TRUYỆN XÓM TIỀU PHU (8)

Mọi người im lặng. Người ta đờ đẫn hồi lâu bởi không ai nghĩ ra chuyện ấy. Giờ có người day mặt đặt tên họ mới ngã ngửa người ra vì một sự thật sờ sờ trước mắt mà chẳng ai nhận thấy, giống như kẻ đi đường mất phương hướng cứ đâm sầm vào hòn đá tảng hay bước thẳng xuống vực sâu. Có cái sự mù loà ấy bởi người ta vốn coi những gì diễn ra trong gia đình ông Quảng như một tích chèo, một màn tuồng, một vở cải lương mà họ thi thoảng được xem với tất thảy sự háo hức tò mò và đinh ninh rằng ấy là chuyện của người khác. Rằng chuyện ấy chỉ dính líu đến những người môi son, má phấn, áo đính kim sa, đội mũ cánh chuồn, đi những đôi hia cổ, suốt đời hò hát múa may trên sân khấu.
Vậy mà giờ đây lại có người vạch ra rằng những tấn tuồng ấy có thể diễn ra trong chính ngôi nhà của họ. Lời cảnh báo ấy nào khác chi sét đánh ngang tai. Đám đông lặng đi như bị cấm khẩu. Người ta phải chờ cho qua giây phút choáng váng. Rồi sau một hồi tự trấn tĩnh, đầu óc mới bắt đầu sáng láng trở lại. Khi ấy, họ dò dẫm tìm xem trong câu chuyện kia có nguy cơ nào phương hại tới cuộc sống của chính mình.
- Cũng có thể là ông có lý Nhưng ông có phải ông Quảng đâu, tôi cũng vậy.
- Ông chẳng phải ông Quảng vì bà nhà còn chưa bạc tóc. Tôi cũng vậy, vì nhất định tôi sẽ ra đi trước vợ tôi.
- Ai cho ông ra đi trước tôi?
Chị vợ lên tiếng ngay tức khắc:
- Ông phải chờ làm đám ma cho tôi rồi mới được lên đường.
- Ôi dào, rõ cái thói được chồng yêu chiều, quen xỏ chân lỗ mũi. Chúng ta không ai định được, vì sinh có hạn, tử bất kì.
- Đúng đấy!...
- Có thể là trong gia đình chúng ta, không có cảnh một đứa con trai phải lòng mẹ kế, cũng không có cảnh một đứa khác dẫn vợ con về gây nhiễu loạn trước bàn thờ gia tiên vào chính ngày mồng một tết. Nhưng có ai đảm bảo rằng tất cả những đứa con chúng ta sinh ra đều một lòng hiếu thảo và cư xử tử tế đối với cha mẹ chúng? Tôi chẳng nói thì các vị cũng đã nhìn thấy từ lâu.
- Đúng thật! Chẳng thiếu gì chuyện. Nhưng xưa nay, người ta quen che giấu đậy điệm, nhẫn nhịn mà nuốt nước mắt trong xó bếp. Các cụ dạy từ xưa rồi: ― Nhà nào cũng có lọ mắm thối, phải biết lấy nùi mà đậy cho chặt, kẻo láng giềng ngửi thấy mùi hôi „.
- Nhưng cái sự ―đậy cho chặt „ ấy nhiều khi còn thối hơn cả quậy hố cứt lên mà ngửi. Mọi người có nhớ chuyện bà cụ Cửu chết đói hay không?
- Nhớ!...Chuyện ấy làm sao mà quên được?...
- Vậy ở đây có bà nào muốn chết đói như bà cụ Cửu hay không?
- Ồ, trăm lần không. Chúng tôi tuy đàn bà óc bằng quả bưởi, nhìn không quá hai gang tay nhưng chúng tôi cũng là người chứ có phải loài gà vịt đâu mà ngu như vậy?
 
- Bà cụ Cửu cũng chẳng phải người ngu. Chồng chết từ năm hai mươi chín tuổi, nhà tranh vách nát. Một mình bà ấy lên nương xuống ruộng, một mình đốt than, đi củi nuôi ong mà xây dựng cơ đồ. Người đảm đang như thế sao có thể là người ngu? Chẳng qua bà cụ quá thương con, quá tin con, mà đứa con lại không thương nổi mẹ ; mọi sự đều nghe vợ, do vợ điều khiển, cho nên để mẹ phải chết đói.
- Sao bà cụ không làm toáng lên cho mọi người biết chuyện từ đầu?
- Cơ sự là ở đấy! Vì quá yêu con, vì đã trót nói với mọi người rằng con tôi tốt nhất cõi đời, con tôi thông minh, hiếu thảo...; nay sự tình tồi tàn đồi bại xấu hổ không dám mở miệng, đành nghiến răng cắn lưỡi mà chết thôi. Chẳng lẽ các vị không nhận ra rằng bà cụ đã làm đúng cái câu: ― Đậy chặt hũ mắm thối lại hay sao? „
- Ờ ờ...thế mà bây giờ tôi mới nghĩ ra.
