Giáng sinh hồng

     ượng muốn nói chuyện với con.
Đó là buổi sáng mùa đông lạnh buốt, tôi ngồi học bài với một cái mền dày sụ quấn quanh người. Dượng bước vào phòng trong một cái áo sơ-mi trắng đã cũ. Tôi ngạc nhiên trước cách ăn mặc phong phanh này và tất nhiên, tôi giấu nỗi ngạc nhiên của mình. Trên bàn bừa bộn sách vở và cả vỏ trái cây, tôi mặc kệ. Tôi có mời ai vào phòng đâu!
- Mẹ sắp có em bé.
Tôi biết rồi. Nói thành lời làm gì? Định nhắc nhở tôi phải biết yêu thương đứa nhóc sắp ra đời sao?
- Và... mẹ sắp chết - Giọng dượng thật khẽ.
Tôi rùng mình, cổ cứng đờ.
- Bác sĩ nói riêng với dượng điều đó. Rất có thể vào lúc sinh em bé...
Im lặng, im lặng thật lâu. Cái mền cọ vào cổ tôi những sợi lông tua tủa và tôi thấy đau như lông nhím đâm. Tôi ngọ nguậy đầu như một con rùa. Bóng tôi và bóng dượng hắt lên tường vôi một màu xám ngắt. Bóng dượng lặng yên, bóng tôi ngúc ngoắc, rồi cái mền tuột xuống nhưng tôi không thấy lạnh, chỉ là gì đó như gai đâm.
- Con có trách là vì em bé mà mẹ phải...?
Không. Đây không phải là một chuyện dính dáng đến dượng, đến vị trí của dượng trong trái tim tôi. Đây là mẹ, là một điều rất khác. Tôi bật ra một âm thanh lào phào. Gió thổi qua kẹt cửa rít lên như một tiếng rên.
Dượng bước giật lùi ra cửa, mắt dượng nhìn qua vai tôi:
- Dượng xin con để cho mẹ được vài ngày vui.

*

Mẹ mất. Mối dầy ràng buộc đã mất. Chẳng còn gì nữa. Có chăng là cu Tý nhưng nó quá nhỏ nên sự ràng buộc rất mỏng mảnh, mỏng mảnh như không hề có.
Tôi xếp quán áo vào valy. Sự yêu thương quan tâm làm cho mẹ vui dù chỉ là giả vờ cũng để lại chút gì đó. Chẳng lẽ sau bao vui tươi chuyện trò giờ lại quay về lầm lì lạnh lẽo? Tôi chào dượng lễ phép quá mức cần thiết:
- Xin phép dượng, con vào ký túc xá.
Dượng ngước lên. Mẹ vừa mất và ngay lập tức là chăm sóc cu Tý, chẳng còn hiểu đâu là buồn đâu là lo nữa. Mắt dượng trống rỗng:
- Con đi à?
- Vâng.
-... Con không đợi giỗ tròn năm mẹ sao? - Giọng dượng cũng trống rỗng.
- Đến ngày ấy con sẽ về.
Im lặng. Im lặng thật lâu.
Tiếng cu Tý oe oe. Chắc nó lại tè ướt rồi. Tiếng nước súc bình sữa óc ách và tiếng ru à ơi của bà vú. Mùa mưa, những mảnh màn xô nhỏ xíu và những cái tã lót hình tam giác giăng đầy nhà.
Dượng đi về phía tiếng khóc, dáng nặng nề. Rồi dượng ngoái đầu lại, tôi nhìn thấy râu ria tua tủa đầy dưới hai vành tai. Trước, bao giờ dượng cũng cạo rất sạch sẽ.
- Khi nào không bận học quá, con về... thăm em.
- Vâng.
Tôi đến bên bàn thờ, thắp một nén nhang mới cắm cạnh nén cũ còn thoảng khói. Mẹ nhìn tôi, tươi tấn và một chút hóm hinh. Đây là tấm ảnh đẹp nhất của mẹ, tôi và dượng đã lục tung cả chống album để lục ra tấm ảnh này. Đây là công việc đáu tiên mà tôi và dượng cùng làm và cùng chung ý nghĩ. Một tấm ảnh buồn nào có ý nghĩa gì hơn?
“Chào mẹ con đi”. Trong album tôi mang theo có khá nhiếu ảnh tôi và mẹ chụp chung ngày chưa có dượng. Giờ đây lúc nào con cũng có mẹ bên mình. Thật vậy không? Khi xếp tập album vào valy tôi tin vậy, nhưng lúc này, giữa làn khói nhang bay tôi chợt thấy hoài nghi. Có một điều gì đó trúc trắc ở đây. Mẹ đi cùng tôi? Hay ở lại với dượng và cu Tý? “Chào mẹ, con đi”. Tôi nhìn quanh những bức tường sơn màu xanh lơ, những tấm rèm cửa sổ màu lông gà con, có một tấm đã bị sờn góc. Lọ hoa con con trên nóc tủ với duy nhất một đóa hoa vải đã bạc màu từ lâu rồi đã bị lãng quên chợt hiện ra thật đẹp trong vùng sáng ký ức: “Tặng con gái nhân ngày tròn 14 tuổi”, không kể những búp bê mèo chó nhồi bông. Và cả tờ lịch kia... “Chào mẹ, con đi”. Nước mắt tôi ứa ra.

