ừ hôm cố gắng ngăn cản kẻ thù để người chủ mình kịp thời nhảy xuống dòng sông vượt thoát và bị liên tiếp cả ba viên đạn trên người, con Vá âm thầm mang mối cừu thù trong dạ. Nó còn nhớ rõ vẻ mặt hung hãn của con người ấy. Gã là Tư Tẩu, một lính mã tà khét tiếng tàn ngược, thường sử dụng cây bù-lon bằng sắt khá dài tra khảo tội nhân. Cái danh hiệu Tư Bù Lon đã được “trước bạ” trong miệng thế gian là vì lẽ đó. Với năng khiếu đặc biệt của loài chó tinh khôn, sau khi đã được cứu sống, con Vá chờ đợi một ngày bình phục để tìm cơ hội trả thù.Những buổi rời khỏi nhà chủ lê la đây đó con Vá để tâm dò xét nơi ăn chốn ở và sự đi lại của Tư Bù Lon. Nhưng sau thời kỳ toàn bộ cơ quan đầu não Mỹ Tho thời ấy đã bị di chuyển vì không khám phá kịp thời một cuộc hội kín quy mô ở khu rừng Sát thì Tẩu Bù Lon cũng được di chuyển tiếp theo cùng với quan thầy. Sáng rồi lại chiều, thỉnh thoảng con Vá đến tìm hơi hướng kẻ thù tuy còn sót lại đâu đây mà bóng dáng gã vẫn không tìm thấy. Với cái khứu giác tinh vi riêng của loài chó (mà theo các nhà khoa học hiện đại cho biết trung bình bén nhạy hơn người gấp một triệu lần), con Vá vẫn chưa mất dấu kẻ thù. Nhưng một ngày kia những hơi hướng ấy lại bị xóa mờ. Rõ ràng Tư Tẩu đã không còn nữa. Hoặc là y đã chết rồi, hoặc là y đã đi xa. Con Vá âm thầm chờ đợi. Những chuyến đi lại của nó nơi các đồn bót ban đầu cũng khiến đôi người lưu ý nhưng rồi người ta quen đi và chẳng một ai quan tâm. Nó đã đổi khác quá nhiều, không còn vòng da nơi cổ, không còn đai mây trước ngực, không còn phương phi, sung sức như xưa. Những con chó Vá cũng không phải loài đặc biệt có thể nổi bật ở trong sinh hoạt thường ngày. Hơn nữa, bây giờ nó chỉ là kẻ què liệt, gần như mù lòa khập khiễng lê bước trên đường, đâu có vẻ gì đáng kể. Cũng có đôi người mã tà tinh nghịch ném đá chọi nó khi nó lảng vảng chung quanh đồn bót nhưng rồi thấy nó như đui như điếc trước những đe dọa người ta cũng phải nản lòng trong cuộc chơi đó. Có kẻ ném về phía nó một mẩu bánh mì hay một khúc xương, nhưng con chó Vá chẳng hề xúc động. Nó không sợ những viên gạch, nó chẳng thèm cả miếng ăn, con chó như thế có gợi được gì hào hứng cho người chú ý? Dần dần không ai còn nhìn thấy nó, dù nó vẫn cứ xuất hiện đều đặn hàng tuần chung quanh đồn bót, hoặc từ đồn bót về nơi nhà cũ của Tư Bù Lon ở một dãy phố chật hẹp. Con Vá ngày xưa, theo những hơi hướng, đã dò biết được chỗ ở kẻ thù. Bây giờ kẻ thù tuy không còn nữa nhưng nó còn nhớ đường xưa lối cũ để thỉnh thoảng đến trông chờ. Suốt cái thời khoảng dài dặc, sau đó, con Vá hầu như tuyệt vọng. Càng ngày kẻ thù càng thấy mất tăm, đã vượt thoát rồi. Hắn đi về đâu? Con Vá ngẩn ngơ nhiều lần không sao hiểu được. Nếu nó nằm dưới nấm mồ nào đó, cho dù vùi sâu dưới lớp đất dày, con Vá cũng sẽ đào lên nhai nát thây ra, gặm từng miếng xương của nó, kéo lê kéo lết từng mảnh di thể trên khắp con đường của phố phường này. Nếu nó đổi về một nơi nào khác, dù cho phố phường chen chúc hay là rừng vắng