Hoàng An cúi xuống nhìn chiếc ba-lô bẩn thỉu hôi hám như chiếc bị ăn mày, đoán rằng nó đã bị ném trong hang đá khá lâu, ít nhất cũng một hai năm nên những vết máu khô mới mốc meo thành tầng và các vết lỗ chỗ dán nhấm mới nhiều đến thế. Trên nền vải lem nhem màu cỏ úa ngả sang đen xỉn, găm một mẩu giấy trắng mà ai đó viết không lâu:
Kỉ vật của trung uý Hoàng huy Tú, tiểu đoàn 115 quân khu 18, đại đội 3, trung đội 1, liệt sĩ trên chiến trường Thuận hoá. Đề nghị chuyển cho đại uý Hoàng An, thuộc tiểu đoàn Một, tiểu đoàn trưởng Đinh quang Nhã.
Anh tê lặng một hồi. Hoàng văn Tú, cái tên gợi cả một thời ấm êm, hạnh phúc. Tú là chồng của nàng My, em gái anh. Gia đình Tú ở sát thị xã Lào Cai, một vùng đất chen chúc những người thiểu số khác sắc tộc. Cha Tú là thợ rèn nổi tiếng, chắt nội của một người thợ rèn còn nổi tiếng hơn, được đặc trách rèn vũ khí cho các tướng lĩnh và vương hầu cai quản miền biên giới. Đến thời cha Tú, người ta không còn sử dụng gươm dáo nên ông chỉ rèn các loại nông cụ và dao, búa. Nhưng dao đi rừng của ông được coi là vật tuỳ thân tuyệt hảo đối với người miền núi, còn các loại dao nhọn, dao bầu, dao bản vuông...của ông được coi là dụng cụ kiếm sống không thể thiếu của đám dân bán thịt trong vùng. Cuộc hôn nhân của hai đứa trẻ thành công một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, nhờ bà mối. Một người đàn bà còn ròn rã xinh tươi, tuy đã ngũ tuần. Bà mối này vốn buôn lâm sản ở Lào Cai, là hàng xóm liền vách với nhà Tú nhưng lại có người chị ruột lấy chồng bản Xíu. Năm nàng My mười bảy, bà về bản Xíu chơi, gặp cô thiếu nữ nhu mỳ liền vội vàng quay lại Lào Cai, rồi tức tốc dẫn Hoàng huy Tú lên Thất Khê tìm con gái ông trưởng bản. Vừa chạm mặt mỹ nhân tháng trước, tháng sau Tú đã cùng cha mẹ đem lễ vật đến nhà chú thím anh xin cưới. Dịp hôn lễ của họ chính là dịp anh đặt chân tới thị xã Lào Cai lần đầu tiên....Rồi sau đó, chẳng còn cơ hội nào quay về đấy...
Năm tháng trôi qua, gia đình Tú đã chuyển xuống sinh sống ở tỉnh Thái nguyên lúc nào mà anh không hay biết?....Tuy trong lòng nóng như lửa đốt, nhưng Hoàng An vẫn khoác chiếc ba-lô vào cánh tay rồi đặt kiện thuốc lên vai, tiếp tục leo dốc cùng đám nhân viên quân y viện. Phải ba tiếng đồng hồ họ mới chuyển hết được số hàng vào nhà kho. Chờ mọi người tụ tập trong bếp ăn để chia bánh kẹo, An xách chiếc ba-lô của Tú đi về phía sườn dốc dẫn xuống dòng suối, lúc này chẳng một bóng người. Ở đó, anh mở ba-lô một cách cẩn trọng, lấy ra một bộ quần áo thu-đông, một ống thuốc đánh răng đã dùng dở khô đét, một chiếc bàn chải đã toẽ hết gai, một chiếc lược sừng nhỏ và một phong bì bọc dán chằng chịt bởi những lớp vải ni-lông, hẳn được cắt ra từ một tấm áo mưa cũ. Đoạn anh dốc ngược ba-lô lên rũ một hồi để cứt dán còn bên trong rơi xuống. Một cây bút bi rơi xuống theo. Mùi hôi mốc bốc lên cùng mùi vải ẩm.
« Đây là tất cả những gì còn lại của một người đàn ông đẹp đẽ và cường tráng. Tất cả những gì còn lại của một người chồng và một người cha. Gia sản của trung uý Hoàng huy Tú. Kỉ vật mà ngày nào đó ta có thể trao lại cho nàng My cùng những đứa con của nàng....
