Trước khi Hoa Kỳ lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Phật Giáo Việt Nam có rất nhiều tổ chức khác nhau đã hoạt động một cách hợp pháp. Mỗi tổ chức có một lối sinh hoạt riêng. Từ năm 1951, đã có nhiều nỗ lực nhắm tiến tới thống nhất Phật Giáo, nhưng vấn đề không giản dị. Đạo Phật có đến 84 ngàn Pháp môn và lấy Tâm làm bản thể nên không tông phái nào có thể buộc tông phái khác phải theo Pháp môn, cách tổ chức và truyền thống của tông phái mình. Một sự thống nhất chặt chẽ như Công Giáo, Cao Đài hay Phật Giáo Hòa Hảo là một hiện tượng chưa hề thấy trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Nhưng muốn lợi dụng Phật Giáo để thực hiện những mưu đồ chính trị, cần phải đặt Phật Giáo Việt Nam dưới một mô thức thống nhất chặt chẽ. Để thực hiện mục tiêu đó, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đã hành động ra sao và kết quả như thế nào? Trong thời gian tranh đấu chống chế độ Ngô Đình Diệm, nội bộ Phật Giáo cũng chia năm xẻ bảy, nên bị chính quyền khai thác. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị Hoa Kỳ lật đổ, tình hình của khối Phật Giáo trở nên phức tạp hơn. Lúc đầu, một số Giáo Phái và Hội Đoàn đã đồng ý thống nhất với nhau trên căn bản "điều hợp" để thành một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Mới thành lập xong, Giáo Hội này đã mở ngay một cuộc thánh chiến với chính quyền để đòi một "quy chế đặc biệt" cho riêng Giáo Hội, bất chấp tình trạng của các tông phái và các tôn giáo khác. Đây là một nỗ lực dành quyền đại diện Phật Giáo Việt Nam. Không am tường về luật pháp và say men chiến thắng, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã bị đẩy vào một tình trạng pháp lý rắc rối với những hậu quả không lường được. Sau khi dành được một "quy chế đặc biệt", nhóm tăng sĩ chùa Từ Đàm ở Huế do Thượng Tọa Thích Trí Quang và Võ Đình Cường lãnh đạo đã thao túng Giáo Hội, đưa Giáo Hội vào một cuộc phiêu lưu chính trị mới nhằm cướp chính quyền. Cuộc thánh chiến thứ hai này đã đưa nội bộ của Giáo Hội đến chỗ rạn nứt, các phe quay lại chống nhau, Giáo Hội bị vỡ ra làm hai mảnh, một phần theo phe Việt Nam Quốc Tự do Thượng Tọa Thích Tâm Châu lãnh đạo, còn phần kia theo phe Ấn Quang do Thượng Tọa Thích Trí Quang lãnh đạo. Phe Việt Nam Quốc Tự đã chiếm được ưu thế về phương tiện pháp lý, còn phe Ấn Quang bị thua cuộc đã quay về sinh hoạt với một Hiến Chương đã bị hủy bỏ, trở thành một tổ chức nằm ngoài vòng luật pháp. Phe Phật Giáo Ấn Quang không phải chỉ chống phe Việt Nam Quốc Tự mà còn chống tất cả các giáo hội Phật Giáo khác đã hoặc đang hình thành, nhưng không chấp nhận đặt dưới quyền điều khiển của Giáo Hội Ấn Quang. Nhóm Phật giáo cực đoan miền Trung quan niệm rằng chỉ có Phật Giáo Ấn Quang mới là Phật Giáo chính thống, nắm đa số tín đồ và có quyền đại diện duy nhất cho Phật Giáo Việt Nam. Trong khi đó, các tông phái nằm ngoài Giáo Hội Ấn Quang vẫn tiếp tục sinh hoạt riêng hay hình thành những tổ chức mới. Những tổ chức Phật Giáo hoạt động riêng rẽ này bị coi là "tay sai của chính quyền" hay có "âm mưu chia rẽ Phật Giáo" nên bị tấn công liên tục. Nhưng rồi những phe nhóm trong Giáo Hội Ấn Quang cũng đã quay lại chống nhau để dành quyền lãnh đạo Giáo Hội. Các cuộc nội chiến này đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho Phật Giáo và đã bị Việt Cộng khai thác. Tiến trình của cuộc nội chiến này cũng rất bi thảm. Chúng ta hãy lược qua những nỗ lực thống nhất Phật Giáo trước khi đề cập đến các cuộc nội chiến này. VÀI NÉT VỀ THỐNG NHẤT PHẬT GiÁO QUA LỊCH SỬ: THỐNG NHẤT BẰNG CÁCH TRỞ THÀNH GIÁO HỘI NHÀ NƯỚC Trong thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật Giáo dưới đời Nhà Trần, cũng đã có sự thống nhất Phật Giáo. Vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) và Tuệ Trung Thượng Sĩ đã kết hợp ba thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đương thành một thiền phái lớn là Thiền phái Yên Tử. Gọi là Thiền phái Yên Tử vì Thiền phái này do Thiền sư Hiện Quang khai sáng ở núi Yên Tử. Thời đại đó được coi là thời đại Phật Giáo Nhất Tông. Thiền sư Viên Chứng, hiệu là Trúc Lâm, đã kế nghiệp Thiền sư Hiệu Quang và được tôn làm Quốc Sư. Vì vậy ông được gọi là Trúc Lâm Quốc Sư. Ông là thầy dạy thiền cho vua Trần Thái Tông nên những tông phái Phật Giáo nằm trong Thiền phái Yên Tử được nhà vua cũng như triều đình trân trọng và nâng đỡ. Đến đời vua Trần Anh Tông (1298 - 1314), một Thiền phái thứ hai tập hợp được nhiều thiền phái khác lại thành Thiền phái Trúc Lâm. Thiền Phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông, thân phụ của vua Trần Anh Tông, lập ra sau khi đã xuất gia nên được triều đình ban cho nhiều đặc quyền đặc lợi và được coi là Giáo Hội Nhà Nước. Các chùa của Giáo Hội Trúc Lâm được Nhà Nước cấp ruộng. Chùa Quỳnh Lâm được cấp 1.000 mẫu ruộng và nhà nước chỉ định một ngàn canh phu đến cày các ruộng đó. Sau này, các chùa lập chế độ Tam Bảo Nô lo canh tác ruộng cho nhà chùa để các tăng sĩ rảnh rang lo Phật sự. Vì có sự ưu đãi của triều đình, số tăng sĩ của Giáo Hội Trúc Lâm lên đến 15.000 người, có sổ bộ như công lại nhà nước và mỗi người đều được cấp Diệp Độ, tức chứng minh thư. Các tăng sĩ không thuộc Giáo Hội Yên Tử hay Giáo Hội Trúc Lâm không được triều đình giúp đỡ nên phải tự túc lấy. Họ phải lo canh tác để sinh sống. Họ không có sổ bộ như những tăng ni theo tông phái Trúc Lâm, nhưng rất đông, có khi gấp hai ba lần số tăng ni của tông phái Trúc Lâm. Chùa do họ tự xây lấy hay dân chúng dâng cúng. Trương Hán Siêu, một Hàn Lâm Học Sĩ của nhà Trần, cho biết tài sản quốc gia có ba phần thì nhà chùa chiếm mất một phần ba. Tuy hai Thiền phái Yên Tử và Trúc Lâm được nhà nước ưu đãi nhưng không thấy các thiền phái hay tôn giáo khác đứng lên tranh đấu đòi được đối xử bình đẳng hay tranh dành đặc quyền đặc lợi như Phật Giáo dưới thời đệ nhất và đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa. Cuối đời Nhà Trần, Phật Giáo trở nên suy đồi. NỖ LỰC THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO DƯỚI THỜI PHÁP THUỘC VÀ ĐỆ NHẤT CỘNG HÒA: ĐI TỪNG BƯỚC DÒ DẪM Trong thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã khuyến khích phong trào chấn hưng Phật Giáo nên mạnh tông phái nào, tông phái đó cứ lập hội hay giáo hội. Nhóm hoạt động mạnh nhất là nhóm An Nam Phật Học ở Huế, vì vừa được chính quyền thuộc địa khuyến khích, vừa được triều đình nhà Nguyễn giúp đỡ. Chính bà Từ Cung đã đỡ đầu cho hội này. Năm 1945, khi Việt Cộng mới cướp chính quyền, các tăng sĩ Phật Giáo thộc nhóm An Nam Phật Học lo vận động tham gia Hội Phật Giáo Cứu Quốc trong Mặt Trận Việt Minh nên không nghĩ gì đến Phật sự. Sau khi Việt Cộng rút vào chiến khu một số tăng sĩ rời bỏ hàng ngũ kháng chiến về sống ở thành thị mới bắt đầu nghĩ đến thống nhất Phật Giáo để phát triển và đại diện cho Phật Giáo Việt Nam tại các tổ chức Phật Giáo quốc tế. Ngày 6.5.1951, một Hội Nghị Phật Giáo toàn quốc đã được tổ chức tại chùa Từ Đàm Huế, gồm 53 đại biểu của một số tông phái Tăng Già và cư sĩ, đã đi đến quyết định thống nhất Giáo Hội Việt Nam qua hai giai đoạn: Giai đoạn đầu thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam với một Ban Trị Sự Lâm Thời quy gồm 6 tập đoàn, 3 xuất gia và 3 tại gia. Giai đoạn hai sẽ xóa bỏ các tập đoàn và sát nhập thành một Tổng Hội Phật Giáo duy nhất. Hội Nghị cũng phê chuẩn việc đề cử Thượng Tọa Thích Tố Liên đại diện ký tên xin gia nhập Hội Phật Giáo Thế Giới. Năm 1956, một Đại Hội Phật Giáo thứ hai được triệu tập tại Saigon để bầu Ban Trị Sự thực thụ. Tổng Hội đã có nhiều cố gắng để cải tổ các hoạt động của Phật Giáo Việt Nam, nhưng các sinh hoạt của các tông phái vẫn còn mang tính chất riêng rẽ. Trong cuộc tranh đấu lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, người ta thấy Phật Giáo cũng chưa có một tổ chức rộng lớn. Lúc đầu chỉ có mấy tông phái ở Huế và Trung Phần có trụ sở ở Huế đứng trong tổ chức tranh đấu. Về sau phải lập Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo để kết hợp đấu tranh. Tuy đã tạo được mục tiêu đấu tranh hấp dẫn, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung vẫn chưa thu hút được tất cả các Giáo Phái và hiệp hội Phật Giáo đứng vào Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo. Nhiều giáo hội và hiệp hội đứng ngoài hay chống lại cuộc chiến Ủy Ban Liên Phái như Giáo Hội Phật Giáo Cổ Sơn Môn thuộc Tổ đình Giác Lâm, Giáo Hội Lục Hoà Tăng Trung Nguyên và Cao Nguyên Trung Phần, Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam (nhóm ông Đoàn Trung Còn), v v đã đứng về phía chính phủ Ngô Đình Diệm. Một số tông phái khác đứng ngoài cuộc chiến. Tính đến ngày 1.11.1963, tại miền Nam Việt Nam đã có trên 35 tổ chức Phật Giáo có giấy phép hoạt động hợp pháp. Các tổ chức hoạt động không xin giấy phép cũng rất nhiều. Sau đây là một số giáo hội và hội Phật Giáo được nhiều người biết đến: ° Các Giáo Hội: Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Giáo Hội Phật Giáo Cổ Sơn Môn (Nam), Sơn Môn Tăng Già Trung Phần, Giáo Hội Thiền Tịnh Đạo Tràng, Giáo Hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Sơn Môn Tăng Già Trung Phần, Giáo Hội Tăng Sĩ Théravada, Giáo Phái Théravada, Giáo Hội Cư Sĩ Phật Đường Nam Tông, v.v. ° Các hiệp hội: Hội Phật Giáo Nguyên Thủy, Hội Phật Giáo Thuyền Lữ (Trung), Hội Phật Giáo Việt Nam Trung Phần, Hội Việt Nam Phật Giáo (Bắc Việt tại miền Nam), Hội Phật Học Việt Nam, Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông Việt Nam, Hội Phật Giáo Lục Hòa Tăng, Gia Đình Phật Tử, Phật Hội Pháp Hoa Việt Nam, Hội Phật Tử Việt Nam, Hội Tịnh Độ Cư Sĩ Việt Nam, v.v... Với một số tông phái đông đảo như vậy, việc thống nhất cũng không phải dễ dàng. Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam thành lập năm 1951 cũng chỉ mới quy tụ được 6 tập đoàn và tuy đã gia nhập vào Tổng Hội, các tông phái này vẫn tiếp tục sinh hoạt riêng rẽ. MƯU TÌM SỰ THỐNG LÃNH PHẬT GIÁO VIỆT NAM Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị cơ quan tình báo Hoa Kỳ thuê các tướng lãnh Việt Nam lật đổ, nhóm tăng sĩ Phật Giáo miền Trung đã nỗ lực vận động các thành viên trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo họp thành một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất. Công việc này gặp khá nhiều khó khăn vì đa số các tông phái đều muốn sinh hoạt riêng theo truyền thống của tông phái mình, nhưng rồi cùng, tất cả 11 Giáo Phái và Hội Đoàn trong Ủy Ban Liên Phái cũng đồng ý hợp lại thành một Giáo Hội, đó là các Giáo Phái và Hội Đoàn sau đây: - Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy, - Giáo Hội Tăng Già Trung Phần, - Giáo Hội Thiền Tịnh Đạo Tràng, - Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, - Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt, - Giáo Hội Tăng Sĩ Theravada, - Hội Phật Giáo Nguyên Thủy, - Hội Phật Học Nam Việt, - Phái Đoàn Giáo Phái Theravada, - Hội Phật Giáo Việt Nam Trung Phần, - Hội Việt Nam Phật Giáo. Một đại hội thống nhất Phật Giáo đã được tổ chức từ 30.12.1963 đến 4.1.1964 để biểu quyết bản dự thảo Hiến Chương của Giáo Hội. Trong cuốn Bạch Thư công bố 31.12.1993, Hoà Thượng Thích Tâm Châu đã tường thuật lại những diễn biến của cuộc đại hội này như sau: "Bỗng nhiên vào buổi chiều của một hôm, Thượng Tọa Trí Quang, Thượng Tọa Thiện Minh mời tôi lên tư thất cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền. Tại đây, Quý Thượng Tọa yêu cầu tôi làm Trưởng Ban Tổ Chức, triệu tập Đại Hội 11 Giáo Phái, Hội Đoàn trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo hội họp để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Thượng Tọa Trí Quang trình bày sơ về tổ chức Giáo Hội Thống Nhất. Tôi trả lời quý Thượng Tọa rằng: "Quý Thượng Tọa cho tôi biết về việc tổ chức Đại Hội, tôi vui lòng ký giấy triệu tập Đại Hội. Nhưng tôi không dám nhận ngôi vị lãnh đạo đầu tiên của Giáo Hội mới, vì tôi nhận thấy rằng, tuổi tôi còn ít, tài đức thiếu, nhất là hoàn cảnh di cư từ Bắc vào Nam, thiếu thốn đủ mặt, hậu thuẫn của Tăng, tín đồ không có, làm sao đảm nhận ngôi vị quan trọng ấy được. Chức vị đó xin các vị miền Trung, miền Nam nhận lãnh". Tôi rất mực từ chối và chỉ nhận việc tổ chức đại hội mà thôi. "Trở về chùa Xá Lợi, triệu tập 11 Giáo Phái, Hội Đoàn về họp tại Chùa Xá Lợi từ 30.12.1963 đến ngày 4.1.1964. Bản Hiến Chương Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất của Thượng Tọa Thích Trí Quang soạn thảo được chấp nhận, bản Hiến Chương của Thượng Tọa Đức Nhuận bị loại. Cụ Mai Thọ Truyền làm Chủ Tịch Ban Thảo Hiến. Sau khi Đại Hội chấp nhận Bản Hiến Chương Giáo Hội mới, Đại Hội suy tôn Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết lên ngôi vị Tăng Thống với nhiệm kỳ 4 năm thuộc Giáo Phái Bắc Tông. Và 4 năm kế tiếp, ngôi vị Tăng Thống thuộc về Giáo Hội Nam Tông. Bầu cử Viện Hóa Đạo 12 người, trong đó Đại Hội bầu tôi đảm trách chức vụ Viện Trưởng với nhiệm kỳ 2 năm. Trước sau tôi nhất mực từ chối, mà chỉ mong về tĩnh tu, dịch kinh. Nhưng, cho đến ngày 13.1.1964, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết tha thiết khuyên tôi đảm nhận chức vụ ấy, mãi mãi tôi mới vâng lời." Về tên của Giáo Hội, Thượng Tọa Thích Thiện Dũng cho biết lúc đầu đa số các Giáo Phái định lấy tên là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, không có hai chữ "thống nhất" đằng sau. Riêng Thượng Tọa Thích Trí Quang nhất định đòi thêm hai chữ đó vào. Cuộc tranh luận này trở nên rất sôi nổi. Nhưng Thượng Tọa Thích Trí Quang đã thuyết phục được Hòa Thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Nguyên Thủy, nên Hòa Thượng này tuyên bố nếu không thêm hai chữ "thống nhất" vào, Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Nguyên Thủy sẽ rút tên ra. Để tránh tan rã, Đại Hội đã phải miễn cưỡng đồng ý thêm vào hai chữ đó. Việc Thượng Tọa Thích Tâm Châu không chịu nhận chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo cũng có nhiều lý do, nhưng chính là có sự phản đối của nhóm Thượng Tọa Thích Trí Quang. Đa số các Giáo Phái và hội đoàn Phật Giáo không muốn bầu Thượng Tọa Thích Trí Quang làm Viện Trưởng vì Thượng Tọa Thích Trí Quang thuộc thành phần quá cực đoan, có thể dẫn Giáo Hội vào các cuộc phiêu lưu chính trị và gây chia rẽ trong Giáo Hội nên đã cố ép Thượng Thích Tâm Châu nhận chức. Trước tình trạng này, Thượng Tọa Thích Trí Quang đã nói thẳng rằng muốn được bầu làm Viện Trưởng phải là Thủ Lãnh của một Giáo Phái. Ông đưa ra điều kiện đó để loại Thượng Tọa Thích Tâm Châu, vì Thượng Tọa Thích Tâm Châu lúc đó không đứng đầu một Giáo Phái nào cả, còn ông đang là Hội Trưởng Hội Phật Học Trung Phần. Bất ngờ, hôm trước ngày bầu Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng Thích Thanh Cát đã triệu tập một buổi họp tại chùa Giác Minh, tuyên bố từ chức Chủ Tịch Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt và suy tôn Thượng Tọa Thích Tâm Châu lên làm Chủ Tịch. Nhờ vậy, Thượng Tọa Thích Tâm Châu có đủ điều kiện để được bầu làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo ngày 13.1.1964. Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam do Thượng Tọa Thích Tâm Châu thành lập năm 1954 và là Chủ Tịch đầu tiên của hội này. Từ năm 1956 ông làm Phó Chủ Tịch Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Sự sắp xếp của Hoà Thượng Thích Thanh Cát đã làm Thượng Tọa Thích Trí Quang thất vọng, nhưng để tạo hoà khí, Đại Hội đã bầu Thượng Tọa Thích Trí Quang làm Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống. Về sau, Hòa Thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Nguyên Thủy, cứ hỏi đi hỏi lại các Giáo Phái tại sao không bỏ thăm cho Thượng Tọa Thích Trí Quang mà bỏ thăm cho Thượng Tọa Thích Tâm Châu! THÁNH CHIẾN ĐÒI MỘT "QUY CHẾ ĐẶC BIỆT" ĐỂ ĐỘC QUYỀN ĐẠI DIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM 1- Đòi đi trước và đi trên luật pháp Ngày 13.1.1964, Thượng Tọa Thích Tâm Châu, lấy tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo và Chủ Tọa Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo, đã gửi đến Trung Tướng Dương Văn Minh, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, một văn thư mang số 0509-PT/CT có kèm theo bản Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và yêu cầu Chính Phủ công nhận Hiến Chương đó theo một "quy chế đặc biệt" dự liệu ban hành cho các tôn giáo tại Việt Nam. Nhận được văn thư này, Tướng Dương Văn Minh liền chuyển qua cho Bộ Nội Vụ lúc đó do Trung Tướng Tôn Thất Đính làm Tổng Trưởng. Các chuyên viên của Bộ Nội Vụ và Bộ Tư Pháp sau khi nghiên cứu đã cho biết phải đợi có quy chế tôn giáo mới có thể giải quyết vấn đề này. Dụ số 10 ngày 6.8.1950 do Bảo Đại ban hành, được sửa đổi do Dụ số 24 ngày 19.11.1952 và Dụ số 7 ngày 3.4.1954, chỉ quy định việc thành lập các hiệp hội chớ không dự liệu việc thành lập các giáo hội. Bộ Nội Vụ liền viết công văn số 1041-B/BNV/KS ngày 29.1.1964 thông báo cho Thượng Tọa Thích Tâm Châu biết: "Bộ Nội vụ chấp thuận tạm thời và trên nguyên tắc bản Hiến Chương của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất, trong khi chờ đợi quy chế mới về đạo giáo được ban hành. "Tuy nhiên, bản Hiến Chương nói trên sẽ được xem xét lại và chấp thuận khi có quy chế mới, để luật lệ chung được tôn trọng." Công văn này do Trung Tướng Tôn Thất Đính ký tên. Mặc dầu sự trả lời của Bộ Nội Vụ rất hợp lý, Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất không chấp nhận những lời giải đáp đó và đòi chính phủ phải công nhận ngay Hiến Chương ngày 4.1.1964 đã đệ trình. Lúc đó các tài liệu của Ngũ Giác Đài về việc cơ quan tình báo Hoa Kỳ thuê các tướng lãnh Việt Nam làm đảo chánh chưa được công bố nên các nhà lãnh đạo Phật Giáo Ấn Quang tin rằng chính họ đã lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, nên thừa thắng xông lên, cương quyết tranh đấu cho bằng được. Khi ông Hà Thúc Ký được bổ nhiệm làm Tổng Trưởng Nội Vụ thay Tướng Tôn Thất Đính, Thượng Tọa Thích Tâm Châu lại gởi văn thư số 0344-VI/VP ngày 3.3.1964 yêu cầu Bộ Nội Vụ phải giải quyết ngay vấn đề Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trước áp lực nặng nề của hai Thượng Tọa Trí Quang và Tâm Châu, Bộ Nội Vụ đã chiếu Dụ số 10, ban hành Nghị Định số 329-BNV/KS ngày 24.3.1964 cho phép Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hoạt động. Nội dung Nghị Định này gồm những điều khoản chính sau đây: Điều 1.- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được phép thành lập trong khuôn khổ luật lệ hiện hành. Điều 2.- Giáo Hội được phép hoạt động đúng theo bản Hiến Chương đề ngày 4.1.1964 đã được công nhận Điều 3.- Kể từ ngày thành lập, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có tư cách pháp nhân và được quyền sở hữu, thụ đắc, tạo mãi, hoặc nhượng mãi, những bất động sản và động sản cần thiết để đạt mục đích của Giáo Hội. Điều 4.- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sẽ điều chỉnh tình trạng khi quy chế mới về các giáo hội được ban hành. Theo Nghị Định này, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phải hoạt động theo quy chế hiệp hội quy định do Dụ số 10, vì lúc đó không có quy chế pháp lý nào khác. Say men chiến thắng, Thượng Tọa Thích Trí Quang nhất định tiến tới. Ông đã viết một loạt bài dưới đầu đề "Phật Giáo và Chính Phủ", đả kích chính phủ không nghĩ đến xương máu và nguyện vọng của quảng đại quần chúng Phật Giáo và không giữ lời hứa thực hiện "bình đẳng giữa các tôn giáo". 2.- Sự đánh tráo của nhà cầm quyền Tướng Nguyễn Khánh được Tổng Thống Ngô Đình Diệm trọng dụng trước đây nên sau khi làm cuộc "chỉnh lý" để cướp chính quyền ngày 30.1.1964, đã cố gắng tìm mọi cách chứng minh ông không phải là "dư đảng Cần Lao" bằng cách thẳng tay với tàn dư chế độ Ngô Đình Diệm và ve vãn Phật Giáo. Khi bị Thượng Tọa Thích Trí Quang tấn công, ông đã yêu cầu Bộ Nội Vụ phối hợp với Bộ Tư Pháp tìm cách giải quyết gấp vụ Hiến Chương Phật Giáo. Kết quả, Tướng Nguyễn Khánh, với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng kiêm Thủ Tướng Chính Phủ, đã ký Sắc Luật số 158-SL/CP ngày 14.5.1964 giải quyết những đòi hỏi của Phật Giáo Ấn Quang như sau: Điều 1.- Nay công nhận Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng bản Hiến Chương ngày 4 tháng 1 năm 1964. Điều 2.- Kể từ ngày thành lập, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có trọn vẹn tư cách pháp nhân, và được quyền sở hữu, thủ đắc, tạo mãi hoặc chuyển nhượng những động sản cùng bất động sản cần thiết để đạt mục đích của Giáo Hội. Những bất động sản cần thiết là các tự viện (chùa) và các cơ sở hoạt động về văn hóa xã hội. Điều 3.- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có quyền thâu nhận những tài sản sinh tặng hoặc di tặng bởi các thể nhân hay bởi các pháp nhân. Điều 4.- Riêng về điều 27 của Hiến Chương ngày 4 tháng 1 năm 1964, quyền giám hộ và bảo vệ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đối với các loại tự viện mà điều ấy đã ghi, cốt nhằm mục đích giám hộ và bảo vệ phương diện tinh thần giáo lý và thờ phượng, để tránh những phương hại cho Phật Pháp. Quyền tư hữu và quản trị về vật chất của các loại tự viện vẫn thuộc sở hữu chủ, ngoại trừ trường hợp hiến cúng hoặc chuyển nhượng. Điều 5.- Dụ số 10 ngày 6 tháng 8 năm 1950, cùng các luật lệ trái với Sắc Luật này, không áp dụng đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã ăn mừng chiến thắng khi nhận được Sắc Luật này. Trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử, Thượng Tọa Thích Tuệ Giác đã viết: "Đây là một thắng lợi hết sức vẻ vang của toàn thể Phật Giáo đồ trong cuộc vận động cho 5 nguyện vọng của Phật Giáo dưới triều đại Ngô Đình và cuộc vận động của Giáo Hội sau ngày cách mạng 1.11.1963"(19) Nhưng các luật gia sau khi đọc Sắc Luật này đã cười một cách thích thú. Chúng tôi gọi điện thoại khen ngợi những người đã soạn thảo ra Sắc Luật đó. Quả thật, hiệu lực và hậu quả pháp lý của Sắc Luật này không khác gì Nghị Định số 329-BNV/KS ngày 24.3.1964 mà Bộ Nội Vụ đã ban hành trước đó. Nhà cầm quyền chỉ đánh tráo hai chữ Nghị Định bằng hai chữ Sắc Luật mà thôi. Nhưng Sắc luật này sẽ gây nhiều hậu quả rắc rối cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất về phương diện pháp lý mà các tăng sĩ trong Giáo Hội không thấy được. Nghị Định ngày 24.3.1964 hay Sắc Luật ngày 14.5.191 đều cấp cho Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang một tư cách pháp nhân có những hậu quả pháp lý giống nhau, nhưng Sắc Luật ngày 14.5.1964 đã đặt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra ngoài Dụ số 10 ấn định quy chế hiệp hội trong khi quy chế tôn giáo chưa được ban hành, nên khi có những khó khăn trong lúc áp dụng hay có tranh chấp, không biết sẽ căn cứ vào luật lệ nào để giải quyết. - Hiến Chương vốn là một bản văn ấn định các vấn đề nội bộ của một tổ chức, nên việc duyệt y Hiến Chương bằng một đạo luật sẽ gây khó khăn cho việc sửa đổi Hiến Chương sau này, nhất là khi đã có Quốc Hội, mọi đạo luật đều phải được lưỡng viện Quốc Hội thông qua. Đó là chưa nói đến việc chính quyền lợi dụng những thế kẹt của Giáo Hội để lũng đoạn. Vì "thắng lợi hết sức vẻ vang" này, chỉ một thời gian sau đó Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề. Hiến Chương áp dụng được hơn một năm thì Viện Hóa Đạo đã phải tu chính lại. Việc tu chính này hoàn tất vào ngày 14.5.1965 và lại phải đệ trình lên Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia xin chuẩn y lần thứ hai. Hơn bảy tháng sau,Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đã ban hành Sắc Luật số 005/66 ngày 26.2.1966 chuẩn y Hiến Chương mới. Đến lần tu chính Hiến Chương tiếp theo thì xẩy ra những sự bất đồng trong Giáo Hội, phe Thượng Tọa Tâm Châu nắm được ưu thế về pháp lý nên phe Thượng Tọa Trí Quang đành hoạt động ngoài vòng luật pháp. Đây là vấn đề sẽ được đề cập trong đoạn sau. 3. Gạt bỏ âm mưu chiếm đoạt tài sản của các làng xã và các tông phái khác. Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất chỉ là một hiệp hội tư nhân, quy tụ được 11 tông phái, thế mà điều 27 Hiến Chương của Giáo Hội lại quy định như sau: "Các quốc tự, các ngôi chùa làng, các ngôi tổ đình, các ngôi chùa xây dựng bởi: a) Các vị Tăng sĩ b) Các hội đoàn Phật Giáo cũ được coi là Tự viện của GHVNTN và GHVNTN có nhiệm vụ giám hộ và bảo vệ với sự nhìn nhận quyền tư hữu của các Tự viện đó." Quốc tự, chùa làng và các ngôi tổ đình thường là tài sản của quốc gia hay của làng xã. Các ngôi tổ đình được dùng thờ Thành Hoàng, không phải để thờ Phật. Các chùa do tăng sĩ hay các hội đoàn Phật Giáo xây cất là tài sản riêng cá nhân hay tổ chức đó. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không có bất cứ một thứ quyền gì trên các tài sản đó, tại sao Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất dám "coi là tự viện của GHVNTN và GHVNTN có nhiệm vụ giám hộ và bảo vệ" được? Giáo Hội chỉ có thể quy gồm các tài sản chung của 11 tông phái ký tên gia nhập vào Giáo Hội để "quản lý và bảo vệ", chứ không có quyền đụng đến tài sản riêng của từng đơn vị trong 11 tông phái đã ký tên, đừng nói đụng đến tài sản của các tổ chức đứng ngoài Giáo Hội. Rõ ràng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã coi Hiến Chương của Giáo Hội có giá trị pháp lý như một đạo luật của chính quyền. Quy định trên không khác gì quy định trong Sắc Lệnh ngày 14.6.1955 của nhà cầm quyền Hà Nội ban hành quy chế tôn giáo tại miền Bắc. Sắc Lệnh này đã đặt tất cả tài sản của các tôn giáo dưới quyền quản lý của nhà nước. Cộng Sản chưa chiếm được miền Nam mà các nhà soạn thảo Hiến Chương ngày 4.1.1963 đã tỏ ra thành thạo phương châm "nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" của chế độ cộng sản và đem phương châm đó vào ngay trong Hiến Chương của Giáo Hội: Giáo Hội "nhìn nhận quyền tư hữu" nhưng dành quyền "quản lý và bảo vệ"! Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã tiến lên "xã hội chủ nghĩa" trước khi cướp được chính quyền. Nếu có được chính quyền, có lẽ Giáo Hội sẽ ban hành luật tước đoạt quyền tư hữu luôn! Các chuyên viên của Bộ Nội Vụ và Bộ Tư Pháp đã phát hiện ra âm mưu chiếm dụng tài sản của kẻ khác này nên đã ngăn chặn bằng điều 4 của Sắc Luật. Điều này chỉ cho phép Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất "giám hộ và bảo vệ" về phương diện giáo lý và thờ phụng mà thôi. Nhưng ngay cả sự cho phép đó cũng đã xâm phạm vào vấn đề nội bộ của các tông phái Phật Giáo. Đạo Phật có đến 84.000 Pháp môn, ai muốn theo Pháp môn nào tùy ý. Mỗi tông phái có một lối tu riêng và có những truyền thống riêng, nhà cầm quyền lấy tư cách gì để giao cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất "quản lý và bảo vệ" cái Tâm của những người khác, nhất là đối với các tông phái không gia nhập Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất? Trong trường hợp nói trên, để nhượng bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang thừa thắng xông lên, nhà cầm quyền đã vi phạm nguyên tắc căn bản của luật pháp: Cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cái mà nhà cầm quyền không có. Quyền sống đạo và hành đạo là quyền của mỗi công dân và của mỗi tổ chức tôn giáo. Nhà cầm quyền chưa hề ban hành văn kiện pháp lý nào để tước đoạt các quyền tự do sinh hoạt này và đem về cho Nhà nước như Cộng Sản thường làm. Vậy nhà cầm quyền lấy cái gì để trao cho Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất "quản lý và bảo vệ"? Một sự trao quyền như thế vi phạm nguyên tắc căn bản "Nemo dat quod non habet", tức không ai có thể cho cái mình không có. Trong thực tế, điều 27 của Hiến Chương và điều 4 của Sắc Luật chỉ là một điều khoản hư văn, vì không một tông phái hay hiệp hội nào để cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đụng đến tài sản hay sinh hoạt của họ. Nhưng những quy định của điều 27 Hiến Chương ngày 4.1.1964 đã để lộ tham vọng không chính đáng của những người soạn thảo Hiến Chương. 4- Tác hại của những tham vọng Khi tranh đấu đòi nhà cầm quyền dành riêng cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất một "quy chế đặc biệt," Giáo hội này chỉ nghĩ đến quyền lợi của Giáo Hội mình, không nghĩ đến quyền lợi của các tông phái hay tôn giáo khác. Trong khi chống đối chế độ Ngô Đình Diệm, Phật Giáo đã đả kích nặng nề những khuyết điểm trong Dụ số 10 ngày 6.8.1950 do Bảo Đại ban hành, nhưng khi mới nắm được ưu thế, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã vội vàng đi vào ngay những khuyết điểm mà Phật Giáo chỉ trích và đòi thay đổi. Thay vì tranh đấu cho một quy chế tôn giáo áp dụng chung cho tất cả mọi giáo hội tại Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã tính chuyện làm ăn riêng để thâu tóm mọi mọi quyền hành của các tông phái Phật Giáo khác. Điều này đã đưa đến những kết quả rất tai hại: Chính quyền thấy để tình trạng mập mờ không quy chế dễ lũng đoạn các tôn giáo hơn nên bỏ qua việc soạn thảo một quy chế chung cho các tôn giáo và dùng quyền duyệt y Hiến Chương của các Giáo Hội bằng một đạo luật để chi phối hoạt động của các tôn giáo. NHỮNG TRANH CHẤP TRONG NỘI BỘ Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được phê chuẩn xong thì đã xẩy ra ngay các cuộc tranh chấp trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Thượng Tọa Thích Tâm Châu đã kể lại chuyện này như sau: "Tôi là một vị Tăng miền Bắc cùng sống trong Viện Hóa Đạo gồm có 12 vị. Tôi không khác một con ếch bỏ trong giỏ cua. Tôi tận lực làm việc không mong một chút danh lợi nào, nhưng tôi bị chèn ép đủ mọi mặt, đến nỗi nhiệm kỳ 2 năm, tôi phải xin nghỉ 7 lần, cuối cùng Hòa Thượng Tăng Thống khuyên tôi, tôi lại phải vâng lời. Ngoài sự chèn ép, còn một nỗi khó khăn bởi Hiến Chương do Thượng Tọa Thích Trí Quang chủ trương áp đặt. Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhât chủ trương xóa bỏ các Giáo Phái, Hội đoàn, mà chỉ cần giám hộ các chùa, thu nạp Tăng Ni, Phật tử vào trong khuôn khổ Giáo Hội của mình và đặt dưới sự điều hành của Viện Hóa Đạo gồm 12 nhân vật mà thôi. Do đó, khi tôi đảm nhận trọng trách thực hiện Hiến Chương thì Thượng Tọa Giới Nghiêm, Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam viết thư cho tôi, mạt sát thậm tệ và quyết định không gia nhập. Các vị Thủ Lãnh của các Giáo Phái viết thư cho tôi, trực diện chỉ trích hai chữ "Thống Nhất" và cho là "Nhất Thống". Các vị rút ra khỏi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất." Ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Chủ Tịch Hội Phật Học Nam Việt, được bầu làm Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo nhiệm kỳ đầu tiên, nhưng ông chỉ giữ chức này được một tháng rồi tuyên bố rút ra khỏi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sau khi phản đối chính sách tập quyền và lộng quyền của nhóm tăng sĩ chùa Từ Đàm trong Giáo Hội và việc đưa tôn giáo vào các cuộc phiêu lưu chính trị. Đây là một mất mát lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất, vì sự ra đi của ông, một người có uy tín lớn trong tổ chức Phật Giáo, đã làm nhiều tông phái Phật Giáo khác quyết định không gia nhập Giáo Hội. Trong đoạn trích dẫn nói trên, Hòa Thượng Thích Tâm Châu có cho biết Hòa Thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Nguyên Thủy "mạt sát thậm tệ và quyết định không gia nhập" Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nhưng thật sự Giáo Hội này đã gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ngay từ đầu và Hoà Thượng Thích Giới Nghiêm đã đứng về phe Thượng Tọa Thích Trí Quang. Nhưng về sau thấy nhóm Thượng Tọa Thích Trí Quang lộng hành quá, ngày 1.1.1967, Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Nguyên Thủy đã chính thức tuyên bố rút ra khỏi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trong cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 2.1.1967, Thượng Tọa Thích Tối Thắng, Phó Tăng Thống của Giáo Hội công bố quyết định nói trên và cho biết trong thời gian gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy chẳng những không được hưởng quyền lợi gì mà còn bị lợi dụng triệt để. Các tăng sĩ của Giáo Hội đã bị huy động tối đa vào các cuộc tranh đấu cho những mục tiêu không rõ rệt. Trong các cuộc biểu tình, các tăng sĩ của Giáo Hội thường bị ép buộc phải đi đầu... Vì vậy, Giáo Hội đã quyết định rút lui để trở về lo Phật sự. CHỐNG ĐỐI SỰ HIỆN DIỆN HAY XUẤT HIỆN CỦA CÁC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO KHÁC. Với chủ đích quy các tông phái Phật Giáo về một mối để thâu tóm quyền hành, một số thành phần Phật Giáo miền Trung trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không muốn có sự hiện diện hay xuất hiện của một Giáo Hội Phật Giáo nào khác. Để ngăn chặn sự hình thành của các giáo hội Phật Giáo khác, nhóm Phật Giáo miền Trung nói trên không từ chối xử dụng bất cứ phương tiện gì, kể cả bạo lực. 1.- Những sự đối đầu dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà Đến năm 1963, khi Phật Giáo mở cuộc đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm, thì tại Việt Nam Phật Giáo đã có 35 tông phái và hiệp hội hoạt động hợp pháp, tức có giấy phép của chính quyền. Các tông phái hoạt động không cần giấy phép rất nhiều. Vì vậy, chính phủ có thể thuyết phục được một số tông phái Phật Giáo đứng về phe chính quyền, chống lại phe tranh đấu. Ngày 20.6.1963, Phật Giáo Cổ Sơn Môn đã họp đại hội tại Tổ Đình Giác Lâm, Chợ Lớn, gồm 785 đại diện, tôn Hòa Thượng Thích Huệ Tâm (ở chùa Trung Nghĩa, Sađec) làm Tăng Thống. Giáo Hội này lên án những người nhân danh Phật Giáo để gây rối loạn chính trị. Ngày 31.5.1963, Phật Giáo Lục Hòa Tăng (thuộc Cổ Sơn Môn) Trung Nguyên và Cao Nguyên Trung Phần họp tại Nha Trang cũng đã ra một kiến nghị tương tự như vậy. Kiến nghị do các Hòa Thượng Bích Lâm, Huệ Minh, Huệ Quang và Cư sĩ Chơn Tâm ký tên. Ngày 20.8.1963, nhà cầm quyền thuyết phục được một số tăng sĩ đứng ra thành lập Ủy Ban Liên Hiệp bảo vệ Phật Giáo Thuần Túy do Thượng Tọa Thích Nhật Minh lãnh đạo. Ủy Ban này lên án việc lợi dụng danh nghĩa Phật Giáo để xách động quần chúng, phá hoại nền Phật Giáo chân chính. Ngày 22.8.1963, Phật Giáo Tịnh Độ Tông ra tuyên ngôn tuyên bố không tán đồng những hoạt động chống chính quyền của Tổng Hội Phật Giáo và Ủy Ban Liên Phái Phật Giáo, vạch mặt những kẻ lợi dụng tôn giáo để mưu đồ chính trị, bắt tay với Cộng Sản và phiến loạn để gây rối và khuynh đảo chính phủ. Tuyên ngôn do ông Hội Trướng Đoàn Trung Còn ký tên. Các tổ chức trên đã bị nhóm Phật Giáo đấu tranh lên án là tay sai của chính quyền và âm mưu chia rẽ Phật Giáo. 2- Những sự đối đầu dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa Nhận thấy nhóm tăng sĩ chùa Từ Đàm trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã đi quá xa ra ngoài phạm vi tôn giáo và có nhiều mưu đồ chính trị, một số tổ chức Giáo Hội và hiệp hội Phật Giáo cũ tách ra để sinh hoạt hoạt động riêng, như Hội Phật Học Việt Nam và Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy. Trong khi đó một số tông phái thành lập những Giáo Hội hay hiệp hội mới để hoạt động ngoài phạm vi của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Một giáo hội xuất hiện đầu tiên là Giáo Hội Thiền Tông Việt Nam. Giáo Hội này được phép thành lập do Nghị Định số 1488-BNV/KS ngày 23.11.1964 của Bộ Nội Vụ. Giáo Hội Thiền Tông Việt Nam do hai ông Dương Văn Thinh và Phạm Văn Tài đứng tên xin phép và đặt trụ sở ở số 10 đường Nguyễn Duy, Gia Định. Kế đến, Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã được liên phái Phật Giáo sau đây quyết định thành lập: - Phật Bửu Tự: Hòa Thượng Thích Minh Trực. - Bửu Lâm Tự: Hòa Thượng Thích Thiện Trường. - Bình Hoà Tự: Hòa Thượng Thích Hoàng Đức. - Long Quang Tự: Hòa Thượng Thích Đạt Thanh. - Chơn Đức Tự: Hòa Thượng Thích Từ Quang. - Giác Lâm Tự Hòa Thượng Thích Thiện Thuận. Trụ sở của Giáo Hội đặt tại số 80-A đường Cao Thắng, Saigon. Giáo Hội đã soạn một Hiến Chương và trình lên Thượng Hội Đồng Quốc Gia xin duyệt y bằng một đạo luật như Hiến Chương của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất. Ngày 8.2.1964, Thượng Hội Đồng Quốc Gia ban hành Luật số 001/64 thừa nhận Hiến Chương của Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Theo Hiến Chương này, Tổng Giáo Hội có ba Viện: Viện Chưởng Giáo, Viện Hoằng Pháp và Viện Hộ Đạo. Sự xuất hiện của Tổng Giáo Hội Việt Nam đã gây ra những sự chống đối mạnh mẽ của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất. Đạo luật duyệt y Hiến Chương của Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mới được ban hành thì nhóm Phật Giáo miền Trung trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã lên tiếng tố cáo đây là một âm mưu chia rẽ Phật Giáo của chính phủ Trần Văn Hương và Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam bị coi là tay sai của chính quyền. Ngày 21.12.1964, Hòa Thượng Thích Từ Quang, Viện Trưởng Viện Hoằng Pháp của Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, đã bị bốn thanh niên tới hành hung ngay tại Chơn Đức Tu Viện ở Gia Định. Cơ quan an ninh đã được yêu cầu đến bảo vệ các chức sắc của Tổng Giáo Hội. Sau đó, có thêm nhiều Giáo Hội và tổ chức Phật Giáo khác ra đời như Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ (1966), Giáo Hội Đạo Tràng Thiền Học (1968), Phật Hội Pháp Hoa Việt Nam(1965), Phật Hội Lục Phương Tông (1965), Hội Phật Giáo Phụng Sự Xã Hội (1967), Việt Hàn Phật Giáo Tương Trợ Hội (1967), v.v. Tính đến ngày 30.4.1975 đã có 16 giáo hội và 29 hiệp hội của Phật Giáo hoạt động hợp pháp. Tháng 9 năm 1965, các tôn giáo lớn tại Việt Nam đã hội lại và thành lập Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo, ra thông cáo đồng xác nhận ý chí đoàn kết giữa các tôn giáo và kêu gọi các tôn giáo tham gia Hội Đồng Tôn Giáo. Ngày 22.9.1965, Viện Hóa Đạo cho phổ biến một thông cáo nói rõ: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất sẽ không tham gia Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo và Hội Đồng Tôn Giáo nếu trong hai tổ chức này còn có Tổng Giáo Hội Phật Giáo thành lập dưới thời chính phủ Trần Văn Hương. Sự tách rời của Hội Phật Học Nam Việt ra khỏi Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất là một mất mát khá lớn lao. Năm 1966, khi hội này không chịu tham gia vào các cuộc nổi loạn, Thượng Tọa Thích Trí Quang đã cho tấn công vào chùa Xá Lợi nên ngày 3.6.1966, ông Mai Thọ Truyền, Hội Trưởng của hội này, phải viết văn thư yêu cầu Tòa Đô Chánh Saigon cho nhân viên công lực đến bảo vệ chùa. Những sự tách rời nói trên đã làm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ngày càng yếu đi. Nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung càng tìm cách đối phó lại càng tạo thêm nhiều mâu thuẫn trầm trọng hơn. NỘI CHIẾN TRANH QUYỀN ĐẠI DIỆN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT Trong thời gian đang tranh đấu để cướp chính quyền từ 1964 - 1966, nhiều sự nứt rạn trầm trọng đã xẩy ra trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, vì nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đã đưa ra những mục tiêu phiêu lưu và áp dụng những chiến thuật gây nội loạn của Việt Cộng để đấu tranh. Thượng Tọa Thích Trí Quang và Võ Đình Cường đã hành động bất chấp các quyết định của Viện Hóa Đạo và Thượng Tọa Thích Tâm Châu. Khi cuộc đấu tranh vừa bị chính quyền dẹp tan thì nội bộ của Giáo Hội Phật Giáo Nam Thống Nhất cũng đi đến chỗ tan vỡ. 1- Cuộc chiến giữa Thích Tâm Châu và Thích Trí Quang. Ngay từ khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mới hình thành, đã có sự bất hòa giữa Thượng Tọa Thích Trí Quang và Thượng Tọa Thích Tâm Châu. Việc tranh giành chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đã tạo nên những sự căng thẳng. Thượng Tọa Thích Trí Quang tuy đã được bầu là Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống và nắm thực quyền trong Viện này, vì chức vị Tăng Thống của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết trong thực tế chỉ là một hư vị, nhưng vì Viện Tăng Thống chỉ chuyên trách về giới luật cho các tăng ni và "cố vấn về đạo pháp" cho Viện Hóa Đạo nên quyền hành rất giới hạn. Thực quyền nằm ở Viện Hoá Đạo, một cơ quan điều hành tất cả mọi ngành hoạt động của Giáo Hội, lại rơi vào tay Thượng Tọa Thích Tâm Châu. Thượng Tọa Thích Trí Quang lúc nào cũng muốn can thiệp vào các sinh hoạt của Viện Hoá Đạo, khiến Thượng Tọa Thích Tâm Châu rất bực mình. Hai bên đã nhiều lần lớn tiếng cãi qua cãi lại nên những bàn tán về bất hòa trong Giáo Hội ngày càng lan rộng. Trong cuốn Bạch Thư đề ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu có kể lại: "Đầu tháng 6/1966, tôi đáp máy bay sang Colombo, thủ đô nước Tích Lan, cùng đại biểu Tăng Già các nước soạn thảo Hiến Chương và thành lập Giáo Hội Tăng Già Thế Giới vào ngày 6.6.1966, và tôi đảm trách chức vụ Phó Chủ Tịch. Từ Tích Lan trở về, tôi ghé thăm Malaisia và Singapore để cám ơn sự hỗ trợ tinh thần trong cuộc tranh đấu 1963 vừa qua. Vào khoảng tháng 7/1966, tôi đã về tới Saigon, được tin đang có biểu tình trong thành phố Saigon và một số nơi khác tại miền Trung. Tôi không hiểu, khi tôi đi vắng, ở nhà có Thượng Tọa Thích Trí Quang, Thượng Tọa Thích Thiện Minh, do đâu lại phát động lại phong trào tranh đấu? Tôi về tới Việt Nam Quốc Tự, bước chân vào cửa văn phòng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của tôi thì có biểu ngữ nền vàng chữ đỏ ghi: "MUỐN QUẦN CHÚNG TUÂN THEO KỶ LUẬT THÌ PHẢI THEO QUẦN CHÚNG". Tôi vào tới bàn giấy của tôi thì có một đĩa máu, một con dao và một huyết thư: "YÊU CẦU CÁC THUỢNG TỌA TRONG VIỆN HÓA ĐẠO, KHÔNG ĐƯỢC THEO THUỢNG TỌA TÂM CHÂU". Tôi định lên chánh điện Việt Nam Quốc Tự lễ Phật, tại đây có mấy vị Tăng thanh niên không cho tôi vào chánh điện Việt Nam Quốc Tự và hăm dọa, ai muốn vào chùa hãy bước qua xác chết của họ. Tôi vô cùng chán nản, không biết cách nào vãn hồi trật tự. Tôi trở về chùa Từ Quang. Chùa Từ Quang cũng có một đĩa máu và một huyết thư "CẤM TÔI KHÔNG ĐƯỢC HOẠT ĐỘNG NỮA". Và, người trong chùa cho biết là họ hăm dọa sẽ đốt xe, ám sát. Và, chính các vị Tăng thanh niên đang tụ tập tại Niệm Phật Đường Quảng Đức (chợ Vườn Chuối) định sang Chùa Từ Quang giết tôi. May có Sư Cô Vân biết được, cấp báo cho tôi biết. Tôi trốn thoát. Từ đó, tôi phải đi nghỉ, nay tại nhà này mai tại nhà khác, nay tại Viện Nhu Đạo Quang Trung, mai tại Nha Tuyên Uý Phật Giáo". Về ngày tháng xẩy ra sự kiện ở trên, sau khi phối kiểm chúng tôi nhận thấy có lẽ đã có một sự lầm lẫn. Đại Hội Phật Giáo Thế Giới được tổ chức tại Tích Lan vào ngày 9.5.1966. Ngày 12.5.1966, Đại Hội đã quyết định thành lập Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Thế Giới và bầu Thượng Tọa Thích Tâm Châu làm Phó Chủ Tịch. Ngày 25.5.1966, khi nghe tin các vụ biến động lớn đang xẩy ra ở Đà Nẵng, Huế và Saigon, Thượng Tọa Thích Tâm Châu đang ở Bangkok đã đánh một điện văn về Viện Hóa Đạo kêu gọi tăng ni Phật tử ngừng các vụ xáo trộn và yêu cầu Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ rút quân khỏi Đà Nẵng. Ngày 30.5.1966 Thượng Tọa Thích Tâm Châu lại ra tuyên cáo yêu cầu các tăng ni Phật tử chấm dứt các vụ tự thiêu và biểu tình, đồng thời cũng đòi các tướng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ trao quyền cho một chính phủ chuyển tiếp. Ngày 31.5.1966, Thượng Tọa Thích Tâm Châu đã hướng dẫn một phái đoàn Phật Giáo gồm 6 Thượng Toạ đến Dinh Gia Long họp với Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia để tìm giải pháp chấm dứt tình hình rối loạn hiện tại. Như vậy Thượng Tọa Thích Tâm Châu đã đi dự Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới đầu tháng 5/1966 chứ không phải đầu tháng 6/1966 và ông đã trở về Việt Nam trong khoảng từ 25 đến 30.5.1966 chớ không phải khoảng tháng 7/1966. Thời gian Thượng Toạ Thích Tâm Châu đang ở ngoại quốc là thời gian có cuộc khủng hoảng lớn lao nhất đối với Phật Giáo Việt Nam: Hai tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Ngọc Loan đã ra lệnh cho quân đội và Cảnh Sát Dã Chiến dẹp các lực lượng Phật Giáo đang gây rối loạn tại miền Trung, tái chiếm Đà Nẵng, sau đó tiến quân ra Huế. Khi Thượng Tọa Thích Tâm Châu trở lại Saigon thì cuộc tái chiến ở Đà Nẵng chưa hoàn tất. Trong hai ngày mồng 1 và 3.6.1966, Thượng Tọa Thích Trí Quang đã tổ chức các cuộc biểu tình lên án công khai chính sách ôn hòa của Thượng Tọa Thích Tâm Châu. Hai Thượng Tọa Thích Tâm Châu và Thích Hộ Giác tuyên bố từ chức. Nhưng ngày 7.6.1966, Thượng Tọa Thích Tâm Châu quay về Viện Hóa Đạo tuyên bố vẫn tiếp tục giữ chức Viện Trưởng, ra lệnh giải tán Lực Lượng Phật Tử, chống bạo động và lập Ủy Ban Bảo Vệ Phật Giáo để tranh đấu bất bạo động. Ngày 13.6.1966, Thượng Tọa Thích Tâm Châu đọc một thông bạch trên đài phát thanh Saigon yêu cầu rước bàn thờ về chùa và nhà. Sau đó ông lánh ra Vũng Tàu vì sợ bị ám sát. Ngày 17.6.1966, Thượng Tọa Thích Tâm Châu gởi cho báo chí một văn thư lên án Thượng Tọa Thích Trí Quang lạm quyền, không chịu tuân hành các quyết định của Viện Hóa Đạo và xác nhận ông vẫn còn là Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Ngày 11.7.1966, Hội Đồng Viện Hóa Đạo do nhóm Thượng Tọa Thích Trí Quang triệu tập đã họp tại chùa Ấn Quang, nhưng Thượng Tọa Thích Tâm Châu không về dự. Ngày hôm sau, Viện Hóa Đạo ra thông cáo yêu cầu Thượng Tọa Thích Tâm Châu phải về họp trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nếu không phải chịu trách nhiệm trước Giáo Hội và tín đồ. Để đáp lại, ngày 13.7.1966 Thượng Tọa Thích Tâm Châu đã gởi cho Viện Hóa Đạo một văn thư nói Viện không có quyền cất chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của ông. Ông đi dưỡng bệnh 2 tháng. Ông phải lánh mặt vì có âm mưu ám sát ông. Ông hoàn toàn không chịu trách nhiệm về tất cả các chuyện xẩy ra tại Viện Hóa Đạo trong thời gian ông vắng mặt. Một nguồn tin cho biết Thượng Tọa Thích Tâm Châu đã đến ẩn náu ở Trung Tâm Nhu Đạo Quang Trung để tránh bị ám sát. Sau khi chính quyền dẹp xong nhóm tranh đấu chiếm đóng trong Viện Hóa Đạo, Thượng Tọa Thích Tâm Châu trở về làm việc, nhưng các tăng sĩ trong nhóm tranh đấu nhất định không chịu về. Họ cho rằng Thượng Tọa Thích Tâm Châu thân chính quyền và chính phủ đã xúc phạm đến tôn giáo. Hòa Thượng Thích Tâm Châu cho biết thêm: "Tại miền Trung, Thượng Tọa Thích Trí Quang đã tuyên bố rằng: "Mỹ mua đứt Tâm Châu với 3 triệu Mỹ kim và cho tôi là cậu của tướng Nguyễn Cao Kỳ, đem quân đội ra tàn sát Phật tử miền Trung v.v..." "Đó là chỗ nẩy sinh ra sự mâu thuẫn giữa tôi với các vị đấu tranh. Từ chỗ mâu thuẫn ấy, tại Saigon, Thượng Tọa Thích Trí Quang và nhóm tranh đấu vu khống cho tôi là người Mỹ cho tôi 1 triệu Mỹ kim và trả lương cho tôi mỗi tháng là 20.000 Mỹ kim. Thực ra, tôi chưa được một dollar của Mỹ, chứ nói chi đến vạn, đến triệu". 2.- Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hết thống nhất Ngày 21.10.1966, một Đại Hội Phật Giáo đã được triệu tập tại Việt Nam Quốc Tự để bầu lại Viện Hóa Đạo. Trong Đại Hội, đại diện của Miền Vĩnh Nghiêm (Bắc tông), Giáo Phái Theravada và Tỉnh Hội Phật Giáo Gia Định cho rằng việc bầu lại Viện Hóa Đạo chưa cần thiết. Thượng Tọa Thích Tâm Châu yêu cầu Đại Hội phải xét công tội, nếu không ông sẽ không từ chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Nhiều ý kiến bất đồng đã đưa đến những vụ lộn xộn, có cả xô xát và tiếng súng nổ. Cảnh sát được mời tới can thiệp. Ngày 22.10.1966, nhóm Thượng Tọa Thích Trí Quang và Thích Quảng Liên quay về chùa Ấn Quang họp và bầu Thượng Tọa Thích Thiện Hoa làm Viện Trưởng Viện Hoá Đạo. Thượng Tọa Thích Trí Quang từ chức Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống và trao lại chức này cho Thượng Tọa Thích trí Tịnh. Kể từ ngày hôm nay, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không thống nhất nữa và chia thành hai Giáo hội: Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự do Thượng Tọa Thích Tâm Châu làm Viện Trưởng còn Giáo Hội Ấn Quang do Thượng Tọa Thích Thiện Hoa làm Viện Trưởng. Nghe tin trên, ngày 23.10.1966, hơn một ngàn người biểu tình từ Việt Nam Quốc Tự kéo tới chùa Ấn Quang phản đối hai Thượng Tọa Thích Trí Quang và Thích Quảng Liên gây chia rẽ Phật Giáo. Về giai đoạn này, trong cuốn Bạch Thư ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã viết như sau: "Tôi vẫn nhẫn nại làm việc và tuân theo lời dạy của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, tôi triệu tập Đại Hội Giáo Hội tại Việt Nam Quốc Tự vào ngày 22.10.1966. Buổi chiều ngày 20.10.1966, làm lễ khai mạc Đại Hội. Sau khi tôi đọc diễn văn khai mạc, Đại Hội duyệt xét chương trình nghị sự rồi nghỉ, và quyết định sáng mai sẽ họp tiếp. Bất ngờ, 3 giờ sáng ngày 23.10.1966, tại chùa Ấn Quang một số Thượng Tọa đã lén lút thành lập Hội Đồng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhât và cử Thượng Tọa Thích Thiện Hoa làm Viện Trưởng, coi như lật đổ tôi. Từ đó có ra Viện Hóa Đạo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Ấn Quang". Trước tình trạng có hai ban lãnh đạo Giáo Hội cùng một lúc, ngày 24.10.1966, Thượng Tọa Thích Tâm Châu ra thông cáo xác nhận ông vẫn là Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, một chức vụ mà ông đã được các đại diện của các tông phái trong Giáo Hội bầu ra. Ông tuyên bố việc bầu bán tại chùa Ấn Quang ngày 23.10.1966 là bất hợp lệ. Ngày 25.10.1966, các tông phái Phật Giáo miền Vĩnh Nghiêm, Théravada, Hội Việt Nam Phật Giáo (Bắc Việt tại miền Nam) ra tuyên bố không công nhận cuộc bầu cử ở chùa Ấn Quang vì bất hợp lệ. Sự rạn nứt đi tới gian đoạn khó có thể hàn gắn được. Ngày 24.12.1966, trong một buổi thuyết pháp, Thượng Toạ Thích Tâm Châu nói rằng Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất phải được sửa chữa lại cho phù hợp với tình thế mới. Phật Giáo phải trở về lại với các sinh hoạt tôn giáo thuần túy, không có xuống đường đấu tranh nữa. Sau đó một Hiến Chương tu chính đã được 5 tông phái biểu quyết vào ngày 14.3.1967, không có sự tham dự của các tông phái theo phe Ấn Quang. Những Tông Phái đã ký tên vào Hiến Chương mới là: - Giáo Hội Nguyên Thủy Việt Nam. - Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam. - Tăng Sĩ Giáo Phái Phật Giáo Theravada. - Cư Sĩ Giáo Phái Phật Giáo Théravada. - Hội Việt Nam Phật Giáo. Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đã ban hành Sắc Luật 023/67 ngày 18.7.1967 chuẩn y Hiến Chương ngày 14.3.1967 do Thượng Tọa Thích Tâm Châu đệ trình. Ngày 12.8.1967, một cuộc họp bầu cử Hội Đồng Tăng Thống và Hội Đồng Viện Hóa Đạo đã được tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự. Thượng Tọa Thích Tâm Châu xin từ chức Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Kết quả cuộc bầu cử như sau: Tăng Thống: Lục Cả Lâm Em thay Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết. Viện Trướng Viện Hóa Đạo: Thượng Tọa Thích Thiện Tường thay Thượng Tọa Thích Tâm Châu. Những biến cố xẩy ra sau vụ sửa đổi Hiến Chương này rất là nghiêm trọng. Hòa Thượng Thích Tâm Châu viết trong Bạch Thư: "Sau khi rút khỏi Viện Hóa Đạo, tôi trở ra chùa Từ Quang Vũng Tàu của tôi, vui cùng cảnh vật thiên nhiên, cho vơi bớt những sự ưu tư, vất vả. "Tại Saigon, Giáo Hội Thống Nhất Ấn Quang lại phát động phong trào tranh đấu, đòi hỏi không được tu chính Hiến Chương. (Thực vô lý, Ấn Quang chỉ có 3 Giáo Phái, Hội Đoàn, mặc dù tăng ni Phật tử đông. Việt Nam Quốc Tự có 8 Giáo Phái, Hội Đoàn - dù rằng Phật tử ít - vẫn có quyền tu chính Hiến Chương, chứ không phải hủy bỏ Hiến Chương). "Đùng một cái, một hôm vào khoảng 7 giờ tối, một số Tăng tại chùa Ấn Quang, được sự hỗ trợ của các dân biểu thân Ấn Quang có súng, như Kiều Mộng Thu v.v.. đột nhập vào Việt Nam Quốc Tự bắt Thượng Tọa Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Thiện Tường, cùng với rất đông chư Tăng, đem về nhốt tại chùa Ấn Quang. Ngày hôm sau, Nha Tuyên úy Phật Giáo can thiệp, mời các vị Ấn Quang ra khỏi Việt Nam Quốc Tự. Sau đó Giáo Hội Thống Nhất tại Việt Nam Quốc Tự lại phải đề cử Thượng Tọa Thích Minh Thành (người Nam) lên làm Viện Trưởng. "Vẫn chưa yên. Lại một hôm khác, vào chập tối, phe Ấn Quang lại đem người, đem khí giới, tái chiếm Việt Nam Quốc Tự một lần nữa. Lần này họ bắt hết Tăng chúng, lấy hết đồ đạc, nhiều máy may của Việt Nam Quốc Tự và đốt cháy một dãy nhà phía tay trái Quốc Tự. Nha Tuyên úy Phật Giáo lại phải can thiệp để vãn hồi trật tự. Sau biến cố này, Giáo Hội Thống Nhất tại Việt Nam Quốc Tự phải đề cử Thượng Tọa Thích Tâm Giác, Giám Đốc Nha Tuyên úy Phật Giáo, kiêm nhiệm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo mới yên". Về sau, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Quốc Tự đã quy tụ được 17 Giáo phái, trong số này có 5 Giáo Hội và 12 hiệp hội Phật Giáo. Giáo Hội đã suy tôn Hòa Thượng Thích Thiện Quang làm Tăng Thống và Thượng Tọa Thích Tâm Giác làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng Tọa Thích Chính Mệnh làm Tổng Thư Ký. Thượng Tọa Thích Thiện Dũng (hiện ở Pomona) có tiết lộ như sau: Hai tăng sĩ chỉ huy vụ ám sát Thượng Tọa Thích Tâm Châu là Thượng Tọa Thích Pháp Siêu, người Nam, ở chùa Kỳ Viên, số 610 Phan Đình Phùng Saigon, tên thật là Nguyễn Thành Dương, Phó Tổng Vụ Thanh Niên, và Đại Đức Thích Huyền Diệu, tên thật là Lâm Trung Quốc, Chánh Đại Diện Phật Giáo Quận I. Thượng Tọa Thích Thiện Dũng kể lại rằng Đại Đức Thích Huyền Diệu có năn nỉ Thượng Toạ xin giúp một học bổng đi học Ấn Độ, vì ở nhà khổ quá, không tu hành gì được. Mỗi lần có tranh đấu đều bị kêu ra đứng mũi chịu sào, không sao từ chối được. Sau khi được cấp học bổng, Đại Đức Thích Huyền Diệu đã thố lộ hết mẩu chuyện như trên với Thượng Tọa Thích Thiện Dũng. Hiện nay, Đại Đức Thích Huyền Diệu đang ở Ấn Độ, còn Thượng Tọa Thích Pháp Siêu hoạt động tích cực cho Giáo Hội quốc doanh ở trong nước. 3.- Thua trí nhà cầm quyền Ngày 17.8.1967, trong một cuộc họp báo tại chùa Ấn Quang, các Thượng Tọa Trí Quang, Thiện Minh, Pháp Tri, Thiện Hoa, v.v... tuyên bố không công nhận Hiến Chương mới vì Hiến Chương này chỉ có 5 chữ ký thay vì 11 chữ ký như Hiến Chương cũ. Thượng Tọa Thích Thiện Minh tuyên bố Phật tử sẽ đấu tranh nếu bị dồn vào thế chân tường. Ngày 28.9.1967, lúc 8 giờ sáng, khoảng 500 tăng ni thuộc tông phái Phật Giáo Ấn Quang kéo tới ngồi trước Dinh Độc Lập yêu cầu Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hồi Sắc Luật số 023/67 chuẩn y Hiến Chương mới nói trên. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia phải ra tiếp và giải thích với Thượng Tọa Thích Trí Quang rằng vấn đề Hiến Chương là vấn đề nội bộ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hai bên nên giàn xếp với nhau. Chính phủ chỉ chuẩn y Hiến Chương theo đề nghị của đại diện có thẩm quyền và hợp pháp của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất mà thôi. Chính phủ không thể can thiệp vào vấn đề Hiến Chương là một vấn đề nội bộ của Giáo Hội được. Đến quá trưa, Thượng Tọa Thích Trí Quang mới bảo các tăng ni ra về, còn ông và các Thượng Tọa Pháp Tri, Quảng Long và Pháp Lan ở lại thương lượng tiếp. Cuộc đối thoại với Tướng Phạm Xuân Chiểu kéo dài đến 22 giờ 30 vẫn chưa có kết quả, vì các Thượng Tọa này tuyên bố họ không muốn nói chuyện với Thượng Tọa Thích Tâm Châu và họ sẽ ngồi đợi trước Dinh Độc Lập cho đến khi yêu cầu của họ được thỏa mãn. Ngày 29.9.1967, 200 tăng ni tới trước Tòa Hành Chánh Tỉnh Thừa Thiên đưa thỉnh nguyện thư yêu cầu chính phủ thu hồi bản Hiến Chương mới do Thượng Tọa Thích Tâm Châu đệ trình và đã được chuẩn y. Cũng trong ngày 29.9.1967, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia ra thông cáo nói rõ chính phủ chỉ chuẩn y Hiến Chương mới theo đề nghị của chức sắc có thẩm quyền trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chớ không hề xé Hiến Chương cũ hay cố tình gây chia rẽ nội bộ của Phật Giáo. Nếu các lãnh tụ Phật Giáo Ấn Quang muốn thay đổi Hiến Chương lại, nên bàn lại với nhóm Thượng Tọa Thích Tâm Châu và đề nghị lên, chính phủ sẽ chuẩn y lại. Chính phủ không thể làm việc đó thay cho Phật Giáo được. Ngày 1.10.1967, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ gởi thư yêu cầu các tăng ni đang ngồi trước Dinh Độc Lập hãy về chùa. Bức thư viết: "Vì quyền lợi chung của toàn dân, chúng tôi thành khẩn thỉnh cầu quý vị tăng ni và giới lãnh đạo Phật Giáo hãy mở lượng từ bi hỷ xả của Đức Phật, chấm dứt mọi hình thức tập trung và xuống đường, trả lại cuộc sống bình thường cho dân chúng." Bốn Thượng Tọa vẫn tiếp tục ngồi hoặc nằm trên bãi cỏ trước Dinh Độc Lập. Thượng Tọa Thích Hải Trạng dọa tự thiêu nếu cần. Ngày 2.10.1967, Thượng Tọa Thích Trí Quang yêu cầu bãi thị và bãi trường ở Huế. Khoảng 50 tăng ni tuần hành ở Đà Lạt đòi bảo vệ Hiến Chương cũ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngày 5.10.1967, Thượng Tọa Thích Trí Quang tuyên bố sẽ có 110 tăng ni tình nguyện tự thiêu để tranh đấu bảo vệ Hiến Chương cũ. Ngày 6.7.1967, Thượng Tọa Thích Tâm Châu ra thông báo cho biết sẵn sàng hội đàm với nhóm Thượng Tọa Thích Trí Quang, nhưng đã bị Giáo Hội Ấn Quang cự tuyệt. Ngày 7.10.1967, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết kêu gọi các tăng ni trở về chùa. Cũng trong ngày này, Ủy Ban Bảo Vệ Hiến Chương họp tại chùa Ấn Quang giới thiệu Thích Minh Trang thuộc chùa Pháp Vương cắt ngón tay lấy máu viết 3 bức thư gửi Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant và Tổng Thống Johnson phản đối việc chuẩn y Hiến Chương mới của Phật Giáo. Ngày 10.10.1967, Thượng Tọa Thích Trí Quang, "theo lời yêu cầu của Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết," đã tuyên bố tạm trở về chùa trong khi chờ đợi chính phủ tìm biện pháp thu hồi Hiến Chương cũ. 4.- Hoạt động trên và ngoài luật pháp. Sau cuộc đấu lý và đấu trí với chính quyền, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang nhận thấy họ không thể thắng được. Uy tín và lực lượng của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang cũng đã giảm suy nên không thể dùng bạo động như các lần trước. Xin thành lập một Giáo Hội mới thì coi như bị thua cuộc và không phải chuyện dễ dàng, vì những năm về sau, miền Nam đã có Quốc Hội, mọi đạo luật đều phải do Quốc Hội thông qua. Cuối cùng, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang quyết định hoạt động trên và ngoài luật pháp, theo một Hiến Chương cũ đã bị hủy bỏ do điều 2 Sắc Luật số 23/67 ngày 18.7.1967. Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang chỉ quy tụ được 8 giáo phái và hiệp hội Phật Giáo, theo Hiến Chương đã bị hủy bỏ, bầu lại Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo như sau: Tăng Thống: Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Chánh Thư Ký: Thượng Tọa Thích Đức Nhuận. Viện Trưởng Viện Hóa Đạo: Thượng Tọa Thích Thiện Hoa, Phó Viện Trưởng: Các Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Thích Pháp Tri và Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký: Thượng Tọa Thích Huyền Quang. 5. Những tranh chấp quyền hành trong nội bộ. Ngoài những tranh chấp với chính quyền, với Công Giáo và các tông phái Phật Giáo khác, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang còn phải đối phó với những rạn nứt trong nội bộ do sự tranh chấp quyền hành. ° Sự bất bình của giới cư sĩ Nhân Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang khai mạc đại hội vào ngày 20.8.1968, Cư sĩ Chân Như Đặng Sĩ Khả đã viết bài "Đại chúng quyền" đăng trên nhật báo Saigon Mới ngày 2.8.1968, chỉ trích mạnh mẽ sự độc quyền lãnh đạo của giới tăng sĩ và cho rằng Giáo Hội là một tổ chức quần chúng phức tạp nên Phật tử thế tục phải được chia sẻ quyền lãnh đạo. Ký giả Cuồng Sinh đã viết bài "Thế Nhân Dân của Phật Giáo" đăng trên nhật báo Công chúng ngày 8.4.1969 phê bình về sự độc quyền lãnh đạo của giới tăng sĩ. Ông cho rằng cả hai bản Hiến Chương đều có "tham vọng củng cố vai trò lãnh đạo của thành phần tăng lữ". Ông nói rằng tăng lữ điều khiển một tập đoàn tôn giáo là điều hợp lý, nhưng kinh nghiệm cho thấy "tăng lữ trở nên thành phần thống trị". Ông nhận xét rằng đa số các tăng ni nắm quyền từ Miền đến xã đa số không có chút kinh nghiệm gì về quản trị nên gây ra nhiều mâu thuẫn nội bộ. Các tu sĩ có tâm huyết vì "trung ngôn nghịch nhĩ" nên đã bị loại, một số khác tiêu cực lui về vỏ ốc chật hẹp của mình. Cấp lãnh đạo phân hóa, "kẽ cửa hở, các ngọn gió độc tha hồ lùa vào phá nát tất cả". Trường hợp ở Huế và Thừa Thiên thì khác hẳn, một mình Võ Đình Cường lộng hành, biến các Khuôn Hội Phật Giáo thành những Chi Bộ như tổ chức của một đảng chính trị và nắm hết quyền hành từ trên xuống dưới, các tăng sĩ không dám đụng đến. ° Trời đã sinh Trí Quang sao còn sinh Trí Nghiễm? Ngoài sự ra đi của ông Mai Thọ Truyền và việc Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự tách rời khỏi Giáo Hội Ấn Quang vì tham vọng thâu tóm quyền hành của một số tăng sĩ chùa Từ Đàm, người ta còn thấy sự xích mích trầm trọng giữa Thượng Toạ Thích Trí Quang và Thượng Tọa Thích Trí Nghiễm, tức Thích Thiện Minh. Ông Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã nhận xét về sự bất hòa này như sau: "Ông Trí Quang và ông Thiện Minh không bao giờ thuận thảo với nhau. Trong các buổi họp, họ thường bất đồng ý kiến với nhau, và thường có một người đập bàn đứng dậy bỏ ra trước." Thượng Tọa Thích Huyền Minh cho rằng mỗi ông đều muốn nắm quyền lãnh đạo Giáo Hội nên sinh ra xung khắc. Ông Thiện Minh còn muốn lấy cả Viện Đại Học Vạn Hạnh nữa. Thượng Tọa Thích Tâm Châu không phủ nhận những điều đó. (20) Về việc tranh nhau Viện Đại Học Vạn Hạnh, chúng tôi đã nói ở trước: Thích Trí Quang cho một cán bộ cộng sản nằm vùng là Nguyễn Trực vào nắm Bí Thư Chi Bộ ở đó nên Thượng Tọa Thích Thiện Minh không dám đụng đến. Ngày 15.3.1969, Tòa án Quân Sự Mặt Trận Vùng III tuyên án Thượng Tọa Thích Thiện Minh 10 năm khổ sai về tội âm mưu lật đổ chính quyền, tàng trữ võ khí và tài liệu bất hợp pháp, tán trợ đào binh thì tuần báo Tinh Hoa số 11 ngày 23 - 30.3.1969 có đăng lời phát biểu của Thượng Tọa Thích Trí Quang như sau: "Đạo là Đạo, chính trị là chính trị, hai môi trường đó không thể đồng hóa con người mang áo cà sa và con người chánh khách. Tôi nghĩ Thượng Tọa Thích Thiện Minh là nhà sư còn ông Đỗ Xuân Hàng, tục danh của Thượng Tọa Thiện Minh, là nhà chính trị. Chính phủ có lý do của chính phủ trong việc đó Tôi không nghĩ gì hơn". Các ký giả Việt Nam ở Saigon vào thời đó đã (hỏi?) nhau: Ông Trí Quang đang nói về ông Thiện Minh hay ông ấy nói về chính ông ta? ° Mỗi vị một con gà Khi dùng quần chúng bạo động để cướp chính quyền không được, một số tăng sĩ Phật Giáo miền Trung đã tính chuyện lập đảng phái chính trị và tìm cách đưa người vào các cơ cấu của chính quyền để gây thanh thế cho Phật Giáo, nhưng hình như không tăng sĩ nào đồng ý với tăng sĩ nào trong kế hoạch này. Thượng Tọa Thích Thiện Minh đi lập đảng Phật Giáo Xã Hội, gọi tắt là Đảng Phật Xã. Ông muốn chọn Giáo Sư Vũ Quốc Thông. Trong khi đó, Thượng Tọa Thích Trí Quang đã họp bàn nhiều lần, định đưa Bác sĩ Nguyễn Duy Tài ra lãnh đạo. Thượng Tọa Thích Thiện Hoa lại ủng hộ Luật sư Trần Ngọc Liễng, v.v. Nhưng rồi không có đảng Phật Giáo nào hoạt động được vì thiếu nhân sự và nhất là thiếu kinh nghiệm tổ chức và lãnh đạo. Một số Tỉnh Hội tự động chọn những cá nhân mà họ ưa thích để đưa ra tranh cử Quốc Hội, có nơi đã chọn ngay cán bộ cộng sản nằm vùng như Nguyễn Văn Hàm ở Quảng Ngãi, Nguyễn Công Hoan ở Phú Yên, v.v. Trong bài "Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam" đăng trong Bông Sen số 9 & 10 năm 1993, Lý Khôi Việt, một tín đồ cuồng tín và cực đoan của Phật Giáo đã viết: "... Việt Nam đã không phải trải qua hơn một thế kỷ đen tối nếu Phật Giáo, tôn giáo lâu đời nhất và có tín đồ đông đảo nhất của Việt Nam, đã không có những khủng hoảng nội bộ vô cùng nghiêm trọng, không phải mới đây mà từ suốt hàng chục, hàng trăm năm qua: sự suy thoái của giới tăng sĩ, tín đồ không được tu học và không được đoàn ngũ hóa, và quan trọng nhất là thiếu một chính đảng Phật Giáo, do Phật tử chủ động lãnh đạo, từ đó, cùng với tình hình chính trị khách quan đã đưa đến việc Giáo Hội tham gia trực tiếp chính trị, bị chính trị hoá, thế tục hóa, mất sức mạnh siêu thoát và linh thiêng của một Giáo Hội phát xuất từ Đức Phật." Tại sao lại phải có một "đảng Phật Giáo"? Có nên tiến tới thành lập một đảng Phật Giáo không? Các tín đồ của một tôn giáo chỉ đồng ý với nhau về cứu cánh của tôn giáo và đường hướng để đi tới cứu cánh đó, nhưng không ai có thể buộc các tín đồ phải đồng ý với nhau về một đường lối chính trị hay một chính sách. Lập một đảng Phật Giáo do Phật tử chủ động rồi lợi dụng danh nghĩa của Phật Giáo để tranh chấp quyền hành và địa vị thì kết quả cũng sẽ tai hại như đã thấy. Giải pháp vẫn là phải tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị. Một người theo Phật Giáo khi làm Phật sự thì làm với tư cách một Phật tử, còn khi làm chính trị thì làm với tư cách công dân theo tinh thần giáo lý của đạo Phật. Bao lâu còn cố ý đồng hóa Phật Giáo với dân tộc, để lợi dụng tôn giáo đòi đặc quyền đặc lợi về chính trị thì dù đã đổi danh xưng, hậu quả vẫn giống nhau. CUỘC NỘI CHIẾN KÉO DÀI Ở HẢI NGOẠI Khi Cộng Sản chiếm được miền Nam Việt Nam, những tăng sĩ có tinh thần chống Cộng đã tìm mọi cách đi ra ngoại quốc, nếu không họ sẽ phải lãnh nhận số phận như Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu khi bị kẹt lại miền Bắc năm 1954: Bị chôn sống. Các tăng sĩ thân Cộng, sau khi bị hất văng ra, cũng đã vội tìm mọi cách trốn ra ngoại quốc và lưu lạc trên khắp thế giới. Những tên cán bộ nằm vùng trong Phật Giáo Ấn Quang như Võ Đình Cường, Nguyễn Trực, Tống Hòa Cầm v.v. cũng đã cho con cái đi vượt biên để phòng khi bị loại còn nơi nương tựa. Người ta tưởng sau cuộc di dân này, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung sẽ nhận ra được những hậu quả tai hại mà họ đã gây ra cho Phật Giáo và đất nước trong suốt 30 năm. Nhưng sự thật rất đáng buồn. Trong khi đa số các tăng sĩ cố gắng nghiêm tu giới luật, hoằng dương Phật pháp và góp phần vào việc xây dựng cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như giải phóng đất nước thì nhóm này vẫn tiếp tục tuyên truyền cho các chính sách của Cộng Sản, hô hào hoà giải hòa hợp, giao lưu văn hóa, cổ võ người Việt trở lại đầu tư, quyên tiền bạc gởi về "cứu nguy chế độ" và in lại để phổ biến rộng rãi ở hải ngoại cả những sách Cộng Sản dùng để phá hoại tôn giáo! Nhóm này còn mưu tiếm quyền đại diện Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại, đánh phá các tông phái và các tôn giáo khác. Hành động của nhóm này đã gây những hậu quả khá nghiêm trọng. a) Những nỗ lực xây dựng Phật Giáo ở hải ngoại. Thượng Tọa Thích Thiện Ân là tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam đầu tiên đến định cư tại Hoa Kỳ năm 1968. Từ năm 1968 đến 1972 Thượng Tọa đã cùng với một người Mỹ lập được một trung tâm Phật Giáo Việt Nam tại 863 S. Berendo St. Los Angeles, California. Sau ngày 30.4.1975, các tăng sĩ Việt Nam đến tỵ nạn Hoa Kỳ ngày càng đông, nên năm 1978 Thượng Tọa Thích Thiện Ân đã cùng Thượng Tọa Thích Mãn Giác thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Hai tăng sĩ Thiện Ân và Mãn Giác đều là học trò của Thượng Tọa Thích Mật Thể. Năm 1946, khi Thượng Tọa Thích Mật Thể quyết định đi ra mật khu theo Việt Minh, hai tăng sĩ này đã tiễn đưa Thích Mật Thể đến chùa Thế Chí ở Đại Lộc, Thừa Thiên, nhận chỉ thị của thầy rồi mới quay về Huế hoạt động. Sau Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, nhiều tổ chức Phật Giáo khác đã được hình thành nhằm chấn hưng Phật Giáo để bảo vệ nền đạo lý dân tộc, giúp Phật tử chống lại ánh hưởng của nếp sống văn minh vật chất và giúp con em duy trì văn hóa dân tộc. Sau đây là một số tổ chức Phật Giáo đã được thành lập ở Hoa Kỳ và một vài nước trên thế giới: - Giáo Hội Việt Nam trên Thế Giới. - Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. - Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ. - Hội Tăng Già Việt Nam tại Hoa Kỳ. - Hội Phật Giáo Miền Nam Florida. - Hội Phật Giáo Thân Hữu Louisiana, Hoa Kỳ. - Hội Phật Giáo Việt Nam Stockton, Hoa Kỳ. - Hội Phật Giáo Conecticut. - Hội Phật Giáo Việt Nam AARTUIS, Đan Mạch. - Hội Phật Giáo Thiền Tông, Canada. - Hội Phật Giáo Calgary, Canada. - Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan. - Hội Phật Giáo Việt Nam tại Na Uy. - Hội Phật Giáo Việt Nam tại Trodheim, Na Uy. - Hội Phật Giáo Bordeaux, Pháp. - Hội Phật Giáo Việt Nam Weinton, Tân Tây Lan. Nhiều nơi Phật Giáo chưa được tổ chức thành Hội hay Giáo Hội, nhưng các hoạt động của mỗi tự viện riêng rẽ cũng đều theo đuổi các mục tiêu nói trên. b) Vẫn còn Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang Sau khi các tự viện đã đi vào nếp sống và sinh hoạt Phật sự bình thường, nhiều tăng sĩ đã nghĩ đến việc liên kết các tổ chức Phật Giáo hải ngoại để có thể hoạt động một cách mạnh mẽ hơn. Hai tổ chức Phật Giáo lớn đã ra đời, đó là Giáo Hội Liên Tông Phật Giáo tại Hoa Kỳ và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. ● Giáo Hội Liên Tông Phật Giáo tại Hoa Kỳ Do sáng kiến của Hòa Thượng Thích Thanh Cát, Chủ Tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, một Đại Hội Liên Tông Phật Giáo đã được tổ chức tại chùa Giác Minh, East Paolo Alto ở California từ 3 đến 8.3.1992, gồm các tông phái sau đây: Nguyên Thủy, Bắc Tông, Nam Tông và Khất Sĩ. Trong các văn thư hưởng ứng Đại Hội, người ta thấy có Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Thượng Tọa Thích Mãn Giác, Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, Hòa Thượng Thích Giác Lượng, Thượng Tọa Thích Thắng Hoan, Thượng Tọa Thích Đức Niệm, Thượng Tọa Thích Hạnh Đạt, Thượng Tọa Thích Trí Viên, Thượng Tọa Thích Chơn Minh v.v. Ngày 7.3.1992, Đại Hội đã biểu quyết và chấp thuận một Hiến Chương gồm 21 điều. Điếu 4 nói rõ mục đích của Giáo Hội Liên Tông là "liên kết chư Tăng, Ni Việt Nam tại hải ngoại thành một khối duy nhất để nghiên tu giới luật, hoằng dương Phật pháp, phục vụ cộng đồng Việt Nam hải ngoại, quốc gia và nhân loại". Phương thức hoạt động của Giáo Hội được nói ở điều 1 là "điều hợp và điều động tất cả sinh hoạt Phật pháp được cung hiến bởi tất cả những Tông phái và các tự viện Phật Giáo Việt Nam trên khắp các tiểu bang Hợp Chủng Quốc". Về tổ chức, Giáo Hội có hai Hội Đồng: Hội Đồng Trưởng Lão và Hội Đồng Chấp Sự. Hội Đồng Trướng Lão là cơ quan quyết định, còn Hội Đồng Chấp Sự là cơ quan thi hành. Hội Đồng Chấp Sự không có Chủ Tịch mà chỉ có Tổng Thư Ký và gồm 16 Tổng Vụ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Hòa Thượng Thích Thanh Cát đã được bầu làm Tăng Thống Hội Đồng Trưởng Lão, còn Thượng Tọa Thích Trí Sanh được bầu làm Tổng Thư Ký Hội Đồng Chấp Sự. Khi còn ở Việt Nam, Hoà Thượng Thích Thanh Cát là Chủ Tịch Hội Phật Giáo Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam. Đến Hoa Kỳ, Hoà Thượng là Chủ Tịch Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đại Hội Phật Giáo Liên Tông được tổ chức một cách yên ổn, thân mật và thành công tốt đẹp. ● Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Khi Hòa Thượng Thích Thanh Cát khởi xướng thành lập Giáo Hội Liên Tông Phật Giáo thì các tăng sĩ sau đây của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã viết thư hưởng ứng: Hoà Thượng Thích Mãn Giác và các Thượng Tọa Thích Đức Niệm, Thích Thắng Hoan, Thích Giác Lượng, Thích Minh Đạt và Thích Thiện Trì. Tuy nhiên, không một tăng sĩ cao cấp nào của Giáo Hội Ấn Quang đã đứng trong ban lãnh đạo Giáo Hội Liên Tông. Giáo Hội Liên Tông Phật Giáo vừa được thành lập ngày 7.3.1992 thì trong hai ngày 17 và 18.4.1992, hơn 30 tăng sĩ thuộc khối Phật Giáo Ấn Quang đã họp tại Phật Học Viện Quốc Tế ở Sepulveda, California và quyết định thành lập Ban Tổ Chức Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Hòa Thượng Thích Hộ Giác được cử làm Trường Ban. Các Thượng Tọa Thích Đức Niệm, Thích Thiện Trì và Thích Thắng Hoan là những người đã viết thư nhiệt liệt hưởng ứng việc thành lập Giáo Hội Liên Tông Phật Giáo cũng có tên trong ban tổ chức. Lý do thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là thi hành thông điệp ngày 31.10.1991 của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Thông điệp này kêu gọi thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại và nói: "Giáo Hội tại quê nhà cũng như cá nhân tôi sẽ không liên hệ mọi Phật sự với bất cứ một tổ chức Phật Giáo Việt Nam nào ở hải ngoại, nếu như ở đó chưa có một Giáo Hội thật sự thống nhất, và sẽ không yên tâm nếu những điều khuyết thỉnh này chưa đạt được kết quả mong muốn". Việc tổ chức dựa trên Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964. Ngày tổ chức đại hội được ấn định từ 25 đến 27.9.1992 tại San José, California. Quyết định này vừa được công bố thì gặp ngay những phản ứng mạnh mẽ của một số tổ chức Phật tử. Hội Ái Hữu Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ ra một cuốn Bạch Thư tố cáo các hành vi thân Cộng của một số tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang, tạp chí Xây Dựng ở San José viết nhiều bài đả kích mạnh mẽ việc tổ chức đại hội này. Họ đưa ra các lập luận sau đây để chống lại quyết định của nhóm tăng sĩ thuộc Giáo Hội Ấn Quang: 1 - Hiến chương ngày 4.1.1964 đã bị hủy bỏ do Sắc Luật số 23/67 ngày 18.7.1967, kể từ đó Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang hoạt động ngoài vòng luật pháp. 2.- Hòa Thượng Thích Đôn Hậu là tay sai của Cộng Sản Việt Nam: - Năm 1968 đã lên đài phát thanh Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam kêu gọi "Chư Tăng, Ni và đồng bào Phật tử đoàn kết với nhau, nhất tề đứng lên đánh đuổi Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Đế quốc và bất hợp tác với tay sai Đế Quốc". - Được chọn làm đại biểu Quốc Hội Việt Cộng. - Đã đồng ý sát nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vào Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh. - Đã được rất nhiều huy chương của Việt Cộng. - Khi qua đời, được các nhà lãnh đạo cao cấp của chính quyền đi đưa giống như quốc táng. Những tăng sĩ cấp dưới như Thiện Minh, Quảng Độ, Thông Bửu, Thuyền Ấn.. chấp nhận đi tù chớ không theo Việt Cộng, tại sao một cao tăng như Hòa Thượng Đôn Hậu lại làm như vậy? Trong một bài phỏng vấn đăng trên nhật báo Los Angeles Times tháng 10 năm 1991, Thượng Tọa Thích Minh Tâm ở Pháp đã nói: "Hiện nay tại Việt Nam chỉ có Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh, còn Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất đã bị chính quyền cộng sản giải tán năm 1975 nên Hòa Thượng Thích Đôn Hậu không còn tư cách gì để gởi thông điệp cho chư Tăng và Phật tử tại hải ngoại. Nếu Hòa Thượng Đôn Hậu nhân danh Phật Giáo quốc doanh mà gửi ra ngoại quốc thì không ai nghe, còn nhân danh Phật Giáo Thống Nhất thì Giáo Hội này đã bị Cộng Sản giải tán". 3.- Nội dung thông điệp của Hòa Thượng Đôn Hậu mang tính chất áp đặt, hoàn toàn trái với tinh thần tự do tu tập của đạo Phật. Sự kêu gọi thống nhất này không có lý do chính đáng. Thông điệp đó đã bị nghi ngờ là giả. 4.