CHƯƠNG 15

     ước ra khỏi cổng trại giam anh còn ngó lại lần cuối cùng nhìn vào mảnh rào thép gai cao ngất cứ sáng lên trong nắng. Từ lâu anh nung nấu một ý muốn thoát khỏi nơi ô trọc của đời sống mà mãi phút giây này mới đến. Hoàng Đô nhanh chóng hòa nhập vào dòng người đang hối hả trên đường phố. Anh khao khát một cuộc sống yên ổn để có thời gian yên tĩnh viết nốt những trang bản thảo còn dang dở. Anh sẽ xin thôi việc để thoát khỏi Tòng, vị thủ trưởng tối cao của anh. Mặt hồ trong xanh hiện ra lấp lánh dưới nắng. Anh trở lại chiếc ghế đá anh đã ngồi trước lúc anh trở thành kẻ phạm tội. Vẫn chiếc ghế đá trơ trơ mòn nhẵn bởi biết bao kẻ bất hạnh, người thành đạt, kẻ đói khát, người giàu sang đã ngồi lên đấy. Bao ý nghĩ bùng lên dự định cho những ngày cuối cuộc đời. Anh phải làm được gì đó, anh lặn ngụp kiếm tìm cái đẹp, kiếm tìm tình yêu và thấy nó bí ẩn cao xa quá, con người ta chưa vươn tới được. Nhiều lúc anh hoang mang nghĩ rằng người ta đưa ra tiêu chuẩn của đức hạnh chỉ là sự lừa dối để làm khổ những kẻ bất hạnh, những kẻ nhẹ dạ ngớ ngẩn như anh. Đôi lúc anh lại kinh hãi nhận ra xã hội càng văn minh hiện đại, tham vọng loài người càng lớn, tham vọng vật chất càng lớn thì tâm hồn càng tẻ nhạt, càng hư hỏng...
Và lúc này từ trong tù ra, anh có cảm giác hoàn toàn mới mẻ. Cuộc sống thật kỳ diệu. Anh vừa phát hiện ra vẻ đẹp dường như lại nảy nở từ trong đau khổ. Cũng giống như từ chỗ tối ta nhìn ra chỗ sáng bao giờ cũng sáng hơn từ chỗ sáng nhìn vào bóng tối. Phát hiện này ít ra cũng đúng với hoàn cảnh anh. Niềm tin vào cuộc đời này lại đến với anh khi anh viết lên những trang bản thảo ngay trong ngục tối, giữa những tiếng khóc nỉ non, những tiếng cười man rợ của những kẻ không có quyền công dân và cả không còn quyền làm người. Còn bản thân anh thì mất hết tất cả- tình yêu, công việc, tài sản, danh dự. Trong chiếc va li lúc này còn lại duy nhất là những trang bản thảo. Từ sáng anh vẫn chưa được miếng gì vào bụng. Suất cơm từ buổi sáng và bộ quần áo Thu Nga gửi cho anh, anh cũng cho bạn tù. Anh thấy đói. Cái khổ nhất của con người là cứ phải ăn. Giá mà con người ta không phải ăn thì có lẽ cuộc đời này tốt đẹp và trong sạch biết bao nhiêu.
Anh nhìn qua ngã tư, vẫn là người chỉ đường đứng trên bục tròn, tay đeo găng trắng cầm côn, vẫn cái quán ăn có tấm biển đỏ chót "Hồng Phúc - quán ăn bình dân" và con người vẫn phải lao đầu vào đấy. Và cả anh nữa, lúc này anh vẫn phải lao đầu vào quán Hồng Phúc. Như sợ có ai nhìn thấy, anh ngồi xuống  chiếc ghế mãi trong xó góc, gọi suất cơm thường ăn ngon lành. Khi ra tới đường anh nhận thấy mọi người dường như cứ hay để ý nhìn mình. Có lẽ bởi bộ quần áo anh đang mặc hơi khác thường. Anh phải kiếm đâu bộ quần áo mới. Anh nghĩ tới ông thợ may ở đương Quang Trung mà anh và họa sĩ Thuần quen sơ sơ. Đã một lần ông ta ca ngợi hết lời về bài báo của anh mà ông ta tình cờ đọc được. Bữa gặp anh, ông ta vỗ đùi đen đét khoái trí bảo: "phải viết như thế chứ, phải nhìn thằng vào sự thật..."
