SONG TẤU (8)

Ngay cả khi cuộc gặp gỡ vụng lén ấy chỉ xảy ra một lần, một lần duy nhất trước khi cái chết đến chào ông.
Tất thảy những nhớ nhung, ước muốn, dằn vặt tạo thành một vòng vây định mệnh mà ông không bước chân ra nổi. Nhà tù của chính ông. Pháp đình của riêng ông, nơi ông là phạm nhân lẫn quan toà. Sao trời đầy đoạ ông đến nông nỗi này? Tự nơi nào cơn điên rồ ập tới xáo lộn tâm trí ông, dằn vặt thân xác ông, xé nát con tim ông.?
Phụ tử tình thâm!...
Giờ đây ông mới biết đến đoạn trường. Cổ nhân nói « Nước mắt chảy xuôi » là thế:
« Tình hiếu đễ với mẹ cha không thể so bì với mối yêu thương xa xót trong tâm hồn kẻ làm cha đối với con mình. Bởi khi ta yêu kẻ sinh thành ta ngước mắt lên. Còn khi yêu những đứa con mắt ta nhìn xuống. Và những dòng lệ bao giờ cũng chảy xuôi theo luật của đất trời. Vả chăng, khi ta đã tự nhận ra mình là người cha tội lỗi. Địa ngục sẽ mở cửa chính ngay lối vào con tim. »
Nỗi khổ đau này xưa cũ như trái đất. Ông đã tưởng có thể vượt qua con sóng tình thường hằng của nhân thế, nhưng giờ đây chính con sóng ấy cuốn vùi ông. Đã có những tháng năm ông tưởng chừng có thể quên đi nỗi đau nhỏ bé của riêng mình, tưởng chừng có thể thâu gom toàn bộ sinh lực để cống hiến cho đất nước. Đã có những tháng năm ông thi hành sự quên lãng khá thành công. Nhưng sự lãng quên cũng là một đối thủ có trí nhớ dai dẳng và khả năng phục thù bạo liệt. Giờ đây, ông mới lãnh nhận những ngọn đòn đánh trả. Bởi cuộc sống muôn đời chỉ là dòng sông trôi giữa hai bờ lãng quên và mong nhớ. Con thuyến nhân thế mong manh lèo lái, chỉ cần cơn gió đổi chiều hay gặp khúc nước xoáy, ắt con thuyền bập bềnh sẽ quay mũi tấp sang bờ bên kia.
« Ta tưởng chừng cuộc sống đã an bài...ta tưởng chừng đã đặt xong con toán và chẳng còn gì hồ nghi nữa. Vậy mà giờ đây mọi thứ đã đổi thay. »
Giờ đây, con thuyền cuộc đời ông bị gió cuốn từ bờ lãng quên sang bờ mong nhớ. Ông không còn khả năng giả vờ sống cuộc sống thanh thản của thánh nhân. Ông buộc phải quay lại với mọi nỗi đau khổ bình thường, chìm đắm trong mọi nguồn lạch của cuộc sống bình thường mà đã từ lâu ông từ chối.
Phải chăng nhân loại đã nhìn thấy cái địa ngục này trước ông cho nên họ vượt qua một cách dễ dàng. Còn ông, nó mở ra khi sức lực không còn nên vị chát càng thêm đậm?
Ôi những câu hát xưa não nùng thống thiết. Những câu hát ấy chỉ lọt đến tai ông khi mặt trời đã sắp tàn:
« Cha ơi cha sao cha nỡ rời bầy con trẻ
Nắng hè chưa qua mưa thu đã tới
Rồi mùa đông đem gió bấc trở về
Cha đi rồi, mái nhà mất nóc
Ai là người dang tay che chở đám thê nhi? »
Ông mường tượng như trước mắt mình có gần ba mươi cái đầu quấn khăn tang trắng. Những đôi mắt đỏ hoe, sưng húp lệ. Những tiếng kêu than đồng loạt cất lên ; đều đặn điểm nhịp như điệp khúc trong bài ca ly biệt. Cả đội quân ấy túc trực hai bên quan tài ; xung quanh là những ngọn lửa nến ròng ròng và bát cơm đội quả trứng luộc cắm cây bông tre nghi ngút khói hương:
« Khi ta chết liệu con ta có ai than hời như đám con ông lão tiều phu kia than hời cha nó?