Anh ngồi như thế hồi lâu trước mớ vật dụng vô nghĩa rồi mới giở bức thư của Tú ra. Thư dán quá kĩ, chẳng có cách gì gỡ được những lớp vải ni-lông chằng đụp như vậy. Trong túi anh không có một lưỡi dao, ngay đến cả chiếc bấm móng tay cũng không có nốt. Sau cùng, anh đành tìm một lưỡi đá nhọn ven dốc, mài lớp bì thư vào đó theo cách những người nguyên thuỷ cọ đá để lấy lửa cho bùi nhùi. Khoảng chừng mươi phút sau, anh đã có thể móc ngón tay vào lỗ rách để xé toang các lớp vải quấn ra. Thư của Hoàng huy Tú viết trên giấy kẻ ô của học trò vỡ lòng. An trải tờ giấy lên đầu gối, đọc:
Anh thân mến,
Kể từ ngày anh tiễn nàng My lên Lào Cai, bao nhiêu năm tháng đã trôi qua, bao nhiêu sự việc đã xoay chuyển. Tuy không còn cơ hội gặp nhau nữa, nhưng em chẳng bao giờ quên anh bởi nàng My luôn luôn nhắc nhớ tới anh. Chúng em đã có hai con, hai đứa đều là con trai cả. Gia đình em đã chuyển xuống sinh sống ở Thái nguyên sau ngày anh nhập ngũ, bởi ở dưới đó, cha em tìm được một đầu mối bán buôn lớn và xưởng rèn gia đình có cơ phát triển. Cha em cũng đã già nên phần sản xuất do chúng em đảm nhiệm đồng thời thuê thêm non chục thợ. Em không có điều gì phải phàn nàn ngoại việc trong ba anh em hai người đã phải lên đường. Không rõ tin tức đứa em út nhưng ngày mai chính em sẽ tham dự chiến đấu trên mảnh đất Thuận hoá. Lính bước chân vào đây khó có đường về. Người ta bảo đất này vừa dữ vừa hẹp nên thây người không chôn thành một lớp mà chí ít cũng dăm bảy tầng chồng chất lên nhau. Chiều nay, toàn đơn vị ngồi viết thư cho gia đình, em cũng viết thư cho anh. Ai cũng ngầm hiểu rằng đây là lá thư cuối cùng trong đời lính.
Anh thân mến, anh còn nhớ đêm liên hoan mà anh đã gặp Mã Lỳ hay không?...Chính em cũng có mặt đêm hôm ấy. Chính em là con chồn lủi trong bóng đêm mà anh đã rượt đến tận cửa rừng...Thoạt bước chân đến mảnh đất của anh, em đã thấy anh đứng với Mã Lỳ nên vội lảng tránh. Bởi do tình cờ mà em đã thuyên chuyển về chính đơn vị của anh năm năm sau ngày anh ra đi. Cũng do tình cờ mà em ở cùng trung đội với Mã Lỳ và được gã Mèo này tin cẩn. Có lẽ vì trong đại đội chỉ có hai chúng em là dân miền núi. Mã Lỳ hoàn toàn không biết chúng ta là anh em nên đã kể tất cả mọi sự theo...con mắt nhìn của gã. Vào đêm liên hoan ấy, khi nhìn thấy gã đi với....bạn mới, em liền đi theo. Em biết chắc điều gã Mèo sẽ làm. Em đã lên nhà gã. Nhà gã nhỏ hơn chuồng nuôi lợn của chúng ta. Mọi người ngồi ăn cháo ngô ngay trên nền đất, lợn chạy xung quanh, thúc mõm cả vào lưng chủ lẫn khách, rồi ỉa lung tung khắp nền nhà...Có lẽ anh khó hình dung được cảnh tượng đó. Nhưng em đã chứng kiến nên em hiểu Mã Lỳ sẽ làm bất cứ việc gì để được tiến bộ....Vì vậy em đã đuổi theo y....