*

Mọi thứ ập đến rất nhanh. Tiền học chính khóa, tiền học thêm, tiền ăn hàng ngày, tiền sách vở và cả tiền sửa xe. Còn tiền quần áo mới và các tiệc tùng sinh nhật này nọ hoàn toàn bị cắt. Bạn bè tôi đứa dạy kèm, đứa phụ việc quán xá, đứa có chút năng khiếu đi vẽ quảng cáo... Tôi đọc rách hàng chồng báo quảng cáo mong tìm được một việc.
Cứ mỗi lần đạp xe đến một địa chỉ mới nghe giới thiệu để nghe câu trả lời muôn thuở “Xin thông cảm, đã có người vừa mới đến” là tôi lại nhớ mẹ và cả nhớ dượng. Một nỗi nhớ rất cụ thể. Tôi nhớ khi dượng muốn sơn lại xe tôi màu đỏ cho đẹp. “Không cần”, tôi lắc đầu. Mẹ thì thào “Thúy...”. Tôi cương quyết: “Đừng ai động vào đồ đạc của con”. Mẹ ôm mặt bằng những ngón tay trắng bệch run rẩy: “Con không được hỗn, Thúy. Nếu không quan tâm thì chẳng ai muốn động vào đồ đạc của con làm gì”. “Con không cần ai quan tâm”, tôi la lên, biết giọng của mình đủ vang đến nơi cần thiết. Tiếng giày lộp cộp tới gần, mẹ vội lau nhanh giọt nước mắt lấp ló, dượng xuất hiện, tươi cười: “Hai mẹ con đang làm gì vậy?”. Mẹ vui vẻ “Thúy nhờ em giảng bài toán”. Tôi lạnh lùng: “Con có nhờ gì mẹ đâu”.
Tôi nhớ lần dượng bị cúm. Mẹ mua trái cây về chất đầy tủ lạnh. Bạn bè đến, tôi lôi ra ăn cho bằng hết không chừa lại thứ gì. Đi làm về thấy tủ lạnh trống không, mẹ thở dài quay xe ra đi chợ mua lại túi trái cây khác. Sau đó là tôi cúm, cái bệnh lây lan kinh khủng đó. Mẹ mua về nào cam quýt nho táo... Tôi quay mặt vào tường không nói một lời cũng không chạm tay đến bất cứ thứ gì. “Mẹ tưởng con thích trái cây”, giọng mẹ nhẫn nhục. “Con chẳng thích gì cà, mẹ mặc con”, tôi nói qua hàm răng cắn lại.
Và mùa đông năm ngoái, dượng và tôi đóng kịch yêu thương. Tối hôm trước tôi xì lốp xe đạp của mình, sáng hôm sau mẹ sung sướng nhìn dượng phóng Honda ra khỏi nhà có tôi ngồi phía sau. Mẹ cười vui khi thấy tôi và dượng chụm đầu chơi cờ vua, dượng chẳng bao giờ đi con hậu mà tôi vẫn cứ thua hết ván này đến ván kia. Bị thua nhưng tôi lại thấy hài lòng hơn là nếu dượng nhường tôi thắng. Ngày Noel, dượng mang về một cành thông rất đẹp. Mẹ ngạc nhiên, nhà không có đạo. Dượng cười: “Chúa ngự trong lòng mỗi người”. Nụ cười của dượng làm tôi đau đớn. Noel chỉ là cái cớ để dượng tổ chức cho mẹ thêm một ngày vui. Tôi mua một dây kim tuyến thật dài quấn quanh cành thông, đoạn cuối cùng còn thừa nhiêu quá, cắt thì tiếc, tôi cứ để đoạn dây buông xuống lơ lửng. Dượng nhận xét cây thông giống một cô bé cột tóc nhổng đuôi gà. Cả nhà cười vang. Tiếng cười khiến đôi khi tôi quên mình đang đóng kịch.

