ớp học là gian phòng nhỏ bên hông Ủy Ban Nhân Dân phường. Học trò là bọn trẻ lang thang ban ngày làm đủ việc để kiếm sống. Cô giáo là tôi.
Rơi... Rụng... Rồi thuyết phục... Lớp tụ tập đông đủ được vài hôm rồi lại rơi...rụng... Nào là hôm qua bán vé số về tối quá nên buồn ngủ. Nào là bị bọn quậy chận đường nên về trễ. Nào là... đủ các lý do trên đời. Có cả lý do “Em ghét học toán trừ lắm, em chỉ thích học toán cộng thôi”.
Cô giáo không dám la học trò, chỉ năn nỉ... và năn nỉ.... Tôi đã hứa với Đoàn trường bằng mọi cách phải đưa lớp này qua hết bậc tiểu học. Lời hứa hùng hồn giờ nhúm nhó như trái banh xì.
Giữa những dãy bàn ghế trống dần, bọn trẻ ngáp lên ngáp xuống. Những đôi mắt díp lại nhìn chữ A ra chữ O. Tôi ngập ngừng chấm cây bút đỏ lên trang vở, nếu mà cho điểm kém thì ngày mai cô bé này sẽ nản không đến lớp nữa. Tay tôi khoanh một số 0 cạnh số 1, cô bé cười tươi rói. Tôi thở dài... Biết làm gì đây?
*
Giữa lúc tôi sắp chịu thua thì tên con trai thò mái tóc xù qua cửa sổ. Tôi ớn lạnh nhìn đôi mắt dưới hàng mày rậm của hắn đảo qua các dãy bàn trống. Lớp đêm chỉ có mình tôi, còn lại là lũ nhóc. Hắn định làm gì đây?
- Trời ơi! Lớp gì mà có sáu đứa à? - Giọng hắn oang oang. Rồi hắn toét miệng cười với tôi - Chào cô giáo!
Có vẻ hắn không giống tôi tưởng. Tôi cố nở nụ cười:
-... Chào...
- Học trò của cô cúp cua hết rồi hả?
-...
- Tôi thấy mấy đứa tụ tập đánh bài ngoài cột điện kìa. Không tin hả? Ra đây tôi chỉ cho mà thấy.
Tôi bước ra. Đúng như hắn nói. Tôi nhìn hắn, rồi quay vào lớp lại. Tôi biết làm gì đây?
- Ủa? Sao cô không ra la tụi nó mà lại im?
-...
- Không dám la hả? - Hắn cười.
Tôi đỏ mặt. Có cô giáo nào tội nghiệp như tôi không? Học trò thì không dám phạt. Rồi bỗng một tên khơi khơi từ đâu đến cười cợt tỉnh rụi.
Giải tán lớp thôi! Trả lại bọn trẻ cho vỉa hè. Tôi sẽ kiếm vài đứa trẻ con nhà khá giả dạy kèm. Đường ai nấy đi.
*
Tôi không nghĩ người đợi mình ngoài cổng trường là hắn. Hắn ăn mặc bê bối như lần đầu tôi gặp - quần thụng bạc phếch, hai miếng vá to tướng đắp trên hai đầu gối, áo thun hoa hoè sặc sỡ, tóc tai bờm xờm. Chỉ có dáng đứng của hắn là hơi ngại ngùng và khuôn mặt lộ vẻ bối rối.
- Cô giáo! - Hắn gọi tôi một cách nghiêm trang.
Tôi im lặng nhìn hắn. Trước cổng trường đại học, nhìn hắn không đáng sợ như buổi tối đột ngột xuất hiện ở lớp đêm.
- Cô giáo nghỉ dạy thật à? - Giọng hắn buồn buồn.
Có phải hắn trách tôi không? Tôi tiếp tục im lặng. Vóc dáng hắn cao to, có vẻ bụi bặm trần ai, nhưng rõ ràng hắn không lớn hơn tôi bao nhiêu.
- Việc tôi nghỉ hay dạy thì có liên quan gì đến anh? - Tôi nói, giọng không mấy dịu dàng. Mơ hồ cảm thấy khó chịu.
- Tôi...tôi... - Hắn lúng túng -...Tôi chỉ thấy tội nghiệp tụi nhỏ.
- Nhưng chính vì tại...- Tôi bỗng muốn phân bua.
