HỒI THỨ MƯỜI
Tỏ oai thần Triệu Quốc Thành chém tướng Ngô,
Lấy Đô Bàng Phan Thái Tâm dùng kế lạ

     ói về Nhụy Kiều tướng quân Triệu Thị Trinh sau khi đã lấy được huyện Nông Cống, liền mở tiệc khao quân rất là vui vẻ. Hôm đó trời vừa tảng sáng, bà liền hạ lệnh quân sĩ ra giáo trường để điểm duyệt. Lúc Thị Trinh ngồi trên đài trông xem tướng tá, bỗng thấy một hồi trống ở trung quân trướng, bà giật mình đứng dậy, phất cờ bảo quân sĩ hãy về trại nghỉ ngơi, rồi cùng các tướng về thẳng trung quân trướng. Khi vào tới trướng, trông thấy hai tên quân giữ một người mặc võ trang mầu chàm, bên cạnh dắt thanh mã tấu đứng sững ở giữa trướng, nét mặt vui vẻ không chút gì là sợ hãi. Thị Trinh liền quát:
- Đứa nào! Quân bay! - Hai tên quân liền quỳ xuống:
- Chúng tôi canh ở cổng thành, bỗng thấy người này rún mình nhẩy qua hào, vì lúc đó chưa hạ điếu kiều, rồi người này rún mình nhẩy lên mặt thành, lại băng mình xuống đất và ung dung đi thẳng vào đại trướng. Chúng tôi nghi là quân gian tế, nên cùng nhau chạy lại bắt hỏi, thì người này cười khanh khách giơ tay ra chịu trói. Chúng tôi hỏi tên, thời người này quát lên rằng: “Lũ mi đừng láo xược”, rồi cứ mặc cho chúng tôi dẫn vào đây, vậy chúng tôi phải báo hiệu để Đức bà về định liệu.
Thị Trinh nghe vậy thời mỉm cười bảo:
- Thôi cho hai chúng ngươi đi ra.
Hai tên quân vâng mệnh đi ra.
Rồi Thị Trinh lên ngồi ghế giữa, truyền người kia quỳ xuống và nói:
- Người kia! Mi là hạng người nào mà dám táo gan ngang nhiên vào đây hử?
Người nọ quỳ xuống nói:
- Tôi không phải là quân do thám chi cả. Đức bà muốn biết xin xem bức thư này là đủ.
Nói xong thò tay vào bọc rút lá thư đứng dậy đưa cho Thị Trinh. Thị Trinh xem xong mỉm cười mà rằng:
- Vậy nhà ngươi là Lê Vân, tì tướng của đại huynh ta?
- Thưa, vâng!
- Khá khen cách hành động của nhà ngươi đó. Thôi cho về phục mệnh cùng chủ soái ngươi.
Lê Vân, phải chính người đó là Lê Vân, tì tướng của Quốc Đạt, sau khi vâng mệnh vào thành, Lê Vân tự nghĩ: - Nếu ta mà gọi thành rồi xưng danh họ mấy cho vào thì hèn lắm. - Nghĩ vậy, nên chàng vào đến chân thành, nhón gót nhảy qua hào, rồi nhún mình nhảy lên mặt thành, lại nhảy xuống dưới, rồi cứ đương nhiên mà đi, đến khi bị quân trói rồi vào trướng xem cách hành động của Thị Trinh thời rất lấy làm kính phục, lại đến khi nghe nói thời tấm lòng khâm phục lên tới cực điểm. Khi thấy Thị Trinh cho về thời vội vàng trở ra, nhưng nghĩ: - Nếu ta ra bây giờ e quân sĩ lại tưởng mình trốn, chi bằng ta xin một cái giấy cho việc khỏi lôi thôi. - Nghĩ vậy nên quay lại nói:
- Đức bà rộng ơn cho tiểu tướng xin một cái giấy để đi từ đây ra cổng thành kẻo quân sĩ ngờ vực thì không tiện. - Thị Trinh lấy làm phải, liền viết cho một tấm thiếp rồi đưa cho Lê Vân. Vân từ giã đi ra thẳng đường về trại.
Sau khi Lê Vân đã đi khỏi, Thị Trinh liền truyền Phó tiên phong Trần Quý ra giáo trường điểm duyệt lấy 500 quân toàn mặc quần áo đỏ nẹp xanh, tay cầm gươm trường đến đại trướng. Trần Quý vâng lời đi trong chốc lát dẫn 500 quân về đại trướng. Thị Trinh liền lên ngựa, hai bên có hai viên nữ tì tướng hộ vệ, cùng Phan Thái Tâm, Vũ Lăng Chấn, Ngô Thúc Đoan, Lê Huy Thọ dẫn quân ra khỏi cổng thành rồi thẳng đường đến trại Quốc Đạt.