- Còn tôi thì tôi chẳng dại.
Chị vợ ông râu quặp cao giọng:
- Nghĩ hay chẳng nghĩ thì cũng nên biết rằng nước mắt chảy xuôi chứ không chảy ngược. Mẹ cho con tiền thì con cười tươi như hoa nở. Con cho mẹ tiền thì mặt ủ mày chau, ruột đau như cứa. Thế nên tôi vẫn bảo ông nhà tôi rằng làm người phải biết lo cho con cái nhưng trước hết phải lo cho bản thân mình. Tôi không dám há miệng chờ sung, buông cả hai tay chờ lòng con hiếu thảo. Tiền của tôi tôi buộc thật chặt vào hầu bao. Khi nào vợ chồng tôi đau ốm, thong thả mở hầu bao ra mà rút.
- Nhà ông này tốt số thật, có con vợ biết lo xa.
- Con nuôi cha chẳng bằng bà nuôi ông. Đã là vợ là chồng thì xuống biển mò cua, lên non hái lá cũng phải keo sơn gắn bó.
- Đúng đấy, chẳng ai muốn nghi ngờ, nhưng con trai lại có con dâu, con gái lại còn con rể. Những kẻ ngoại lai đột nhập vào nhà, tốt khó kiếm mà xấu xa thì dễ thấy.
- Bây giờ tôi xin trở lại chuyện nhà ông Quảng: Các vị cho rằng việc ông Quảng nói toạc móng heo mọi bí mật vợ chồng ra là dại hay khôn?
- Dại, trăm phần trăm là dại dột. Việc gì không khảo mà xưng. Vả lại, bà ấy cũng chết rồi. Ai lại nỡ nói ra cái bí mật của người đã khuất?
- Chẳng dại chẳng khôn, ấy là sự buộc phải làm. Bởi chính đứa con trai gây sự trước.
- Phải, khi rơi vào thế cùng ắt xảy ra những việc cưỡng tâm. Ông ấy cũng chẳng sung sướng gì khi buộc phải nói ra mọi sự.
- Tôi không thân với nhà ấy, nhưng tôi là thông gia với em trai út của ông Quảng. Ông này bảo tôi rằng từ khi Quý còn nhỏ, ông Quảng đã nói vụng với mấy ông em rằng sau này ông ấy sẽ không nhờ cậy được đứa con đầu. Nhưng ông ấy sẽ làm đầy đủ nghĩa vụ người cha để tương lai đứa con được tốt đẹp. Mọi người đều thấy rằng ông Quảng đã làm đúng những điều đã nói. Chính Quý bỏ trường trung cấp lâm nghiệp về làng làm ruộng chứ ông ấy đã tìm mọi cách cho nó được học lên.
- Không chỉ trường trung cấp lâm nghiệp đâu. Trước đấy, ông ta đã lo cho nó vào trường cơ khí luyện kim nhưng thằng Quý học không nổi. Óc đã đặc có đánh gậy sắt mà lèn chữ vào đầu cũng chẳng xong.
- Thế nhưng nó hách ra phết. Lại lắm mưu thâm nữa.
- Mưu thâm là một nhẽ, học thông minh lại là một nhẽ ; như cây cà gai với cây rau cải, làm sao lẫn được với nhau?
- Ờ, ông bố sáng ngời ngời mà sao cậu con trai xấu mã làm vậy? Anh ta giống hệt mẹ nhưng lại không được tươi đẹp như bà ta. Thật lạ lùng, cùng một đường nét nhưng cậu Quỳnh đẹp trai lồng lộng còn ông anh cả thì thậm xấu. Người đã loắt choắt, mắt lại sâu hoăm hoắm. Nhìn vào mắt anh ta cứ như nhìn xuống vực thẳm, chẳng biết đâu mà dò.
- Người ta bảo mắt như thế là lòng dạ nham hiểm lắm. Nhưng có nham hiểm thì cũng nên đấm đá thiên hạ chứ sao lại quay vào đánh bố đẻ ra mình?
- Ờ, tôi cũng tự hỏi như thế. Bởi người mù trong xã này cũng biết được là từ khi đẻ Quý, ông Quảng chính là người lo toan cho anh ta hết thảy, từ việc học hành cho đến việc dựng vợ gả chồng, xây nhà, sắm sanh áo quần vật dụng. Mà không chỉ lo cho con, ông ấy còn lo cho cả lũ cháu gái lẫn trai.
- Ông ấy hái ra tiền.
- Hái ra tiền mà tính ki bo, bỏn xẻn thì cũng đừng hòng rút được tiền ra khỏi túi.
