Người dịch: Đào Đăng Trạch Thiên
Món quà đêm Noel

     ôi có một điều thắc mắc”, ngài Henry Clithering lên tiếng. Ông khẽ chớp mắt nhìn quanh mọi người. Đại tá Bantry ngồi duỗi thẳng chân, nhíu mày nhìn qua chỗ lò sưởi như một người lính lơ là trong buổi lễ duyệt binh, vợ ông len lén nhìn xuống tập sách catalogue in hình các loại rau củ vừa mới nhận qua đường bưu điện, bác sĩ Lloyd chăm chú chiêm ngưỡng nhan sắc nàng Jane Helier; trong khi cô nàng mải lo ngắm nghía mấy đầu ngón tay vừa mới sơn móng. Chỉ có mỗi bà Marple ngồi dựa thẳng lưng ra sau ghế, đưa đôi mắt xanh nhạt nhìn quanh chạm ngay cái nhìn của ngài Henry như muốn vặn hỏi.
“Một điều thắc mắc ư?” Bà khẽ hỏi.
“Rất là gay gắt. Chúng ta đây gồm có sáu người, ba nam ba nữ, tôi muốn nhân danh mấy người bị thua thiệt. Tối nay sẽ có ba câu chuyện... do ba ông đứng ra kể! Tôi phản đối mấy bà tính không sòng phẳng”.
“Chà!” Bà Bantry có vẻ tức giận, “Chúng tôi rất sòng phẳng. Chúng tôi đã lắng nghe với tất cả nhiệt tình, làm trên bổn phận một người phụ nữ, không muốn công khai để mọi người chú ý!”
“Một cách tránh né thật hay ho”, ngài Henry nói, “nhưng mà chẳng nói lên được gì. Đã có một tiền lệ trong truyện nghìn lẻ một đêm! Vậy thì cứ kể đi nàng Scheherazade”.
“Ngài ám chỉ tôi?” bà Bantry hỏi “Tôi biết gì mà kể. Tôi không quen với chuyện máu me hay chuyện huyền bí”.
“Ý tôi không muốn nhắc tới chuyện máu me”, ngài Henry nói “Tôi biết trong số ba người đây, bà nào cũng có một chuyện ưng ý nhất. Nào hăng hái lên, bà Marple, người nổi tiếng với câu chuyện ‘Cuộc trùng phùng kỳ lạ của người giúp việc’, hoặc là ‘Bí ẩn cuộc gặp gỡ của người mẹ’, đừng làm tôi thất vọng chuyện kể ở làng St. Mary Mead”.
Bà Marple lắc đầu.
“Chẳng có câu chuyện nào ngài thấy thích thú, thưa ngài Henry. Bọn tôi muốn kể một câu chuyện ngắn ly kỳ, nó liên quan đến một mớ tôm đặc sản bỗng nhiên biến đâu mất không ai hay. Nhưng không đáng gì, chuyện nhỏ, nhưng nó làm cho ta để ý tới tính tình con người”.
“Bà muốn dạy tôi nên để ý tới tính tình con người”, ngài Henry trịnh trọng nói.
“Còn cô em thì sao, cô Heiler” Đại tá Bantry hỏi “Chắc cô em cũng có vài chuyện lý thú muốn kể”.
“Chắc thế”, bác sĩ Lloyd nói.
“Tôi à?” Jane nói “Ông muốn nói là tôi có kinh nghiệm gì về bản thân để kể lại?”
“Hay là kể về chuyện của bạn bè cũng thế thôi”, ngài Henry nói xen vô.
“Ối chà!” Jane nói vu vơ. “Tôi biết chuyện gì đâu mà kể. Chuyện bông hoa, phải rồi và mấy thứ thư từ lạ hoắc... nhưng mà chuyện đó của mấy ông, phải không? Tôi không cho là...” Nàng bỏ lửng giữa chừng, nghĩ ngợi.
“Tôi nghĩ là nên chú ý lắng nghe chuyện dài về món tôm”, ngài Henry nói “Nào đến phiên bà Marple”.
“Ngài chỉ thích đùa, ngài Henry. Chuyện món tôm có hay ho gì đâu, giờ tôi chợt nhớ tới nó, tôi có một vụ - không thể nói là chuyện nhỏ mà phải nói là nghiêm trọng thì đúng hơn... một câu chuyện đau thương. Nghĩa là tôi có dính dáng vô đó, và tôi không ân hận những gì tôi đã làm, không hoàn toàn không! Câu chuyện không phải ở làng St. Mary Mead”.
“Bà lại làm tôi thất vọng” ngài Henry nói “Nhưng tôi ráng nghe. Tôi nghĩ là mọi người không trông chờ ở bà một cách vô vọng”.
“Ngài chuẩn bị tư thế nghiêm chỉnh lắng nghe”, bà Marple mặt ửng đỏ.
“Tôi sẽ cố gắng kể cho có đầu đuôi”, bà có vẻ lo lắng “Tôi chỉ sợ bị chê là ba hoa dông dài. Nói dông dài, nghĩ một nẻo. Không có đầu có đuôi. Nếu tôi kể chuyện không hay thì các ông ráng chịu nghe. Chuyện kể đã có từ xa xưa”.
“Như đã nói trước, câu chuyện không ăn nhập gì tới làng St Mary Mead, đây là câu chuyện về một loại thủy...”
“Bà muốn kể chuyện thủy phi cơ?” Jane Helier hỏi trố mắt ngạc nhiên.