Nói về Quốc Đạt đang ngồi bàn việc cùng mười viên tướng, bỗng thấy quân vào báo:
- Có một toán quân, chủ tướng lại là một người con gái, xin mời chủ soái ra nói chuyện.
Quốc Đạt nghe báo biết là em đến thời vội vàng cùng các tướng lên ngựa đi ra. Thị Trinh ở ngoài bỗng thấy cửa trại mở rồi lộ ra một lá cờ đỏ hồng thêu kim tuyến một chữ “Triệu” rất to, dưới lá cờ Triệu Quốc Đạt mặc nhung phục, tay cầm bảo kiếm ngồi trên con ngựa Ô vân, theo sau mười viên tướng và ngót nghìn quân hàng lối đi ra rất là hùng dũng oai nghiêm. Quốc Đạt, đôi mắt tinh anh sáng quắc nhìn vào Thị Trinh mà rằng:
- Hiền muội đến thăm, ngu huynh chưa kịp nghinh tiếp…
Thị Trinh thấy anh nói như vậy thời vội vàng nhảy xuống ngựa nói:
- Tội em, xin anh thứ lỗi. Anh đừng nói quá như vậy.
Quốc Đạt giơ tay lên nói:
- Thôi em đừng nhắc đến việc đã qua nữa!
Thị Trinh cúi đầu rút kiếm chỉ lên trời dõng dạc nói:
- Vì nước, vì dân, em phải hưng binh theo chí hướng của cha già. Và hay nữa là vận nước ta đến ngày hưng thịnh. Ngày nay việc đã thành lập và đã tiến hành được một ít, em được gặp anh thật thấy rất lấy làm sung sướng. Vậy anh cố theo cho tới mục đích và quên tấm thân mình mà đền ơn cho Tổ quốc. Ở đây, không phải là phòng nói chuyện, không phải là đại trướng, không phải là chỗ bàn kế hoạch. Vậy em xin mời anh cùng quân tướng về huyện thành Nông Cống…
Quốc Đạt nghe nói gật đầu mà rằng:
- Em nói phải! Anh xin y lời.
Rồi ngoảnh lại hô quân:
- Ba quân nghe lệnh ta truyền.
Dứt tiếng hô, đoàn quân nghĩa dũng dạ ran. Quốc Đạt tay cầm cờ lệnh phất một cái, tức thì đoàn quân sĩ hùng dũng răm rắp tiến đi. Hai toán quân cứ từ từ tiến thẳng vào thành.
Vào đến trong thành, Thị Trinh liền truyền quân sĩ mổ trâu giết bò làm tiệc vang lừng vui vẻ…
Giữa trướng, một chiếc sập kê sát vách, trên sập Thị trinh ngồi trầm ngâm, hai con mắt đưa đi đưa lại, lúc cau mày, lúc hớn hở. Hai bên hai hàng tướng im phăng phắc nghe lệnh. Bỗng thấy một tên tì tướng từ ngoài vụt chạy vào quỳ xuống nói to:
- Tâu Đức bà, tướng Ngô đương thách đánh. - Thị Trinh cười mà rằng:
- Chà! Chúng khinh miệt ta thực, lại thằng Huyện lệnh Nông Cống trước chứ gì?
Tên tì tướng nói: - Bẩm không phải!
Thị Trinh cau mày nói: - Thế thì đứa nào?
- Bẩm, tôi thấy quân Ngô chúng nó nói với nhau là Dương Quỳ chứ không phải là thằng Huyện lệnh Nông Cống. Vì người ấy tên là An Tùng kia ạ!
Thị Trinh gật đầu nói:
- Ừ phải! Thôi cho nhà ngươi ra.
Dứt nhời tức thời tên tì tướng lui ra. Rồi Thị Trinh đứng dậy nói:
- Ai ra lấy đầu tướng Ngô cho bản soái?
Dứt nhời, tiên phong Triệu Quốc Thành đứng ra nói:
- Mạt đệ xin ra lấy đầu Ngô tướng.
Thị Trinh vui mừng gật đầu. Tức thời Triệu Quốc Thành ra giá binh khí lấy chiếc tử kim thương rồi lên ngựa dẫn 100 quân ra thành nghênh chiến. Thị Trinh cũng dẫn các tướng lên địch lâu xem thế trận. Triệu Quốc Thành ra đến ngoài thành trông thấy quân Ngô đang hò reo thách đánh thời nổi giận chỉ tay hét lớn:
- Chà! Lũ chó Ngô giỏi thực! Mau về bảo chủ tướng bay ra chịu chết!
