Và... những hạt cát vẫn tìm nhau

     ào một ngày nóng bức, mặt trời chói sáng lạ thường trên đỉnh đầu. Màu nắng đậm hơn mặc dù chưa tới mùa hè. Trên đường phố có gì không giải thích được, nó bất ổn ở nơi đáng lý gợi nên cảm giác an toàn. Dòng xe như nêm cối hối hả dồn thúc, bỗng tất cả dừng lại chờ, ở cột báo đèn đỏ chói, rồi khi chỉ mới thấy đèn vàng, chưa qua tín hiệu xanh, mà mọi việc đã khác hăn, dòng xe giành đường cuốn về phía trước, ngang qua ngược lại, khi đó cát bụi dưới những bánh xe bị trớn gió lùa đi, dời đổi không yên. Trời nóng tới nỗi trong tiệm kem máy lạnh đầy ắp người, trong một khung cảnh khác, như tòa nhà cao tầng bên kia đường, nhiều ô cửa kính dầy, tầng dưới chia ra ô lớn nhỏ, những người khách nước ngoài ngồi trong lồng kính trốn nóng, trông như những con ma-nơ-canh, lơ đãng nhìn ra con phố nhộn nhịp kinh người.
Chiếc xích lô nhủi đầu trong bóng râm, người phu xe ngủ gà gật trên nệm trước. Bà bán thuốc lá ngồi phe phẩy cái quạt giấy, bên kia đường trước tiệm kem, cạnh rạp chiếu bóng, một thanh niên dừng chiếc xe đạp chờ ai. Cái nóng nhiệt đới như thiêu đốt mọi thứ chung quanh, mọi việc cứ lừ đừ chậm chạp như buồn ngủ, ông Huy dừng chiếc xe đời mới màu trắng tinh của mình trước tiệm kem lạnh.
Ông bước xuống xe, đi vào tiệm kem, mua kem cho đứa con gái nhỏ đang nằm trên xe, hàng tuần vào ngày chủ nhật ông đánh xe tới nhà vợ để đem con đi dạo. Trên đoạn đường ngắn từ cửa xe tới cửa tiệm kem, ông gặp một người quen, một cô gái trẻ đang đi ngược lại, tối ngày hôm kia sau khi hai người gặp nhau trong quán cà phê nhạc tiền chiến, ông Huy và cô gái đã có cuộc trao đổi với nhau như tình nhân, hôm nay cô gái đi với một người nước ngoài vạm vỡ, mặc áo sơ mi ngắn tay, đội mũ luỡi trai như thủy thủ tàu viễn dương, hai cánh tay xâm hình mỏ neo lớn. Cô gái nháy đôi mắt thiếu ngủ với ông Huy, gặp lại và còn nhớ nhau dù không ân tình thật sự, đôi khi cũng đượm buồn.
Cô gái “một trăm đô đêm” không thích nhạc tiền chiến mà cũng không thích cà phê lẫn ông Huy. Tuy ông thành đạt nhưng bụng hơi lớn và tóc đã “hai lay”. Ông Huy có nhiều tiền, lại không có thời gian, ông chỉ thích mua những cuộc tình ngắn đóng hộp, từ trước và sau khi gặp Loan ông cứ vẫn vậy, những cô gái chung quanh ông cũng không khác. Họ chài những tình nhân già hay khách nước ngoài nhưng để nuôi người yêu rất trẻ.
Bàn tay của ông Huy còn đặt trên cửa kính của tiệm kem thì một cô gái xa lạ, nhìn là biết không ngay không phải người sống trong thành phố, vội vã bước ra, hai tay cầm hai que kem lạnh, vai cô gái mang một cái giỏ lác nặng ướt sũng nước. Cô gái mặc chiếc áo công nhân xanh bạc màu, cái quần tây cũ, chân mang giày ba ta như thợ hồ. Bóng cô gái lạ in trên cửa kính trong suốt của tiệm kem, cho thấy cô đi qua con đường, một chiếc xe thắng két lại và rồi một chiếc xe khác từ sau đụng ầm vào đuôi xe trước nó. Cô gái không nghe thấy, vẫn chậm rãi đi tới nơi người thanh niên bên chiếc xe đạp tàng, cô ngồi lên yên sau chiếc xe đạp, cả hai mất hút trong dòng người và xe, hai người tài xế trên hai chiếc xe taxi bước xuống xe nhìn theo ngơ ngác. Tất cả khá bất ngờ như người ta đang quay một phân đoạn trong bộ phim hài hước trinh thám.
Ông Huy bước xuống thềm tiệm kem, ông trông thấy dưới thềm một con ốc mỡ còn sống, tại sao con ốc này nó nằm ở đây, tuy khá ngạc nhiên nhưng đó cũng chưa hẳn là câu hỏi cần trả lời ngay, ông đi vài bước nhưng rồi bỗng quay trở lại, cúi người lượm con ốc nhỏ. Cho bé Quyên xem sao, nó có thích không? Từ trong tiệm kem lạnh tái người không qua phòng cách ly, ra ngoài trời ông hơi bị sốc với sức nóng. Đóng ập cánh cửa xe, trong xe máy lạnh rì rì ông bị sốc lần thứ hai. Ông để con ốc mỡ trên bệ trước kính xe, với tay ra sau đưa hộp kem lạnh cho bé Quyên con gái ông, đứa trẻ trong cái hộp lạnh tiện nghi này cũng khác thường, có lẽ nó chưa hề được sống dưới ánh nắng thật. Mặt nó trắng toát như sáp, nó luôn nằm yên ở nệm sau, không cười không nói gì, chung quanh Quyên dù cho ở nhà mẹ hay sau nệm xe, bao giờ cũng lạnh và đầy những con búp bê đắt tiền, nhưng cả nó và những con búp bê đều vô cảm.