xa xôi con Vá cũng sẽ tìm đến ngoạm vào cổ nó, đòi nó phải đền sinh mạng mà chuộc tội mình. Nhưng nó biến đi không sao biết được thế nào. Con Vá ngẩn ngơ, sầu buồn, nhưng không nản lòng chờ đợi. Gần một năm trời như thế, con Vá tới lui, thăm viếng đồn bót, nom chừng bóng dáng kẻ thù. Trong suốt thời khoảng chờ đợi khá não nề ấy nó đã gần gũi con Quít và đã làm cha của hai đứa nhỏ kháu khỉnh. Thời khoảng con Vá ở nhà chăm sóc vợ con, bắt đầu một nhiệm vụ mới trong cái cuộc sống giang hồ lang bạt của mình thì kẻ thù kia lại thấy trở về chốn cũ. Gã Tư Bù Lon vì nhiều năm tháng quen thuộc nơi đây, đã tìm cách quay trở lại. Ở đây ngôi nhà của gã vẫn còn, người tình của gã vẫn đợi và nhiều bạn nhậu của gã vẫn đang còn nhắc nhở gã. Quan thầy của gã mãn xong nhiệm kỳ đã trở về nước. Gã quay lại đây với niềm vui sướng đặc biệt. Cái uy thế cũ của gã vẫn còn và gã vẫn được cấp trên, những người chủ mới, đang cần củng cố quyền hành đặt sự tín nhiệm ân cần vào gã.Tư Bù Lon đi giữa thành phố này như đi giữa chỗ không người. Dân chúng vốn khiếp sợ gã là lẽ dĩ nhiên. Gã cũng thừa biết trong số những người đông đảo mà gã gặp gỡ hàng ngày, trong số những kẻ ân cần mời mọc, thưa dạ với gã, kể cả những người anh anh, em em, thầy thầy, cháu cháu với gã thường xuyên, cũng vẫn không thiếu kẻ thù. Thiên hạ vẫn thèm ăn gan gã lắm nhưng gã kể như con người vô địch, gã có những thần hộ mệnh là các quan trên, có cả lá bùa hộ mệnh đeo ở nơi ngực và một vật dụng bảo mệnh lủng lẳng cạnh sườn có thể cấp kỳ khạc đạn bất cứ lúc nào. Ý tưởng có nhiều người thù trong đám thiên hạ chung quanh không làm cho Tư Bù Lon khiếp sợ, trái lại điều đó kích thích được gã nhiều hơn trong sự kiêu ngạo thường ngày. Gã vẫn thèm khát hiểm nguy và từ lâu rồi đã được đào luyện trong không khí ấy. Kẻ thù càng gần gũi hơn, càng khó nhận diện, đối phó, lại càng hào hứng. Bây giờ trở lại chốn cũ, nơi có khá nhiều bạn hữu và nhiều kẻ thù, thật là thích thú gấp đôi.Tư Bù Lon đến nhiệm sở làm việc theo như thời khắc ngày xưa và với dáng điệu hống hách đã được đổi mới ít nhiều. Bây giờ công việc bình định coi như đã tốt đẹp rồi và phong trào “bọn gây rối” đã được dẹp tan. Nhà nước mẫu quốc cũng đã khen tặng cho y và y đã lên ngạch bậc. Kẻ thù nếu còn, cũng chẳng có được những dòng nước đục để nương theo đó buông câu. Gã không sợ nữa. Mối đe dọa dù vẫn còn nhưng có triển vọng một ngày một đẩy lùi xa để Tư Bù Lon hiện rõ như một nhân vật bất khả xâm phạm, ở lâu trong nghề gã cũng hiểu rõ tâm lý con người, và gã biết rằng ít ai dại gì trong lúc thời buổi yên ổn lại gây nợ máu với gã để chuốc lấy những hậu quả không sao lường được. Lao Bảo, Bà Rá, Côn Lôn, bao nhiêu nhà tù đang mở rộng cửa để đón họ vào với những cực hình thảm khốc. Nhưng liệu có được an toàn để mà vào đấy ăn món cá thối cơm thiu hay là chính sự trừng phạt của gã sẽ làm cho họ điêu đứng nhiều hơn? Tất cả những ý tưởng ấy đã đặt gã Tư Bù Lon trong niềm tự tin vững chắc lạ lùng. Một hôm nào đó