà rồi hiếp. Bao nhiêu cảnh kinh hoàng đã xảy ra trong những căn phòng này, nơi mà chúng tôi đương giải trí hoang toàng? Sau khi Liên Xô sụp đổ, phòng thông tin của Cơ quan Tình báo Nga được đặt tại đây.Mielke thích được các bạn Xô viết chiều chuộng trong khung cảnh hùng vĩ trong khi đó tôi thích du ngoạn thành phố hơn là vào ở các nhà nghỉ ấm cúng tận rừng sâu, khiến tôi nhớ lại thời thơ ấu. Mielke chưa hề thoát khỏi nỗi bất an của kẻ mang gốc gác thợ thuyền. Y muốn tôi ngủ cùng phòng với y vì y cảm thấy cô đơn - hoặc có thể y sợ cảnh giới xung quanh. Về đêm, ông bạn đồng hành của tôi ngáy to như sấm, báo hiệu cho một tuần lệ không lấy gì làm thoải mái.Sau năm 1953, mối quan hệ với KGB bị tắc nghẹn do những xáo trộn trong nội bộ cấp lãnh đạo Xô viết sau cái chết của Stalin và việc hành quyết tên đao phủ thủ của ông, Lavrenti Beria.Sergei Kruglov, kế vị Beria, được Ivan Serov thay thế và Serov có nhiệm vụ thiết lập cơ cấu tình báo Xô viết tại Đông Đức: Văn phòng đồ sộ KGB tại Berlin, việc cài đặt tất cả những đại diện của KGB trên tất cả các quận của Cộng hoà Liên bang Đức, và thiết lập Cục quân báo to lớn tại Postdam. Serov chủ trương để cho CHDC Đức tự quản lý độc lập tình báo và phản gián của mình. Tôi gặp ông lần đầu trong một hội nghị của các đại diện cơ quan tình báo khối Đông Âu vào tháng 3-1955. Ông luôn mặc quân phục, ngay cả ở bề ngoài và trong tư tưởng và diễn văn của ông, ông luôn yêu cầu tất cả mọi người dồn mọi nỗ lực để đánh kẻ thù chung là Hoa Kỳ. Người anh đỡ đầu Xô viết của tôi là Alexander Panyushkin, cựu đại sứ tại Washington và sau này là người trách nhiệm liên lạc các viên chức ngoại quốc của Trung ương Đảng.Có một lần tôi đi một vòng xe ngựa qua khu rừng săn bắn dành riêng cho Bộ Công an tại Wolletz, cách Berlin 40 dặm, cùng với Serov và sĩ quan thường trú KGB tại Berlin, Aleksandr Korotkov. Korotkov đã hoạt động trước thời chiến với bí danh “Erdmann”, người điều khiển “Dàn hoà tấu Đỏ” tại Berlin. Họ trò chuyện với nhau hồi tưởng lại thời đồng chí chiến đấu dẹp tan cuộc nổi loạn tại Hungary. Nghe họ nói chuyện, tôi có cảm tưởng rất nhiều cấp tướng của KGB đã tham dự vào cuộc đàn áp này.Serov được Aleksandr Shelepin thay thế và Shelepin chỉ tại vị được ba năm cực nhọc (vào thời gian này, đương sự đã tán đồng việc ám sát lãnh tụ khuynh hướng quốc gia Ukraina Stepan Bandera tại Munich và đích thân gắn huy chương cho điệp viên đã thi hành việc này). Là một con người cao ngạo và nhiều tham vọng, Shelepin đã bị khai trừ vì đã ủng hộ một cuộc đảo chánh bất thành nhằm lật đổ Khrushchev năm 1961 và được Vladimir Semichastny thay thế. Đương sự là một người dễ mến và thân thiện, đức tính trông mong của một người đã từng lãnh đạo Komsomol, cánh thanh niên của Đảng.Mặc dù hiền từ, Semichastny có đầu óc bén nhạy, một người lý tưởng cộng sản cao đã bước nhanh chóng lên những cấp bậc của cơ quan KGB và khôn khéo uốn theo chiều gió khi Krushchev bị hạ bệ năm 1964 và Leonid Brejnev lên thay thế. Semichastny luôn bị ám ảnh lo sợ hệ thống tư tưởng cộng sản bị ô nhiễm ngay trong nội bộ các văn nghệ sĩ của Xô viết; ông là người đã tổ chức việc tố khổ Boris Pasternak với tiểu thuyết Dr. Zhivago. Ông không chú ý đến tình báo hải ngoại, ông giao việc này cho Aleksandr Sakharovsky và Sakharovsky được nhiều người trong đội ngũ kính trọng cũng như bản thân tôi kính trọng ông. Sakharovsky đối xử với tôi như một người con, chiếu theo tuổi tác.Tôi cố gắng tách rời cơ quan tình báo hải ngoại của chúng tôi với những “thái quá công tác” của các cơ quan điệp báo ở Đông Âu; họ cũng trông theo KGB để được hướng dẫn. Mặc dù những hình ảnh rập khuôn vẫn được các phim ảnh và tiểu thuyết gián điệp đề cập đến, bạo lực thân xác là một ngoại lệ chứ không phải là một quy luật. Tôi không nghĩ hai bên có ý định ám sát đối thủ và phần lớn những người bị giết là vì tai nạn sau khi đã nhận được một liều thuốc gây mê quá mạnh, thường xảy ra trong những vụ bắt cóc. Những vụ chết như vậy đã được phương Tây khai thác để trơ trẽn tuyên truyền, những trang thời sự trắng đen của thập niên 1950; quả thật như vậy, chúng tôi thường thấy những cái chết đó trên báo chí phương Tây vì họ không có những loại sự cố như vậy để huyênh hoang tự phụ.Điều này không có nghĩa là chúng tôi đôi lúc không mạnh bạo trong phương pháp của chúng tôi. Cơ quan tình báo hải ngoại, vì được hoà nhập vào Bộ Công an vào giữa thập niên 1950 và chiếu theo kiểu mẫu Xô viết, dính liền với phản gián qua nhiều đường dây. Ví dụ, nếu Cục 20 của Bộ Công an, trách nhiệm về văn hoá, chú ý đến một “phần từ phản động - tiêu cực” - dùng theo ngôn ngữ phản gián - và nếu chúng tôi thấy tên của người láng giêng người này nằm trong hồ sơ của tình báo hải ngoại HVA, anh ta hoặc cô ta được dùng để thông tin và báo cáo về người này, bao lâu điều kiện an ninh cho phép. Cụm từ mập mờ “phản động - tiêu cực” được áp đặt lên bất cứ cá nhân chống đối, bất đồng, hoặc bất đồng phần nào với chính sách của cấp lãnh đạo. Đây là một trong những dụng cụ tồi tàn nhất của Stasi để bắt bớ. Nếu cơ quan tình báo hải ngoại HVA nhận được thông tin về những sinh hoạt và đường dây liên lạc của các văn sĩ Đông Đức sống ở ngoại quốc, thông tin này được cung cấp cho cơ quan phản gián. Về phần chúng tôi, chúng tôi nhận được từ cơ quan phản gián những thông tin về