Quyên trông thấy con ốc mỡ, lần đầu tiên, đứa bé nhà giàu này trông thấy một sinh vật lạ ngoài nó ra, nó trèo ra nệm trước ngồi yên ngắm nghía con ốc, trong lúc ông Huy lái xe trên con đường tràn ngập nắng. Quyên tò mò dùng một ngón tay di vào vỏ ốc, lần hai nó nhấc con ốc lên, bỏ xuống vì sợ. Nhưng con ốc thụ động lại nhỏ nhắn, hiền lành, làm cho nó yên tâm. Sau cùng nó để con ốc trong lòng bàn tay lạnh tái của mình, con ốc lạnh dần, trong xe lạnh toát hơi nước:
- Em đừng có chết nhé.
Ông Huy quan sát con với vẻ hài lòng thú vị. Quyên nói chuyện với con ốc, đôi mắt nó lo lắng thật sự, nó đặt tay còn lại lên kính xe màu nâu, lấp lánh ánh nắng, như là tìm một chút nắng ấm, nó cứ đặt tay lên kính một lúc, lại ấp bàn tay nhỏ nhắn của mình lên vỏ ốc, sưởi ấm con ốc tội nghiệp.
Chiếc xe của hai cha con ông Huy, dừng lại trước chốt đèn đỏ như những chiếc xe khác, bàn tay đứa trẻ vẫn đặt bên trong kính xe. Bên cạnh nó, ngoài kia bỗng dừng lại chiếc xe đạp tàng, một cô gái tay cầm que kem nhìn thấy Quyên chơi với con ốc, cô mỉm cười, bên trong kính xe màu nâu nhìn ra lúc đó mặt trời ở ngoài sau cô gái, ánh sáng ngược làm cho khuôn mặt cô trông không rõ nét, nhưng mái tóc thì có viền sáng như hào quang, cô gái như Thiên Thần hiện ra trong đôi mắt của đứa bé thiếu thực tế nhưng quá nhiều ảo tưởng. Quyên nói lớn:
- Ba ơi Thiên Thần!
Một Thiên Thần đẹp như tranh, vẻ mặt hiền hậu dễ mến. Quyên nhìn Thiên Thần mỉm cười, và ấp bàn tay mình trên kính. Ngoài kia Thiên Thần cũng trìu mến đặt bàn tay rám nắng của mình lên tay đứa bé bị giam trong lồng kính. Có thể là không đến nỗi như vậy nhưng Quyên như nghe hơi ấm từ tay Thiên Thần truyền qua mảnh kính dầy, chưa bao giờ nó cảm nhận một cách thú vị như vậy và cũng chưa biết đó là một hạnh phúc. Đứa trẻ chồm người lên như muốn thoát ra khỏi chiếc xe, nhưng vào lúc đó đôi bạn mới cũng không chạm tay nhau được lâu.
Dòng xe cuốn trôi đi sau tín hiệu xanh, Quyên đứng hẳn lên vẫy tay chào Thiên Thần, lúc này Thiên Thần cũng xoay người lại vẫy tay chào Quyên. Mặt trời hình như chuyển về phía sau cô gái, ánh sáng vẫn ngược và giữ trên mái tóc Thiên Thần, đang ngồi sau yên chiếc xe đạp, những khối màu sắc ngộ nghĩnh lung linh, như là màu của chiếc cầu vồng. Lần đầu ông Huy trông thấy nụ cười của con gái ông, sau ngày xảy tai nạn do chính ông gây ra, cho hai mẹ con nó, thoáng chút ngoài khung kính xe khuôn mặt thật đẹp của cô gái trẻ. Theo cái nhìn của ông, cô gái có vóc dáng nghệ sĩ, hình như là một nữ diễn viên đang dưới lớp hóa trang nghèo nàn. Còn máy quay phim thì người ta đang giấu đâu đó trong phố hay trên một chiếc xe chạy đàng trước, hướng ống kính ngược về phía cô. Nhưng chiếc xe đạp biến đi trong dòng xe và người, dưới những bánh xe đang lăn tròn, cát cũng cuốn trôi phân ly, có khi nào những hạt cát còn dịp tìm nhau và gặp lại. Ông Huy thở dài: Những hạt cát, trong đó có Loan vẫn trôi đi trong lòng bàn tay ông. Cuối cùng rồi thì thế nào Loan cũng rời bỏ ông.
