Điện thoại khẩn cấp

    
iếng chuông điện thoại reo lên làm cho ông Hề giật mình. Ông đã đứng tuổi, tim hơi yếu, cái nghề hát xướng phải tập trung hoài làm cho suy tim, thường ngày ông vẫn hay giật mình khi... vợ ông la mấy đứa cháu và khi điện thoại nhà ông reo. Phải chi tiếng điện thoại nhỏ hơn hoặc có nhạc.
- A lô.
Ông Hề nói, bên kia đầu dây là tiếng khóc nức nờ của một người đàn bà.
- A lô.
Ông Hề già lại nói nhưng bên kia vẫn là tiếng khóc nghẹn. Lạ chưa? Ai kêu điện thoại cho mình mà lại khóc, từ lâu ông già làm hề này đã hết sức tránh cho mình những điều phiền toái. Tới sân khấu hài, các nhóm tranh nhau, ông tìm một chỗ vắng ngồi chờ, khi ra sân khấu ông tiết chế cợt đùa vừa phải, vì vậy nhóm ông ít sô hơn, ông không gây thù chuốc oán với ai, câu cửa miệng của ông vẫn là: Một câu nhịn chín câu lành.
- A lô
Ông Hề lại “A lô” mặc dù cũng như nhiều người khác ông chẳng hiểu “A lô” nghĩa là gì khi người ta kêu điện thoại, sao lại không nói là “chào nha”. Lần này bên kia là giọng nói trong tiếng khóc của đàn bà:
- Dạ cháu xin nói chuyện với ông Hề.
- Dạ thưa tôi là Hề đây, sao cô biết tên trong nhà của tôi?
-Con xin lỗi, con hỏi thăm.
- Không có chi, không có chi.
- Con, cháu đang gặp rắc rối, trong cuốn sổ điện thoại của chồng con có ghi số điện thoại nhà ông. Con không biết kêu ai bây giờ, ông ơi con nhờ ông giúp con một chuyện, ông ơi chồng con có vợ bé!
Bà Hề ngồi đút cơm cho thằng cháu nội nghe lạ hỏi:
- Chạy “sô” hả ông?
Ông Hề nháy mắt coi tức cười:
- Nô.
Rồi cũng tò mò nghe tiếp, nhưng bên kia đã đặt máy xuống. Ông Hề trở lại ngồi bệt xuống nền nhà, tiếp tục ăn chén cơm. Thằng cháu nội mà ông cưng nhất hơi quậy, nó đòi đủ thứ. Thằng nhỏ này ông Hề đã cho nó đi theo ông nhiều chỗ, tới đài truyền hình coi ông tập kịch, lúc đó ông đóng vai ít nói, về tới nhà nó méc với bà nội Hề của nó: Ai cũng nói còn ông Nội nín thinh. Nó cũng theo ông bà tới một hội trường, nơi ban tổ chức mời ông bà tới giao lưu phỏng vấn ông, khen bà giỏi giúp chồng. Lúc đầu bà Hề không chịu đi, lý do chính đáng nhất là tại vì bà chỉ biết nấu cơm rửa chén, bà vợ nào cũng vậy, ví lại tới đó toàn người sang trọng không, người ta nói đàng hoàng, còn bà như củ khoai, tối ngày trong bếp biết gì mà nói. Ông chồng hề già của bà chạy sô tấu hài hẻo, mưa gió, hát ế, có khi thiếu tiền chợ, thiếu “lương” cho mấy đứa nhỏ đi học, thiếu tiền điện nước, tiền điện thoại. Bà cằn nhằn ông nhức xương, thiếu điều ông muốn trốn, bà có giúp gì cho ông đâu, bà cũng không tới coi ông hát, có thấy ông tài năng chỗ nào, lâu lâu bà nổi sùng là: Trời ơi! Chồng con người ta phát ham, chồng mình muốn kêu lính bắt, đi đâu cũng bị kêu Hề, chẳng thà lấy thằng xích lô còn có ăn hơn. Bà Hề la một lúc rồi thấy thương ông, hàm răng trên của bà sún hết trọi, kiếp sau cũng không đủ tiền làm lại mấy cái hàng tiền đạo, tới đó rủi cô xướng ngôn viên hỏi, bà nói, người ta thấy sún răng cười chết. Năn nỉ suốt mấy ngày trời, bà Hề án binh bất động, con nhỏ út liến khỉ nói:
- Má chơi bạo đi đi, nhiều khi người ta thưởng má, đủ tiền làm hàm răng bằng inốc, đi nha má.
