HỒI THỨ CHÍN
Lấy huyện thành, Bà Vương dụng kế,
Phấn nghĩa dũng, Quốc Đạt dấy quân

     ói về Quốc Thành thúc quân xồ sang đánh giết quân Ngô và định sấn quân đuổi bừa vào thành, nhưng bị tên ở trên thành bắn riết quá phải hồi lệnh.
Thị Trinh ghi vào sổ công lao rồi làm tiệc mừng công.
Từ hôm ấy trở đi, ròng rã đến bốn năm ngày mà viên Huyện lệnh Nông Cống cứ một mực cố thủ. Đã mấy lần Thị Trinh sai tướng đến phá thành, song bị quân Ngô bắn riết quá phải thu quân về…
Thị Trinh đang lo vì nếu quân Ngô cứ cố thủ mãi thì sẽ hết lương, thật là nguy cấp…
Bỗng nghĩ ra một mẹo bèn sai đánh trống hội các tướng lại họp để bàn việc cơ mật.

*

Vừa mới trống canh hai mà trại Ngô đã lao xao cả lên. Viên phòng thành đánh trống phi báo quan Huyện lệnh và sai quân bắn tên ra.
Thì ra có gì đâu. Một toán quân Nam đến phá thành.
Bọn quân Ngô được lệnh bắn tên ra rào rào.
Nhưng vừa bắn được một lát thì toán quân ấy đã đi đâu mất mà đèn đuốc đều tắt ngấm tắt ngầm.
- Những quân Nam ra chó má thật. Làm mất cả giấc ngủ ngon lành của mình. - Ấy là lời viên phòng thành quan chửi rủa lẩm bẩm.
Thì ra có gì đâu. Vừa mới yên nghỉ được một lát thì quân Nam đã nheo nhéo thách đánh. Vừa sai bắn tên ra được một ít thì quân Nam đã biết đi mất.
Cứ như thế luôn ba đêm, quân Ngô mất hết cả khí lực, tuy đi tuần mà mắt nhắm mắt mở, chỉ lo cho hết phiên canh để chúi159 một xó.
Đến đêm thứ tư, canh mãi đến canh ba, nửa canh ba mà vẫn không thấy gì, quan phòng thành đã tự đắc nói:
- Đã bảo mà. Không ăn thua nên mới chịu im ả thế chứ. Thôi, cho chúng bay ngủ cho lại sức.
Bọn quân được lệnh chỉ còn sức dư mà quỵ xuống ngáy khò khò quên cả trời cả đất.
Trong khi ấy một bóng đen nhảy vọt lên mặt thành rồi lần xuống cửa thành chặt vỡ khóa, hạ điếu kiều160 xuống. Thế mà tụi quân vẫn li bì như chết, mãi đến khi tiếng người reo, ngựa hí, ồn ào vang động thời mới giật mình tỉnh dậy, nhưng ôi thôi không còn chút lực thừa nào nữa mà đối phó, chỉ còn có cách chạy trốn, nhưng chỗ nào cũng có quân Nam đành chỉ giơ cổ ra chịu chết. Thế là huyện Nông Cống đã thuộc về tay Nhụy kiều tướng quân rồi. Khi ấy Bà đã cưỡi trên con voi tiến thẳng vào thành, rồi sai người đốt đuốc đi tìm viên Huyện lệnh nhưng viên Huyện lệnh đã trốn biệt đi đằng nào rồi. Bà liền truyền quân sĩ: hễ quân Nam thì tha mà quân Ngô thì giết. Được Nông Cống, Bà Thị Trinh làm nơi căn bản, còn An Phổ thời cho Triệu Quốc Thành cai quản, rồi mở tiệc khao quân, trên dưới rất là vui vẻ…

*

- Có được tin đích xác không?
- Dạ đích xác lắm, cô hai đóng quân ở đồi An Phổ ạ!
- Biết rồi! Nhưng còn sao nữa?
- Còn… còn để con nói.