Quân Ngô thấy vậy, đều xô chạy về báo với chủ tướng là Dương Quỳ. Dương Quỳ lúc đó đang ngồi ngất ngưởng trong đại trại cùng các tì tướng uống rượu, hết nai161 nọ đến nai kia, say quá thành ra chủ với tướng đều lả ra mà ngủ như chết, quân vào báo gọi mãi mới dậy. Dương Quỳ thấy quân báo thời dở giọng kiêu ngạo lè nhè quát tháo:
- Đồ khốn nạn chúng bay làm mất giấc ngủ của ông, liệu hồn không thì chết giờ. Báo… báo cái gì. Muốn tốt bước ngay.
Bọn quân sĩ sợ hãi run lên như cầy sấy nói:
- Bẩm tướng của quân nghịch gọi chủ tướng ra… ạ!
Dương Quỳ nói:
- Lũ chó chết ấy ta coi mùi gì, chúng mày đi gọi tì tướng Cao Lâm ra đối địch nghe!
Bọn quân lui ra đi gọi Cao Lâm. Cao Lâm lúc bấy giờ cũng say rượu be bét không muốn làm việc gì, nhưng thấy mệnh chủ tướng thì vội vàng lên ngựa kéo quân ra đối địch.
Nói về Quốc Thành đang đợi ở ngoài, bỗng thấy cửa trại quân Ngô mở, một tướng ngồi trên mình ngựa, mặt đỏ gay, hai mắt lờ đờ, cầm thanh đại đao thong thả dẫn quân đi ra, trông dáng điệu rất là khả ố. Quốc Thành nổi nóng quát:
- Ngô tặc! Mi có phải Dương Quỳ không hử?
Cao Lâm đang lúc dở say dở tỉnh nghe tiếng quát thời giở giọng khàn khàn nói:
- Dương… Dương cái gì! Chủ tướng tao không thèm địch với mày. Tao đây! Cao Lâm đây mày có giỏi hãy địch với tao đã.
Quốc Thành cả giận quát:
- Lũ chó Ngô kia! Chúng mày hãy về báo với Dương Quỳ ra đây đã. Còn như cái bộ dạng mày chỉ tên quân của ta cũng đánh nổi.
Cao Lâm đang lúc say mà lại có những nhời kích thích như vậy thời cả giận múa đao quát to:
- Mày hãy xem thần đao của ta đây!
Quốc Thành mỉm cười xuống ngựa đưa thương cho tên quân rồi tay không nhún mình nhảy vọt lên đá hất một cái vào Cao Lâm, khiến cho thanh đao bắn vọt ra một chỗ, rồi tiện tay nắm chặt vào cổ Cao Lâm, dập xuống mà quát lên rằng:
- Phường chó chết mi đã biết tay ta chưa?
Dứt nhời giơ tay quật một cái, chỉ nghe thấy một tiếng “ắc”, Cao Lâm chết tươi!…
Bọn quân Ngô thấy chủ tướng bị giết, đều đổ xô nhau mà chạy…
Quốc Thành liền thúc quân đuổi theo đến cửa trại, Quốc Thành truyền cho bác loa thét vang trời dậy đất, tiếng trống trận ầm ầm như sấm dậy, nhưng trong trại Ngô vẫn không thấy tướng nào ra, bọn quân Ngô thì xôn xao náo động. Quốc Thành tức bực hô quân nhất tề phá trại xông vào. Vào đến đại trại, một loạt tướng Ngô đều mắt nhắm mắt mở tìm đường trốn chạy, Quốc Thành quát lớn:
- Ngô tặc! Mi có chạy đi đằng trời!
Dứt lời, chiếc tử kim thương ở trên tay quay cuồng như chong chóng, ngót mười viên tì tướng của Dương Quỳ chỉ chốc lát đã đều làm quỷ không đầu. Dương Quỳ lúc đó vớ vội được chiếc mã tấu rồi mắt nhắm mắt mở chạy ra để đối địch với Quốc Thành. Nhưng ôi thôi! Vừa ra tới nơi chỉ kịp kêu một tiếng “Ối”, máu ở ngực trào ra, rồi rền rĩ, hồn về địa ngục. Như còn chưa hả giận, Quốc Thành xuống ngựa vung kiếm chém lấy đầu Dương Quỳ rồi hô quân chém giết lũ quân Ngô một hồi, mới thu quân về trại.
