alachenko thức dậy được tám tiếng thì hai thanh tra Modig và Erlander vào phòng hắn, lúc 7 giờ tối. Hắn đã bị mổ khá lâu, một khúc lớn của quai hàm đã được nắn lại và cố định bằng đinh ốc titan. Băng quấn quanh đầu hắn nhiều đến nỗi chỉ ló ra có mắt trái và một khe miệng hẹp. Một bác sĩ đã giải thích rằng nhát rìu bổ xuống đã làm hư trán và giập xương má hắn, thịt ở bên phải mặt đã bị bóc đi một phần lớn rồi lật úp lên hốc mắt. Các vết thương khiến hắn đau ghê gớm.
Hắn đã được kê nhiều thuốc giảm đau nên còn tương đối sáng suốt và có thể nói chuyện được.
Nhưng các thanh tra được nhắc là không nên làm hắn mệt.
- Chào ông Zalachenko, - Modig nói. Chị tự giới thiệu mình và người đồng sự.
- Tên tôi là Karl Axel Bodin, - Zalachenko cố nói qua hai hàm răng khép chặt. Giọng hắn bình tĩnh.
- Tôi biết đích xác ông là ai. Tôi đã đọc hồ sơ của ông ở Sapo.
Dĩ nhiên điều này là không có.
- Trước kia đã từ lâu rồi, - Zalachenko nói. - Nay tôi là Karl Axel Bodin.
- Ông đang làm gì? Ông có thể nói chuyện được không?
- Tôi muốn trình báo một vụ án nghiêm trọng. Tôi đã là nạn nhân của con gái tôi, nó toan giết tôi.
- Chúng tôi biết. Vấn đề này lúc nào thích hợp sẽ đưa ra, - Erlander nói. - Nhưng chúng tôi có nhiều vấn đề cần nói tới trước.
- Chuyện gì nghiêm trọng hơn mưu toan án mạng được nữa cơ chứ?
- Hiện chúng tôi đang cần thông tin ít nhất về ba vụ án mạng ở Nykvarn và một vụ bắt cóc.
- Tôi chả biết gì về các cái đó. Ai bị giết?
- Ông Bodin, chúng tôi có lý do tử tế để tin rằng người giúp việc ông, Ronald Niedermann, ba mươi lăm tuổi, là thủ phạm của các vụ án này, - Erlander nói. - Ðêm qua hắn cũng giết một sĩ quan cảnh sát ở Trollhattan.
Modig ngạc nhiên thấy Erlander bằng lòng với ý muốn của Zalachenko là gọi hắn bằng Bodin. Zalachenko hơi quay đầu đi để có thể nhìn Erlander. Giọng hắn dịu đi một chút.
- Chuyện này... nghe không phải lúc. Tôi không biết gì hết về công việc của Niedermann. Tôi không giết một cảnh sát nào. Bản thân tôi là nạn nhân của một mưu toan án mạng đêm qua.
- Hiện trong lúc chúng tôi nói đây thì đang tiến hành săn lùng Ronald Niedermann. Ông có biết gì về chỗ hắn ẩn nấp không?
- Tôi không biết các câu lạc bộ mà hắn lui tới. Tôi..., - Zalachenko ngập ngừng đôi chút. Giọng hắn mang một vẻ tâm sự. - Tôi phải nhận là... đôi khi tôi cũng thấy lo ngại Niedermann.
Erlander cúi xuống hắn.
- Ý ông là sao?
- Tôi phát hiện ra hắn có thể hung bạo... Tôi thực sự sợ hắn.
- Ý ông nói là Niedermann làm cho ông cảm thấy sợ? - Erlander nói.
- Ðúng thế. Tôi già và tàn tật. Tôi không tự vệ được.
- Ông có thể giải thích quan hệ của ông với Niedermann không?
- Tôi tàn tật, - Zalachenko chỉ xuống chân. - Ðây là lần thứ hai con gái tôi toan giết tôi. Từ mấy năm trước tôi có thuê Niedermann đỡ đần. Tôi nghĩ hắn có thể bảo vệ tôi... nhưng hắn đã thực sự khống chế đời tôi. Hắn đi đi về về tùy thích... Tôi chả có gì nhiều hơn để nói về việc này.
- Hắn giúp ông những gì? - Modig xen vào. - Làm những việc ông không thể tự làm ư?
Zalachenko nhìn Modig hồi lâu với con mắt ló ra ngoài của hắn.
- Tôi biết đầu những năm 90 con gái ông đã quẳng một chai xăng vào xe của ông, - Modig nói. - Ðiều gì đã đẩy con ông làm như thế, ông có thể giải thích không?
- Chị nên hỏi con gái tôi ấy. Nó bị bệnh tâm thần. - Giọng hắn lại hằn học.
- Ông nói ông không thể nghĩ ra lý do gì khiến Salander tấn công ông năm 1991 ư?
- Con gái tôi bị bệnh tâm thần. Có y bạ chắc chắn.
Modig nghiêng đầu về một bên. Zalachenko trả lời lại càng sừng sộ và hằn học. Chị thấy Erlander cũng để ý đến điều đó. OK... cớm tốt, cớm xấu, Modig cao giọng lên.