Sau một một tuần mệt nhoài, công việc điều hành công ty quảng cáo của mình, công việc nay gặp gỡ nhiều người, quảng cáo bằng quay vidéo cho một công ty hàng tiêu dùng, quảng cáo bằng những bản vẽ hay đèn chiếu trên cao. Quảng cáo trong các kỳ hội chợ hay Hội nghị Khách hàng, công việc lúc nào ở chung quanh ông cũng có nhiều người mẫu thời trạng, ca sĩ hay diễn viên điện ảnh dễ va chạm. Chính trong một Hội nghị Khách hàng giống như vầy trên tầng cao của một khách sạn năm sao, đứng ở trên này người ta thấy và có cảm giác làm chủ cả một thành phố. Chàng trai trẻ nhiều tham vọng nhưng vô danh tên Huy, lúc đó chỉ là một nhân viên tiếp thị. Nhờ vẻ ngoài cao lớn đẹp trai, tài ứng dụng ngoại ngữ khá thành thạo, đã cố tình làm quen với Loan, con gái của một vị giám đốc công ty mỹ phẩm nổi tiếng giàu sụ. Cuộc chinh phục trắc trở cho tới khi Loan mang thai bé Quyên hai người mới được làm cái đám cưới gấp gáp, sau đó không bao lâu Loan ngờ rằng Huy cố ý tạo nên cái thai chính vì một động cơ hoàn toàn khác hơn là tình yêu. Đó là vết rạn nứt đầu tiên của hôn nhân. Huy bị nhà vợ xem thường và rồi ai cũng biết Huy lợi dụng Loan để bước vào thế giới thượng lưu, tuy công ty quảng cáo của Huy sau đó thành công và Huy trở thành một ông chủ giàu có, nhưng với Loan mâu thuẫn nay vẫn không phai.
Chiều thứ bảy ông Huy điện cho Loan, nhưng khi ông vừa nghe thoáng tiếng cười của người đàn ông nào đó bên kia đầu dây, và tiếng Loan thì Loan cúp máy. Tối thứ bảy ông Huy tìm tới những quán bar, rồi đi khiêu vũ đến tận khuya, say khướt ông ghé qua quán cà phê nhạc tiền chiến gặp một cô gái khác, cả hai lại tìm chỗ trao đổi như tình nhân. Sáng chủ nhật ông lại lái xe tới biệt thự mênh mông của Loan, nó rộng lớn hơn ông tưởng, nằm yên tĩnh trong một khu sang trọng vắng vẻ. Người giúp việc nói: tối hôm qua bà chủ không có ở nhà. Trong biệt thự tất cả máy lạnh đều chạy rì rì, tất cả như đông cứng lại và ẩm ướt, nhiều căn phòng trống hoác bỏ hoang. Quyên sống một mình với những con thú nhồi bông, cái gì cũng không được làm, thậm chí không được đưa tay đón chút nắng. Người mẹ thì lạnh nhạt còn người đàn ông mỗi tuần đem xe máy lạnh tới đón cũng khó gọi là cha. Từ máy lạnh này chuyển qua máy lạnh khác, như là một cái gì mà nguời ta phải cố làm ra vẻ trách nhiệm, món hàng cố giữ cho không bể, có hình cái ly. Trong nâng niu quá đáng tẻ nhạt đứa trẻ lần hồi vô cảm lạnh nhạt theo. Sau ngày chủ nhật hôm đó, với con ốc mỡ bây giờ cũng đã chết, giờ đây trong trái tim nó chỉ còn một ước ao tuyệt đối là được gặp lại Thiên Thần hôm nào, nó vẫn cứ đặt bàn tay nhỏ bé của nó lên bên trong cửa kính của chiếc hòm lạnh lẽo di chuyển trên đường phố, nhưng Thiên Thần đã về trời, vẫn không có bàn tay ai áp vào mảnh kính.
Hai cha con ông Huy đi trong một siêu thị lạnh lẽo, trong tủ kính bày những tảng thịt đông cứng. Quyên áp bàn tay của nó kéo dài theo những chiếc tủ, những cửa kính ra vào, và tất cả nơi nào có kính, nhưng phản ánh trong đó chỉ là những dòng người, chiếc xe đẩy hàng vô tình. Quyên ngồi trong nhà hàng ăn siêu thị với cha, nó áp bàn tay xuống mặt bàn bằng kính, nhìn xuống mặt bàn như tìm ai. Khi chợt nhìn ra cửa kính nó thoáng thấy Thiên Thần với chiếc giỏ lác trên vai. Quyên chạy vụt ra chen theo dòng người, nhưng chiếc áo xanh lẫn lộn trong đó, khi tới gần lại là cô gái khác tới đứng sau chiếc máy tính tiền, lời nói khô khốc như phát ra từ máy.
Chủ nhật sau đó cũng vô vọng, sống câm nín trong những rào cản, những ngày thường trong căn nhà vắng lặng, nó đếm từng ngày chờ một chủ nhật khác, những chủ nhật lại trôi đi trên chiếc hòm lạnh. Đứa trẻ vẫn áp bàn tay lên kính chỉ để chờ đợi, rất nhiều người dừng lại bên cạnh kính xe lo lắng e ngại hơn là trìu mến nhìn Quyên. Trong thiên hạ có ai biết đứa nhỏ cần một bàn tay, cho tới một ngày chủ nhật trong không biết là bao nhiêu ngày chủ nhật lặng lẽ trôi qua, trên kính chỉ in hình những tòa nhà cao tầng bê tông khô cứng vô vọng. Quyên bật khóc nức nở.
Vào một ngày thường không có bé Quyên trên xe, ông Huy thoáng thấy cô gái với cái giỏ lác nặng trên vai xa xa trước đầu xe, trong dòng người và xe cuồn cuộn. Ông không thể bắt kịp chiếc xe đạp, ông muốn gọi lớn nhưng không biết tên cô gái, cô là ai, còn ông thì đông cứng bởi cái lạnh giả tạo trên chiếc xe sang trọng, êm như nhung lụa nhưng có khi lại bất tiện.

