ng bước vào nhà tôi thật bất ngờ.
- Con trai bác bận quá. Cháu có đồng ý cho bác sửa máy của cháu không? Hay là... chê bác già nua lẩm cẩm thì đợi vài ngày nữa con trai bác đến?
Ông nói một cách dí dỏm buồn buồn, mắt ông nhìn tôi như muốn nói thêm “Tôi biết bây giờ bọn trẻ không cần đến mấy ông già đâu. Nếu cô không dám cho tôi đụng đến cái máy của cô thì tôi sẽ về ngay, không sao hết, tôi hiểu mà”.
Tôi chợt thấy thương thương ông.
- Hồi đó bác dạy nghề cho con bác chứ ai! - Ông nói thêm.
- Dạ!
Tôi ôm đống áo quần cắt rồi mà chưa may được ép qua một bên để rộng chỗ cho ông ngồi. Hôm nay là hai mươi lăm Tết rồi mà máy may hư thì có chán không? Tôi thở dài thườn thượt. Ông hiểu cái thở dài của tôi theo cách khác:
- Cháu yên tâm. Bác sẽ làm đàng hoàng cho cháu. Từ trước đến nay bác vẫn lấy chữ tín làm đầu.
- Dạ không! - Tôi vội vàng đính chính - Cháu chỉ sợ khách may đồ càu nhàu vì trễ hàng của họ thôi.
Ông mở hộp đồ nghề ra. Bàn tay ông gầy gầy nhưng vẫn nhanh nhẹn. Ông sửa lại cặp kính và mỉm cười với tôi trước khi cúi xuống tháo máy ra. Khi ông lặng im không trò chuyện, nhìn ông giống như một thầy giáo già.
Ông tháo, vặn... tiếng lách cách vang lên khe khẽ giữa ban trưa lặng lẽ. Trời im lìm không một gợn mây. Tôi vừa nhìn ông làm, vừa sốt ruột nhìn đồng hồ.
- Cháu cho bác xin ly nước.
- Xin lỗi bác, cháu quên...
Tôi vội vàng pha một ly trà đường đem đến cho ông.
Ông ngừng tay, mỉm cười. Nụ cười của ông thật dễ mến.
Vừa nhấp môi vào ly thì ông khựng lại, một đốm sáng lóe lên trong mắt ông:
- Nhà cháu hay uống trà đường?
- Dạ mỗi khi mệt mẹ cháu hay uống trà đường. Cháu tưởng... ai cũng vậy. Để cháu rót ly khác cho bác.
- Không không! Bác cũng thích uống mà.
Ông nhìn tôi chăm chú đến nỗi tôi bối rối. Tôi có thói quen là thích cái gì, thì hay mời người khác thứ đó. Như khi anh tôi nhờ mua vải thì tôi mua về một xấp vải màu tím vì đó là màu tôi thích.
Không nhìn tôi nữa, ông đưa mắt nhìn quanh phòng. Ánh mắt ông ngừng lại ở khung hình tôi treo đối diện cửa sổ. Nắng xế chiếu trên tấm kính mờ bụi.
- Đây là ba mẹ cháu? - Giọng ông chợt khàn đi.
- Dạ! Kia là anh, chị và cháu - Tôi chỉ tiếp vào ba khuôn mặt còn lại.
-... Đi đâu hết rồi mà nhà vắng vậy cháu?
- Dạ ba cháu mất lâu rồi. Anh cháu đi làm. Chị cháu về làm dâu nhà người ta.
- Còn... mẹ cháu?
- Mẹ cháu đi bốc thuốc bắc chưa về.
- Mẹ cháu đau?
- Dạ, mẹ cháu đau hoài, mấy ngày là phải bốc thuốc một lần.
- À... - Ông nói điều gì đó tôi không nghe rõ, rồi ông tiếp tục sửa máy. Bất chợt, ông ngước nhìn tôi qua cặp kính trong suốt:
- Vậy cháu là con út của mẹ? - Giọng ông ấm áp và trìu mến đến nỗi tôi cảm thấy ông thật gần gũi.