Anh thân mến, còn sự việc này chắc anh đã dự đoán nhưng chưa biết rõ. Nàng Xuân và Nàng Đông đều bị giết cùng năm Con gà(I957), theo cách lấy chầy gỗ đập vào sọ. Thây Nàng Xuân bị ném ven đường ngoại ô Hà nội giả làm tai nạn giao thông còn Nàng Đông bị ném dưới chân cây cầu gỗ bắc qua Khe Lan, trên đường về huyện Thất Khê. Nhưng em cũng chỉ biết điều này ba năm sau, nhờ một người quen...Bố mẹ vợ em và ông Cao đều bị giết vào mùa đông năm Con chó(I958), hơn một năm sau cái chết của hai nàng. Bà mối nhắn tin cho em. Khi em quay trở lại bản Xíu, ba tuần sau cái đêm tai hoạ đó, chỉ thấy tro tàn của hai ngôi nhà sàn. Dân bản nói rằng đêm hạ tuần tháng trước bỗng nghe tiếng máy bay trực thăng đổ xuống khu vực suối Sơn ca. Vì trời rất rét thêm nữa đêm tối đen như mực nên chẳng ai tò mò nhìn ngó. Người ta tin rằng chỉ có máy bay của bộ đội biên phòng vì lý do đặc biệt nào đấy mới bay vào lúc khuya khoắt như vậy. Nhưng khoảng chừng nửa giờ sau hai ngôi nhà sàn bốc cháy. Lúc đấy, dân bản mới hò nhau thắp đèn thắp đuốc đi cứu hộ. Khi họ đến nơi, lửa cháy cao ngất như rồng táp mà mùi săng vẫn bốc sặc sụa nên chẳng ai dám động chân động tay. Nhìn qua đám lửa không thấy một bóng người. Dân bản cứ đứng như tượng nhìn từng cây cột theo nhau đổ. Lửa cháy tới tận hôm sau. Khoảng non trưa, sương quang trời sáng rõ, người ta mới tìm thấy xác ông Cao bị thui đen trong đám than tro. Còn bố mẹ vợ em thì mất tăm, vô hình vô dạng. Huyện phổ biến rằng một đội biệt kích của Mỹ nguỵ từ phía nam bay ra gây hoả hoạn để gieo rắc hoang mang cho đồng bào dân tộc. Nhưng em biết rằng lũ giết người này chính là bọn đã giết Nàng Đông và Nàng Xuân. Cái lý của người Tầy chúng ta chỉ ra như vậy.
Anh thân mến, sớm mai chúng em phải lên đường. Chắc sẽ không có ngày quay lại. Anh hãy cố gắng sống bằng mọi cách để trả mối hận này. Anh hãy bảo bọc nàng My và những đứa con em. Được như vậy, dù ở dưới mồ, em cũng sẽ ơn anh mãi mãi...
Em Hoàng huy Tú.
Chữ kí rắn rỏi, không một chút run rẩy. Nét bút của một tay thợ rèn, quen quai búa từ thuở còn thơ. Anh đặt lá thư xuống. Trời không có gió nhưng tờ thư run rẩy. Những cơn rung động chạy khắp toàn thân khiến anh nổi da gà. Rồi những ý nghĩ nối nhau chạy qua óc não anh như đàn chuột lửa:
« Chúng giết hai nàng bằng chầy gỗ vì đó là cách tiết kiệm và giản đơn nhất cho một cái chết. Chúng giết ông Cao bằng cách đâm chém để thiên hạ ngờ rằng đó chính là cuộc thanh toán trong giới giang hồ bởi ông Cao đã rời bản đi lênh đênh chân trời góc biển hai mươi năm. Chúng bắt cóc chú thím ta lên máy bay để giết họ rồi quăng thây xuống một cách rừng tỉnh khác để không ai còn có thể dò ra tăm tích và để dễ bề tung tin rằng lũ biệt kích giết người, bởi chú ta đương kim vẫn là chủ tịch xã, chức quan bé mọn nhất trong bộ máy quyền lực này....Quả là một bọn sát nhân thành thạo, mọi con tính đều có sẵn trong ngăn kéo bàn giấy của chúng. Tất thảy những người thân của ta đều bị huỷ diệt trong một cuộc cờ. Ta chẳng còn ai trên cõi đất này...Chẳng còn ai....
