iỏi toàn diện là đích nhắm của tất cả lớp trưởng lý tưởng trên đời này, có phải? Nghe thì cầu toàn quá. Nhưng cứ nghĩ đi, một lớp trưởng thường xuyên giơ tay xung phong thì những mệnh lệnh được phát ra nghe có uy hơn là một lớp trưởng phải rụt cổ nhìn xuống tránh ánh mắt cô thầy, hoặc bị chào cờ trong giờ kiểm tra như mọi thần dân khác trong lớp. Đúng không?
Mà không chỉ là không được phép học dưới giỏi. Còn bao nhiêu điều khác nữa. Ví dụ như không được đi học trễ (dù xe đạp của lớp trưởng cũng như mọi chiếc xe đạp khác trên đời này, nó cũng có thể xẹp lốp giữa đường lắm chứ). Không được phép bén mảng tới hàng quà vặt trước cổng trường (dù lớp trưởng cũng có một cái bao tử như mọi học trò khác và sau một buổi học dài năm tiết thì nó cũng sôi sục sục như ai). Không được nói mình bận (lắm khi trong lớp có một kẻ chẳng may phải nằm bệnh viện và mình, kẻ may mắn là lớp trưởng đây phải phát động một cuộc chép bài giúp bạn và lãnh về phần mình lượng bài dài dằng dặc của những môn xã hội). Không được... và không được...
Có chuyện kể đã trở thành giai thoại. Một lớp trưởng đi học quá giờ trống đánh, tìm cách thoát khỏi đôi mắt của đội cờ đỏ nên nghĩ ra kế quăng cặp qua tường cho một đứa bạn bên trong cầm lấy, phần mình đàng hoàng đi qua cổng chính, hai tay trống không với lý do vừa mới ra ngoài có chút việc. Kế hoạch thì hay vậy, thông minh vậy, nhưng lúc thực hiện thì ôi thôi, thằng bạn bên trong nhìn thấy thầy giám thị bèn chạy một mạch, còn cái cặp thì rơi theo chiều thẳng đứng đậu ngay trên vai thầy. Tội đi học trễ cộng thêm tội lừa dối và tội phạm thượng... (Tên gọi của hai cái tội sau này thật khó gợi sự cảm thông, nhất là cái tội phạm thượng thì đến dân xóm nhà lá cũng không mấy ai dám). Không cần nói ra hẳn ai cũng đoán được hồi cuối là gì rồi. Khôn ba năm dại một giây là vậy!
Tóm lại, một lớp trưởng lý tưởng là một học sinh... Thật khó tìm được một từ đủ sức định nghĩa cho điều này!
*
Tôi là một trong những lớp trưởng đang nhắm tới cái đích chưa tìm ra định nghĩa đó. Và cũng xin tự giới thiệu thêm, tôi là con gái. Nói ra điều này không phải để mong có sự nhân nhượng dù con gái thì có những khó khăn khó nói thành lời. Ví dụ như môn thể dục, để thi học kỳ được tám điểm, ngay từ khai giảng, chiều nào tôi cũng phải tập nhảy dây như một đứa đang còn ham chơi lắm. Mỗi lần tôi buông bút xuống và lấy sợi dây thun căng ra giữa hai cây đinh trên hai bức tường đối diện là em tôi bắt đầu cười tủm tỉm. Và khi tôi dồn bàn ghế lại một đống ở góc để có chỗ lấy đà từ xa chạy tới thì nó toét miệng ra sẵn sàng cười rộ. Tôi không bao giờ bày ra cái trò tập nhảy cao này khi ba má sắp đi làm về. Một trận la mắng là điều không tránh khỏi, dù mục đích của nó xứng đáng được ủng hộ. Em tôi hay hỏi: “Sao chị không tìm chỗ nào thoáng mát mà tập nhảy cho thoải mái?”. Còn tìm chỗ nào được khi tường nhà xây dính nhau sát sàn sạt và mặt tiền đưa ra sát mép vỉa hè? Hoặc xách sợi dây thun đi ra sân vận động rộng mênh mông mà nhảy qua nhảy lại một mình?
Nhưng rồi tới ngày thi thố trước thiên hạ thì tôi
bị! Bị cái chuyện mà đứa con gái nào cũng ngại mặc quần trắng! Trong tình trạng mệt mỏi lừ đừ, tôi không thể nhảy qua cái mức mà sau bao khổ luyện tôi đã vượt qua một cách dễ dàng và đẹp mắt. Có tức không?!
Thôi, rủi ro cá nhân thì mình chịu cũng đành. Còn đây, bọn con trai xếp máy bay giấy phóng lung tung và nói: “Gởi ước mơ lên vũ trụ”, đó là trong giờ ra chơi. Khi trống đánh vào lớp, tên gọi lãng mạn đó bị thay bằng một từ gọn lỏn là “rác”. Thầy giáo liếc nhìn hậu quả của trò chơi lãng phí giấy và gọi đích danh tôi: “Lớp trưởng là nữ mà để tùm lum vậy sao?”. Bộ lớp trưởng là con trai thì cái sự tùm lum sẽ được thông cảm?