*

Bán cái đồng hồ và nghỉ học ngoại ngữ, vi tính nhưng cũng chỉ cầm cự được hai tháng, định bán nốt cái xe đạp thì may sao tôi kiếm được một chân dạy kèm. Học trò của tôi tên Tường Vi, là một cô nhỏ lớp chín, mặt mũi sáng sủa, tóc cột hai sừng bên này nơ màu xanh, bên kia nơ màu đỏ, hai dải nơ hai màu tung tăng trên tóc.
Sau buổi học đầu tiên, tôi ngạc nhiên khi thấy các bài toán khó cô bé đều giải được rất nhanh:
- Cô nghĩ em không cần học thêm.
Nói với cô bé mà lòng tôi tuyệt vọng. Nếu không còn chỗ dạy này tôi lại phải tiếp tục tìm kiếm và việc đầu tiên là bán chiếc xe đạp rồi sau đó là gì chưa biết được.
Cô bé cười, hàm răng nhấp nhô ngộ nghĩnh
- Ai cũng khen em thông minh nhưng cô biết không, cứ thôi một thời gian là em lại ì ra. Có cô dạy, em được củng cố hoài nên nhớ. Người ta nói trí nhớ vĩnh viễn là những dữ liệu được nạp vào bộ óc nhiều lần lặp đi lặp lại. Đúng không hở cô?
Điểu này nghe chừng cũng có lý. Lại càng có lý hơn trong trường hợp này! Tôi gật đầu và một nụ cười nhẹ nhõm nở trên môi.
Tưởng tôi trêu chọc, cô bé che miệng lại:
- Răng của em là do hồi nhỏ em sợ đau không chịu cho bác sĩ nhổ cho nên...
Tôi nhìn xuống bìa sách, hai chữ Ti Vi thật to. Cô bé lại giải thích:
- Đây là tụi bạn của em, tụi nó trêu chọc nhại tên em thành ra là tivi...
Học trò nói líu lo cả ngày nhưng mà ngoan. Tiền học phí được nhận đều đặn vào mỗi đầu tháng trong một phong bì màu trắng rất lịch sự. Tôi không mong gì hơn. Chỉ sự học trò đổi ý không còn muốn có trí nhớ vĩnh viễn mà thôi!