- Ông không nghĩ hành động của cô ấy là có liên quan đến việc ông đã đánh mẹ cô ấy tệ hại đến nổi đầu óc bị đau kinh niên hay sao?
Zalachenko quay lại Modig.
- Chuyện ba láp hết. Mẹ nó là đồ con đĩ. Chắc là một đứa nào trong đám ngu ngốc của mụ ấy đã đánh mụ ấy. Tôi chỉ là tình cờ đi ngang qua.
Modig nhướng lông mày lên.
- Vậy là ông hoàn toàn vô tội?
- Vô tội dĩ nhiên.
- Zalachenko... cho tôi nhắc lại để xem tôi có hiểu ông đúng không nhé. Ông nói ông không bao giờ đánh bạn gái ông, Agneta Sofia Salander, mẹ của Lisbeth Salander, mặc dù toàn bộ sự việc đã là đề tài của một báo cáo dài, đóng dấu Tối mật, do Gunnar Bjorck, người nắm ông lúc đó ở Sapo viết.
- Tôi chưa bị tù về chuyện gì. Tôi chưa bị khởi tố bao giờ. Nếu có một thằng ngu nào đó ở Cảnh sát An ninh nó tưởng tượng láo lếu ra trong báo cáo của nó thì tôi làm gì được. Nếu tôi từng là nghi can thì ít nhất họ cũng đã thẩm vấn tôi rồi chứ.
Modig không đáp. Zalachenko hình như đang nhăn răng ra cười ở dưới lớp băng bó.
- Cho nên tôi muốn khởi tố gấp con gái tôi. Vì đã cố giết tôi.
Modig thở dài.
- Tôi bắt đầu hiểu tại sao cô ấy lại bị dồn ép đến nỗi không kiềm chế nổi phải bổ một nhát rìu vào đầu ông.
Erlander đặng hắng.
- Xin lỗi, ông Bodin. Chúng tôi sẽ quay lại kiếm một vài thông tin mà ông có thể có vẻ hoạt động của Niedermann.
*
Modig gọi thanh tra Bublanski ở hành lang bên ngoài phòng của Zalachenko trong bệnh viện.
- Không có gì cả.
- Không gì cả sao? - Bublanski nói.
- Hắn đang gửi đơn đến cảnh sát kiện Salander vì hành hung và mưu sát. Hắn nói hắn chả liên quan gì đến các án mạng ở Stockholm.
- Thế hắn giải thích thế nào việc Salander bị chôn trong một con hào trên đất của hắn ở Gosseberga?
- Hắn nói hắn bị cảm và đã ngủ suốt mất gần hết ngày. Nếu Salander bị bắn ở Gosseberga thì chắc là Niedermann đã muốn làm cái gì đó.
- OK. Vậy chúng ta có gì?
- Cô ấy bị bắn bằng một khẩu Browning cỡ 22. Vì thế mà cô ấy sống. Chúng tôi đã tìm thấy khẩu súng. Zalachenko nhận nó là của hắn.
- Tôi hiểu. Nói cách khác, hắn biết chúng ta sẽ tìm vân tay hắn ở trên khẩu súng.
- Đúng thế. Nhưng hắn nói lần cuối cùng hắn thấy khẩu súng thì nó ở trong ngăn kéo bàn.
- Ý là trong khi hắn ngủ thì Niedermann cao tay đã lấy khẩu súng và bắn Salander. Cha này là một thằng đểu lì lợm. Chúng ta có bằng chứng nào trái lại không?
Modig nghĩ một lát rồi trả lời.
- Hắn thuộc luật pháp và thủ tục cảnh sát Thụy Ðiển. Hắn không thừa nhận gì cả và hắn có Niedermann làm bung xung. Tôi không biết chúng ta có chứng minh được cho cái gì không đây. Tôi nhờ Erlander gửi quần áo của hắn đến pháp y xét tìm dấu vết thuốc súng nhưng hắn đã nói hai hôm trước hắn mới tập bắn bia xong.
*
Salander thấy mùi hạnh nhân và ethanol. Vẻ như trong miệng cô có rượu và cô cố nuốt xuống nhưng lưỡi cô cứng đơ, tê bì. Cô cố mở mắt nhưng không thể. Thoang thoảng cô nghe thấy tiếng một người có vẻ như đang nói với cô nhưng cô không hiểu được lời người ấy. Rồi tiếng nói ấy bật ra rõ hoàn toàn.
- Tôi nghĩ cô ấy đang tỉnh lại.
Cảm thấy có người sờ trán mình, cô cố hẩy bàn tay động chạm đó đi. Cùng lúc ấy cô thấy vai đau nhỏi. Cô buộc phải thả lỏng người.
- Cô nghe thấy tôi không, Lisbeth?
Xéo đi.
- Cô mở mắt ra được không?
Cái đồ ngu ma quỷ gì cứ lải nhải với cô thế?
Cuối cùng cô mở mắt ra. Thoạt tiên cô chỉ nhìn thấy những ánh sáng là lạ rồi một khuôn mặt hiện ra ở chính giữa tầm nhìn của cô. Cô cố tập trung nhìn nhưng khuôn mặt cứ tròng trành. Cô cảm thấy như mình đang nôn nao kỳ lạ và chiếc giường thì có vẻ cứ ngả ật về đằng sau.
- Ơ..., - cô nói.
- Nói lại xem.
