Baby

     uổi khai giảng là một đêm có trăng. Trăng thường là điềm lành, tôi nghĩ vậy. Đêm, trường có vẻ khác trường ban ngày cách đây ba năm... Nhưng hàng phượng già thì vẫn vậy. Tôi chạm tay vào lớp vỏ xù xì nghe như có một tiếng vọng đâu đây. Dưới gốc phượng này tôi và Tiến ngồi mơ mộng bài thơ tình đầu tiên. Trang, cô bạn được tặng bài thơ bật khóc như nhận phải bức điện báo tử khiến Tiến nổi khùng. Rồi sau hàng loạt cuộc thi thanh lịch, duyên dáng, Tiến phán một câu xanh rờn:
- Mày biết tại sao người ta luôn đặt phần thi ứng xử ở vòng sau cùng không?
- Sao?
- Vì nếu đó là vòng thi đầu tiên thì chẳng có người đẹp nào lọt tới vòng hai, đừng nói đến chung kết.
Câu nói khiến Tiến trở thành kẻ tử thù của bọn con gái, nó phải chuộc tội bằng bao nhiêu là ổi, xoài, cóc, me.
Tôi đi qua hành lang dài và... một sự tình cờ thật hay. Lớp đúng là lớp cũ. Cảm giác khó tả lâng lâng trong tôi. Đúng cái bảng đen bị lẹm một tí ở góc phải và ô cửa sổ nhìn ra một khoảng trời xanh. Không còn suy nghĩ, tôi bước vào phía chỗ ngồi của mình cách đây ba năm. Mặt bàn còn đó vết khắc trái tim và mũi tên đậm xuyên, màu máu tím loang lổ và chừ ký loằng ngoằng của Tiến.
Tôi ngồi xuống, hình như tất cả vẫn như xưa.

*

Không! Không phải vậy...
Một mình tôi giữa nhừng học viên lớn tuổi. Tôi một mình như cái xe đạp của tôi một mình giừa những chiếc Cub dựng chật hành lang lớp.
- Sao cậu còn trẻ mà không học lớp ngày? - Người ngồi cạnh hỏi tôi sau tiết học đầu tiên.
Tôi, trẻ? Ông lầm đó thôi. Hoặc chính những trận sốt rét rừng khiến tôi có vẻ gầy hơn tuổi.
Học viên nói chuyện xì xào, cô giáo nhăn mặt gõ tay lên bảng. Ngày xưa lớp tôi bàn về ổi xoài, thơ tình và picnic... Còn bây giờ, tôi nghe xì xào quanh mình giá xe, giá vàng, giá đất đai...
Tôi lặng thinh ngồi nhớ ba năm quân ngũ. Ba năm dài tôi chỉ mong ngày về tiếp tục đi học. Vậy mà sao lại thế này? Cái bảng đen mang hình dáng của một cánh rừng, dòng phấn trắng là hàng cây nối tiếp hàng cây, rừng rậm mênh mông. Năm thằng gác trạm, trạm cách đồi mười cây số. Mùa mưa, gạo hết, thuốc hết... Nửa đêm, hai thằng lên cơn sốt, hai thằng băng rừng về đồn lấy thuốc. Lấy được thuốc về, đổ ra sốt luôn.
Cơn sốt đi qua, thèm một tờ báo, cũ cũng được! Đêm không trăng, thèm một ánh điện. Thỉnh thoảng, có đơn vị kết nghĩa nào từ thành phố vào, một hai cô gái hát bài ca về lính, khi các cô về, năm thằng dệt mộng suốt ba năm.
Ô cửa sổ cũng khác, khoảng trời xanh trước kia trong trẻo, yên lành giờ có khi là một mảng tối không trăng sao, chẳng gợi mơ ước gì, chỉ thấy lành lạnh.
Mấy đêm nay, học viên xì xào bàn với nhau về tang lễ của bà nội ông kia, rồi tiếp theo đó là sinh nhật ba tuổi của một con ông khác... Tôi bắt đầu nhớ tên tuổi quê quán của vài vị quan chức, có lẽ một ngày không xa, tôi sẽ thuộc luôn quyển danh bạ điện thoại. Mình có cần điều đó không?