Ồ không, hai đứa con ta sẽ đứng trong đám đông ồn ào, và thì thầm: « Chủ tịch đã chết »...Hoặc văn vẻ hơn nếu người ta dạy chúng: « Chủ tịch đã từ trần. ». Nếu chúng có nhỏ vài giọt nước mắt thì đấy sẽ là những giọt lệ lây lan vì nỗi buồn tập thể, một hiệu ứng dây chuyền, giống như người ta thường hắt hơi khi thấy người bên cạnh hắt hơi hoặc người ta có thể cười sằng sặc, cười đến ngạt thở vì lây lan cơn cười của đám đông bao quanh họ...
Các con ta sẽ không bao giờ biết rằng cái ông chủ tịch kia chính là kẻ đã tác tạo nên chúng, rằng máu chảy trong huyết quản chúng là máu của ông ta, rằng da thịt chúng có cùng một kết cấu tế bào như da thịt của ông ta, rằng tim óc gan phổi cho đến mầm mống bệnh tật hay thói quen của chúng cũng từ con người ấy mà ra. Chúng sẽ không bao giờ biết điều đó.
Thân phận ta thua kém xa thân phận lão tiều phu xóm Tiều Phu, bởi xét cho cùng, ông ta vẫn là người hạnh phúc. Một người cha thực thụ, có quyền uy thực sự. Ông ta biết rõ ông ta muốn điều gì, có quyền làm điều gì, và cần thiết phải thi hành những phận sự gì? »
Tấm chân dung người đã khuất lại hiển hiện trước mắt ông. Ông nhớ rõ cặp mày lưỡi mác tuyệt đẹp trên đôi mắt vừa niềm nở vừa thách thức. Vẻ ngạo nghễ trong cách nhìn ; sự từng trải và lòng cương quyết hằn trên khoé môi sâu như vết chém, cái mũi sổ thẳng một đường như ống tre. Đặc biệt là bộ râu quai nón dài rậm, đen nhánh, loăn xoăn như râu người phương tây bao quanh khuôn hàm lớn vuông vức, kiểu hàm Từ Hải, người ta thường gọi là hàm én:
« Kẻ quê mùa này chính là người dám đối đầu cùng số phận. Ngay khi đã nằm trong quan tài, ông ta vẫn giữ vẻ ngang tàng của kẻ bất chấp mọi trở ngại trên đường đi. Còn những câu hát đưa vong buồn thảm kia...liệu chúng có làm tan nát con tim kẻ vừa nhắm mắt? Ồ không, hoàn toàn không. Người tiều phu kia đã từng là người cha hạnh phúc, bởi ông ta đem lại hạnh phúc cho đứa con trai. Có lẽ câu hát này phải dành cho ta, cho riêng ta!... »
Ông nghĩ với niềm chua chát, và nỗi chua chát này khiến nước mắt ông tiếp tục tuôn tràn. Những dòng lệ bò ngoằn ngoèo qua hai thái dương, luồn vào đám tóc:
« Lão tiều phu kia là người cha xứng đáng. Ít nhất, ông ta cũng đã nuôi đứa con trai út đến tuổi mười ba. Mười ba năm ấy, khi giông gió, khi nắng hạ, mưa đông, ông ta dang tay che chở. Đứa con trai ấy được nếm vị ngọt của tình phụ tử, nó được an toàn hưởng thụ một cuộc đời êm ấm trong tuổi ấu nhi... Lão tiều phu ấy đáng mặt bậc làm cha. Kẻ chất phác ấy chính là tấm gương để ta phải tự hổ thẹn cho tới lúc xuống mồ. Tại sao ta lại đặt lên cõi đất này những giọt máu lạc loài, những đứa bé chơ vơ không cha không mẹ.? Sinh con mà không bảo vệ được con, thật không đáng là loài cầm thú.Về phương diện ấy, ta là một người cha vô trách nhiệm và vô năng. Hơn thế nữa, ta đã để cho bọn bất lương săn đuổi chúng như thú dữ săn đuổi con mồi. Cái chết chạy sau lưng chúng như hình với bóng. Vậy thì, chẳng những là một người cha bất lực, ta còn là một kẻ thiếu lương tâm. »
Những cơn đau dâng lên từng đợt, dường như có kẻ nào đấm thốc từ dưới cơ hoành dội lên tim. Và những cú đấm ấy mỗi lúc mỗi tàn bạo, mỗi lúc mỗi dồn dập. Chủ tịch chợt nhớ tới một võ sỹ thượng thặng da đen Mỹ, con người nổi tiếng nhất hành tinh vào thời ông trai trẻ. Trong phòng tập, con người này thường có tật nhếch mép sau mỗi một cú đấm. Mỗi lần chiếc bao cát bị đấm tung lên, mặt ông ta lại co rúm và cặp môi lại co giật, một cử chỉ nửa như nụ cười bất đắc dĩ, nửa như cơn co thắt của con bệnh tâm thần ; và gương mặt ông ta lúc ấy có một vẻ đau đớn kinh dị:
« Trái tim ta giống như chiếc bao tải cát kia trước những cú đấm của một kẻ vô hình. Kẻ vô hình này mỉm cười sau mỗi cú đấm của y. Một nụ cười thực sự, thay vì cơn co thắt của con bệnh tâm thần. »
Liệu ông có nên đứng dậy bật đèn, gọi bác sĩ?