- Chào ông! - Anh mạnh dạn bước vào gian hàng của ông thợ may bày la liệt đủ mốt quần áo mới. Ông thợ giương kính nhìn anh ngơ ngác.
 - Sao? Ông không nhận ra tôi à... tôi là người mà ông từng mê đấy!
- Xin lỗi quả thực tôi không nhận ra anh.
- Tôi là Hoàng Đô....
- Ờ... ờ... a, đúng là anh, nhưng sao...
- Tôi mới ở tù ra.
- Anh mà phải vào tù... à, nhưng mà cũng dễ hiểu thôi... cái thời buổi - ông ta nói luyến thắng về thời cuộc dường như đã quên mất lẽ ra phải mời anh uống nước. Cuối cùng anh cũng đã ngắt được lời ông ta.
- Xin lỗi ông! Tôi đến đây có việc phiền ông, hiện giờ tôi không có tiền. Tôi muốn mua chịu ông bộ quần áo...ông hiểu chứ. Tôi muốn đến nhà người bạn mà không muốn để vợ con anh ta thấy tôi trong bộ quần áo này.
- Lại túng quẫn đến thế sao? Ô, thật chẳng mấy khi nhưng mà thật tiếc... tiếc quá đấy. Những thứ treo đây toàn là của khách...
Anh lao vội ra đường. Anh đã hiểu thêm về một loại người như ông thợ may.
Hoàng Đô ngước nhìn lên căn gác có ô cửa sổ nhỏ - thế giới riêng của họa sĩ Thuần. Anh khẽ cất tiếng gọi. Một cái đầu bù sù ngó ra khuôn cửa nhỏ. Ánh mắt Thuần sáng lên khi nhận ra anh. Tiếng gót giày của người bạn vang lên trên bậc thang gỗ ọp ẹp.
- Chà, về hẳn rồi hả? Sao không báo tin để đằng này đi đón.
- Anh làm như tôi đi nước ngòai về không bằng.
- Thì chúng mình vẫn thường bảo với nhau rằng cậu đi nghỉ mát. Mà thôi, nghe đâu chuyến này về, thủ trưởng Tòng sẽ lo cho cậu về nhận chức phó ở Hội văn nghệ.
- Thôi dẹp chuyện ấy. Tôi đã làm đơn nghỉ.
- Có mà điên. Anh nhu nhược mất rồi. Anh phải sống cho đàng hoàng...
- Cậu lầm đấy! Từ trước tới nay mình đã nhu nhược, chính từ phút này mình mới bắt đầu sống cho ra con người.
- Anh định làm gì?
- Viết.
- Ôi giời! Thế kia đấy? Sống bằng gì để viết?
- Ngồi trong tù mình viết được thì ngoài tù chắc sẽ thuận lợi hơn. Cậu có thể cho mình nghỉ lại đây ba tháng được không.
- Ôi, chuyện đó thì anh còn phải nói. Nhưng theo tôi anh nên đến với mẹ con Thu Nga thì hơn....
- Rốt cuộc cậu vẫn chẳng hiểu cái quái gì cả. Cậu không hiểu tình cảm của mình với Thu Nga nó thiêng liêng đến mức nào đâu. Thu Nga là mối tình đầu của mình, cô ấy chính là một phụ nữ đáng trân trọng. Nhưng cô ta đã có chồng có con, mình không thể.
Hoàng Đô uống cạn chén rượu. Người sảng khoái. Anh ngước mắt ngắm những bức tranh của Thuần bày la liệt quanh phòng. Bỗng anh hào hứng muốn nói với bạn những điều vẫn giữ kín trong lòng.