- Ngơ, - cô nói.
- Nghe tốt đấy. Cô mở mắt ra lại được không?
Cô mở ti hí mắt. Cô thấy mặt của một người hoàn toàn lạ lẫm rồi cố nhớ lấy từng chi tiết. Cách cô ba chục phân, một người đàn ông tóc vàng, mắt lơ, mặt góc cạnh quay nghiêng.
- Chào. Tôi là Anders Jonasson. Tôi là bác sĩ. Cô đang trong bệnh viện. Cô bị thương và phải phẫu thuật, cô đã tỉnh lại. Cô có thể nói với tôi tên của cô được không?
- Pshalandr, - Salander nói.
- OK. Cô sẽ đếm giúp tôi đến mười không nào?
- Một, hai, bốn... không... ba bốn năm sáu...
Rồi cô mê đi.
Bác sĩ Jonasson thích thú với phản ứng ông vừa nhận được. Cô đã nói tên và bắt đầu đếm. Như thế có nghĩa là bằng cách nào đó cô vẫn giữ nguyên vẹn được các năng lực nhận thức chứ không phải sẽ tỉnh lại ở trạng thái thực vật. Ông viết giờ cô tỉnh dậy là 9 giờ 6 phút tối, khoảng mười sáu tiếng sau khi ông kết thúc cuộc phẫu thuật. Ông đã ngủ gần hết ngày rồi lái xe đến bệnh viện vào lúc 7 giờ. Hôm ấy ông thực sự nghỉ ngơi nhưng có một số việc giấy tờ phải làm nốt.
Ông không thể cưỡng lại ý muốn đến phòng cấp cứu nhòm xem cô bệnh nhân có bộ não đã bị ông lục đảo sớm hôm nay.
- Ðể cô ấy ngủ nhưng đều đặn theo dõi điện tâm đồ của cô ấy. Tôi đang lo não có thể bị sưng hay chảy máu. Cô ấy có vẻ bị đau dữ ở vai trái khi cố cử động tay. Nếu cô ấy tỉnh lại, cô có thể cho cô ấy mỗi giờ hai miligram morphin.
Ông cảm thấy phấn chấn lạ lùng khi rời cổng chính bệnh viện Sahlgrenska.
*
Anita Kaspersson, một nữ y tá nha khoa sống ở Alingsas, run lẩy bẩy khi vừa đi vừa ngã dúi dụi trong rừng cây. Chị có máu hàn, thân nhiệt thấp. Chị chỉ mặc một cái quần ướt và áo phông mỏng. Hai chân trần rớm máu. Chị đã cố thoát ra khỏi gian nhà kho, một người đàn ông đã trói chị ở đó, nhưng chị không gỡ được sợi thừng trói tay chị quặt ra sau lưng. Các ngón tay chị mất hết cảm giác.
Chị cảm thấy mình bị tất cả lìa bỏ, là người sót lại cuối cùng trên quả đất.
Chị không biết mình đang ở đâu. Tối mù và chị không rõ mình đi loanh quanh lẩn quẩn đã bao lâu. Chị thấy lạ là mình còn sống.
Rồi nhìn thấy một ánh đèn trong lùm cây, chị dừng lại.
Một lúc lâu chị không dám đến gần ánh đèn. Chị đi qua vài bụi cây, bước vào trong sân một ngôi nhà một tầng bằng gạch xám. Chị ngơ ngác nhìn quanh.
Chị loạng choạng đi đến cửa, quay người đá gót chân vào nó.
*
Mở mắt ra, Salander thấy ánh sáng trên trần. Một lát sau cô quay đầu đi và nhận ra mình đang đeo một cái khung ở cổ. Đầu nhức buốt, ê ẩm và vai cô đau nhỏi. Cô nhắm mắt lại.
Bệnh viện, cô nghĩ. Mình làm gì ở đây?
Cô thấy kiệt quệ, khó suy nghĩ được đâu ra đâu. Rồi trí nhớ ào ạt trở lại với cô. Cô hoảng hốt một thoáng chớp khi ào ạt tràn đến các hình ảnh rời rạc về việc cô đã tự bới cho mình ra khỏi con hào như thế nào. Rồi cô nghiến răng lại, tập trung vào thở.
Cô sống, nhưng cô không thể chắc như thế là xấu hay tốt.
Cô không chắp nối nổi tất cả những gì đã xảy đến nhưng cô gợi ra được một bức tranh ghép mù mờ về cái lán củi cũng như việc cô đã giận dữ vung chiếc rìu lên bổ vào mặt Zalachenko như thế nào. Hắn sống hay chết?
Cô không thể nhớ rõ điều gì đã xảy ra với Niedermann. Ký ức lờ mờ ghi nhận rằng cô đã ngạc nhiên khi thấy hắn bỏ chạy, mà cô chẳng biết tại sao.
Thình lình cô nhớ lại đã trông thấy Kalle Ba Láp Blomkvist. Có lẽ cô đã mơ thấy đầy đủ nhưng cô chỉ nhớ có gian bếp - chắc là gian bếp trong nhà trại Gosseberga - và cô nhớ thấy anh đi đến với cô. Ta chắc là bị ảo giác mất rồi.
Các sự việc ở Gosseberga hình như đã là quá khứ xa vời hay có thể là một giấc mơ ngộ nghĩnh. Cô tập trung vào hiện tại và lại mở mắt.