Nhưng nếu thế, chắc chắn anh ta sẽ phát hiện ra là ông khóc. Chẳng những khóc, mà ông đã khóc từ lâu, khóc rất nhiều. Tóc hai bên mang tai còn ướt, chiếc gối ông úp mặt cũng ướt, mi mắt hẳn đã sưng. Những dấu vết ấy không thể xoá đi một cách mau lẹ:
« Ta cũng đã quá già, sống làm gì thêm nữa trong tình cảnh này? »
Bỗng nhiên, ý tưởng đó đến với ông. Giống như tiếng thở dài từ thăm thẳm muôn trùng vẳng tới. Nhưng ông không kinh ngạc. Chẳng có gì đáng kinh ngạc. Hoàn toàn trái ngược lại cảm giác của chính ông khi nghe tiếng gọi thống thiết của đứa con trai người tiều phu xấu số. Tiếng gọi ấy vọng động tới một tiếng gọi câm nín. Tiếng gọi bị bóp ngạt của đứa con ông. Đứa con ông không còn biết mặt. Đứa con ông đã cố tình bỏ rơi và cố tình quên lãng...

*

- A ha ha ha....
Tiếng cười của bóng ma nào đó bùng nổ bên tai ; nói đúng hơn là một trận cười như mưa rào quất trên mái tôn ngày giông bão. Điệu cười rất lạ bởi nó kèm theo những cơn rung khào khào trong cuống họng như tiếng gừ của đám mèo hoang. Tiếng cười ấy như vọng ra từ một nấm mồ sâu hun hút, rộng thênh thang, hoặc từ một lâu đài hoang chôn vùi trong lòng đất:
« Ai nhỉ?...Ai là người có giọng cười ghê rợn ấy?»
Ông cố lục tìm trong trí nhớ xem đã từng gặp con người có điệu cười kì lạ kia ở nơi đâu?..Giọng cười ấy ẩn chứa tiếng gầm gừ của thú dữ lẫn tiếng rít của gió quẩn nơi vực tối...Dường như lạ, dường như quen...
- A ha a a ha ha ha...
Cơn đau biến mất bởi ông dồn tâm trí vào tìm kiếm điệu cười ma quái...Nhưng ông không tìm được ai. Lúc này, kẻ nhạo báng kia cất tiếng:
- Ngươi không nhận ra ta thật sao?
Ông bỏ chiếc gối ra để nhìn trân trân vào khoảng không gian tối mờ của gian phòng. Rõ ràng là ánh điện bên ngoài vẫn hằn lên những vệt sáng nơi các khe cửa. Tiếng cười rúc rích của đám người đánh bài vẫn khe khẽ vọng vào căn phòng của ông. Chẳng có gì khác biệt hơn:
- Xin lỗi, tôi không nhận được ra ông.
Ông đáp.
- Ngươi cố thử lần nữa xem sao?
Kẻ nhạo báng kia đối lại. Giọng y nhỏ và eo éo như giọng nói của kẻ lưỡng dục.
- Xin lỗi, tôi không thể.