Nhỏ út trẻ, ham đi chỗ đông người, sẵn có bộ đồ mới chưa biết bận đi đâu. Bà chịu đi, đem theo cái khăn mù soa, rủi nói che bớt cái miệng. Khi cô xướng ngôn viên hỏi, may quá bà nói chuyện trong nhà có sao nói vậy. Bà “ít nói”, hiền hậu dễ mến, ai cũng cảm động. Hỏi ông chuyện con cháu, ông Hề chỉ thằng cháu nội kể:
- Cái thằng cháu tui nè, ở nhà phá lắm, tui la nó: Hiếu Em, tại sao con không chịu ăn, tại sao con đi học là khóc, tại sao con ra ngoài nắng không đội nón như ông nội, tại sao con tắm mưa, rủi con bịnh ai loa, ý quên ai lo, hả.
Nó cười đưa hàng tiền đạo trống trơn như bà nội nó, nó nói:
- Ông Nội làm hề giễu hay quá!
Ông Hề mắc cái “điện thại” trả góp, cho tiện việc chạy sô, tới năm nay chưa trả hết, nhưng có cái vui là Bà Hề tập nói “điện thại” kêu đứa con gái thứ hai có chồng dưới Rạch Giá, hủ hỉ hỏi thăm nó với thằng rể, nói chuyện với chị suôi, anh suôi, rồi hỏi đứa cháu ngoại tên Muối, bà cũng bớt cằn nhằn vì nhớ con, nhớ cháu.
Chuông điện thoại lại reo, làm cho ông He giật mình:
- A lô.
- Xin lỗi ông.
- Không có chi.
- Hồi nãy thằng con chồng con nó về, con phải cúp máy liền, sợ nó biết con nói chuyện với ông.
Ông Hề già đã hết sức tránh các thứ chuyện rắc rối cuộc đỏi, nay lại phải nghe chuyện điện thoại của ai đó vừa khóc vừa kể, còn phải giâu chồng, ghê quá.
- Con xin ông vài phút.
- Được mà, không có chi.
- Chồng con mê vợ bé, con muốn tự tử ông Hề ơi!
Ông Hề hết hồn hết vía, trời đất ơi, chuyện tự tử mà cũng kêu tới ông làm chi vậy hỡi trời. Nhưng bỏ máy xuống coi kỳ, ông nín thinh, bên kia là tiếng khóc:
- Con tự tử liền tại đây, con giết chết mấy đứa con của con, con giết chồng con, con tự tử ông ơi.
Tiếng người đàn bà khóc nức nở, ban đầu ông già tưởng đám diễn viên trẻ gọi điện chọc ông, phá ông chơi. Tụi trè này quậy, diễn khóc hay còn hơn kịch sĩ. Có lần đám đó “quảng cáo” ông chết queo, làm cho anh em chạy tới chạy lui lo phúng điếu, có lần cũng trong đám đó phao tin một bà đạo diễn chầu trời, mà bà này đang họp trong hội trường, bà này qué quá trời. Nhưng tình tiết này có lẽ là thiệt.
- Con tự tử ông ơi.
Ông Hề với tay nhắc cái ghế, ngồi cho nó đàng hoàng canh điện thoại, coi bộ chuyện này dài, nhưng người ta kêu ông, ông đâu có trả tiền cuộc này mà sợ. Bà Hề ngó thấy ông nói chuyện “năm trên” chán phèo, ẵm thằng cháu nội đi chơi cho mát, thằng nhỏ cười. Ông Hề thủng thẳng hỏi:
- Sao, chuyện sao?
- Chồng của con, nào giờ chỉ biết có vợ con, cả năm nay nó mê con ca sĩ nè trời, hu hu hu.
- Hết người mê rồi sao hả?
Nói xong ông chợt xấu hổ vì tự nhiên ông hơi nói xấu giới của mình. Ông hối hận quá, muốn lôi câu nói phiền phức này ra khỏi ống điện thoại, nhưng sợ điện giật, điện thoại cũng có điện ở trỏng chứ bộ!