Ngọn lửa trong đầu anh bốc như đám cháy hai ngôi nhà sàn mà anh mường tượng. Những đàn chuột lửa không ngừng chạy đi chạy lại, nhảy nhót, khiến anh vừa đau đớn vừa ngứa ngáy, một thứ cảm giác anh chưa từng biết đến và chẳng thể diễn đạt. Rồi đôi mắt anh bỗng nhiên mờ dần, mờ dần trước đám khói mù mịt bốc ra ngay trên đỉnh sọ, tựa hồ hộp sọ đã nứt đôi để phun lên những đám khói ngột ngạt của một cuộc thiêu đốt âm thầm. Một cơn đau khác dưới đám ruột cuộn lên, trào qua cơ hoành, thốc vào hai lá phổi những luồng khí nóng bỏng, dường như ngực anh đã trở thành một chiếc nồi súp-de đầy ứ hơi sắp nổ. Đột nhiên anh cất lên một tiếng thét rợn hồn, một tiếng thét khiến chính anh cũng choáng váng, chính anh cũng chết lặng đi vì không hiểu nó từ đâu tới. Dường như chẳng phải chính anh đã cất lên tiếng thét đó, chẳng phải âm thanh kinh dị ấy vừa thoát ra từ hai lá phổi đầy ứ khí nóng của anh mà đó là tiếng gào của một con quỷ lạ, một loài ngạ quỷ mượn cổ họng người để trút ra tiếng gào của chính nó.
Từ phía quân y viện, ai nấy đều đổ xô ra nhìn. Chưa bao giờ họ nghe thấy một tiếng thét khủng khiếp như thế. Mặc dầu tiếng la hét đau đớn trong những ca giải phẫu thiếu thuốc gây mê là thứ âm thanh tra tấn thường xuyên và đã trở thành quen thuộc nhưng đây là lần đầu họ nghe thấy một tiếng thét kì lạ, trong đó không chỉ có nỗi đau đớn thể chất hay sự thống khổ tâm hồn mà còn cuồn cuộn những con sóng cuồng nộ của một sức mạnh kinh hoàng. Sức mạnh của man dại và thù hận. Bốn phía núi rừng rung động. Mọi người ngừng thở vì sợ hãi. Người ta cho rằng tiếng thét ấy chỉ có thể là tiếng thét của thần sông, quỷ núi, hoặc của người điên. Một người điên khổng lồ hung dữ và đang ở cực điểm cơn kích động.....
Chẳng tìm thấy ai ngoài trung tá Hoàng An. Anh đang ngồi một mình ven con dốc dẫn xuống suối. Một mình anh. Bác sĩ viện trưởng lẫn mọi người đưa mắt nhìn nhau trong khoảnh khắc rồi tất cả kéo nhau đi tới. Khi nghe thấy tiếng chân đám đông vang lên phía sau lưng mình, Hoàng An ngoảnh lại, tuy mặt trắng nhợt nhưng anh đã nhoẻn miệng cười nụ cười dễ mễn mà mọi người quen thuộc:
- Đây là chiếc ba-lô của đứa em tôi, hy sinh tại chiến trường Thuận hoá....Tôi không thể chôn nó, cũng không thể khóc thương nó....Tôi hét lên vì tôi căm thù... Tôi căm thù Mỹ nguỵ....
- Đồng chí An....
Viện trưởng dịu dàng đặt tay lên vai anh:
- Đồng chí hãy về viện nghỉ ngơi....Chiến tranh mà. Tất cả chúng ta có mặt ở đây đều vì cuộc chiến tranh này...Tất cả chúng ta đều phải căm thù Mỹ nguỵ....
*
Chủ tịch thức dậy lúc nửa đêm. Sau những giấc mơ nặng nề, mắt ông bỗng nhiên ráo hoảnh và tim ông phập phồng, hồi hộp. Tiếng quật bài tu-lơ-khơ của hai chàng cận vệ ở bên ngoài tuy khẽ khàng nhưng vẫn vang lên trong đêm khuya khoắt. Cây kim dạ quang trên mặt đồng hồ chỉ một giờ hai mươi nhăm. Ông kéo tấm chăn lên cằm, lắng nghe những tiếng thì thầm một cách lơ đãng:
- Tám nhép.
- Mười nhép.
- Ji cơ.
- Ka cơ...
- Quy rô...Mày sắp chết rồi con ơi....
- Chết cục cứt tao đây này, ka rô đỏ chon chót nhé. Tao chờ xem mày xuống cây gì?...
- Con ơi, mày đã đến ngày tận số.... Át cơ!...Phăng-teo đâu rồi, đem xuất xưởng. Nếu không thì bó gối lai hàng cho xong...
- Thôi được, chịu thua ván này....Nếu có quân phăng-teo chắc chắn tao cho mày sấp mặt keo nữa....Bây giờ là tám ba nhé. Mày vẫn còn nợ tao năm ván. Khó lòng mà gỡ đêm nay, con ơi...