Ông cố gắng lặp lại một cách nhũn nhặn.
Tiếng cười lại rộ lên từng cơn dài, và lần này, ông nhận ra gương mặt to béo, tròn như chiếc bánh bao của người cầm lái phương Bắc. Chủ tịch Mãn, kẻ quyền hành vô song một góc trời đông. Đã lâu ông không gặp ông ta nên có đôi phần bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chủ tịch Mãn còn đang sống sờ sờ, ông ta sinh vào năm Quý Tỵ, kém ông hai tuổi. Con người đầy mưu ma chước quỷ này đang lãnh đạo cuộc cách mạng văn hoá Trung hoa, nói cho đúng hơn ông ta đang thực thi một cuộc thanh trừng tàn khốc chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Ông hoàng đế ngoại hạng đang diễn đủ thứ trò để dân chúng thấy sức khoẻ vô địch của ông ta, mà vở diễn nổi tiếng nhất là « Bơi qua Dương tử giang » Tại sao giờ đây ông ta lại xuất hiện dưới dạng bóng ma? Tại sao ông ta lại mượn hình dáng của những cư dân chốn U tì? Tò mò, ông căng mắt chăm chú nhìn kẻ đối diện và dần dần quen với những đường nét mới của ông vua phương bắc. Gương mặt chủ tịch Mãn lơ lửng trong không gian, cặp mắt nheo nheo vui vẻ, lằn môi đang còn nhếch lên trong dư âm của một nụ cười ngạo nghễ.
- Chào đồng chí..
Ông cất lời:
- Ông từ đâu đến đây, người anh em vĩ đại?
- Ta vĩ đại nhưng ta không là anh em với ngươi. Cũng đừng gọi ta là đồng chí bởi khí sắc của từ này đã phai tàn. Từ ấy đã chết. Nó biến thành xác thối từ lâu...
- Xin lỗi...
- Xin lỗi. Cám ơn. Nếu điều đó khiến ngài vui lòng....Ô, những công thức lịch lãm mà ngươi đã thuộc lòng! Ô...món pho-mát phương tây bốc ra mùi thối tai!
Chủ tịch Mãn cất tiếng cười to hơn, và lần này, phô ra hai hàm răng nhỏ màu vàng ngà giống như răng một người đàn bà thôn quê ít vệ sinh và lười chải chuốt. Mắt ông ta nheo lại trong một cái nhìn đầy riễu cợt và khinh bỉ:
- Ngươi lịch sự lắm...thứ lịch sự vô dụng và xảo trá của bọn da trắng. Còn ta, ta bất chấp mọi lễ nghi, ta dày xéo lên mọi quan niệm và phong tục, ta áp đặt lên tất thảy giống người luật lệ của riêng ta.
Ông ta cất tiếng cười to hơn nữa và lần này, hơi thối nồng nặc xông ra từ cái mồm mở rộng.
Bình thường, chủ tịch Mãn không bao giờ há rộng miệng. Nói hay cười, khuôn miệng ông ta cũng chỉ mở ra đúng một mức độ cần thiết và mức độ này đã được chính ông ta đong đếm. Mọi người đều biết rằng chủ tịch Mãn không bao giờ đánh răng, với niềm tin rằng hổ có sức mạnh bởi vì hổ không bao giờ đánh răng. Chắc ông ta cho rằng sự bắt chước này sẽ mang đến một năng lượng thần thánh, khiến ông ta có thể vô địch như mãnh thú. Chỉ có điều khác biệt là hổ thường há miệng thật to khi ngáp cũng như khi gầm. Còn chủ tịch Mãn hành sự ngược lại. Phải chăng đó cũng là một chỉ định có tính huyền bí chỉ riêng ông ta biết?
Hết cơn cười ngạo nghễ, người cầm lái vĩ đại nói tiếp:
- Từ đồng chí đã chết rồi. Cùng chết đi với nó là mọi tấn tuồng thời ấy. Giữa ta và ngươi chỉ có thể vĩnh viễn là Vương triều và Chư hầu Bách Việt mà thôi. Một hòn đá không đổi thành một lưỡi rìu cho dù người ta gọi nó như vậy. Chỉ có những kẻ ngu mới tin vào trò phù phép biến giấy trắng thành chim bồ câu. Ta tưởng ngươi khá hơn?