Tình cảnh cô đang không ra làm sao cả. Cô không cần ai bảo cô điều ấy. Cô giơ tay phải lên sờ sờ đầu. Bó băng. Cổ cô đeo khung giữ. Rồi cô nhớ lại hết. Niedermann. Zalachenko. Lão già khốn kiếp cũng có súng. Một khẩu Browning cỡ 22. So với các súng khác, phải coi nó là thứ đồ chơi. Vì thế mình mới còn sống chứ.
Mình bị bắn vào đầu. Mình có thể dí ngón tay vào miệng vết thương và sờ thấy óc.
Cô ngạc nhiên vì mình còn sống. Nhưng cô cảm thấy dửng dưng. Nếu chết là một vùng trống không đen ngòm mà cô vừa tỉnh dậy khỏi đó thì chết có gì đáng để lo âu buồn phiền đâu nhỉ. Cô lại thiếp đi với cái ý nghĩ riêng tư này.
*
Cô mơ màng ngủ một chút thì thấy có gì động đậy nên khẽ he hé mắt. Cô thấy một nữ y tá blouse trắng đang cúi xuống cô. Cô nhắm mắt lại, làm như ngủ.
- Tôi nghĩ là cô đã thức, - Cô y tá nói.
- Ừm, - Salander ậm ừ.
- Chào, tôi là Marianne. Tôi nói cô có hiểu không?
Salander cố gật, nhưng cái khung nó giữ lấy đầu cô cứng khư.
- Không, đừng cố động đậy. Cô không phải sợ gì. Cô bị thương và đã được mổ.
- Cho tôi ít nước được không? - Salander lào phào.
Cô y tá cho cô một cốc to với một cái ống hút.
Trong khi uống nước, cô thấy một người nữa hiện ra ở bên trái cô.
- Chào, Salander. Cô nghe thấy tôi nói không?
- Ừm.
- Tôi là bác sĩ Helena Endrin. Cô có biết mình đang ở đâu không?
- Bệnh viện.
- Cô đang ở bệnh viện Sahlgrenska ở Goteborg. Cô được mổ và đang ở phòng hồi sức cấp cứu.
- Hư... ừm.
- Không có gì mà phải sợ.
- Tôi bị bắn vào đầu.
Endrin ngập ngừng một chút rồi nói:
- Đúng. Vậy là cô đã nhớ lại những gì đã xảy ra.
- Lão già chết rấp có súng.
- À..., thế nào thì một ai đó cũng có.
- Cỡ nòng 22.
- Tôi nghe rõ. Tôi không biết chuyện này.
- Tôi bị thương nặng như thế nào?
- Chẩn đoán cho cô là tốt. Tình trạng khá gay go nhưng may là cô đang hồi phục hoàn toàn.
Salander cân nhắc thông tin này. Rồi cô nhìn hẳn vào mắt bác sĩ. Mắt cô bị loa lóa.
- Zalachenko bị thế nào?
- Ai cơ?
- Lão già chết rấp. Lão còn sống ư?
- Cô định nói Karl Axel Bodin phải không?
- Không, không, tôi nói Alexander Zalachenko. Lão tên thật là thế.
- Chuyện ấy tôi không biết. Nhưng ông già vào bệnh viện cùng lúc với cô thì tuy có nặng song cũng đã qua cơn nguy.
Salander rất chán. Cô ngẫm nghĩ lời bác sĩ.
- Lão đâu?
- Ðang ở dưới sảnh. Nhưng cô đừng lo nghĩ về ông ấy. Cô cần tập trung giữ gìn cho khỏe.
Salander nhắm mắt lại. Cô nghĩ liệu có thể cố xoay lấy cách nào ra khỏi giường tìm một cái gì đó làm vũ khí mà đi làm nốt việc kia không. Nhưng cô hầu như không mở nổi mắt. Cô nghĩ, lão lại sắp thoát mất rồi đây. Cô đã để lỡ mất dịp giết Zalachenko.
- Tôi muốn khám qua cho cô một chút. Rồi cô ngủ lại nha, - bác sĩ Endrin nói.
*
Chả hiểu sao Blomkvist thình lình tỉnh dậy. Anh không biết mình đang ở đâu, rồi nhớ ra là đang ở trong một phòng thuê tại khách sạn Thành phố. Tối như mực. Anh lần mò bấm đèn đầu giường, nhìn đồng hồ. 2 giờ. Anh đã ngủ liền tù tì mười lăm tiếng.
Anh dậy đi vào buồng tắm. Anh sẽ không thể ngủ tiếp lại. Anh cạo râu rồi tắm lâu. Anh mặc một jean xì xằng, áo chui mầu nâu đã cần phải giặt. Anh gọi quầy lễ tân hỏi có thể có cà phê và sandwich vào giờ sớm sủa này không. Người trực đêm nói có thể.