- Một số tăng sĩ cao cấp của Giáo Hội Ấn Quang mới đây đã hoan hô nhiệt liệt việc thành lập Giáo Hội Liên Tông Phật Giáo, nay lại đứng ra thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, trở cờ như trở bàn tay. 5.- Hoà Thượng Thích Hộ Giác, Trưởng Ban Tổ Chức, là người đã có thành tích hoạt động cho Việt Cộng khi làm Phó Giám Đốc Nha Tuyên úy, nên bị ép buộc phải từ chức. Phải bằng mọi cách nhận diện và loại trừ các phần tử Cộng Sản đội lốt Phật Giáo. Mặc cho chiến dịch chống đối mạnh mẽ của một số tổ chức Phật tử, Đại Hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất tại Hoa Kỳ cũng được khai mạc vào ngày 25.9.1993. Đại Hội đã thảo luận và chấp nhận một bản Quy Chế của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại gồm 8 chương, 38 điều. Giáo Hội có ba Hội Đồng: Hội Đồng Đại Diện, Hội Đồng Giám Luật và Hội Đồng Điều Hành. Hòa Thượng Thích Hộ Giác đã được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành, Thượng Tọa Thích Viên Lý làm Tổng Thư Ký. Hội Đồng có 13 Vụ Trưởng đặc trách các vấn đề chuyên môn, trong đó có hai cư sĩ được cử giữ chức Vụ Trưởng là Giáo Sư Bùi Ngọc Đường, Vụ Trưởng Vụ Truyền Thông và Giáo Sư Trần Quang Thuận, Vụ Trưởng Vụ Giao Tế. Hội Đồng Đại Diện gồm có hai Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Thích Hộ Giác và 7 Thượng Tọa là Thích Chánh Lạc, Thích Thắng Hoan, Thích Đức Niệm, Thích Trí Chơn, Thích Thiện Trì, Thích Chơn Điền và Thích Đức Niệm (?). Trong ngày Đại Hội, thư chúc mừng của Hòa Thượng Huyền Quang được công bố, trong đó đoạn như sau: "Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là Pháp Lý duy nhất của Phật Giáo Việt Nam, là hướng đi đích thực, đặt trên nền tảng Trí tuệ, Từ bi, nhằm giải thoát mọi sự trói buộc và đem lại hòa bình cho dân tộc, góp phần tích cực vào sự an lạc cho toàn thế giới". Một số nhân sĩ Phật Giáo phát biểu rằng các thông điệp và thông bạch của hai Hòa Thượng Đôn Hậu và Huyền Quang luôn đi sát với tình hình biến đổi của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ từng giai đoạn. Các văn kiện đó phải "made in USA" mới khít khao như vậy được. Hiện nay tại Hoa Kỳ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã theo 4 khuynh hướng, hoạt động gần như có tính cách biệt lập, tập trung xung quang 4 tăng sĩ lãnh tụ là Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Thượng Tọa Thích Đức Niệm và Thượng Tọa Thích Pháp Châu ● Nội chiến vẫn còn Mặc dầu đã có nhiều biến cố quan trọng đối với đất nước và Phật Giáo trong gần 20 năm qua, cuộc nội chiến giữa Việt Nam Quốc Tự và Ấn Quang vẫn chưa dứt. Tại hải ngoại vẫn có hai Giáo Hội hoạt động riêng biệt, đó là Giáo Hội Liên Tông Phật Giáo và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Những cuộc nội chiến thỉnh thoảng lại xẩy ra. Đặc biệt là vụ tranh chấp giữa Hòa Thượng Thích Phước Huệ và Hoà Thượng Thích Huyền Tôn tại chùa Quang Minh ở Úc mới đây Cuộc nội chiến này vừa nói lên sự xích mích giữa Việt Nam Quốc Tự với Ấn Quang, vừa nói lên những mâu thuẫn trong Giáo Hội Ấn Quang trong việc tranh dành quyền hành. Chúng ta hãy nghe Hòa Thượng Thích Tâm Châu nói về "Sự bất hạnh của Phật Giáo Việt Nam tại Úc" trong cuốn Bạch Thư ngày 31.12.1993: "Tôi đi làm việc Phật sự tại chùa Phật Quang, Footscray, Melbourne, thuộc tiểu bang Victona, Úc Đại Lợi, vì chùa này thuộc hệ thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới. Tôi tới Chùa Phật Quang vào khoảng 4 giờ chiều ngày 13 tháng 11 năm 1993. "Trong thời gian làm Phật sự tại đây, tôi nhận được nhiều tài liệu, được nghe, được xem cuốn phim biểu tình đấu tố Tăng Ni tại thị xã Footscray vào chiều ngày 4 tháng 11 năm 1993, được xem Quyết Định của Hòa Thượng Phước Huệ và được xem thông cáo của Thượng Tọa: Như Bảo, Bảo Lạc và Đại Đức Phước Nhơn phủ nhận Quyết Định của Hòa Thượng Phước Huệ. Đó là sự bất bình giữa Hòa Thượng Phước Huệ và Thượng Tọa Huyền Tôn mà xẩy ra sự vụ". Hòa Thượng Phước Huệ là Hội Trưởng Hội Phật Giáo chùa Quang Minh, kiêm Tăng Giáo Trưởng và Viện Trưởng Viện Hoằng Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Khi có sự xích mích trầm trọng với Thượng Tọa Thích Huyền Tôn, ông đã ra Quyết Định số 12/93-VHĐ/VT/VP/QĐ ngày 12.11.1993 bãi nhiệm chức vụ Phó Viện Trưởng và Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Thượng Tọa Thích Huyền Tôn, không cho Thượng Tọa Huyền Tôn làm thành viên của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nữa. Hòa Thượng Phước Huệ đã viện dẫn các lý do sau đây để quyết định: Thượng Tọa Huyền Tôn phản bội Hội Đồng Giáo Phẩm Trung ương, liên lạc và cấu kết với Hòa Thượng Thích Tâm Châu để phá hoại và chia rẽ Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất, đã mù quáng bị mua chuộc để gia nhập và nhận chức Cố Vấn Tối Cao trong cái gọi là Giáo Hội Việt Nam Trên Thế Giới mà người cầm đầu là Hòa Thượng Thích Tâm Châu, một người trước đây đã lũng đoạn Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất để Giáo Hội bị chia làm hai, một vết nhơ trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam thời bấy giờ. Ngày 16.11.1993, hai Thượng Tọa Như Huệ, Bảo Lạc và Đại Đức Thích Phước Nhơn trong Hội Đồng Giáo Phẩm Trung ương đã ra thông cáo phủ nhận Quyết Định của Hòa Thượng Phước Huệ. Chính những lý do viện dẫn trong quyết định của Hòa Thượng Phước Huệ đã thúc buộc Hòa Thượng Thích Tâm Châu phải công bố cuốn Bạch Thư. Khi Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất mới thành lập năm 1964, Đại Đức Thích Tắc Phước giữ chức Ủy Viên Nghi Lễ Vụ trong Tổng Vụ Pháp Sự. Hiện nay Hòa Thượng Thích Tắc Phước trụ trì ờ chùa Phước Huệ nên đổi tên là Thích Phước Huệ. Việc Hòa Thượng Tắc Phước sang đoạt ngôi chùa Phước Huệ đã được Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Viện Chủ Tu Viện Vạn Hạnh, viết trong bản phúc trình đề ngày 5-6.11.1993 như sau: "... Đế nghiệp Thích Tắc Phước đã vững chắc, vì chùa Phước Huệ xây xong giá 3 triệu, đã lén - vì cả Giáo Hội không ai biết gì cả - đổi xong tên chủ quyền chùa từ của Giáo Hội qua cá nhân Thích Tắc Phước và đệ tử ruột đứng tên".(21) Trong Bạch Thư công bố ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã nhận xét về Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất ở hải ngoại như sau: "Tại Hoa Kỳ cũng tổ chức thông nhất rầm rộ. Kết cuộc, có hai, ba Giáo Hội Thống Nhất. Tại Canada, có hai Giáo Hội Thống Nhất. Tại Âu Châu, có nhiều Giáo Phái hoạt động riêng biệt Nhưng có một số chùa, có các vị Tăng trung niên và thanh niên, kết hợp thành Giáo Hội Thống Nhất Âu Châu. Tại Úc, dân số Việt Nam ty nạn vào khoảng 150 ngàn người, Giáo Hội Thống Nhất Úc và Tân Tây Lan đã thành hình, với số Tăng, Ni ít ỏi, số chùa độ trên mươi ngôi, trong những ngày đại lễ, số Phật tử tới các chùa, tính chung lại vào khoảng 7, 8 ngàn người. Nội bộ Giáo Hội thì không ổn định và có vẻ phức tạp". NHỮNG Ý KIẾN VỀ SỰ THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO Khi đứng ra tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung không chấp nhận sự hiện diện của bất cứ một Giáo Hội Phật Giáo nào đứng bên ngoài Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nhưng khi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đề cập đến vấn đề thống nhất Phật Giáo thì đại diện Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang lại lập luận khác. Trong bản tự thuật đề ngày 8.8.1992 nói về cuộc gặp gỡ các đại diện của nhà cầm quyền tại Quảng Ngãi, Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện Trưởng Viện Hoá Đạo, đã trình bày quan điểm về việc thống nhất Phật Giáo như sau: "Ông Lam (đại điện Bộ Nội Vụ) nói rằng: Một quốc gia có nhiều thành phần dân tộc, tín ngưỡng, chủng loại, giai cấp khác nhau, nhưng cũng phải sống chung với nhau, thì GHPG VN mới thành lập cũng phải sống như vậy. "Tôi thưa: Việc sống chung của một Quốc Gia là do ràng buộc của chính trị. Còn Tôn Giáo làm sao sống phức tạp như vậy được. Do đó, tôi xin nhắc lại việc Phật Giáo các nước chung quanh ta: ở Thái Lan có hai Giáo Hội: Giáo Hội Hoàng Gia cho Hoàng Tộc tu ; Giáo Hội Dân Chúng cho dân chúng tu. Nam Triều Tiên, Nhật Bản cũng có hai Giáo Hội: Giáo Hội cho chư Tăng cổ truyền độc thân Thanh Tịnh tu ; Một Giáo Hội có tên là Tân Tăng cho các vị có gia đình tu. Hai Giáo Hội khác nhau, nhưng không chống nhau việc gì cả". Đến đây chúng ta có thể đặt ngay câu hỏi: Nếu quan niệm trên là quan niệm của Giáo Hội Ấn Quang thì tại sao trong quá khứ, Giáo Hội Ấn Quang đã không chấp nhận sự hiện diện của các Giáo Hội khác như Giáo Hội Cổ Sơn Môn, Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự, Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội Thiền Tông Việt Nam, Giáo Hội Đạo Tràng Thiền Học v.v.? Nhìn chung, chúng ta nhận thấy giữa nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam và Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang có những quan niệm giống nhau về thống nhất Phật Giáo: Khi chưa nắm được Phật Giáo, nhà cầm quyền Cộng Sản nói không thể thống nhất với "Phật Giáo phản động" được. Nhưng khi đã nắm được Phật giáo rồi, nhà cầm quyền lại bảo phải sống chung với nhau. Các nhà lãnh tụ Phật Giáo Ấn Quang cũng đã đi đúng theo đường lối mà Việt Cộng đã vạch ra: Khi chưa nắm được ưu thế, các lãnh tụ Giáo Hội Ấn Quang bảo không thể thống nhất vì "làm sao sống phức tạp như vậy được". Trái lại, khi đã nắm được được ưu thế, các lãnh tụ Giáo Hội Ấn Quang cho rằng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là "pháp lý duy nhất của Phật Giáo Việt Nam", thống nhất ngoài Giáo Hội Ấn Quang là "tay sai chính quyền", là "âm mưu chia rẽ Phật Giáo". Lập luận tráo trở là chuyện bình thường đối với Cộng Sản nhưng chắc chắn không phải là chuyện bình thường đối với một nhà lãnh đạo tôn giáo. Quan niệm thống nhất Phật Giáo không thể thay đổi tùy theo có lợi hay không có lợi cho phe phái mà phải dựa trên một nền tảng giáo lý vững chắc và nhu cầu thực tế. Quan điểm của các Phật tử tỏ ra khách quan hơn. Các tác giả Phật Giáo đã bàn khá nhiều về vấn đề thống nhất Phật Giáo. Trong bài "Bản chất dung hòa và hóa giải dân tộc" đăng trên tạp chí Bông Sen số 3, tháng 12 năm 1991, Nguyễn Điều đã viết: "Đức Phật (hay bậc giác ngộ) lúc còn tại thế đã từng dạy: "Này các con! Khi các con nghe những điều chi, mệnh danh là lời nói của Phật, mà các con không nghiệm thấy đúng chân lý, thì các con chớ tin. Ngược lại, khi các con tìm ra điều gì không nằm trong kinh điển Phật Giáo, mà các con nhận thấy đúng, thì các con nên tin theo. " "Đạo Phật không chủ trương hội tụ tất cả tâm linh nhân loại về một mối, mà ngược lại, Đạo Phật hằng tôn trọng sự hướng thượng tự nhiên của mỗi giá trị tâm linh, vượt qua khỏi các sức mạnh độc đoán." Trong Tạp chí Xây Dựng xuất bản tại San José tháng 9 năm 1992, dưới đầu đề "Vấn Đề Thống Nhât Phật Giáo", Thụy Nguyên, một Phật tử, cũng đã viết: "Đạo Phật có tới 8 vạn 4 ngàn Pháp Môn, và mỗi Pháp Môn có lối tu tập riêng, nhưng tất cả Pháp Môn này đều quy về một chân lý: chân lý giúp chúng sinh đạt Đạo. Do đó, tuy Phật Giáo chia ra nhiều tông phái khác nhau, nhưng các tông phái Phật Giáo không hề có hiềm khích, chê bai, khích bác lẫn nhau. Cũng chưa có một tông phái Phật Giáo nào tranh quyền ngự trị các tông phái Phật Giáo khác. Từ hàng ngàn năm nay, các tông phái Phật Giáo sống hòa hợp với nhau, và chấp nhận nhau. Cho nên tuy không thống nhất về phương diện tổ chức, nhưng các tông phái liên hợp với nhau về phương diện tư tưởng Phật Pháp, mà tư tưởng Phật Giáo thì tuyệt đối tôn trọng Tự Do.. "Vì thực tế không có thể thống nhất, nên Phật Giáo trên toàn thế giới, ngoại trừ Tây Tạng, đã không có Giáo Hội và do đó Phật Giáo cũng không có Giáo quyền... "Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thông Nhất đã chỉ ra đời vào năm 1964, sau khi Phật Giáo hoàn tất cuộc đảo chánh. Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Việt Nam Thống Nhất đầu tiên là TT Thích Tâm Châu, hiện là Hội Chủ Hội Phật Giáo Việt Nam trên Thế Giới. Nhưng thống nhất chẳng được bao lâu, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tự chia ra thành hai khối: Khối Giáo Hội Ấn Quang và Khối Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự. Hai Giáo Hội này đã chống nhau kịch hệt Sự chống đối có lúc mạnh đến nỗi Giáo Hội Ấn Quang đã mang người kéo đến chiếm đóng Việt Nam Quốc Tự, nhưng ngay sau đó bị phe Việt Nam Quốc Tự phản công đánh bật ra khỏi chùa." Trong lời mở đầu của Hiến Chương ngày 4.1.1964 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng đã nhấn mạnh: "Quan niệm thống nhất Phật Giáo Việt nam được thể hiện theo chủ trương ĐIỀU HỢP, nghĩa là giáo lý, giới luật và nếp sống của hai tông phái cũng như hai giới Tăng sĩ và Cư sĩ chẳng những được tôn trọng mà còn phải nỗ lực phát triển trong sự kết hợp chỉ đạo. Chính đó là sắc thái đặc biệt của nền Phật Giáo thống nhất tại Việt Nam." Vì thế, những tranh chấp đòi địa vị chính thống và độc quyền đại diện chính thức cho toàn thể Phật Giáo Việt Nam chỉ là một ý đồ chính trị mà thôi. CUỘC THÁNH CHIẾN THỨ TƯ: MỤC TIÊU CHƯA XÁC ĐỊNH Khi Việt Cộng chiếm được miền Nam Việt Nam, đa số các tăng sĩ trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang tin rằng họ là những người có công với Cách Mạng nên thế nào cũng được ưu đãi. Ngoài ra, mặc dầu đã từng bị chính phủ Nguyễn Cao Kỳ đánh bại một cách thê thảm vào các năm 1966 và 1967, các tăng sĩ nói trên vẫn có ảo tưởng rằng Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang có một sức mạnh vô địch, "địa vị của Giáo Hội là 80% dân chúng già trẻ lớn bé, cơ sở của Giáo Hội là nông thôn, thành thị, cao nguyên và hải đảo" nên không ai dám động đến, kể cả nhà cầm quyền Cộng Sản. Do đó, các tăng sĩ này đã đã đưa ra những quyết định vội vàng, thiếu dè dặt với những hậu quả không lường được. Khi bị dồn vào thế chân tường, họ lại phải mở thánh chiến để đương đầu giống như ba cuộc thánh chiến trước đây, nhưng phương thức và chiến thuật phải thay đổi nhiều. GIÁO HỘI ẤN QUANG ĐÃ TÍNH LẦM ● Mộng làm bá chủ Khi nhà cầm quyền Hà Nội quyết định dẹp bỏ chiêu bài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và thống nhất hai miền Nam Bắc thì Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang cũng muốn thu cả Phật Giáo Nam Bắc về một mối và đặt dưới sự lãnh đạo của họ. Trong khi các tông phái Phật Giáo khác như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Quốc Tự, Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo Hội Phật Giáo Théravada, Hội Phật Học Nam Việt v.v... án binh bất động để xem xét tình thế thì Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang bắt đầu mở cuộc tấn công một cách vội vàng và tự tin. Đoạn sau đây trong "Đơn xin cứu xét nhiều việc" đề ngày 25.6.1992 của Hòa Thượng Thích Huyền Quang cho thấy rõ điều đó: "Sau ngày thống nhất đất nước, Giáo Hội chúng tôi gởi thơ ra Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam tại Hà Nội, kêu gọi thống nhất Phật Giáo Nam Bắc, nhưng Hội Phật Giáo Hà Nội không đáp ứng. Sau đó Giáo Hội chúng tôi cử Hòa Thượng Thích Đôn Hậu từ miền Bắc về đại diện cho Giáo Hội chúng tôi đến xin gặp ông Nguyễn Văn Hiếu. Lúc bây giờ ông Hiếu đang giữ chức Bộ Trưởng Văn Hóa. Hòa Thượng chúng tôi xin phép cho Giáo Hội chúng tôi vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam (miền Nam?), sau đó tiến đến thống nhất Phật Giáo hai miền. Nhưng bị ông Bộ Trưởng Văn Hóa từ chối với lý do: Thống nhất Phật Giáo thì tốt, nhưng thống nhất với Phật Giáo cách mạng, chứ thống nhất làm gì với Phật Giáo phản động! Hòa Thượng chúng tôi hỏi: Phật Giáo phản động là ai? Ông Bộ Trưởng Hiếu không trả lời (Ông Hiếu ám chỉ Giáo Hội chúng tôi là phản động)". Khi vội vã đi thương lượng riêng rẽ với các tăng sĩ trong Hội Phật Giáo quốc doanh ở miền Bắc để thống nhất Phật Giáo hai miền Nam Bắc, có lẽ các tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang đã nghĩ rằng việc này nếu thành công, thanh thế của Giáo Hội Ấn Quang sẽ rất lớn vì được sự bảo trợ của Nhà Nước nên các tông phái khác ở miền Nam sẽ bị đặt trong tình trạng phải đi theo, không thể sinh hoạt riêng như trước nữa. Nhưng họ đã có những tính toán hoàn toàn sai lầm: Thứ nhất, Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất miền Bắc chỉ là một công cụ Phật Giáo vận của Đảng Cộng Sản Việt Nam, một công cụ để phá Phật Giáo và biến Phật Giáo thành một công cụ phục vụ cho chế độ. Trong "Đơn xin cứu xét nhiều việc" đề ngày 25.6.1992, Hòa Thượng Huyền Quang cũng đã xác nhận điều đó: "Chúng tôi khẳng định Giáo Hội Nhà Nước là một Giáo Hội chính trị, thời đại, công cụ của chế độ hiện tại đã bỏ rơi quần chúng Phật tử". Vậy đi đòi thống nhất với một công cụ chính quyền để làm gì? Để phá hoại các tông phái Phật Giáo khác? Thứ hai, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang không đủ tư cách đại diện cho các tông phái Phật Giáo miền Nam để đi nói chuyện với Phật Giáo miền Bắc. Cho đến ngày 30.4.1975, tại miền Nam Việt Nam có tất cả 45 Giáo Hội và hiệp hội Phật Giáo hoạt động hợp pháp, trong khi Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang hoạt động ngoài vòng luật pháp. Bản tổng kết cho thấy vào cuối năm 1966, Giáo Hội Ấn Quang chỉ còn quy tụ 8 giáo phái và hiệp hội, trong khi Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự quy tụ đến 17 giáo phái và hiệp hội. Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở miền Bắc tuy là một cơ cấu quốc doanh nhưng là một cơ cấu duy nhất còn lại ở miền Bắc, họ có tư cách đại diện Phật Giáo miền Bắc vì ngoài họ ra, không còn tổ chức nào khác. Chưa thống nhất được các tông phái Phật Giáo tại miền Nam, Giáo Hội Ấn Quang làm sao có thể đại diện Phật Giáo miền Nam để đi nói chuyện với Phật Giáo miền Bắc? Thứ ba, các tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang đã đánh giá quá cao sức mạnh của mình. Họ lầm tưởng rằng họ là một lực lượng đại diện cho "80% dân chúng già trẻ lớn bé" nên thế nào cũng được nhà cầm quyền Cộng Sản kiêng nể. Nhưng thực tế không phải như vậy. Chỉ qua trận đấu với chính phủ Nguyễn Cao Kỳ năm 1966, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chưa bị vỡ làm hai, người ta cũng thấy sức mạnh của Phật Giáo không phải là "sức mạnh vạn năng" như nhiều tăng ni và Phật tử đã tưởng. Vụ đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1963 là do cơ quan tình báo Hoa Kỳ dùng Phật Giáo làm công cụ để thực hiện chứ không phải do chính Phật Giáo đã tạo được. Tài liệu do Ngũ Giác Đài công bố đã cho thấy như vậy. Thứ tư, các tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang không hiểu biết nhiều về chính sách của Cộng Sản đối với tôn giáo. Không một chế độ cộng sản nào trên thế giới muốn để cho tôn giáo phát triển. Cộng Sản và tôn giáo là hai thái cực bất khả dung hợp. Chủ trương của Karl Marx là chủ trương xóa bỏ tôn giáo. Nơi nào không xóa bỏ tôn giáo được, Cộng Sản biến thành công cụ của chính quyền hoặc khống chế. Năm 1973, Linh mục Trần Hữu Thanh đã biên soạn và phổ biến cho các cán bộ Công Giáo một cuốn chỉ nam sống dưới chế độ cộng sản, trong đó ông đã nhấn mạnh chính sách tôn giáo của Cộng Sản và lưu ý cán bộ phải cảnh giác. Nếu nắm vững chính sách tôn giáo của Cộng Sản, không bao giờ các tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang dám tìm cách bành trướng thế lực như vậy. Thứ năm, các tăng sĩ trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã để lộ cho nhà cầm quyền Cộng Sản thấy rõ ý đồ và tham vọng của họ. Đây là một sai lầm rất tai hại. Chính vì sự sai lầm này, ông Bộ Trưởng Nguyễn Văn Hiếu đã ám chỉ Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang là "Phật Giáo phản động" và nhà cầm quyền Cộng Sản đã tìm mọi cách để khống chế và vô hiệu hóa dần Giáo Hội Ấn Quang. Không phải chỉ Việt Cộng, bất cứ chính quyền nào cũng không muốn duy trì một giáo hội có thành tích gây rối ròng rã trong suốt hơn 10 năm để đòi hỏi hết quyền lợi này đến quyền lợi khác như Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang. Thủ Tướng Trần Văn Hương đã giúp thành lập Tổng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, còn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu giúp tách Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự ra khỏi Giáo Hội Ấn Quang để làm giảm bớt sự lộng hành của một số tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang. Chia để trị là một biện pháp mà bất cứ chính quyền nào cũng phải biết đến. Vì thế, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không bao giờ chấp nhận đặt Phật Giáo Việt Nam "thống nhất" dưới tay một tổ chức gồm đa số là các thành phần có quá nhiều tham vọng và hiếu động như nhóm tăng sĩ miền Trung trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang. Do những lầm lẫn trên, việc các tăng sĩ miền Trung trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đi thương lượng để thâu tóm toàn bộ các tông phái Phật Giáo hai miền Nam Bắc vào một mối chẳng những không đem lại kết quả gì mà còn dồn nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam vào cái thế phải tìm cách sớm thanh toán họ. Sau khi thương lượng với nhà cầm quyền thất bại và còn bị ám chỉ là "Phật Giáo phản động", các tăng sĩ trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã trở về tìm mọi cách để đối phó với nhà cầm quyền. Các tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang không hiểu nhiều về chế độ cộng sản, cứ tưởng như đang sống dưới thời Đệ Nhất hay Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam, nên đã có những hành động đối kháng nông nổi, không theo một chiến lược và chiến thuật nào cả. Họ đã lầm tưởng rằng nếu hoạt động chống đối của họ có bị đàn áp hay truy tố như năm 1966 thì chỉ các Phật tử phải gánh chịu, còn các tăng sĩ sẽ vẫn bình an vô sự vì đã được chiếc áo thầy tu che chở. Với ý nghĩ như vậy, một số tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang đã thản nhiên hoạt động như dưới thời chế độ cũ. ● Chờ xuất đầu lộ diện Trước hết, Giáo Hội Ấn Quang quyết định triệu tập một Đại Hội Phật Giáo Toàn Quốc kỳ 7 tại chùa Ấn Quang trong ba ngày từ 21 đến 23.1.1977 với đầy đủ đại diện Phật Giáo các tỉnh miền Nam về tham dự. Trước quyết định này, nhà cầm quyền Cộng Sản chưa có biện pháp đối phó quyết liệt vì các lý do sau đây: 1 - Công an chưa nhận diện được đầy đủ và chính xác các thành phần có khả năng lãnh đạo các cuộc chống đối trong Giáo Hội Ấn Quang từ trung ương đến địa phương. Tại miền Bắc, khi muốn bắt các thành phần ưu tú có khả năng lãnh đạo trong Giáo Hội Công Giáo, nhà cầm quyền phải cung cấp cho một số giáo xứ và giáo phận Công Giáo tiền và phương tiện để những nơi này tổ chức các nghi lễ tôn giáo to lớn và qua công việc tổ chức đó, công an có thể nhận diện được các thành phần ưu tú nói trên rồi sau đó bắt đi cải tạo hoặc cô lập. Trong vụ Thiên An Môn vào tháng 5 năm 1989, công an Trung Quốc cũng đã kéo dài vụ rối loạn, chờ cho các phần tử chống đối tưởng thời cơ đã đến, xuất đầu lộ diện, sau đó mới dẹp tan cuộc nổi loạn và bắt đi thủ tiêu những thành phần bị coi là nguy hiểm cho chế độ. Cộng Sản quan niệm rằng bắt hết các thành phần có khả năng lãnh đạo trong các tôn giáo thì dù tín đồ có bất mãn đến mức nào cũng không nổi loạn được vì không ai lãnh đạo. Việc Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang tổ chức Đại Hội là một cơ hội tốt cho công an theo dõi và lập danh sách các thành phần "phản động" phải thanh toán sau này. 2.