Gia sư

     ên cậu là gì?
- Dạ thưa, Thành.
- Cậu nói cậu là sinh viên?
-.... Dạ!
- Cậu dạy kèm ở đâu chưa?
- Dạ.... trước đây.... năm ngoái cũng có...
- Thằng nhỏ học cũng được nhưng lười. Cậu kèm học hành tiện thể khuyên nhủ nó giùm tôi. Thứ ba, năm, bảy, buổi chiều. Vậy nghe!
- Dạ!
Tôi hé cửa phòng nhìn. Mẹ đã đứng lên, vội vàng hấp tấp với công việc buôn bán thường lệ. Tên con trai sắp là gia sư của thằng Tú em tôi cũng đang đội mũ lên đầu. Khi hắn quay mặt lại thì tôi kinh ngạc - tôi có lầm không? Chính hắn, thậm chí tôi còn biết cả cái tên nhà quê của hắn nữa kìa- Trần Văn Thành, tên gì quê một cục. Hôm qua hắn và tôi ngồi cạnh nhau trong phòng thi, gần như vai kề vai. Lầm sao được?
Chà, sinh viên! Còn khuya nhé. Đến ngày cầm được giấy thi báo đậu trên tay còn cả tháng nữa. Mà trở thành sinh viên có thâm niên trong nghề gia sư thì còn xa tít mù hơn. Cả gan thật!
Hắn vưà đi khuất, tôi phóng ra:
- Mẹ!
Mẹ vẫn cắm cúi soạn hàng hóa từ những cái thùng to ra quầy, mùi hăng nồng bay lên - Đủ các loại xà bông làm mưa làm gió trên tivi hàng đêm - Cứ việc bôi bẩn áo quần đi nhé, đã có Viso, đã có Omo. Hừm, chỉ cần đưa bộ áo quần của thằng Tú sau một trận đá banh lên truyền hình là các hãng xà bông xanh mặt nhé.
- Mẹ! - Tôi gọi lần nữa.
Mẹ vẫn tiếp tục mở một cái thùng khác - Các bà nội trợ hãy mừng đi, đã có chúng tôi giải phóng giúp các bạn khỏi công việc chán ngắt và lê thê của bếp núc. Đây cá hộp made in China, đây thịt hộp USA... Nhưng trời ơi, dân ta không ưng thứ này. Biết sản xuất “Rau muống nấu canh tôm khô hộp” không? Dám làm “Bún riêu hộp”, “Bánh bèo hộp” có bảo hành không?
Mẹ chuyển qua thùng gia vị. Hành tây, ớt khô,... Buồn tay tôi cầm một bánh lên và nghé răng định cắn lớp bao nilon.
- A, đó là men nấu rượu - Mẹ la lớn.
Trời! Suýt tí nữa... tôi cười. May là không có thằng Tú, có nó thì đây sẽ chuyện thời sự suốt tuần.
- Sao con không chịu đeo kính hả Thanh? Cặp kính rất thời trang chứ có phải mẹ tiếc tiền bắt con đeo loại xấu xí đâu?
- Tại... tại...
Tôi ấp úng và rút lui vào phòng. Không sao tìm ra lý do chính đáng cho cái việc tôi quên đeo kính cận. Có lẽ chỉ vì... quên! Vả lại, cái bệnh cận này chỉ mới phát sinh đây thôi, từ sau trận luyện thi đại học.
Ơ... cũng có thể - Tôi giật mình - Tôi đã nhìn nhầm tên sắp là gia sư thành ra tên nhà quê cùng phòng thi hôm qua? Ừa! May mà tôi chưa lu loa với mẹ. Suýt nữa thì oan cho một người. Và điều đáng nói nhất mẹ sẽ ca cẩm “Con người ta vừa học vừa chịu khó làm. Còn con mình...”