*
Khi ông sửa xong thì trời đã sụp tối.
- Bác tính tiền giùm cháu! - Tôi nói và không hiểu sao tôi cảm thấy bối rối, tựa như mình đang đề cập đến một điều tầm thường.
- Bác sửa dùm cháu thôi! - Ông nói nhẹ nhàng.
Ông nhìn mông lung ra cổng. Giàn hoa sói vàng rợp bóng đêm:
- Giờ này mà anh cháu chưa về sao?
- Dạ, anh cháu hay đi nhậu về tối lắm.
Ông vừa xếp đồ nghề vào cái hộp sắt, vừa nhìn ra.
- Bác đợi ai đến đón phải không?
- Không. Mẹ cháu sắp về chưa?
- Cháu không biết. Thường thì giờ này mẹ cháu đã về rồi.
- Vậy à! - Ông lắc lắc mái tóc muôi tiêu và khẽ lắc cổ, tiếng khớp xương kêu “rắc” rất nhỏ. Rồi ông khoanh tay trầm ngâm nhìn khoảng không gian tím thẳm dưới giàn hoa.
Tôi chẳng hiểu ra làm sao nữa. Có điều gì là lạ ở đây.
Tôi đứng ngẩn nhìn ông. Biết làm gì đây với một ông thợ già sau khi sửa máy xong không chịu lấy tiền công rồi lại còn ngồi trầm tư xa vắng?
Trời tối hẳn.
- Cháu này.
- Dạ!
Ông nhìn tôi đăm đăm, đường gân xanh bên thái dương ông hằn rõ và những sợi tóc bạc rung rinh theo mạch máu. Đôi mắt ông đượm buồn và tôi lại thấy thương ông.
Giờ thì tôi thấy mình cũng kỳ khôi.
- Ngày xưa bác là bạn của mẹ cháu! - Ông nói chầm chậm với một nụ cười hoài niệm, những nếp nhăn quanh mắt ông xếp lại.
Tôi ấp úng... Người yêu cũ của mẹ? Lạy trời...
- Bác...
- Hồi đó mỗi lần bác đến chơi nhà, mẹ cháu cũng pha trà đường cho bác. Đó là thói quen của ông ngoại cháu.
- Dạ... - Tôi ậm ự không biết nói gì.
- Cháu không giống mẹ, nếu giống thì bác nhận ra ngay. Cháu cũng không giống ba - Giọng ông vui vui - Chắc là cháu giống cô phải không?
Hừm... ừm... ừm! Tôi im lặng. Ông nhận xét đúng. Tôi giống bà cô ở cái trán dồ, đôi mắt một mí và cái mũi hếch.
- Trời ơi! - Ông kêu nho nhỏ.
- Gì vậy bác? - Tôi chợt giật mình.
- Không! Bác nghĩ đến tí nữa mẹ cháu về. Hai người già chẳng biết nói gì chỉ biết kêu lên “Trời ơi!” - Ông lại nhìn ra cổng. Những bông hoa sói như những cái chuông vàng rung rinh.
Vậy ra ông định đợi mẹ tôi về! Chưa bao giờ tôi tưởng tượng ra được một câu chuyện lãng mạn như thế này.
- Cháu nấu mì hai bác cháu mình ăn nghe bác? - Tôi nói, lòng thấy vui vui một cách kỳ lạ. Tôi thấy mến ông, ông thật cởi mở, chân thành và dịu dàng.
- Đừng nấu nướng mất công. Bác về ngay bây giờ mà.
- Bác ơi! - Tôi vội vàng hỏi vì sợ chẳng bao giờ gặp lại ông nữa. Hôm nay chỉ là tình cờ và tôi rất muốn biết về mẹ khi còn trẻ - Hồi đó sao... bác và mẹ cháu chia tay nhau?
- Ờ... Chẳng biết ra làm sao nữa - Một vùng tối thoáng qua mắt ông và ông lại cười hiền -... Giận hờn gì đó. Bác xin lỗi mà mẹ cháu đâu chịu nghe.
- Rồi... vậy thôi hả bác?