“Cô sẽ không biết đâu...” Bà Bantry vừa nói vừa giảng giải. Nghe vậy ông chồng nói xen vô:
“Nơi đó, phải nói là khủng khiếp! Sáng phải thức sớm, nước uống thì tanh. Lại có mấy bà ăn không ngồi rồi, thích gièm pha. Lạy Chúa, nghĩ tới đó...”
“Nào Arthur”, bà Bantry điềm nhiên nói, “ông lúc nào cũng gặp may kia mà”.
“Lắm bà thích ngồi lê đôi mách”. Đại tá nói lầm bầm trong miệng.
“Nhưng tôi e đây là chuyện có thật”, bà Marple nói “Chính bản thân tôi...”
“Ô hay, bà Marple”, ngài đại tá kêu lên sửng sốt. “Nào tôi có ý nói ra vậy đâu”.
Bà Marple hai má ửng giơ tay ra dấu chặn ngang.
“Tôi nói chuyện thật thưa đại tá Bantry. Tôi chỉ muốn nói có vậy. Để tôi cố nhớ lại coi. Vâng, ngồi lê đôi mách như ông vừa kể... chà, chuyện đó ở đâu lại chả thấy. Nhưng nhiều người thích chuyện đó nhất là những người còn trẻ. Tôi có người cháu viết sách... nhiều tác phẩm xuất sắc mà tôi cho là... đề cập những chuyện xúc phạm tới nhân cách con người hoàn toàn vô căn cứ... ghê gớm thật chớ phải vừa đâu. Tôi muốn nói hầu hết trong giới trẻ không ai muốn dừng lại để suy nghĩ. Tất cả muốn tránh nhìn thẳng vô sự thật. Mấu chốt của vấn đề là: thường chuyện ngồi lê đôi mách, như ông nói, không hẳn là đúng cả! Tôi cho là nếu, theo tôi nghĩ, những người trong cuộc chịu khó nhìn nhận. Sự thật mới thấy là mười chuyện đúng hết chín! Thế cho nên mới khiến người ta bực mình”.
“Bà nói đâu trúng đó”, ngài Henry nói.
“Không, không phải vậy, hoàn toàn không phải! Chẳng qua là nhờ biết tiếp thu và có kinh nghiệm. Tôi đã nghe kể qua câu chuyện một nhà Ai Cập học, nếu bạn đưa cho ông nhìn thấy một con bọ rầy hóa thạch, ông có thể xác định ngay được niên đại của nó từ thời nào trước công nguyên, hoặc một món đồ giả cổ, ông ta chứng minh có căn cứ hẳn hoi, ông phải biết. Cả đời ông chỉ lo mấy việc đó”.
“Đó là chuyện tôi muốn kể ra đây. Cái mà cháu tôi gọi là ‘mấy bà vô dụng’ ăn không ngồi rồi, trong đầu nghĩ chuyện người ta. Cho nên họ được gán cho cái tên là chuyên gia dòm ngó. Bọn trẻ ngày nay được tha hồ ăn nói; ngày trước tôi đâu được vậy, ngược lại đầu óc thì nghĩ vô tư. Yêu đời yêu người. Nếu ai muốn hù dọa dù chỉ nói một lời nhẹ nhàng, nhưng ngày đó phong kiến... như là cái chậu cũ”.
“Vậy thì...” ngài Henry nói, “cái chậu thì có tội tình gì?”
“Đúng”, bà Marple hăng ái nói “Cái món đó nhà nào cũng có, nhưng đâu có đẹp đẽ gì. Thú thật tôi có ấn tượng như tất cả mọi người có khi bị xúc phạm vì những lời nói thiếu suy nghĩ. Mấy ông chẳng để ý chuyện cô giúp việc Ethel nhà tôi, xinh đẹp siêng năng đủ mọi bề. Từ lúc đó tôi đã nhận thấy nó chẳng khác nào mấy đứa ở bên nhà Annie Webb và nhà bà Bruitt. Nếu chuyện đó xảy đến cho tôi thì không nói làm gì... Tôi cho nó nghỉ việc ngay, viết giấy giới thiệu qua chỗ khác tuy nó đàng hoàng nhưng không quên dặn bà Edwards đề phòng. Còn Raymond, cháu tôi nó tức giận ghê lắm, bởi chưa nghe ai nói chuyện lạ đời đến vậy. Vâng, lạ đời. Thế rồi nó qua làm cho nhà phu nhân Ashton, tôi thấy không cần dặn dò. Rồi ông biết sao không? Một đống quần áo lót bị cắt hết dây đăng ten, hai chiếc trâm cài tóc nạm kim cương bị lấy mất, con bé bỏ trốn đi nửa đêm, biệt tích luôn!”
Bà Marple bỏ ngang thở ra một hơi, bà kể tiếp.
“Tôi đoán ông sẽ nói ngay chuyện đó liên quan gì tới chuyện khu nghỉ mát Keston spa Hydro... nhưng mà có đấy. Chính vì vậy mà tôi mới tin chắc là ngay lần gặp đầu tiên thấy nhà Sanders đi chung với nhau. Thế mà ông ta nói với tôi muốn giết bà ấy”.
“Ô kìa!” Ngài Henry nói nghiêng người ra trước.
Bà Marple lạnh lùng nhìn ông.
“Như tôi đã nói, thưa ngài Henry, tôi nói đâu có đó. Ông Sanders người cao lớn, mặt mũi điển trai lịch thiệp, ân cần tử tế với mọi người. Và không ai cảm thấy hài lòng người vợ mình hơn ông được. Chỉ có tôi biết thôi! Ông ta muốn giết vợ!”
“Ôi trời bà Marple...”