Chiều tà, ánh thái dương đã dần dần khuất sau rặng núi mầu xanh thẫm, trên lầu huyện thành Nông Cống nổi lên một hồi trống thu không, vẳng nghe như rền rĩ âm thầm. Bức màn trời đen tối lại từ từ buông xuống hình như giấu kín bao sự bí mật thiêng liêng và khủng khiếp.
Trong đại trướng huyện thành Nông Cống đèn thắp sáng choang. Trên sập, Thị Trinh ngồi nghĩ ngợi. Im lặng, hai hàng tướng ngồi hai bên đều không nói nửa nhời, như ẩn một sự gì huyền bí. Bỗng Thị Trinh ngửng đầu liếc mắt trông hàng tướng rồi nói:
- Hôm nay Triệu Quốc Thành ra trận, kể thế cũng đã làm cho quân Ngô bạt vía kinh hồn rồi, nhưng không có lẽ chỉ thế thôi. Vậy ta muốn lấy huyện Đô Bàng rồi mới lấy lấy sang huyện khác. Nhưng huyện Đô Bàng lại gần đây, ta chắc ở đó họ phòng bị rồi, vậy ai dám ra lĩnh cái trách nhiệm nặng nề đó.
Bà nói dứt nhời bỗng một tướng bước ra nói:
- Tiểu tướng Phan Thái Tâm xin đảm nhiệm việc lấy Đô Bàng.
Thị Trinh tỏ vẻ mặt nghêm nghị mà rằng:
- Lấy Đô Bàng cũng không phải là khó, nhưng có một điều ta cần dặn: phải tùy theo công việc mà hành động, cốt nhất là cẩn thận, lúc nào cũng phải nghĩ đến dân nước đừng uống rượu là một, đừng chơi phiếm162 là hai, đừng nhãng quên kỷ luật là ba. Ấy ba điều ấy tướng quân nên nhớ. Còn việc đảm nhiệm ta ưng thuận, đến sáng mai cho phép tướng quân điểm lấy 300 quân nghĩa dũng mà đi lấy Đô Bàng.
Hôm sau, mới tờ mờ sáng, trong huyện thành Nông Cống một toán quân đi đầu một viên tướng tức là Phan Thái Tâm từ từ yên lặng đều răm rắp tiến thẳng ra phía cổng thành…
Trời gần sáng, xa nghe những tiếng cú kêu vượn hót ở trong những khu rừng đen tối âm u và trong những làng xóm gần đó, tiếng gà gáy ran lên như thức tỉnh những người làm việc. Đoàn nghĩa dũng quân vẫn đi, yên lặng không một tiếng xì xào, những vó ngựa, những chân người đập xuống đất rầm rập.
Đằng phía đông lộ ra một vừng đỏ ối, rồi con quạ lửa từ phía chân trời xa sắp từ từ hiện lên chiếu những ánh vàng le lói xuống nhân gian.
Đoàn quân lúc vào rừng lúc ra suối, khúc khuỷu quanh co, có lúc cùng nhau leo trèo trên những trái núi cao ngất tới từng mây, nhưng vẫn hăng hái không dừng. Còn cách Đô Bàng 15 dặm, Thái Tâm liền dừng quân hạ trại nghỉ. Sáng hôm sau, dứt một hồi trống cái, một toán quân từ trong tiến ra. Phan Thái Tâm cưỡi ngựa mầu gio, tay cầm chiếc giáo dài, đi đầu, dưới một lá cờ đại đỏ hồng thêu kim tuyến một chữ “Phan” rất to. Toán quân theo lệnh Thái Tâm răm rắp yên lặng tiến đi đến gần cổng thành, dàn bày trận thế. Rồi chàng thúc ngựa ra trước trận, đứng dưới cờ cầm kiếm chỉ tay lên mặt thành mà thét lớn:
- Bớ quân Ngô! Mau mau ra báo cùng viên Huyện lệnh ra đây chịu chết. - Dứt tiếng thét, quân Ngô hò reo thách đánh.
Nói về viên Huyện lệnh Đô Bàng là người rất nhát về việc binh mã, mà về cái môn “khoét” thời khéo lắm. Hôm đó đang ngồi trong trướng cũng với mấy viên mạc tân để tìm cách cự địch quân loạn, bỗng thấy quân thám mã về báo rằng:
- Toán quân của Lã Thái thú sai về đánh Nông Cống đã bị thất bại và chết không còn sống sót một tên quân nào, hiện chúa đảng quân nghịch đã sai một viên tướng về đánh huyện Đô Bàng, hiện tướng của loạn quân đã tới và đang reo hò thách đánh.
Viên Huyện lệnh nghe báo giật mình nói với mấy viên mạc tân rằng:
- Gớm! Quân nghịch giỏi thực! Nông Cống đã bị mất, lại tổn hại mất bao nhiêu quân sĩ, chẳng hay các tiên sinh có biết chúa đảng là người nào không?