những mối liên lạc của công dân Đông Đức với Tây Đức.Những trao đổi thông tin như vậy là thủ tục thông thường trong khối Đông Âu, cũng như Tây Âu. Có một vài người cho rằng việc cơ quan tình báo hải ngoại cộng tác với cục phản gián của Bộ Công an biến tôi thành công cụ giám sát và đàn áp công dân Đông Đức của Bộ. Tôi không dám nói là không liên quan gì đến những vụ đàn áp, nhưng sự phân cách tương đối nghiêm ngặt trong Bộ có nghĩa là cơ quan của tôi rõ rệt không dính líu gì đến những sinh hoạt phản gián nội bộ. Cơ quan HVA luôn luôn là cơ quan tình báo hải ngoại, và mặc dù chúng tôi hợp tác trên phương diện hành chính với cơ quan phản gián, bản thân chúng tôi chưa hề tổ chức những vụ bắt bớ hoặc kết án nào cả. Tuy nhiên, chúng tôi biết rõ những gì đang xảy ra và những phương pháp hung bạo của phản gián. Vào những thời gián cuối trong sự hợp tác giữa cơ quan HVA và cục phản gián của Bộ Công an, việc dùng bạo lực là một ngoại lệ chứ không phải nguyên tắc, không có sĩ quan nào ra lệnh hoặc tán thành việc này. Tuy nhiên đã có những biện pháp đem ra áp dụng để phá vỡ và ham doạ những nhóm đối lập và hậu quả tâm lý có lẽ cuối cùng gây thiệt hại hơn bất cứ một cuộc tra tấn thể xác nào.Những phương pháp như vậy, khó hình dung về chiều sâu và có tính chất tinh vi bỉ ổi, được dùng để đánh phá khoa học gia Robert Havemann. Là một đảng viên cộng sản kiên cường đã bị kết án tử hình thời Hitler và được quân đội Xô viết giải thoát từ cùng một tù với Erich Honecker, Havemann, vào cuối thập niên 1960, chỉ trích công khai đường lối lãnh đạo của Cộng hoà Dân chủ Đức và yêu cầu cải cách dân chủ hệ thống chính trị trì trệ của chúng tôi. Ngôi nhà nhỏ của ông tại Grünheide, gần Berlin, bị bủa vây và phong toả giống như căn cứ địa của kẻ thù. Tất cả thân nhân trong gia đình, mọi vị khách đến thăm đều bị giám sát bởi các điểm chỉ viên, những người này bao bủa mọi sinh hoạt của họ, và những lời vu cáo được tung ra để bôi nhọ các bà vợ, kể cả những câu chuyện bịa đặt về những mối tình vụng trộm. Một cựu nhân viên trong cơ quan của tôi tên là Knut Wallenberger được cài vào nhóm đòi hỏi dân chủ của Havemann để gây áp lực và khuynh đảo họ.Những biện pháp tương tự cũng được áp dụng một cách có hệ thống cho thi sĩ và ca sĩ Wolf Biermann, một người bạn của Havemann và cũng là thành viên của nhóm dân chủ của ông. Sau khi đi trình diễn một vòng Tây Đức, ông không được phép trở về CHDC Đức và bị tước một cách bất hợp pháp quyền công dân của mình.Karl Winkler, một thi sĩ trẻ và cũng là một ca sĩ mến mộ Havermann và Biermann, bị bắt với những tội danh giả tạo “công khai gièm pha” năm 1979 và bị đày sang Tây Đức sau một phiên toà kết tội anh. Anh cho phát hành một quyển sách mô tả cách tra tấn tâm lý trong lý ở tù; chúng tôi làm quen với nhau - có lẽ làm bạn với nhau - sau năm 1989, khi tôi xuất hiện trong một cuộc tụ tập tại Alexanderplatz để đòi hỏi cải cách. Anh đến ủng hộ tôi trong thời gian tôi ra toà vào hè năm 1993. Năm sau, Winkler bị chết đuối ở biển Địa Trung Hải và cho tới nay không ai biết rõ trong trường hợp nào.Tất cả mọi nhà tù phá huỷ nhân cách con người, nhưng một phần lớn tuỳ thuộc người điểu tra sơ khởi và bản chất của cai ngục sau khi phiên toà kết thúc. Tôi được các nhân viên của tôi cho biết về cách tra tấn tâm lý dùng biệt giam, những ai đã phải chịu cách hành hạ này trong các nhà tù phương Tây. Tôi chưa bao giờ thấy nhà tù Đông Đức, nhưng tình trạng tại đây thông thường chắc chắn là tồi tệ. Những lời tường thuật của Winkler về 13 tháng tra vấn và giam giữ của bản thân anh trước khi bị tống xuất là một minh chứng ngột ngạt về việc coi thường nhân cách của tù binh, một kinh nghiêm mà tất cả các tù binh đều chia sẻ. Sau này anh tổ chức những chương trình viếng thăm Bộ Công an và nhà tù của bộ, và hai chúng tôi hiểu nhau và quý mên những ưu tư của nhau.Nghe được những trải nghiệm của Winkler, một lần nữa tôi cảm thấy xấu hổ vì mặt trái đen tối của cái Bộ mà tôi đã từng giữ chức vụ cao cấp bấy lâu nay. Tôi cũng không có cảm giác khác khi tôi gặp Walter Janka, một đảng viên cộng sản kỳ cựu và là bạn đồng hành của cha tôi. Ông kể cho tôi nghe việc ông bị truy tố và giam giữ sau biến cổ nổi dậy năm 1956, sau đó ông bị giam vào nhà tù nổi tiếng Bautzen. Tháng 12-1989, Janka và tôi chủ toạ Đại hội Đảng và cố gắng muốn biến Đảng Đoàn kết Xã hội thành một đảng dân chủ xã hội. Tôi giúp soạn thảo một bản tường trình về những tội ác của chủ thuyết Stalin và quá khứ của chúng tôi, ngỏ lời xin lỗi với nhân dân CHDC Đức. Những năm sau đó, tôi và người kế vị Werner Grossmann luôn nhắc nhở cơ quan chúng tôi không thể trốn trách nhiệm và những vụ đàn áp nội bộ, và chúng tôi xin được thứ lỗi.Việc cơ quan công an nhà nước dùng võ lực để đối phó với các công dân bất đồng chính kiến, hoặc những ai tìm cách rời bỏ quê hương mà mình không còn mến yêu không khác gì việc chà đạp lên lý tưởng của các vị sáng lập nên chủ nghĩa cộng sản. Do đó, cơ hội để cải cách đã bị bỏ lỡ, và trách nhiệm và tội lỗi của chúng tôi do khiếm khuyết vẫn còn là một gánh nặng ray rứt cho đến ngày nay.Tôi tuyệt đối chống những hành vi bạo lực khủng bố tinh thần và xâm hại đến tâm lý, nhưng điều này lại không được áp dụng cho những cơ quan “bạn”. Một hôm, tôi nhận một cú điện thoại của giám đốc trưởng phòng tình báo Bulgari