Trong một cái nhà lá cao, một chiếc sập ở giữa, hai bên hai hàng ghế tràng kỷ. Trên chiếc sập một người đàn ông, ăn mặc võ trang mặt sạm đen vì nắng, đôi mắt sáng quắc tay cầm thanh bảo kiếm, trừng trừng nhìn vào một người quỳ dưới. Trên hai dãy tràng kỷ, hai dãy người toàn mặc võ trang mầu chàm, chân đi dép gai, tay người nào cũng lăm lăm cầm những thanh trường kiếm sáng như sương tuyết.
Im lặng, những người đó không nói nửa câu, nhìn vào người quỳ gần sập hình như ẩn một sự gì huyền bí.
Người ngồi trên sập vẻ mặt trầm ngâm nhìn vào người quỳ dưới, đôi mắt đưa đi đưa lại hình như có ý hỏi ngầm. Người ấy… Chắc độc giả không biết là người nào, nhưng độc giả cũng nên biết không phải ai xa lạ và chính là Triệu Quốc Đạt, anh Thị Trinh.
Nguyên lai Quốc Đạt sau khi thấy em đi, một mình ở nhà nghĩ đến việc nước, việc dân, rất lấy làm lo lắng. Hàng ngày tụ tập được hơn mười người toàn là những người dũng sĩ để mưu toan việc nước. Công việc đã tạm thành, Quốc Đạt liền yết bảng chiêu mộ quân sĩ. Trong ba hôm dân chúng theo đã ngót 1.000. Quốc Đạt liền tự mình làm Bình Ngô Đại nguyên soái rồi chia mỗi người một toán quân để huấn luyện, ròng rã nửa tháng trời, quân sĩ đã tạm thành kỷ luật. Hôm đó bỗng nghe thám tử về báo ở An Phổ có một người con gái tự xưng là An Phổ Phục quốc quân Thống tướng Triệu, lại có tên là Nhụy Kiều tướng quân nữa, quân sĩ và tướng tá rất nhiều, những tin đó cũng là hàm hồ chưa rõ. Muốn cho đích thực, Quốc Đạt liền sai một thám tử đi dò xét tình hình.
Chiều hôm ấy, tên thám tử đã về đến trại. Quốc Đạt liền truyền vào trướng hỏi, tên thám tử thở hổn hển nói mấy câu trên mà ký giả vừa thuật, Quốc Đạt nóng lòng muốn biết nên cứ hỏi dồn, tên thám tử nói:
- Thưa chủ soái, con đi đến An Phổ, lẩn vào trong rừng tìm cổng trại quân, đi mãi không thấy, đang đi bỗng nghe mấy tiếng nói hình như tiếng của quân nào: “Đức bà tên họ là gì nhỉ? Mà ở đâu lại đây?”, lại thấy tiếng đáp: “Tôi nghe quan Chánh tiên phong Triệu Quốc Thành là em Đức bà, mà Đức bà là Triệu Thị Trinh”.
“Nhưng ở đâu nhỉ? - Ở gần đây mà, nghe cũng ở vùng Nông Cống này thì phải.” Con nghe thấy vậy thời mừng rỡ chắc là cô hai đã khởi nghĩa ở đấy, nên con vội về báo chủ soái biết.
Quốc Đạt nghe nói, vẻ mặt đang lo lắng biến ra vui mừng bảo tên thám tử:
- Thôi, cho ra thám thính có việc gì quan hệ nói cho ta biết! Nghe!
Rồi ngoảnh trông hai trướng, cười mà rằng:
- Đó các anh em biết, ta chắc em ta thế nào cũng khởi nghĩa, mà chỉ nay mai em ta sẽ dấy quân thôi.
Bây giờ…
Nói đến đấy cúi xuống, tay tì vào trán ngẫm nghĩ: - Em ta thật là một người có chí khí, biết đâu nay mai quân Ngô sẽ bạt vía kinh hồn. Bây giờ ta cần phải đem toán quân để giúp em ta mới được. - Nghĩ đến đấy, ngửng đầu lên rồi dõng dạc cất tiếng:
- Anh em đã có lòng yêu quý mà tôn ta lên làm chủ soái, vậy ta có mấy lời, cần phải tuyên bố để anh em cùng biết.