Viên mạc tân Trương Cẩn nói:
- Chúa đảng của nó là một người con gái, tên gọi là Triệu Thị Trinh, con lão đồ ở huyện Nông Cống mà ta vẫn thường dò xét cách hành động của nó.
- À, gớm nhỉ! Giỏi nhỉ! Không ngờ ở cái đất mọi rợ này lại có những người như thế. Bây giờ làm thế nào? Các tiên sinh?
Trương Cần ung dung nói:
- Bây giờ đại nhân nên sai một tướng ra nghênh địch, nếu xem tình hình thế quân địch mà hăng thì ta cố thủ, chờ khi nào Lã Thái thú cho quân cứu viện sẽ hay, nếu quân địch kém thời ta đem toàn quân ra chỉ đánh cho một trận khiến quân kia phải lui. Ấy đấy là kế của tôi đó, đại nhân nghĩ thế nào? Các tiên sinh nghĩ thế nào?
Viên Huyện lệnh gật đầu mà rằng:
- Phải đấy! Trương tiên sinh nói phải đấy.
Dứt nhời truyền tì tướng và Phàn Hoạt lĩnh 300 quân ra trận. Phàn Hoạt vâng mệnh lên ngựa cầm đao phát pháo ra thành. Ra đến ngoài, Hoạt trông thấy một toán quân xếp hàng đứng im phăng phắc, gươm giáo sáng choang, mà viên chủ tướng thì là người Giao Chỉ, ngồi trên con ngựa mầu gio, tay cầm giáo dài, trông có vẻ oai nghiêm hùng dũng thì đã thấy hơi sợ. Nhưng cái lòng tự kiêu tự đắc đã quen làm cho Hoạt không nghĩ gì nữa, liền cầm đao quát to lên rằng:
- Lũ mọi rợ kia! Cớ sao dám chống cự lại thiên binh? Muốn sống xuống ngựa đầu hàng, ta sẽ tha chết cho, bằng không, thanh thần đao này sẽ đưa hồn nhà người về…
Chưa kịp nói xong, một mũi tên cắm phập vào ngang vai, Hoạt lêu rú lên, chưa kịp rút tên thời bỗng một mũi tên nữa vụt lại cắm vào bên vai nữa, bọn quân Ngô đều kinh ngạc, mà cả bên kia Thái Tâm cũng kinh ngạc. Bỗng từ trên cây thông gần đấy, một người mặc quần áo đen băng mình nhảy xuống, tay cầm bảo kiếm múa tít lên như chong chóng, rồi lại thò tay vào bọc rút một mũi phi tiêu, nhằm thẳng Phàn Hoạt mà lao, tức thời Phàn Hoạt rú lên một tiếng nữa, ngã vật xuống ngựa chết ngay. Phàn Hoạt chết rồi, người ấy thét luôn:
- Ngô cẩu xem kiếm của ta. - Rồi một lưỡi kiếm vùn vụt bay thẳng vào đám quân Ngô, chỉ một lát bọn quân Ngô chết ngổn ngang, còn một ít chạy về đến cổng thành vì lúng túng thành ra lăn ùm xuống hào mà chết.
Người mặc áo đen chém giết một hồi rồi quày lại. Phan Thái Tâm buột miệng kêu:
- Kìa Lê Huy Thọ tướng quân sao lại ở đây? Kỳ lạ quá, anh giỏi quá, tôi không ngờ anh lại có cái bản lĩnh cao siêu như vậy, nhất là phi tiêu của anh giỏi quá!
Người mặc áo đen khành khạch cười mà rằng:
- Phải, Lê mỗ đây, tướng quân hãy dẫn quân về trại rồi ta sẽ nói chuyện. - Dứt nhời, Huy Thọ vụt một cái lên cây thông, cất tiếng giòn giã rồi dùng thuật phi hành vùn vụt về trại…
Thái Tâm thấy cách hành động của Huy Thọ như vậy thời rất lấy làm cảm phục. Dẫn quân về trại thì đã thấy Huy Thọ ngồi ngất ngưởng ở giữa đại trướng. Thái Tâm kinh ngạc nói:
- Gớm tướng quân làm gì mà thần xuất quỷ một như vậy, sao chẳng đợi ngu đệ với?
Huy Thọ cười mà rằng:
- Mỗ không có ngựa thì chờ thế nào được?
Thái Tâm phì cười mà rằng:
- Phải! Thế tại sao anh lại lòi ra đây thế?