- Giúp được người dưng thì còn tiếc gì con? Nhưng tôi cho rằng anh Quý ỷ thế con trai trưởng, mà theo tục truyền, con trai trưởng là người được quyền thừa tự vì phải lo ma chay cho bố mẹ. Một khi bố mẹ khuất núi phải lo cưới xin, dựng vợ gả chồng cho các em.―"Quyền huynh thế phụ", câu ấy vốn có tự bao nhiêu đời.
- Thế phụ chỉ là khi phụ chết...Nhưng ông Quảng đang còn sống nhăn nhăn, lừng lững như cây cột, đứng với con trai trông còn bảnh mã hơn mười lần... Vậy tính chuyện ―thế phụ„ còn quá sớm.
- Đúng, vấn đề chính là ở đấy!
Ông râu quặp thong thả buông từng lời, như ông giáo làng đọc đoạn kết một bài văn:
 
- Anh con trai tính chuyện bố sẽ chết, sẽ phải nhờ cậy đến mình, nào ai đội mũ mấn khăn xô, nào ai chống gậy lăn đường, nào ai rước kèn rước trống, nào ai lo cỗ khao vong. Sau tang ma đến giỗ bốn mươi chín ngày, sau bốn mươi chín lại đến ngày thứ năm mươi ba rước vong lên chùa tụng kinh. Rồi đến giỗ thứ nhất, giỗ nhị, giỗ tam. Lại đến lễ rửa xương cốt, đưa vào tiểu sành. Sau đấy mới xây mồ vĩnh cửu. Tất cả những thủ tục cho một người chết quá nhiêu khê. Ai cũng lo khi chết đi con cái không nhìn ngó tới nên dù ngậm đắng nuốt cay cũng phải chiều lòng chúng. Và do nỗi sợ hãi bị bỏ bê làm ma đói, người ta đành muối mặt làm ngơ trước nhiều sự đồi bại, tàn tệ trong nhà. Sự cư xử giữa cha mẹ với con cái thường chỉ để phô bầy cho hàng xóm láng giềng nhìn thấy. Còn thực tế ra sao hiếm có người dám bộc bạch một cách chân tình.Vì thế mới có câu ca:
― Sống thì con chẳng cho ăn,
Đến khi mẹ chết làm văn tế ruồi. ―
Câu ca ấy có từ bao đời không ai biết. Như vậy, cũng đã từ bao nhiêu đời, nhiều bậc cha mẹ phải nghiến răng chịu đựng những cung cách cư xử bội bạc, bất nhân để hòng chết đi được chôn cất cho hẳn hoi. Con cái, trừ những đứa hiếu thảo, cũng thường lợi dụng tâm lý này để sách nhiễu và áp bức bố mẹ. Nhìn vào cảnh nhà ông Quảng hôm nay đủ thấy rõ. Nhưng vấn đề chính của gia đình nhà này là đứa con trai nghĩ tới cái chết hơi sớm. Người già đứng trước cái chết thường run sợ, thường mất hết lòng tự tin cũng như quyền uy với con cái. Hơn nữa, Quý lại đang giữ ghế chủ tịch xã, vừa có vai vế với làng xóm, vừa có quyền huynh trưởng trong gia tộc. Nhưng ông Quảng chưa thuộc loại già dù ông ta đã sáu mươi mốt tuổi. Ông ấy đang còn lực lưỡng ; mắt sáng như sao, óc tính nhanh hơn điện, tay hái ra tiền. Ông ấy chưa nghĩ đến cái chết, ông ấy đang còn thích sống, đang tính chuyện chăn gối với người vợ mới. Thế nên anh con trai không ép được ông ta. Ông ta đuổi thẳng cổ cả bầu đoàn thê tử của Quý ra đường. Vậy là đứa con đi nhầm một nước cờ. Nước cờ nhầm không cứu vãn được. Tôi nghĩ như vậy, các vị cho là đúng hay sai?
- Trăm phần trăm chính xác.
- Đúng, tôi tán thành. Người ta bảo khi cóc mở miệng, không phải chuyện tầm phào, cũng chẳng phải trò giải trí.
- Đời người vốn dĩ như vậy. Khi nhìn nghiêng, tưởng là chuyện vui đùa chơi dỡn ; đến lúc nhìn thẳng lại hoá việc tang thương, chanh xát dạ muối xát tim.
- Thế mới biết, sống khó thật.
- Ngoảnh đi ngoảnh lại, tuổi già đã xồng xộc kéo tới. Không phải sau lưng mà lù lù ngay trước mặt mình.