― Chúng nó sung sướng thật, những đứa trẻ chơi loại cờ này. Thắng, chúng ăn vài chiếc kẹo vừng hay kẹo lạc....Thua, chúng bị đối phương vẽ nhọ nồi lên mặt....Ván cờ của chúng không làm tổn hại đến ai, không có máu chảy đầu rơi, cũng chẳng hận thù ân oán....
Chủ tịch thầm nghĩ. Rồi một gương mặt khác đến với ông, vừa điệp với gương mặt đứa con trai người tiều phu Xóm Núi, lại vừa nhù nhoà trong lớp sương mù tưởng tượng. Ông bất giác buông tiếng thở dài:
― Con trai của ta....Nếu lũ phản bội để cho con được sống, chắc chắn con sẽ có một cuộc sống vô danh vô diện của thứ dân. Con sẽ trà trộn trong đám người đứng ở tầng lớp cuối cùng của xã hội. Ngày nào đó con sẽ chơi bài ăn kẹo lạc và vẽ râu nhọ nồi như mấy chú lính ngoài kia....Nhưng biết đâu con chẳng hài lòng vì cuộc sống vô danh đó?....Và biết đâu những ván bài ăn kẹo lạc chẳng đem lại cho con một hạnh phúc thật sự trên cõi đời?....
Để xua đuổi những ám ảnh, chủ tịch giơ tay định bật cây đèn ở đầu giường để đọc sách nhưng chợt nhớ ra rằng làm như vậy cuộc chơi cờ của hai chàng trai ắt phải dẹp bỏ. Họ sẽ phải băn khoăn hỏi xem vì sao ông mất ngủ?...Có cần gọi bác sĩ hay không?...Có cần đun nước pha trà không?...Có cần chuẩn bị thứ gì đó ăn nhẹ cho đỡ mệt?...Tất thảy những quan tâm hành chính ấy khiến ông não lòng. Ông lại nằm xuống, kéo chăn lên cằm, đăm đăm nhìn khoảng trần nhà mờ tối. Dưới chân tường, ngọn đèn ngủ bé xíu như con đom đóm và cũng có màu xanh của lửa đom đóm. Ngày ấu thơ, ông vẫn cùng bạn đi bắt đom đóm bỏ vào những chiếc vỏ trứng gà. Trong bóng đêm, những chiếc vỏ trứng sáng óng ánh và mùa hè đom đóm ấy là mùa hè thần thoại nhất trong đời ông...
― Giờ đây, liệu thằng bé có chơi đèn đom đóm hay không?...Nó cũng đang sống nơi thôn dã cùng đám bạn học và xung quanh chúng cũng là những khu vườn, những bờ cỏ, những nghĩa địa làng um tùm như quang cảnh thời xưa khi ta còn ở Nghệ An?...
Ông tự hỏi, nhưng rồi lại tự riễu mình vì đứa con ông sẽ chẳng bao giờ biết quê quán ở đâu và lúc này chẳng đứa trẻ nào có thể chơi đèn đom đóm. Đất nước đang trong cuộc binh đao, thay vì ánh lửa lập loè của lân tinh là đạn các loại pháo cày đỏ trời đêm. Thứ lửa gieo rắc nỗi kinh hoàng cùng cái chết...
― Chiến tranh, chiến tranh, chiến tranh....
Một lịch sử đã dằng dặc những cuộc chiến liên miên không ngưng nghỉ, vậy mà lũ người đam mê vinh quang còn cộng thêm vào đó cuộc chiến này. Một cuộc chiến vô tiền khoáng hậu cả về phương diện năng lực bị huy động cũng như những tổn thất máu xương...Ôi cuộc chiến tranh ngu xuẩn, cuộc chiến tranh đã được thực thi như đòn trừng phạt đối với một dân tộc. Một dân tộc tự đưa thân mình ra làm tăm-pông giữa hai toa tầu lịch sử, tự sử dụng danh tính của mình như con tốt đen trong bàn tay của thế nhân, tự hoán cải giang sơn thân thiết thành chiếc cối xay thịt khổng lồ trong một cuộc huynh đệ tương tàn khủng khiếp gấp ngàn lần cuộc binh đao Trịnh Nguyễn!...