- Ờ... thì vậy thôi. À - khuôn mặt ông tươi lên, những nếp nhăn dãn ra - Hồi đó mẹ cháu hay mặc áo vàng, để tóc thề rất dễ thương. Mẹ cháu lại có một cái răng khểnh duyên duyên. Bác làm thơ - Ông cười thành tiếng với một vẻ ngượng ngùng dễ mến - Bác ví mẹ cháu là mặt trời vàng “Mặt trời vàng lặn cuối chân mây xa”, bác vẫn còn nhớ bài thơ đó - Ông nói như thủ thỉ.
*
Kim đồng hồ nhích qua số bảy.
Một điều gì đó dâng lên trong tôi. Thì ra ngày xưa mẹ là như vậy. Tội nghiệp mẹ!
Và tội nghiệp cả cho ông!
Trong tiềm thức của ông, mẹ vẫn là cô thiếu nữ ngày nào áo vàng, tóc thề và cái răng khểnh duyên duyên - Mặt trời vàng!
Bao nhiêu năm tháng đã đi qua!
Giàn hoa sói đong đưa rù rì. Cơn gió cuối năm cuốn theo bao nhiêu là bụi và lá khô.
- Bác! - Tôi muốn khóc và tôi cố nuôt xuống - Cháu quên. Tối nay mẹ cháu ngủ lại nhà chị cháu.
Lạy trời mẹ đừng về vào lúc này. Hãy để ông giữ mãi trong lòng mặt trời vàng dễ thương của ông ngày nào.
- Vậy à? - Ông nhìn tôi ngỡ ngàng. Lời nói dối quá đỗi vụng về. Mặt ông đỏ lên. Ông đứng dậy, xách hộp đồ nghề.
Tôi đưa ông ra cổng. Giọng ông khàn khàn trong gió lộng:
- Cháu vào nhà đi kẻo lạnh!
Tôi nhìn theo dáng ông lom khom, cánh tay đong đưa trong khoảng không lặng lẽ.
*
- Mong ai mà đứng ngẩn ra vậy con?
Tôi giật mình. Mẹ về!
- Sao hôm nay mẹ về trễ vậy?
- Gặp bà bạn cũng bị đau giống mẹ, nói chuyện quên cả trời tối. Con nghĩ gì mà tiếng xe thồ nổ thật to con cũng không nghe?
“Con nghĩ về Mặt trời vàng”, tôi thầm trả lời mẹ và chợt nhìn mẹ thật kỹ. Mẹ đi vào nhà, tôi theo sau mẹ. Thuở tôi còn nhỏ, mẹ gầy gò, dáng tất bật âu lo. Giờ mẹ mập phì lại thêm chứng thấp khớp, đi cà nhắc nặng nề thấy mà thương. Búi tóc nhỏ xíu sau gáy bạc trắng. Ngày xưa, đó là một mái tóc thề! - Tôi lẩm bẩm với mình.
- Anh con về chưa? - Mẹ vừa hỏi vừa buông người xuống ghế, đưa tay xoa hai đầu gối chân. Ba thang thuốc bắc rơi trong lòng mẹ tỏa mùi ngai ngái.
- Mẹ, chiều nay con không nấu cơm. Tí nữa ăn mì nghe mẹ.
- Ừ, mì cũng được. - Mẹ thở ra một hơi dài và day day hai bên thái dương. Mắt mẹ nheo lại dưới ánh điện, da mẹ lăn tăn vết nhăn và lấm chấm nâu. Tôi nhìn mẹ chăm chăm. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ có răng khểnh cả. Vậy mà một thời mẹ đã có. Nó đâu rồi?
Tôi đưa mắt nhìn ra khoảng không dưới giàn hoa sói, tưởng như ông còn đứng đó, giọng khàn khàn “Cháu không giống mẹ lắm, nếu giống thì bác đã nhận ra ngay”.
- Rót cho mẹ ly nước đi con!
- Một ly trà đường hả mẹ? - Tôi hỏi lại với nụ cười vu vơ. Mẹ gật đầu.
Khi tôi pha xong ly trà thì mẹ đã thiu thiu ngủ.