Mọi người im lặng. Cả hai gian nhà đột nhiên im phăng phắc như chùa ngày dưng. Bởi lần đầu tiên, người ta mới dám nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi của mình. Nỗi sợ hãi ấy vẫn chung sống với họ đời đời kiếp kiếp, như bóng với hình, nhưng không ai dám gọi tên, không ai dám duy danh định nghĩa. Người ta lảng tránh nó, người ta đậy đệm nó dưới đủ mọi duyên cớ, nào danh dự gia đình, nào tình huyết mạch thiêng liêng, nào bổn phận người làm cha làm mẹ, nhưng thực chất, nó ẩn nấp trong những xó xỉnh tối tăm nhất của tâm hồn. Còn những đứa con hỗn hào, trơ trẽn không ngần ngại mà lôi thẳng cổ nó ra, bêu riếu giữa thanh thiên bạch nhật. Chẳng ai bảo ai, nhưng người ta vẫn nhớ từng lời từng chữ vừa chua ngoa vừa cay nghiệt của cô con dâu bà cụ Cửu:
―Bà tưởng có mẹ già nhẹ nợ lắm hay sao? Chúng tôi được hưởng nhà cửa ruộng vườn của bà thật, nhưng bà ốm, người ta phải mua thuốc cho bà, bà chết, phải làm ma, cỗ lên cỗ xuống, rồi còn phải rửa xương cốt, thay hòm gỗ sang tiểu sành, mọi thứ đều đòi tiền cả đấy, chẳng phải cứ vỗ tay xuông mà xong đâu.
Đã đành là chẳng phải nhà nào cũng có cô con dâu độc ác, tham tàn như con dâu bà cụ Cửu nhưng cuộc sống vốn nghiệt ngã, muốn hay không cũng phải nhìn rõ sự thật ấy. Nhưng trái tim con người thường từ chối chấp nhận sự nghiệt ngã. Chẳng ai muốn tin vào cái sự đã xảy ra từ đời nọ đến đời kia, từ châu thổ đến núi cao, từ sơn thôn sang vùng chài lưới. Dẫu sao chăng nữa, trái tim con người cũng cần một chút nước cam lồ. Những đứa con là từ lòng ruột chúng ta mà ra, lớn lên bằng máu và sữa của cha mẹ, nào ai muốn tin có ngày chúng đưa chiếc bát mẻ cho mình ăn cơm?
Sau hồi yên lặng, một ông cất tiếng:
- Con cái cũng là của trời cho, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Xưa nay ai cũng cậy con trai. Vậy mà nội trong huyện này, tôi không dám nói xa hơn, đã có ông bố nào nằm xuống được làm ma khang trang hơn là cụ Đô Vàng?
- Cô Vui là trường hợp đặc biệt, kể làm gì?
- Một cha một con, mà chết được xênh sang áo gấm. Có người đẻ tới bẩy đứa con, suốt đời làm quần quật như trâu, khánh kiệt gia tài để nuôi lũ con khôn lớn. Vậy mà lúc nằm xuống còn phải nghe chúng nó cãi nhau xem mỗi đứa góp bao nhiêu đồng để lo thuê xe tang. Ở đời này, người ta hơn thua nhau là ở phúc đức. Không ai tính được từ sáng đến tối. Chẳng ai định liệu nổi phút xuống cửa mồ. Thôi, rót rượu đi các ông ơi. Ngày xuân con én đưa thoi. Chúng ta cùng cạn chén để mừng năm mới, nào cô chủ, cạn chén với chúng tôi.
Cô Vui lẳng lặng cạn chén với các ông. Không ai nói gì nữa. Dân làng hăm hở đến nhà cô để đàm tiếu chuyện bố con ông Quảng nhưng sau rốt, câu chuyện ấy lại động chạm tới những uẩn khúc trong cuộc đời riêng tư của từng người. Và những uẩn khúc của lòng người thường gợi đến mùa đông của cuộc đời hơn là mùa xuân. Cô bí thư chi đoàn đọc thấy điều ấy. Sau chầu rượu cô yêu cầu bọn thanh niên hò hát để khoả lấp đi không khí trầm tư. Tuy nhiên, khách khứa vẫn kéo nhau tốp năm tốp ba ra về. Cô chắc họ sẽ tiếp tục câu chuyện dưới mái nhà của họ, giữa những cặp vợ chồng trung niên cũng như những ông bà tóc đã ngả muối tiêu bởi câu chuyện này chính là rường cột của kiếp người, nơi hạnh phúc lẫn khổ đau bó kết lại như hai sợ chỉ xe xoắn thành sợi dây định mệnh. Có lẽ cuộc xô xát giữa cha con ông Quảng là hồi còi báo động, khiến cho mọi gia đình phải lường đến những phong ba rình rập trước mỗi mái nhà, giống như tiếng kêu thét của loài chim biển khiến cho những con tầu phải dè trước những vịnh đá ngầm hoặc những cơn bão bất thần trong đại dương tối đen phía trước.
Lũ trai trẻ cũng ra về ngay sau đó. Cô Vui ngồi trước bàn thờ ngắm bức ảnh ông Đô, thì thầm:
― Cha ơi sống khôn chết thiêng xin trở về chỉ đường dẫn lối cho con „.