*

Tôi gặp bà vú trên đường hối hả đạp xe đến trung tâm ngoại ngữ. Dạo này tôi ghi danh học cả hai ngoại ngữ nên thời gian lúc nào cũng như không đủ.
- Cu Tý đã biết đi chập chững rồi. Sao cô Thúy không về chơi?
Tôi không biết trả lời sao. Cũng có lúc tôi nhớ đến cu Tý nhưng đó chỉ là ý nghĩ. Giờ nghe nói thành lời tôi chợt thấy bối rối. Tôi có một đứa em. Chị và em. Cái sợi dây mỏng mảnh giữa tôi và dượng đã biết đi chập chững. Tôi nhìn xuống cổ tay trái, khi xách valy ra khỏi nhà còn có cái đồng hồ, lúc này trống không. Dượng sẽ cười... Mặc kệ dượng, mặc kệ bà vú. Nhưng dẫu sao thì cũng nên có cái đồng hồ đeo vào tay trước khi về - chơi - thăm - cu Tý. Và còn phải mua quà cho em của tôi nữa chứ. Biết đi chập chững rồi. Một đôi giày? Đúng rồi, một đôi giày vải màu đỏ. Cô bán hàng nói con nít hay tè lắm, phải mua hai đôi mới thay kịp, ừ thì hai đôi. Lương gia sư khá hậu lại có được học bổng, tôi có quyền xài sang một chút. Nhớ hai sừng tóc của Tường Vi, tôi chọn một đôi màu xanh một đôi màu đỏ. Ít quá? Thêm một cái máy bay có cánh quạt màu hồng nữa. Nhớ những món quà mẹ tặng bao giờ cũng là một bí mật thú vị ẩn trong cái hộp vuông vắn, giấy gói khi là hình công chúa, khi là hoàng tử có cánh... Mở quà thật cẩn thận sợ làm rách lớp giấy gói, tôi lấy kéo cắt công chúa, hoàng tử dán lên tường. Nhưng bây giờ không còn loại giấy gói cổ tích như vậy nữa, lựa chọn một hồi tôi lấy tờ giấy màu vàng điểm những quả bong bóng xanh hồng trắng tím bay túa khắp nơi. Cu Tý đã biết khen đẹp xấu chưa?
Gói quà màu vàng óng ả trong giỏ xe, chân đạp xe hồi hộp. Gần một năm rồi còn gì. Một năm. Gió ngược chiều khiến tôi cay mắt. Dượng và tôi đã có lúc yêu thương nhau! Sao lúc ấy mình trẻ con quá. Giờ đây tôi có thể nói “Chào dượng” một cách nhẹ nhàng, không yêu không ghét. Thật. Dượng, chồng của mẹ là một chuyện. Dượng, ba - của - em tôi lại là một chuyện khác. Hình như có điều gì đó. Trước nhà sao đông thế kia? Tôi đạp xe nhanh hơn. Một chiếc xe hàng lật nhào ngang đường hơi xăng nồng nặc. Cu Tý... Tôi nhảy xuống xe, ống quần vướng vào pê-đan khiến tôi loạng choạng. Cu Tý trên tay bà vú, đầu ngoẻo về một bên. Ai đó la lên: “Gọi điện cho ba thằng bé, nhanh lên”.

*

Sợi dây đứt hẳn. Không còn gì nữa. Không còn gì nữa. Tôi nhét những món quà vào đáy valy. Cu Tý chưa kịp biết mình có một người chị. Nước mắt tôi chảy ra. Đợi mua cho được cái đồng hồ, tôi bị muộn mất rồi.
Giỗ mẹ, tôi ra mộ ngồi suốt buổi nhìn khói nhang bay, mơ hồ nhận ra mình làm mẹ buồn nhiều. Mơ hồ nhận ra mọi chuyên hình như có thể êm ấm hơn nếu... Và khi rời nghĩa trang, giữa tiếng lau lách xào xạc rung trong gió chiều, mơ hồ nhận ra mình không về nhà vào ngày hôm nay là một điều nữa làm buồn mẹ. Biết vậy. Nhưng sao chân đạp xe đến gần nhà bỗng chậm lại, chiếc xe dường như rất nặng. Rồi hết sức, tôi đạp dấn tới thật mạnh, xe phóng vù qua, ngôi nhà lùi lại phía sau... Hình như dượng đang đứng trước thềm, dượng? Hay bà vú?