Huy Thọ cười mà rằng:
- Đức bà sai tôi đi giúp anh đó, vì sợ ở đấy canh phòng cẩn mật e không phá nổi.
Thái Tâm nói:
- Gớm! Đức bà cẩn thận quá! Thế sao anh không bảo tôi mà lại làm tôi không hiểu thế nào?
Lê Huy thọ vừa cười vừa nói:
- Này nhé! Tôi vâng mệnh Đức bà đi từ mờ sáng hôm nay, vì có nghề phi thân nên mới nhanh thế chứ. Đến đây tôi vào trại tìm quanh quẩn mà không thấy anh đâu. Nên chạy ra thấy anh đang hành quân thì vội vụt lên cây thông mà ngồi, đến khi thấy cái thằng mạt kiếp ấy ra nói những giọng khó nghe quá không muốn để cho nó ở trước mặt một khắc nào nữa nên bắn vài mũi tên cho nó chết đi rồi vụt xuống làm cho cũng nó phải một bữa kinh hồn táng đởm.
Thái Tâm nghe Huy Thọ kể một hồi, lấy làm cảm phục, bỗng Huy thọ vỗ vai nói:
- Nào! Anh Tâm cho mỗ chén chứ? Kiến bò bụng rồi! Từ sáng đến giờ nhược xác lại không có một tí gì vào bụng thì chịu thế nào được.
Thái Tâm nghe nói vui vẻ sai quân đi làm tiệc.
Lát sau tiệc đã sẵn sàng, hai người đều ngồi lại ăn uống đàm đạo rất là vui vẻ.
Ngoài trời con quạ lửa rọi những tia vàng le lói xuống chỗ chiến trường hình như để ngắm nghía những việc của người đời, hành động. Và khi ấy trong huyện Đô Bàng, quanh chiếc bàn chữ nhật, mấy viên mạc khách cùng viên Huyện lệnh ngồi bàn việc, những bộ mặt ngây ngô kinh sợ ngửng lên cúi xuống thở dài, những con mắt cứ nhìn nhau rồi như thất vọng… Bỗng viên Huyện lệnh nói:
- Hay là bây giờ liều một trận.?
Mạc khách Hàn Tân nói:
- Thôi gọi là cố thủ! Cố thủ! Đừng liều mà chết cả nút. Đấy xem như Phàn Hoạt chết như chơi ấy…
Viên Huyện lệnh ưng nhời, rồi yên lặng các mạc khách đều âm thầm đem theo cái bộ mặt thất vọng lui ra giải tán…
… Rồi từ đấy, trên mặt thành Đô Bàng những quân Ngô vâng mệnh lệnh đứng chống giữ không để cho quân nghịch vào thành. Thái Tâm mấy lần đánh thành nhưng không được, tức bực, sau chàng nghĩ được một kế, liền vào trướng bàn với Huy Thọ. Huy Thọ khen phải rồi chàng từ giã trở về trại với cái nụ cười sung sướng của kẻ anh hùng. Đêm hôm ấy, một đêm trăng sao mờ mịt, trên bầu trời đen sẫm vài chấm sao mờ lấp lánh, một bóng đen rạp trên con ngựa bạch, phi như bay về phía huyện thành. Đến chân thành, bóng đen nhảy xuống ngựa, buộc xong đâu đấy rồi rún một cái như con én lên mặt thành, lại vùn vụt trên những nóc nhà, tiến đến dinh viên Huyện lệnh nằm rạp xuống mái ngói nghe ngóng. Bóng đen bí mật tay rút mấy viên ngói trông xuống, một lát rồi cầm một vật gì sáng quắc như con dao buộc kèm với một tờ giấy rồi lao xuống… “Phập”, con dao cắm thẳng vào chiếc bàn ở giữa dinh. Bóng đen cất tiếng cười giòn giã rồi phi thân vùn vụt đi về phía nhà viên phòng thành nhảy xuống cậy cửa vào… Chỉ một lát trên tay bóng đen đã cầm một cái đầu lâu đẫm máu, rồi vùn vụt chạy lại dinh viên Huyện lệnh ném vào cái bàn lúc nãy… Hành động xong công việc bí mật, bóng đen lại vùn vụt phi thân ra ngoài thành nhẩy lên ngựa, con ngựa rít lên một tiếng ghê hồn, rồi cất bốn vó phi như bay vào trong khoảng tối âm thầm… Bóng đen ấy là ai? Sao lại hành động một cách bí mật như vậy, mà không ai biết? Ký giả xin trả lời một câu vắn tắt: “Người ấy là Phan Thái Tâm” vậy. Phan Thái Tâm sau khi nghĩ được mưu kế liền định viết một bức thư đe dọa viên Huyện lệnh cho y sợ để dễ hành quân. Thái Tâm sau khi đã làm xong công việc rồi liền về trại chờ tin tức. Mờ sáng hôm sau, trong dinh viên huyện lệnh Đô Bàng ai cũng nhớn nhác sợ hãi. Viên Huyện lệnh đêm hôm ấy đang ngủ bỗng nghe thấy đánh phập một cái, một luồng bạch quang vụt xuống mặt bàn. Viên Huyện lệnh giật mình không hiểu là cái gì, một lát sau, bỗng lại thấy một tiếng bốp, một vật gì lù lù như quả bưởi rất to từ trên cao rơi xuống. Viên Huyện lệnh thất kinh kêu váng cả lên, bọn gia nhân thấy vậy đều nhớn nhác đèn đuốc đem vào thảy đều kinh ngạc, lắc đầu lè lưỡi. Viên Huyện lệnh trông thấy kêu rú lên một tiếng miệng lắp bắp hỏi:
- Đầu… đầu ai mà ở đây?… Dao nào kia?