- Thuần ạ, cậu là thằng bạn thân thiết nhất của tớ trong cái thành phố này. Tớ biết cậu thương tớ, vì thế mới sợ tớ trở thành thành điên. Không, cậu đã lầm và tất cả chúng ta cũng thường hay lầm lẫn. Tớ ví dụ, cậu đã vẽ được bức tranh tuyệt vời, có thể coi đó là một kiệt tác mà cả đời họa sĩ cậu mới làm được. Cậu muốn con cháu cậu thấy được giá trị đích thực của tác phẩm đó, cậu muốn con cháu cậu sau này phải tôn thờ cái thành quả của cha ông nó - Lẽ ra cậu chỉ việc nuôi dạy chúng ăn học, chăm lo đến đời sống của chúng. Khi chúng có tri thức, có văn hóa, có cuộc sống tốt đẹp, tự nó ắt nhận ra công sức của bố nó - dù cậu có đặt tác phẩm của cậu ở trong xó tối nào đó thì chúng cũng sẽ lôi ra đặt lên vị trí tôn nghiêm nhất. Đằng này cậu chỉ lo tính chuyện xung quanh tác phẩm đó, đại thể cậu chỉ lo đặt các tác phẩm của cậu vào vị trí trang trọng nhất, cao sang nhất nhất, và cậu bày đặt ra mọi phép tắc, thủ tục vớ vẩn bắt con cháu phải tuân thủ nhất nhât trong khi đời sống tinh thần của chúng còn nghèo nàn, thậm chí  ngu dốt thì có ngày chính chúng - chính những đứa con của cậu chứ không ai khác, chúng sẽ coi thường và huỷ hoại các tác phẩm vô giá của cậu. Như vậy chính cậu đã làm mất lòng tin những đứa con của cậu, chính cậu đã tự bôi nhem lên mặt mình mà không biết. Tổn thất to nhất, tội ác lớn nhất của chúng ta  là để mất lòng tin. Sự buồn tẻ nhất trong tâm hồn con người là sống không có niềm tin. Sống không có niềm tin, con người dám làm mọi chuyện. Chỉ một kẻ điên khùng có thể thiêu cháy toàn nhân loại.
- Và chỉ một vần thơ làm sáng bừng thế giới. Hoạ sỹ Thuần mỉa mai- Ha ha thật là viển vông xa vời quá đấy ông bạn ạ. Hãy nghĩ đến chính bản thân mình cái đã.
- Cậu lầm! Mọi chuyện đều liên quan đến từng con người, đến chính mình.
- Vậy anh muốn kêu to lên điều gì?
- Mọi sự kêu gào đều vô ích - Men rượu đã làm người Đô nóng bừng. Chưa bao giờ lòng Đô lại thấy rạo rực muốn tâm sự với họa sĩ Thuần như lúc này - Tất cả đều tuân thủ theo quy luật muôn đời. Ta gieo gì gặt ấy. Nuôi vịt không thể thành bồ câu. Mình không kêu gào mà mình chỉ mơ ước. Mình mong mỗi người hãy làm tốt công việc của chính mình. Như tôi không phải mẫu người làm Phó chủ tịch Hội văn nghệ như cậu vừa nói mà tạng mình già rồi. Muốn viết cái gì đó. Như thế tốt hơn... công việc của người nông dân là nuôi trâu, cày ruộng, còn công việc của họa sĩ như cậu phải nhận ra vẻ đẹp đích thực của con trâu với người nông dân cày ruộng. Còn thiên tài của nhà lãnh đạo làm sao cho tất cả mọi người biết tự  nguyện lăn lộn với chính công việc của mình....
- Anh quan tâm tới nhiều vấn đề quá đấy - Thuần lại tiếp cho anh chén rượu nữa. Thôi được, tôi sẽ dọn cho anh một cái ổ để anh nghỉ ngơi đã rồi tôi còn tranh luận với anh đến cùng.