*

Khác nhất là Trang.
Ngày trước tôi lẽo đẽo theo sau Trang một quãng xa xa, chỉ cần một cái lườm là tôi sung sướng suốt tuần. Trang hay khóc và tôi thường quýnh quáng. Chuyện vui buồn Trang thỉnh thoảng kể tôi nghe.
Lâu lâu một lần, Trang đến lớp đợi tôi về. Nhìn dáng Trang co ro ngoài hành lang dài nhập nhoạng gió đêm, tôi muốn chạy ào ra choàng lấy vai Trang, nói với Trang rằng cuộc sống rồi sẽ tốt đẹp như ngày xưa dưới hàng phượng vĩ chúng tôi đã mơ ước. Nhưng rồi tôi không giám nói gì. Tôi dắt xe cạnh Trang, bóng hai đứa ngả dài dưới hàng điện đường khi mờ khi tỏ.
- Tiến hỏi Bình học đến đâu rồi?
- Trang trả lời sao?
- Trang nói sang năm Bình thi đại học.
Tôi bật cười. Đó là cách Trang nhắc nhở tôi.
- Lỡ Bình thi rớt thì sao?
- Bình phải đậu!
Cái giọng như ra lệnh này cũng rất khác xưa.

*

- Xin chào! - Gã Tây bước vào quán nhìn mọi người bằng đôi mắt xanh lơ, phát âm thật rõ ràng và nghiêm trang khiến câu chào trịnh trọng một cách buồn cười.
- Ông dùng gì, thưa ông? - Cô tiếp viên duyên dáng hỏi bằng tiếng Anh.
Hắn nói gì đó, một sự pha trộn dễ sợ giữa tiếng Anh và tiếng Việt, rồi hắn lắc đầu thất vọng khi cô tiếp viên bưng ra một ly cà phê sữa.
- Không, không phải.
Không ai hiểu gì cả cho đến lúc Trang đến. Hắn vô cùng vui thích khi thấy có người hiểu được thứ ngôn ngữ kinh khủng của hắn.
Người ta kể hắn gọi Trang là “Baby”.
Một hôm hắn xách đến quán một chùm chòi mòi và hỏi Trang:
- Đây là loại trái cây địa phương phải không, Baby?
- Ông đã ăn thử chưa?
- Ăn thử?
Trang ngắt một trái ngậm vào miệng. Tôi tưởng tượng khuôn mặt Trang lúc ăn chua, hẳn là dễ thương lắm. Hắn cũng cắn một trái và ngay lập tức tuôn ra một tràng. Cả quán cười rộ.
- Trái này không ngon, nhất là đối với nam giới - Trang nói.
- Người bán không tốt - Hắn phẫn nộ - Người bán nói ngon.
- Không phải họ không tốt - Trang phản đối - Có thể đối với họ là ngon.
Hắn im lặng một chút rồi mỉm cười:
- Baby, cô có lý!
Hắn bê đến quán quyển tự điển Việt-Anh. Có trời mới hiểu tại sao hắn muốn nói tiếng Việt đến vậy.
- Baby, cô tên gì?
- Trang!
- Trang... nghĩa là gì?
Người ta kể lại tôi nghe, Trang có vẻ thú vị khi gã Tây thắc mắc về tên gọi của cô.
- Đó là tên của một loại hoa! - Trang giải thích.
- Không phải là cái bàn thờ sao? - Gã hỏi thật nghiêm trang.

*

Ảnh hưởng của hai trận bão liên tiếp khiến vườn rau, vườn dưa, vườn cà, sinh kế của gia đình tôi chỉ là những bãi bùn lầy nhão nhoét. Tôi đọc thấy bao nhiêu lo âu mệt mỏi trong mắt mỗi người.
Thế là tan giấc mộng về cái xe đạp của thằng em kế, tan bộ áo dài mới cho đứa em gái, tan món tiền gởi làm quà cho nội, tan cái radio cho ba tôi định mua thay cái cũ đã quá rè, tan cả số tiền tôi cần luyện thi đại học.
Tất cả lẳng lặng dọn vườn. Phải bắt đầu lại, phải làm lại, không còn cách nào khác. Những thận rau mơn mởn hôm qua giờ là rác rưởi. Mưa lất phất bay vào mắt.
Cả ngày hì hục với cái vườn trống rỗng, tối, tôi không muốn đi đâu nừa, và hình như cũng chẳng còn gì để mà chờ đợi.
Trang đến, cô nhìn quanh rồi lẳng lặng vào nhà xếp sách vở vào túi, ấn vào tay tôi:
- Đi, Bình!
- Thôi, nghỉ một hôm, mệt quá!
- Con trai gì mà...
Mặc kệ sự đời! Con trai, đàn ông hay cậu bé gì cũng được. Thời buổi này làm con gái dễ sống hơn thì phải. Baby... Baby... Cô có người sẵn sàng lo cho tất cả và một chỗ làm dành sẵn của một công ty nước ngoài. Tại sao cô không gật đầu đi cho khỏe đời? Và tôi cũng được yên thân nữa, tôi sẽ dễ quên một điều không đáng nhớ.
- Trang về đi! - Tôi buông thõng.
- Trang đưa Bình đến trường.
- Tôi không phải con nít - Tôi nổi cáu.
- Bình là con nít đó thôi!
Cái giọng khiêu khích này thật là khác xưa.