Nhưng câu nói của ông đã bay vô lỗ tai người đang khóc, tiếng khóc càng nhức đầu:
- Hu hu hu bởi vậy con mới khổ, ông ơi chắc con chết liền tại đây quá đi, con giết con con, con giết chồng con, con tự tử...
Tới cao trào, điện thoại bỗng tắc, chỉ còn có tiếng o o o của... điện. Ông Hề già chẳng biết tính sao, sao thì sao chuyện của người ta, xía vô mang họa. Bà Hề bước vô nhìn ông như nhìn con cù lần trong sở thú. Tánh bà nóng, bà tuổi Dần con cọp, lại hay bắt lỗi. Còn ông tuổi Dậu, con gà trống chạy bươi hoài không thấy khá. Ông luôn luôn nhịn bà cho cái gia đình nhà nghèo này vui, đôi khi nằm gác tay trên trán giữa đêm khuya ông thầm trách bà lấy chồng “nghệ sĩ” mà không biết gì hết trơn, bà cũng trách ông không chịu tấu hài kẹo kéo như người ta vợ con no đủ. Hồi đi giao lưu về, ban tổ chức thân tặng ông bà một cái hộp kiếng lộng lẫy, ở trong hộp bọc nhung có miếng vải đỏ au thấy thương. Nhà ông Hề lâu nay không Qó một chỉ vàng làm thuốc, nay có vàng bà Hề coi bộ khoái, trên miếng vàng có chữ đề tặng đàng hoàng, khổ nỗi nhà lại khó, mỗi khi trời mưa, điện thoại không reo, ông ngồi huýt gió không kêu, bà cứ ngó miếng vàng, chắc muốn đi cầm đỡ. Một buổi bà tò mò lấy ra coi, miếng vàng mỏng còn hơn tờ giấy quyến vấn thuốc rê, từ đó bà ít ngó tới miếng vàng. Tuy vậy bà vẫn thấy nó đẹp, mấy bà trong xóm này đầu thai lần nữa cũng khỏi có, bà hãnh diện vì chồng bà là ông Hề “nghệ sũy” lên chiền hình hoài ai cũng biết. Một buổi bà He xách giỏ đi chợ, chị bán cá nhìn ra bà Hề, nói liền: “A cái bà này nè tui thấy bà lên chiền hình dỏ dàng, bà nói chuyện nghe cảm động quá chời luôn, còn ông Hề đâu, ổng nói chiện cái thằng cháu nội cười muốn bể bụng vậy đó, thằng cháu nội sún răng có duyên quá, lớn thế nào cũng thế ông nội làm Hề thấy thương quá chời ơi”. Đi tới đâu bà con cũng khen gia đình Hề của bà hết ráo.
Buổi tối ông Hề sắp đi tấu hài, điện thoại lại reo:
- A lô, ông đó hả, con đây, con xin lỗi ông, thằng con nó về bất tử, con phải cúp máy...
- Mà sao trong sổ điện thoại của... chồng con có số điện nhà ông?
- Nhà con ai cũng mến ông, hâm mộ ông, chồng con cũng vậy, ảnh có ghi hai số điện thoại, một của anh gì đó, còn một của ông, ảnh ghi hồi nào ở đâu con đâu có biết, chắc ảnh hỏi tổng đài, ông ơi ông ơi...
- Ông đây con.
- Ông làm ơn cứu con, ông cứu con của con, ông cứu chồng của con với, con thiệt tình không biết nhờ ai bây giờ, ông quen với “nó” ông nói giùm, con muốn kêu cái anh hề kia mà ảnh trẻ quá chắc không có kinh nghiệm. Ông lớn tuổi biết nhiều, ông cứu con, ông giúp con với...
- Giúp làm sao bây giờ, cứu làm sao bây giờ, ông là hề mà.
Bên kia trong tiếng khóc, hình như có tiếng phì cười:
- Con đang khổ đang khóc mà nghe tiếng của ông con cũng tức cười, ông ơi.
- Ông đây con.
- Nhà ông chắc vui lắm hả ông?
- Vui, vui muốn khóc, cười ra nước mắt.