Nói đến đấy, chàng ngừng bặt, đôi mắt tinh anh sáng quắc đưa đi đưa lại nhìn vào hàng tướng hình như muốn hỏi dò ý tứ. Các tướng thấy Quốc Đạt hỏi thời đều đứng dậy đồng thời giơ trường kiếm lên ngang trán mà nói:
- Chủ soái đã truyền anh em tôi xin tuân mệnh.
Quốc Đạt thấy vậy tỏ ý vui mừng, đứng dậy tay cầm bảo kiếm đi lại trước mặt các tướng, rồi ra đứng giữa cất tiếng nói to:
- Quân tướng cần phải có kỷ luật, tướng phải biết lấy lượng khoan hồng mà bao dung, việc trái thì khuyên bảo, đừng đánh đập, khi hành quân phải đi đứng cho tề chỉnh, quân phải kính phục tướng mà theo lệnh. Các anh em đã biết mà theo ta làm việc này, vậy cần nhất phải đồng tâm hiệp lực, đừng có thấy người hơn mình mà tức, người kém mình mà kiêu ngạo. Ấy chỉ có thế thôi, các anh em nghe ta để theo đuổi công việc tiến hành…
Nói xong, truyền đánh một hồi trống, rồi ra giáo trường điểm duyệt quân sĩ.
Ra đến nơi đã thấy mười toán quân. Vận phục khác nhau, mười viên tướng đã xếp hàng tề chỉnh, yên lặng không một tiếng ho, chàng đưa mắt trông các tướng đều tuốt gươm trần đi lại chỉ huy quân sĩ. Chàng liền lên đài cầm cờ lệnh vẫy một cái, mười toán quân bỗng liền nhau lại rồi răm rắp tiến đến dưới chân đài vái một cái rồi đồng thanh hô:
- Nguyên soái vạn tuế. Phục quốc quân vạn tuế.
Dứt tiếng hô. Lại yên lặng không nghe thấy một tiếng gì, chỉ trừ những trận gió thổi ào ào, với những tiếng beo gầm, vượn hú từ đằng xa vẳng lại hình như báo hiệu. Trời gần tối, Quốc Đạt đứng trên đài nói to:
- Sáng mai đúng giờ Dần, quân tướng phải tụ tập ở giáo trường nghe lệnh truyền.
Dứt tiếng, cầm chiếc cờ lệnh phất một cái, mười toán quân lui ra, rồi rời rạc mỗi toán đi một ngả. Chỗ giáo trường lại im lìm theo thời gian mà tối hẳn.
Quốc Đạt xuống đài lên con ngựa Ô vân phi thẳng về đại đường yên nghỉ.
Sáng hôm sau, vừng thái dương còn lấp ló sau rặng tre xanh đằng phương trời xa tắp, chiếu những ánh vàng tía lên những mỏm đồi và biến thành một mầu vàng đỏ sặc sỡ.
Trong đại trại của Quốc Đạt đã nhộn nhịp người đi lại hùng dũng uy nghiêm, bỗng ở trung quân trướng có một hồi trống cái vang lừng, rồi một hồi chiêng rền rĩ nối theo, những người đi lại nghe hiệu vội đứng xếp hàng cả ở ngoài trướng, chỉ trong chốc lát chỗ trung quân trướng đang yên lặng đã biến thành một nơi náo nhiệt, những tiếng rì rầm làm vang động cả một khu rừng. Bỗng ở trong trướng bước ra một tên quân cầm loa nói to:
- Quân tướng im lặng ra giáo trường. Chủ soái có lệnh truyền.