Nhưng kể là kể vậy thôi. Hai năm tôi làm sếp, lớp luôn được xếp hạng cao nhất trường. Và đương nhiên năm cuối cùng tên tôi vẫn nằm đầu trong danh sách của ban cán sự trong khi những cái tên khác có sự thay đổi đáng kể. Ví dụ cán sự môn Lý không còn là cán sự môn Lý nữa, hoặc lớp phó học tập tuột xuống chỉ còn là cán sự môn Văn thôi. Tuổi mười tám... Cô giáo chủ nhiệm nói: “Cái tuổi này thất thường lắm”. Rồi cô nhìn tôi đầy ưu ái: “Lớp mình, cô rất hy vọng nơi em”.
*
Tôi có tên trong đội tuyển của trường, rồi của tỉnh... Ô, nếu chỉ kể về mặt học tập thôi thì tốt đẹp biết bao.
Ngày Hiến chương Nhà giáo, khối mười hai được tổ chức một đêm văn nghệ để chào mừng ngày lễ lớn và cũng là lời chào mái trường sắp trở thành kỷ niệm. Hai năm trước toàn là đơn ca với hợp ca, năm nay quyết phải đặc biệt hơn. Lớp chúng tôi tham gia hai tiết mục thật đặc sắc - múa và thời trang. Hai tiết mục này vừa tốn công vừa tốn tiền.
Hội phụ huynh học sinh suốt hai năm qua chuyên lo mọi khoản thu chi của lớp nay quyết định giao tiền cho chúng tôi tự quản lý lấy với lý do “đã lớn rồi”. Thật thoải mái khi mình có quyền mua cái này cái kia mà không phải chạy đi tìm gặp người lớn để xin phép. Và cũng thật oách khi mình, lớp trưởng, có quyền duyệt chi hay không.
Cái quyền mới mẻ này đã cho tôi một bài học ngoài giáo án.
Tờ trình của thủ quỹ về khoản chi cho hai tiết mục văn nghệ, giá cả của mỗi tờ giấy xốp để giả vải may áo bị đẩy lên thêm hai mươi phần trăm, và số lượng tờ giấy thì tăng lên gấp đôi!
- Đó là... tụi mình ăn chè ăn bánh trong những lần tập trung tập luyện. - Thủ quỹ nháy mắt giải thích.
Tôi lúng túng. Và mắc cỡ. Tôi đã vô tâm trong chuyện nhạy cảm này. Đúng là mỗi lần tập, thủ quỹ hay đem món gì đó tới. Chúng tôi cứ thấy bày ra bàn là đứa nào cũng ăn mà không cần biết ở đâu ra.
Lấn đầu tiên phải xử lý một việc như thế này, thật sự tôi lúng túng. Nhưng không phải là không có cách giải quyết. Tôi nói:
- Viết một tờ xin chi bồi dưỡng cho đội văn nghệ kèm chung với tờ mua vật liệu này thì đúng hơn.
- Thì đằng nào cũng là tiền quỹ của lớp mà.
Tôi chưa biết trả lời sao thì thủ quỹ bồi thêm:
- Lớp trưởng cũng có mặt trong đội văn nghệ. Tự mình ký duyệt lá đơn chi ăn uống trong đó có mình sao? Dễ mất uy tín.
Cụm từ “mất uy tín” đánh trúng tim tôi.
*
Hai tiết mục văn nghệ được khen ngợi ồn ào và cả hai đều nằm trong danh sách những tiết mục được chọn biểu diễn trong ngày Sinh viên - Học sinh sắp tới. Kết quả rực rỡ cộng thêm vào thành tích vốn đã xênh xang của lớp khiến tôi, lớp trưởng, đâm ra phơi phới và thôi không nghĩ ngợi về tờ trình gian dối nữa. Nói không nghĩ ngợi, nhưng thật ra tôi cũng đã cố nhớ lại mình đã ăn thứ gì, và tôi nhớ lại tất cả những lần thủ quỹ đem thức ăn tới. Chắc chắn không thể tốn nhiều tiền như vậy.
Tiếp tới đêm văn nghệ mừng ngày Sinh viên - Học sinh. Rút kinh nghiệm lần trước, tôi công khai xin cho chi một khoản bồi dưỡng và tuyên bố ngoài khoản tiến này, ai tiêu tốn thêm phải tự trả lấy. Nhưng rồi thủ quỹ chìa ra cho tôi một giấy xin thanh toán với tổng chi bằng một phần hai lần trước mà lý do là mua thêm giấy để sửa sang trang phục biểu diễn đã bị rách. Lạ lùng là tôi rất biết mọi áo quần biểu diễn đều còn nguyên, nhưng tờ giấy với những con số và nét chữ quen mắt không làm tôi ngạc nhiên! Kỳ quặc vậy. Tôi không ngạc nhiên. Cứ như là tôi đã biết hiển nhiên thủ quỹ sẽ làm điều này! Cứ như là tôi đang chờ đợi nó xảy ra!