- Tại tụi nó ngu, không biết.
Câu nó đơn giản của hắn khiến tôi ngớ người. Đúng, bọn trẻ không có lỗi gì cả, một định nghĩa xác đáng nhất “Ngu, không biết”.
- Tụi nhỏ bỏ học vì không biết. Còn cô giáo bỏ dạy trong khi cô giáo rất biết.
Tôi chỉ tròn mắt nhìn hắn mà không nói được lời nào.
- Tối nay cô giáo đi dạy lại nhé? - Hắn nói khe khẽ, chùm tóc trước trán hắn rung rung.
- Anh...anh làm cách nào thuyết phục được bọn trẻ đến lớp?
- Tôi có cách dụ tụi nó. Tối nay... cô giáo nghe?
*
Bọn trẻ gọi hắn là thầy.
Cô dạy văn hóa. Thầy dạy... thể thao. Từ ngày hay tin lớp thành lập đội bóng, sĩ số học sinh tăng lên đến không còn chỗ. Bọn con trai chia làm hai - Đội Xóm Trên và đội Xóm Dưới. Con gái là ủng hộ viên. Ủng hộ viên rất lộn xộn, đang theo đội này, sinh chuyện cãi nhau, mai quay qua khen đội kia.
Điểm văn hóa được tính bằng thẻ đỏ, thẻ vàng... Từ điểm 0 đến 2 là thẻ đỏ. Điểm 3 đến điểm 4 là thẻ vàng. Dưới điểm năm coi như không được ra sân, kể cả ủng hộ viên. Quy định này dẫn tới mỗi tối cuối tuần, học trò nhao nhao:
- Cho em thêm một điểm đi cô ơi!
- Hay là cô cho em mượn điểm, tuần sau em trả.
Sổ điểm của tôi đầy nét gạch xóa. Tôi thật sự không biết lớp học của mình sẽ đi về đâu. Đông học trò quá. Bao nhiêu cô cậu bé thì có bấy nhiêu trình độ chênh lệch. Từ a b c đến lõm bõm đọc được bài ca dao ngắn. Có cô giáo nào dạy toàn cấp như tôi không? Sau mỗi tối, tôi mệt lử, cổ đắng và khô rát.
Hắn luôn xuất hiện lúc lớp tan. Học trò lao xao:
- Thưa cô em về. Thưa thầy em về.
- Cô giáo mệt lắm phải không? - Hắn hỏi tôi.
Không giấu diếm, tôi gật đầu.
- Tôi sợ cô giáo bị đau quá.
- Đừng gọi tôi là cô giáo, tên tôi là Thư.
- Tôi là Hùng.
- Anh làm ở đâu?
- Xưởng cưa.
Tôi cũng ngờ ngợ đoán Hùng làm một việc gì đó tương tự như vậy.
*
“Cầu thủ chân chính không được chửi thề”.
“Cầu thủ chân chính không được trốn học”.
“Cầu thủ chân chính không đánh bài, không uống rượu, không phá phách”.
“Cầu thủ chân chính mỗi tuần phải có ít nhất hai điểm ghi bàn thắng”.
Đó là những khẩu hiệu thi đua của học trò lớp tôi. Hai tháng nữa có một trận đấu có treo giải thưởng đoàng hoàng. Phần thưởng của thầy là một trái banh da và phần thưởng của cô là một bộ truyện cổ tích Việt Nam. Điều kiện đặt ra là tất cả các cầu thủ tham gia trận đấu phải đọc thông thạo.
Bọn trẻ học hành tiến bộ thâý rõ. Ban chấp hành Đoàn trường khen thưởng tôi đã có thành tích trong công tác xóa mù chữ, một phần thưởng ngoài mơ ước - Tôi được cấp học bổng.
Lần lãnh tiền đầu tiên, tôi mua quà tặng Hùng.
- Thư phải cảm ơn anh. - Tôi nói.
Hùng đỏ mặt:
- Thư đừng nói vậy... Tôi mà... Tôi có làm được gì đâu.
- Không có anh, Thư đã bỏ cuộc lâu rồi.
Hùng ngượng ngùng xoay trở món quà trên tay, lí nhí:
- Thư tặng tôi gì vậy?