tại Berlin yêu cầu chúng tôi phái đến một bác sĩ đáng tin cậy để giữ bí mật để giúp họ trong một “vụ khó khăn”. Khi được gạn hỏi y chỉ trả lời “Chúng tôi đang chuyên chở hàng hoá nhưng e rằng nó hư hỏng rồi”.Không bao lâu tôi được biết là nhóm Bulgari đã đánh thuốc một người mà họ đã “bắt cóc” và không cân nhắc liều thuốc. Một bác sĩ đáng tin cậy có mối dây liên lạc với cơ quan tình báo có nghĩa là đương sự không dễ gì bị chấn động. Vào khoảng một giờ sau đến Toà đại sứ Bulgari, anh ấy điện thoại cho tôi. “Quá muộn”, “Bọn điên này cho anh kia một liều mạnh có thể giết một con ngựa. Họ trói và đem nhốt người này trong thùng xe. Không có không khí, lại chích cho y một liều thuốc cực mạnh. Một hỗn hợp với kết quả dễ tiên đoán”.Anh nhân viên tình báo Bulgari điện thoại trở lại, lần này giọng nói run rẩy. Vì đã vô ý giết một kẻ đào tẩu, có thể là họ đã bắt cóc người này ở Tây Đức để đem về Sofia để tra khảo, đầu của anh Bulgari hiện nay bị đặt trên thớt.“Có thể nào chúng tôi để lại món hàng cho quý vị được không?”, anh ta năn nỉ. Tôi trả lời “Chắc chắn là không được “.Chúng tôi đôi co một lúc và cuối cùng trình việc này lên Mielke. Mielke quyết định thi thể này thuộc thẩm quyền của Bulgari. Chúng tôi xua đuổi chiếc tàu chở hàng buồn bã này lên đường trước khi cái xác kia khô cứng lại.Hình như tôi khó lòng thuyết phục người khác là tôi không dùng những phương pháp này. Tuy nhiên, những giải thích và phương pháp làm việc của chúng tôi trong những trường hợp đã được trình bày trong quyển sách này cho những người tin hoặc chỉ muốn tin rằng James Bond là con người thật thấy rằng chúng tôi không cần chơi trò “bẩn thỉu” và thuốc ngủ để điều khiển một cơ quan tình báo hữu hiệu.Nhưng tôi vẫn biết, ngay cả sau khi Stalin đã chết, các ông Xô viết vẫn còn một ban tiếp tục khai triển phương pháp thủ tiêu kẻ thù của mình một cách quái gở. Ngay trong nội bộ KGB sự hiện hữu của ban này là một bí mật được giữ thật kín. Ngoài việc ám sát Bandera với viên đạn tẩm độc, KGB còn ám sát người đào tẩu Truchnovich, người đứng đầu tổ chức xuất ngoại Nga trong Liên đoàn công nhân, tại Berlin, khi họ tìm cách bắt cóc ông. Một nhân viên KGB được phái đi khắp khối Đông Âu tìm khách mua những loại hàng như độc tố thần kinh bất khả phát hiện và thuốc độc ngoại da để đổ lên núm cửa. Món hàng duy nhất tôi nhận của hắn là một túi “thuốc sự thật”, mà y khoe là “vô địch” với lòng hớn hở của một anh chào hàng tư gia. Mấy năm nay nó vẫn nằm trong tủ kín của tôi. Một hôm vì tò mò, tôi nhờ một bác sĩ đã được cẩn thận chọn lọc đem chất này đi phân tích. Ông ta trở lại lắc đầu kinh hãi: “Dùng những thứ này mà không có y sĩ theo dõi có nhiều cơ may là người ông muốn khai thác sự thật sẽ lăn đùng ra chết trong khoảnh khắc”. Chúng tôi không bao giờ dùng “thuốc sự thật”.Nhưng cái chết luôn luôn là một rủi ro bất kể quý vị ở phía bên nào. Giá phải trả của một người bị phát hiện phản trác lúc mới bắt đầu Chiến tranh Lạnh thường là hành quyết sau khi bị xét xử. Nạn nhân đầu tiên tôi nghe nói đến là một phụ nữ tên Elli Barczatis, thư ký của Thủ tướng Đông Đức Otto Grotewohl.Grotewohl đã từng là đảng viên Dân chủ Xã hội trước khi đảng SPD và nhóm Cộng sản xuất hiện ở Đông Đức năm 1948, và các đồng nghiệp SPD cũ ở Tây Đức vẫn hy vọng ông rời bỏ nhóm Xô viết và tách rời ra khỏi đảng lãnh đạo Đông Đức. Tây Đức bám sát ông rất kỹ, nhưng vì ông tỏ ra lãnh đạm, họ chuyển sang cô thư ký của ông. Cô Barczatis bị một nhân viên tình báo Tây Đức dẫn dụ và, sau này được biệt trong lúc thẩm vấn, được biết cô có bí danh là “Daisy”. Theo sự hiểu biết của tôi, đây là lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới II phương pháp Romeo được cả các cơ quan tình báo của cả hai phía dùng để dẫn dụ một người thân cận với một khuôn mặt chính trị hợp tác với kẻ thù.Số phận của Barczatis trở nên hẩm hiu vì trường hợp của cô xuất hiện trước công chúng ngay sau khi Julius và Ethel Rosenberg bị xử tử vì tội gián điệp, tiết lộ tài liệu nguyên tử của Hoa Kỳ. Trò chơi trong nghề gián điệp, cũng như trong nhiều phương diện khác của Chiến tranh Lạnh, là sòng phẳng. Cô bị kết án tử hình và bị chém đầu tại Frankfurt-an-der-Oder ở biên giới Ba Lan.Trong bầu không khí chính trị này, tôi không thể nào không biết ngay từ lúc đầu chò trơi này đã trở nên gay go. Tôi không dám nói là tôi không biết những hung bạo của cuộc sống trong nước chúng tôi; những vụ bắt bớ tuỳ tiện và những mối lo sợ xâm chiếm các cấp chỉ huy Cộng sản trong thập niên 1950 cảnh báo cho tôi biết không ai có thể tránh những tội quy phản bội.Tình hình thay đổi hoàn toàn và có chiều hướng tốt hơn khi Andropov làm giám đốc KGB năm 1967. Cuối cùng đây là khuôn mặt tôi ngưỡng mộ, không kiểu cách và không can dự vào những mưu chước nhỏ nhen mà các vị tiền nhiệm mắc phải. Ông không có thái độ hống hách của phần đông các viên chức Xô viết vì họ thường tự cho mình là một đế quốc lớn bất khả xâm phạm. Khôn ngoan hơn tất cả mọi nhân vật lãnh đạo ở Moscow, ông nhận biết việc can thiệp quân sự vào Hungary năm 1956 và sau này vào Tiệp Khắc năm 1968 là một chỉ dấu yếu kém hơn là sức mạnh. Ông không muốn những biến cố như vậy tái diễn lại. Andropov nổi bật hơn các bậc tiền nhiệm và các người kế nhiệm nhờ những đức tính chính trị và nhân bản của mình. Viễn kiến của ông vượt xa những