- Không được đâu. - Tôi nói.
- Mình lỡ làm mất tiền rồi. Tiền mình để trong cặp...
Câu nói dối trơ tráo quá. Tôi nổi giận:
- Tại sao không mất lúc nào, nhè lúc này mà mất?
- Tin hay không tùy cậu.
- Hãy báo cáo tiền bị mất đúng như cậu nói rồi sẽ họp lớp bàn xử lý.
- Từ trước tới nay luôn dẫn đầu toàn trường. Nay mà lộ chuyện bị mất tiền trong lớp cậu không sợ mang tiếng sao?
Tôi sững sờ. Thủ quỹ nhìn tôi thách thức. Nhìn nét mặt người bạn học từ ngày được giao giữ tiền đã thay đổi đến đáng sợ, tôi không biết nói sao. Quả thật suốt gán ba năm nay tôi tự hào đã đưa lớp luôn dẫn đầu toàn trường.
*
Chuyện vỡ ra vào cuối học kỳ hai, khi ai cũng mệt phờ với kỳ thi vừa xong và hai kỳ thi nữa còn sừng sững trước mắt.
Nhưng đó là việc của dân khối mười hai. Còn lớp mười và mười một thì không. Đàn anh đàn chị chúng tôi nhìn lũ đàn em tung tăng bàn chuyện văn nghệ cuối năm mà thấy mình già mất rồi! Đoàn trường ướm mời lớp tôi biểu diễn lại hai tiết mục nổi đình nổi đám nhưng không đứa nào dám gật đầu. Thành tích hai tiết mục múa và thời trang từng khiến đứa nào cũng phổng mũi giờ đã xa xôi lắm rồi! Học. Học. Và học. Chúi mũi mà học.
- Vậy thì sẽ giao cho lớp mười một đảm nhận. Chỉ cần cho mượn trang phục là được.
Trưởng ban văn nghệ lớp tôi gãi đầu. Còn đâu nữa.
Lớp mười một đàn em phải tự mua vật liệu về để làm. Và để cho chắc ăn là không mua thừa hoặc thiếu, không bị mua hớ, cả đội văn nghệ kéo nhau tới lớp tôi hỏi cần mua bao nhiêu giấy và bao nhiêu tiền vật liệu cho hai tiết mục này thì vừa đủ?
*
Cả lớp nhìn thủ quỹ thế nào thì nhìn tôi như vậy. Tôi phân bua mình không dính dáng tới một xu nào. Vô ích. Tôi nói tôi sẵn sàng nộp lại đầy đủ số tiến đó dù không tiêu xài một xu nào. Vô ích. Những ánh mắt khiến tôi phải nhìn xuống chân như một kẻ không thuộc bài. Cuối năm, có nhiều việc cần thông báo trước lớp, cảm giác mình nói không ai thèm nghe khiến tôi trở nên ấp úng.
Tôi đợi sự phán xét của cô giáo nhưng cô không nói gì. Chính sự không nói gì này đè nặng tim tôi. Bình xét cuối năm, tôi là lớp trưởng duy nhất của khối mười hai được đề cử danh hiệu giỏi toàn diện. Tất cả các cô thầy bộ môn đều khen tôi xứng đáng với danh hiệu này.
Chỉ cô giáo chủ nhiệm lặng im.
Thà cô la mắng, thậm chí là kỷ luật cũng được, nhưng hãy cho tôi được nói với cô. Các bạn nghĩ sao cũng đành. Nhưng cô... Tôi muốn nói với cô là tôi không hề phụ lòng tin của cô. Tôi vô tội. Tôi chỉ thiếu cương quyết mà thôi.
- Điều đáng nói là em khăng khăng em vô tội - Giọng cô buồn rầu - Thất vọng về thủ quỹ, đã đành. Nhưng chính em mới là nỗi tổn thương lớn nhất, lớp trưởng!
Âm điệu của hai từ cuối cùng làm tôi đau đớn và bừng tỉnh.
*
Đại học năm thứ nhất, trong thời gian chờ đợi những sinh viên mới toanh hiểu nhau hơn, căn cứ thành tích đầu vào đạt điểm á khoa, thầy giáo chỉ định tôi làm lớp trưởng.
Tôi từ chối. Thầy hỏi tại sao. Tôi thưa với thầy là tôi chỉ chăm học thôi, mà một lớp trưởng thì chăm chỉ là chưa đủ.