Ông Đô nhìn thẳng vào mặt con gái với cái nhìn răn đe xưa nay cô chưa từng thấy:
― Mình đã đi sai nước cờ. Hoàn toàn sai. Giờ phải tính cách gỡ „
Cô thầm nghĩ, nhẩm tính lại những hành động của mình. Cô đã lặn lội về tận làng Khoai để điều tra gia cảnh nhà cô Ngân và tình sử của cặp vợ chồng chênh lệch này. Cô là người duy nhất biết đầu cuối mọi sự và cũng đương nhiên là người tường thuật lại cho Quý cũng như dân xã. Rồi người ta sẽ hỏi, vì động cơ nào mà cô hăm hở đến như vậy? Không thể vì ngoan ngoãn nghe lệnh của ông chủ tịch, bởi xưa nay cô vốn chẳng là người ngoan ngoãn với bất cứ ai. Cô chỉ làm mọi việc theo chủ ý của riêng cô. Như vậy thì cái lập luận:
― "Bí thư thanh niên hành động theo chỉ thị của chủ tịch xã"
ắt chẳng lọt tai mọi người. Rồi giống như những người thợ đào giếng khoan sâu xuống những vỉa đất bên dưới để tìm mạch nước, dân làng sẽ moi đến tận cùng lý lẽ để tìm ra cái duyên cớ đã khiến cô bỏ công bỏ của thuê xe về tận làng Khoai. Rồi họ sẽ tìm thấy, chẳng khó khăn gì. Và lúc ấy, mũi dùi sẽ quay lại phía cô:
― Mới từ tối hôm qua đến tối hôm nay, tình thế lật nhào. Nào ai tính trước, một khi nước cờ thay đổi?„
Cô buông tiếng thở dài. Đêm qua, giao thừa, cả làng nghe cô kể chuyện, vui cười hỉ hả nâng chén rượu lên đặt chén rượu xuống, và tâng bốc cô lên tận mây xanh. Bởi cô thoả mãn cơn tò mò của họ. Bởi họ coi câu chuyện nhà ông Quảng như tấn tuồng mua vui cho ngày xuân. Tối nay, màn hai vở tuồng diễn ra mau lẹ, nhưng nó không còn là chuyện riêng của nhà ông Quảng mà nó gợi đến cái sự ―tình cha con „, là sợi dây leo quấn chằng chịt vào những thân gỗ lớn, chính xác theo cái nghĩa mà các tiền nhân thường răn dạy:
― Rút dây động rừng „
Cô lại bất giác thở dài lần nữa với ý nghĩ rằng mình có khôn mà chẳng có ngoan, rút dây mà không tính tới việc động rừng. Giờ, mọi sự đã qua, không cách chi vớt vát lại. Sau một lát bần thần, cô chợt nhớ tới câu cha cô vẫn dạy:
―Giơ tay mà hứng nước trời, hứng sao cho đủ những lời thế gian „.
Câu phương ngôn sáng suốt ấy khiến cô lấy lại được bình tĩnh. Cô tự an ủi mình:― Kệ sự đời. Hơi đâu mà lo hứng nước trời mưa? „
Dẫu vậy, Vui vẫn luôn luôn là con gái của cha cô, ông Đô Vàng, người có óc thực tế. Cô biết rằng cô có thể mặc kệ những lời đàm tiếu của dân làng vì vốn dĩ xưa nay, lời đàm tiếu vẫn quẩn quanh như khói bếp trên mái nhà bất cứ kẻ nào có máu mặt hoặc có những dị biệt với làng xóm. Nhưng cái sự cô không thể bỏ qua, chính là ông Quảng. Từ lâu cô biết đó là một người hảo hớn, rất tốt bụng và hào phóng với láng giềng nhưng cũng không ngán rút gươm ra trước kẻ nào có ác tâm. Cho dầu đã thả trí tưởng tượng bay bổng xung quanh người đàn ông râu rậm ấy, cô vẫn không hình dung được rằng ông ta có thể thản nhiên nói toáng lên cho con cái lẫn bốn bên láng giềng nghe cái chuyện: ―Trước khi cưới mẹ mày cả năm tao đã dẫn bà ấy lên núi Trúc vàng...„ Đã dám ăn nói bỗ bã thế, ngán gì mà ông ấy không chửi thẳng vào mặt cô một cách sỗ sàng cay độc khi biết chuyện cô lần mò về tận làng Khoai?.... Chỉ tưởng tượng đến nông nỗi ấy, toàn thân cô đã nóng bừng, mặt chín nhừ như phải bỏng. Mồ hôi toát ra dưới đám tóc đỉnh đầu lẫn hai bên thái dương, cô nhìn ông Đô và bật thành lời:
- Cha ơi, cha khôn thiêng xin chỉ đường mách lối cho con.
Ông Đô không nói năng gì, vẫn chiếu vào mặt cô cái nhìn nghiêm nghị. Cô Vui chợt nhớ ra rằng trong đám đông lúc nãy có ai đó cất tiếng bình phẩm:
- Ông bố sáng ngời ngời mà sao cậu con xấu mã làm vậy?