- Bẩm, bẩm đầu quan phòng thành, lại có một tờ giấy nữa ạ!
Thấy nói có tờ giấy, viên huyện lệnh vội nói:
- Mau lấy ta xem! Giấy gì? - Tên gia nhân sợ hãi vội lấy cái que cời tờ giấy ra đưa cho viên Huyện lệnh, viên Huyện lệnh tiếp lấy xem thấy mấy hàng chữ như sau này:
Cùng viên Huyện lệnh Đô Bàng. Tối nay ta hãy để đầu nhà ngươi lại! Truyền cho mi biết nếu không đầu hàng hoặc trả thành này cho ta mà đi chỗ khác và cưỡng lời, đầu mi ta chặt ngay tức khắc.
Giao Châu hiệp khách thư.
Xem xong bức thư, viên Huyện lệnh tái mặt đi, sai gia nhân đi gọi các mạc khách, các viên mạc khách nghe tin đều nhớn nhác sợ hãi, vội vàng đến dinh viên Huyện lệnh.
Lúc đó ở dinh viên Huyện lệnh các mạc khách đều tề tựu bàn tán xì xào, bỗng thấy có một hồi trống ở ngoài công đường, viên huyện lệnh vội cùng các viên mạc khách đi ra đến công đường đã thấy mấy tên gia nhân nhà viên phòng thành báo cái án mạng hôm qua không biết ai giết mà lại đem đầu đi đâu, viên Huyện lệnh nói:
- Người giết viên phòng thành tức là một đảng viên của quân nghịch, hiện đầu lâu của viên phòng thành nó bỏ ở dinh ta, vào mà mang về. - Mấy tên gia nhân vội vào mang về mai táng.
Nói về viên Huyện lệnh thấy quân nghịch đe dọa thì cả sợ nói với mấy tên mạc tân rằng:
- Quân loạn hành động gớm quá, không như những đảng ở Cư Phong, lại như hôm qua nó làm như vậy thì thật là đáng sợ. Vậy các tướng phải canh phòng trong dinh ngoài dinh cho cẩn mật hễ thấy nó đến là đem cũng bắn xuống.
Đêm ấy quanh dinh viên Huyện lệnh bọn quân Ngô và mấy viên du kích đi lại răm rắp, đèn thắp sáng choang để dự phòng quân nghịch. Nhưng đêm đã khuya, gió thổi ào ào, quân Ngô mệt lử ra cứ thế ba bốn đêm, quân Ngô nhọc sức mà không thấy gì, viên Huyện lệnh nói với mấy viên mạc khách:
- Chắc quân địch thấy ta canh phòng nên sợ không dám đến, vậy thời chẳng cần canh phòng. - Bọn quân Ngô được lệnh đều về trại ngủ, huyện thành đều im phăng phắc không ồn ào như trước, canh phòng cũng trễ nải, từ quân đánh trống canh cũng rời rạc, rồi dần dần quên cả phận sự của mình mà lăn ra ngủ li bì như chết.
Sáng hôm sau, mặt trời đã lên cao quá ngọn tre mà trong thành huyện Đô Bàng vẫn im phăng phắc, từ quân đến tướng vẫn ngủ, mãi đến nửa buổi mới dậy, vội vàng lên mặt thành để xem quân địch. Lên đến mặt thành cả bọn đều trố mắt nhìn ra ngoài, nhưng không thấy gì nữa, quân Nam đã kéo đi đằng nào rồi, đều ngơ ngác rồi vội vàng quay về báo với Lã Huy. Lã Huy nghe báo đang phân vân không hiểu ra sao, bỗng thấy một lũ mạc khách lục tục kéo vào. Huy vội hỏi:
- Quân địch đang thắng mà kéo đi, là có ý gì?