Người đàn bà lại khóc, tiếng khóc nức nở của người đàn bà bên kia máy điện thoại làm cho ông Hề già cũng muốn khóc theo. Nhiều khi đọc một chuyện gì, coi một phim gì cảm động quá ông cũng lén lau nước mắt, làm bộ như sổ mũi, không khéo bà Hề cười ông.
- Ông cũng có cái khổ, mà con cũng khổ, nhưng cũng ít khổ hơn ông là tại con khá giả, nhà con ở mặt tiền, con đi làm cũng nhiều tiền, con khổ quá ông ơi.
- Nhà giàu cũng khổ!
- Thiệt vậy đó ông, người giàu cũng khổ, chồng của con có bao nhiêu, bây giờ đem củng cho con quỷ cái ca sĩ đó hết trơn, hồi đó ảnh đâu có vậy, làm được bao nhiêu tiền đem về lo nuôi vợ nuôi con, hu hu, ông ơi con muốn chết quá, ông ơi...
Ông Hề khuyên:
- Đừng có dại con ơi, chuyện đâu còn có đó.
Ông Hề già làm tài khôn, ông tự phá nguyên tắc sống bàng quan của ông, ông đã hứa với... Ông không bao giờ can thiệp vô chuyện của ai, giờ mới khổ thiệt vì thần khẩu hại xác phàm, nhưng lỡ rồi không sợ, theo luôn giúp người, cái tâm của ông là vậy.
- Đầu đuôi sao đâu kể ông nghe coi.
- Con cũng không biết nữa, ban đầu con đâu có để ý, nào giờ ảnh là người tốt, mấy tháng nay ảnh như trời trồng, con tưởng ảnh bịnh, đem ảnh đi bác sĩ, ông bác sĩ nói ảnh đâu có bịnh gì, chừng biết ở ra ảnh buôn vì mê con ca sĩ.
- Vậy là bịnh rồi.
- Dạ, ông nói sao?
- Chồng con bịnh nặng, một chứng bịnh khó chữa. Mà... con xấu hay đẹp?
- Con xấu lắm!
- Chết nữa, con nhỏ kia đẹp hông?
- Dạ nó đẹp, còn son phấn tá lả!
- Chết!
Hai bên nín thinh, tiếng người đàn bà hỏi vì tò mò:
- Vậy... bây giờ tính sao ông?
- Ông cũng rối quá.
Người đàn bà năn nỉ:
- Ông giúp con nha, ai cũng nói ông tử tế, ông tốt bụng, ông lớn tuổi biết nhiều.
- Ai nói vậy đâu con ơi!
- Có, con đọc báo thấy viết về ông, con coi truyền hình thấy gia đình đàng hoàng, nhà con, ba con, má con, con của con, chồng của con, má chồng, ba chồng của con, bà con của con, ai cũng thương ông, mến ông, hâm mộ ông, ông ơi cứu con với.
Ông Hề mếu, mấy cái ông báo, với mấy ông đài này thiệt tình... hết nói. Khen hoài làm cho khán giả in trí, thiếu gì người tốt không chịu khen, còn một chuyên rắc rối cho ông, tờ báo Xuân quận ông ở, quận này chỉ có mấy ông văn nghệ sĩ, mà báo Xuân phải đủ mặt, ông viết báo chọn ông đăng bài Người Quận X, khen ông chăm chỉ, siêng năng, hiền hậu, nói ông diễn Trong Nhà Ngoài Phố tức cười, ông còn là tác giả chuyện cù nèo Cái Cân, làm cho đi tới đâu ai cũng hỏi ông, khen ông dám ăn dám chịu, trời ơi là trời. Riêng cái chuyện hiền, không hiền sao được, ngoài sau nhà ông có một ông Trời làm nghề mổ heo lậu, ai cũng sợ không dám hó hé, huống chi phận hề như ông. Ông làm vui người ta chớ có biết làm ai giận đâu, ở Phường đem tặng ông giấy khen Người tốt Việc.tốt, ông vui vì Phường nhà hiểu được ông, mà cũng rầu muốn chết, không nhịn không tốt làm sao được. Bây giờ có một bà ở phương trời nào, gọi điện thoại xuống, khen ông tốt bụng, đòi cứu nếu không bả tự tử?
