Từ năm sáu, bảy tuổi cho đến mười bốn mười lăm cô gái chỉ toàn diễn trên sân khấu. Và lúc đó người xem thường khóc theo. Cô luôn nghĩ rằng khi mình khóc thì người xem sẽ khóc theo. Đó là ánh mắt đầu tiên của cô gái nhìn cuộc đời. Cô thấy rằng gương mặt của tất cả mọi người là những gương mặt bi ai mà khi xem kịch của cô diễn thì phải khóc. Không có một gương mặt nào, đối với cô lại không thể hiểu được. Từ lúc ấy, những gương mặt trong cuộc đời là vô cùng dễ hiểu. Trong đoàn kịch, không có một diễn viên nào làm cho người xem khóc nhiều như vai đứa trẻ dễ thương mà cô gái thủ diễn. Vào năm mười sáu tuổi, cô sinh hạ đứa con. - Đứa trẻ không giống tôi một chút nào. Nó không phải con tôi. Tôi không biết đâu đấy. – Cha đứa trẻ nói.- Đứa trẻ cũng chẳng có điểm nào giống tôi. – Cô gái nói. – Nhưng nó là con tôi. Gương mặt của đứa bé gái ấy, đối với cô, là gương mặt con người đầu tiên cô không hiểu. Và vai diễn trẻ con của cô gái đã phải chấm dứt ngay sau khi sinh con. Người ta nói với cô như vậy. Khi đó, cô mới phát hiện giữa sân khấu của bi kịch theo trường phái mới làm người xem phải khóc cho đến lúc này với cuộc đời thực tế ngăn cách bằng hố thẳm. Hố thẳm ấy là ước vọng và màu đen. Và có nhiều gương mặt mà cô không thể hiểu như gương mặt của đứa con mình, xuất hiện từ trong màu đen ấy. Cô gái đã chia tay với cha đứa trẻ ở đâu đó trên đường lưu lãng. Vài năm sau trôi qua, cô gái bắt đầu nhận ra sự giống nhau giữa gương mặt đứa trẻ và gương mặt người đàn ông đã từ bỏ cô. Chẳng bao lâu sau, vai diễn trẻ con của đứa bé, giống như mẹ hồi xưa, bắt đầu làm người xem khóc. Và cô gái lại bỏ rơi đứa trẻ ở đâu đó trên đường lưu lãng. Khi bỏ rơi, cô đã bắt đầu nhận thấy sự giống nhau giữa gương mặt đứa bé với gương mặt của chính mình. Khoảng mười năm sau, đứa bé gái đến gặp cha mình – hiện đang là diễn viên lưu lạc trong đoàn kịch nhỏ ở làng quê. Và hỏi chỗ ở của người mẹ. Cô gái đã đến gặp mẹ mình. Cô ôm chầm lấy mẹ, ngay từ cái nhìn đầu tiên rồi òa khóc: “A… A…” Lần đầu tiên từ khi sinh ra cô nhìn thấy mẹ. Lần đầu tiên từ khi sinh ra đứa bé khóc thật sự. Không hiểu tại sao mà gương mặt đứa bé mà cô bỏ rơi trên đường lại giống hệt gương mặt của mẹ cô. Tuy cô con gái chả có gì giống mẹ của mình và chẳng có gì giống con của mình nhưng bà ngoại và cháu gái lại giống nhau y hệt. Khi khóc nức nở trong lòng mẹ, cô gái nghĩ rằng mình đã khóc thật sự như là một đứa con. Với tâm hồn như kẻ hành hương quay về đất thánh, cô gái lại quay trở lại đoàn kịch lang thang để gặp chồng con của mình và nói với họ về những gương mặt.
(1932)
HOÀNG LONG dịch