người này. Ông hiểu những khía cạnh chính trong chính sách nội bộ và ngoại giao, những vấn đề ý thức hệ và lý thuyết, nhu cầu phải thay đổi và cải cách cơ bản, nhưng ông cũng nhận biết những rủi ro và những hệ luỵ.Lần đầu tiên tôi gặp gỡ Yuri Andropov và nói chuyện sâu sát với ông là vào năm 1968, không bao lâu sau khi quân đội Nga dẹp tan mùa xuân Praha. Ông đã thu xếp để viếng thăm Đông Đức mùa hè năm đó, nhưng cuộc viếng thăm đã được dời lại vì những biến chuyển ở Praha. Trời đã sang thu khi ông đến gặp chúng tôi và chúng tôi vẫn còn bàng hoàng vì những gì đã xảy ra và do dự không biết phải nói năng như thế nào cho thích hợp. Trong tất cả những buổi tiếp tân của nhà nước tôi đã tham dự, buổi tiếp tân này để lại ấn tượng trong lòng tôi. Chúng tôi ăn tại một trong những toà nhà của Bộ ở phía Bắc quận Pankow vùng Đông Berlin. (Trong những năm đầu, cấp lãnh đạo Đông Đức tất cả sống tại đây trong một phạm vi chật hẹp, san sát bên nhau, sau đó vì vấn đề an ninh họ phải di chuyển ra khỏi thành phố để đến ở khu dinh thự Wandlitz vào thập niên 1950).Nhà tiếp khách ở Pankow là một biệt thự, đã được lựa chọn với con mắt ngoại giao, trang bị đầy đủ và sang trọng vừa đủ để bày tỏ sự kính trọng đối với các vị quan khách mà không quá lộng lẫy vượt lên trên những trình diễn trong phầm ẩm thực mà các bạn Xô viết dành cho chúng tôi. Những vị khách phía bên Đức là Erich Mielke, mười một sĩ quan cao cấp của Bộ Công an và tôi. Không khí buổi tiếp tân đêm đó thật là thoải mái, một cách để tỏ lòng tôn kính đối với Andropov trong những thay đổi ông đã đem lại cho tổ chức. Nỗi lo sợ canh cánh - hiện diện trong thập niên 1950, mười năm đã qua mặc dù Khrushchev đã giảm thiểu sự căng thẳng nhưng vẫn còn dấu ấn của Stalin - đã tan biến. Andropov giữ phong cách và, không như nhiều người đồng hương của ông, vẫn còn văn minh sau một vài chung. Quý vị có thể thấy mọi người đều thở phào nhẹ nhóm. Đây là một cuộc họp mặt chỉ toàn là đàn ông. Ngay cả những người chiêu đãi cũng là đàn ông được lựa chọn từ danh sách đặc biệt những người chiêu đãi đáng tin cậy nhất trong Bộ.Câu chuyện xoay qua tình hình Tiệp Khắc, mà tôi tiên đoán thể nào cũng được nói đến. Mielke suốt đời luôn bị ám ảnh vì nhóm Dân chủ Xã hội Đức mà ông trách cứ là “chệch hướng ý thức hệ” trong phong trào chủ nghĩa xã hội. Ông thấy buổi cơm tối này là một cơ hội để xả xúp-páp và gây ấn tượng với vị khách của chúng tôi, bày tỏ tinh thần đoàn kết với Liên Xô trong quyết tâm dập tan phong trào cải cách tại Praha. Ông đứng dạy và nói về nhu cầu ngăn chặn “đà suy thoái” do ảnh hưởng của nhóm dân chủ xã hội, lúc đó đang ngự trị trong giới cải cách tại Praha.Mọi người gật gù tán thành. Sau đó Andropov nói: “Đây chưa phải là toàn bộ vấn đề”, ông nói, một cách thiện cảm nhưng cứng rắn. “Chúng ta có hai lựa chọn: can thiệp quân sự, việc này sẽ làm hoen ố thanh danh chúng ta, hoặc là để Tiệp Khắc tự chọn con đường của mình, với tất cả những hậu quả sau này cho Đông Âu. Đây là một lựa chọn không có gì lý thú”.Andropov cầm ly lên và uống một ngụm nước lạnh, cả bàn đều im lặng, tất cả mọi người đều chú ý nhìn ông.“Chúng ta phải nhìn vào tình thế của mỗi một nước và xem xét những căng thẳng và nguyên do của những giằng co từ đâu ra. Chính quyền (Cộng sản) mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn tại Tiệp Khắc. Còn về phần các nhóm Dân chủ Xã hội, tôi nghĩ chúng ta phải cẩn thận xem xét mối liên hệ của chúng ta đối với họ và ở các nơi khác họ có một tầm vóc nào không”.Những điều cấm kỵ vừa mới được vứt bỏ làm cho mọi người nín thở. Để khởi đầu, ông gạt sang một bên những phân tích có tính cách giáo điều ý thích hệ về việc can thiệp thay thế vào đó việc xét nghiệm những vấn đề nội bộ của một nước. Lời bình luận của Andropov còn có ngụ ý là các đảng viên cộng sản Tiệp Khắc đã chậm chạp không nhận ra quy mô rộng lớn của sự phản đối và công việc cần phải làm để cải thiện tình hình. Ưu tư của Andropov về số phận của giới lãnh đạo mới trực tiếp đi ngược lại với đường hướng chính thức, vẫn cho rằng đám đông quần chúng tuân thủ luật pháp cảm thấy sung sướng thấy trật tự đã trở lại và Đảng cộng sản đã nắm vững trở lại quyền hành. Và những lời bàn sau đó của ông, cổ võ những mối liên hệ với tất cả khối Dân chủ Xã hội, chỉ trích thoáng nhẹ mối hận thù thâm căn giữa cấp lãnh đạo Đông Đức và cánh đảng tả lớn mạnh nhất của Tây Đức. Người ta cũng tiên đoán điều này, vì năm kế tiếp đó, nhóm Dân chủ Xã hội Tây Đức phát động phong trào Ostpolitik để tìm hiểu Đông Đức rõ hơn. Ông Andropov gây ấn tượng nơi tôi vì ông đã mạnh dạn xác định được vai trò chúng tôi đang mong đợi nơi ông và qua lối nói chuyện thẳng thắn tại một diễn đàn thông thường chỉ là lời nịnh bợ và giáo điều. Hứng khởi vì thái độ của ông, chúng tôi rót thêm rượu vào ly.Dịp này cũng không ngăn cấm Mielke tiếp tục tuyên bố những lời lẽ thái quá. Cho đến mãi thập niên 1970, ông vẫn tiếp tục ăn mừng Stalin và yêu cầu “tung hô ba lần người gương mẫu và nguồn cảm hứng của chúng ta” với một cử toạ càng lúc càng chán ngấy. Ông cũng ám chỉ một cách lộ liễu là Liên Xô đã phạm một sai lầm lớn khi muốn tránh xa những thành quả của Stalin. Nhưng lẽ cố nhiên ông chỉ nói trong nội bộ. Khi người Xô viết có mặt, đó lại là một chuyện khác.Không như các vị tiền nhiệm, Andropov chú trọng đến chính