“Vâng, tôi hiểu, chính cháu tôi Raymond West cũng nói. Nó trách tôi không đưa ra được bằng chứng. Thế mà tôi còn nhớ Walter Hones, người đã bắt giữ anh chàng ghen vợ. Một bữa tối hai vợ chồng đi bộ về nhà, bà vợ té xuống sông, vậy là ông ta lãnh đủ tiền bảo hiểm nhân mạng! Có vài người khác thường hơn người khác... mà họ cũng thuộc thành phần như chúng ta đây. Hai vợ chồng đi chơi leo núi ở Thụy Sĩ. Tôi khuyên bà vợ không nên đi... tưởng nghe khuyên vậy bà sẽ giận... nhưng không bà chỉ cười. Và đáng buồn cười hơn khi một người đã có tuổi như tôi dám can ngăn Harry chồng bà. Thế mới hay, một tai nạn đã xảy ra... Harry lấy vợ khác. Tôi biết làm gì đây? Tôi biết nhưng lấy đâu ra bằng chứng”.
“Chà! Bà Marple”, bà Bantry kêu lên. “Bà không nói đùa chứ?”
“Trời ơi, chuyện bình thường, bình thường quá đi chứ. Mấy ông thì hăng hái bởi chuyện có liên quan đến các ông, dễ nhận ra ngay nếu là một trường hợp tai nạn. Tôi kể ra đây trường hợp nhà Sanders. Hôm đó trên chuyến tàu điện đông người, tôi bỏ đi lên phía trên. Cả ba chúng tôi đứng dậy bỏ đi, ông Sanders bị mất chỗ dựa ngã người vô bà vợ, chúi đầu xuống bậc thềm lên xuống. May gặp người trưởng tàu mạnh tay níu lại kịp”.
“Rõ ràng là một tai nạn còn gì nữa”.
“Tất nhiên là một tai nạn, không thể nói tình cờ ngẫu nhiên. Vì ông Sanders trước đây đi làm trên tàu biển, đi tàu gặp lúc sóng biển tròng trành đứng yên được một chỗ, thì khi đi tàu điện khó mà ngã; nếu là một người có tuổi như tôi còn không ngã. Đừng nói là ông”.
“Vậy có thể nói bà đã nhất quyết”, ngài Henry nói, “nghe là biết ngay”.
Bà già độc thân gật đầu.
“Chắc quá rồi. Còn một vụ băng qua đường, chẳng bao lâu sau đó tôi mới dám tin chắc hơn cho chứng cứ của tôi, vậy tôi nên làm gì thưa ngài Henry? Không khéo chút nữa một nạn nhân vừa mới lấy chồng bị giết chết”.
“Bà nói sao nghe tôi không kịp”.
“Bởi vì, cũng như phần đông người ta, ông không muốn nhìn thẳng vô sự thật. Ông không muốn nhìn nhận sự việc nó phải là như vậy. Nhưng tôi biết nó là như vậy. Tiếc thay điều đó không thể vượt qua được. Ngay chính tôi cũng không thể đi báo cho cảnh sát. Nói ra cho bà ấy biết cũng bằng thừa. Bà muốn bám riết ông ấy. Công việc của tôi là phải tìm hiểu được chừng nào hay chừng đó. Một bữa nọ ngồi đan áo bên lò sưởi, bà Sanders,tên thật là Gladys, thấy tôi, muốn tâm sự. Theo tôi biết hai người mới lấy nhau chưa bao lâu. Chồng bà còn giữ một số tài sản nhưng dần dà tiêu xài gần hết. Hiện phải sống nhờ vào tiền của bà. Chuyện này đã có người nghe được. Bà than thở không muốn đụng tới món tài sản đó. Vậy mà đã có người nghe ngóng được! Món tiền đó do bà quyết định muốn để lại cho một người, tôi biết việc này. Ngay sau ngày lễ cưới hai bên đã làm di chúc cho nhau. Thật cảm động. Phải vậy thôi, tiền bạc sòng phẳng; về sau mới biết, cả một gánh nặng. Hai vợ chồng túng thiếu, sống trên lầu cao nhất của một chung cư sẽ chết chung với người giúp việc nếu nhỡ hỏa hoạn, vì vậy phải chừa lối thoát hiểm ngoài cửa sổ. Tôi hỏi trên nhà có xây ban công không. Có ban công nguy hơn, nhất là lúc nguy xô đẩy nhau... ông biết mà”.
“Tôi dặn bà ta đừng ra ngoài ban công, tôi có tật hay nằm mơ. Nghe xong bà rất hoảng sợ... thỉnh thoảng bà vẫn tin vào các chuyện mê tín. Bà xinh đẹp nước da trắng, tóc dợn bồng bềnh đến vai. Bà là người dễ tin. Tôi nói gì bà ta cũng kể cho chồng nghe hết vì tôi để ý ông liếc nhìn qua tôi mấy lần rất hồ nghi. Ông ta không dễ tin, chắc hẳn ông ta còn nhớ hôm đó tôi cũng có mặt trên chuyên xe điện”.
“Tôi thấy khó xử... rất là khó xử - không biết tránh mặt chỗ nào. Tôi có thể ngăn không để mọi chuyện xảy ra tại khu nghỉ mát, tôi muốn nói vài lời cho ông ta nghe, tôi có điều nghi ngờ. Nhưng nghĩ lại có thể ông ta bỏ lỡ kế hoạch về sau. Không nên, tôi nghĩ ra một việc táo bạo hơn thực hiện mưu kế đánh lừa. Trong trường hợp xúi giục ông giết vợ theo cách tôi sắp đặt... tất nhiên ông ta sẽ bị lộ tẩy, bà ta mới ra chân tướng kẻ thủ phạm”.