Đúng thật, từ xưa cô chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy. Rõ ràng là Quý đứng cạnh ông Quảng giống như hai loài cây khác giống mọc kề nhau. Ông bố rõ ra dáng trượng phu. Anh con hoàn toàn ngược lại. Không những còi cọc, mặt tối như hũ nút, cái nhìn lại lén lút nham hiểm. Vui chưa từng thấy Quý nhìn thẳng vào mặt ai. Đôi mắt anh ta chìm sâu dưới hố mắt, lúc nào cũng như có bóng mây vương bên trên, và cái nhìn, nếu không xiên sang một bên thì thường là hạ thấp xuống, dường như lúc nào anh ta cũng lục tìm một thứ gì đó dưới mặt đất.
― Vậy mà anh ta đã làm chủ tịch xã mấy khoá liền. Và lần nào cũng đích thân bí thư lẫn chủ tịch huyện về làm việc với chi bộ xã.„
Một ý nghĩ bỗng vụt qua óc cô. Và cô bật tiếng kêu:
- Thôi chết rồi! Thế mà không ai biết!

*

Sáng mồng hai tết, cô Vui cưỡi xe đạp lên thẳng phố huyện. Ở đó, cô quanh quẩn hồi lâu mới tìm được một cửa hàng bán chè chén và bánh kẹo, chắc vì quá túng bấn, đã phải ra vỉa hè để kiếm mấy đồng bạc lẻ của đám người chơi xuân. Bình thường, một chén nước chè giá năm chục, hôm nay, bà chủ tính đắt gấp năm lần, tức hai trăm rưỡi, và không có quyền mặc cả vì đang còn là ―ba ngày tết―. Phố xá vắng ngơ vắng ngắt, chỉ có lũ trẻ chơi đập pháo hai bên vỉa hè. Để lấy lòng chủ quán, cô Vui uống liền ba chén nước chè, lại ăn thêm hai quả chuối tiêu chín nẫu, thứ chuối nhà chủ đã để từ tuần trước giao thừa. Rồi cô đưa cho bà chủ ba ngàn, miệng nói:
- Vừa trả tiền bà, vừa mừng tuổi năm sớm...
- Cảm ơn cô...
Bà chủ ngoác mồm cười đến tận mang tai trước cô khách nông thôn mà xộp hơn mười lần dân phố huyện:
- Cô xởi lởi thế này, trời cho cô tha hồ lộc ăn lộc để..
- Cảm ơn bà...
Cô đáp lại với vẻ ôn hoà. Sau đó, cô gợi ý nhờ bà đưa đường đến nhà chủ tịch lẫn bí thư huyện:
- Xã chúng tôi xa xôi lắm, nhiều vấn đề khẩn cấp chưa giải quyết được trong năm nên phải lên huyện ngay đầu xuân để lo liệu...
- Việc khẩn mấy cũng phải chờ mồng sáu cô ạ. Tôi bán hàng ở đây hơn chục năm rồi, khách uống nước chè nhà tôi đa phần đến từ các xã vùng xa như cô, để lo liệu việc công cũng như tư. Chẳng ai dám bước vào dinh chủ tịch trước ngày mồng sáu.
- Tôi không có ý định làm phiền các cấp lãnh đạo ở nơi công sở, nhưng xã chúng tôi có chút thổ sản, muốn tặng các cán bộ cấp huyện để tỏ lòng biết ơn trước sự quan tâm của đảng và chính quyền.
- A...a...Tôi hiểu rồi.
Bà chủ quán cười to hơn nữa, rồi đưa mắt quan sát cô khách, lẫn chiếc xe đạp cô dựng bên vỉa hè. Cô Vui nhanh trí đáp:
- Tôi chỉ có nhiệm vụ đi xác minh địa điểm thôi. Mai hay mốt đích thân chủ tịch xã sẽ mang tặng phẩm lên.
- À ra thế....
Không chờ bà chủ quán lục vấn thêm, cô rút ra tờ giấy bạc năm ngàn đồng, đặt vào chiếc đĩa đựng thuốc lá:
- Gửi tiền bà, để đền bù lại thời gian bà tốn phí vì tôi.
- Cảm ơn cô.Tôi sẽ đưa cô đi ngay.
Bà chủ trả lời tắp lự, đoạn quay vào ngõ, gào:
- Con Huệ đâu, ra coi hàng cho mẹ. Mau lên!
Chưa có tiếng trả lời, bà lại gào lên tiếp:
- Huệ! Ra coi hàng, Huệ!
Bà gọi dồn dập, tức tốc vì rõ ràng, có ngồi bán chè chén từ giờ tới nửa đêm bà cũng không thể kiếm được một món tiền lớn như vậy. Gần như tức khắc, một đứa bé gái chừng bảy tám tuổi từ trong ngõ nhếch nhác chạy ra, chân loẹt quẹt đôi dép cũ:
- Con đây. Mẹ đi đâu?