ngồi trong đồn bót nhìn ra gã thoáng thấy con chó Vá vẫy đuôi mừng rỡ, rà mũi dọc theo con đường. Con chó ngước lên như tìm một người thân quen nào đó bên trong. Gã bỗng ngỡ ngàng giây phút. Con chó thật là quen thuộc. Nhớ như đã gặp nó ở đâu rồi... Và gã sực nhớ, chừng như ngày xưa đã bắn chết một con Vá loại này. Phải rồi. Đó là một con chó Vá vô cùng nguy hiểm, con chó của một tay Cộng sản gộc giả làm một kẻ mù lòa ăn xin để dễ liên lạc những người đồng tâm, đồng chí trong địa phương này. Con chó nguy hiểm, gã tự nhủ thầm là vậy, nhưng ba phát đạn của gã đã đưa nó vào dạ dày của những dân nhậu ở đây một cách ngon lành. Con chó ngày xưa, cố nhiên không thể là con chó này. Ngày xưa, nó oai vệ hơn, nó đẹp đẽ hơn. Nhưng sự tàn tật của con vật này thoáng gợi nơi gã ít nhiều ngờ vực. Có thể đó là con chó ngày xưa sống sót hay chăng? Chắc là không phải. Nhưng dù nó còn sống sót, cũng là điều vui. Nó mang tật nguyền do gã gây nên, nó lại có dịp nhắc nhở cho dân địa phương biết đến uy thế của gã. Con chó được kể như một bích chương sống động tuyên truyền cho uy quyền gã đó thôi. Tẩu Bù Lon đã không sợ con người thì loài chó má nào đáng kể gì. Gã không chú ý đến con chó nữa. Nhưng một tuần sau, trên chuyến đường về nơi ngôi nhà cũ, gã bỗng bắt gặp con chó ở một góc đường. Con chó như theo bước gã trên một đoạn đài, rồi lại biến mất trong một ngõ hẹp. Chắc đó là một con chó lang thang, một loài chó hoang ăn bẩn sống bằng rác rưởi bên đường. Không ai có hơi sức đâu tìm hiểu về một con chó tàn tật.Nhưng lúc gã ở trong nhà, vô tình phóng mắt nhìn ra trước ngõ gã thấy con chó lảng vảng ở trước hàng rào. Gã bước ra hiên, cúi nhặt viên đá ném về phía nó. Tự nhiên gã thấy gờm nhớm những loài vật đó. Những con chó hoang tàn tật coi thật khó thương. Viên đá xớt đầu con chó, lăn ra vệ đường. Con chó không hề hốt hoảng, nhưng nó cúi đầu rảo bước đi luôn. Cách mấy tuần sau, gã Tư Bù Lon không còn thấy con chó nữa, nhưng một buổi tối nào đó ở trong quán nhậu bước ra gã trông thấy nó thấp thoáng tìm ăn ở bên vệ đương. Có lẽ trong mấy lần nhậu trước đó gã cũng đã thấy đôi con chó Vá lẩn quẩn xa gần như thế. Có những con chó bên mình, trên quãng đường vắng, lại càng yên ổn chứ sao.Lần này gã Tư Bù Lon đã nhậu từ chiều với mấy người bạn và trời tối mịt gã mới chếnh choáng ra về. Trong cơn ngà ngật men nồng, gã bước lảo đảo như người đi giữa chiêm bao. Gió sông thổi lại đem hơi nước mát làm người khoan khoái. Qua những mảng lá xanh đen chập chờn sáng ánh đèn đường, thỉnh thoảng gã cũng bắt chợt những mảnh trời xa thấp thoáng vì sao. Tiếng gió lào xào luồn qua cây lá trên đầu, tiếng giày lạt xạt kéo lê trên con đường nhựa, những tiếng xe cộ ồn ào vẳng lại từ những phố phường tấp nập gần bên. Gã bước trên con đường vắng, nghe hơi rượu nồng bốc lên tỏa nóng khắp người.