Ta biết làm gì giờ đây khi ván cờ đã lỡ, khi ta bắt buộc trở thành con rối gỗ trong tay lũ sát nhân?...Những người anh em thù nghịch của ta, chẳng lẽ chúng ngu dại đến mức không có một chút ngờ vực khi dấn thân vào tấn trò này hay chúng cố tình quay lưng lại với lương tâm vì cuộc ganh đua quyền lực hấp dẫn hơn thân phận của một dân tộc?... Ôi danh vọng, vinh quang....những thứ người ta chẳng thể ăn chẳng thể ngửi chẳng thể làm tình nhưng lại có sức huỷ diệt kinh hoàng, không chỉ huỷ diệt một cá nhân, một tập đoàn mà cả một nòi giống..
Nhưng vì cớ chi ta mãi đắm đuối, mãi khổ đau vì dân tộc này?...
Cái dân tộc cần đến cuộc đời ta như cần một con vật làm lễ hiến thần linh. Cái dân tộc ngu ngơ cười những nụ cười thoả mãn, cất tiếng tung hô ta như tung hô một hoàng đế vĩ đại, thần phục ta như đám ba quân thần phục một nguyên soái lẫy lừng bất khả chiến bại mà không mảy may hiểu một phần nghìn nỗi đau đớn giằng xé con tim ta, mà không đủ nhân từ ban cho ta một chút cỏn con hạnh phúc?.......Vì cớ gì ta mãi phải dày vò vì cái dân tộc vị kỉ và vô tình ấy cho dù nó chính là của ta?...
Ồ không, từ muôn đời người ta đã biết rằng đám đông chỉ là một luồng gió, một đợt sóng, một trận cuồng phong, một cơn lũ hay một cơn hoả hoạn....Đám đông vô danh vô tính và vô trách nhiệm trước tất thảy những gì họ đã làm. Ta không thể lên tiếng oán trách hồ đồ như vậy. Dù muốn hay không dân tộc này vẫn là dân tộc của ta.
Lý do cuộc sinh tồn của ta là vì nó. Nỗi thống khổ lớn nhất trong con tim ta cũng là vì nó: Một dân tộc bị đoạ đầy....
Vì chưng ta đã sinh ra chính ở nơi đây, mảnh đất bùn lầy đau khổ...Vì chưng sợi dây đàn mong manh nhất trong tâm hồn xứ sở vang vọng nơi tâm hồn ta cũng như nỗi tủi nhục nghìn năm của nó tẩm liễm vào từng tế bào cơ thể ta, từ da thịt máu xương cho đến cách cảm thụ sinh tồn...Chính ở nơi đây ta đã bị kết án vĩnh viễn khổ đau. Chính ở nơi đây ta buộc phải trả món nợ non sông lưu tồn từ ngàn kiếp!...
Vậy là mọi nẻo đường đều dẫn ông quay lại địa ngục của chính ông. Không có cách nào trốn thoát....
Chủ tịch bật lên một tiếng rên rồi vội vã nghiến răng lại vì sợ hai cậu lính bên ngoài nghe thấy. Trái tim ông dường như mắc chứng sung huyết, nở to ra, đập một cách nặng nề. Ông nghe rõ từng nhịp đập ấy, ông cảm thấy rõ rệt những cơn co thắt khó khăn của nó:
― Ước gì thay vì một trái tim, con người có thể sở hữu một cái bơm máu, một thứ dụng cụ đủ chức năng nuôi dưỡng sự tuần hoàn mà chẳng mảy may gây ra những đớn đau...Giá như ta có một trái tim khác, một bộ óc khác hẳn ta có thể sống an nhiên?....Giá như....
Ông đưa tay lên xoa ngực, sờ đốt xương sườn cuối và bỗng thương thân:
― Tại sao ta mãi tự đầy đoạ ta trong một nỗi khắc khoải triền miên, một nuối tiếc dằng dặc và một nỗi nhớ mong không bao giờ nguôi dịu?...
Tại sao ta không thể lãng quên vì cuộc sống cần đến sự lãng quên như kẻ mắc chứng nhiễu tâm cần thuốc ngủ?...Ta đã học cách lãng quên gần như suốt cuộc đời để rồi khi trở về già mọi bài học đều hoá thành đám tro như đám tro sau cuộc đốt mã?.....Cuộc chiến tranh ngu xuẩn này là đòn trừng phạt đối với dân tộc của ta còn sự vãn hồi trí nhớ là pháp đình tối cao dựng lên để triệu hồi ta về nghe phán quyết?...Phải chăng đây chính là một liên đới thảm khốc giữa thân phận riêng ta với kiếp nạn chung của giống nòi?...Hay là sự trùng lặp ngẫu nhiên bí ẩn sẽ còn lại như một câu đố mãi ngàn thu?...