 
- Tổ tiên tôi dạy rằng: « Bẩy mươi chưa đui chưa què chưa khoe làm tốt » Ai cũng có thể nhầm lẫn cho đến tận lúc bước tới trước cửa mồ.
- Sự khiêm tốn dù thành thực hay giả vờ đều là trò chơi của hạng người vô năng hoặc thấp cổ bé họng. Ngươi có thấy trong lịch sử một hoàng đế hùng mạnh nào phải kiêng dè trước thứ dân không? Có thể ngươi sẽ nhắc đến vua Nghiêu, vua Thuấn. Hai cái thây ma tưởng tượng này được bầy đặt là để an ủi đám nhân sĩ giá áo túi cơm. Nghiêu Thuấn cũng giống như chủ nghĩa cộng sản. Ấy là những thứ quần áo giấy người ta đốt cho các hồn ma. Người sống không mặc được. Chúng chỉ là những đồ vật dùng chơi hay loè thiên hạ. Về phương diện là đồ chơi thì chúng hữu ích. Giống như bọn nông phu dùng cái cào cào thóc, dùng cái hái để cắt lúa, ta sử dụng những thứ đồ chơi tương thích này để lùa dân chúng vào những nơi ta muốn họ phải đến, buộc họ làm những gì ta muốn họ phải làm. Lý thuyết cộng sản tốt hơn những rừng mơ của Tào Tháo nhiều lần.
- Điều ấy tôi biết rõ, bởi ông đã từng gọi binh lính là các đồng chí hồng quân khi ông muốn làm cuộc vạn lý trường chinh. Rồi ông lại kêu gọi đám dân cày là các đồng chí nông dân, nòng cốt cách mạng, bệ phóng tương lai của đất nước... khi ông muốn lùa họ ra đồng hò hét, đánh đuổi chim sẻ như những kẻ mắc chứng tâm thần hoặc như lũ rối gỗ. Khi ông ép họ nhổ lúa, cho lợn ăn phân trâu, hoặc bỏ ruộng hoang mở lò nấu gang nấu thép, họ lại được tôn vinh là giai cấp nông dân thần thánh, là động lực tiến hoá của nhân loại. Với xảo thuật tung hứng các mỹ từ, ông đã thực hiện tất thảy những trò chơi rồ dại nhất và cũng độc ác nhất mà chưa vua chúa nào trong lịch sử dám làm. Những bài học ấy, tôi nhớ rất rõ. Bởi chính chúng tôi cũng đã từng học theo các ông và phải trả giá. Dẫu rằng cái giá ấy không quá đắt như cái giá mà nhân dân ông đã chịu.
- Nhân dân, đó là những quân cờ gỗ trong ván cờ lịch sử, việc của nó là phải hữu ích trong trò chơi. Nếu không còn dùng được thì phải ném vào lò mồi lửa.
- Vâng, điều này tôi cũng biết. Mấy chục triệu Hồng vệ binh rồi đây sẽ được dùng làm mồi cho lửa, sau khi họ hết phận sự trong trò chơi. Cả điều này nữa tôi cũng đã mường tượng ra từ lúc khởi sự cuộc cách mạng văn hoá ở phương bắc. Lịch sử Trung hoa đã thực thi nhiều lần kiểu « Dụng binh thí tốt », nhưng với quy mô của cuộc cách mạng văn hoá lần này, ông sẽ là bạo chúa vĩ đại nhất trong sử sách.
- Phi tàn bạo bất thành anh hùng. Ngươi đừng quên câu nói ấy.
- Tôi không quên. Nhưng có thể tôi bất khả. Địa vị của tôi, tôi sẽ vô cùng kinh hoảng khi thấy những cư dân của mình ăn xác chết hoặc đánh gục nhau để lấy miếng ăn...Đôi khi tôi ngờ vực, chẳng đủ can đảm để tin vào những gì đang diễn ra trước mắt mình: Phải chăng ông không biết rằng nông dân trong nhiều tỉnh Trung hoa đang chết đói. Ở những vùng ấy người ta ăn cỏ như trâu bò hay lợn hoang? Các gia đình trao đổi xác chết những người thân cho nhau để khỏi ăn thịt chính kẻ đã sinh thành?