Thuần kê cho Hoàng Đô một cái giường cá nhân trong góc và lấy tấm phông ngăn riêng ra để anh yên tĩnh nghỉ ngơi. Từ lâu lắm, nay anh mới được uống rượu với bạn thật vui vẻ. Anh vừa đặt lưng xuống giường, cảnh sắc huy hoàng Thuần vẽ trên tấm phông xanh để cho các đám cưới thuê lại hiện lên trước mắt anh đôi trai gái dắt tay nhau háo hức, bước qua nhịp cầu bắc qua dòng sông xanh hướng về lâu đài cổ nguy nga có đôi chim tung bay trên bầu trời lồng lộng. Chính tấm phông xanh này Thuần đã trang trí phòng cưới cho vợ chồng anh cùng với những cảnh sắc tương tự. Vậy mà giờ đây... đối với anh, tất cả chỉ là một dĩ vãng xa xăm.
Hoàng Đô bật dậy cầm bút ghi thư cho Thu Nga:
"Cám ơn mẹ con Nga đã quan tâm gửi quà động viên tôi trong những ngày vừa qua. Bây giờ tôi đã được tự do, tôi đã quyết định đi thật xa khỏi thành phố này. Phải vậy thôi Nga ạ. Em đừng tìm kiếm tôi vô ích.
Chào tạm biệt!
Hoàng Đô"

 

Thu Nga đã dành hẳn một ngày đạp xe đi khắp thành phố đến những nơi chị biết Hoàng Đô thường lui tới mà vẫn không tìm được anh. Về tới nhà, người mệt rã rời, Thu Nga đẩy cửa bước vào nhà. Chị sững người khi nhìn thấy phong thư nằm trên sàn nhà. Chị vồ lấy phong thư và đứng lặng giữa nhà đọc. Chị đọc đi đọc lại mãi câu cuối cùng của lá thư "phải vậy thôi Nga ạ. Em đừng tìm tôi vô ích". Chị bàng hoàng không rõ nguyên nhân gì khiến anh phải chạy trốn khỏi thành phố. Chị lo ngại có thể một áp lực vô hình nào đó đã đẩy anh tới chỗ cùng quẫn. Chị lấy mảnh giấy ra viết cho con gái mấy chữ: "Mẹ có việc về muộn. Con nấu cơm ăn trước! Con gái yêu quý của mẹ". Chị đặt mảnh giấy lên bàn, tất tả dắt xe ra phố. Chị chăm chú nhìn vào tất cả những người đi trên đường phố. Là nghệ sĩ ưu tú, chị đã đóng đủ các vai, kể cả vai giết người. Chị đã nghiên cứu kỹ tâm lý của kẻ giết người, nhưng giờ đây chị thấy lẫn lộn. Chị huy động tới mức tối đa khả năng của giác quan thứ sáu để phán đoán mọi chuyện. Có lúc chị muốn gào to  lên để báo cho cả thành phố biết có một người sắp đi xa, đi vĩnh viễn. Chị muốn không một ai biết nỗi bất hạnh lớn lao của chị. Chỉ cảm thấy căm thù cái vẻ bình thản của những người đang đi trên đường kia. Sau lúc tâm thần náo loạn, chị quyết định tìm đến Tuyết, cô vợ trẻ của Hoàng Đô. Mới cách đây ít phút chưa bao giờ Thu Nga lại nghĩ mình sẽ tới nơi ấy. Chị khẽ lách chiếc xe đạp vào chân cầu thang hít một hơi dài bước lên từng bậc thang gỗ. Chị gõ cửa và nghe cả tiếng gõ của nhịp tim mình. Có tiếng động mơ hồ bên trong rồi tiếng dép lẹp xẹp đi về phía cửa. Cánh cửa khẽ ken két dè dặt. Gương mặt cô vợ trẻ của Hoàng Đô hiện ra tươi rói. Thu Nga giật thót người nhận ra trong căn phòng xinh xắn có bóng Đặng Xuân Tòng. Chị bỗng hiểu