“Nghe bà kể tôi thật hồi hộp”, bác sĩ Lloyd nói “Bà tính kế nào đây”.
“Tôi đã tính cả rồi, đừng lo”, bà Marple nói “Nhưng đối tượng biết rõ tôi quá. Ông ta không thể ngồi đó chờ. Đoán biết tôi hồ nghi, ông ra tay trước. Biết tôi nghi sắp có vụ gì đây, ông mới gây án”.
Mọi người ngồi thở ra chờ đợi, bà Marple gật đầu bặm môi nói.
“Tôi thấy nói ra hơi đột ngột. Để tôi kể cho có đầu đuôi. Tôi cảm thấy xót xa trước mọi việc. Lẽ ra tôi phải ngăn lại... Chỉ có trời biết. Tôi đã làm hết mọi cách”.
“Hôm ấy một bầu không khí kinh dị bao trùm, khắp mọi nơi, như có một gánh nặng trên vai từng người. Một cảm giác đau thương. Trường hợp đầu tiên là anh chàng George bảo vệ khu tiền sảnh, phục vụ nhiều năm quen mặt khách vãng lai. Mắc bệnh sưng cuống phổi, chuyển qua sưng phổi; bốn bữa sau gã chết. Một tin buồn thảm thiết, một cú sốc cho mọi người. Chỉ trước đêm Noel bốn ngày. Sau là người giúp việc, con bé xinh đẹp, một ngón tay bị sưng độc, chết trong vòng hai mươi bốn giờ”.
“Tôi đang ở trong phòng khách, ngồi cạnh là cô Trollope và bà Carpenter, bà thích những chuyện chết chóc, không bỏ sót một chuyện nào”.
“Nhớ lấy lời tôi”, bà nói, “chưa hết đâu. Các bạn đã nghe câu nói trong nhân gian ‘Quá tam ba bận’. Tôi thấy đúng vô cùng. Chờ xem một người nữa sẽ chết. Không tránh đâu cho khỏi, chẳng bao lâu nữa đâu. Quá tam ba bận”.
“Nói hết câu bà gật đầu tay cầm lấy que đan áo. Vừa lúc ngước nhìn lên tôi thấy ông Sanders đứng ngoài cửa từ hồi nào. Lựa lúc ông không để ý tôi nhìn cho thật kỹ một lần. Có thể nói mãi về sau tôi còn nhớ câu nói của bà Carpenter khiến hình ảnh ông khắc sâu vô trong đầu. Tôi biết ông đang nghĩ ngợi”.
“Ông bước vô trong phòng trên môi nở một nụ cười tươi tắn như mọi khi”.
“Hôm nay tôi muốn mua quà tặng cho quý vị nhân ngày Noel được chứ?” Ông hỏi “Tôi phải đi ngay về Keston”.
“Ông đứng đó một lúc, vừa cười vừa nói rồi ông bỏ đi ra. Thấy vậy tôi hoảng liền nói ngay”.
“Bà Sanders đâu? Có ai thấy không?”
“Bà Trollope cho biết bà ta tới nhà bạn, bà Mortimers, chơi đánh bài, tôi thấy nhẹ đầu. Nhưng còn lo nghĩ chưa biết nên tính làm sao. Nửa giờ sau tôi lên phòng. Vừa bước lên thang lầu, nhìn thấy ông Coles, bác sĩ riêng, tôi muốn hỏi ngay việc tôi đang đau thấp khớp. Tôi mời ông vô phòng. Ông kể cho nghe, không được nói lại cho người khác, cái chết đau thương của Mary. Ông chủ không muốn cho mọi người biết chuyện này nên tôi cũng im luôn. Tất nhiên tôi phải nói từ nãy giờ chúng tôi không hay biết gì hết... từ lúc con bé trút hơi thở cuối cùng. Khỏi phải nói chắc ông cũng hiểu, nhưng bác sĩ Coles thì khác, ông vô tư khiến tôi càng lo thêm, ông nhắc lại lời ông Sanders nhờ ông để ý giùm bà vợ dạo này ốm yếu, ăn uống không tiêu hay sao đó...”
“Rõ ràng chính bà Gladys Sanders nói với tôi là bà ăn uống tốt chính vì vậy bà mừng”.
“Ông hiểu chứ? Tôi càng nghi cho ông ta hơn, ông ta đang toan tính... chuyện gì? Bác sĩ Coles vừa đi khỏi tôi chưa kịp kể lại nghi vấn của mình cho ông ta nghe, liệu có nên không. Mà thật nếu có nói tôi không biết nên nói gì. Vừa bước trở ra gặp lại chính... Sanders... từ trên lầu bước xuống. Ông ăn mặc bảnh bao chuẩn bị đi ra phố, ông nhắc ai có muốn nhờ gì ông không. Tôi không nói gì vì muốn giữ phép lịch sự thế thôi! Tôi đi ra phòng ngoài gọi một tách trà. Lúc đó khoảng hơn năm rưỡi, tôi còn nhớ”.
“Tôi đang lưỡng lự nên kể ra sao cho có đầu có đuôi. Tôi ngồi uống trà tới bảy giờ kém thì ông Sanders bước vô, cùng với hai ông khách lạ, trông vui vẻ lắm. Ông một mình bước tới chỗ tôi và cô Trollope đang ngồi. Thì ra ông muốn hỏi ý kiến bọn tôi nên chọn món quà Noel nào cho bà vợ ông. Ông muốn tặng bà một túi xách đi dự dạ hội”.