- Giống người là giống ăn thịt lẫn nhau. Điều này diễn ra thường xuyên trong lịch sử nhân loại và trên xứ sở của ta. Ngươi quên chuyện Võ Tòng do vô tình mà ăn bánh bao nhân thịt người hay sao?
- Tôi không quên, nhưng tôi nghĩ đó là chuyện xảy ra từ hàng ngàn năm trước. Và con người cố gắng tranh đấu, cố gắng tiến lên là để bỏ lại cuộc sống dã man ở sau lưng mình. Ranh giới giữa sự man rợ và nền văn minh nhân loại được xác lập bởi sự huỷ bỏ thói ăn thịt người và sự loạn luân.
- Ngươi quả là tên học trò ngoan của mấy thằng gõ đầu trẻ mắt xanh mũi lõ. Bọn học trò bao giờ cũng bị mọi thứ lý luận dắt mũi đi. Ta, ta không tin ở bất cứ thứ lý luận nào, ngoài thứ lý luận do chính ta đẻ ra.
- Ông quá huyênh hoang. Ông được Sta-lin bảo trợ và nhờ sự bảo trợ đó ông lên ngôi.
- Ta được Sta-lin bảo trợ hay ta dùng gã xây bệ đặt ngôi báu cho ta như thuở xưa các vua Ai-cập dùng nô lệ xây kim tự tháp? Hiểu theo cách nào cũng đúng. Nghệ thuật dùng lưỡi là ở chỗ này.
- Lịch sử Trung hoa sản sinh ra không thiếu những con người quỷ quyệt. Nhưng có thể ông là trường hợp đặc biệt nhất.
- Ta không nhìn lại phía sau, ta cũng chẳng nhìn lên phía trước. Ta là kẻ độc nhất vô nhị trên hành tinh này.
- Tôi đồng ý. Về sự tàn bạo và về mức độ khôi hài ông đều đứng ở đỉnh cao. Khi ông bắt nông dân ra đồng hò hét đuổi chim sẻ, khi ông buộc họ trở thành thợ luyện kim nghiệp dư, và khi ông dửng dưng nhìn họ ăn cỏ, hoặc ăn thịt lẫn nhau ông đem lại cả hai cảm giác đó cùng một lượt.
- Ta chọn sự khôi hài tàn bạo thay vì ngươi chọn sự đau đớn hèn nhát, thảm thương.
- Tôi là kẻ hèn nhát thảm thương? Ý ông muốn nói vậy?
- Chính thế! Ta sẽ chỉ cho ngươi rõ ngay bây giờ: Một hoàng đế phương đông xứng đáng là hoàng đế không khóc lén khóc thầm bởi một chút máu rơi. Ngươi biết rằng ta đã vãi tinh trùng của ta trên giang sơn như dân cày vãi thóc. Ta không nhớ và ta cũng không cần nhớ là có bao nhiêu đứa bé ra đời dọc đường đi. Ta không có phận sự phải nhớ tới chúng. Kẻ khác phải lo liệu. Chỉ một điều chắc chắn là, nếu trong số những đứa bé ấy, nếu đứa nào muốn mưu phản, ta sẽ ra tay hạ gục nó mau lẹ và quả quyết hệt như khi ta đốn ngã những kẻ dự tính tiếm quyền ngoài huyết tộc. Quyền lực không dung hoà với những thứ tình cảm của lương dân.
Ông thấy gương mặt to béo kia dường như phình ra, mờ tối đi trong khoảnh khắc. Rồi nó lại trắng bạc như có ánh lân tinh. Cặp mắt nhỏ bắn ra những tia xanh đục:
- Cuộc chơi của ta chắc chắn sẽ kết thúc mĩ mãn. Rồi các ngươi sẽ có dịp mở to mắt ra mà nhìn....
Ông chưa kịp mở miệng, chủ tịch Mãn đã biến mất.