rõ mọi chuyện. Mọi chuyện xảy ra thật đúng với ý nghĩ của chị từ trước tới nay. Cái gì đến vẫn cứ đến. Chị muốn quay đầu chạy trốn. Nhưng cửa đã mở. Chị vẫn phải bước vào. Trái tim nghệ sĩ của Nga cảm nhận được hết thảy - Cả hai mặt, vừa cuộc đời, vừa sân khấu. Chị chợt nhận ra trên đời này có nhiều kẻ không là diễn viên nhưng họ coi cả cuộc đời này chỉ là một sân khấu. Cuộc đời bên ngoài sân khấu có mảng thật đen tối vậy mà trong căn phòng này vẫn sáng bừng. Diễn viên đóng vai chính lúc này là Tuyết, chủ nhân của căn phòng, bỗng rực rỡ tươi tắn lạ thường, lịch thiệp lạ thường - Gương mặt trẻ trung đôi má phớt hồng. Còn diễn viên phụ là Đặng Xuân Tòng - Thủ trưởng tối cao của Hoàng Đô, và cũng là thủ trưởng duyên nợ đưa Thu Nga vào con đường nghệ thuật thoát khỏi gia đình nhà chồng tăm tối ở làng Nguyệt Hạ. Đặng Xuân Tòng đang đứnẳntước mắt Thu Nga rõ là trịnh trọng, rõ là bình thản và cao đạo. Mái tóc Đặng Xuân Tòng bồng bềnh đen bóng và đôi giầy cũng đen bóng. Trông họ thật lành nghề, còn chị, một diễn viên chuyên nghiệp, một nghệ sĩ ưu tú mà lúc này thấy lúng túng.
- Xin lỗi, tôi nghe tin anh Đô được ra trại nên muốn tới thăm...
- Ồ, xin chân thành cảm ơn chị - Tuyết reo lên - Anh Tòng cũng vừa thông báo với tôi tin ấy mà sao chờ mãi không thấy anh ấy về.
- Tôi còn sáng suốt hơn Thu Nga nên mang cả hoa đến đón mừng cậu ấy nữa đây này.
Tòng xoay gót bước tới ngồi xuống cạnh Thu Nga, đưa tay khẽ nâng bó hoa tươi rói cắm vào bình hoa để giữa bàn.
- Chị xơi nước đi - Tuyết đưa hai tay nâng chén nước mời Thu Nga - Anh ấy cứ làm khổ mọi người. Đang tự nhiên đùng đùng bỏ nhà đi đánh nhau với bọn côn đồ để rồi phải chui đầu vào nhà đá.
- Cũng tại cô đấy - Thủ trưởng Tòng cao giọng nghiêm nét mặt nói - cô phải chiều cậu ấy. Đàn ông chỉ sướng nhất khi được vợ chiều. Và cái giỏi của phụ nữ phải biết giữ chân chồng chứ.
- Là thủ trưởng của anh ấy, anh còn lạ gì cái tính đồng bóng của anh Đô - Tuyết gắt lên - Đàn ông có người được vợ chiều thì tốt nhưng có người được vợ  chiều chỉ sinh hư.
- Thôi chuyện quá khứ ta bỏ qua - Tòng khẽ liếc mặt nhìn Thu Nga - lần này cậu Đô về, tôi đã có cách. Tình nghĩa với cậu ấy lắm, chuyến này tôi mới giúp lo chuyển cậu ấy sang hội văn nghệ hợp hơn. Sang đấy cậu ấy tha hồ mà viết. Mà cậu ấy cũng kỳ lạ thật, đã được tự do mà không về nhà còn lần mò đi đâu.
- Đấy chị xem - Tuyết phụ họa - Bạn bè thì quan tâm nhiệt tình vậy mà cứ dở dở ương ương. Thú thật với chị, khi nghe anh Tòng báo tin anh ấy được tự do em cứ nôn nao cả lên. Em cũng vừa bàn với anh Tòng, nếu từ giờ đến tối anh ấy không về thì em và anh Tòng cũng sẽ đến nhà chị. Em đinh ninh là nếu anh ấy không về đây thế nào cũng chỉ ở nhà chị.