sách ngoại giao và tình báo hải ngoại. Ông cũng thay đổi cơ cấu quản lý của KGB và lập ra một hệ thống có nhiều trách nhiệm hơn. Trong những công tác hải ngoại, ông mau chóng nhận biết cách làm việc từ xưa tới nay đem cài đặt các điệp viên vào các Toà đại sứ, các phái bộ ngoại thương và những các phái đoàn khác đại diện cho Liên Xô không phải là một phương thức tốt để hoạt động. Tôi biết, do chính những cố gắng bất thành của tôi nhằm điều khiển các điệp viên từ Toà đại sứ của chúng tôi tại Washington, rất khó rời khỏi Toà đại sứ mà không có một nhân viên FBI bám đuôi, mặc dù những năm sau này tôi gặp Ivan Gromakov, trước đây là nhân viên thường trú của KGB tại Washington, và ông vẫn cho rằng sự canh chừng của FBI dễ phát hiện và chưa bao giờ là một trở ngại cho công việc ông tiếp xúc với các nguồn tin của ông. Một bất lợi khác trong công tác núp dưới bóng ngoại giao là nguy cơ bị trả đũa trục xuất ngoại giao, có nghĩa là tất cả những nhân viên tình báo thường trú tại Toà đại sứ hoặc có chức vụ tương tự có xác xuất cao bị tống xuất ra ngoài trong những đợt trục xuất quanh năm. Các Toà đại sứ Liên Xô đày tràn những loại điệp viên này nên có một năm Anh đã trục xuất tất cả là 105 người tình nghi là điệp viên nằm trong Toà đại sứ Liên Xô tại London. Lề lối của Andropov chuyển sang dùng các nhân sự bất hợp pháp (đưa một điệp viên xâm nhập lãnh thổ địch với căn cước giả, giấy giả và một lý cơ bao biện cho sự hiện diện của mình tại đây), góp phần cải tiến ngành điệp báo, xem ra không được các cán bộ tán thành, vì họ muốn được sự hỗ trợ của cơ chế.Việc chuyển đổi dùng các nhân viên bất hợp pháp là một thực tế mà chúng tôi phải ép buộc tuân theo vì nhu cầu. Bởi vì nước CHDC Đức không được các nước phương Tây thừa nhận trên mặt ngoại giao cho đến khi Hiệp ước Cơ Bản được ký kết với Tây Đức, chúng tôi trong mọi trường hợp không thể nào có được hào phóng để dùng các Toà đại sứ như những căn cứ gián điệp và chúng tôi dùng “đường dây bất hợp pháp” (chúng tôi dùng cả cú pháp của đội Bolshevik xưa). Andropov xem xét kỹ lưỡng phương pháp của chúng tôi và đi đến kết luận có ít điệp viên được hưởng tiện nghi của một cuộc sống có định chế và nên gửi các điệp viên bất hợp pháp ra ngoài nhiều hơn để họ tự xoay sở.Ông nghiên cứu kỹ lưỡng sự phát triển của tình báo Đông Đức và yêu cầu tôi cung cấp những ví dụ cụ thể về phương thức điều khiển điệp viên. Tôi cảm thấy hãnh diện được ông hỏi và tôi vui vẻ làm việc này.Chúng tôi không bao giờ cung cấp cho nhau tên của các điệp viên. Quy tắc thứ nhất của truyền thống điệp báo có từ thời khởi đầu đường hướng của Đảng cộng sản cách mạng, và đó là một người chỉ được tiếp cận những gì người đó cần biết. Cách ngăn cấm tế nhị này phòng hờ sự khiển trách lẫn nhau trong trường hợp có kẻ phản bội, phòng hờ cơ quan nọ khiển trách cơ quan kia.Việc Andropov tiếp nhận những thông tin nằm ngoài KGB cũng cho thấy ông cảm nhận được mối tương quan thực sự giữa các nhân viên ngoại giao và các sĩ quan tình báo trú ngụ tại Toà đại sứ để kiểm chứng những báo cáo chính thức. Phong cách đôi lúc hống hách của KGB khiến cho những lúc làm việc giữa các vị đại sứ và uỷ viên thường trực của KGB rất căng thẳng trong nhiều Toà đại sứ. Điều này càng rõ nét hơn nữa vì tài lực của KGB dồi dào hơn ; họ luôn được tài trợ đầy đủ, và các nhân viên sắm sửa được xe cộ cho bản thân, trong khi đó chỉ có các nhà ngoại giao cao cấp của Xô viết mới có xe riêng mà thôi ; các nhân viên ngoại giao khác bắt buộc phải tuỳ thuộc vào đội ngũ xe của Toà đại sứ. Những oái ăm nay không những là nguồn gốc tạo nên lòng bất mãn, nó cũng giúp cho các cơ quan phản gián ngoại quốc phát hiện những điệp viên của KGB làm việc ẩn núp dưới danh nghĩa ngoại giao.Về ảnh hưởng chính trị rộng lớn của Andropov, tôi được biết ông là người khởi xướng nhiều ý kiến cải cách mà sau này Gorbachev nhận là của ông. Ông nhìn nhận một trong những nguyên nhân kinh tế của Xô viết tụt hậu quá xa so với phương Tây là vì chỉ huy tập trung và sự tách biệt hoàn toàn giữa khu vực quân sự và dân sự. Những đầu tư to lớn của chính quyền trong những tập hợp công nghệ quân sự tại Hoa Kỳ và các nước tư bản tiên tiến có thể nhờ các công ty tư nhân biến cải thành những tiến bộ dân sự lợi ích trong ngành kỹ thuật cao chẳng hạn như ngành hàng không phản lực và máy vi tính. Nhưng tại Liên Xô, việc tôn sùng bí mật đã tạo nên một sức cản không thể dứt ra được, như các bộ trưởng của CHDC Đức có thể chứng nhận do kinh nghiệm bản thân với các bộ liên quan đến quân đội của Xô viết. Khi tôi đề cập những vấn đề này với Andropov, ông nói với tôi ông đang cố gắng đem đường hướng suy nghĩ này ra áp dụng trong các uỷ ban ông đã thành lập với các chuyên viên dân sự và quân đội có nhiệm vụ phải học hỏi từ những so sánh giữa hai hệ thống kinh tế đang tranh đua. Andropov công nhận tình báo là một dụng cụ quan trọng để học hỏi phía bên kia để cải tiến hệ thống xã hội chủ nghĩa và tâm trí sẵn sàng xem xét những đường hướng khác của ông tương phản với sự trì trệ xung quanh ông. Ông suy tưởng đến khả năng “con đường thứ ba” dân chủ xã hôi do Hungary đề xướng và một vài nhóm tại CHDC Đức, và ngay cả trong thời kỳ đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, mà ông có phần trách nhiệm trong đó, ông ta kín đáo bàn thảo về những kinh nghiệm của