Ông nghe một tiếng cười khẽ khàng bên tai nên mở mắt ra.
Gã đàn ông có nước da màu nõn chuối đang đứng dựa lưng vào tường. Bảnh bao trong bộ com-plê màu trắng ngà, thứ màu ông thích nhất. Ông vẫn nhớ cái cảm giác súng sính hớn hở khi lần đầu có đủ tiền để cắt may bộ com-plê ấy tại Paris, cái thành phố đắt nhất thế giới, nơi thợ may kiếm tiền nhiều gấp năm đến mười lần đám thợ các thành phố khác....Bộ quần áo sang trọng đầu tiên trong tuổi trẻ của ông, giờ đây gã đang mặc. Cũng cách bẻ cổ áo sơ-mi như thế, cũng chiếc cà-vạt màu xanh dương thẫm điểm chấm trắng và kiểu thắt cà-vạt cũng là kiểu thắt của thời xưa...Nhưng đó chẳng phải một chàng trai trẻ mà là một kẻ trạc ngũ tuần, có ngoại hình giống ông như bản chính với bản sao...Một lần nữa, ông hiểu rằng gã chính là bản diện thứ hai của ông, là kẻ mà lẽ ra ông có thể trở thành......
Gã đứng tựa lưng vào tường, dáng thong thả và điệu đàng, hai tay đút trong túi quần, mắt nhìn thẳng vào mặt ông với cái nhìn chăm chú:
- Ngươi không khóc đấy chứ?...
Ông ngần ngừ một chút rồi đáp:
- Xin lỗi...Tôi không thích câu hỏi của ông.
- Nếu cần, cứ khóc một chút cho nhẹ lòng....Ta vốn rộng lượng với những kẻ yếu đuối.
- Tôi không quá yếu đuối như ông tưởng.
- Để rồi xem.
- Câu ấy để giành cho trai tráng. Tôi đã ngoại bẩy mươi, câu nói của ông với tôi là thừa thãi.
- Nếu ngày mai ngươi lên đường về với tổ tiên, ngày hôm nay câu nói ấy vẫn còn cần thiết.
Ông lặng im vì thấy gã có lý. Nhưng ông cũng không thể thú nhận thua cuộc. Cách tốt nhất là lặng im. Và ông đưa mắt nhìn lên khoảng trần nhà mờ tối. Gã mỉm cười nói tiếp:
- Vào tuổi này mà ngươi vẫn cố sức đi tìm lời giải cho những câu hỏi siêu hình....Thế cũng đáng khen.
- Người ta có thể bị quay đảo bởi những câu hỏi như thế cho đến tận phút xuống mồ. Vì vậy, cuộc tìm kiếm lời giải cũng là lẽ đương nhiên.
- Có cả ngàn câu hỏi mà nhân loại chẳng bao giờ tìm được câu trả lời. Vì bản chất cuộc sống là sự đánh đố và thách đố. Sự đánh đố và thách đố này bao trùm lên mối quan hệ giữa loài người với thiên nhiên, giữa các nhóm người khác nhau trên quả địa cầu, và giữa người với người trên tư cách cá thể...Hãy nhìn lại quãng đời đã qua, ngươi sẽ tìm thấy những lỗ hổng, những mắt xích yếu kém, những rạn nứt, những đổ vỡ....Tất thảy những thứ đó xảy ra khi ngươi mất khả năng kiểm soát những phẩm chất cốt lõi nhất của cuộc đời...
- Tôi sẽ cố tìm bằng chứng cho sự lý giải của ông.
- Không phải cố. Chỉ cần ngươi quay đầu lại và nhìn mọi sự một cách khách quan hơn. Các bằng chứng nằm đầy rẫy trên con đường phía sau lưng ngươi, như những cột mốc sắp hàng dọc quốc lộ.
- Tôi vẫn luôn cố gắng phân tích sự việc một cách khách quan. Đấy là đòi hỏi tối cần thiết của người cầm quyền.