Anh mặc áo jacket thể thao và đi xuống gác. Anh gọi cà phê và sandwich phomát với patê gan. Anh mua tờ Goteborg-Posten. Tin bắt Lisbeth Salander lên trang nhất. Anh đem điểm tâm về phòng đọc báo. Giờ này tường thuật lên báo có phần nào đó lơ mơ nhưng họ đang đi đúng luồng. Ronald Niedermann, ba mươi lăm, đang bị săn lùng vì giết một cảnh sát. Cảnh sát muốn hỏi hắn có liên quan tới mấy vụ án mạng ở Stockholm. Cảnh sát không đưa thông tin gì về tình hình sức khỏe Salander, cũng không nhắc đến tên Zalachenko. Hắn chỉ được nói đến là một chủ đất ở Gosseberga và xem vẻ báo đài coi hắn là một nạn nhân vô tội.
Ðọc báo xong, Blomkvist bấm mở di động, thấy có hai chục tin nhắn. Ba cái là Berger nhắn bảo gọi cho chị. Hai cái là của Annika em gái anh. Mười bốn cái là của phóng viên ở các báo muốn nói chuyện với anh. Một cái của Malm, gửi anh một lời khuyên ngắn:Tốt nhất nếu anh đáp chuyến tàu đầu tiên về nhà.
Blomkvist cau mày. Malm gửi thế này là rất lạ. Tin nhắn gửi lúc 7 giờ 6 phút tối. Anh đã dẹp ý muốn gọi gấp lại, làm một người phải thức dậy vào lúc 3 giờ sáng. Thay vào đó, anh mở iBook, cắm cáp vào jack băng thông rộng. Anh thấy chuyến tàu đầu tiên đi Stockholm rời ga lúc 5 giờ 20 và không có gì mới ở trên tờ Aftonbladet điện tử.
Anh mở một file word mới, châm thuốc lá, ngồi nhìn màn hình trống không hồi lâu. Rồi bắt đầu gõ phím.
Tên cô ấy là Lisbeth Salander. Nước Thụy Ðiển đã phải nhờ các báo cáo của cảnh sát và tin bài báo chí cùng đầu đề của các báo buổi chiều để biết về cô ấy. Cô ấy hai mươi bảy tuổi, cao một mét năm mươi. Cô ấy đã bị coi là bệnh nhân tâm thần, đứa sát nhân và một kẻ đồng tính nữ thờ Satan. Các chuyện hoang đường đồn thổi về cô ấy hầu như không có giới hạn. Trong số báo này,Millennium sẽ kể câu chuyện các quan chức Chính phủ đã âm mưu chống Salander như thế nào để bảo vệ một tên sát nhân bệnh hoạn...
Anh viết một mạch mười lăm phút, trước hết thuật lại cái đêm anh tìm thấy Dag Svensson và Mia Johansson và tại sao cảnh sát lại tập trung vào Salander và coi cô là nghi can. Anh dẫn các tít báo về băng đồng tính ái nữ Satan cùng hy vọng rõ ràng của truyền thông đại chúng muốn rằng các án mạng này là có liên quan đến tính dục S&M
[1].
Chú thích: [1] Tức tính dục bạo dâm và khổ dâm.Xem đồng hồ, anh vội đóng iBook lại. Anh đóng gói ba lô rồi xuống quầy lễ tân. Anh thanh toán bằng thẻ tín dụng, lên taxi đi đến Ga Trung tâm Goteborg.
*
Blomkvist đi thẳng đến toa ăn, gọi thêm cà phê và sandwich. Anh lại mở iBook, đọc lại hết một lượt. Anh quá mải mê nên không để ý thấy thanh tra Modig cho tới khi chị hắng giọng hỏi liệu chị có thể đến cùng ngồi với anh không. Anh ngước lên, cười ngượng nghịu, đóng máy tính tại.
- Trên đường về nhà đấy chứ?
- Tôi thấy chị cũng thế.
Chị gật đầu:
- Ðồng nghiệp của tôi còn ở lại đến một ngày khác.
- Chị có biết gì về tình hình Salander không? Tôi lăn quay lơ ra ngủ từ lần gặp chị vừa rồi.
- Cô ấy vừa đến bệnh viện là được mổ ngay, đến xẩm tối thì tỉnh lại. Các bác sĩ nghĩ là cô ấy sẽ phục hồi hoàn toàn. Cô ấy may không thể ngờ được.
Blomkvist gật. Anh chợt nhận ra anh không hề lo cho cô. Anh đã chắc chắn là cô sống. Không thể nghĩ là lại xảy ra một kết cục nào khác được cả.
- Có xảy ra cái gì hay khác nữa không? - Anh nói.
Modig nghĩ chị nên nói bao nhiêu với một phóng viên, thậm chí với con người biết về chuyện này còn nhiều hơn cả chị. Mặt khác, chị lại đến bàn anh, và chắc hiện nay ở trụ sở cảnh sát cả trăm phóng viên đang được thông báo tin tức.
- Tôi không muốn anh đưa những điều tôi nói lên báo đâu, - chị nói.
- Tôi hỏi chị đơn giản chỉ vì lợi ích riêng.
Chị bảo anh là hiện đang săn lùng Ronald Niedermann khắp cả nước, đặc biệt ở khu vưc Malmo.
- Còn Zalachenko? Chị đã hỏi lão chưa?
- Cô. Chúng tôi đã hỏi ông ta.
- Thì sao?
- Chuyện này thì tôi không thể nói gì với anh được.
- Nói tiếp đi, Sonja. Không đầy một giờ sau khi đến tòa báo là tôi sẽ biết chính xác những cái chị nói với tôi thôi mà.