Hungary trong bối cảnh đa nguyên chính trị cũng như bối cảnh tự do kinh tế.Tôi vẫn thường tự hỏi ông Andropov có thể làm được những gì nếu ông sống được mười năm tại chức thay vì một vài năm sống đau yếu. Chắc chắn ông sẽ không làm những gì Gorbachev làm. Ông tỏ ý hy vọng có thể chuyền hoá sở hữu xã hội chủ nghĩa sang thị trường tự do cũng như cởi mở chính trị, và chắc chắn những bước tiến đi đến cải cách sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng.Khi làm việc với các nước xã hội chủ nghĩa khác, Andropov không bao giờ ra vẻ kẻ bề trên theo kiểu cách của Brezhnev, người tiền nhiệm, hoặc Chernenko, người kế nhiệm. Vyacheslav Kochemassov nhớ lại khi ông được bổ nhiệm làm đại sứ Xô viết tại Berlin, Andropov nói với ông: “Chúng ta cần một vị đại sứ mới ở nước CHDC Đức, chứ không phải một ông thống đốc thuộc địa”. Chấm dứt lề thói phong liêu đế quốc cũ của Nga có thể nào đưa đến việc cải cách thành công xã hội chủ nghĩa đó vẫn còn là một vấn đề tranh cãi.Có lẽ những hồi ức này giúp soi sáng những mâu thuẫn mà Andropov cho phương Tây thấy. Người ta quảng cáo ông là một tự do trong phòng, ngay cả là một người mến chuộng jazz - nhưng những nhà nghiên cứu thấy điều này khó dung hợp với việc đối xử tàn bạo với các người bất đồng chính kiến. Nhưng họ lầm. Tôi có thể làm chứng là ông chắc chắn mong muốn cải cách, nhưng nó sẽ không đến theo kiểu dân chủ của phương Tây, mà ông cho là hỗn loạn. Những cải cách của Andropov được áp đặt từ trên xuống, với tất cả những giới hạn đi theo. Nhưng tôi tin rằng những cải cách như vậy theo một đường hướng chừng mực hơn và có cơ thành công hơn.Sự kiện tôi ái mộ ông Andropov không có nghĩa là tôi luôn luôn theo đường hướng của ông, nhất là khi tôi tìm cách dàn xếp trao đổi gián điệp với Günter Guillaume năm 1978. Tôi nghĩ rằng chính quyền Bonn sẽ chỉ đổi Guillaume với một nhân vật tầm cỡ của phía bên Xô viết. Điều này sẽ làm họ rạng danh vì họ sành điệu trong trò chơi ngoại giao, và một số các điệp viên Tây Đức được thêm vào danh sách để chuyện đổi chác có phần nhẹ nhàng cho tiêu thụ nội bộ. Trong lúc tôi nguệch ngoặc những tên tuổi khả dĩ đem trao đổi trên một phong bì, tôi thấy mấu chốt - và là vấn đề - chính là Anatoly Sharansky. Hay đúng hơn, nỗi ám ảnh của điện Kreml đối với ông.Giống như nhà đạo đức và tác giả tố cáo Gulag (tù) Alexandr Solzhenitsyn và nhà khoa học và bất đồng chính kiến Andrei Sakharov, cha đẻ của bom hạt nhân và sau này trở thành người tranh đấu cho nhân quyền, ông Sharansky, trong vòng năm năm nhờ phát động phong trào nhân quyền cho người Do Thái đã trở thành một đối tượng tôn kính trong giới bất đồng chính kiến. Đây là một vấn đề uy danh cũng như may mắn trong việc gặp gỡ đúng nơi đúng lúc các ký giả có cảm tình - có hăng trăm người bất đồng chính kiến khác cũng dấn thân như vậy nhưng không ai để ý đến tại Liên Xô. Vì đã thành công nên ông viện sĩ nhút nhát này đã trở thành đối tượng thù ghét cá nhân cao độ trong KGB lẫn cả Đảng. Tôi biết theo kinh nghiệm của tôi trong việc đối phó của Moscow đối với các kẻ nội thù, việc này thường xuất phát từ một quyết định muốn tống khứ cá nhân khuấy nhiễu này; Solzhenitsyn bị đem lên máy bay để đưa sang Đức; Sakharov đã bị (do chính tay Andropov) đi đày nội xứ tại thành phố Gorky. Tại sao lại không tống khứ luôn Sharansky? Nhưng Andropov không theo lối lý luận này.Ông nói “Đồng chí Wolf có biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tung ra tín hiệu này không? Người này là một tên gián điệp (Andropov nghĩ rằng Sharansky dính líu với CIA), nhưng quan trọng hơn nữa, y là người Do Thái, và y lên tiếng cho người Do Thái. Có quá nhiều nhóm đã bị đàn áp trong nước chúng ta. Nếu chúng ta chấp thuận bước đầu căn bản này cho người Do Thái, người nào sẽ là kẻ kế tiếp? Người Đức ở vùng Volga? Người Tartar ở vùng Crimea? Hoặc có thể là nhóm Kalmuck hay Chechen?”.Ông đề cập đến những nhóm sắc tộc do Stalin lưu đày xa xứ trong một chiến dịch nhằm nhổ tận gốc những mầm mống chống đối dứt họ khỏi cội rễ địa lý. Cơ quan KGB có một danh từ hành chính mà tôi chưa bao giờ nghe nói đến để gọi các nhóm này: kontingentirovannye. Kontingent ám chỉ “những thành phần”, hoặc nhưng hạng, quần chúng không đáng tin cậy. Những “thành phần” này được xem như những kẻ thù tiềm tàng bất mãn, và Andropov đưa ra một con số tổng kết kinh hãi là tám triệu năm trăm ngàn người.“Chúng ta không thể bất cẩn tìm cách giải quyết tất cả những vần đề này trong lúc thời buổi khó khăn này”, ông nói tiếp “Nếu chúng ta mở tất cả các van khoá ngay lập tức, và quần chúng bắt đầu bày tỏ những nỗi bất bình, mọi việc sẽ đổ dồn vào và chúng ta không có phương tiện để ngăn chặn sự việc này”.