“Mấy bà biết...” Ông nói “Tôi chỉ là một thủy thủ quèn. Tôi chả biết gì mấy chuyện quà cáp. Có ba món gởi tới chào hàng nên tôi muốn hỏi ý kiến nhờ mấy bà chọn giúp một món”.
“Tôi nói ngay muốn giúp ông và ông mời đi theo lên lầu; bởi chốc nữa vợ ông sẽ về tới vừa kịp lúc ông mang món quà trở xuống. Chúng tôi đi theo lên. Và chuyện xảy ra sau đó đã làm tôi không bao giờ quên... tới giờ này mấy đầu ngón tay còn nhức lâm râm”.
“Ông Sanders mở cửa buồng ngủ, bật đèn sáng. Tôi còn nhớ lúc đó ai nhìn thấy trước tiên...”
“Bà Sanders nằm úp mặt xuống sàn. Không biết đã chết từ lúc nào”.
“Tôi bước tới ngay, quỳ xuống nhấc tay lên bắt mạch, không làm gì được nữa, tay cứng đơ, lạnh ngắt. Trên đầu nằm một chiếc vớ đựng đầy cát, hung thủ dùng vũ khí này đập đầu nạn nhân. Đứng ngoài cửa cô Trolloque đáng thương luôn mồm kêu van, tay ôm đầu gào thét. “Vợ tôi... vợ tôi...” Ông chồng vụt chạy tới bên xác nạn nhân. Tôi ngăn không cho ông đụng tới cái xác. Ông biết đấy, nếu sờ tay vô biết đâu thoáng cái ông tìm cách phi tang”.
“Ông đừng đụng tới”, tôi nói, “ông Sanders, bình tĩnh. Cô Trolloque, tôi nhờ cô trở xuống gọi quản lý”.
“Tôi quỳ xuống bên xác nạn nhân, không thể để Sanders một mình, sợ ông cố tình làm vậy. Nhìn ông như người thất thần”.
“Người quản lý nhanh chóng chạy lên. Nhìn qua một lượt khắp căn phòng, ông đưa mọi người ra ngoài khóa cửa, giữ chìa khóa, ông bỏ đi gọi báo cảnh sát. Chờ hoài không thấy tới, về sau mới hay đường dây hỏng. Quản lý sai người liên lạc ra tới đồn cảnh sát và khu nghỉ mát ở tận ngoại ô gần vùng đồng hoang. Phần bà Carpenter được một phen lên mặt với bọn tôi. Bà hài lòng vì lời tiên tri ‘Quá tam ba bận’ ứng nghiệm ngay tức thì. Nghe nói Sanders đi lang thang ngoài vườn tay ôm đầu, mồm than vãn khổ sở”.
“Vừa lúc cảnh sát tới nơi, đi theo quản lý và ông Sanders lên trên lầu. Một lát sau tôi được mời lên. Viên thanh tra mật thám ngồi viết biên bản, nhìn mặt ông ta sáng sủa tôi hài lòng”.
“Bà Marple là bà đây?” Ông hỏi.
“Vâng”.
“Tôi được biết bà có mặt ngay lúc phát hiện”.
“Tôi nói ra ngay và thuật lại mọi chuyện từ đầu. Cũng may cho ông gặp một người biết giải đáp mọi câu hỏi thông suốt; bởi trước đó ông ta đã tiếp xúc với Sanders và Emily Trolloque, cô nàng... theo tôi thấy như bị khủng hoảng tinh thần... nên mới ra người ngớ ngẩn! Nhớ lại lời mẹ tôi dặn lúc nhỏ, lúc ra ngoài trước đám đông một người con gái lịch thiệp phải biết tự kiềm chế, không thì phải gặp riêng”.
“Một phương châm xử thế đáng khâm phục”, ngài Henry trịnh trọng nói.
Hỏi xong các câu hỏi, viên thanh tra nói:
“Cám ơn bà. Nào yêu cầu bà nhìn lại cái xác một lần nữa. Nó vẫn nằm ở tư thế cũ như lúc bà mới bước vô, phải không? Không xê dịch đi đâu cả”.
“Tôi phân bua, cố tình ngăn không cho Sanders sờ tới cái xác, viên thanh tra gật đầu đồng ý”.
“Người chồng lúc đó bối rối lắm thì phải?” Ông nhắc lại.
“Có. Bối rối thì phải... vâng”. Tôi đáp.
“Tôi không có ý gì khác hơn khi muốn nói bối rối ‘thì phải’, viên thanh tra nhìn sâu vô mắt tôi?”
“Vậy ta có thể xác định lại một lần nữa nạn nhân nằm nguyên chỗ cũ?” Ông ta nói.
“Chỉ có cái cái mũ là không”, tôi đáp.
Viên thanh tra ngước nhìn lên chăm chú. “Bà nói sao... chiếc mũ?”
“Tôi giải thích cái mũ đội trên đầu nạn nhân Glady giờ thấy để một bên. Tôi đoán do cảnh sát lúc khám xét nên xê dịch. Viên thanh tra không chấp nhận. Thật ra không có một món nào xê dịch dù một phân, ông ta cau mày nghĩ ngợi, mắt vẫn nhìn xuống chỗ nạn nhân nằm úp mặt”.
Bà Gladys mặc trên người bộ đồ dạo phố, khoác chiếc áo choàng màu đỏ sậm, cổ áo lông màu xám. Chiếc mũ nỉ màu đỏ nằm kề một bên đầu.
Viên thanh tra đứng nhìn lặng lẽ một hồi, vẻ mặt đăm chiêu. Một ý tưởng vừa lóe lên trong đầu.
“Bà thử nhớ lại coi, trên tai có đôi bông hay là nạn nhân lúc nào cũng đeo bông tai?”