- Con xấu hoắc hà, con tốn biết bao nhiêu tiền, đi tập Arôbic, tập eo, tập mông cho nó đẹp, đặng thằng chồng của còn nó về với con, mà nó hu hu hu cũng mê con quỷ cái ca sĩ cà chớn đó hà. Làm sao bây giờ ông?
Thiện tai, thiện tai, biết ít hoặc biết nhiều, không có cách nào biết cho đủ. Phim Bao Công hát tối ngày như vậy mà, nan giải quá, ông Hề đổ mồ hôi hột, gia cảnh ông còn phải nhịn, ngay chính vợ ông, ông còn... phải sợ, nhà ông như mồi lửa, chạm điện vài câu nói bị bắt lỗi, kêu xe cứu hỏa tới không kịp xịt nước dập tắt lửa cái miệng la làng của bà Hề nhà ông, ông cứu cái thân ông chưa ổn, cứu ai.
- Ông Hề ơi, sao ông...
- Ông là người lớn tuổi, đáng chú bác của con, đáng ông nội ông ngoại của con. Con đừng hiểu lầm, đừng giận ông mới dám hỏi.
- Dạ sao ông?
- Chồng con hiền hông?
- Hiền, tự nhiên dữ tợn chắc bị quỷ nhập mê con ca sĩ cà chớn.
- Đừng có nói ai cà chớn, tội nghiệp người ta. Ông hỏi còn cái chuyện đó, con có làm cho chồng con... vui hông?
- Chuyện gì ông... à con hiểu rồi, chuyện vợ chồng con, con cũng bình thường, mà ảnh cũng bình thường, con chiều ảnh lắm, mà ông ơi chắc con quỷ đó nó ghê lắm sao ảnh mê nó lắm. Không ăn không ngủ, ngồi nhìn vách tường như bị nó hớp hồn, nhà nó ở trong xóm con chớ đâu, ảnh đi đâu con biết liền, có người thấy ảnh đứng khóc trước cửa nhà nó, bao nhiêu tiền đút cho nó ăn hết mà hu hu hu... hu...
- Thôi con đừng khóc, khóc cũng không chữa bịnh chồng con được.
Bà Hề đi chơi với thằng cháu nội về tới, lấy làm lạ đứng nghe ông Hề nói gì với ai trong điện thoại. Ông Hề nói tiếp, một cách nói nhắc nhở gián tiếp:
- Đàn bà dữ quá chồng nó sợ, tình nghĩa vợ chồng là chính, có cái gì khó vợ chồng to nhỏ với nhau, chỉ có con mới cứu được chồng con, nó về đừng la lối cằn nhằn nó, tội nghiệp. Nó quạu nó chán nó bỏ đi mất. Con phải dịu dàng, vợ mà đâu phải bà nội đâu, đừng có nói bóng gió, tìm hiểu chồng mình, đàn ông kiếm đồng tiền khó khăn nuôi vợ.
- Ảnh đâu có nuôi con đâu.
- Ấy nói vậy mà, con phải dịu dàng, đàn bà “ăn” cái là dịu dàng. Trừ khi tình yêu thiệt giữa chồng con với cô ca sĩ đó thì ông hết nói, chỉ có trời mới cứu nổi. Con nhớ lời ông dặn, dịu dàng, tìm hiểu, giúp đỡ chồng mình.
- Ông biết ông thầy bùa nào giỏi hông ông, con muốn hốt bùa cho ảnh uống, con đó thuốc ảnh rọi.
Ông Hề lớn tiếng khẳng định với cái cô bên kia điện thoại đồng thời cũng với... Bà Hề đứng nghe:
- Không có gì bằng sự dịu dàng.
* * * * *
Thời gian qua mau, ông Hề quên mất chuyện điện thoại hôm nào, cho tới một hôm ông tò mò gọi, cái số điện thoại mà ông đã hỏi người đàn bà bên kia dây nói, ông tò mò muốn biết sự hiệu quả của dịu dàng, nhưng... bên kia chỉ là tiếng khóc:
- Con dịu dàng hết nổi rồi ông ơi, con ráng nghe lời ông, ban đầu ảnh dịu sau đó cũng đi, con tức quá, dịu dàng hoài không nổi, tánh con nóng mà, cái nào phải thì thôi chớ, con đâu có nói nặng gì ảnh, con chì chửi cái con quỷ cái kia mà, ảnh bỏ đi luôn rồi!