Đến một ngả đường khuất vắng xa ánh đèn đường, một chỗ có nhiều tàng lá rậm dày, thưa thớt nhà ở, gã như đang chìm vào trong bóng tối âm u thì bỗng một cái bóng trắng lờ mờ bên đường thoáng vút sát bên mình gã. Chưa kịp quay đầu nhìn lại thì những chiếc răng bén nhọn đã ngoạm vào ngay gáy gã, xuyên thủng vào da thịt gã với sức trì kéo thật mạnh của một con vật có những móng vuốt bén nhọn cào cấu lên khắp thân mình. Gã Tư Bù Lon hoảng hốt, mất đà, ngã vật mình xuống vệ đường không kịp kêu lên được một tiếng nào. Con vật ngoạm chặt gáy gã với một sức mạnh vô cùng dữ tợn, vừa nhai vừa cào khiến gã giãy giụa, vùng vẫy, quờ quạng tìm lấy khẩu súng. Máu nơi người gã cuồn cuộn tuôn ra và khuôn mặt gã dập xuống mặt đường cũng bê bết máu. Con vật biết gã đuối sức, vừa cào vừa cấu mạnh hơn vừa dùng những chiếc răng nhọn cắn sâu vào cổ họng gã. Tư Tẩu cầm được khẩu súng, quờ quạng hắn trả vào mình kẻ thù đang cố lăn xả muốn nhai nghiến gã. Những viên đạn nổ vang dội trong đêm nhưng không trúng được kẻ thù. Kẻ thù chừng như điên tiết nhiều hơn, cào cấu loạn xạ hơn lên, và trong những phút rối loạn cuống cuồng Tư Tẩu nhìn thấy được con chó Vá tàn tật. Cuối cùng gã đã bắn được viên đạn sót lại vào ngực con vật nhưng gã cũng phải buông xuôi cánh tay nằm sấp ở trên mặt đường. Máu tuôn từng vòi, xối xả và có tiếng người ồn ào di chuyển lại gần. Có lẽ trong phút cuối của cuộc đời mình, Tư Tẩu đã nhận diện được kẻ thù là ai. Nó đấy, nó là con chó của người mù lòa ăn xin, đã chờ đợi gã trên mấy năm nay để rửa mối hận ngày nào.Khi nhà chức trách tìm đến thì Tư Tẩu đã chết rồi, máu đọng thành vũng chung quanh người gã và máu đang còn rỉ chảy từ các vết thương cào cấu khắp mình. Gã đã chết trong đau đớn tột cùng, đã phải quằn quại giãy giụa, qua những dấu vết lăn lộn và những áo quần bê bết máu me. Thủ phạm rõ ràng không phải là một con người. Người ta dò thấy dấu máu loang dài ra đến bờ sông. Nơi đây, hung thủ mất dạng. Có lẽ nó đã nhảy xuống dòng sông tẩu thoát, hay là đã tìm nơi đây trầm mình. Cuộc điều tra được tiến hành và họ cấp tốc mang xác Tư Tẩu đưa về khám nghiệm để mà chôn cất. Buổi tối hôm ấy sau khi được nghe Ba Tuất kể chuyện, ông Hai Thìn như đoán được sự tình. Vội vàng, ông rời khỏi nhà và tìm đến chỗ án mạng xảy ra. Mới rời khỏi cổng độ một quãng đường ông nghe tiếng chó theo sau, quay lại đã thấy con Quít bén gót. Con chó cũng như linh cảm điều gì bất trắc về phía chồng mình nên dù chủ không gọi nó đi theo nó vẫn tự động tìm kiếm. Khi ông Hai Thìn đến nơi thì xác Tư Tẩu được khiêng đi rồi, vũng máu cũng được dội sạch và những lớp người tò mò không dám dừng lại quá lâu nơi ấy đã tản hết rồi. Chỉ còn đôi người qua đường chậm bước để nhìn quanh chỗ xảy ra tai nạn rồi bước đi mau, mắt vẫn dè chừng bóng tối chứa chấp những điều đe dọa. Con Quít rà những dấu máu còn lại đây đó, đưa dần ông Hai về phía bờ sông. Nó tiến xuống gần mặt nước, cuống quýt, kêu lên những tiếng ăng ẳng nho nhỏ đượm nỗi lo âu pha lẫn sợ hãi. Về đêm, mặt sông như trải dài ra thăm thẳm, gợn những đốm sáng lăn tăn dọc theo ven bờ, thấp thoáng ẩn hiện đây đó những cánh buồm đen xuôi ngược trên