*

Hôm nay sau ba năm chờ đợi Loan điện cho ông chỉ để nói rằng: mọi việc không thể đổi khác, bên kia điện thoại vẫn có tiếng của một người đàn ông nào đó nói cười với Loan. Ông Huy lái xe tới trước để chờ Loan nhưng khi Loan lái xe của mình tới, trông thấy ông Loan vội tránh, bước một mình lên những bậc thềm cao của tòa án. Bước sau Loan, ông Huy thấy Loan vẫn cứ đẹp sắc sảo như ngày nào nhưng mái tóc thưa hơn, và vết sẹo trước trán sâu hơn. Ở tầng trên oi bức, vài cái quạt máy treo trên tường, cánh quạt xoay nhẹ rồi đứng yên, người ta im lặng ngồi chờ trên những băng ghế gỗ, bên trong nhiều căn phòng vuông vức có quá nhiều giấy tờ trên bàn và những con dấu. Thời kỳ của những hồ sơ, ở đâu cũng thấy những chồng hồ sơ dầy cộm phủ bụi. Một người đàn ông giận dữ bước ra khỏi một căn phòng, người đàn bà nhỏ bé đang ngồi chờ ở băng ghế gỗ chậm nước mắt đứng lên đi theo ông chồng hộ pháp, họ chưa đủ thời gian thử thách để được ly hôn. Cô thư ký tòa án đi đứng nhẹ tênh và hết sức im lặng, những căn phòng im lặng quét vôi trắng toát với những ngăn tủ ráp lại bằng những thanh sắt hết sức giống nhau ngán ngẩm, trong đó một người ngồi sau bàn vừa hỏi vừa viết, người ngồi bên kia chỉ có trả lời. Cuối cùng cô thư ký cất tiếng gọi thật nhỏ, nhắc lại hai ba lần: Xin mời ông bà Huy-Loan.
Ông Huy bước vào một căn phòng ngăn nắp quét vôi trắng tinh, đúng vào lúc có một người đan bà u sầu lo lắng bước ra, theo sau ông Huy có một người đàn ông khác, một giới chức nhỏ của tòa án, theo sau nữa là cô thư ký mỏng manh với một luật sư tập sự. Bà Thẩm phán mời ông Huy ngồi chiếc ghế đối diện với bà, sau cái bàn đầy giấy. Nhưng bà chưa nói gì với ông Huy, hai bàn tay của bà, không có bàn tay nào mang trang sức, đang lật cực nhanh những trang hồ sơ, trong lúc đó bà nói chuyện với những đồng sự về tờ báo mới đây có phóng sự về việc những thư ký tòa nhũng nhiễu. Sau cùng khi tìm ra tờ khai của ông Huy, bà còn đang nghe một luật sư đứng tuổi nói về mức lương còn quá thấp của nhân viên trong những tòa án. Sau đó bà Thẩm phán yên lặng nhìn chăm chú tờ giấy, bà không lần nào nhìn ông Huy cũng không cười mà bắt đầu hỏi: Ông đã suy nghĩ kỹ chưa? hoặc: Có hối tiếc không? Ông Huy ngập ngừng, lạ thật lúc chưa tới đây ông rất quyết tâm.