*

“Gọi O là giao điểm của hai đường thẳng xx’, yy’, trên xx’ ta vẽ đoạn thẳng CD... đoạn thẳng CD sao cho...”
Tiếng giảng bài vọng qua phòng tôi, giọng vùng biển nằng nặng. Tôi nhìn đồng hồ. Mẹ đã giao nhiệm vụ mỗi buổi pha cho hai thầy trò hay ly nước chanh. Mới giảng hai mươi phút, khô cổ chưa nhỉ? Hừm... mai một ta đi giảng đường, ta cũng bận rộn. Liệu hồn, cứ trêu chọc là bốn mắt, ta lấy cớ đó nhầm muối thành đường cho biết mặt.
Phải lịch sự và ý tứ, con gái lớn rồi. Mẹ dặn đi dặn lại như thế. Chà, ta cận nhưng đọc rõ ý nghĩ lồ lộ trong mắt mẹ - Hắn là một đứa nhà nghèo nhưng có ý chí chứ gì? Những kẻ như thế đáng học tập và trân trọng, phải vậy không? Còn điều khá tế nhị này nữa... Mẹ có một đứa con gái... ha ha ha... mẹ ơi, đã qua rồi còn thời cha mẹ lo kiếm cho con gái của mẹ tìm một ý trung nhân tuyệt vời như thế nào. Sá chi tên gia sư giảng bài còn vấp này. Ta canh me chỗ nào giảng sai bẻ lại cho biết mặt.
Lịch sự... lịch sự là hãy đặt ly vào khay, đừng có hai tay hai ly đong đưa hỗn láo. Được rồi... Và mỉn một nụ cười nhẹ nhàng, đừng cười thân thiện quá hắn tưởng gì thì phiền. Tất nhiên là phiền cho hắn. Và phải gõ cửa, chớ có lấy chân đá và lo oang oang “Mở cửa... Tú à... Tú ơi” như thường ngày.
Rồi rồi... À, phải đeo kính vào nữa. Lỡ nhìn thầy ra thằng Tú...
Cốc cốc cốc...
Tôi sửa soạn một nụ cười
Rồi nụ cười chợt biến thành chữ O. Khuôn mặt hắn, vóc dáng hắn, không lầm vào đâu được. Tên nhà quê kia, tên lừa đảo kia, ngồi trong phòng thi bóp trán đến nổi gân xanh mà dám xưng là sinh viên.
Làm gì đây? Bộ óc tôi lùng bùng. Tự mình cho hắn một trận? Chạy ra nói với mẹ ngay lập tức? Không, tội nghiệp mẹ! Tôi chợt thấy thương mẹ, một tình cảm rất lạ, pha chút gì như là xót xa. Mẹ thường nói cuộc sống khiến mẹ đâm ra hoài nghi tất cả, vậy mà mẹ đã tin hắn, không cần dò hỏi kiểm tra. Nghĩ đến tình cảm mà bỗng nhiên mẹ đã dành cho hắn, tôi muốn làm một điều gì đó khiến hắn phải thật đau.
- Chào thầy! - Tôi dài giọng mỉa mai.
Khuôn mặt xương xương và màu da ngăm đen chợt tái xám. Cổ áo sơ mi dưới cầm chợt rung rung.
Tôi dằn khay xuống, nện chân đi ra.