Đây là con người thẳng thắn của Andropov mà tôi được biết, đoạn tuyệt với những lối giải thích ôn hoà và sai trái của giới lãnh đạo cũ, ông nói huỵch toẹt lý do tại sao Liên Xô kiến quyết trong vấn đề nhân quyền: lo sợ - sợ tiềm năng xung đột do di sản của Stalin để lại, di sản những kẻ thù tiềm tàng ngay trong nước. Sharansky có thể trở thành ngọn cờ đầu không những cho nhóm Do Thái tại Liên Xô, nhưng cho hàng hà sa số các kontingentirovannye.Ngày nay không có bằng chứng cho thấy Sharansky có liên hệ với CIA, nhưng Andropov nhất quyết cho rằng đương sự dính líu. Ông không có lý do gì để nói láo sự việc này, nhất là đối với tôi. Nhưng vượt lên trên những mối liên hệ điệp báo, mối ưu tư chính của Andropov nằm ở nơi khác, và tôi rất kinh ngạc ông đã công khai đề cập đến những vấn đề sắc tộc tiềm tàng. Andropov tiếp tục nói: “Đương sự sẽ cầm cờ cho tất cả dân Do Thái. Những chống phá thái quá nhắm vào người Do Thái của Stalin đã khiến cho những người này rất hận chính quyền Xô viết và họ có những bạn bè thế lực ở ngoại quốc. Chúng ta không cho phép việc này xảy ra trong lúc này”. Ông cũng rất thẳng thắn về đà suy thoái của Liên Xô, khởi đầu vào lúc ông, nhắc đến cuộc gặp gỡ của chúng tôi cách đây mười bốn năm, xác định cuộc can thiệp vào Tiệp Khắc năm 1968.Tôi cố gắng nhiều lần thuyết phục Andropov chấp nhận trao đổi Sharansky nhưng lần nào tôi cũng thất bại. Andropov bực bội mỗi lần nghe đến tên người này, và ông trở nên nóng nảy và la hét: “Hắn là một tên gián điệp, có vậy thôi”. Và cuộc đối thoại chấm dứt tại đây.Cuối cùng bệnh tình của Guillaume (giống như Andropov, anh bị bệnh suy nhược thận) đã cho phép ông rời tù nhanh hơn. Chính quyền Tây Đức phải chấp nhận tính toán, cho dù họ không muốn tỏ ra khoan hồng, họ không được lời gì nhiều trong cuộc trao đổi với một xác chết. Thêm vào đó, Erich Honecker, sau khi kế nghiệp Ulbricht, bắt đầu chú ý đến vấn đề này và ra tín hiệu cho Helmut Schmidt biết phải có một động thái nào đó nếu không ông sẽ giới hạn việc trao đổi tù binh và đoàn tụ những gia đình phân ly vì đất nước chia đôi.Tôi gặp lại Andropov năm 1980 khi tôi bay sang Moscow với Mielke để trao huy chương cho các sĩ quan lãnh đạo KGB nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập bộ của chúng tôi. Cả hai bên đều rất trân trọng những nghi thức này, KGB và các cơ quan tình báo trong khối Đông Âu, và đạt tới mức độ tiên đoán hỗ tương: họ trao tặng huy chương cho chúng tôi nhân dịp những ngày kỷ niệm của họ, chúng tôi đáp lễ tương tự trong những dịp lễ của chúng tôi. Điều này được lập lại khắp khối Đông Âu và không ai có thể nhớ hết con số huy chương các cấp lãnh đạo KGB nhận lãnh. Một người thợ may đặc biệt làm việc tại Tổng tham mưu KGB để đảm bảo các sĩ quan đeo huy chương đúng theo quy cách trong mỗi một dịp. Dịp này Andropov nhận một huy chương vàng đánh dấu ba mươi năm hợp tác hữu nghị với bộ của chúng tôi. Ông đang ở bệnh viện nhưng ông nhận huy chương tại đây.Lần cuối tôi gặp Andropov, năm 1982, thiểu não hơn nhiều. Tôi bay sang Moscow để tham dự một cuộc họp các cấp lãnh đạo tình báo hải ngoại của khối Đông Âu. Tuy nhiên khi tôi đến nơi, tôi được thông báo bệnh trạng cấp tính không cho phép Andropov đến tham dự cuộc họp. Tôi là người đầu tiên biết thực trạng sức khỏe yếu kém của ông. Tôi được đưa đến gặp ông tại Bệnh viện Kreml đặc biệt tại Kunsevo, một quận Moscow, được canh gác cẩn mật, nơi Stalin trước đây dùng để nghỉ hè. Vị trí phòng vệ của bệnh viện không cho phép người ngoài nhìn vào bên trong. Trong đó, Andropov có cả một căn phòng dành riêng cho ông, có phòng ngủ và phòng chữa trị ngăn cách bởi một hành lang dài chan hoà ánh sáng, có trang bị máy ghi hình an ninh. Phía đối diện là phòng làm việc và phòng tiếp khách. Ông trông vẻ xanh xao và mệt mỏi. Tôi đứng chờ ở ngoài với người phụ tá của Andropov, Vladimir Kryuchkov, trong khi đó Andropov đích thân nói chuyện riêng với Mielke. Không ai nói rõ căn bệnh của ông, và cũng không ai nói mức độ trầm trọng của căn bệnh. Tất cả những gợi ý về bệnh tình sắp chết của ông tổng thứ ký là điều cấm kỵ. Sau một vài phút im lặng, Kryuchkov hỏi tôi có giới thiệu được một bác sĩ chuyên khoa tiết niệu giỏi nào không, và vội vã nói thêm bệnh tình của cấp trên lẽ cố nhiên là một bí mật tuyệt đối.Năm 1980 là một năm khó khăn trong mối bang giao Xô viết - Hoa Kỳ. Viện cớ việc Xô viết trải dàn các tên lửa di động SS-20 tại phía tây nước Nga và Đông Đức cần phải có biện pháp đề phòng, NATO đã quyết định vào cuối năm 1979 dàn trải các tên lửa hạt nhân trên bốn nước châu Âu, trong đó có Tây Đức, nếu việc tháo gỡ các tên lửa không được thương lượng trong vòng 2 năm tới, vào tháng 12-1981. Việc này sẽ đưa những tên lửa có tiềm năng đánh phá phần lớn các thành phố lớn châu Âu nằm sát ở hai biên giới Chiến tranh Lạnh. Bây giờ hạn kỳ đã chấm dứt và tình hình giữa hai nước Tây và Đông Đức xem ra đen tối. Một vài nhà bình luận đem so sánh tình hình này với những thời gian trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới I năm 1914, khi chiến tranh đang đe doạ và chỉ một bước sai lầm là chiến tranh bùng nổ. Nhóm bảo thủ cho đây là một trò hù doạ của nhóm tả phái, nhưng tôi biết Helmut Schmidt cũng có những so sánh lịch sử tương tự như vậy với một phái viên của Honecker.Lúc đó nỗi lo sợ xung đột hạt nhân thấm nhập sâu đậm vào tâm trí mọi người. Trong lúc đối thoại riêng với Günter Mittag, cố vấn kinh tế của Honecker và là người trung gian thường xuyên qua lại giải quyết công vụ giữa hai nước Đức, Schmidt than phiền áp lực của Washington lên Tây Đức và nói thêm: “Mọi sự đều thoát khỏi tầm tay. Chúng ta phải thường xuyên giữ liên lạc”. Ông nói lòng hoảng hốt có thể gia tăng mau chóng, nhưng Honecker có thể tin rằng nước Cộng hoà Liên bang Đức đáng tín nhiệm. “Chuyện điên rồ không thể xảy ra bên phía Tây Đức”, ông kết luận. Nói cách khác, trong khi các cường quốc chơi trò chiến tranh của họ, chúng ta người Đức cần