*

Mùa đông đến. Sinh viên chúng tôi tham gia ngày hội Noel. Choàng thử cái áo đỏ lụng thụng và đeo hàm râu trắng xóa, những ông già Noel nhìn nhau cười rộ. Nhiệm vụ của chúng tôi là đến thành đoàn nhận quà rồi phát cho trẻ em lang thang. “Và nếu tự mỗi người làm được thêm gì đó thì hay quá”, bí thư chi đoàn phát động phong trào quyên góp tất cả những gì đang bị phí phạm trong lãng quên.
Thật lạ, sinh viên lúc nào cũng than thiếu thốn mà lục lọi cũng ra được nhiếu thứ còn khá mới, chỉ không hợp thời trang lắm hay không hợp với dáng người. Nào mũ, áo khoác, giày... Tôi cũng tìm trong valy ra được cái áo thun từ lâu không mặc và sợi dây chuyền kết bằng những hạt nhựa giả ngọc. Lục sâu thêm nữa, hai đôi giày hiện ra, màu xanh màu đỏ rất mới và cái máy bay có cánh quạt màu hồng. Hai bàn tay tôi chợt cứng đờ. Nhớ lúc đi mua quà cho cu Tý cô bán hàng hỏi: “Chân em bé cỡ nào? Mấy tháng?”. Tôi lẩm bẩm nhẩm đếm. Cô cười rộ. Nhớ lúc nắn nót gói quà, nhỏ bạn cùng phòng trố mắt: “Làm gì trịnh trọng thế kia?”, rồi trêu chọc “Giống tặng quà cho người yêu quá, chỉ còn thiếu cái nơ hình trái tim”.
Những đứa trẻ đường phố tụ tập thành từng nhóm thật hớn hở và thật ngoan. Những món quà thắp lửa trong mắt mỗi người. Rồi vỗ tay ca hát. Những phần quà bằng nhau, giấy gói giống nhau và kiểu gói hệt nhau. Tôi chẳng thể nhận ra cái gói mình vừa trao đang nằm trong tay ai, một cô bé, cậu bé nào cụ thể để mai này, nhớ đêm nay, ngoài nỗi nhớ đám đông nhiệt thành và hy vọng, tôi còn có thể hình dung được một ánh mắt, một giọng nói, một khuôn mặt dành riêng của mình. Một cảm giác cô đơn kỳ lạ trong tôi. Các em có vậy không? Sẽ nhớ những ông già Noel đáng yêu này, nhưng sau bộ áo lụng thụng là ai em nào biết!
Tôi cầm tay cô bé gần nhất, cô bé ngượng ngùng rút tay về và lẩn vào biển người mênh mông của đêm vui. Tôi muốn ghi vào gói quà trên tay cô bé tên và địa chỉ của mình như mong muốn về một điều dài lâu nhưng đã muộn mất rồi. Đau nhói trong tôi đốm sáng óng ả của gói quà màu vàng rực lên trong nỗi nhớ.
Tiếng chuông ngân vang. Trong bộ áo quán ông già Noel tôi đi về hướng con đường từ lâu cố tránh. Đêm lộng lẫy với những bộ áo quần đẹp nhất và những con đường rực sáng với các cánh cửa mở toang vang vang bài ca giáng sinh. Ánh sáng nhấp nháy trên những nhành thông xanh thắm như sao trời rơi nơi nơi.
Ngôi nhà đóng cửa im ắng, bóng tối phủ quanh. Tôi khựng lại. Từng có một Noel rất vui, từng có một cây thông giống như cô bé tóc nhồng đuôi gà. Khi yêu thương nhau người ta vui biết nhường nào.
Tôi gỡ bộ râu bạc trắng ra và gõ cửa.
Có phải dượng đó không?
Khuôn mặt bị che khuất bởi bóng tối và bởi bộ râu quai nón xồm xoàm. Sống mũi tôi cay. Có tiếng chân và một dáng người nhỏ nhắn nép sau lưng dượng. Tim tôi lặng đi, đã có ai khác trong ngôi nhà này rồi sao?
Tôi lùi lại, chợt nhớ cô bé đã từ chối cái nắm tay của tôi để lẩn vào biển người mênh mông.
Lại thêm hai bóng người nữa. Hình như cũng có một đêm giáng sinh ở nơi này. Mình thành kẻ quấy rầy mất rồi. Tôi lùi thêm bước nữa, lòng đau buốt.
- A... ông già Noel... - Dáng người sau lưng dượng chồm lên và reo vang.
Giọng của Tường Vi! Ngay lập tức, tôi nhận ra kiểu líu lo rất quen và hai sừng tóc lúc lắc bóng trên cửa. Và tôi cũng nhận ra hai người kia là cha mẹ của Tường Vi. Họ choàng tay qua vai dượng, rất bạn bè.
Cô bé học sinh giỏi này không cần đến gia sư, hoàn toàn không cần.
Tôi chợt hiểu ra. Muốn bật gọi “dượng” mà môi cứ cứng lại. Tường Vi nhảy chân sáo xuống thềm, háo hức dí sát mũi lại gần mặt tôi, rồi cất tiếng reo ngạc nhiên lẫn hân hoan “Ô... Cô giáo!”