*

- Tôi biết vậy là không hay...
Hắn nói nho nhỏ, vẻ cam chịu, bàn tay bóp mạnh ghi đông xe. Cái xe của hắn cũ mèm, màu sơn bạc thếch. Yên xe chỉ còn trơ khung bọc lớp da nhiều vết rạn.
-... Tôi sẽ thôi không dạy nữa - Hắn nhìn tôi, mặt đỏ rần.
- Chạy trốn à? - Tôi nặng giọng đốp lại
Hắn mở to mắt nhìn tôi, vẻ cam chịu biến mất, thay vào đó là sự phẫn nộ khiến tôi bất giác sờ sợ.
- Xưng là sinh viên thì dễ kiếm việc hơn. Và tôi cũng định nhận giấy báo thi đậu thì sẽ nói thật. Tôi đâu muốn nói dối. Điều quan trọng nhất là em của bạn có học khá hơn không. Tôi tin là tôi kèm được.
Quai hàm hắn bạnh ra vừa tức giận, vừa chua chát, vừa mệt mỏi. Khuôn mặt hắn chùng xuống.
Ra vậy. Hắn không lừa đảo. Hắn chỉ nói dối một chút thôi.
- Dù sao thì tôi cũng có lỗi - Hắn thở dài - Cho tôi xin lỗi, tôi sẽ tìm việc khác làm.
- Bạn định làm gì? - Tôi buột miệng hỏi, nhận ra cơn tức giận của mình vơi đi rất nhiều.
- Bất cứ việc gì, miễn là kiếm sống lương thiện.
Á... à.. với câu trả lời này, mẹ tôi sẽ mời hắn làm gia sư cho cả tôi nữa cho mà xem. Môi tôi bỗng nhiên cười:
- Dạy kèm em tôi không lương thiện à?
Hắn ngẩng nhìn tôi, mắt hắn sáng lên.
Tội chưa. Rõ ràng là hắn thất nghiệp trăm phần trăm. Vả lại, hắn có lý, điều quan trọng là thằng Tú có khá hơn không. Điều cực kỳ quan trọng nữa, nếu hắn nghỉ, trong thời gian đợi gia sư mới, thế nào mẹ cũng bắt tôi dạy thằng Tú, nhất là khi biết hắn học chỉ bằng tôi mà dám làm thầy.
Phải, lý do khác chính đáng để tôi thừa nhận nói dối trong trường hợp này là thông cảm được.
- Nhà bạn ở đâu? - Hỏi xong tôi chợt nhớ ra con gái không nên hỏi những câu như thế này. Nhưng lỡ thốt thành lời mất rồi. Mẹ luôn nói tôi vô ý vô tứ là vậy.
- Nhà tôi ở tận quê - Như một nhu cầu thổ lộ, hắn tuôn ra - Học xong phổ thông tôi phải nghỉ hai năm phụ gia đình làm rẫy. Ngày về đây thi, nhà không có tiền, bán hai tạ lúa và cái xe đạp này. Thôi thì cứ đi rồi xoay sở kiếm việc làm. Tôi định mai mốt đi bỏ báo thêm.
- Học ở thành phố tốn kém lắm - Tôi nói, giọng chợt nhỏ lại.
- Tôi cũng biết vậy. Nhưng cứ cố. Nhà tôi còn đông em. Nếu mai mốt tôi học xong đại học kiếm được việc ổn định chắc các em tôi đỡ khổ như tôi bây giờ. Tôi đi học, lũ em phải gánh vác công việc nhà thay tôi.
Ra vậy. Tôi im lặng. Tiếng mẹ tôi ho khúc khắc... thôi rồi, thế nào cũng “Sao không vào nhà ngồi trò chuyện mà rủ nhau ra đường... trời ơi.. còn gái...”