Ông đăm đăm nhìn vào khoảng không hồi lâu, nhưng ông ta không trở lại:
« Từ đồng chí đã chết rồi! Cùng với nó là mọi tấn trò thời ấy. Dẫu sao, y cũng đã nói tuột móng heo. Muốn hay không thì sau rốt, mọi tấm màn cũng rơi xuống. Chẳng phải ngẫu nhiên Ban-zac đặt tên cho bộ trường thiên tiểu thuyết của ông là tấn trò đời. Nhưng có thể là y có lý khi nói rằng quyền lực không dung hoà với những tình cảm của lương dân. Bởi đã là vua thì chỉ có nghĩa vụ bảo vệ chính thân xác của mình, chính quyền lợi của mình...mọi thứ khác đều coi như cỏ mọn. »
« Nhưng làm sao ta có thể coi như cỏ mọn những con người mà vì họ ta đã phải hiến dâng đời sống? Và nàng nữa, nàng và những đứa con của nàng, làm sao ta có thể coi ba sinh linh ấy như ba mô đất dọc đường hay một lũ thỏ dùng nấu món ra-gu sau khi đã nhìn chán mắt? Liệu ta có thể bắt chước con người quyền uy phương bắc được không? »
« Nếu không làm được đúng như thế, ta sẽ mắc kẹt giữa hai tấm thớt quyền uy và tình cảm.Ta sẽ bị nghiền nát vì hệ luỵ. »
« Nhưng quá muộn để mà thay đổi. Dù muốn hay không mọi sự cũng đã rồi. Bánh xe thời gian không quay ngược lại. »
« Nhưng vấn đề đặt ra là thoạt kì thuỷ. Là nếu... »
« Chữ nếu không tồn tại. Avec le si, on peut mettre la Paris dans une bouteille. »
« Nhân loại biết không có chữ Nếu nhưng họ vẫn phải đặt ra chữ Nếu để tìm kiếm sự thật...Giả như trời cho ta một cơ hội để mà chọn lựa?»
Khi ấy, ông nghe rõ một tiếng thét não nùng cất lên trong đáy con tim:
« Nếu Trời có cho ta quyền khởi sự một lần nữa, ta ngờ rằng ta cũng không thể hành động như con người quyền lực bắc phương.»
Ông hiểu rằng chủ tịch Mãn là chủ tịch Mãn và ông chính là ông. Không ai thay đổi được tính cách và số phận cho ai. Mọi lời khuyên trên đời đều vô dụng!

*

Trời vừa sáng rõ mặt người, họ đã đèo nhau ra phố, giống như một cặp tình nhân đang trong thời kì cuồng nhiệt nhất. Bà ngồi lặng lẽ sau lưng ông. Ông lặng lẽ đạp xe. Mỗi người đuổi theo những suy tưởng của riêng mình. Phố xá còn vắng lặng, chỉ thấy những toán tân binh đi mải miết, có lẽ đang trên đường tới nơi tập trung. Khoảng nửa giờ sau, con đê sông Hồng hiện lên chắn ngang tầm nhìn của họ.
- Chúng mình xuống đây thôi.
Ông nói. Và bà gật đầu ưng thuận. Họ xuống xe, trèo lên con dốc Yên phụ, tìm một quán nước chè vỉa hè để gửi xe, rồi lặng lẽ vượt qua đê ra ngoài ruộng ngô. Lúc ấy, mặt trời mới nhô lên phía bên kia cầu Long-biên, toả ra những tia sáng hình rẻ quạt. Những bờ ngô còn đầm đìa sương. Từng chuỗi sương chạy dọc theo sườn lá, lấp lánh như những chuỗi cườm thuỷ tinh, rung rinh trong gió. Năm nay, gió xuân muộn thổi về, dường như cuộc binh đao làm đổi thay cả mầu trời, tiết gió. Những cơn gió lang thang chạy dọc ven sông, rồi bất chợt thì thào lướt qua đồng ngô như rụt rè như sợ hãi. Ngoài xa kia, trên làn nước hồng đã ngả sang trắng bạc đám thuyền buồm lặng lẽ soi mình. Bãi cát lặng vắng đến nỗi có thể nghe rõ cả tiếng trẻ ríu ran cãi cọ và tiếng ho của người dân chài nào đó trong đám thuyền vọng tới. Một cây ngô ngả thân quệt vào tay ông tất cả sự ướt rượt lẫn nhám ráp của nó. Ông khẽ rùng mình, quay lại bảo bà:
- Cẩn thận không ướt áo. Dầu sao trời cũng vẫn còn lạnh.
- Vâng. Em biết rồi...