- Công an chưa huấn luyện xong các tăng sĩ mật vụ có khả năng lãnh đạo Phật Giáo và gài vào mọi cơ cấu Phật Giáo từ trung ương đến địa phương. Khi chưa hoàn thành công tác này thì chưa thể tổ chức một Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh được. Thay vì ra lệnh cho công an ngăn cản việc Giáo Hội Ấn Quang tổ chức Đại Hội kỳ 7, nhà cầm quyền chỉ mở một chiến dịch chống đối đại hội, như cho Thượng Tọa Thích Hiển Giác, đại biểu Phật Giáo tỉnh Minh Hải, họp báo tại chùa Khánh Hưng ở Quận I tố cáo Ủy Ban Tổ Chức Đại Hội có nhiều hoạt động mờ ám và yêu cầu Giáo Hội Ấn Quang loại trừ "những phần tử xấu" ra khỏi Viện Hóa Đạo. Những lời phát biểu của Thượng Tọa Thích Hiển Giác đã được đài phát thanh Saigon truyền lại và báo Saigon Giải Phóng đăng tải. Mặc cho những lời chỉ trích, Đại Hội Phật Giáo Ấn Quang vẫn được tiến hành một cách bình an vô sự. Đại Hội đã lưu nhiệm và bổ sung thành phần của Hội Đồng Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo như sau: - Đức Tăng Thống: Hòa Thượng Thích Giác Nhiên. - Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống: Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. - Viện Trưởng Viện Hóa Đạo: Hòa Thượng Thích Trí Thủ - Phó Viện Trưởng: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh và Hòa Thượng Thích Pháp Tri. - Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo: Hòa Thượng Thích Trí Độ. - Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự: Hòa Thượng Thích Hành Trụ thay thế Thượng Tọa Thích Tắc Phước. - Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục: Thượng Tọa Thích Nhựt Liên thay thế Thượng Tọa Thích Minh Châu. Chức vụ này chỉ có trên giấy tờ, trong thực tế không còn nữa. Nhà cầm quyền đã tịch thu tất cả các cơ sở giáo dục của Phật Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo. Thượng Tọa Nhựt Liên đành về Long Khánh canh tác để sinh sống. Đại Hội chỉ thay hai chức vụ Tổng Vụ Trưởng nói trên, còn các chức vụ khác đều được giữ nguyên như cũ. Ngày 3 1.1979, khi Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Tăng Thống của Giáo Hội qua đời, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống. Sau khi Đại Hội kỳ 7 đạt được nhiều "thắng lợi vô cùng to lớn", không thấy nhà cầm quyền phản ứng gì, các tăng sĩ miền Trung trong Giáo Hội Ấn Quang lại thừa thắng xông lên. Ngày 17.3.1977, Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Phó Viện Trướng Viện Hóa Đạo Ấn Quang, đã gởi đến nhà cầm quyền Hà Nội một văn thư khiếu nại 84 vụ đàn áp Phật Giáo tại miền Nam như tịch thu các cơ sở giáo dục và xã hội của Phật Giáo, buộc các học tăng phải trở về nguyên quán làm ăn, lấy chùa làm nhà trẻ, đập phá tượng Phật, bắt bớ các tăng ni v.v. Ngày 23.3.1977, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, gởi thêm một văn thư thứ hai khiếu nại về việc công an bắt giam một số tăng ni ở các địa phương, chính quyền chiếm dụng chùa chiền v.v. Hòa Thượng yêu cầu chính quyền mở cuộc điều tra và xét xử phân minh. Qua các đơn khiếu nại này, các tăng sĩ Giáo Hội Ấn Quang bắt đầu thấy những tai hại của việc tổ chức Đại Hội kỳ 7 là đã để lộ các thành phần có khả năng ra cho công an thanh toán. ● Những cú đánh phủ đầu Trước những khiếu nại liên tục như trên, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam quyết định đánh phủ đầu để làm giảm áp lực Tại các tỉnh, sau khi nhận diện được các thành phần tích cực trong các Tỉnh Hội của Giáo Hội Ấn Quang, công an bắt đầu bắn tỉa dần: Tại chùa Linh Sơn ở Vũng Tàu, các tăng sĩ Tắc Phước, Quảng Liên, Thiên Tài và Liễu Minh đã bị bắt. Tại Cần Thơ, các tăng sĩ Giác Hưng, Giác Bạch và Giác Ưng bị tố cáo âm mưu chống chính quyền nên bị bắt giam truy tố ra tòa xét xử. Những nơi khác cũng xẩy ra tình trạng tương tự. Đêm 6.4.1977, nhà cầm quyền đã quyết định đánh vào đầu não của Giáo Hội Ấn Quang bằng cách cho lực lượng an ninh đến bao vây và lục soát chùa Ấn Quang, tịch thu nhiều giấy tờ, vật dụng và bắt giam các tăng sĩ sau đây: - Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. - Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. - Thượng Tọa Thích Thuyền Ấn, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp. - Đại Đức Thích Thông Bửu, Quyền Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ - Đại Đức Thích Thanh Thế, Trưởng Ban Thanh Tra Ủy Ban Thanh Niên Tăng Ni Kinh Tế Tự Túc. - Đại Đức Thích Thông Huệ, Chánh Đại Điện Chánh Giáo Hội Quận Gò Vấp. Thượng Tọa Thích Thiện Minh cũng đã bị bắt giam sau đó. Chùa Ấn Quang bị đặt trong tình trạng kiểm soát của công an, mọi sự ra vào đều phải xin phép. Điều đã làm nhiều người thắc mắc là tại sao người thật sự lãnh đạo Giáo Hội Ấn Quang từ 1963 - 1975 là Thượng Tọa Thích Trí Quang, lại vẫn bình yên vô sự? Báo Saigon Giải Phóng loan tin rằng các tăng sĩ nói trên bị bắt vì tuyên truyền chống chế độ và liên lạc với các thế lực nước ngoài để âm mưu tạo phản. Thượng Tọa Thích Minh Châu, nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, đã hợp với Võ Đình Cường, Nguyễn Xuân Lập, Tống Hòa Cầm, Lê Cao Phan và Nguyễn Hữu Ba, tổ chức nhiều buổi thuyết giảng để giải thích về chính sách của Nhà Nước đối với Phật Giáo, tố cáo những hành vi phản động và vi phạm luật pháp Nhà Nước của nhóm tăng sĩ chùa Ấn Quang. Thượng Tọa Thích Huyền Quang và Thượng Tọa Thích Quảng Độ đã bị đưa ra xét xử trong phiên tòa ngày 8.12.1978 tại Saigon. Viện Kiểm Sát Nhân Dân đã đọc lời thú nhận của Thượng Tọa Huyền Quang như sau: "Từ trước đến nay, chủ trương của chúng tôi là bất hợp tác với chính quyền. Chúng tôi xin xác nhận rằng, trong quá khứ cũng như sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng tôi có những việc làm sai trái với đường lôi, chính sách, pháp luật của chính quyền. Những tội lỗi là do chúng tôi gây ra". Tòa đã cảnh cáo và phạt ông 2 năm tù treo. Thượng Tọa Thích Quảng Độ được tha bổng. Đánh cú phủ đầu này, nhà cầm quyền Cộng Sản nhắm hai mục tiêu: Mục tiêu thứ nhất là khống chế các thành phần chống đối có thể gây khó khăn cho việc "quốc doanh hóa" Phật Giáo. Mục tiêu thứ hai là áp đảo tinh thần những thành phần lưng chừng, thúc họ phải dứt khoát đi vào con đường Nhà Nước đã vạch ra, nếu không, họ cũng sẽ chịu số phận như những thành phần chống đối. Nhà cầm quyền đã đạt được cả hai mục tiêu đó. Khi các biến cố xẩy ra ở chùa Ấn Quang, Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh đã gửi cho các nhà lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam đang ở hải ngoại một lá thư thúc đẩy phải có thái độ đối với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, trong thư ông viết: "Tôi không ngủ được, một phần do nghĩ tới chùa Ấn Quang, đầu não của Giáo Hội, hiện giờ là một ngôi chùa hoang. Có lẽ Hà Nội lý luận rằng: Mỹ mà họ không sợ thì sợ gì chùa Ấn Quang? Họ lầm. Mỹ là Mỹ. Ấn Quang là dân. Ấn Quang không đơn độc trong cuộc đấu tranh. Dân chúng cùng khổ với Ấn Quang, thất vọng và hy vọng với Ấn Quang, thì Hà Nội không thể coi thường Ấn Quang. Quý thầy hiện nay trốn tránh ở đâu? Trong nước còn chưa biết, nữa là ngoài nước!"(22) Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh là một người "có công lớn với cách mạng", ông đã bôn ba bao nhiêu năm ở hải ngoại, mạo nhận tiếng nói của Phật Giáo Việt Nam để vận động quốc tế đáp ứng các yêu sách của Hà Nội. Hôm nay ông mới nhận ra sự thật. Đến đây các tăng sĩ Phật Giáo đã ý thức được rằng thành tích "tham gia cách mạng" của họ trong quá khứ không có giá trị gì đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngay những thành phần đã bỏ thành thị vào rừng tham gia kháng chiến trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng còn bị loại ra khi Việt cộng cướp được chính quyền, thì những thành phần chỉ nằm ở thành phố tuyệt thực hay biểu tình không có chỗ đứng nào cả. Các tăng sĩ Phật giáo bắt đầu tìm đường tẩu thoát. Nếu trước năm 1976, một số tăng ni Phật Giáo chế giễu những người bỏ nước ra đi thì nay họ lại theo đoàn quân đó. Hiện nay trên thế giới đã có trên 250 tăng sĩ Phật Giáo vượt biên xin tị nạn. BIẾN CÁC TÔNG PHÁI PHẬT GIÁO THÀNH MỘT GIÁO HỘI PHẬT GIÁO QUỐC DOANH Dẹp xong các nhóm tăng sĩ chống đối trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, nhà cầm quyền tính đến chuyện gôm tất cả các tông phái Phật Giáo vào một Giáo Hội quốc doanh. Trong việc này, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang là một đối tượng hàng đầu phải giải quyết. ● Chia để trị Khi khủng bố các tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang, nhà cầm quyền đã dành lại một số nhân vật quan trọng có thể xử dụng sau này, đó là các tăng sĩ sau đây: - Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống. - Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. - Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo - Hòa Thượng Thích Minh Châu, nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục. - Thượng Tọa Thích Trí Quảng, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, lãnh đạo Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Hai Thượng Tọa Thích Quảng Liên và Thích Minh Nguyệt đã đi theo chính quyền ngay từ đầu. Thượng Tọa Thích Trí Quang không theo nhưng không chống đối chính quyền. Những nhân vật này là những nhân vật có thể xử dụng để đem Giáo Hội Ấn Quang sát nhập Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh. Thượng Tọa Thích Minh Châu và các cư sĩ Võ Đình Cường, Tống Hòa Cầm, Lê Cao Phan và Nguyễn Hữu Ba đã thuyết phục được ba Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thủ và Thích Trí Tịnh chịu sát nhập Giáo Hội Ấn Quang vào Giáo Hội quốc doanh và giao cho ba Hòa Thượng này thuyết phục các tăng sĩ cao cấp khác. Chúng ta hãy nghe Hòa Thượng Thích Huyền Quang kể lại chuyện này trong bản tự thuật về cuộc nói chuyện với các đại diện chính quyền vào các ngày 4 và 5.8.1992 tại Quảng Ngãi: "Ông Lam (đại điện Bộ Nội Vụ) nói: việc thống nhất Phật Giáo cả nước là nguyện vọng tuyệt đại đa số của các Giáo Phẩm Tăng Ni Phật Tử, sao ông chống việc đó? Tôi thưa:..vào đầu năm 1978, Hòa Thượng Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, trong cuộc họp Hội Đồng Viện Hàng tuần, Hòa Thượng có đưa ra việc Mặt Trận Tổ Quốc TP có đến mời Hòa Thượng ra làm việc vận động thống nhất Phật Giáo toàn quốc. Lúc đó có vị trong Hội Đồng hỏi Hòa Thượng Viện Trưởng rằng: "Mặt Trận mới với tư cách gì?" Hòa thượng nói: "Với tư cách gì chưa rõ". Qua cuộc họp tuần sau, Hòa Thượng đưa việc đó ra Hội Đồng và cho biết là: "Mặt Trận mời tôi với tư cách là Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN". Hòa Thượng Thiện Minh nghe thế liền phát biểu: "Xin Hòa Thượng Viện Trưởng đừng đưa việc đó ra đây làm khó chúng tôi!" Hòa Thượng Trí Thủ hỏi lại: "Làm khó cái gì?" Hòa Thượng Thiện Minh thưa: "Nếu Hội đồng này đồng ý để Hòa Thượng làm việc đó với tư cách Viện Trưởng VHĐ, tức là đồng ý dẹp bỏ Giáo Hội này, sau khi Giáo Hội mới thành lập. Còn nếu không đồng ý, thì sẽ có sự khó khăn đến với các vị trong Hội Đồng và cả Giáo Hội ta nữa. Vậy Hòa Thượng nên tự lựa chọn và làm với tư cách cá nhân của Hòa Thượng mà thôi. Chúng tôi không thể nói nên hay không nên làm trong lúc này". Lúc bấy giờ trong cuộc không ai có ý kiến gì khác, coi như mặc nhiên đồng ý với Hòa Thượng Thích Thiện Minh đã nói. Sau đó 5, 7 tháng, Hòa Thượng Trí Thủ, Viện Trưởng VHĐ hướng dẫn một phái đoàn Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo toàn quốc vừa mới thành lập, do Hòa Thượng làm Chủ Tịch đến thăm GHPGVNTN và trưng cầu ý kiến về việc xây dựng một ngôi Chùa Thống Nhất Phật Giáo cả nước. Sau lời giới thiệu Phái Đoàn và lý do đến Ấn Quang, tôi xin phát biểu ý kiến. Tôi thưa rằng: "Quý ngài là sáng lập viên, là kiến trúc sư cho ngôi chùa đó. Vậy quý ngài đã có sơ đồ về ngôi chùa đó chưa? Tôi nghĩ ngôi chùa đó cũng giống như chùa Quán sứ, như chùa Keo, chùa Thầy miền Bắc, hay giống chùa Từ Đàm, Thiền Tôn, Linh Mụ miền Trung, hay ngôi chùa đó giống Ấn Quang, Xá Lợi, Giác Viên, Giác Lâm miền Nam? Nhưng ngôi chùa đó thế nào cũng được xây dựng tốt đẹp và các tập đoàn, giáo phái Phật Giáo cả nước sẽ vào ở ngôi chùa đó, chứ Giáo Hội Ấn Quang này thì không mong gì vào ở đó được. Vì Giáo Hội chúng tôi bị Nhà Nước lên án là Giáo Hội phản động. Do đó, Giáo Hội chúng tôi thấy không có bổn phận góp gì trong đó cả. Nhưng Giáo Hội chúng tôi mong rằng: Rừng bồ đề dù cây to cây nhỏ cũng là bồ đề, chứ những thứ tương tự bồ đề thì phải phân biệt rõ ràng. Ngôi chùa chung đó phải được trang nghiêm, thanh tịnh. Xin Nhà Nước lưu ý điều đó. Sau lời phát biểu ấy của tôi, thầy Quảng Độ xin phát biểu: "Quý ngài ở miền Bắc sống trong tự do độc lập và hòa bình trong hơn 20 năm qua đã làm gì cho Phật Giáo ngoài đó? Giáo Hội chúng tôi ở trong này sống với Mỹ Ngụy đàn áp, sống với chiến tranh tàn phá, nhưng đã làm được những gì chắc quý vị đã biết. Vậy giờ đây ai cần thống nhất với ai đây?" Và thầy ấy còn nói thêm nhiều việc khác. Các vị miền Bắc nghe vậy khó chịu lắm! Thế là cuộc họp trưng cầu ý kiến chẳng có ý kiến gì cả, mà còn đặt ra một số vấn đề khác nữa..."(23) Ngày 12.2.1980, Hà Nội cho Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Quyền Hội Trưởng Hội Phật Giáo Thống Nhất (quốc doanh miên Bắc) vào Nam vận động thống nhất Phật Giáo. Ông họp với 20 đại biểu của các tổ chức và tông phái Phật Giáo miền Nam mà Mặt Trận Tổ Quốc đã lựa chọn. Kết quả, theo sự chỉ đạo của Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc, hội nghị đã quyết định thành lập Ủy Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo và bầu Thượng Tọa Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Phật Giáo Ấn Quang làm Trưởng Ban, còn Hòa Thượng Đôn Hậu, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, làm Cố Vấn. Trong giai đoạn này, Thượng Tọa Thích Huyền Quang đã kể lại như sau: "Vào cuối năm 1980, Hòa Thượng Trí Thủ với tư cách Viện Trưởng VHĐ triệu tập một cuộc họp Hội Đồng Viện Hóa Đạo để thông qua bản Hiến Chế mà Ban Vận Động vừa mới sơ thảo để xin ý kiến Giáo Hội góp vào, để bản văn được đầy đủ nhiên hậu làm cơ sở thiết lập GHPGVN tương lai. Sau lời tuyên bố lý do, thầy Quảng Độ xin phép phát biểu ý kiến: "Thưa Hòa Thượng Viện Trưởng, Hòa Thượng triệu tập cuộc họp này là bất hợp pháp, vì tôi làm Tổng Thư Ký VHĐ không hay biết việc này. Và ai cử Hòa Thượng đại diện VHĐ đi làm việc đó, nay mang việc đó vào đây hội thảo? Tôi phản đối việc làm tự tiện cá nhân đó của Hòa Thượng Viện Trưởng". Trước sự phản đôi chất vấn đó, Hòa Thượng Viện Trưởng không nói gì, rồi rời hội trường ra đi! Hòa Thượng Trí Tịnh cũng tuyên bố: "Để giữ tinh thần đồng đội, tôi cũng ra đi theo Hòa Thượng Trí Thủ". Cuộc họp tan ngay theo chân các Hòa Thượng có mặt trong bàn hội nghị (có số viên chức Ban Vận Động tham dự)."(23) Trong thời gian chuẩn bị đại hội thành lập Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh cho toàn quốc, ngày 17.8.1981, Thượng Tọa Thích Minh Châu có làm một bản báo cáo cho biết tại Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất "đã diễn ra những sự kiện khác thường", đó là việc "Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo triệt hạ uy tín toàn Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo, ngang nhiên thách thức Chính phủ và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam." Quốc doanh hóa Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang Nhật báo Nhân Dân ngày 5.11.1981 cho biết, trong Đại Hội Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam khai mạc ngày 4.11.1981 tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội, có 164 đại biểu của các tổ chức, giáo hội và hệ phái Phật Giáo tham dự, trong đó có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (Ấn Quang). Như vậy, mặc dầu bị một số tăng sĩ trong Hội Đồng Viện Hóa Đạo chống đối, Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã lấy tư cách Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đến dự đại hội nói trên và đã đồng ý sát nhập Giáo Hội Ấn Quang vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam của Nhà Nước, trong đó Hòa Thượng đã đảm nhận chức Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh làm Phó Chủ Tịch, còn Hòa Thượng Thích Minh Châu làm Tổng Thư Ký. Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã qua đời tại bệnh viện Thống Nhất (Vì Dân cũ) ở Saigon vào năm 1984. Có nguồn tin nói ông chết sau một cơn đau tim nặng mà không được cứu chữa. Một nguồn tin thân cận khác cho biết sau khi được công an cho nghe cuốn băng ghi lời của một đệ tử tố cáo ông, ông giận ói ra máu, được đưa vào bệnh viện Thống Nhất và chết tại đó. Có rất nhiều người thân tín đến đứng chờ ngoài phòng ông, nhưng trong giờ ông lâm chung, các bác sĩ bệnh viện không cho phép bất cứ người nào được ở gần bên ông, nên nhiều người nghi ngờ ông đã bị sát hại. Hòa Thượng Thích Trí Thủ cũng chỉ được nhà cầm quyền xử dụng trong một giai đoạn cần thiết mà thôi. Ông không phải là đảng viên trung kiên nên không phải là thành phần đáng tin cậy đối với Đảng. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh được cử làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự thay thế Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh trước đây đã đảm nhiệm các chức vụ Trưởng Phái Đoàn Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Tổng Ủy Viên Tổng Vụ Tăng Sự, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống và Phó Chủ Tịch Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang. ● Đàn áp thẳng tay Sau vụ trên, Hội Đồng Viện Hóa Đạo Ấn Quang đã bầu Hòa Thượng Thích Huyền Quang làm Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và vẫn tiếp tục sinh hoạt. Để chấm dứt tình trạng này, Nhà cầm quyền đã bắt giam hay đưa đi an trí các tăng sĩ chống đối. Ngày 25.2.1982, Hòa Thượng Huyền Quang (quê Bình Định), Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Ấn Quang, đã bị công an bắt tại Saigon và đưa đi an trí ở chùa Hội Phước trong thành phố Quảng Ngãi. Chùa này do các sư quốc doanh quản lý. Cùng ngày nói trên, Hòa Thượng Thích Quảng Độ (quê Thái Bình), Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo Ấn Quang, được công an thành phố Hồ Chí Minh mời tới rồi giữ luôn và đưa ra an trí tại làng Vũ Thu thuộc tỉnh Thái Bình, miền Bắc Việt Nam. Tháng 8 năm 1985, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận (quê Nam Định) bị bắt giam và truy tố về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Ông bị đưa ra tòa xét xử vào tháng 9 năm 1988 và bị tuyên phạt 10 năm tù, sau đó bị chuyển ra trại Hàm Tân ở Bình Tuy. Kể từ năm 1977, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã bắt giam, truy tố, đưa đi cải tạo hay an trí một số đông tăng sĩ được coi là có hành vi chống đối chế độ. Sau đây là một số tăng sĩ quan trọng trong Giáo Hội Ấn Quang đã từng bị giam giữ: ° Các tăng sĩ bị tuyên án chung thân khổ sai hay 20 năm khổ sai: - Ở trại Xuân Lộc: Thích Trí Siêu (tức Lê Mạnh Thát, sinh 1943, quê Quảng Trị), Thích Nguyên Giác (sinh năm 1951, quê Thừa Thiên), Thích Nguyên Thể, Thích Minh Sử và Thích Trí Giác. - Ở trại Xuân Phước, Phú Yên: Thích Thiện Tấn (tức Thái Thanh Hùng, sinh 1945 tại Thừa Thiên), Thích Tâm Căn (Nguyễn Hữu Tín), Thích Thiện Minh (tức Huỳnh Văn Ba, 49 tuổi), Thích Tuệ Sỹ (tức Phạm Văn Thương, sinh 1943 tại Lào) và Thích Phước Viên (tức Lê Hiền, 44 tuổi, quê Thừa Thiên). ° Các tăng sĩ bị tập trung cải tạo: Thích Thiện Minh (tức Đỗ Xuân Hàng, học tập cải tạo tại Bình Tuy, đã chết vào tháng 10 năm 1978), Thích Thông Bửu (Quyền Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ), Thích Thuyền Ấn (Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp, đã qua Hoa Kỳ), Thích Thông Tuệ (Chánh Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất tại Quận Gò Vấp) và Thích Thanh Thế (Trưởng Ban Thanh Tra Ủy Ban Kinh Tế Tự Túc Tăng Ni). Ngoại trừ Thượng Tọa Thích Thiện Minh bị chết trong tù, 4 tăng sĩ còn lại đã được trả tự do trong các năm 1992 và 1993. Vụ chống đối lớn thứ nhất là vụ Đại Đức Thích Nguyên Giác. Đại Đức Thích Nguyên Giác có tên thật là Hồ Khắc Dũng, sinh năm 1951 ở Thừa Thiên, bị bắt ngày 2.4.1984 tại chùa Già Lam ở Gia Định cùng với 11 tăng sĩ liên hệ. Theo công an Việt Cộng cho biết, Đại Đức Thích Nguyên Giác đã tổ chức Mặt Trận Việt Nam Vì Nhân Quyền và Lực Lượng Việt Nam Tự Do. Năm 1988, ông bị kết án 15 năm tù về tội hoạt động lật đổ chính quyền và hiện nay đang bị giam giữ ở trại Xuân Lộc, Đồng Nai. Vụ chống đối lớn thứ hai là vụ biểu tình trước Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên ngày 24.5.1993. Theo nhật báo Nhân Dân số 13961 ra ngày 31.5.1993 và thư đề ngày 25.5.1993 của Đại Đức Thích Trí Tựu thì nguyên nhân của nội vụ là có sự hiểu lầm về việc chính quyền bắt giam Đại Đức Thích Trí Tựu. Trong ngày nói trên, nhà cầm quyền đã mời Đại Đức Thích Trí Tựu đến để nói về vụ một người tự thiêu tại chùa Linh Mụ ngày 1.4.1993, danh tánh không rõ. Khi hai bên giằng co, Đại Đức Thích Trí Tựu ngồi xuống trước trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh dọa tuyệt thực, công an liền kéo vào văn phòng. Dân chúng tưởng Đại Đức bị bắt nên về chùa Linh Mụ báo tin. Các tăng sĩ chùa Linh Mụ kéo tới ngồi dàn ngang trên mặt đường Lê Lợi, dân chúng tụ tập xem rất đông. Công An liền lấy xe chở Đại Đức Thích Trí Tựu về, nhưng xe bị đoàn biểu tình chặn lại, hai bên ẩu đả và dân đã đốt xe của công an. Theo Đại Đức Thích Trí Tựu cho biết số người biểu tình lên đến 40.000 người, công an đã phải dùng lựu đạn cay và vòi rồng xịt nước để giải tán. Kết quả, hơn 300 người đã bị bắt, trong đó có ít nhất 50 tăng sĩ. Hai tăng sĩ lãnh đạo cuộc chống đối này là Thích Hải Tạng và Thích Trí Tựu đều bị bắt. Hiện nay, công an chỉ còn giam 3 tăng sĩ và một số Phật tử liên hệ trực tiếp đến vụ đốt xe và hành hung mà thôi. Rất nhiều tăng sĩ và Phật tử ở các tỉnh chống đối việc sát nhập Giáo Hội Ấn Quang vào Giáo Hội quốc doanh cũng đã bị bắt, bị tuyên án hay tập trung học tập cải tạo. ● Lại thua trí nhà cầm quyền Thượng Tọa Thích Huyền Quang đã nhiều lần khiếu nại việc sát nhập Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang vào Giáo Hội quốc doanh, khởi đầu là "Đơn xin cứu xét nhiều việc" đề ngày 26.5.1992 gởi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Trong văn thư số 248-CV/TGCP ngày 25.7.1993 trả lời Hòa Thượng Huyền Quang, Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã giải thích những sự việc xẩy ra như sau: "Tháng 11.1981, Đại Hội Phật Giáo Thống Nhất đã họp gồm 165 đại biểu của ba tổ chức lớn là Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam (miền Bắc), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (miền Nam), Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước thành phố Hồ Chí Minh, cùng 6 tổ chức hệ phái đã thông qua Hiến Chương và văn kiện thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam với Hội Đồng Chứng Minh do Hòa Thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp Chủ và Hòa Thượng Thích Đôn Hậu làm Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật. Chính Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo cùng các vị trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ trung ương đến địa phương đã đóng góp tích cực trong việc thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh) nên Hòa Thượng đã được cử làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và đã thực hiện được nhiều công việc Phật sự hoằng dương Phật Pháp. "Như vậy 9 tổ chức và hệ phái Phật Giáo đã cùng nhau xây dựng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, được pháp luật công nhận. Từ đó Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trở thành tổ chức thống nhất hợp pháp của toàn thể Phật Giáo Việt Nam trong cả nước. "Vậy mà ông đã đi ngược lại sự nghiệp đoàn kết thống nhất Phật Giáo. Ông đã dùng những lời lẽ nặng nề, xuyên tạc lịch sử, cho rằng thắng lợi của sự nghiệp hòa hợp đoàn kết Phật Giáo năm 1981 là "pháp nạn thứ hai" sau pháp nạn thứ nhất năm 1963 khi chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo đẫm máu... " Điều 3 luật số 102/SL ngày 20.5.1957 về lập hội đã ghi rõ: "Để bảo đảm việc lập hội có mục đích chính đáng, lập hội phải xin phép". Điều 1 Chỉ thị 1 ngày 05.01.1989 của Hội Đồng Bộ Trưởng cũng khẳng định: "Những hội hoạt động trong phạm vi cả nước phải được chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng cấp giấy phép". "Việc ông tự xưng là Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo là một việc làm trái luật pháp. Từ nay ông phải chấm dứt việc mạo danh Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, chấm dứt việc sử dụng trái phép con dấu, chấm dứt mọi hoạt động phá hoại đoàn kết Phật Giáo, đoàn kết dân tộc". Nếu tranh luận về pháp lý thì Giáo Hội Ấn Quang không đương đầu được với nhà cầm quyền Cộng Sản như Giáo Hội này đã không đương đầu nổi với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Năm 1967 cũng đã xẩy ra một cuộc tranh luận tương tự như vậy với Tướng Nguyễn Văn Thiệu. Lúc đó, Thượng Tọa Thích Tâm Châu đã lấy tư cách Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đệ trình Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia một bản Hiến Chương mới do 7 tông phái ký tên, trong đó không có Giáo Hội Tăng Già Trung Phần và Hội Phật Giáo Việt Nam Trung Phần. Tướng Thiệu đã ban hành Sắc Luật số 23/67 ngày 18.7.1967 duyệt y Hiến Chương mới này. Các tăng sĩ miền Trung kéo đến ngồi trước Dinh Độc Lập để phản đối. Tướng Thiệu trả lời rất ngon lành: Vấn đề Hiến Chương là vấn đề nội bộ của Phật Giáo, chính phủ không thể can thiệp vào việc đó được. Hai bên nên dàn xếp với nhau. Chính phủ chỉ duyệt y Hiến Chương theo lời thỉnh cầu của đại diện hợp pháp của Giáo Hội mà thôi. Thượng Tọa Thích Trí Quang vừa tuyệt thực vừa dọa biểu tình, đình công, bãi thị, tự thiêu.. nhưng chẳng kết quả gì. Cuối cùng nhóm tăng sĩ miền Trung đành trở về chùa Ấn Quang ôm một Hiến Chương đã bị chính thức hủy bỏ theo luật pháp, sinh hoạt trên và ngoài luật pháp cho đến 30.4.1975. Như vậy, nếu đòi trở về chế độ pháp lý trước năm 1975 thì trước 30.4.1975 Giáo Hội Ấn Quang không được chế độ pháp lý nào che chở cả, chỉ có Giáo Hội Việt Nam Quốc Tự mà thôi. Nay nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cũng dùng lập luận nói trên để trả lời Thượng Tọa Huyền Quang: Nhà Nước không cần biết đến những bất đồng trong Hội Đồng Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Ấn Quang. Nhà Nước chỉ biết người đại diện của Viện Hóa Đạo trước pháp luật là Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Chính Hòa Thượng Trí Thủ đã đem Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất gia nhập vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh) thì Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất coi như không còn nữa. Nếu các tăng sĩ Ấn Quang muốn sinh hoạt riêng thì phải theo đúng quy chế hiệp hội, tức phải xin lập một hiệp hội mới. Quy chế hiệp hội nói ở đây không phải là Dụ số 10 ngày 6.8.1950 do Bảo Đại ban hành mà là Sắc Luật số 102/SL ngày 20.5.1957 do Hồ Chí Minh ban hành! Điều đáng ngạc nhiên là từ 1978 đến 1981, Hội Đồng Viện Hóa Đạo Ấn Quang biết rõ Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã lấy tư cách Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đi hội họp để chuẩn bị đưa Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang vào giáo Hội Phật Giáo quốc doanh, nhưng Hội Đồng này đã không ra một quyết định nào ngưng chức của Hòa Thượng Trí Thủ, hay ít ra công bố một thông cáo phủ nhận quyền đại diện của Hòa Thượng Trí Thủ. Nếu Hội Đồng Viện Hóa Đạo đã làm việc đó thì nay còn cãi lý với nhà cầm quyền được. Hội Đồng Viện Hóa Đạo không có hành động công khai chối bỏ tư cách đại diện Giáo Hội của Hòa Thượng Trí Thủ nên bị nhà cầm quyền coi là đã mặc nhiên chấp thuận. Trước sự khó khăn khi tranh luận về pháp lý với nhà cầm quyền, Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã phát biểu trong tang lễ cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu ngày 3.5.1992 như sau: "Tôi lập lại: Pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo là Chánh Pháp của 2.000 năm lịch sử đạo lý và văn hiến trên đường mở nước và dựng nước. Cơ sở của Giáo Hội Phật Giáo là nông thôn, thành thị, núi rừng và hải đảo dưới ánh hào quang của trí tuệ và từ bi. Địa vị của Giáo Hội Phật Giáo là 80% dân chúng, già, trẻ, lớn, bé". Câu nói đó của Hòa Thượng Huyền Quang nếu quả thật là đúng thì Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Pháp Chủ Hội Đồng Chứng Minh và Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự của Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh hay bất cứ một Giáo Phái Phật Giáo nào cũng có thể mượn để tuyên bố được, vì đó là lời tuyên bố chung cho toàn Phật Giáo Việt Nam, chứ không phải chỉ riêng cho tông phái Phật Giáo Ấn Quang. Nếu quan niệm pháp lý của Phật Giáo là nông thôn, thành thị, núi rừng.. thì tại sao dưới thời các chính phủ Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh hay Nguyễn Khánh, các tăng sĩ miền Trung đã phải dùng máu tranh đấu để đòi cho bằng được "một quy chế đặc biệt" cho Phật Giáo? Thật ra, pháp lý của một giáo hội không nằm ở nông thôn, thành thị, núi rừng hay hải đảo và cũng không nằm ở tỷ lệ đại diện bao nhiêu phần trăm dân chúng. Trong cuốn De Legibus, Cicero đã viết: "Điều thiện của con người là luật tối thượng". Nếu các tăng sĩ miền Trung trong Giáo Hội Ấn Quang đi đúng con đường Đức Phật Thích Ca đã dạy cho chúng sinh thì không cần một "quy chế đặc biệt" nào cả và không một nhà cầm quyền có thể tước bỏ thứ "luật tối thượng" đó được. Dù sao, mọi người đều hiểu rằng lời phát biểu nói trên của Hòa Thượng Huyền Quang chỉ là một lối "đại ngôn vô đương" (nói cho sướng miệng) để che đậy một sự thất bại mà thôi. NHỮNG HIỆN TƯỢNG BẤT THƯỜNG Công cuộc đấu tranh chống đàn áp Phật Giáo do các tăng sĩ và Phật tử trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang phát động đáng lẽ phải được đồng bào trong và ngoài nước, cũng như dư luận quốc tế yểm trợ một cách mạnh mẽ, nhưng nhiều người lại tỏ ra dè dặt vì thấy có nhiều hiện tượng bất thường xẩy ra trong cuộc đấu tranh đó. a) Mục tiêu đấu tranh có nhiều nghi vấn 1.