*

“Nếu a chia hết cho b và b chia hết cho c thì...”
Cốc cốc cốc...
Tôi bưng nước vào. Gia sư ngừng giảng. Tôi mỉm cười. Gia sư cũng cười. Hắn trọ ở khu nhà lụp xụp xa tít bên kia phố. Trưa đạp xe cọc cạch qua đến được đây thì đủ chết. Tôi không cần canh đồng hồ nữa, đầu giờ, tôi đặt sẵn trên bàn của gia sư một ly cam vắt. Cuối giờ, tôi la lớn:
- Tú ơi, ăn cháo gà không?
Mẹ la khẽ:
- Em đang học, sao con vô ý vậy?
- Ơ... lỡ rồi mẹ ơi, thôi, hai tô cho cả hai thầy trò nghe mẹ?
Ban đầu hắn đỏ mặt lắc đầu. Tôi nắn nỉ có, hăm dọa cũng có... dần dần hắn không từ chối nữa. Tôi đọc thấy lời cám ơn trong mắt hắn. Thật kỳ lạ khi tôi và hắn có thể hiểu nhau nhanh đến như vậy. Hiểu chẳng cần nhiều lời.
Nếu tôi là con trai, tôi sẽ đem cái xe đạp của hắn đi sơn sửa lại. Nhưng thôi, chuyện sửa không tiện tí nào. Đợi đến ngày trở thành sinh viên, tôi sẽ giới thiệu hắn vài chỗ dạy kèm nữa. Bạn tôi, đứa nào cũng có em, cả bầy lóc nhóc.
Tròn một tháng. Mẹ tôi đã dặn hôm nay nhớ nhắc mẹ trả lương cho gia sư. Lo canh giờ bà bán cháo gà gánh qua, tôi quên mất điều quan trọng này.
Tội nghiệp, chắc hắn mong lắm. Tôi sẽ chuộc lỗi bằng cách ngay bây giờ đạp xe mang đến chỗ hắn trọ. Hắn sẽ làm gì với số tiền này? Mang một bộ đồ mới? Sắm đôi giày? Sửa xe?... Và còn ăn uống hàng ngày nữa. Tôi nhận ra phong bì quá nhẹ so với điều hắn cần. Mình có thể làm gì không? Thằng Tú nói “Từ ngày có cặp kính cận, chị Thanh thay đổi từ đôi mắt đến tính tình”. Có lẽ nó nói đúng nhưng chỉ một nửa, tôi thay đổi từ ngày nó có gia sư thì đúng hơn.
Mình có thể giúp gì không? Tôi mân mê phong bì. Bỏ thêm tiền vào? Không được. Hắn, vốn lương thiện, sẽ kính cẩn trả lại me ngay “Thưa bác, hình như bác nhầm, cho cháu gởi lại phần này”. Hừm, lương thiện đôi khi khó xử cho kẻ khác quá.
Ồ... đúng rồi. Tôi lấy một cái túi - Cứ bôi bẩn áo quần đi nhé, đã có Viso. Nào, trước hết là một gói xà bông. Đây nữa, các bà nội trợ hãy vui mừng, phải đổi lại là những người không có khả năng thiên phú về nấu nướng hãy vui mừng mới đúng - Hai hộp thịt nằm ngoan trên gói bột giặt nhé. Gì nữa?... Tiêu, hành, xì dầu... Cần quái gì những thứ này. A kia, hộp Ovaltine uống vào sẽ trở thành lực sĩ số một thế giới. Đây nữa, đường cát... À khoan, để đeo kính đã. Linh tính không sai mà, đường ở cái thùng to tận đằng kia. Còn gì nữa? Thôi, để lần sau. Lấy một lúc nhiều quá mẹ biết thì sao.

*

Tôi đậu, Thành rớt.
Đầu giờ chiều thứ ba, thứ năm, thứ bảy tôi vẫn đặt một ly cam vắt trên bàn của gia sư. Tú đợi. Tôi cũng đợi. Một tuần, hai tuần....
- Sao cậu sinh viên không đến dạy nữa?
Mẹ hỏi.
Biết trả lời mẹ sao đây?
Tôi phì phò đạp xe qua khu nhà lụp xụp bên kia phố, Thành đã đi rồi. Tôi nhận ra mình thật vô tình, quên hỏi quê Thành ở đâu. Giờ Thành đã về quê gánh vác công việc ruộng rẫy hay vẫn ở lại nơi đây tiếp tục giấc mơ chắt chiu không những cho mình mà cho cả đàn em?
Những con đường dọc ngang dài thẳm, biết tìm Thành ở đâu giữa thành phố mênh mông này? Tôi tháo kính ra lau, đeo kính vào. Lại tháo ra lau, đeo vào... bụi đầy mắt mà vẫn không thấy thành đâu.
Ước gì sang năm tôi gặp bạn ở trường đại học. Gia sư! Đừng bỏ cuộc nhé! - Tôi lẩm bẩm với gió, biết rằng trên đời này có những giấc mơ tuyệt đẹp và cũng có những con đường gập ghềnh xiết bao.
- Tìm người khác dạy cho em Tú thôi - Mẹ nói.
-... Mẹ để con kèm em cho - Tôi nói thật nhanh.
Mắt mẹ đầy nỗi ngạc nhiên và vui sướng. Tôi muốn ôm mẹ vào chân lại ngượng ngùng quay chạy về phòng. Tú le lưỡi:
- Chị Thanh có biết giảng bài không? Không biết giảng, rồi chê học trò dốt là không được đó nghe.
Mọi hôm, nói năng kiểu này thì một cuộc chiến tranh xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Nhưng hôm nay thì...
06.1996