Thu Nga giật mình vì không ngờ câu chuyện lại chuyển hướng về phía mình nhanh đến vậy. Sự đóng kịch đã trở lên lố bịch đến mức chị không đủ sức chịu đựng được nữa. Chị đứng vụt dậy, cố kìm nén cơn giận đang bùng lên chỉ muốn đập phá hết mọi thứ trong căn nhà này.
- Tôi xin các người hãy chấm dứt ngay cái trò đê tiện này đi. Các người không che nổi mắt thế gian đâu. Các người còn định dở trò gì với anh ấy nữa. Thật là ghê tởm. Các người không thấy rằng chính hành động nhơ bẩn của các người đã đẩy anh ấy đến chỗ cùng quẫn sao?
Phản ứng bất ngờ của Thu Nga không làm cho cô vợ trẻ của Hoàng Đô và Đặng Xuân Tòng giận dữ. Họ âm thầm nhìn nhau cười nửa miệng. Lòng chị chợt nhói lên một cơn đau tê tái. Có ai ngờ rằng người đàn ông có nụ cười nửa miệng giống như một bóng ma đã ám ảnh suốt cuộc đời chị. Có ai ngờ giữa chị và Tòng lại có có chung với nhau một đứa con gái tuyệt vời- đó là Thu Nguyệt, tình yêu máu thịt của chị. Suốt mười tám năm nay chính chị cũng không ngờ người đàn ông có nụ cười nửa miệng kia lại tiến nhanh về đường công danh đến vậy. Từ một anh cán bộ quèn của Ty văn hóa tỉnh làm công tác văn hóa quần chúng, mới ngày nào còn về dự hội  diễn chèo trên sân đình Nguyệt Hạ, bây giờ đã bệ vệ là thủ trưởng tối cao của Hoàng Đô. Dù sao thì lúc này đứng trước mặt Tòng, chị vẫn nhận ra ánh mắt y còn đọng lại điều gì đó của sự nuối tiếc.
- Chị đừng cáu bẳn giả vờ như những người đàn bà vô học ghen tuông tầm thường - Tuyết chậm rãi, từng tiếng rành rọt - Chị nên nhớ rằng Hoàng Đô là chồng tôi. Chị không thấy rằng anh ấy bỏ tôi mà đi chỉ vì chị sao - Tuyết đưa tay kéo Thu Nga ngồi xuống ghế làm lành - Thôi, chị đừng vờ nữa. Đàn bà chúng ta rõ thật là khổ. Chị không nhận ra ánh mắt anh ấy đau đáu suốt một đời chỉ chiêm ngưỡng mình chị sao? Chị không nhận ra chị đã hút hết phần hồn anh ấy sao? Chị không hiểu rằng tôi đã đau khổ khi nhận ra mình là vợ anh ấy nhưng chỉ nắm giữ được phần xác. Và giờ đây thể xác anh ấy cũng đã rời xa tôi. Chị tưởng tôi không biết mối quan hệ xưa cũ của chị và anh ấy sao? Tôi biết hết. Tôi đã cố gắng hết sức để tỏ ra là người phụ nữ đáng yêu để chiếm giữ, để thức dậy trái tim anh ấy bằng cách của đàn bà là nói xấu chị. Lâu nay tôi kiêu hãnh ngấm ngầm thách thức quyết ganh đua với tài sắc của chị. Tôi tin trong cuộc đua này tôi sẽ thắng, và chiếm giữ trọn vẹn trái tim anh ấy - Nhưng cuối cùng tôi đã lầm - Tuyết khẽ thở dài - Tôi đã thua cuộc, dù rằng tôi cũng trẻ đẹp và đâu thua kém gì ai. Tôi yêu anh ấy, yêu điên cuồng nên tôi đã căm thù chị. Chính chị đã phá vỡ hạnh phúc của tôi. Chính chị đã làm khổ anh ấy.