- Không đòi quyền tự do tôn giáo mà đòi được cải tạo Trong "Đơn xin cứu xét nhiều việc" đề ngày 25.6.1992, Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, đã viết: "Sau 1975, nước nhà được thống nhất, nhà nước đã đưa ra một chương trình, một quốc sách, để cải tạo xã hội và kiến thiết đất nước, theo chủ nghĩa cộng sản. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (văn phòng đặt tại chùa Ấn Quang) chúng tôi, trong thời gian đó cũng sẵn sàng chờ đợi sự cải tạo như các tổ chức khác. Thế nhưng sau 5, 6 năm chờ đợi thì cuối năm 1981 một tổ chức mang tên: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được nhà nước dựng lên tại Hà Nội." Qua đoạn trên, chúng ta thấy ngay từ đầu, Giáo Hội Ấn Quang muốn được nhà cầm quyền Cộng Sản "cải tạo". Cải tạo theo nghĩa của Cộng Sản thường dùng có nghĩa là biến thành công cụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã không cải tạo theo ý muốn của các tăng sĩ miền Trung trong Giáo Hội Ấn Quang, tức đưa Phật Giáo cả hai miền vào trong tay của họ, mà cải tạo bằng cách sát nhập Giáo Hội Ấn Quang thành một Giáo Hội quốc doanh do những thành phần khác lãnh đạo. Hòa Thượng Huyền Quang viết tiếp: Chúng tôi nghĩ: Đây không phải là việc cải tạo, mà là một chiến lược, lật đổ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Một tổ chức có tầm vóc quốc gia và quốc tế, không như các Giáo phái tập đoàn Phật Giáo khác ở Việt Nam hiện nay. Vì nếu muốn cải tạo, thì Nhà nước cứ để cho Giáo hội chúng tôi hiện diện, muốn thay đổi nhân sự, muốn sửa lại đạo lý và nếp sống đạo mấy nghìn năm cho thích hợp với chủ nghĩa Cộng sản, nhà nước cứ tự do làm việc đó, cần gì phải lật đổ, giải tán, gây đau khổ, xáo trộn cho Tăng Ni Phật tử chúng tôi..." Vậy mục tiêu trước tiên của của các tăng sĩ miền Trung trong Giáo Hội Ấn Quang là xin được "cải tạo" Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang "theo chủ nghĩa Cộng Sản" chứ không phải đòi quyền tự do tôn giáo. Họ đã coi đó là một phương thức hay nhất để nắm toàn bộ Phật Giáo Việt Nam. Khi Giáo Hội Ấn Quang được "cải tạo" thành Giáo Hội quốc doanh, không một tông phái nào có thể tranh chấp với họ như dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Nói cách khác, các tăng sĩ Ấn Quang định mượn cái áo Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh để thâu tóm quyền hành. Chỉ sau khi bị "cải tạo" không đúng với ý của họ, các tăng sĩ miền Bắc được đưa ra nắm quyền, các tăng sĩ Ấn Quang mới quay lại chống đối chế độ và đòi tự do tôn giáo mà thôi. Nếu nhà cầm quyền Hà Nội để cho nhóm tăng sĩ miền Trung trong Giáo Hội Ấn Quang nắm toàn bộ Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh trong nước, chắc chắn họ sẽ phục vụ chế độ đắc lực và không có vấn đề tranh đấu đòi tự do tôn giáo nữa. 2.- Chỉ đòi quyền lợi, không đòi giải thể chế độ cộng sản Giáo Hội Ấn Quang tuyên bố không chấp nhận chế độ độc tài cộng sản, nhưng lại không hô hào lật đổ hay xóa bỏ chế độ này mà chỉ khiếu nại để xin được ơn mưa móc của chế độ và nhiều khi còn ca ngợi chế độ. "Đơn xin cứu xét nhiều việc" ngày 25.6.1992 của Hòa Thượng Huyền Quang không phải là một văn thư phản kháng chính sách độc tài của Cộng Sản Hà Nội mà chỉ là đơn xin giải quyết những điều được coi là bất công đối với Phật Giáo và đối với bản thân của Hòa Thượng. Bản Tuyên Cáo của Giáo Hội viết rất dài nhưng cũng chỉ kêu gọi Đảng và Nhà Nước khởi sự tiến trình dân chủ hóa, công khai xử lại các vụ án ở Huế, thực hiện nền dân chủ pháp trị và "xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù" trong hành động cụ thể.. Không có một yêu sách hay một đường lối nào được đưa ra nhắm chấm dứt chế độ cộng sản độc tài khát máu tại Việt Nam. Cũng một lối tranh đấu như Hòa Thượng Huyền Quang, nhóm Bông Sen đã viết rất hung hăng, nhưng chỉ để khiếu nại việc nhà cầm quyền bắt giam các tăng sĩ và tịch thu các cơ sở của Phật Giáo, chất vấn tại sao nhà cầm quyền giải tán Giáo Hội Ấn Quang, tại sao Giáo Hội Ấn Quang không được đối xử như Thiên Chúa Giáo v.v... Nhóm này không hề cổ võ xóa bỏ chế độ độc tài cộng sản, nguồn gốc của các bất công đã được nêu ra. Trong một số đoạn, Lý Khôi Việt còn ca tụng và bào chữa cho Việt Cộng: "Trong 5, 7 năm tới, chính quyền hiện tại vẫn nắm ưu thế về chính trị do những thành công lạ lùng, không ai ngờ trong lãnh vực kinh tế những năm qua." Trước đó, Lý Khôi Việt lại nói Cộng Sản Việt Nam đang sụp đổ, "nhưng có lẽ sẽ sụp đổ trong êm đẹp và vinh dự. Vì giữa nhiều yếu tố khác, một bên là tay sai trung thành cho thực dân và ngoại bang, một bên đã, nhân danh dân tộc và truyền thống Việt Nam, đối đầu và đánh thắng ba cường quốc lớn: Pháp, Mỹ, Tàu (trong cuộc xâm lăng Việt Nam năm 1979 của Trung Hoa, đế quốc này đã chịu những tổn thất khủng khiếp về nhân mạng, có thể nói, nếu không tự rút lui sớm, cả 300.000 quân xâm lăng này sẽ không có ai sống sót)". 3.- Tuyên bố chối bỏ Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh nhưng lại nhìn nhận tổ chức này trong thực tế Như chúng tôi đã trình bày trên, trong "Đơn xin cứu xét nhiều việc" Hòa Thượng Huyền Quang đã khẳng định rằng Giáo Hội Nhà Nước chỉ là một Giáo Hội chính trị, thời đại, công cụ của chế độ hiện tại đã bỏ rơi quần chúng Phật tử, nhưng trong thực tế các tăng sĩ và Phật tử thuộc Giáo Hội Ấn Quang vẫn hợp tác và tìm cách giúp đỡ Giáo Hội quốc doanh. Các hoạt động về Phật Giáo, theo chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc, của các tăng sĩ quốc doanh như Hòa Thượng Kim Cương Tử (Đại Biểu Quốc Hội), Hòa Thượng Thích Tâm Thông (đồng Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung ương) và nhất là sư đặc công Việt Cộng nằm vùng Thích Minh Châu, (nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh) đều được hoan nghênh và đề cao. Tạp chí Bông Sen số 18 tháng 11, 12/1993 & 1,2/1994 có đăng một bài phóng sự rất dài của Trần Tâm Nguyên (một bí danh khác của Lê Hiếu Liêm) đề ngày 20.11.1994, tường trình về sinh hoạt Phật sự tại Việt Nam hiện nay. Bài phóng sự đó đã phản ảnh khá rõ nét sự mâu thuẫn giữa việc chống đối Giáo Hội quốc doanh với việc ca tụng và kêu gọi giúp đỡ Giáo Hội quốc doanh. Ở phần nói về Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (quốc doanh), tác giả đã viết: "Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, còn gọi là giáo hội nhà nước, ngay ở Saigon, bị thao túng nặng nề bởi những cán bộ cộng sản và tệ hại hơn nữa, bởi một cán bộ Thiên Chúa Giáo. Tên này lại là một tay nghiện ngập, ngay từ sáng sớm, y đã đến trụ sở trung ương của Giáo Hội (trước đặt ở chùa Xá Lợi, đường Bà Huyện Thanh Quan, bây giờ dời về trung tâm Thích Quảng Đức, đường Công Lý), nồng nặc mùi rượu, y hạch sách, nạt nộ, sai khiến chư tôn Giáo Phẩm cao cấp của Giáo Hội. Thật là một tình trạng ô nhục cho Phật Giáo Việt Nam có hai ngàn năm lịch sử và đã có công lớn trong việc giữ nước và dựng nước suốt bao thời đại vinh quang". Thế nhưng đến phần những công tác do Giáo Hội này thực hiện qua sự chỉ đạo của các cán bộ cầm quyền và các sư quốc doanh thì lại được hoan hô nhiệt liệt. Sau đây là hai trường hợp điển hình: Trường hợp thứ nhất là trường hợp của Trường Cao Cấp Phật Học tại Saigon do Hòa Thượng quốc doanh Thích Minh Châu đảm nhiệm, trường này dạy về "Phật học dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lê": "Nổi bật nhất trong các ngôi chùa ở Saigon là tu viện Vạn Hạnh của Thầy Minh Châu (cán bộ nằm vùng), đây cũng là trụ sở của Trường Cao Cấp Phật Học của Viện Nghiên Cứu Phật Học, tọa lạc trên hơn một mẫu đất (số 716 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận). Đây là cơ sở khang trang, bề thế và rất có đạo vị, quy tụ nhiều tăng ni trí thức. Tôi đến thăm thầy Minh Châu, thầy vẫn hồng hào, đẹp như một vị Phật, nhưng nay đã già yếu, lông mày dài và bạc trắng. Thầy cho biết Viện Đại Học Vạn Hạnh có thể xin lấy lại được nhưng sợ không có đủ tài lực và nhân lực để tu sửa và giảng dạy." Các hội Phật tử ở Hoa Kỳ vẫn quyên góp tiền bạc gởi về cho trường Phật Học quốc doanh đó hoạt động, và vẫn coi trường này như một cơ sở quan trọng của Giáo Hội Ấn Quang. Trường hợp thứ hai là trường hợp của tờ Giác Ngộ, một tờ bán nguyệt san của Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh Saigon, trước đây do Võ Đình Cường, một cán bộ cộng sản nằm vùng, điều khiển. Nay Võ Đình Cường về hưu, tờ báo được giao lại cho Thượng Tọa Thích Trí Quảng, một sư quốc doanh đảm nhiệm. Nhà cầm quyền Cộng Sản đã dùng tờ Giác Ngộ để tuyên truyền cho chế độ và vận động Phật Giáo tham gia các kế hoạch của Nhà Nước. Ấy thế mà tác giả đã ca tụng tờ báo này và Thượng Tọa Thích Trí Quảng như sau: "Ngày nay, khuôn mặt nổi bật nhất tại chùa Ấn Quang và của Phật Giáo Saigon là T. T. Trí Quảng... Là trưởng ban hoằng pháp của Giáo Hội PGVN (quốc doanh), Thầy thuyết giảng chỗ này, tổ chức hội thi diễn giảng Phật Pháp chỗ kia, họp hành liên tục với các cấp Giáo Hội (quốc doanh), là tổng biên tập báo Giác Ngộ, hai tuần ra một số (ở hải ngoại chưa có Giáo Hội nào làm nổi), đẹp và khá phong phú, chỉ tội là mỗi số báo có 1, 2 trang viết cho vừa lòng ban tôn giáo nhà nước,..." Tại Hoa Kỳ, các tăng sĩ và Phật tử thuộc Giáo Hội Ấn Quang đang cố gắng quyên góp tiền bạc gởi về cho Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh đào tạo "tu chúng" như chương trình Giao Điểm Buddhish (Buddhist?) Foundation của nhóm Hồng Quang hay chương trình Phật Học Lý Trần của nhóm Lý Khôi Việt v.v... Muốn biết các lớp Phật học sơ cấp, trung cấp hay cao cấp ở trong nước mà các chương trình này đang tài trợ đã dạy dỗ như thế nào, xin đọc bức thư dưới đây của một học tăng ở Nha Trang đi thăm Hòa Thượng Huyền Quang về viết kể lại: "Con mới ra thăm cụ ở Quảng Ngãi về. Cụ nói hôm tháng 8 năm 1991, công an Quảng Ngãi có đến hỏi cụ: "Ông muốn về ở tu viện Bình Định thì tôi sắp xếp cho." Cụ nói: "Công an Quảng Ngãi cho ra mà công an Bình Định không cho vào thì về sao được?" Họ hỏi: "Sao vậy?" Cụ nói: "Sau 1975, tôi về Bình Định hai lần nhưng không được phép công an cho vào." Họ trả lời: "Chúng tôi sẽ thu xếp việc đó." Cụ nói: "Về cũng được, nhưng về làm chi với cái tu viện điêu tàn đã 16 năm tan nát đó?" Họ nói: "Ông về mở lại Phật Học Viện, sinh khí sẽ trở lại". Cụ nói: "Chính quyền có cho mở trường tôn giáo đâu?" Họ nói: "Với ông và ông Thập Tháp làm cố vấn thì Nhà Nước sẽ cho mở lại trường." Cụ bảo: "Tôi không làm vì không được tự do tuyển sinh và tuyển giáo sư thì mở làm gì?" Một lần nữa họ hỏi: "Sao vậy?" Cụ nói: "Tăng sinh có tư cách thì không được phép Nhà nước cho theo học, tăng sinh phá kỷ luật trường thì tôi lại không được phép đuổi. Mời người có khả năng thì không được phép Nhà Nước cho dạy trong trường. Còn mấy người không mời mà cứ vào để dạy đạo lý Mác-xít và chống đôi tôn giáo của trường thì mở trường làm gì?"(24) Trong bài Bên này, Bên kia... đăng trên tuần báo Saigon Nhỏ số 381 phát hành tại California ngày 12.11.1993 đã nhận xét về các chương trình giúp "tu chúng" như sau: "Thật sự thì dù có ngây thơ đến đâu chúng ta cũng có thể nghiệm rằng sau gần 20 năm, dưới chế độ Cộng Sản không có thể có một vị chân tu nào còn có thể sống trong chùa. Tất cả chùa Việt Nam hiện nay chỉ có một thứ sư quốc doanh trụ trì. Thành thứ khi những tạp chí Phật Giáo như Giao Điểm do những nhà sư cởi áo như Trần Quang Thuận, Hồng Quang chủ trương hay tạp chí Bông Sen hô hào "cứu nguy" Phật Tử bằng cách quyên góp đồng bào Phật Tử ở hải ngoại, nhưng ngu dại khi dùng bài viết của tên Việt gian số 1 ở Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường và đánh giá quá thấp sự căm hận của đồng bào, hay trường Phật Học Lý Trần do tạp chí Bông Sen chủ xướng quyên tiền của đồng bào Phật Tử nhẹ dạ ở hải ngoại để yểm trợ cho tu... chúng trong nước, nhưng không hề công bố việc chi thu và ai là "tu chúng" để được hưởng số tiền quyên được này nếu không phải là những nhà sư quốc doanh đang chiếm trọn những ngôi chùa của Phật Giáo Việt Nam, đã là một sự nhắc nhở thêm về "sự thân Cộng" của những người lãnh đạo Phật Giáo Miền Nam trước năm 1975." Theo bản công bố của nhà cầm quyền Hà Nội ngày 13.6.1993 ở Pháp thì số tăng sĩ Phật Giáo năm 1991 là 17.000, đã tăng lên 20.000 vào năm 1993. Như vậy chỉ trong hai năm, số tăng sĩ tại Việt Nam đã gia tăng thêm đến 3.000 người. Số tăng sĩ gia tăng lớn lao này đa số đã được đào tạo tại 20 trường cơ sở và hai Viện Phật Học cao cấp. Các học tăng đều là những người đã được Nhà Nước lựa chọn để trở thành sư quốc doanh, quản lý các sinh hoạt của Phật Giáo khắp miền Nam. Các tổ chức quyên tiền đào tạo "tu chúng" ở hải ngoại đã tiếp tay cho chương trình "quốc doanh hóa" Phật Giáo của nhà cầm quyền Cộng Sản. 4.- Việc tranh đấu chống đàn áp Phật giáo tại Việt Nam một đôi khi chỉ là cuộc tranh chấp giữa sư quốc doanh với sư quốc doanh Cuối tháng 10 năm 1993, Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế ở Paris phổ biến một "Kiến Nghị Thư" của Tăng Già Thừa Thiên - Huế chống đối về việc bãi miễn chức vụ Ủy Viên Giáo Dục Tăng Ni Thừa Thiên của Thượng Tọa Thích Thiện Hạnh và danh sách tấn phong Giáo Phẩm. Kiến Nghị Thư này do 52 sư đại diện 28 chùa ở Thừa Thiên ký tên. Nhưng xem lại thì đây là một cuộc tranh chấp giữa hai nhóm sư quốc doanh với nhau. Trong Đại Hội kỳ 3 của Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh tại Hà Nội tháng 11 năm 1992, Thượng Tọa Thích Giác Quang, Chánh Thư Ký Ban Trị Sự Phật Giáo Thừa Thiên đã cùng với Thượng Tọa Thích Chơn Hương làm báo cáo đề nghị Hội Đồng Trị Sự Trung ương thay thế Thượng Tọa Thích Thiện Hạnh trong chức vụ Ủy Viên Giáo Dục Tăng Ni, và tấn phong Hòa Thượng và Thượng Tọa cho một số tăng sĩ trong Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh. Được tin này, ngày 6.1.1993 Tăng Già Thừa Thiên - Huế đã gởi một kiến nghị phản đối đề nghị trên vì cho rằng việc tấn phong theo phương cách mà hai Thượng Tọa nói trên đã đưa ra không phù hợp với truyền thống Phật Giáo. Hội Đồng Trị Sự hứa xét lại đề nghị tấn phong Thượng Tọa và Hòa Thượng, nhưng vẫn ký Quyết Định số 193 ngày 16.8.1993 bãi miễn chức vụ Ủy Viên Giáo Dục Tăng Ni của Thượng Tọa Thích Thiện Hạnh. Tăng Già Thừa Thiên - Huế lại họp và đưa một kiến nghị thư thứ hai chống lại việc bãi chức này, đồng thời yêu cầu Hội Đồng Trị Sự Trung ương của Giáo Hội quốc doanh điều tra lại tình hình Phật Giáo Thừa Thiên - Huế. Nội vụ chỉ có như vậy. b) Chống Cộng kiểu "làm ông nội" Hòa Thượng Huyền Quang đang bị quản thúc tại chùa Hội Phước trong thành phố Quảng Ngãi, một ngôi chùa do các sư đặc công cộng sản trụ trì và quản lý trong mấy chục năm qua, nay được đặt dưới quyền kiểm soát của công an, mọi sự ra vào đều được kiểm soát rất chặt chẽ. Chúng ta hãy nghe chính Hòa Thượng Huyền Quang mô tả tình trạng này: "Ngày 9.3.1992, thầy Hải Tạng từ Huế vào trình chương trình lễ Tiểu Trường và xin ý kiến Viện Hóa Đạo, ra về đến Bình Sơn bị công an tỉnh và công an Bình Sơn đón xe kiểm soát và tịch thu hết giấy tờ của Văn Phòng Viện Hóa Đạo. Việc kiểm soát này đã diễn ra từ 9 giờ sáng đến 19 giờ tối mới để thầy ra về. Có công an mặc thường phục đi theo ra đến Tam Kỳ mới để thầy tìm chỗ nghỉ tạm vì đã quá khuya. "Từ 10.2.1992 trở về sau, chung quanh chùa Hội Phước đêm ngày có công lực bao vây kiểm soát một số người ra vào, nhất là ngày kỵ tổ Giải Hậu chùa Hội Phước, chư tăng Bình Định ra làm lễ, bị xét hỏi giấy tờ phiền phức nên làm lễ trước giờ trước ngày rồi rút về, sau khi đến Hội Phước được 9, 10 giờ ngày 17.3 âm lịch vừa qua. Tôi nói giờ cũng có việc "cúng chui cúng chạy" - tự do tín ngưỡng là thế đó". "Trong lúc ai ra vào Hội Phước đều bị công an bắt tức khắc, sau đó thả ra khi kiểm tra đã két thúc". (25) Khi lên tiếng trong lễ Nhập Kim Quan của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu được tổ chức tại chùa Linh Mụ vào ngày 3.5.1992, Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã nói với đại diện của chính quyền Quảng Ngãi đang ngồi trước mặt ông như sau: "Từ bao nhiêu năm rồi, tôi không được viết một chữ, thậm chí còn bị ngăn trở trong việc hành đạo. Các ngài hãy tra lời xem là tôi có nói sai không? Tôi đem đầu tôi ra mà cam đoan cho sự thực là tôi và Giáo Hội chúng tôi bị áp bức quá lâu. Tôi đem đầu tôi ra mà chấp nhận mọi khó khăn, áp bức, vì lời nói của mình". Trong bài "Bên này, Bên kia..", đăng trên Saigon Nhỏ số 381 ngày 12.11.1993, Đào Nương cũng thắc mắc: "Câu chuyện Hòa Thượng Huyền Quang và sự nổi dậy của Phật Giáo Đồ trong nước hiện nay vẫn còn là một câu hỏi lớn. Tuy vậy, xuyên qua những tin tức đăng tải hoặc phổ biến trên báo chí hải ngoại về Hòa Thượng Huyền Quang, chúng ta thấy có nhiều điều không ổn. Ví dụ bản tin trên báo Chánh Đạo, San José, về Hòa Thượng Huyền Quang bị nhà nước chỉ định cư trú từ hai tuần nay cấm chỉ không cho ai ra vào. Không những người ngoài không được vào mà người trong chùa cũng không được ra. Muốn ra khỏi chùa thì phải xin phép và giấy phép phải do Tỉnh Ủy cấp mới có hiệu lực. Thường thì mất ba bốn ngày mỗi lần xin giấy phép như vậy. Công an vây chùa dày đặc. Nguồn tin cho biết có ba lớp công an. Họ rải từ ngoài vào đến trong chùa, hoặc giả dạng thường dân hoặc khi ẩn, khi hiện hoặc họ ở ngay trong chùa. Phái viên của tuần báo Chánh Đạo đang theo sát tin này và sẽ loan báo kịp thời những diễn biến mới nhất (tin riêng của Ngô Văn Bằng, báo Chánh Đạo). Bản tin này cho biết việc xẩy ra vào tháng 8, 1992. Tháng 10, Hòa Thượng Huyền Quang vẫn gởi phăng phăng những tâm thư ra hải ngoại. Ngày 19 tháng 11, 1992, Hòa Thượng Huyền Quang lại gởi "giác thư" cho Việt Cộng, "hách dịch" đòi chúng phải giải tán chế độ Cộng Sản Công An Trị và xử dụng ngay máy Fax của chùa Hội Phước thì mới là chuyện lạ." Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là trong tờ Giao Điểm số 10 ngày 15.10.1992 của ông Hồng Quang ở Garden Grove, California, có đăng bản phóng ảnh thư viết tay của Hòa Thượng Huyền Quang từ Quảng Ngãi gởi thẳng qua Mỹ cho ông Hồng Quang bằng máy Fax có ghi số 03856, viết ngày 9.5.1992, nhận ngày 10.5.1992. Trên tờ Fax có ghi số điện thoại của chùa Hội Phước ở Quảng Ngãi là 2588. Đây là thư mừng Phật Đản và kêu gọi lập gấp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại hải ngoại. Chúng ta biết rằng tại Việt Nam hiện nay, các cuộc điện đàm từ trong nước gọi ra ngoại quốc hay từ ngoại quốc gọi về đều được công an ghi băng, các thư từ gởi bằng Fax hay điện tín đều được công an lưu lại bản sao để kiểm soát và theo dõi. Các phiếu từ ngoại quốc gởi tiền về cho những người ở trong nước qua ngân hàng đều phải nộp cho công an trước 5 giờ chiều. Do đó, việc Hòa Thượng Huyền Quang gởi Fax chống đối chế độ từ Quảng Ngãi ra ngoại quốc không phải là chuyện bình thường. Linh mục Lê Thanh Quế cho phổ biến tờ Đạo Nhập Thế và ông Xuân Huy cho phổ biến tờ Sống Đức Tin, hai tờ báo nhỏ này chỉ hướng dẫn về giáo lý, không đề cập đến chính trị, thế mà Linh mục Lê Thanh Quế bị phạt 15 năm tù còn ông Xuân Huy bị đi cải tạo 5 năm. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt chỉ cho phổ biến chuyền tay tờ Diễn Đàn Tự Do kêu gọi đồng bào đấu tranh cho dân chủ đa nguyên tại Việt Nam, thế mà đã bị tuyên án 15 năm tù và 5 năm quản thúc về tội "hoạt động nhắm lật đổ chính quyền nhân dân". Chống cộng kiểu Hòa Thượng Huyền Quang, ngồi giữa một chùa quốc doanh, công an vây đầy xung quanh mà vẫn ung dung và thoải mái viết thông bạch và kháng thư chống chế độ gởi đi khắp thế giới bằng máy Fax do công an kiểm soát thì đúng là chống cộng kiểu "làm ông nội" nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. c) Tài liệu liên hệ đến cuộc đấu tranh có nhiều nghi vấn Các tài liệu do văn phòng Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam hay Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế ở Paris, do ông Võ Văn Ái điều hành, đã gởi đi khắp thế giới, có rất nhiều nghi vấn về cả hình thức lẫn nội dung. ° Những Thông bạch Người Pháp bảo "Le style c'est l'homme", - văn là người. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy chỉ có các văn kiện sau đây do chính Hòa Thượng Huyền Quang viết: - Đơn xin cứu xét nhiều việc đề ngày 26.5.1992. - Bản tự thuật số 1 ngày 8.8.1992 kể chuyện gặp đại diện chính quyền tại Quảng Ngãi trong hai ngày 4 và 5.8.1992. - Bản tự thuật số 2 ngày 14.4.1993 kể lại chuyện gặp ông Vũ Quang, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Quảng Ngãi, trong hai ngày 10 và 11.4.1993. Các bản thông bạch, tuyên cáo và kháng thư khác được viết bằng một lối hành văn mới, trau chuốt và gọt giũa rất cẩn thận, nội dung đi rất sát tình hình quốc nội và quốc tế trong từng giai đoạn, bố cục và lý luận khá chặt chẽ. Phải những người đang ở ngoại quốc, được thông tin đầy đủ và khá am tường về tình hình quốc nội và quốc tế mới có thể viết được như vậy. Ngồi trong chùa Hội Phước ở Quảng Ngãi hay chùa Linh Mụ ở Huế không thể viết như thế được. ° Thông điệp về thống nhất Giáo Hội Khoảng tháng 11 năm 1991, báo chí Việt ngữ hải ngoại đã nhận được một thông điệp đề ngày 31.10.1991 của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang. Nội dung của thông điệp yêu cầu thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất dựa vào Hiến Chương 1964 (đã bị hủy bỏ do Sắc Luật số 23/67 ngày 18.7.1967) do một Ban Đại Diện lãnh đạo và chịu trách nhiệm với Hội Đồng Lưỡng Viện tại quê nhà. Các tăng sĩ thuộc Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất trước đây hiện đang định cư tại Hoa Kỳ đã căn cứ vào bản văn đó, triệu tập Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ từ 25 - 29.9.1992 tại San José, California, để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ. Nhưng trong thời gian vận động tổ chức đại hội nói trên, Hội Ái Hữu Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ đã cho Ấn hành một cuốn Bạch Thư, trong Bạch Thư đó, có đăng lại bài "Vấn đề thông nhất Phật Giáo" của Thụy Giao viết trên tờ Xây Dựng tháng 9 năm 1992, xuất bản tại San José Bài đó đã phân tích nội dung thông điệp nói trên và kết luận rằng thông điệp đó giả, vì lý do sau đây: Đạo Phật có 8 vạn 4 ngàn Pháp Môn, mỗi Pháp Môn có lối tu riêng nên không thể thống nhất về tổ chức mà chỉ có thể thống nhất về phương diện tư tưởng Phật Pháp, mà tư tưởng Phật Giáo thì tuyệt đối tôn trọng tự do. Vì thế, trên thế giới, ngoại trừ Tây Tạng, đã không có Giáo Hội và Phật Giáo cũng không có giáo quyền. Cuốn Bạch Thư kết luận rằng Hòa Thượng Đôn Hậu, là người thông hiểu về Phật Pháp, không bao giờ viết một câu trái với tinh thần Phật Giáo như sau: "Giáo hội tại quê nhà cũng như cá nhân tôi và quý vị trong Hội Đồng Lưỡng viện sẽ không liên hệ mọi Phật sự với bất cứ một tổ chức Phật Giáo Việt Nam nào ở hải ngoại, nếu như đó chưa có một giáo hội thật sự thống nhất, và sẽ không yên tâm nếu những điều khuyết thỉnh này chưa đạt được kết quả mong muốn." Về hình thức, thông điệp ngày 31.10.1991 chắc chắn không phải do chính Hòa thượng Đôn Hậu soạn, vì cách hành văn và bố cục của thông điệp không phải là cách hành văn và bố cục mà Hòa Thượng Đôn Hậu thường xử dụng. ° Những chuyện chung quanh Chúc Thư và Di Huấn Sau khi Hòa Thượng Đôn Hậu qua đời ngày 23.4.1992, Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã công bố một Chúc Thư đề ngày 15.11.1991 và một Di Huấn đề ngày 29.2.1992, được nói là của Hòa Thượng Đôn Hậu để lại. Hai văn kiện này được viết bằng một lối hành văn mới, bố cục chặt chẽ, khác với văn từ của Bản Tự Thuật ghi lại cuộc nói chuyện với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng năm 1976. Đây không phải những lời tâm huyết của một người sắp đi về thế giới bên kia mà chúng ta thường thấy. Đây là một chỉ thị mang tính cách hành chánh nên đã gây nhiều tranh luận. Báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh viết một loạt bài về "Lật lại hồ sơ vụ Chúc Thư giả" kể từ số ngày 17.4.1993, quả quyết chúc thư đó do thầy Hải Tạng soạn thảo và đưa cho Hòa Thượng Nhật Liên duyệt y rồi thầy Trí Tựu giả chữ ký của Hòa Thượng Đôn Hậu ký vào. Báo Quân Đội Nhân Dân cũng đăng bài "Sự thật cái gọi là Chúc Thư của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu" trên số 154 ngày 16.1993 do ký giả Phạm Uyên viết. Bài này cũng lập luận như tờ Công An Thành Phố Hồ Chí Minh đã nói trên. Về bản Chúc Thư, Đại Đức Thích Trí Tựu có viết rõ trong thư ngày 10.12.1992 như sau: "Chúc thư đó được ghi theo lời dạy của Hòa Thượng chúng tôi với tất cả tâm nguyện trăn trở của Ngài là hoàn toàn đúng sự thực. Nếu chính quyền không tin, tôi nguyện đem thân này làm đuốc soi sáng cho sự thật trước sự chứng kiến của Chính quyền và toàn thể đồng bào Phật tử, đồng thời cũng để cầu nguyện cho GHPGNTN được trường tồn, Dân tộc vinh quang, Nhân quyền được tôn trọng." (26) Nhiều người đã thắc mắc: ở Việt Nam hiện nay, dụng cụ ghi băng đâu cũng có, tại sao không dùng để ghi lại những lời di chúc và di huấn nói trên rồi chép ra? Chúng tôi cũng không hiểu tại sao các tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang cũng như nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã làm to chuyện mấy cái thông bạch, chúc thư và di huấn của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu? Dù Hòa Thượng Đôn Hậu không viết thông bạch hay chúc thư gì cả, các tăng sĩ còn lại trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang vẫn có thể làm tất cả những gì cần phải làm theo sự diễn biến của thời cuộc. Chỉ khi nào không đủ uy tín để hành động mới phải viện tới chúc thư và di chúc mà thôi. ° Những văn thư "mật" hay "tuyệt mật" Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế ở Paris do ông Võ Văn Ái làm Giám Đốc đã cho phổ biến khá nhiều văn thư "mật" hay "tuyệt mật", được nói là thu được của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam chỉ thị đàn áp Phật Giáo. Nhưng nghiên cứu kỹ, người ta thấy cả hình thức lẫn nội dung của một số văn thư đó có nhiều nghi vấn: Văn thư "mật" số 125/TBDV đề ngày 17.8.1992 của Ban Dân Vận Trung ương ở Hà Nội "Về việc Huyền Quang và số Phật tử hoạt động chống đối", do ông Võ Văn Ái phổ biến, có lối hành văn và cách dùng chữ không hề thấy trong các văn thư hành chánh của Việt Cộng. Ngay trong phần trích yếu, hai chữ "Phật tử" được dùng cũng đã làm cho người đọc nghi ngờ. Việt Cộng không bao giờ chịu nhận họ chống "Phật tử" mà nói họ chỉ chống "bọn xấu", "bọn phản động đội lốt tôn giáo". Trong văn thư người ta thấy có các chữ "Phật Giáo hải ngoại" hoặc "đề nghị triển khai một số công tác gấp".. Đó là những chữ, những cụm từ Việt Cộng không bao giờ dùng. Họ gọi là "Phật Giáo nước ngoài" và "kiến nghị triển khai khẩn trương một số công tác" v.v... Đọc văn thư "tuyệt mật" số 106/PA 15-16 của Giám Đốc Công An tỉnh Quảng Trị làm tại Đồng Hà ngày 18.8.1992, gởi Thường Vụ Tỉnh Ủy Quảng Trị, chúng ta còn thấy nhiều chuyện khôi hài hơn nữa. Người đọc có cảm tưởng như đây là là một bài ca tụng sức mạnh vô cùng to lớn của khối Phật Giáo Ấn Quang ở trong nước cũng như trên toàn thế giới, chứ không phải là văn thư của một cơ quan công an cấp tỉnh viết cho cấp trên để xin chỉ thị về cách thức đối phó với các tổ chức Phật Giáo tại Quảng Trị. Văn thư có những đoạn viết như sau: "Ở Việt Nam vẫn có 22 Hệ phái Phật Giáo khác nhau... Song trong đó Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (Phật Giáo Ấn Quang) là giáo hội chủ lực trong các giáo phái.." Sau khi nhận được tâm thư nói trên (của Thích Hải Tạng), ngày 3.10.1991 giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất tại Hoa Kỳ, Canada, Úc và Tân Tây Lan trong tuyên cáo đã quyết định những mục tiêu sau: 1) Tích cực thực hiện công cuộc đoàn kết hòa hợp tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại. 2) Đòi hỏi chính quyền Việt Nam hiện tại phục hồi về phương diện pháp lý nhân sự và tài sản của giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất.." Văn thư dài gần 6 trang báo, liệt kê đầy đủ các việc xẩy ra trong nước và mọi việc giao dịch giữa Giáo Hội Ấn Quang trong nước với Giáo Hội Ấn Quang hải ngoại từng giai đoạn, giống như một cuốn nhật ký, chứng tỏ trình độ nghiệp vụ của người làm văn thư giả còn quá non nớt, không lừa dối được ai. Rõ ràng những văn thư mật hay tuyệt mật đó là những thứ "made in Paris" hay "made in USA", do những người không hiểu biết nhiều về Việt Cộng đã chế ra chứ không phải thứ "made in Vietnam". Trong thời gian chống chế độ Ngô Đình Diệm, sau khi Ủy Ban Liên Bộ và Ủy Ban Liên Phái ký Thông Cáo Chung, Thượng Tọa Thích Trí Quang cũng đã cho đưa ra một "mật điện" giả được nói là của Phủ Tổng Thống đánh đi, chỉ thị không thi hành Thông Cáo Chung. Mục tiêu của "mật điện" giả này là tạo mục tiêu mới để hô hào tiếp tục tranh đấu. Nhưng "mật điện" giả đó đã bị lật tẩy không có gì khó khăn vì được soạn thảo một cách quá vụng về. Trong một cuộc tranh đấu chính trị (chớ không phải tôn giáo), loan tin đồn thất thiệt, thổi phồng tin tức không quan trọng, giả mạo văn thư v.v. để kích động dư luận quần chúng là chuyện Việt Cộng thường làm. Nếu bắt chước Việt Cộng mà không nghiên cứu kỹ loại vũ khí hai mặt này, có thể bị phản ứng ngược lại. d) Lộng giả thành chân Kể từ khi các chế độ cộng sản Âu Châu bị sụp đổ, một hiện tượng lạ đã xuất hiện, đó là nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang đã từng chứa chấp và yểm trợ cho những thành phần theo Cộng Sản trong mấy chục năm qua, luôn ca tụng Cộng Sản và tiếp tay cho Cộng Sản trong chiến dịch "Bông Sen Đỏ", kêu gọi hòa hợp hòa giải, giao lưu văn hóa và hợp thương để tiếp sức cho chế độ cộng sản trong nước, bỗng dưng quay lại tố cáo những thành phần đã chống Cộng thật sự và đã từng bị Cộng Sản bách hại một cách tinh vi và dã man, là những kẻ đã làm tay sai của Cộng Sản: - Nhóm viết cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi và ký tên Đỗ Mậu đã cho tái bản cuốn này, có thêm lên phần "Giáo Hoàng Paul VI đã tiếp tay Cộng Sản tiến chiếm miền Nam". - Nhóm Chu Văn Trình quảng cáo những sách tố cáo "tội ác của Vatican", "Gia Tô Thực Dân Sử Liệu". - Nhóm Bông Sen tố cáo Công Giáo "chỉ chống Cộng giả mạo hay chống Cộng khi có quyền lợi", còn Phật Giáo (nhóm Ấn Quang) "không ngừng tranh đấu, hy sinh chống sự xâm lăng tàn phá của đế quốc Vatican và đế quốc cộng sản". Trong tạp chí Bông Sen số 18, Lê Hiếu Liêm viết: "Chụp mũ người lãnh đạo Phật Giáo đứng đầu sóng gió đối kháng với bạo lực cộng sản ngay trong nước, trong khi chính họ (Công Giáo) đã từ lâu thỏa hiệp với cộng sản, cho thấy rõ ràng những kẻ bán linh hồn cho Vatican đang cố tình phá hoại cuộc tranh đấu cho nhân quyền và tự do dân chủ của toàn thể quốc dân.. Tuy nhiên, ngày nay mọi người đều biết rõ ai đang vì dân tộc hy sinh cả thân mạng để đối kháng với bạo lực độc tài, và ai vì những quyền lợi riêng tư thỏa hiệp với bạo lực và bán đứng dân tộc." Sau khi lập luận như vậy, Lê Hiếu Liêm (Lý Khôi Việt) đã đưa ra những chuyện hoang đường để tố cáo Thiên Chúa Giáo đánh phá Phật Giáo với mục đích kích động lòng căm thù tôn giáo, như chuyện "những thân binh Thiên Chúa Giáo của Linh mục Lê Hữu Từ trong thời gian tập trung về Hà Nội để rút vào Nam theo hiệp định Genève đã phá hủy chùa Một Cột trước khi rút đi" hay chuyện một "cán bộ Thiên Chúa Giáo" trong Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh đã "hạch sách, nạt nộ, sai khiến chư tôn Giáo Phẩm cao cấp của Giáo Hội". Với những thành tích theo Cộng Sản chứa đầy trong lịch sử mà chúng tôi đã trình bày trong các chương trước, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung không cách gì lộng giả thành chân để "hoá giải" được. NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH TRẠNG KHÔNG ĐỊNH HƯỚNG ĐƯỢC Các nhà phân tích cho rằng những hiện tượng bất thường trong mục tiêu và đường lối đấu tranh của nhóm Phật Giáo cực đoan gốc miền Trung trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang bắt nguồn từ những những nguyên nhân sâu xa sau đây: ● Mặc cảm vì có sự liên kết lâu đời với Cộng Sản Những thành phần theo Cộng Sản trong nửa thế kỷ qua, khi bị đá văng ra, quay trở lại với hàng ngũ chống Cộng, đã mang trong mình một mặc cảm tội lỗi. Muốn xóa bỏ mặc cảm đó, không có cách nào khác hơn là lộng giả thành chân, tìm mọi cách ngụy tạo để chứng minh họ không hề theo Cộng Sản mà trái lại, trong nửa thế kỷ qua họ là nạn nhân của Cộng Sản và hiện họ đang bị Cộng Sản đàn áp nặng nề hơn bất cứ tổ chức nào khác, đồng thời họ quay lại tố cáo những thành phần đã chống Cộng trong nửa thế kỷ qua là tiếp tay cho Cộng Sản hoặc đang thỏa hiệp với Cộng Sản. Mặt khác, sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản đang đến trước mắt và họ muốn họ phải là những người có công đầu trong việc làm sụp đổ chế độ Cộng Sản chứ không phải những người đã liên tục chống Cộng trong hơn nửa thế kỷ qua! ● Mặc cảm bị "hóa giải", bị "quốc doanh hóa" Trước đây nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đã đưa ra chủ trương dùng Cộng Sản để tiêu diệt Công Giáo rồi sau đó dùng cái mà họ gọi là "đạo dân tộc" để "hóa giải" Cộng Sản, do đó đã có một sự hợp tác chặt chẽ giữa nhóm này với Cộng Sản. Nhưng nay họ nhận ra rằng giai đoạn cáo chung của các chế độ cộng sản trên thế giới đang đến trước mặt, vai trò lịch sử của các chế độ cộng sản sắp chấm dứt, nên chủ trương "dùng Cộng Sản để diệt Công Giáo" không còn có căn cứ và hợp thời nữa. Tại Đông Âu, chính Thiên Chúa Giáo và các sắc tộc đã đứng lên gạt bỏ các chế độ Cộng Sản. Việc dùng cái gọi là "đạo dân tộc" để "hóa giải" Cộng Sản cũng tỏ ra phiêu lưu. Sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam, Cộng Sản chẳng những không bị "hóa giải" mà trái lại chính những kẻ mơ "hóa giải" Cộng Sản lại bị Cộng Sản "hóa giải", bằng "quốc doanh hóa"! Để xóa tan mặc cảm bị "hóa giải", bị "quốc doanh hóa" nói trên, trong tờ Bông Sen số 17, các tác giả đã nói khá nhiều đến sức mạnh "hóa giải " vô địch của Phật Giáo và tiên báo cả Cộng Sản, Công giáo và Hồi giáo sẽ bị đào thải, chỉ Phật Giáo là còn tồn tại mãi mãi! Về sức mạnh hóa giải của Phật Giáo, chúng tôi không dám lạm bàn. Vả lại, sự hóa giải của đạo Phật là sự hóa giải những đau khổ của nhân loại chứ không phải "hóa giải" theo cung cách mà những người mượn danh nghĩa Phật Giáo đã chủ trương, tức tiêu diệt kẻ khác. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng nhóm nói trên đang cố gắng đề cao sức mạnh "hóa giải" vô địch của Phật Giáo với mục đích che đậy những sự thảm bại do các chủ trương sai lầm của họ đem lại mà thôi. ● Sự xót xa của thân phận bị loại Chính sách của Cộng Sản là vắt chanh bỏ vỏ. Hồ Chí Minh lấy cán bộ hộ lý là có thai rồi sai người đưa đi thủ tiêu một cách không thương xót. Cũng vậy, Việt Cộng coi các phong trào đấu tranh được phát động tại miền Nam trước đây, các phong trào phản chiến và ngụy hòa được nuôi dưỡng ròng rã từ 1940 đến 1975 và cả sau này ở hải ngoại, chỉ là những tổ chức ngoại vi của Đảng, những công cụ giai đoạn để làm suy yếu tinh thần của phe chống Cộng. Khi nhận thấy các công cụ này không còn tác dụng, bị lật tẩy, thiếu trung thành hay không cần thiết nữa, Việt Cộng loại ra và thay thế bằng các công cụ mới phù hợp với giai đoạn mới hơn. Những thành phần bị loại cảm thấy đau xót, quay lại chống chế độ Cộng Sản thì không chống nổi, trở về với hàng ngũ quốc gia thì bị nghi kỵ, bị đối xử lạnh nhạt. Trước tình trạng tấn thối lưỡng nan này, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đang cố gắng ngụy tạo cho mình một thế đứng mới: vừa lên án Cộng Sản, vừa lên án phe quốc gia, và tự coi mình như một "thành phần thứ ba", đứng ra "hòa giải" dân tộc. Tuy bên ngoài la lối om sòm, đánh phá lung tung, nhưng trong lòng vẫn phải ngậm đắng nuốt cay. Một đoạn sau đây trong "Đơn xin cứu xét nhiều việc" của Hòa Thượng Huyền Quang cũng đủ cho thấy tâm trạng đau xót đó: "Tôi cũng biết trong số quý vị lãnh đạo cao cấp hiện nay, rất nhiều vị là Phật tử, thuộc thành phần trí thức Phật Giáo, thậm chí có một số vị khi còn hoạt động bí mật, đã vào chùa mặc áo tu sĩ. Nhưng sau khi nước nhà thống nhất, các cấp chính quyền đã đối xử với Phật Giáo chúng tôi như thế nào? Lấy chùa lớn, chùa nhỏ, lấy ruộng dù có một sào, không cho chùa nuôi tăng chúng kế thừa, không trường giới, trường giảng, trường học v.v. Hay Nhà nước xem Phật Giáo chúng tôi là kẻ thù? Nên đã đối xử với chúng tôi tệ bạc như vậy!" ĐI TÌM MỘT LỐI THOÁT? Sự tương quan lâu đời giữa nhóm tăng sĩ và Phật tử miền Trung trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang với Việt Cộng, sự gia nhập của đa số tăng sĩ Phật Giáo Ấn Quang vào Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh (trên 80%), trong đó có các Giáo phẩm cao cấp thuộc thành phần lãnh đạo Giáo Hội như các Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thủ, Thích Trí Tịnh, Thích Trí Quảng, Thích Quảng Liên, Thích Minh Châu..., sự giúp đỡ của nhà cầm quyền cho các sư quốc doanh tái lập các cơ sở Phật Giáo và làm Phật sự dễ dàng để tăng uy tín cho các sư này, tình trạng Phật tử vẫn đi lễ Phật đông đảo ở các chùa do Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh quản lý, học tăng vẫn được đào tạo trong các trường Phật Giáo cơ sở hay cao cấp do các sư quốc doanh tổ chức và giảng dạy v.v. Tất cả những sự kiện đó đã đặt nhóm tăng sĩ chống đối nhà cầm quyền vào tình trạng lúng túng. Gom được đa số tăng sĩ của khối Phật Giáo Ấn Quang vào Giáo Hội Phật giáo quốc doanh và dẫn Phật tử đi theo các sinh hoạt của Giáo Hội này, Việt Cộng đã làm cho cái thế phản kháng của các thành phần còn lại yếu hẳn đi! Đối với các tăng sĩ muốn lãnh đạo Giáo Hội Ấn Quang, các thông bạch, chúc thư và di chúc của Hòa Thượng Đôn Hậu rất quan trọng, vì phải dựa vào đó may ra mới tạo lại được quyền lực. Nhưng đối với những thành phần chỉ biết tu hành, không màng quyền lực thì những văn kiện đó có hay không có, giả hay thật, không có gì quan trọng, họ vẫn đi con đường họ đang đi. Chính trong tình trạng đó, Giáo Hội Ấn Quang không biết phải hành động thế nào cho thích hợp. Trong bài phóng sự Tường Trình Sinh Hoạt Phật Sự tại Việt Nam đăng trên Bông Sen số 20, Trần Tâm Nguyên (tức Lê Hiếu Liêm) đã đưa ra giải pháp như sau: "Chính quyền cần phải đối thoại với GHPGVN Thống Nhất và Giáo Hội cần phải đối thoại với chính quyền. Đó là nhận định dứt khoát của tôi để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia và của Phật Giáo. Chính quyền không thể tiêu diệt Phật Giáo. Phật Giáo không thể lật đổ chính quyền, và vì quyền lợi tối thượng của tổ quốc, chính quyền lẫn Phật Giáo không thể duy trì tình trạng khủng hoảng như hiện tại vì Việt Nam đang ở trong một tình thế hiểm nghèo do tham vọng xâm lăng của Trung Quốc, một sự đồng thuận dân tộc phải có để tránh khỏi tình trạng bị dày xéo và nô lệ. Phật Giáo có những mục tiêu căn bản của mình. Ta có thể đạt những mục tiêu này bằng sự tranh đấu hay bằng sự đối thoại???? Lợi và hại của hai phương thức này ra sao? Tranh đấu đến mức độ nào? và đối thoại trên căn bản nào? Thiên Chúa Giáo VN cũng có những mục tiêu căn bản của họ và luôn đạt được những mục tiêu này bằng con đường thầm lặng, ít tốn kém và có hiệu quả cao. Tăng ni, Phật tử VN phải suy nghĩ về vấn đề sinh tử này, đây có công án quyết định sinh mệnh của quý vị và của dân tộc." Nhìn chung, nhóm Phật giáo cực đoan miền Trung đã đi theo Cộng Sản trước đây mong muốn có một sự hòa giải với Cộng Sản hơn là lật đổ chế độ cộng sản như ở Đông Âu. Chỉ có hòa giải mới có thể giải tỏa được những vướng mắc trong 50 năm qua. Với những vướng mắc đó, nếu chế độ cộng sản bị lật đổ như ở Đông Âu thì dù có lộng giả thành chân cách gì đi nữa cũng không thể trở thành "công thần chống Cộng" được. Không trở thành "công thần chống Cộng" thì không cách gì nắm được ưu thế trên chính trường, lại còn bị lật tẩy. Hòa giải là lối thoát duy nhất còn lại. Chuyện thảm họa Trung Quốc chỉ là con ngáo ộp được đưa ra để hù dọa trẻ con mà thôi. Nhưng đứng ở cái thế nào để hòa giải? Trước hết, với nhận định và giải pháp đã đưa ra trên, Trần Tâm Nguyên đã cố tình đồng hóa tông phái Phật Giáo Ấn Quang với toàn thể Phật Giáo Việt Nam và đề cao vai trò của tông phái Ấn Quang hơi quá đáng. Đi thương lượng mà không chịu nhận chân thế đứng và thực lực của mình, nghĩa là tri bỉ tri kỷ thì làm sao thương lượng thành công? Thứ hai, không thể so sánh vị thế của Giáo Hội Ấn Quang với Thiên Chúa Giáo La Mã được. Thiên Chúa Giáo La Mã có hai thế đứng: Tòa Thánh Vatican vừa là một Giáo Hội, vừa là một quốc gia theo quốc tế công pháp, cho nên có thể nói chuyện ngang hàng với nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam qua đường lối ngoại giao. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là một thành phần của cộng đồng quốc gia, tuy chưa bao giờ nài xin một "quy chế đặc biệt" nào cả, nhưng là một thực thể có tổ chức chặt chẽ, đại diện toàn thể Công Giáo Việt Nam, không bị ai phủ nhận, kể cả nhà cầm quyền. Giáo Hội này lại đứng ngoài chính quyền, hoạt động độc lập trong giới hạn của luật pháp quốc gia. Với hai cái thế đứng như vậy, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam có tư thế mạnh để nói chuyện với nhà cầm quyền. Phật Giáo Việt Nam chỉ là một thành phần của cộng đồng quốc gia và hiện nay bị đặt nằm trong chính quyền. Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang chỉ là một thành phần trong khối Phật Giáo Việt Nam, đang tìm cách đứng ra ngoài chính quyền. Như vậy, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang không có một thế đứng như Giáo Hội Thiên Chúa Giáo khi thương lượng với nhà cầm quyền. Cái thất lợi thứ hai là nhà cầm quyền đã nắm được trong tay đa số tăng sĩ và cơ sở của Phật Giáo Việt Nam. Tại Thừa Thiên, căn cứ địa phát xuất những cuộc tranh đấu khốc liệt và đẫm máu của Giáo Hội Ấn Quang, các tăng sĩ cũng phải chờ Hội Đồng Trị Sự Trung ương của Giáo Hội quốc doanh tấn phong Thượng Tọa hay Hòa Thượng. Trong tình trạng như vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy "Đơn xin cứu xét nhiều việc" của Hòa Thượng Huyền Quang chỉ khiếu nại để xin nhà cầm quyền giải quyết chứ không đặt vấn đề thương thuyết để tìm một giải pháp thích hợp cho cả hai bên. Nhưng khó khăn chính mà Giáo Hội Ấn Quang phải đương đầu không phải là chính quyền mà là thành phần các cấp lãnh đạo của Giáo Hội. Sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam, Giáo Hội Công Giáo miền Nam không phải đi thương lượng với Giáo Hội Công Giáo miền Bắc để thống nhất. Giáo phẩm của hai miền gặp nhau tay bắt mặt mừng, coi nhau như anh em một nhà, giúp đỡ nhau cả tinh thần lẫn vật chất và hợp nhau thành một Giáo Hội duy nhất, có một Hội Đồng Giám Mục duy nhất, hướng dẫn Giáo Hội trên toàn quốc. Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã dùng mọi cách để quấy phá không cho Giáo Hội hai miền thống nhất nhưng không ngăn cản được và cuối cùng đành phải chấp nhận thực trạng Việt Nam có một Giáo Hội Công Giáo duy nhất. Những thành phần đi theo quốc doanh chỉ là một thiểu số, không có chức vụ gì quan trọng trong Giáo Hội. Điều này cho thấy, sức mạnh của tôn giáo không nằm ở tỷ lệ đại diện 5%, 10%, 100% hay 1.000% dân chúng mà nằm ở cơ cấu tổ chức và đức tin của người tín hữu. Khi mà đa số các nhà lãnh đạo từ trung ương tới địa phương chấp nhận sống dưới sự điều hành của một Giáo Hội quốc doanh thì sự lũng đoạn không thể tránh khỏi được. Trong "Đơn xin cứu xét nhiều việc", Hòa Thượng Huyền Quang đã nhìn nhận: "Chúng tôi nhận thấy thành phần lãnh đạo Giáo Hội Nhà Nước, hầu hết là các vị Giáo Phẩm cao cấp của Giáo Hội Thống Nhất (tức Giáo Hội Ấn Quang). Vì nhiều lý do: đa phần là nhu nhược, bị ép buộc ra tham gia, đã từ bỏ Giáo Hội chúng tôi ra đi với tư cách cá nhân, không có một lời từ nhiệm." Hai Hòa Thượng Đôn Hậu và Trí Quang đã từng bị Pháp bắt giam và tra tấn. Nếu không có sự can thiệp của bà Từ Cung, Thái Hậu của vua Bảo Đại, Pháp đã đem đi bắn. Hai vị giáo phẩm cao cấp này giống như những con chim bị đạn, không dám công khai cưỡng lại những sự áp đặt của nhà cầm quyền để cứu mạng sống của chính mình. Các giáo phẩm cao cấp khác không có kinh nghiệm về thủ đoạn cộng sản nên đã bị đưa vào mê hồn trận, không tìm được lối ra. Ngày xưa, Vũ Vương đem quân đi đánh vua Trụ, Bá Di và Thúc Tề nghe thấy, ra nắm dây cương cản lại. Các vệ thần toan giết Bá Di và Thúc Tề, nhưng Thái Công can gián và nói rằng không nên giết vì hai ông ấy là người nghĩa, rồi sai quân kẻo cả hai người ra mà đi. Khi Vũ Vương lấy được thiên hạ, ai cũng tôn nhà Chu, Bá Di và Thúc Tề lấy việc mất nước làm xấu hổ, bỏ vào núi ở, nhặt rau nhặt cỏ mà ăn, không chịu ăn thóc gạo của nhà Chu. Có người đi qua thấy thế đã nói: "Thiên hạ là của nhà Chu, đâu phải chỉ có thóc gạo, rau cỏ trong rừng cũng của nhà Chu, sao lại ăn như thế?" Nghe câu nói đó, Bá Di và Thúc Tề không ăn rau cỏ nữa, nhịn đói mà chịu chết. Trong xã hội ngày nay, nếu các giáo phẩm cao cấp đều như Bá Di và Thúc Tề cả, làm sao Giáo Hội Ấn Quang trở thành quốc doanh được? Trong tháng 10 năm 1993, các tăng sĩ ở Thừa Thiên đã gởi cho Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự Trung ương Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh một kiến nghị thư và thưa: "Đạo vốn không danh tướng, nên người hành đạo phải lìa danh tướng mới tuyên dương được Đạo. Chúng con là những thành viên tăng tại trú xứ Thừa Thiên - Huế, rất lấy làm thương xót Hòa Thượng, vì thấy Hòa Thượng tuổi đã già, sức đã yếu, đem thân gánh vác Phật sự, mà bị bao vây bởi những danh tướng không đâu, chẳng có chút gì với đạo lý giải thoát, giác ngộ của chư Phật." Chỉnh đốn lại cơ chế và hàng ngũ chư tăng là điều kiện tiên quyết để vượt ra những khó khăn. Lộng giả thành chân hay kích động lòng căm thù tôn giáo để làm động lực đấu tranh và (?) không phải là một phương thức giải thoát. Trong cuốn Bạch Thư công bố ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã nhận xét về cuộc đấu tranh của Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Ấn Quang như sau: "Cuộc đấu tranh hiện nay tại Việt Nam do Hòa Thượng Huyền Quang lãnh đạo thực vô cùng khó khăn. Khó khăn bởi bao mưu cơ, sảo thuật của Cộng Sản bao vây. Khó khăn ngay trong nội bộ Giáo Hội Thống Nhất Ấn Quang cũ, nằm trong Giáo Hội Nhà Nước, ngăn trở. Khó khăn bởi Hiến Chương "tập quyền, kỳ thị" thiếu thiện cảm với các Giáo Phái Phật Giáo khác. Và, có thể có khó khăn với các tôn giáo khác, qua nhận xét sâu xa". Các sự kiện và nhận định vừa trình bày trên cho thấy đến nay Giáo Hội Ấn Quang vẫn chưa có một hướng đi rõ rệt, trái lại các hành động thiếu kiểm soát của một số thành viên trong Giáo Hội càng ngày càng tạo thêm nhiều phản ứng bất lợi cho Giáo Hội. TỔNG KẾT VỀ BỐN CUỘC THÁNH CHIẾN Sau khi trình bày diễn tiến của bốn cuộc thánh chiến do nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung phát động và những bí ẩn đằng sau các cuộc thánh chiến đó, chúng ta nhận thấy những điểm sau đây: Mục tiêu và phương thức đấu tranh Nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung luôn nói rằng họ chỉ tranh đấu cho quyền tự do và bình đẳng về tôn giáo chứ không nhắm các mục tiêu chính trị. Nhưng nhìn qua các cuộc thánh chiến do nhóm này phát động từ năm 1963 đến nay, chúng ta thấy mục tiêu mà nhóm đưa ra đã thay đổi mỗi khi chuyển từ giai đoạn đoạn này qua giai đoạn khác. Dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm, mục tiêu được dựng lên là chống đàn áp Phật Giáo, đòi tự do và bình đẳng tôn giáo. Khi chính phủ Ngô Đình Diệm vừa sụp đổ, mục tiêu quay sang diệt "dư đảng Cần Lao". Tiếp theo là đòi tự do dân chủ, rồi đến đòi bảo vệ Hiến Chương Phật Giáo. Sau khi Cộng Sản chiếm được miền Nam, mục tiêu lúc đầu là đòi được "cải tạo theo chủ nghĩa cộng sản", để thống lãnh Phật Giáo toàn quốc, sau đó biến qua đòi quyền tự do tôn giáo. Các cuộc khảo sát cho thấy những mục tiêu được nêu trên chỉ là những mục tiêu biểu kiến, những mục tiêu giả định, hay nói đúng hơn, chỉ là những chiêu bài. Nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung cho rằng từ thời Pháp thuộc đến thời Ngô Đình Diệm, Phật Giáo đã bị ngược đãi, bị đối xử bất bình đẳng. Nhưng các tài liệu chúng tôi đã dẫn chứng cho thấy dưới thời Pháp thuộc, Phật Giáo chẳng những không bị ngược đãi mà còn được nhà cầm quyền Pháp giúp cho phát triển mạnh. Thời kỳ đó đã được các sử gia Phật Giáo mệnh danh là "thời kỳ phục hưng Phật giáo". Toàn Quyền Pháp đã cho các viên chức thuộc địa cao cấp đứng ra thành lập và điều hành các hội Phật học. Triều đình Huế đã nâng đỡ Phật Giáo một cách đặc biệt. Phật giáo đã phát triển nhanh chóng đến mức cả nhà Nho lẫn Đảng Cộng Sản Đông Dương phải lên tiếng cảnh giác việc thực dân Pháp dùng Phật Giáo để ru ngủ các sĩ phu và ngăn cản phong trào chống Pháp. Các "sử gia Phật Giáo" đã cố gắng đưa nhiều bằng chứng và lập luận chứng minh dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm, Phật tử đã bị bắt buộc phải theo đạo Công Giáo và Phật Giáo đã bị đối xử bất bình đẳng, bị ngược đãi và bị đàn áp. Trong cuốn "Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử", Thượng Tọa Thích Tuệ Giác có kể lại một số trường hợp Phật tử bị bắt buộc bỏ đạo Phật để theo đạo Thiên Chúa như sau: - Ngày 20.11.1961, ở xã Sơn Mỹ, Quận Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, hai ông Lưu Truyền và Lưu Đạt là người Thiên Chúa Giáo, đại diện chính quyền bắt các Phật tử Ngô Ngạt, Ngô Phong, Đỗ Hoài, Nguyễn Đài, Võ Trung, Nguyễn Văn Đường và Nguyễn Ký phải làm phép rửa tội, nếu không sẽ bị bắt đi cải huấn ít nhất ba tháng. - Ngày 12.12.1961, Hội Đồng Xã Sơn Trung ở Quảng Ngãi tổ chức lớp học về thuyết Duy Linh trong 4 ngày, sau đó buộc các học viên phải ký giấy bỏ đạo Phật theo đạo Thiên Chúa. - Ông Võ Oanh và vợ là Lê Thị Bân ở xã Hòa Vinh, Phú Yên, bị bắt ra Quận giam ngày 24.1.1962 và buộc phải theo Thiên Chúa Giáo mới được tha. v.v. Một số sách khác viết về các cuộc đấu tranh của Phật Giáo xuất bản sau cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 như cuốn Phật Giáo Tranh Đấu của Quốc Oai, Lửa Thiêng Đạo Mầu của Lan Đình và Phương Anh, Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm của Nguyệt Đam và Thần Phong cũng đều đã viết với luận điệu tương tự. Tuy nhiên, cả người viết lẫn "nhân chứng" được đưa ra đều không biết một chút gì về tổ chức của đạo Công Giáo nên đã vu khống một cách quá vụng về. Điều 851 của Bộ Giáo Luật (Canon) buộc những người lớn tuổi muốn chịu phép rửa tội phải được nhận vào một lớp dự tòng và tùy mức độ có thể, được hướng dẫn khai tâm qua nhiều giai đoạn khác nhau. Chương trình học đạo để xin chịu phép rửa tội này thường kéo dài từ 6 tháng đến một năm và luật buộc linh mục không được làm phép rửa tội cho những người chưa thông hiểu phần giáo lý căn bản hay tỏ ra không thật sự tin đạo. Có nhiều người đã qua các lớp dự tòng trong một thời gian khá dài nhưng vẫn không được chịu phép rửa tội vì chưa hội đủ điều kiện luật định. Như vậy làm gì có chuyện nhân viên chính quyền Ngô Đình Diệm đi bắt người khác phải rửa tội? Giả sử có viên chức của chính quyền làm chuyện khờ dại đó đi nữa, chắc chắn không một linh mục nào chịu nhận cho vào đạo những người không tin đạo. Giả thiết dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm có sự đàn áp Phật Giáo thật thì sự đàn áp đó cũng không nghĩa lý gì so với các cuộc đàn áp đẫm máu do nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung gây ra từ 1964 đến 1966. Tai biến trước đài phát thanh Huế trong đêm 8.5.1963 chỉ gây thiệt mạng cho 7 người và 1 người bị thương. Trong khi đó, ngày 28.8.1964, lực lượng tranh đấu của Thích Trí Quang đã thiêu rụi hai giáo xứ Thanh Bồ và Đức Lợi ở Đà Nẵng làm cho 11 người bị chết, 42 người bị thương và hàng ngàn người không nơi cư ngụ. Lực lượng này còn tổ chức ám sát đảng viên của các đảng phái quốc gia, các nhà báo, mưu sát Thượng Tọa Thích Từ Quang và Thượng Tọa Thích Tâm Châu, đốt phá thư viện và tòa báo, bắt giam Tỉnh Trưởng và Quận Trưởng ở Quảng Nam vì theo phe chính phủ, bắt toàn bộ các Giáo Phẩm lãnh đạo Viện Hóa Đạo Việt Nam Quốc Tự đem về giam ở chùa Ấn Quang. Tôn giáo mà có cả ban ám sát do một Thượng Tọa cầm đầu là thứ tôn giáo gì? Nhìn lui lại lịch sử một chút, trong thời phong kiến, đã có sự tàn sát 130.000 giáo dân với những hình thức man rợ nhất thế giới và 3.000 giáo xứ đã bị đốt cháy. Tội đó thuộc về ai? Muốn biết chính phủ Ngô Đình Diệm có ưu đãi Thiên Chúa Giáo và ngược đãi Phật Giáo hay không, chúng ta hãy đọc đoạn dưới đây do cựu Tổng Thống Nixon viết trong cuốn No More Vietnams: "Việc cho rằng có sự đàn áp Phật Giáo là hoàn toàn bịa đặt. Ông Diệm đã cử nhiệm những viên chức cao cấp không căn cứ vào tín ngưỡng của họ. Trong 18 vị Bộ Trưởng có 5 theo Công Giáo, 5 theo Khổng Giáo, và 8 theo Phật Giáo, kể cả Phó Tổng Thống và Bộ Trưởng Ngoại Giao. Trong 38 Tỉnh Trưởng thì có 12 người theo Công Giáo, 26 người theo Phật Giáo hay Khổng Giáo. Trong 19 tướng lãnh, có 3 theo Công Giáo và 16 theo Cao Đài, Khổng Giáo hay Phật Giáo. Ông Diệm đã miễn nghĩa vụ quân sự cho các tăng sĩ Phật Giáo, trong khi người Công Giáo và các tín đồ khác phải thi hành nghĩa vụ này. Không một Phật tử nào đã bị bắt vì hành đạo và không một bằng chứng đáng tin cậy nào có thể minh chứng ông Diệm đã đàn áp Phật Giáo"(28) Một người thứ hai đã vô tư trả lời câu hỏi trên mà nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung không thể phủ nhận được, đó là ông Mai Thọ Truyền, Chủ Tịch Hội Phật Học Nam Việt. Ông đã từng tham gia chiến dịch chống chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1963, nhưng khi nhận ra sự thật, ông rút khỏi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và nói: "Ông Diệm không ác như người ta tưởng. Có chuyện Phật Giáo xẩy ra, ông ấy cũng khổ. Ông ấy là người lợi dụng. Và nếu không cho lợi dụng, ông ấy xé bỏ hè, chứ ông ấy không đến nỗi ngược đãi (persécuter). Bọn thừa hành ở dưới xem lãnh tụ quay hướng nào thì chiều lòng cấp trên để trục lợi."(29) Người thứ ba có công rất nhiều trong việc bảo trợ cho Hội An Nam Phật Học ở Huế cũng đã phải lên tiếng cải chính những lời bịa đặt của nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung về sự đàn áp Phật Giáo, đó là Hoàng Đế Bảo Đại: "Khi các sư sãi, do Mỹ và tay sai của Việt Cộng điều động, bắt đầu lao mình vào những cuộc biểu tình, thì nhà cầm quyền phải đối phó lại. Nhưng Diệm Nhu là người Công Giáo, vì vậy sự đối phó của nhà cầm quyền bị coi là mang màu sắc tôn giáo."(30) Những sự giúp đỡ của chính phủ Ngô Đình Diệm cho Phật Giáo mà chúng tôi đã trình bày ở Chương I không phải là không đáng kể. Ông Diệm là người Công Giáo nên luôn tìm cách mua chuộc Phật Giáo. Ông Ngô Đình Cẩn đã giúp Thích Trí Quang xây dựng Hội Phật Học Trung Phần. Trái lại, chính phủ Ngô Đình Diệm đã không giúp Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được việc gì. Giáo Hội này đủ sức tự túc không cần nhờ đến bất cứ chính quyền nào. Cuộc thánh chiến từ 1964 - 1966 được gọi là cuộc thánh chiến đòi thiết lập thể chế dân chủ. Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung tin rằng nếu có bầu cử Quốc Hội và Tổng Thống, họ sẽ nắm được chính quyền vì đa số đang ở trong tay họ. Nhưng người Mỹ, đa số chính khách và các tướng lãnh miền Nam hiểu rằng nếu nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung nắm được chính quyền, một chế độ chuyên chế sẽ được áp đặt và sau đó chính quyền sẽ về tay Cộng Sản. Bằng chứng là trong khi đi tranh.đấu đòi một thể chế dân chủ, nhóm này đã tước đoạt ngay quyền trình bày chính kiến của các nhóm khác, bắt cóc và ám sát các thành phần đối lập, trấn át báo chí và công khai tuyên truyền cho Cộng Sản. Khi tình hình cho phép, các cuộc bầu cử được đã tổ chức tại miền Nam Việt Nam, nhưng nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung tuyên bố tẩy chay các cuộc bầu cử. Tại sao nhóm này đòi bầu cử rồi lại hô tẩy chay bầu cử? Tại vì lúc đó nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đang đi đến chỗ bị chia rẽ nghiêm trọng, bị lên án là thành phần hiếu động và thân Cộng, nên không còn có cơ hội thắng nổi trong các cuộc bầu cử. Vì thế nhóm này đã tuyên bố tẩy chay bầu cử. Nhưng tiếng nói của họ không được ai hưởng ứng, họ liền kiếm các cán bộ Cộng Sản nằm vùng trong phong trào đấu tranh của Phật Giáo để đưa ra tranh cử như Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Công Hoan, Phan Xuân Huy, Kiều Mộng Thu v.v. Dùng chiêu bài chống đàn áp Phật Giáo và đòi thể chế dân chủ để cướp chính quyền không được, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung liền quay qua tiếp tay với Việt Cộng chống Mỹ, ngụy hòa, đòi chấm dứt chiến tranh, thành lập chế độ "độc lập, trung lập và không liên kết". Chúng ta hãy nghe Thượng Tọa Thích Tâm Châu mô tả giai đoạn này trong cuốn Bạch Thư công bố ngày 31.12.1993: "Sau đó, Viện Hóa Đạo Ấn Quang chuyển hướng theo đường hướng "Hòa Bình Khuynh Tả". Viện Hóa Đạo Ấn Quang cử các vị ra nước ngoài liên lạc với các nhóm phản chiến, yêu cầu Mỹ rút quân, phản đối chính sách chống Cộng của Việt Nam Cộng Hòa, đòi hòa bình. Viện Hóa Đạo Ấn Quang cử Thượng Tọa Nhất Hạnh làm Trưởng Phái Đoàn Hòa Bình bên cạnh Hội Đàm Paris." Nhìn chung, tuy gọi là bốn cuộc "thánh chiến", nhưng các cuộc chiến này đều nhắm vào mục tiêu chính trị, tôn giáo chỉ là một chiêu bài. Chúng ta hãy nghe cựu Tổng Thống Nixon nói về điều này trong cuốn No More Vietnams: "Trong đầu óc của họ, đằng sau cơn biến động là chính trị chứ không phải tôn giáo. Một ít người có tham vọng chính trị đã cạo đầu, mặc áo thầy tu và điều khiển cuộc biến động tiến lên theo đúng lịch trình của họ. Lãnh tụ của họ là Thích Trí Quang, họ điều hành công việc từ chùa Xá Lợi ở Saigon. Nơi này không còn là một nơi trang nghiêm nữa. Máy in ronéo tuôn ra những tờ truyền đơn. Những người tổ chức đưa ra chỉ thị tổ chức biểu tình ở đâu trong ngày. Những người đưa tin vội vã ra đi với những biểu ngữ mới viết. Các ký giả và nhà nhiếp ảnh chạy quanh với hy vọng nhận được những lời tiết lộ từ bên trong về nơi có cuộc tự thiêu kế tiếp. Bất cứ ai nhìn qua cửa cũng có thế thấy rằng chùa Xá Lợi không còn là một nơi thờ tự mà là một bộ chỉ huy chính trị của một phong trào có ý định ít đổ chính phủ Ngô Đình Diệm..." "Thích Trí Quang vừa tìm cách lừa đảo thế giới vừa lừa đảo các nạn nhân của ông để đạt tới mục tiêu chính trị cuối cùng của ông. Khi ông Diệm đã nhượng bộ tất cả các mục tiêu hợp lý, Thích Trí Quang lại đưa ra những đòi hỏi không hợp lý để duy trì cuộc biến động tồn tại. Ông ta không quan tâm đến sự đồng thuận mà quan tâm đến sự bất đồng. Một tăng sĩ ở chùa Xá Lợi đã hỏi một ký giả: "Cần bao nhiêu người tự thiêu nữa để loại bỏ ông Diệm? "Thích Trí Quang không hề dấu diếm các mục tiêu thật sự của ông. Ông ta đã bị Pháp bắt hai lần vì hoạt động cho Việt Mình. Ông ta nhìn nhận rằng sau năm 1945, ông ta đã tham dự một tổ chức Phật Giáo, tổ chức này không gì khác hơn là là một tổ chức tiền phương của Cộng Sản nhằm yểm trở cho bộ đội của Hồ Chí Minh. Ông là đệ tử của Thích Trí Độ, lãnh tụ của Giáo Hội Phật Giáo miền Bắc do Cộng Sản điều khiển, và ông đã có lần nói rằng Phật Giáo tương hợp với chủ nghĩa cộng sản. Có lần một ký giả đã hỏi Thích Trí Quang rằng việc đẩy những tăng sĩ trẻ vào con đường tự sát một cách đau đớn như vậy chỉ để đưa ngọn cờ Phật Giáo bay cao hơn một hay hai nấc, có phù hợp với đạo lý không? Thích Trí Quang nhún vai và nói một cách bộc trực rằng "trong một cuộc cách mạng, bất cứ cái gì cũng phải làm hết".(31) Rốt cuộc chỉ là công cụ Trong cuộc tranh đấu chống chế độ Ngô Đình Diệm, tất cả hệ thống truyền thông của Hoa Kỳ đã được huy động để thổi phồng vụ Phật Giáo, nhằm tạo lý do cho cơ quan tình báo Hoa Kỳ tổ chức đảo chánh lật đổ chế độ này. Cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã được hệ thống truyền thông của Hoa Kỳ làm cho thế giới rung động. Qua vụ đó, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung cứ tưởng phương thức tự thiêu là phương thức tranh đấu có hiệu quả nhất nên đã đẩy hàng chục người khác ra tự thiêu trong các cuộc tranh đấu kế tiếp, nhưng không tạo được sự chú ý hay xúc động nào, trái lại còn bị tố cáo và chế giễu. Báo chí Mỹ đã phanh phui rất nhiều các vụ ép buộc tự thiêu. Trong cuốn No More Vietnams, cựu Tổng Thống Nixon viết: "Trong thời gian Liên Hiệp Quốc điều tra những sự cáo buộc ông Diệm, hai thanh niên Phật Giáo được ngăn chặn không cho tự thiêu đã khai Tổng Hội Phật Giáo của Thích Trí Quang đã tuyển mộ họ như thế nào. Cả hai được nghe kể những chuyện kinh khủng về chính phủ Ngô Đình Diệm đốt chùa, đánh đập, tra tấn và mổ bụng moi ruột Phật tử. Một người nói người đi tuyển mộ đã nói cho anh ta biết "Hội Phật Giáo hoạt động cho Cộng Sản" và Hội cần 10 người tình nguyện tự thiêu. Sau khi anh ta tình nguyện, người tuyển mộ nói rằng "nhóm phát động tự thiêu sẽ sắp xếp mọi sự". Công việc này gồm có việc cung cấp cho anh ta một cái áo có tẩm xăng, lái anh ta đến một nơi công cộng, viết cho anh ta những lá thư phản kháng để đưa cho các báo chí đang chờ đợi. Người kia từ một tỉnh xa xôi tới đã nói anh ta rất giận dữ khi nghe kể chuyện ông Diệm đã đốt các chùa ở Saigon. Anh ta tình nguyện chết khi anh ta được thuyết phục rằng hành động như vậy, anh ta có thể được đầu thai thành Phật. Anh ta được đưa vào thành phố và được cẩn thận dẫn đi những đường không đi ngang qua các chùa để đến nơi tự thiêu. Khi họ đổi lộ trình vì đường bị chận, anh ta bất chợt gặp một ngôi chùa, ở đó các Phật tử đang niệm Phật một cách bình an vô sự. Lúc đó anh ta tự động đến nộp mình cho cảnh sát"(32). Câu chuyện "tự thiêu" này chúng tôi biết nhiều hơn các ký giả ngoại quốc và cựu Tổng Thống Nixon, nhưng chúng tôi muốn trình bày tiếng nói có thẩm quyền của những nhân vật liên hệ để khỏi bị lên án là cố ý xuyên tạc. Khi các vụ tự thiêu ngày một tăng, ngày 3.6.1966, phát ngôn viên của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã lên tiếng cảnh cáo rằng các chiến dịch bạo động và tự thiêu nhằm làm áp lực chính phủ Hoa Kỳ can thiệp vào vấn đề nội bộ của Việt Nam, nhưng chiến dịch đó không thể làm thay đổi chính sách của Hoa Kỳ. Xử dụng nhóm Phật Giáo cực đoan để làm công cụ lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm xong, Hoa Kỳ liền trở mặt với Phật Giáo. Bước đầu tiên là dùng Tướng Nguyễn Khánh làm "chỉnh lý" để lấy lại quyền nơi tay Phật Giáo và các tướng làm đảo chánh. Bước thứ hai là kích động cho phong trào Phật Giáo gây biến loạn rồi yểm trợ cho Tướng Nguyễn Cao Kỳ dẹp tan. Các nhà lãnh đạo Phật Giáo đấu tranh bắt đầu cảm thấy xót xa. Từ việc "nhờ Mỹ giúp nước", nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung tiến đến "chống Mỹ cứu nước". Trên nhật báo Chánh Đạo của Phật Giáo trong số ra ngày 17.1.1968, Việt Bằng đã viết: "Hồi tưởng lại thời kỳ trăng mật năm 1963, ai chẳng tưởng rằng vì người Mỹ mới ý thức được rằng họ đã lầm, khi bước chân vào Việt Nam lại đi qua ngả đường mà trước kia người Pháp đi, nên tận tình ủng hộ một quảng đại quần chúng bị áp bức đứng lên lật đổ bạo quyền, và sau đó chánh sách của Mỹ sẽ hướng về mục tiêu thỏa mãn nguyện vọng của quần chúng Việt Nam. Nào ngờ sau khi lật đổ được chế độ Ngô Đình Diệm rồi thì thái độ của họ đối với Phật Giáo lại thay đổi khác hẳn." "Chính những tờ báo Mỹ trước đây nhiệt liệt ủng hộ Phật Giáo thì sau năm 1963 cũng giở giọng phàn nàn rằng Phật Giáo không phải là một tôn giáo thuần túy, mà chỉ là một tổ chức chính trị trá hình..." Ký giả Việt Bằng cho rằng việc Mỹ cho phục hồi các nhân vật của chế độ cũ là đã trực tiếp đàn áp Phật Giáo và những khó khăn trong nội bộ của Phật Giáo đều do Mỹ gây nên. Nhật báo Tiến ngày 11.10.1967 cho biết Thượng Tọa Thích Thiện Hoa, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Ấn Quang, đã cho rằng "việc xé Hiến Chương Phật Giáo cũng là ý định của một số người đang cầm quyền tại Hoa Thịnh Đốn". Nhật báo Chánh Đạo trong số ngày 17.12.1967 lại viết: "Nếu người Mỹ giữ thái độ bất can thiệp vào nội bộ Việt Nam thì biến cố miền Trung đâu có xẩy ra hậu quả trầm trọng như ngày nay". Nhật báo Chính Luận ngày 18.3.1969 có đăng lời kết án của Thượng Tọa Thích Trí Quang: "Người Mỹ phải chịu trách nhiệm về những sự việc xẩy ra ở Việt Nam dù trực tiếp hay gián tiếp". Lên án Mỹ cũng chỉ là một hình thức để che đậy một sự thật đau buồn: Tưởng rằng đã lừa được Hoa Kỳ nhập cuộc khi chống chế độ Ngô Đình Diệm, không ngờ lại bị Hoa Kỳ xử dụng như một công cụ rồi loại bỏ! Với Việt Cộng, sự liên hệ cũng không kém phần bi thảm. Tất cả công cuộc đấu tranh của nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đều do Khu ủy Khu V và Khu ủy Trị - Thiên - Huế chỉ đạo. Những điều này được ghi trong cuốn "Chiến trường Trị-Thiên-Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng" do nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản năm 1985 (chúng tôi đã trích dẫn ở trước). Các cán bộ nằm vùng của Việt Cộng được cho vào nằm ngay trong các cơ quan đầu não của bộ chỉ huy lực lượng tranh đấu của khối Ấn Quang như Võ Đình Cường, Nguyễn Trực, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Công Hoan, Tống Hồ Cầm, Hoàng Văn Giàu, Ngô Khả, Hà Xuân Kỳ v.v. Thượng Tọa Thích Minh Châu là một đảng viên Đảng Cộng Sản. Trong Đại Hội kỳ II của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vào năm 1964, Nguyễn Hữu Thọ đã tuyên bố một cách công khai: "Cuộc tranh đầu của các tín đồ tôn giáo tại Nam Việt Nam không tách rời khỏi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà đã trở thành một yếu tố của cao trào cách mạng tại Nam Việt Nam". Trong Bạch Thư công bố ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu kết luận: "Sự việc rõ ràng như thiên thanh bạch nhật, mà nhóm tranh đấu của Ấn Quang, được sự hỗ trợ ngầm của Cộng Sản nằm vùng, lải nhải vu khống cho Việt Nam Quốc Tự chia rẽ Giáo Hội, Thích Tâm Châu phá hoại và lũng đoạn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Thực như câu phương ngôn của Việt Nam thường nói: vừa đánh trống vừa ăn cướp, vừa ăn cướp vừa la làng. Cậy đông, lấy thịt đè người, mặc sức vu khống, thao túng không coi nhân quả là chi cả! Cho đến nỗi những vị Tăng không biết chút gì về việc tranh đấu, việc xây dựng Giáo Hội, cũng như các vị Tăng, Ni, Phật tử ở xa, hay sau này, cũng a dua, hùa theo sự tuyên truyền nhồi sọ của nhóm tranh đấu Ấn Quang và Cộng Sản nằm vùng trong suốt 30 năm nay. Thực tội nghiệp". Kết quả, làm công cụ cho Việt Cộng còn tệ hại hơn làm công cụ cho Hoa Kỳ: Sau khi Việt Cộng chiếm được miền Nam, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung tưởng rằng họ sẽ được trọng dụng trong chế độ mới, vì họ có công với cách mạng, không ngờ Việt Cộng chỉ giữ lại những cán bộ trung kiên như Võ Đình Cường, Tống Hòa Cầm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phan Xuân Huy, Thích Minh Châu..., các thành phần ngoại vi chẳng những bị loại ra một cách không thương xót mà còn bị gọi là "Phật Giáo phản động"! Nguy hại hơn nữa, Việt Cộng đang huấn luyện một cách nhanh chóng các "sư quốc doanh" để kiểm soát và lãnh đạo Giáo Hội. Số tăng sĩ năm 1990 chỉ còn 15.604 người, đến năm 1993 đã lên tới 20.000 người. Điều đáng ngạc nhiên là một vài tổ chức Phật Giáo hải ngoại đang góp phần tích cực vào việc huấn luyện các "sư quốc doanh" này! Kết cuộc, trong cả bốn cuộc thánh chiến, nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung đã đi từ thế chủ động đến bị động, biến Phật Giáo Việt Nam thành công cụ cho cả Hoa kỳ lẫn Cộng Sản. Trong cuộc thánh chiến thứ nhất, cả Mỹ lẫn Việt Cộng đã đặt kế hoạch và thực hiện giúp nên nhóm Phật Giáo cực đoan miền Trung coi như đã "thắng lớn". Cuộc thánh chiến thứ hai và thứ ba tuy được Khu ủy Trị-Thiên-Huế hoạch định kế hoạch và các cán bộ đặc công Việt Cộng thực hiện giúp, nhưng không được Hoa Kỳ chấp nhận nên bị đánh bại. Trong cuộc thánh chiến thứ tư, vì thiếu sự giúp đỡ về tổ chức của cả Hoa Kỳ lẫn Việt Cộng, các tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang đã đánh võ rừng, không theo một chiến lược hay chiến thuật nào, nên đã bị Việt Cộng cho đo ván ngay từ khi mới ra quân. Trong bài "Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam cuối thế kỷ 20", đăng trên Bông Sen số 17, Lý Khôi Việt đã nhận định rằng vì "thiếu trình độ, thiếu tổ chức, thiếu chuẩn bị, thiếu lãnh đạo" Phật Giáo đã "lao đầu vào những con đường cùn, cụt và vô tình thúc đẩy thêm những thay đổi chính trị, thời cuộc, thay vì thành những vận hội mới cho Dân Tộc và Đạo Pháp, thì lại thành những Pháp nạn mới". Lý Khôi Việt nhấn mạnh rằng lãnh vực của Giáo Hội là "tôn giáo, tu học, hoằng pháp, văn hóa, giáo dục và từ thiện xã hội", vì đây là "sở 2. Tuệ Giác, sách đã dẫn trên, tr. 84 - 85. 3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập III, Lá Bối, 1985, tr. 361 - 345. (?) 4. Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nhà xuất bản Sách Giáo Khoa Mác-Lênin, Tập III, 1979, tr. 200 - 234. 5. Nguyễn Tiến Hưng và J.L. Schecter, Hồ sơ mật Dinh Độc Lập, C & K Promotion, Hoa Kỳ, tr. 810 - 811. 6. Trần Văn Đôn, Our Endless War Inside Vietnam, Presidio Press. 1978, tr. 97. 7. CIA hoạt động tại Việt Nam thời đó được ngụy trang dưới cái tên là CAS. 8. Mieczyslaw Manelli, War of the Vanquished, Harper & Row, 1971. 9. Trần Văn Đôn, sách đã dẫn trên, tr. 110 - 113. 10. Hoàng Lạc & Hà Mai Việt, Nam Việt Nam 1954 - 1975, tr. 247 - 248. 11 Chiến trường Trị - Thiên - Huế trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, nhà xuất bản Thuận Hóa, 1985, tr. 75 - 76 12. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập III, Lá Bối, 1987, tr. 426 13. Chiến Trường Trị - Thiên - Huế trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, Thuận Hóa, 1985, tr. 80 - 81. 14. Lý Chánh Trung, Ba Năm Xáo Trộn, Nam Sơn, 1966, tr. 108 - 112. 15. Lý Chánh Trung, sách dẫn trên, tr. 108, 109. 16. Nguyễn Chánh Thi, Việt Nam Một Trời Tâm Sự, Xuân Thu. 1987, tr. 335 - 336. 17. Võ Văn Quan, Luật Sư, Nghề hay Nghiệp, Đặc San Luật Khoa số 5 tháng 8 năm 1993, tr. 44 - 50. 18. Chiến Trường Trị - Thiên - Huế trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, Thuận Hóa, 1985, tr. 104 - 144. 19. Tuệ Giác, Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử, Hoa Nghiêm, 1964, tr. 445. 20. Hoàng Xuân Hào, Phật Giáo và Chính Trị tại Việt Nam Ngày Nay, Tập I, tr. 190. 21. Thích Tâm Châu, Bạch Thư về vấn đề chia rẽ của Ấn Quang với Việt Nam Quốc Tự, Tổ Đình Huệ Quang, Canada, 1994, tr. 40 22. Kiêm Đạt, Lịch sử tranh đấu Phật Giáo Việt Nam, Phật Học Viện Quốc Tế, 1991, tr. 256. 23. Huyền Quang, Bản Tự Thuật, Diễn Đàn Việt Nam số 22 tháng 11 năm 1992, Cộng Hòa Liên Bang Đức, tr. 2 - 5. 24. Tạp chí Giao Điểm số 9 ngày 15.7.1992, Garden Grove, tr. 23. 25. Huyền Quang, Bản Tự Thuật số 2 ngày 15.4.1993, Quê Mẹ số 125 & 126 tháng 10 & 11.1993, Paris, tr. 68 - 69. 26. Tạp chí Quê Mẹ, số 125 & 126, tháng 10 & 11 năm 1993, Paris, tr. 41. 27. Phòng Thông Tin Liên Lạc - VP Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN-HK, Bản Tin Thống Nhất số 2 ngày 1.4.1993. 28. Richard Nixon, No More Vietnams, Arbor House, 1985, tr. 65. 29. Hoàng Xuân Hào, Phật Giáo và Chính Trị tại Việt Nam Ngày Nay, 1972, tr. 182. 30. Bảo Đại, Le Dragon D'annam, tr. 348. 31. Richard Nixon, sách đã dẫn trên, tr. 65 - 67. 32. Richard Nixon, sách đã dẫn trên, tr. 65 - 67.tr. 33 - 38.