*

Hơn ba năm trôi qua kể từ ngày ông Huy và Loan bước vào một phòng triển lãm tranh nhỏ, nó nằm sâu và tối trong một ngõ có nhiều quán sách sưu tầm tem thư, trong đó cũng có một rạp chiếu bóng cũ kỹ khi mới quen nhau hai ông bà thường đến xem phim. Phòng tranh lạnh toát và khá buồn, nữ họa sĩ trẻ đi chân không, miệng cắn điếu thuốc lá phì phà khói, những bức tranh “nổi loạn” bắt chước nhiều ở phong cách phương Tây. Nhiều bức tranh lớn chiếm gần hết mảng tường, những người xem tranh lần lượt đi qua và bất ngờ quay ngược trở lại, họ lộn đường.
Ở một khúc quanh mờ tối, dưới ánh sáng vàng đậm, người ta nói rằng đây là loại đèn cho ánh sáng tự nhiên như nắng, nó được giảm chói nhờ cái chao đèn nhỏ. Dưới ánh sáng này là một bức tĩnh vật im lặng, treo trên khoảng tường sơn đen, đúng tầm nhìn của một người cao bình thường, bức sơn dầu này lớn bằng tám hộp thuốc lá. Loan đi ngang nó, rồi như nghe tiếng ai gọi đúng mình trong mảng tường, khi Loan quay lại thì mắt trông thấy bức tranh, có lẽ nó ở đây từ lâu, trước cả những cuộc triển lãm khác và bây giờ.
Bức tĩnh vật cũ kỹ vẽ một bình sứ mạo dáng chiếc giày cao gót của phụ nữ, trên đó duy nhất cành hoa màu đỏ thắm nằm vắt ngang chiếc giày, nền tranh âm u gợi nên cái gì như là sợ hãi. Bức tranh chuyển động theo hướng nhìn, khi Loan bước đi ánh sáng của chao đèn soi bức tranh một cách khác hẳn, tuy nó không di động, bỗng nhiên chiếc giày biến mất, tuy nó còn ở đó. Huy đặt hoa hồng trên tranh và cài danh thiếp mua nó, bằng chi phiếu, gởi sau. Cách đây vài ngày đích thân Huy làm công việc quảng bá cho phòrig tranh, sau đó ông đã ngủ với nữ họa sĩ, và bây giờ tiền mua bức tranh coi như tặng thêm. Huy không ngờ là Loan biết điều đó và Loan đã một mình tới phòng tranh, phát hiện bức tranh đáng sợ, người đàn bà này không nói với chồng cả hai việc, mà một việc có thể gây rối là bức tranh.
Ông Huy để bức tranh trên nệm xe bên cạnh ông, bên tay phải. Bên kia là Loan vẫn không nói gì, bé Quyên ngồi lọt thỏm ở băng ghế sau chung quanh những con búp bê. Con đường trước mắt ông Huy vắng hơn mọi ngày, qua những con đường khác có những hàng me, bóng của những tán lá lớn đỗ xuống làm cho màu kính xe càng nâu đậm hơn. Loan bắt đầu nói về bức tranh và “cái giá” của nó, bỗng kính xe sáng hơn khi vào một con đường ngập nắng, nắng xuyên qua kính, nang đang soi vào bức tranh. Loan vẫn nói về giá của bức tranh, vẻ trêu chọc thách thức, ông Huy khẽ cau mày. Qua kính xe, bỗng nhiên ông nhìn thấy một con chuột bẹp dí dưới đường, máu còn tươi, bên cạnh con chuột chết một chiếc giày cao gót cùa phụ nữ nằm nghiêng.
Ông nhấn mạnh chân ga chính vì cơn giận, chiếc xe cố tránh chiếc giày phụ nữ, trong lúc đó sự ngâu nhiên lên ngôi vua, chiếc môtô to kềnh từ bên trái tay lái ông Huy chen vào sợi chỉ hẹp, khoảng cách giữa chiếc xe hơi, và nó, còn bên kia là con lươn ngăn hai tuyến đường. Chiếc mô tô va chạm mạnh vào con lươn và bên hông trái chiếc xe hơi, nhưng nó thoát ra một cách nhanh chóng, biến mất trong ngỏ hẻm. Không xa hơn một phút và không gần hơn một khuỷu tay, người đàn bà chạy chiếc xe gắn máy trước đầu xe ông Huy bị gió hất tung chiếc nón xuống mặt đường, một chiếc xe gắn máy khác chạy trước người đàn bà rớt nón, mở đèn nháy xin đường qua phải, nhưng bất thần nó lại qua trái.
Người đàn bà rớt nón thắng xe dừng đứng lại đột ngột,và ngã té. Ông Huy không kịp đạp thắng chân, ông chỉ kịp thắng bằng cách cài số, nhưng bánh xe trước đã cán qua thân chiếc xe gắn máy, nó tránh được chiếc xe gắn máy nháy đèn qua trái rồi thì một lần nữa ông Huy nhìn thấy chiếc giày cao gót của phụ nữ, nó nằm cao trên con lươn, vắt ngang chiếc giày là duy nhất một cành hoa màu đỏ thắm.
Đám đông tò mò quây quanh chiếc xe hơi, nó đã đụng mạnh vào đầu con lươn, nơi người ta cắt ngang một con đường. Trong chiếc xe có một đứa trẻ máu chảy ra từ mũi, người đàn bà táng mặt vào mảnh kính trước, còn người đàn ông có thái độ lạ hơn, ông ta đang ngắm một bức tranh. Trên đó ai cũng thấy có một chiếc giày phụ nữ và một cành hoa.
Trong bệnh viện ông Huy săn sóc vợ một cách giả tạo, lạ thay bà ta vẫn cứ nói về giá cả của một bức tranh nào đó, cho đến lúc người ta đưa bà vào phòng gây mê, vết thương trên trán khá sâu, còn phải gắp khá nhiều mảnh kính ghim vào đầu.