Tôi chợt nhận ra tên con trai này thật nhút nhát dù dáng dấp bụi bặm ngang tàng. Hùng luôn cho tôi cảm giác tin cậy trên đường khuya đưa tôi về. Cả khoa đồn ầm lên tôi và Hùng là một cặp xứng đôi. Cả bọn trẻ, chúng thường lém lỉnh ghép “Thưa thầy cô em về!”.
Chỉ có gió đêm và sao trời mới biết rõ Hùng chẳng dám nói gì ngoài câu “Thư mệt lắm phải không? Tôi sợ Thư bị đau bỏ dạy quá”. Những bước chân càng đến gần cổng ký túc xá càng trở nên e dè, rồi sự e dè trở nên cứng nhắc khi tôi mời Hùng đến trường chơi. “Tới trường Thư làm gì?” - Giọng Hùng khô khan, lầm lì.Tôi không hiểu sao lại có phản ứng kỳ lạ như vậy.
- Anh mở quà ra đi.
Bàn tay to lớn đầy vết chai lúng túng gỡ sợi ruy băng đỏm dáng điểm quanh lớp giấy gói. Mồ hôi thấm hai bên thái dương Hùng, nhìn anh chàng ngượng nghịu đến tội nghịêp. Tôi bỗng muốn trêu chọc một chút:
- Anh sợ đau lớp giấy hay sao mà không dám xé mạnh?
- Đâu phải vậy... Tôi...Tôi... - Mặt Hùng đỏ nhừ.
Cuối cùng thì món quà cũng được tháo ra - Bộ truyện “Shô Gun Tướng Quân”. Tôi nhìn phản ứng trên mặt Hùng, đợi một lời tán thưởng thốt ra trong dịp này, ví dụ như “À, tôi định mua bộ tiểu thuyết này từ mấy hôm nay, Thư tặng thế này hay quá”, hoặc “Tôi nghe nhiều người nói bộ truyện này rất tuyệt”...
Tôi đợi. Hùng chẳng nói gì cả.
*
- Cô là ủng hộ viên của đội nào hở cô? - Bọn trẻ nhốn nháo hỏi.
- Cô ủng hộ cả hai đội! - Tôi đưa hai tay lên.
Không khí tưng bừng chưa từng thấy. Mặc kệ nắng trưa, mặc kệ đá dăm đầy trên sân... Tiếng reo hò sôi động lăn theo trái banh tròn đầy uy lực.
Phút 88, 89, 90... Ô! Tiếng reo vỡ ra khi trái banh bay qua đỉnh đầu thủ môn của đội Xóm Trên, nâng tỷ số lên 3-2. Đội Xóm Dưới nhảy tưng vì hạnh phúc.
Cậu bé vừa ghi cú sút quyết định được công kênh giữa tiếng cười tràn trề vui sướng.
- Trao giải cô thầy ơi!...
Chúng thẳng tay xé lớp giấy gói màu mè quanh món quà của tôi, lấy những quyển truyện cổ tích ra chìa tới trước mặt tôi và Hùng:
- Cô thầy ký tên vào đây thì mới đúng là của cô thầy thưởng!
Tôi bật cười trước sự láu lỉnh của bọn trẻ. Chúng nhét cây bút vào tay tôi:
- Ký xong cô phải viết luôn tên của cô ra, chớ nhìn loằng ngoằng đâu ai biết đây là quà của cô đâu. Thầy cũng y như vậy nghen.
Tôi vừa cười vừa làm theo yêu cầu của học trò rồi chuyền cây bút cho Hùng. Mặt anh đơ ra, mồ hôi rướm trên mặt.
- Viết tên đi thầy, viết gần tên cô nè...
Cây bút lóng ngóng trên bàn tay to bè. Hùng nhìn tôi trân trân, rồi quay ngoắt vai:
- Thôi! Về!
Vẻ sa sầm của Hùng khiến bọn trẻ chưng hửng. Tôi chợt hiểu ra. Nỗi sững sờ khiến tôi không biết phải làm gì. Bọn trẻ đuổi theo anh:
- Thầy ơi! Thầy...
Mình tôi đứng lại giữa sân vắng vẻ, vài sợi nắng chiều vương vãi. Mắt tôi cay cay. Người con trai mù chữ này chính là thầy giáo của bọn trẻ. Tôi chỉ là người giúp việc của anh thôi.