“Cũng may tôi có thói quen hay quan sát mọi thứ trước mắt. Tôi còn nhớ có một đốm sáng như ngọc trai ngay bên dưới vành mũ dù không dòm thật kỹ nó ra làm sao. Tôi có thể khẳng định được câu hỏi thứ nhất”.
“Tới đây việc đã ổn. Chiếc hộp đựng nữ trang đã bị đánh cắp, không đáng giá bao nhiêu, tôi hiểu điều đó... chiếc nhẫn đeo tay bị lột. Sực nhớ đôi bông tai, thủ phạm quay trở lại thì mọi người đã hay. Một tay táo tợn! Hay biết đâu là...” ông đảo mắt nhìn quanh chậm rãi nói: “Hắn còn ẩn núp quanh quẩn trong này, đây chớ không đâu xa”.
“Tôi nghĩ không có chuyện đó. Tôi đã dòm qua dưới gầm giường. Ông quản lý mở tủ quần áo ra coi. Thủ phạm không thể tìm ra chỗ nào ẩn núp. Chỉ còn một chỗ để cất mũ nón đã khóa kê ngay giữa tủ quần áo, ngăn hẹp thế này không ai chui vô núp được”.
Viên thanh tra khẽ gật đầu nghe tôi phân bua.
“Tôi ghi nhớ điều đó”, ông nói, “vậy thì trước sau gì hắn cũng quay lại. Tay này táo tợn ghê”.
“Ông quản lý đã khóa cửa, giữ chìa khóa!”
“Không ăn thua. Thủ phạm sẽ chui vô theo hướng trên ban công và lối thoát hiểm khi hỏa hoạn, chỉ còn một lối đó thôi. Sao vậy, không khéo bà lo lắng cho hắn. Hắn trèo qua cửa sổ chờ lúc mọi người ra ngoài hết, chui vô lại làm nốt công việc dở dang”.
“Ông chắc là...” Tôi nói “Có tên trộm vô đây”.
Ông lạnh lùng đáp:
“Chứ sao, rõ ràng quá còn gì nữa, phải không?”
“Nghe ông nói tôi vững bụng. Tuy nhiên tôi không cho rằng ông ta cho là Sanders phải chịu cảnh góa bụa”.
“Ngài biết là tôi đồng ý với nhận định trên. Tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm những người bạn Pháp, hàng xóm của chúng ta gọi đó là định kỉến. Tôi biết là Sanders muốn cho vợ mình chết. Tôi không muốn nhìn thấy hai quan điểm trùng hợp với nhau. Quan điểm của tôi về Sanders, tôi nói thật, là hoàn toàn chân chính. Gã là một tên đê tiện. Cho dù cái vẻ đau khổ giả nhân giả nghĩa có thật chăng nữa cũng không qua khỏi mắt tôi, tôi còn nhớ mãi vẻ mặt sững sờbối rối của gã lúc đó đóng kịch thật tài tình. Nó hay ở chỗ như là khóc thật vậy... ngài hiểu ý tôi nói. Sau buổi trao đổi với viên thanh tra mật thám tự dưng tôi cũng thấy đáng hồ nghi hơn nữa. Bởi lỡ nếu Sanders là thủ phạm, tôi không thể ngờ, gã chui vô lại theo lối cửa thoát hiểm để tới lột đôi bông tai đeo trên tai vợ. Không thể chấp nhận một hành vi táo tợn như vậy được, bởi chỉ có Sanders mới dám liều lĩnh. Cho nên tôi cứ nghĩ mãi trong đầu hắn là một tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm”.
Bà Marple nhìn quanh một lượt.
“Có lẽ ngài biết là tôi nghĩ gì? Trên đời này thiếu gì chuyện bất ngờ. Vì tôi cả tin cho nên mới bị mê hoặc. Chuyện xảy ra rồi tôi mới thấy choáng váng. Bởi lẽ ai cũng biết, không còn chối cãi gì nữa, Sanders không thể nhận mình là một kẻ phạm tội...
Bà Bantry ngạc nhiên thở ra, bà Marple quay qua nhìn.
“Tôi hiểu đây là một câu chuyện bà không thể ngờ. Chính tôi cũng không ngờ. Nhưng sự thật là sự thật. Nếu có gì sai sót thì nên xuy xét mọi việc từ đầu. Chuyện Sanders là một tên sát thủ chính cống tôi biết... và không ai có thể lay chuyển tôi nghĩ khác được”.
“Đến đây tôi xin kể lại hết mọi chuyện. Buổi trưa hôm đó bà Sanders qua nhà Mortimers chơi bài. Khoảng sáu giờ mười lăm bà về. Từ chỗ khu nghỉ mát dưỡng sức vào khoảng mười lăm phút đi bộ... nếu đi cho nhanh thì không tới. Khoảng sáu rưỡi bà phải về tới nhà. Chờ mãi không thấy, hay bà vô sau cửa hông, đi vội lên lầu thay đồ, chiếc áo choàng và chiếc váy còn treo trước tủ búp-phê, lát nữa bà còn đi ra phố, bất thình lình tai họa ập tới. Như mọi người dự đoán, bà không ngờ có người muốn hại bà. Cái túi đựng cát còn để lại đó theo tôi biết là một món vũ khí lợi hại. Có thể thủ phạm núp đâu đó trong phòng, trong tủ quần áo lớn nhất, tủ này bà không mở ra”.