Dứt tiếng hô, đồng thời bọn quân sĩ im phăng phắc kéo nhau ra giáo trường chờ lệnh. Lại chỉ trong chốc lát một hồi trống khẩu, một hồi kiểng tiếp theo, rồi ở trong trướng đi ra, Quốc Đạt ngồi trên mình con ngựa Ô vân, tay phải cầm bảo kiếm, tay trái cầm cờ lệnh từ từ tiến thẳng về phía giáo trường, đi sau mười viên thân tướng đều cưỡi ngựa mặc võ phục mầu đen, chân đi dép gai quấn xà cạp, tay cầm trường kiếm, yên lặng theo vị chủ tướng ra giáo trường lĩnh mệnh.
- Anh em ơi! Chủ soái đã ra!
Dứt tiếng hô rồi từ mồm nọ truyền sang mồm kia ồn ào, viên giám quân quan vội truyền loa, tức thời im phăng phắc, tất cả quân sĩ đều răm rắp xếp hàng, rồi đều một loạt cúi xuống cất tiếng hô:
- Nguyên soái vạn tuế.
Chính lúc đó Triệu Quốc Đạt đã giơ thanh bảo kiếm lên ngang mặt rồi xuống ngựa bước lên đài, mười viên tướng cũng lần lượt theo gót bước lên xếp hàng đứng chờ nghe lệnh. Quốc Đạt đứng trên đài trông xuống quân sĩ đông nghìn nghịt, tuy vậy vẫn im phăng phắc không một tiếng rì rầm, hai bên đài dãy thông theo chiều gió mà kêu lên những tiếng âm thầm và rền rĩ, hàng dương liễu yểu điệu uốn éo trước đài, lúc ngả, lúc nghiêng. Rào rào những tiếng lá rụng của những cây trám cây bàng, ngoài chuồng ngựa, vài trăm con, vó nện xuống sàn và đất sỏi cồm cộp đều nhau, mồm hí vang lừng cả một khu rừng âm u ảm đạm. Và khi ấy trên đài, Quốc Đạt ngả lưng trên chiếc ghế trải da hổ, đưa tầm con mắt nhìn qua hàng quân sĩ một lượt rồi ngoảnh lại nói với các tướng:
- Các tướng xem quân ta đã có kỷ luật lắm rồi chứ, bây giờ ta cần phải tiến quân đi đến An Phổ để hội quân với em ta. Vậy các ngươi phải nhất nhất theo lệnh ta truyền.
Dứt tiếng, mười viên tướng đồng thanh “Dạ” một tiếng, Quốc Đạt nói tiếp:
- Vậy Chánh tiên phong Lê Hưu dẫn 300 quân đi trước cùng Tả dực Phí Quỳnh, Hữu dực Phan Xuân Chính. Còn ta cùng Phó tiên phong Vũ Khuê, Hổ oai tướng quân Trương Quế và Lê Quý Lương, còn Hậu quân thời Phan Trung Doãn, Lê Phượng thống lĩnh. Coi việc lương thảo thời cũng Khắc Phục, Nguyễn Vận đảm nhiệm.
Dứt nhời, các tướng đều nói:
- Chủ tướng đã truyền, chúng tôi xin tuân mệnh.
Rồi cũng nhau kéo xuống, lúc đó Quốc Đạt đã xuống đài chỉ huy quân sĩ kéo thẳng ra ngoài trại tiến thẳng về đồi An Phổ…
- Cái gì mà ồn lên thế? Hãy nói ta nghe nào?
- Bẩm… Bẩm con vừa thám được việc xin trình chủ soái.
Một người ngồi trên con ngựa, tay cầm chiếc tử kim thương, đi sau hai viên tướng dẫn một toán quân hình như đang đi mà dừng lại, một người đứng thở hổn hển nói ra dáng mệt nhọc, nét mặt vừa lộ vẻ vui mừng lại có ý như sợ hãi. Hai bên đường toàn là rừng núi hiểm trở mà trời đã sâm sẩm tối. Người ngồi trên ngựa kia chẳng phải nói ai cũng biết là Quốc Đạt vậy.