dòng.Con Quít càng lúc càng tỏ ra hoảng hốt hơn. Hai chân trước nó cào cấu loạn xạ trên bùn, mình nó chỉ chực chồm tới, lao xuống mặt nước. Ông Hai nghĩ rằng con Vá có lẽ noi gương chủ nó ngày xưa phóng mình xuống sông để trốn thoát rồi. Như vậy, không còn hy vọng gì tìm gặp lại. Rỗ ràng là nó là đã quyết báo thù và rửa hận xong, nó đã ra đi. Nhưng liệu máu me đầm đìa như thế, vết thương của nó ắt cũng trầm trọng liệu còn sống sót được chăng? Nó lựa đêm tối để phục thù và tìm dòng nước để thoát thân là cách bảo vệ an toàn cho gia đình ông.Ông Hai đứng lặng, nghẹn ngào. Thái độ con Vá khiến ông cảm phục, ông thấy loài vật vẫn có thể đạt đến những đức tính cao đẹp. Kể ra phải mang ơn nó rất nhiều. Nó đã loại trừ được tên ác ôn khét tiếng và nó cũng cho nhiều người thấy rằng loài chó vẫn biết căm thù một cách chính đáng, huống thay là những con người. Trên một năm nay ông vẫn không hiểu về những chuyến đi của nó, cứ tưởng chút máu giang hồ sót lại dẫn dắt nó vào những chuyến lang thang đây đó trong phố phường này. Bây giờ mới hiểu là nó quyết tâm rửa hận và giờ đây mối hận thù đã được trả xong. Không tiện dừng lâu ở bên bờ sông, ông gọi con Quít trở về. Nhưng gọi cách nào con vật cũng chẳng chịu nghe. Sợ gọi thêm sự chú ý ở một số người có thể lảng vảng gần đây, ông Hai lội xuống bãi sình, nắm tai con vật kéo lên. Nhưng con vật đã vùng thoát và như điên cuồng, phóng mình xuống nước, hì hụp lội ra giữa dòng. Ông Hai biết mọi cố gắng gọi nó quay lại đều là vô ích. Con vật tìm thấy hơi hướng người chồng, và nó dấn thân vào cuộc phiêu lưu có thể hiểm nghèo. Ông đứng chờ đợi trên bờ một lát, nhìn dòng sông đen thăm thẳm mịt mù, chong tai cố nghe qua những tiếng gió nhưng không nghe thấy gì hơn là tiếng bì bõm của những mái chèo khua nước, tiếng sóng bì bọp vỗ vào mạn bờ. Con vật như chìm trong bóng đêm dày mênh mông và ông thở dài quay trở về nhà.Những ngày sau đó, không thấy con Vá cũng như con Quít trở về. Một số người quen ông Hai sống ở ven bờ bên kia sau đó đã cho ông biết là họ nghe nói có hai con chó chết đã trương sình tấp vào trong bãi, một con chó Mực và một con chó Vá. Có lẽ con Vá bị vết thương nặng đã tự trầm mình để tìm cái chết dưới dòng sông sâu và trong chuyến đi tìm chồng con Quít cũng đã đuối sức, gởi xác giữa dòng.Nhưng cả thời đó, chó chết vẫn chưa hết chuyện. Con Vá mặc dù đã cố bảo toàn cho chủ, nhưng theo những sự suy luận của nhà chức trách và sự bàn ra tán vào của một số người, ông Hai Thìn bị nghi ngờ về vụ giết chết Tư Tẩu. Ông bị bắt giữ, bị cật vấn mãi về vụ con Vá. Cuối cùng, không có chứng cớ rõ rệt người ta phải thả ông về, sau một tháng trời nằm ở biệt giam. Nhưng khoảng thời gian ông bị câu lưu, bà Hai vì quá sợ hãi về sự liên lụy nên vội đem hai con chó nhỏ kia cho một người bạn ở xa.Vụ chó giết người và giết một tên ác ôn vào cỡ Tư Tẩu có làm sôi nổi dư luận một dạo, nhưng vì tình hình thời đó mọi sự lan truyền như thế đều bị hạn chế nên không được nhiều người biết.