- Nhẫn nại, nhẫn nại, đàn bà ghen như vậy là ghen ngu, con phải dịu dàng, đồng thời cắt kinh phí, con cung cấp nhỏ giọt cho chồng con thôi, để nó không có tiền rót cho bên kia, nếu như người ta không thương chồng con thiệt tình, người ta sẽ chán, chừng đó thằng chồng lù khù của con sẽ tự nhiên vác cái lu vê với con, chuyện dính tới người trong làng của ông, ông không muốn nói nhiều. Con thông cảm.
- Tự nhiên vì con mà ông khổ, dính vô chuyện mắc công này, con xin lỗi ông, bên đó có tụi xã hội đen con cũng chơi lại.
Ông Hề hết hồn:
- Ý trời, lớn chuyện chi vậy con, chuyện nội bộ mà, chồng con đâu?
- Dông mất rồi. Ông ơi, con phải gặp ông nói chuyện dễ hơn.
Ông Hề dại dột, tử tế, cũng chịu đi gặp người đàn bà, còn nước còn tát. Cuộc họp khẩn rất bí mật vì ông sợ chồng của người bên kia dây điện thoại biết, ông không muốn ai thấy, ông sợ... xã hội đen, ông sợ cô ca sĩ mà ông gặp hoài biết ông tài khôn. Cái quán cà phê vắng vẻ cuối đường Sương Nguyệt Anh là chô hẹn, chờ một hồi ông Hề thấy một phụ nữ khá đẹp, sang trọng, khoảng ba mươi tuổi chạy xe Dim tới, bước ngay ngôi trước mặt ông:
- Dạ con biết ông mà ông đâu có biết con, ông uống chi?
- Trà đá.
Trời se lạnh mà ông Hề đổ mồ hôi, còn người đàn bà lau nước mắt, anh chàng phục vụ bàn lấy làm lạ, chuyện gì đây, cái ông Hề già có bồ nhí, hẹn hò, mấy cái ông nghệ sĩ là vậy!
- Con khổ quá ông ơi, chắc con tự tử tại đây quá!
Ông Hề hoảng hồn, ông còn... khổ dữ hơn, rồi cũng bao nhiêu chuyện đã nói qua điện thoại, nhưng lần này trực tiếp, ông He chỉ khuyên người đàn bà khóc kia nên dịu dàng, đó là phương thuốc thần kỳ nhất, theo ông để dành cho những người ghen tuông muốn dữ được chồng, đừng có lấy guốc đánh ai cho đổ máu, hai là tạt ác-xít, ở tù oan mạng, gây ra thảm cảnh, rốt cuộc ai cũng khổ. Cột lại các sự kiện, cuộc họp chấm dứt, ly trà đá còn y nguyên, người đàn bà khóc mùi mẫn:
- Con cám ơn ông hết sức, ông tử tế tốt bụng quá, ít người như ông, thôi con về, con khổ quá ông ơi, ảnh cứ hẹn hò với nó hoài, bao nhiêu tiền con đưa cho ảnh như muối bỏ biển.
- Nhỏ giọt, nhưng đừng có ngưng bất tử, vừa dịu dàng vừa cắt tài trợ. Con nhớ dịu dàng, dịu dàng và dịu dàng, ai cứu chồng con đây, ai cứu con của con đây, ai cứu gia đình con đây, chỉ có con, cần phải hết sức dịu dàng, chịu khó nha con.
- Dạ, con nghe ông.
* * * * *
Cuộc sống như thoi đưa, thấm thoát đã hết một năm, ông già Hề chuẩn bị đón thêm một tuổi mà ông không muốn nó tới. Bà Hề luôn giận hờn ông, không dịu dàng, bởi vì càng lúc ông càng ít đem tiền về nhà, sân khấu tấu hài chỉ có bao nhiêu đó, khán giả thưa dần, phía bên ca nhạc, Phương Thanh, Lam Trường, nổi đình đám, bọn trẻ hề nhảy qua sân khấu kịch hài, có chỗ diễn mỗi đêm, ông già ít sô, chịu trận, càng buồn thì gương mặt của ông càng tức cười!
Một hôm ngồi rầu, tiếng điện thoại lại reo:
- Ông ơi!
- Dạ thưa...