*

Cô thư ký mong manh nhẹ bước vào căn phòng lúc nào không ai hay. Cô kề miệng bên tai bà Thẩm phán, cũng không nghe nói gì. Nhưng bà đứng lên xin lỗi ông Huy, nói ông vui lòng ngồi chờ, cả hai, cô thư ký và bà Thẩm phán ra khỏi phòng. Ông Huy nhìn thấy Loan ngồi một mình im lặng trên ghế gỗ, một chiếc ghế giống như vậy có rất nhiều người ngồi thì thầm, trong số có vài cô gái trẻ măng. Ông với vợ rất giống nhau về sở thích, cả hai thích ăn ngon và tiện nghi, về việc khác như nghe nhạc hay ở trên giường cũng không nhiều mâu thuẫn. Đó là một gia đình giàu có muốn gì được đó, nhưng trong sâu thẳm Loan vẫn khinh Huy ở xuất thân. Khi nào hai người tới một buổi tiệc thượng lưu sang trọng, những đôi mắt châm biếm khó chịu kín đáo hướng về Huy.
Một đêm ông Huy thức giấc, không hiểu sao ông không ngủ lại được, ông cứ nhìn mặt vợ, thật lạ lùng khi nhìn bà lúc này, không thấy đây là một người quen, là người vợ mà ông đã sống chung rất lâu mà đó là một người khác. Khuôn mặt Loan đáng sợ, trắng toát màu kem dưỡng da, nó như một xác ướp. Miệng ngoác ra với tiếng ngáy khó chịu bất mãn.
Với ông Huy bà lại có một kỷ niệm xấu, một lần sau khi dùng cơm vừa xong, ông đi ngay vào phòng vệ sinh, bà không nghe tiếng vòi sen chảy, không phải ông Huy tắm, rồi tới khi nghe tiếng nước xối ào trong bàn cầu, bà nôn oẹ. Họ không nói với nhau điều nhỏ nhặt này, nhưng nó có thật và âm thầm không bằng lòng nhau, phải chịu đựng thường xuyên khiến cho cuộc sống chung giả tạo. Việc không muốn cũng tới họ lần hồi lợt lạt, nhất là sau khi Huy mua bức tranh của nữ họa sĩ chân đất cũng như nhiều vụ trăng hoa của ông Huy. Nỗi hờn oán còn đậm hơn trong mắt bà với vết sẹo trên trán, mặc dù tốn nhiều tiền cho các bác sĩ thẩm mỹ nhưng nó vẫn là vết sẹo. Ông Huy không sống qua năm ông năm mươi tuổi, kể cả bà và bé Quyên, một đêm say khướt trác táng, ông đã gây nhiều lo âu cho cả ba hơn cả chuyện đụng xe.
Như với ông Huy, khi bà Loan ngồi đối diện, bà Thẩm phán cũng chỉ nhìn tờ giấy trên tay. Bao nhiêu năm làm công việc này, trái tim của bà không còn có thể chứng kiến sự chia tay, dù không phải là bà - Bà có thay đổi ỷ kiến không - Bà Thẩm phán hỏi Loan - Tôi nhất định như vậy không thay đổi, tôi chịu trách nhiệm nuôi con - Bà Loan nói. Bà Loan bước xuống những bậc thang của tòa án, không nhìn lại ông Huy bà lái xe đi thẳng. Ông Huy nhìn theo thở dài. Có thể hôm đó không phải là chiếc giày có thật trên đường, nó từ trong tranh bị ánh sáng hất lên kính xe, nhìn qua kính xe trong vô thức và mệt mỏi ông thấy như là nó ở bên cạnh con chuột. Hai người chia tay lặng lẽ với hai tờ giấy ghi: Bất hòa không thể hàn gắn được như những cuộc ly hôn khác.