Chị ngập ngừng một lát rồi nhìn anh.
- Ông ta chính thức khởi tố Salander, nói cô ấy cố ý giết ông ta. Cô ấy có cơ bị lên án hành hung nghiêm trọng hay mưu toan giết người.
- Và cô ấy hoàn toàn có thể nói là mình tự vệ.
- Tôi hy vọng cô ấy làm như thế, - Modig nói.
- Cái này nghe không giống như lời lẽ chính thức.
- Bodin... Zalachenko trơn như lươn và trả lời hết được mọi điều chúng tôi hỏi. Tôi tin các tình tiết ít nhiều đúng như anh đã nói với chúng tôi hôm qua, nghĩa là Salander đã phải chịu cả một đời bất công - từ lúc mới mười hai tuổi.
- Tôi sắp kể ra câu chuyện này đấy, - Blomkvist nói.
- Nó sẽ không hay cho một số người.
Modig lại ngập ngừng. Blomkvist đợi.
- Tôi mới nói với Bublanski nửa giờ trước. Ông ấy không đi vào chi tiết nhưng hình như đã gác lại cuộc điều tra sơ bộ đối với Salander về án mạng của các bạn anh. Tâm điểm nay chuyển sang Niedermann.
- Có nghĩa là... - Anh bỏ lửng câu hỏi không nói nốt.
Modig nhún vai.
- Ai sẽ nhận việc điều tra Salander?
- Tôi không biết. Chuyện xảy ra ở Gosseberga là chuyện của Goteborg trước hết. Tôi đoán chừng một ai đó ở Stockholm sẽ được chỉ định làm công việc thu thập tất cả tư liệu cho một chuyến công tố.
- Tôi hiểu. Chị nghĩ nếu chuyển điều tra sang cho bên Sapo thì chênh lệch sẽ là thế nào?
Modig lắc đầu.
Sắp đến Alingsas, Blomkvist ngả người sang phía chị:
- Sonja... tôi nghĩ chị hiểu tình hình đang phải chịu những gì. Sẽ tai tiếng ghê gớm nếu câu chuyện về Zalachenko lộ ra. Người của Sapo mưu mô với một bác sĩ tâm thần đã đem giam Salander vào một bệnh viện tâm thần. Việc duy nhất họ có thể làm được hiện nay là cản đường và tiếp tục nói Salander bị tâm thần để biện minh cho việc đối xử với cô ấy hồi năm 1991.
Modig gật.
- Tôi sẽ làm mọi chuyện có thể để chống lại những tuyên bố như thế. Tôi tin Salander cũng lành mạnh y như chị và tôi thôi. Nhưng kỳ lạ, chắc chắn là không thể nào bác bỏ năng lực trí tuệ của cô ấy. - Anh ngừng lại để cho lời anh thấm sâu. - Tôi sẽ cần một ai đó ở bên trong mà tôi có thể tin được.
Chị bắt gặp mắt anh:
- Tôi không có quyền nói Salander bị hay không bị bệnh tâm thần.
- Nhưng chị có quyền nói cô ấy là nạn nhân của một xét xử pháp lý sai hay đúng chứ.
- Anh gợi ý gì đây?
- Tôi chỉ xin chị cho tôi biết liệu chị có nhìn ra thấy Salander lại đang sắp phải chịu một phen xử sai về pháp lý nữa không.
Modig không nói gì.
- Tôi không cần đến các chi tiết điều tra hay cái gì đó tương tự. Tôi chỉ cần biết với các tội người ta khép cho cô ấy thì chuyện gì sẽ xảy ra.
- Nghe thì đây là cái cách hay để anh cho tôi bị đá ra khỏi cảnh sát đấy.
- Chị sẽ là nguồn tin của tôi. Tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ nhắc đến tên chị.
Anh viết một địa chỉ thư điện tử lên một tờ giấy xé từ sổ tay anh ra.
- Ðây là một địa chỉ hotmail không thể dò ra được. Chị có thể dùng nó nếu chị có gì bảo tôi. Ðừng dùng địa chỉ công vụ của chị, hãy lấy một tài khoản hotmail tạm thời của riêng chị.
Modig cho tờ ghi địa chỉ vào túi trong áo jacket. Chị không hứa hẹn gì với anh cả.
*
Sáng thứ Bảy, thanh tra Erlander bị chuông điện thoại gọi dậy lúc 7 giờ. Ông nghe thấy tiếng tivi và ngửi thấy mùi cà phê trong bếp, vợ ông đã vào bếp với các việc vặt ban sáng của bà. Ông đã trở về căn hộ của mình ở Molndal lúc 1 giờ sáng, sau khi trực liền hai mươi tư giờ, cho nên khi cầm máy trả lời ông vẫn chưa tỉnh hẳn.
- Richardsson, ca đêm. Ông dậy chưa?
- Chưa, - Erlander nói. – Mới thôi. Gì thế?
- Có tin. Ðã tìm thấy Anita Kaspersson.
- Ở đâu?
- Bên ngoài Seglora, nam Boras.
Erlander hình dung ra bản đồ ở trong đầu.
- Nam à, - Ông nói. - Hắn đang đi các đường ngược lại. Hắn chắc đã lên đường 180 qua Boras rồi quặt xuống phía nam. Chúng ta báo động cho Malmo chưa?