“Ta xét qua hành vi của Sanders. Như tôi đã kể ông ra khỏi nhà khoảng năm rưỡi, hay trễ hơi một chút. Ông đi mua sắm tại mấy gian hàng, khoảng sáu giờ ông về khách sạn Grand spa gặp hai người bạn; lát nữa ông đi cùng với họ tới chỗ khu nghỉ mát gần đâu đó. Họ cùng chơi bida, uống uých-ki. Hai người bạn, Hitchcock và Spender, đi theo ông từ lúc sáu giờ. Tất cả cùng rủ nhau trở lại chỗ khu nghỉ mát, sau đó ông đi một mình tới gặp tôi và cô Trollope. Lúc đó như tôi đã kể khoảng bảy giờ kém... ngay thời điểm đó bà vợ ông ta có lẽ đã chết”.
“Tôi xin nói rõ về hai ông bạn kia. Tôi không thích, bởi trông thấy họ chẳng vui vẻ lịch sự chút nào. Nhưng tôi chắc một điều họ đã kể lại một cách trung thực là Sanders suốt buổi đi chung với mấy người bạn”.
“Chợt một chi tiết nhỏ xen vô giữa câu chuyện. Trong khi ngồi chơi bài bà Sanders bỏ đi nghe điện thoại. Có một ông Littleworth nào đó muốn gặp bà. Thấy bà vui vẻ và phấn khích lắm... vì lẽ đó mà bà để lộ ra mấy chi tiết khác. Bà bỏ ra về trước mấy người kia?”
“Ông Sanders được hỏi có biết một người tên Littleworth, là bạn của vợ ông không nhưng ông cho biết chưa nghe tên đó lần nào. Theo tôi nhìn qua bề ngoài có thể đoán ra được ngay bà ấy dường như không biết tên Littleworth là ai. Tuy vậy lúc buông máy quay trở lại, nhìn mặt bà vừa tươi cười vừa mắc cỡ. Có thể là người lạ mặt không muốn xưng tên thật, nên càng dễ hồ nghi hơn, phải vậy không?”
“Tuy nhiên, còn lại một điểm chưa thông. Một vụ trộm đột nhập vô nhà, giả thiết này có vẻ không ổn hay lúc đó bà Sanders chuẩn bị đi ra thì gặp một kẻ lạ mặt. Có phải người lạ mặt này đột nhập vô phòng qua lối thoát hiểm? Lúc đó hai bên cãi vã? Hay là kẻ lạ lén đánh bà”.
Bà Marple dừng lại.
“Vậy thì...?” Ngài Henry nói “Câu giải đáp sẽ ra sao?”
“Ai có thể đoán ra được đây”.
“Tôi không có tài tiên đoán”, bà Bantry nói “Đáng tiếc là lúc đó Sanders lấy cớ vắng mặt thật tài tình; nếu bà thấy hài lòng thì có sao đâu”.
Jane Helier nghiêng đầu hỏi lại.
“Tại sao...” Nàng nói, “... cái tủ treo nón nhìn thấy có khóa”.
“Cô em thật là sáng dạ”, bà Marple nói, tủm tỉm cười. “Chính tôi cũng tự hỏi điều đó, dù cách giải thích cũng đơn giản thôi. Trong tủ còn cất một đôi dép thêu ở quai, mấy chiếc khăn mù soa bà dành cho chồng nhân ngày lễ Noel muốn cất trong tủ khóa lại. Chiếc chìa khóa tìm thấy được trong xắc tay”.
“Ồ!” Jane nói “Vậy thì đâu có gì lạ”.
“Chà! Có đấy!” Bà Marple nói “Phải nói nó lạ lắm. Chính nó đã làm lạc hướng mọi toan tính của thủ phạm”.
Mọi cặp mắt đổ dồn về phía bà già.
“Đã hai bữa tôi không nghĩ ra”, bà Marple nói, “tôi thắc mắc hoài... và đây rồi, không chạy đi đâu. Tôi tới gặp viên thanh tra mật thám nhờ ông ướm thử giùm”.
“Bà nhờ ông ướm thử gì nào?”
“Tôi nhờ ông ướm thử chiếc mũ đội trên đầu nạn nhân dường như đội không vừa. Chiếc mũ khác số. Không phải chiếc mũ thường ngày, cô hiểu chứ”.
Bà Bantry trố mắt nhìn.
“Nhưng mà chiếc mũ ấy còn đội trên đầu kia mà”
“Không phải trên đầu nạn nhân”.
Bà Marple ngưng kể, muốn để cho những gì bà vừa kể ra thấm dần. Nhưng bà lại tiếp tục kể.
“Chúng tôi không dám quả quyết là xác chết nằm đó là bà Gladys, bởi trước đó không ai nhìn thấy mặt. Bà nằm úp mặt xuống đất, nhớ chưa, còn chiếc mũ thì che hết phần mặt”.
“Nhưng bà đã bị giết chết rồi”.
“Vâng, về sau mới chết. Lúc gọi điện báo cho cảnh sát
Gladys Sanders còn mạnh khỏe”.
“Bà muốn nói một cái xác khác được thay vô đó sao? Bà còn nhớ chính bà đưa tay sờ vô xác chết kia mà”.
“Vâng, nạn nhân lúc đó đã chết”, bà Marple nghiêm chỉnh nói.
“Thôi, kệ xác nó”, đại tá Bantry nói, “làm sao có thể nhìn thấy cái xác từ đầu đến chân. Họ đã làm gì với cái xác chết lúc vừa nhìn thấy trước tiên”.