- Con đây nè, nhớ ông, mấy tháng trước con điện thoại cho ông, cái vụ con đòi tự tử đó...
Ông Hề chuyên môn làm cho người ta cười... muốn mếu, ông đang rối quá, sợ phải làm hiệp sĩ lần nữa. Chính ông nói... liều kinh nghiệm đánh ghen bằng sự dịu dàng, chớ đã có ai ghen với ông đâu, ông bà chân chỉ hạt bột, ai ghen ai.
- Con muốn gặp ông chỗ quán cà phê hôm trước, đường Sương Nguyệt Anh đó ông nhớ hông?
- Có chuyện gì gấp không con?
- Gấp lắm, con muốn điện thoại cho ông thôi, nhưng phải gặp, ông phải tới nha ông, con gấp lắm, con tới trễ ông ráng ngồi chờ con nha.
Ông Hề ngồi trong quán cà phê, đội nón sùm sụp đeo mắt kiếng đen che hết mặt, sợ chồng của người đàn bà hiểu lầm, sợ bọn xã hội đen của cô ca sĩ, người đàn bà mang kiếng màu, thắt nơ, như một món gì, tay chân mũi hông của tình địch chăng?
- Ông ơi, gia đình con, ba má hai bên của con, chồng con, con của con, hết sức cám ơn ông, nhờ ông chỉ con cái cách dịu dàng, chồng con về nhà với con rồi, con cũng nghe lôi ông cắt tài trợ, con mừng quá, tụi con sắp đi du lịch, con gấp lắm, con chạy tới xin kính tặng ông bà món quà ăn Tết.
- Nó về luôn chưa, còn cô ca sĩ?
- Chồng con hết đường rót cho cổ, cổ chán quá, rút binh rồi. Tụi con đi du lịch, đi Nha Trang, Đà Lạt, Huế, Vịnh Hạ Long, đi lâu lắm mới về.
Ông Hề căn dặn:
- Đừng có nói nặng gì người ta nha con, người trong nghề của ông, ông buồn, còn chồng con, con nhớ săn sóc nó, đừng có nhắc gì chuyện cũ, vợ chồng mà, một ngày một giờ cũng là tình, là nghĩa, con phải nhịn như ông, đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng... có khi cạn. Nó cười chưa?
Người đàn bà vui vẻ cười khanh khách:
- Dạ cười rồi, ảnh với con coi viđêô thấy ông, cả nhà tụi con cười muốn tắt thở, dại gì mà tự tử phải không ông. Cám ơn ông con về, để ảnh trông, ảnh ghen. Ông ơi nhận cho con món quà này cho thằng cháu nội sún răng của ông.
- Sao con biết nó sún răng.
- Con có coi ông bà giao lưu trên truyền hình, cám ơn ông, thằng nhỏ vui tánh, thế nào lớn lên nó cũng tử tế như ông.
Ông già làm Hề chợt bâng khuâng, hiệu quả của sự dịu dàng và nụ cười thật là cần cho ai đó, riêng ông phải về với bà Hề tuổi Dần của ông. Ông thở dài, rồi ông cũng mỉm cười.
Tết, trên bàn ăn nhà ông có bánh mứt, có kẹo sô cô la, cho hai thằng cháu nội, bà Hề cười tít mắt, coi nóng tánh vậy chớ hiền, bà ngầm thương ông chồng Hề “nghệ sũy” của bà, ông đi đâu bà cũng tin tưởng, không thèm ghen. Một hôm có cô Minh Trí ở báo Phụ nữ thành phố tìm ra nhà ông bà, xin tấm ảnh nhỏ, trong đó có đại gia đình của ông Hề, bà Hề, con gái út, con dâu, thằng con trai với hai đứa cháu nhỏ, tươi cười hết ga. Bài báo viết về gia đình hạnh phúc hết ý của ông Hề, ông ngẫm nghĩ, bên kia đường dây “điển thại” - nói theo bà Hề, cũng có một gia đình hạnh phúc, vui vẻ như gia đình ông, ông cầu mong ai cũng được vậy. Còn bà Hề, ông suy nghĩ lại, bà đúng là một Điểm Tựa Tài Năng, nếu như ông là một tài năng, dù trong cảnh chợ chiều của sân khấu tấu hài.