phải thương lượng với nhau và giữ thái độ khiêm tốn.Andropov nghĩ rằng Hoa Kỳ đang có nỗ lực để đánh đổ sức mạnh lấn áp hạt nhân của Xô viết. “Đây không phải là lúc chúng ta tỏ ra yếu kém”, ông nói, viện dẫn lời của Tổng thống Carter, của cố vấn Zbigniew Brzezinski và của Lầu Năm Góc là trong một vài trường hợp Hoa Kỳ có thể biện minh việc sử dụng vũ khí hạt nhân để ra tay tấn công trước Liên Xô. Andropov cũng băn khoăn về những thất bại gia tăng của quân đội Xô viết trong việc đương đầu với phiến quân Hồi giáo toàn nguyên tại Afghanistan, và tôi thử hỏi suy nghĩ của ông về tương lai của chiến dịch này. Ông chỉ nói: “Bây giờ, chúng ta không thể lùi được nữa”.Những lời bỉ báng nhất ông dành cho Thủ tướng Schmidt, vì ông Schmidt đã chấp thuận chiến lược thương lượng song hành của NATO đồng thời lập kế hoạch triển khai các tên lửa hạt nhân di động tại Tây Đức. “Con người này hai mặt” ông than phiền. “Nhưng y thực sự ngả theo Hoa Kỳ. Chúng ta không nên có những tiếp xúc cấp cao với loại người như vậy”. Tôi đoán chừng điều này liên tưởng đến lần đối thoại riêng trước đây với Mielke về những mối liên hệ giữa Erich Nonecker và Schmidt, nhiều khi Xô viết không được biết đến, một nguyên do quanh năm gây phiền lòng cho họ. Moscow về cơ bản không tin tưởng những cởi mở giữa Đông và Tây Đức mà chính sách Ostpolitik chủ trương và họ muốn kiểm soát mọi cố gắng sáp lại gần nhau. Andropov và Bộ trưởng ngoại giao Andrei Gromyko đặc biệt không muốn Honecker thăm viếng Bonn. Tình hình quốc tế càng căng thẳng bao nhiêu, Honecker và Schmidt cả hai càng cố gắng cải thiện mối liện hệ cá nhân bấy nhiêu. Họ liên lạc với nhau trên một đường giây điện thoại đặc biệt, trong khi đó Tây Đức mua tự do cho một loạt không ngừng các tù binh Đông Đức, gương phản ánh tình trạng của mối liên hệ. Do những nguồn tin tình báo của chúng tôi tại Bonn, chúng tôi biết lòng trung thành của Tây Đức đối với NATO bị thử thách hết sức vào lúc đó. Schmidt đã tự đưa mình vào một vị thế khó khăn bởi vì ông là người đầu tiên khơi mào vấn đề quốc phòng của châu Âu sau khi Moscow và Washington đã thương lượng với nhau để hạn chế các lực lượng tên lửa hạt nhân trên đầu các quốc gia châu Âu. Bây giờ lời kêu gọi của Carter tẩy chay Thế vận hội Moscow là giọt nước làm tràn bờ ly. Điều này gây phân cách trong chính phủ vốn đã chia năm sẻ bảy, và chúng tôi được một nguồn tin trong SPD thông báo là ông có thể thắng bằng cách đe doạ từ chức nếu việc tẩy chay không được thông qua. Qua những nguồn tin từ các văn phòng chính yếu tại thủ đô Tây Đức, chúng tôi thu thập mức độ bực mình của họ dưới áp lực của Hao Kỳ. Chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Moscow ép buộc ông phải huỷ bỏ một cuộc viếng thăm Đông Berlin đã hoạch định trước. Mặc dù vậy ông tiếp tục suy nghĩ về việc duy trì mối liên hệ giữa hai nước Đức hơn là theo trò chơi của các siêu cường. Ông nhất quyết thẳng thừng huỷ bỏ chuyến viếng thăm Đông Berlin, chứ ông không tìm cách gài Honecker vào một tình thế ép Đông Đức phải thu hồi lời mời.Cơ quan của tôi có trách nhiệm thông báo cho Moscow vị trí đề nghị và những chi tiết kỹ thuật của các tên lửa Pershing II và Cruise của Hoa Kỳ đã được cài đặt năm 1982 nếu các cuộc thương thuyết thất bại. Thực ra, tôi biết nhiều về chiến lược hạt nhân của Hoa Kỳ hơn là việc dàn trải tên lửa của Xô viết tại Đông Âu, phần lớn là do nguồn tin chính của chúng tôi tại NATO, ông Rainer Rupp. Vị trí của các tên lửa di động SS-20 được cẩn thận giữ bí mật ngay cả đối với chúng tôi, mặc dù chúng tôi là đồng minh gấn gũi nhất của Moscow - và phần lớn những tên lửa tuyến đầu, dù gì đi nữa, cũng nằm trên lạnh thổ của chúng tôi. Sự hống hách của Xô viết làm cho rất nhiều người Đông Đức trung kiên cảm thấy bực bội và muốn xa cách. Các nhân viên trong cơ quan của tôi được mời gọi chỉ để tham dự những tập trận đặc biệt để chuẩn bị ứng phó bài bản bức thiết nhất là NATO ra tay tấn công trước.Vì chương trình tái trang bị vũ khí của Hoa Kỳ và nhóm hiếu chiến của ông Reagan thắng thế, các bạn Xô viết của chúng tôi bị ám ảnh bởi nguy cơ Hoa Kỳ tấn công bằng tên lửa hạt nhân, mà họ đặt cho một tên tắt là RYAN, từ câu Nga Raketto yadenoye napadeniye. Cơ quan tình báo hải ngoại HVA được lệnh truy cứu và phát hiện tất cả những kế hoạch của Tây Âu nhằm tấn công bất thình lình, và chúng tôi thành lập một đội và một trung tâm xem xét tình hình đặc biệt cũng như những trung tâm tham mưu khẩn cấp, để làm việc này. Đội ngũ này phải trải qua huấn luyện quân sự và tham dự những tập trận báo động. Như phần đông trong giới tình báo, tôi thấy những trò chơi chiến tranh này là một lãng phí thời giờ nặng nề, nhưng những lệnh này không thể bàn cãi được cũng như những lệnh khác từ trên đưa xuống. Tôi không tin có thể xảy ra chiến tranh nguyên tử ở châu Âu, mặc dù tôi nghĩ sự xung đột giữa hai hệ thống đối địch sẽ gia tăng trên bình diện chính trị, kinh tế và các bình diện khác. Đông thời, tôi càng thêm nghi ngờ các vị lãnh đạo chính trị ở cả hai bên có thể hiểu và hành động theo những biến chuyển đang diễn ra trên thế giới. Tôi bắt đầu tìm phương cách chấm dứt sự nghiệp tình báo của tôi và quay sang nghề viết, nhưng những áp lực mỗi lúc gia tăng trong công việc của tôi trong một bầu không khí đương đầu mãnh liệt khiến tôi cứ phải dời quyết định này.