- Cô lầm rồi - Thu Nga bối rối - Từ ngày anh ấy ở chiến trường về, chưa bao giờ anh ấy đến với tôi.
- Tôi biết. Anh ấy không đến với chị nhưng ngay cả khi ngủ với tôi anh ấy cũng nghĩ đến chị. Anh ấy mơ màng ham mê những gì đó như người mất hồn, viết lách suốt ngày. Đêm đêm ngồi thức chong chong. Chị hiểu chưa? Tôi còn trẻ, tôi cũng phải sống cho tuổi trẻ của mình chứ. Rồi đến lúc không thể chịu được nữa, tôi đã chân thành khuyên anh ấy đến với chị, chị thấy lạ không, chính vì thương anh ấy mà tôi đã khuyên bảo anh ấy đến với chị đấy.
- Nếu đúng là như vậy thì cô đã coi thường anh ấy, coi thường tôi. Có nghĩa là cô định nhường anh ấy lại cho tôi.
- Đúng vậy. Nhưng tôi lại mắc sai lầm, không hiểu sao, anh ấy yêu chị mà vẫn không dám đến với chị cả khi tôi đồng ý. Anh ấy cứ gan lì mãi ở đây. Cuối cùng tôi phải bày trò bồ bịch với anh Tòng để trêu ngươi anh ấy để anh ấy đến với chị. Nhưng không ngờ anh ấy lại lao đầu vào tù.
- Cô Tuyết, cô sống với anh ấy mà cô không hiểu được anh ấy. Cô chẳng hiểu gì tình yêu và hạnh phúc gia đình. Tình yêu đâu phải là sự chiếm giữ. Còn đối với riêng tôi, cô nên hiểu rằng tôi vẫn là người đàn bà đã có chồng. Dù cuộc hôn nhân giữa tôi và chồng tôi có kỳ quặc, dù năm tháng qua tôi có hư hỏng, thậm chí dù có xấu xa thì tôi vẫn có bổn phận của một người làm vợ. Cô Tuyết ạ, tôi không muốn nói với cô chuyện riêng của tôi, nhưng hoàn cảnh bắt buộc tôi phải nói để cô hiểu. Tôi không sống chung cùng một nhà với chồng tôi là do anh ấy bị thương tật nặng ở trại an dưỡng chứ không phải như cô nghĩ đâu.
- Chị là nghệ sĩ mà chả nghệ sĩ tí nào - Tuyết cười the thé nhấp nháy cặp mắt với Tòng - Chị giữ quan điểm bổn phận của người phụ nữ theo lối cổ xưa thì chỉ khổ. Ai bắt chị phải sống với kẻ tật nguyền suốt đời. Tội ác của chiến tranh đã đổ lên đầu ai người ấy phải chịu. Gắng mà chịu. Sự hi sinh của chị đâu có làm cho anh ta lành lặn trở lại. Trái lại chỉ làm cho một con người nữa phải thiệt thòi - người đó chính là chị. Ha ha thật là nực cười khi chị cứ phải sống hờ mãi với người chồng bằng một cuộc hôn nhân bắt cóc. Đã thế anh ta bây giờ chỉ là cái xác không hồn, không tình yêu, không cả tình dục... hí hí hí.
- Thôi đi! Thu Nga lại đứng vụt dậy thét lên - cô chỉ là kẻ ích kỷ và tàn nhẫn.
Thu Nga lao ra cửa. Đặng Xuân Tòng lặng lẽ bước theo. Thu Nga không quay lại. Chị bối rối cúi xuống mở khóa xe đạp. Chiếc xe bị hóc khoá mãi mới bật đánh "tách" một tiếng khô khốc. Cổ chị cũng khô rát. Tòng đã đứng sững sau lưng chị bên chân cầu thang.
- Ông đã vi phạm lời thề danh dự của một người đàn ông - chị cố lấy sức mà giọng vẫn run run.