- Cái đòi hỏi tối cần thiết ấy lại chính là phần thường xuyên thiếu hụt nơi kẻ cầm cân nẩy mực. Sự sụp đổ của mọi đế chế, sự tan rã của mọi vương triều đều xảy ra vì thiếu hụt cái nhìn khách quan. Khách quan đối với tha nhân chỉ là sườn đất thoai thoải miền thảo nguyên, nhưng khách quan với chính bản thân là con đường leo lên đỉnh Hymalaya. Ta về đây để chỉ cho ngươi rõ những vết nứt lớn nhất trong tâm hồn ngươi. Như thế, ta sẽ giúp ngươi tìm được tự do. Ta sẽ kéo ngươi ra khỏi cái địa ngục này....
Ông im lặng vì trong thâm tâm ông đang chờ sự giúp đỡ của gã, chờ một cách thực sự, và điều ấy giống như sự sỉ nhục. Sau một hồi im lặng, ông thu hết can đảm cất tiếng:
- Vâng. Tôi chờ nghe ông.
Gã mỉm cười, nụ cười của gã vừa có nét quyến rũ truỵ lạc của Yve Mongtan vừa có vẻ giản dị, hồn nhiên của Jean Gabin thời niên thiếu. Gã nghiêng đầu sang bên trái một chút, nhìn sâu vào mắt ông với cặp mắt trong suốt màu nâu:
- Ta bắt đầu bằng nỗi dày vò thường trực nhất của ngươi, cái chết của người đàn bà ngươi yêu dấu. Ngươi thuận tình chăng?...
- Tôi có nhiều nỗi dày vò. Trên vai tôi cũng chất chồng vô số những tiếc thương và ân hận...
- Ta hiểu. Nhưng nỗi tiếc thương cho một dân tộc chỉ có đấng toàn năng mới đủ quyền lực để hoá giải. Ta, cũng như ngươi chẳng phải là đấng toàn năng. Ta chỉ có thể giúp ngươi trong cuộc chìm tầu này, trong cái bi kịch xưa cũ giữa một người đàn ông với một người đàn bà đồng thời giữa một ông vua già với một ái phi trẻ tuổi. Ngươi nghĩ sao?
Ông im lặng không trả lời. Gã nhún vai một cách ngạo mạn và cất tiếng hỏi:
- Vào ngày Nàng Xuân bị giết hại, ngươi đã làm gì?...
Ông lại tiếp tục im lặng vì không biết trả lời ra sao...Ngày ấy, ông đã gọi điện cho tướng Long nhưng khi vị tướng này sang, hai người chỉ trao đổi những sự việc liên quan đến quan hệ quốc tế. Ông đã chờ đợi tướng Long lên tiếng, nhưng cuộc trò chuyện kéo dài từ tám giờ sáng cho đến mười hai giờ rưỡi trưa mà ông ta chẳng cất lời. Còn chính ông, ông không dám mở miệng. Ông hiểu rằng vào lúc ấy, chỉ tướng Long mới đủ khả năng giải quyết sự manh động và lạm quyền của bộ trưởng Quốc Tuỳ. Toàn bộ các tướng lĩnh và bộ quốc phòng còn đang nằm dưới tầm tay của ông ta. Nhưng tướng Long đã lờ đi vì chính ông ta cũng muốn chủ tịch đóng vai thánh sống. Chính ông ta cũng muốn chủ tịch chỉ là vị cha già của dân tộc mà không để lại mảy may dấu vết của cuộc sống gia đình. Trò chơi Thánh sống này đem lại lời lãi cho toàn thể bộ máy quyền lực, không một ai từ chối miếng ăn ngon...
- Ngươi không làm gì cả và miệng ngươi câm như hến, đúng không?...
Gã hỏi nhưng không đợi câu trả lời. Gã biết thừa ông không đủ can đảm để cất tiếng. Đôi mắt đẹp của gã nheo lại trong một cái nhìn vừa khinh bỉ vừa nhuốm màu thương xót và nói tiếp:
- Nói đúng ra, ngươi mong chờ tướng Long, người đàn em thân thiết nhất ra tay. Còn chính ngươi, ngươi không dám chủ động lên tiếng, bởi trong thâm tâm, ngươi lo sợ bị lịch sử kết án: Vì tình riêng mà gây sự biến cho quốc gia....Ai cũng nhìn thấy cách duy nhất để hành động lúc ấy là sử dụng lực lượng quân đội vây bắt Quốc Tuỳ đồng thời truất quyền Sáu, tên phản bội đầu bảng...Nhưng như thế, ắt máu phải đổ. Và ngươi lo sợ cho cái uy danh muôn đời của ngươi trong cuốn sử đất nước. Vì ngươi là tác giả của khẩu hiệu thơ mộng này:
― Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công.