“Hung thủ kéo trở lại chỗ cũ”, bà Marple nói “Ghê gớm thật, nhưng phải khâm phục. Lúc chúng tôi ngồi nói chuyện trong phòng khách hắn đứng ngoài rình nghe. Hắn nghĩ ngay cái xác của Mary, người giúp việc. Nên nhớ, phòng của bà Sanders ở gần bên phòng mấy người giúp việc. Chỗ Mary cách đó hai phòng. Dịch vụ mai táng phải tối mới tới... hắn chớp ngay thời cơ. Lôi xác nạn nhân ra tới ngoài ban công, năm giờ trời đã sẫm tối, tay quơ đại một chiếc áo của vợ mặc vô, khoác thêm chiếc áo choàng rộng màu đỏ. Hắn nhìn qua tủ treo mũ đã khóa! Chỉ còn một cách, vơ đại lấy một chiếc đội lên cho đầu của nạn nhân. Không ai để ý chuyện đó, rồi lấy cái túi đựng cát đặt xuống một bên. Xong xuôi hắn bỏ đi dựng lên cái cớ không có mặt tại hiện trường?”
“Hắn gọi máy cho vợ... tự xưng tên một ông Littleworth nào đó. Không biết hắn đã nói gì với vợ... bà này nhẹ dạ cả tin như tôi đã kể lúc nãy. Hắn gọi cho vợ bỏ dở ván bài ra về sớm, không quay trở lại chỗ khu nghỉ mát, hắn muốn sắp xếp để gặp vợ tại bên ngoài gần lối thoát hiểm đúng lúc bảy giờ. Có lẽ hắn muốn dành cho vợ một sự ngạc nhiên”.
“Không ai yêu cầu hắn phải tránh mặt sau khi gây án. Hắn gặp lại vợ dẫn lên lầu theo lối thoát hiểm hai người bước vô phòng. Hay trước đó hắn đã cho vợ hay về chuyện cái xác chết. Vừa lúc bà nghiêng người xuống, nhanh tay hắn chớp lấy bao cát đập vô đầu... Trời ơi! Nhớ lại lúc đó trong người tôi thấy còn muốn buồn nôn! Nhanh tay hắn cởi hết quần áo vợ treo lên, lấy quần áo che xác bên kia mặc vô lại cho bà”.
“Nhưng còn chiếc mũ thì đội không vừa. Tóc Mary cắt ngắn... còn Gladys Sanders, như tôi đã kể, đầu tóc bới cao. Hắn mới nghĩ cách bỏ xuống một bên, chắc là không ai để ý. Xong xuôi hắn kéo xác Mary vô trở lại trong phòng riêng sắp đặt cho ngay ngắn trở lại”.
“Chuyện kinh dị”, bác sĩ Lloys nói “Tay này chơi bạo. Cảnh sát sẽ ập vô bất cứ lúc nào”.
“Ông không nhớ là đường dây bị hỏng”, bà Marple nói “Đây là mưu mẹo của hắn. Hắn không muốn để cho lực lượng cảnh sát tới đây sớm. Nếu tới nơi cảnh sát phải gặp quản lý trước rồi mới lên phòng. Đấy cũng là một nhược điểm, đó là lúc sẽ phát hiện được một cái chết hai tiếng đồng hồ với một xác chết cách đây nửa tiếng; hắn dựa vô chỗ người phát hiện đầu tiên sẽ một người không có kinh nghiệm”.
Bác sĩ Lloyd gật đầu xác nhận.
“Án mạng có thể xảy ra lúc bảy giờ kém mười lăm hay khoảng chừng đó”, ông nói, “chính xác là bảy giờ hoặc trễ hơn một chút. Khi bác sĩ pháp y khám nghiệm tử thi lúc đó khoảng sớm nhất bảy giờ rưỡi, ông ta không nắm chắc thời điểm”.
“Chính tôi là người có thể biết rõ hết”, bà Marple nói “Tôi nắm tay bắt mạch, thấy tay lạnh ngắt, về sau bác sĩ pháp y cho hay có thể vụ án xảy ra cách đây không bao lâu, trước khi chúng tôi tới nơi. Nhưng tôi thì không cho là vậy đâu”.
“Tôi mới hay bà biết quá nhiều, bà Marple”, ngài Henry nói “Vụ án xảy ra trước lúc tôi tới. Tôi không còn nhớ mấy. Chuyện sau đó ra sao?”
“Sanders bị treo cổ”, bà Marple nói ngắn gọn. “Cũng mau đấy. Riêng tôi thì không có gì phải ân hận khi đưa tên tội phạm ra xét xử. Tôi không còn đủ kiên nhẫn để lắng nghe những lời lẽ đắn đo chuyện thi hành án tử hình”. Nét mặt bà dịu lại.
“Tôi tự trách mình một cách nghiêm khắc đã để lỡ mất một cơ hội cứu người vợ vô tội, đáng thương kia. Thử hỏi có mấy ai chịu nghe lời bà già này? Thôi, thôi, có ai hiểu cho? Bà ta chết đi khi lẽ ra cuộc đời vẫn còn nhiều điều để bà hưởng thụ, nhưng thế giới đầy rẫy những điều xấu xa không như bà ta tưởng. Bà ta trót yêu gã đàn ông đê tiện kia và gởi gắm trọn cuộc đời. Bà ta đã quá tin tưởng nên đâu thấy mặt trái của hắn”.
“Thôi thì...” Jane Helier nói, “bà ta đã ngủ yên. Hoàn toàn ngủ yên. Mong sao...” Nàng bỏ lửng.
Bà Marple đưa mắt nhìn người đẹp được chiêm ngưỡng và đang đạt được nhiều danh vọng, Jane Helier, rồi khẽ gật đầu.
“Tôi hiểu cô”, bà nói nhỏ vừa đủ nghe, “tôi hiểu”.