*

Từ cầu Tân Thuận đỗ xuống những hàng xe nối dài. Trong dòng người và xe ngột ngạt, hai chiếc xe đạp đi về hướng chợ Sài Gòn, cô gái mặc áo công nhân xanh lam lũ chở sau yên xe một cần xế khá lớn, trong đó đầy ốc mỡ, cũng có ít nghêu, con nhum gai và vài ký cua biển. Chàng thanh niên bên cạnh cũng như vậy, họ đi bán cho vài quán bia bình dân. Trong quán này trong quán kia cũng nhận được một ít tiền, mà cũng có khi bị chủ quán nào đó từ chối xô đuổi. Cho tới khi hai người tới một nơi bên kia là tiệm kem, chàng thanh niên ghếch xe đạp đứng chờ, cô gái nhanh nhẩu đẩy cửa vào trong đó, khi cô trở ra miệng cười tủm tỉm. Trên tay cô là một que kem và chàng trai có khuôn mặt như đứa con nít, bạn cô một que. Hai bạn trẻ ngồi trên lề đường mút kem, nhìn những chiếc xe vút ngang qua, một chút bọt kem dính trên môi trên của chàng trai dễ tmrơng, nó như là râu ông già Noel cắt ngắn, làm cho cô bạn của anh ta cười ngất. Cũng vào lúc đó chiếc xe hơi của cha con Huy chạy ngược trở lại nhưng ở bên kia đường. Quyên áp bàn tay của nó lên kính, nhìn ra cửa xe màu nâu, bóng những ngôi nhà cao tầng và chút mây trên cao trôi vút qua trên kính xe. Dưới những bánh xe lăn tròn vô tình, bụi cát vẫn bốc theo cơn gió dời đổi khôn lường... Những hạt cát phiêu linh có khi nào gặp lại.

*

Đêm một mình trong ngôi nhà lớn máy lạnh cứ chạy rì rì. Quyên nằm mơ thấy Thiên Thần bên kia cửa xe, đang áp bàn tay ấm lên tay nó. Ngoài cửa xe tất cả biến mất, chỉ còn có Thiên Thần và Quyên trên đường phố nắng nhạt, cả hai vào tiệm kem, nhưng khi trở ra chỉ có mình Quyên còn Thiên Thần bị giam lại bên trong của kính. Quyên hét lên, bà Loan chạy vào phòng ôm lấy con, ngày hôm sau nó nóng sốt nằm xanh mướt trên tấm nệm trắng. Bà Loan điện cho ông Huy, trong đêm khuya ông lướt xe trên con đường vắng tới. Bà Loan khóc nhìn đứa trẻ tội nghiệp mê sảng gọi tên Thiên Thần mà không gọi cha hay là mẹ nó.
Ông Huy nhớ lại con ốc mỡ, trên thềm cửa kính tiệm kem, khi mà cánh tay ông vừa đẩy cửa cô gái mang chiếc giỏ lác vội đi ra. Người câm đồng thời cũng không nghe, chính vì vậy hai chiếc taxi đụng nhau. Con ốc mỡ, theo như bạn của ông, ông chủ nhỏ của quán bia hải sản cho biết, sinh trưởng của loại ốc này phần nhiều vùng biển cát đen, hay rừng tràm đước nguyên sinh ngập mặn.
Suốt một tuần lễ da ông Huy cháy nắng, một mình ông trên chiếc xe gắn máy cũ, chân mang dép, quần áo như một người bình dân, ông đi tìm Thiên Thần, ngày cuối cùng ông ở trên chiếc phà chạy dọc theo sông Sài Gòn. Sau đó ông lạc vào một vùng rừng nguyên sinh ngập mặn phong cảnh xanh tươi tuyệt vời: không xa thành phố cho lắm, đó là huyện Duyên Hải, trên con đường chung quanh rất nhiều cây xanh, nó có những đám rễ như cái nơm cá, ông thấy mấy cô con gái với chiếc giỏ lác trên vai, nhưng không phải là Thiên Thần. Vảo buổi chiều gió lồng lộng trên bãi biển cát đen tuyền, sóng biển vỗ mạnh tung bọt nước trắng xóa lên ghềnh đá, ông nhìn thấy một ông già ngồi chơi đàn ghi ta, bên cạnh đó là Thiên Thần và người bạn trai của cô. Họ sống trong một ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật. Cả bốn người ngồi với nhau nhìn biển, một lần nữa ông Huy trông thấy cô gái, đúng là Thiên Thần nhưng lam lũ, ánh nắng nhạt nhòa trên những sợi tóc bay bay. Ông Huy nói với ông già về con ốc mỡ và đứa con gái của ông.