- Rồi, cả cho Helsingborg, Landskrona và Trelleborg. Và Kariskrona. Tôi đang nghĩ tới con phà đi sang miền đông.
Erlander xoa xoa gáy.
- Hắn đã đi trước chúng ta hai mươi tư giờ. Hắn có thể đã ra khỏi nước rồi. Tìm thấy Kasperson như thế nào?
- Chị ấy tình cờ đến một ngôi nhà ở ngoại vi Seglora.
- Chị ấy cái gì?
- Chị ấy gõ cửa...
- Là anh muốn bảo chị ấy còn sống hả?
- Tôi xin lỗi. Tôi nói chưa đủ rõ ràng. Chị Kaspersson này đã đá vào cánh cửa của một ngôi nhà vào lúc 3 giờ 10 sáng nay, làm sợ hết hồn một cặp vợ chồng và con cái đang ngủ. Chị ấy đi chân đất mà lại bị bệnh giảm thân nhiệt nặng. Hai tay bị trói ra đằng sau, đang ở bệnh viện Boras, gặp lại chồng rồi.
- Nhộn nhỉ. Tôi nghĩ chúng ta đã cho là chị ấy chết.
- Đôi khi ông cũng có thể bị bất ngờ. Nhưng đây là tin xấu đây, Spangberg, Phó chánh cảnh sát tỉnh đã ở đây từ 5 giờ sáng. Bà ấy nói trắng ra là muốn gọi ông dậy và tới Boras thẩm vấn người phụ nữ kia.
*
Là sáng thứ Bảy, Blomkvist cho rằng tòa soạn Millennium rỗng không.
Xe lửa đi vào Stockholm thì anh gọi Malm hỏi có gì mà giọng nhắn tin của anh ấy nó lại ra như thế.
- Anh ăn sáng chưa? - Malm hỏi.
- Rồi, trên tàu.
- OK. Ðến chỗ tôi đi rồi tôi sẽ cho anh một cái gì đó thực chất hơn.
- Về chuyện gì chứ?
- Cứ đến rồi tôi khắc bảo anh.
Blomkvist đi xe điện ngầm đến Medborgarplatsen rồi đi bộ đến Allhelgonagatan. Bạn trai của Malm, Arnold Magnusson mở cửa cho anh. Bất kể cố gắng dữ đến mấy, Blomkvist vẫn không tài nào gạt đi được cái cảm giác đang nhìn vào một quảng cáo cho một món gì. Magnusson hay lên sân khấu ở Dramaten và là một trong những diễn viên nổi tiếng nhất Thụy Ðiển. Nhìn vào sát người anh Blomkvist luôn thấy bị sốc. Bình thường các tên tuổi không gây được mấy ấn tượng với Blomkvist nhưng Magnusson có một bề ngoài nổi bật và quá quen thuộc nhờ các vai của anh trên truyền hình cũng như điện ảnh, đặc biệt vì anh đóng vai thanh tra Frisk hay cáu nhưng trung thực trong một bộ phim truyền hình nhiều tập dữ dằn nổi tiếng phát đi mỗi lần chín chục phút. Blomkvist luôn chờ anh ứng xử đúng như Gunnar Frisk.
- Chào, Mikael, - Magnusson nói.
- Chào, - Blomkvist nói.
- Vào bếp đi.
Malm cho anh ăn bánh kếp vừa mới làm với mứt dâu rừng và cà phê. Chưa kịp ngồi, Blomkvist đã nổi cơn thèm ngay. Malm muốn biết chuyện gì đã xảy ra ở Gosseberga. Blomkvist kể vắn tắt lại cho anh. Sang cái bánh kếp thứ ba anh mới nhớ hỏi ở nhà có chuyện gì.
- Bọn tôi có một vấn đề nho nhỏ ở Millennium khi anh đang tác nghiệp rất đúng kiểu Blomkvist ở tít tận Goteborg.
Blomkvist nhìn xoáy vào Malm.
- Thế là thế nào?
- À, chả có gì quan trọng. Erika nhận chức Tổng biên tập tờ Svenska Morgon-Posten. Chị ấy xong việc ở Millennium hôm qua.
Phải một lúc Blomkvist mới nuốt trôi được cái tin làm bàng hoàng này. Anh ngồi ngẩn ra đó nhưng không nghi ngờ sự thật của nó.
- Sao cô ấy không báo ai trước chứ nhỉ? - Cuối cùng anh nói.
- Vì chị ấy định bảo anh trước nhưng chị ấy mấy tuần liền không liên hệ được với anh, vì cho là anh hai tay đang ôm đầy chuyện của Salander. Chị ấy rõ là muốn báo anh trước tiên cho nên đã không thể nói với chúng tôi mà thời gian thì cứ trôi đi thôi... Rồi chị ấy thấy lương tâm mình có lỗi không thể chịu nổi và cảm thấy hãi hùng. Mà trong bọn tôi chả ai để ý thấy cái gì cả.
Blomkvist nhắm mắt lại.
- Trời đày, - anh nói.
- Tôi hiểu. Nay hóa ra anh lại là người cuối cùng ở cơ quan biết chuyện này. Tôi muốn có dịp tự tôi báo để cho anh hay chuyện gì đã xảy ra và đừng nghĩ là có ai đó đang làm gì ở sau lưng anh.