- Đi có việc, không phải hỏi.
Đứa bé ngồi vào ghế phía sau chõng hàng, đưa mắt tò mò nhìn cô khách to lớn như hộ pháp đang dắt chiếc xe đạp xuống đừờng và mẹ nó leo lên ngồi phía sau, ôm chặt lưng cô ta hệt một con nhái bén ôm lấy quả dưa hấu.
Như thế, cô Vui đã đến tận nhà bí thư lẫn chủ tịch huyện. Sau cuộc đi, mồ hôi cô đổ ướt hết sống lưng. Giờ, hai năm rõ mười điều cô nghi ngờ là chính xác. Quý ngồi lên được ghế chủ tịch xã chính là nhờ bàn tay lèo lái của ông bố chứ chẳng phải vì phép thánh ; càng không phải năng lực của chính anh ta. Cô bí thư chi đoàn giương mắt trân trân nhìn hai ngôi nhà của hai vị lãnh đạo cấp huyện, nhà nào cũng hai tầng, bốn gian tầng dưới ba gian tầng trên, chừa một khoảng sân trời cỡ ba chục mét vuông vây quanh bởi hàng lan can bằng thép hàn để chủ nhân có thể ngồi uống trà ngắm trăng những đêm cao hứng. Nhà nào cũng có cầu thang bên trong lẫn cầu thang lộ thiên dẫn lên sân thượng. Nhà nào cũng có hàng hiên rộng bên dưới với đường diềm chân tường đắp sỏi trắng. Nhà nào cũng có hình đôi phượng chầu bằng xi-măng đổ cốt thép gắn trên mái ngói. Kiểu trang trí kiến trúc thời thượng. Kiểu nhà ông giáo làng Khoai.
Khi cô về làng trời đã ngả chiều. Tiếng trống đánh rộn ràng từ bãi vật vọng đến. Sợ người làng bắt gặp mình trong tâm trạng rối ren này cô đi vòng phía sau dãy núi Trúc. Đường vòng khá xa vì có đến hơn một chục trái núi nhỏ mọc thuần các loại trúc kết thành chuỗi như chuỗi hạt trai. Lối mòn ghập ghềnh khiến chiếc xe của cô nhảy chồm chồm như ngựa vía. Nhưng quả tim cô còn nhảy chồm chồm hơn cả con ngựa sắt khi cô đạp xe ngang qua chân núi Trúc Vàng, trái núi cao nhất trong dãy, mọc dày đặc thứ trúc vàng óng. Màu vàng ấy là màu vàng của dây tơ hồng trên các dậu cúc tần vườn quê. Màu vàng ấy đổ trong nắng chiều như muôn ngàn sợi vàng dát hoặc như thứ tơ tằm thượng hạng. Màu vàng ấy óng ánh thứ óng ánh của lầu vua phủ chúa. Cô đưa mắt nhìn rừng trúc đượm vàng ngày xuân, nghĩ tới một người đàn bà đã từng được trăm lần ân ái với người yêu trong đó, giờ đã nằm yên dưới mộ. Liệu bà ta có quay về đây để tìm lại mùa xuân cũ hay chăng? Rồi cô lại nghĩ tới phận mình, vì sao chẳng một ai đưa cô tới khu rừng đó?. Giấc mơ thầm lén của cô đã tan thành mây khói, và không biết từ đây cho tới lúc xuống mồ, có người đàn ông nào chìa bàn tay cho cô mà nói:
« Anh yêu em... » Hoặc là:
― Vui ơi, từ nay chúng ta sẽ sống cùng nhau!„
Cô đặt chân vào ngõ lúc trời xẩm tối. Chắc chắn không ai nhìn thấy vì cô phóng xe vào tận giữa sân. Cô gài thật chặt then cổng. Sau đấy, cô mở khoá cửa, lao vào nhà. Không kịp thay bộ quần áo phủ dày bụi đường, cô vật mình xuống đống chăn bông mà khóc. Cô khóc hối hả, nức nở, giàn giụa. Cô khóc thành nhịp, hộc lên từng hồi như loài lợn rừng bị trúng thương. Cô khóc no nê, ngập ngụa, không kìm nén. Cô khóc điên cuồng. Cô khóc sầu thảm hơn cả ngày ông Đô chết. Cô khóc, với tất cả nỗi bi thương đam mê không hay biết, giống như đứa bé đói ăn ngấu nghiến miếng bánh mà người ta đưa cho. Có thể là, với ngần ấy nước mắt được trút ra, tâm hồn cô sẽ vơi nhẹ.