Quốc Đạt dẫn quân đi đến đấy thời trời đã gần tối, bỗng thấy một tên thám tử từ xa đi lại nói có thám được một việc thời liền dừng quân lại để hỏi căn do, tên thám tử vừa thở vừa nói:
- Con gặp mấy tên quân ở An Phổ đi qua nói chuyện rằng: cô hai đem quân sắp lấy được huyện thành Nông Cống và… sắp sửa…
Quốc Đạt nóng biết hỏi dồn: - Và… và thế nào?
- Và hình như quân Ngô nay khiếp sợ rồi.
Quốc Đạt nghe nói, mỉm cười mà rằng:
- Thôi được, cho lui!
Rồi lại tiến, lần mò theo đường hiểm hóc, tuy rằng đêm tối nhưng đội quân nghĩa dũng vẫn hăng hái không dừng, đằng xa những đám mây đen sẫm hình như thấy trời còn hơi sáng mà muốn che lấp thêm cho tối hẳn. Đêm hôm ấy…
Bỗng gió thổi vù vù dường như chuyển động một góc trời: cát bay lá rụng, cây cối lung lay, rầm rầm như muốn bật tung cả rễ, ngọn cây nghiêng ngả đập vào nhau vật vã tưởng như muôn nghìn ngọn thác cùng chảy xuống.
Mưa như trút, hai bên núi, nước mưa chảy xuống ào ào làm át hẳn tiếng cầu kêu của những loài cầm thú sợ oai trời.
Mưa vẫn to, gió vẫn thổi dữ dội không ngớt, thế mà đội quân nghĩa dũng cảm tử quân vẫn hăng hái lên đồi xuống núi, không chút sờn lòng tuy quần áo bị nước mưa ướt hết và bị những cơn gió thổi khiến lạnh buốt thấu xương mặc dầu, họ vẫn đi không chút sờn lòng. Quốc Đạt mình mặc áo giáp đẫm ướt ngồi trên con ngựa Ô vân, hai mắt đăm đăm nhìn về phía trời xa tắp. Bỗng thấy một bóng đen ngồi trên ngựa phi như bay tiến lại trước mặt, rồi bóng đen ấy xuống ngựa rút kiếm giơ ngang trán dõng dạc nói to:
- Thám tử Trần Lâm xin có lời trình chủ tướng!
Quốc Đạt nghe nói, ra hiệu dừng quân, rồi cất tiếng hỏi:
- Trần Lâm! Mi báo việc chi hử?
Dứt nhời, nói:
- Bẩm chủ soái! Tiểu tướng thám được tin quân khởi nghĩa ở An Phổ đã lấy được huyện thành Nông Cống.
Sung sướng, Quốc Đạt giơ tay cho Trần Lâm lui vào hàng tướng, rồi thúc quân tiến bước. Trời đã gần sáng, xa xa vẳng nghe các thôn trang những tiếng gà gáy chó sủa, đồng thời một loạt hình như thức tỉnh đám dân quê. Đoàn nghĩa dũng vẫn đi. Lúc bấy giờ màn sương lạnh lẽo còn lũng vũng quanh sườn núi. Đằng phía Đông, một ánh sáng đỏ hồng tươi tốt ấm áp đã muốn dần dần nhô lên. Đàn chim khuyên mới dậy, đang vui vẻ rỉa các hoa quả đỏ ối, tiếng quạ kêu, tiếng vượn hót làm vang động một khu rừng.
Bỗng trong khoảng lạnh lẽo âm thầm, một hồi trống đằng xa đưa lại. Vừng kim ô đã lên cao rọi những ánh nắng gay gắt vào khoảng mịt mù xa thẳm và hiện ra một tòa thành đồ sộ, huyện thành Nông Cống, Quốc Đạt tỏ vẻ vui mừng hô quân rảo bước, chỉ còn cách thành 15 dậm. Quốc Đạt liền cho quân dừng lại hạ trại. Rồi viết một lá thư cho em, sai tì tướng Lê Vân tiến thẳng vào thành…
Ghi chú
159. Rúc vào.
160. Cầu treo.