*

Lớp vắng hơn phân nửa. Nghe nói có một bữa chiêu đãi ở nhà hàng lớn nhất nhì phố. Thấy giáo liếc qua những dãy bàn trống, chỉ cười nhẹ, chẳng nói năng gì.
- Lớp nhìn giống quán cà phê ế quá! - Người cạnh tôi thì thầm.
Một sự so sánh buồn cười. Chắc ông này hay ngồi quán nhâm nhi cà phê lắm. Tôi cũng hay đi quán, mỗi quán đến một lần cho biết, vậy thôi. Có một quán tôi biết rất rõ, rất hay hỏi thăm về nó, nhưng chưa bao giờ bước chân lên ngưỡng cửa.
- Tại sao mày không dám đến đó hả Bình? Sao không đến thử một lần đối mặt với điều gặm nhấm mày bấy lâu?
Tan học, tôi để mặc đôi chân đưa mình đi. Tôi chọn một bàn thật khuất. Lạy trời Trang đừng thấy tôi. Nhưng lỡ chính cô bưng cà phê ra cho tôi thì sao?
Thì chúng tôi sẽ nói với nhau nhừng điều cần phải nói trong một cuộc đụng độ như vậy. Gã Tây hay còn ai khác nữa? Rồi tôi sẽ đứng lên, sẽ bỏ đi... Ô! Trang, cô bạn thuở học trò của tôi ơi! Chúng ta đã có những tháng ngày thật đẹp!
Tôi ngồi suốt hai tiếng đồng hồ, căng mắt quan sát. Trang đâu?
- Ở đây có hai Trang, anh hỏi Trang nào?
- Trang sinh viên đi làm thêm...
- À, nghỉ nửa tháng nay rồi.
-... Sao vậy?
- Có một ông Tây thích nó, con trai ông chủ ghen, gây sự cho nó nghỉ.
Ra vậy! Điều này người ta chưa nói cho tôi biết. Một cảm giác kỳ lạ dâng lên, vừa nhẹ nhõm, vừa tức tối. Tôi nhảy lên xe đạp nhanh đến nơi Trang ở, một căn phòng nhỏ xíu có đến bốn cô thuê chung.
Tôi giộng mạnh cửa. Trang thò đầu ra. Sao đến hôm nay tôi nhận ra Trang rất gầy?
- Chuyện gì vậy?
Câu hỏi lo âu và khuôn mặt thất sắc của Trang khiến tôi nhớ ra bây giờ đã đến nửa đêm. Tôi vuốt mặt, lắc đầu, bật ra:
- Trang nghỉ ở quán rồi hả?
Cô gật đầu như một phản xạ. Rồi giọng cô cao lên:
- Sao Bình biết quán Trang?
- Biết lâu rồi! - Tôi nói thật nhanh.
- Lâu rồi? - Cô lặp lại, giọng vỡ ra thẫn thờ.
- Rồi Trang định làm gì?
- Thì sẽ kiếm việc gì đó, dạy kèm hoặc dán bao bì...
Có một điều gì đó thật đau xót trong giọng của Trang. Có điều gì? Trời ơi, tôi không thể hiểu nổi. Tôi nóng nảy xoay nắm đấm cửa. Trang bước hẳn ra ngoài, mái tóc lòa xòa trên vai.
- Bình về đi! - Giọng cô sũng nước.
- Trang... sao vậy?
- Bình về đi! - Cô lập lại và òa khóc nức nở.
- Trang... có chuyện gì vậy?
- Bình biết lâu rồi... mà không một lần đến quán đón Trang về - Vai cô run lên bần bật trong tiếng nấc.
Tôi chôn chân trên thềm. Cái thằng tôi ngu dại ơi! Cuộc đời thì khắc nghiệt và đầy cám dỗ. Vậy mà tôi để mặc cô ấy một mình chống chỏi.
- Nín đi, Trang...