- Thu Nga! Tôi... tôi - Tòng lắp bắp - Một lần nữa tôi van xin em, hãy độ lượng tha thứ cho tôi. Thu Nguyệt đã trưởng thành. Nó sẽ hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của tôi. Em cho phép tôi nhận con...
- Ông muốn nhận con hay nhận tôi?
- Thu Nga, sao lúc nào em cũng cay độc với tôi thế... Nếu em cho phép tôi nhận... em thấy không, hoàn cảnh anh bây giờ không thiếu thốn thứ gì - danh vọng tiền bạc, nhưng anh vẫn thấy khổ vì thiếu tình cảm của con và...
- Xin lỗi, ông thôi đi, nếu ông còn chút tình thương ông hãy thương người vợ của ông, những đứa con của ông. Thu Nguyệt sẽ không bao giờ là con của ông. Ông nên tỉnh táo và nhớ rằng ông đang là ông thứ trưởng.
Thu Nga dắt chiếc xe đạp ra khỏi cầu thang rồi hộc tốc đạp ra đường phố. Cuộc gặp gỡ này làm chị rất bất ngờ. Những lời bộc bạch của Tuyết càng làm chị bất ngờ hơn, có phải cô ta đóng kịch như chị vẫn tưởng? Tuy chưa thật rõ nhưng chị cảm thấy những điều Tuyết nói không phải là không có lý. Đường phố tối thứ bảy. Những tà áo hồng rực rỡ phơi phới, những đôi trai gái ngồi ôm nhau trên xe cúp lao vun vút. Họ đang chạy trốn hay kiếm tìm gì đó. Rẽ và ngõ nhà chị, chị nghe thấy tiếng Thu Nguyệt đang hát. Giọng trẻ trung trong trẻo của nó vang lên bên ô cửa sổ. Chị khẽ đẩy cửa, Thu Nguyệt lao tới ôm chầm lấy mẹ.
- Mẹ đã gặp được bác Hoàng Đô chưa hả mẹ?
Thu Nguyệt nhìn mẹ. Ánh mắt của nó bao giờ cũng trong sáng. Vẻ đẹp rực rỡ của con gái vừa là niềm tự hào vừa là nỗi lo của chị. Nỗi lo mơ hồ thi thoảng lại nhói lên trong lòng chị.
- Mẹ ơi, sáng nay con nghe cái Thảo ở khoa thanh nhạc bảo với con, bác Hoàng Đô đã bỏ cô Tuyết... Nó còn bảo... nó bảo bác Đô yêu mẹ.
- Con có tin điều đó không?
- Con không biết. Đó
- Thu Nguyệt này, mai mẹ định về quê ít ngày, tối con đến rủ cái Phượng bạn con ở nội trú về đây ngủ cho vui.
- Lần này mẹ phải đón bà lên ở hẳn với mẹ con mình nhé.
- Để mẹ xem đã. Bà không lên đâu. Hồi này bà cũng yếu lắm rồi.
- Vậy hè tới phải cho con về quê đấy. Năm nào mẹ cũng kể về làng Nguyệt Hạ và hứa cho con về mà chả năm nào mẹ thực hiện lời hứa. Năm nay mẹ không cho con về thì mình con, con cũng về được.
- Ừ, năm nay hai mẹ con mình sẽ về.
- Hoan hô mẹ! Mẹ nhớ lời hứa đấy. A, để con đi dọn cơm mẹ ăn. Con sẽ cho mẹ thưởng thức tiết mục canh cải cúc tuyệt vời.
Thu Nguyệt nhảy nhót háo hức chẳng khác gì chị ngày xưa yêu Hoàng Đô. Thu Nguyệt dọn cơm cho mẹ xong, đến đứng bên cửa sổ cất tiếng hát. Tiếng hát của con gái lúc này gợi lên trong lòng chị một cảm xúc mạnh mẽ về những ngày xa xưa. Với chị, tiếng hát là tiếng lòng - là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới cả vinh quang và bất hạnh của cuộc đời chị.