- Không, tôi không nghĩ thế. Nhưng trời ạ... Cô ấy mà được thế thì tuyệt, nếu cô ấy muốn làm việc ở SMP nhưng còn chúng ta thì sẽ làm cái khỉ gì đây.
- Malin sẽ là quyền Tổng biên tập bắt đầu từ số báo sau.
- Eriksson à?
- Trừ khi anh muốn làm Tổng biên tập...
- Lạy Chúa, không đâu.
- Tôi nghĩ là thế. Vậy Malin sẽ là Tổng biên tập.
- Ðã chỉ định Phó tổng biên tập chưa?
- Henry. Anh ấy ở với chúng ta đã bốn năm. Ít có thực tập viên nào lâu hơn thể.
- Tôi có được chọn trong chuyện này không?
- Không, - Malm nói.
Blomkvist cười khô khốc.
- Ðúng. Chúng ta cứ để sự thể đi theo cách các bạn đã quyết định. Malin thì rắn nhưng không tự tin. Henry thường hay xốc nổi đôi chút. Chúng ta cần để ý hộ cho cả hai.
- Đúng, sẽ như thế.
Blomkvist ngồi im, hai tay ủ tách cà phê. Không có Berger thì trống vắng ghê lắm đây và anh không chắc công việc ở tạp chí rồi sẽ ra sao.
- Tôi cần gọi Erika và...
- Không thì tốt hơn.
- Ý anh là sao?
- Chị ấy đang ngủ ở cơ quan. Ði đánh thức hay làm cái gì đó cho chị ấy đi.
*
Blomkvist thấy Berger ngủ say trên sofa trong văn phòng chị. Chị đã làm miết việc dọn hết mọi vật dụng cá nhân ra khỏi bàn giấy và các giá sách cũng như xếp dọn các giấy tờ chị muốn giữ. Chị đã cho vào đầy năm sọt đựng đồ đạc. Anh đứng ở lối ra vào nhìn chị một lúc rồi mới đi đến ngồi xuống một đầu sofa đánh thức chị.
- Nếu cần ngủ thì sao cơn cớ gì lại không đến nhà anh mà phải ngủ trong phòng làm việc, - anh nói.
- Chào, Mikael.
- Malm đã bảo anh rồi.
Chị vừa sắp nói gì đó thì anh cúi xuống hôn vào má chị.
- Trông anh nhợt nhạt thế?
- Như điên rồ.
- Em rất tiếc. Em không thể thoái thác. Nhưng thấy cứ là không phải, bỏ tất cả anh chị em giữa lúc tình thế gay go không hay như thế này.
- Anh không thể là người phê hình em bỏ tàu được. Giữa lúc tình hình còn gay go tồi tệ hơn thế này nhiều, anh đã bỏ em.
- Hai chuyện chả liên quan gì đến nhau. Anh là nghỉ việc, Còn em thì bỏ đi hẳn mà chả bảo với ai. Em xin lỗi.
Blomkvist cười ủ ê với chị.
- Cái lúc nó đến thì cứ là thế thôi. - Rồi anh nói thêm bằng tiếng Anh. - Một người phụ nữ phải làm những gì người phụ nữ phải làm và tất cả các trò ú ớ.
Berger mỉm cười. Anh đã nói với chị những câu này khi anh đi lên mạn Hedeby. Anh giơ tay ra âu yếm nựng tóc chị.
- Anh không hiểu tại sao em lại bỏ cái nhà điên loạn này... nhưng làm thủ lĩnh của tờ báo cao bồi lớn nhất Thụy Điển... thì chỉ một thời gian nữa là chìm.
- Có khá ít phụ nữ hiện làm việc ở đó.
- Ba láp. Hãy xem trên báo đi. Nó cứ là nguyên trạng suốt thế thôi à. Em chắc là một cô đắm đuối tự hành xác. Chúng ta có nên đi kiếm ít cà phê không?
Berger ngồi dậy.
- Em cần biết chuyện gì xảy ra ở Goteborg.
- Anh đang viết bài về nó đây, - Blomkvist nói. - Khi chúng ta đăng lên thì chiến tranh sẽ nổ. Chúng ta nói chuyện này ra cùng lúc với phiên tòa xét xử. Anh hy vọng em không nghĩ sẽ đem bài của anh sang bên SMP. Thực ra anh muốn em viết một cái gì về câu chuyện Zalachenko trước khi em rời đây đi.
- Mikael... Em...
- Bài xã luận cuối cùng của em. Khi nào thích thì em viết. Muốn gì thì gần như chắc chắn là sẽ không đăng nó trước phiên tòa.
- Em không chắc cái đó là ý hay đâu. Anh nghĩ nó nên là về vấn đề gì?
- Luân lý, - Blomkvist nói. - Câu chuyện về tại sao một đồng nghiệp của chúng ta bị giết vì mười lăm năm trước đây Chính phủ đã không làm công việc của họ.
Berger biết rất rõ anh muốn loại xã luận gì. Muốn gì thì Svensson cũng đã bị giết khi chị đang cầm lái. Thình lình chị cảm thấy tâm trạng mình dễ chịu hơn nhiều.
- OK. Bài xã luận cuối cùng của em.