Mạc khách Tiêu Hòa nói:
- Bẩm đại nhân, tôi nghĩ quân nó đánh mãi không được thì phải bỏ đấy ạ!
Mạc khách Hoàng Cân bước ra rồi nói:
- Không, không phải khi nào nó chịu thôi, cứ xem cái thuật phi hành của nó như thế, tôi chắc là có quân của Lã Thái thú về đánh nơi căn bản của nó, nên nó mới về để tiếp ứng, chứ không còn có ý gì khác.
Lã Huy gật đầu cười mà rằng:
- Phải, Hoàng tiên sinh nói có lẽ đấy, còn các tiên sinh nghĩ sao?
Trương Cân nói:
- Hoàng tiên sinh nói rất phải, chúng tôi rất phục, vậy đại nhân nên hạ lệnh cho quân sĩ ra ngoài thành cày bừa ruộng nương và kiếm củi.
Lã Huy lấy làm phải, liền hạ lệnh ngay lúc ấy.
Quân sĩ và nhân dân được lệnh đều kéo nhau lũ lượt ra ngoài thành đẵn củi và cày bừa tấp nập, mãi đến chiều tối sập lại mới kéo nhau về thành yên nghỉ, việc canh phòng từ đó cũng thành ra chểnh mảng, các quân sĩ đều an lòng ngủ yên không lo ngại gì nữa…
Trời tối như bưng, trên trời vài ngôi sao lấp lánh, tiếng dế kêu, tiếng thông reo, đồng thời như phá tan cảnh đêm tối âm u…
Khi ấy, bỗng trên mặt thành một bóng đen vùn vụt đi về phía cổng thành. Đang đi bỗng thấy một bóng đen khác vụt lại sẽ hỏi:
- Ai? Huy Thọ tướng quân phải không?
- Phải! Các ngươi đã thi hành xong chưa?
- Dạ, chúng tôi đã dự định cả rồi, chỉ đợi mệnh lệnh của tướng quân nữa thôi…
Giơ tay lên, rồi Huy Thọ nói:
- Được rồi, cho nhà ngươi lui!
Dứt tiếng, bóng đen kia vụt một cái biến vào cõi tối âm thầm…
Tiếp luôn một hồi còi vang tai, rồi Huy Thọ vụt nhẩy xuống cổng thành rút đoản đao chém đứt khóa cổng thành rồi mở toang ra, tức thời một toán người rầm rộ đi vào, đồng thời đuốc bật lên và reo lên ầm ầm. Đi đầu viên tướng tức là Phan Thái Tâm cầm dao xông vào thành. Chính lúc đó, tất cả bốn mặt thành đã thấy lửa cháy đỏ rực cả. Huy Thọ cả mừng vội vàng phi thân lên lầu canh rồi vùn vụt đến dinh viên Huyện lệnh nhẩy xuống.
Vừa xuống đến nơi, đã thấy viên Huyện lệnh cuống cuồng không mặc áo, không đi giầy, ôm một cái tráp vội vàng đi ra, theo sau vợ con đầy tớ không biết bao nhiêu mà kể. Huy Thọ khoa đao thét to lên rằng:
- Lũ chó Ngô kia đứng lại không ta chém!
Lã Huy cả sợ vội chạy, nhưng chưa được một bước, Huy Thọ đã chạy lại ôm ngang người quật xuống, lấy thừng trói lại rồi chỉ bọn gia nhân mà thét:
- Muốn tốt thời đứng lại! Không sẽ chết.
Bọn gia nhân của Lã Huy đều run lên như cày sấy, lạy lục xin tha và toan chạy, Huy Thọ nói:
- Chúng bay phải nghe ta. Nếu cưỡng lời, thanh đoản kiếm của ta nó không nể đâu…
Bọn kia nghe nói đều phải dừng lại, Huy Thọ liền lôi Lã Huy ra ngoài đưa cho một tên quân coi giữ.
Lúc đó quân Ngô đã xôn xao chạy tán loạn, nhưng muốn chạy ra ngoài thành thời đã có quân Nam canh rồi, nên đành giơ tay chịu trói cả. Khi đó trời vừa tảng sáng, Phan Thái Tâm liền truyền nổi trống họp quân, chỉ một khắc quân tướng đã đông đủ, Thái Tâm liền truyền giải Lã Huy lên công sảnh…
Ghi chú
161. Bình đựng rượu bằng sành, thân phình to, cổ dài.
162. Đi chơi không có mục đích.