*

Chủ nhật lại tới, chiếc xe hơi màu trắng của ông bà Huy dừng lại ở ngã tư, nơi chốt đèn báo màu đỏ. Bàn tay ai chai sần vì nặng nhọc mưu sinh dịu dàng đặt lên mặt kính, nó không còn là ảo ảnh, nhưng trong mắt đứa trẻ ở phút hội ngộ này ngoài kia không có ai khác, xe và người chỉ còn lại những mảng mờ nhạt. Thiên Thần hiện ra với viền sáng long lanh trên tóc, tất cả cửa kính kéo hết xuống, Quyên nắm bàn tay cô gái vùng rừng nguyên sinh, một bàn tay nồng ấm. Thiên Thần và anh bạn dễ thương leo lên chiếc xe hơi, lúc đó dòng người và xe tràn về phía trước, ngang qua, xuôi ngược theo những tín hiệu vui mắt.
Ông Huy nhìn biển, từ bên này biển nhìn qua bên kia thấy những vầng sáng của thành phố Vũng Tàu. Ông già móm mém ôm cây đàn ghi ta cũ, trên thân nó ghi đầy những địa danh, có lẽ là nơi ông đã đi qua thời trai trẻ, trong tiếng sóng rì rào ông già kể lại:
- Tôi là một nhạc công, chuyên đệm đàn cho ca sĩ hát trong những chương trình Đại Nhạc Hội. Nghề của tôi phải đứng suốt chương trình với đồng lương hẻo, vô danh mà cũng không có tương lai. Năm đó tôi xuôi theo một chuyến lưu diễn đường dài, trong đoàn có một nữ ca sĩ nổi tiếng. Rồi chính tôi cũng không hiểu sao tôi phát điên lên, yêu mê mệt cô ta. Tôi chỉ biết yêu nhưng không hề nói, suốt mấy chục năm ròng, cô nàng thì thức khuya hút thuốc thay nhân tình như áo lót, thời vàng son qua mau, người tôi yêu cũng ho hen bệnh tật tàn tạ. Chúng tôi kéo nhau về Vũng Tàu, mướn một cái nhà nhỏ ở chung, cô ấy ca lót trong một quán bar, còn tôi thì vẫn đệm nhạc. Cô ấy sinh đứa con gái này, không bao lâu sau đó kiệt sức, một đêm cô ấy từ giã cõi đời. Trước khi nhắm mắt, lần đâu tiên cũng lần cuối cùng... hình như cô muốn nói với tôi điều gì. Những năm sau, tôi đã già rồi thì ngón đàn của tôi cũng không bằng những nhạc công trẻ. Tôi mang đứa con này qua đây, gỏi trong trường khuyết tật, từ ngày đó tới bây giờ tôi vẫn ở luôn bên nó.
Ông Huy hỏi:
- Thiên Thần là con gái ruột của ông?
Ông già nhạc công thở dài. Nhưng lại nói một cách hãnh diện:
- Không, tôi chỉ là cha nuôi của nó.
Quyên nhờ nắng gió thật của vùng biển trong lành nay, da sạm nắng nhưng trông nó vui và khoẻ ra. Sáng sớm nó đi theo những người đi cà kheo bắt cá cua trên bãi biển. Nó cũng theo Thiên Thần và người bạn của cô nhún chân trên bùn nhão moi ốc mỡ. Thiên Thần mỗi tuần đạp xe về thành phố bán ốc mỡ như mọi khi. Ông Huy cũng khoẻ mạnh hơn, nhưng ông vẫn âm thầm chờ chết. Ông về thành phố trông coi công ty của ông và những ngày cuối tuần ông thích ở lại Duyên Hải.
Những cánh rừng tràm đước xanh cả một không gian tuyệt đẹp, không khí ôn hòa với gió biển giúp ông sống lành mạnh hơn. Không rượu không thuốc lá mà cũng không đi tìm những mối tình một đêm. Ông thường ngồi với Thiên Thần nhìn ra biển, và ông có một ý nghĩ lạ thường, ông với Thiên Thần như những hạt cát trễ tràng gặp nhau không đúng lúc, ông thở dài nhìn cô gái trẻ kém ông tới gần hai mươi tuổi, có lẽ như ông nhạc công già, ông sẽ không nói với ai điều này. Chỉ là sau khi chết, ông sẽ dành hết những gì còn lại của ông cho con ông và Thiên Thần. Ông trình bày ý định của mình một cách khó khăn rằng ông muốn đặt mua bảo hiểm cho ông già, chàng thanh niên và Thiên Thần, để mai sau có chút gì khi hoạn nạn.
Nhưng vào một đêm biển bỗng nổi giận, giận người mẹ trụy lạc thiêu thân, lấy cả tiếng nói của con. Sóng lớn đánh mạnh vào những ghềnh đá, tung cao bọt nuớc trắng xóa. Thiên Thần đứng nhìn biển và bỗng cất tiếng hát, hát không cần biết thời gian, hát tới kiệt sức. Biển cũng hát theo, hình như rừng và biển tìm lại tiếng hat cho đứa con nuôi của mình, vài ngày sau khi biển lạng Thiên Thân bay về trời. Cô gái mang trong người vi trùng lao của người mẹ ca sĩ. Ông Huy và bé Quyên vẫn sống, hàng ngày cô bé mang một cành hoa bỏ xuống biển, sóng đưa cành hoa ra khơi trong tiếng hát của bầy Hải Âu.

HẾT


Xem Tiếp: ----