Sáng hôm sau, mồng ba tết, cô ăn vận chĩnh chện, đàng hoàng, vác một cành mai lớn đến nhà ông Quảng. Cô tính không sai, bởi vườn nhà ông Quảng chỉ có đào thắm chứ không có đào phai hay mai trắng. Mai trắng là giống cây khó gây lại phải dày công chăm sóc. Ông Quảng đi vắng quanh năm, không thể trồng nổi thứ mai này. Trong làng, ối người trồng mai nhưng đa phần là giống mai vàng, còi cây, hoa nhỏ. Chỉ riêng vườn nhà cô là có mai trắng, thứ mai lớn, cành toả đều, hoa dày chi chít. Ấy là thứ mai Hoàng đế, ông Đô đã về tận làng trồng hoa Nhật Tân xin giống. Hồi còn sống, ông giữ cây mai như giữ vàng. Ông chết rồi, cô Vui vẫn tiếp tục chăm sóc nó như cũ, dù cô chẳng phải là người say hoa hoặc biết thú thưởng hoa. Nhưng ông Đô là vị thần duy nhất đối với cô, những gì cha cô đã muốn đã làm, cô phải tiếp tục bằng mọi giá...Cô chẳng ngờ vào lúc nguy nan này, cây mai trắng đã trở thành phao cứu hộ cho mình:
―Nhà lão ấy chẳng thiếu thứ gì, ngoài một cành mai trắng. „
Suốt đêm cô trù đi tính lại. Trời vừa sáng, cô vác cưa ra vườn, thiến cành mai lớn nhất, sai cả nụ lẫn hoa đem làm vật tế.
Khi cô đến ngõ nhà ông Quảng, khách khứa chưa có ai. Cô Ngân và bà Tư móm đang ngồi vặt lông gà giữa trước cửa bếp. Thấy cô, cả hai người cùng đứng lên chào. Cô Ngân mỉm miệng cười:
- Chào chị, năm mới xin mừng tuổi chị.
Bà Tư ròn rã hơn:
- Năm mới, rồng đến nhà tôm, năm nay thế nào cũng có sự tốt lành...
Cô Vui cố gắng nhìn vào đôi mắt đen như ngọc huyền của bà chủ mười tám tuổi. Cô cũng tươi cười cất tiếng chúc tụng dù tim đánh thì thòm trong lồng ngực. Rồi bà Tư móm cao giọng gọi:
- Cậu ơi, có khách đến nhà!
Nói xong, bà giục:
- Mời cô lên nhà trước, mợ cháu tôi đang giở tay.
- Xin phép các vị.
Cô đáp, đoạn bước lên bậc tam cấp. Ông Quảng đứng chờ cô ngay khuôn cửa trong bộ đồ lụa nâu cổ truyền.
― Lão già chơi trội ; ăn diện kiểu khác đời... „
Cô cúi đầu xuống chào chủ nhân theo kiểu các cán bộ dưới phố, thầm đánh giá cách phục sức của người anh hùng. Lẽ ra, lấy vợ trẻ, người ta phải diện sơ-mi trắng hoặc màu trứng sáo, tệ nhất cũng phải áo bu-dông, quần tây thẳng ống, cho ra dáng thị thành và trẻ trung. Đằng này, ông Quảng lại trưng bộ đồ lụa tơ tằm của các bậc lão trượng, rộng thùng thình. Thêm nữa, ông ta không cắt tóc ngắn mà để tóc dài dưới vai rồi buộc lại sau gáy bằng một sợi dây chun theo đúng kiểu tóc của các hiệp khách giang hồ thời trước. Thêm nữa, ông ta để râu quai nón, mớ râu bao quanh hàm đen nhánh, rậm như cỏ vực và xoăn như râu người phương tây. Điều lạ lùng là trong thứ y phục ấy có vẻ như lỗi thời ấy, tất thảy những cơ bắp cuồn cuộn trên ngực, trên vai ông ta nổi lên rõ mồm một. Và trong thứ y phục ấy, trông ông ta đẹp ngời ngời, một sắc đẹp của bậc trượng phu, không chỉ riêng Xóm Tiều Phu mà khắp huyện này khó có thể tìm được...
Vui bất giác gò mình, lùi lại một bước vì hơi thở của ông Quảng từ phía đối diện đang phả vào mặt cô, như làn gió nóng của một mùa hè oi nồng, một mùa hè tích tụ biết bao mây giông và sấm sét.
- Chào cô, năm sớm.
- Năm sớm chúc ông mọi sự tốt lành.
Cô đáp lời rồi đặt cành mai đồ sộ tựa vào chiếc tủ chè kê sát bàn thờ. Ông Quảng đưa mắt nhìn cô:
- Mời cô ngồi. Nhà tôi có trà vườn ướp nhài và ướp bạch cúc. Nhà tôi cũng có trà Tuyết Sơn lẫn trà Hồng Đào, cô thích loại nào?
- Đã là trà nhà ông, chắc thứ nào cũng tốt. Xin ông cứ tự tiện.